source
stringlengths
70
218
subject
stringlengths
18
159
text
stringlengths
329
1.06M
meta
dict
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Nghi-dinh-154-2005-ND-CP-thu-tuc-hai-quan-kiem-tra-giam-sat-hai-quan-huong-dan-Luat-Hai-quan-7247.aspx
Nghị định 154/2005/NĐ-CP thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan hướng dẫn Luật Hải quan
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 154/2005/NĐ-CP Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HẢI QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 (gọi chung là Luật Hải quan) về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan. Thủ tục hải quan điện tử, thủ tục hải quan đối với hành lý, quà biếu thực hiện theo quy định riêng. 2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Điều ước quốc tế đó. Điều 2. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan 1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại hối, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, văn hoá phẩm, di vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan. 2. Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng. 3. Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Điều 3. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan 1. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, giám sát hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Hải quan. 2. Nguyên tắc kiểm tra hải quan: a) Kiểm tra hải quan được thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau thông quan; b) Kiểm tra hải quan được giới hạn ở mức độ phù hợp kết quả phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan; c) Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ hải quan quyết định hình thức, mức độ kiểm tra hải quan. Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan 1. Địa điểm làm thủ tục hải quan gồm: a) Trụ sở Chi cục hải quan cửa khẩu: cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ; b) Trụ sở Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu: địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa, địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu. 2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy hoạch và công bố hệ thống cảng nội địa. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định điều kiện và quyết định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Điều 5. Người khai hải quan 1. Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Tổ chức được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác. 3. Người được uỷ quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại). 4. Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh. 5. Đại lý làm thủ tục hải quan. 6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Điều 6. Ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan 1. Chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan là chủ hàng có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng các điều kiện: không buôn lậu; không trốn thuế; không nợ thuế quá hạn; thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể khoản này. 2. Nội dung ưu tiên: a) Được đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Hải quan; b) Được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá. Chương 2: THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ MỤC 1: HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THƯƠNG MẠI Điều 7. Hồ sơ hải quan Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải nộp các giấy tờ sau: 1. Đối với hàng hoá xuất khẩu: a) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu (bản chính); bản kê chi tiết hàng hóa đối với hàng có nhiều chủng loại hoặc hàng đóng gói không đồng nhất (bản chính); b) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật (bản chính); chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể (bản sao); c) Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao). 2. Đối với hàng hoá nhập khẩu: a) Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu (bản chính); tờ khai trị giá hàng nhập khẩu (tuỳ theo từng trường hợp); bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất (bản chính); b) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật (bản chính); chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể; c) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao); hóa đơn thương mại (bản chính); vận tải đơn (bản copy chính); d) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (bản chính); đ) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng (bản chính). 3. Các giấy tờ là bản sao quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này do người đứng đầu thương nhân hoặc người được người đứng đầu thương nhân uỷ quyền xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các giấy tờ này. 4. Cơ quan hải quan phải có văn bản khi yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Điều 8. Khai hải quan 1. Việc khai hải quan được thực hiện trên mẫu tờ khai hải quan do Bộ Tài chính quy định. 2. Người khai hải quan khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng về tên và mã số hàng hoá, đơn vị tính, số lượng, trọng lượng, chất lượng, xuất xứ, đơn giá, trị giá hải quan, các loại thuế suất và các tiêu chí khác quy định tại tờ khai hải quan; tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai. Điều 9. Đăng ký tờ khai hải quan 1. Thời hạn đăng ký tờ khai hải quan a) Thời hạn đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan; b) Đối với hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu đường sông quốc tế, đường bộ, đường hàng không, bưu điện quốc tế, thời gian đăng ký tờ khai hải quan chậm nhất là 02 giờ trước khi hàng hoá được xuất khẩu qua biên giới; c) Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu trước khi hàng hóa đến cửa khẩu dỡ hàng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan; d) Trường hợp không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan, cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản cho người khai hải quan biết. 2. Trường hợp có lý do chính đáng, Chi cục trưởng Hải quan quyết định gia hạn thời gian nộp bản chính một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan (trừ giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu) trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. 3. Trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có lý do chính đáng, có văn bản đề nghị và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận thì được bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan đã đăng ký; trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác. 4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai. 5. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo quy định của Điều 35 Luật Hải quan, người khai hải quan được nộp tờ lược khai hải quan để thông quan, sau đó nộp tờ khai chính thức và chứng từ kèm theo tờ khai trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ lược khai. Tờ lược khai hải quan có các nội dung sau: tên, địa chỉ người xuất khẩu hàng hoá, người nhập khẩu hàng hoá; những thông tin sơ bộ về tên hàng, lượng hàng; cửa khẩu nhập; thời gian phương tiện vận tải vận chuyển lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Hàng có thuế được áp dụng chính sách thuế có hiệu lực tại thời điểm đăng ký và nộp tờ lược khai hải quan. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể các trường hợp khẩn cấp khác tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan. 6. Đăng ký tờ khai hải quan một lần. a) Người khai hải quan thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng nhất định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua bán hàng hoá, qua cùng cửa khẩu được đăng ký tờ khai và nộp hồ sơ hải quan một lần để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng đó nhiều lần trong khoảng thời gian giao hàng quy định trong hợp đồng mua bán hàng hoá; b) Thời hạn thanh khoản tờ khai hải quan đăng ký một lần chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng cuối cùng hoặc kết thúc hợp đồng. Điều 10. Kiểm tra hồ sơ hải quan 1. Nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan, đối chiếu nội dung khai với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại Điều 7 Nghị định này; kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung khai với quy định hiện hành của pháp luật. 2. Mức độ kiểm tra: a) Đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan: Công chức hải quan kiểm tra việc khai các tiêu chí trên tờ khai, kiểm tra sơ bộ nội dung khai của người khai hải quan, kiểm đếm đủ số lượng, chủng loại các chứng từ kèm theo tờ khai hải quan. Trường hợp phát hiện có sai phạm thì thực hiện kiểm tra hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản này. b) Đối với chủ hàng khác: Công chức hải quan kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, kiểm tra số lượng, chủng loại giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, tính đồng bộ giữa các chứng từ trong hồ sơ hải quan; kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật. Điều 11. Kiểm tra thực tế hàng hoá 1. Nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ của hàng hoá. Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hoá với hồ sơ hải quan. 2. Mức độ kiểm tra: a) Miễn kiểm tra thực tế hàng hoá đối với: a.1) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan; a.2) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu sau đây của các chủ hàng khác: - Hàng hoá xuất khẩu (trừ hàng hoá xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và hàng hoá xuất khẩu có điều kiện theo quy định về chính sách quản lý xuất khẩu hàng hoá); - Máy móc thiết bị tạo tài sản cố định thuộc diện miễn thuế của dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước; - Hàng hoá từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, cảng trung chuyển, kho ngoại quan; hàng hoá quá cảnh; hàng hoá cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan; hàng hoá chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh quốc phòng; hàng hoá viện trợ nhân đạo; hàng hoá tạm nhập - tái xuất có thời hạn quy định tại các Điều 30, 31, 32 và 37 Nghị định này; - Hàng hoá thuộc các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; - Hàng hoá khác không thuộc các trường hợp trên được miễn kiểm tra thực tế khi kết quả phân tích thông tin cho thấy không có khả năng vi phạm pháp luật hải quan (trừ hàng hóa nêu tại điểm b1, khoản 2 Điều này). b) Kiểm tra thực tế tới toàn bộ lô hàng đối với: b.1) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; b.2) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế, nhưng cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan; b.3) Hàng hoá xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan qua kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan. c) Kiểm tra xác suất để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng tối đa không quá 5% tổng số tờ khai hải quan. 3. Xử lý kết quả kiểm tra. a) Trường hợp người khai hải quan không nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan về tên, mã số, trọng lượng, chủng loại, chất lượng của hàng hoá thì cùng cơ quan hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành để giám định. Kết luận của cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành có giá trị để các bên thực hiện. Cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình; Trường hợp người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn tổ chức giám định thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để kết luận. Nếu người khai hải quan không đồng ?ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật. b) Đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng có thẩm quyền phải có kết luận về chất lượng hàng hoá nhập khẩu để cơ quan hải quan hoàn thành việc thông quan hàng hoá. Đối với hàng hoá xuất khẩu, người khai hải quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật về chất lượng hàng xuất khẩu. Điều 12. Thông quan hàng hoá 1. Cơ quan hải quan thông quan hàng hoá căn cứ vào: a) Khai báo của người khai hải quan hoặc kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước, tổ chức giám định đối với trường hợp hàng hoá miễn kiểm tra thực tế; b) Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan đối với trường hợp hàng hoá được kiểm tra thực tế; c) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng; d) Kết quả giám định đối với hàng hóa có yêu cầu giám định; đ) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc diện chịu các loại thuế ở khâu nhập khẩu, hàng được miễn thuế, hàng gia công, hàng đặc biệt khác được thông quan ngay sau khi có xác nhận của cơ quan hải quan trên tờ khai về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa; e) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện có thuế được thông quan sau khi người khai hải quan đã nộp thuế hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc được áp dụng thời gian nộp thuế quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không, nếu chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hoá về bảo quản thì Chi cục trưởng Hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. 3. Các trường hợp thông quan có điều kiện: a) Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 Luật Hải quan; b) Hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích, phân loại hàng hoá để xác định chính xác số thuế phải nộp được thông quan theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Hải quan. Điều 13. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu 1. Hàng hoá chịu sự giám sát hải quan gồm: a) Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa thực xuất khẩu; b) Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan; c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan; d) Hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh; đ) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu; e) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cảng. 2. Các phương thức giám sát hải quan: a) Niêm phong hải quan, bao gồm: niêm phong bằng giấy niêm phong hải quan, bằng dây hoặc bằng khoá chuyên dụng hải quan. Niêm phong hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định này; b) Giám sát trực tiếp của công chức hải quan; c) Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật; Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hoá được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định. Điều 14. Niêm phong hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Các trường hợp sau đây phải niêm phong hải quan: 1. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu. 2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng được dỡ xuống cửa khẩu nhập và xếp lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển đến cảng đích. 3. Hàng hoá xuất khẩu được kiểm tra tại địa điểm ngoài cửa khẩu vận chuyển ra cửa khẩu xuất. 4. Hàng hoá xuất khẩu do hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thực tế. Điều 15. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ 1. Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ coi như hàng xuất khẩu; hàng hoá nhập khẩu tại chỗ coi như hàng nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Căn cứ để xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hoá phải có hai hợp đồng riêng biệt: a) Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam; b) Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam. 3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. MỤC 2 : HÀNG HOÁ CHUYỂN CẢNG, CHUYỂN CỬA KHẨU, QUÁ CẢNH Điều 16. Nguyên tắc quản lý hải quan đối với hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh Hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh phải đảm bảo các điều kiện sau: giữ nguyên trạng hàng hoá, niêm phong; vận chuyển đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu và thời gian đăng ký trong hồ sơ hải quan. Điều 17. Hàng hoá chuyển cảng 1. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng là hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đến cửa khẩu nhập, nhưng được người vận tải tiếp tục vận chuyển đến cảng đích ghi trên vận tải đơn theo hợp đồng vận tải để làm thủ tục nhập khẩu. Cảng đích là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng do chính phương tiện vận tải nhập cảnh hoặc do phương tiện vận tải khác vận chuyển lô hàng đến cảng đích. 2. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cảng là hàng hoá xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, người xuất khẩu đã giao hàng hoá cho người vận tải theo hợp động vận tải tại cửa khẩu giao hàng, người vận tải đã ký phát vận tải đơn cho lô hàng nhưng hàng hoá chưa được xuất khẩu tại cửa khẩu giao hàng, mà được người vận tải tiếp tục vận chuyển đến cửa khẩu khác để xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh. Cửa khẩu giao hàng là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cảng do một hoặc nhiều phương tiện vận tải vận chuyển từ cảng giao hàng đầu tiên đến cảng xuất cảnh và ra nước ngoài. 3. Thủ tục chuyển cảng: a) Trách nhiệm của người vận tải: - Làm thủ tục hải quan để chuyển cảng hàng hoá; - Luân chuyển hồ sơ hải quan giữa hải quan cảng đi, hải quan cảng đến; - Đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có), niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng chuyển cảng. b) Trách nhiệm của hải quan cảng đi: - Lập biên bản bàn giao: 02 bản; - Niêm phong hồ sơ hải quan gồm: 01 biên bản bàn giao, 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), giao người vận tải chuyển cho hải quan cảng đến; - Lưu 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao. c) Trách nhiệm của hải quan cảng đến: - Tiếp nhận hồ sơ chuyển cảng và thực hiện giám sát cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu làm xong thủ tục nhập khẩu; - Lưu 01 bản lược khai hàng hoá, 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao; - Thông báo ngay cho hải quan cảng đi về việc tiếp nhận hàng hoá, hồ sơ chuyển cảng và tình hình hàng hoá chuyển cảng. Điều 18. Hàng hoá chuyển cửa khẩu 1. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất. 2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa. 3. Hàng hoá nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm: a) Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình; b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất; c) Hàng hoá nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa; d) Hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm; hàng hoá dự hội chợ, triển lãm tái xuất được chuyển cửa khẩu từ địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm ra cửa khẩu xuất; đ) Hàng hoá nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được chuyển cửa khẩu về cửa hàng miễn thuế; e) Hàng hoá nhập khẩu đưa vào kho ngoại quan được phép chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan; hàng hoá gửi kho ngoại quan xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất; g) Hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ khu chế xuất ra cửa khẩu xuất. 4. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu: a) Đối với hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu: - Người khai hải quan: có đơn đề nghị chuyển cửa khẩu gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; nộp hồ sơ hải quan theo quy định; luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập với Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; - Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: tiếp nhận hồ sơ; đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; ghi ý kiến xác nhận vào đơn xin chuyển cửa khẩu. Niêm phong hồ sơ hải quan theo quy định giao người khai hải quan chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; tiếp nhận hàng hoá được chuyển đến từ cửa khẩu nhập; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao và xác nhận vào biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lập; làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hoá theo đúng quy định; thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập biết kết quả kiểm tra về các thông tin về hàng hoá đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý; - Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập: kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hoá; lập biên bản bàn giao và giao hàng hoá cho người khai hải quan chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; niêm phong hàng hoá thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này; thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu những thông tin cần lưu ý về hàng hoá. b) Đối với hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu: - Người khai hải quan: nộp hồ sơ hải quan theo quy định tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; đưa hàng hoá đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế); luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có) trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá đến cửa khẩu xuất; - Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu theo đúng quy định; lập biên bản bàn giao, giao hàng hoá và hồ sơ hải quan cho người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; - Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất: tiếp nhận hàng hoá; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến; giám sát hàng hoá cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu. Điều 19. Hàng hóa quá cảnh 1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng. 2. Hàng hoá quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu. 3. Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền thì phải xin phép Bộ Thương mại. 4. Chứng từ phải nộp khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá quá cảnh: a) Bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh giữ nguyên trạng đi thẳng; quá cảnh chuyển tải sang cùng loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không (trừ hàng hoá quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không); b) Tờ khai hải quan hàng hoá quá cảnh và bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh phải lưu kho hoặc thay đổi loại phương tiện vận tải. 5. Trách nhiệm của cơ quan hải quan: a) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh tiếp nhận bản kê khai hàng hoá quá cảnh hoặc tờ khai hải quan về lô hàng quá cảnh, niêm phong nơi chứa hàng hoá và xác nhận nguyên trạng hàng hóa trên bản kê khai hàng hóa và tờ khai hải quan (đối với trường hợp phải khai hải quan) và giao cho người điều khiển phương tiện vận tải chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh; b) Trường hợp hàng hoá quá cảnh thuộc diện không niêm phong được thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa từ cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh đến cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh; c) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh tiếp nhận bản kê khai hoặc tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh chuyển đến, kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc nguyên trạng hàng hoá để đối chiếu với các nội dung xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh trên bản kê khai hàng hóa hoặc tờ khai hải quan quá cảnh để làm thủ tục xuất cảnh. 6. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng của hàng hoá. MỤC 3 : HÀNG HOÁ ĐƯA VÀO, ĐƯA RA CẢNG TRUNG CHUYỂN, KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO, KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ Điều 20. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ nước ngoài vào, ra cảng trung chuyển 1. Hàng hoá trung chuyển là hàng hoá từ nước ngoài đưa vào cảng trung chuyển, sau đó tiếp tục được đưa ra nước ngoài. Hàng hoá trung chuyển được đưa ra nước ngoài toàn bộ hoặc từng phần của lô hàng đã chuyển vào cảng. 2. Hàng hoá trung chuyển phải khai hải quan, chịu sự giám sát hải quan trong suốt quá trình lưu giữ tại cảng. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá trung chuyển chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 3. Trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hoá: a) Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển; b) Chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hoá trong suốt quá trình hàng hoá lưu giữ tại cảng; c) Theo uỷ quyền của chủ hàng, người kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hoá được thực hiện các dịch vụ gia cố bao bì, chia gói, đóng gói lại để bảo quản hàng hoá và phù hợp với yêu cầu vận chuyển. Điều 21. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do Hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan như sau: 1. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, hàng hóa đưa từ khu thương mại tự do ra nước ngoài phải khai hải quan. Kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 2. Hàng hoá từ khu thương mại tự do đưa vào nội địa phải làm thủ tục như đối với hàng hoá nhập khẩu. 3. Hàng hoá từ nội địa đưa vào khu thương mại tự do theo hợp đồng thương mại phải làm thủ tục như đối với hàng hoá xuất khẩu. 4. Hàng hoá chuyển từ khu thương mại tự do này sang khu thương mại tự do khác thực hiện thủ tục hải quan như hàng chuyển cửa khẩu quy định tại Điều 18 Nghị định này. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do và các khu phi thuế quan khác. Điều 22. Kho ngoại quan 1. Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng. 2. Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau: a) Cảng biển quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu đường sắt và đường bộ quốc tế là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; b) Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt khác. 3. Điều kiện thành lập kho ngoại quan: a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; b) Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; c) Kho, bãi được thành lập tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan; d) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận chuyển phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. 4. Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. 5. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập kho ngoại quan. Điều 23. Các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan Chủ hàng hoá gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho chủ kho ngoại quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan: 1. Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; phân loại phẩm cấp hàng hoá, bảo dưỡng hàng hoá. 2. Làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào kho ngoại quan. 3. Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác. 4. Chuyển quyền sở hữu hàng hoá. Điều 24. Thuê kho ngoại quan 1. Đối tượng được phép thuê kho ngoại quan: a) Thương nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế; b) Thương nhân nước ngoài; c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài. 2. Hợp đồng thuê kho ngoại quan: Hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ kho ngoại quan và chủ hàng thoả thuận theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thuê kho ngoại quan phải quy định rõ tên hàng hoá, chủng loại hàng hoá, khối lượng hàng hoá, chất lượng hàng hoá, thời hạn thuê kho, các dịch vụ quy định tại Điều 23 Nghị định này nếu chủ hàng có yêu cầu, trách nhiệm của các bên ký hợp đồng thuê kho ngoại quan. 3. Thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan không quá 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày, kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho. Chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho hải quan kho ngoại quan biết trước khi hợp đồng thuê kho hết hạn. Trường hợp chủ hàng có đơn đề nghị, được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan thì thời hạn hợp đồng thuê kho được gia hạn thêm không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho hết hạn. 4. Quá thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật. 5. Trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan, nếu chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó. 6. Việc thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan được tiến hành theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ thanh lý hàng hoá được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí lưu kho, các chi phí khác liên quan đến việc thanh lý hàng hoá theo quy định của pháp luật. Điều 25. Quản lý lưu giữ, bảo quản hàng hoá gửi kho ngoại quan 1. Hàng hoá từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hoá từ nước ngoài muốn quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan. Hàng hoá sau đây không được gửi kho ngoại quan: a) Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam; b) Hàng hoá gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường; c) Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép. 2. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm: a) Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam; b) Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu; c) Hàng hóa từ nước ngoài quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba. 3. Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm: a) Hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu; b) Hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất; c) Hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc tái xuất khẩu. 4. Hàng hoá lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải phù hợp với hợp đồng thuê kho ngoại quan. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật. 5. Chủ kho ngoại quan phải mở sổ kế toán theo dõi xuất kho, nhập kho theo quy định của Bộ Tài chính. Định kỳ 6 (sáu) tháng một lần, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Hải quan về thực trạng hàng hóa trong kho và tình hình hoạt động của kho. 6. Trong trường hợp muốn tiêu huỷ những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng phát sinh trong quá trình lưu kho, chủ kho ngoại quan phải có văn bản thỏa thuận với chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng về việc đồng ý tiêu huỷ hàng hoá. Văn bản thoả thuận được gửi cho Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan. Thủ tục tiêu hủy hàng hoá thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 26. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan 1. Hàng hoá đưa vào kho ngoại quan: a) Đối với hàng hóa từ nước ngoài: chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai nhập kho ngoại quan, vận tải đơn; b) Đối với hàng hóa từ nội địa Việt Nam: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan. 2. Hàng hoá đưa ra khỏi kho ngoại quan: a) Đối với hàng hóa đưa ra nước ngoài: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng nộp tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu; giấy uỷ quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho); phiếu xuất kho theo đúng mẫu quy định của Bộ Tài chính; b) Đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam: - Hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được chuyển quyền sở hữu, hàng hoá gửi kho ngoại quan được Cục Hải quan thanh lý, nếu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu khác theo quy định; - Thời điểm nhập khẩu thực tế hàng hoá là thời điểm cơ quan hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng nhập khẩu. c) Đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan thuộc diện buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam. Điều 27. Thành lập kho bảo thuế 1. Kho bảo thuế là kho được thành lập chỉ để lưu giữ nguyên liệu nhập khẩu nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng xuất khẩu của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế. 2. Điều kiện thành lập kho bảo thuế: a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; b) Không nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế; c) Có hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ theo quy định của pháp luật; d) Kho được xây dựng trong khu vực bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan hải quan. 3. Cục trưởng Hải quan ra quyết định thành lập kho bảo thuế. 4. Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý kho bảo thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát kho bảo thuế. Cơ quan hải quan không trực tiếp giám sát, niêm phong kho bảo thuế. Điều 28. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào kho bảo thuế 1. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, trừ thủ tục nộp thuế. 2. Phần nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan chưa thu thuế nhưng phải xác định rõ tên hàng, chủng loại, lượng hàng trên tờ khai hải quan và phải vào sổ theo dõi theo quy định của pháp luật. Điều 29. Xử lý hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất và thanh khoản hàng hoá trong kho bảo thuế 1. Hàng hoá gửi vào kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất được làm thủ tục hải quan để tái xuất hoặc tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ được thực hiện như sau: a) Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế, nêu rõ lý do cần huỷ, tên nguyên liệu, chủng loại, số lượng nguyên liệu, tờ khai hải quan nhập khẩu (số, ngày, tháng, năm); b) Doanh nghiệp tự tổ chức và chịu trách nhiệm về việc tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và cơ quan môi trường; c) Kết quả tiêu huỷ phải được lập biên bản chứng nhận. Biên bản này là chứng từ thanh khoản sau này. 2. Thanh khoản hàng tại kho bảo thuế. Kết thúc năm kế hoạch (ngày 31 tháng 12 hàng năm), chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo, doanh nghiệp phải lập bảng tổng hợp các tờ khai hải quan nhập khẩu và tổng lượng nguyên liệu đã nhập khẩu theo chế độ bảo thuế, tổng hợp các tờ khai hải quan xuất khẩu và tổng lượng sản phẩm phải xuất khẩu gửi cơ quan hải quan. - Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay cho phần sản phẩm hoàn chỉnh chênh lệch giữa lượng sản phẩm phải xuất khẩu và lượng sản phẩm thực xuất. Việc nộp chậm thuế được xử lý theo quy định của pháp luật. - Nếu tỷ lệ xuất khẩu cao hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế phần chênh lệch giữa xuất khẩu và phần đã nộp thuế. - Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các báo cáo tổng hợp quy định tại Điều này. MỤC 4:HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO CÁC LOẠI HÌNH KHÁC Điều 30. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm 1. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm nhập). a) Hàng hóa tạm nhập được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc kiểm tra tại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm; b) Hàng hóa tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 2. Hàng hoá tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm xuất). a) Hàng hóa tạm xuất được làm thủ tục hải quan tại trụ sở Hải quan cửa khẩu hoặc tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; b) Hàng hóa tạm xuất thuộc diện cấm xuất khẩu, xuất khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại thị trường nước ngoài phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 3. Hàng hóa tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng hoá tạm xuất thuộc diện cấm xuất khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cùng một cửa khẩu. Điều 31. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập có thời hạn 1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp cần thiết cho công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm xuất, tạm nhập trong thời hạn nhất định, phù hợp với yêu cầu công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh. 2. Hồ sơ hải quan gồm: a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết hàng hoá; b) Văn bản đề nghị của người khai hải quan; c) Vận tải đơn (đối với hàng tạm nhập); d) Giấy tờ xác nhận công việc có sử dụng máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập của cơ quan, tổ chức nơi người xuất cảnh, nhập cảnh công tác. Điều 32. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập, tái xuất để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài 1. Các hãng vận tải đường biển, đường hàng không nước ngoài có tàu biển, tàu bay đến sửa chữa ở Việt Nam được phép gửi linh kiện, phụ tùng tới để phục vụ việc sửa chữa. 2. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập, tái xuất để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài do chính tàu bay, tàu biển đó mang theo khi nhập cảnh hoặc gửi trước, gửi sau theo địa chỉ của đại lý hãng tàu hoặc của nhà máy sửa chữa. 3. Người khai hải quan là người điều khiển tàu bay, tàu biển hoặc đại lý hãng tàu hoặc nhà máy sửa chữa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng linh kiện, phụ tùng tạm nhập đúng mục đích đã khai báo và thanh khoản. 4. Hồ sơ hải quan gồm: a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết hàng hoá; b) Vận tải đơn; c) Văn bản đề nghị của người khai hải quan. Điều 33. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính, gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế 1. Hàng hóa thuộc loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nào thì áp dụng quy định thủ tục hải quan đối với loại hình xuất khẩu, nhập khẩu đó. 2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế là đại diện hợp pháp của chủ hàng. Khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây của chủ hàng: a) Khai hải quan; b) Xuất trình hàng hoá để hải quan kiểm tra; c) Nộp thuế (nếu hàng có thuế); d) Nhận hàng để chuyển trả cho chủ hàng. 3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế được khai hàng hoá của nhiều chủ hàng trên một tờ khai hải quan. Điều 34. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới 1. Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hóa qua lại biên giới theo mức quy định thì không phải khai hải quan, nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Nơi không có cơ quan hải quan thì Bộ đội Biên phòng thực hiện việc quản lý hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 35. Tài sản di chuyển xuất khẩu, nhập khẩu 1. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam phục vụ cho công tác và sinh hoạt trong thời hạn ở Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau: a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản; b) Giấy xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp; c) Vận tải đơn. 2. Người nước ngoài chuyển tài sản di chuyển ra khỏi Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau: a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản; b) Giấy xác nhận hết thời gian làm việc, cư trú do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp; c) Tờ khai nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan kèm theo chứng từ thanh khoản tài sản tạm nhập với cơ quan hải quan và chứng từ nộp thuế đối với hàng hoá thuộc diện phải nộp thuế. 3. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa từ Việt Nam ra nước ngoài để làm việc hoặc mua tại nước ngoài, khi hết thời hạn chuyển về nước phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm: a) Tờ khai hải quan; b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh và làm việc ở nước ngoài hoặc cho phép trở về Việt Nam; c) Tờ khai hải quan xuất khẩu và các chứng từ khác chứng minh đã mang hàng ra nước ngoài hoặc hóa đơn mua hàng ở nước ngoài. 4. Tài sản di chuyển của người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài mang về nước khi được phép trở về định cư ở Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm: a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản; b) Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc quyết định cho phép định cư ở nước ngoài (nếu xuất cảnh); c) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân. Điều 36. Ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu 1. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo hàng hoá là đá quý, kim khí quý (trừ vàng tiêu chuẩn quốc tế) phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải làm thủ tục hải quan. 2. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng tiền mặt Việt Nam: a) Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền xu và séc du lịch), đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước thì phải khai hải quan tại cửa khẩu; b) Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định hoặc vượt số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước; c) Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định nhưng không vượt quá số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải xuất trình tờ khai hải quan khi nhập cảnh mà không cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. 3. Người nhập cảnh, xuất cảnh có mang vàng tiêu chuẩn quốc tế thì thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều 37. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh 1. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu khẩn cấp: a) Thủ trưởng cơ quan có văn bản xác nhận hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ các yêu cầu khẩn cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận của mình; b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan; c) Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào tính chất, chủng loại hàng hoá, mức độ khẩn cấp để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá phù hợp. 2. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ trực tiếp các yêu cầu về an ninh, quốc phòng: a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận là phục vụ trực tiếp các yêu cầu về an ninh, quốc phòng được thông quan hàng hoá trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan; b) Hàng hoá phục vụ các yêu cầu trực tiếp về an ninh, quốc phòng có văn bản xác nhận của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận phải được bảo đảm an toàn cao hoặc có yêu cầu bảo mật đặc biệt (tối mật, tuyệt mật) được miễn kiểm tra thực tế và miễn khai hải quan. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung văn bản xác nhận của mình. Điều 38. Thủ tục hải quan theo chế độ ưu đãi, miễn trừ 1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn làm thủ tục hải quan. 2. Hành lý cá nhân, phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức sau đây được miễn kiểm tra hải quan: a) Phương tiện vận tải, đồ vật dùng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật; b) Những người mang hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao hoặc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước ta ở nước ngoài cấp hoặc do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của những nước đã công nhận Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp; c) Vợ (hoặc chồng), các con chưa đến tuổi thành niên cùng đi với đối tượng quy định tại điểm b khoản này. 3. Hàng hoá khác được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 4. Khi có căn cứ để khẳng định phương tiện vận tải, hàng hoá, vật dụng của các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này theo quy định tại Điều 62 Luật Hải quan. Điều 39. Hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu thất lạc, nhầm lẫn 1. Khi làm thủ tục hải quan để nhận lại hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn, chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền phải nộp các giấy tờ sau: a) Chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối với hàng hoá, hành lý ký gửi; b) Bản kê hàng hoá, hành lý ký gửi (nếu có). 2. Trường hợp không xác định được người nhận hàng hoá, hành lý ký gửi quy định tại Điều này thì xử lý theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan. Chương 3: THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH Điều 40. Quy định chung 1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Khi làm thủ tục hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì người điều khiển phương tiện vận tải phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan để kiểm tra, khám xét theo quy định của pháp luật. 2. Cảng vụ, sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước cho Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin quy định tại Điều 56 Luật Hải quan. Các tổ chức vận tải có trách nhiệm cung cấp cho Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin về hàng hoá, hành khách, tổ lái, người làm việc trên các phương tiện vận tải và các thông tin khác có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan hải quan. 3. Các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này được cung cấp bằng văn bản hoặc qua máy tính được nối mạng trực tiếp với Chi cục Hải quan. 4. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh chịu sự giám sát hải quan quy định tại Điều 13 Nghị định này. 5. Phương tiện vận tải quân sự chở hành khách và hàng hoá dân sự khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục hải quan như các phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khác. Điều 41. Tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh 1. Ngay sau khi tàu bay nhập cảnh và trước khi cơ quan hàng không hoàn thành thủ tục hàng không cho hành khách xuất cảnh và hàng hoá xuất khẩu, người điều khiển tàu bay hoặc người đại diện phải nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hàng không các chứng từ sau: a) Bản kê hàng hoá và hành lý; b) Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu bay; c) Danh sách hành khách. 2. Tàu bay quá cảnh khi dừng kỹ thuật không phải làm thủ tục kê khai hải quan, nhưng phải chịu sự giám sát hải quan. Điều 42. Tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh 1. Thủ tục hải quan: a) Chậm nhất 01 (một) giờ trước khi tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh đã sẵn sàng làm thủ tục hải quan, cơ quan cảng vụ và chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan tại cảng các thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 40 Nghị định này; b) Cơ quan hải quan làm thủ tục cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại vị trí quy định. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định tàu biển neo đậu tại địa điểm khác trên vùng biển của Việt Nam thì thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được làm tại địa điểm đó. 2. Hồ sơ hải quan: Thuyền trưởng hoặc người đại diện khi làm thủ tục hải quan phải xuất trình cho cơ quan hải quan tại cảng nhật ký hành trình tầu (đối với nhập cảnh), sơ đồ xếp hàng trên tàu và nộp các bản khai sau: a) Bản kê khai hàng hoá chuyên chở trên tàu biển; b) Tờ khai tàu đi, đến đối với xuất cảnh, nhập cảnh; c) Bản khai nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm của tàu; d) Bản khai chất nổ, chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tàu; đ) Danh sách thuyền viên; e) Danh sách hành khách (nếu có hành khách); g) Tờ khai hàng hoá, hành lý của thuyền viên. 3. Không được rút lại và sửa chữa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan, trừ trường hợp có lý do chính đáng và việc sửa chữa các chứng từ đó không ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận. Điều 43. Tàu biển, tàu bay chuyển cảng 1. Tàu biển, tàu bay chuyển cảng là việc tàu biển, tàu bay đang trong thời gian chuyển từ cảng này sang cảng khác để dỡ hàng nhập khẩu hoặc xếp hàng xuất khẩu dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. 2. Trước khi chuyển cảng, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp bản kê khai hàng hóa cho cơ quan hải quan. 3. Cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tàu biển, tàu bay chuyển đi làm thủ tục chuyển cảng và giao hồ sơ cho người điều khiển tàu chuyển đến cơ quan hải quan taị khu vực cảng nơi tàu biển, tàu bay chuyển đến. 4. Hàng hoá chuyển cảng, kho lương thực, thực phẩm của tàu biển chuyển cảng phải được niêm phong hải quan, trừ trường hợp hàng nhập khẩu vẫn nằm trong khoang chứa hàng, chưa di chuyển khỏi tàu. Điều 44. Tàu liên vận quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bằng đường sắt 1. Tàu liên vận quốc tế xuất cảnh: khi đoàn tàu xuất cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau đây: a) Tờ khai thành phần đoàn tàu, danh sách, tờ khai hành lý của tổ lái và những người làm việc trên tàu; b) Bản kê khai hàng hoá xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tàu chuyên chở hàng hoá); c) Danh sách hành khách và phiếu gửi hành lý không theo người của hành khách (nếu là tàu chuyên chở hành khách); d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu. 2. Tàu liên vận quốc tế nhập cảnh: khi đoàn tàu nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau: a) Tờ khai thành phần đoàn tàu, tờ khai, bản kê hành lý của tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu; b) Bản kê khai hàng hoá nhập khẩu, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tàu chuyên chở hàng hoá); c) Danh sách hành khách và các phiếu gửi hành lý không theo người (nếu là tàu chuyên chở hành khách); d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu; đ) Bản trích lược khai hàng hóa dỡ xuống từng ga liên vận nội địa. 3. Tàu liên vận quốc tế tại ga liên vận nội địa: khi đoàn tàu tới ga liên vận nội địa, trưởng tàu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga: a) Bản trích lược khai hàng hoá nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan tại ga liên vận biên giới; b) Vận tải đơn; c) Giấy giao tiếp hàng quá cảnh (nếu có hàng quá cảnh quốc tế). 4. Người phụ trách tàu liên vận quốc tế hoặc chủ hàng chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, toa xe trong quá trình vận chuyển từ ga xếp hàng ở nội địa đến ga xuất cảnh (đối với hàng xuất) và từ ga nhập cảnh tới ga dỡ hàng ở nội địa (đối với hàng nhập). Điều 45. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh 1. Ô tô quy định tại Điều này bao gồm xe ô tô chuyên chở hàng hoá, hành khách với mục đích thương mại. 2. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tới cửa khẩu biên giới phải đỗ đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu những giấy tờ sau đây: a) Giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ được ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới hoặc Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa các nước trong khu vực; b) Tờ khai hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; c) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có chuyên chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu); d) Tờ khai hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe; đ) Danh sách hành khách và tờ khai hành lý của hành khách (nếu có hành khách). Điều 46. Các phương tiện vận tải khác Đối với các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau: 1. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu). 2. Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải và của hành khách (nếu có). Điều 47. Phương tiện vận tải của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập không vì mục đích thương mại 1. Phương tiện vận tải của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh không vì mục đích thương mại quy định tại Điều này gồm xe ô tô chở người, xe vừa chở người vừa chở hàng, xe gắn máy, thuyền, xuồng có gắn máy và không gắn máy. Khi tạm nhập, tạm xuất phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước có chung đường biên giới. 2. Phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức khu vực biên giới thường xuyên qua lại biên giới không phải xin cấp giấy phép. 3. Hồ sơ hải quan gồm: a) Tờ khai hải quan; b) Giấy phép (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu); c) Giấy đăng ký lưu hành. 4. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Chương 4: KIỂM SOÁT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU Điều 48. Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan 1. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được uỷ quyền hợp pháp (dưới đây gọi tắt là người nộp đơn) có quyền nộp đơn đề nghị dài hạn hoặc trong từng trường hợp cụ thể để cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (dưới đây gọi tắt là đề nghị tạm dừng). 2. Việc ủy quyền nộp đơn thực hiện như sau: a) Cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác của Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn; b) Pháp nhân nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được uỷ quyền cho văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn; c) Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam và không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp và không có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam chỉ có thể uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn. 3. Khi đề nghị tạm dừng, người nộp đơn phải cung cấp cho cơ quan hải quan các tài liệu sau: a) Đối với trường hợp đề nghị dài hạn: - Đơn đề nghị (theo mẫu quy định); - Bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan; - Giấy uỷ quyền nộp đơn (trường hợp uỷ quyền); - Mô tả chi tiết hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm ảnh chụp (nếu có), các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền; - Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hoá có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; - Phương thức xuất khẩu, nhập khẩu và những thông tin khác liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền (nếu có); - Nộp lệ phí tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. b) Đối với trường hợp đề nghị cụ thể: - Đơn đề nghị (theo mẫu quy định); - Bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam, hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan; - Giấy uỷ quyền nộp đơn (trường hợp nộp đơn theo uỷ quyền); - Tên địa chỉ của người xuất khẩu, người nhập khẩu hàng hoá (nếu có); - Các thông tin dự đoán về thời gian và địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu; - Bản mô tả chi tiết hoặc ảnh chụp hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; - Kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ đối với chứng cứ ban đầu; - Chứng từ nộp tiền bảo đảm vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước mức nộp bằng 20% giá trị lô hàng theo giá ghi trong hợp đồng hoặc tối thiểu 20 triệu đồng (trường hợp chưa biết trị giá lô hàng nghi ngờ xâm phạm) hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để đảm bảo bồi thường thiệt hại cho chủ hàng và thanh toán các chi phí do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; - Nộp lệ phí tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều 49. Thời hạn, phạm vi yêu cầu 1. Thời hạn hiệu lực của đơn đề nghị dài hạn là 01 (một) năm kể từ ngày cơ quan hải quan chấp nhận đơn. Thời hạn nói trên có thể được gia hạn thêm 01 (một) năm nhưng không được quá thời hạn bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan và người nộp đơn có trách nhiệm nộp lệ phí gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính. 2. Nơi nhận đơn yêu cầu: a) Chi cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Hải quan đó; b) Cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan đó; c) Tổng cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của từ 02 Cục Hải quan trở lên. 3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu dài hạn hoặc 24 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn và ghi nhận các thông tin trong đơn nếu đơn được nộp đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này. Trường hợp từ chối đơn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 50. Thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ 1. Sau khi chấp nhận đơn yêu cầu, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan cung cấp cho các Chi cục Hải quan thuộc phạm vi yêu cầu nêu trong đơn các thông tin đã được ghi nhận về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. 2. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, căn cứ các thông tin được ghi nhận nêu trong đơn yêu cầu và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan có trách nhiệm triển khai việc kiểm tra để phát hiện hàng hoá nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện lô hàng nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục trưởng Hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan và thông báo ngay bằng văn bản cho người nộp đơn, đồng thời yêu cầu trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo phải nộp tiền tạm ứng hoặc chứng từ bảo lãnh (nếu chưa nộp). a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ thời điểm tạm dừng, nếu người nộp đơn không đề nghị tiếp tục tạm dừng làm thủ tục hải quan và không nộp khoản tiền tạm ứng hoặc chứng từ bảo lãnh thì Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng đó; b) Trường hợp người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì Chi cục trưởng Hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đó và gửi ngay quyết định này cho các bên liên quan. Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nêu rõ lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan; tên, địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của chủ lô hàng và người nộp đơn; chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; lý do tạm dừng làm thủ tục hải quan và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan. Điều 51. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan và kiểm tra xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ 1. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trong thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu người nộp đơn yêu cầu gia hạn và nộp bổ sung tiền bảo đảm theo mức quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này, Chi cục trưởng Hải quan có quyết định kéo dài thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan thêm một thời hạn tối đa là 10 (mười) ngày làm việc. 2. Thời gian dành cho các bên liên quan bổ sung chứng cứ, lập luận và tài liệu hoặc thời gian trưng cầu giám định tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Chi cục Hải quan không tính vào thời hạn nêu tại khoản 1 Điều này. 3. Xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan a) Nội dung cần xác định bao gồm: - Có chứa yếu tố vi phạm hay không; - Có phải là hàng hoá do chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, người được phép của chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng hợp pháp (dưới đây gọi là chủ sở hữu) đã đưa ra thị trường. b) Chi cục Hải quan xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan trên cơ sở các chứng cứ, lập luận và tài liệu chứng minh của chủ lô hàng, chủ sở hữu. Chứng cứ, lập luận và tài liệu chứng minh của người nộp đơn chỉ được xem xét khi cung cấp cho Chi cục Hải quan trong thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan; c) Trường hợp Chi cục Hải quan căn cứ các chứng cứ, lập luận và tài liệu đã cung cấp mà không xác định được tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, có quyền yêu cầu người nộp đơn gửi văn bản trưng cầu giám định tại tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ để cho ý kiến kết luận. Điều 52. Tiếp tục làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý các bên liên quan 1. Chi cục trưởng Hải quan ra quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp sau: a) Kết thúc thời hạn tạm dừng mà Chi cục Hải quan không nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người nộp đơn hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc toà án xác nhận đã tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan; b) Kết quả xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ khẳng định rằng lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; c) Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó khẳng định lô hàng bị tạm dừng thủ tục hải quan không phải là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; d) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại; đ) Người nộp đơn rút đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan. 2. Cơ quan Hải quan ra quyết định buộc người nộp đơn phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh cho chủ lô hàng do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra. Chi phí phát sinh bao gồm phí lưu kho bãi, xếp dỡ, bảo quản hàng hoá. Thiệt hại từ việc tạm dừng làm thủ tục hải quan do hai bên thoả thuận hoặc được xác định theo thủ tục tố tụng dân sự. 3. Hoàn trả các khoản tiền bảo đảm đã nộp vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho người nộp đơn sau khi người nộp đơn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chi phí và thiệt hại phát sinh theo quyết định của cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền. 4. Thời hạn nộp thuế (nếu có) tính từ ngày ra quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng. Điều 53. Xử lý các bên liên quan trong trường hợp xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 1. Trong trường hợp kết luận hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ hàng hóa và hàng hóa bị xử lý theo quy định của pháp luật. 2. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và thanh toán các chi phí phát sinh do việc tạm dừng gây ra. 3. Chủ hàng hoá và người nộp đơn có quyền khiếu nại các quyết định, kết luận của cơ quan hải quan về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Điều 54. Trách nhiệm của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin liên quan tới hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan hải quan; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật và Tổng cục Hải quan trong việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan cho công chức hải quan nhằm nâng cao khả năng nhận biết, chủ động kiểm tra, ngăn chặn hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cửa khẩu. Điều 55. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền 1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ theo đúng quy định pháp luật. 2. Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm cung cấp cho Tổng cục Hải quan các thông tin liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ tại Việt Nam và phối hợp với Tổng cục Hải quan chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các đơn vị Hải quan trực tiếp thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ. 3. Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ địa phương có trách nhiệm thực hiện giám định về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của cơ quan hải quan và các bên liên quan theo thẩm quyền và thủ tục quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chuong 5: TỔ CHỨC THU THUẾ VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan khi kê khai, tính thuế, nộp thuế 1. Người khai hải quan có quyền: a) Được yêu cầu cơ quan nhà nước giải thích, hướng dẫn về chính sách thuế, các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; b) Được yêu cầu cơ quan hải quan giữ bí mật theo quy định của pháp luật về thông tin đã kê khai và đã cung cấp cho cơ quan hải quan; c) Yêu cầu cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan miễn thuế; xét miễn thuế; giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; d) Yêu cầu cơ quan nhà nước thông báo về kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc có ý kiến về kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kê khai, tính, nộp thuế và các khoản phải thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của mình; được quyền yêu cầu cơ quan hải quan và cơ quan khác có liên quan giải thích những nội dung thanh tra, kiểm tra, tính thuế khác với nội dung tính thuế đã khai báo; đ) Yêu cầu cơ quan hải quan, cơ quan khác có liên quan bồi thường những thiệt hại do chậm ra quyết định hoàn thuế, quyết định sai về thuế hoặc các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; e) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo quy định của pháp luật. 2. Người khai hải quan có nghĩa vụ: a) Tự kê khai đầy đủ, rõ ràng các căn cứ tính thuế, số tiền thuế, các khoản thu khác trên tờ khai hải quan và tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai; b) Tự tính, tự nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đầy đủ, đúng thời hạn theo hướng dẫn của cơ quan hải quan. Trường hợp người khai hải quan không được ủy quyền nộp thuế thì trách nhiệm nộp thuế thuộc chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; c) Cung cấp thông tin xác thực và các tài liệu cần thiết liên quan đến căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan; d) Ghi chép, hạch toán kế toán, báo cáo kế toán; tổ chức lưu trữ hồ sơ hải quan, hoá đơn, chứng từ có liên quan; cung cấp các tài liệu này theo yêu cầu của cơ quan hải quan theo đúng quy định của pháp luật; đ) Chấp hành quyết định của cơ quan hải quan xử lý về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; e) Giải thích khi cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan có cơ sở nghi vấn về các căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; về những nội dung chưa rõ trong quá trình kê khai, tính, nộp thuế. Điều 57. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan Trong quá trình tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm và quyền hạn sau: 1. Giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để người khai hải quan kê khai, tính thuế, nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, tính thuế, nộp thuế của người khai hải quan. 3. Quản lý thống nhất việc thu thuế, nộp thuế; thực hiện miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và các khoản phải thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 4. Bảo mật thông tin của người khai hải quan đã khai báo và cung cấp. 5. Yêu cầu người khai hải quan cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu, chứng từ, sổ sách kế toán để kiểm tra việc kê khai, tính, nộp thuế và các khoản thu khác khi có cơ sở nghi vấn về căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; về những nội dung chưa rõ trong quá trình kê khai, tính, nộp thuế. 6. Truy thu, ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật. 7. Áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc thu đủ thuế. 8. Xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại về thuế theo quy định của pháp luật. 9. Trả tiền lãi do hoàn thuế chậm theo quy định của pháp luật. Điều 58. ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Cơ quan hải quan ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau: 1. Người khai hải quan dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. 2. Người khai hải quan từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. 3. Cơ quan hải quan có căn cứ về việc khai báo trị giá không đúng với giá thực tế mua hàng. 4. Việc ấn định số thuế phải nộp căn cứ vào chính sách thuế hiện hành, thông tin hải quan và nguyên tắc xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều 4 Nghị định quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Điều 59. Nộp thuế và khấu trừ tiền thuế 1. Việc nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước. 2. Việc nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác được thực hiện theo trình tự sau: a) Nộp các khoản trừ nợ gồm: nợ phạt, nợ thuế và các khoản nợ phải thu khác (nếu có); b) Nộp tiền thuế và các khoản phải thu khác. 3. Tiền thuế, tiền phạt và các khoản thu khác nếu đã nộp lớn hơn số phải nộp thì được xử lý theo trình tự sau: a) Khấu trừ vào tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác mà người khai hải quan còn nợ ngân sách; b) Bù trừ vào tiền thuế, các khoản thu khác của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu lần sau liền kề theo đề nghị của người khai hải quan; c) Hoàn trả từ ngân sách nhà nước. 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về hình thức, hồ sơ, thủ tục, trình tự nộp và khấu trừ tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác. Điều 60. Chứng từ nộp thuế và các khoản thu khác 1. Chứng từ nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác do Bộ Tài chính phát hành thống nhất. Người khai hải quan khi nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác phải ghi cụ thể rõ ràng từng khoản nộp và số tờ khai hải quan. 2. Cơ quan kho bạc nhà nước hoặc cơ quan hải quan khi thu tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác phải cấp chứng từ thu hoặc ký, đóng dấu, xác nhận thu vào chứng từ nộp thuế. Điều 61. Quyết toán thuế Hàng hoá nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp luật về thuế phải quyết toán thì người khai hải quan phải quyết toán với cơ quan hải quan. Sử dụng hàng hoá nhập khẩu không đúng mục đích ưu đãi về thuế thì sẽ bị truy thu đủ thuế và phạt theo quy định của pháp luật về thuế. Điều 62. Trách nhiệm trong trường hợp thay đổi pháp nhân và địa chỉ 1. Tổ chức, cá nhân có đăng ký mã số xuất khẩu, nhập khẩu để hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có sự thay đổi về pháp nhân trong trường hợp sáp nhập, giải thể, phá sản và có sự thay đổi địa chỉ, trụ sở phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan biết và phải thanh toán các khoản nợ cho ngân sách nhà nước. 2. Cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định việc giải thể, phá sản, sáp nhập có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan và phối hợp giải quyết các khoản nợ thuế, nợ phạt và các khoản thu khác trước khi có quyết định về việc giải thể, phá sản, sáp nhập. Điều 63. áp dụng các biện pháp để đảm bảo việc thu đủ thuế 1. Việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế và các khoản thu khác được thực hiện đối với chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc người được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ quyền. 2. Các biện pháp áp dụng: a) Yêu cầu ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp tiền thuế, tiền phạt; b) Không làm thủ tục nhập khẩu cho chuyến hàng tiếp theo của đối tượng nộp thuế cho đến khi thu đủ nợ thuế và các khoản thu khác. Trong trường hợp người khai hải quan thực sự có khó khăn về tài chính, cơ quan hải quan được phép cho đối tượng này hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để nộp dần số nợ thuế theo kế hoạch và không để nợ mới phát sinh; c) Tạm giữ hàng hoá hoặc kê biên tài sản của đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật để đảm bảo thu đủ thuế. Quá thời hạn theo quy định của pháp luật kể từ ngày cơ quan hải quan có quyết định tạm giữ hàng hoá hoặc kê biên tài sản mà đối tượng nộp thuế vẫn chưa nộp đủ tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan hải quan được bán đấu giá hàng hoá, tài sản theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt. Số tiền còn lại sau khi đã trích để nộp thuế, nộp phạt chuyển trả cho đối tượng nộp thuế; d) áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật. 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể thẩm quyền, thủ tục, trình tự áp dụng các biện pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Chương 6: KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN Điều 64. Các trường hợp kiểm tra sau thông quan Kiểm tra sau thông quan được thực hiện sau khi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong các trường hợp sau: 1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan hoặc xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan dựa trên kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan. 2. Kiểm tra theo kế hoạch để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của người khai hải quan (sau đây gọi là đơn vị được kiểm tra) đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 65. Nội dung kiểm tra sau thông quan 1. Kiểm tra hồ sơ hải quan: a) Kiểm tra tính hợp pháp, chính xác của các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, sự phù hợp của các chứng từ kèm theo tờ khai với các nội dung khai trong tờ khai và các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; b) Kiểm tra việc xác định trị giá; căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác; việc tuân thủ các quy định về chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các Điều ước quốc tế quy định khác về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá; c) Kiểm tra chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá đã được thông quan tại doanh nghiệp. 2. Kiểm tra thực tế hàng hoá nhập khẩu của đơn vị được kiểm tra trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện. Điều 66. Phương pháp kiểm tra Cơ quan hải quan thực hiện phương pháp kiểm tra sau thông quan như sau: 1. Yêu cầu đơn vị được kiểm tra xuất trình hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan lưu tại doanh nghiệp, giải trình với cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan. 2. Xác minh tính chính xác, trung thực của các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại các cơ quan, tổ chức có liên quan. 3. Kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra sau thông quan trong trường hợp cần thiết. 4. Người khai hải quan tự kiểm tra, rà soát đối với các lô hàng đã được thông quan về tính chính xác, trung thực của nội dung khai hải quan, tính thuế, nộp thuế. Trường hợp phát hiện có sai sót, tự giác thông báo cho cơ quan hải quan, tự nguyện khắc phục hậu quả trong thời hạn theo quy định của pháp luật được miễn xử phạt. Điều 67. Thẩm quyền quyết định kiểm tra 1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kiểm tra trong trường hợp: a) Kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này. Cục Hải quan nào phát hiện dấu hiệu, xác định được khả năng vi phạm thì quyết định kiểm tra đồng thời báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; b) Kiểm tra theo kế hoạch quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định này đối với đơn vị đặt trụ sở trên địa bàn quản lý. 2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều 68. Thời hạn kiểm tra 1. Thời hạn kiểm tra của mỗi quyết định kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra tối đa là 05 (năm) ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này; tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định này. 2. Trường hợp phức tạp người quyết định kiểm tra gia hạn thời gian kiểm tra không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 68 Nghị định này. Thời gian gia hạn, lý do gia hạn được thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra. 3. Cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra về quyết định kiểm tra sau thông quan chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra (trừ trường hợp kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này). Điều 69. Xử lý kết quả kiểm tra 1. Kết quả kiểm tra được cập nhật vào hệ thống thông tin hải quan để phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro vi phạm pháp luật, làm căn cứ cho việc kiểm tra khi làm thủ tục hải quan, xác định doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan và phục vụ cho hoạt động của cơ quan hải quan trong công tác chống buôn lậu. 2. Kết luận kiểm tra, giải trình của đơn vị được kiểm tra (nếu có), biên bản vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm tra là căn cứ để cơ quan hải quan quyết định việc truy thu thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật. 3. Việc truy thu thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan. Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của người kiểm tra 1. Nghĩa vụ của người kiểm tra: a) Xuất trình quyết định kiểm tra và chứng minh thư hải quan; b) Thực hiện đúng nguyên tắc, nội dung và trình tự kiểm tra; c) Không đưa ra các yêu cầu trái pháp luật; không cố ý kết luận sai sự thật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản kết luận kiểm tra; d) Báo cáo người quyết định kiểm tra và kiến nghị các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra; đ) Chấp hành quy chế bảo mật; quản lý và sử dụng đúng mục đích các chứng từ, tài liệu được cung cấp. 2. Quyền của người kiểm tra: a) Được kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan, tại trụ sở đơn vị được kiểm tra; b) Yêu cầu đơn vị được kiểm tra trả lời những nội dung có liên quan; c) Kiểm tra, sao chụp và tạm giữ hồ sơ hải quan, các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính, các hồ sơ tài liệu có liên quan khác của đơn vị được kiểm tra; d) Kiểm tra, sao lưu, tạm giữ các hệ thống máy tính và thiết bị khác đang lưu giữ dữ liệu, số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm tra; đ) Kiểm tra thực tế hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan; e) Sử dụng trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ cho việc kiểm tra; g) Được nhận sự hỗ trợ của chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn; h) Lập biên bản làm việc, bản kết luận kiểm tra; i) Lập biên bản và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hải quan theo quy định của pháp luật; k) áp dụng biện pháp cưỡng chế làm thủ tục hải quan và các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp đơn vị được kiểm tra không chấp hành các yêu cầu bằng văn bản của cơ quan hải quan. Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra 1. Quyền của đơn vị được kiểm tra: a) Yêu cầu người kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra, chứng minh thư hải quan; b) Từ chối việc kiểm tra nếu quyết định kiểm tra không đúng với quy định của pháp luật; c) Nhận bản kết luận kiểm tra; d) Được giải trình về bản kết luận kiểm tra, kiến nghị về biện pháp giải quyết của người kiểm tra; đ) Yêu cầu cơ quan hải quan bồi thường thiệt hại do việc xử lý kết quả kiểm tra không đúng pháp luật gây ra; e) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người kiểm tra trong quá trình kiểm tra và các quyết định xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan; g) Được hưởng những ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan nếu chấp hành tốt pháp luật hải quan và các quy định về kiểm tra sau thông quan. 2. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra: a) Cử người có thẩm quyền làm việc với người kiểm tra; b) Tạo điều kiện để người kiểm tra thi hành nhiệm vụ; không cản trở hoạt động kiểm tra dưới mọi hình thức; c) Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; lưu giữ các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và hồ sơ tài liệu khác liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn pháp luật quy định; d) Trả lời những nội dung có liên quan theo yêu cầu của người kiểm tra; đ) Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời hồ sơ hải quan, các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và hồ sơ tài liệu có liên quan khác theo yêu cầu của người kiểm tra; e) Tạo điều kiện cho việc kiểm tra hàng hoá nhập khẩu; g) Chấp hành các quy định về kiểm tra sau thông quan, quyết định kiểm tra, bản kết luận kiểm tra và các quyết định xử lý. Chương 7: THÔNG TIN HẢI QUAN Điều 72. Hệ thống thông tin hải quan 1. Thông tin hải quan là tập hợp những thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; về tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; về các thông tin khác liên quan hoạt động hải quan. 2. Thông tin hải quan là cơ sở để thực hiện thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của người khai hải quan, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan phục vụ cho hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông quan và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động có liên quan đến hải quan. 3. Nghiêm cấm hành vi truy cập trái phép, làm sai lệch, phá huỷ hệ thống thông tin hải quan. Điều 73. Xây dựng, thu thập, xử lý, khai thác hệ thống thông tin hải quan 1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin hải quan thống nhất từ cơ quan Tổng cục Hải quan đến đơn vị cơ sở; tổ chức đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, đơn vị chuyên trách quản lý cơ sở dữ liệu và bảo đảm duy trì, vận hành hệ thống thông tin hải quan; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành hải quan để kết nối mạng trao đổi thông tin liên quan. 2. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm thu thập, xử lý, cập nhật thông tin hải quan vào hệ thống theo mục tiêu và yêu cầu quản lý của từng giai đoạn. Thông tin hải quan được thu thập và xử lý từ các nguồn sau: hồ sơ tài liệu do Tổng cục Hải quan lưu giữ; hoạt động tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phân tích, phân loại hàng hoá; kết quả hoạt động của các lực lượng kiểm soát hải quan; tố giác vi phạm pháp luật về hải quan của cơ quan, tổ chức và công dân; các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động hải quan; các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài; trao đổi với hải quan các nước, tổ chức hải quan thế giới; các nguồn thông tin khác. 3. Các đơn vị, công chức hải quan, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có quyền khai thác thông tin hải quan. 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể việc xây dựng, thu thập, xử lý, phạm vi và mức độ khai thác thông tin hải quan. Điều 74. Trách nhiệm cung cấp thông tin 1. Trách nhiệm của cơ quan hải quan Cơ quan hải quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng thông tin hải quan. 2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật. b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động hải quan như sau: - Bộ Thương mại: cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài; thông tin về quản lý thị trường; - Bộ Công an: cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và an ninh quốc gia liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan; cung cấp thông tin về cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh và thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông; - Bộ Quốc phòng: cung cấp, trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước về biên giới, vùng biển, hải đảo và thông tin về cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan; - Bộ Bưu chính, Viễn thông: chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin về bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; thông tin về người nhận hàng, người gửi hàng; phối hợp xây dựng mạng thông tin; - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, đầu tư, thành lập, sáp nhập, giải thể của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; - Bộ Giao thông vận tải: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đại lý vận tải đường biển, đường hàng không có trách nhiệm cung cấp thông tin về lược khai hàng hóa (manifest), vận tải đơn, tuyến đường vận chuyển và các loại thông tin khác về hàng hoá, hành khách, phương tiện vận tải tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; - Ngân hàng và các tổ chức tín dụng: cung cấp thông tin về hoạt động thanh toán liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; - Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các Bộ, ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm cung cấp, trao đổi với cơ quan hải quan các thông tin liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành về các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 3. Thông tin cung cấp, trao đổi được thực hiện bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử thông qua mạng máy tính kết nối trực tiếp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên. 4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các quy định cụ thể về trao đổi, cung cấp thông tin hải quan. Chương 8: KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM Điều 75. Khiếu nại, tố cáo 1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cá nhân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hải quan với Thủ trưởng các cấp của cơ quan hải quan. 2. Thủ trưởng cơ quan hải quan các cấp khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo. 3. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan theo quy định của pháp luật. Điều 76. Khen thưởng, xử lý vi phạm 1. Cơ quan hải quan, công chức hải quan, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu và tổ chức, cá nhân khác có thành tích trong việc thực hiện, phối hợp thực hiện các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật. 2. Người khai hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 3. Cán bộ, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại Nghị định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại vật chất (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Chương 9: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 77. Hiệu lực thi hành của Nghị định Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định số 102/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ. Điều 78. Trách nhiệm thi hành Nghị định Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Học viện Hành chính quốc gia; - VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (5b). A. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "15/12/2005", "sign_number": "154/2005/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Ke-hoach-2441-KH-UBND-2020-tuyen-truyen-phong-chong-toi-pham-te-nan-xa-hoi-Can-Gio-Ho-Chi-Minh-533371.aspx
Kế hoạch 2441/KH-UBND 2020 tuyên truyền phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội Cần Giờ Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 2441/KH-UBND Cần Giờ, ngày 26 tháng 5 năm 2020 KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM, TỆ NẠN XÃ HỘI VÀ XÂY DỰNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CẦN GIỜ Căn cứ Kế hoạch số 1061/KH-STTTT ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố về tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 trên địa bàn huyện Cần Giờ, với nội dung như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU: - Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng. - Từng bước đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, cụ thể, sát với các đối tượng; chú trọng tuyên truyền ở các địa bàn trọng điểm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. - Tiếp tục giới thiệu các luật, nghị quyết, chỉ thị và các văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chóng tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm chủ động, tích cực đấu tranh, ngăn chặn để không xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp; giảm tội phạm so với năm trước, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu đề ra. - Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện. - Nội dung tuyên truyền, vận động phải mang tính dự báo, cảnh báo, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng giai đoạn và tình hình cụ thể, làm rõ những điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, hành vi phạm tội và hậu quả của vi phạm pháp luật làm cho mọi người tự giác chấp hành pháp luật, đồng thời tự nêu cao tinh thần cảnh giác để phòng và chống các loại tội phạm. - Tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động thực hiện các chương trình mục tiêu khác của huyện, tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, học sinh... II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN: - Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của các Ban Chỉ đạo Trung ương, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là: Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Công văn số 389-CV/TU ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy về triển khai Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kế hoạch số 5116/KH-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện.... - Phát động phong trào trong quần chúng về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về tội phạm, đồng thời góp phần răn đe, áp đảo tội phạm. - Xây dựng, củng cố, mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên và thường xuyên tập huấn cho các đối tượng về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. - Tổ chức tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức, đa dạng về nội dung; xây dựng, nhân rộng các mô hình tham gia đảm bảo an ninh trật tự do cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham mưu, tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, nhân dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật cũng như không để sơ hở tội phạm lợi dụng gây án, đặc biệt là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xâm phạm sở hữu, tội phạm xâm hại tình dục. - Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người của Chính phủ; các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. - Tổ chức tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm của công dân đối với công tác phòng, chống tội phạm. Công tác tuyên truyền tập trung ở các khu vực, địa bàn trọng điểm. - Tổ chức các Hội nghị nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm. III. HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN: 1. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: - Chỉ đạo Đài Truyền thanh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, tài liệu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm đăng tải, phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng thời lượng, tần suất thông tin về công tác phòng, chống tội phạm nhằm định hướng dư luận, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời kết hợp kiểm soát chặt chẽ thông tin trên các trang mạng xã hội. - Kết hợp phương pháp truyền thống với khoa học công nghệ để tuyên truyền bằng hình ảnh, bảng hiệu cảnh báo, phim phóng sự, video clip trực quan sinh động, thu hút được các tầng lớp nhân dân, tổ chức các buổi hội họp kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền. - Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm thông qua việc tổ chức tốt các hoạt động “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vào ngày 19/8 hàng năm. 2. Tuyên truyền thông qua các hoạt động tại cộng đồng: - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thông qua các hình thức như: Phối hợp các hoạt động tại cơ sở giáo dục sinh hoạt cộng đồng; tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền phù hợp từng đối tượng cụ thể. - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ huyện đến cơ sở. - Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa tại các địa bàn trọng điểm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 3. Phối hợp các cơ quan báo chí sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và phát sóng các chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng, chống tội phạm. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề: Công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố; Phòng, chống buôn bán người; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chong tội phạm; Điểm nóng tội phạm - Thực trạng và giải pháp; Thành phố Hồ Chí Minh - Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giáo dục pháp luật - kiến thức mỗi người dân... 4. Tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm: - Đối tượng: Công chức, viên chức làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở (huyện, xã, thị trấn); phóng viên Đài Truyền thanh, Bản tin Cần Giờ; công chức, viên chức phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn. - Nội dung: Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự. Nội dung có liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm của Luật An ninh mạng, công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động, lôi kéo cán bộ, nhân viên tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, tội phạm trộm cắp tại các cơ sở y tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. 5. Cung cấp nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh Tổ quốc; hướng dẫn, đôn đốc Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn, các đoàn thể huyện và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện tích cực tuyên truyền phù hợp với từng thời điểm. 6. Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm. IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN: 1. Phòng Văn hóa và Thông tin: - Phối hợp Đài Truyền thanh huyện xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tình hình thủ đoạn, hậu quả, tác hại của tội phạm; các biện pháp phòng ngừa, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên Bản tin Cần Giờ và hệ thống truyền thanh huyện, các xã, thị trấn. - Hướng dẫn, đôn đốc Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn tra cứu và lấy thông tin trên Cổng thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông; tăng cường tuyên truyền các nội dung liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ. - Theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 138 thành phố. 2. Công an huyện: - Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa và Thông tin xây dựng kế hoạch, nội dung Hội nghị nói chuyện chuyên đề tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự. Nội dung có liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm của Luật An ninh mạng, công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động, lôi kéo cán bộ, nhân viên tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, tội phạm trộm cắp tại các cơ sở y tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương. - Xây dựng nội dung, cung cấp thông tin tuyên truyền định kỳ về Chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 cho Đài Truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. Đồng thời thực hiện tốt việc kiểm soát chặt chẽ thông tin trên các trang mạng xã hội. - Thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, rà soát tình hình triển khai thực hiện kế hoạch để kịp thời bổ sung nội dung tuyên truyền cho Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn. - Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa tại các địa bàn trọng điểm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. - Phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin và các cơ quan báo chí sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình và phát sóng các chương trình thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác phòng, chống tội phạm (khi có yêu cầu). - Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm hàng năm trên địa bàn huyện để rút kinh nghiệm. 3. Đài Truyền thanh huyện: - Chủ trì, phối hợp Công an huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng, tần suất thông tin để tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tình hình thủ đoạn, hậu quả, tác hại của tội phạm; các biện pháp phòng ngừa, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; các gương điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên Bản tin Cần Giờ và Đài Truyền thanh huyện, nhằm định hướng dư luận, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Công văn số 389-CV/TU ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy về triển khai Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Kế hoạch số 5116/KH-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện. - Chủ động xây dựng và cập nhật tin, bài tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quan tâm bố trí trang tin, bài, thời gian phát sóng hợp lý. Tuyên truyền đặt mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm xã hội lên hàng đầu. - Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên và cộng tác viên của huyện về nghiệp vụ viết tin, bài, đưa tin về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 4. Phòng Tư pháp: Phối hợp Công an huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức Hội nghị nói chuyện chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm cho lực lượng công chức, viên chức làm công tác văn hóa - thông tin cơ sở (huyện, xã, thị trấn); phóng viên Đài Truyền thanh, Bản tin Cần Giờ; công chức, viên chức phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, xã, thị trấn. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định trên lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự. Nội dung có liên quan đến hành vi bị nghiêm cấm của Luật An ninh mạng, công tác phòng ngừa tội phạm lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động, lôi kéo cán bộ, nhân viên tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm hoạt động cho vay lãi nặng, tội phạm trộm cắp tại các cơ sở y tế, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 5. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: - Xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 tại địa phương. - Phối hợp Đài Truyền thanh huyện, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, phát lại nội dung tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 trên Trạm phát thanh xã, thị trấn, đến nhân dân địa phương. - Phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu kết hợp phương pháp truyền thống với khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền nhằm đảm bảo trực quan sinh động, thu hút được các tầng lớp nhân dân. - Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm thông qua việc tổ chức các hoạt động “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” vào ngày 19/8 hàng năm; các buổi hội họp, kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền. - Vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia Hội nghị nói chuyện chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do huyện và thành phố tổ chức. Đồng thời, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác, kỹ năng tuyên truyền, vận động về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 6. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện: Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 tại cơ quan, đơn vị mình. Thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để tuyên truyền cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Các đơn vị được phân công thực hiện sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp trong năm 2020 và các năm tiếp theo. VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO: Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; định kỳ 6 tháng (ngày 15 tháng 6) và hàng năm (ngày 15 tháng 12) gửi báo cáo về Phòng Văn hóa và Thông tin để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện và Sở Thông tin và Truyền thông thành phố. Trên đây là kế hoạch tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến năm 2025 trên địa bàn huyện Cần Giờ, đề nghị các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện. Nơi nhận: - Ủy ban nhân dân thành phố; - Sở Thông tin và Truyền thông; - Thường trực Huyện ủy; - TTUB: CT, các PCT; - Phòng Văn hóa và Thông tin; - Phòng Tư pháp; - Công an huyện; - Đài Truyền thanh huyện; - Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện; - UBND các xã, thị trấn; - VP: CVP, PVP/TH - Lưu: VT, P. KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Đoàn Thị Ngọc Cẩm
{ "issuing_agency": "Huyện Cần Giờ", "promulgation_date": "26/05/2020", "sign_number": "2441/KH-UBND", "signer": "Đoàn Thị Ngọc Cẩm", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dich-vu-phap-ly/Thong-tu-08-2019-TT-BVHTTDL-quy-dinh-ve-quy-trinh-giam-dinh-tu-phap-doi-voi-san-pham-van-hoa-423019.aspx
Thông tư 08/2019/TT-BVHTTDL quy định về quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa mới nhất
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 08/2019/TT-BVHTTDL Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 2019 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI SẢN PHẨM VĂN HÓA Căn cứ Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Căn cứ Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Căn cứ Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Căn cứ Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh; Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định quy trình giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định quy trình giám định tư pháp để kết luận những vấn đề về chuyên môn văn hóa đối với sản phẩm văn hóa (trừ di vật, cổ vật và lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Sản phẩm văn hóa là sản phẩm thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật. 2. Người giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực văn hóa thuộc chuyên ngành phù hợp đã được bổ nhiệm, công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. 3. Tổ chức giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa bao gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hoạt động chuyên môn phù hợp đã được công bố theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Chương II QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI SẢN PHẨM VĂN HÓA Điều 4. Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định 1. Người giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (sau đây gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (sau đây gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật. 2. Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL). Điều 5. Chuẩn bị thực hiện giám định 1. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan. 2. Tổ chức giám định tư pháp căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định tư pháp. 3. Tổ chức giám định tư pháp tiến hành giám định tư pháp đối với đối tượng giám định bằng hình thức giám định tập thể. Số lượng người giám định tư pháp phải từ 03 người trở lên. Quyết định tiến hành giám định tư pháp thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá. Điều 6. Thực hiện giám định 1. Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định (sản phẩm văn hóa) và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở các yêu cầu sau đây: a) Xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa; b) Xem xét các đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác có liên quan của sản phẩm văn hóa. 2. Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định tư pháp phải tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Việc tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định. Biên bản xem xét đối tượng giám định thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL. Điều 7. Kết luận giám định Căn cứ kết quả giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có), quy định của pháp luật có liên quan hoặc các chuẩn mực chung về văn hóa, người giám định tư pháp kết luận về đối tượng giám định. Kết luận giám định thực hiện theo Mẫu số 04a và 04b ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL. Điều 8. Bàn giao kết luận giám định Khi việc thực hiện giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao Kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định. Biên bản bàn giao Kết luận giám định thực hiện theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL. Điều 9. Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Giám định tư pháp và quy định tại Thông tư này. Việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 10. Tổ chức thực hiện 1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Thông tư này. Điều 11. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2019. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Pháp chế) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL; - Các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; - Sở VHTTDL (Sở VHTT) các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; - Cổng TTĐT Bộ VHTTDL; - Lưu: VT, PC. TL 300 BỘ TRƯỞNG Nguyễn Ngọc Thiện PHỤ LỤC (Kèm theo Thông tư số: /2019/TT-BVHTTDL ngày tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Mẫu số 01: Quyết định thực hiện giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa Mẫu số 02: Biên bản xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu giám định Mẫu số 01. Quyết định thực hiện giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa ………….(1) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-......(2) …..(3), ngày tháng năm QUYẾT ĐỊNH Về việc thực hiện giám định tư pháp theo Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định số ….. ngày ..... tháng ….. năm…. của …….(4) ……………………(5) Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Căn cứ Thông tư số 04/2013/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa; Căn cứ ………………….(6); Căn cứ Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định số …. ngày … tháng … năm …. của …….(4); Xét đề nghị của …. (nếu có), QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Thực hiện giám định tư pháp đối với vụ án/vụ việc theo Quyết định trưng cầu/yêu cầu giám định số …. ngày … tháng …. năm ….. của …..(4) bằng hình thức giám định tập thể, thành viên tham gia giám định như sau: 1. …; 2. ….; 3 …..; (7) Điều 2. Giao ….(8) chủ trì tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. ….(8) cử …(9) đồng chí là người giúp việc cho người giám định tư pháp. Điều 3. ………(10) chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - …………. ……….(5) (Ký, đóng dấu) Họ và tên ___________________ (1) Tên tổ chức ra quyết định thực hiện giám định. (2) Viết tắt in hoa tên tổ chức ra quyết định thực hiện giám định. (3) Địa điểm quyết định thực hiện giám định tư pháp. (4) Ghi rõ số, ngày, tháng, năm, cơ quan, tổ chức trưng cầu/yêu cầu giám định. (5) Người có thẩm quyền của tổ chức giám định tư pháp ra quyết định thực hiện giám định. (6) Căn cứ xác định thẩm quyền của người ra quyết định thực hiện giám định tư pháp. (7) Tên, chức danh, đơn vị công tác của từng người thực hiện giám định, phải ít nhất từ 03 người trở lên. (8) Đơn vị làm đầu mối trong công tác giám định tư pháp của tổ chức giám định tư pháp. (9) Số người giúp việc cho người giám định tư pháp. (10) Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quyết định. Mẫu số 02. Biên bản xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu giám định ……………………(1) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- BIÊN BẢN XEM XÉT ĐỐI TƯỢNG GIÁM ĐỊNH TẠI NƠI LƯU GIỮ CỦA NGƯỜI TRƯNG CẦU, YÊU CẦU Hôm nay, hồi……giờ.... ngày .... tháng .... năm.... tại: ……………………… (2) Chúng tôi gồm: 1. Đại diện người trưng cầu/yêu cầu giám định: Ông (Bà) …………………………………………chức vụ………………… 2. Đại diện……………………………………………………………………………………………(3): Ông (Bà) ………………………………………………chức vụ ……………… 3- Người chứng kiến: Ông (Bà) ………………………………………………………………………(4) Tiến hành xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu/trưng cầu tại Quyết định trưng cầu/ yêu cầu giám định số.... (5) như sau: …………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………… (Chú ý: Ghi rõ tên, loại, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, trích yếu nội dung thông tin và tình trạng của đối tượng giám định; lý do xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu/trưng cầu). Biên bản xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu/trưng cầu đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe và đại diện ký xác nhận; biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản. Việc xem xét đối tượng giám định hoàn thành hồi.... giờ….ngày…/……/…… ĐẠI DIỆN CƠ QUAN TRƯNG CẦU/YÊU CẦU (Ký, ghi rõ họ tên) NGƯỜI CHỨNG KIẾN (Ký, ghi rõ họ tên) ĐẠI DIỆN ……………………(3) (Ký, ghi rõ họ tên) ___________________ (1) Tên cơ quan/Giám định viên tiếp nhận trưng cầu. (2) Địa điểm lưu giữ đối tượng giám định của người yêu cầu/trưng cầu. (3) Tên cơ quan, đơn vị hoặc giám định viên tiếp nhận trưng cầu. (4) Ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ người chứng kiến. (5) Số văn bản trưng cầu (hoặc yêu cầu) giám định.
{ "issuing_agency": "Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch", "promulgation_date": "03/09/2019", "sign_number": "08/2019/TT-BVHTTDL", "signer": "Nguyễn Ngọc Thiện", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Thong-tu-02-2012-TT-BCT-nhap-khau-thuoc-la-nguyen-lieu-134165.aspx
Thông tư 02/2012/TT-BCT nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 02/2012/TT-BCT Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2012 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU THUỐC LÁ NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU THEO HẠN NGẠCH THUẾ QUAN NĂM 2012 Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP; Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Căn cứ Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 6 tháng 4 năm 2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2012 như sau: Điều 1. Lượng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu theo ngạch thuế quan. Lượng thuốc lá nguyên liệu (mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2012 là 40.000 tấn. Điều 2. Nguyên tắc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan Thương nhân được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo quy định tại Thông tư số 04/2006/TT-BTM ngày 6 tháng 4 năm 2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Điều 3. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 01 năm 2012 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng TW và Ban Kinh tế TW; - Viện KSND tối cao; - Tòa án ND tối cao; - Cơ quan TW của các Đoàn thể; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra Văn bản); - Kiểm toán Nhà nước; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ Công Thương; - Các Sở Công Thương; - Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc; - Lưu: VT, XNK. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thành Biên
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "18/01/2012", "sign_number": "02/2012/TT-BCT", "signer": "Nguyễn Thành Biên", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-36-2009-TT-BTTTT-dieu-kien-ky-thuat-khai-thac-thiet-bi-vo-tuyen-dien-cu-ly-ngan-duoc-su-dung-co-dieu-kien-99241.aspx
Thông tư 36/2009/TT-BTTTT điều kiện kỹ thuật khai thác thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ----------------- Số: 36/2009/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2009 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN CỰ LY NGẮN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 05 năm 2002; Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện; Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, QUY ĐỊNH: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng Thông tư này quy định về điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn có công suất hạn chế, ít khả năng gây nhiễu có hại được sử dụng có điều kiện. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện. Điều 2. Điều kiện chung 1. Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn đáp ứng các điều kiện kỹ thuật và khai thác theo các Phụ lục tương ứng (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 10) của Thông tư này được sử dụng có điều kiện và không cần giấy phép tần số vô tuyến điện. 2. Đối với thiết bị vô tuyến điện không đáp ứng đúng các điều kiện kỹ thuật và khai thác theo các Phụ lục tương ứng (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 10) của Thông tư này, tổ chức, cá nhân chỉ được phép sử dụng khi có giấy phép tần số vô tuyến điện. 3. Các thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn không được gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện đã được cấp giấy phép tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện được cơ quan quản lý cho phép hoạt động và phải chấp nhận nhiễu từ các thiết bị vô tuyến điện khác. Trong trường hợp thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn gây nhiễu có hại, tổ chức, cá nhân phải ngừng ngay việc sử dụng và chỉ được hoạt động trở lại khi can nhiễu đã được khắc phục. 4. Các thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn phải chấp nhận nhiễu do các thiết bị ứng dụng trong công nghiệp, khoa học và y tế (ISM) gây ra khi dùng chung các băng tần sau đây dành cho ISM: a) Băng tần 13,553 ÷ 13,567 MHz; b) Băng tần 26,957 ÷ 27,283 MHz; c) Băng tần 40,66 ÷ 40,70 MHz; d) Băng tần 2400 ÷ 2500 MHz; e) Băng tần 5725 ÷ 5875 MHz; f) Băng tần 24000 ÷ 24500 MHz; 5. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện phải tuân theo các quy định của pháp luật về nhập khẩu, chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn. 6. Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện phải tuân theo các điều kiện về tần số và giai đoạn phát xạ được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Điều 3. Điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với từng loại thiết bị vô tuyến điện cụ thể Điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với từng loại thiết bị vô tuyến điện cụ thể được quy định tại các Phụ lục sau đây của Thông tư này: Phụ lục 2: Điện thoại không dây Phụ lục 3: Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấp phép (MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS) Phụ lục 4: Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID) Phụ lục 5: Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện Phụ lục 6: Thiết bị âm thanh không dây Phụ lục 7: Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện Phụ lục 8: Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) Phụ lục 9: Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện Phụ lục 10: Thiết bị truyền hình ảnh không dây Điều 4. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2010 và thay thế Quyết định số 47/2006/QĐ-BBCVT ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc ban hành “Quy định về điều kiện kỹ thuật và khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn được sử dụng có điều kiện”. 2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức và cá nhân sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn hoặc xem xét, sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Như Khoản 2 Điều 4; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT; - Lưu: VT, CST. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Nam Thắng PHỤ LỤC 1 ĐIỀU KIỆN VỀ TẦN SỐ VÀ CÁC GIỚI HẠN PHÁT XẠ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN CỰ LY NGẮN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN TẦN SỐ PHÁT XẠ CHÍNH (công suất phát tối đa) PHÁT XẠ GIẢ (công suất tối đa hoặc độ suy giảm phát xạ tối thiểu) LOẠI THIẾT BỊ HOẶC ỨNG DỤNG A B C D 1 115 ÷ 150 kHz ≤ 4,5 mW ERP Theo giới hạn phát xạ giả 1i Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện 2 10,2 ÷ 11 MHz ≤ 4 µW ERP Theo giới hạn phát xạ giả 1i Thiết bị âm thanh không dây dùng cho trợ thính 3 13,553 ÷ 13,567 MHz ≤ 4,5 mW ERP Theo giới hạn phát xạ giả 1i Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii 4 26,957 ÷ 27,283 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii 5 29,7 ÷ 30,0 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện 6 34,995 ÷ 35,225 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện 7 40,02 ÷ 40,98 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Điều khiển máy bay mô hình (Thuộc loại Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện) 8 40,66 ÷ 40,7 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii 9 40,50 ÷ 41,00 MHz ≤ 10 µW ERP ≥ 32 dBc ở đầu ra của máy phát Các ứng dụng y tế và sinh học (Thuộc loại thiết bị đo từ xa vô tuyến điện) 10 43,71 ÷ 44,00 MHz 46,60 ÷ 46,98 MHz 48,75 ÷ 49,51 MHz 49,66 ÷ 50MHz ≤ 183 µW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị điện thoại không dây 11 50,01 ÷ 50,99 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Điều khiển máy bay mô hình (Thuộc loại Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện) 12 72,00 ÷ 72,99 MHz ≤ 1 W ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Điều khiển máy bay mô hình (Thuộc loại Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện) 13 88 ÷ 108 MHz ≤ 3 µW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3 m Thiết bị âm thanh không dây (loại trừ thiết bị phát FM cá nhân) ≤ 20 nW ERP Thiết bị phát FM cá nhân (Thuộc loại Thiết bị âm thanh không dây) 14 146,35 ÷ 146,5 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện 15 182,025 ÷ 182,975 MHz ≤ 30 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây 16 216 ÷ 217 MHz ≤ 10 µW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Các ứng dụng y tế và sinh học (Thuộc loại Thiết bị đo từ xa vô tuyến) 17 217,025 ÷ 217,975 MHz ≤ 30 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây 18 218,025 ÷ 218,475 MHz ≤ 30 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây 19 240,15 ÷ 240,30 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện 20 300,00 ÷ 300,33 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện 21 312 ÷ 316 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện 22 401 ÷ 406 MHz ≤ 25 µW ERP Theo giới hạn phát xạ giả 2 iii Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS) 23 401 ÷ 402 MHz 403,5 ÷ 403,8 MHz 405 ÷ 406 MHz ≤ 100 nW ERP Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS) 24 433,05 ÷ 434,79 MHz ≤ 10 mW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện 25 444,4 ÷ 444,8 MHz ≤ 100 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện 26 470,075 ÷ 470,725 ≤ 10 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây 27 482,19 ÷ 488,00 MHz ≤ 30 mW ERP ≥ 40 dBc ở đầu ra của máy phát Thiết bị âm thanh không dây 28 821 ÷ 822 MHz ≤ 183 µW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị điện thoại không dây 29 866 ÷ 868 MHz ≤ 500 mW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện 30 920 ÷ 925 MHz ≤ 50 mW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện 31 924 ÷ 925 MHz ≤ 183 µW ERP ≥ 32 dBc ở cự ly 3m Thiết bị điện thoại không dây 32 2400 ÷ 2483,5 MHz ≤ 10 mW EIRP và ≤ 10 mW/100KHz EIRP đối với thiết bị sử dụng điều chế FHSS hoặc ≤ 10 mW/1MHz EIRP đối với thiết bị sử dụng điều chế khác Theo giới hạn phát xạ giả 4v Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii sử dụng kỹ thuật trải phổ 10 mW EIRP Theo giới hạn phát xạ giả 5 vi Thiết bị truyền hình ảnh không dây Theo giới hạn phát xạ giả 2 iii Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii 33 5150 ÷ 5250 MHz ≤ 200 mW EIRP và ≤ 10 mW/MHz Theo giới hạn phát xạ giả 6 vii Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) 34 5250 ÷ 5350 MHz ≤ 200 mW EIRP và ≤ 10 mW/MHz Theo giới hạn phát xạ giả 6 vii Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) 35 5470 ÷ 5725 MHz ≤ 1 W EIRP và ≤ 50 mW/MHz Theo giới hạn phát xạ giả 6 vii Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) 36 5725 ÷ 5850 MHz ≤ 1 mW EIRP và ≤ 50 mW/MHz Theo giới hạn phát xạ giả 6 vii Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN) 25 mW EIRP Theo giới hạn phát xạ giả 2 iii Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii 37 10,5 ÷ 10,55 GHz ≤ 100 mW EIRP Theo giới hạn phát xạ giả 5 vi Thiết bị truyền hình ảnh không dây 38 24 ÷ 24,25 GHz ≤ 100 mW EIRP Theo giới hạn phát xạ giả 5 vi Thiết bị truyền hình ảnh không dây Các loại thiết bị, ứng dụng khác ii i Theo giới hạn phát xạ giả 1: các giới hạn phát xạ giả được quy định tại điểm 3.2.1 Phụ lục 4 hoặc tại điểm 3.2.1 Phụ lục 5 hoặc tại điểm 3.2.1 của Phụ lục 7 của Thông tư này. ii Các loại thiết bị, ứng dụng khác: các loại thiết bị cự ly ngắn đáp ứng đúng các điều kiện quy định tại các cột A, B, C tương ứng là thiết bị được sử dụng có điều kiện không cần các quy định riêng khác. iii Theo giới hạn phát xạ giả 2: các giới hạn phát xạ giả được quy định tại điểm 3.2 Phụ lục 3 của Thông tư này iv Theo giới hạn phát xạ giả 3: Giới hạn phát xạ giả được quy định như sau: - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz; + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 4 nW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 2 nW - Các tần số khác nhỏ hơn 1000 MHz: + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 250 nW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 2 nW - Các tần số khác lớn hơn 1000 MHz: + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 1 µW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 20 nW v Theo giới hạn phát xạ giả 4: các giới hạn phát xạ giả được quy định tại điểm 3.2.1 Phụ lục 8 của Thông tư này. vi Theo giới hạn phát xạ giả 5: các giới hạn phát xạ giả được quy định tại điểm 3.2.1 Phụ lục 10 của Thông tư này. vii Theo giới hạn phát xạ giả 6: các giới hạn phát xạ giả được quy định tại điểm 3.2.2 Phụ lục 8 của Thông tư này. PHỤ LỤC 2 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI ĐIỆN THOẠI KHÔNG DÂY ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị điện thoại không dây gồm khối trung tâm và khối di động liên kết với nhau bằng sóng vô tuyến điện. Thiết bị điện thoại không dây được kết nối với mạng điện thoại công cộng qua giao diện tương tự hai dây. Khối trung tâm (còn gọi là trạm gốc hoặc máy mẹ): được đặt cố định và đấu nối với hai dây điện thoại cố định của mạng điện thoại công cộng (PSTN); sử dụng anten tích hợp. Anten tích hợp là anten được thiết kế cố định, bố trí bên trong hoặc bên ngoài thiết bị và là một phần của thiết bị. Khối di động (có thể có nhiều khối di động, còn gọi là máy con): máy cầm tay sử dụng anten tích hợp. Khối di động mang số thuê bao điện thoại của khối trung tâm. Trong Phụ lục này thiết bị điện thoại không dây không bao gồm đầu cuối di động của các hệ thống thông tin di động tế bào số và các hệ thống thông tin di động số hoặc tương tự có kênh điều khiển vô tuyến từ trạm trung tâm như các hệ thống CT1, CT2, DECT, WLL. Thiết bị điện thoại không dây được sử dụng có điều kiện tại các băng tần quy định tại điểm 2 phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 và 4 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị điện thoại không dây được sử dụng có điều kiện tại các cặp băng tần tương ứng dành cho khối trung tâm và khối di động sau đây: Khối trung tâm Khối di động 2.1 2.2 2.3 43,71 ÷ 44,00 MHz; 46,60 ÷ 46,98 MHz; 821 ÷ 822 MHz. 48,75 ÷ 49,51 MHz; 49,66 ÷ 50 MHz; 924 ÷ 925 MHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần cụ thể như sau: 183 µW ERP tại các băng tần 43,71 ÷ 44,00 MHz; 48,75 ÷ 49,51 MHz; 46,60 ÷ 46,98 MHz; 49,66 ÷ 50 MHz; 821 ÷ 822 MHz; 924 ÷ 925 MHz. 3.2. Phát xạ giả: Tại các băng tần 43,71 ÷ 44,00 MHz; 48,75 ÷ 49,51 MHz; 46,60 ÷ 46,98 MHz; 49,66 ÷ 50 MHz; 821 ÷ 822 MHz; 924 ÷ 925 MHz; Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không được nhỏ hơn 32 dBc ở cự ly 3 m. 4. Các điều kiện khác 4.1. Các thiết bị điện thoại không dây chỉ được sử dụng phương thức phát thoại điều tần (F3E) hoặc điều pha (G3E). PHỤ LỤC 3 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI HỆ THỐNG LIÊN LẠC DÀNH CHO THIẾT BỊ Y TẾ CẤY GHÉP (MICS), HỆ THỐNG ĐO LƯỜNG DÀNH CHO THIẾT BỊ Y TẾ CẤY GHÉP (MITS) ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép, sau đây gọi là MICS (Medical Implant Communications Systems) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép, sau đây gọi là MITS (Medical Implant Telemetry Systems), là hệ thống bao gồm thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể người và thiết bị liên lạc vô tuyến bên ngoài dùng để trao đổi dữ liệu với thiết bị cấy ghép trong khoảng cách 2m, sau đó dữ liệu được truyền tới trung tâm xử lý và đến bác sỹ thông qua mạng viễn thông. Trong hệ thống MICS, thiết bị cấy ghép và thiết bị liên lạc vô tuyến có trao đổi dữ liệu hai chiều. Trong hệ thống MITS, chỉ có truyền dữ liệu một chiều từ thiết bị cấy ghép tới thiết bị liên lạc vô tuyến tại các thời điểm đã lập trình trước. Thiết bị MICS và MITS được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại các điểm 3 và điểm 4 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số 2.1. Thiết bị MICS được hoạt động có điều kiện tại băng tần: 401 ÷ 406 MHz. 2.1.1. Độ rộng kênh chiếm dụng không được lớn hơn 300 kHz. 2.1.2. Thiết bị MICS phải có ít nhất 9 kênh tần số được phân bố trên toàn bộ đoạn băng tần 401 ÷ 406 MHz. 2.2. Thiết bị MITS được hoạt động có điều kiện tại băng tần: 401 ÷ 402 MHz; 403,5 ÷ 403,8 MHz; 405 ÷ 406 MHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: 3.1.1. Thiết bị MICS: Công suất ERP của phát xạ chính không được lớn hơn 25 µW. 3.1.2. Thiết bị MITS: Công suất ERP của phát xạ chính không được lớn hơn 100 nW. 3.2. Phát xạ giả: Chế độ hoạt động: - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: 4nW. - Các tần số khác dưới 1000 MHz: 250 nW. - Các tần số f > 1000 MHz: 1µW Chế độ chờ: - Tần số f ≤ 1000 MHz: 2 nW - Tần số f > 1000 MHz: 20 nW. 4. Các điều kiện khác 4.1. Thiết bị MICS phải dùng giao thức truyền dẫn sau khi nghe (Listen Before Transmit). 4.2. Thiết bị MICS chỉ được phát khi có sự điều khiển từ bên ngoài. Trong trường hợp khẩn cấp, khi phát hiện các sự cố có thể gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sức khỏe của người bệnh, thiết bị MICS được phép truyền số liệu tức thời. PHỤ LỤC 4 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ NHẬN DẠNG VÔ TUYẾN ĐIỆN (RFID) ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID – Radio Frequency Identification) sử dụng sóng vô tuyến để tự động nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hóa, con người, động vật và các ứng dụng khác. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện bao gồm hai khối riêng biệt được kết nối thông qua giao diện vô tuyến: - Thẻ vô tuyến (RF tag) mang chip điện tử, có hoặc không có nguồn điện, được gắn trên đối tượng cần nhận dạng. Chip điện tử chứa thông tin về đối tượng đó. - Thiết bị đọc (RF Reader) phát ra tần số nhất định để kích hoạt thẻ vô tuyến và thẻ vô tuyến sẽ phát ra thông tin của thẻ. Thông tin này được đầu đọc thu lại và chuyển tới hệ thống xử lý số liệu. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện khi hoạt động trên các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại các điểm 3 và điểm 4 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện tại các băng tần: 2.1. 115 ÷ 150 kHz với tần số trung tâm là 125 kHz và 134,2 kHz; 2.2. 13,553 ÷ 13,567 MHz với tần số trung tâm là 13,56 MHz 2.3. 433,05 ÷ 434,79 MHz với tần số trung tâm là 433,92 MHz. 2.4. 866 ÷ 868 MHz với tần số trung tâm của kênh thứ n được tính theo công thức: 865,9 MHz + 0,2 MHz * n; n = 1 ÷ 10 2.5. 920 ÷ 925 MHz với băng thông lớn nhất cho phép của kênh nhảy tần ở mức suy giảm 20 dB là 500 kHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần cụ thể như sau: 3.1.1. 4,5 mW ERP tại băng tần 115 ÷ 150 kHz và 13,553 ÷ 13,567 MHz. 3.1.2. 10 mW ERP tại băng tần 433,05 ÷ 434,79 MHz. 3.1.3. 500 mW ERP tại băng tần 866 ÷ 868 MHz; 920 ÷ 925 MHz. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 115 ÷ 150 kHz và 13,553 ÷ 13,567 MHz: Chế độ hoạt động: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 27 dBµA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -3,5 dB µA/m. - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz; 4nW. - Các tần số khác giữa 30 MHz và 1000 MHz: 250 nW Chế độ chờ: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 6 dB µA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -24,5 dB µA/m. - Tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1000 MHz: 2nW 3.2.2. Tại băng tần 433,05 ÷ 434,79 MHz; 866 ÷ 868 MHz; 920 ÷ 925 MHz; độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không được nhỏ hơn 32 dBc tại khoảng cách 3m. 4. Các điều kiện khác 4.1. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện hoạt động trong băng tần 920 ÷ 925 MHz phải sử dụng phương pháp điều chế trải phổ nhảy tần. PHỤ LỤC 5 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ CẢNH BÁO VÀ PHÁT HIỆN VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện bao gồm bộ phận cảm biến và hệ thống điều khiển được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến. Một số loại thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện điển hình: thiết bị chống trộm, thiết bị phát hiện chuyển động. Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện tại các băng tần: 2.1. 115 ÷ 150 kHz 2.2. 13,553 ÷ 13,567 MHz 2.3. 29,7 ÷ 30,0 MHz 2.4. 146,35 ÷ 146,5 MHz 2.5. 240,15 ÷ 240,3 MHz 2.6. 300 ÷ 300,33 MHz 2.7. 312 ÷ 316 MHz 2.8. 444,4 ÷ 444,8 MHz 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần cụ thể như sau: 3.1.1. 4,5 mW ERP tại băng tần 115 ÷ 150 kHz và 13,553 ÷ 13,567 MHz. 3.1.2. 100mW ERP tại các băng tần 29,7 ÷ 30,0 MHz; 146,35 ÷ 146,5 MHz; 240,15 ÷ 240,3 MHz; 300 ÷ 300,33 MHz; 312 ÷ 316 MHz; 444,4 ÷ 444,8 MHz. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 115 ÷ 150 kHz và 13,553 ÷ 13,567 MHz: Chế độ hoạt động: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 27 dBµA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -3,5 dBµA/m. - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: 4nW. - Các tần số khác giữa 30 MHz và 1000 MHz: 250 nW Chế độ chờ: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 6 dB µA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -24,5 dB µA/m. - Tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1000 MHz: 2nW 3.2.2. Tại các băng tần 29,7 ÷ 30,0 MHz; 146,35 ÷ 146,5 MHz; 240,15 ÷ 240,3 MHz; 300 ÷ 300,33 MHz; 312 ÷ 316 MHz; 444,4 ÷ 444,8 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không nhỏ hơn 40 dBc ở đầu ra của máy phát. PHỤ LỤC 6 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ÂM THANH KHÔNG DÂY ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị âm thanh không dây bao gồm các thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện để truyền dẫn âm thanh hoặc tín hiệu âm thanh đã qua điều chế ở cự ly ngắn. Một số loại thiết bị âm thanh không dây điển hình: microphone không dây cài áo, microphone không dây cầm tay, tai nghe không dây, máy phát FM cá nhân, thiết bị trợ thính. Thiết bị âm thanh không dây được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 và điểm 4 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số 2.1. Thiết bị âm thanh không dây được sử dụng có điều kiện tại các băng tần sau: 2.1.1. 10,2 ÷ 11 MHz (chỉ dùng cho ứng dụng trợ thính) 2.1.2. 40,66 ÷ 40,70 MHz 2.1.3. 80 ÷ 108 MHz 2.1.4. 182,025 ÷ 182,975 MHz 2.1.5. 217,025 ÷ 217,975 MHz 2.1.6. 218,025 ÷ 218,475 MHz 2.1.7. 470,075 ÷ 470,725 MHz 2.1.8. 482,19 ÷ 488,00 MHz 2.2. Phân kênh và độ rộng kênh tần số 2.2.1. Đoạn băng tần 482,19 ÷ 488,00 MHz được phân kênh với tần số trung tâm như sau: 2.2.1.1. 482,19 MHz 2.2.1.2. 483,24 MHz 2.2.1.3. 483,42 MHz 2.2.1.4. 487,00 MHz 2.2.1.5. 488,00 MHz 2.2.2. Đoạn băng tần 470,075 ÷ 470,725 MHz được phân kênh với tần số trung tâm như sau: 2.2.2.1. 470,075 MHz 2.2.2.2. 470,150 MHz 2.2.2.3. 470,375 MHz 2.2.2.4. 470,625 MHz 2.2.2.5. 470,725 MHz 2.2.3. Tại các đoạn băng tần còn lại trong điểm 2.1 của Phụ lục này: độ rộng kênh không được lớn hơn 200 kHz và phải nằm trọn trong phạm vi các đoạn băng tần được phép hoạt động nêu tại điểm này. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần sau: 3.1.1. 4 µW EIRP trong băng tần 10,2 ÷ 11 MHz. 3.1.2. 100mW ERP trong băng tần 40,66 ÷ 40,70 MHz. 3.1.3. Băng tần 88 ÷ 108 MHz: 3.1.3.1. 20 nW EIRP đối với máy phát FM cá nhân. 3.1.3.2. 3µW ERP đối với các thiết bị khác thuộc loại thiết bị âm thanh không dây được sử dụng có điều kiện. 3.1.4. 10 mW ERP trong băng tần 470,075 ÷ 470,725 MHz. 3.1.5. 30 mW ERP trong các băng tần còn lại. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 88 ÷ 108 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không nhỏ hơn 32dBc ở cự ly 3m. 3.2.2. Tại băng tần 10,2 ÷ 11 MHz: Chế độ hoạt động: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 27 dBµA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -3,5 dB µA/m. - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: 4nW. - Các tần số khác giữa 30 MHz và 1000 MHz: 250 nW Chế độ chờ: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 6 dB µA/m giảm 3dB/8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -24,5 dB µA/m. - Tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1000 MHz: 2nW 3.2.3. Tại các băng tần 40,66 ÷ 40,70 MHz; 182,025 ÷ 182,975 MHz; 217,025 ÷ 217,975 MHz; 218,025 ÷ 218,475 MHz; 470,075 ÷ 470,725 MHz; 482,19 ÷ 488,00 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không nhỏ hơn 40 dBc ở đầu ra của máy phát. 4. Điều kiện khác Máy phát FM cá nhân chỉ được sử dụng băng tần 88 ÷ 108 MHz. PHỤ LỤC 7 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐIỀU KHIỂN TỪ XA VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện bao gồm các thiết bị dùng sóng vô tuyến điện để điều khiển các mô hình, điều khiển trong công nghiệp và gia dụng. Một vài loại thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện điển hình: điều khiển mô hình trên không như máy bay mô hình, điều khiển mô hình trên mặt đất, mặt nước như ôtô mô hình và tàu thủy mô hình, điều khiển trong công nghiệp và dân dụng như điều khiển đóng mở cửa ô tô và garage. Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện tại các băng tần sau: 2.1. 115 ÷ 150 kHz 2.2. 26,957 ÷ 27,283 MHz 2.3. 29,7 ÷ 30,0 MHz 2.4. 34,995 ÷ 35,225 MHz 2.5. 40,02 ÷ 40,98 MHz (chỉ dùng cho điều khiển mô hình máy bay) 2.6. 40,66 ÷ 40,70 MHz 2.7. 50,01 ÷ 50,99 MHz (chỉ dùng cho điều khiển mô hình máy bay) 2.8. 72,00 ÷ 72,99 MHz (chỉ dùng cho điều khiển mô hình máy bay) 2.9. 312 ÷ 316 MHz 2.10. 433,05 ÷ 434,79 MHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát hoặc cường độ trường của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần sau: 3.1.1. 4,5 mW ERP trong băng tần 115 ÷ 150 kHz. 3.1.2. 100mW ERP trong băng tần 26,957 ÷ 27,283 MHz; 29,7 ÷ 30,0 MHz; 34,995 ÷ 35,225 MHz; 40,02 ÷ 40,98 MHz; 40,66 ÷ 40,70 MHz; 40,77 ÷ 40,83 MHz; 50,01 ÷ 50,99 MHz; 312 ÷ 316 MHz. 3.1.3. 1 W ERP trong băng tần 72,00 ÷ 72,99 MHz (chỉ dùng cho điều khiển mô hình máy bay). 3.1.4. 10 mW ERP trong băng tần 433,05 ÷ 434,79 MHz. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 115 ÷ 150 kHz: Chế độ hoạt động: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 27 dBµA/m giảm 3dB /8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -3,5 dB µA/m. - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: 4nW. - Các tần số khác giữa 30 MHz và 1000 MHz: 250 nW Chế độ chờ: - Tần số 9 kHz ≤ f ≤ 10 MHz: 6 dB µA/m giảm 3dB /8 độ chia. - Tần số 10 MHz ≤ f ≤ 30 MHz: -24,5 dB µA/m. - Tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1000 MHz: 2 nW 3.2.3. Trong băng tần 26,957 ÷ 27,283 MHz; 29,7 ÷ 30,0 MHz; 34,995 ÷ 35,225 MHz; 40,02 ÷ 40,98 MHz; 40,66 ÷ 40,70 MHz; 50,01 ÷ 50,99 MHz; 72,00 ÷ 72,99 MHz; 312 ÷ 316 MHz; 433,05 ÷ 434,79 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không được nhỏ hơn 40 dBc ở đầu ra của máy phát. PHỤ LỤC 8 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ MẠNG NỘI BỘ KHÔNG DÂY (WLAN) ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị mạng nội bộ không dây, sau đây được gọi là “Thiết bị WLAN” (WLAN – Wireless Local Area Network), được sử dụng để thiết lập mạng nội bộ vô tuyến thay cho việc sử dụng dây cáp. Một số loại thiết bị WLAN điển hình: điểm truy nhập (access point), bộ định tuyến không dây (wifi router), bộ điều hợp mạng không dây (wifi card). Thiết bị WLAN được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại các điểm 3 và điểm 4 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị WLAN được sử dụng có điều kiện tại các băng tần: 2.1. 2400 ÷ 2483,5 MHz 2.2. 5150 ÷ 5250 MHz 2.3. 5250 ÷ 5350 MHz 2.4. 5470 ÷ 5725 MHz 2.5. 5725 ÷ 5850 MHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát và mật độ phổ công suất của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần cụ thể như sau: 3.1.1. 100 mW EIRP trong băng tần 2400 ÷ 2483,5 MHz và 100 mW/100KHz EIRP đối với thiết bị sử dụng điều chế FHSS hoặc 10 mW/1 MHz EIRP đối với thiết bị sử dụng điều chế khác. 3.1.2. 200 mW EIRP và 10 mW/MHz trong băng tần 5150 ÷ 5250 MHz 3.1.3. 200 mW EIRP và 10 mW/MHz trong băng tần 5250 ÷ 5350 MHz 3.1.4. 1 W EIRP và 50 mW/MHz tại 1 MHz bất kỳ trong băng tần 5470 ÷ 5725 MHz và băng tần 5725 ÷ 5850 MHz. 3.2. Phát xạ giả: Thiết bị WLAN khi hoạt động tại các băng tần trên phải tuân thủ các giới hạn phát xạ giả của Phụ lục này: 3.2.1 Tại băng tần 2400 ÷ 2483,5 MHz: 3.2.1.1. Phát xạ giả băng hẹp: Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá các giá trị tương ứng dưới đây: - Các tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1 GHz: -36 dBm - Các tần số 1,8 MHz ≤ f ≤ 1,9 GHz; 5,15 GHz ≤ f ≤ 5,3 GHZ: -47 dBm - Các tần số khác trong khoảng 1 GHz ≤ f ≤ 12,75 GHz: -30 dBm Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá các giá trị tương ứng dưới đây. - Các tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1 GHz: -57 dBm - Các tần số 1 MHz ≤ f ≤ 12,75 GHz: -47 dBm 3.2.1.2. Phát xạ giả băng rộng: Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá các giá trị tương ứng dưới đây: - Các tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1 GHz: -86 dBm/Hz. - Các tần số 1,8 MHz ≤ f ≤ 1,9 GHz; 5,15 GHz ≤ f ≤ 5,3 GHz: -97 dBm/Hz. - Các tần số khác trong khoảng 1 GHz ≤ f ≤ 12,75 GHz: -80 dBm/Hz Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá các giá trị tương ứng dưới đây: - Các tần số 30 MHz ≤ f ≤ 1 GHz: -107 dBm/Hz. - Các tần số 1 GHz ≤ f ≤ 12,75 GHz:-97 dBm/Hz. 3.2.2. Tại các băng tần 5150 ÷ 5250 MHz, 5250 ÷ 5350 MHz; 5470 ÷ 5725 MHz; 5725 ÷ 5850 MHz: - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: -54 dBm ERP (với băng thông 100 kHz). - Các tần số khác giữa 30 MHz và 1000 MHz: -36 dBm ERP (với băng thông 100 kHz). - Tần số 1 GHz ≤ f ≤ 26,5 GHz: -30 dBm ERP (với băng thông 1 MHz) 4. Các điều kiện khác 4.1. Các thiết bị WLAN chỉ được sử dụng ở trên mặt đất. 4.2. Các thiết bị WLAN hoạt động trong băng tần 5150 ÷ 5250 MHz chỉ được sử dụng trong nhà (Indoor use). 4.3. Các hệ thống truy nhập vô tuyến hoạt động trong băng tần 5250 ÷ 5350 MHz; 5470 ÷ 5725 MHz phải có khả năng: - Lựa chọn kênh tần số động (DFS: Dynamic Frequency Selection) - Điều khiển công suất máy phát (TPC: Transmitter Power Control). Không bắt buộc áp dụng điều kiện này cho các hệ thống truy nhập vô tuyến hoạt động trong băng tần 5470 ÷ 5725 MHz có công suất nhỏ hơn 500 mW EIRP 4.4. Các thiết bị WLAN được sử dụng cho mục đích cung cấp dịch vụ phải tuân theo các quy định về cung cấp dịch vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. PHỤ LỤC 9 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ ĐO TỪ XA VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện tự động hiển thị hoặc ghi lại các thông số đo lường và điều khiển các chức năng của thiết bị khác qua giao diện vô tuyến. Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện tại các băng tần sau: 2.1. 26,957 ÷ 27,283 MHz 2.2. 29,70 ÷ 30,00 MHz 2.3. 40,50 ÷ 41,00 MHz (chỉ dùng cho các ứng dụng y tế và sinh học) 2.4. 216 ÷ 217 MHz (chỉ dùng cho các ứng dụng y tế và sinh học) 2.5. 433,05 ÷ 434,79 MHz 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát hoặc cường độ trường của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần sau: 3.1.1. 100 mW ERP trong băng tần 26,957 ÷ 27,283 MHz; 29,7 ÷ 30,0 MHz. 3.1.2. 0,01mW ERP trong băng tần 40,5 ÷ 41,0 MHz; 216 ÷ 217 MHz. 3.1.3. 10 mW ERP tại băng tần 433,05 ÷ 434,79 MHz. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 26,957 ÷ 27,283 MHz; 29,7 ÷ 30,0 MHz; 216 ÷ 217 MHz; 433,05 ÷ 434,79 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không nhỏ hơn 40 dBc ở đầu ra máy phát. 3.2.2 Tại băng tần 40,50 ÷ 41,00 MHz: Độ suy giảm phát xạ giả so với phát xạ chính không nhỏ hơn 32 dBc ở cự ly 3m. PHỤ LỤC 10 ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT VÀ KHAI THÁC ĐỐI VỚI THIẾT BỊ TRUYỀN HÌNH ẢNH KHÔNG DÂY ĐƯỢC SỬ DỤNG CÓ ĐIỀU KIỆN 1. Định nghĩa Thiết bị truyền hình ảnh không dây (wireless video transmitter) dùng để truyền dữ liệu hình ảnh về hệ thống xử lý qua giao diện vô tuyến. Một số loại thiết bị truyền hình ảnh không dây điển hình như: webcam không dây, camera không dây, thiết bị truyền hình ảnh không dây qua giao diện cổng USB từ máy tính. Thiết bị truyền hình ảnh không dây được sử dụng có điều kiện khi hoạt động tại các băng tần quy định tại điểm 2 của Phụ lục này phải đảm bảo đúng các điều kiện tại điểm 3 của Phụ lục này. 2. Điều kiện về tần số Thiết bị truyền hình ảnh không dây được sử dụng có điều kiện tại các băng tần sau: 2.1. 2400 ÷ 2483,5 MHz. 2.2. 10,50 ÷ 10,55 GHz 2.3. 24,00 ÷ 24,25 GHz. 3. Điều kiện về phát xạ 3.1. Phát xạ chính: Công suất phát hoặc cường độ trường của phát xạ chính không được lớn hơn các giá trị tương ứng với các băng tần sau: 3.1.1. 10 mW EIRP trong băng tần 2400 ÷ 2483,5 MHz; 3.1.2. 100 mW EIRP trong băng tần 24,00 ÷ 24,25 GHz; 10,50 ÷ 10,55 GHz. 3.2. Phát xạ giả: 3.2.1. Tại băng tần 2400 ÷ 2483,5 MHz; 10,50 ÷ 10,55 GHz và 24,00 ÷ 24,25 GHz - Tần số 47 MHz ≤ f ≤ 74 MHz; 87,5 MHz ≤ f ≤ 118 MHz; 174 MHz ≤ f ≤ 230 MHz; 470 MHz ≤ f ≤ 862 MHz: + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 4 nW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 2 nW - Các tần số khác nhỏ hơn 1000 MHz: + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 250 nW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 2 nW - Các tần số khác lớn hơn 1000 MHz: + Chế độ hoạt động: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 1 µW + Chế độ chờ: Công suất phát xạ giả không vượt quá: 20 nW
{ "issuing_agency": "Bộ Thông tin và Truyền thông", "promulgation_date": "03/12/2009", "sign_number": "36/2009/TT-BTTTT", "signer": "Lê Nam Thắng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-89-KH-UBND-2024-quy-dinh-cong-tac-thanh-nien-Can-Tho-608363.aspx
Kế hoạch 89/KH-UBND 2024 quy định công tác thanh niên Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 89/KH-UBND Cần Thơ, ngày 26 tháng 4 năm 2024 KẾ HOẠCH CÔNG TÁC THANH NIÊN NĂM 2024 Căn cứ Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố về phát triển thanh niên thành phố Cân Thơ giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 74/NQ-HĐND); Quyết định số 4365/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình về phát triển thanh niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 4365/QĐ-UBND); Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 02 tháng 03 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển thanh niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 41/KH-UBND); Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024, nội dung cụ thể như sau: I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU 1. Mục tiêu Triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển thanh niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên của sở, ban ngành và địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển thanh niên của thành phố. 2. Yêu cầu a) Việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên phải có trọng tâm, trọng điểm; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Đảm bảo việc thực hiện nội dung công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn thành phố theo đúng kế hoạch và tiến độ thời gian đề ra; b) Các cấp, các ngành tập trung nghiên cứu, lồng ghép việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cho thanh niên trong kế hoạch hoạt động chung của cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu và xác định nội dung, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện đảm bảo sâu rộng, kịp thời, nghiêm túc, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị và địa phương; c) Xác định cụ thể trách nhiệm, cơ chế phối hợp của sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. II. NỘI DUNG THỰC HIỆN 1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về thanh niên Cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Thanh niên năm 2020, Chiến lược phát triển thanh niên của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết, Chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển thanh niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên và văn bản liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, đối tượng thanh niên là học sinh, sinh viên ở Trường Đại học, Cao đẳng bằng nhiều hình thức, phương tiện thông tin đại chúng; mở chuyên trang, chuyên mục về Kế hoạch trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử... 2. Xây dựng và ban hành văn bản tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thanh niên Cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành đầy đủ văn bản triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chương trình, đề án, dự án theo chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nhằm chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa nhiệm vụ theo Nghị quyết số 74/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố và Quyết định số 4365/QĐ-UBND , Kế hoạch số 41/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, gắn với chỉ tiêu, lộ trình cụ thể[1]. Kế hoạch thực hiện cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, thời gian hoàn thành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa phương và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lưu ý khi xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hàng năm phải lồng ghép chỉ tiêu phát triển thanh niên được Ủy ban nhân dân thành phố giao để triển khai có hiệu quả. 3. Thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với thanh niên a) Cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chính sách về thanh niên như: giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 quy định tại Nghị định số 112/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ; chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; quy định tại Nghị định số 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong và Thông tư số 18/2014/TT-BNV ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định việc xác nhận phiên hiệu đơn vị thanh niên xung phong đã được thành lập và hoạt động trong các thời kỳ đối với đơn vị chưa được xác định phiên hiệu; b) Triển khai, thực hiện Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; triển khai, thực hiện Nghị định 17/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về chính sách đối với Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Công văn số 1874/UBND-KGVX ngày 26 tháng 5 năm 2021 của UBND thành phố về triển khai thực hiện quy định về đối thoại thanh niên; cơ chế, chính sách đối với thanh niên, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; c) Tiếp tục thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. 4. Tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn thành phố a) Tăng cường vai trò, trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách và những hoạt động quản lý nhà nước về thanh niên thuộc phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý của ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công tổ chức thực hiện; b) Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, địa phương với Sở Nội vụ trong việc giải quyết vấn đề liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc phạm vi, lĩnh vực có liên quan. 5. Tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên Cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, hoàn thiện việc bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức phụ trách nhiệm vụ về công tác thanh niên và điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên của cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định. Sở Nội vụ phối hợp cùng cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giáo dục đạo đức lý tưởng cách mạng về công tác thanh niên cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác thanh niên của cơ quan, đơn vị, địa phương. 6. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện Chiến lược, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển thanh niên trên địa bàn thành phố bảo đảm đúng nội dung, tiến độ và hiệu quả; kịp thời chấn chỉnh đưa công tác quản lý nhà nước về thanh niên đi vào nề nếp, ổn định; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn thành phố. III. KINH PHÍ THỰC HIỆN 1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 được bố trí từ ngân sách của thành phố. Trong đó, những nội dung về công tác thanh niên thuộc chương trình, kế hoạch, đề án của những năm trước đây được tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2024; cơ quan, đơn vị, địa phương sắp xếp và bố trí kinh phí thực hiện, lồng ghép vào kinh phí của chương trình, kế hoạch, đề án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. 2. Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách, xây dựng dự toán và bố trí đủ kinh phí triển khai thực hiện những nội dung Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của sở, ban ngành, địa phương theo thẩm quyền. Trường hợp gặp vướng mắc, khó khăn liên quan đến kinh phí thực hiện cơ quan, đơn vị, địa phương có văn bản báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ) xem xét, chỉ đạo giải quyết. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Nội vụ Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2024; phát động phong trào thi đua thực hiện Kế hoạch phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn thành phố. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ đã được phân công thực hiện theo Kế hoạch này. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2024. 2. Sở Tài chính Thẩm định dự toán của cơ quan, đơn vị, địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thanh quyết toán đúng quy định. 3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng xây dựng chương trình, chuyên mục, chuyên trang giới thiệu tuyên truyền nội dung Luật Thanh niên và chủ trương, chính sách của Nhà nước, nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên của thành phố nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, hiệu quả đến cơ quan, đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. 4. Ủy ban nhân dân quận, huyện a) Căn cứ vào Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển thanh niên của thành phố và Chương trình phát triển thanh niên của địa phương mình để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 tại địa phương. Triển khai thực hiện lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; b) Chủ động phối hợp với sở, ban ngành có liên quan triển khai quy hoạch, xây dựng công trình, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho thanh niên. Cân đối và bố trí ngân sách của địa phương đảm bảo đủ kinh phí cho việc triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên tại địa phương. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên tại cấp huyện, cấp xã. 5. Đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chấp hành Thành Đoàn Cần Thơ theo tinh thần Quy chế phối hợp số 124/QCPH-UBND-BCHĐTN ngày 09 tháng 10 năm 2023 về Quy chế phối hợp công tác của Ủy ban nhân dân thành phố và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2023 - 2027. Chỉ đạo tổ chức đoàn trực thuộc chủ động phối hợp với cơ quan chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp hoạt động góp phần thực hiện chỉ tiêu trong Chương trình phát triển thanh niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030; b) Đánh giá kết quả thực hiện nội dung đã ký kết giữa Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố và cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng Kế hoạch liên tịch phối hợp hoạt động cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên thành phố; c) Đề xuất, tổ chức hoạt động, xung kích tình nguyện để tập hợp thanh niên tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức hoạt động đối thoại với thanh niên để tăng cường vai trò phản biện, giúp chính quyền các cấp nắm bắt, giải quyết vấn đề cho thanh niên; d) Chủ động phối hợp cùng cơ quan, đơn vị tăng cường công tác hợp tác quốc tế về thanh niên để huy động nguồn lực đầu tư, phát triển thanh niên. 6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phát triển thanh niên trong tổ chức, tham gia quản lý nhà nước và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên. 7. Sở, ban ngành thành phố a) Xây dựng kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 của ngành, lĩnh vực quản lý để triển khai thực hiện nội dung về công tác thanh niên được phân công thực hiện trong Kế hoạch; b) Tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; bố trí và thực hiện lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Kế hoạch công tác thanh niên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực có liên quan đến thanh niên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; c) Phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện những nội dung mới thuộc Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý của sở, ban ngành theo thẩm quyền được giao. Trên đây là Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố. Yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ nội dung đã được phân công trong Kế hoạch; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên năm 2024 và dự kiến những nội dung, nhiệm vụ cơ bản về công tác thanh niên năm tiếp theo của cơ quan, đơn vị, địa phương gửi về Sở Nội vụ trước ngày 20 tháng 11 năm 2024. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời gửi văn bản phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./. (Đính kèm Phụ lục nhiệm vụ trọng tâm về công tác thanh niên năm 2024) Nơi nhận: - Bộ Nội vụ; - TT TU; TT HĐND TP; - Ban VH-XH, HĐND TP; - CT, PCT UBND TP; - UBMTTQ VN và các đoàn thể TP; - Sở, ban ngành thành phố; - Báo, Đài PTTH TP; - UBND quận, huyện; - UBND xã, phường, thị trấn; - Cổng TTĐTTP; - Lưu: VT, LHH. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Thực Hiện PHỤ LỤC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ CÔNG TÁC THANH NIÊN NĂM 2024 (Đính kèm Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 26/4/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ) STT Tên văn bản Cơ quan chủ trì Cơ quan phối hợp Cơ quan ban hành văn bản Thời gian hoàn thành Ghi chú I. XÂY DỰNG, BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 1 Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024. Sở Nội vụ Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm 2 Công văn chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước về thanh niên năm 2024. Sở Nội vụ Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Công văn số 772/UBND-KGVX ngày 04/3/2024 của CT UBND TP 3 Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện Kế hoạch phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2025. Sở Nội vụ Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Nhiệm vụ của Kế hoạch công tác thanh niên năm 2023 (Kế hoạch số 41/KH-UBND) chuyển sang Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 để tiếp tục thực hiện 4 Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP về tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh niên. Sở Nội vụ Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Chỉ thị số 12/CT- UBND ngày 09/4/2024 của CT UBND TP II. TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CÁC CHÍNH SÁCH, CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN VỀ PHÁT TRIỂN THANH NIÊN 1 Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 30/3/2022 của UBND TP về triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 -2030”. Đoàn TNCS HCM TP Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ và Sở, ban ngành có liên quan UBND TP Trong năm Đã ban hành, tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 2 Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2023 của UBND TP về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên. Sở Tư pháp Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Đã ban hành, tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 3 Chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho thanh niên là học sinh, sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi học thuật của thành phố, quốc gia, khu vực và thế giới. Sở Giáo dục và Đào tạo Sở, ban ngành có liên quan HĐND thành phố Trong năm Đã ban hành, tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 4 Chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh, thiếu niên có điều kiện học tập, nâng cao trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Sở Giáo dục và Đào tạo Sở, ban ngành có liên quan và UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Chưa ban hành, nhiệm vụ của Kế hoạch công tác thanh niên năm 2023 (Kế hoạch số 41/KH-UBND) chuyển sang Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 để tiếp tục thực hiện 5 Triển khai các giải pháp đổi mới các hoạt động giáo dục thể chất ở các trường chuyên nghiệp, phổ thông nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thể chất. Sở Giáo dục và Đào tạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; - Các cơ quan, đơn vị có liên quan Sở Giáo dục - Đào tạo; các cơ quan, đơn vị có liên quan Trong năm Tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 6 Lồng ghép các nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trong năm Tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 7 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Sở, ban ngành, UBND quận, huyện HĐND thành phố Trong năm Đã ban hành, tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 8 Triển khai thực hiện rà soát, quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình công cộng phục vụ thanh niên như: trung tâm huấn luyện kỹ năng, sinh hoạt thanh niên; nhà văn hóa thanh thiếu nhi, công trình văn hóa, vui chơi, giải trí cho thanh niên. UBND quận, huyện Các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, tổ chức có liên quan UBND TP Trong năm Tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 9 Chính sách quy định mức thưởng thanh niên là vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao của thành phố, quốc gia, khu vực và thế giới. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở, ban ngành, UBND quận, huyện. Trong năm Đã ban hành, tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 10 Triển khai các giải pháp, nhiệm vụ lồng ghép xây dựng chương trình, đề án, dự án có liên quan đối tượng thanh niên vào nhiệm vụ của ngành nhằm tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở nơi học tập, làm việc và cư trú. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sở, ban ngành, UBND quận, huyện. Trong năm Tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo 11 Triển khai Kế hoạch tuyển chọn cán bộ nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để bố trí làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn thành phố. Sở Nội vụ Sở, ban ngành, UBND quận, huyện UBND TP Trong năm Chưa ban hành, nhiệm vụ của Kế hoạch công tác thanh niên năm 2023 (Kế hoạch số 41/KH- UBND) chuyển sang Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024, trong đó Sở Nội vụ thay thế Đề án thành Kế hoạch để tiếp tục thực hiện 12 Xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên thành phố Cần Thơ sáng tạo, khởi nghiệp. Đoàn TNCS HCMTP Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, cơ quan có liên quan UBND TP Trong năm Chưa thực hiện, nhiệm vụ của Kế hoạch công tác thanh niên năm 2023 (Kế hoạch số 41/KH-UBND) chuyển sang Kế hoạch công tác thanh niên năm 2024 để tiếp tục thực hiện 13 Kế hoạch triển khai các văn bản về công tác thanh niên cho thanh niên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Sở Nội vụ Đoàn TNCS HCM TP; Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Sở Nội vụ Trong năm [1] Riêng đối với Kế hoạch thực hiện hàng năm, có thể được ban hành lồng ghép với văn bản hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ công tác năm của cơ quan, đơn vị.
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "26/04/2024", "sign_number": "89/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Thực Hiện", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-157-2016-ND-CP-sua-doi-150-2006-ND-CP-huong-dan-mot-so-dieu-Phap-lenh-Cuu-chien-binh-282851.aspx
Nghị định 157/2016/NĐ-CP sửa đổi 150/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh mới nhất
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 157/2016/NĐ-CP Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2016 NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2006/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2006 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU PHÁP LỆNH CỰU CHIẾN BINH Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10 năm 2005; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh 1. Bổ sung Điều 2 như sau: a) Bổ sung vào điểm b, điểm c khoản 3 Điều 2: “b) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước (ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc), đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. c) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích ở miền Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước, đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu theo sự quản lý, phân công hoặc giao nhiệm vụ của tổ chức, cơ sở cách mạng có thẩm quyền”. b) Bổ sung vào điểm a, điểm b khoản 5 Điều 2: “a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở đơn vị tập trung theo quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu, chuyển ngành.” 2. Sửa đổi, bổ sung khoản 6, khoản 7, khoản 9 Điều 5 như sau: “6. Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước hoặc tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành. 7. Cựu chiến binh cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội Cựu chiến binh cơ sở đề nghị, chính quyền địa phương xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng của xã hội; cựu chiến binh được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. 9. Cựu chiến binh trong các cơ quan làm công tác Hội Cựu chiến binh được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, được tham gia thi tuyển vào các trường đào tạo của trung ương, địa phương để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Kinh phí đào tạo do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chế độ đào tạo cán bộ, công chức hiện hành.” 3. Bổ sung khoản 4 Điều 7 như sau: “4. Trong doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện thành lập Hội Cựu chiến binh thì được tổ chức như sau: a) Đối với doanh nghiệp có tổ chức Đảng thì Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở cùng với tổ chức Đảng tại doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với doanh nghiệp thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó. b) Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, nếu người lao động là cựu chiến binh có nhu cầu thành lập hội thì tổ chức Đảng cấp trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp và Hội Cựu chiến binh cấp trên cơ sở xem xét, quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh tại doanh nghiệp đó.” 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau: "Điều 9. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh Việt Nam 1. Nguồn kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh bao gồm: a) Nguồn thu hội phí; b) Nguồn viện trợ, tài trợ; c) Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, gồm: - Kinh phí của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương do ngân sách Trung ương bảo đảm. - Kinh phí của Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm. d) Nguồn hỗ trợ từ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác; đ) Các nguồn thu khác (nếu có). 2. Tài sản của Hội Cựu chiến binh bao gồm: a) Tài sản Nhà nước giao; b) Tài sản do cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tài trợ, cho, tặng theo quy định của pháp luật. 3. Kinh phí hoạt động của tổ chức Hội Cựu chiến binh trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và doanh nghiệp do các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp đó bảo đảm và được hạch toán chi phí hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. 4. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. 5. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính." 5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 10 như sau: “1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh chuyên trách ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của tổ chức chính trị - xã hội khác; khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác áp dụng quy định này tùy điều kiện cụ thể của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. 3. Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng làm công tác Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện không hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng: b) Người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế đang làm công tác Hội Cựu chiến binh được hưởng lương và các chế độ chính sách theo quy định hiện hành. Việc đóng bảo hiểm và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành. 4. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) được hưởng lương, phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã được hưởng phụ cấp như Phó Chủ tịch tổ chức chính trị - xã hội khác theo quy định hiện hành. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và những người thuộc biên chế của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được hưởng lương và các chế độ chính sách theo quy định hiện hành. 5. Cựu chiến binh đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã; cựu chiến binh tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ cấp huyện trở lên khi thôi làm công tác hội thì được hưởng chế độ, chính sách như sau: a) Ở cấp xã: Đối với Chủ tịch cứ mỗi năm tham gia công tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng (gồm mức lương theo chức danh và phụ cấp chức vụ lãnh đạo); đối với Phó Chủ tịch cứ mỗi năm công tác được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng phụ cấp hiện hưởng; thời gian công tác để tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. b) Ở cấp huyện trở lên: Cứ mỗi năm tham gia công tác hội được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương hiện hưởng (gồm mức lương theo chức danh và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, nếu có); thời gian công tác để tính trợ cấp được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước." 6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau: Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh các cấp hoạt động”. Điều 2. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2017. Điều 3. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi đối với cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định này. 2. Bộ Tài chính hướng dẫn việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này. 3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn về thực hiện trợ giúp pháp lý đối với cựu chiến binh. 4. Bộ Nội vụ phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này và các quy định tại Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, V.III (3b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "24/11/2016", "sign_number": "157/2016/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Xuân Phúc", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-143-2014-TT-BTC-lap-du-toan-su-dung-quyet-toan-kinh-phi-Ho-tro-phat-trien-nhom-tre-doc-lap-tu-thuc-2020-252982.aspx
Thông tư 143/2014/TT-BTC lập dự toán sử dụng quyết toán kinh phí Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục 2020 mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 143/2014/TT-BTC Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2014 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ, PHÁT TRIỂN NHÓM TRẺ ĐỘC LẬP TƯ THỤC Ở KHU VỰC KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT ĐẾN NĂM 2020” TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước; Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. 2. Đối tượng áp dụng a) Các cơ quan Trung ương, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án; b) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác có liên quan. Điều 2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 1. Kinh phí thực hiện Đề án thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ. 2. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và theo các quy định cụ thể tại Thông tư này. Điều 3. Nội dung chi 1. Nội dung chi do các cơ quan Trung ương thực hiện: a) Chi các hoạt động triển khai, giám sát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án, gồm: - Chi tổ chức hội nghị giới thiệu, hội nghị tập huấn triển khai Đề án; hội thảo trao đổi kinh nghiệm; các hội nghị sơ kết, tổng kết cấp Trung ương; - Chi xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá thực hiện Đề án; giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện Đề án định kỳ, hàng năm hoặc đột xuất; - Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; chi viết báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án; chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ (nếu có); chi văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động của bộ phận giúp việc Đề án. b) Chi điều tra, khảo sát số lượng con công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất dưới 36 tháng tuổi và thực trạng trông giữ trẻ của các gia đình và các nhóm trẻ; rà soát các cá nhân, tổ chức có điều kiện thành lập nhóm trẻ; c) Chi xây dựng tài liệu cho các cuộc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tài liệu truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục và các bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, gồm: - Tài liệu cho các cuộc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên và bảo mẫu tại các nhóm trẻ độc lập tư thục; tài liệu về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ em cho các bà mẹ; - Tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về giám sát và tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp; - Chi biên soạn tài liệu truyền thông về chăm sóc và phát triển trẻ em. d) Chi các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Chi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng tích cực hỗ trợ cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. đ) Chi tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về giám sát và tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; e) Chi tổ chức hội thảo nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động; chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; g) Chi công tác chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục trong công tác chăm sóc sức khỏe của trẻ em; chi hoạt động phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục; h) Chi thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ kỹ thuật. 2. Nội dung chi do các địa phương thực hiện: a) Chi truyền thông, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức tại cộng đồng, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và các ngành liên quan trong quản lý nhóm trẻ; truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; b) Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại địa phương; chi tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết các cấp ở địa phương; chi văn phòng phẩm và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động triển khai Đề án; c) Tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ của địa phương về giám sát và tham gia công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non và người quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục ở địa phương; tập huấn cho các bà mẹ về kiến thức chăm sóc và nuôi dạy trẻ em. d) Chi in ấn, sao chụp, nhân bản các tài liệu để thực hiện tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền (trên cơ sở tài liệu do Trung ương cung cấp, các địa phương tiến hành in ấn, sao chụp, nhân bản phục vụ các cuộc tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền được tổ chức tại địa phương); đ) Chi hỗ trợ tài liệu sinh hoạt câu lạc bộ để kết nối mạng lưới các chủ nhóm trẻ tại địa phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin lẫn nhau giữa các nhóm trẻ. Địa điểm sinh hoạt Câu lạc bộ, nước uống do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tạo điều kiện hỗ trợ; e) Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục, bao gồm cả các nhóm được kiện toàn và nhóm thành lập mới. Điều 4. Mức chi 1. Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/05/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê. 2. Chi biên soạn, xây dựng tài liệu giảng dạy, tài liệu tập huấn: Thực hiện, theo nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với ngành đào tạo đại học, cao đẳng quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/06/2009 của Bộ Tài chính. 3. Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. 4. Chi tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (xây dựng tài liệu truyền thông, xây dựng băng, đĩa, tiểu phẩm truyền thông và các nội dung chi khắc phục vụ hoạt động tuyên truyền); chi bồi dưỡng báo cáo viên, cộng tác viên, tiền nước uống các cuộc sinh hoạt câu lạc bộ thực hiện theo mức chi tuyên truyền và mức chi thù lao báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nước uống sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật quy định tại Thông tư số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. 5. Chi tổ chức hội nghị triển khai công tác của Đề án, sơ kết, tổng kết Đề án; chi công tác phí chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; chi công tác phí chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhóm trẻ độc lập tư thục trong công tác chăm sóc sức khỏe của trẻ em và phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 6. Chi tổ chức hội thảo khoa học thực hiện theo Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 7/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. 7. Chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục, bao gồm cả các nhóm được kiện toàn và nhóm thành lập mới: Căn cứ khả năng của ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể. 8. Chi in ấn các ấn phẩm, tài liệu giảng dạy và các khoản chi khác thực hiện theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí: Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện Đề án thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này quy định thêm một số điểm đặc thù về công tác lập dự toán kinh phí như sau: 1. Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cơ quan chủ trì Đề án) căn cứ vào tiến độ thực hiện Đề án có văn bản hướng dẫn các nội dung công việc cụ thể thực hiện Đề án để các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có căn cứ lập dự toán ngân sách để triển khai Đề án. 2. Đối với dự toán chi thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương: Căn cứ hướng dẫn nội dung công việc cụ thể thực hiện Đề án của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các Bộ, cơ quan Trung ương được phân công nhiệm vụ thực hiện Đề án lập dự toán chi tiết, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan, gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định. Kinh phí thực hiện Đề án của cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng từ nguồn 2% kinh phí công đoàn. 3. Đối với dự toán chi thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương: Căn cứ hướng dẫn nội dung công việc cụ thể thực hiện Đề án của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án ở địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án và tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách của cơ quan, gửi cơ quan tài chính đồng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định. Điều 6. Tổ chức thực hiện: 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2014. 2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. 3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó TTCP; - Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chính phủ; - VP Quốc hội; - VP Chủ tịch nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện KSND tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - Cơ quan TW của các Hội, Đoàn thể; - UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Sở TC, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐTCP, Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, HCSN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "30/09/2014", "sign_number": "143/2014/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-14-2016-TT-BCT-sua-doi-36-2010-TT-BCT-thuc-hien-quy-tac-thu-tuc-cap-kiem-tra-xuat-xu-318990.aspx
Thông tư 14/2016/TT-BCT sửa đổi 36/2010/TT-BCT thực hiện quy tắc thủ tục cấp kiểm tra xuất xứ
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 14/2016/TT-BCT Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2016 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 36/2010/TT-BCT NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2010 CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG THỰC HIỆN QUY TẮC THỦ TỤC CẤP VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ, SỬA ĐỔI VÀ QUY TẮC CỤ THỂ MẶT HÀNG THEO HỆ THỐNG HÀI HÒA PHIÊN BẢN 2007 TRONG HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA THUỘC HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ HỢP TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN GIỮA HIỆP HỘI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á VÀ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ sửa đổi và Quy tắc cụ thể mặt hàng theo hệ thống hài hòa phiên bản 2007 trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều 1. Bổ sung tên Tổ chức cấp C/O theo danh sách được Bộ Công Thương ủy quyền tại Phụ lục 4, điểm 3.d ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ sửa đổi và Quy tắc cụ thể mặt hàng theo hệ thống hài hòa phiên bản 2007 trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như sau: Số thứ tự: 19, tên đơn vị: Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Hà Giang, mã số: 81. Điều 2. Thông tư này thay thế Thông tư số 35/2012/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2010/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ sửa đổi và Quy tắc cụ thể mặt hàng theo hệ thống hài hòa phiên bản 2007 trong Hiệp định Thương mại hàng hóa thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều 3. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2016./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng TW Đảng; - Ban kinh tế TW; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan TW của các Đoàn thể; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL); - Công báo Chính phủ; - Website Chính phủ; - Các Sở Công Thương; - Bộ Công Thương: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các Vụ, Cục, Tổng cục, đơn vị trực thuộc; - Website Bộ Công Thương; - Các Phòng QLXNK khu vực (20); - Các Ban quản lý KCN, KCX, KKT (38); - Lưu: VT, XNK (10). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Cẩm Tú
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "05/08/2016", "sign_number": "14/2016/TT-BCT", "signer": "Nguyễn Cẩm Tú", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-40-2018-ND-CP-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-theo-phuong-thuc-da-cap-329753.aspx
Nghị định 40/2018/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mới nhất
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 40/2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2018 NGHỊ ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật cạnh tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa. 3. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 4. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp là thỏa thuận bằng văn bản về việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp giữa cá nhân và doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 5. Quy tắc hoạt động là bộ quy tắc của doanh nghiệp bán hàng đa cấp điều chỉnh hành vi của người tham gia bán hàng đa cấp, quy trình và thủ tục thực hiện các hoạt động bán hàng đa cấp. 6. Kế hoạch trả thưởng là kế hoạch được doanh nghiệp bán hàng đa cấp sử dụng để tính hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng từ kết quả của hoạt động bán hàng của mình và của những người khác trong mạng lưới. 7. Vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp là vị trí, mã số của người tham gia bán hàng đa cấp được sắp xếp trong mạng lưới để tính hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp. Điều 4. Đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp 1. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Những hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: a) Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; b) Sản phẩm nội dung thông tin số. Điều 5. Những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp 1. Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: a) Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; b) Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; c) Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; d) Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; đ) Cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; e) Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp; g) Duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; h) Thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác; i) Tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp; k) Tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này; l) Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không được phép theo quy định tại Điều 4 Nghị định này; m) Không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp; n) Mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp. 2. Cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: a) Hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; b) Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; c) Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; d) Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; e) Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. 3. Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Cấm cá nhân tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Chương II ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Điều 6. Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Hoạt động bán hàng đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định này. Điều 7. Điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; b) Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên; c) Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này; d) Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Nghị định này; đ) Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này; e) Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; g) Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. 2. Doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 9 Nghị định này và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đó. Điều 8. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực trong thời gian 05 năm kể từ ngày cấp. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được lập thành 02 bản chính, 01 bản giao cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và 01 bản lưu tại Bộ Công Thương. 3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các nội dung sau: Tên doanh nghiệp; thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có): Mã số doanh nghiệp, nơi cấp, ngày cấp lần đầu, ngày thay đổi lần gần nhất; địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại, số fax, website, email; thông tin người đại diện theo pháp luật: Họ tên, quốc tịch, thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, chức vụ, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/nơi đăng ký lưu trú; phạm vi hàng hóa được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các tài liệu (có đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp) sau đây: 1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 2. 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. 3. 01 bản danh sách kèm theo bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp lệ (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân có quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu và giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam; hộ chiếu đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam) của những người nêu tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này. 4. 02 bộ tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm: a) Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; b) Kế hoạch trả thưởng; c) Chương trình đào tạo cơ bản; d) Quy tắc hoạt động. 5. 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng. 6. 01 bản chính văn bản xác nhận ký quỹ. 7. Tài liệu giải trình kỹ thuật về hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định tại Điều 44 Nghị định này. 8. Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có trang thông tin điện tử đáp ứng quy định tại Điều 45 Nghị định này. 9. Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp. Điều 10. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Tiếp nhận hồ sơ a) Doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 9 Nghị định này (kèm theo bản điện tử định dạng ".doc" và ".xls") tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi, bổ sung hồ sơ; c) Trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Bộ Công Thương trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp. 2. Thẩm định hồ sơ a) Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định. Bộ Công Thương trả lại hồ sơ nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo; b) Bộ Công Thương thẩm định hồ sơ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí thẩm định; c) Nội dung thẩm định: - Xác nhận bằng văn bản với ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ; - Thẩm định nội dung các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định này. d) Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Doanh nghiệp được nộp bổ sung hồ sơ 01 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo. Thời hạn thẩm định hồ sơ sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung. 3. Trả lại hồ sơ Trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ đúng thời hạn quy định tại điểm d khoản 2 Điều này hoặc hồ sơ của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này sau khi đã sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương thông báo trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do trả lại hồ sơ. 4. Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và giao lại cho doanh nghiệp 01 bản các tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này có đóng dấu treo hoặc dấu giáp lai của Bộ Công Thương. 5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, thông báo cho ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ và cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp kèm theo bản sao các tài liệu quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Nghị định này cho các Sở Công Thương trên toàn quốc bằng một trong các phương thức sau: a) Gửi qua bưu điện; b) Thư điện tử; c) Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương. Điều 11. Sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong các trường hợp sau: a) Trường hợp có thay đổi thông tin liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, cổ đông sáng lập, thành viên chủ sở hữu, thông tin liên quan đến việc ký quỹ, doanh nghiệp thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; b) Trường hợp có thay đổi liên quan đến khoản 4, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 9 Nghị định này, doanh nghiệp thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trước khi áp dụng. 2. Trong trường hợp có thay đổi thông tin tại danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương trước khi áp dụng. Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) 01 bản chính giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương cấp; c) Các tài liệu quy định tại Điều 9 Nghị định này liên quan đến những nội dung sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 2. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này. 3. Trình tự, thủ tục thông báo thay đổi danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp: a) Doanh nghiệp nộp văn bản thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp trong đó nêu rõ các nội dung thay đổi kèm theo 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp đã thay đổi tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); b) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Doanh nghiệp được phép áp dụng danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp nếu Bộ Công Thương không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ; c) Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc bằng một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này về việc doanh nghiệp thông báo thay đổi danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều 13. Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị mất, bị rách hoặc bị tiêu hủy, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm nộp đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, Bộ Công Thương cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp. Điều 14. Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần có thời hạn 05 năm. 2 Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong trường hợp đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này. 3. Trước khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực ít nhất 03 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 4. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: a) Đơn đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) Các tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định này; c) Các tài liệu quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 9 Nghị định này trong trường hợp có thay đổi so với lần sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp gần nhất. 5. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này. Điều 15. Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm các khoản phí cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. 2. Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 16. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp 1. Bộ Công Thương thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong những trường hợp sau đây: a) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương bị thu hồi hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thông tin gian dối; c) Doanh nghiệp bị xử phạt về một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 hoặc khoản 3 Điều 47 Nghị định này trong quá trình tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; d) Doanh nghiệp không khắc phục kịp thời theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực pháp luật. 3. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: a) Bộ Công Thương ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi xảy ra một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc theo một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Điều 17. Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp 1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: a) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn theo quy định tại Điều 14 Nghị định này; b) Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; c) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi. 2. Khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm sau đây: a) Thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương, niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, công bố trên trang chủ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; b) Chấm dứt, thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; c) Hoàn thành các nghĩa vụ theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền. Điều 18. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp 1. Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: a) Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: - Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; - Báo cáo theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; - 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; - 01 bản chính giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; - 01 bản sao quyết định về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; quyết định và biên bản họp về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của hội đồng thành viên nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của đại hội đồng cổ đông nếu là công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh nếu là công ty hợp danh; b) Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: - Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); - Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc theo một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. 2. Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp do giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực hoặc bị thu hồi: a) Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm: - Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; - Báo cáo theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; - 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp điều chỉnh lần gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; - 01 bản chính giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. b) Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: - Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực hoặc bị thu hồi, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); - Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, thông báo cho các Sở Công Thương trên toàn quốc theo một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Chương III QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Điều 19. Hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. 2. Doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương. 3. Doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương. Điều 20. Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó. 2. Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó. 3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Điều 21. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương bao gồm: a) Đơn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; c) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; d) 01 bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh (nếu có) hoặc 01 văn bản ủy quyền cho người đại diện tại địa phương, kèm theo 01 bản sao được chứng thực chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện đó trong trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương. 2. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương kèm theo danh sách người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương đến thời điểm nộp hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp đã có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực (danh sách ghi rõ: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số người tham gia, điện thoại liên hệ của người tham gia bán hàng đa cấp) tới Sở Công Thương nơi doanh nghiệp dự kiến hoạt động (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). 3. Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo tính đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương thông báo cho doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương ban hành thông báo. Sở Công Thương trả lại hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn nêu trên. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối xác nhận, Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối. 4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, Sở Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và gửi bản sao văn bản xác nhận tới Bộ Công Thương bằng một trong các cách thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này. Điều 22. Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương tới Sở Công Thương khi có một trong các thay đổi liên quan đến: a) Trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương; b) Người đại diện của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương. 2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi đăng ký sửa đổi, bổ sung theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và tài liệu quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định này có liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung tới Sở Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). 3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung. Doanh nghiệp được bổ sung hồ sơ 01 lần trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương ban hành thông báo. Sở Công Thương trả lại hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn nêu trên. 4. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương gửi cho doanh nghiệp văn bản xác nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp từ chối xác nhận, Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do. 5. Sở Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và thông báo tới Bộ Công Thương bằng một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này về việc xác nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Điều 23. Thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Sở Công Thương thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp: a) Hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương có thông tin gian dối; b) Doanh nghiệp không triển khai hoạt động bán hàng đa cấp trong thời hạn 12 tháng liên tục; c) Không tuân thủ các trách nhiệm quy định tại khoản 11 Điều 40 Nghị định này; d) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi. 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, Sở Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và thông báo tới Bộ Công Thương theo một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này. 3. Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực pháp luật. 4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định tại Điều 24 Nghị định này. 5. Sở Công Thương không cấp lại xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều này. Điều 24. Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương: a) Doanh nghiệp bị thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; b) Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. 2. Khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm sau đây: a) Thông báo bằng văn bản tới Sở Công Thương, niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương (nếu có), công bố trên trang chủ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; b) Chấm dứt, thanh lý hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; c) Hoàn thành các nghĩa vụ theo quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Điều 25. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương 1. Trường hợp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và báo cáo theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này tới Sở Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). 2. Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp do xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương bị thu hồi, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này tới Sở Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương bị thu hồi. 3. Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hợp lệ, Sở Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương, thông báo cho Bộ Công Thương theo một trong các phương thức quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này. Điều 26. Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đã được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. 2. Trường hợp hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi thực hiện. 3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Điều 27. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp 1. Hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp bao gồm: a) Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) Nội dung, tài liệu trình bày tại hội thảo, số lượng người tham gia dự kiến; c) Danh sách báo cáo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo kèm theo hợp đồng thuê khoán của doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nội dung báo cáo của báo cáo viên; d) 01 bản chính văn bản ủy quyền trong trường hợp doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân thực hiện đào tạo hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể thông báo về việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trong cùng một văn bản thông báo. 3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tới Sở Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện. 4. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công Thương thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung là 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương ban hành thông báo. 5. Doanh nghiệp được phép tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo nếu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Công Thương nhận được thông báo, Sở Công Thương không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. 6. Khi có thay đổi thông tin trong hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Công Thương ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện. 7. Trường hợp đã thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo với Sở Công Thương nhưng không thực hiện, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới Sở Công Thương trước ngày dự kiến tổ chức trong hồ sơ thông báo. Chương IV QUẢN LÝ NGƯỜI THAM GIA BÁN HÀNG ĐA CẤP Điều 28. Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp 1. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. 2. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp: a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật; c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này; đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Điều 29. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp. 2. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: a) Tên doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, thông tin liên hệ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú (hoặc đăng ký lưu trú đối với người nước ngoài), nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người tham gia bán hàng đa cấp; số giấy phép lao động trong trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp là người nước ngoài; c) Họ tên, mã số của người giới thiệu (người bảo trợ); d) Thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; đ) Thông tin về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động; e) Quyền và nghĩa vụ của các bên, đảm bảo tuân thủ các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; g) Quy định thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng; h) Quy định về việc mua lại hàng hóa; i) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và nghĩa vụ phát sinh kèm theo; k) Cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng. 3. Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức sau: a) Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, cỡ chữ ít nhất là 12; b) Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng phải tương phản nhau. Điều 30. Chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp 1. Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng việc gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trước khi chấm dứt hợp đồng ít nhất là 10 ngày làm việc. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm các quy định tại Điều 41 Nghị định này. 3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp khi người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này. 4. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền nhận trong quá trình tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Điều 31. Chương trình đào tạo cơ bản 1. Chương trình đào tạo cơ bản là chương trình đào tạo bắt buộc dành cho người tham gia bán hàng đa cấp. 2. Nội dung đào tạo cơ bản bao gồm các nội dung sau: a) Pháp luật về bán hàng đa cấp; b) Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp; c) Các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng; d) Cơ chế đánh giá việc hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản phù hợp với nội dung và phương thức đào tạo. 3. Thời lượng đào tạo tối thiểu là 08 giờ. Điều 32. Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo cơ bản đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và không được thu phí dưới bất kỳ hình thức nào. 2. Người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm tham gia và nắm bắt đầy đủ các nội dung của chương trình đào tạo cơ bản. 3. Chỉ những người được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ định làm Đào tạo viên mới được thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó. 4. Chương trình đào tạo cơ bản có thể được thực hiện thông qua các phương thức đảm bảo khả năng tương tác trong quá trình đào tạo, bao gồm: a) Đào tạo trực tiếp; b) Đào tạo từ xa. 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đánh giá mức độ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp và xác nhận bằng văn bản về việc hoàn thành nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cơ bản của người tham gia bán hàng đa cấp. 6. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm thời gian, cách thức, địa điểm (nếu có) và kết quả đào tạo. 7. Khi có thay đổi liên quan tới nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm đào tạo bổ sung hoặc thông báo cho người tham gia bán hàng đa cấp qua trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi. Điều 33. Thẻ thành viên 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được cấp Thẻ thành viên cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản và có cam kết bằng văn bản theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cấp miễn phí Thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp. 3. Thẻ thành viên bao gồm các nội dung sau: a) Tên doanh nghiệp; b) Thông tin liên hệ của doanh nghiệp; c) Ảnh của người tham gia bán hàng đa cấp; d) Thông tin của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm: Tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thành viên hoặc số thẻ, ngày cấp thẻ, nơi cấp thẻ. 4. Thẻ thành viên hết hiệu lực khi hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt. 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm công bố công khai việc chấm dứt hiệu lực của Thẻ thành viên trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Điều 34. Đào tạo viên 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm chỉ định Đào tạo viên để thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình. 2. Điều kiện đối với Đào tạo viên: a) Đã được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; b) Có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 3. Những trường hợp sau không đủ điều kiện trở thành Đào tạo viên: a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật; c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này; đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 4. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lập danh sách Đào tạo viên, lưu trữ hồ sơ kèm theo, công bố danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương. 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cập nhật danh sách Đào tạo viên trên trang thông tin điện tử và thông báo tới Bộ Công Thương trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi trong danh sách Đào tạo viên. 6. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của Đào tạo viên trong quá trình thực hiện đào tạo cơ bản. Điều 35. Đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp 1. Nội dung đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp bao gồm: a) Quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, pháp luật về quảng cáo, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; b) Các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động bán hàng đa cấp. 2. Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải được Bộ Công Thương công nhận. Điều 36. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp 1. Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm: a) Đơn đề nghị công nhận; b) Bản sao quyết định thành lập cơ sở có chức năng đào tạo được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; c) Chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; d) Danh sách bao gồm ít nhất 02 giảng viên có trình độ từ đại học trở lên. 2. Trình tự, thủ tục công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp thực hiện như sau: a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận, Bộ Công Thương xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo bổ sung hồ sơ; b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận hợp lệ, Bộ Công Thương tổ chức thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định công nhận. 3. Quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có thời hạn hiệu lực 03 năm kể từ ngày ký. 4. Bộ Công Thương quy định khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Điều 37. Hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp 1. Tổ chức đào tạo: a) Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tiến hành đào tạo theo đúng nội dung, chương trình đã được công nhận và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương bằng văn bản về kết quả đào tạo tại cơ sở trong thời hạn 10 ngày làm việc sau khi kết thúc khóa đào tạo. 2. Lưu trữ hồ sơ: Cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Hồ sơ lưu trữ gồm: a) Hồ sơ nhập học của học viên, danh sách học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo của từng khóa đào tạo; b) Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy cho mỗi khóa đào tạo; c) Hồ sơ quản lý việc cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. 3. Kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp: a) Trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, cơ sở đào tạo có trách nhiệm gửi báo cáo tổng kết hoạt động đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của năm trước đó (bao gồm kết quả đào tạo, kiểm tra và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp) tới Bộ Công Thương; b) Hàng năm, Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra việc đào tạo và cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của các cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Căn cứ kết quả kiểm tra, tùy theo mức độ sai phạm, Bộ Công Thương có thể yêu cầu cơ sở đào tạo khắc phục sai phạm hoặc tạm đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. c) Bộ Công Thương thu hồi, đình chỉ quyết định công nhận chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong các trường hợp sau: Cơ sở đào tạo bị giải thể; cơ sở đào tạo không khắc phục được sai phạm trong thời gian tạm đình chỉ hoặc các sai phạm không thể khắc phục được. Điều 38. Xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp 1. Người đã hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được doanh nghiệp bán hàng đa cấp đăng ký tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp do Bộ Công Thương tổ chức. 2. Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả trong kỳ kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. 3. Bộ Công Thương quy định cụ thể việc kiểm tra, cấp, thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. Điều 39. Trình tự, thủ tục cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp; b) Danh sách những người được đề nghị kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bao gồm các thông tin: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; c) 02 ảnh kích thước 3 x 4cm của những người trong danh sách quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; d) 01 Bản sao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp. 2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cho những người đạt kết quả. Chương V HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Điều 40. Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp 1. Niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp các tài liệu quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 9 Nghị định này. 2. Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký. 3. Xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp và tuân thủ giá bán đã công bố. 4. Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp. 5. Giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp. 6. Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp các hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp. 7. Khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 8. Vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đáp ứng quy định tại Điều 44 Nghị định này, đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp có thể truy cập và truy xuất các thông tin cơ bản về hoạt động bán hàng đa cấp của họ. 9. Vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 45 Nghị định này. 10. Vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận. 11. Cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. 12. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện kinh doanh và lưu thông đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều 41. Trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp 1. Người tham gia bán hàng đa cấp chỉ thực hiện các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp sau khi được cấp Thẻ thành viên. 2. Xuất trình Thẻ thành viên trước khi giới thiệu hoặc tiếp thị, bán hàng. 3. Tuân thủ hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp. 4. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực khi giới thiệu về doanh nghiệp bán hàng đa cấp, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, kế hoạch trả thưởng và quy tắc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Điều 42. Quy tắc hoạt động Quy tắc hoạt động phải quy định rõ quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, cấp Thẻ thành viên, đặt hàng, thanh toán, giao nhận hàng, gửi lại hàng (nếu có), bảo hành (nếu có), đổi, trả, mua lại hàng hóa và trả lại tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp, giải quyết khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, chấm dứt và thanh lý hợp đồng. Điều 43. Kế hoạch trả thưởng Kế hoạch trả thưởng phải quy định rõ điều kiện đạt được, hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả từng cấp bậc, danh hiệu người tham gia bán hàng đa cấp. Điều 44. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp 1. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam. 2. Hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp phải cung cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp các thông tin cơ bản sau: a) Thông tin cơ bản về người tham gia bán hàng đa cấp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định này; b) Thông tin về số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số, vị trí, cấp bậc, danh hiệu của người tham gia bán hàng đa cấp, tuyến trên, hệ thống tuyến dưới của người tham gia bán hàng đa cấp; c) Thông tin về lịch sử mua hàng của người tham gia bán hàng đa cấp và khách hàng do người tham gia bán hàng đa cấp đó giới thiệu; d) Thông tin về lịch sử nhận hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác của người tham gia bán hàng đa cấp. 3. Trong trường hợp hệ thống có trục trặc phải thông báo kịp thời cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Điều 45. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bán hàng đa cấp 1. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: a) Các tài liệu về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản và các văn bản, tài liệu cần thiết khác; b) Thông tin về hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, bao gồm tên gọi, giá bán, thành phần, công dụng, cách thức sử dụng, nguồn gốc xuất xứ, chứng chỉ, chứng nhận về tiêu chuẩn sản phẩm (nếu có); c) Thông tin về đăng ký doanh nghiệp, trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; d) Các quy trình, thủ tục về ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp, cấp Thẻ thành viên, đặt hàng, thanh toán, giao nhận hàng, gửi lại hàng (nếu có), mua lại hàng hóa và trả lại tiền, giải quyết khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, chấm dứt và thanh lý hợp đồng; đ) Quy trình, địa điểm bảo hành, đổi, trả hàng hóa và dịch vụ hậu mãi (nếu có); e) Thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm: Số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ tiếp nhận; g) Thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, bao gồm: Địa bàn hoạt động hiện tại; thu nhập cao nhất, trung bình và thấp nhất của người tham gia bán hàng đa cấp trong năm tài chính liền trước; h) Việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng và thu hồi hiệu lực Thẻ thành viên đối với người tham gia bán hàng đa cấp; i) Các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp. 2. Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này phải được cung cấp trên trang chủ hoặc có đường liên kết trực tiếp từ trang chủ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. 3. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan khi vận hành trang thông tin điện tử. Điều 46. Giao, nhận và gửi hàng hóa 1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp thanh toán tiền mua hàng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm giao đầy đủ hàng hóa theo số tiền người tham gia bán hàng đa cấp đã thanh toán và người tham gia bán hàng đa cấp có trách nhiệm nhận đầy đủ hàng hóa từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 2. Trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giao hàng hóa hoặc người tham gia bán hàng đa cấp không nhận hàng hóa trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm hủy giao dịch và hoàn trả toàn bộ số tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp. 3. Trong trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp gửi hàng hóa tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà không nhận hàng hóa trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm hủy giao dịch và hoàn trả toàn bộ số tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp. Điều 47. Trả lại, mua lại hàng hóa 1. Người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. 2. Hàng hóa trả lại phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Hàng hóa còn nguyên bao bì, tem, nhãn; b) Kèm theo hóa đơn mua số hàng hóa được yêu cầu trả lại. 3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa hợp lệ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại các hàng hóa đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và hoàn trả theo mức thỏa thuận với người tham gia bán hàng đa cấp nhưng không thấp hơn 90% số tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp đã trả để nhận số hàng hóa đó. 4. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp đã nhận từ việc mua số hàng hóa bị trả lại theo quy định tại Điều này. 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền thu lại từ những người tham gia bán hàng đa cấp khác tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác đã nhận liên quan đến số hàng hóa bị trả lại theo quy định tại Điều này. 6. Trường hợp hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này. Điều 48. Hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp theo kế hoạch trả thưởng đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. 2. Tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. 3. Doanh thu bán hàng đa cấp quy định tại khoản 2 Điều này là doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, không bao gồm thuế giá trị gia tăng. 4. Tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm khoản chênh lệnh giữa mức giá bán lẻ mà doanh nghiệp thông báo và mức giá mà doanh nghiệp bán cho người tham gia bán hàng đa cấp. 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mại và các lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Điều 49. Báo cáo của doanh nghiệp bán hàng đa cấp 1. Định kỳ 06 tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm báo cáo tới Bộ Công Thương và Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp về hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. 2. Báo cáo 06 tháng đầu năm phải được nộp trước ngày 31 tháng 7 hàng năm: a) Báo cáo 06 tháng đầu năm gửi Bộ Công Thương bao gồm nội dung theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và Báo cáo tài chính của năm tài chính liền trước có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; b) Báo cáo 06 tháng đầu năm gửi Sở Công Thương bao gồm nội dung theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 3. Báo cáo năm phải được nộp trước ngày 20 tháng 01 hàng năm cho Bộ Công Thương theo Mẫu số 15 và Sở Công Thương theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. 4. Trước ngày 10 hàng tháng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm cập nhật và gửi tới Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử) danh sách người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương của tháng trước đó (ghi rõ: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số người tham gia, điện thoại liên hệ của người tham gia bán hàng đa cấp). 5. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có thẩm quyền. Chương VI KÝ QUỸ Điều 50. Tiền ký quỹ 1. Tiền ký quỹ là khoản tiền đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định này. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng (mười tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. 3. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ xác nhận bằng văn bản việc ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có trách nhiệm phối hợp trong việc xác nhận các nội dung liên quan đến văn bản xác nhận ký quỹ khi Bộ Công Thương có yêu cầu. 4. Trường hợp có thay đổi thông tin trên văn bản xác nhận ký quỹ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục điều chỉnh văn bản xác nhận ký quỹ với ngân hàng. 5. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp và chỉ được rút, sử dụng khi có văn bản đồng ý của Bộ Công Thương, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Nghị định này. 6. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ chịu trách nhiệm quản lý khoản tiền ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 7. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo thỏa thuận với ngân hàng và được phép rút tiền lãi từ khoản tiền ký quỹ. Điều 51. Rút tiền ký quỹ 1. Doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau: a) Bộ Công Thương từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp; b) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này và đã hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này; c) Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 50 Nghị định này tại một ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác. 2. Khi thực hiện rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải cung cấp cho ngân hàng 01 bản chính thông báo trả lại hồ sơ của Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định này. 3. Khi thực hiện rút tiền ký quỹ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải cung cấp cho ngân hàng 01 bản chính văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 52 Nghị định này. 4. Ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ có trách nhiệm xác nhận với Bộ Công Thương bằng văn bản trước khi cho phép doanh nghiệp rút tiền ký quỹ. Điều 52. Hồ sơ, trình tự, thủ tục rút tiền ký quỹ 1. Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc kể từ ngày quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực và đã hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể nộp hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). 2. Hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ bao gồm: a) Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; b) Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp đến thời điểm chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp (tên, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, điện thoại, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, ngày ký hợp đồng, số Thẻ thành viên). 3. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ: a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo. Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của doanh nghiệp. b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương đăng tải thông tin nêu trên, người tham gia bán hàng đa cấp và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Bộ Công Thương về việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này. Trường hợp không có thông báo nào của người tham gia bán hàng đa cấp hoặc các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp gửi tới Bộ Công Thương trong thời hạn nêu trên, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp rút tiền ký quỹ. 4. Thủ tục rút tiền ký quỹ trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Nghị định này: a) Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị thay đổi ký quỹ kèm theo bản chính văn bản xác nhận ký quỹ tại ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi ký quỹ theo quy định tại điểm a khoản này, Bộ Công Thương gửi văn bản đề nghị ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi doanh nghiệp thực hiện ký quỹ mới xác nhận về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ; c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được xác nhận bằng văn bản của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi doanh nghiệp thực hiện ký quỹ mới, Bộ Công Thương ban hành văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp rút khoản tiền ký quỹ cũ. Điều 53. Xử lý khoản tiền đã ký quỹ 1. Tiền ký quỹ được sử dụng trong các trường hợp sau: a) Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này nhưng không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý các tranh chấp giữa doanh nghiệp bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp liên quan đến các nghĩa vụ đó; b) Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền. 2. Trình tự, thủ tục sử dụng tiền ký quỹ đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: a) Người tham gia bán hàng đa cấp nộp văn bản đề nghị sử dụng tiền ký quỹ và bản sao được chứng thực các bản án, quyết định nêu tại điểm a khoản 1 Điều này tới Bộ Công Thương (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản nêu tại điểm a khoản này, Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của các văn bản đó. Trường hợp các văn bản nêu tại điểm a khoản này không đảm bảo tính hợp lệ, Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản yêu cầu người có đề nghị sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành thông báo; c) Trường hợp các văn bản nêu tại điểm a khoản này đã đảm bảo tính hợp lệ, Bộ Công Thương ban hành văn bản yêu cầu ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ trích tiền ký quỹ để thực hiện yêu cầu của người tham gia bán hàng đa cấp. 3. Trình tự, thủ tục sử dụng tiền ký quỹ đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ban hành quyết định xử phạt đó gửi văn bản đề nghị Bộ Công Thương ban hành văn bản yêu cầu ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ trích khoản tiền ký quỹ để thực hiện quyết định xử phạt. 4. Bộ Công Thương giải quyết việc sử dụng khoản tiền ký quỹ theo trình tự thời gian tiếp nhận hồ sơ yêu cầu sử dụng khoản tiền ký quỹ hợp lệ. Chương VII TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Công Thương 1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước: a) Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; b) Thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; c) Thông báo việc cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tới các Sở Công Thương nơi doanh nghiệp tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp; d) Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp và xử lý theo thẩm quyền; đ) Hướng dẫn, phối hợp với các Sở Công Thương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; e) Thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; g) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp; h) Xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; i) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của Nghị định này. 2. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện các nội dung quản lý quy định tại điểm d, điểm e và điểm g khoản 1 Điều này. Điều 55. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ 1. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 2. Bộ Công an: a) Phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; b) Thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; c) Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ tư pháp khác theo quy định của pháp luật. 3. Bộ Y tế: a) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật; b) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm khác của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền; c) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với hoạt động quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, cung cấp thông tin về các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng khác của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. 4. Bộ Tài chính: a) Thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật về thuế; b) Công khai thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 5. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi thẩm quyền. 6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: a) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quảng cáo đối với các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền; b) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật. 7. Bộ Thông tin và Truyền thông: a) Xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho các cơ quan quản lý, báo chí, doanh nghiệp về pháp luật và hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; b) Phối hợp với các cơ quan báo chí: - Triển khai xây dựng các chương trình thường kỳ, các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp và cảnh báo cho người dân về các hoạt động biến tướng, bất chính trong kinh doanh theo phương thức đa cấp; - Phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp. 8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này. Điều 56. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương: a) Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn; b) Cấp, thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, xác nhận tiếp nhận thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; c) Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đ) Thông báo, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; e) Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp; g) Báo cáo theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất với Bộ Công Thương về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; h) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của Nghị định này. 2. Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Lực lượng quản lý thị trường tại địa phương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện các nội dung quản lý quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này. Điều 57. Xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp 1. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 2. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy định của Nghị định này gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 3. Kết quả xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp phải được công bố công khai. Điều 58. Thẩm quyền, thủ tục xử lý vi phạm Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định trong Nghị định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm. Chương VIII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 59. Hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 5 năm 2018. 2. Nghị định này thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Điều 60. Điều khoản chuyển tiếp 1. Trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có trách nhiệm đáp ứng các điều kiện về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này. 2. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có trách nhiệm bổ sung hồ sơ và đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định của Nghị định này. 3. Chứng chỉ Đào tạo viên đã được cấp theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP có giá trị thay thế xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. 4. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục rút và sử dụng tiền ký quỹ của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP thực hiện theo quy định của Nghị định này. 5. Việc rút và sử dụng tiền ký quỹ của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được cấp giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện tại Sở Công Thương theo hồ sơ, trình tự, thủ tục tương ứng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 52 và Điều 53 Nghị định này. Điều 61. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: VT, KTTH (2b).PC 205 TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Xuân Phúc PHỤ LỤC (Kèm theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ) Mẫu số 01 Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 02 Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 03 Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 04 Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 05 Đơn đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 06 Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp Mẫu số 07 Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Mẫu số 08 Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Mẫu số 09 Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Mẫu số 10 Xác nhận đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Mẫu số 11 Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương Mẫu số 12 Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp Mẫu số 13 Bản cam kết Mẫu số 14 Chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo kiến thức về bán hàng đa cấp Mẫu số 15 Báo cáo Bộ Công Thương Mẫu số 16 Báo cáo Sở Công Thương Mẫu số 17 Xác nhận ký quỹ Mẫu số 18 Đơn đề nghị rút tiền ký quỹ Mẫu số 01 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa):....................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.......................... Do:.................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày:......./........../……….......... ... Lần thay đổi gần nhất: ......./........../…… Địa chỉ của trụ sở chính:................................................................................................. Điện thoại:............................................... Fax:................................................................ Đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp trên cơ sở bộ hồ sơ kèm theo như sau: ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của bộ hồ sơ kèm theo./. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 02 Mặt 1: BỘ CÔNG THƯƠNG CỤC CẠNH TRANH VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Số: …………………………. Cấp lần đầu ngày…….. tháng……. năm……… 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): .................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số: ........................... Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ………/………./…….... Lần thay đổi gần nhất: ………/………./……... Địa chỉ trụ sở chính: ......................................................................................................... Điện thoại: …………………………………… Fax: ............................................................. Website: ……………………………………… Email: ......................................................... 2. Người đại diện theo pháp luật: Họ tên (ghi bằng chữ in hoa): .......................................................................................... Quốc tịch: ....................................................................................................................... Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: ................................................. Do: ……………………………………………..…………… Cấp ngày: ………/………./…….. Chức vụ: ......................................................................................................................... Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (hoặc nơi đăng ký lưu trú):........................................... ....................................................................................................................................... 3. Doanh nghiệp chỉ được phép thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp đối với các đối tượng đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số.... ngày... về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện kinh doanh và lưu thông đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp. 4. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực tới ngày.... tháng.... năm.... LÃNH ĐẠO CỤC (Ký tên và đóng dấu) Mặt 2: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Lần sửa đổi, bổ sung Ngày cấp Nội dung Xác nhận của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Mẫu số 03 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐƠN ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ..................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ……../……./……………..... Lần thay đổi gần nhất: ……../……./…..... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ………………………………. Fax: ................................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ......................................... Do: ……………………………………………………. Cấp lần đầu ngày: ……../……./…..... Cấp sửa đổi, bổ sung lần………………….. ngày ............................................................... Đăng ký sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như sau: I. Nội dung sửa đổi, bổ sung ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... II. Lý do sửa đổi, bổ sung ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... III. Văn bản, tài liệu kèm theo ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 04 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: …………../……./…...... Lần thay đổi gần nhất: ……..…../……./…...... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ……………………………………… Fax: ......................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ......................................... Do: …………………………………………………… Cấp lần đầu ngày: ……../……./…...... Cấp sửa đổi, bổ sung lần……………………… ngày ........................................................ Đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như sau: I. Các tài liệu đề nghị cấp lại ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... II. Lý do đề nghị cấp lại ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... III. Văn bản, tài liệu kèm theo ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 05 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: …………..../……./…...... Lần thay đổi gần nhất: ………../……./…...... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ……………………………………… Fax: ......................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ......................................... Do: …………………………………………………… Cấp lần đầu ngày: ……../……./…...... Cấp sửa đổi, bổ sung lần……………………… ngày ........................................................ Đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp trên cơ sở bộ hồ sơ kèm theo như sau: ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 06 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… THÔNG BÁO CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: ……………………….. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số: ............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ………./……./…...... Lần thay đổi gần nhất: …………/………./……… Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: …………………………………………… Fax: ................................................. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ........................................ Do: ……………………………………….………… Cấp lần đầu ngày: ………./……./…...... Cấp sửa đổi, bổ sung lần ……………………… ngày ……………………………………….. Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp như sau: 1. Lý do chấm dứt hoạt động: ......................................................................................... 2. Thời gian bắt đầu chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: .......................................... 3. Thông tin liên hệ tại trụ sở chính: Người liên hệ: ................................................................................................................. Chức vụ: ......................................................................................................................... Điện thoại: ………………………………….. Fax: ............................................................. Email: ............................................................................................................................. 4. Thông tin liên hệ tại các địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp: 4.1. Tên tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Chi nhánh/Văn phòng đại diện (nếu có): ........................................................................ Người liên hệ tại địa phương: ......................................................................................... Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ……………………………. Fax: ..................................................................... Email: ............................................................................................................................. 4.2. Tên tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Chi nhánh/Văn phòng đại diện (nếu có): ........................................................................ Người liên hệ tại địa phương: ......................................................................................... Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ……………………………….. Fax: ................................................................ Email: ............................................................................................................................. 5. Tài liệu kèm theo: ....................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 07 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Kính gửi: …………………………………… 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số: .............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ………./……./…...... Lần thay đổi gần nhất: …………/………./………… Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: …………………………………………… Fax: ..................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ............................................ Do: ………………………………………….………… Cấp lần đầu ngày: ………./……./…...... Cấp sửa đổi, bổ sung lần ……………………… ngày …………………..…………………….. Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh/thành phố…………………… như sau: 1. Thời gian dự kiến bắt đầu hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương:…. 2. Địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp, tại địa phương (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, các địa điểm kinh doanh nếu có): Tên doanh nghiệp/chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh ............................. Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ……………………… Fax: …………………….. Email: ...................................... Người đứng đầu: ............................................................................................................ Điện thoại liên hệ của người đứng đầu: ……………………… Email: ................................ 3. Người đại diện tại địa phương (trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương): Họ tên: ........................................................................................................................... Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: .................................................. Do: ………………………………………………… Cấp ngày: ………./…………/…………… Điện thoại: ……………………… Fax: …………………….. Email: .................................... Địa chỉ liên lạc: ................................................................................................................ Văn bản ủy quyền số:.... ngày ......................................................................................... 4. Văn bản, tài liệu kèm theo: ........................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 08 UBND TỈNH.... SỞ CÔNG THƯƠNG... ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Sở Công Thương tỉnh/thành phố……………… xác nhận 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số: ............................. Do:.................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ……/……/............................ Lần thay đổi gần nhất: ……/……/.......... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: …………………………………. Fax: ............................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ......................................... Do: ………………………………………… Cấp lần đầu ngày: ……/……/.......... Cấp sửa đổi, bổ sung lần…………………. ngày .............................................................. Đã đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh/thành phố ………………. với nội dung như sau: 1. Thời gian bắt đầu hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương: …………………….. 2. Địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, các địa điểm kinh doanh nếu có): Tên doanh nghiệp/chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh ........................ Địa chỉ: .......................................................................................................................... Điện thoại: …………….…………. Fax: …………………………. Email: ………………… Người đứng đầu: .......................................................................................................... Điện thoại liên hệ của người đứng đầu: …………………..… Email: ............................ 3. Người đại diện tại địa phương (trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương): Họ tên: ........................................................................................................................... Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: .................................................. Do: …………………………………………………….. Cấp ngày: ………/………./…………. Điện thoại: ……………….………. Fax: …………………………. Email: …………………… Địa chỉ liên lạc: ................................................................................................................ Văn bản ủy quyền số:……... ngày …………………………. Khi có bất kỳ thay đổi nào về một hoặc một số nội dung đã đăng ký, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật. Đại diện Sở Công Thương (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 09 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐĂNG KÝ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Kính gửi: ………………………………. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): .................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:............................ Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: …….……/………/……... Lần thay đổi gần nhất: ……./………/……... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ………………………………. Fax: .................................................................. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ........................................ Do: …………………………………………… Cấp lần đầu ngày: ………/………/……... Cấp sửa đổi, bổ sung lần ……………………… ngày ...................................................... 3. Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương số: .............................. Do:……………………………………………. Cấp ngày: ………/………/……... Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh/thành phố……………….. như sau: 1. Nội dung đăng ký sửa đổi, bổ sung: ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... 2. Lý do sửa đổi, bổ sung: ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... 3. Văn bản, tài liệu kèm theo:......................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 10 UBND TỈNH.... SỞ CÔNG THƯƠNG... ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Sở Công Thương tỉnh/thành phố…………… xác nhận 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ………/………/……... Lần thay đổi gần nhất: ………/………/……... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ………………………………. Fax: .................................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ............................................ Do: ………………………………………...……… Cấp lần đầu ngày: ………/………/……... Cấp sửa đổi, bổ sung lần ……………………… ngày ........................................................ Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh/thành phố…………….. như sau: ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Khi có bất kỳ thay đổi nào về một hoặc một số nội dung đã đăng ký, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật. Đại diện Sở Công Thương (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 11 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… THÔNG BÁO CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG Kính gửi: …………………………………………….. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:............................... Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ….………/………/……... Lần thay đổi gần nhất: ………/………/……... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ………………………………. Fax: .................................................................... 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: .......................................... Do: ………………………….…………………… Cấp lần đầu ngày: ………/………/……... Cấp sửa đổi, bổ sung lần ……………………… ngày ........................................................ 3. Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương số: .............................. Do: ………………………………………………………… Cấp ngày: ………/………/……... Thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh/thành phố………………….. như sau: 1. Lý do chấm dứt hoạt động: ......................................................................................... 2. Thời gian bắt đầu chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: ........................................... 3. Thông tin liên hệ tại trụ sở chính: Người liên hệ: ................................................................................................................. Chức vụ: ......................................................................................................................... Điện thoại: ………………………………………………. Fax: ............................................. Email: ............................................................................................................................. 4. Thông tin liên hệ tại địa phương: 4.1. Tên doanh nghiệp/chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (nếu có): ............ ....................................................................................................................................... Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ……………………….. Fax:…………………………. Email:............................ Người đứng đầu: ............................................................................................................ Điện thoại liên hệ của người đứng đầu: ………………………. Email: ........................... 4.2. Người đại diện tại địa phương (trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương): Họ tên: ........................................................................................................................... Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu số: ............................................... Do: ……………………………………………. Cấp ngày: …………./………../................... Điện thoại: ……………………….. Fax:…………………………. Email:........................... Địa chỉ liên lạc: .............................................................................................................. 5. Tài liệu kèm theo: ...................................................................................................... ....................................................................................................................................... Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu) Mẫu số 12 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… THÔNG BÁO TỔ CHỨC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO, ĐÀO TẠO VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP Kính gửi: …………………………………… 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa):(1) ................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ……….……/……../…….. Lần thay đổi gần nhất: ….…/……../……….. Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: ………………………………….. Fax: .................................................................. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ............................................ Do: ………………………………………………. Cấp lần đầu ngày: …………/………../…….. Cấp sửa đổi, bổ sung lần………………………… ngày ....................................................... 3. Xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương số:.................................. Do:................................................................................. Cấp ngày: …………/………../……. Thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo tại tỉnh/thành phố………………….. như sau(2): 1. Tên hội nghị, hội thảo, đào tạo: .................................................................................... 2. Thời gian tổ chức: ....................................................................................................... 3. Địa điểm tổ chức: ........................................................................................................ 4. Nội dung: .................................................................................................................... 5. Số lượng người tham gia dự kiến: ............................................................................... 6. Văn bản, tài liệu kèm theo: ........................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... 7. Người liên hệ:………………………………….. Điện thoại: ........................................ Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/Chi nhánh/Văn phòng đại diện (Ký tên và đóng dấu) Ghi chú: (1) Thông tin về doanh nghiệp hoặc chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương. (2) Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thể thông báo về việc tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trong cùng một văn bản thông báo. Mẫu số 13 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------- BẢN CAM KẾT Kính gửi: Công ty……………………………….. Tên tôi là: ...................................................................................................................... Ngày tháng năm sinh: .................................................................................................... Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu/: ................................................. Ngày cấp: ……………………. Nơi cấp: ........................................................................... Địa chỉ cư trú: ............................................................................................................... Điện thoại liên hệ: .......................................................................................................... Tôi cam kết các nội dung sau: (1) Tôi đã ký Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp số...., ngày…… với Công ty…………., được cấp mã số thành viên ……………. (2) Tôi đã tham gia và hoàn thành Chương trình đào tạo cơ bản do đào tạo viên…………….. của Công ty.... thực hiện từ ngày………………. đến ngày ……………… (3) Tôi đã đọc, được giảng giải và hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong vai trò người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định số ..../NĐ-CP ngày .... về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, Quy tắc hoạt động và Kế hoạch trả thưởng của Công ty ……… (4) Tôi hiểu rõ các lợi ích nhận được từ việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty là do nỗ lực bán hàng và phát triển mạng lưới bán hàng của bản thân chứ không phải do hoạt động đầu tư tài chính. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin nêu trên. ………, ngày……. tháng……. năm…….. NGƯỜI CAM KẾT (Ký, ghi rõ họ tên) Mẫu số 14 CƠ SỞ ĐÀO TẠO ……………………….. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Ảnh 3 x 4 Đóng dấu giáp lai CHỨNG NHẬN HOÀN THÀNH KHÓA ĐÀO TẠO KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ BÁN HÀNG ĐA CẤP Họ và tên: …………………………………………… Ngày sinh: …………………………………………… CMTND/Hộ chiếu số: ……………………………… Cấp ngày: ……………………… tại ……………….. Nơi cư trú: …………………………………………… Đã hoàn thành khóa đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tổ chức từ ngày…. đến ngày …. …….., ngày…. tháng…. năm……... (ký tên, đóng dấu) Số:………….. Ghi chú: (1) Đối với báo cáo định kỳ năm, doanh nghiệp cung cấp số liệu từ ngày 01 tháng 01 ước tính tới ngày 31 tháng 12 của năm. (2) Doanh nghiệp gửi kèm theo bản điện tử qua thư điện tử các nội dung liên quan trong báo cáo. Mẫu số 15 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BÁN HÀNG ĐA CẤP Kỳ báo cáo………….. Kính gửi: ………………………………. Tên doanh nghiệp: Địa chỉ: Người liên hệ: Điện thoại: Email: 1. Phạm vi hoạt động bán hàng đa cấp 1.1. Các địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh STT Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương Trụ sở chính/Chi nhánh/Văn phòng đại diện/Địa điểm kinh doanh Địa chỉ Người đứng đầu Điện thoại liên hệ Doanh thu từ BHĐC (không gồm VAT) Tình trạng hoạt động hiện tại 1 2 3 (Doanh nghiệp kê khai đầy đủ thông tin về trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên toàn quốc. Doanh thu phát sinh trong kỳ từ hoạt động bán hàng đa cấp của trụ sở, chi nhánh, địa điểm kinh doanh. Đơn vị triệu đồng. Tình trạng hoạt động hiện tại của chi nhánh/địa điểm kinh doanh: đang hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động.) 1.2. Các địa phương nơi doanh nghiệp có người đại diện tại địa phương STT Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương Tên người đại diện tại địa phương Chức vụ Điện thoại liên hệ 1 2 3 2. Mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp TT Chỉ tiêu Giá trị 1 Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 2 Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp phát sinh mới trong kỳ báo cáo 3 Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp chấm dứt hợp đồng trong kỳ báo cáo (Doanh nghiệp cung cấp kèm theo bản điện tử danh sách người tham gia bán hàng đa cấp bao gồm các chỉ tiêu: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số người tham gia, điện thoại liên hệ của người tham gia bán hàng đa cấp) 3. Doanh thu bán hàng đa cấp TT Chỉ tiêu Giá trị Doanh thu chưa gồm VAT (triệu đồng) Doanh thu bao gồm VAT (triệu đồng) 1 Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bổ sung sức khỏe 2 Mỹ phẩm , 3 Quần áo/Thời trang 4 Thiết bị 5 Đồ gia dụng 6 Khác 7 Tổng cộng (Doanh thu bán hàng đa cấp cho người tham gia, khách hàng trên toàn quốc) 4. Hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế, khuyến mại trả cho người tham gia bán hàng đa cấp Báo cáo tổng hợp về giá trị hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế đã trả trong kỳ; giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền trong kỳ; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp. (Doanh nghiệp cung cấp kèm theo bản điện tử danh sách người tham gia bán hàng đa cấp bao gồm các chỉ tiêu: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; mã số người tham gia; doanh thu bán hàng trong kỳ; giá trị hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế đã nhận trong kỳ; giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền trong kỳ; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân) 5. Kết quả hoạt động kinh doanh (Nội dung này chỉ áp dụng đối với báo cáo định kỳ năm) TT Chỉ tiêu Giá trị (triệu đồng) 1 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Các khoản giảm trừ 2 Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ Doanh thu từ bán hàng đa cấp Doanh thu khác 3 Doanh thu hoạt động tài chính 4 Giá vốn hàng bán Giá vốn mặt hàng đa cấp Giá vốn ngoài mặt hàng đa cấp (nếu có) 5 Chi phí quản lý, kinh doanh Chi phí hoa hồng Chi phí khuyến mãi Chi phí bán hàng khác Chi phí quản lý Chi phí tài chính 6 Lợi nhuận trước thuế 7 Lợi nhuận sau thuế (Doanh nghiệp tổng hợp nội dung này dựa trên báo cáo gửi cơ quan thuế của trụ sở chính và chi nhánh) 6. Thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với nhà nước TT Chỉ tiêu Giá trị (triệu đồng) 1 Thuế môn bài 2 Thuế giá trị gia tăng (VAT) 3 Thuế xuất nhập khẩu 4 Thuế thu nhập cá nhân (của người lao động) 5 Thuế thu nhập cá nhân nộp hộ người tham gia BHĐC 6 Thuế thu nhập doanh nghiệp 7 Khác Tổng cộng (Doanh nghiệp tổng hợp nội dung này dựa trên báo cáo gửi cơ quan thuế của trụ sở chính và chi nhánh) 7. Chương trình khuyến mại STT Tên chương trình khuyến mại Thời gian bắt đầu Thời gian kết thúc Giá trị khuyến mại đăng ký/thông báo Giá trị khuyến mại thực hiện 1 2 3 (Kết quả thực hiện các chương trình khuyến mại trong kỳ báo cáo) 8. Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo STT Tên hội nghị, hội thảo, đào tạo Thời gian tổ chức Địa điểm tổ chức Nội dung Số lượng người tham dự 1 2 3 (Các hội nghị hội thảo đào tạo được doanh nghiệp thông báo tới các Sở Công Thương và thực hiện trong kỳ báo cáo) 9. Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp Báo cáo tổng hợp số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đã được đào tạo trong kỳ theo từng phương thức. (Doanh nghiệp cung cấp kèm theo bản điện tử danh sách người tham gia bán hàng đa cấp đã được đào tạo cơ bản trong kỳ: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; mã số người tham gia; điện thoại liên hệ; thời gian đào tạo; phương thức đào tạo; Đào tạo viên thực hiện đào tạo cơ bản; ngày cấp Thẻ thành viên) 10. Mua lại hàng hóa từ người tham gia bán hàng đa cấp Báo cáo tổng hợp số lượng người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa, tổng giá trị hàng hóa trả lại, tổng giá trị khấu trừ, tổng giá trị đã chi trả và tổng giá trị còn lại. STT Họ tên CMND Mã số người tham gia Điện thoại Giá trị hàng hóa trả lại Khấu trừ Giá trị đã chi trả Giá trị còn lại 1 2 3 Tổng cộng (Doanh nghiệp cung cấp kèm theo bản điện tử danh sách người tham gia bán hàng đa cấp có yêu cầu trả lại hàng hóa: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; mã số người tham gia; điện thoại liên hệ; giá trị hàng hóa trả lại; giá trị khấu trừ; giá trị đã chi trả; giá trị còn lại) Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: (1) Đối với báo cáo định kỳ năm, doanh nghiệp cung cấp số liệu từ ngày 01 tháng 01 ước tính tới ngày 31 tháng 12 của năm. (2) Doanh nghiệp gửi kèm theo bản điện tử qua thư điện tử các nội dung liên quan trong báo cáo. Mẫu số 16 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BÁN HÀNG ĐA CẤP PHÁT SINH TẠI ĐỊA PHƯƠNG Kỳ báo cáo……… Kính gửi: ………………………………… Tên doanh nghiệp: ........................................................................................................... Địa chỉ: ........................................................................................................................... Chi nhánh/Văn phòng đại diện tại địa phương (nếu có): .................................................. Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ………………………………………. Email: ..................................................... Người đại diện tại địa phương (trường hợp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương): Địa chỉ: ........................................................................................................................... Điện thoại: ………………………………………. Email: ..................................................... 1. Hoạt động bán hàng đa cấp của trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương STT Trụ sở chính/Chi nhánh/Văn phòng đại diện/Địa điểm kinh doanh Địa chỉ Người đứng đầu Điện thoại liên hệ Tình trạng hoạt động hiện tại 1 2 3 (Doanh nghiệp kê khai đầy đủ thông tin về trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương. Tình trạng hoạt động hiện tại của chi nhánh/địa điểm kinh doanh: đang hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động.) 2. Mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương + Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương tính đến thời điểm báo cáo + Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương phát sinh mới trong kỳ báo cáo + Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương chấm dứt hợp đồng trong kỳ báo cáo (Chỉ tiêu báo cáo: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú), số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, mã số người tham gia, điện thoại liên hệ của người tham gia bán hàng đa cấp) 3. Doanh thu bán hàng đa cấp tại địa phương TT Chỉ tiêu Giá trị Doanh thu chưa gồm VAT (triệu đồng) Doanh thu bao gồm VAT (triệu đồng) 1 Thực phẩm chức năng/Thực phẩm bổ sung sức khỏe 2 Mỹ phẩm 3 Quần áo/Thời trang 4 Thiết bị 5 Đồ gia dụng 6 Khác 7 Tổng cộng (Doanh nghiệp báo cáo nội dung này dựa trên doanh thu bán hàng đa cấp cho người tham gia, khách hàng tại địa phương) 4. Hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế, khuyến mại trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương nhận hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế, khuyến mại trong kỳ báo cáo (Chỉ tiêu báo cáo: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; mã số người tham gia; doanh thu bán hàng trong kỳ; giá trị hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế đã nhận trong kỳ; giá trị khuyến mại quy đổi thành tiền trong kỳ; khấu trừ thuế thu nhập cá nhân) 5. Kết quả hoạt động kinh doanh (Nội dung này chỉ áp dụng đối với báo cáo định kỳ năm) TT Chỉ tiêu Giá trị (triệu đồng) 1 Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Các khoản giảm trừ 2 Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ Doanh thu từ bán hàng đa cấp Doanh thu khác 3 Doanh thu hoạt động tài chính 4 Giá vốn hàng bán Giá vốn mặt hàng đa cấp Giá vốn ngoài mặt hàng đa cấp (nếu có) 5 Chi phí quản lý, kinh doanh Chi phí hoa hồng Chi phí khuyến mãi Chi phí bán hàng khác Chi phí quản lý Chi phí tài chính 6 Lợi nhuận trước thuế 7 Lợi nhuận sau thuế (Doanh nghiệp báo cáo nội dung này dựa trên báo cáo gửi cơ quan thuế tại các địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh) 6. Thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với nhà nước TT Chỉ tiêu Giá trị (triệu đồng) 1 Thuế môn bài 2 Thuế giá trị gia tăng (VAT) 3 Thuế xuất nhập khẩu 4 Thuế thu nhập cá nhân (của người lao động) 5 Thuế thu nhập cá nhân nộp hộ người tham gia BHĐC 6 Thuế thu nhập doanh nghiệp 7 Khác Tổng cộng (Doanh nghiệp báo cáo nội dung này dựa trên báo cáo gửi cơ quan thuế tại các địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh) 7. Chương trình khuyến mại tại địa phương STT Tên chương trình khuyến mại Thời gian bắt đầu Thời gian kết thúc Giá trị khuyến mại đăng ký/thông báo Giá trị khuyến mại thực hiện 1 2 3 (Kết quả thực hiện các chương trình khuyến mại trong kỳ báo cáo) 8. Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo tại địa phương STT Tên hội nghị, hội thảo, đào tạo Thời gian tổ chức Địa điểm tổ chức Nội dung Số lượng người tham dự 1 2 3 (Các hội nghị, hội thảo đào tạo được doanh nghiệp thông báo tới Sở Công Thương và thực hiện trong kỳ báo cáo) 9. Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp STT Họ tên CMND Mã số người tham gia Điện thoại Thời gian đào tạo Phương thức đào tạo Ngày cấp Thẻ thành viên 1 2 3 (Đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương trong kỳ: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; mã số người tham gia; điện thoại liên hệ; thời gian đào tạo; phương thức đào tạo; ngày cấp Thẻ thành viên) 10. Mua lại hàng hóa từ người tham gia bán hàng đa cấp STT Họ tên CMND Mã số người tham gia Điện thoại Giá trị hàng hóa trả lại Khấu trừ Giá trị đã chi trả Giá trị còn lại 1 2 3 Tổng cộng (Danh sách người tham gia bán hàng đa cấp cư trú tại địa phương có yêu cầu trả lại hàng hóa: họ tên; số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; mã số người tham gia; điện thoại liên hệ; giá trị hàng hóa trả lại; giá trị khấu trừ; giá trị đã chi trả; giá trị còn lại) Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp/Chi nhánh/VPĐD (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 17 TÊN NGÂN HÀNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… XÁC NHẬN KÝ QUỸ Kính gửi: - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương; - Công ty …………. Ngân hàng………………. xác nhận số tiền ký quỹ theo công văn số... ngày... của Công ty ……………………………. với các nội dung như sau: 1. Thông tin về Ngân hàng nơi Công ty ……………………….. mở tài khoản: - Tên ngân hàng: ............................................................................................................. - Địa chỉ: ......................................................................................................................... - Điện thoại liên hệ: ………………………………….. fax: ................................................... 2. Thông tin về doanh nghiệp ký quỹ: - Tên doanh nghiệp: ......................................................................................................... - Địa chỉ: ......................................................................................................................... - GCN Đăng ký kinh doanh/GCN đầu tư số ………………………………. do …………………... cấp lần đầu ngày…………., cấp lần thứ …….. ngày …………….. - Người đại diện theo pháp luật: …………………………………… - Chức vụ: ................. 3. Nội dung ký quỹ - Số tiền ký quỹ: .............................................................................................................. - Số tài khoản ký quỹ: ..................................................................................................... - Thời điểm bắt đầu ký quỹ: kể từ ngày ............................................................................ Tài khoản ký quỹ nêu trên được ngân hàng …………. phong tỏa kể từ ngày................. Ngân hàng ……. chịu trách nhiệm quản lý tài khoản ký quỹ nêu trên theo quy định của Nghị định số.... ngày.... của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. NGÂN HÀNG …………… (Đại diện ngân hàng ký và đóng dấu) Mẫu số 18 TÊN DOANH NGHIỆP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ……., ngày…. tháng…. năm……… ĐƠN ĐỀ NGHỊ RÚT TIỀN KÝ QUỸ Kính gửi: ……………………………………. 1. Tên doanh nghiệp (ghi bằng chữ in hoa): ...................................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư số:.............................. Do: ................................................................................................................................. Cấp lần đầu ngày: ………………/……../…..... Lần thay đổi gần nhất: ……/……../…..... Địa chỉ của trụ sở chính: .................................................................................................. Điện thoại: …………………………………… Fax: ............................................................. 2. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp số: ......................................... Do: ……………………………..…………………… Cấp lần đầu ngày: ………/……../…..... Cấp sửa đổi, bổ sung lần …………….. ngày ..................................................................... Đề nghị giải tỏa số tiền ký quỹ của Công ty tại ngân hàng... theo xác nhận ký quỹ số…….. ngày…….. 1. Lý do: ......................................................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... 2. Văn bản, tài liệu kèm theo:......................................................................................... ....................................................................................................................................... ....................................................................................................................................... Người liên hệ: ………………………………….. Điện thoại: ............................................ Doanh nghiệp cam kết đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số ……….. Doanh nghiệp cam đoan tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các văn bản, tài liệu kèm theo. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "12/03/2018", "sign_number": "40/2018/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Xuân Phúc", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-13-2005-TT-BLDTBXH-huong-dan-chinh-sach-nguoi-lao-dong-theo-Nghi-dinh-187-2004-ND-CP-52877.aspx
Thông tư 13/2005/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách người lao động theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 13/2005/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2005 THÔNG TƯ CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 13/2005/TT-BLĐTBXH NGÀY 25 THÁNG 02 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 187/2004/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CHUYỂN CÔNG TY NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN Thi hành Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi là Nghị định 187/2004/NĐ-CP); sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động như sau: I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Thông tư này được áp dụng đối với người lao động đang làm việc tại công ty Nhà nước không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hoá quy định tại Điều 2 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP. 2. Công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa mọi nghĩa vụ đối với người lao động theo Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP bao gồm toàn bộ những nội dung đã giao kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể (nếu có) giữa người sử dụng lao động với người lao động và các nghĩa vụ khác đã được pháp luật quy định. 3. Thời gian được tính để chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi bằng tiền theo quy định tại Điều 15 và tài sản dùng cho sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi quy định tại Khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là thời gian thực tế người lao động đã làm việc trong doanh nghiệp đó đến thời điểm có quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp. 4. Người lao động được mua cồ phần ưu đãi theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là người có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá, bao gồm: người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chờ việc theo quyết định của giám đốc doanh nghiệp; công nhân, viên chức được tuyển dụng vào làm việc trước ngày 30/8/1990 (thời điểm có hiệu lực thi hành Pháp lệnh hợp đồng lao động) mà chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động. 5. Thời gian được tính để mua cổ phần theo giá ưu đãi là tổng thời gian (không kể tháng lẻ) đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đến thời điểm cổ phần hoá, kể cả thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc, thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên. 6. Thời gian làm việc để hưởng trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc theo Khoản 4 Điều 37 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (trừ thời gian người lao động đã nhận trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên). 7. Ngoài thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp quy định tại điểm 5, 6 mục I Thông tư này, nếu có những thời gian quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 5 năm 2003 thì cũng được tính là thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. 8. Thời gian làm việc có tháng lẻ được quy định như sau: - Dưới 01 tháng không được tính. - Từ đủ 01 tháng đến 06 tháng được tính bằng 06 tháng làm việc. - Từ đủ 06 tháng đến 12 tháng được tính bằng 01 năm làm việc. 9. Thời điểm cổ phần hoá là thời điểm có quyết định của cấp có thẩm quyền cho doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá. II. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI THỜI ĐIỂM DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN Khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cổ phần hoá doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá cùng Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của doanh nghiệp lập phương án về lao động (trong phương án cổ phần hoá), trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và giải quyết chế độ cho người lao động như sau: 1. Lập phương án lao động a. Lập danh sách lao động của doanh nghiệp cổ phần hoá tại thời điểm cổ phần hoá theo biểu mẫu số 1 kèm theo Thông tư này, bao gồm: - Lao động không thuộc đối tượng ký hợp đồng lao động (Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng); - Lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (bao gồm cả lao động tuyển dụng trước ngày 30/8/1990 nhưng doanh nghiệp chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động); - Lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; - Lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. b. Lập danh sách lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hiện hành; c. Lập danh sách lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật tại thời điểm cổ phần hoá; d. Lập danh sách lao động không bố trí được việc làm tại thời điểm cổ phần hoá thuộc diện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó có cả danh sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung) và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung; đ. Lập danh sách lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm: - Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn; - Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn; - Số lao động có điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ thuộc diện đi đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần theo nhu cầu của công ty; - Danh sách lao động từ tiết a đến tiết đ trên đây do doanh nghiệp tự lập và tổng hợp vào phương án lao động theo biểu mẫu số 2 kèm theo Thông tư này. 2. Giải quyết chính sách đối với người lao động a. Đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ theo chế độ hưu trí quy định tại tiết b điểm 1 phần II của Thông tư này thì Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (gọi tắt là cơ quan bảo hiểm xã hội) giải quyết mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. b. Các trường hợp hết hạn hợp đồng lao động theo tiết c điểm 1 phần II thì Giám đốc doanh nghiệp giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 42 của Bộ Luật Lao động và có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. c. Đối với số lao động không bố trí được việc làm theo quy định tại tiết d điểm 1 phần II thì giải quyết như sau: c1. Đối với doanh nghiệp cổ phần hoá có quyết định cổ phần hoá từ ngày 31/12/2005 trở về trước: + Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung nói trên; + Người lao động không thuộc đối tượng của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng các chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định của pháp luật lao động và được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hoặc Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để giải quyết theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. c2. Đối với doanh nghiệp Nhà nước có quyết định cổ phần hoá sau ngày 31/12/2005, các quyền lợi của người lao động không bố trí được việc làm được giải quyết theo quy định của pháp luật lao động. d. Đối với người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo tiết đ điểm 1 phần II thì các doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm lập danh sách và làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội (nếu chưa cấp sổ) theo quy định và chuyển danh sách cùng hồ sơ của người lao động mà doanh nghiệp đang quản lý cho Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty cổ phần. đ. Doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ về bảo hiểm xã hội đối với cơ quan bảo hiểm xã hội và thanh toán các khoản nợ với người lao động trước khi chuyển sang công ty cổ phần hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. III. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI DOANH NGHIỆP ĐÃ CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN 1. Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cổ phần có trách nhiệm a. Tiếp nhận số lao động quy định tại tiết đ điểm 1 phần II của Thông tư này và toàn bộ hồ sơ có liên quan của người lao động chuyển sang. b. Tiếp tục thực hiện những cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể đã được ký kết trước đó với người lao động theo quy định của pháp luật. c. Tổ chức đào tạo lại nghề cho người lao động thuộc diện đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần. d. Đối với những người lao động được công ty cổ phần tuyển dụng mới thì thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Chính sách đối với người lao động mất việc làm 2.1. Người lao động mất việc làm trong 12 tháng kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp do thực hiện cơ cấu lại theo tiết a Khoản 8, Điều 36 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP được giải quyết như sau: a. Đối với người lao động bị mất việc làm từ ngày 31/12/2005 trở về trước: - Người lao động thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung thì được hưởng chính sách đối với lao động dôi dư được quy định cụ thể tại Nghị định này và Thông tư số 19/2004/TT-BLĐTBXH ngày 22/11/2004 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn chi trả các chính sách này do Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư hỗ trợ. - Các đối tượng lao động mất việc, thôi việc còn lại được hưởng trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Kinh phí hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước quy định tại Điều 35 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP. b. Đối với người lao động bị mất việc làm sau ngày 31/12/2005: Trong 12 tháng kể từ ngày Công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu có nhu cầu tổ chức lại sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ dẫn đến người lao động từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang bị mất việc làm hoặc thôi việc, kể cả người lao động tự nguyện thôi việc, thì người lao động được giải quyết trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động; hoặc trợ cấp thôi việc theo Khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động. Nguồn chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc được hỗ trợ từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá doanh nghiệp, hoặc quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp quy định tại Điều 35 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và Mục VI (quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hoá) của Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐ-CP. 2.2. Trường hợp người lao động từ công ty Nhà nước chuyển sang công ty cổ phần bị mất việc làm hoặc thôi việc trong thời gian từ năm thứ 2 đến hết năm thứ 5 kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì người lao động được trợ cấp mất việc làm theo Điều 17 hoặc trợ cấp thôi việc theo Điều 42 của Bộ luật Lao động. Công ty cổ phần có trách nhiệm thanh toán 50% tổng mức trợ cấp trên theo quy định của Bộ luật Lao động, số còn lại được thanh toán từ tiền thu của Nhà nước do cổ phần hoá công ty Nhà nước, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP. Hết thời hạn trên công ty cổ phần có trách nhiệm thanh toán toàn bộ trợ cấp thôi việc hoặc mất việc cho người lao động kể cả thời gian trước đó người lao động đã làm việc cho khu vực Nhà nước. 3. Chính sách đối với người lao động thuộc diện đào tạo lại nghề để tiếp tục làm việc ở công ty cổ phần a. Trong thời gian đào tạo lại nghề, công ty cổ phần tiếp tục trả lương cho người lao động theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn 70% mức lương ghi trong hợp động lao động đã được ký kết. Trường hợp 70% mức lương ghi trong hợp đồng lao động mà thấp hơn mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu, thì trả bằng mức lương tối thiểu đó. b. Công ty cổ phần tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian đào tạo nghề theo quy định của pháp luật (theo mức lương thoả thuận ghi trong hợp đồng học nghề). c. Thủ tục về hợp đồng học nghề thực hiện theo quy định của pháp luật. d. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo lại nghề thực hiện theo quy định tại tiết b Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về tiết b điểm 1 Mục VI của Thông tư số 126/2004/TT-BTC nói trên. đ. Sau thời gian đào tạo lại nghề công ty cổ phần có trách nhiệm bố trí việc làm cho người lao động. Người lao động được đào tạo lại nghề nếu không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí đào tạo và các khoản khác nếu có. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá cùng Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp có trách nhiệm: xây dựng phương án sắp xếp lao động, xác định số lao động cần thiết theo yêu cầu của sản xuất kinh doanh, xác định số lao động không bố trí được việc làm, số lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giải quyết các chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày giải quyết xong các chính sách đối với người lao động, Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần cho các cơ quan có thẩm quyền (mẫu số 3 đính kèm). Báo cáo làm thành 8 bản gửi: Cơ quan phê duyệt phương án cổ phần hoá; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ; Bộ Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp; Công đoàn ngành, Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội; một bản lưu tại doanh nghiệp. 2. Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động trước và sau khi cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước. 3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định của Nghị định số 187/2004/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan đối với người lao động và tổng hợp tình hình báo cáo về Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. 4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 15/2002/TT-BLĐTBXH ngày 23/10/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty Cô phần Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phán ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết. Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) Mâu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần TÊN CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN TÊN DOANH NGHIỆP DANH SÁCH NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP TẠI THỜI ĐIỂM CỔ PHẦN STT Họ và tên Tuổi Chức danh công việc đang làm Trình độ chuyên môn nghiệp vụ HĐLĐ đang thực hiện Hệ số lương đang hưởng Ngày tháng năm tuyển dụng Tổng số năm trong KV Nhà nước Nơi ở hiện tại Nam Nữ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 Người lập biểu ............., ngày...... tháng......năm........ Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu) Hướng dẫn ghi biểu: Cột 6: - Nếu là viên chức thì ghi trình độ đào tạo và ngành chuyên môn - Nếu là công nhân thì ghi nghề và bậc thợ Cột 7: - Nếu thuộc loại HĐLĐ không xác định thời hạn: Ghi ký hiệu A. - Nếu thuộc loại HĐLĐ xác định thời hạn từ 1-3 năm: Ghi ký hiệu B. - Nếu thuộc loại HĐLĐ dưới 1 năm: Ghi ký hiệu C. Mâu số 2: Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2005/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 02 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần TÊN CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN TÊN DOANH NGHIỆP PHƯƠNG ÁN LAO ĐỘNG Đơn vị tính: Người STT Nội dung Tổng số Ghi chú I Tổng số lao động tại thời điểm có quyết định CPH, chia ra: - Lao động không thuộc diện ký HĐLĐ (GĐ, PGĐ, KTT) - Lao động tuyển dụng trước ngày 30/8/1990 - Lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn - Lao động làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng - Lao động làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng II Số người lao động sẽ nghỉ việc khi có quyết định chuyển thành công ty cổ phần 1 Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hiện hành - Theo NĐ 12/CP ngày (26/1/1995) - Theo NĐ 01/2003/NĐ-CP (09/01/2003) - Theo NĐ 41/2002/NĐ-CP (11/4/2002) 2 Số lao động sẽ chấm dứt HĐLĐ. Chia ra: - Hết hạn HĐLĐ - Tự nguyện chấm dứt HĐLĐ - Lý do theo quy định PL 3 Lao động chờ nghỉ việc theo quyết định của Giám đốc 4 Số lao động không bố trí được việc làm tại thời điểm CPH. Chia ra: - Số LĐ thực hiện theo NĐ 41/2002/NĐ-CP - Số LĐ thực hiện theo Bộ luật Lao động III Số lao động còn hạn HĐLĐ sẽ chuyển sang công ty CP 1 Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn. 2 Số lao động nghỉ theo 3 chế độ BHXH. Chia ra - Ốm đau - Thai sản - Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 3 Số LĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. Chia ra: - Nghĩa vụ quân sự - Nghĩa vụ công dân khác - Bị tạm giam tạm giữ - Do 2 bên thoả thuận (không quá 3 tháng) 4 Số LĐ không bố trí được việc làm, nhưng có đủ điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ cần đi đào tạo để tiếp tục làm việc ở công ty CP (theo nhu cầu của công ty) Người lập biểu ........., ngày... tháng..... năm.... Giám đốc doanh nghiệp (Ký tên, đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "25/02/2005", "sign_number": "13/2005/TT-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Thị Hằng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Chi-thi-09-2015-CT-UBND-quan-ly-vu-khi-vat-lieu-no-cong-cu-ho-tro-Ho-Chi-Minh-277170.aspx
Chỉ thị 09/2015/CT-UBND quản lý vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 09/2015/CT-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 6 năm 2015 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Ngày 18 tháng 5 năm 2009, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp hàng ngàn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Công an Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện thu giữ nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do nhập khẩu, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép… góp phần cho công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn hình thức, chưa được duy trì thường xuyên do vậy hiệu quả thu hồi chưa cao; tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép chưa được ngăn chặn triệt để; công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất vật liệu nổ còn nhiều sơ hở, bất cập dẫn đến tình trạng gần đây một số thanh thiếu niên lên mạng tìm công thức chế tạo pháo, thuốc nổ rồi tìm mua hoá chất, tiền chất thuốc nổ đem về nhà ở, phòng trọ tự chế pháo, quả nổ dẫn đến cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng… Để thực hiện nghiêm Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố trong tình hình hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị: 1. Công an Thành phố chủ trì phối hợp Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố thường xuyên có kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được mua sắm, trang bị và công tác quản lý, sử dụng, bảo quản tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cơ quan Công an - Quân sự cấp phép. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và tự kiểm tra, các cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ làm rõ nguyên nhân và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng; trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chỗ đảm bảo duy trì điều kiện an toàn tuyệt đối cho các kho, tủ, hòm nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. a) Thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, tập huấn, đào tạo về tính năng tác dụng, kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị trong và ngoài ngành thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo q uy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. b) Chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Thành phố để tập trung chỉ đạo thống nhất. 2. Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố, Cục Hải quan, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép và nhập lậu, mua bán, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào Thành phố qua đường hàng không, hàng hải, bưu điện... Đối với các vi phạm nghiêm trọng phải khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 3. Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố thường xuyên phối hợp với Công an Thành phố tổ chức kiểm tra các cơ quan, xí nghiệp trước đây được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Công an hoặc Quân sự cấp phép; thu hồi vũ khí và giấy phép sử dụng của cơ quan, tổ chức không thuộc diện được phép trang bị theo quy định. Phối hợp với Hội Cựu chiến binh, tổ chức đoàn thể… vận động những người trước đây là Bộ đội, Công an (nhất là các đồng chí có quá trình tham gia chiến đấu tại các chiến trường) nay đã về hưu hoặc xuất ngũ còn lưu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là chiến lợi phẩm hoặc được biếu tặng, giữ làm vật kỷ niệm thì giao nộp cho cơ quan Công an hoặc Quân sự để xử lý, tiêu hủy. 4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức đưa ra xét xử lưu động một số vụ án nghiêm trọng về nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc các vụ án mà bọn tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. 5. Sở Công Thương Thành phố chủ trì phối hợp với Sở, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng đề án thành lập chợ đầu mối kinh doanh hóa chất để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm, tiền chất vật liệu nổ trên địa bàn Thành phố. 6. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như nguy cơ và tác hại của việc mua bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép, qua đó tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố. 7. Công an Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp Thành phố và các Sở, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tham mưu, kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu và tình hình chung của Thành phố. 8. Ủy ban nhân dân quận, huyện kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đối với các đơn vị chưa triển khai phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình hiện nay; phát hiện tố giác các trường hợp vi phạm và tự nguyện, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hạn chế, làm giảm tối đa vũ khí còn trôi nổi ngoài xã hội. Phối hợp với các Sở, ngành chức năng thực hiện điều tra, khảo sát phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, tiền chất vật liệu nổ trên địa bàn đảm trách. Chỉ đạo các lực lượng chức năng có kế hoạch tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn hóa chất, an toàn phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, tiền chất vật liệu nổ thuộc địa bàn quản lý. 9. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, các tổ chức, đoàn thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra tại đơn vị, địa bàn mình phụ trách, kịp thời phát hiện, yêu cầu giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không thuộc diện trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật. 10. Giao Công an Thành phố phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố theo đúng quy định. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế cho Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Công an; - Bộ Quốc phòng; - Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực Hội đồng nhân dân TP; - TTUB: CT, các PCT; - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP; - Ủy ban MTTQ VN TP; - Các Sở, ban, ngành và Đoàn thể TP; - Viện Kiểm sát ND TP, Tòa án nhân dân TP; - Ủy ban nhân dân quận, huyện; - Các Báo, Đài Thành phố; - VPUB: CPVP; Các Phòng CV; - Trung tâm Công báo; - Lưu: VT, (NC/Di) D. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Lê Hoàng Quân
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "05/06/2015", "sign_number": "09/2015/CT-UBND", "signer": "Lê Hoàng Quân", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-52-KH-UBND-2023-thong-tin-du-thao-chinh-sach-de-xuat-xay-dung-Luat-Thu-do-Ha-Noi-555373.aspx
Kế hoạch 52/KH-UBND 2023 thông tin dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 52/KH-UBND Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2023 KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN DỰ THẢO CHÍNH SÁCH ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thu đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII (Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 07/11/2022 của Thành ủy), Kết luận số 97-KL/TU ngày 10/11/2022 Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích - Nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi dự thảo các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức và Nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hiểu đúng và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài nước về việc xây dựng chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. - Phát huy vai trò chủ động của chính quyền thành phố Hà Nội, sự huy động của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tích cực của các cơ quan Trung ương, địa phương trong nước, doanh nghiệp, Nhân dân và toàn xã hội trong xây dựng, hoàn thiện các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội ban hành. Đồng thời, động viên, khuyến khích Nhân dân, tạo sự tích cực tham gia của toàn xã hội vào công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thi hành pháp luật về Thủ đô nói chung và Luật Thủ đô (sửa đổi) nói riêng. - Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương và Thành phố; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị Thành phố trong thực hiện truyền thông theo từng chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo lĩnh vực và quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 2. Yêu cầu - Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức, thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được ban hành; Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm không trùng lắp và phù hợp với tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Các hoạt động thông tin, tuyên truyền phải bám sát các nhiệm vụ, hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); nội dung các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm với hình thức phù hợp; xác định cụ thể thời gian, hình thức thực hiện, kết quả đầu ra và trách nhiệm chủ trì các Sở, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội theo lĩnh vực đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); sự phối hợp của cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan Trung ương và địa phương; cơ quan truyền thông Trung ương và Thành phố; phối hợp của các cấp chính quyền Thành phố. II. NỘI DUNG VÀ THỜI ĐIỂM TUYÊN TRUYỀN 1. Nội dung - Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi). - Sức lan toả, tác động xã hội của Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị Trung ương và địa phương cả nước, các cơ quan, ban, ngành Thành phố Hà Nội, Nhân dân Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước. - Các sự kiện chính trị, pháp lý, các hoạt động tiêu biểu của Trung ương, Thành phố, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Các diễn đàn pháp luật về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Các Hội thảo, tọa đàm về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Các nội dung khác có liên quan. 2. Thời điểm tuyên truyền Cao điểm tuyên truyền năm 2023 và năm 2024 (trước, trong và sau thời điểm Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN 1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các chính sách đề xuất, xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các Cơ quan Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành phố bằng hình thức phù hợp a) Đơn vị thực hiện: UBND Thành phố Hà Nội b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ quan truyền thông của Trung ương, tỉnh, thành phố trong cả nước. c) Sản phẩm: Hội nghị, hội thảo, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật được đăng tải, phát sóng. d) Thời gian thực hiện: Thường xuyên (năm 2023, năm 2024). 2. Tổ chức quán triệt, thông tin, tuyên truyền về tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các chính sách đề xuất, xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn Thành phố bằng hình thức phù hợp a) Các đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; Cơ quan báo, đài Thành phố. b) Sản phẩm: Hội nghị, hội thảo, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật được đăng tải, phát sóng. c) Thời gian thực hiện: Thường xuyên (năm 2023, năm 2024) 3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo từng lĩnh vực a) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. b) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. c) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Tài chính - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024 d) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư. - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. e) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường. - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương;Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. g) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sơ Tư pháp, Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. h) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông. - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sơ Tư pháp, Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. i) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững. - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Y tế. - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. k) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước - Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư - Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương; Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố, các cơ quan báo chí Thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan. - Sản phẩm: Hội nghị, tọa đàm, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật (phóng sự, tọa đàm truyền hình, phát thanh, phỏng vấn..) được đăng tải, phát sóng. - Thời gian thực hiện: Năm 2023, năm 2024. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Các sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã - Tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị. - Xây dựng triển khai Kế hoạch tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. - Tổ chức đánh giá kết quả thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện, gửi Sở Tư pháp tổng hợp trước ngày 20 của tháng cuối Quý, 6 tháng và năm. 2. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố - Căn cứ điều kiện thực tiễn tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động truyền thông Luật Thủ đô (sửa đổi) và chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Đăng tải lên Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố nội dung truyền thông dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này cung cấp. - Phối hợp cơ quan báo, đài Trung ương, và các báo khác của Thành phố như: Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị (Ấn phẩm pháp luật & Xã hội), Báo Lao động Thủ đô..., tăng cường truyền thông dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có tác động lớn đến xã hội trên địa bàn Thành phố và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp. - Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng Chương trình tuyên truyền, phổ biến Dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). - Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy định tại Kế hoạch này. 3. Văn phòng UBND Thành phố - Phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông đăng tải nội dung chính dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lên Cổng giao tiếp điện tử Thành phố nội dung Dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này cung cấp. - Phối hợp với các cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này cung cấp thông tin cho cơ quan báo, đài Trung ương và Thành phố tuyên truyền các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 4. Sở Thông tin và Truyền thông - Phối hợp với các cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện truyền thông, về dự thảo chính sách theo nội dung Kế hoạch này. - Phối hợp với Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng cơ quan thông tin, báo chí thực hiện truyền thông chính sách và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động này bảo đảm thống nhất theo quy định tại Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, được Nhân dân quan tâm. - Đăng tải nội dung chính dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lên Công giao tiếp điện tử Thành phố (nay là Trung tâm báo chí Thủ đô Hà Nội). 5. Các sở, ngành Thành phố: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Cục thuế Thành phố. - Xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô do đơn vị mình chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này. - Chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp. - Cung cấp nội dung tuyên truyền đến Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông để đăng tải lên Trang thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/, Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố https://www.hanoi.gov.vn/ và các cơ quan báo, đài của Thành phố. - Cử người phát ngôn, tham gia tọa đàm các chương trình truyền thông dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này. 6. Sở Ngoại vụ Chủ động phối hợp cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này và các cơ quan, tổ chức liên quan, tổ chức tuyên truyền cho đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú, làm việc, lao động, học tập trên địa bàn Thành phố bàng hình thức phù hợp, bảo đảm hiệu quả. 7. Sở Tài chính - Chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này. - Trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành tham mưu tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố và quy định của pháp luật hiện hành. 8. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội Thường xuyên tổ chức truyền thông về tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách đề xuất, xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp với Sở Tư pháp, cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông để phát sóng, chú trọng vào khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả để tuyên truyền. 9. Các cơ quan báo chí của Thành phố Phối hợp với cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) tăng cường tuyên truyền qua tin, bài, chuyên mục… trên báo giấy, báo in và các hình thức phù hợp. 10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Đoàn Luật sư Thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố, Ban Quản lý Khu công nghiệp và khu Chế xuất Thành phố Tổ chức quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng các hình thức phù hợp; Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), khuyến khích, huy động các thành viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức, tiếp nhận thông tin và tích cực tham gia góp ý, phản biện, xây dựng về dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 11. Đề nghị Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố - Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp thông tin, tuyên truyền tới các đại biểu Quốc hội của Thành phố, các tỉnh, thành phố trong cả nước. - Tổ chức quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Kế hoạch này đến cán bộ, công chức của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. - Phối hợp Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND Thành phố, Cơ quan chủ trì thông tin, tuyên truyền chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân công thực hiện tại mục 3, Phần III Kế hoạch này thực hiện truyền thông dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp. 12. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy Chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo cơ sở thường xuyên định hướng tuyên truyền về dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Định kỳ giao ban Tổng biên tập các cơ quan báo chí, thông tin, tuyên truyền về tiến độ xây dựng Luật Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). 13. Đề nghị Ban Dân vận Thành ủy Kết hợp với hệ thống chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể Nhân dân tổ chức thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) thông qua hoạt động quần chúng nhằm tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng, góp ý đối với Dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo sự đồng thuận của cơ quan, tổ chức và Nhân dân. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN - Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách theo quy định phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước; các nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác (nếu có). - Các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại Kế hoạch này và quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ để xây dựng dự toán và tổ chức thực hiện. - Khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng cường sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ. Trên đây là Kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền về dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Quốc hội; - Chính phủ; - Bộ Tư pháp; - Bộ, ngành Trung ương; - Đài Truyền hình Việt Nam; - Các tỉnh, thành phố; - Thường trực Thành ủy; - Thường trực HĐND Thành phố; - Đoàn Đại biểu QH Hà Nội; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Các PCT UBND Thành phố; - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; - Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; - UBND quận, huyện, thị xã; - VPUB: CVP, PCVP C.N.Trang, các phòng CM, BTCD, HCTC, QTTV, TTTH&CB, NK; - Lưu: VT, NC(Tr). TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Hồng Sơn
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "16/02/2023", "sign_number": "52/KH-UBND", "signer": "Lê Hồng Sơn", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-209-2010-TT-BTC-giao-dich-dien-tu-trong-hoat-dong-nghiep-vu-kho-bac-116622.aspx
Thông tư 209/2010/TT-BTC giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 209/2010/TT-BTC Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2010 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ KHO BẠC NHÀ NƯỚC Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Thông tư số 78/2008/TT-BTC ngày 24/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số nội dung của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước như sau: I. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng 1. Đối tượng Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hoặc cung cấp dịch vụ về giao dịch điện tử (GDĐT) trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN), các đơn vị KBNN đủ điều kiện thực hiện các GDĐT. 2. Phạm vi áp dụng: - Các hoạt động GDĐT trong nội bộ hệ thống KBNN; - Hoạt động thanh toán điện tử giữa KBNN với các ngân hàng; - Hoạt động trao đổi dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) giữa KBNN với cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính; - Hoạt động trao đổi dữ liệu điện tử về thu, chi ngân sách nhà nước, về giao dự toán, kế hoạch vốn, về các đoạn mã thông tin quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước với KBNN; - Hoạt động giao dịch thu, chi NSNN, thanh toán giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân lựa chọn tham gia GDĐT và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật GDĐT và các văn bản hướng dẫn. Điều 2. Giải thích từ ngữ: Các từ ngữ được sử dụng trong Thông tư này được hiểu theo đúng nghĩa đã giải thích tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 27/2007/NĐ-CP của Chính phủ về GDĐT trong hoạt động tài chính. Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau: 1. Chứng từ điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử trong hoạt động KBNN. Chứng từ điện tử trong hoạt động KBNN là một hình thức của thông điệp dữ liệu có nội dung trao đổi, giao dịch về tài chính, tiền tệ, bao gồm: chứng từ kế toán điện tử; chứng từ thu, chi ngân sách điện tử; chứng từ thanh toán điện tử, sổ kế toán điện tử, báo cáo tài chính, báo cáo thu – chi ngân sách, báo cáo quyết toán điện tử và các loại chứng từ điện tử khác trong các hoạt động giao dịch của KBNN theo quy định của pháp luật. 2. Văn bản điện tử là các văn bản, tài liệu thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu (không bao gồm các chứng từ điện tử quy định tại khoản 1 Điều 1 nêu trên). 3. Hoạt động nghiệp vụ KBNN quy định tại Thông tư này là các hoạt động về thu, chi, quản lý quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ KBNN, hoạt động thanh toán giữa KBNN với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và giữa các đơn vị trong nội bộ hệ thống KBNN và các hoạt động khác theo quy định. Điều 3. Nguyên tắc GDĐT trong hoạt động nghiệp vụ KBNN: 1. Đối với các cơ quan nhà nước, KBNN khi tham gia GDĐT trong lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ KBNN phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả, phù hợp với Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 và đảm bảo các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động GDĐT do KBNN quy định. 2. Đối với các tổ chức, cá nhân có quan hệ GDĐT với KBNN: - Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch; - Sử dụng công nghệ thông tin phù hợp để thực hiện GDĐT với KBNN; có đủ các điều kiện kỹ thuật để tham gia GDĐT, hoặc thực hiện thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ về GDĐT theo quy định; - Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giao dịch với KBNN trong trường hợp KBNN đồng thời chấp nhận giao dịch theo phương thức truyền thống và giao dịch bằng phương tiện điện tử. 3. KBNN chủ động thực hiện từng phần hoặc toàn bộ giao dịch bằng phương tiện điện tử trong nội bộ KBNN và giữa KBNN với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều 4. Các điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia GDĐT trong hoạt động nghiệp vụ KBNN: 1. Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, hoặc chuyên dùng: Đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 13, Điều 45 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; 2. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân: Khi tham gia GDĐT với KBNN, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định cụ thể của Bộ Tài chính và hướng dẫn của KBNN về: a) Định dạng, biểu mẫu của thông điệp dữ liệu, theo yêu cầu kỹ thuật của KBNN đối với từng loại nghiệp vụ; b) Loại chữ ký số, chứng thực chữ ký số trong trường hợp GDĐT cần có chữ ký số, chứng thực chữ ký số; c) Các quy trình bảo đảm tính toàn vẹn, an toàn và bí mật của GDĐT. II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ Điều 5. Các hoạt động nghiệp vụ KBNN được áp dụng hình thức GDĐT: KBNN căn cứ yêu cầu thực tế, đặc điểm các loại hình giao dịch trong hoạt động nghiệp vụ KBNN và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để quyết định áp dụng phương thức GDĐT theo lộ trình phù hợp đối với các loại nghiệp vụ sau đây: 1. GDĐT trong nội bộ hệ thống KBNN bao gồm: - Thanh toán điện tử trong nội bộ KBNN; - Truyền, nhận dữ liệu về thu, chi, tồn quỹ ngân sách và các dữ liệu khác liên quan đến NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN; - Truyền, nhận dữ liệu về dự toán, kế hoạch vốn, chuyển vốn; - Truyền, nhận dữ liệu về thông tin quản lý ngân sách (hệ thống các mã quản lý ngân sách); - Truyền, nhận dữ liệu về thanh toán gốc, lãi, phí phát hành trái phiếu; - Truyền, nhận dữ liệu về báo cáo nghiệp vụ, quyết toán vốn; - Truyền, nhận thư điện tử (email) bằng hệ thống email nội bộ KBNN; - Truyền nhận dữ liệu về văn bản chế độ, văn bản nghiệp vụ khác. 2. GDĐT giữa KBNN với hệ thống ngân hàng, bao gồm: - Thanh toán điện tử song phương; - Thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán bù trừ điện tử. - Trao đổi dữ liệu về thu – chi NSNN. 3. GDĐT giữa KBNN với các cơ quan trong ngành tài chính: - Trao đổi dữ liệu về thu NSNN với các cơ quan thuế, hải quan, tài chính; thông tin về người nộp thuế; báo cáo số liệu thu thuế, hoàn thuế; - Trao đổi dữ liệu về văn bản thẩm tra dự toán của cơ quan tài chính, thông báo phân bổ dự toán, lệnh chi NSNN, thẩm định dự toán của cơ quan tài chính, báo cáo quyết toán vốn hàng năm; - Trao đổi dữ liệu về thu, chi, tồn quỹ ngân sách với cơ quan tài chính. 4. GDĐT giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị thanh toán ngân sách, các tổ chức, cá nhân có quan hệ thanh toán với KBNN: - Trao đổi dữ liệu về phân bổ ngân sách, lệnh chi NSNN, thanh toán và quyết toán ngân sách với các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN; - Trao đổi, xử lý dữ liệu về các thủ tục, điều kiện chi tiêu từ ngân sách: cam kết chi, hợp đồng kinh tế, hóa đơn, chứng từ thanh toán, bảng kê thanh toán, giấy đề nghị thanh toán, tạm ứng; - Nhận, xử lý và truyền chứng từ điện tử về thu, chi NSNN do đơn vị lập (giấy nộp tiền vào NSNN, giấy rút dự toán, giấy rút vốn đầu tư, giấy đề nghị thanh toán tạm ứng,…); - Nhận, xử lý và truyền chứng từ điện tử về thu NSNN giữa KBNN và các đối tượng nộp NSNN, các cơ quan thu và nhận ủy nhiệm thu NSNN. Điều 6. Các điều kiện đối với chứng từ điện tử: 1. Các nội dung chủ yếu của chứng từ điện tử trong hoạt động KBNN: a) Tên và số liệu của chứng từ; b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ, nhận chứng từ; c) Tên, địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân lập chứng từ; d) Tên, địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhận chứng từ; đ) Nội dung của nghiệp vụ phát sinh; e) Chữ ký, họ và tên của người lập, người kiểm soát, ký duyệt chứng từ và những người có liên quan đến chứng từ theo quy định của pháp luật. 2. Nội dung của chứng từ điện tử trong nghiệp vụ kế toán thu, chi NSNN và thanh toán còn phải đáp ứng quy định tại Điều 17 Luật Kế toán và quy định của Bộ Tài chính về chứng từ kế toán trong hoạt động nghiệp vụ KBNN. 3. Ngoài các nội dung được quy định tại tiết 6.1, điều 6 nêu trên, chứng từ điện tử phải có thêm những nội dung khác theo từng loại nghiệp vụ, theo yêu cầu của KBNN. Điều 7. Các quy định về xử lý chứng từ, văn bản điện tử: 1. Chứng từ điện tử: - Chứng từ điện tử phải được lập theo đúng định dạng, mẫu và cấu trúc dữ liệu theo các văn bản quy định cụ thể của Bộ Tài chính và KBNN; - Các chứng từ giấy được sử dụng trong quy trình nghiệp vụ theo phương thức truyền thống có quy định bắt buộc phải có dấu, chữ ký của người có thẩm quyền thì khi sử dụng phương thức GDĐT, phải được tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký số xác nhận về tổ chức, cá nhân tham gia GDĐT là người ký chữ ký số; - Đối với các hệ thống chứng thực nội bộ của KBNN đã hoặc đang thực hiện nhưng chưa sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số thì không mở rộng tiếp mà duy trì như hiện nay, đồng thời tiến hành chuyển đổi dần theo hướng áp dụng hệ thống chứng thực công cộng hoặc chuyên dùng. - Trường hợp thanh toán điện tử với ngân hàng, việc sử dụng và chứng thực chữ ký số được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về GDĐT trong lĩnh vực ngân hàng; - Người lập, người kiểm soát, người ký duyệt và những người tham gia quá trình xử lý chứng từ điện tử phải chịu trách nhiệm về các nội dung mà mình được giao nhiệm vụ trong quá trình xử lý chứng từ; - Việc lưu trữ chứng từ điện tử được thực hiện theo thời hạn do pháp luật quy định như đối với chứng từ giấy. Trường hợp chứng từ điện tử hết thời hạn lưu trữ theo quy định nhưng có liên quan đến tính toàn vẹn về thông tin của hệ thống thông tin và các chứng từ điện tử đang lưu hành, thì tiếp tục được lưu trữ, cho đến khi việc hủy chứng từ điện tử hoàn toàn không ảnh hưởng đến các GDĐT khác thì mới được tiêu hủy. 2. Văn bản điện tử: - Các văn bản được lập, truyền, nhận dưới hình thức dữ liệu điện tử theo hệ thống chương trình ứng dụng được Chính phủ, Bộ Tài chính (hoặc cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền) cho phép sử dụng, công nhận đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, hoặc được tổ chức chứng thực chữ ký số chuyên dùng (hoặc công cộng) chứng thực nguồn gốc tạo lập văn bản thì có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy. Đối với các văn bản điện tử không đáp ứng điều kiện nêu trên thì thông tin trên văn bản chỉ có giá trị tham khảo; - Văn bản giấy được chuyển đổi từ văn bản điện tử được dùng làm căn cứ pháp lý cho các hoạt động giao dịch thì trên văn bản phải thể hiện rõ tên và chữ ký của người có trách nhiệm chuyển đổi văn bản điện tử sang văn bản giấy và đóng dấu của tổ chức tham gia giao dịch (nếu có). Điều 8. Tổ chức hoạt động GDĐT về nghiệp vụ KBNN: 1. GDĐT trong nội bộ KBNN: - Việc giao dịch thanh toán điện tử trong nội bộ hệ thống KBNN thực hiện theo chương trình ứng dụng được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN xây dựng hệ thống bảo mật thông tin trong các giao dịch thanh toán, yêu cầu phải chứng thực chữ ký số theo quy trình kỹ thuật nghiệp vụ được Bộ Tài chính duyệt. Quy trình xử lý hạch toán kế toán, thanh toán được thực hiện theo các quy định hiện hành đối với từng loại nghiệp vụ cụ thể; - Tổng Giám đốc KBNN quyết định các loại tài liệu sử dụng trong thanh toán điện tử phải in và quản lý, lưu trữ dưới dạng chứng từ giấy; - Việc tạo lập, chuyển đổi chứng từ điện tử từ chứng từ giấy và ngược lại được thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ về GDĐT; - Các hình thức báo cáo, quyết toán thực hiện qua phương thức GDĐT: báo cáo kế toán, báo cáo quyết toán, báo cáo thống kê. Đối với các loại báo cáo theo quy định phải gửi cho các cơ quan liên quan, trường hợp KBNN đã thiết lập hệ thống truyền gửi dữ liệu cho các cơ quan đó thì không phải gửi báo cáo bằng giấy. KBNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã gửi bằng phương tiện điện tử; - Hình thức lưu trữ thông tin (dữ liệu điện tử, giấy) với từng loại báo cáo: các thông tin bắt buộc phải được lưu trữ trên giấy gồm thông tin về quyết toán công trình hoàn thành, thông tin về quyết toán NSNN năm; - Ngoài các nội dung trên, căn cứ các nội dung hoạt động cụ thể, KBNN được quyết định hình thức lưu trữ duy nhất bằng phương tiện điện tử. 2. GDĐT trong thanh toán giữa KBNN và hệ thống ngân hàng: - Việc trao đổi dữ liệu, thanh toán, chuyển tiền điện tử giữa KBNN với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng được thực hiện theo các quy định hiện hành về GDĐT trong hoạt động ngân hàng theo Nghị định số 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; - KBNN phối hợp với các ngân hàng có quan hệ thanh toán điện tử xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tương thích giữa các hệ thống, các giải pháp đảm bảo an toàn, chính xác và bảo mật trong quan hệ thanh toán điện tử; - KBNN và các ngân hàng xây dựng quy trình xử lý dữ liệu thống nhất, thỏa thuận các giải pháp chứng thực chữ ký số trong nội bộ các hệ thống để thực hiện các giao dịch thanh toán thông thường bằng phương tiện điện tử. KBNN và Ngân hàng thỏa thuận cụ thể đối với một số trường hợp giao dịch thanh toán điện tử đặc biệt, cần có chứng thực chữ ký số công cộng. - KBNN, cơ quan thuế, hải quan sử dụng chương trình ứng dụng được Bộ Tài chính phê duyệt trong việc trao đổi dữ liệu, truyền, nhận thông tin thu nộp thuế với hệ thống ngân hàng phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn, chính xác, kịp thời của thông tin. Các thông tin truyền nhận giữa các đơn vị trong ngành tài chính với hệ thống ngân hàng phải thực hiện chứng thực chữ ký số của các tổ chức chứng thực chữ ký số chuyên dùng hoặc công cộng. 3. GDĐT trong quá trình lập, chấp hành, quyết toán ngân sách giữa KBNN và các cơ quan trong ngành Tài chính: - Việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan thuộc ngành tài chính (cơ quan tài chính, thuế, hải quan) và KBNN về dự toán ngân sách, kế hoạch vốn được thực hiện theo các chương trình ứng dụng được Bộ Tài chính phê duyệt và cho phép sử dụng. Các cơ quan liên quan căn cứ nhu cầu quản lý, theo dõi, lưu trữ hồ sơ để quyết định việc in ấn văn bản, hồ sơ tài liệu, ký, đóng dấu để luân chuyển, lưu trữ theo các quy định hiện hành; - Đối với cơ quan thuế, hải quan, tài chính, KBNN sử dụng chương trình ứng dụng được Bộ Tài chính phê duyệt trong việc trao đổi dữ liệu, truyền, nhận thông tin thu nộp thuế, phải thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn, chính xác, kịp thời của thông tin. Khuyến khích việc sử dụng chữ ký số trong việc truyền, nhận thông tin giữa các hệ thống trong ngành tài chính. 4. GDĐT giữa KBNN với các tổ chức là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ và cá nhân có quan hệ với KBNN trong hoạt động thu, chi NSNN và quan hệ thanh toán: - KBNN căn cứ điều kiện hạ tầng kỹ thuật, các quy trình xử lý nghiệp vụ theo phương thức điện tử được Bộ Tài chính phê duyệt để triển khai GDĐT tại các đơn vị KBNN theo lộ trình phù hợp; - Lĩnh vực áp dụng GDĐT: thu NSNN và các khoản nghĩa vụ tài chính với NSNN, phân bổ dự toán NSNN, chi thường xuyên từ NSNN, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi các chương trình mục tiêu, chi sự nghiệp, phát hành và thanh toán trái phiếu; thanh toán trong nội bộ và giữa KBNN với các tổ chức thanh toán bên ngoài. - Các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật theo quy định của Bộ Tài chính khi tham gia GDĐT với KBNN thì phải đăng ký và được sự chấp thuận của KBNN cấp trung ương hoặc KBNN cấp tỉnh nơi thực hiện GDĐT. Trường hợp tổ chức, cá nhân được một tổ chức cung cấp dịch GDĐT với KBNN xác nhận đủ điều kiện tham gia GDĐT thì tổ chức, cá nhân đó thông báo với KBNN cấp trung ương hoặc KBNN cấp tỉnh (có thể thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ GDĐT) về việc tham gia GDĐT với KBNN mà không phải đăng ký trực tiếp với KBNN; - Các điều kiện về hồ sơ thanh toán thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử: + Đơn vị, tổ chức cá nhân giao dịch với KBNN trên cơ sở chứng từ, hồ sơ, hợp đồng điện tử được lập đúng quy trình, mẫu định dạng và đầy đủ các thông tin quy định. Trường hợp các hồ sơ, tài liệu chỉ thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử (không có hồ sơ, tài liệu giấy theo quy định) thì phải có chữ ký số được chứng thực theo đúng quy định. + Người lập, người kiểm soát, người ký duyệt và những người tham gia xử lý và ký trên chứng từ điện tử phải chịu trách nhiệm về các nội dung của chứng từ điện tử. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 9. Xử lý vi phạm Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực KBNN có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, Luật NSNN và các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều 10. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. 2. Các nội dung khác không quy định trong Thông tư này được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, KBNN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "20/12/2010", "sign_number": "209/2010/TT-BTC", "signer": "Phạm Sỹ Danh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Ke-hoach-76-KH-BCD-TANDTC-2021-xay-dung-Toa-an-dien-tu-o-Viet-Nam-dap-ung-cai-cach-tu-phap-477927.aspx
Kế hoạch 76/KH-BCĐ-TANDTC 2021 xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng cải cách tư pháp
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO BAN CHỈ ĐẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 76/KH-BCĐ-TANDTC Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2021 KẾ HOẠCH XÂY DỰNG “ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TÒA ÁN ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP” Triển khai thực hiện Quyết định số 152/QĐ-TANDTC ngày 28/5/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án với các nội dung, cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (sau đây gọi tắt là Đề án) theo Chương trình công tác năm 2021 số 08-CTr/BCĐCCTPTW ngày 28/02/2021 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Chương trình công tác toàn khóa số 01-CTr/BCSĐ ngày 15/4/2021 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. 2. Yêu cầu - Xác định cụ thể phạm vi, mục đích, yêu cầu và các hoạt động trọng tâm của Đề án; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong việc triển khai thực hiện công việc được giao. - Các hoạt động trong Kế hoạch phải đánh giá được thực trạng công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án nhân dân; xu hướng, kinh nghiệm quốc tế; các quy định của pháp luật và sự cần thiết xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Đề án, làm cơ sở đề xuất xây dựng “Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. - Việc xây dựng Đề án phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH 1. Các hoạt động nghiên cứu, xây dựng Đề án 1.1. Tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực, trình độ tin học, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin; nghiên cứu xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án nhân dân thời gian qua - Chủ trì: Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 7 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Kết quả khảo sát và Báo cáo tổng kết thực tiễn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án nhân dân thời gian qua. 1.2. Nghiên cứu xây dựng Báo cáo đánh giá thực trạng các quy định pháp luật có liên quan, kiến nghị, giải pháp và sự cần thiết xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam - Chủ trì: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 7 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Báo cáo đánh giá thực trạng các quy định pháp luật có liên quan, kiến nghị, giải pháp và sự cần thiết xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam 1.3. Nghiên cứu xây dựng Báo cáo nghiên cứu một số mô hình Tòa án điện tử trên thế giới và bài học kinh nghiệm (trong đó tập trung phân tích sâu mô hình và kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, phát triển Tòa án điện tử của Trung Quốc và Hàn Quốc); thu thập tài liệu Quốc tế có liên quan phục vụ xây dựng Đề án. - Chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế Tòa án nhân dân tối cao. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15 tháng 7 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Báo cáo nghiên cứu một số mô hình Tòa án điện tử trên thế giới và bài học kinh nghiệm và các tài liệu Quốc tế có liên quan phục vụ nghiên cứu xây dựng Đề án. 1.4. Đề xuất nội dung chính, xây dựng Đề cương Đề án - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 7 năm 2021. - Kết quả thực hiện: dự thảo Đề cương Đề án. 1.5. Tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án để xin ý kiến về những vấn đề lớn, Xây dựng và hoàn chỉnh đề cương chi tiết - Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 7 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Báo cáo tổng hợp ý kiến và Đề cương chi tiết Đề án. 1.6. Xây dựng Dự thảo 1 Đề án - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Trước 15 tháng 8 năm 2021. - Kết quả thực hiện: dự thảo 1 Đề án. 1.7. Tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án để xin ý kiến Dự thảo 1 Đề án - Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 8 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Biên bản tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý. 1.8. Tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo 1 Đề án - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 8 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Dự thảo 2 Đề án. 1.9. Tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án để xin ý kiến về Dự thảo 2 Đề án - Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 8 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Biên bản tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý. 1.10. Tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo 2 Đề án - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 8 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Dự thảo Đề án (chính thức). 2. Tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án - Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 9 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Báo cáo tổng hợp và giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý. 3. Xin ý kiến thành viên Hội đồng Thẩm phán, Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân các cấp; xin ý kiến các Bộ, ngành đối với dự thảo Đề án - Chủ trì: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 9 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Báo cáo tổng hợp và giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý. 4. Hoàn thiện dự thảo Đề án báo cáo Chánh án, báo cáo Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao xem xét, trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Đề án hoàn thiện; báo cáo tóm tắt Đề án; hồ sơ trình phê duyệt Đề án;... 5. Xây dựng dự toán kinh phí xây dựng Đề án - Chủ trì: Tổ giúp việc. - Đơn vị phối hợp: Văn phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính và Các đơn vị có liên quan. - Thời gian hoàn thành: Tháng 6 năm 2021. - Kết quả thực hiện: Dự toán kinh phí được phê duyệt. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Phân công trách nhiệm thực hiện 1.1. Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc - Thường trực Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo điều hành, đôn đốc các Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc hiện các nội dung của Kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng. - Các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng. - Tổ giúp việc là đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án và là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này. 1.2. Văn phòng, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Vụ Tổng hợp, Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị khác của Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phần II (Nội dung kế hoạch) và các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. 2. Kinh phí thực hiện Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có). Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm bố trí kinh phí và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này./. Nơi nhận: - Đ/c Chánh án TANDTC (để b/c); - Các đ/c PCA TANDTC (để phối hợp chỉ đạo); - Đ/c Chánh án TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để triển khai thực hiện); - Cổng TTĐT TANDTC (để triển khai thực hiện); - Báo Công lý (để triển khai thực hiện); - Tạp chí Tòa án (để triển khai thực hiện); - Lưu: VT; Vụ TH TANDTC. KT. CHÁNH ÁN PHÓ CHÁNH ÁN Nguyễn Văn Du PHÓ TRƯỞNG BAN BAN CHỈ ĐẠO
{ "issuing_agency": "Tòa án nhân dân tối cao", "promulgation_date": "10/06/2021", "sign_number": "76/KH-BCĐ-TANDTC", "signer": "Nguyễn Văn Du", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-136-2015-TT-BTC-thu-nop-phi-su-dung-duong-bo-tram-thu-phi-cau-Co-Chien-quoc-lo-60-Tra-Vinh-290709.aspx
Thông tư 136/2015/TT-BTC thu nộp phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên quốc lộ 60 Trà Vinh
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 136/2015/TT-BTC Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ TRẠM THU PHÍ CẦU CỔ CHIÊN, QUỐC LỘ 60, TỈNH TRÀ VINH Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH11 ngày 28/8/2001; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh như sau: Điều 1. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 159/2013/TT-BTC). Điều 2. Biểu mức thu Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh (mức thu đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Điều 3. Chứng từ thu phí Chứng từ thu phí sử dụng đường bộ sử dụng tại trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Điều 4. Quản lý và sử dụng tiền phí thu được 1. Phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh được thu, nộp, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án thành phần 1- Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh. 2. Đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm: a) Tổ chức các điểm bán vé tại trạm thu phí thuận tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông, tránh ùn tắc giao thông, bán kịp thời đầy đủ các loại vé theo yêu cầu của người mua, không hạn chế thời gian bán vé tháng, vé quý; b) Thực hiện đăng ký, kê khai, thu, nộp, sử dụng chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ theo quy định; c) Báo cáo kết quả thu phí định kỳ tháng, quý, năm theo quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải. Điều 5. Tổ chức thực hiện 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2015. Thời gian bắt đầu thu phí theo mức phí tại Thông tư này kể từ khi có đủ điều kiện sau: a) Dự án được Bộ Giao thông vận tải cho phép nghiệm thu và đã thực hiện nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng; b) Được Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định cho phép thu phí. 2. Bộ Giao thông vận tải và Nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh phương án tài chính của Hợp đồng BOT dự án phù hợp với mức thu phí quy định tại Thông tư này. 3. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh không quy định tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). 4. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60, tỉnh Trà Vinh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 5. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Trà Vinh; - Công báo; - Website Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công ty TNHH đầu tư Cổ Chiên; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, CST (CST5). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Vũ Thị Mai BIỂU MỨC THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CẦU CỔ CHIÊN, QUỐC LỘ 60, TỈNH TRÀ VINH (Kèm theo Thông tư số 136/2015/TT-BTC ngày 31/08/2015 của Bộ Tài chính) 1. Kể từ ngày được Bộ Giao thông vận tải cho phép thu phí đến hết ngày 31/12/2015, mức thu như sau: Số TT Phương tiện chịu phí đường bộ Mệnh giá (đồng/vé) Vé lượt Vé tháng Vé quý 1 Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 30.000 900.000 2.430.000 2 Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 40.000 1.200.000 3.240.000 3 Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 65.000 1.950.000 5.265.000 4 Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit 120.000 3.600.000 9.720.000 5 Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit 180.000 5.400.000 14.580.000 2. Kể từ ngày 01/01/2016 trở đi, mức thu như sau: Số TT Phương tiện chịu phí đường bộ Mệnh giá (đồng/vé) Vé lượt Vé tháng Vé quý 1 Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 35.000 1.050.000 2.835.000 2 Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn 50.000 1.500.000 4.050.000 3 Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn 75.000 2.250.000 6.075.000 4 Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit 140.000 4.200.000 11.340.000 5 Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit 200.000 6.000.000 16.200.000 Ghi chú: - Tải trọng của từng loại phương tiện áp dụng mệnh giá trên là tải trọng theo thiết kế (trọng tải hàng hóa), căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền cấp. - Đối với việc áp dụng mức thu phí đối với xe chở hàng bằng container (bao gồm cả đầu kéo moóc chuyên dùng): Áp dụng mức thu theo trọng lượng toàn bộ của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng./.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "31/08/2015", "sign_number": "136/2015/TT-BTC", "signer": "Vũ Thị Mai", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-21-2017-TT-BGTVT-sua-doi-Thong-tu-Bo-Quy-che-An-toan-hang-khong-dan-dung-tau-bay-359823.aspx
Thông tư 21/2017/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng tàu bay mới nhất
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 21/2017/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2017 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2011/TT-BGTVT NGÀY 27 THÁNG 01 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH BỘ QUY CHẾ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG LĨNH VỰC TÀU BAY VÀ KHAI THÁC TÀU BAY VÀ THÔNG TƯ SỐ 03/2016/TT-BGTVT NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2011/TT-BGTVT NGÀY 27 THÁNG 01 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH BỘ QUY CHẾ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG LĨNH VỰC TÀU BAY VÀ KHAI THÁC TÀU BAY Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2011 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Nghị định số 68/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2015 của Chính phủ quy định đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay; Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay và Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 và Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2016 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 1 Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay (sau đây viết tắt là: Bộ QCATHK) tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 3 Bộ QCATHK tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 4 Bộ QCATHK tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 5 Bộ QCATHK tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 6 Bộ QCATHK tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này. 6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 7 Bộ QCATHK tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. 7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 9 Bộ QCATHK tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này. 8. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 10 Bộ QCATHK tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. 9. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 12 Bộ QCATHK tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. 10. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 14 Bộ QCATHK tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này. 11. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 15 Bộ QCATHKL tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này. 12. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 16 Bộ QCATHKL tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này. 13. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 17 Bộ QCATHK tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này. 14. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 19 Bộ QCATHK tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này. 15. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 20 Bộ QCATHK tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này. 16. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Phần 23 Bộ QCATHK tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 2. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017. 2. Việc áp dụng quy định tại Phụ lục XI Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. 3. Thông tư này bãi bỏ: a) Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 của Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. b) Quyết định số 471/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2017 về việc đính chính Thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ Quy chế An toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Điều 3. Tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); - Các Tổng công ty: Quản lý bay Việt Nam; Cảng hàng không Việt Nam - CTCP; Hàng không Việt Nam -CTCP; - Các CTCPHK: VietJet, Jetstar Pacific, Hải Âu; - Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO); - Công ty Bay trực thăng miền Nam (VNHS); - Công ty Bay trực thăng miền Bắc (VNHN); - Công ty TNHH sửa chữa máy bay (VAECO); - Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật trực thăng (HELITECHCO); - Công ty Bảo dưỡng máy bay Cảng HKMN (SAAM); - Công ty Dịch vụ kỹ thuật Hàng không (AESC); - Công ty Cổ phần HK lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar); - Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS); - Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS); - Công ty Hành tinh xanh; - Công báo; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo Giao thông; - Lưu: VT, AT. BỘ TRƯỞNG Trương Quang Nghĩa FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "30/06/2017", "sign_number": "21/2017/TT-BGTVT", "signer": "Trương Quang Nghĩa", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-165-KH-UBND-2021-Toan-dan-ren-luyen-than-the-theo-guong-Bac-Ho-vi-dai-Da-Nang-504798.aspx
Kế hoạch 165/KH-UBND 2021 Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại Đà Nẵng
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 165/KH-UBND Đà Nẵng, ngày 22 tháng 9 năm 2021 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN RÈN LUYỆN THÂN THỂ THEO GƯƠNG BÁC HỒ VĨ ĐẠI” GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, nhằm đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục thể thao ở nước ta trong giai đoạn tới, đáp ứng yêu cầu nâng cao sức khỏe, thể lực của Nhân dân, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; căn cứ Quyết định số 1157/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 04 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung chính như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích a) Các sở, ban, ngành, địa phương và các đoàn thể xã hội tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của tập luyện thể dục thể thao trong việc nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục đạo đức, ý chí, nhân cách, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. b) Thông qua Cuộc vận động nhằm vận động Nhân dân tự chọn cho mình môn thể thao phù hợp để tập luyện và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời để nâng cao sức khỏe, thể chất vì mục tiêu: “Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”, “Dân cường thì Quốc thịnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. c) Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao trường học, xây dựng lối sống lành mạnh trong thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên. d) Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang, giúp cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang rèn luyện, nâng cao sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. 2. Yêu cầu a) Triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. b) Phát huy vai trò tự quản, tính sáng tạo của cộng đồng dân cư trong triển khai tổ chức Cuộc vận động, lấy khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học là địa bàn chính để triển khai Cuộc vận động đồng thời là cơ sở để đề ra nội dung, tiêu chí và đánh giá hiệu quả của Cuộc vận động; các đơn vị hành chính xã/phường, huyện/quận, phát huy trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung và chỉ tiêu của Cuộc vận động. c) Triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động phải đảm bảo thiết thực, chất lượng và hiệu quả; việc đánh giá kết quả Cuộc vận động phải thực chất, khách quan, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua; ghi nhận và kịp thời khen thưởng những đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân các cấp trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. II. CÁC CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU 1. Số người tham gia luyện tập thể dục thể thao (TDTT) thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 38,5% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 41,5% dân số toàn thành phố. 2. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 31,7% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 35,3% số hộ gia đình toàn thành phố. 3. Đến năm 2030 đạt 100% số xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có ít nhất 03 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở trở lên. 4. TDTT trường học a) Số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Phấn đấu trên 90% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2025 và 100% vào năm 2030. b) 100% số trường bậc phổ thông có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt 80% trở lên và đến năm 2030 đạt 100% tổng số trường. c) Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2025 đạt 100% tổng số học sinh bậc phổ thông các cấp. 5. TDTT trong lực lượng vũ trang a) Trong quân đội nhân dân: - Tỷ lệ đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là 100%. - Tỷ lệ đơn vị thực hiện đủ chương trình rèn luyện thân thể cán bộ, chiến sỹ theo quy định là 100%. - Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định là 100%. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ rèn luyện TDTT thường xuyên là 100%. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 98,50%. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt trên 90%; 100% đơn vị (cấp trung đoàn) có khu sân tập luyện thể thao cơ bản và có hồ bơi đơn giản. b) Trong lực lượng công an nhân dân: - Tỷ lệ các đơn vị tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên là từ 90% trở lên. - Tỷ lệ các đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 100%. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tham gia kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 100%. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định là 98% trở lên. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên là từ 90% trở lên. - Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ biết bơi đạt từ 70% trở lên. + Công an thành phố có khu sân tập luyện thể thao cơ bản hoặc nhà thi đấu đa năng; 100% đơn vị (cấp phòng và tương đương có trụ sở độc lập) có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động thể dục thể thao. 6. Phấn đấu trên 98% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp, trên 70% đơn vị cấp xã tổ chức tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. III. NỘI DUNG 1. Tuyên truyền, triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị, địa phương. a) Tổ chức các hình thức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các đoàn thể và Nhân dân về Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TDTT. b) Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và các hoạt động thể dục thể, thao trong dịp tháng 3 hằng năm nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật; đồng thời vận động mọi người lựa chọn môn thể thao thích hợp, cách thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe để duy trì nề nếp, thói quen thường xuyên luyện tập hàng ngày. c) Cụ thể hóa Cuộc vận động thông qua việc ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác thể dục, thể thao của các đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao của Nhân dân. 2. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện thể dục, thể thao đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và phòng chống bệnh tật. a) Xây dựng, phổ biến tài liệu, tranh ảnh, video clip hướng dẫn luyện tập TDTT phù hợp lứa tuổi, giới tính, vùng miền, tình trạng sức khỏe của người dân: hướng dẫn kiến thức TDTT; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật các môn thể thao từ đơn giản đến nâng cao; hướng dẫn các phương pháp tập luyện TDTT đúng cách; hướng dẫn các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh, an toàn, phòng chống tai nạn, chấn thương khi tập luyện;... b) Tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về hướng dẫn tập luyện TDTT nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên cho các ngành, đoàn thể, các đơn vị, xã, phường, trường học và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn tập luyện và thi đấu các môn thể dục thể thao. c) Phát triển các mô hình tổ, đội, nhóm, các câu lạc TDTT; các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT đa dạng, phong phú, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn, nhân viên chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tập TDTT thuận lợi, hiệu quả. 3. Phối hợp liên ngành về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển phong trào TDTT cho mọi đối tượng a) Ký kết và triển khai Chương trình, Kế hoạch phối hợp giữa ngành Văn hóa và Thể thao với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp về chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động TDTT trong khối nông dân, cán bộ, công nhân viên chức, lao động, phụ nữ, thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, sinh viên và khối cán bộ, chiến sỹ lượng vũ trang. b) Triển khai Cuộc vận động trong công tác gia đình nhằm phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của các thành viên trong gia đình tham gia tập luyện TDTT, xây dựng gia đình thể thao; các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư kinh phí, trang phục, dụng cụ, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên được vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất, tập luyện thi đấu các môn thể thao. c) Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân tổ chức hoạt động TDTT, đặc biệt đối với các dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT trên các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội nhằm quản lý, hướng dẫn các cơ sở đảm bảo yêu cầu chuyên môn và từng bước nâng cao chất lượng hướng dẫn tập luyện cho Nhân dân. 4. Tổ chức giải thi đấu các môn thể thao nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào luyện tập TDTT của Nhân dân a) Các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, xã, phường, trường học quan tâm tổ chức các hội thi, giải thi đấu các môn thể thao, đại hội TDTT nhằm tạo động lực thi đua phấn khởi và khuyến khích, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong khối nông dân, cán bộ, công nhân viên chức, lao động, phụ nữ, thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên và khối cán bộ, chiến sỹ lượng vũ trang. b) Khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức giải thi, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. 5. Đầu tư nguồn lực triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 a) Các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động TDTT; đồng thời quan tâm đầu tư kinh phí, quỹ đất, cơ sở vật chất và bố trí thời gian phù hợp để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, công nhân viên chức, lao động, học sinh, sinh viên và mọi đối tượng tham gia tập luyện, thi đấu TDTT rèn luyện thể chất và tinh thần. b) Củng cố và phát triển hệ thống thiết chế về TDTT quần chúng ở cơ sở. Xây dựng mô hình điểm về cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động TDTT tại các thôn, bản, tổ dân phố và xã, phường. c) Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh phí, sở vật chất và tổ chức các loại hình hướng dẫn tập luyện TDTT đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Nhân dân. d) Kiện toàn bộ máy TDTT các cấp, ngành và ở cơ sở; đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào TDTT trong tình hình mới. 6. Nhân rộng những mô hình, điển hình triển khai tốt Cuộc vận động a) Thống kê số liệu, đánh giá kết quả hàng năm về phong trào TDTT quần chúng, công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao nhà trường trong khối học sinh, sinh viên và công tác rèn luyện TDTT ngoại khóa của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. b) Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách thức triển khai hay, hiệu quả về Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn thành phố. c) Hàng năm, tiến hành tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kết quả triển khai Cuộc vận động; đồng thời tổ chức đăng ký thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình, có đóng góp thành tích xuất sắc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phát triển phong trào TDTT. IV. GIẢI PHÁP 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tập trung nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới về nội dung, cách thức triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và xây dựng con người mới Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. 2. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 ở các sở, ban, ngành và địa phương. Kiện toàn bộ máy TDTT các ngành và ở cơ sở, tăng cường xây dựng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT. 3. Huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển phong trào TDTT; khuyến khích phát triển kinh tế thể thao và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ tập luyện, thi đấu TDTT. 4. Tăng cường hợp tác quốc tế về thể thao cho mọi người để tiếp cận với những nền TDTT tiên tiến trong việc phát triển thể chất và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. 5. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất cơ chế chính sách về lĩnh vực TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. 6. Biểu dương, khen thưởng nhân rộng các điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong Cuộc vận động vào dịp sơ kết, tổng kết định kỳ hàng năm, 5 năm và cả giai đoạn. V. KINH PHÍ 1. Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 ở cấp nào do nguồn ngân sách địa phương cấp đó đảm bảo; kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác. 2. Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 ở cấp thành phố được bố trí từ nguồn chi thường xuyên của Sở Văn hóa và Thể thao. 3. Kinh phí thực hiện Cuộc vận động của các sở, ban, ngành liên quan trong hoạt động TDTT do sở, ban, ngành đó chi trả theo chức năng nhiệm vụ được giao hoặc được chi trả từ nguồn kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác. VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Văn hóa và Thể thao a) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 và triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh phát triển TDTT trong các đối tượng quần chúng, Nhân dân. b) Tổ chức đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn kết với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030. c) Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của tập luyện TDTT đối với sức khỏe. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân duy trì nề nếp, thói quen thường xuyên luyện tập TDTT để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần và phòng, chống bệnh tật. d) Hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện; xã, phường và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức Cuộc vận động. Kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách, giải pháp để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động. 2. Các sở, ban, ngành, địa phương và đoàn thể Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và nội dung, chỉ tiêu phát triển trong Kế hoạch này, triển khai thực hiện Cuộc vận động phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT trong cán bộ, công nhân viên chức, lao động, phụ nữ, thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sỹ lượng vũ trang và người dân thành phố. VII. VỀ BÁO CÁO, TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ, RÚT KINH NGHIỆM 1. Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và đoàn thể: Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ về Sở Văn hóa và Thể thao trước ngày 20/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND thành phố theo quy định và gửi báo cáo kết quả tổ chức triển khai Cuộc vận động về Tổng cục Thể dục thể thao trước ngày 20/12 hàng năm. 2. Định kỳ 5 năm, 10 năm, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, khen thưởng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức tốt Cuộc vận động. Trên đây là Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030, yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc cần thông tin kịp thời về UBND thành phố (thông qua Sở Văn hóa và Thể thao) để được hướng dẫn, chỉ đạo và giải quyết./. Nơi nhận: - Bộ VHTTDL; - TTTU, TT HĐND TP; - Bộ CHQS thành phố; - BCH Biên phòng TP; - Công an thành phố; - Sở Giáo dục và Đào tạo; - Lao động, Thương binh và Xã hội; - Thành đoàn; - Đại học Đà Nẵng; - Liên đoàn Lao động thành phố; - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; - UBND các quận, huyện; - Đài PHTH Đà Nẵng, Báo CA, Báo ĐN; - Lưu: VT, KGVX, SVHTT. KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Ngô Thị Kim Yến
{ "issuing_agency": "Thành phố Đà Nẵng", "promulgation_date": "22/09/2021", "sign_number": "165/KH-UBND", "signer": "Ngô Thị Kim Yến", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-02-2010-TT-BLDTBXH-cong-bo-Danh-muc-van-ban-quy-pham-phap-luat-den-ngay-31-thang-12-nam-2009-da-het-hieu-luc-phap-luat-100256.aspx
Thông tư 02/2010/TT-BLĐTBXH công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 đã hết hiệu lực pháp luật mới nhất
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 02/2010/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2010 THÔNG TƯ VỀ VIỆC CÔNG BỐ DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH ĐẾN NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2009 ĐÃ HẾT HIỆU LỰC PHÁP LUẬT Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03/06/2008; Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/03/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2009 đã hết hiệu lực pháp luật như sau: Điều 1. Công bố kèm theo Thông tư này Danh mục của văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì ban hành, phối hợp ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2009 đã hết hiệu lực pháp luật. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2010. Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thi hành Thông tư này. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC; - Kiểm toán Nhà nước; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp; - Cơ quan TW của các đoàn thể; - Công báo Chính phủ; BỘ TRƯỞNG Nguyễn Thị Kim Ngân DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH ĐẾN NGÀY 31/12/2009 ĐÃ HẾT HIỆU LỰC (Kèm theo Thông tư số 02/2010/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) TT Hình thức văn bản Số ký hiệu Ngày ban hành Trích yếu Lý do hết hiệu lực 1 Thông tư 13/2005/TT-BLĐTBXH 25/02/2005 Hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Được thay thế bởi Thông tư số 20/2007/TT-BLĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. 2 Thông tư 29/2007/TT-BLĐTBXH 05/12/2007 Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng vùng đối với công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ Được thay thế bởi Thông tư số 23/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. 3 Thông tư 30/2007/TT-BLĐTBXH 05/12/2007 Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Được thay thế bởi Thông tư số 24/2008/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. 4 Thông tư 23/2008/TT-BLĐTBXH 20/10/2008 Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ Được thay thế bởi Thông tư số 35/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối công ty nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ 5 Thông tư 24/2008/TT-BLĐTBXH 20/10/2008 Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Được thay thế bởi Thông tư số 36/2009/TT-BLĐTBXH ngày 13/11/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. 6 Quyết định 05/2006/QĐ-BLĐTBXH 10/07/2006 Ban hành quy định về thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề. Được thay thế bởi Quyết định số 71/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề và Quyết định số 72/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề. 7 Quyết định 06/2006/QĐ-BLĐTBXH 02/08/2006 Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy định về thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề ban hành kèm theo quyết định số 05/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 10/7/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Được thay thế bởi Quyết định số 71/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề và Quyết định số 72/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề. 8 Quyết định 01/2007/QĐ-BLĐTBXH 04/01/2007 Ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề Được thay thế bởi Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định về chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề. 9 Quyết định 02/2007/QĐ-BLĐTBXH 04/01/2007 Ban hành Điều lệ trường cao đẳng nghề Được thay thế bởi Quyết định số 51/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành Điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề 10 Quyết định 03/2007/QĐ-BLĐTBXH 04/01/2007 Ban hành Điều lệ trường trung cấp nghề Được thay thế bởi Quyết định số 52/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành Điều lệ mẫu trường trung cấp nghề 11 Quyết định 07/2007/QĐ-BLĐTBXH 23/03/2007 Ban hành Quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề Được thay thế bởi Quyết định số 57/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. 12 Quyết định 10/2007/QĐ-BLĐTBXH 04/04/2007 Ban hành Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, miễn nhiệm, thôi công nhận, từ chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm dạy nghề Được thay thế bởi Quyết định số 59/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, công nhận, bổ nhiệm lại, công nhận lại, miễn nhiệm, thôi công nhận, từ chức hiệu trưởng trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và giám đốc trung tâm nghề 13 Quyết định 15/2007/QĐ-BLĐTBXH 29/5/2007 Ban hành mẫu bằng, chứng chỉ nghề Được thay thế bởi Quyết định số 75/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Ban hành mẫu bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, mẫu chứng chỉ nghề, mẫu bản sao và việc quản lý, cấp bằng, chứng chỉ nghề 14 Quyết định 16/2007/QĐ-BLĐTBXH 29/05/2007 Ban hành tạm thời Danh mục 48 nghề đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trình độ trung cấp nghề năm 2007 Được thay thế bởi Quyết định số 37/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/04/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc ban hành tạm thời Danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề 15 Quyết định 17/2007/QĐ-BLĐTBXH 29/5/2007 Ban hành Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trung tâm dạy nghề Được thay thế bởi Quyết định số 71/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quy định về thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề. 16 Thông tư 24/2005/TT-BLĐTBXH 26/09/2005 Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 04/2004/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Được thay thế bởi Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/06/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 17 Thông tư liên tịch 34/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT 09/12/2005 Hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm Được thay thế bởi Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 29/07/2008 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm và Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày 23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ 18 Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTP 07/07/2006 Hướng dẫn việc bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài Được thay thế bởi Thông tư số 08/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTP ngày 11/07/2007 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn chi tiết một số vấn đề về nội dung Hợp đồng bảo lãnh và việc thanh lý Hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "12/01/2010", "sign_number": "02/2010/TT-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Thị Kim Ngân", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-114-KH-BTCTW-2023-thong-tin-xay-dung-Dang-xay-dung-he-thong-chinh-tri-564298.aspx
Kế hoạch 114-KH/BTCTW 2023 thông tin xây dựng Đảng xây dựng hệ thống chính trị
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG BAN TỔ CHỨC -------- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM --------------- Số: 114-KH/BTCTW Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2023 KẾ HOẠCH THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, NĂM 2023 - Căn cứ Quyết định số 152-QĐ/TW, ngày 26-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương; - Căn cứ Kế hoạch số 106-KH/BTCTW, ngày 20-3-2023 của Ban Tổ chức Trung ương v/v “Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023”; Năm 2023 là năm bản lề đẩy nhanh kết quả thực hiện, tạo đà hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, cũng là năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng (Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022); Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022); Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022); Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới... Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2023 như sau: I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1- Mục đích - Đẩy mạnh tuyên truyền tạo niềm tin, khí thế, động lực mới, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; cùng các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. - Góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp đột phá của cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. - Tích cực phát hiện những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; giới thiệu, biểu dương, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt; đồng thời, phản ánh kết quả và những cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị, nhất là trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước. 2- Yêu cầu Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có diễn biến, khó khăn, thách thức mới. II- NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN (có đề cương kèm theo) 1- Nội dung tuyên truyền trọng tâm 1.1- Những kết quả bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương tới cơ sở. 1.2- Phản ánh những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đánh giá tình hình, triển vọng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát hiện những “điểm nghẽn” hoặc dự báo những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; từ đó hiến kế cho Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. 1.3- Về tình hình, kết quả nổi bật, những giải pháp đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Những thành tựu căn bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. 1.4- Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII). 1.5- Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. 2- Nội dung tuyên truyền thường xuyên 2.1- Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. 2.2- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. 2.3- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng và việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nghị quyết của Đảng. 2.4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; phát huy dân chủ đi đôi với kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. 2.5- Việc thực hiện các nguyên tắc, quy định của Đảng về tổ chức, sinh hoạt đảng và đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đảng. 2.6- Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các quy chế, quy định, kết luận, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng và rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định không còn phù hợp với thực tiễn. 2.7- Về vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tự phê bình, phê bình và tăng cường xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. 2.8- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 2.9- Việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nhất là việc tổng kết những mô hình thí điểm về tổ chức - cán bộ và phát triển lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của: Đảng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. III- HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN 1- Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 1.1- Mở chuyên mục, xây dựng chuyên đề, tổ chức các bài viết, sản phẩm truyền thông có chiều sâu với nhiều thể loại phong phú về từng nội dung theo Đề cương thông tin, tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023 ban hành kèm theo Kế hoạch này để đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. 1.2- Tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, mời các chuyên gia, người am hiểu sâu về từng lĩnh vực để trao đổi, giới thiệu, đăng, phát những nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các đài phát thanh, truyền hình. 2- Thông tin, tuyên truyền trên các mạng xã hội 2.1- Sử dụng hình thức tuyên truyền bằng phương tiện trực tuyến, tạo các Fanpage để thông tin, tuyên truyền và quảng bá các bài viết, sản phẩm truyền thông về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 2.2- Tập hợp đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội. 3- Tổ chức giải báo chí hoặc cuộc thi sáng tác về chủ đề công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 3.1- Tổ chức giải báo chí ở Trung ương và địa phương về chủ đề công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Ở Trung ương tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023 (có Kế hoạch riêng). Tổ chức giải báo chí về xây dựng Đảng ở địa phương, qua đó lựa chọn những tác phẩm có chất lượng cao gửi về Trung ương tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023. 3.2- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu, thiết kế tranh cổ động và sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 4- Sử dụng hình thức tuyên truyền trực quan; hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên; thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, trong sinh hoạt Đảng và sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội. 4.1- Triển lãm tranh cổ động và giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 4.2- Sử dụng hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, những chuyên gia có uy tín để phát huy hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng. IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1- Ban Tổ chức Trung ương - Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền trong Đảng và xã hội về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023. - Tiếp tục phân công một đồng chí Phó Trưởng ban phụ trách công tác tuyên truyền và giao Tạp chí Xây dựng Đảng làm đầu mối phối hợp thường xuyên giữa Ban Tổ chức Trung ương với các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương trong quá trình triển khai Kế hoạch; cụ thể hóa nội dung tuyên truyền trong việc định hướng nội dung sáng tạo các tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023. 2- Đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước. 3- Đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền trong hệ thống tổ chức Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; chú trọng tuyên truyền nội dung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thông qua sinh hoạt thường kỳ của tổ chức chính trị - xã hội, thi tìm hiểu về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và các cấp hội, đoàn tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. 4- Đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thông tin cổ động trực quan, nhất là trên pa-nô, áp-phích, băng-rôn; đồng thời chỉ đạo tổ chức triển lãm, thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 5- Các cơ quan thông tấn, báo chí - Xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng tuyên truyền những mô hình mới, cách làm sáng tạo, biểu dương những tổ chức đảng và đảng viên tiêu biểu, xuất sắc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật hòng chống phá Đảng, Nhà nước. - Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh, ý thức chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. - Lãnh đạo các cơ quan báo chí đề cao trách nhiệm trong việc tổ chức tuyên truyền bám sát đề cương kèm theo Kế hoạch này, định hướng cho phóng viên, biên tập viên sáng tạo tác phẩm về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. - Vận động cán bộ, phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia các giải báo chí về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023. 6- Các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và cấp ủy đảng, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho ban tuyên giáo cùng cấp để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch và đề cương thông tin, tuyên truyền; vận động cán bộ trong ban tổ chức cấp ủy tích cực viết bài, đăng tải thông tin về kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên báo chí ở địa phương và Trung ương. Trên đây là Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị trao đổi về Ban Tổ chức Trung ương (qua Tạp chí Xây dựng Đảng) để phối hợp giải quyết./. Nơi nhận: - Đ/c Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban (để báo cáo), - Các đ/c Phó Trưởng Ban, - Ban Tuyên giáo Trung ương (để phối hợp), - Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW, - Các đảng đoàn, ban cán sự đảng ở TW, đảng ủy đơn vị sự nghiệp TW, - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TW, - Ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW, - Các cơ quan báo chí Trung ương, - Các vụ, cục, đơn vị trong Ban, - Lưu VP, TCXDĐ. K/T TRƯỞNG BAN PHÓ TRƯỞNG BAN Phan Thăng An ĐỀ CƯƠNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ NĂM 2023 (Ban hành kèm theo Kế hoạch số 114-KH/BTCTW, ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Ban Tổ chức Trung ương) 1- Nội dung tuyên truyền trọng tâm 1.1- Những kết quả bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương tới cơ sở. - Thông tin việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng (Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17/11/2022); Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra tiếp tục cần lời giải. - Việc vận dụng và tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị để thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW được thực chất, hiệu quả. - Tình hình, kết quả thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy chế, quy định và văn bản pháp luật. Trong đó có việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022); Những kết quả bước đầu và vấn đề cần tiếp tục giải quyết trong xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). - Phân tích tình hình, thực trạng, từ đó nêu những yêu cầu tiếp tục đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng bảo đảm thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn. - Tình hình và những vấn đề cần giải quyết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương tới cơ sở. - Nêu những mô hình, cách làm mới hoặc đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. - Tình hình, kết quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động. - Nêu những mặt được và chưa được của công tác kiểm tra, giám sát hiện nay, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. - Tham khảo ý kiến chuyên gia, những người hoạt động thực tiễn có uy tín, kinh nghiệm để tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng về những vấn đề đặt ra nhằm tiếp tục đổi mới có hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay. - Việc tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định của Đảng cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và phương thức lãnh đạo của Đảng. 1.2- Phản ánh những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đánh giá tình hình, triển vọng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát hiện những “điểm nghẽn” hoặc dự báo những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó hiến kế cho Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. - Thông tin việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. - Phản ánh tình hình, kết quả bước đầu thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; việc triển khai xây dựng quy hoạch không gian phát triển quốc gia. Đánh giá tiềm năng, triển vọng và dự báo những vấn đề cần quan tâm giải quyết. - Nêu những thành tựu qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, từ đó có những dự báo và giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. - Đánh giá tình hình, triển vọng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát hiện những “điểm nghẽn” hoặc dự báo những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; từ đó hiến kế cho Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. - Tình hình, kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. - Phản ánh những kết quả nổi bật về cải cách hành chính và những đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả hoạt động cải cách hành chính. - Nêu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính khả thi, dự báo tác động của các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. - Nêu những kết quả, triển vọng tốt đẹp, bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội hoặc khó khăn, vướng mắc phát sinh của các chương trình, kế hoạch công tác, đề tài, đề án của các bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. - Phát hiện, cảnh báo mặt trái của các chương trình, kế hoạch và đề án phát triển kinh tế - xã hội tác động xấu đến kinh tế - xã hội, môi trường và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. - Dự báo những nhu cầu mới, vấn đề phát sinh, nhất là tác động từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp gây ra đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và cuộc sống của nhân dân. 1.3 - Về tình hình, kết quả nổi bật, những giải pháp đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác phòng, chống tham nhũng; lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Những thành tựu căn bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. - Phân tích làm sâu sắc thêm giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. - Về đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. - Nhận diện những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm. - Việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) và 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII. Nêu những kết quả bước đầu, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. - Phản ánh những bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” ở các cấp, ngành, địa phương, từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ngoài khu vực Nhà nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý. - Nêu những giải pháp nhằm thực hiện công tâm, khách quan trong công tác tổ chức - cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. - Tình hình, kết quả bước đầu rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần phòng chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”. - Nêu những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực sự của Dân, do Dân và vì Dân. - Phân tích với lập luận thuyết phục để làm rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. - Tiếp tục đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phân tích làm rõ tính khoa học, phù hợp xu thế thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch trần chân tướng, động cơ thấp hèn của các thế lực thù địch hòng hạ thấp uy tín của Đảng ta. Phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. - Nắm bắt kịp thời và đấu tranh, phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác tổ chức - cán bộ, góp phần bảo vệ đường lối và tổ chức của Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. - Phản ánh những mô hình quản lý tốt, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội. - Tăng cường thông tin những nội dung tích cực đi đôi với đề xuất các giải pháp ngăn chặn có hiệu quả, xóa bỏ những thông tin xấu, độc trên in-tơ-net và mạng xã hội. - Phản ánh những thành tựu mới về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại..., tạo niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. - Tiếp tục thông tin, tuyên truyền về những kết quả mới đạt được của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ, đối ngoại trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường. 1.4- Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). - Kết quả bước đầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. - Việc tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn gắn với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. - Tình hình, kết quả và những vấn đề đặt ra trong việc đổi mới mô hình tổ chức cơ sở đảng ở cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức hội quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện. - Về mô hình tổ chức đảng trong các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại: Tình hình thực trạng và những vấn đề cần giải quyết. - Kết quả bước đầu và những vấn đề phát sinh qua việc thực hiện thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến ở đảng bộ cơ sở, chi bộ có tính chất đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt và sinh hoạt đảng theo tổ đảng ở chi bộ đông đảng viên. - Việc xây dựng mô hình “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở kiểu mẫu” - Những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục. - Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm điểm, tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng gắn với nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời phát hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ chi bộ. - Tình hình tổ chức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề. - Những giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy; những mô hình mới về hình thức sinh hoạt đảng đối với chi bộ, đảng bộ cơ sở ở nơi đặc thù hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt. - Phân tích tình hình, thực trạng, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. - Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin và những mô hình mới nhằm cải tiến sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên; những tiến bộ mới trong việc cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. - Đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. - Phản ánh những nơi làm tốt việc đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, bí thư cấp ủy ở cơ sở, từ đó đúc rút thành những mô hình mới. - Nêu những cách làm hiệu quả trong việc cấp ủy cấp trên trực tiếp nắm tình hình và phân công cấp ủy viên phụ trách, dự sinh hoạt với tổ chức đảng ở cơ sở. - Rà soát, phát hiện những điểm cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. - Nêu những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các quy định, hướng dẫn về kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên, từ đó đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện. - Tình hình, kết quả và những giải pháp nhằm tăng cường công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đông đồng bào tôn giáo, khu đô thị mới. - Những thuận lợi và khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong nhóm đối tượng này. - Nêu những bất cập, hạn chế trong các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. - Kết quả bước đầu và những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác rà soát, sàng lọc đảng viên, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. - Những cách làm sáng tạo, phát hiện nhân tố tích cực, nhất là đoàn viên thanh niên, công nhân, người lao động có thành tích, gương mẫu, uy tín trong nhân dân, người dân tộc thiểu số, người có đạo... để bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào Đảng. - Nêu những mô hình hay, hiệu quả trong việc quản lý, phân công công tác cho đảng viên, nhất là đảng viên ở khu vực nông thôn, tổ dân phố để phổ biến ra diện rộng. - Việc xây dựng cơ chế sinh hoạt, quản lý đối với cán bộ, đảng viên đi nghiên cứu, học tập, lao động, công tác ở nước ngoài. 1.5- Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng. - Nêu những thành tựu tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân. - Phân tích làm rõ, sâu sắc hơn nội dung xây dựng Đảng về đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. - Nêu những thành tựu nổi bật về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong 80 năm qua kể từ khi ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam”, nhất là trong 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phân tích làm rõ những nội dung được bổ sung, phát triển và ngày càng toàn diện, sâu sắc trong đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng. - Những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân và giải pháp phòng, chống. - Phân tích những điều đảng viên không được làm, liên hệ với thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm vừa qua, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. - Nêu những kết quả nghiên cứu hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức công vụ đối với công chức, viên chức phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. - Tình hình thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, từ đó đề xuất, kiến nghị để đi vào thực chất, hiệu quả. - Những vấn đề mới qua thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. - Phản ánh những tấm gương điển hình của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm nêu gương, có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, là tấm gương tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành. - Những mô hình mới, cách làm hiệu quả thực hiện các quy định về việc cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. - Nêu việc làm cùng các mô hình đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, nhất là công tác dân vận của chính quyền các cấp, nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. - Những cách làm mới, sáng tạo thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, hoặc nêu những khó khăn, trở ngại và đề xuất giải pháp tháo gỡ. - Phát hiện, biểu dương những nơi thực hiện tốt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, đồng thời phê phán những biểu hiện xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân, phong cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở. - Những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân để dự báo tình hình, cung cấp thông tin chính xác cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, điều hành đạt hiệu quả. 2- Nội dung tuyên truyền thường xuyên 2.1- Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. - Phân tích làm rõ, từ đó khẳng định nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đến nay còn nguyên giá trị, là yếu tố quyết định giữ vững vị thế cầm quyền và bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Việc quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta. - Nêu những ý tưởng phù hợp thực tiễn hoặc phản ánh những nơi thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. - Tình hình thực hiện Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Phản ánh những nét mới, thuận lợi, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục phát hiện những vấn đề cần tiếp tục giải quyết. - Nêu những điểm mới, từ đó đưa ra những nhận xét về ưu điểm và đề xuất những biện pháp nhằm thực hiện có kết quả Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. - Phản ánh những nơi xây dựng, ban hành cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; cơ chế tạo môi trường, điều kiện khuyến khích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã đem lại hiệu quả trong thực tiễn. - Nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với cán bộ làm việc trong lĩnh vực, địa bàn phức tạp, đặc thù. - Kết quả thực hiện Kết luận số 28-KL/TW, ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI); tình hình và giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. - Đánh giá kết quả, phân tích những mặt được, chưa được trong công tác luân chuyển cán bộ gắn với bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả. - Về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới và xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. - Nêu những kết quả bước đầu thực hiện thí điểm một số chủ trương: Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu người để bầu ủy viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch; miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra qua thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. - Phản ánh kịp thời về những vấn đề mới đặt ra trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay. - Việc xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm và chính sách đối với đội ngũ chuyên gia, cán bộ làm công tác nghiên cứu trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. - Nêu ý tưởng, quan điểm mới trong việc xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật thực hiện đường lối phát triển văn hóa - nghệ thuật theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. 2.2- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. - Việc thực hiện Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Tình hình triển khai, kết quả nổi bật và những vấn đề tiếp tục cần giải quyết. - Nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để đề xuất mô hình tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. - Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, mối quan hệ công tác và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. - Phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. - Những vấn đề đặt ra nhằm đổi mới hoạt động của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là tổ chức công đoàn trong thời kỳ phát triển mới. - Việc thực hiện sắp xếp lại một số mô hình tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo Thông báo kết luận số 16-TB/KL, ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Tình hình, kết quả và những đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện. Nhìn lại 5 năm thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. - Phản ánh một số mô hình tổ chức đơn vị sự nghiệp công hoạt động phù hợp, hiệu quả và kết quả bước đầu chuyển một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. 2.3- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng và việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nghị quyết của Đảng. - Nêu cách làm mới, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến với hình thức phong phú nhằm chuyển tải những nội dung cơ bản các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân. - Việc đổi mới nội dung biên soạn tài liệu, phương thức tổ chức các hội nghị, cách lựa chọn báo cáo viên, đối tượng học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng; gắn việc học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương với việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị thiết thực, hiệu quả. - Việc tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng và các đảng bộ trực thuộc Trung ương: Kết quả, kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị nhằm đạt kết quả tốt hơn. - Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp và các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng. - Phản ánh những mô hình mới, cách làm hiệu quả trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. - Phát hiện những khó khăn, bất cập, “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ. 2.4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; phát huy dân chủ đi đôi với kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. - Những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát nhằm giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và giữ vững vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. - Từ các kết luận kiểm tra và kết quả xét xử các vụ án tham nhũng - kinh tế lớn, phân tích làm rõ tính kỷ luật, nghiêm minh, công bằng trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. - Nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề, tập trung vào việc giám sát cán bộ, đảng viên có lời nói, việc làm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định xử lý tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. - Giới thiệu những nơi làm tốt việc tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện vi phạm từ nội bộ để chấn chỉnh ngay từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. - Tình hình, kết quả và những vướng mắc trong việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa công tác kiểm tra của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội để phòng ngừa sai phạm, bảo vệ tổ chức đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. - Phản ánh những nơi làm tốt việc xây dựng các quy chế, quy định chặt chẽ nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm sai phạm từ lúc manh nha; cảnh báo, răn đe và giáo dục cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giảm thiểu sai phạm không đáng có. - Kết quả xử lý sau kiểm tra, thanh tra ở các bộ, ngành, địa phương, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị nhằm đạt kết quả tốt hơn. - Phản ánh kết quả qua 4 năm thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. - Giới thiệu những nơi thực hiện tốt việc giáo dục chính trị tư tưởng kết hợp chăm lo đời sống; xây dựng, ban hành các quy định bảo đảm quản lý chặt chẽ và có sự răn đe để cán bộ, đảng viên không muốn, không cần, không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực. 2.5- Việc thực hiện các nguyên tắc, quy định của Đảng về tổ chức, sinh hoạt đảng và đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đảng. - Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và những vấn đề đặt ra nhằm phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. - Việc thực hiện Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. - Những chuyển động mới qua thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. - Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quy định số 97-QĐ/TW, ngày 07/02/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương. - Kết quả bước đầu thực hiện Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và Quyết định số 61-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước với cấp ủy địa phương. - Những chuyển biến tích cực và vấn đề cần tiếp tục giải quyết qua thực hiện Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước. - Tình hình, kết quả bước đầu thực hiện Quy định số 46-QĐ/TW, ngày 03/12/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. - Tình hình và giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy. Phát hiện, giới thiệu những mô hình mới, cách làm hiệu quả, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. - Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác tự phê bình, phê bình trong Đảng. - Phân tích nội hàm và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện nguyên tắc đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng. - Nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn làm sâu sắc thêm nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. 2.6 - Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các quy chế, quy định, kết luận, hướng dẫn về công tác xây dựng Đảng và rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định không còn phù hợp với thực tiễn. - Nêu vấn đề và đưa ra những giải pháp nhằm tạo những bước đột phá trong xây dựng thể chế để giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, cần lời giải về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. - Nêu kết quả trong việc hoàn thiện quy chế, quy định phù hợp với những điểm mới sửa đổi, bổ sung trong quy định về thi hành Điều lệ Đảng. - Việc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông trong xây dựng các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thể chế hóa các chủ trương được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng mới ban hành. - Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác cán bộ theo hướng đổi mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. - Việc xây dựng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quản lý cán bộ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. - Phản ánh kết quả trong xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và những vấn đề đặt ra nhằm xây dựng cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. - Nêu ý tưởng mới hoặc kinh nghiệm của các quốc gia để xây dựng, ban hành quy định mới về đánh giá cán bộ gắn với chất lượng, hiệu quả thực tế theo chức trách, nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. - Tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến để đổi mới việc xây dựng thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. 2.7- Về vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tự phê bình, phê bình và tăng cường xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. - Phản ánh những tấm gương cán bộ, đảng viên mẫu mực về đạo đức, lối sống, luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, thực sự là “công bộc” của dân. - Phát hiện và biểu dương những cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, tìm tòi đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. - Nêu các giải pháp hoặc giới thiệu những nơi làm tốt việc đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất thực sự trong Đảng. - Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra qua thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. - Phản ánh những nơi làm tốt việc cấp ủy, nhất là người đứng đầu lắng nghe ý kiến, chia sẻ, đồng cảm và giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đảng viên. 2.8- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. - Những vấn đề về đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. - Việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử và giám sát cán bộ, đảng viên. - Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ. - Phản ánh những cách làm sáng tạo trong việc tạo diễn đàn để Nhân dân hiến kế xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. - Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ. 2.9- Việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nhất là việc tổng kết những mô hình thí điểm về tổ chức - cán bộ và phát triển lý luận về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. - Phân tích làm sâu sắc thêm tư duy lý luận qua bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. - Thông tin kịp thời việc nghiên cứu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. - Nghiên cứu đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Chính phủ và chính quyền địa phương. - Nghiên cứu thể chế hóa và thực hiện hiệu quả cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. - Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng cơ sở lý luận, chính trị - pháp lý và thực tiễn để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới. - Nghiên cứu cơ sở khoa học, tổng kết thực tiễn việc thi hành Điều lệ Đảng nhằm đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. - Tổng kết các mô hình thí điểm trong công tác tổ chức - cán bộ, tạo cơ sở thực tiễn nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta trong điều kiện mới. - Tổng kết thực tiễn ở trong nước và ngoài nước, nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong Đảng. - Phản ánh những kết quả nghiên cứu mới nhằm vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng cơ sở lý luận vững chắc để lý giải những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới. - Giới thiệu những nơi làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu mới của cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đem lại hiệu quả thiết thực, rõ rệt, từ đó đề xuất, kiến nghị để ứng dụng trên diện rộng. - Vận dụng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp thu thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại trong việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng./.
{ "issuing_agency": "Ban Tổ chức Trung ương", "promulgation_date": "21/04/2023", "sign_number": "114-KH/BTCTW", "signer": "Phan Thăng An", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-12-2022-TT-BLDTBXH-quan-ly-lao-dong-tien-luong-Quy-Doi-moi-cong-nghe-quoc-gia-521233.aspx
Thông tư 12/2022/TT-BLĐTBXH quản lý lao động tiền lương Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia mới nhất
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 12/2022/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2022 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI QUỸ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ QUỐC GIA Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Căn cứ Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Căn cứ Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Căn cứ Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động, viên chức, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia theo quy định tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ). Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Viên chức và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. 2. Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên (sau đây gọi chung là người quản lý). 3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng quy định tại Thông tư này. Chương II QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG Điều 3. Quản lý lao động, xác định quỹ tiền lương, tạm ứng quỹ tiền lương, phân phối tiền lương, tiền thưởng 1. Quỹ thực hiện quản lý lao động theo quy định tại Mục 2 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH). 2. Viên chức và người lao động được hưởng tiền lương, tiền thưởng từ quỹ tiền lương, tiền thưởng do Quỹ xác định theo quy định sau: a) Quỹ tiền lương (kế hoạch và thực hiện), việc tạm ứng và phân phối tiền lương, tiền thưởng đối với viên chức và người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 13 Mục 3 và Mục 4 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH. b) Khi xác định mức tiền lương bình quân kế hoạch, mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương (kế hoạch và thực hiện) theo quy định tại Điều 9 và Điều 14 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì chỉ tiêu lợi nhuận (lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận thực hiện trong năm và lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề) được tính bằng chỉ tiêu chênh lệch giữa tổng số thu nhập và tổng số chi phí (sau đây gọi tắt là chênh lệch thu trừ chi) của Quỹ. Điều 4. Loại trừ các yếu tố khách quan khi xác định quỹ tiền lương của viên chức và người lao động 1. Khi xác định quỹ tiền lương (kế hoạch và thực hiện) của viên chức và người lao động, nếu có yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi thì phải xác định loại trừ, bảo đảm tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động thực sự của Quỹ. 2. Các yếu tố khách quan để loại trừ khi xác định quỹ tiền lương, bao gồm các yếu tố quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH và khoản 3 Điều 44 Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg. 3. Việc loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi của Quỹ phải được lượng hóa bằng giá trị cụ thể. Chương III TIỀN LƯƠNG, THÙ LAO, TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ Điều 5. Xếp lương, chuyển xếp lương đối với người quản lý Quỹ chuyên trách 1. Quỹ thực hiện việc xếp lương, chuyển xếp lương đối với người quản lý chuyên trách theo quy định tại Mục 2 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH), trong đó: a) Chủ tịch Hội đồng quản lý xếp lương theo chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên; b) Thành viên Hội đồng quản lý xếp lương theo chức danh thành viên Hội đồng thành viên. 2. Quỹ tạm thời áp dụng tiêu chuẩn xếp hạng đối với nhóm Công ty tài chính (số 56. Công ty tài chính) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2005 của liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn xếp hạng và xếp lương đối với thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng công ty nhà nước để định hạng Quỹ. 3. Khi áp dụng tiêu chuẩn xếp hạng đối với nhóm Công ty tài chính để định hạng Quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều này thì chỉ tiêu lợi nhuận được thay bằng chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi. Điều 6. Xác định quỹ tiền lương, thù lao, tiền thưởng 1. Việc xác định mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương, thù lao kế hoạch; quỹ tiền lương, thù lao thực hiện; quỹ tiền thưởng; trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Quỹ được thực hiện theo quy định tại các Điều 3, 9, 11, 12, 14, 15, 16, 17, 18 và tại các khoản 1, 3, 4, 5, 6 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. 2. Khi xác định mức tiền lương bình quân, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện của người quản lý chuyên trách theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì chỉ tiêu lợi nhuận (lợi nhuận kế hoạch, lợi nhuận thực hiện trong năm và lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề) được tính bằng chỉ tiêu chênh lệch thu trừ chi, trong đó: a) Trường hợp Quỹ bảo đảm đủ các điều kiện: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; nộp thuế và các khoản nộp ngân sách, trích quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật; có tăng trưởng về dư nợ cho vay; năng suất lao động bình quân không giảm và chênh lệch thu trừ chi kế hoạch cao hơn thực hiện của năm trước liền kề thì mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý chuyên trách được xác định như sau: TLbqkh = TLcb x (1 + Hln) Trong đó: - TLbqkh : Mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý chuyên trách; - TLcb : Mức lương cơ bản của người quản lý chuyên trách được xác định theo khoản 1 Điều 10 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH; - Hln: Hệ số lương tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với mức chênh lệch thu trừ chi như sau: mức chênh lệch dưới 03 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,1; mức chênh lệch từ 03 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,3; mức chênh lệch từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,5; mức chênh lệch từ 20 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng thì Hln được tính tối đa bằng 0,7; mức chênh lệch từ 30 tỷ đồng trở lên thì Hln được tính tối đa bằng 1,0. b) Trường hợp Quỹ không có tăng trưởng dư nợ cho vay thì mức tiền lương bình quân được xác định không vượt quá mức lương cơ bản. Điều 7. Loại trừ yếu tố khách quan khi xác định tiền lương, thù lao 1. Khi xác định quỹ tiền lương, quỹ thù lao (kế hoạch và thực hiện) của người quản lý, nếu có yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi thì phải xác định loại trừ, bảo đảm tiền lương gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động thực sự của Quỹ. 2. Các yếu tố khách quan để loại trừ khi xác định quỹ tiền lương, quỹ thù lao bao gồm các yếu tố quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH và khoản 3 Điều 44 Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg. 3. Việc loại trừ ảnh hưởng của yếu tố khách quan đến năng suất lao động, chênh lệch thu trừ chi của Quỹ phải được lượng hóa bằng giá trị cụ thể. Chương IV TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH Điều 8. Trách nhiệm thực hiện 1. Trách nhiệm của Quỹ: a) Hội đồng quản lý có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 18, khoản 4 Điều 22 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH; Điều 20, khoản 4 Điều 25 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi báo cáo tiền lương, tiền thưởng cho cơ quan đại diện chủ sở hữu thì đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, kiểm tra và giám sát chung; b) Giám đốc Quỹ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 17 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH; c) Kiểm soát viên có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 19 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH, Điều 21 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH và theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. 2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Quỹ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 20 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH; Điều 19, Điều 22 Thông tư số 27/2016/TT-BLĐTBXH. Khi gửi ý kiến cho Quỹ về quỹ tiền lương, tiền thưởng hàng năm thì đồng thời gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, giám sát chung . Điều 9. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP; - Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Sở Tài chính tỉnh, TP trực thuộc TW; - Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH; - Lưu: VT, Cục QHLĐTL. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Văn Thanh
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "30/06/2022", "sign_number": "12/2022/TT-BLĐTBXH", "signer": "Lê Văn Thanh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-221-2009-TT-BTC-huong-dan-ho-tro-lai-suat-vay-ngan-hang-mua-tam-tru-lua-gao-he-thu-nam-2009-98144.aspx
Thông tư 221/2009/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng mua tạm trữ lúa, gạo hè thu năm 2009 mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------- Số: 221/2009/TT-BTC Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2009 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY NGÂN HÀNG ĐỂ MUA TẠM TRỮ LÚA, GẠO HÈ THU NĂM 2009 - Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; - Căn cứ Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009; Sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( công văn số 3320/BNN-KH ngày 13/10/2009), Bộ Công Thương (công văn số 11092/BCT-XNK ngày 4/11/2009) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( công văn số 8042/NHNN-TD ngày 13/10/2009), Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009 như sau: Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Thông tư này áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh lương thực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam được giao nhiệm vụ mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009. Điều 2. Quy định cụ thể: 1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009: a) Nguồn hỗ trợ: từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. b) Số lượng được hỗ trợ: 500.000 tấn quy gạo. c) Thời gian mua: từ ngày 20/09/2009 đến ngày 20/11/2009. d) Thời gian tạm trữ: từ ngày 20/09/2009 đến ngày 20/01/2010. đ) Thời gian hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng: từ thời điểm mua trong thời gian mua tạm trữ theo quy định tại tiết c khoản này đến hết thời gian tạm trữ quy định tại tiết d khoản này. e) Giá để tính hỗ trợ: là giá mua thực tế theo giá thị trường ( không có thuế giá trị gia tăng) cho từng loại lúa gạo. Trường hợp doanh nghiệp mua gạo nguyên liệu để sản xuất chế biến ra gạo thành phẩm thì giá để tính hỗ trợ bao gồm cả chi phí sản xuất chế biến. Căn cứ để xác định giá mua thực tế theo giá thị trường là hợp đồng mua bán, thanh lý hợp đồng, hoá đơn mua hàng, chứng từ chuyển tiền hoặc các chứng từ có liên quan khác do doanh nghiệp xuất trình. g) Lãi suất hỗ trợ: là lãi suất vay thực tế theo mức lãi suất thấp nhất trong khung lãi suất hiện hành của các ngân hàng thương mại theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 8042/NHNN-TD ngày 13/10/2009 về việc cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009. 2. Hồ sơ để xem xét hỗ trợ lãi vay ngân hàng: a) Công văn đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng của Tổng công ty Lương thực miền Nam. b) Hợp đồng vay vốn của ngân hàng thương mại để mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu năm 2009 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009. c) Bảng kê nhập, xuất, tồn kho lượng lúa gạo mua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009 trong thời gian tạm trữ. Các bảng kê trên phải có xác nhận của Sở Công Thương ( theo biểu mẫu số 1 đính kèm Thông tư này). d) Bảng kê dư nợ vay ngân hàng để mua lúa gạo theo Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ và trả lãi vay ngân hàng phát sinh từ ngày 20/09/2009 đến ngày 20/01/2010 ( có xác nhận của ngân hàng), bảng kê số dư để tính tích số của từng tháng trên. đ) Bảng tính toán lãi suất vay vốn ngân hàng mua lúa, gạo tạm trữ đề nghị được hỗ trợ ( theo biểu mẫu số 2 đính kèm Thông tư này). Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định trên, trong vòng 10 ngày làm việc, Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. 3. Nguyên tắc tiếp nhận hồ sơ và cấp phát kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp: a) Bộ Tài chính tiếp nhận bộ hồ sơ tổng hợp của Tổng công ty Lương thực miền Nam ( không tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thành viên Tổng công ty). Việc thẩm định hồ sơ hỗ trợ lãi suất được thực hiện một lần sau khi kết thúc thời gian tạm trữ và cấp phát thông qua tài khoản của Tổng công ty. b) Tổng công ty Lương thực miền Nam hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên lập hồ sơ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và tổng hợp chung theo quy định tại điểm 2 Điều 2 của Thông tư này gửi Bộ Tài chính. Tổng công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đã tổng hợp. Sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ do Bộ Tài chính cấp về tài khoản Tổng công ty, trong vòng 05 ngày làm việc Tổng công ty thực hiện cấp lại cho các doanh nghiệp thành viên. 4. Trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện mua lúa, gạo tạm trữ: a) Thực hiện mua tạm trữ lúa, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009 với sự giám sát của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. b) Chịu trách nhiệm về tính xác thực của việc nhập, xuất, tồn kho lúa gạo tạm trữ và hợp đồng tín dụng để mua lúa gạo tạm trữ, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo tại hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất. c) Lưu giữ hồ sơ, chứng từ nhập xuất, vay vốn của ngân hàng và mở sổ sách theo dõi hạch toán riêng việc thu mua tạm trữ lúa, gạo Hè thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 22/9/2009. 5. Khoản hỗ trợ lãi vay ngân hàng từ ngân sách nhà nước đối với số lúa, gạo Hè thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được hạch toán vào khoản thu nhập khác và chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Điều 3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để có hướng dẫn xử lý./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - VP Chủ tịch nước; - VP Quốc hội; - VP TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chính phủ; - VP BCĐ TW về phòng chống tham nhũng; - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; - Bộ Công Thương; - Bộ NN & PTNT; - Cục Kiểm tra văn bản ( Bộ Tư pháp); - Tổng công ty Lương thực miền Nam; - Website Chính phủ; - Vụ NSNN, Vụ TCNH; Vụ Pháp chế; Website Bộ Tài chính. - Lưu: VT; Cục TCDN. KT.BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "24/11/2009", "sign_number": "221/2009/TT-BTC", "signer": "Trần Văn Hiếu", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-04-2001-TT-TCBD-quan-ly-cung-cap-va-su-dung-dich-vu-truy-cap-internet-dich-vu-ket-noi-internet-va-dich-vu-ung-dung-internet-48604.aspx
Thông tư 04/2001/TT-TCBĐ quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truy cập internet, dịch vụ kết nội internet và dịch vụ ứng dụng internet
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 04/2001/TT-TCBĐ Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2001 THÔNG TƯ CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 04/2001/TT-TCBĐ NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2001/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TRUY NHẬP INTERNET KẾT NỐI INTERNET VÀ DỊCH VỤ ỨNG DỤNG INTERNET TRONG BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG Ngày 23/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Tổng cục Bưu điện hướng dẫn việc thực hiện một số quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet như sau: I. QUY ĐỊNH CHUNG 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh. 1.1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet và dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông đối với các đối tượng sau: 1.1.1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet a) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP). b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP) c) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (OSP bưu chính, OSP viễn thông). 1.1.2. Đơn vị cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng (ISP dùng riêng). 1.1.3. Đại lý cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, đại lý cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (sau đây gọi là đại lý Internet). 1.1.4. Người sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, người sử dụng dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (sau đây gọi là người sử dụng dịch vụ Internet). 1.1.5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông liên quan đến hoạt động Internet. 1.2. Các doanh nghiệp, đại lý cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet khác và người sử dụng dịch vụ ứng dụng Internet khác không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông như thông tin, thương mại, ngân hàng, y tế, đào tạo v.v, ngoài việc tuân theo các quy định về truy nhập và kết nối tại Thông tư này còn phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. 2. Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau: 2.1. Hệ thống thiết bị Internet là tập hợp các thiết bị điện tử, viễn thông, tin học và các thiết bị phụ trợ khác bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm được các đối tượng quy định tại mục I - 1 của Thông tư này thiết lập tại một địa điểm có địa chỉ và phạm vi xác định mà đối tượng đó được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật để phục vụ trực tiếp cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. 2.2. Kết nối là việc liên kết các hệ thống thiết bị Internet với nhau và với mạng viễn thông công cộng trên cơ sở các đường truyền dẫn viễn thông tự xây dựng hoặc thuê của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. 2.3. Mạng lưới thiết bị Internet là tập hợp các hệ thống thiết bị Internet của đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet được kết nối với nhau bằng các đường truyền dẫn viễn thông. 2.4. Dịch vụ truy nhập Internet là dịch vụ cung cấp cho người sử dụng khả năng truy nhập đến Internet thông qua hệ thống thiết bị Internet đặt tại điểm truy nhập Internet (Internet POP) của đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. 2.5. Dịch vụ kết nối Internet bao gồm dịch vụ kết nối Internet quốc tế (dịch vụ HG) và dịch vụ kết nối Internet trong nước (dịch vụ NIX). a) Dịch vụ kết nối Internet quốc tế phục vụ việc trao đổi lưu lượng thông tin giữa hệ thống thiết bị Internet của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước với Internet quốc tế. b) Dịch vụ kết nối Internet trong nước phục vụ việc trao đổi lưu lượng thông tin giữa các hệ thống thiết bị Internet của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước với nhau. 2.6. Dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính là dịch vụ bưu chính trong đó doanh nghiệp có sử dụng mạng lưới thiết bị Internet để cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính được gọi là OSP bưu chính. 2.7. Dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trong đó doanh nghiệp có sử dụng mạng lưới thiết bị Internet để cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông được gọi là OSP viễn thông. 3. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông được thực hiện thông qua các hình thức giao kết hợp đồng khác nhau theo quy định của pháp luật. 3.1. Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối Internet, hợp đồng đại lý cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, hợp đồng đại lý cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông phải được lập thành văn bản để ký kết giữa hai bên. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về hợp đồng, các quy định về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, các IXP, ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông có trách nhiệm xây dựng, ban hành hợp đồng mẫu để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp. 3.2. Theo điều kiện kinh doanh thực tế các ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông quyết định các hình thức giao kết hợp đồng khác nhau đối với việc cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông. Trong trường hợp gia kết hợp đồng được thực hiện dứới hình thức văn bản ký kết giữa hai bên, các ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông có trách nhiệm xây dựng, ban hành hợp đồng mẫu để thực hiện thống nhất trong doanh nghiệp. II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG VIỆC CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ INTERNET 1. Quyền và nghĩa vụ của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. Ngoài các quyền và nghĩa vụ chung do pháp luật quy định, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có các quyền và nghĩa vụ sau: 1.1. Quyền của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet. 1.1.1. IXP có các quyền: a) Tự xây dựng hoặc thuê đường truyền dẫn viễn thông trong nước để thiết lập mạng lưới thiết bị Internet tại các cơ sở của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ kết nối Internet cho các ISP, ISP dùng riêng và các OSP. b) Thuê đường truyền dẫn viễn thông quốc tế của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam để kết nối mạng lưới thiết bị Internet của mình với Internet quốc tế. c) Chủ động đàm phán và ký kết thoả thuận kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet quốc tế để kết nối mạng lưới thiết bị Internet của mình với Internet quốc tế và cung cấp dịch vụ kết nối Internet cho các ISP, ISP dùng riêng, các OSP trong nước và quốc tế. d) Được sử dụng tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định về quản lý tài nguyên Internet. đ) Mở và cung cấp khả năng kết nối đến tất cả các dịch vụ và địa chỉ Internet. c) Tạm ngừng cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp dịch vụ một cách hạn chế trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo an ninh quốc gia, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 1.1.2. ISP có các quyền: a) Thiết lập hệ thống thiết bị Internet tại cơ sở và tại các điểm cung cấp dịch vụ công cộng của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho người sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam và nước ngoài. b) Thuê đường truyền dẫn viễn thông trong nước để thiết lập mạng lưới thiết bị Internet của doanh nghiệp và kết nối với hệ thống thiết bị Internet của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet khác; với mạng viễn thông công cộng; với hệ thống thiết bị Internet của các đại lý Internet và với người sử dụng dịch vụ Internet của mình. c) Chủ động đàm phán và ký kết thỏa thuận dịch vụ với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước và quốc tế để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet. d) Được sử dụng tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định về quản lý tài nguyên Internet. đ) Giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ truy nhập Internet với người sử dụng dịch vụ Internet và ký hợp đồng đại lý cung cấp dịch vụ truy nhập Internet với các tổ chức và cá nhân. e) Cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuê hệ thống thiết bị Internet để cung cấp các dịch vụ ứng dụng Internet, dịch vụ thông tin Internet; cho người sử dụng dịch vụ Internet thuê hệ thống thiết bị Internet để đặt các loại hình tin tức điện tử trên Internet. g) Từ chối cung cấp dịch vụ trong các trường hợp sau: việc cung cấp dịch vụ không thể thực hiện được do các điều kiện kinh tế, kỹ thuật của mạng lưới, thiết bị viễn thông và Internet; người sử dụng dịch vụ Internet vi phạm pháp luật về Internet theo văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người sử dụng dịch vụ Internet không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cước dịch vụ theo quy định với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác, nếu đã có thỏa thuận bằng văn bản giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với nhau về vấn đề này. h) Tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trong các trường hợp sau: thiết bị truy nhập đầu cuối Internet gây mất an toàn cho hệ thống thiết bị Internet; cho doanh nghiệp cung cấp và người sử dụng dịch vụ Internet; người sử dụng dịch vụ Internet không thanh toán cước dịch vụ theo thỏa thuận giữa hai bên; người sử dụng dịch vụ Internet kinh doanh lại dịch vụ Internet trái pháp luật; người sử dụng dịch vụ Internet lợi dụng Internet để hoạt động gây phương hại đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội theo văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 1.1.3. ISP dùng riêng có các quyền: a) Thiết lập hệ thống thiết bị Internet tại cơ sở của mình để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho các thành viên là đối tượng được quy định trong giấy phép. b) Thuê đường truyền dẫn viễn thông trong nước để thiết lập mạng lưới thiết bị Internet của đơn vị và kết nối với hệ thống thiết bị Internet của các IXP, ISP; với mạng viễn thông công cộng và với hệ thống thiết bị Internet của các thành viên sử dụng dịch vụ truy nhập Internet của đơn vị. c) Mở và cung cấp khả năng truy nhập đến các dịch vụ Internet theo yêu cầu của đơn vị, trừ các dịch vụ bị cấm hoặc chưa được phép cung cấp và các địa chỉ Internet bị cấm truy nhập do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành và công bố. d) Được sử dụng tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định về quản lý tài nguyên Internet. đ) Tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet nếu phát hiện thấy việc thành viên sử dụng dịch vụ Internet lợi dụng Internet để hoạt động gây phương hại đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. 1.1.4. OSP bưu chính, OSP viễn thông có các quyền: a) Xin phép cung cấp dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ bưu chính trên Internet. b) Thiết lập hệ thống thiết bị Internet tại cơ sở và tại các điểm cung cấp dịch vụ công cộng của doanh nghiệp để cung cấp các dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên Internet theo đúng quy định của giấy phép. c) Thuê đường truyền dẫn viễn thông trong nước để thiết lập mạng lưới thiết bị Internet và kết nối với hệ thống thiết bị Internet của các ISP, IXP. d) Được sử dụng tài nguyên Internet theo quy hoạch và quy định về quản lý tài nguyên Internet. đ. Được thiết lập các trang tin điện tử để phục vụ trực tiếp cho việc cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông theo các quy định về quản lý các loại hình tin tức điện tử trên Internet. e) Giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông với người sử dụng dịch vụ Internet và ký hợp đồng đại lý với các tổ chức và cá nhân. g) Việc từ chối, ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông cho người sử dụng dịch vụ Internet được thực hiện theo như quy định tại các mục II- 1.1.2- g và II - 1.1.2 - h của Thông tư này. 1.2. Nghĩa vụ của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet bưu chính, viễn thông: a) Chấp hành đúng các quy định về cấp phép và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. b) Thực hiện các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ. c) Thực hiện các quy định về quản lý giá cước dịch vụ. d) Sử dụng đúng, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên Internet được phân bổ. Tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên Internet. đ) Chấp hành đúng các quy định về kết nối và truy nhập Internet. e) Tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ Internet. g) Ban hành qui trình, thủ tục khai thác dịch vụ. Phổ biến và hướng dẫn đại lý Internet, người sử dụng dịch vụ Internet tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng dịch vụ và thông tin trên Internet theo đúng quy định của pháp luật. h) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng lưới thiết bị Internet và thông tin trên Internet. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để bảo vệ mật khẩu, khoá mật mã và thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ Internet. i) Bố trí mặt bằng, điểm truy nhập mạng lưới thiết bị Internet và các điều kiện ký thuật cần thiết cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an trong khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh thông tin trong các hoạt động Internet. k) Phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng Internet để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. l) Báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và đột xuất về tình hình cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của Tổng cục Bưu điện. 2. Quyền và nghĩa vụ của đại lý Internet. 2.1. Đại lý Internet có các quyền: a) Lựa chọn ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông để ký hợp đồng đại lý cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, đại lý cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông. b) Thiết lập hệ thống thiết bị Internet trong phạm vi các địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông cho người sử dụng dịch vụ Internet tại các địa điểm đó. c) Cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông cho người sử dụng dịch vụ Internet theo đúng loại hình, chất lượng, giá cước thỏa thuận trong hợp đồng đại lý và hưởng hoa hồng, hoặc bán lại dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ Internet trên cơ sở mua dịch vụ của ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông theo loại hình, chất lượng, giá cước thỏa thuận trong hợp đồng đại lý và bán lại dịch vụ cho người sử dụng dịch vụ Internet theo giá cước tự quy định và tự chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ đối với người sử dụng dịch vụ Internet. 2.2. Đại lý Internet có các nghĩa vụ: a) Chấp hành đúng các quy định về đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định của pháp luật. b) Chấp hành đúng các quy định về kết nối và truy nhập. c) Tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ Internet. d) Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ Internet tuân thủ các quy định về khai thác, sử dụng dịch vụ và thông tin trên Internet theo đúng quy định của pháp luật. đ) Đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet của mình. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng lưới thiết bị Internet, an ninh thông tin và điều tra, ngăn chặn tội phạm máy tính trong hoạt động Internet. e) Thực hiện đầy đủ các điều khoản, điều kiện ghi trong hợp đồng đại lý ký với ISP, OSP bưu chính, OSP viễn thông. 3. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ Internet. 3.1. Người sử dụng dịch vụ Internet có các quyền: a) Sử dụng các thiết bị truy nhập Internet di động, hoặc tự lắp đặt hệ thống thiết bị Internet trong phạm vi địa điểm mà mình được toàn quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về truy nhập đến ISP, ISP dùng riêng bằng phương thức kết nối trực tiếp qua kênh truyền dẫn hoặc quay số qua mạng viễn thông công cộng. b) Thuê đường truyền dẫn viễn thông trong nước để kết nối hệ thống thiết bị Internet của mình đến hệ thống thiết bị Internet của ISP, ISP dùng riêng. c) Sử dụng các dịch vụ ứng dụng Internet của các OSP trong nước và nước ngoài, trừ các dịch vụ bị cấm hoặc chưa được phép sử dụng. d) Thuê đặt các loại hình tin tức điện tử tại hệ thống thiết bị Internet của các ISP, OSP trong nước và ở nước ngoài theo các quy định về quản lý các loại hình tin tức điện tử trên Internet. đ) Khiếu nại và được bồi thường khi quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm theo các quy định của pháp luật. 3.2. Người sử dụng dịch vụ Internet có các nghĩa vụ: a) Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin mà mình đưa vào lưu trữ và truyền đi trên Internet. b) Chịu trách nhiệm giữ bí mật mật khẩu, khoá mật mã, thông tin riêng và bảo vệ hệ thống thiết bị Internet của mình. c) Không truy nhập đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài bằng việc quay số điện thoại quốc tế trực tiếp. Quy định này không áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ trên kênh thuê riêng quốc tế, kênh truyền số liệu quốc tế (ví dụ X25. Frame Relay,...) thông qua hợp đồng ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. d) Bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet của mình. Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng lưới thiết bị Internet, an ninh thông tin và điều tra, ngăn chặn tội phạm máy tính trong hoạt động Internet. đ) Thanh toán cước sử dụng dịch vụ đầy đủ, đúng hạn cho doanh nghiệp, đại lý Internet theo thỏa thuận giữa các bên. e) Không sử dụng các dịch vụ ứng dụng Internet đang bị cấm hoặc chưa được phép sử dụng. g) Không kinh doanh lại các dịch vụ Internet. 4. Liên quan đến các hoạt động Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có nghĩa vụ: a) Không phân biệt đối xử đối với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, đại lý Internet và người sử dụng dịch vụ Internet. b) Cung cấp đường truyền dẫn viễn thông và hạ tầng kỹ thuật cho các doanh nghiệp, đại lý Internet và người sử dụng dịch vụ Internet trên cơ sở hợp đồng giao kết giữa các bên trong các điều kiện công bằng và hợp lý để bảo đảm kịp thời việc cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet theo đúng các quy định về chất lượng, giá cước do Nhà nước quy định. c) Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), dịch vụ truy nhập Internet (ISP) trên cơ sở thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết giữa các bên trong việc cung cấp tên, địa chỉ, số máy điện thoại và thời gian truy nhập của các thuê bao viễn thông truy nhập Internet liên quan đến việc sử dụng trái phép dịch vụ Internet. Nội dung của thỏa thuận hoặc hợp đồng nêu trên phải phù hợp với các quy định hiện hành về viễn thông và Internet đối với việc đảm bảo bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân. Đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet chỉ được sử dụng các thông tin nêu trên cho việc giải quyết khiếu nại liên quan đến việc sử dụng trái phép dịch vụ Internet. d) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng lưới thiết bị Internet, an ninh thông tin và điều tra, ngăn chặn tội phạm máy tính trong hoạt động Internet. III. CẤP PHÉP 1. Các loại giấy phép a) Giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet cấp cho IXP. b) Giấy phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cấp cho ISP. c) Giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính cấp cho OSP chính. d) Giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông cấp cho OSP viễn thông. đ. Giấy phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng cho ISP dùng riêng. 2. Thời hạn giấy phép được xác định tuỳ theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép; quy mô và phạm vi cung cấp dịch vụ nhưng tối đa không quá 10 năm đối với tất cả các loại giấy phép nêu trên. 3. Các nguyên tắc cấp phép. 3.1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Internet Việt Nam. 3.2. Ưu tiên các đề án xin phép cung cấp dịch vụ cho các vùng sâu, vùng xa; phục vụ trực tiếp phát triển công nghệ thông tin; có điều kiện nhanh chóng triển khai mạng lưới thiết bị Internet trên thực tế, có quy mô triển khai mạng lưới trên phạm vi rộng, nhằm bảo đảm cho người sử dụng dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối Internet bằng mức cước viễn thông nội hạt, nội vùng. Đối với việc cung cấp dịch vụ kết nối Internet, ưu tiên cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có hệ thống đường trục viễn thông để nhanh chóng triển khai mạng lưới thiết bị Internet trên thực tế. 3.3. Đơn vị, doanh nghiệp chỉ được phép chính thức cung cấp dịch vụ sau khi đã thực hiện và triển khai trên thực tế đầy đủ các quy định của giấy phép, các cam kết trong hồ sơ xin phép và có văn bản xác nhận của đoàn kiểm tra liên ngành do Tổng cục Bưu điện thành lập. Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình triển khai trên thực tế mạng lưới thiết bị Internet và các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh thông tin trên cơ sở các cam kết của đơn vị, doanh nghiệp trong đề án xin phép. 4. Cơ quan cấp phép Tổng cục Bưu điện cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn và thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP), cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP), cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng (ISP dùng riêng), cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (OSP bưu chính, OSP viễn thông). Địa chỉ tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp phép: Tổng cục Bưu điện, 18 - Nguyễn Du, Hà Nội. 5. Phí, lệ phí cấp phép được áp dụng theo các quy định hiện hành của Bộ Tài chính. A. ĐIỀU KIỆN CẤP PHÉP 6. Điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP). 6.1. Điều kiện về tư cách pháp lý. a) Doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt. b) Đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hoặc công nghệ thông tin với thời gian tối thiểu là 03 năm. 6.2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ. Đề án cung cấp dịch vụ trong hồ sơ xin phép của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Mạng lưới thiết bị Internet ban đầu của doanh nghiệp phải có ít nhất 02 hệ thống thiết bị Internet cung cấp cả dịch vụ IIG và dịch vụ NIX đặt tại hai vùng khác nhau. Các hệ thống thiết bị Internet của doanh nghiệp phải được kết nối với nhau và kết nối ít nhất với 02 hướng đi Internet quốc tế. Dung lượng đường truyền dẫn viễn thông ban đầu mỗi hướng trong nước và đi quốc tế phải đạt tối thiểu 02 Mb/s. b) Có phương án phát triển mạng lưới thiết bị Internet và phương án kinh doanh khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về kết nối, giá cước, chất lượng dịch vụ và tài nguyên Internet. c) Mạng lưới thiết bị Internet của doanh nghiệp phải có các phương án dự phòng để đảm bảo độ an toàn cho hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối Internet khi có sự cố về kỹ thuật. 6.3. Điều kiện về an toàn, an ninh thông tin: có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet và thông tin trên Internet, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia có thể tạm ngừng việc cung cấp hoặc cung cấp hạn chế dịch vụ kết nối Internet theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 7. Điều kiện xét cấp phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP). 7.1. Điều kiện về tư cách pháp lý. a) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Riêng đối với doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, muốn thiết lập mạng lưới thiết bị Internet và cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tại Việt Nam, phải tuân theo các quy định về quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. b) Đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hoặc công nghệ thông tin với thời gian tối thiểu là 02 năm. 7.2. Điều kiện về kỹ thuật nghiệp vụ. Đề án cung cấp dịch vụ trong hồ sơ xin phép của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Mạng lưới thiết bị Internet ban đầu của doanh nghiệp phải có ít nhất 02 điểm truy nhập Internet (Internet POP) đặt tại 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau. Điều kiện này không áp dụng đối với các vùng sâu, vùng xa. b) Có phương án phát triển mạng lưới thiết bị Internet và phương án kinh doanh khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về kết nối, giá cước, chất lượng dịch vụ và tài nguyên Internet. c) Mạng lưới thiết bị Internet của doanh nghiệp phải có các phương án dự phòng để đảm bảo độ an toàn cho hoạt động cung cấp dịch vụ truy nhập Internet khi có sự cố về kỹ thuật. 7.3. Điều kiện về an toàn, an ninh thông tin: có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet và thông tin trên Internet theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 8. Điều kiện xét cấp phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng (ISP dùng riêng). 8.1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin cấp phép phải là đầu mối tổ chức việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho các thành viên của hai hay nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có cùng chung tính chất hoạt động hay mục đích công việc và được liên kết với nhau thông qua điều lệ hoạt động hoặc văn bản quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên. 8.2. Việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng không vì mục đích kinh doanh và bảo đảm phi lợi nhuận. 8.3. Có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet và thông tin trên Internet theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 9. Điều kiện xét cấp phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông (OSP bưu chính, OSP viễn thông). 9.1. Điều kiện về tư cách pháp lý. 9.1.1. OSP viễn thông: a) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, muốn thiết lập mạng lưới thiết bị Internet và cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông tại Việt Nam, phải tuân theo các quy định về quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. b) Đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hoặc công nghệ thông tin với thời gian tối thiểu là 02 năm. 9.1.2. OSP bưu chính: Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ bưu chính tại Việt Nam với thời gian tối thiểu là 02 năm. 9.2. Điều kiện về kỹ thuật, nghiệp vụ. Đề án cung cấp dịch vụ trong hồ sơ xin phép của doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Có phương án khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành về kết nối, giá cước, chất lượng dịch vụ và tài nguyên Internet. b) Mạng lưới thiết bị Internet của doanh nghiệp phải có các phương án dự phòng để đảm bảo độ an toàn cho hoạt động cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet khi có sự cố về kỹ thuật. 9.3. Điều kiện về an toàn, an ninh thông tin: có phương án kỹ thuật, nghiệp vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet và thông tin trên Internet theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. B. THỦ TỤC CẤP PHÉP 10. Hồ sơ xin cấp phép. Hồ sơ xin cấp phép của đơn vị, doanh nghiệp được lập thành 03 bộ (01 bộ là bản chính, 02 bộ là bản sao). Mỗi bộ hồ sơ gồm: 10.1. Đơn vị cấp giấy phép của đơn vị, doanh nghiệp. 10.2. Bản sao hợp pháp Quyết định thành lập đơn vị, doanh nghiệp hoặc giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. 10.3. Điều lệ tổ chức và hoạt động hoặc văn bản quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của đơn vị, doanh nghiệp. 10.4. Đối với doanh nghiệp xin phép cung cấp dịch vụ Internet: Văn bản của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có) chấp thuận việc đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ Internet. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xin phép cung cấp dịch vụ truy nhập Internet dùng riêng: Văn bản xác định đơn vị xin phép là đầu mối tổ chức việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet cho các thành viên và văn bản quy định cơ cấu tổ chức chung hoặc hình thức liên kết, hoạt động chung giữa các thành viên. 10.5. Đề án cung cấp dịch vụ cho 05 năm đầu gồm các nội dung chính sau: a) Kế hoạch kinh doanh (kế hoạch cung cấp dịch vụ đối với ISP dùng riêng) gồm loại hình dịch vụ; phạm vi cung cấp dịch vụ; tiêu chuẩn; chất lượng dịch vụ; giá cước dịch vụ, dự báo thị trường, doanh thu; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí cho từng giai đoạn; hình thức đầu tư, nhân lực. b) Kế hoạch kỹ thuật gồm cấu hình hệ thống bao gồm cả phần chính và dự phòng; Năng lực hệ thống thiết bị Internet và dung lượng đường truyền dẫn viễn thông trong nước và quốc tế; tài nguyên Internet; biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an toàn hệ thống thiết bị Internet và an ninh thông tin. 11. Thời gian xử lý hồ sơ Tổng cục Bưu điện tiến hành thẩm định và cấp phép hoặc từ chối cấp phép trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Tổng cục Bưu điện sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho đơn vị, doanh nghiệp xin phép biết. 12. Bổ sung, sửa đổi giấy phép. 12.1. Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép muốn sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải gửi hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép đến Tổng cục Bưu điện. Hồ sơ xin bổ sung, sửa đổi giấy phép bao gồm: a) Đơn xin bổ sung, sửa đổi giấy phép. b) Báo cáo mô tả chi tiết nội dung bổ sung, sửa đổi và các tài liệu có liên quan. c) Bản sao giấy phép đang có hiệu lực. 12.2. Tổng cục Bưu điện tiến hành thẩm định và xét cấp phép hoặc từ chối cấp phép bổ sung, sửa đổi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối bổ sung, sửa đổi giấy phép, Tổng cục Bưu điện sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho đơn vị, doanh nghiệp xin phép biết. 13. Gia hạn giấy phép. 13.1. Đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn giấy phép đến Tổng cục Bưu điện. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép bao gồm: a) Đơn xin gia hạn giấy phép. b) Bản sao giấy phép đang có hiệu lực. 13.2. Tổng cục Bưu điện thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Tổng cục Bưu điện sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho đơn vị, doanh nghiệp xin phép biết. 13.3. Thời gian gia hạn giấy phép hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn giấy phép không vượt quá 01 năm. Sau thời gian gia hạn nêu trên nếu đơn vị, doanh nghiệp muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ thì phải làm lại thủ tục xin cấp phép mới. 14. Thu hồi giấy phép. 14.1. Ngoài việc thu hồi giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 41 Nghị định số 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, giấy phép cung cấp dịch vụ Internet sẽ bị thu hồi nếu sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày cấp phép, đơn vị, doanh nghiệp không triển khai trên thực tế các nội dung ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng. 14.2. Đơn vị, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do không triển khai trên thực tế các nội dung ghi trong giấy phép, không được xin cấp phép lại trong vòng 02 năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép. Sau 02 năm nếu đơn vị, doanh nghiệp này muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin cấp phép mới. IV. KẾT NỐI 1. Việc kết nối giữa các IXP,ISP, ISP dùng riêng, OSP và mạng viễn thông công cộng được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận kết nối ký kết giữa các bên trong các điều kiện công bằng và hợp lý, trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ Internet. Trường hợp các bên không thỏa thuận được Tổng cục Bưu điện sẽ xem xét và quyết định trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, doanh nghiệp. 2. Các ISP, ISP dùng riêng, OSP không được xây dựng mà phải thuê đường truyền dẫn viễn thông của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để thiết lập mạng lưới thiết bị Internet của mình và kết nối với mạng viễn thông công cộng. Với hệ thống thiết bị Internet của đại lý Internet và người sử dụng dịch vụ Internet. Các trường hợp đặc biệt Tổng cục Bưu điện sẽ có qhd riêng. 3. Các IXP được kết nối với nhau, với Internet quốc tế và với mạng viễn thông công cộng. 4. Các ISP được kết nối với nhau, với các IXP và với mạng viễn thông công cộng. 5. Các ISP dùng riêng được kết nối với các ISP, IXP và mạng viễn thông công cộng nhưng không được kết nối trực tiếp với nhau. 6. Các OSP, ICP được kết nối với các ISP, IXP. 7. Các đại lý Internet được kết nối đến các ISP. OSP ký hợp đồng đại lý với mình. V. KHIẾU NẠI VÀ BỒI THƯỜNG 1. Khiếu nại về nghiệp vụ. 1.1. Các bên tham gia cung cấp và sử dụng Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông có quyền khiếu nại về nghiệp vụ khi quyền lợi hợp pháp của mình bị vi phạm. 1.2. Việc khiếu nại về nghiệp vụ phải được thực hiện bằng đơn khiếu nại gửi tới bên bị khiếu nại. Bên khiếu nại phải cung cấp những giấy tờ, chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại cho bên bị khiếu nại và chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại của mình. 1.3. Trong quá trình khiếu nại, bên khiếu nại vấn phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán tài chính theo quy định hoặc theo thỏa thuận giữa các bên. 1.4. Thời hiệu khiếu nại về nghiệp vụ được quy định như sau: a) Thời hiệu khiếu nại về giá cước là 01 tháng kể từ ngày thanh toán cước phí. b) Thời hiệu khiếu nại về chất lượng dịch vụ và các vi phạm khác là 03 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ hoặc ngày xảy ra vi phạm. 1.5. Thời hạn giải quyết khiếu nại về nghiệp vụ giữa các bên được quy định tối đa là 02 tháng, kể từ ngày bên bị khiếu nại nhận được đơn khiếu nại. 1.6. Trong trường hợp bên khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của bên bị khiếu nại, thì bên khiếu nại có thể khởi kiện ra toà để giải quyết theo quy định tố tụng của pháp luật hoặc gửi đơn khiếu nại tới Tổng cục Bưu điện để xem xét giải quyết theo trình tự và trong thời hạn quy định của pháp luật. 2. Hoàn cước và bồi thường. 2.1. Nếu do lỗi của mình mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông không bảo đảm chất lượng dịch vụ đã công bố hoặc đã thỏa thuận với người sử dụng dịch vụ Internet, thì doanh nghiệp phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ cước đã thu. 2.2. Các bên tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho phía bên kia trong việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ Internet theo các quy định của pháp luật. 2.3. Trong các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật các bên tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho phía bên kia. VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ. 2. Trên cơ sở Thông tư này các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối, dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông chịu trách nhiệm: a) Ban hành quy trình, thủ tục khai thác dịch vụ. b) Phổ biến, hướng dẫn các đơn vị thành viên, các đại lý Internet và người sử dụng dịch vụ Internet thực hiện Thông tư này và các văn bản có liên quan. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Bưu điện để xem xét, bổ sung, sửa đổi. Mai Liêm Trực (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Tổng cục Bưu điện", "promulgation_date": "20/11/2001", "sign_number": "04/2001/TT-TCBĐ", "signer": "Mai Liêm Trực", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-can-bo-cong-chuc-va-luat-vien-chuc-sua-doi-2019-405729.aspx
Luật cán bộ công chức và luật viên chức sửa đổi 2019 số 52/2019/QH14 mới nhất
QUỐC HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Luật số: 52/2019/QH14 Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2019 LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ LUẬT VIÊN CHỨC Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau: “2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”. 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau: “Điều 6. Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ 1. Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. 2. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. 3. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 39 của Luật này quyết định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do cấp tỉnh quản lý.”. 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau: “Điều 29. Xếp loại chất lượng cán bộ 1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được xếp loại chất lượng theo các mức như sau: a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; c) Hoàn thành nhiệm vụ; d) Không hoàn thành nhiệm vụ. 2. Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. 3. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.”. 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 34 như sau: “1. Căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng sau đây: a) Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; b) Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; c) Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương; d) Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên; đ) Loại đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 của Luật này theo quy định của Chính phủ.”. 5. Sửa đổi, bổ sung Điều 37 như sau: “Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức 1. Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Hình thức, nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức phải phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm trong từng ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực. 2. Việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức đối với từng nhóm đối tượng sau đây: a) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; b) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; c) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. 3. Ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây: a) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; b) Cán bộ, công chức cấp xã; c) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; d) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương; đ) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác. 4. Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xem xét tiếp nhận vào làm công chức nếu không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này còn phải có đủ 05 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận. 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 6. Sửa đổi, bổ sung Điều 39 như sau: “Điều 39. Tuyển dụng công chức 1. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức bao gồm: a) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; b) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; đ) Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý. 2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. 3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.”. 7. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 42 như sau: “e) Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.”. 8. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau: “Điều 44. Nâng ngạch công chức 1. Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch. 2. Công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch. 3. Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. 4. Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng.”. 9. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau: “Điều 45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức 1. Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây: a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này; b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi; d) Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức. 2. Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây: a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; b) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 10. Sửa đổi, bổ sung Điều 46 như sau: “Điều 46. Tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức 1. Nội dung và hình thức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức phải phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch, bảo đảm lựa chọn công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của ngạch và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 2. Chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.”. 11. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau: “Điều 56. Nội dung đánh giá công chức 1. Công chức được đánh giá theo các nội dung sau đây: a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; d) Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; e) Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. 2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây: a) Kế hoạch làm việc và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách; b) Tiến độ, chất lượng các công việc được giao; c) Năng lực lãnh đạo, quản lý; d) Năng lực tập hợp, đoàn kết. 3. Thời điểm đánh giá công chức được thực hiện như sau: a) Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi thực hiện xét nâng ngạch, nâng lương trước thời hạn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động; đánh giá trước khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái; b) Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá công chức quy định tại điểm a khoản này. 4. Căn cứ vào quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức ban hành quy chế đánh giá công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 12. Sửa đổi, bổ sung Điều 58 như sau: “Điều 58. Xếp loại chất lượng công chức 1. Căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được xếp loại chất lượng theo các mức như sau: a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; c) Hoàn thành nhiệm vụ; d) Không hoàn thành nhiệm vụ. 2. Kết quả xếp loại chất lượng công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác. 3. Việc xử lý công chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như sau: a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; b) Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại; c) Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.”. 13. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 61 như sau: “a) Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14);”. 14. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 78 như sau: “3. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.”. 15. Sửa đổi, bổ sung Điều 79 như sau: “Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức 1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc. 2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. 3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 16. Sửa đổi, bổ sung Điều 80 như sau: “Điều 80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật 1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; b) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này. 2. Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: a) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp. 3. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày. 4. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.”. 17. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 82 như sau: “2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau: a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; c) Hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. 3. Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.”. 18. Sửa đổi, bổ sung Điều 84 như sau: “Điều 84. Áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác 1. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với những người được bầu cử nhưng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; chế độ phụ cấp đối với người đã nghỉ hưu nhưng được bầu cử giữ chức vụ, chức danh cán bộ. 2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với người làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 3. Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước. 4. Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chế độ quản lý, sử dụng đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. 5. Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau: a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật; b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”. 19. Sửa đổi, bổ sung Điều 85 như sau: “Điều 85. Điều khoản chuyển tiếp Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mà không còn là công chức theo quy định của Luật này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật này thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.”. 20. Thay thế một số cụm từ tại các điều, khoản, điểm như sau: a) Thay thế từ “phân loại” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” tại khoản 4 Điều 5 và Điều 64; b) Thay thế cụm từ “Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” bằng cụm từ “Luật tổ chức chính quyền địa phương” tại khoản 2 Điều 21, Điều 24 và khoản 1 Điều 63; c) Thay thế cụm từ “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân” bằng cụm từ “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” tại Điều 24; thay thế cụm từ “Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân” bằng cụm từ “Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” tại khoản 1 Điều 63; d) Thay thế cụm từ “sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp” bằng cụm từ “sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an” tại điểm d khoản 1 Điều 32; đ) Thay thế cụm từ “đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục” bằng cụm từ “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc” tại điểm c khoản 2 Điều 36. 21. Bỏ một số cụm từ tại các điều, khoản như sau: a) Bỏ cụm từ “các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số,” tại khoản 2 Điều 63; b) Bỏ cụm từ “, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước” tại khoản 4 Điều 66; c) Bỏ cụm từ “, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân” tại khoản 5 Điều 66; d) Bỏ cụm từ “và đơn vị sự nghiệp công lập” tại khoản 6 Điều 66; đ) Bỏ cụm từ “đơn vị sự nghiệp công lập,” tại khoản 1 Điều 70. 22. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 32. Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau: “3. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều này đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, trừ đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế và giáo dục; chế độ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.”. 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau: “Điều 25. Các loại hợp đồng làm việc 1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này. 2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây: a) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020; b) Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này; c) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 như sau: “2. Đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức. Trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.”. 4. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 29 như sau: “e) Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.”. 5. Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau: “Điều 41. Nội dung đánh giá viên chức 1. Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau đây: a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; c) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; d) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; đ) Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức. 2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, viên chức quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây: a) Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; b) Kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. 3. Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau: a) Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch; b) Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”. 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 45 như sau: “1. Viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”. 7. Sửa đổi, bổ sung Điều 53 như sau: “Điều 53. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật 1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau: a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; b) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này. 2. Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: a) Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp. 3. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày. 4. Trường hợp viên chức đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức để xem xét xử lý kỷ luật.”. 8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 56 như sau: “2. Viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau: a) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; b) Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. 3. Viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được bổ nhiệm, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng hoặc thôi việc.”. 9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 58 như sau: “1. Việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức được thực hiện như sau: a) Việc tuyển dụng viên chức vào làm công chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; b) Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này; c) Quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang làm cán bộ, công chức và ngược lại được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.”. 10. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 59 như sau: “2a. Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn thì tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết; sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký kết thì được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.”. 11. Sửa đổi, bổ sung Điều 60 như sau: “Điều 60. Áp dụng quy định của Luật viên chức đối với các đối tượng khác 1. Chính phủ quy định việc áp dụng Luật viên chức đối với người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. 2. Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Việc xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.”. 12. Thay thế một số cụm từ tại các điều, khoản, điểm như sau: a) Thay thế cụm từ “đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng” bằng cụm từ “đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng” tại điểm b khoản 2 Điều 22; b) Thay thế cụm từ “phân loại đánh giá” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” tại điểm a khoản 1 Điều 29; thay thế cụm từ “phân loại đánh giá” và từ “phân loại” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” tại Điều 42; thay thế từ “phân loại” bằng cụm từ “xếp loại chất lượng” tại Điều 44. 13. Bỏ một số cụm từ tại các điều, khoản như sau: a) Bỏ cụm từ “nhưng không phải là công chức” tại khoản 1 Điều 3; b) Bỏ cụm từ “được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ được pháp luật quy định là công chức tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc” tại khoản 5 Điều 28. Điều 3. Hiệu lực thi hành Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2019. CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Nguyễn Thị Kim Ngân
{ "issuing_agency": "Quốc hội", "promulgation_date": "25/11/2019", "sign_number": "52/2019/QH14", "signer": "Nguyễn Thị Kim Ngân", "type": "Luật" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-17-2012-CT-UBND-quan-triet-va-thuc-hien-Thong-tri-07-TT-TU-141001.aspx
Chỉ thị 17/2012/CT-UBND quán triệt và thực hiện Thông tri 07-TT/TU
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 17/2012/CT-UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 5 năm 2012 CHỈ THỊ VỀ QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN THÔNG TRI SỐ 07-TT/TU NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 2011 CỦA THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Ngày 09 tháng 12 năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Kết luận số 04-KL/TW ngày 19 tháng 4 năm 2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, các mặt còn hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để quán triệt và thực hiện Kết luận số 04-KL/TW, Thành ủy đã ban hành Thông tri số 07-TT/TU ngày 15 tháng 8 năm 2011, chỉ ra những kết quả đạt được và một số hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa coi công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chất lượng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều; chậm đổi mới, cải tiến về phương pháp; thời lượng, chất lượng, tính thuyết phục của nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn thấp; việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, còn mang tính hình thức; chưa kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc thi hành và xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri số 07-TT/TU của Thành ủy, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình hiện nay; Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị: 1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố 1.1. Thực hiện tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, trong đó, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, có sự gắn kết với các kế hoạch, đề án đang được triển khai ở Trung ương, thành phố và tiếp tục triển khai việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 1.2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và thành phố. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kiểm điểm, phê bình, xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ được giao. 1.3. Quản lý và phát huy hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật Thành phố; hướng dẫn xây dựng lực lượng báo cáo viên pháp luật quận, huyện, sở, ban, ngành, đoàn thể và tuyên truyền viên ở cơ sở. Thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng và có các hình thức khen thưởng để động viên, khuyến khích những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 2. Sở Tư pháp 2.1. Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Thành phố; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. 2.2. Rà soát để tham mưu, kiến nghị, đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, chú trọng các chế độ, chính sách đối với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. 2.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện các biện pháp đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng. 2.4. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Ủy ban nhân dân Thành phố. 3. Sở Giáo dục và Đào tạo 3.1. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác giảng dạy, phổ biến kiến thức pháp luật; chú trọng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh phổ thông, sinh viên; phát huy vai trò của nhà trường trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 3.2. Đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên; xây dựng, hoàn thiện giáo trình, tài liệu giảng dạy các môn về giáo dục công dân, pháp luật phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. 3.3. Rà soát, bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt chế độ hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy các môn pháp luật, môn giáo dục công dân. 3.4. Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. 4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 4.1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật về: việc làm; dạy nghề; lao động, tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn lao động; chính sách pháp luật đối với người có công; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống mại dâm, ma túy và các tệ nạn xã hội khác; vấn đề bình đẳng giới và các nội dung khác thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. 4.2. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù như: người lao động, người sử dụng lao động, trẻ em, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội...; nội dung, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. 5. Sở Thông tin và Truyền thông 5.1. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật; lựa chọn nội dung, hình thức hợp lý và tăng thời lượng triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương, Thành phố. 5.2. Chỉ đạo các cơ quan Báo, Đài trên địa bàn thành phố thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tuân thủ nghiệp vụ báo chí, bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 6. Sở Tài chính Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố mức hỗ trợ từ ngân sách để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chính sách chăm lo đời sống báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. 7. Các sở, ban, ngành khác và Ủy ban nhân dân quận, huyện 7.1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông tri số 07-TT/TU ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Thành ủy về quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 04-KL/TW. 7.2. Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm tại cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào các nội dung của Thông tri số 07-TT/TU ngày 15 tháng 8 năm 2011 của Ban Thường vụ Thành ủy, các đề án, chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố. Kế hoạch phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp mục tiêu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. 7.3. Bảo đảm kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. 7.4. Thực hiện các biện pháp đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng địa bàn đô thị hóa, ngoại thành, các đối tượng dễ vi phạm pháp luật. 7.5. Duy trì và thực hiện nghiêm túc “Ngày Pháp luật”. Phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tại địa phương. 7.6. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Quy chế báo cáo viên pháp luật và Quy chế Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể: Báo cáo viên pháp luật thành phố có trách nhiệm báo cáo với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp và Sở Tư pháp về tình hình hoạt động phổ biến pháp luật của mình định kỳ 6 tháng/lần. Thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện và sở, ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình cho Sở Tư pháp. Báo cáo quý trước ngày 20 tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng trước ngày 20 tháng 6, báo cáo năm trước ngày 20 tháng 12. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố. Báo cáo quý trước ngày 30 tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng trước ngày 30 tháng 6, báo cáo năm trước ngày 30 tháng 12. 8. Các cơ quan thông tin đại chúng Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật; lựa chọn nội dung, hình thức hợp lý và tăng thời lượng triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương và Thành phố. 9. Hiệu lực thi hành Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời thông báo về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Minh Trí
{ "issuing_agency": "Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "30/05/2012", "sign_number": "17/2012/CT-UBND", "signer": "Lê Minh Trí", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-52-2018-TT-BCT-dinh-muc-tieu-hao-nang-luong-trong-nganh-cong-nghiep-che-bien-thuy-san-404430.aspx
Thông tư 52/2018/TT-BCT định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản mới nhất
BỘ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 52/2018/TT-BCT Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2018 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN, ÁP DỤNG CHO QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN CÔNG NGHIỆP CỦA CÁC NHÓM SẢN PHẨM CÁ DA TRƠN VÀ TÔM Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Thực hiện Quyết định số 1028/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13 tháng 7 năm 2017 về việc phê duyệt khung chính sách năm 2018 thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định định mức tiêu hao năng lượng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm trong giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở chế biến cá da trơn và tôm có quy mô từ 300 tấn sản phẩm/năm trở lên và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Điều 3. Giải thích từ ngữ 1. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) là tổng mức năng lượng tiêu hao trong quá trình chế biến trực tiếp và gián tiếp cho một đơn vị sản phẩm tương đương. 2. Định mức tiêu hao năng lượng là suất tiêu hao năng lượng cần đạt theo từng giai đoạn theo quy định của Thông tư này. 3. IQF (Individual Quick Freezing) là phương pháp cấp đông nhanh các sản phẩm rời. 4. Sản phẩm tương đương là sản phẩm được chế biến quy đổi tương ứng với cá phi lê được cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15%, tái đông 1 lần và tôm tươi được cấp đông trên băng chuyền IQF theo hệ số quy đổi về năng lượng được quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Chương II ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN Điều 4. Phương pháp xác định suất tiêu hao năng lượng Suất tiêu hao năng lượng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm được xác định theo phương pháp quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Điều 5. Định mức tiêu hao năng lượng 1. Định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 1.050kWh/tấn sản phẩm cá tương đương và 2.050 kWh/tấn sản phẩm tôm tương đương giai đoạn đến hết năm 2025. 2. Định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp sản phẩm cá da trơn là 900 kWh/tấn cá tương đương và sản phẩm tôm là 1.625 kWh/tấn tôm tương đương giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Điều 6. Yêu cầu về đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng 1. Cơ sở chế biến thủy sản đang hoạt động có suất tiêu hao năng lượng cao hơn định mức tiêu hao năng lượng tương ứng đối với từng giai đoạn quy định tại Điều 5 Thông tư này phải lập và thực hiện kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Điều 5 Thông tư này. 2. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, cơ sở chế biến thủy sản có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương địa phương: - Tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng năm trước của đơn vị theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này. - Ngoài nội dung báo cáo nêu trên, cơ sở chế biến thủy sản có suất tiêu hao năng lượng cao hơn định mức tiêu hao năng lượng quy định tại Thông tư này còn có trách nhiệm báo cáo kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó nêu rõ các giải pháp tiết kiệm năng lượng và kế hoạch triển khai thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 7. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành chế biến thủy sản 1. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng bao gồm: - Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng trong cơ sở chế biến thủy sản và thực hiện nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quản lý năng lượng; - Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư thấp (thay thế các thiết bị đơn lẻ có hiệu suất năng lượng cao hơn); - Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả năng lượng có mức đầu tư cao (thay thế một, vài cụm thiết bị có hiệu suất năng lượng cao hơn hoặc thay đổi công nghệ để cải thiện hiệu suất năng lượng). 2. Khuyến khích cơ sở chế biến thủy sản áp dụng các giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu suất năng lượng quy định tại Phụ lục II của Thông tư này. Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 8. Trách nhiệm của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững 1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này. 2. Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương kiểm tra tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo định mức tiêu hao năng lượng theo lộ trình. 3. Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương tình hình thực hiện Thông tư và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp không thực hiện đúng các quy định của Thông tư. Điều 9. Trách nhiệm của Sở Công Thương 1. Phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Thông tư này. 2. Hàng năm, thực hiện kiểm tra việc tuân thủ định mức năng lượng, tính khả thi của các kế hoạch nhằm đảm bảo tuân thủ định mức năng lượng theo lộ trình của các cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương (đối với các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng quy định về định mức tiêu hao năng lượng). 3. Tổng hợp việc tuân thủ định mức năng lượng hàng năm của các cơ sở chế biến thủy sản tại địa phương và báo cáo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương trước ngày 31 tháng 01 năm sau theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này. Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp Trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các cơ sở chế biến thủy sản chưa thể xác định được định mức tiêu hao năng lượng theo quy định của Thông tư có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ đồng hồ đo đếm năng lượng để đảm bảo tính toán chính xác suất tiêu hao năng lượng của cơ sở. Điều 11. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2019. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Công Thương để nghiên cứu hướng dẫn, giải đáp, sửa đổi, bổ sung Thông tư./. Nơi nhận: - Văn phòng Tổng bí thư; - Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website: Chính phủ, Bộ Công Thương; - Lưu: VT, TKNL. BỘ TRƯỞNG Trần Tuấn Anh PHỤ LỤC I PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH SUẤT TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ CHẾ BIẾN THỦY SẢN Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2018/TT-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương 1. Phạm vi đánh giá: Cơ sở chế biến cá da trơn và tôm gồm các hoạt động thuộc khu vực chế biến trực tiếp và các khu vực hoạt động gián tiếp phục vụ chế biến sản phẩm nêu trên, bao gồm phòng thí nghiệm và khu vực phụ trợ (khu vực làm lạnh nước, điều hòa, xử lý nước cấp, nước thải). Khu vực hành chính (văn phòng, nhà ăn,...) và các hoạt động khác trong phạm vi cơ sở chế biến nếu có (chế biến sản phẩm khác, phòng trưng bày, bán hàng, cung cấp dịch vụ đông lạnh...) không thuộc phạm vi đánh giá này. 2. Thời gian xác định suất tiêu hao năng lượng của đối tượng đánh giá là một năm kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm. Trong trường hợp cần kiểm định suất tiêu hao năng lượng của cơ sở, thời gian kiểm định là thời gian cần thiết để thực hiện hết một chu trình sản xuất. 3. Các thông số để xác định suất tiêu hao năng lượng trong các cơ sở chế biến thủy sản thuộc phạm vi đánh giá: Thông số Ý nghĩa Đơn vị Điện(cb) Tổng điện năng sử dụng cho chế biến tôm, cá da trơn, bao gồm cả hoạt động gián tiếp gồm phòng thí nghiệm và phụ trợ (làm lạnh, điều hòa, xử lý nước cấp, nước thải) kWh Điện(hd) Tổng điện năng sử dụng theo hóa đơn kWh Điện(gián tiếp) Tổng điện năng được ước tính cho hoạt động mua đá cây hoặc thuê kho lạnh cho sản phẩm đánh giá kWh Điện (khác) Tổng điện năng được đơn vị sử dụng để chế biến các sản phẩm khác ngoài tôm và cá da trơn hoặc cho các dịch vụ chế biến như bán đá cây, cho thuê kho lạnh, hoặc sử dụng cho các hoạt động khác không thuộc phạm vi đánh giá như khu vực hành chính, phòng trưng bày sản phẩm, bán hàng. kWh Sản lượng (qd) Tổng sản lượng chế biến hàng năm quy đổi về tôm tươi được cấp đông trên dây chuyền IQF hoặc cá phi lê được cấp đông trên dây chuyền IQF mạ băng tới 15%, tái đông 1 lần. kg 4. Suất tiêu hao năng lượng (SEC) của các cơ sở chế biến thủy sản được xác định theo công thức dưới đây: SEC = Điện (cb) Sản lượng (qd) * 0,001 Trong đó: a. Điện (cb) được xác định bằng kWh, là điện năng sử dụng tại cơ sở để chế biến tôm và cá da trơn trong phạm vi đánh giá và trong giai đoạn báo cáo, được xác định bằng hóa đơn tiền điện trừ đi điện phục vụ cho các hoạt động, chế biến sản phẩm khác cộng với điện năng gián tiếp cho quá trình mua đá, thuê kho lạnh cho sản phẩm đánh giá. Điện(cb) = Điện(hd) - Điện(khác) + Điện(gián tiếp) - Điện(hd): Được xác định theo hóa đơn mua điện của cơ sở chế biến thủy sản trong giai đoạn báo cáo. - Điện(khác): Được xác định theo đồng hồ đo trong giai đoạn báo cáo. Cho phép ước tính trong các trường hợp không có thiết bị đo đếm điện năng riêng biệt cho các hoạt động khác không thuộc phạm vi đánh giá, bao gồm: + Trường hợp ngoài phạm vi đánh giá: Cơ sở chế biến sử dụng điện cho khu vực văn phòng, nhà ăn, lượng điện khác được ước tính bằng 3% tổng điện năng trên hóa đơn mua điện; + Trường hợp đơn vị có hoạt động chế biến bán đá cây: Lượng điện sử dụng cho hoạt động này được ước tính bằng 70 kWh/tấn đá cây bán ra; + Trường hợp đơn vị chế biến có hoạt động cho thuê kho lạnh: Lượng điện sử dụng cho hoạt động này được ước tính bằng 2,5 kWh x tấn sản phẩm x thời gian thuế kho (ngày). - Điện(gián tiếp) là điện năng được ước tính cho hoạt động mua đá cây hoặc thuê kho lạnh theo sản lượng chế biến trong giai đoạn báo cáo: + Trường hợp mua đá cây từ bên ngoài: Lượng điện sử dụng cho hoạt động này được ước tính bằng 70kWh/tấn đá cây; + Trường hợp thuê kho lạnh bên ngoài: Lượng điện sử dụng cho hoạt động này được ước tính bằng 2,5 kWh x tấn sản phẩm x thời gian thuê kho (ngày); b. Sản lượng(qd) được xác định bằng kg, là sản lượng của các loại sản phẩm tôm hoặc cá da trơn được chế biến, quy đổi về sản phẩm tương đương theo hệ số được quy định dưới đây. Sản lượng (qd) = Σ Sản lượng(i) * Hệ số (i) Sản phẩm cá da trơn Nhóm sản phẩm Hệ số 1. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15% tái đông 1 lần 1,00 2. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 25% tái đông 2 lần 1,30 3. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 35% tái đông 3 lần 1,50 4. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15% tái đông 1 lần 1,10 5. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 25% tái đông 2 lần 1,43 6. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 35% tái đông 3 lần 1,65 7. Cá phi lê, cá nguyên con, cá nguyên con tẩm gia vị các loại cấp đông trong tủ đông gió và hầm đông, 0,87 8. Sản phẩm block cấp đông trong CF 0,82 9. Cá cắt khúc, cắt miếng, cá nguyên con cấp đông trên băng chuyền IQF 1,11 10. Phụ phẩm, cấp đông nguyên liệu, sản phẩm cấp đông lần 2 trên IQF hoặc hầm đông 0,73 Sản phẩm tôm Nhóm sản phẩm Hệ số 1. Tôm tươi IQF các loại, 1,00 2. Tôm hấp IQF các loại 0,83 3. Tôm Nobashi các loại, tôm sushi, tôm tẩm bột ebifry, tôm xếp vòng shrimp ring 1,32 4. Tôm tẩm bột chiên tempura 1,63 5. Tôm tươi block cấp đông trong CF hoặc ABF, cấp đông nguyên liệu 0,76 - Trường hợp cơ sở có chế biến các sản phẩm tôm và cá da trơn khác ngoài danh mục các sản phẩm nêu trên, cần quy đổi về sản phẩm tương đồng (về tích thước, quy cách bao gói và quy trình chế biến) với hệ số áp dụng để quy đổi với các sản phẩm này là 1. - Trường hợp cơ sở có chế biến các sản phẩm khác ngoài tôm và cá da trơn nhưng không xác định được lượng điện tiêu thụ cho nhóm sản phẩm này, cần quy đổi về sản phẩm tương đồng (về kích thước, quy cách bao gói và quy trình chế biến) với hệ số áp dụng để quy đổi với các sản phẩm này là 1. - Cơ sở chế biến cả tôm và cá da trơn mà không xác định được điện năng tiêu thụ cho việc chế biến từng sản phẩm phải quy đổi về 1 trong 2 nhóm sản phẩm chủ đạo để đánh giá suất tiêu hao năng lượng với hệ số 1 tấn cá tương đương bằng 0,56 tấn tôm tương đương hoặc 1 tấn tôm tương đương bằng 1,78 tấn cá tương đương. PHỤ LỤC II MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CHẾ BIẾN THỦY SẢN Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2018/TT-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương 1. Nhóm giải pháp hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý sử dụng năng lượng a) Hạn chế các băng chuyền IQF chạy không tải, non tải. Trong trường hợp phải chạy non tải cần có giải pháp điều chỉnh năng suất hệ thống lạnh; b) Sử dụng hợp lý các thiết bị cấp đông; c) Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng nước đá; d) Quản lý việc sử dụng kho lạnh, đóng cửa kho khi không có người hay xe đi qua; đ) Duy trì nhiệt độ kho lạnh ở mức cần thiết; e) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống điều hòa nhiệt độ; g) Thay đổi cách thức sử dụng thiết bị phù hợp khi công suất chế biến thấp; h) Các giải pháp khác. 2. Nhóm giải pháp hoàn thiện qui trình vận hành thiết bị lạnh a) Không để các máy nén chạy non tải; b) Không vận hành kho lạnh, đá vẩy với thiết bị cấp đông trên cùng 1 nhiệt độ sôi; c) Duy trì áp suất hút ở mức hợp lý; d) Xả tuyết kho lạnh đúng quy trình, không để tuyết bám nhiều trên dàn lạnh. 3. Nhóm giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh a) Kiểm tra, khắc phục việc suy giảm công suất của các băng chuyền IQF; b) Xác định công suất lạnh máy nén trục vít đã chạy lâu năm; c) Lập hồ sơ theo dõi cho từng máy nén trục vít; d) Kiểm tra, sửa chữa kịp thời các thiết bị hỏng hóc hoặc bị xuống cấp; đ) Thường xuyên kiểm tra, xử lý hiện tượng bám cáu cặn trên dàn ngưng. 4. Nhóm giải pháp thiết kế, lắp đặt lại hệ thống lạnh a) Thiết kế hệ thống lạnh trung tâm sử dụng môi chất NH3 thay thế các thiết bị đơn lẻ; b) Thiết kế lại hệ thống lạnh để đảm bảo máy nén không vận hành non tải và ở nhiệt độ sôi thấp; c) Qui hoạch lại các kho lạnh, hệ thống điều hòa nhiệt độ; d) Cấp nước lạnh vào máy chế biến đá vẩy; đ) Cấp NH3 lỏng từ bình hạ áp kho lạnh vào bình hạ áp của băng chuyền IQF; e) Chuyển đổi một số thiết bị lạnh sử dụng môi chất R22 sang NH3; g) Thay máy nén có hiệu suất phát lạnh thấp bằng máy nén có hiệu suất phát lạnh cao hơn; h) Lắp đặt hầm đông lạnh để cấp đông cá nguyên con; i) Kiểm soát áp suất ngưng trôi nổi k) Lắp biến tần cho máy nén trong trường hợp cần thiết; l) Các giải pháp thiết kế, lắp đặt, đầu tư khác. 5. Nhóm giải pháp sử dụng thiết bị ngoại vi nâng hiệu suất phát lạnh a) Lắp thêm áp kế chân không cho các hệ thống cấp đông để theo dõi áp suất hút; b) Lắp cảm biến CO2 và quạt thu hồi nhiệt cho các phòng chế biến để tăng hiệu suất phát lạnh và giảm lượng điện tiêu thụ cho hệ thống điều hòa nhiệt độ; c) Lắp thêm van điện từ xả khí không ngưng lần lượt từng dàn ngưng nhằm giảm áp suất ngưng, giảm lượng điện tiêu thụ của máy nén; d) Lắp thêm thiết bị tách khí, tách nước cho hệ thống lạnh. PHỤ LỤC III MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2018/TT-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Dùng cho Sở Công Thương) UBND ... SỞ CÔNG THƯƠNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …… ……, ngày ……… tháng …… năm …… BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN năm…………… Kính gửi: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương Thực hiện quy định của Thông tư số ……./2018/TT-BCT ngày……. tháng.... năm 2018 của Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm, Sở Công Thương……………… báo cáo tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản thuộc phạm vi quản lý như sau: - Số cơ sở chế biến thủy sản:.............................................................................................. - Số cơ sở chế biến tôm và cá da trơn:................................................................................ - Số cơ sở đã báo cáo:......................................................................................................... Trong đó: - Số cơ sở đạt mức quy định:............................................................................................... - Số cơ sở cần tăng cường quản lý:..................................................................................... Chi tiết các cơ sở chế biến tôm và cá da trơn thuộc phạm vi quản lý được tổng hợp dưới đây Bảng 1. Danh sách các cơ sở chế biến tôm và cá da trơn thuộc đối tượng quản lý TT Tên cơ sở Mã số thuế Sản phẩm chế biến Hiện trạng báo cáo Tôm Cá da trơn Khác Đã nộp Chưa nộp 1 2 … Tổng Bảng 2. Mức tiêu hao năng lượng của các cơ sở chế biến cá da trơn đã báo cáo TT Tên cơ sở Tổng sản lượng (Tấn sản phẩm) Tổng lượng điện tiêu thụ (kWh) Mức tiêu hao năng lượng (kWh/tấn) Đánh giá Kỳ báo cáo trước Kỳ báo cáo này Đạt Chưa đạt 1 2 … Tổng Bảng 3. Mức tiêu hao năng lượng của các cơ sở chế biến tôm đã báo cáo TT Tên cơ sở Tổng sản lượng (Tấn sản phẩm) Tổng lượng điện tiêu thụ (kWh) Mức tiêu hao năng lượng (kWh/tấn) Đánh giá Kỳ báo cáo trước Kỳ báo cáo này Đạt Chưa đạt 1 2 … Tổng Bảng 4. Danh sách các cơ sở cần tăng cường quản lý TT Tên cơ sở Nội dung cần tăng cường quản lý Ghi chú cụ thể, nếu có Chưa báo cáo Chưa đạt mức quy định Nội dung khác 1 2 … Tổng Đề xuất, khuyến nghị về việc thực hiện Thông tư (nếu có)............................................... ........................................................................................................................................... ........................................................................................................................................... ........................................................................................................................................... ........................................................................................................................................... Nơi nhận: - Như trên; - Lưu văn phòng. ĐẠI DIỆN SỞ CÔNG THƯƠNG (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu) PHỤ LỤC IV MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC NĂNG LƯỢNG HÀNG NĂM Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2018/TT-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương (Dùng cho các cơ sở chế biến tôm và cá da trơn) Tên cơ sở ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …… …………, ngày …… tháng …… năm …… BÁO CÁO THỰC HIỆN ĐỊNH MỨC TIÊU HAO NĂNG LƯỢNG Kính gửi: Sở Công Thương tỉnh/thành phố……………… Thực hiện quy định của Thông tư số ……/2018/TT-BCT ngày...... tháng.... năm 2018 của Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản, áp dụng cho quá trình chế biến công nghiệp của các nhóm sản phẩm cá da trơn và tôm, đơn vị……………… báo cáo tình hình thực hiện định mức tiêu hao năng lượng tại nơi chế biến như sau: - Tên cơ sở:........................................................................................................................ - Mã số thuế:....................................................................................................................... - Địa chỉ:.............................................................................................................................. - Người đại diện:.................................................................................................................. - Chức vụ, phòng ban:......................................................................................................... - Điện thoại:......................................................................................................................... - Email:................................................................................................................................. - Báo cáo số:........................................................................................................................ Các thông tin dưới đây được tổng hợp cho giai đoạn từ ngày ……… tháng……… năm ……… đến ngày……… tháng…………năm……… 1. Đặc điểm giai đoạn báo cáo: - Hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm, dịch vụ ngoài chế biến tôm và cá da trơn (ví dụ chế biến hải sản, bán đá cây, cho thuê kho...): □ Có □ Không Nếu có, ghi rõ:...................................................................................................................... - Mua đá cây từ bên ngoài: □ Có □ Không Nếu có, ghi rõ tổng khối lượng đá cây đã mua:.................................................................... - Bán đá cây/đá vẩy: □ Có □ Không Nếu có, ghi rõ tổng khối lượng đá cây/đá vẩy đã bán:.......................................................... - Thuê kho lạnh bên ngoài: □ Có □ Không Nếu có, ghi rõ: + Sản lượng thuê kho:.................................................................................. + Thời gian thuê kho:............................................................................................................ + Tổng số tiền:...................................................................................................................... - Cho thuê kho lạnh: □ Có □ Không Nếu có, ghi rõ: + Sản lượng cho thuê:.................................................................................. + Thời gian cho thuê:............................................................................................................ + Tổng số tiền:...................................................................................................................... 2. Điện năng tiêu thụ trong kỳ báo cáo Hạng mục Lượng sử dụng (kWh) Điện sử dụng cho toàn doanh nghiệp (theo hóa đơn) Điện sử dụng cho các khu vực, hoạt động khác (ghi rõ phạm vi loại trừ và phương pháp xác định): Điện được ước tính cho hoạt động mua đá cây hoặc thuê kho lạnh TỔNG ĐIỆN SỬ DỤNG Điện (cb) 3. Sản lượng chế biến trong kỳ báo cáo Sản phẩm cá da trơn Nhóm sản phẩm Lượng, kg 1. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15% tái đông 1 lần 2. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 25% tái đông 2 lần 3. Cá phi lê cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 35% tái đông 3 lần 4. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 15% tái đông 1 lần 5. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 25% tái đông 2 lần 6. Cá nguyên con xẻ bướm cấp đông trên băng chuyền IQF mạ băng tới 35% tái đông 3 lần 7. Cá phi lê, cá nguyên con, cá nguyên con tẩm gia vị các loại cấp đông trong tủ đông gió và hầm đông, 8. Sản phẩm block cấp đông trong CF 9. Cá cắt khúc, cắt miếng, cá nguyên con cấp đông trên băng chuyền IQF 10. Phụ phẩm, cấp đông nguyên liệu, sản phẩm cấp đông lần 2 trên IQF hoặc hầm đông Sản phẩm khác (ghi rõ) TỔNG SẢN LƯỢNG QUY ĐỔI(qd) Sản phẩm tôm Nhóm sản phẩm Lượng, kg 1. Tôm tươi IQF các loại, 2. Tôm hấp IQF các loại 3. Tôm Nobashi các loại, Tôm sushi, Tôm tẩm bột ebifry, tôm xếp vòng shrimp ring 4. Tôm tẩm bột chiên tempura 5. Tôm tươi block cấp đông trong CF hoặc ABF, cấp đông nguyên liệu, Sản phẩm khác (ghi rõ) TỔNG SẢN LƯỢNG QUY ĐỔI(qd) 4. Mức tiêu hao năng lượng trong kỳ báo cáo SEC = Dien (cb) (kWh/tấn) San luong (qd) * 0,001 SEC = SEC (kỳ báo cáo trước) = Thay đổi về mức tiêu hao năng lượng so với kỳ báo cáo trước:…………% 5. Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm tới - Danh sách giải pháp chính dự kiến thực hiện:................................................................... ............................................................................................................................................. - Dự kiến tổng đầu tư:.......................................................................................................... - Dự kiến mức tiết kiệm:....................................................................................................... 6. Đề xuất, khuyến nghị về việc thực hiện Thông tư (nếu có) ............................................................................................................................................. Người lập báo cáo (Ký và ghi rõ họ, tên) Đại diện doanh nghiệp (Ký tên và đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "25/12/2018", "sign_number": "52/2018/TT-BCT", "signer": "Trần Tuấn Anh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Chi-thi-32-CT-TTg-2021-trien-khai-quyet-liet-giai-phap-phong-chong-benh-Dich-ta-lon-Chau-Phi-495559.aspx
Chỉ thị 32/CT-TTg 2021 triển khai quyết liệt giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 32/CT-TTg Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2021 CHỈ THỊ VỀ VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn; dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm. Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau: 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (trong đó có Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cụ thể: a) Trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định; b) Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở; c) Chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn theo quy định; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp và sử dụng sản phẩm lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm. d) Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm đủ nguồn lực để tổ chức chống dịch kịp thời, hiệu quả; đ) Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh. 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương: a) Tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; b) Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; c) Tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt các dự án ưu tiên; duy trì, tăng cường hệ thống tổ chức của Cục Thú y theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh; đ) Chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. 3. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam. 4. Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 5. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. 6. Bộ Tài chính bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thú y và các văn bản pháp luật liên quan; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh khác ở động vật đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng cân đối ngân sách, đúng quy định của pháp luật. 7. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; - Đài Truyền hình Việt Nam; - Đài Tiếng nói Việt Nam; - Thông tấn xã Việt Nam; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo; - Lưu: Văn thư, NN(3).Loan KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Lê Văn Thành
{ "issuing_agency": "Thủ tướng Chính phủ", "promulgation_date": "25/11/2021", "sign_number": "32/CT-TTg", "signer": "Lê Văn Thành", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Phap-lenh-Quang-cao-2001-39-2001-PL-UBTVQH10-48748.aspx
Pháp lệnh Quảng cáo 2001 39/2001/PL-UBTVQH10
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 39/2001/PL-UBTVQH10 Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2001 PHÁP LỆNH CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 39/2001/PL-UBTVQH10 NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ QUẢNG CÁO Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001; Pháp lệnh này quy định về quảng cáo. Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Pháp lệnh này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo. 2. Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó. Điều 2. Quyền quảng cáo của tổ chức, cá nhân Tổ chức, cá nhân có quyền trực tiếp quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện quảng cáo cho mình. Điều 3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo 1. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người tiêu dùng. 2. Nhà nước tạo điều kiện để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phát triển đa dạng các loại hình quảng cáo, nâng cao chất lượng quảng cáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 3. Nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác, đầu tư phát triển dịch vụ quảng cáo ở Việt Nam . Điều 4. Giải thích từ ngữ Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Quảng cáo là giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời. Dịch vụ có mục đích sinh lời là dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ. Dịch vụ không có mục đích sinh lời là dịch vụ không nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ. 2. Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình. 3. Sản phẩm quảng cáo là sản phẩm thể hiện nội dung quảng cáo, hình thức quảng cáo. 4. Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tổ chức quản lý mạng thông tin máy tính, người tổ chức chương trình văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác. 5. Xúc tiến quảng cáo là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội ký kết hợp đồng dịch vụ quảng cáo và cung ứng các dịch vụ quảng cáo. 6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình hoạt động quảng cáo nhằm mục đích sinh lời. Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 1. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và an toàn xã hội; 2. Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; 3. Sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca hoặc giai điệu Quốc ca, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam, hình ảnh biển báo giao thông để quảng cáo; 4. Quảng cáo gian dối; 5. Quảng cáo làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường và trật tự an toàn giao thông; 6. Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự, uy tín hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 7. Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép thực hiện tại thời điểm quảng cáo; 8. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo. Chương 2: HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO Điều 6. Nội dung quảng cáo 1. Nội dung quảng cáo bao gồm thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ. 2. Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Điều 7. Hình thức quảng cáo 1. Hình thức quảng cáo là sự thể hiện sản phẩm quảng cáo bằng tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, mầu sắc, ánh sáng, hình ảnh, hành động, âm thanh và các hình thức khác. 2. Hình thức quảng cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, có tính thẩm mỹ. 3. Hình thức quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt những thông tin quảng cáo với những thông tin không phải là quảng cáo để không gây nhầm lẫn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Điều 8. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo 1. Tiếng nói, chữ viết dùng trong quảng cáo là tiếng Việt, trừ những trường hợp sau: a) Từ ngữ đã được quốc tế hoá, thương hiệu hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt; b) Quảng cáo thông qua sách, báo, ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài. 2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì viết tiếng Việt trước, tiếp đến tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và khổ chữ tiếng dân tộc thiểu số, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt. Điều 9. Phương tiện quảng cáo Phương tiện quảng cáo bao gồm: 1. Báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; 2. Mạng thông tin máy tính; 3. Xuất bản phẩm gồm cả phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh; 4. Chương trình hoạt động văn hoá, thể thao; 5. Hội chợ, triển lãm; 6. Bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng; 7. Vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước; 8. Phương tiện giao thông, vật thể di động khác; 9. Hàng hoá; 10. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật. Điều 10. Quảng cáo trên báo chí 1. Báo in được quảng cáo không quá 10% diện tích, trừ báo chuyên quảng cáo; mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm quảng cáo không quá 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc 5 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc ít nhất 4 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; không quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên trang một, bìa một. 2. Báo nói được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau nhạc hiệu, trong chương trình thời sự. 3. Báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau hình hiệu, trong chương trình thời sự. 4. Báo điện tử được quảng cáo như đối với báo in quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 11. Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối và việc cung cấp các loại hình dịch vụ quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; thực hiện các quy định về kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm bảo đảm bí mật nhà nước. Điều 12. Quảng cáo trên xuất bản phẩm Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm được thực hiện theo các quy định sau đây: 1. Chỉ được quảng cáo trên bìa vở học sinh những sản phẩm quảng cáo có nội dung phục vụ cho việc học tập; 2. Phim, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh và các phương tiện ghi tin khác được quảng cáo không quá 5% thời lượng chương trình; 3. Không được quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên bìa một của các loại sách; không được quảng cáo trong sách giáo khoa, giáo trình, các tác phẩm chính trị; 4. Các quy định khác của pháp luật về xuất bản và các quy định của Pháp lệnh này. Điều 13. Quảng cáo trong chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm Việc quảng cáo thông qua chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, thể thao, hội chợ, triển lãm và các quy định của Pháp lệnh này. Điều 14. Quảng cáo trên các phương tiện khác Việc quảng cáo trên các phương tiện quy định tại các điểm 6, 7, 8 và 10 Điều 9 của Pháp lệnh này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, về quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Điều 15. Điều kiện đối với quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ 1. Điều kiện quảng cáo đối với hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ được quy định như sau: a) Quảng cáo hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải có chứng nhận chất lượng phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá; trường hợp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá thì phải có văn bản tự công bố; trường hợp hàng hoá là đối tượng sở hữu trí tuệ thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ; b) Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản; c) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; d) Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác phải có giấy phép thực hiện quảng cáo do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về Văn hoá - Thông tin cấp. 2. Người quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người phát hành quảng cáo. Điều 16. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo 1. Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính, kênh, chương trình phát thanh, kênh, chương trình truyền hình chuyên quảng cáo và đối với phụ trang, phụ bản chuyên quảng cáo. 2. Sở Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác. 3. Bộ Văn hoá - Thông tin quy định cụ thể thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo. Điều 17. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo Việc thuê dịch vụ quảng cáo phải được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo phải được lập thành văn bản có những nội dung sau đây: 1. Tên, địa chỉ các bên ký kết hợp đồng; 2. Hình thức, nội dung, phương tiện, sản phẩm quảng cáo; 3. Thời gian, địa điểm, phạm vi quảng cáo; 4. Phí dịch vụ, các chi phí khác có liên quan và phương thức thanh toán; 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên; 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; 7. Các nội dung khác do các bên thoả thuận. Chương 3: HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Điều 18. Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài 1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được trực tiếp quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam, người phát hành quảng cáo Việt Nam thực hiện quảng cáo cho mình. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam muốn quảng cáo tại Việt Nam về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam, người phát hành quảng cáo Việt Nam thực hiện quảng cáo cho mình. Điều 19. Văn phòng đại diện quảng cáo Văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép mở văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ thực hiện việc xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Điều 20. Chi nhánh quảng cáo Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của chi nhánh quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam. Điều 21. Hợp tác, đầu tư trong hoạt động quảng cáo Tổ chức, cá nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quảng cáo được hợp tác, đầu tư trong hoạt động quảng cáo với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật. Điều 22. Quảng cáo ở nước ngoài Tổ chức, cá nhân Việt Nam được quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Chương 4: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo 1. Người quảng cáo có các quyền sau đây: a) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình; b) Lựa chọn người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, phương tiện và hình thức quảng cáo; c) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo của mình; d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 2. Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây: a) Quảng cáo phù hợp với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; b) Đảm bảo nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác; c) Thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng; d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo 1. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các quyền sau đây: a) Lựa chọn hình thức, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quảng cáo; b) Yêu cầu người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về nội dung quảng cáo; c) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo của mình; d) Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo; đ) Tham gia Hiệp hội quảng cáo trong nước và nước ngoài; e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 2. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện đúng các quy định của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; b) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo; c) Thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo; d) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra; đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo 1. Người phát hành quảng cáo được quảng cáo trên phương tiện của mình và thu phí dịch vụ phát hành quảng cáo theo quy định của pháp luật. 2. Người phát hành quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây: a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, về quản lý mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và Pháp lệnh này trong việc sử dụng báo chí, xuất bản phẩm, mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và phương tiện quảng cáo khác để quảng cáo; b) Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết với người quảng cáo hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; c) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra; d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người cho thuê phương tiện để quảng cáo 1. Người cho thuê phương tiện để quảng cáo có các quyền sau đây: a) Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; b) Thu phí từ việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo thỏa thuận trong hợp đồng; c) Các quyền khác trong việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo quy định của pháp luật. 2. Người cho thuê phương tiện để quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây: a) Thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê phương tiện để quảng cáo đã ký kết; b) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra; c) Thực hiện các nghĩa vụ khác trong việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo quy định của pháp luật. Điều 27. Thuế, phí, lệ phí quảng cáo Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Chương 5: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUẢNG CÁO Điều 28. Nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo Nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo bao gồm: 1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển quảng cáo; 2. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo; 3. Cấp, thu hồi giấy phép thực hiện quảng cáo; giấy phép đặt văn phòng đại diện quảng cáo, chi nhánh quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam; 4. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo; 5. Thực hiện hợp tác quốc tế về quảng cáo; 6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo. Điều 29. Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo. 2. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. 3. Bộ Thương mại, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. 4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Điều 30. Thanh tra quảng cáo Thanh tra nhà nước về Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quảng cáo. Nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra nhà nước về Văn hoá - Thông tin chuyên ngành quảng cáo do Chính phủ quy định. Điều 31. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo 1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. 2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Chương 6: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM Điều 32. Khen thưởng Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng cáo thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật. Điều 33. Xử lý vi phạm 1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về việc cấp, thu hồi giấy phép thực hiện quảng cáo, cản trở hoạt động quảng cáo đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sách nhiễu hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chương 7: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 34. Hiệu lực thi hành 1. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2002. 2. Các quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ. Điều 35. Hướng dẫn thi hành Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này. Nguyễn Văn An (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", "promulgation_date": "16/11/2001", "sign_number": "39/2001/PL-UBTVQH10", "signer": "Nguyễn Văn An", "type": "Pháp lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Nghi-dinh-65-2007-ND-CP-dieu-chinh-dia-gioi-hanh-chinh-thi-xa-Cam-Ranh-Truong-Sa-Cam-Nghia-huyen-Dien-Khanh-lap-huyen-xa-tinh-khanh-Hoa-18319.aspx
Nghị định 65/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Cam Ranh Trường Sa Cam Nghĩa huyện Diên Khánh lập huyện xã tỉnh khánh Hòa mới nhất
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 65/2007/NĐ-CP Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2007 NGHỊ ĐỊNH VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THỊ XÃ CAM RANH VÀ HUYỆN DIÊN KHÁNH ĐỂ THÀNH LẬP HUYỆN CAM LÂM; ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH ĐỂ THÀNH LẬP XÃ, THỊ TRẤN THUỘC CÁC HUYỆN: CAM LÂM, TRƯỜNG SA VÀ MỞ RỘNG PHƯỜNG CAM NGHĨA THUỘC THỊ XÃ CAM RANH, TỈNH KHÁNH HÒA CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, NGHỊ ĐỊNH : Điều 1. Điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Cam Ranh và huyện Diên Khánh để thành lập huyện Cam Lâm; điều chỉnh địa giới hành chính xã để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện: Cam Lâm, Trường Sa và mở rộng phường Cam Nghĩa thuộc thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa như sau: 1. Thành lập huyện Cam Lâm thuộc tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở điều chỉnh 45.726 ha diện tích tự nhiên và 88.045 nhân khẩu của thị xã Cam Ranh (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Cam Tân, Cam Hòa, Sơn Tân, Cam Hải Tây, Cam Đức, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Cam Hải Đông); 17.590 ha diện tích tự nhiên và 15.324 nhân khẩu của huyện Diên Khánh (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Suối Tân, Suối Cát). Huyện Cam Lâm có 63.316 ha diện tích tự nhiên và 103.369 nhân khẩu. Địa giới hành chính huyện Cam Lâm: Đông giáp Biển Đông; Tây giáp huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn; Nam giáp thị xã Cam Ranh; Bắc giáp thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh. 2. Thành lập thị trấn Cam Đức thuộc huyện Cam Lâm trên cơ sở toàn bộ 952 ha diện tích tự nhiên và 10.647 nhân khẩu của xã Cam Đức; 631 ha diện tích tự nhiên và 4.184 nhân khẩu của xã Cam Hải Tây. Thị trấn Cam Đức có 1.583 ha diện tích tự nhiên và 14.831 nhân khẩu. Địa giới hành chính thị trấn Cam Đức: Đông giáp xã Cam Hải Đông; Tây giáp xã Cam Hiệp Bắc và xã Cam Hiệp Nam; Nam giáp xã Cam Thành Bắc; Bắc giáp xã Cam Hải Tây. 3. Điều chỉnh địa giới hành chính xã Cam Hải Đông để mở rộng phường Cam Nghĩa thuộc thị xã Cam Ranh: - Điều chỉnh 8.934 ha diện tích tự nhiên của xã Cam Hải Đông về phường Cam Nghĩa thuộc thị xã Cam Ranh để quản lý. Phường Cam Nghĩa có 10.509 ha diện tích tự nhiên và dân số là 13.094 nhân khẩu. Địa giới hành chính phường Cam Nghĩa: Đông giáp Biển Đông; Tây giáp xã Cam Thành Nam; Nam giáp phường Cam Phúc Bắc; Bắc giáp xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. 4. Thành lập thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. 5. Thành lập xã Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. 6. Thành lập xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để thành lập huyện, xã, thị trấn và mở rộng phường: - Xã Cam Hải Tây còn lại 1.151 ha diện tích tự nhiên và 6.345 nhân khẩu. - Xã Cam Hải Đông còn lại 3.784 ha diện tích tự nhiên và 2.553 nhân khẩu. Huyện Cam Lâm còn lại 54.382 ha diện tích tự nhiên và 103.369 nhân khẩu có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Sơn Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Thành Bắc, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây, Cam Hải Đông, Suối Tân, Suối Cát và thị trấn Cam Đức. Thị xã Cam Ranh còn lại 31.643 ha diện tích tự nhiên và 125.311 nhân khẩu, có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các phường: Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Lộc, Cam Phú, Ba Ngòi, Cam Thuận, Cam Lợi, Cam Linh và các xã: Cam Thành Nam, Cam Phước Đông, Cam Thịnh Tây, Cam Thịnh Đông, Cam Lập, Cam Bình. Huyện Diên Khánh còn lại 33.620 ha diện tích tự nhiên và 123.940 nhân khẩu, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Diên Lâm, Diên Diền, Diên Xuân, Diên Sơn, Diên Đồng, Diên Phú, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Tân, Diên Hòa, Diên Thạnh, Diên Toàn, Diên An, Diên Bình, Diên Lộc, Suối Hiệp, Suối Tiên và thị trấn Diên Khánh. Huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Tỉnh Khánh Hòa có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh và các huyện: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Trường Sa. Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Mọi quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ. Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; - HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa; - Ban Tổ chức Trung ương; - Các Bộ: Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư; - Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ: ĐP, TCCB, TH, CN, NN, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "11/04/2007", "sign_number": "65/2007/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Chung-khoan/Nghi-dinh-84-2010-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-14-2007-ND-CP-109695.aspx
Nghị định 84/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 14/2007/NĐ-CP
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 84/2010/NĐ-CP Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2010 NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 14/2007/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CHỨNG KHOÁN CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, như sau: 1. Sửa đổi Điều 1 như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán về chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng, niêm yết chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư chứng khoán.” 2. Bổ sung Điều 3a sau Điều 3 như sau: “Điều 3a. Quy định chung về việc chào bán chứng khoán ra công chúng 1. Tổ chức, cá nhân không được chào bán chứng khoán ra công chúng trong các trường hợp sau: a) Doanh nghiệp không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán; b) Chào bán chứng khoán ra công chúng để thành lập doanh nghiệp; trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 và 5 Điều 4 Nghị định này. 2. Việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải do tổ chức phát hành thực hiện, trừ các trường hợp sau: a) Chủ sở hữu Nhà nước (bao gồm cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước) thực hiện bán phần vốn nhà nước do Tập đoàn, Tổng Công ty nắm giữ ra công chúng nhằm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. b) Cổ đông lớn bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng. Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này. 3. Tổ chức phát hành phải mở một tài khoản riêng biệt tại một ngân hàng thương mại để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trường hợp tổ chức phát hành là ngân hàng thương mại thì phải lựa chọn một ngân hàng thương mại khác để phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, tổ chức phát hành phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả chào bán kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán. Sau khi gửi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán. 4. Định kỳ 6 tháng, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cho đến khi hoàn thành việc giải ngân, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về lý do thay đổi và Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thay đổi hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với tổ chức phát hành nước ngoài quy định tại Điều 17a Nghị định này”. 3. Bổ sung khoản 7, 8 và 9 Điều 4 như sau: “7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán cổ phần ra công chúng để thành lập tổ chức tín dụng là công ty cổ phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. 8. Trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp thì phải có thời gian hoạt động từ một năm trở lên và có kết quả hoạt động kinh doanh có lãi tính đến thời điểm đăng ký chào bán. 9. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán ra công chúng để hoán đổi cổ phiếu và thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.” 4. Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 5 như sau: “c) Trường hợp tổ chức phát hành có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu chuyển đổi thì hồ sơ chào bán phải nêu rõ rủi ro đối với quyền lợi của người mua trái phiếu kèm theo phương án đền bù cho nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.” 5. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 6 như sau: “d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối”. 6. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 như sau: “b) Các tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và nội dung công bố thông tin theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.” 7. Bổ sung Chương IIa sau Chương II như sau: “Chương IIa CÔNG TY ĐẠI CHÚNG Điều 7a. Giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng 1. Chứng khoán của các công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định này được giao dịch tại các Sở giao dịch chứng khoán. 2. Chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết tại các Sở giao dịch chứng khoán được giao dịch theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Điều 7b. Chấm dứt tư cách công ty đại chúng 1. Ngoại trừ công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán, đối với công ty đại chúng theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Chứng khoán phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin ra công chúng về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày không còn đủ một trăm (100) nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc vốn điều lệ điều chỉnh xuống dưới mười (10) tỷ đồng Việt Nam. 2. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của công ty về việc chấm dứt tư cách công ty đại chúng.” 8. Sửa đổi tên Điều 8 như sau: “Điều 8. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh”. 9. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 8 như sau: “d) Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.” 10. Bổ sung điểm g khoản 1 Điều 8 như sau: “g) Bộ Tài chính quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;” 11. Bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 8 như sau: “đ) Bộ Tài chính quy định điều kiện niêm yết trái phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;” 12. Bãi bỏ khoản 4 Điều 8. 13. Bổ sung khoản 5 Điều 8 như sau: “5. Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác và điều kiện niêm yết đối với từng bảng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.” 14. Sửa đổi tên Điều 9 như sau: “Điều 9. Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội”. 15. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 9 như sau: “b) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước thời điểm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và có tình hình tài chính lành mạnh tính đến thời điểm đăng ký niêm yết;” 16. Bổ sung điểm g khoản 1 Điều 9 như sau: “g) Điều kiện niêm yết cổ phiếu của công ty cổ phần hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính;” 17. Sửa đổi khoản 3 và 6 Điều 9 như sau: “3. Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo đề nghị của tổ chức phát hành trái phiếu. 6. Bộ Tài chính quy định cụ thể điều kiện niêm yết đối với các loại chứng khoán khác và điều kiện đối với từng bảng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.” 18. Bãi bỏ khoản 4, khoản 5 Điều 9. 19. Bổ sung Điều 9a sau Điều 9 như sau: “Điều 9a. Niêm yết chứng khoán của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần Đối với trường hợp đăng ký niêm yết chứng khoán của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 và 9 Nghị định này còn phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.” 20. Bỏ cụm từ “Trung tâm Giao dịch Chứng khoán” tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16 và Điều 26 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP. 21. Sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 14 như sau: “đ) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất trước thời điểm xem xét.” 22. Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau: “3. Đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán của nước mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hoặc Sở giao dịch chứng khoán đã có thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán của Việt Nam.” 23. Bổ sung Mục 3 gồm Điều 17a và Điều 17b vào Chương III như sau: “MỤC 3. CHÀO BÁN VÀ NIÊM YẾT CHỨNG KHOÁN TẠI VIỆT NAM CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH NƯỚC NGOÀI Điều 17a. Điều kiện chào bán và niêm yết chứng khoán tại Việt Nam của tổ chức phát hành nước ngoài Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công chúng và niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Điều kiện tổ chức phát hành nước ngoài được chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam: a) Có dự án đầu tư tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng để đầu tư vào dự án tại Việt Nam; b) Có cam kết của tổ chức nước ngoài thực hiện dự án tại Việt Nam; c) Có cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài và không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn của dự án được cấp phép; d) Có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo quy định của pháp luật Việt Nam; đ) Được tối thiểu 01 công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia bảo lãnh phát hành; e) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành chứng khoán tại Việt Nam. 2. Điều kiện niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài trên Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam: a) Là chứng khoán phát hành tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này; b) Số lượng chứng khoán đăng ký niêm yết tương ứng với số lượng chứng khoán được phép chào bán tại Việt Nam; c) Có cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết theo quy định của pháp luật Việt Nam; d) Được một (01) công ty chứng khoán thành lập và hoạt động tại Việt Nam tham gia tư vấn niêm yết chứng khoán. Điều 17b. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận đăng ký chào bán và niêm yết, hủy niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài tại Việt Nam Hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận đăng ký chào bán và niêm yết, hủy niêm yết chứng khoán tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.” 24. Sửa đổi khoản 3 Điều 18 như sau: “3. Mức vốn pháp định của công ty quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là hai mươi lăm (25) tỷ đồng Việt Nam.” 25. Bổ sung Điều 20a sau Điều 20 như sau: “Điều 20a. Dịch vụ tư vấn tài chính và dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán. Bộ Tài chính hướng dẫn các dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ tài chính khác quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Chứng khoán và quy định các điều kiện để công ty chứng khoán được cung cấp và thực hiện các loại dịch vụ này.” 26. Sửa đổi khoản 4 Điều 21 như sau: “4. Quản lý vốn đầu tư của công ty đầu tư chứng khoán: a) Công ty đầu tư chứng khoán phát hành riêng lẻ được tự quản lý vốn đầu tư hoặc ủy thác cho một công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư; b) Công ty đầu tư chứng khoán đại chúng không được tự quản lý vốn đầu tư mà phải ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư; c) Trường hợp công ty đầu tư chứng khoán ủy thác cho công ty quản lý quỹ quản lý vốn đầu tư, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc (nếu có), Chủ tịch Hội đồng quản trị và tối thiểu hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng quản trị của công ty đầu tư chứng khoán phải độc lập với công ty quản lý quỹ.” 27. Bãi bỏ khoản 5 Điều 21. 28. Ghép Điều 22 và Điều 23 thành Điều 22 và sửa đổi như sau: “Điều 22. Hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiểu ra công chúng và thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán đại chúng Việc chào bán cổ phần ra công chúng và cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán đại chúng thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.” 29. Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 24 như sau: “g) Các tài liệu khác theo quy định tại Điều 22 Nghị định này” 30. Bãi bỏ Điều 28. 31. Bãi bỏ khoản 1 Điều 29. Điều 2. Điều khoản thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2010. Điều 3. Tổ chức thực hiện 1. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (5b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "02/08/2010", "sign_number": "84/2010/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-79-2016-TT-BTC-huong-dan-tham-dinh-tai-chinh-du-an-vay-lai-tu-nguon-von-vay-nuoc-ngoai-315287.aspx
Thông tư 79/2016/TT-BTC hướng dẫn thẩm định tài chính dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 79/2016/TT-BTC Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2016 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THẨM ĐỊNH TÀI CHÍNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VAY LẠI TỪ NGUỒN VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/6/2009; Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Căn cứ Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công; Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện thẩm định tài chính các chương trình, dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về thẩm định tài chính đối với: a) Thẩm định khi quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư vay lại toàn bộ hoặc một phần từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ; b) Thẩm định cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho các doanh nghiệp. 2. Các chương trình, dự án đầu tư theo phương thức cơ quan cho vay lại chịu rủi ro toàn bộ thực hiện thẩm định và cho vay theo quy định của tổ chức tài chính tín dụng, phù hợp với quy định của pháp luật và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. 3. Việc thẩm định cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật về cho vay lại chính quyền địa phương. Điều 2. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm cơ quan quyết định đầu tư, Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại, người vay lại và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thẩm định tài chính các chương trình, dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Điều 3. Giải thích từ ngữ Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu thống nhất với các từ ngữ của Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17/6/2009, Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 78/2010/NĐ-CP) và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định số 16/2016/NĐ-CP). Các từ ngữ khác được hiểu như sau: 1. Tỷ số lợi ích trên chi phí của dự án (B/C) là tỷ lệ giữa giá trị hiện tại của dòng lợi ích và giá trị hiện tại của dòng chi phí được xác định trong vòng đời dự án. 2. Giá trị hiện tại ròng (NPV) là giá trị của toàn bộ dòng tiền ròng của dự án trong tương lai chiết khấu về thời điểm hiện tại. 3. Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) là tỷ suất chiết khấu mà với tỷ suất này giá trị hiện tại ròng của dự án bằng 0 (không). 4. Công thức tính các chỉ số tài chính nêu tại khoản 1, 2 và 3 điều này được hướng dẫn tại Phụ lục 1 và 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 4. Nguyên tắc thẩm định 1. Thẩm định phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch và thận trọng. 2. Cơ quan quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. 3. Người vay lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lệ, hợp lý, đúng pháp luật của số liệu, thông tin, thông số, dữ liệu đầu vào cung cấp cho cơ quan thẩm định phục vụ cho việc tính toán phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án và năng lực tài chính của người vay lại. 4. Đối với các chương trình, dự án đầu tư áp dụng phương thức cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng một phần, việc thẩm định tài chính thực hiện theo các quy định tại Thông tư này và quy định của cơ quan cho vay lại. 5. Việc thẩm định tài chính để quyết định đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, Thông tư này và pháp luật liên quan. 6. Việc thẩm định tài chính để cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 78/2010/NĐ-CP, Thông tư này và pháp luật liên quan. Điều 5. Phương pháp thẩm định 1. Khi thẩm định phương án tài chính của dự án vay lại, việc xác định tỷ suất chiết khấu của dự án (r), tỷ số lợi ích trên chi phí của dự án (B/C), giá trị hiện tại ròng (NPV) và tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 của Thông tư này. 2. Khi thẩm định năng lực tài chính của người vay lại, việc xác định các chỉ số tài chính thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 của Thông tư này. Chương II NỘI DUNG THẨM ĐỊNH Điều 6. Thẩm định điều kiện được vay lại 1. Thẩm định việc đáp ứng quy định và điều kiện vay lại, bao gồm các điều kiện tài chính và việc đảm bảo các điều kiện về trình tự thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; người vay lại phải đảm bảo năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu theo quy định, có phương án kinh doanh hiệu quả cho thấy trả được nợ, thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay. 2. Điều kiện được vay lại đối với người vay lại áp dụng theo quy định tại Luật Quản lý nợ công. Điều 7. Thẩm định năng lực tài chính của người vay lại 1. Thẩm định năng lực tài chính của người vay lại thông qua thẩm định các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liên tục gần nhất so với năm thực hiện thẩm định năng lực tài chính của người vay lại. 2. Trường hợp người vay lại chưa đủ 3 năm hoạt động thì phải có văn bản cam kết của đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ về đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp người vay lại gặp khó khăn trong việc trả nợ. Trường hợp không có các bảo đảm này, người vay lại phải có bảo lãnh trách nhiệm trả nợ của một ngân hàng thương mại hoặc hình thức bảo đảm khác được Cơ quan cho vay lại thẩm tra về tính khả thi và tính tuân thủ theo pháp luật hiện hành. Điều 8. Thẩm định phương án vay vốn và khả năng trả nợ của người vay lại 1. Thẩm định phương án sử dụng vốn vay, bao gồm khả năng bố trí và thu hồi vốn đầu tư của dự án, trong đó xác định rõ: a) Nguồn vốn đầu tư (gồm vốn chủ sở hữu, vốn liên kết, liên doanh thực hiện dự án, vốn được ngân sách cấp, vốn vay và vốn khác theo quy định của pháp luật); b) Chi phí dự án; c) Khả năng bố trí vốn đầu tư, khả năng tạo doanh thu, dòng tiền của dự án. 2. Thẩm định các chỉ tiêu đánh giá phương án tài chính thông qua phương pháp thẩm định nêu tại Điều 5 Thông tư này. 3. Xác định khả năng trả nợ theo lịch trả nợ của khoản vay lại, sự thiếu hụt trong dòng tiền trả nợ (nếu có), đề xuất phương án bù đắp thiếu hụt. Điều 9. Thẩm định tài sản bảo đảm khoản vay của người vay lại Việc thẩm định tài sản bảo đảm khoản vay lại nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định về tài sản đảm bảo khoản vay lại tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP và Thông tư số 139/2015/TT-BTC ngày 3/9/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc đảm bảo tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Điều 10. Đánh giá, nhận xét các yếu tố phi tài chính Đánh giá, nhận xét các yếu tố phi tài chính bao gồm: 1. Lĩnh vực kinh doanh; trình độ, năng lực và kinh nghiệm của ban lãnh đạo; mô hình quản trị của người vay lại. 2. Mối quan hệ kinh tế, tài chính, vay vốn và trả nợ của người vay lại với bạn hàng, khách hàng và các tổ chức cho vay. Điều 11. Đánh giá rủi ro và giải pháp giảm thiểu rủi ro Cơ quan cho vay lại cho ý kiến về các rủi ro và đánh giá hiệu quả của dự án theo các phương án rủi ro; đánh giá các giải pháp giảm thiểu rủi ro do người vay lại đề xuất. Chương III QUY TRÌNH VÀ HỒ SƠ THẨM ĐỊNH Điều 12. Thẩm định tại cơ quan quyết định đầu tư 1. Khi lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thuộc diện áp dụng cơ chế cho vay lại, Cơ quan quyết định đầu tư đề xuất về người vay lại và đề xuất phương thức cho vay lại theo một trong các phương thức sau: a) Cho vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng. b) Cho vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng một phần hoặc toàn bộ. c) Các tổ chức tài chính, tín dụng vay lại theo chương trình, hạn mức tín dụng. 2. Khi thẩm định văn kiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cơ quan quyết định đầu tư tổ chức việc thẩm định phương án tài chính của dự án vay lại, việc đáp ứng điều kiện vay lại của người vay lại theo các quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này. a) Nội dung thẩm định tài chính thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này. b) Để phục vụ cho việc thẩm định tài chính, chủ dự án gửi cơ quan thẩm định các tài liệu nêu tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này (trừ điểm c). c) Thời gian thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 16/2016/NĐ-CP. 3. Kinh phí phục vụ công tác thẩm định a) Kinh phí phục vụ công tác thẩm định tại cơ quan quyết định đầu tư được chi trả từ nguồn kinh phí của cơ quan quyết định đầu tư. b) Nội dung và mức chi cho công tác thẩm định thực hiện theo quy định hiện hành. c) Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí phục vụ công tác thẩm định theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Điều 13. Thẩm định tại cơ quan cho vay lại 1. Danh mục hồ sơ thẩm định Người vay lại gửi văn bản tới cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 16 đề nghị thẩm định cho vay lại kèm theo hồ sơ để thẩm định, đồng gửi Bộ Tài chính. Người vay lại chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ, đúng pháp luật của các hồ sơ cung cấp để thực hiện công tác thẩm định cho vay lại; các thông số, số liệu, định mức, đơn giá kinh tế kỹ thuật, dự báo về doanh thu, sản lượng cũng như các số liệu khác trình bày trong văn kiện dự án. Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ. b) Văn kiện chương trình, dự án. c) Quyết định phê duyệt đầu tư của cấp có thẩm quyền. d) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liên tục gần nhất với năm thực hiện thẩm định năng lực tài chính của người vay lại (đối với doanh nghiệp/tổ chức kinh tế đang hoạt động); trường hợp người vay lại chưa đủ 3 năm hoạt động thì phải có văn bản cam kết của đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ về đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp người vay lại gặp khó khăn trong việc trả nợ. Trường hợp không có các bảo đảm này, người vay lại gửi bảo lãnh trách nhiệm trả nợ của một ngân hàng thương mại hoặc tài liệu chứng minh phương án bảo đảm khác để cơ quan thẩm định kiểm tra về tính khả thi và tính tuân thủ theo pháp luật hiện hành. Trường hợp người vay lại là công ty mẹ, báo cáo tài chính bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty. Trường hợp công ty con hạch toán độc lập vay vốn với sự bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của công ty mẹ, báo cáo tài chính bao gồm báo cáo tài chính của công ty con, báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty. đ) Báo cáo về quan hệ tín dụng của người vay lại với các tổ chức cho vay đến thời điểm gần nhất với thời điểm thẩm định tài chính; bảng kê các hợp đồng tín dụng người vay lại đã ký và tình hình thực hiện vay, trả nợ đối với các hợp đồng tín dụng; các khoản bảo lãnh, bảo đảm cho bên thứ ba. e) Hồ sơ về phương án bảo đảm tiền vay theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. g) Phương án tài chính dựa trên cơ sở tham chiếu các điều kiện cho vay lại theo quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay lại theo Luật Quản lý nợ công. 2. Thời hạn và nội dung thẩm định tại cơ quan cho vay lại a) Thời hạn thẩm định - Người vay lại có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan cho vay lại để thẩm định. Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, cơ quan cho vay lại có văn bản thông báo cho người vay lại. Trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận thông báo, người vay lại có trách nhiệm bổ sung hồ sơ theo quy định. - Trong trường hợp cần thiết, để kiểm tra tính chắc chắn, khả thi của các giả định sử dụng trong tính toán hiệu quả tài chính của dự án, Cơ quan cho vay lại có thể đề nghị cung cấp thêm tài liệu để xác nhận cơ sở đưa ra giả định hoặc xin ý kiến các cơ quan quản lý liên quan. - Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người vay lại, cơ quan cho vay lại thực hiện thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định cho Bộ Tài chính. b) Nội dung thẩm định Báo cáo kết quả thẩm định cần làm rõ các nội dung sau: - Đánh giá về việc thỏa mãn các điều kiện được sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo cơ chế cho vay lại theo quy định của pháp luật. - Đánh giá năng lực tài chính của người vay lại. - Đánh giá về phương án tài chính của dự án sử dụng vốn vay lại do người vay lại lập, cơ sở đưa ra các giả định về doanh thu, chi phí, điều kiện cho vay lại của dự án. - Đánh giá về phương án sử dụng tài sản bảo đảm do người vay lại đề xuất. - Đánh giá mức độ rủi ro của phương án sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của người vay lại theo các phương án rủi ro cơ bản; đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro. - Cho ý kiến rõ về khả năng trả nợ (hay không trả được nợ) của dự án, người vay lại; và các điều kiện vay lại áp dụng đối với người vay lại theo quy định hiện hành. Điều 14. Thẩm tra tại Bộ Tài chính 1. Sau khi nhận được báo cáo kết quả thẩm định do Cơ quan cho vay lại gửi, Bộ Tài chính xem xét các nội dung sau: a) Xem xét tính phù hợp về hồ sơ thẩm định, quy trình và phương pháp thẩm định được áp dụng tại Cơ quan cho vay lại. b) Xem xét hướng xử lý các khác biệt về quan điểm, đánh giá về khả năng trả nợ giữa Người vay lại và Cơ quan cho vay lại. c) Đánh giá về kết quả thẩm định của Cơ quan cho vay lại, trong đó bao gồm: - Đánh giá về kết luận thẩm định của Cơ quan cho vay lại; trường hợp kết luận của Cơ quan cho vay lại về phương án tài chính của chương trình, dự án và năng lực tài chính của chủ dự án khác với đánh giá của Cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính xin lại ý kiến cơ quan chủ quản để quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. - Kiến nghị về việc cho vay lại hoặc không cho vay lại; các giải pháp phòng ngừa rủi ro khi cho vay lại. d) Xem xét khuyến nghị của Người vay lại, Cơ quan cho vay lại về giải pháp bảo đảm, hỗ trợ cần thiết từ Người vay lại hoặc bên thứ ba trong trường hợp dự án thiếu nguồn trả nợ tạm thời. 2. Trên cơ sở kết quả thẩm tra về báo cáo thẩm định của Cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định theo thẩm quyền việc cho vay lại đối với chương trình, dự án và thông báo điều kiện cho vay lại cho Cơ quan cho vay lại và người vay lại. 3. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, để có ý kiến đánh giá hỗ trợ cho Bộ Tài chính trong việc quyết định phê duyệt khoản vay lại, Bộ Tài chính có thể tham vấn các tổ chức độc lập, cá nhân có chuyên môn để đánh giá lại kết quả thẩm định của Cơ quan cho vay lại đối với phương án tài chính của dự án và năng lực tài chính của người vay lại. Tổ chức, chuyên gia độc lập, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. 4. Kinh phí phục vụ công tác thẩm tra, thẩm định a) Chi phí hành chính đối với tổ chức, chuyên gia đánh giá độc lập tại Bộ Tài chính được chi trả từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Bộ Tài chính hoặc nguồn phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh do Bộ Tài chính thu theo quy định. b) Hàng năm, đơn vị chủ trì công tác cho vay lại lập dự toán chi phí đối với công tác thẩm định nêu tại Điều này gửi Bộ Tài chính để tổng hợp và phê duyệt trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Tài chính. Việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Chương IV TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan quyết định đầu tư 1. Cơ quan quyết định đầu tư tổ chức việc thẩm định, quyết định đầu tư, bao gồm thẩm định phương án tài chính của dự án vay lại, năng lực tài chính của người vay lại theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, các quy định hiện hành và quy định tại Thông tư này. 2. Cơ quan quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định dự án đầu tư, hiệu quả dự án đầu tư, trong đó có thẩm định tài chính theo quy định của pháp luật. Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Tài chính 1. Thông báo cho cơ quan quyết định đầu tư và người vay lại về cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền đối với dự án vay lại. 2. Trên cơ sở quyết định đầu tư của cơ quan có thẩm quyền và xem xét kết quả thẩm định của Cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hoặc quyết định theo thẩm quyền việc cho vay lại đối với chương trình, dự án. Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan cho vay lại do Bộ Tài chính ủy quyền 1. Thực hiện thẩm định phương án tài chính của dự án vay lại và năng lực tài chính của người vay lại theo quy định tại Nghị định số 78/2010/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư này. 2. Báo cáo kết quả thẩm định cho Bộ Tài chính. 3. Kiến nghị rõ việc cho vay lại hoặc không cho vay lại đối với dự án, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định. Điều 18. Trách nhiệm của người vay lại Người vay lại chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ, đúng pháp luật về số liệu, thông tin, thông số, dữ liệu đầu vào cung cấp cho cơ quan quyết định đầu tư, Bộ Tài chính và cơ quan cho vay lại phục vụ cho việc tính toán phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án và năng lực tài chính của người vay lại. Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 19. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2016. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Tổng Bí thư; - VPTW Đảng và các Ban của Đảng; - VP Chủ tịch nước; - VP Quốc hội; - VPCP; - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP; - UBND tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cơ quan TW các tổ chức, đoàn thể; - TAND tối cao; - VKSND tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Sở Tài chính, KBNN tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - VP Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng; - Công báo; - Website Chính phủ; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Website Bộ Tài chính; - Lưu: VT, QLN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà PHỤ LỤC 1 (Ban hành kèm theo Thông tư số 79/2016/TT-BTC ngày 6/6/2016 của Bộ Tài chính) Công thức tính toán các chỉ số tài chính Cơ quan thẩm định phương án tài chính của dự án vay lại thông qua việc xác định Tỷ suất chiết khấu của dự án (r), Hiện giá sinh lời của dự án, Giá trị hiện tại ròng (NPV) và Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR). 1. Tỷ suất chiết khấu của dự án (r): Trong trường hợp dự án được đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau thì r được tính theo phương pháp bình quân gia quyền: Trong đó: - V1, V2,... Các nguồn vốn vay trung, dài hạn - Vtc: nguồn vốn tự có của chủ đầu tư - r1, r2,..: lãi suất tiền vay - rtc: tỷ suất chiết khấu (tỷ suất chi phí vốn) mong muốn của chủ dự án 2. Tỷ số lợi ích trên chi phí của dự án (B/C): là tỷ lệ giữa hiện giá dòng lợi ích và hiện giá dòng chi phí được xác định trong vòng đời dự án. Dự án chỉ có hiệu quả khi chỉ số sinh lời > 1 Trong đó: * Bi: Tổng lợi ích của dự án ở năm i Bi = B0i + Tkhi + Vbi Bao gồm: - B0i: Doanh thu hàng năm của dự án - Tkhi: Các khoản thu khác tại năm i - Vbi: Giá trị còn lại chưa chiết khấu hết hoặc chưa chiết khấu (nếu có) của tài sản cố định vào năm tính toán cuối cùng tại năm i (i chạy từ 1 đến n) * Ci: Tổng chi phí của dự án ở năm i Ci = Iti + C0ti Bao gồm: - Iti: Tổng chi phí đầu tư (nếu có) năm i - C0ti: Chi phí hoạt động hàng năm của dự án tại năm i C0ti = Cti - (Dti + Lti) + Tni Bao gồm: - Cti: Chi phí giá thành năm i của dự án - Dti: Khấu hao tài sản cố định năm i của dự án - Lti: Lãi vay vốn cố định tính vào giá thành sản phẩm năm i - Tni: Các khoản thuế năm i (bao gồm: GTGT + Vk + Vtn) - Vbi: Giá trị còn lại chưa chiết khấu hết hoặc chưa chiết khấu (nếu có) của tài sản cố định vào năm tính toán cuối cùng tại năm i (i chạy từ 1 đến n). * r: Tỷ suất chiết khấu được chọn Ý nghĩa: Tỷ số lợi ích trên chi phí của dự án cho biết 1 đồng hiện giá chi phí bỏ ra trong dự án có khả năng thu được bao nhiêu đồng hiện giá lợi ích - Trường hợp B/C>1: Dự án có hiệu quả về tài chính. - Trường hợp B/C<1: Dự án không có hiệu quả. 3. Giá trị hiện tại ròng (NPV) Giá trị hiện tại ròng (NPV) là giá trị thu nhập ròng của dự án trong tương lai quy về thời điểm hiện tại. Trong đó: • i - thời gian tính dòng tiền • n - tổng thời gian thực hiện dự án • r - tỉ lệ chiết khấu • Bi: Tổng lợi ích của dự án ở năm i • Ci: Tổng chi phí của dự án ở năm i Ý nghĩa: Giá trị hiện tại ròng đánh giá liệu tổng giá trị hiện tại dòng doanh thu dự kiến trong tương lai có bù đắp được chi phí ban đầu hay không. - Trường hợp NPV>0: Dự án có hiệu quả về tài chính - Trường hợp NPV<0: Dự án không có hiệu quả. 4. Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) là tỷ suất chiết khấu mà với tỷ suất này giá trị hiện tại ròng của dự án bằng 0 (không). Trong đó: • t - thời gian tính dòng tiền • n - tổng thời gian thực hiện dự án • IRR - tỷ suất thu hồi vốn nội bộ • Ct - dòng tiền thuần tại thời gian t • C0 - chi phí ban đầu để thực hiện dự án Ý nghĩa: Tỷ suất thu hồi vốn nội bộ (IRR) là tốc độ tăng trưởng mà một dự án có thể tạo ra được, IRR cho nhà đầu tư biết được chi phí sử dụng vốn cao nhất có thể chấp nhận được. - Trường hợp dự án có IRR > tỷ suất chiết khấu thì dự án có hiệu quả về tài chính. Nếu IRR càng lớn thì dự án có hiệu quả tài chính càng cao. - Trường hợp dự án có IRR < tỷ suất chiết khấu thì dự án có hiệu quả về tài chính thấp. IRR là phương pháp đơn giản nhưng đối với các dự án dài hạn có dòng tiền khác nhau và tỉ lệ chiết khấu khác nhau, các dự án có dòng tiền không ổn định, thì IRR không phải là chỉ số tốt mà nên lựa chọn NPV để đánh giá./. PHỤ LỤC 2 (Ban hành kèm theo Thông tư số 79/2016/TT-BTC ngày 6/6/2016 của Bộ Tài chính) Công thức tính toán các chỉ số tài chính Khi thẩm định năng lực tài chính của người vay lại, Cơ quan thực hiện thẩm định căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và xác định các chỉ số tài chính sau đây: 1. Nhóm các chỉ số cơ cấu vốn: a. Tỷ suất đảm bảo trả nợ (DSCR - Debt service coverage ratio): là tỷ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh / Nợ phải trả hàng năm. Ý nghĩa: - Trường hợp DSCR >1: Dự án có khả năng tạo ra lợi nhuận đủ để trang trải các khoản nợ từ dòng tiền của mình. - Trường hợp DSCR <1: Dòng tiền của dự án có các dấu hiệu xấu, dự án gặp khó khăn trong việc trang trải các khoản nợ từ dòng tiền của mình. b. Tỷ suất nợ / vốn chủ sở hữu (D/E - Debt to Equity ratio): là tỷ lệ Các khoản nợ phải trả/ Tổng vốn chủ sở hữu. Ý nghĩa: - Trường hợp D/E <1: Tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu. Hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính - Trường hợp D/E >1: Tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ. c. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu đã đóng góp trên vốn điều lệ. Trường hợp vốn điều lệ lớn hơn vốn chủ sở hữu có thể bắt nguồn từ việc chưa góp đủ vốn hay vốn chủ sở hữu giảm đi do phần lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 2. Nhóm các chỉ số hoạt động: a. Tỷ suất lợi nhuận / vốn chủ sở hữu (ROE - Return on equity): ROE Lợi nhuận ròng Vốn chủ sở hữu Trong đó: - Lợi nhuận ròng (Net income): Là lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường (sau khi đã trả cổ tức cho cổ đông ưu đãi). - Vốn chủ sở hữu (Equity): Là vốn cổ phần của cổ đông (Shareholder’s Equity). Ý nghĩa: Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận. Tỷ lệ này có thể đánh giá ở các góc độ cụ thể như sau: - ROE ≤ lãi suất vay ngân hàng: Lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng. - ROE > lãi suất vay ngân hàng: Lợi nhuận thu được dư trả lãi vay, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thị trường chưa để có thể đánh giá doanh nghiệp có thể tăng tỷ lệ ROE trong tương lai hay không. b. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI - Return on investment): là tỷ lệ Thu nhập ròng / Tổng tài sản. ROI = Thu nhập ròng x Doanh số bán = Thu nhập ròng Doanh số bán Tổng tài sản Tổng tài sản Ý nghĩa: Hệ số này thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của một công ty với một lượng tài sản nhất định trong tay. c. Tỷ lệ tự huy động vốn (tỷ lệ % vốn tự huy động). d. Tỷ suất tự tài trợ (SFR - Self-finance ratio): Tỷ suất tự tài trợ = Nguồn vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản Ý nghĩa: Hệ số này phản ánh tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản của doanh nghiệp. Để xác định mức độ phù hợp về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong trong nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động và chính sách của từng doanh nghiệp cũng như từng ngành. Tỷ số này cao chứng tỏ khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp, nhưng cũng cho thấy doanh nghiệp chưa tận dụng đòn bẩy tài chính nhiều. 3. Nhóm các chỉ số thanh toán: a. Tỷ số khả năng thanh toán hiện hành (current ratio): là tỷ lệ giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn. Ý nghĩa: Tỷ số khả năng thanh toán hiện hành cho biết khả năng của một công ty trong việc dùng các tài sản ngắn hạn như tiền mặt, hàng tồn kho hay các khoản phải thu để chi trả cho các khoản nợ ngắn hạn của mình. - Tỷ số thanh toán hiện hành > 1: Công ty càng có nhiều khả năng sẽ hoàn trả được hết các khoản nợ ngắn hạn. Mặt khác, nếu tỷ số này quá cao cũng không phải là một dấu hiệu tốt bởi vì nó cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tài sản chưa được hiệu quả. - Tỷ số thanh toán hiện hành < 1: Công ty đang ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là công ty sẽ phá sản bởi vì có rất nhiều cách để huy động thêm vốn. b. Tỷ số khả năng thanh toán nhanh (quick ratio): là tỷ lệ giữa tiền và các khoản tương đương tiền cộng các khoản phải thu cộng các khoản đầu tư ngắn hạn trên nợ ngắn hạn. Ý nghĩa: Tỷ số thanh toán nhanh cho biết liệu công ty có đủ các tài sản ngắn hạn để trả cho các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho hay không. Tỷ số này phản ánh chính xác hơn tỷ số thanh toán hiện hành. - Tỷ số thanh toán nhanh < 1: Doanh nghiệp sẽ khó có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn và phải được xem xét cẩn thận. - Tỷ số thanh toán nhanh >1: Doanh nghiệp có khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn mà không cần phải bán hàng tồn kho./.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "06/06/2016", "sign_number": "79/2016/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Nghi-dinh-41-2003-ND-CP-thanh-lap-xa-thuoc-huyen-Cai-Nuoc-U-Minh-tinh-Ca-Mau-6900.aspx
Nghị định 41/2003/NĐ-CP thành lập xã thuộc huyện Cái Nước U Minh, tỉnh Cà Mau mới nhất
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 41/2003/NĐ-CP Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2003 NGHỊ ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP XÃ THUỘC CÁC HUYỆN CÁI NƯỚC VÀ U MINH, TỈNH CÀ MAU CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. Nay điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã Tân Hải thuộc huyện Cái Nước và xã Khánh Hội thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau như sau : 1. Thành lập xã Tân Hải thuộc huyện Cái Nước trên cơ sở 4.233,56 ha diện tích tự nhiên và 9.532 nhân khẩu của xã Phú Tân. Địa giới hành chính xã Tân Hải : Đông giáp xã Tân Hưng Tây; Tây giáp biển Đông; Nam giáp thị trấn Cái Đôi Vàm; Bắc giáp xã Phú Tân. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Tân Hải, xã Phú Tân còn lại 5.682,47 ha diện tích tự nhiên và 15.130 nhân khẩu. 2. Thành lập xã Khánh Hội thuộc huyện U Minh trên cơ sở 3.360,80 ha diện tích tự nhiên và 9.780 nhân khẩu của xã Khánh Lâm. Địa giới hành chính xã Khánh Hội : Đông giáp xã Khánh Lâm; Tây giáp biển Đông; Nam giáp huyện Trần Văn Thời; Bắc giáp xã Khánh Hoà. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã Khánh Hội, xã Khánh Lâm còn lại 11.230,87 ha diện tích tự nhiên và 11.096 nhân khẩu. Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Mọi quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ. Điều 3. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./. Nơi nhận : - HĐND, UBND tỉnh Cà Mau, - Ban Tổ chức Trung ương, - Các Bộ : Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, - Tổng cục Thống kê, - Cục Lưu trữ Nhà nước, - Công báo, - VPCP : BTCN, các PCN, các Vụ : ĐP, TCCB, TH, - Lưu : NC (5) VT. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "22/04/2003", "sign_number": "41/2003/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-lien-tich-81-2003-TTLT-BTC-BGD-DT-huong-dan-noi-dung-muc-chi-quan-ly-kinh-phi-Chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giao-duc-dao-tao-2005-6423.aspx
Thông tư liên tịch 81/2003/TTLT-BTC-BGD&ĐT hướng dẫn nội dung mức chi quản lý kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo 2005
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ TÀI CHÍNH ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 81/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2003 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, MỨC CHI VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2005 Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 04/05/2001 của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005; Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/03/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia; Căn cứ Quyết định số 26/2003/QĐ-TTg ngày 17/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2005; Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung, mức chi và quản lý kinh phí đối với các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2005 như sau: I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG: 1- Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và Đào tạo được cân đối trong dự toán chi ngân sách Trung ương, được sử dụng theo đúng các nội dung hoạt động của chương trình. Việc cấp phát, quản lý, thanh quyết toán kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước. Các Bộ, ngành và các địa phương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính các cấp quản lý chặt chẽ kinh phí của Chương trình, kiểm tra các khoản chi tiêu theo đúng mục tiêu, nội dung, chế độ quy định. 2- Ngoài kinh phí do ngân sách Trung ương cấp cho các Bộ, ngành và các địa phương; Các cấp chính quyền địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần huy động thêm các nguồn kinh phí khác như: đóng góp tự nguyện của cá nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước (bằng tiền, hiện vật, công lao động...), bổ sung từ ngân sách địa phương và kinh phí của các Bộ, ngành để thực hiện các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí huy động thêm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và các chế độ quản lý tài chính hiện hành. II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ: A- Nội dung và một số mức chi chủ yếu: 1- Dự án củng cố và phát huy kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Kinh phí của Dự án được chi cho các nội dung sau đây: 1.1- Chi cho việc tổ chức các lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở: 1.1.1- Chi mua sách giáo khoa, học phẩm tối thiểu cho học viên. 1.1.2- Cấp sách giáo khoa, học phẩm tối thiểu cho học sinh ở các cơ sở giáo dục thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; học sinh học chương trình bổ túc trung học cơ sở theo phương thức không chính quy vì hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. 1.1.3- Chi mua tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa, văn phòng phẩm cho giáo viên. 1.1.4- Chi mua hồ sơ theo dõi, biểu mẫu in sẵn, sổ điểm, sổ học bạ, giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp, chi thắp sáng (đối với lớp học ban đêm), chi tổ chức thi tốt nghiệp. Mức chi cho các nội dung nêu trên (1.1.1, 1.1.2, 1.1.3, 1.1.4) theo thực tế phát sinh tại địa phương và do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. 1.1.5- Chi thù lao cho giáo viên: Giáo viên thuộc biên chế ngành giáo dục đứng lớp dạy kiêm nhiệm được hưởng thù lao theo chế độ quy định tại Thông tư số 17/TT-LB ngày 27/7/1995 của Liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo "Hướng dẫn chế độ trả lương dạy thêm giờ và phụ cấp dạy lớp ghép của ngành giáo dục và đào tạo" và các quy định hiện hành. Đối với những người ngoài biên chế ngành giáo dục, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, có nhu cầu tham gia giảng dạy các lớp xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở, khi được Phòng Giáo dục ký hợp đồng thì được hưởng mức thù lao tương đương với giáo viên trong biên chế dạy cùng bậc học. 1.2- Chi cho công tác điều tra cơ bản, bao gồm chi xây dựng phiếu điều tra, thu thập và nhập số liệu điều tra được vận dụng theo quy định tại Thông tư số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ‘‘Hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ’’. 1.3- Chi hỗ trợ hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã; Chi hỗ trợ cho cán bộ tổ chức, quản lý lớp học. Mức chi cụ thể do Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá nghiên cứu đề xuất trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. 1.4- Chi công tác kiểm tra, chỉ đạo, công nhận phổ cập: thực hiện chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính ‘‘Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ công chức Nhà nước đi công tác trong nước’’. 1.5- Chi phụ cấp lưu động cho cán bộ làm chuyên trách công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở cấp Sở, cấp phòng, cấp xã và cấp trường phải thường xuyên đi đến các thôn, bản, phum, sóc. Mức phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9/7/2001 của Chính phủ về "Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn". 1.6- Chi cho công tác tuyên truyền, thi đua, khen thưởng, hội nghị, tập huấn... thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước. 2- Dự án đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa: 2.1- Nhiệm vụ chi của các cơ quan Trung ương: 2.1.1- Chi biên soạn chương trình, giáo trình đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp: Thực hiện theo Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học”. 2.1.2- Chi biên soạn chương trình, sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, sách hướng dẫn nghiệp vụ cho các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông kỹ thuật và giáo dục không chính quy. Cụ thể như sau: a- Xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học: - Thù lao thu thập tài liệu nước ngoài: 2.000 đồng - 5.000 đồng/trang. - Biên soạn chương trình: 100.000 đồng/tiết. - Sửa chữa, biên tập tổng thể: 30.000 đồng/tiết. - Đọc phản biện, nhận xét: 10.000 đồng/tiết/người. b- Biên soạn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, sách hướng dẫn nghiệp vụ: - Thù lao cho tác giả: 100.000 đồng - 300.000 đồng/tiết. - Thù lao cho chủ biên: 45.000 đồng/tiết. - Thù lao cho tổng chủ biên: 30.000 đồng/tiết. - Thù lao đọc góp ý đề cương: 100.000 đồng - 300.000 đồng/1 bản đề cương. - Thù lao đọc góp ý bản thảo: 1.000 đồng - 3.000 đồng/1 trang bản thảo/người (trang bản thảo khổ 14,5 x 20,5 cm). c- Thù lao dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: không quá 35.000 đồng/trang 300 từ. d- Thù lao minh hoạ sách: - Thù lao cho bìa: 100.000 đồng - 300.000 đồng/bìa. - Thù lao can, vẽ kỹ thuật: 1.000 đồng - 15.000 đồng/hình. - Thù lao vẽ hình minh hoạ có tính nghệ thuật: 20.000 đồng - 200.000 đồng/hình. e- Chi cho tổ chức hoàn thiện sách: Chủ nhiệm “Dự án đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa” xem xét sự cần thiết và quyết định tổ chức trại hoàn thiện sách đối với từng loại sách cụ thể. Trong thời gian tập trung theo quy định để hoàn thiện sách trước khi tổ chức thẩm định, được chi các nội dung sau: - Chi thù lao cho tác giả, biên tập viên: 80.000 đồng/người/ngày. - Chi phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt (tác giả, biên tập viên, thành viên ban tổ chức): 55.000 đồng/người/ngày. - Tiền nước uống: 15.000 đồng/người/ngày. - Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế. - Ban tổ chức thanh toán tiền thuê chỗ ở, chỗ làm việc tập trung theo Hợp đồng với loại khách sạn trung bình. f- Chi cho thẩm định sách: Trong thời gian tập trung để tổ chức thẩm định sách được chi các nội dung sau: - Chi phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt: 55.000 đồng/người/ngày. - Tiền nước uống: 15.000 đồng/người/ngày. - Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế. - Ban tổ chức thanh toán tiền thuê chỗ ở, chỗ làm việc tập trung cho hội đồng thẩm định theo Hợp đồng với loại khách sạn trung bình. - Chi đọc thẩm định: 15.000 đồng/tiết/người. - Chi thù lao cho các thành viên Hội đồng thẩm định (tính cho những ngày tổ chức thẩm định sách): + Chủ tịch Hội đồng thẩm định: 50.000 đồng/ngày. + Phó chủ tịch, Uỷ viên thư ký Hội đồng thẩm định: 40.000 đồng/ngày/người. Ban chủ nhiệm Dự án báo cáo Ban chủ nhiệm chương trình quyết định mức chi cụ thể đối với những nội dung chi có quy định khung mức chi nêu trên. 2.1.3- In ấn sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tự chọn (nếu có) để cấp phát cho học sinh và giáo viên các trường tham gia dạy thí điểm. Nhà xuất bản Giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này theo đúng chi phí thực tế phát sinh. 2.1.4- Tổ chức nghiên cứu chế tạo, thẩm định, duyệt mẫu thiết bị phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới. Mức chi được thanh toán theo hợp đồng thực tế. 2.1.5- Biên soạn các loại sách dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Căn cứ vào các nội dung và mức chi đã quy định tại Điểm 2.1.2 trên đây, Ban chủ nhiệm Dự án báo cáo Ban chủ nhiệm chương trình quyết định mức chi cụ thể. 2.1.6- Thù lao biên soạn, đánh máy, in ấn các loại tài liệu, văn bản hướng dẫn triển khai, tuyên truyền, giới thiệu về đổi mới chương trình, nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học. Căn cứ các nhiệm vụ cụ thể và thực tế phát sinh, Ban chủ nhiệm Dự án xem xét, quy định mức chi với nguyên tắc hợp lý, tiết kiệm. 2.1.7- Kiểm tra thực hiện giảng dạy thí điểm tại các trường thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới: - Tiền tàu xe, tiền thuê chỗ ở tại nơi đến công tác theo mức quy định tại Thông tư số 94/1998/TT-BTC ngày 30/6/1998 của Bộ Tài chính “Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước”. - Tiền phụ cấp công tác phí: Tại các tỉnh đồng bằng, trung du mức phụ cấp không quá 30.000 đồng/ngày/người; Tại các vùng núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu mức phụ cấp không quá 60.000 đồng/ngày/người. 2.1.8- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình và sách giáo khoa mới cho giảng viên cốt cán cấp tỉnh, thành phố: Mức chi theo quy định của chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn, công tác phí hiện hành. 2.1.9- Chi phụ cấp cho các thành viên Ban chủ nhiệm chương trình và Ban chủ nhiệm các Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo: 200.000 đồng/tháng/người. 2.1.10- Một số nội dung chi khác có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban chủ nhiệm chương trình mục tiêu quốc gia căn cứ vào chế độ, định mức, tiêu chuẩn hiện hành để quyết định mức chi cụ thể; trường hợp chưa có quy định, phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu hướng dẫn. 2.2- Nhiệm vụ chi của địa phương: 2.2.1- Mua sách cho giáo viên (sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên, hướng dẫn nghiệp vụ), mua sách cho học sinh diện chính sách và học sinh thuộc xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (sách giáo khoa, sách bài tập). Mức chi thanh toán theo giá bìa của Nhà xuất bản Giáo dục. 2.2.2- Mua đồ dùng giảng dạy và học tập theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, trên cơ sở Danh mục thiết bị do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 2.2.3- Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy thí điểm và tất cả giáo viên dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới: Mức chi theo quy định của chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn, công tác phí hiện hành. 2.2.4- Chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu, giáo viên dạy thí điểm; Chi phụ cấp cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và các thành viên ban chỉ đạo các cấp tại địa phương, bao gồm: - Chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu: 10.000 đồng/tiết dạy mẫu. - Chi bồi dưỡng giáo viên dạy thí điểm: 5.000 đồng/tiết dạy thí điểm. - Chi phụ cấp trách nhiệm cho Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và các thành viên Ban chỉ đạo các cấp thực hiện thí điểm tối đa 150.000 đồng/người/tháng. 3- Dự án đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường, đẩy mạnh dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân: 3.1- Đào tạo cán bộ tin học: - Chi chuẩn hoá, cập nhật chương trình cho các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong đó ưu tiên ngành công nghệ phần mềm. - Chi cho các lớp bồi dưỡng tập trung đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng và đội ngũ giáo viên dạy tin học trong các trường phổ thông. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước. - Chi hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất: Mua sắm trang thiết bị, phần mềm, tài liệu để phục vụ đào tạo công nghệ thông tin. 3.2- Đưa tin học vào nhà trường: - Chi hỗ trợ kết nối Internet cho các trường trung học phổ thông. - Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phòng học đa phương tiện. - Mua phần mềm, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông. 3.3- Chi hỗ trợ nhiệm vụ đẩy mạnh dạy ngoại ngữ: - Chi cho việc tăng cường dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông, các trường đào tạo nghề và trong các trường đại học, cao đẳng. - Chi mua phần mềm tin học để giảng dạy, học tập ngoại ngữ. - Tập huấn cho giáo viên sử dụng phần mềm tin học, ứng dụng vào giảng dạy, học tập ngoại ngữ. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước. 4- Dự án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm: - Chi bồi dưỡng chuẩn hoá, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chu kỳ cho giáo viên các trường, khoa sư phạm dưới các hình thức thích hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các ngành, bậc học. Mức chi áp dụng theo Thông tư số 105/2001/TT-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước. - Sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới nhà học, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà hiệu bộ, ký túc xá sinh viên, nhà ăn, nhà tập đa năng của các trường, khoa sư phạm. - Mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng dạy học phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh các trường, khoa sư phạm. 5- Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng có nhiều khó khăn: - Chi hỗ trợ cho việc sửa chữa, cải tạo, chống xuống cấp, xây dựng mới nhà học, ký túc xá, nhà ăn, nhà hiệu bộ, nhà tập đa năng để hoàn thiện quy hoạch trường học, đáp ứng được quy mô học sinh dân tộc nội trú đối với các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú trung ương, tỉnh, huyện. - Củng cố và xây dựng hệ thống trường bán trú cụm xã, xã và các lớp ghép ở bản, làng, phum, sóc để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. - Chi hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, sách giáo khoa, sách báo thư viện... phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, học tập và sinh hoạt của giáo viên và học sinh. Ưu tiên mua sắm đồ dùng dạy học, thiết bị thực hành để tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh các trường dân tộc nội trú. - Hỗ trợ học phẩm tối thiểu (không bao gồm sách giáo khoa): giấy viết, bút, thước kẻ... cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh các địa phương thuộc miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 6- Dự án tăng cường cơ sở vật chất các trường học, các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; xây dựng một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp trọng điểm: Kinh phí dự án này được sử dụng để đầu tư cho các ngành học, bậc học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp với các nội dung chi sau đây: - Cải tạo, chống xuống cấp và nâng cấp phòng học; Xây dựng thêm phòng học mới để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. - Chi hỗ trợ mua sắm đồ chơi, bàn ghế, máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thực hành, thư viện, máy vi tính... xây dựng nhà ăn, nhà tập, nhà thí nghiệm, thư viện, nhà học đặc thù, công trình vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, sân chơi, bãi tập... - Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để xây dựng một số trường đại học, trung học chuyên nghiệp trọng điểm, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. B- Công tác quản lý tài chính: Việc quản lý, lập dự toán, cấp phát, quyết toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và đào tạo đến năm 2005 thực hiện theo quy trình, nội dung, thời gian, biểu mẫu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, văn bản hướng dẫn Luật và các quy định hiện hành. III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN: Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp. KT/BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỨ TRƯỞNG Đặng Huỳnh Mai KT/BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Nguyễn Công Nghiệp Nơi nhận: - VPQH - VP Chủ tịch nước - VPCP - TANDTC, Viện KSNDTC - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP - Công báo - Lưu: Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT. - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW - Sở GD&ĐT - Sở TC-VG - KBNN
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính", "promulgation_date": "14/08/2003", "sign_number": "81/2003/TTLT-BTC-BGD&ĐT", "signer": "Đặng Huỳnh Mai, Nguyễn Công Nghiệp", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-37-2016-TT-BGTVT-tieu-chuan-chung-chi-dao-tao-huan-luyen-thuyen-vien-dinh-bien-an-toan-toi-thieu-334983.aspx
Thông tư 37/2016/TT-BGTVT tiêu chuẩn chứng chỉ đào tạo huấn luyện thuyền viên định biên an toàn tối thiểu
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 37/2016/TT-BGTVT Hà Nội ngày 25 tháng 11 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN, ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN THUYỀN VIÊN VÀ ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU CỦA TÀU BIỂN VIỆT NAM Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 2010 (Công ước STCW) mà Việt Nam là thành viên; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. 2. Thông tư này áp dụng đối với tàu công vụ trong những trường hợp có quy định cụ thể tại Thông tư này. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Công ước STCW là Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978, sửa đổi năm 2010. 2. Bộ luật STCW là Bộ luật kèm theo Công ước về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978 và các sửa đổi. 3. Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở tàu. 4. Sỹ quan là một thành viên trong thuyền bộ nhưng không phải thuyền trưởng, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm nhiệm chức danh trên tàu biển. 5. Đại phó là sỹ quan boong kế cận thuyền trưởng và là người chỉ huy tàu trong trường hợp thuyền trưởng không còn đủ khả năng chỉ huy tàu. 6. Sỹ quan boong là sỹ quan có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại các điều khoản của Chương II của Công ước STCW. 7. Thủy thủ trực ca OS là thuyền viên có trình độ nghiệp vụ theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc II/4 của Công ước STCW và hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 8. Thủy thủ trực ca AB là thuyền viên có trình độ nghiệp vụ theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc II/4, Quy tắc II/5 của Công ước STCW và hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 9. Máy trưởng là sỹ quan máy cao cấp chịu trách nhiệm về sức đẩy cơ học của tàu và vận hành, bảo dưỡng các thiết bị điện và cơ khí của tàu. 10. Máy hai là sỹ quan máy kế cận máy trưởng, chịu trách nhiệm về sức đẩy cơ học của tàu và vận hành, bảo dưỡng các thiết bị điện, cơ khí của tàu trong trường hợp máy trưởng không còn đủ khả năng đảm nhiệm. 11. Sỹ quan máy là sỹ quan có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc III/1, Quy tắc III/2 và Quy tắc III/3 của Công ước STCW. 12. Thợ máy trực ca Oiler là thuyền viên có trình độ nghiệp vụ theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc III/4 của Công ước STCW và hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 13. Thợ máy trực ca AB là thuyền viên có trình độ nghiệp vụ theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc III/4, Quy tắc III/5 của Công ước STCW và hoàn thành khóa đào tạo chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 14. Sỹ quan kỹ thuật điện là sỹ quan có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc III/6 của Công ước STCW. 15. Thợ kỹ thuật điện là thuyền viên có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại các điều khoản của Quy tắc III/7 của Công ước STCW. 16. Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS là sỹ quan có trình độ nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của các điều khoản của Chương IV của Công ước STCW. 17. Sỹ quan an ninh tàu biển là người làm việc trên tàu chịu trách nhiệm trước thuyền trưởng, được công ty bổ nhiệm chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho tàu bao gồm cả việc thực hiện và duy trì kế hoạch an ninh tàu và liên lạc với sỹ quan an ninh của công ty và sỹ quan an ninh cảng. 18. Nhiệm vụ an ninh bao gồm tất cả công việc liên quan đến an ninh trên tàu được quy định tại Chương XI-2 của Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng trên biển năm 1974 sửa đổi (SOLAS 74 sửa đổi) và Bộ luật quốc tế về An ninh tàu biển và bến cảng (ISPS). 19. Tàu dầu là tàu biển được chế tạo hoặc hoán cải và sử dụng để chuyên chở xô dầu thô và các sản phẩm dầu. 20. Tàu hóa chất là tàu biển được chế tạo hoặc hoán cải và được sử dụng để chở xô các sản phẩm ở dạng lỏng được liệt kê tại Chương 17 của Bộ luật quốc tế về chở xô hóa chất (IBC Code). 21. Tàu khí hóa lỏng là tàu biển được chế tạo hoặc hoán cải và được sử dụng để chở xô chất khí hóa lỏng được quy định tại Chương 19 của Bộ luật quốc tế về chở xô khí hóa lỏng (IGC Code). 22. Tàu khách là tàu biển được quy định tại Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 sửa đổi (SOLAS 74 sửa đổi). 23. Tàu khách Ro-Ro là tàu khách với các khoang hàng Ro-Ro hoặc các khoang đặc biệt được quy định trong Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 sửa đổi (SOLAS 74 sửa đổi). 24. Hành trình gần bờ là hành trình của tàu biển có tổng dung tích dưới 500GT trong giới hạn bởi đất liền với các đường thẳng nối các điểm có tọa độ: 12°00’N, 100°00’E; 23°00’N, 100°00’E; 23°00’N, 114°20’E; 12°00’N, 114°00’E; 12°00’N, 116°00’E; 07°00’N, 116°00’E và 07°00’N, 102°30’E. Ngoài ra, hành trình của các tàu trong vùng nước thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam đều được xem là hành trình gần bờ. 25. Sổ ghi nhận huấn luyện là sổ cấp cho thuyền viên có trình độ đại học thực tập sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên, thực tập sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên hoặc cấp cho học viên thực tập sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên, thực tập sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; thuyền viên có trình độ cao đẳng trở lên thực tập sỹ quan kỹ thuật điện theo yêu cầu tại Bảng A-III/6 của Bộ luật STCW. 26. Thời gian thực tập là thời gian thuyền viên làm việc trên tàu theo chương trình huấn luyện phù hợp với quy định Công ước STCW. 27. Thời gian tập sự là thời gian thực tập chức danh trên hạng tàu tương ứng với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn dưới sự giám sát của một sỹ quan. 28. Thời gian đảm nhiệm chức danh là thời gian làm việc theo chức danh phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn được cấp. 29. Thời gian đi biển là thời gian thuyền viên, học viên làm việc, thực tập trên tàu biển. 30. Tháng là tháng theo dương lịch hoặc 30 ngày, cấu thành từ những khoảng thời gian nhỏ hơn một tháng. 31. Chức năng là một nhóm công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định tại Bộ luật STCW, cần thiết cho việc vận hành tàu, an toàn sinh mạng trên biển hoặc bảo vệ môi trường biển. 32. Công ty là chủ tàu hoặc bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào khác như người quản lý hoặc người thuê tàu trần mà họ nhận trách nhiệm đối với việc vận hành tàu từ chủ tàu và những người đồng ý đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ, trách nhiệm như vậy cho công ty theo các quy định đó. 33. Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (sau đây viết tắt là GCNKNCM) là chứng chỉ được cấp cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW. 34. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ (sau đây viết tắt là GCNHLNV) là chứng chỉ được cấp cho thuyền viên theo quy định của Công ước STCW. 35. Giấy công nhận GCNKNCM là văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho thuyền viên nước ngoài đã có GCNKNCM được cấp theo quy định của Công ước STCW để làm việc trên tàu biển Việt Nam. 36. Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận là văn bản do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho thuyền viên đã được cơ sở huấn luyện cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện theo quy định tại Quy tắc IV/2, Quy tắc V/1-1, Quy tắc V/1-2 của Công ước STCW. Chương II TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN CỦA THUYỀN VIÊN Điều 4. Tiêu chuẩn chuyên môn của thuyền trưởng, đại phó tàu từ 500 GT trở lên Thuyền trưởng, đại phó tàu từ 500 GT trở lên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại các Mục A-II/1, A-II/2, A-IV/2 và A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau: 1. Hàng hải theo mức quản lý. 2. Kỹ thuật làm hàng và sắp xếp hàng hóa theo mức quản lý. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức quản lý. 4. Thông tin liên lạc theo mức vận hành. Điều 5. Tiêu chuẩn chuyên môn của thuyền trưởng, đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ và thuyền trưởng tàu dưới 50 GT Thuyền trưởng, đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ và thuyền trưởng tàu dưới 50 GT phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại các Mục A-II/3, A-IV/2 và A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: 1. Hàng hải theo mức quản lý. 2. Kỹ thuật làm hàng và sắp xếp hàng hóa theo mức quản lý. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức quản lý. 4. Thông tin liên lạc theo mức vận hành. Điều 6. Tiêu chuẩn chuyên môn của sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên Sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại các Mục A-II/1, A-IV/2 và A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: 1. Hàng hải theo mức vận hành 2. Kỹ thuật làm hàng và sắp xếp hàng hóa theo mức vận hành. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức vận hành. 4. Thông tin liên lạc theo mức vận hành. Điều 7. Tiêu chuẩn chuyên môn của sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ Sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại các Mục A-II/3, A-IV/2 và A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: 1. Hàng hải theo mức vận hành. 2. Kỹ thuật làm hàng và sắp xếp hàng hóa theo mức vận hành. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức vận hành. 4. Thông tin liên lạc theo mức vận hành. Điều 8. Tiêu chuẩn chuyên môn của thủy thủ trực ca 1. Tiêu chuẩn chuyên môn của thủy thủ trực ca OS Thủy thủ trực ca OS phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-II/4 của Bộ luật STCW về chức năng hàng hải theo mức trợ giúp. 2. Tiêu chuẩn chuyên môn của thủy thủ trực ca AB Thủy thủ trực ca AB phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-II/4 và Mục A-II/5 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: a) Hàng hải theo mức trợ giúp; b) Kỹ thuật làm hàng và sắp xếp hàng hóa theo mức trợ giúp; c) Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức trợ giúp; d) Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức trợ giúp. Điều 9. Tiêu chuẩn chuyên môn của máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên Máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại các Mục A-III/1, A-III/2 và A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật máy tàu biển theo mức quản lý. 2. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển máy theo mức quản lý. 3. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức quản lý. 4. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức quản lý. Điều 10. Tiêu chuẩn chuyên môn của máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW và máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính dưới 75 kW Máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW và máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính dưới 75 kW phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn theo chương trình đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật máy tàu biển theo mức quản lý. 2. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển máy theo mức quản lý. 3. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức quản lý. 4. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức quản lý. Điều 11. Tiêu chuẩn chuyên môn của sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên Sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-III/1 và Mục A-VIII/2 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật máy tàu biển theo mức vận hành. 2. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển máy theo mức vận hành. 3. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức vận hành. 4. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức vận hành. Điều 12. Tiêu chuẩn chuyên môn của sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW Sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn theo chương trình đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật máy tàu biển theo mức vận hành. 2. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển máy theo mức vận hành. 3. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức vận hành. 4. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức vận hành. Điều 13. Tiêu chuẩn chuyên môn của thợ máy trực ca 1. Tiêu chuẩn chuyên môn của thợ máy trực ca Oiler: Thợ máy trực ca Oiler phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-III/4 của Bộ luật STCW về chức năng kỹ thuật máy tàu biển theo mức trợ giúp. 2. Tiêu chuẩn chuyên môn của thợ máy trực ca AB: Thợ máy trực ca AB phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-III/4 và Mục A- III/5 của Bộ luật STCW về các chức năng sau đây: a) Kỹ thuật máy tàu biển theo mức trợ giúp; b) Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển máy theo mức trợ giúp; c) Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức trợ giúp; d) Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức trợ giúp. Điều 14. Tiêu chuẩn chuyên môn của sỹ quan kỹ thuật điện Sỹ quan kỹ thuật điện phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-III/6 của Bộ luật STCW quy định về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển theo mức vận hành. 2. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức vận hành. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức vận hành. Điều 15. Tiêu chuẩn chuyên môn của thợ kỹ thuật điện Thợ kỹ thuật điện phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn quy định tại Mục A-III/7 của Bộ luật STCW quy định về các chức năng sau đây: 1. Kỹ thuật điện, điện tử và điều khiển theo mức trợ giúp. 2. Bảo dưỡng và sửa chữa theo mức trợ giúp. 3. Kiểm soát hoạt động của tàu và chăm sóc người trên tàu theo mức trợ giúp. Chương III CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN CỦA THUYỀN VIÊN MỤC 1. CÁC LOẠI CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN Điều 16. Phân loại chứng chỉ chuyên môn Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu biển Việt Nam bao gồm các loại sau đây: 1. GCNKNCM. 2. GCNHLNV: a) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản (sau đây viết tắt là GCNHLNVCB); b) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt (sau đây viết tắt là GCNHLNVĐB); c) Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn (sau đây viết tắt là GCNHLNVCM). 3. Mẫu chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Điều 17. Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn 1. GCNKNCM do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cấp cho thuyền viên để đảm nhiệm các chức danh theo quy định của Thông tư này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với quy định của Công ước STCW. 2. GCNKNCM có giá trị sử dụng là 05 năm, kể từ ngày cấp, trường hợp tuổi lao động của thuyền viên không còn đủ 05 năm thì thời hạn sử dụng của GCNKNCM tương ứng với tuổi lao động còn lại của thuyền viên theo quy định của pháp luật về lao động. Điều 18. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản 1. GCNHLNVCB do cơ sở đào tạo, huấn luyện cấp cho thuyền viên đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ cơ bản về kỹ thuật cứu sinh, phòng cháy, chữa cháy, sơ cứu y tế cơ bản, an toàn sinh mạng và trách nhiệm xã hội, nhận thức an ninh tàu biển phù hợp với quy định của Công ước STCW. 2. GCNHLNVCB có giá trị sử dụng là 05 năm, kể từ ngày cấp, trường hợp tuổi lao động của thuyền viên không còn đủ 05 năm thì thời hạn sử dụng của GCNHLNVCB tương ứng với tuổi lao động còn lại của thuyền viên theo quy định của pháp luật về lao động. Điều 19. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt 1. GCNHLNVĐB do cơ sở đào tạo, huấn luyện cấp cho thuyền viên đã hoàn thành một trong những chương trình huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt, phù hợp với quy định của Công ước STCW như sau: a) Cơ bản tàu dầu, tàu hóa chất, tàu khí hóa lỏng; b) Nâng cao tàu dầu, tàu hóa chất, tàu khí hóa lỏng; c) Quản lý đám đông đối với tàu khách và tàu khách Ro-Ro; d) Huấn luyện an toàn cho nhân viên phục vụ trực tiếp trên khoang hành khách tàu khách và tàu khách Ro-Ro; đ) Huấn luyện an toàn hành khách, an toàn hàng hóa và tính nguyên vẹn của vỏ tàu đối với tàu khách và tàu khách Ro-Ro; e) Quản lý khủng hoảng và phản ứng của con người trên tàu khách, và tàu khách Ro-Ro. 2. GCNHLNVĐB có giá trị sử dụng là 05 năm, kể từ ngày cấp, trường hợp tuổi lao động của thuyền viên không còn đủ 05 năm thì thời hạn sử dụng của GCNHLNVĐB tương ứng với tuổi lao động còn lại của thuyền viên theo quy định của pháp luật về lao động. Điều 20. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn 1. GCNHLNVCM do cơ sở đào tạo, huấn luyện cấp cho thuyền viên đã hoàn thành một trong những chương trình huấn luyện nghiệp vụ, phù hợp với quy định của Công ước STCW như sau: a) Quan sát và đồ giải Radar; b) Thiết bị đồ giải rada tự động (ARPA); c) Hệ thống thông tin an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS): hạng tổng quát (GOC), hạng hạn chế (ROC); d) Chữa cháy nâng cao; đ) Sơ cứu y tế; e) Chăm sóc y tế; g) Bè cứu sinh, xuồng cứu nạn; h) Xuồng cứu nạn cao tốc; i) Thuyền viên có nhiệm vụ an ninh tàu biển cụ thể; k) Sỹ quan an ninh tàu biển; l) Quản lý đội ngũ/nguồn lực buồng lái; m) Quản lý đội ngũ/nguồn lực buồng máy; n) Tiếng Anh hàng hải; o) Hải đồ điện tử; p) Quản lý an toàn tàu biển; q) Bếp trưởng, cấp dưỡng. 2. GCNHLNVCM có giá trị sử dụng là 05 năm, kể từ ngày cấp, trường hợp tuổi lao động của thuyền viên không còn đủ 05 năm thì thời hạn sử dụng của GCNHLNVCM tương ứng với tuổi lao động còn lại của thuyền viên theo quy định của pháp luật về lao động. MỤC 2. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN Điều 21. Điều kiện chung 1. Có đủ độ tuổi lao động và tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định. 2. Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển, khai thác máy tàu biển hoặc kỹ thuật điện tàu biển tại các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 3. Các trường hợp sau đây phải bổ túc những môn chưa học hoặc học chưa đủ: a) Tốt nghiệp chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều này ở các trường khác; b) Tốt nghiệp chuyên ngành cùng nhóm ngành quy định tại khoản 2 Điều này tại các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải; c) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển phương tiện thủy nội địa, máy phương tiện thủy nội địa hoặc kỹ thuật điện phương tiện thủy nội địa tại các trường đào tạo chuyên ngành đường thủy nội địa. 4. Có đủ điều kiện về chuyên môn và thời gian đảm nhiệm chức danh tương ứng với từng chức danh quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38 và 39 của Thông tư này. Điều 22. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, đại phó tàu từ 3000 GT trở lên 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ đại học; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 3; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; d) Đạt kết quả kỳ thi thuyền trưởng, đại phó tàu từ 3000 GT trở lên. 2. Điều kiện đảm nhiệm chức danh: a) Đối với đại phó: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên tối thiểu 24 tháng; b) Đối với thuyền trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 3000 GT trở lên tối thiểu 24 tháng hoặc có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 3000 GT trở lên tối thiểu 12 tháng. Điều 23. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; d) Đạt kết quả kỳ thi thuyền trưởng, đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT. 2. Điều kiện đảm nhiệm chức danh: a) Đối với đại phó: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên tối thiểu 24 tháng; b) Đối với thuyền trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT tối thiểu 24 tháng hoặc đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 500 GT đến dưới 3000 GT tối thiểu 12 tháng. Điều 24. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT không hành trình gần bờ Thuyền trưởng, đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT không hành trình gần bờ phải có GCNKNCM của thuyền trưởng, đại phó tàu từ 500 GT trở lên. Điều 25. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp trở lên; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 2. Điều kiện đảm nhiệm chức danh: a) Đối với đại phó: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ tối thiểu 24 tháng; b) Đối với thuyền trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh đại phó tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ tối thiểu 24 tháng. Điều 26. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu dưới 50 GT 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp trung học cơ sở; b) Hoàn thành chương trình huấn luyện ngắn hạn chuyên ngành điều khiển tàu biển và đạt kết quả thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp thì chỉ cần đạt kết quả thi. 2. Điều kiện thời gian đi biển: có thời gian đi biển tối thiểu 12 tháng. Điều 27. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ cao đẳng trở lên hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành điều khiển tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; c) Đạt kết quả kỳ thi sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: a) Có thời gian thực tập được ghi nhận trong "Sổ ghi nhận huấn luyện" tối thiểu 12 tháng theo chương trình huấn luyện đáp ứng các yêu cầu tại Mục A-II/1 của Bộ luật STCW hoặc có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng trên tàu từ 500 GT trở lên, trong đó có ít nhất 06 tháng đảm nhiệm chức danh thủy thủ trực ca; b) Trường hợp đã làm sỹ quan boong trên tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ thì phải có ít nhất 06 tháng đi biển trên tàu từ 500 GT trở lên. Điều 28. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT không hành trình gần bờ Sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT không hành trình gần bờ phải có GCNKNCM của sỹ quan boong tàu từ 500 GT trở lên theo quy định tại Điều 27 của Thông tư này. Điều 29. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT hành trình gần bờ 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp trở lên; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; c) Đạt kết quả kỳ thi sỹ quan boong tàu từ 50 GT đến dưới 500 GT. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng trên tàu từ 50 GT trở lên. Điều 30. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ đại học; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ cao đẳng thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 3; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Giao thông vận tải quy định; d) Đạt kết quả kỳ thi máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên. 2. Điều kiện đảm nhiệm chức danh: a) Đối với máy hai: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên tối thiểu 24 tháng; b) Đối với máy trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên tối thiểu 24 tháng hoặc đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 3000 kW trở lên tối thiểu 12 tháng. Điều 31. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ cao đẳng trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; d) Đạt kết quả kỳ thi máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW. 2. Điều kiện đảm nhiệm chức danh: a) Đối với máy hai: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên tối thiểu 24 tháng; b) Đối với máy trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW tối thiểu 24 tháng hoặc đảm nhiệm chức danh máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW tối thiểu 12 tháng và đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW đến dưới 3000 kW tối thiểu 12 tháng. Điều 32. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng, máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp trở lên; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: a) Đối với máy hai: có thời gian đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW tối thiểu 24 tháng; b) Đối với máy trưởng: có thời gian đảm nhiệm chức danh máy hai tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW tối thiểu 24 tháng hoặc đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW tối thiểu 36 tháng. Điều 33. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng tàu có tổng công suất máy chính dưới 75 kW 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp trung học cơ sở; b) Hoàn thành chương trình huấn luyện ngắn hạn chuyên ngành khai thác máy tàu biển và đạt kết quả thi do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp đã tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ sơ cấp nghề thì chỉ cần đạt kết quả thi. 2. Điều kiện thời gian đi biển: có thời gian đi biển tối thiểu 12 tháng. Điều 34. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ cao đẳng trở lên hoặc tốt nghiệp chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; c) Đạt kết quả kỳ thi sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kw trở lên. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: a) Có thời gian thực tập được ghi trong "Sổ ghi nhận huấn luyện" tối thiểu 12 tháng theo chương trình huấn luyện đáp ứng các yêu cầu tại Mục A-III/1 của Bộ luật STCW hoặc có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng trên tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên trong đó phải có ít nhất 06 tháng đảm nhiệm chức danh thợ máy trực ca; b) Trường hợp đã đảm nhiệm chức danh sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW thì phải có ít nhất 06 tháng đi biển trên tàu có tổng công suất máy chính từ 750 kW trở lên. Điều 35. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp trở lên. b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 1 trở lên; c) Đạt kết quả kỳ thi sỹ quan máy tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW đến dưới 750 kW. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng trên tàu có tổng công suất máy chính từ 75 kW trở lên. Điều 36. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca 1. Thủy thủ trực ca OS: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp trở lên hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành điều khiển tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; c) Có thời gian đi biển 06 tháng hoặc tập sự thủy thủ 02 tháng. 2. Thủy thủ trực ca AB: a) Tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ trung cấp; trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; c) Có thời gian đi biển 18 tháng hoặc tập sự thủy thủ trực ca AB 12 tháng. Điều 37. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thợ máy trực ca Oiler 1. Thợ máy: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp trở lên hoặc hoàn thành các học phần lý thuyết theo chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải ngành khai thác máy tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành máy tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; c) Có thời gian đi biển 06 tháng hoặc tập sự thợ máy trực ca Oiler 02 tháng. 2. Thợ máy trực ca AB: a) Tốt nghiệp chuyên ngành khai thác máy tàu biển trình độ trung cấp trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên khai thác máy tàu biển trình độ sơ cấp phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; c) Có thời gian đi biển 18 tháng hoặc tập sự thợ máy trực ca AB 12 tháng. Điều 38. Điền kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan kỹ thuật điện 1. Điều kiện chuyên môn: a) Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tàu biển trình độ cao đẳng trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tàu biển trình độ trung cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Có tiếng Anh hàng hải trình độ 2 trở lên; c) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và đạt kết quả kỳ thi sỹ quan kỹ thuật điện tàu biển. 2. Điều kiện thời gian đảm nhiệm chức danh: có thời gian thực tập được ghi trong "Sổ ghi nhận huấn luyện" tối thiểu 12 tháng theo chương trình huấn luyện đáp ứng các yêu cầu tại Bảng A-III/6 của Bộ luật STCW hoặc có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng. Điều 39. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thợ kỹ thuật điện 1. Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tàu biển trình độ trung cấp trở lên. Trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tàu biển trình độ sơ cấp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định. 2. Có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản. 3. Có thời gian đi biển 06 tháng hoặc tập sự thợ kỹ thuật điện 03 tháng. MỤC 3. TỔ CHỨC THI SỸ QUAN Điều 40. Hội đồng thi sỹ quan 1. Hội đồng thi sỹ quan (sau đây viết tắt là Hội đồng thi) do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thành lập, gồm từ 05 đến 07 thành viên: Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam; các ủy viên là đại diện của một số phòng chức năng có liên quan của Cục Hàng hải Việt Nam, thủ trưởng cơ sở đào tạo, huấn luyện. 2. Hội đồng thi có nhiệm vụ: a) Tham mưu để Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định: danh sách thí sinh; thành lập Ban Giám khảo kỳ thi sỹ quan (sau đây viết tắt là Ban Giám khảo) để tổ chức coi thi và chấm thi; lựa chọn đề thi cho từng hạng chức danh; công nhận kết quả kỳ thi; b) Tổ chức, kiểm tra, giám sát điều hành các kỳ thi; c) Tổng hợp báo cáo kết quả kỳ thi; d) Xử lý các vi phạm quy chế thi. Điều 41. Ban Giám khảo 1. Ban Giám khảo do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi. 2. Số lượng thành viên Ban Giám khảo tùy thuộc vào số lượng thí sinh dự thi nhưng tối thiểu phải có 03 thành viên, trong đó ít nhất 1/3 số lượng thành viên giám khảo không tham gia trực tiếp giảng dạy. Thành viên Ban Giám khảo là thuyền trưởng, máy trưởng, chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, lĩnh vực quản lý, nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm, năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tương ứng với trình độ và khả năng chuyên môn theo yêu cầu của mỗi khóa thi. 3. Nhiệm vụ của Ban Giám khảo: a) Hỏi thi, chấm thi nghiêm túc, công minh, chính xác, đánh, giá đúng trình độ của thí sinh; b) Phát hiện sai sót trong đề thi, đề nghị Hội đồng thi điều chỉnh kịp thời; c) Phát hiện, kiến nghị Chủ tịch Hội đồng thi kịp thời xử lý những hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi. MỤC 4. ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN THUYỀN VIÊN Điều 42. Huấn luyện viên chính 1. Huấn luyện viên chính là những người được đào tạo về nghiệp vụ huấn luyện theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định và được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính. 2. Huấn luyện viên chính phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và chứng chỉ huấn luyện phù hợp với khóa học tương ứng; trường hợp trong khóa học có sử dụng mô phỏng thì phải có chứng chỉ phù hợp với chương trình mô phỏng mà mình giảng dạy. 3. Huấn luyện viên chính hoặc người có Chứng chỉ huấn luyện viên do nước ngoài cấp phù hợp với Công ước STCW 1978 sửa đổi 2010 mới được cử làm nhiệm vụ huấn luyện cho các khóa học tương ứng; huấn luyện thuyền viên, ghi sổ huấn luyện thực tập trên tàu biển. Điều 43. Huấn luyện nghiệp vụ cơ bản 1. Học viên tốt nghiệp cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hàng hải thì được cơ sở đó cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản. 2. Trường hợp thuyền viên chưa qua huấn luyện nghiệp vụ cơ bản thì phải hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ cơ bản theo quy định và được cơ sở đào tạo, huấn luyện cấp giấy chứng nhận. Điều 44. Huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt 1. Huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt được áp dụng đối với thuyền viên làm việc trên tàu dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, tàu khách và tàu khách Ro-Ro. 2. Huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt đối với thuyền viên làm việc trên tàu dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng bao gồm huấn luyện nghiệp vụ cơ bản và huấn luyện nghiệp vụ nâng cao. 3 . Huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt đối với thuyền viên làm việc trên tàu khách và tàu khách Ro-Ro bao gồm huấn luyện nghiệp vụ an toàn cho nhân viên phục vụ trực tiếp trên khoang hành khách; huấn luyện nghiệp vụ an toàn hành khách, an toàn hàng hóa và tính nguyên vẹn của vỏ tàu; quản lý đám đông và quản lý khủng hoảng. 4. Đối với tàu dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ làm quen được cấp cho thuyền viên đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ làm quen. 5. Đối với tàu dầu, tàu hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nâng cao được cấp cho thuyền trưởng, máy trưởng, đại phó, máy hai, sỹ quan và các thuyền viên khác chịu trách nhiệm về xếp dỡ và chăm sóc hàng hóa đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ nâng cao. 6. Đối với tàu khách và tàu khách Ro-Ro, GCNHLNVĐB được cấp cho cá nhân hoàn thành một hoặc tất cả những nội dung huấn luyện sau đây: a) Thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan và thuyền viên khác được giao nhiệm vụ giúp đỡ hành khách trong tình huống khẩn cấp đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ về quản lý đám đông; b) Thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai và thuyền viên khác chịu trách nhiệm về việc lên xuống tàu của hành khách, bốc dỡ, chằng buộc hàng hóa, đóng mở cửa bên mạn, phía mũi, sau lái tàu đã hoàn thành, chương trình huấn luyện nghiệp vụ về an toàn hành khách, an toàn hàng hóa và tính nguyên vẹn của vỏ tàu; c) Thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai và thuyền viên khác chịu trách nhiệm về an toàn của hành khách trong tình huống khẩn cấp đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ về quản lý khủng hoảng, ứng xử trong tình huống khẩn cấp; d) Thuyền viên trực tiếp phục vụ hành khách trong khu vực hành khách đã hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ về an toàn. Điều 45. Huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn 1. Quan sát và đồ giải Radar: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về quan sát và đồ giải Radar được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong đã hoàn thành khóa huấn luyện về quan sát và đồ giải Radar. 2. ARPA: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về ARPA được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong đã hoàn thành khóa huấn luyện về ARPA. 3. GMDSS: a) Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC) được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong làm việc trên tàu có trang bị GMDSS hoạt động trong vùng A2, A3, A4 đã hoàn thành khóa huấn luyện khai thác viên hệ GMDSS hạng tổng quát; b) Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong làm việc trên tàu có trang bị GMDSS hoạt động trong vùng A1 đã hoàn thành khóa huấn luyện khai thác viên hệ GMDSS hạng hạn chế. 4. Hải đồ điện tử (ECDIS): Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về Hải đồ điện tử được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong đã hoàn thành khóa huấn luyện về hải đồ điện tử. 5. Quản lý nguồn lực buồng lái: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về quản lý nguồn lực buồng lái được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong đã hoàn thành khóa huấn luyện về quản lý nguồn lực buồng lái. 6. Quản lý nguồn lực buồng máy: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về quản lý nguồn lực buồng máy được cấp cho máy trưởng, máy hai và sỹ quan máy đã hoàn thành khóa huấn luyện về quản lý nguồn lực buồng máy. 7. Nhận thức an ninh tàu biển: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về nhận thức an ninh tàu biển được cấp cho thuyền viên hoàn thành khóa huấn luyện nhận thức an ninh tàu biển. 8. Thuyền viên có nhiệm vụ an ninh tàu biển cụ thể: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về thuyền viên có nhiệm vụ an ninh tàu biển cụ thể được cấp cho thuyền viên hoàn thành khóa huấn luyện đối với thuyền viên có nhiệm vụ an ninh tàu biển cụ thể. 9. Sỹ quan an ninh tàu biển: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về sỹ quan an ninh tàu biển được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong đã hoàn thành khóa huấn luyện về sỹ quan an ninh tàu biển. 10. Chữa cháy nâng cao: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về chữa cháy nâng cao được cấp cho sỹ quan boong, sỹ quan máy đã hoàn thành chương trình huấn luyện về chữa cháy nâng cao. 11. Sơ cứu y tế: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về sơ cứu y tế được cấp cho sỹ quan boong, sỹ quan máy đã hoàn thành chương trình huấn luyện về sơ cứu y tế. 12. Chăm sóc y tế: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về chăm sóc y tế được cấp cho thuyền trưởng, đại phó, thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế trên tàu đã hoàn thành chương trình huấn luyện về chăm sóc y tế. 13. Bè cứu sinh, xuồng cứu nạn: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về bè cứu sinh, xuồng cứu nạn được cấp cho sỹ quan boong, sỹ quan máy, thủy thủ, thợ máy đã hoàn thành chương trình huấn luyện về bè cứu sinh, xuồng cứu nạn. 14. Xuồng cứu nạn cao tốc: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về xuồng cứu nạn cao tốc được cấp cho sỹ quan boong, sỹ quan máy, thủy thủ trưởng, thợ máy làm việc trên tàu có trang bị xuồng cứu nạn cao tốc đã hoàn thành chương trình huấn luyện về xuồng cứu nạn cao tốc. Thuyền viên muốn được huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về xuồng cứu nạn cao tốc phải có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bè cứu sinh và xuồng cứu nạn. 15. Quản lý an toàn tàu biển: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về quản lý an toàn tàu biển được cấp cho thuyền viên hoàn thành khóa huấn luyện về quản lý an toàn tàu biển. 16. Tiếng Anh hàng hải: Giấy chứng nhận tiếng Anh hàng hải được cấp cho thuyền viên đã hoàn thành, khóa huấn luyện về tiếng Anh hàng hải. 17. Bếp trưởng và cấp dưỡng: Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về bếp trưởng, cấp dưỡng được cấp cho thuyền viên hoàn thành khóa huấn luyện về bếp trưởng, cấp dưỡng. Điều 46. Cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên Cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên theo quy định của Chính phủ. Điều 47. Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên 1. Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải bao gồm: a) Chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn để cấp GCNHLNV; b) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để cấp GCNKNCM. 2. Căn cứ quy định tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tại Chương II, Chương III của Thông tư này và Chương trình mẫu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO Model Course), các cơ sở đào tạo, huấn luyện xây dựng Chương trình đào tạo, huấn luyện trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. 3. Căn cứ chương trình đào tạo, huấn luyện đã được ban hành, các cơ sở đào tạo, huấn luyện xây dựng, phê duyệt chương trình chi tiết, giáo trình, tài liệu giảng dạy. MỤC 5. CẤP, CẤP LẠI, CÔNG NHẬN, XÁC NHẬN GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN, GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ Điều 48. Cấp Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn 1. Đối tượng cấp là thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam. 2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận GCNKNCM trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị của tổ chức quản lý thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này; b) Bản sao GCNKNCM; c) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân, chụp trong vòng 06 tháng gần nhất. 3. Cục Hàng hải Việt Nam nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định: a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định; b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ; c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy công nhận GCNKNCM theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí cấp Giấy công nhận GCNKNCM thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 49. Cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca, thợ máy trực ca, thợ kỹ thuật điện 1. Đối tượng cấp là thuyền viên đảm nhiệm chức danh thủy thủ trực ca, thợ máy trực ca, thợ kỹ thuật điện theo quy định của Thông tư này và Công ước STCW. 2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp GCNKNCM thủy thủ trực ca, thợ máy trực ca, thợ kỹ thuật điện trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị của thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục III hoặc văn bản đề nghị của trường, tổ chức quản lý thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này; b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Bằng tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc Quyết định tốt nghiệp; Giấy chứng nhận học bồi dưỡng, nâng cao (nếu có); Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản; c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; d) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất; đ) Giấy xác nhận thời gian tập sự trực ca (đối với trường hợp học bồi dưỡng, nâng cao hoặc chỉ có trình độ sơ cấp nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục số XV của Thông tư này. e) Đối với trường hợp đề nghị cấp GCNKNCM thủy thủ AB; thợ máy AB khi đã có GCNKNCM thủy thủ OS, thợ máy Oiler nộp: các thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, c, d khoản này và Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có bản chính để đối chiếu Sổ thuyền viên. 3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định: a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định; b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hảng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ; c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam cấp GCNKNCM thủy thủ trực ca, thợ máy trực ca, thợ kỹ thuật điện tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí cấp GCNKNCM thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 50. Cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận 1. Thuyền viên Việt Nam đã được cơ sở đào tạo, huấn luyện cấp Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC), Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) và Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ trên tàu chở dầu, tàu hóa chất hoặc khí ga hóa lỏng được Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận. 2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hảng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị của thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục V hoặc văn bản đề nghị của tổ chức quản lý thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục VI của Thông tư này; b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Giấy chứng nhận GOC, ROC, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ trên tàu chở dầu, tàu hóa chất hoặc khí ga hóa lỏng; c) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất. 3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định. a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định; b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ; c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận GOC, ROC, Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ trên tàu chở dầu, tàu hóa chất hoặc khí ga hóa lỏng thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 51. Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính 1. Đối tượng cấp là các huấn luyện viên, thuyền viên đáp ứng điều kiện theo được quy định của Thông tư này và Công ước STCW. 2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính của huấn luyện viên theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này hoặc văn bản đề nghị của trường, cơ sở huấn luyện theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này; b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu xác nhận hoàn thành khóa huấn luyện hoặc quyết định tốt nghiệp khóa huấn luyện dành cho huấn luyện viên chính; c) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất. 3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định. a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định. b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 52. Cấp lại Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận, Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính 1. Đối tượng cấp là thuyền viên có GCNKNCM, Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận, Giấy công nhận GCNKNCM, Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính bị mất, hỏng, sai thông tin hoặc hết thời hạn sử dụng thì được cấp lại. Đối với GCNKNCM hết thời hạn sử dụng phải đáp ứng điều kiện thuyền viên đã đảm nhiệm chức danh phù hợp với GCNKNCM được cấp tổng cộng 12 tháng trở lên trong thời hạn 05 năm tính từ ngày đề nghị cấp lại; trường hợp không đảm bảo đủ thời gian này thì phải tập sự 03 tháng theo chức danh của GCNKNCM trong 06 tháng ngay trước khi đề nghị cấp lại. 2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GCN trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ bao gồm: a) Bản chính giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy công nhận đối với các trường hợp hết hạn, sai thông tin hoặc bị hư hỏng (trường hợp thuyền viên đi công tác xa không thể nộp bản chính GCNKNCM hết hạn sử dụng, phải nộp trong vòng 07 ngày kể từ ngày thuyền viên trở về Việt Nam); b) Giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đối với trường hợp sai thông tin; c) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân, chụp trong vòng 06 tháng gần nhất; d) Bản sao có chứng thực hoặc bản chính Giấy khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế (trường hợp cấp lại GCNKNCM); đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản chính sổ thuyền viên (trường hợp cấp lại GCNKNCM). 3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng thời hạn quy định a) Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định. b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ. c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này, trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Phí và lệ phí: phí, lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 53. Thủ tục mở khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn sỹ quan, thuyền trưởng, máy trưởng 1. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ của mỗi học viên tham dự khóa đào tạo khóa bồi dưỡng nghiệp vụ; dự thi sỹ quan, thuyền trưởng, máy trưởng trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến cơ sở đào tạo, huấn luyện. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục XI của Thông tư này; b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo sỹ quan hàng hải, Giấy chứng nhận đào tạo nâng cao (nếu có); c) Bản sao Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ tiếng Anh hàng hải; d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; đ) Bản khai thời gian đi biển (không cần xác nhận của tổ chức quản lý thuyền viên) theo mẫu quy định tại Phụ lục XII của Thông tư này; e) Bản sao có chứng thực Sổ thuyền viên; g) 02 ảnh màu, cỡ 3 cm x 4 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng gần nhất. 2. Cơ sở đào tạo, huấn luyện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ không đúng quy định, cơ sở đào tạo, huấn luyện hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định. 3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở đào tạo, huấn luyện nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác. Hồ sơ bao gồm: a) Văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo, huấn luyện về việc xét duyệt danh sách học viên tham dự khóa đào tạo nâng cao, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, dự thi sỹ quan; thuyền trưởng, máy trưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII của Thông tư này; b) 01 bộ hồ sơ của học viên (gửi kèm). 4. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, duyệt hồ sơ và ra quyết định công nhận danh sách người có đủ điều kiện dự khóa đào tạo, huấn luyện, dự thi trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, trường hợp không đủ điều kiện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. 5. Căn cứ báo cáo kết quả kỳ thi sỹ quan, thuyền trưởng, máy trưởng của Hội đồng thi sỹ quan, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Cục Hàng hải Việt Nam ra quyết định công nhận kết quả kỳ thi sỹ quan, thuyền trưởng, máy trưởng và cấp GCNKNCM. Điều 54. Thu hồi chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên bị thu hồi trong trường hợp thuyền viên giả mạo giấy tờ hồ sơ hoặc tẩy xóa, giả mạo, mua bán, cho thuê, cho mượn chứng chỉ chuyên môn. Cấp có thẩm quyền cấp, cấp lại chứng chỉ chuyên môn thì có trách nhiệm thu hồi. Chương IV ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TÀU BIỂN Điều 55. Khung định biên an toàn tối thiểu 1. Quy định chung đối với tàu biển Việt Nam a) Định biên an toàn tối thiểu bộ phận boong theo tổng dung tích (GT): Chức danh Dưới 50 GT Từ 50 GT đến dưới 500 GT Từ 500 GT đến dưới 3000 GT Từ 3000 GT trở lên Thuyền trưởng 01 01 01 01 Đại phó 01 01 01 Sỹ quan boong 01 02 Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS (*) 01 01 Thủy thủ trực ca AB 01 01 02 02 Tổng cộng 02 03 06 07 (*) Trường hợp sỹ quan boong có chứng chỉ chuyên môn phù hợp để đảm nhiệm nhiệm vụ khai thác thiết bị vô tuyến điện GMDSS trên tàu thì không phải bố trí chức danh Sỹ quan vô tuyến điện GMDSS. b) Định biên an toàn tối thiểu bộ phận máy theo tổng công suất máy chính (kW): Chức danh Dưới 75 kW Từ 75 kW đến dưới 750 kW Từ 750 kW đến dưới 3000 kW Từ 3000 kW trở lên Máy trưởng 01 01 01 01 Máy hai 01 01 Sỹ quan máy 01 01 01 Thợ máy trực ca AB 01 02 03 Tổng cộng 01 03 05 06 2. Đối với tàu có thiết bị điện phức tạp, đa dạng thì chủ tàu có thể bố trí sỹ quan kỹ thuật điện, thợ kỹ thuật điện. 3. Đối với một số trường hợp đặc biệt (tàu biển có tuyến hoạt động ngắn, mức tự động hóa cao...), căn cứ vào đặc tính kỹ thuật, mức độ tự động hóa và vùng hoạt động của tàu, Cơ quan đăng ký tàu biển quyết định định biên an toàn tối thiểu của tàu phù hợp với thực tế sử dụng, khai thác tàu. 4. Đối với tàu khách và tàu khách Ro-Ro, căn cứ vào đặc tính kỹ thuật, số lượng hành khách, vùng hoạt động của tàu, Cơ quan đăng ký tàu biển quyết định định biên an toàn tối thiểu nhưng phải bố trí thêm ít nhất 01 thuyền viên phụ trách hành khách so với quy định tại khoản 1 Điều này. 5. Đối với tàu công vụ, căn cứ vào cỡ tàu, đặc tính kỹ thuật và vùng hoạt động của tàu, Cơ quan đăng ký tàu biển quyết định định biên an toàn tối thiểu. 6. Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV của Thông tư này. Điều 56. Bố trí thuyền viên trên tàu biển Việt Nam 1. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. 2. Việc bố trí thuyền viên đảm nhiệm chức danh trên tàu biển Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau đây: a) Phải có GCNKNCM, GCNHLNV phù hợp với chức danh mà thuyền viên đó đảm nhiệm; b) Thuyền viên được bố trí làm việc trên tàu dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, tàu khách, tàu khách Ro-Ro thì ngoài GCNKNCM và các GCNHLNV cần phải có khi làm việc trên tàu biển thông thường, còn phải có GCNHLNV tương ứng với từng chức danh trên loại tàu đó. 3. Nguyên tắc bố trí chức danh trong một số trường hợp đặc biệt: a) Đối với việc bố trí chức danh thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai, sỹ quan boong, sỹ quan máy làm việc trên tàu lai dắt, tàu công trình, tàu tìm kiếm cứu nạn và các tàu công vụ khác thì Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ cỡ tàu, đặc tính kỹ thuật và vùng hoạt động của tàu hướng dẫn Cơ quan đăng ký tàu biển thực hiện; b) Trong trường hợp tàu đang hành trình trên biển mà thuyền trưởng, máy trưởng không còn khả năng đảm nhiệm chức năng, chủ tàu, người khai thác tàu có thể bố trí đại phó, máy hai thay thế thuyền trưởng hoặc máy trưởng để có thể tiếp tục chuyến đi nhưng chỉ đến cảng tới đầu tiên; c) Thuyền trưởng tàu khách phải có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của tàu không phải là tàu khách cùng hạng tối thiểu 24 tháng hoặc đã đảm nhiệm chức danh đại phó tàu khách tối thiểu 24 tháng. Chương V THỰC TẬP TRÊN TÀU BIỂN Điều 57. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên 1. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên phải xây dựng kế hoạch cho học viên thực tập trên tàu biển theo yêu cầu của chương trình đào tạo. 2. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên nếu không có tàu huấn luyện thì phải liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo, huấn luyện khác hoặc các chủ tàu để có tàu phục vụ huấn luyện. 3. Liên hệ với các chủ tàu để tiếp nhận học viên thực tập trên tàu biển theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Điều 58. Trách nhiệm của chủ tàu đối với việc tiếp nhận học viên thực tập trên tàu biển 1. Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng, tuyển dụng thuyền viên hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải. 2. Tổ chức đặt hàng với cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên để đào tạo, tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. 3. Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, huấn luyện; tổ chức hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả thực tập của học viên tại doanh nghiệp; tiếp nhận học viên, giảng viên, huấn luyện viên đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao trình độ thông qua hợp đồng với cơ sở đào tạo, huấn luyện. 4. Tiếp nhận, bố trí nơi ăn, ở, tạo điều kiện cho học viên, giảng viên, huấn luyện viên thực tập trên tàu biển. Trả tiền lương, tiền công cho học viên, giảng viên, huấn luyện viên trực tiếp hoặc tham gia làm việc trên tàu trong thời gian đào tạo, thực tập trên tàu theo mức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Điều 59. Trách nhiệm của thuyền trưởng, máy trưởng và sỹ quan hàng hải đối với học viên thực tập trên tàu biển 1. Chủ tàu phân công thuyền trưởng, máy trưởng và sĩ quan hàng hải đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn cho học viên, giảng viên, huấn luyện viên thực tập trên tàu. 2. Thuyền trưởng, máy trưởng và sĩ quan hàng hải có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện, xác nhận, đánh giá các nội dung, kết quả thực tập của học viên thực tập trên tàu biển theo tiến trình thực tập. 3. Thuyền trưởng, máy trưởng có trách nhiệm xác nhận thời gian xuống, rời tàu của học viên thực tập trên tàu biển trong Sổ thuyền viên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình. Điều 60. Trách nhiệm của học viên thực tập trên tàu biển 1. Học viên thực tập trên tàu biển phải có Sổ thuyền viên và chứng chỉ huấn luyện nghiệp vụ phù hợp với loại tàu thực tập. 2. Học viên thực tập phải tuân thủ nội quy, quy chế của chủ tàu, thực hiện các công việc theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng, máy trưởng, sỹ quan hàng hải, giảng viên và huấn luyện viên. 3. Chế độ và quyền lợi của học viên thực tập trên tàu biển làm việc trên tàu biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 61. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017. 2. Bãi bỏ các Thông tư sau: a) Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam; b) Thông tư số 51/2013/TT-BGTVT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam; c) Thông tư số 52/2014/TT-BGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam. Điều 62. Tổ chức thực hiện 1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này. 2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 62; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Các Thứ trưởng; - Cục Kiểm tra văn bản; Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, TCCB (Nđt). BỘ TRƯỞNG Trương Quang Nghĩa PHỤ LỤC I MẪU CÁC CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) 1. Mẫu Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn 1.1. Mẫu Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (mặt ngoài): (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN CERTIFICATE OF COMPETENCY CẤP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TIÊU CHUẨN HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ TRỰC CA ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN 1978, SỬA ĐỔI 2010 ISSUED UNDER THE PROVISIONS OF THE INTERNATIONAL CONVENTION ON STANDARDS OF TRAINING, CERTIFICATION AND WATCHKEEPING FOR SEAFARERS 1978, AS AMENDED IN 2010 CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM VIET NAM MARITIME ADMINISTRATION 1.2. Mẫu Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (mặt trong): (Kích thước 14 cm x 20 cm) Thừa ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam By authorization of the Government of the Socialist Republic of Viet Nam Cục Hàng hải Việt Nam chứng nhận: ……………… the Viet Nam Maritime Administration hereby certifies that Ngày sinh của người được cấp giấy chứng nhận: …………… Date of birth of the holder of /the certificate Có đủ khả năng chuyên môn phù hợp với các điều khoản của quy tắc: ………….. Has been found duly qualified in accordance with the provisions of regulation Của Công ước nói trên, đã sửa đổi và có đủ khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ sau theo trình độ quy định với những hạn chế đã nêu cho đến: ……………… Of the Convention, as amended, and has been found competent to perform the following functions at the levels specified, subject to any limitations indicated until CHỨC NĂNG FUNCTION MỨC TRÁCH NHIỆM LEVEL HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Người giữ hợp pháp giấy chứng nhận này có thể đảm nhiệm chức danh hoặc các chức danh sau đã được nêu trong các yêu cầu định biên an toàn hiện hành của chính quyền: The lawful holder of this certificate may serve in the following capacity or capacities specified in the applicable safe manning requirements of the Administration: CHỨC DANH CAPACITY HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Giấy chứng nhận số: …………… Certificate No. Cấp ngày: ……………………….. issued on Ảnh 3 cm x 4 cm ……………………………….……… Chữ ký người được ủy quyền Signature of duly authorized official …………………………….. Tên người được ủy quyền Name of duly authorized official Ảnh của người được cấp giấy chứng nhận Photograph of the holder of the certificate Chữ ký của người được cấp giấy chứng nhận: ………….. Signature of the holder of the certificate Khi phục vụ trên tàu, bản gốc giấy chứng này phải luôn sẵn có theo Quy tắc I/2 khoản 11 của Công ước The original of this certificate must be kept available in accordance with regulation I/2 paragraph 11 of the Convention while serving on a ship 2. Mẫu Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn 2.1. Mẫu Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (mặt ngoài): (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CÔNG NHẬN GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN CERTIFICATE OF ENDORSEMENT ATTESTING THE RECOGNITION OF THE CERTIFICATE OF COMPETENCY CẤP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TIÊU CHUẨN HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ TRỰC CA ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN 1978, SỬA ĐỔI 2010 ISSUED UNDER THE PROVISIONS OF THE INTERNATIONAL CONVENTION ON STANDARDS OF TRAINING, CERTIFICATION AND WATCHKEEPING FOR SEAFARERS 1978, AS AMENDED IN 2010 CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM VIET NAM MARITIME ADMINISTRATION 2.2. Mẫu Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (mặt trong): (Kích thước 14 cm x 20 cm) Thừa ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam By authorization of the Government of the Socialist Republic of Viet Nam Cục Hàng hải Việt Nam công nhận rằng Giấy chứng nhận số: …….. The Viet Nam Maritime Administration hereby certifies that được cấp cho: …………………………………………………………….. issued to Ngày sinh của người được cấp giấy chứng nhận: …………… Date of birth of the holder of the certificate bởi hoặc đại diện của Chính phủ: ………………………………….. by or on behalf of the Government of được công nhận phù hợp với các điều khoản của quy tắc I/I0 của Công ước nói trên, đã sửa đổi, và người cầm giấy hợp pháp này được phép thực hiện các nhiệm vụ sau theo trình độ quy định với những hạn chế đã nêu cho đến: ….. is duly recognized in accordance with the provisions of I/I0 of the above Convention, as amended, and the lawful holder is authorized to perform the following function, at the levels specified, subject to any limitation indicated until CHỨC NĂNG FUNCTION MỨC TRÁCH NHIỆM LEVEL HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Người giữ hợp pháp giấy công nhận này có thể đảm nhiệm chức danh hoặc các chức danh sau đã được nêu trong các yêu cầu định biên an toàn hiện hành của chính quyền: The lawful holder of this endorsement may serve in the following capacity or capacities specified in the applicable safe manning requirements of the Administration: CHỨC DANH CAPACITY HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Giấy xác nhận số: …………… Endorsement No. Cấp ngày: ……………………….. Issued on Ảnh 3 cm x 4 cm ……………………………….……… Chữ ký người được ủy quyền Signature of duly authorized official …………………………….. Tên người được ủy quyền Name of duly authorized official Ảnh của người được cấp giấy chứng nhận Photograph of the holder of the certificate Chữ ký của người được cấp giấy chứng nhận: ………….. Signature of the holder of the certificate Khi phục vụ trên tàu bản gốc giấy công nhận này phải luôn sẵn có theo Quy tắc I/2 khoản 11 của Công ước The original of this endorsement must be kept available in accordance with regulation I/2 paragraph 11 of the Convention while serving on a ship 3. Mẫu Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận 3.1. Mẫu Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận (mặt ngoài): (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ENDORSEMENT CERTIFICATE ATTESTING THE ISSUANCE OF THE CERTIFICATE CẤP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TIÊU CHUẨN HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ TRỰC CA ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN 1978, SỬA ĐỔI 2010 ISSUED UNDER THE PROVISIONS OF THE INTERNATIONAL CONVENTION ON STANDARDS OF TRAINING, CERTIFICATION AND WATCHKEEPING FOR SEAFARERS 1978, AS AMENDED IN 2010 CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM VIET NAM MARITIME ADMINISTRATION 3.2. Mẫu Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận (mặt trong): (Kích thước 14 cm x 20 cm) Thừa ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam By authorization of the Government of the Socialist Republic of Viet Nam Cục Hàng hải Việt Nam xác nhận rằng Giấy chứng nhận số: …….. The Viet Nam Maritime Administration hereby certifies that được cấp cho: …………………………………………………………….. issued to Ngày sinh của người được cấp giấy chứng nhận: …………… Date of birth of the holder of the certificate Có đủ khả năng chuyên môn phù hợp với các điều khoản của quy tắc: ……….. Who has been found duly qualified in accordance with the provisions of regulation Của Công ước nói trên, đã sửa đổi và có đủ khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ sau theo trình độ quy định với những hạn chế đã nêu cho đến: ……………….. Of the Convention, as amended, and has been found competent to perform the following functions at the levels specified, subject to any limitation indicated until CHỨC NĂNG FUNCTION MỨC TRÁCH NHIỆM LEVEL HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Người giữ hợp pháp giấy xác nhận này có thể đảm nhiệm chức danh hoặc các chức danh sau đã được nêu trong các yêu cầu định biên an toàn hiện hành của chính quyền: The lawful holder of this endorsement may serve in the following capacity or capacities specified in the applicable safe manning requirements of the Administration: CHỨC DANH CAPACITY HẠN CHẾ (NẾU CÓ) LIMITATION APPLYING (IF ANY) Giấy xác nhận số: …………… Endorsement No. Cấp ngày: ……………………….. Issued on Ảnh 3 cm x 4 cm ……………………………….……… Chữ ký người được ủy quyền Signature of duly authorized official …………………………….. Tên người được ủy quyền Name of duly authorized official Ảnh của người được cấp giấy chứng nhận Photograph of the holder of the certificate Chữ ký của người được cấp giấy chứng nhận: ………….. Signature of the holder of the certificate Khi phục vụ trên tàu bản gốc giấy xác nhận này phải luôn sẵn có theo Quy tắc I/2 khoản 11 của Công ước The original of this endorsement must be kept available in accordance with regulation I/2 paragraph 11 of the Convention while serving on a ship 4. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính 4.1. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính (mặt ngoài): (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH CERTIFICATE OF INSTRUCTOR CẤP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ TIÊU CHUẨN HUẤN LUYỆN, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN VÀ TRỰC CA ĐỐI VỚI THUYỀN VIÊN 1978, SỬA ĐỔI 2010 ISSUED UNDER THE PROVISIONS OF THE INTERNATIONAL CONVENTION ON STANDARDS OF TRAINING, CERTIFICATION AND WATCHKEEPING FOR SEAFARERS 1978, AS AMENDED IN 2010 CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM VIET NAM MARITIME ADMINISTRATION 4.2. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính (mặt trong): (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH Cấp theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF INSTRUCTOR Issued under the provisions of the International Convention on Standards of training, Certification and watchkeeping for seafarers, 1978, as amended in 2010 Ảnh 3 cm x 4 cm Chữ ký người được cấp giấy chứng nhận: …………….. Signature of the holder of the certificate Thừa ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam By authorization of the Government of the Socialist Republic of Viet Nam, the Viet Nam Maritime Administration hereby Chứng nhận: …………………………………………………….. Certifies that Ngày sinh: …………………………………………………………. Date of birth Đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu của khóa huấn luyện viên chính theo đúng quy định của Quy tắc…………. Công ước nói trên đã sửa đổi Has completed and successfully passed the exam of the training course in instructor Under the provision of the Reg ……… of the above Convention, as amended Giấy chứng nhận số …………….. Certificate No. Cấp ngày…………………….. Issued on …………………………………. Chữ ký người được ủy quyền Signature of duly authorized official …………………………… Tên người được ủy quyền Name of duly authorized official 5. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản 5.1. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản (mặt ngoài) (Kích thước 14 cm x 20 cm) GHI CHÚ (REMARKS) 1. Nội dung của khóa huấn luyện này dựa trên Giáo trình chuẩn The syllabus of this training course was based on IMO Model Course(s) ……………..….. của IMO và được tổ chức từ ngày ………………… and held from đến ngày ………………………………………tại: ……………………. to at …………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………. 2. Giấy chứng nhận này được cấp theo đề nghị tại văn bản số This certificate has been issued upon the proposal stated in the document ………. ngày …..tháng ………năm …….……….của Hiệu trưởng No dated of the Rector (Giám đốc) Trường/Trung tâm huấn luyện nói trên. (the Director) af the above Maritime University/School/Training center CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CƠ BẢN Cấp theo quy định của công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN BASIC TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 5.2. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản (mặt trong) (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CƠ BẢN Cấp theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN BASIC TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 Ảnh 3 cm x 4 cm Chữ ký người được cấp: …………….. Holder’s Signature Trường/Trung tâm The chứng nhận …………………………………… certifies that Sinh ngày: ………………………..Quốc tịch ………………… Date of birth Nationality đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu của khóa huấn luyện về: has completed and successfully passed the exam of a training course in: …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. theo quy định của Quy tắc ……………. Công ước nói trên và các under the provisions of the Regulation of the above Convention quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam and applicable laws and regulations of Việt Nam Giấy chứng nhận số …………….. cấp ngày ……………. Certificate No issued on Có giá trị đến: valid until Hiệu trưởng/ Giám đốc The Rector/ The Director 6. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt 6.1. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt (mặt ngoài) (Kích thước 14 cm x 20 cm) GHI CHÚ (REMARKS) 1. Nội dung của khóa huấn luyện này dựa trên Giáo trình chuẩn The syllabus of this training course was based on IMO Model Course(s) ……………..….. của IMO và được tổ chức từ ngày ………………… and held from đến ngày ………………………………………tại: ……………………. to at …………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………. 2. Giấy chứng nhận này được cấp theo đề nghị tại văn bản số This certificate has been issued upon the proposal stated in the document ………. ngày …..tháng ………năm …….……….của Hiệu trưởng No dated of the Rector (Giám đốc) Trường/Trung tâm huấn luyện nói trên. (the Director) af the above Maritime University/School/Training center CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ ĐẶC BIỆT Cấp theo quy định của công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với Thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN SPECIAL TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 6.2. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt (mặt trong) (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ ĐẶC BIỆT Cấp theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với Thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN SPECIAL TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 Ảnh 3 cm x 4 cm Chữ ký người được cấp: …………….. Holder’s Signature Trường/Trung tâm The chứng nhận …………………………………… certifies that Sinh ngày: ………………………..Quốc tịch ………………… Date of birth Nationality Đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu của khóa huấn luyện về: has completed and successfully passed the exam of a training course in: …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. theo nội dung quy định của Quy tắc ……………. Công ước nói trên provided by the provisions of the Reg of the above và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam Convention and other regulations in force in the S.R. Vietnam Giấy chứng nhận số …………….. cấp ngày ……………. Certificate No issued on Có giá trị đến: ………………………. Valid until Hiệu trưởng/ Giám đốc The Rector/ The Director 7. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn 7.1. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn (mặt ngoài) (Kích thước 14 cm x 20 cm) GHI CHÚ (REMARKS) 1. Nội dung của khóa huấn luyện này dựa trên Giáo trình chuẩn The syllabus of this Training course was based on IMO Model Course(s) ……………..….. của IMO và được tổ chức từ ngày ………………… and held from đến ngày ………………………………………tại: ……………………. to at …………………………………………………………………………… ……………………………………………………………………………. 2. Giấy chứng nhận này được cấp theo đề nghị tại văn bản số This certificate has been issued upon the proposal stated in the document ………. ngày …..tháng ………năm …….……….của Hiệu trưởng No dated of the Rector (Giám đốc) Trường/Trung tâm huấn luyện nói trên. (the Director) af the above Maritime University/School/Training center CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN Cấp theo quy định của công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN PROFESSIONAL TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 7.2. Mẫu Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn (mặt trong) (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN Cấp theo quy định của Công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, Cấp giấy chứng nhận và Trực ca đối với thuyền viên 1978, sửa đổi 2010 CERTIFICATE OF PROFICIENCY IN PROFESSIONAL TRAINING Issued under the provisions of the International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers 1978, as amended in 2010 Ảnh 3 cm x 4 cm Chữ ký người được cấp: …………….. Holder’s Signature Trường/Trung tâm The chứng nhận …………………………………… certifies that Sinh ngày: ………………………..Quốc tịch ………………… Date of birth Nationality Đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu của khóa huấn luyện về: has completed and successfully passed the exam of a training course in: …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. theo quy định của Quy tắc ……………. Công ước nói trên và các under the provisions of the Reg of the above Convention quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam and applicable laws and regulations of Việt Nam Giấy chứng nhận số …………….. cấp ngày ……………. Certificate No issued on Có giá trị đến: Valid until Hiệu trưởng/ Giám đốc The Rector/ The Director 8. Mẫu Giấy chứng nhận tiếng Anh hàng hải 8.1. Mẫu Giấy chứng nhận tiếng Anh hàng hải (mặt ngoài) (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN TIẾNG ANH HÀNG HẢI CERTIFICATE OF MARITIME ENGLISH Tên cơ sở đào tạo, huấn luyện 8.2. Mẫu Giấy chứng nhận tiếng Anh hàng hải (mặt trong) (Kích thước 14 cm x 20 cm) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Independence - Freedom - Happiness GIẤY CHỨNG NHẬN TIẾNG ANH HÀNG HẢI CERTIFICATE OF MARITIME ENGLISH Ảnh 3 cm x 4 cm Chữ ký người được cấp giấy chứng nhận: …………….. Signature of the holder of the certificate Trường/Trung tâm The Chứng nhận …………………………………… Certifies that Ngày sinh: ……………………………………….………………… Date of birth Đã hoàn thành và thi đạt yêu cầu của khóa huấn luyện về: Has completed and successfully passed the exam of a training course in: …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………….. Trình độ: ………………………………………………………………… Level Giấy chứng nhận số …………………….. Certificate No Cấp ngày …………………………………. Issued on …………………………………. Chữ ký người được ủy quyền Signature of duly authorized official …………………………… Tên người được ủy quyền Name of duly authorized official PHỤ LỤC II MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CÔNG NHẬN GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên công ty ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………………….. V/v ………………… ………….., ngày ….. tháng ….. năm …………….. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số …………./2016/TT-BGTVT ngày ……. tháng ……. năm ……… của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, Công ty (tên công ty)……….. đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên có tên sau: TT Họ và tên Ngày sinh Quốc tịch Chức danh Số Giấy chứng nhận KNCM Ngày cấp Ngày hết hạn Cơ sở dữ liệu điện tử hoặc địa chỉ email của cơ quan cấp GCNKNCM Thời hạn hợp đồng lao động Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng…. Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC III MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN THỦY THỦ TRỰC CA, THỢ MÁY TRỰC CA, THỢ KỸ THUẬT ĐIỆN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN THỦY THỦ TRỰC CA, THỢ MÁY TRỰC CA, THỢ KỸ THUẬT ĐIỆN Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: …………………………………………… 2. Ngày sinh: ……………………………… 3. Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) số …………………. ………………….. ngày cấp ………………………………….nơi cấp …………………………………………………….. 4. Địa chỉ thường trú: ……………………………………………………………………………………. 5. Bằng tốt nghiệp, Giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc Quyết định tốt nghiệp số:…………………. ngày cấp ………………………………………, nơi cấp ………………………………………………. 6. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cơ bản số: ……………………………………………… ngày cấp …………………………………… nơi cấp ………………………………………………….. 7. Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nhận thức an ninh tàu biển số ………………………. ngày cấp …………………………………. nơi cấp …………………………………………………….. 8. Giấy chứng nhận học trái ngành (nếu có) số: …………………………………………………….. ngày cấp ……………………………………. nơi cấp ………………………………………………….. 9. Giấy chứng nhận học nâng cao (nếu có) số: ………………………………………………………. ngày cấp ……………………………………. nơi cấp ………………………………………………….. 10. Thời gian đi biển hoặc tập sự trên tàu biển: TT Tên tàu Chủ tàu Loại tàu Tổng dung tích Tổng công suất máy chính Chức danh Thời gian (từ tháng, năm đến tháng, năm) Căn cứ Thông tư số ………./2016/TT-BGTVT ngày …….. tháng …… năm ……. của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cấp GCNKNCM cho tôi. Tôi xin cam những điều khai trên là đúng sự thật./. ……., ngày …... tháng …... năm ………. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) Ghi chú: Các Mục 8, 9, bắt buộc khai đối với các trường hợp học sơ cấp hoặc trái ngành; Các mục 5, 6, 7, 8, 9 không bắt buộc khai đối với trường hợp đề nghị cấp GCNKNCM chức danh AB. PHỤ LỤC IV MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN THỦY THỦ TRỰC CA, THỢ MÁY TRỰC CA, THỢ KỸ THUẬT ĐIỆN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên công ty ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………………… V/v ……………….. …….., ngày …….. tháng ……. năm …………. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số ………./2016/TT-BGTVT ngày ……. tháng ……… năm …………. của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, (tên Công ty) …………. đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn ……………………………… cho những thuyền viên của công ty chúng tôi có tên dưới đây: TT Họ và tên Ngày sinh Số CMT, ngày cấp, nơi cấp Ngày cấp Ngày hết hạn Ghi chú Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng….. Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC V MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, GCNHLNVĐB (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, HLNVĐB Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: ……………………………………………………………………………………………… 2. Ngày sinh: ……………………………………………………………………………………………… 3. Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) số: ………………………………………. ngày cấp ………………………….. nơi cấp ……………………………………………………………. 4. Địa chỉ thường trú …………………………………………………………………………………….. 5. Giấy chứng nhận: TT Giấy chứng nhận GOC, ROC, HLNVĐB Số GCN Ngày cấp Ngày hết hạn Nơi cấp Ghi chú Căn cứ Thông tư số ………/2016/TT-BGTVT ngày …… tháng …… năm ……. của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp Giấy xác nhận việc cấp giấy chứng nhận cho tôi./. ……….., ngày…….. tháng…….. năm …………. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC VI MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, GCNHLNVĐB (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên công ty ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………………… V/v ……………….. …….., ngày …….. tháng ……. năm …………. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số ………./2016/TT-BGTVT ngày ……. tháng ……… năm …………. của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam (tên Công ty) …………. đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp Giấy xác nhận …………………………… cho những thuyền viên của công ty chúng tôi có tên dưới đây: TT Họ và tên Ngày sinh Số CMT, ngày cấp, nơi cấp Số GCN, GOC, ROC, HLNVĐB Ngày cấp Ngày hết hạn Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng….. Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC VII MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN CHÍNH Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: …………………………………………………………………………………………… 2. Ngày sinh: …………………………………………………………………………………………… 3. Nơi sinh: …………………………………………………………………………………………….. 4. Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) số ………………………………………. ngày cấp...................................... nơi cấp …………………………………………………………… 5. Địa chỉ thường trú ……………………………………………………………………………………. Tôi đã học và thi đạt yêu cầu khóa huấn luyện viên chính do (tên cơ sở đào tạo) tổ chức từ ngày ……… tháng …….. năm …….. đến ngày …….. tháng ……… năm ……….. Căn cứ Thông tư số ……………/2016/TT-BGTVT ngày …….. tháng …….. năm ……. của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, tôi đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận Huấn luyện viên chính cho tôi./. …….., ngày…….. tháng….. năm …….. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC VIII MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên Công ty ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………… V/v ……………….. …….., ngày …….. tháng ……. năm …………. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số ………./2016/TT-BGTVT ngày …….. tháng ……… năm ……… của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền Viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, (tên cơ sở đào tạo, huấn luyện) ………. đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận huấn luyện viên chính cho các học viên có tên sau (có Quyết định công nhận kết quả thi kèm theo): TT Họ và tên Ngày sinh Tên Khóa huấn luyện đã tham dự Từ ngày đến ngày Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng….. Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC IX MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GCNKNCM, GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, GCNHLNVĐB, GIẤY CÔNG NHẬN GCNKNCM, GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GCNKNCM, GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, TÀU DẦU, HÓA CHẤT, KHÍ GA HÓA LỎNG, GIẤY CÔNG NHẬN GCNKNCM, GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: …………………………………………………………………………………………… 2. Ngày sinh: …………………………………………………………………………………………… 3. Chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân) số ………………………………………. ngày cấp...................................... nơi cấp …………………………………………………………… 4. Sổ thuyền viên số: ……………………..ngày cấp …………..nơi cấp ……………………………. 5. GCN số ……………….. ngày cấp …………………… ngày hết hạn…………………………….. 6. Thời gian đảm nhận chức danh trên tàu biển: TT Tên tàu Chủ tàu Loại tàu Tổng dung tích Tổng công suất máy chính Chức danh Thời gian (từ…. đến.....) Ghi chú Căn cứ Thông tư số ……………/2016/TT-BGTVT ngày …….. tháng …… năm …… của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, tôi đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy …………………………………. cho tôi. Lý do: …………………………………………………………………………………………………….. …….., ngày…….. tháng….. năm …….. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC X MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GCNKNCM, GIẤY XÁC NHẬN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GOC, ROC, TÀU DẦU, HÓA CHẤT, KHÍ GA HÓA LỎNG, GIẤY CÔNG NHẬN GCNKNCM, GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN VIÊN CHÍNH (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên công ty ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………… V/v ……………….. …….., ngày …….. tháng ……. năm …………. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số ………./2016/TT-BGTVT ngày …….. tháng ……… năm ……… của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, (tên công ty) ……………… đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cấp lại Giấy ………………………………………. cho những thuyền viên của công ty chúng tôi có tên dưới đây: TT Họ và tên Ngày sinh Số GCNKNCM, GXN, GCN, GCNHLVC Ngày cấp Ngày hết hạn Lý do đề nghị cấp lại Hồ sơ kèm theo gồm có: ………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………….. Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng……. Lãnh đạo công ty (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC XI MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAM DỰ KHÓA ĐÀO TẠO NÂNG CAO, KHÓA BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ, DỰ THI SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAM DỰ KHÓA ĐÀO TẠO NÂNG CAO, KHÓA BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ, DỰ THI SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG Kính gửi: …………………………………………………. 1. Họ và tên: …………………………………………… 2. Ngày sinh: ………………………………. 3. Nơi sinh: ………………………………………………………………………………………………. 4. Đơn vị công tác hiện nay: ………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………. Tôi làm đơn này kính đề nghị ……………………………………………… xét duyệt cho tôi được tham dự khóa đào tạo ………………………………………………………………………………… Tôi xin chân thành cảm ơn! …….., ngày…….. tháng….. năm …….. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC XII MẪU BẢN KHAI THỜI GIAN ĐI BIỂN CHO SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- BẢN KHAI THỜI GIAN ĐI BIỂN CHO SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG Mức: …………………...Ngành:…………………………… Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: ………………………………………………………………………………………….. 2. Ngày sinh: ………………………………………………………………………………………….. 3. Nơi sinh: ……………………………………………………………………………………………. 4. Đơn vị công tác hiện nay: ………………………………………………………………………… 5. Thời gian đảm nhận chức danh trên tàu biển: TT Thời gian (từ tháng, năm đến tháng, năm) Tên tàu Chủ tàu Loại tàu Chức danh Tổng dung tích (GT) Tổng công suất máy chính (kW) Tổng số tháng làm việc trên tàu Ghi chú …….., ngày…….. tháng….. năm …….. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC XIII MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN VỀ KHÓA ĐÀO TẠO NÂNG CAO, KHÓA BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỂ THI SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG VÀ CẤP GIẤY CNKNCM SỸ QUAN, THUYỀN TRƯỞNG, MÁY TRƯỞNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) Tên cơ sở đào tạo, huấn luyện ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ……………. V/v ……………… ………., ngày ….. tháng …… năm ………….. Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam Căn cứ Thông tư số …………../2016/TT-BGTVT ngày ………tháng …..năm …….của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, đào tạo, huấn luyện thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, (tên cơ sở đào tạo, huấn luyện) đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam xét duyệt danh sách khóa đào tạo nâng cao, khóa (bồi dưỡng nghiệp vụ, dự thi sỹ quan, thi thuyền trưởng, máy trưởng) cụ thể như sau: 1. Hồ sơ của học viên (danh sách và hồ sơ kèm theo). 2. Thời gian mở khóa đào tạo, huấn luyện …………………………………… 3. Địa điểm thi: …………………………………………………………………………………………… (Cơ sở đào tạo, huấn luyện) đề Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định./. Nơi nhận: - Như trên; - Lưu: VT, Phòng..... Thủ trưởng đơn vị (Ký tên, đóng dấu) PHỤ LỤC XIV MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TÀU BIỂN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM Independence - Freedom - Happiness -------------- GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỊNH BIÊN AN TOÀN TỐI THIỂU TÀU BIỂN MINIMUM SAFE MANNING CERTIFICATE Cấp theo quy định của Quy tắc 14 Chương V SOLAS 74 sửa đổi Issued under the provisions of Regulation 14 of Chapter V of the SOLAS 74 as amended, Được sự ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chứng nhận: Under the authorization of the Government of the Socialist Republic of Vietnam, Administrator of the Vietnam Maritime Administration certifies: Tên tàu (Ship's Name) ………………………… Hô hiệu (Call Sign) ……………………………. Loại tàu (Type of ship) ………………………… Số IMO (IMO number) ………………………….. Tổng dung tích (Gross Tonnage) …………….. Nơi đăng ký (Place of Registry) ……………. Vùng hoạt động (Trading Area) ……………….. Công suất máy chính (Main Propulsion Power) ……………………………. Buồng máy không được trực ca thường xuyên (Periodically unattended machinery space): đúng / không đúng (yes / no) …………….. Doanh nghiệp quản lý, khai thác (Operating Company): …………………………………… Tàu biển có tên trong Giấy chứng nhận này được xem xét bố trí định biên an toàn, bất kể khi nào tàu hành trình ra biển đều phải bố trí không được ít hơn số lượng chức danh và trình độ chuyên môn được chỉ ra ở bảng dưới đây: The ship named in this Certificate is considered to be safely maned if, whenever she proceeds to sea, she carries not less than the number and grades/capacities of personnel specified in the table below: Chức danh (Grade/ Capacity) Số lượng (Number) Chức danh (Grade/ Capacity) Số lượng (Number) Thuyền trưởng (Master) Máy trưởng (Chief Engineer) Đại phó (Chief Officer) Máy hai (Second Engineer) Sỹ quan boong (Deck Officer) Sỹ quan máy (Engine Officer) Thủy thủ trực ca AB (Able Seafarer Deck Rating) Thợ máy trực ca AB (Able Seafarer Engine Rating) Sỹ quan TTVT hoặc Sỹ quan boong có G.O.C (Radio Officer or Deck Officer holding G.O.C) Ghi chú (Remark): ……………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………… Giấy chứng nhận này có giá trị theo Giấy chứng nhận Đăng ký tàu. This Certificate is subject to the validity of the Ship’s Certificate of Registry. Cấp tại _________, ngày _________ Issued at Date Số:……………. /ĐKTB. No PHỤ LỤC XV MẪU GIẤY XÁC NHẬN THỜI GIAN TẬP SỰ TRÊN TÀU BIỂN (Ban hành kèm theo Thông tư số 37/2016/TT-BGTVT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- Kính gửi: Cục Hàng hải Việt Nam 1. Họ và tên: ………………………………………………………………………………………….. 2. Ngày sinh: ………………………………………………………………………………………….. 3. Nơi sinh: ……………………………………………………………………………………………. 4. Đơn vị công tác hiện nay: ………………………………………………………………………… 5. Thời gian tập sự trực ca trên tàu biển: TT Thời gian (từ tháng, năm đến tháng, năm) Tên tàu Chủ tàu Loại tàu Chức danh Tổng dung tích (GT) Tổng công suất máy chính (kW) Tổng số tháng làm việc trên tàu Ghi chú Xác nhận của Thuyền trưởng (Ký và ghi rõ họ tên) ………, ngày…….. tháng….. năm …….. Người đề nghị (Ký và ghi rõ họ tên)
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "25/11/2016", "sign_number": "37/2016/TT-BGTVT", "signer": "Trương Quang Nghĩa", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Ke-hoach-522-KH-GDDT-CTTT-2018-dam-bao-an-toan-thuc-pham-So-Giao-duc-Ho-Chi-Minh-546170.aspx
Kế hoạch 522/KH-GDĐT-CTTT 2018 đảm bảo an toàn thực phẩm Sở Giáo dục Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 522/KH-GDĐT-CTTT Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 02 năm 2018 KẾ HOẠCH ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM 2018 Căn cứ Chỉ thị số 26/2014/CT-UBND ngày 17/9/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Căn cứ Kế hoạch 15/KH-BCĐLNVSATTP ngày 23/02/2017 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 phê duyệt Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020; Căn cứ Kế hoạch số 65/KH-BCĐLNVSATTP ngày 16/01/2018 về kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2018 trong ngành Giáo dục và Đào tạo như sau: I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung - Kiện toàn Ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm của các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo các thành viên ban chỉ đạo được bổ sung kiến thức chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác. - Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn để kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại đơn vị. - Kiểm soát chặt chẽ các công đoạn trong suốt quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản… đảm bảo thực phẩm cho học sinh sử dụng có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thực phẩm. 2. Mục tiêu cụ thể - Nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng. Đảm bảo 100% người quản lý về an toàn thực phẩm nắm vững các văn bản pháp lý và kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm. - Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thực phẩm (thu thập, phân tích, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm). - Bảo đảm sử dụng thực phẩm an toàn từ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục và đơn vị trường học hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như GMP, HACCP, ISO 22000… Đồng thời ký hợp đồng các cơ sở kinh doanh thực phẩm (bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn công nghiệp) theo đúng quy định của thông tư số 47/2014/TT-BYT 11 tháng 12 năm 2014 quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. - Ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, giảm 30% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 học sinh mắc trở lên được ghi nhận so với năm 2017. II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN 1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: a. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học: - Chỉ đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm tại các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học, lấy mẫu giám sát sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. - Tăng cường đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên môn về ATTP, nghiệp vụ quản lý, chứng chỉ lấy mẫu,... tại các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục. - Phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc, hệ thống cảnh báo các sản phẩm không an toàn. Trên cơ sở truy xuất nguồn gốc toàn bộ hệ thống kinh doanh thịt heo, gia cầm, tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất đối với rau củ quả và thủy sản. - Tổ chức đánh giá, tổng kết hàng năm lồng ghép chung trong công tác y tế trường học. b. Tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về ATTP trong cơ sở giáo dục, đơn vị trường học: - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm quản lý của các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm. - Triển khai các phương thức truyền thông phong phú, đa dạng như hội nghị, hội thảo, tờ rơi, áp phích, băng rôn, phướn, báo đài, hệ thống phát thanh của các đơn vị, website, - Phát huy vai trò các đoàn thể tại các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trong công tác truyền thông để đạt được hiệu quả tuyên truyền về an toàn thực phẩm. - Quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về thực phẩm ăn uống trong các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học, tất cả các hình thức quảng cáo về thực phẩm ăn uống tại các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học đều phải có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo; tránh tình trạng quảng cáo, buôn bán tràn lan, thiếu kiểm soát. c. Công tác lấy mẫu giám sát - Khuyến khích các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến tại các bếp ăn, căn tin, suất ăn công nghiệp.... d. Công tác kiểm tra, thực hành: - Tăng cường phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Ban Quản lý An toàn thực phẩm trong việc tổ chức kiểm tra hằng quý, hằng năm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. - Tổ chức 01 buổi diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Ngăn chặn kịp thời các bệnh lây qua đường thực phẩm. Phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, hạn chế tối đa đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người. e. Công tác thực hiện thí điểm “Chuỗi thực phẩm an toàn” - Năm học 2018 - 2019 thí điểm tại tất cả các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh trong việc ký hợp đồng cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, căn tin với các đơn vị thực phẩm nằm trong “chuỗi thực phẩm an toàn” của thành phố. - Phối hợp tổ chức thông tin truyền thông, tiêu thụ sản phẩm chuỗi như: phóng sự, tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo, hội chợ nhằm giới thiệu sản phẩm chuỗi với các tổ chức, các đơn vị có nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm chuỗi; giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở đã, đang và sắp tham gia chuỗi; giới thiệu và khuyến khích các đơn vị có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn,… lựa chọn các sản phẩm đạt chuỗi. 2. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc: - Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận/huyện xây dựng kế hoạch triển khai trên địa bàn. Đối với phòng GD&ĐT Quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện chương trình thí điểm “Chuỗi an toàn thực phẩm” trình UBND quận/huyện triển khai thực hiện trong năm học 2018 - 2019. - Phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm địa phương tổ chức tập huấn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giám sát, phòng chống và xử lý ngộ độc thực phẩm, xây dựng phương án ứng phó ngộ độc thực phẩm. - Tham dự diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm trong trường học. Ngăn chặn kịp thời các bệnh lây qua đường thực phẩm. - Tiếp tục phát triển hệ thống tự kiểm tra trong các bếp ăn tập thể. Tổ chức ký cam kết (theo đúng quy định thông tư số 47/2014/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2014 về hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống) trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho 100% bếp ăn tự tổ chức. - Thực hiện đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các trường học và cơ sở giáo dục trực thuộc trong việc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căng tin,… đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào của các cơ sở này phải có nguồn gốc rõ ràng phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi có sự cố. - Thành lập Ban chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm tại các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trực thuộc. Trong quá trình thực hiện, đơn vị có thông tin vướng mắc, vui lòng liên hệ bà Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo Dục và Đào tạo, số điện thoại: 023.8299.682 hoặc 0908.626.798, email: [email protected]./. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Thủ trưởng các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện./. Nơi nhận: - Bộ GD&ĐT (Vụ GDTC, Vụ CTCT&HSSV); - UBND Q/H; - Ban ATTP TP; - Giám đốc Sở GD&ĐT; - Trưởng phòng GD&ĐT; - Hiệu trưởng Trường THPT, CĐ - TCCN; - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX; - Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; - Lưu: VP, CTTT. KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Bùi Thị Diễm Thu
{ "issuing_agency": "Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "12/02/2018", "sign_number": "522/KH-GDĐT-CTTT", "signer": "Bùi Thị Diễm Thu", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-21-2018-TT-BYT-dang-ky-luu-hanh-thuoc-co-truyen-duoc-lieu-396302.aspx
Thông tư 21/2018/TT-BYT đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền dược liệu mới nhất
BỘ Y TẾ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 21/2018/TT-BYT Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2018 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN, DƯỢC LIỆU Căn cứ Luật dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016; Căn cứ Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược; Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định chi tiết các nội dung sau đây: 1. Tiêu chí xác định thuốc cổ truyền được miễn thử lâm sàng, miễn một số giai đoạn thử lâm sàng, phải thử lâm sàng giai đoạn 4, phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn tại Việt Nam và yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn, hiệu quả làm cơ sở cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền. 2. Hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung, thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền và dược liệu. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Thông tư này áp dụng đối với các trường hợp sau đây: a) Thuốc cổ truyền; b) Vị thuốc cổ truyền được bào chế dưới dạng cổ truyền hoặc hiện đại; c) Dược liệu thuộc danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. 2. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây: a) Thuốc cổ truyền quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47, khoản 2 Điều 60 và khoản 1, khoản 2 Điều 70 Luật dược; b) Dược liệu quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật dược và bán thành phẩm dược liệu. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Bán thành phẩm dược liệu là sản phẩm từ dược liệu đã qua một, một số hoặc tất cả các công đoạn chế biến, sản xuất, trừ công đoạn đóng gói cuối cùng. 2. Cổ phương (phương thuốc cổ) là thuốc cổ truyền được ghi trong các sách về y học cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc từ trước Thế kỷ 19, trong đó có ghi số vị thuốc, hàm lượng của từng vị, phương pháp bào chế, tác dụng, chỉ định, đường dùng, liều dùng, cách dùng và chỉ định của phương thuốc. 3. Thuốc cổ phương gia giảm là thuốc cổ phương có tăng hoặc giảm về số vị thuốc, hàm lượng của từng vị thuốc phù hợp với bệnh hoặc chứng bệnh theo lý luận của y học cổ truyền nhưng không thay đổi về phương pháp bào chế, đường dùng, liều dùng, cách dùng và các vị thuốc trong công thức thuốc không có sự tương kỵ. 4. Cơ sở đăng ký là cơ sở đứng tên nộp đơn đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. 5. Thể bệnh y học cổ truyền là tình trạng bệnh của người bệnh được chẩn đoán, xác định theo y lý của y học cổ truyền. Điều 4. Ngôn ngữ, hình thức, tính pháp lý của hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, dược liệu. 1. Ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, dược liệu: a) Hồ sơ đăng ký của thuốc cổ truyền, dược liệu sản xuất trong nước phải viết bằng tiếng Việt; b) Hồ sơ đăng ký của thuốc cổ truyền, dược liệu nhập khẩu phải được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Trường hợp viết bằng tiếng Anh, Tờ hướng dẫn sử dụng sản phẩm và Tóm tắt đặc tính sản phẩm phải được viết bằng tiếng Việt. Tài liệu chứng minh thuốc cổ truyền bảo đảm yêu cầu về an toàn, hiệu quả có thêm bản sao được viết bằng tiếng của nước xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp. 2. Hồ sơ đăng ký phải được chuẩn bị trên khổ giấy A4, đóng thành bộ chắc chắn; sắp xếp theo đúng trình tự của mục lục, có phân cách giữa các phần; các phần phân cách phải được đánh số thứ tự để dễ tham khảo và có dấu xác nhận của cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất ở trang đầu tiên của mỗi phần trong toàn bộ hồ sơ; riêng tiêu chuẩn chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm, phiếu kiểm nghiệm thuốc cổ truyền, dược liệu phải có dấu xác nhận của nhà sản xuất. 3. Nhãn thuốc cổ truyền, dược liệu: Mỗi thuốc cổ truyền, dược liệu phải có 02 (hai) bộ mẫu thiết kế nhãn; riêng thuốc cổ truyền, dược liệu nhập khẩu còn phải có 01 (một) bộ nhãn thực tế. Các nhãn này được gắn trên giấy A4 có đóng dấu giáp lai của cơ sở đăng ký hoặc cơ sở sản xuất. Khi tiếp nhận hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thì cơ sở đăng ký chỉ phải nộp bản sao mẫu nhãn đã được phê duyệt nếu không có thay đổi so với đăng ký lần đầu. 4. Tờ hướng dẫn của thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền) theo quy định về hướng dẫn ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế, có đóng dấu giáp lai của cơ sở đăng ký. Nội dung về chỉ định và cách dùng phải thể hiện rõ được thể bệnh y học cổ truyền. Trường hợp gia hạn giấy đăng ký lưu hành thì cơ sở không phải nộp lại tờ hướng dẫn của thuốc nếu không có thay đổi so với đăng ký lần đầu và gia hạn giấy đăng ký lần trước. 5. Các tài liệu khác: a) Đơn đăng ký phải do người đứng đầu của cơ sở đăng ký hoặc đại diện được ủy quyền của cơ sở đăng ký ký trực tiếp trên đơn và đóng dấu (nếu có) của cơ sở đăng ký, không được dùng chữ ký dấu; b) Trong trường hợp có ủy quyền, hồ sơ phải nộp kèm một giấy ủy quyền bản chính hoặc bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ sở đăng ký hoặc của văn phòng đại diện tại Việt Nam và được thực hiện theo các trường hợp sau đây: - Ủy quyền được đứng tên cơ sở đăng ký theo Mẫu số 09A ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp cơ sở đứng tên đăng ký không phải là cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, dược liệu và cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, dược liệu nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; - Ủy quyền ký tên vào hồ sơ đăng ký khi cơ sở đăng ký ủy quyền cho văn phòng đại diện của cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu tại Việt Nam theo Mẫu số 09B ban hành kèm theo Thông tư này; - Ủy quyền sử dụng tên thuốc cổ truyền, dược liệu có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa khi chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không phải là cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu theo Mẫu số 09C ban hành kèm theo Thông tư này. c) Trường hợp cơ sở đăng ký khác cơ sở sản xuất thì giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở đăng ký có thể là bản sao có chứng thực hoặc bản sao do cơ sở sản xuất tự đóng dấu xác nhận; d) Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có liên quan trong hồ sơ đăng ký thuốc (nếu có) do các cơ quan có thẩm quyền về sở hữu công nghiệp cấp hoặc xác nhận phải là bản sao có chứng thực hoặc bản sao có đóng dấu của cơ sở đăng ký. 6. Đối với hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài còn phải đáp ứng các quy định sau: a) Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (gọi tắt là Giấy CPP), Giấy phép sản xuất, kinh doanh dược do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (gọi tắt là GMP), giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, có thể nộp bản chính hoặc bản sao, cụ thể như sau: - Trường hợp nộp bản chính: Bản chính phải có đầy đủ chữ ký, tên, chức danh người ký, ngày cấp và dấu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Chữ ký, tên, chức danh người ký và dấu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, giấy CPP phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp các giấy tờ pháp lý do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của các nước cấp đã có ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam; - Trường hợp nộp bản sao: Bản sao do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về chứng thực bản sao từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc. Trong trường hợp cần thiết cơ sở xuất trình bản gốc để đối chiếu theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận hồ sơ; - Thời hạn hiệu lực của giấy phép hoặc giấy chứng nhận: Thời hạn hiệu lực phải được ghi cụ thể trên các giấy chứng nhận và phải còn hạn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ; không chấp nhận công văn gia hạn giấy phép, giấy chứng nhận. b) Giấy CPP phải đáp ứng các quy định tại điểm a khoản này và đáp ứng các quy định sau đây: - Do cơ quan quản lý dược có thẩm quyền (theo danh sách của WHO trên website http://www.who.int) ban hành, cấp theo mẫu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) áp dụng đối với Hệ thống chứng nhận chất lượng của các sản phẩm dược lưu hành trong thương mại quốc tế; - Có xác nhận thuốc được phép lưu hành ở nước sản xuất. Trường hợp thuốc không được cấp phép lưu hành ở nước sản xuất hoặc được cấp phép nhưng thực tế thuốc không lưu hành ở nước sản xuất, cơ sở đăng ký phải cung cấp Giấy CPP có xác nhận thuốc được lưu hành ở một trong các nước mà thuốc đã thực tế lưu hành. c) Giấy phép sản xuất, kinh doanh dược do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp ngoài việc đáp ứng các quy định tại điểm a khoản này còn phải đầy đủ các nội dung đây: - Tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; - Tên và địa chỉ cơ sở kinh doanh thuốc; - Phạm vi hoạt động; - Thời hạn hiệu lực phải được ghi cụ thể trên các giấy chứng nhận và phải còn hạn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ. Trường hợp không quy định thời hạn hiệu lực, cơ sở kinh doanh thuốc nước ngoài phải cung cấp giấy chứng nhận của cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xác nhận cơ sở vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại thời điểm nộp hồ sơ. d) Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP- WHO), ISO hoặc các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn tương đương phải do cơ quan có thẩm quyền ở nước sản xuất cấp, có tên và địa chỉ nhà sản xuất. 7. Mỗi thuốc cổ truyền, dược liệu phải có 01 hồ sơ đăng ký riêng, trừ trường hợp thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền) có cùng công thức cho một đơn vị liều, cùng hàm lượng nhưng khác quy cách đóng gói. Điều 5. Lệ phí đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu Cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Điều 6. Sáng chế và bảo mật liên quan đến thuốc cổ truyền đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền có nhu cầu bảo mật dữ liệu đối với hồ sơ đăng ký thuốc cổ truyền mới theo quy định tại Thông tư số 05/2010/TT-BYT ngày 01/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong đăng ký thuốc phải nêu rõ đề nghị trong đơn đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành theo các Mẫu số 03, Mẫu số 04 và Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và cung cấp các tài liệu pháp lý có liên quan đến tình trạng bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ (văn bằng độc quyền sáng chế). Chương II TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH THUỐC CỔ TRUYỀN ĐƯỢC MIỄN THỬ LÂM SÀNG, MIỄN MỘT SỐ GIAI ĐOẠN THỬ LÂM SÀNG, PHẢI THỬ LÂM SÀNG GIAI ĐOẠN 4, PHẢI THỬ LÂM SÀNG ĐẦY ĐỦ CÁC GIAI ĐOẠN TẠI VIỆT NAM VÀ YÊU CẦU VỀ DỮ LIỆU LÂM SÀNG ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN, HIỆU QUẢ LÀM CƠ SỞ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN Điều 7. Tiêu chí xác định thuốc cổ truyền được miễn thử lâm sàng tại Việt Nam 1. Vị thuốc cổ truyền. 2. Thuốc cổ truyền được Bộ Y tế công nhận khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau: a) Cổ phương; b) Bài thuốc gia truyền đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, có tác dụng, chỉ định thể hiện rõ được thể bệnh y học cổ truyền và đã được Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên có văn bản nghiệm thu đánh giá thành phẩm của bài thuốc gia truyền khi lưu hành bảo đảm an toàn, hiệu quả; c) Các thuốc đã sử dụng điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tuyến tỉnh trở lên từ 10 (mười) năm trở lên và cho từ 200 (hai trăm) người bệnh trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký có đường dùng, liều dùng, quy trình, dạng bào chế ổn định; có tác dụng, chỉ định thể hiện rõ được thể bệnh y học cổ truyền và được Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên có văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn và hiệu quả; d) Thuốc cổ truyền đã được miễn thử lâm sàng có thay đổi dạng bào chế nhưng không thay đổi thành phần, hàm lượng, chỉ định, tác dụng và đường dùng, đã được Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên có văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn, hiệu quả trên lâm sàng trong điều trị bệnh, chứng bệnh theo bài thuốc gốc; đ) Bài cổ phương gia giảm để làm tăng tác dụng chính của bài thuốc, thành phần được gia thêm không có dược liệu thuộc danh mục dược liệu độc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; có tài liệu, dữ liệu chứng minh hoặc phân tích, biện giải được về tính an toàn, hiệu quả trên lâm sàng của thuốc sau khi gia giảm; e) Thuốc cổ truyền là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và tương đương trở lên; có tác dụng, chỉ định thể hiện rõ được thể bệnh y học cổ truyền và được Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên có văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn và hiệu quả. 3. Thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trước ngày Luật Dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 72 Luật dược, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Thông tư này. Điều 8. Tiêu chí xác định trường hợp miễn một số giai đoạn thử thuốc cổ truyền trên lâm sàng tại Việt Nam 1. Thuốc cổ truyền được miễn thử lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: a) Các thuốc thuộc trường hợp được miễn thử lâm sàng nhưng có thay đổi hoặc bổ sung chỉ định trên cơ sở tác dụng chính của bài thuốc mà không thay đổi thành phần công thức thuốc, liều dùng, dạng bào chế; b) Bài thuốc gia truyền đã được cấp giấy chứng nhận theo quy định hiện hành không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư này; c) Các thuốc đã sử dụng điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền tuyến huyện hoặc tương đương trở lên từ 10 (mười) năm trở lên và cho từ 200 (hai trăm) người bệnh trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký, có đường dùng, liều dùng, quy trình, dạng bào chế ổn định, có tác dụng, chỉ định thể hiện rõ được thể bệnh y học cổ truyền và được Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp cơ sở tại bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh hoặc tương đương trở lên có văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn và hiệu quả. 2. Thuốc cổ truyền được miễn thử lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Việt Nam nhưng phải thử lâm sàng rút gọn giai đoạn 3 khi đáp ứng tiêu chí sau: Các thuốc thuộc trường hợp được miễn thử lâm sàng, có thay đổi dạng bào chế, không thay đổi thành phần, chỉ định, tác dụng và đường dùng, trừ trường hợp thuốc cổ truyền quy định tại điểm a và điểm đ Khoản 2 Điều 7 Thông tư này. Hội đồng đạo đức nghiên cứu y sinh chuyên ngành y học cổ truyền lĩnh vực thuốc cổ truyền, dược liệu xem xét, quyết định quy mô và phương pháp thử lâm sàng rút gọn giai đoạn 3. 3. Thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trước ngày Luật Dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực được miễn thử lâm sàng giai đoạn 1, giai đoạn 2 theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Có thành phần công thức không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này và phát hiện thêm tác dụng không mong muốn và/hoặc phản ứng có hại của thuốc so với tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành; b) Chưa có đủ dữ liệu lâm sàng, an toàn hiệu quả đối với bệnh viêm gan, ung thư và một số bệnh khác theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành. Điều 9. Tiêu chí xác định thuốc cổ truyền phải thử lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam Thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam phải thử lâm sàng giai đoạn 4 khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: 1. Có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về dược có thẩm quyền trong trường hợp phải cung cấp thêm thông tin nhằm tiếp tục đánh giá tính an toàn, hiệu quả điều trị của thuốc. 2. Thuốc cổ truyền đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trước ngày Luật Dược số 105/2016/QH13 có hiệu lực phải thử lâm sàng giai đoạn 4 theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành khi có thành phần công thức không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này và không phát hiện thêm tác dụng không mong muốn và phản ứng có hại của thuốc so với hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. 3. Các thuốc cổ truyền quy định tại Điều 8 Thông tư này chưa thử lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam. Điều 10. Tiêu chí để xác định thuốc cổ truyền phải thử đầy đủ các giai đoạn Thuốc cổ truyền không thuộc các trường hợp quy định tại các Điều 7, 8 và Điều 9 Thông tư này phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn tại Việt Nam. Điều 11. Tài liệu chứng minh thuốc cổ truyền đáp ứng tiêu chí miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng 1. Cổ phương quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Thông tư này: Tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thuốc cổ phương theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này. 2. Đối với bài thuốc gia truyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 hoặc điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư này: a) Bản sao Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền có chứng thực hoặc có đóng dấu của cơ sở. Trường hợp nộp bản sao có đóng dấu của cơ sở thì phải có bản chính hoặc bản sao có chứng thực để bộ phận tiếp nhận hồ sơ đối chiếu; b) Bản sao có chứng thực văn bản nghiệm thu của Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên (nếu có). 3. Đối với các thuốc sử dụng điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 hoặc điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư này: a) Tài liệu về công thức thuốc; cách bào chế các thành phần; dạng bào chế; cách dùng, đường dùng; liều dùng; chỉ định và chống chỉ định; b) Tài liệu chứng minh đã sử dụng để điều trị từ 10 (mười) năm trở lên cho 200 (hai trăm) người bệnh trở lên, có liều dùng, quy trình, dạng bào chế ổn định; c) Bản sao có chứng thực văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn, hiệu quả của Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ huyền cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên đối với thuốc quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7; d) Bản sao có chứng thực văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn, hiệu quả của Hội đồng khoa học công nghệ hoặc Hội đồng đạo đức chuyên ngành y học cổ truyền cấp cơ sở tại bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh hoặc tương đương trở lên đối với thuốc quy định tại tại điểm c khoản 1 Điều 8. 4. Đối với thuốc cổ truyền đã được miễn thử lâm sàng có thay đổi dạng bào chế: a) Tài liệu về công thức thuốc; cách bào chế các thành phần; dạng bào chế mới; b) Tờ hướng dẫn sử dụng theo quy định về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế, có đóng dấu giáp lai của cơ sở đăng ký; c) Quy trình sản xuất sau khi thay đổi từ dạng bào chế trước đó; d) Bản sao có chứng thực văn bản nghiệm thu đánh giá an toàn, hiệu quả trong điều trị bệnh, chứng bệnh theo bài thuốc gốc của Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành y học cổ truyền cấp Bộ hoặc tương đương trở lên. 5. Đối với cổ phương gia giảm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư này: a) Tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thuốc cổ phương theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này; b) Tài liệu về công thức thuốc; lý luận cách gia giảm; cách bào chế các thành phần; dạng thuốc; cách dùng, đường dùng; liều dùng; chỉ định và chống chỉ định; c) Tài liệu, dữ liệu chứng minh về tính an toàn, hiệu quả trên lâm sàng của thuốc sau khi gia giảm. Điều 12. Các trường hợp thuốc cổ truyền phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành 1. Thuốc cổ truyền đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả bao gồm: a) Thuốc cổ truyền có chứa dược liệu độc thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật tại Phụ lục III và các dược liệu độc không đánh dấu sao (*) thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, động vật tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc; b) Thuốc cổ truyền chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuốc được miễn một số giai đoạn thử lâm sàng theo quy định tại Điều 8 Thông tư này. 2. Thuốc cổ truyền đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả khi chưa có đầy đủ dữ liệu lâm sàng bảo đảm an toàn, hiệu quả theo quy định về thử thuốc trên lâm sàng. 3. Các thuốc cổ truyền được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này áp dụng thời hạn cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành là 03 năm. Điều 13. Yêu cầu về báo cáo theo dõi, đánh giá an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành thuốc cổ truyền Các thuốc cổ truyền phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo quy định tại Điều 12 Thông tư này định kỳ 06 tháng một lần và khi nộp hồ sơ đăng ký gia hạn theo quy định sau: 1. Cơ sở đăng ký có trách nhiệm báo cáo an toàn, hiệu quả của thuốc theo Mẫu 8A Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, thực hiện việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến báo cáo an toàn, hiệu quả của thuốc. 2. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thuốc có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng thuốc theo Mẫu 8B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, thực hiện lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến báo cáo tình hình sử dụng thuốc để phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả, an toàn của thuốc. Điều 14. Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng để bảo đảm an toàn, hiệu quả đối với thuốc cổ truyền trong hồ sơ đăng ký lưu hành 1. Các nghiên cứu lâm sàng của thuốc, các dữ liệu trong hồ sơ lâm sàng, hồ sơ kỹ thuật để chứng minh an toàn, hiệu quả phải phù hợp với quy định của Bộ Y tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng. 2. Các dữ liệu đã có sẵn trong kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của thuốc có thể sử dụng phân tích và biện giải được về ảnh hưởng có thể có của yếu tố dịch tễ học, bệnh học hoặc điều kiện sống tại Việt Nam đến an toàn và hiệu quả của thuốc. Chương III HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN MỤC I. HỒ SƠ CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN Điều 15. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền Hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền thực hiện theo quy định Khoản 2 Điều 56 Luật dược, bao gồm: 1. Phần hồ sơ hành chính quy định cụ thể tại Điều 16 Thông tư này. 2. Phần hồ sơ kỹ thuật quy định cụ thể tại Điều 17 Thông tư này. 3. Mẫu nhãn thực tế của thuốc cổ truyền lưu hành tại nước sở tại hoặc nước tham chiếu đối với thuốc cổ truyền nhập khẩu. Điều 16. Phần hồ sơ hành chính Phần hồ sơ hành chính bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây: 1. Đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền theo Mẫu số 03A hoặc Mẫu số 03B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Các giấy tờ pháp lý trong trường hợp cơ sở đứng tên đăng ký thuốc cổ truyền là cơ sở sản xuất: a) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược có phạm vi kinh doanh sản xuất thuốc cổ truyền đối với cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền trong nước; b) Giấy CPP của thuốc cổ truyền nhập khẩu đối với cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền nước ngoài, trừ vị thuốc cổ truyền. Trường hợp Giấy CPP không có nội dung xác nhận cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP thì phải nộp thêm Giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền nước ngoài. Trường hợp có nhiều cơ sở tham gia vào quá trình sản xuất thuốc thì phải nộp giấy chứng nhận GMP của tất cả các cơ sở sản xuất có tham gia vào quá trình sản xuất thuốc. 3. Các giấy tờ pháp lý trong trường hợp cơ sở đứng tên đăng ký thuốc cổ truyền không phải là cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền: a) Các giấy tờ pháp lý theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này; b) Các giấy tờ pháp lý của cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền: - Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở trong nước có một trong các phạm vi kinh doanh: sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc cổ truyền; - Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam và Giấy phép sản xuất, kinh doanh thuốc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp theo quy định đối với cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền có văn phòng đại diện tại Việt Nam. 4. Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này trong trường hợp được ủy quyền. 5. Bản Tóm tắt về sản phẩm theo Mẫu số 06A hoặc Mẫu số 06B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; 6. Mẫu nhãn thuốc cổ truyền: Nội dung nhãn thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 7. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 8. Tài liệu bảo mật dữ liệu quy định tại Điều 6 Thông tư này (nếu có). 9. Các tài liệu khác (nếu có). Điều 17. Phần hồ sơ kỹ thuật Phần hồ sơ kỹ thuật bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây: 1. Tài liệu về quy trình sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu sau: a) Tài liệu về nguyên liệu: Phải mô tả đầy đủ, chi tiết quy trình sản xuất nguyên liệu (không bắt buộc mô tả quy trình sản xuất đối với tá dược và các nguyên liệu có trong dược điển, nguyên liệu do nhà sản xuất khác sản xuất); b) Tài liệu về thành phẩm phải thể hiện được đầy đủ các thông tin sau: - Công thức cho đơn vị đóng gói nhỏ nhất: tên nguyên liệu, bao gồm cả thành phần chính, phụ liệu và tá dược; tiêu chuẩn áp dụng của nguyên liệu; nếu sản xuất từ cao dược liệu chưa được chuẩn hóa về hàm lượng hoạt chất thì phải ghi rõ lượng dược liệu tương ứng; - Công thức cho một lô, mẻ sản xuất: tên nguyên liệu bao gồm cả thành phần chính và tá dược; khối lượng hoặc thể tích của từng nguyên liệu; - Sơ đồ quy trình sản xuất bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình sản xuất; - Mô tả quy trình sản xuất: mô tả đầy đủ, chi tiết từng giai đoạn trong quá trình sản xuất; - Danh mục trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình sản xuất: tên thiết bị, thông số, mục đích sử dụng, tình trạng sử dụng, số đăng ký hoặc công bố (nếu có); - Kiểm soát trong quá trình sản xuất: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sản xuất. 2. Tài liệu về tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thuốc phải đáp ứng được các yêu cầu sau: a) Đối với nguyên liệu làm thuốc cổ truyền có trong dược điển: ghi cụ thể tên dược điển và năm xuất bản; Đối với nguyên liệu làm thuốc cổ truyền không có trong dược điển: mô tả đầy đủ, chi tiết chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm; b) Tiêu chuẩn thành phẩm: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm của thành phẩm; c) Tiêu chuẩn của bao bì đóng gói: Mô tả đầy đủ, chi tiết chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm; d) Phiếu kiểm nghiệm thuốc phải đáp ứng yêu cầu sau: - Cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền có phòng kiểm nghiệm thuốc cổ truyền đạt Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) theo quy định của Bộ Y tế tự thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm của chính cơ sở sản xuất; - Cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền chưa có phòng kiểm nghiệm thuốc cổ truyền đạt Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) theo quy định của Bộ Y tế phải thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm của các cơ sở kiểm nghiệm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. đ) Yêu cầu về nghiên cứu độ ổn định: Cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền phải nghiên cứu và có tài liệu chứng minh độ ổn định, bao gồm: - Đề cương nghiên cứu độ ổn định; - Số liệu nghiên cứu độ ổn định; - Kết luận nghiên cứu độ ổn định. 3. Tài liệu chứng minh thuốc bảo đảm yêu cầu về an toàn, hiệu quả, bao gồm: a) Đối với thuốc cổ truyền: - Các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, tiền lâm sàng đã được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, phê duyệt đạt kèm theo bản sao chứng thực văn bản phê duyệt kết quả nghiên cứu của cơ quan có thẩm quyền đối với từng trường hợp quy định tại Điều 7, 8, 9 và Điều 10 Thông tư này; - Các báo cáo về độc tính học đối với thuốc cổ truyền chứa dược liệu độc thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật tại Phụ lục III và các dược liệu độc không đánh dấu sao (*) thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, động vật tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc. b) Đối với vị thuốc cổ truyền: Báo cáo về độc tính học đối với vị thuốc cổ truyền có chứa dược liệu độc thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật tại Phụ lục III và các dược liệu độc không đánh dấu sao (*) thuộc danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, động vật tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc, ban hành kèm theo kết quả phân tích độc tính của vị thuốc cổ truyền do cơ sở có chức năng thực hiện. 4. Tài liệu chứng minh thuốc cổ truyền đáp ứng tiêu chí miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử thuốc lâm sàng quy định tại Điều 11 Thông tư này. Điều 18. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Đơn đề nghị gia hạn giấy đăng ký theo Mẫu số 04A hoặc Mẫu số 04B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Các giấy tờ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 16 Thông tư này và các giấy tờ quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 16 Thông tư này đối với trường hợp thuốc cổ truyền có thay đổi về hồ sơ hành chính tại thời điểm đăng ký gia hạn. 3. Báo cáo lưu hành thuốc cổ truyền theo Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Báo cáo an toàn, hiệu quả đối với thuốc có yêu cầu tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 5. Bản sao giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đã cấp. Điều 19. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền theo Mẫu số 05A hoặc Mẫu số 05B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Hồ sơ kỹ thuật đối với nội dung thay đổi, bổ sung: Các tài liệu có liên quan theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Bản sao giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền tại Việt Nam đã cấp còn hiệu lực. MỤC II. THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN Điều 20. Thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Cơ sở đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (cơ sở đăng ký) nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (hồ sơ đăng ký) theo quy định tại các Điều 15, 16, 17 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế. 2. Khi nhận được hồ sơ đăng ký đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị (trường hợp nộp trực tiếp) cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Đối với thuốc cổ truyền không phải thử lâm sàng, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện các thủ tục sau đây: a) Tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký; b) Trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền đối với các hồ sơ đăng ký đạt yêu cầu; c) Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các hồ sơ đạt yêu cầu. 4. Đối với thuốc cổ truyền phải thử lâm sàng, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận thực hiện các thủ tục quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này. 5. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 15, 16, 17 Thông tư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 60 ngày thì hồ sơ đăng ký không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục đăng ký. 6. Trường hợp không cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 21. Thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Trước thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (hồ sơ gia hạn) theo quy định tại Điều 18 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế. Trường hợp quá thời hạn trên mà cơ sở đăng ký chưa nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thì cơ sở phải thực hiện thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 20 Thông tư này. 2. Khi nhận được hồ sơ gia hạn đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị (trường hợp nộp trực tiếp) cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét phê duyệt danh mục thuốc cổ truyền gia hạn giấy đăng ký lưu hành. 4. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 18 Thông tư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 30 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 30 ngày thì hồ sơ gia hạn không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục gia hạn. 5. Trường hợp không gia hạn, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 22. Thủ tục thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Cơ sở đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (cơ sở đăng ký) nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung) theo quy định tại Điều 19 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế. 2. Khi nhận được hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị (trường hợp nộp trực tiếp) cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Đối với hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền có nội dung thay đổi, bổ sung quy định tại Phụ lục II.1 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở được thực hiện các nội dung thay đổi, bổ sung ngay sau ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận. 4. Đối với hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền có nội dung thay đổi, bổ sung quy định tại Phụ lục II.2 ban hành kèm theo Thông tư này, trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đồng ý với các nội dung thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền đối với các hồ sơ đạt yêu cầu. 5. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 19 Thông lư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 30 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 30 ngày thì hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung. 6. Trường hợp không cho phép thay đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký lưu hành, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 23. Các trường hợp ưu tiên xem xét rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền 1. Thuốc cổ truyền được ưu tiên xem xét rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền trước thời hạn quy định tại Điều 20 Thông tư này trên cơ sở đề nghị của cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền nêu trong Đơn đăng ký quy định theo Mẫu số 03A hoặc Mẫu số 03B Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với các trường hợp sau đây: a) Thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, nhu cầu điều trị đặc biệt; b) Thuốc trong nước sản xuất trên những dây chuyền mới đạt tiêu chuẩn GMP trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận GMP. c) Thuốc cổ truyền được sản xuất toàn bộ từ nguồn dược liệu trong nước đạt Thực hành tốt nuôi trồng thu hái, khai thác dược liệu theo tiêu chuẩn GACP. 2. Hồ sơ, thủ tục đối với các thuốc cổ truyền thuộc trường hợp ưu tiên rút ngắn thời gian giấy đăng ký lưu hành phải bảo đảm theo quy định tại Điều 20 Thông tư này. Chương IV HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH DƯỢC LIỆU MỤC I. HỒ SƠ CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH DƯỢC LIỆU Điều 24. Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu Hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật dược, bao gồm: 1. Phần hồ sơ hành chính quy định cụ thể tại Điều 25 Thông tư này. 2. Phần hồ sơ kỹ thuật quy định cụ thể tại Điều 26 Thông tư này. 3. Mẫu nhãn thực tế của dược liệu lưu hành tại nước sở tại hoặc nước tham chiếu đối với dược liệu nhập khẩu. Điều 25. Phần hồ sơ hành chính Phần hồ sơ hành chính bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây: 1. Đơn đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu theo Mẫu số 03C Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Các giấy tờ pháp lý trong trường hợp cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành dược liệu là cơ sở sản xuất dược liệu: a) Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược có phạm vi kinh doanh sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền trong nước; b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở nuôi trồng, thu hái, khai thác dược liệu trong nước; c) Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam và Giấy phép sản xuất, kinh doanh dược phạm vi sản xuất dược liệu, dược liệu đã sơ chế, chế biến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp đối với cơ sở sản xuất dược liệu, dược liệu đã sơ chế, chế biến có Văn phòng đại diện tại Việt Nam. 3. Các giấy tờ pháp lý trong trường hợp cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành dược liệu không phải là cơ sở sản xuất dược liệu: a) Các giấy tờ pháp lý của cơ sở sản xuất dược liệu đề nghị đăng ký quy định tại khoản 2 Điều này; b) Các giấy tờ pháp lý của cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành dược liệu: - Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở trong nước có một trong các phạm vi kinh doanh: sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu hoặc vị thuốc cổ truyền; - Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam và Giấy phép sản xuất, kinh doanh dược phạm vi sản xuất dược liệu, dược liệu đã sơ chế, chế biến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nước ngoài cấp đối với cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành có Văn phòng đại diện tại Việt Nam. 4. Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư này trong trường hợp được ủy quyền. 5. Bản Tóm tắt về sản phẩm theo Mẫu số 06C Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 6. Mẫu nhãn dược liệu: Nội dung nhãn thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 7. Tờ hướng dẫn sử dụng dược liệu thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. 8. Các tài liệu khác (nếu có). Điều 26. Phần hồ sơ kỹ thuật Phần hồ sơ kỹ thuật bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây: 1. Tài liệu về quy trình sơ chế dược liệu phải đáp ứng được các yêu cầu sau: a) Công thức cho đơn vị đóng gói nhỏ nhất: tên nguyên liệu; tiêu chuẩn áp dụng của nguyên liệu; b) Công thức cho một lô, mẻ sơ chế: tên nguyên liệu; khối lượng hoặc thể tích của nguyên liệu; c) Sơ đồ quy trình sơ chế bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình sơ chế; d) Bản mô tả quy trình sơ chế: mô tả đầy đủ, chi tiết từng giai đoạn trong quá trình sản xuất; đ) Danh mục trang thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình sơ chế: tên thiết bị, thông số, mục đích sử dụng; số đăng ký hoặc công bố (nếu có); e) Tài liệu về kiểm soát trong quá trình sơ chế: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sơ chế. 2. Tài liệu về tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm phải đáp ứng được các yêu cầu sau: a) Tiêu chuẩn dược liệu: Mô tả đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm của dược liệu; b) Tiêu chuẩn của bao bì đóng gói: Mô tả đầy đủ, chi tiết chỉ tiêu và phương pháp kiểm nghiệm; c) Phiếu kiểm nghiệm dược liệu phải đáp ứng yêu cầu sau: - Cơ sở sản xuất dược liệu có phòng kiểm nghiệm dược liệu đạt “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP) đối với dược liệu theo quy định của Bộ Y tế tự thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm của chính cơ sở sản xuất đó trong hồ sơ đăng ký; - Cơ sở sản xuất dược liệu chưa có phòng kiểm nghiệm dược liệu đạt “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP) đối với dược liệu theo quy định của Bộ Y tế phải thẩm định tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm và nộp phiếu kiểm nghiệm của các cơ sở kiểm nghiệm thuốc của Nhà nước hoặc cơ sở làm dịch vụ kiểm nghiệm thuốc được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong hồ sơ đăng ký. Điều 27. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Đơn đề nghị gia hạn giấy đăng ký theo Mẫu số 04C Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Các giấy tờ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 Thông tư này và các giấy tờ quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 25 Thông tư này đối với trường hợp hồ sơ đăng ký dược liệu có thay đổi về hồ sơ hành chính tại thời điểm đăng ký gia hạn. 3. Báo cáo lưu hành dược liệu theo Mẫu số 10 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Báo cáo an toàn, hiệu quả theo Mẫu số 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với dược liệu thuộc danh mục dược liệu độc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. 5. Bản sao giấy đăng ký lưu hành dược liệu tại Việt Nam đã cấp. Điều 28. Hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Đơn đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký Mẫu số 05C Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Các tài liệu có liên quan theo từng trường hợp thay đổi, bổ sung cụ thể quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Bản sao giấy đăng ký lưu hành dược liệu tại Việt Nam còn hiệu lực. MỤC II. THỦ TỤC CẤP, GIA HẠN, THAY ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH DƯỢC LIỆU Điều 29. Thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Cơ sở đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu (cơ sở đăng ký) nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu (hồ sơ đăng ký) theo quy định tại Điều 24, 25, 26 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế. 2. Khi nhận được hồ sơ đăng ký đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị (trường hợp nộp trực tiếp) cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện các thủ tục sau đây: a) Tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký; b) Trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu đối với các hồ sơ đăng ký đạt yêu cầu; c) Cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu theo đề nghị của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các hồ sơ đạt yêu cầu. 4. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại các Điều 24, 25, 26 Thông tư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 60 ngày thì hồ sơ đăng ký không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục đăng ký. 5. Trường hợp không cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại khoản 3, Điều này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 30. Thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Trước thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành dược liệu (hồ sơ gia hạn) theo quy định tại Điều 27 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Trường hợp quá thời hạn trên mà cơ sở đăng ký chưa nộp hồ sơ đề nghị gia hạn thì cơ sở phải thực hiện thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 30 Thông tư này. 2. Khi nhận được hồ sơ gia hạn đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét phê duyệt danh mục dược liệu gia hạn giấy đăng ký lưu hành. 4. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 27 Thông tư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 60 ngày thì hồ sơ gia hạn không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục gia hạn. 5. Trường hợp không gia hạn, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 31. Thủ tục thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Cơ sở đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành dược liệu (cơ sở đăng ký) nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành dược liệu (hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung) theo quy định tại Điều 28 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) theo hình thức nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế. 2. Khi nhận được hồ sơ gia hạn đủ thành phần, đạt yêu cầu về hình thức, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản hoặc đề nghị cơ sở đăng ký bổ sung đủ hồ sơ theo quy định. 3. Đối với hồ sơ đăng ký lưu hành dược liệu có nội dung thay đổi, bổ sung quy định tại Phụ lục II.1 ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở được thực hiện các nội dung thay đổi, bổ sung ngay sau ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp cho cơ sở đăng ký Phiếu tiếp nhận. 4. Đối với hồ sơ đăng ký lưu hành dược liệu có nội dung thay đổi, bổ sung quy định tại Phụ lục II.2 ban hành kèm theo Thông tư này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đồng ý với các nội dung thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành dược liệu đối với các hồ sơ đạt yêu cầu. 5. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 28 Thông tư này, trong thời hạn xem xét hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận phải kịp thời có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ cho đến khi hồ sơ đạt theo yêu cầu. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không quá 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan tiếp nhận. Thời gian cơ sở đăng ký sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn xem xét hồ sơ. Nếu quá thời hạn 60 ngày thì hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung không còn giá trị và cơ sở phải thực hiện lại thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung. 6. Trường hợp không cho phép thay đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký lưu hành, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều 32. Các trường hợp ưu tiên xem xét rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành dược liệu 1. Dược liệu được ưu tiên xem xét cấp nhanh giấy đăng ký lưu hành dược liệu trước thời hạn quy định tại Điều 29 Thông tư này trên cơ sở đề nghị của cơ sở đăng ký dược liệu nêu trong Đơn đăng ký quy định theo Mẫu số 03C Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với các trường hợp sau đây: a) Dược liệu được nuôi trồng, khai thác trong nước theo tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái, khai thác dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP; b) Dược liệu mới được di thực về Việt Nam nuôi trồng dựa trên các nghiên cứu khoa học công nghệ chứng minh năng suất, chất lượng trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày có kết quả nghiệm thu của nghiên cứu khoa học. 2. Hồ sơ, thủ tục đối với các dược liệu thuộc trường hợp ưu tiên rút ngắn thời gian giấy đăng ký lưu hành phải bảo đảm theo quy định tại Điều 29 Thông tư này. Chương V THU HỒI GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN, DƯỢC LIỆU Điều 33. Hồ sơ thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu 1. Bản sao Quyết định thu hồi thuốc cổ truyền, dược liệu đối với trường hợp thuốc cổ truyền, dược liệu bị thu hồi theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 58 Luật dược. 2. Bản sao Quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu hồi đối với trường hợp thuốc cổ truyền, dược liệu bị thu hồi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật dược. 3. Bản sao có chứng thực Biên bản vi phạm hành chính về thuốc cổ truyền, dược liệu đối với trường hợp thuốc cổ truyền, dược liệu bị thu hồi theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 58 Luật dược. 4. Bản chính Tài liệu chứng minh dược liệu hoặc thuốc cổ truyền có chứa dược liệu được Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước xuất xứ của dược liệu, thuốc cổ truyền khuyến cáo không an toàn, không hiệu quả cho người sử dụng đối với trường hợp thuốc cổ truyền, dược liệu bị thu hồi theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 58 Luật dược. 5. Đơn đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu của cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu theo Mẫu số 11 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp thuốc cổ truyền, dược liệu bị thu hồi theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 58 Luật dược. Điều 34. Thủ tục thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu 1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền nhận được các tài liệu theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 33 Thông tư này từ các cơ quan chức năng, do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ban hành, cơ sở đăng ký lưu hành sản phẩm hoặc cơ sở sản xuất sản phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. 2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu gửi đơn đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Thông tư này đến Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. Điều 35. Quy định về việc ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu 1. Việc ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 100 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. 2. Bộ trưởng Bộ Y tế ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền ra quyết định ngừng nhận hồ sơ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu. Chương VI HỘI ĐỒNG TƯ VẤN VÀ CHUYÊN GIA THẨM ĐỊNH CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN, DƯỢC LIỆU Điều 36. Tổ chức, hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu 1. Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc lĩnh vực thuốc cổ truyền, dược liệu (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập. 2. Hội đồng tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký cho thuốc cổ truyền, dược liệu lưu hành tại Việt Nam, thuốc cổ truyền phải tiếp tục theo dõi an toàn, hiệu quả khi lưu hành; công nhận thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng; các chủ trương về hòa hợp quy chế đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc với các nước trong khu vực và trên thế giới; chính sách về sản xuất, nhập khẩu và lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu tại Việt Nam; việc sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu trên người Việt Nam để đánh giá tính an toàn, hiệu quả của thuốc khi cần thiết. 3. Thành phần Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành gồm các thành viên là chuyên gia trong các lĩnh vực chất lượng, bào chế, dược lý, lâm sàng, pháp luật, quản lý về dược liệu, thuốc cổ truyền. Thư ký là đại diện Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. 4. Hội đồng tư vấn hoạt động theo nguyên tắc: ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và phải được thể hiện trong Biên bản cuộc họp của Hội đồng tư vấn. Hội đồng tư vấn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về các ý kiến, tư vấn đó. 5. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký thuốc lĩnh vực thuốc cổ truyền, dược liệu, cơ chế phối hợp giữa Hội đồng tư vấn và các nhóm chuyên gia thẩm định trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Điều 37. Tổ chức, hoạt động của Chuyên gia tham gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu 1. Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thành lập các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu (sau đây gọi tắt là nhóm chuyên gia thẩm định). 2. Nhóm chuyên gia thẩm định có nhiệm vụ tư vấn cho Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký và đề xuất việc cấp giấy đăng ký hoặc bổ sung hoặc không cấp giấy đăng ký. 3. Nhóm chuyên gia thẩm định hoạt động theo nguyên tắc: Các ý kiến góp ý hoặc đề xuất của chuyên gia thẩm định phải bảo đảm căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học và phải được thể hiện trong Biên bản thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc. Chuyên gia thẩm định chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và trước pháp luật về các nội dung, ý kiến tư vấn và đề xuất liên quan đến thẩm định hồ sơ đăng ký. 4. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí lựa chọn, tổ chức và hoạt động của các nhóm chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký; ký hợp đồng hằng năm với chuyên gia thẩm định; chi trả kinh phí cho các chuyên gia; tổ chức thẩm định, tổng hợp kết quả thẩm định trình Hội đồng tư vấn; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho chuyên gia thẩm định; tiến hành đánh giá năng lực chuyên môn và sự tuân thủ các quy định để có điều chỉnh, bổ sung chuyên gia thẩm định phù hợp. Chương VII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 38. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 10 năm 2018. 2. Bãi bỏ các quy định về đăng ký thuốc đông y quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký thuốc từ ngày Thông tư này có hiệu lực. 3. Bãi bỏ các quy định tại khoản 3 Điều 5, khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 7 Thông tư số 03/2012/TT-BYT ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng. Điều 39. Điều khoản chuyển tiếp 1. Các hồ sơ đăng ký thuốc đông y nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thẩm định và cấp số đăng ký theo quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-BYT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đăng ký thuốc. 2. Đối với các thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực, trước khi hết hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành đã được cấp 03 tháng, cơ sở đăng ký gửi hồ sơ gia hạn về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền để làm đầu mối, phối hợp với Cục Quản lý Dược xác định là thuốc dược liệu hoặc thuốc cổ truyền để làm thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định. Điều 40. Điều khoản tham chiếu Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới. Điều 41. Tổ chức thực hiện 1. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có trách nhiệm: a) Hướng dẫn triển khai các quy định của Thông tư này; b) Cập nhật danh mục các thuốc cổ truyền, dược liệu được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành theo từng đợt và các thông tin đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu khác trên Trang thông tin điện tử (website) của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định cấp Giấy đăng ký lưu hành. 2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược trong phạm vi quản lý. 3. Cơ sở đề nghị đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu chịu trách nhiệm về tính pháp lý, tính chính xác của hồ sơ đăng ký và nguồn gốc, chất lượng của thuốc cổ truyền, dược liệu đăng ký. Điều 42. Trách nhiệm thi hành Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh dược và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế để xem xét giải quyết./. Nơi nhận: - Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ (Công báo; Cổng TTĐTCP); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng BYT (để biết); - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP; - Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL); - HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Y tế các Bộ, Ngành; - Tổng công ty Dược Việt Nam; - Hiệp hội các doanh nghiệp dược VN; - Hội Dược học Việt Nam; - Hiệp hội dược liệu; - Các DN SX, KD thuốc trong nước và nước ngoài; - Cổng thông tin điện tử BYT; - Lưu: VT, PC, YDCT(03). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Viết Tiến PHỤ LỤC I CÁC BIỂU MẪU ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH (Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) MẪU 01: TRANG BÌA HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU 1. Tên và địa chỉ cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền/dược liệu a) Tên cơ sở: b) Địa chỉ cơ sở: 2. Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền/dược liệu a) Tên cơ sở: b) Địa chỉ cơ sở: 3. Tên thuốc cổ truyền/dược liệu: 4. Loại hình đăng ký: Ghi cụ thể một trong các loại sau: Cấp/Gia hạn/Thay đổi, bổ sung. MẪU SỐ 02: PHIẾU TIẾP NHẬN BỘ Y TẾ CỤC QUẢN LÝ Y, DƯỢC CỔ TRUYỀN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- PHIẾU TIẾP NHẬN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC/DƯỢC LIỆU Tên công ty đăng ký: Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã tiếp nhận (các) hồ sơ đăng ký thuốc của Công ty như sau: STT Tên thuốc/dược liệu Mã Hồ sơ Ghi chú 1 2 Hồ sơ đã nộp bao gồm: Nội dung Ghi chú I. 01 bộ hồ sơ gốc, bao gồm: 1. Hồ sơ hành chính và thông tin sản phẩm 2 Hồ sơ kỹ thuật 3 Mẫu nhãn thực tế của thuốc cổ truyền/dược liệu lưu hành tại nước sở tại hoặc nước tham chiếu đối với thuốc cổ truyền/dược liệu nhập khẩu 4 Hồ sơ đề nghị công nhận thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng (nếu có) Hà Nội, ngày tháng năm Người tiếp nhận hồ sơ Ghi chú: Hồ sơ được coi là hợp lệ đưa ra thẩm định sau khi doanh nghiệp đã nộp phí và nhận biên lai thu phí tại Phòng Kế hoạch tài chính - Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Điện thoại: ) MẪU SỐ 03: ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ MẪU SỐ 03A: ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN (KHÔNG BAO GỒM VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN) I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, dạng bào chế: 1.1. Tên thương mại: 1.2. Dạng bào chế: 1.3. Đường dùng: 1.4. Giấy đăng ký số3: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả dạng bào chế: 2.2. Mô tả quy cách đóng gói: 2.3. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.4. Hạn dùng: 2.5. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và tá dược) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ tá dược Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Các giấy tờ kèm theo bao gồm: 1. Hồ sơ hành chính 2. Hồ sơ kỹ thuật 3. Các tài liệu về sở hữu trí tuệ (nếu có) IV. Đề nghị bảo mật dữ liệu đối với thuốc đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc đề nghị Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền xem xét thực hiện bảo mật đối với các dữ liệu sau đây được nộp kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc: □ Dữ liệu thử nghiệm độc tính (Tài liệu số ....) □ Dữ liệu thử thuốc trên lâm sàng (Tài liệu số ....) Cơ sở đăng ký thuốc xin cam kết các dữ liệu nêu trên đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo mật dữ liệu theo quy định của pháp luật và cơ sở đăng ký thuốc sẽ thực hiện nghĩa vụ chứng minh khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. V. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc xin cam kết: 1. Đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy từ nộp trong hồ sơ đăng ký thuốc này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 2. Bảo đảm thuốc được sản xuất thuốc theo đúng hồ sơ đã nộp xin đăng ký thuốc. 3. Thông báo, xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi có bất cứ thay đổi nào đối với hồ sơ đăng ký thuốc khi thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 3 Chỉ điền trong trường hợp đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 55 Luật dược. 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào MẪU SỐ 03B: ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN 1. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, phương pháp chế biến: 1.1. Tên thương mại: 1.2. Phương pháp chế biến: 1.3. Giấy đăng ký số3: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả quy cách đóng gói: 2.2. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.3. Hạn dùng: 2.4. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và phụ liệu) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ phụ liệu Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Các giấy tờ kèm theo bao gồm: 1. Hồ sơ hành chính 2. Hồ sơ kỹ thuật 3. Các tài liệu về sở hữu trí tuệ (nếu có) IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc xin cam kết: 1. Đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy tờ nộp trong hồ sơ đăng ký vị thuốc cổ truyền này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 2. Bảo đảm vị thuốc cổ truyền được sản xuất theo đúng hồ sơ đã nộp xin đăng ký vị thuốc cổ truyền. 3. Thông báo, xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi có bất cứ thay đổi nào đối với hồ sơ đăng ký vị thuốc cổ truyền khi vị thuốc cổ truyền đã được cấp số đăng ký lưu hành. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến vị thuốc cổ truyền xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 3 Chỉ điền trong trường hợp đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 55 Luật dược. 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào MẪU 03C: ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ DƯỢC LIỆU I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả quy cách đóng gói: 2.2. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.3. Hạn dùng: 2.4. Điều kiện bảo quản: 2.5. Giấy đăng ký số3: ngày cấp: ngày hết hạn: III. Các giấy tờ kèm theo bao gồm 1. Hồ sơ hành chính 2. Hồ sơ kỹ thuật 3. Các tài liệu về sở hữu trí tuệ (nếu có) IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc xin cam kết: 1. Đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy tờ nộp trong hồ sơ đăng ký dược liệu này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 2. Bảo đảm dược liệu được sản xuất theo đúng hồ sơ đã nộp xin đăng ký dược liệu. 3. Thông báo, xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi có bất cứ thay đổi nào đối với hồ sơ đăng ký dược liệu khi dược liệu đã được cấp số đăng ký lưu hành. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến dược liệu xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 3 Chỉ điền trong trường hợp đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 55 Luật dược. MẪU SỐ 04: ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN MẪU SỐ 04A: ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN (KHÔNG BAO GỒM VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN) I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, dạng bào chế: 1.1. Tên thương mại: 1.2. Dạng bào chế: 1.3. Đường dùng: 1.4. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả dạng bào chế: 2.2. Mô tả quy cách đóng gói: 2.3. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.4. Hạn dùng: 2.5. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và tá dược) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ tá dược Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Các giấy tờ kèm theo quy định của Thông tư này, bao gồm:... IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký thuốc xin cam kết: 1. Thuốc thực tế có lưu hành trên thị trường. 2. Trong quá trình lưu hành, thuốc không vi phạm các quy định về đăng ký, lưu hành thuốc và các quy định khác của pháp luật. 3. Đã kiểm tra và xác nhận các nội dung trên là đúng sự thật. Tài liệu nộp kèm theo đúng với các tài liệu đã nộp tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào MẪU SỐ 04B: ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, phương pháp chế biến: 1.1. Tên của vị thuốc cổ truyền: 1.2. Phương pháp chế biến: 1.3. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả phương pháp chế biến: 2.2. Mô tả quy cách đóng gói: 2.3. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.4. Hạn dùng: 2.5. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và phụ liệu) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ phụ liệu Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Các giấy tờ kèm theo quy định của Thông tư này, bao gồm:... IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký vị thuốc cổ truyền xin cam kết: 1. Vị thuốc cổ truyền thực tế có lưu hành trên thị trường. 2. Trong quá trình lưu hành, vị thuốc cổ truyền không vi phạm các quy định về đăng ký, lưu hành thuốc và các quy định khác của pháp luật. 3. Đã kiểm tra và xác nhận các nội dung trên là đúng sự thật. Tài liệu nộp kèm theo đúng với các tài liệu đã nộp tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến vị thuốc cổ truyền xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào MẪU SỐ 04C: ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ DƯỢC LIỆU I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm: 2. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 3. Mô tả sản phẩm: 3.1. Mô tả quy cách đóng gói: 3.2. Tiêu chuẩn chất lượng: 3.3. Hạn dùng: 3.4. Điều kiện bảo quản: 4. Báo cáo số lô dược liệu đã nhập khẩu hoặc sản xuất III. Các giấy tờ kèm theo quy định của Thông tư này, bao gồm:... IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký vị thuốc cổ truyền xin cam kết: 1. Dược liệu thực tế có lưu hành trên thị trường. 2. Trong quá trình lưu hành, dược liệu không vi phạm các quy định về đăng ký, lưu hành thuốc và các quy định khác của pháp luật. 3. Đã kiểm tra và xác nhận các nội dung trên là đúng sự thật. Tài liệu nộp kèm theo đúng với các tài liệu đã nộp tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến dược liệu xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... MẪU SỐ 05: ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI VỚI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN MẪU SỐ 05A: ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI VỚI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC CỔ TRUYỀN (KHÔNG BAO GỒM VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN) I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, dạng bào chế: 1.1. Tên thương mại: 1.2. Dạng bào chế: 1.3. Đường dùng: 1.4. Số giấy đăng ký: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả dạng bào chế: 2.2. Mô tả quy cách đóng gói: 2.3. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.4. Hạn dùng: 2.5. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và tá dược) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ tá dược Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Nội dung, lý do thay đổi 1. Nội dung thay đổi: 2. Lý do thay đổi: IV. Tài liệu kỹ thuật kèm theo2: 1. 2. V. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký xin cam kết đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy tờ nộp trong hồ sơ này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký thuốc (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào 2 Tài liệu kỹ thuật tương ứng với từng nội dung thay đổi theo quy định tại Phụ lục Thông tư này. MẪU SỐ 05B: ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI VỚI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm, phương pháp chế biến: 1.1. Tên của vị thuốc cổ truyền: 1.2. Phương pháp chế biến: 1.3. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 2. Mô tả sản phẩm: 2.1. Mô tả phương pháp chế biến: 2.2. Mô tả quy cách đóng gói: 2.3. Tiêu chuẩn chất lượng: 2.4. Hạn dùng: 2.5. Điều kiện bảo quản: 3. Công thức (bao gồm hàm lượng dược liệu và phụ liệu) cho một đơn vị chia liều nhỏ nhất hoặc cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất TT Thành phần Hàm lượng Xác định dược liệu/ phụ liệu Nhà sản xuất (tên, địa chỉ) Tiêu chuẩn1 1 2 III. Nội dung, lý do thay đổi 1. Nội dung thay đổi: 2. Lý do thay đổi: IV. Tài liệu kỹ thuật kèm theo2: 1. 2. V. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký xin cam kết đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy tờ nộp trong hồ sơ này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký thuốc (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ theo phiên bản nào 2 Tài liệu kỹ thuật tương ứng với từng nội dung thay đổi theo quy định tại Phụ lục Thông tư này. MẪU SỐ 05C: ĐƠN ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI, BỔ SUNG ĐỐI VỚI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DƯỢC LIỆU I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm: 2. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 3. Mô tả sản phẩm: 3.1. Mô tả quy cách đóng gói: 3.2. Tiêu chuẩn chất lượng: 3.3. Hạn dùng: 3.4. Điều kiện bảo quản: III. Nội dung, lý do thay đổi 1. Nội dung thay đổi: 2. Lý do thay đổi: IV. Tài liệu kỹ thuật kèm theo1: 1. 2. V. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký xin cam kết đã kiểm tra, ký đóng dấu vào những phần liên quan ở tất cả các giấy tờ nộp trong hồ sơ này và xác nhận là đây là các giấy tờ hợp pháp, nội dung là đúng sự thật. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký thuốc (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... 3 Tài liệu kỹ thuật tương ứng với từng nội dung thay đổi theo quy định tại Phụ lục Thông tư này. MẪU SỐ 06: TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH MẪU SỐ 06A: Tóm tắt sản phẩm đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền) TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên thuốc: Dạng bào chế: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền). Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax : Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Đường dùng: Tiêu chuẩn1 Công thức bào chế (cho một đơn vị liều hoặc đơn vị đóng gói nhỏ nhất) Thành phần: Tên dược liệu, bộ phận dùng Khối lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn21 Tá dược Hàm lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn21 Qui cách đóng gói: __________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 06B: Tóm tắt sản phẩm đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành đối với vị thuốc cổ truyền TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên vị thuốc cổ truyền: Phương pháp chế biến: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Tiêu chuẩn1 : Công thức chế biến (cho một đơn vị liều hoặc đơn vị đóng gói nhỏ nhất) Thành phần: Tên dược liệu, bộ phận dùng Khối lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn22 Phụ liệu Hàm lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn22 Qui cách đóng gói: __________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 06C: Tóm tắt sản phẩm đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành đối với dược liệu TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên dược liệu: Bộ phận dùng: Tên khoa học: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Tiêu chuẩn1: Qui cách đóng gói: __________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 07: TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH MẪU SỐ 07A: Tóm tắt sản phẩm đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền) TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên thuốc: Dạng bào chế: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền). Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax : Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Đường dùng: Tiêu chuẩn1 Giấy đăng ký lưu hành: Ngày cấp giấy đăng ký lưu hành: Gia hạn lần 1: Gia hạn lần 2: Ngày hết hạn giấy đăng ký: Ngày hết hạn gia hạn lần 1: Ngày hết hạn gia hạn lần 2: Công thức bào chế (cho một đơn vị liều hoặc đơn vị đóng gói nhỏ nhất) Thành phần: Tên dược liệu, bộ phận dùng Khối lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn1 Tá dược Hàm lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn24 Qui cách đóng gói: _________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 07B: Tóm tắt sản phẩm đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với vị thuốc cổ truyền TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên vị thuốc cổ truyền: Phương pháp chế biến: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền). Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Tiêu chuẩn1: Giấy đăng ký lưu hành: Ngày cấp giấy đăng ký lưu hành: Gia hạn lần 1: Gia hạn lần 2: Ngày hết hạn giấy đăng ký: Ngày hết hạn gia hạn lần 1: Ngày hết hạn gia hạn lần 2: Công thức chế biến (cho một đơn vị liều hoặc đơn vị đóng gói nhỏ nhất) Thành phần: Tên dược liệu, bộ phận dùng Khối lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn1 Phụ liệu Hàm lượng Nhà sản xuất (tên, địa chỉ chi tiết) Tiêu chuẩn1 Qui cách đóng gói: _________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 07C: Tóm tắt sản phẩm đề nghị gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với dược liệu TÓM TẮT VỀ SẢN PHẨM Tên dược liệu: Tên công ty đăng ký: Địa chỉ: Điện thoại: Fax : Tên cơ sở sản xuất (tên cơ sở nhượng quyền và nhận nhượng quyền đối với thuốc sản xuất nhượng quyền). Địa chỉ: Điện thoại : Fax: Tên văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với thuốc nước ngoài) hoặc trụ sở công ty đăng ký thuốc trong nước (nếu khác địa chỉ công ty đăng ký) Địa chỉ: Điện thoại: Fax Tên cơ sở đóng gói (nếu có): Địa chỉ: Điện thoại: Fax: Điều kiện bảo quản: Hạn dùng: Tiêu chuẩn1: Giấy đăng ký lưu hành: Ngày cấp giấy đăng ký lưu hành: Gia hạn lần 1: Gia hạn lần 2: Ngày hết hạn giấy đăng ký: Ngày hết hạn gia hạn lần 1: Ngày hết hạn gia hạn lần 2: Qui cách đóng gói: _________________________ 1 Nếu là tiêu chuẩn Dược điển, đề nghị ghi rõ phiên bản MẪU SỐ 08: BÁO CÁO AN TOÀN, HIỆU QUẢ CỦA THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU ĐỘC MẪU 08A: Báo cáo an toàn, hiệu quả của thuốc cổ truyền/dược liệu độc của cơ sở đăng ký BÁO CÁO AN TOÀN, HIỆU QUẢ CỦA THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU ĐỘC Tên cơ sở đăng ký CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………. ………., ngày … tháng …. năm ……. Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) Thực hiện quy định về việc báo cáo an toàn, hiệu quả của thuốc cổ truyền/dược liệu độc trong quá trình lưu hành và khi đăng ký gia hạn đối với những thuốc cổ truyền có yêu cầu báo cáo an toàn, hiệu quả hoặc dược liệu độc, cơ sở.... báo cáo tình hình sử dụng thuốc cổ truyền/dược liệu độc như sau: 1. Tên cơ sở đăng ký (địa chỉ): 2. Tên cơ sở sản xuất (địa chỉ): 3. Tên thuốc/dược liệu: 4. Dạng bào chế1: 5. Công thức, thành phần1: 6. Chỉ định1: 7. Đường dùng1: 8. Giấy đăng ký số: Ngày cấp GĐK: Ngày hết hạn GĐK: 9. Bảng tổng kết các báo cáo phản ứng có hại của thuốc/dược liệu độc đã gửi về các Trung tâm ADR và thông tin thuốc quốc gia liên quan đến tác dụng không mong muốn của thuốc sau khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường Việt Nam (kèm theo bản sao các báo cáo theo Mẫu của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc) 10. Bảng tổng kết tình hình sử dụng thuốc/dược liệu độc tại các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi cả nước (kèm theo báo cáo có xác nhận của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu 08B) gồm: - Thông tin về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng thuốc/dược liệu độc (ghi cụ thể tên, địa chỉ của từng cơ sở): - Tổng số lượng thuốc/dược liệu độc đã sử dụng: - Tổng số bệnh nhân đã sử dụng thuốc/dược liệu độc: - Thời gian sử dụng: 11. Bảng tổng kết các cập nhật thông tin về an toàn, hiệu quả của thuốc/dược liệu đã thực hiện trong quá trình lưu hành (các cập nhật đã được Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền phê duyệt; các cập nhật có tính thông báo; các cập nhật theo công văn hướng dẫn của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (nếu có). 12. Bảng tóm tắt kết quả các nghiên cứu lâm sàng tiến hành tại Việt Nam (nếu có). Cơ sở đăng ký cam kết: những nội dung báo cáo là đúng sự thật, nếu không đúng cơ sở xin hoàn toàn chịu trách nhiệm./. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký hoặc Trưởng đại diện tại Việt Nam (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nếu là dược liệu độc thì không phải báo cáo nội dung này. MẪU 08B: Báo cáo tình hình sử dụng thuốc cổ truyền/dược liệu độc BÁO CÁO TÌNH HÌNH SỬ DỤNG THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU ĐỘC Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:………… ………., ngày … tháng … năm …… Kính gửi: Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) Thực hiện quy định về việc báo cáo an toàn, hiệu quả của thuốc/dược liệu độc khi đăng ký lại đối với những thuốc có yêu cầu báo cáo an toàn, hiệu quả hoặc dược liệu độc, cơ sở.... báo cáo tình hình sử dụng thuốc/dược liệu độc như sau: 1. Tên thuốc/tên dược liệu: 2. Giấy đăng ký số: 3. Dạng bào chế1: 4. Dược liệu, nồng độ/hàm lượng1: 5. Số lượng thuốc/dược liệu đã sử dụng: 6. Số bệnh nhân đã sử dụng thuốc/dược liệu: 7. Thời gian sử dụng: 8. Đánh giá an toàn, hiệu quả của thuốc/dược liệu đã sử dụng (có số liệu kèm theo). 9. Phản ứng có hại của thuốc/dược liệu (ADR): các biểu hiện ADR, số trường hợp, kết quả xử lý ADR (có số liệu kèm theo). 10. Kiến nghị, đề xuất (ghi rõ có tiếp tục sử dụng thuốc/dược liệu tại cơ sở điều trị hay không?). (Cơ sở điều trị) cam kết và chịu trách nhiệm về các nội dung báo cáo nêu trên./. Nơi nhận: - Như trên; - Công ty đăng ký; - Lưu:…. Giám đốc/Phó giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Ký trực tiếp,ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________________ 1 Nếu là dược liệu độc thì không phải báo cáo nội dung này. MẪU SỐ 09: THƯ ỦY QUYỀN Mẫu 09A - Ủy quyền được đứng tên cơ sở đăng ký; Mẫu 09B - Ủy quyền ký tên vào hồ sơ đăng ký thuốc/dược liệu; Mẫu 09C - Ủy quyền sử dụng tên thuốc/dược liệu đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Mẫu 09A ỦY QUYỀN ĐỨNG TÊN CƠ SỞ ĐĂNG KÝ Tiêu đề của công ty (tên, địa chỉ của cơ sở ủy quyền) THƯ ỦY QUYỀN Chúng tôi, ………………………………………………………………………………………… (Tên và địa chỉ chủ sở hữu sản phẩm) Bằng văn bản này chỉ định………………………………………………………………………. (Tên và địa chỉ cơ sở đăng ký) Thay mặt chúng tôi đứng tên cơ sở đăng ký sản phẩm sau: Tên sản phẩm: Dạng bào chế/phương pháp chế biến, hàm lượng: Số Giấy đăng ký đã cấp (đối với thuốc/dược liệu đăng ký gia hạn, đăng ký thay đổi, bổ sung): tại Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) Công ty (______) -cơ sở được ủy quyền - sẽ là chủ sở hữu số đăng ký lưu hành và chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) về tất cả những vấn đề có liên quan đến sản phẩm này tại Việt nam. Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp của cơ sở ủy quyền Ký tên (ký trực tiếp), đóng dấu: Ngày tháng năm Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp của cơ sở nhận ủy quyền Ký tên (ký trực tiếp), đóng dấu: Ngày tháng năm Mẫu 09B ỦY QUYỀN KÝ TÊN TRÊN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THUỐC/DƯỢC LIỆU Tiêu đề của công ty (tên, địa chỉ của cơ sở ủy quyền) THƯ ỦY QUYỀN Chúng tôi, …………………………………………………………………………………… (Tên và địa chỉ chủ sở hữu sản phẩm/cơ sở đăng ký thuốc) Bằng văn bản này ủy quyền cho ông/bà ……. Trưởng đại diện Văn phòng đại diện của công ty tại …………, Việt Nam thay mặt chúng tôi ký tên và đóng dấu văn phòng đại diện trên hồ sơ sản phẩm: Tên sản phẩm: Dạng bào chế/phương pháp chế biến, hàm lượng: Số Giấy đăng ký đã cấp (đối với thuốc/dược liệu đăng ký gia hạn, đăng ký thay đổi, bổ sung): đăng ký tại Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) Thời hạn hiệu lực của thư ủy quyền: Người được ủy quyền ký tên trên hồ sơ sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) về tất cả những vấn đề có liên quan đến sản phẩm này tại Việt Nam. Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp pháp của cơ sở ủy quyền Ký tên (ký trực tiếp), đóng dấu: Ngày tháng năm Trưởng văn phòng đại diện được ủy quyền Ký tên (ký trực tiếp), đóng dấu: Ngày tháng năm Mẫu 09C ỦY QUYỀN CHO PHÉP SỬ DỤNG TÊN THUỐC/DƯỢC LIỆU ĐÃ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA (Khi chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa không phải là cơ sở đăng ký thuốc/dược liệu) Tiêu đề của công ty (tên, địa chỉ của hãng) THƯ ỦY QUYỀN Chúng tôi, ………………………………………………………………………………… (Tên và địa chỉ chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký - cơ sở ủy quyền) Bằng văn bản này đồng ý cho: …………………………………………………………. (Tên và địa chỉ cơ sở nhận ủy quyền) Nội dung ủy quyền: Thời hạn hiệu lực của ủy quyền: ủy quyền này có hiệu lực từ ....đến……… Chúng tôi cam kết rằng việc cho phép công ty (_________) sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trên không xâm phạm quyền hợp pháp về sở hữu trí tuệ của bất cứ bên thứ 3 nào và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp có xảy ra tranh chấp. Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp của cơ sở ủy quyền Ký tên và đóng dấu_________ Ngày tháng năm Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp của cơ sở nhận ủy quyền Ký tên và đóng dấu_________ Ngày tháng năm MẪU SỐ 10: BÁO CÁO QUÁ TRÌNH LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU BÁO CÁO QUÁ TRÌNH LƯU HÀNH THUỐC CỔ TRUYỀN/DƯỢC LIỆU (Từ khi được cấp Giấy đăng ký đến khi Gia hạn Giấy đăng ký) 1. Tên cơ sở đăng ký (địa chỉ): 2. Tên cơ sở sản xuất (địa chỉ): 3. Tên thuốc/dược liệu đã được cấp Giấy đăng ký: 4. Dạng bào chế/Phương pháp chế biến: 5. Công thức bào chế: 6. Giấy đăng ký: ngày cấp: 7. Lưu hành trên thị trường: Có □ Không □ 8. Vi phạm chất lượng: Có □ Không □ Nếu có thì ghi rõ nội dung vi phạm: - Số lần vi phạm: - Loại vi phạm: 9. Vi phạm quy chế, quy định liên quan đến đăng ký thuốc/dược liệu và lưu hành thuốc/dược liệu: Có □ Không □ Nếu có vi phạm thì ghi rõ nội dung vi phạm: - Số lần vi phạm: - Nội dung vi phạm: 10. Thay đổi trong thời gian Giấy đăng ký còn hiệu lực so với hồ sơ đã được cấp Giấy đăng ký: Có □ Không □ Nếu có thay đổi thì gửi kèm theo bản sao công văn cho phép. 11. Thay đổi khi gia hạn Giấy đăng ký (Giấy đăng ký hết hiệu lực) so với hồ sơ được cấp Giấy đăng ký: Có □ Không □ Nếu có thay đổi thì phải ghi rõ nội dung thay đổi so với hồ sơ đã được duyệt cấp Giấy đăng ký. Công ty đăng ký cam kết: ngoài những nội dung xin thay đổi ở mục 8 của báo cáo lưu hành thuốc cổ truyền/dược liệu không có bất cứ sự thay đổi nào so với hồ sơ đã được duyệt cấp Giấy đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) MẪU SỐ 11: ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI GIẤY ĐĂNG KÝ I. Thông tin về cơ sở đăng ký và cơ sở sản xuất 1. Cơ sở đăng ký (cơ sở sở hữu giấy đăng ký lưu hành) 1.1. Tên cơ sở đăng ký: 1.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 1.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 1.4. Tên và địa chỉ văn phòng đại diện hoặc người liên lạc ở Việt Nam (nếu có): Tên: ĐT cố định: ĐT di động: Địa chỉ liên lạc: 2. Cơ sở sản xuất1 2.1. Tên cơ sở sản xuất 2.2. Địa chỉ: Website (nếu có) 2.3. Số điện thoại: Số fax: e-mail: 2.4. Các cơ sở sản xuất khác: Tên và địa chỉ Vai trò2 II. Chi tiết về sản phẩm 1. Tên sản phẩm: 2. Giấy đăng ký số: ngày cấp: ngày hết hạn: 3. Mô tả sản phẩm: 3.1. Mô tả quy cách đóng gói: 3.2. Tiêu chuẩn chất lượng: 3.3. Hạn dùng: 3.4. Điều kiện bảo quản: 4. Báo cáo số lô thuốc cổ truyền/dược liệu đã nhập khẩu hoặc sản xuất III. Lý do thu hồi: IV. Cam kết của cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký xin cam kết: 1. Thuốc cổ truyền/dược liệu thực tế có lưu hành trên thị trường. 2. Sau khi bị thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền/dược liệu, công ty sẽ tiến hành thu hồi các sản phẩm khi lưu hành trên thị trường. 3. Đã kiểm tra và xác nhận các nội dung trên là đúng sự thật. Tài liệu nộp kèm theo đúng với các tài liệu đã nộp tại Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền. Nếu có sự giả mạo, không đúng sự thật cơ sở đăng ký xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. 4. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sở hữu trí tuệ liên quan đến thuốc cổ truyền/dược liệu xin đăng ký. Ngày... tháng... năm Giám đốc cơ sở đăng ký (Ký trực tiếp, ghi rõ họ tên, đóng dấu) __________________ 1 Nhà sản xuất cuối cùng chịu trách nhiệm xuất lô sản phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất là cơ sở đăng ký thì không cần phải điền thông tin. 2 Ghi rõ công đoạn bào chế, “hợp đồng tổ chức nghiên cứu”, nhượng quyền, ... PHỤ LỤC II.1 CÁC TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI, BỔ SUNG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH THỰC HIỆN NGAY SAU NGÀY CƠ QUAN TIẾP NHẬN CẤP PHIẾU TIẾP NHẬN HỒ SƠ (Ban hành kèm theo Thông tư số: 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) Stt Nội dung thay đổi/bổ sung Điều kiện Yêu cầu hồ sơ 1 Bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung trên mẫu nhãn bao gồm tờ hướng dẫn sử dụng Các nội dung không liên quan đến khía cạnh chuyên môn của thuốc cổ truyền, dược liệu (logo, thêm công ty phân phối...) 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Nhãn cũ đã duyệt + nhãn mới (nêu rõ những phần thay đổi trên nhãn); 2 Thay đổi mô tả đặc tính của nguyên liệu 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Phần thay đổi liên quan đến thay đổi mô tả đặc tính của nguyên liệu 3 Thay đổi chất chuẩn để kiểm nghiệm nguyên liệu Áp dụng đối với trường hợp thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền, dược liệu); 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Phần thay đổi liên quan đến thay đổi tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm. 4 Thay đổi độ ổn định/hạn dùng của nguyên liệu Không làm ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền, dược liệu); 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định. 5 Thay đổi điều kiện bảo quản của nguyên liệu Áp dụng đối với trường hợp thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền, dược liệu); 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định. 6 Thay đổi quy trình sản xuất của nguyên liệu: Sơ đồ, các bước, lô, mẻ, thẩm định qui trình... (không bao gồm vị thuốc cổ truyền, dược liệu). - Theo hướng cải tiến hơn qui trình cũ. - Không làm thay đổi chất lượng và độ ổn định của nguyên liệu. 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung; 2. Phần thay đổi liên quan đến quy trình sản xuất. 7 Thay đổi nhà cung cấp bao bì (thay thế, thêm vào hoặc loại bỏ) - Không làm thay đổi chất lượng và độ ổn định của thuốc 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung. 8 Thay đổi tiêu chuẩn và/ hoặc phương pháp kiểm nghiệm của nguyên liệu (chỉ áp dụng đối với thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền, dược liệu); - Không làm thay đổi và ảnh hưởng đến tiêu chuẩn, chất lượng của thuốc thành phẩm. - Hoặc làm tiêu chuẩn chất lượng của thành phẩm chặt chẽ hơn hoặc tốt hơn. 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung. 2. Phần thay đổi liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm. 9 Thay thế dụng cụ đo lường thuốc (ví dụ từ muỗng sang cốc) 1. Công văn báo cáo thay đổi, bổ sung. 10 Các thay đổi khác theo đề nghị của cơ sở đăng ký thuốc cổ truyền, dược liệu thuộc trường hợp quy định tại Phụ lục II.2 - Không làm thay đổi và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của thuốc. Các giấy tờ, tài liệu tương ứng với thay đổi PHỤ LỤC II.2. CÁC TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI, BỔ SUNG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ LƯU HÀNH PHẢI CÓ VĂN BẢN CHẤP NHẬN CỦA CƠ QUAN TIẾP NHẬN HỒ SƠ (Ban hành kèm theo Thông tư số: 21/2018/TT-BYT ngày 12 tháng 09 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) Stt Nội dung thay đổi /bổ sung Điều kiện Yêu cầu về hồ sơ cần phải nộp 1 Đổi tên và /hoặc địa chỉ cơ sở đăng ký Cơ sở đăng ký không thay đổi Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cho phép đổi tên và/hoặc địa chỉ của cơ sở đăng ký. 2 Thay đổi cơ sở đăng ký (từ cơ sở này sang cơ sở khác) Các phần khác không thay đổi Các giấy phép về pháp nhân của cơ sở đăng ký mới. 3 Đổi tên và/hoặc cách ghi địa chỉ của cơ sở sản xuất/cơ sở đóng gói - Địa điểm sản xuất không thay đổi - Các phần khác không thay đổi - Hoặc cơ sở sản xuất đó đã thuộc quyền sở hữu của pháp nhân khác (theo đúng qui định của pháp luật). - Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi sản xuất thuốc cổ truyền - Các xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi. 4 Đổi địa điểm sản xuất/cơ sở đóng gói - Nhà sản xuất không thay đổi - Địa điểm sản xuất mới trong cùng một quốc gia với địa điểm cũ. 1. Giấy phép (CPP hoặc giấy chứng nhận GMP). 2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất 3. Hồ sơ kỹ thuật: Quy trình sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm 5 Thay đổi hoặc bổ sung thành phần tá dược (bao gồm thay đổi tỷ lệ tá dược). - Không làm thay đổi và ảnh hưởng đến tiêu chuẩn, chất lượng của thuốc thành phẩm. Hồ sơ kỹ thuật: Quy trình sản xuất; tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm 6 Thay đổi cơ sở xuất xưởng lô Hồ sơ kỹ thuật: phần thay đổi tương ứng 7 Thay đổi tên thuốc - Giấy phép lưu hành thuốc (CPP) mang tên mới ở nước có cơ sở sản xuất thuốc (đối với thuốc nhập khẩu). 8 Thay đổi mô tả đặc tính của thành phẩm Hồ sơ kỹ thuật: phần thay đổi liên quan 9 Thay đổi chất chuẩn để kiểm nghiệm thành phẩm Hồ sơ kỹ thuật: phần thay đổi liên quan 10 Thay đổi hệ thống đóng kín của bao bì trực tiếp, gián tiếp - Chất lượng tốt hơn - ổn định hơn Hồ sơ kỹ thuật: Phần thay đổi liên quan 11 Thay đổi độ ổn định/hạn dùng của thuốc cổ truyền/dược liệu 11.1 Tăng hạn dùng Hồ sơ kỹ thuật: Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định 11.2 Giảm hạn dùng 1. Hồ sơ kỹ thuật: Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định 2. Báo cáo số lượng thuốc cổ truyền/dược liệu đang lưu hành trên thị trường 3. Cam kết thu hồi các thuốc cổ truyền/dược liệu có hạn dùng dài hơn hạn dùng mới. 12 Thay đổi điều kiện bảo quản của thuốc cổ truyền/dược liệu Hồ sơ kỹ thuật: Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định 13 Thay đổi điều kiện bảo quản của nguyên liệu Hồ sơ kỹ thuật: Phần thay đổi liên quan và theo hướng dẫn về nghiên cứu độ ổn định 14 Thay đổi qui trình sản xuất của thuốc/dược liệu: Sơ đồ, các bước, lô, mẻ, thẩm định qui trình... Theo hướng cải tiến hơn qui trình cũ Hồ sơ kỹ thuật: Các tài liệu liên quan. 15 Thay đổi tiêu chuẩn và/hoặc phương pháp kiểm nghiệm của thành phẩm (bao gồm cả thẩm định phương pháp phân tích). Theo hướng chặt chẽ hơn Hồ sơ kỹ thuật: Các tài liệu liên quan. 16 Thay đổi/bổ sung quy cách đóng gói 1. Nhãn cũ đã duyệt + nhãn mới 2. Hồ sơ kỹ thuật: Gồm (1) Tiêu chuẩn bao bì (nếu có thay đổi bao bì, chất lượng bao bì) (2) Hồ sơ theo dõi độ ổn định của quy cách đóng gói mới (nếu có thay đổi bao bì sơ cấp). 17 Thay đổi hình thức/ thiết kế bao bì, nhãn Theo hướng tốt hơn và nội dung nhãn không thay đổi 1. Nhãn cũ đã duyệt + nhãn mới 2. Hồ sơ kỹ thuật: Các tài liệu liên quan..
{ "issuing_agency": "Bộ Y tế", "promulgation_date": "12/09/2018", "sign_number": "21/2018/TT-BYT", "signer": "Nguyễn Viết Tiến", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-337-2016-TT-BTC-quan-ly-su-dung-quyet-toan-kinh-phi-hoat-dong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-326099.aspx
Thông tư 337/2016/TT-BTC quản lý sử dụng quyết toán kinh phí hoạt động giám sát phản biện xã hội mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 337/2016/TT-BTC Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015; Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Điều 2. Đối tượng áp dụng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương. Điều 3. Nguồn kinh phí 1. Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, cụ thể: a) Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương do ngân sách Trung ương bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. b) Kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. 2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Điều 4. Nội dung chi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội 1. Chi công tác phí cho các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khảo sát những vấn đề có liên quan phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội. 2. Chi tổ chức các Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết, tổ chức tọa đàm, hội thảo về công tác giám sát, phản biện xã hội. 3. Chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập trong trường hợp nội dung giám sát, phản biện xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn phức tạp. 4. Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội. 5. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội, văn bản kiến nghị. 6. Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Điều 5. Mức chi Mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của nhà nước. Thông tư này quy định cụ thể một số mức chi như sau: 1. Chi công tác phí cho các đoàn công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khảo sát: Thanh toán công tác phí, tiền thuê chỗ ở nơi công tác, phương tiện phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 2. Chi tổ chức hội nghị: a) Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; b) Đối với hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, ngoài các khoản chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC được chi một số khoản sau: - Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/cuộc họp. - Thành viên tham dự cuộc họp: 100.000 đồng/người/cuộc họp. - Chi báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng: 500.000 đồng/bài viết. 3. Chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập: Trường hợp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nội dung phức tạp, thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia độc lập, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh quyết định việc thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập nhưng phải có hợp đồng công việc, có sản phẩm chất lượng được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt, số lượng chuyên gia do cơ quan chủ trì quyết định, nhưng tối đa không quá 05 chuyên gia cho nội dung cần thẩm định hoặc tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Mức chi: 1.000.000 đồng/báo cáo kết quả thẩm định hoặc tư vấn. 4. Chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC: thành viên chính thức của đoàn giám sát: 100.000 đồng/người/ngày; các thành viên khác: 70.000 đồng/người/ngày. 5. Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội (báo cáo theo định kỳ, báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội theo chuyên đề được giao); văn bản kiến nghị: 2.000.000 đồng/báo cáo hoặc văn bản (tính cho sản phẩm cuối cùng, bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý). 6. Các khoản chi khác: Trong phạm vi kinh phí phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội được cơ quan có thẩm quyền giao, căn cứ tình hình thực tế triển khai công việc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định việc chi tiêu cho các nội dung công việc thực tế phát sinh, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Điều 6. Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí giám sát, phản biện xã hội Việc lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí giám sát, phản biện xã hội thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư này quy định một số điểm cụ thể như sau: 1. Lập dự toán: a) Đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức - chính trị - xã hội Trung ương: Căn cứ chương trình hoạt động giám sát, phản biện xã hội năm kế hoạch, chế độ chi tiêu hiện hành và quy định tại Thông tư này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động công tác giám sát, phản biện xã hội và tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan đơn vị gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. b) Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở địa phương: Căn cứ chương trình hoạt động giám sát, phản biện xã hội năm kế hoạch, chế độ chi tiêu hiện hành và quy định tại Thông tư này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tổng hợp trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. 2. Phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí giám sát, phản biện xã hội: Dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội được giao trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Căn cứ số kinh phí được giao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phân bổ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. 3. Việc quyết toán kinh phí giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Điều 7. Tổ chức thực hiện 1. Mức chi quy định tại Điều 5 Thông tư là mức chi tối đa làm căn cứ để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương lập dự toán chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương quy định mức chi cụ thể để thực hiện chi tiêu cho phù hợp trong phạm vi dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao. 2. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nội dung, mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng tối đa không vượt quá mức tối đa quy định tại Điều 5 Thông tư này. Trường hợp cần thiết do yêu cầu công việc, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi cao hơn nhưng không vượt quá 20% mức chi quy định tại Điều 5 Thông tư này. 3. Trường hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành văn bản quy định mức chi cụ thể thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội quyết định mức chi nhưng không vượt quá mức chi tối đa được quy định tại Điều 5 Thông tư này, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao. Điều 8. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đơn vị có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Toà án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Cổng TTĐT Chính phủ; - Cổng TTĐT Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc BTC; - Lưu: VT, HCSN (400b). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "28/12/2016", "sign_number": "337/2016/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Luat-tai-nguyen-moi-truong-bien-va-hai-dao-2015-282375.aspx
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015 số 82/2015/QH13 mới nhất
QUỐC HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Luật số: 82/2015/QH13 Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2015 LUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Luật này quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này. Điều 2. Đối tượng áp dụng Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. 2. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 3. Bãi cạn lúc chìm lúc nổi là vùng đất, đá nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. 4. Bãi ngầm là bãi đá, bãi san hô, bãi cát hoặc thành phần tự nhiên khác nhô cao lên khỏi đáy biển nhưng vẫn ngập nước khi thủy triều xuống thấp nhất. 5. Quy hoạch sử dụng biển là định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam, được lập và phê duyệt theo quy định của Luật biển Việt Nam. 6. Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. 7. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là định hướng và tổ chức không gian cho việc khai thác, sử dụng các loại tài nguyên trong vùng bờ. 8. Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là hoạt động khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp số liệu về hiện trạng, xác định quy luật phân bố, tiềm năng, đặc điểm định tính, định lượng của tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 9. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo là việc điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng tài nguyên biển và hải đảo tại thời điểm thống kê và tình hình biến động giữa các lần thống kê. 10. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là quá trình theo dõi có hệ thống về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, các yếu tố tác động đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm cung cấp thông tin, đánh giá hiện trạng diễn biến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và dự báo, cảnh báo các tác động xấu đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 11. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là khả năng xảy ra ô nhiễm và thiệt hại về người, tài sản, tài nguyên, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội do ô nhiễm môi trường biển và hải đảo gây ra. 12. Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là việc dầu, hóa chất độc từ phương tiện chứa, vận chuyển hoặc từ công trình, thiết bị và mỏ dầu thoát ra biển do sự cố kỹ thuật, thiên tai, tai nạn hoặc do con người gây ra. 13. Chủ cơ sở là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm pháp lý về toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và sản phẩm dầu, hóa chất độc. 14. Nhận chìm ở biển là sự đánh chìm hoặc trút bỏ có chủ định xuống biển các vật, chất được nhận chìm ở biển theo quy định của Luật này. Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2. Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 3. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển. 4. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. 5. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Điều 5. Nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo 1. Tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2. Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo. 3. Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Điều 6. Tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan. 3. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp, bằng văn bản hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tiếp thu, giải trình phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 7. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hằng năm. Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm 1. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật. 2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố. 3. Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. 4. Thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này. 5. Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo. 6. Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật. 7. Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật. 8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Chương II CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 9. Nguyên tắc, căn cứ lập và kỳ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Nguyên tắc lập chiến lược: a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển Việt Nam, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; b) Đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. 2. Căn cứ lập chiến lược: a) Tiềm năng tài nguyên biển và hải đảo; kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kết quả thăm dò, đánh giá, thống kê tài nguyên biển và hải đảo; dự báo tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; b) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; yêu cầu bảo vệ môi trường biển và hải đảo; c) Kết quả thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo kỳ trước. 3. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm. Điều 10. Nội dung của chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp để phát triển bền vững. 2. Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổng thể về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 3. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu của chiến lược. Điều 11. Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo và trình Chính phủ phê duyệt. Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phải được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập và phải được thẩm định trước khi phê duyệt. 2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chiến lược của ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Chương III ĐIỀU TRA CƠ BẢN, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Mục 1: ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 12. Yêu cầu đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2. Phải xác định thứ bậc ưu tiên đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo đối tượng, khu vực điều tra, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực của Nhà nước theo từng giai đoạn. 3. Phải dựa trên nhu cầu điều tra, kế thừa kết quả điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học đã thực hiện ở khu vực dự kiến điều tra. Các hoạt động điều tra cơ bản trên một khu vực biển phải được lồng ghép phù hợp với đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản trên biển và hải đảo để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. 4. Kết quả điều tra cơ bản phải được nghiệm thu, phê duyệt, giao nộp, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật. Điều 13. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ sau đây: a) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; b) Dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 2. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra mang tính liên ngành, liên vùng, ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; điều tra cơ bản hải đảo, phát hiện nguồn tài nguyên mới, các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 3. Các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều 14. Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhu cầu điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực, địa phương và quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này có trách nhiệm đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, xây dựng chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ theo chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. 2. Cơ quan, tổ chức được giao thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm sau đây: a) Thực hiện đúng dự án, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; b) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo mật tài liệu, thông tin theo quy định của pháp luật; c) Bảo đảm an toàn, an ninh trên biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra; d) Trình cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu và giao nộp báo cáo kết quả điều tra theo quy định của pháp luật. Điều 16. Thống kê tài nguyên biển và hải đảo 1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thống kê các loại tài nguyên biển và hải đảo do mình quản lý theo quy định của pháp luật về thống kê, gửi báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thống kê tài nguyên biển và hải đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mục 2: NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 17. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về khoa học và công nghệ. 2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 3. Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều 18. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí sau đây: a) Có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; b) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, quốc tế; c) Làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; d) Phải huy động nguồn lực quốc gia và có sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gửi về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phải phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 3. Trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc xác định và tổ chức thực hiện chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 19. Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài 1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật của nước nơi tổ chức được thành lập; tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ; cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước nơi cá nhân mang quốc tịch; b) Có nhu cầu nghiên cứu khoa học độc lập hoặc hợp tác nghiên cứu khoa học với phía Việt Nam; đối với trường hợp nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì phải có sự hợp tác với phía Việt Nam khi Việt Nam có yêu cầu; c) Hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không gây phương hại đến chủ quyền quốc gia, hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam; không gây ô nhiễm môi trường biển; không cản trở các hoạt động hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong vùng biển Việt Nam; d) Có đủ hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định. 2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam sau khi lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan và thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau khi cấp phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo cho bộ, ngành và địa phương có liên quan để phối hợp quản lý. 3. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép nghiên cứu khoa học có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép. 4. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam 1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các quyền sau đây: a) Tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam theo nội dung và thời hạn đã được cấp phép; b) Được công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này; c) Được hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: a) Tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chỉ được tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học vì mục đích hòa bình; không được tiến hành hoạt động khác ngoài các hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép; b) Tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng hải; thiết lập khu vực an toàn hàng hải xung quanh thiết bị nghiên cứu; báo hiệu hàng hải; duy trì liên lạc và tuân thủ các quy định khác của pháp luật về hàng hải của Việt Nam; c) Không được làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh của Việt Nam và các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được tiến hành hợp pháp trong vùng biển Việt Nam; không được mang vào vùng biển Việt Nam vũ khí, vật liệu nổ, hóa chất độc, các phương tiện, thiết bị khác có khả năng gây thiệt hại đối với người, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường biển, trừ trường hợp vật liệu nổ, hóa chất độc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép sử dụng để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học; d) Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp hoạt động nghiên cứu khoa học gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; đ) Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan; e) Bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết bao gồm cả chi phí cho ít nhất 02 nhà khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cử tham gia nghiên cứu; g) Phải thông báo ngay cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khi có bất cứ thay đổi nào trong quá trình nghiên cứu khoa học so với nội dung, thời hạn đã được cấp phép và chỉ được thực hiện sự thay đổi đó sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; h) Khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong thời hạn không quá 30 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có thỏa thuận khác, phải hoàn thành việc tháo dỡ và đưa ra khỏi vùng biển Việt Nam các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học; i) Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học theo nội dung đã được cấp phép, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có báo cáo chính thức về kết quả nghiên cứu khoa học và cung cấp các tài liệu, mẫu vật gốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều 21. Công bố và chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam 1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam chỉ được phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp đến thăm dò, khai thác tài nguyên cho bên thứ ba sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định cho phép công bố, chuyển giao thông tin, kết quả nghiên cứu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương IV QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ; CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ Mục 1: VÙNG BỜ VÀ HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN Điều 22. Phạm vi vùng bờ 1. Phạm vi vùng bờ được xác định trên cơ sở căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực trong vùng bờ; đặc điểm quá trình tương tác giữa đất liền hoặc đảo với biển; yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và một số đặc điểm khác ở vùng bờ để tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phù hợp với năng lực quản lý. 2. Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi vùng bờ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Điều 23. Hành lang bảo vệ bờ biển 1. Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. 2. Việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: a) Phải căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại khoản 1 Điều này; b) Bảo đảm tính khoa học, khách quan; hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ và phát triển, có tính đến hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở vùng đất ven biển; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; c) Phải phù hợp với quy định của pháp luật về đê điều, khu vực biên giới trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh; d) Phải xác định rõ chỉ giới hành lang bảo vệ bờ biển ở các khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; đ) Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. 3. Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo. 4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. 5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 24. Các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển 1. Khai thác khoáng sản, trừ trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 2. Xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư. 3. Xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải. 4. Khoan, đào, đắp trong hành lang bảo vệ bờ biển, trừ hoạt động quy định tại Điều 25 của Luật này. 5. Lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ biển. 6. Hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Điều 25. Các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển 1. Trong hành lang bảo vệ bờ biển, hạn chế các hoạt động sau đây: a) Khai thác nước dưới đất; b) Khai hoang, lấn biển; c) Cải tạo công trình đã xây dựng; d) Thăm dò khoáng sản, dầu khí; đ) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. 2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Mục 2: QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ Điều 26. Nguyên tắc, căn cứ lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Nguyên tắc lập quy hoạch: a) Phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch sử dụng biển; gắn kết với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành có phạm vi thuộc vùng bờ; b) Bảo đảm hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh; c) Lồng ghép các yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; d) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; đ) Phù hợp với nguồn lực thực hiện và bảo đảm tính khả thi. 2. Căn cứ lập quy hoạch: a) Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch sử dụng biển; b) Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc điểm cụ thể của từng khu vực trong phạm vi vùng bờ, tiềm năng tài nguyên, hiện trạng môi trường vùng bờ; tác động dự báo của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; c) Kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường vùng bờ; thống kê tài nguyên vùng bờ; d) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ; đ) Kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ kỳ trước. Điều 27. Phạm vi, nội dung, kỳ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập cho toàn bộ vùng bờ của cả nước. 2. Nội dung quy hoạch: a) Đánh giá tổng quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường; hiện trạng tài nguyên vùng bờ; xu thế biến động tài nguyên và môi trường vùng bờ, dự báo tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ; b) Xác định mục tiêu, định hướng và xây dựng phương án tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ; c) Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; khu vực biển sử dụng để nhận chìm theo nguyên tắc quy định tại Điều 33 của Luật này; d) Các giải pháp, chương trình thực hiện quy hoạch. 3. Kỳ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 20 năm. Điều 28. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Có sự điều chỉnh chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch sử dụng biển làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được phê duyệt; b) Do tác động của thiên tai, chiến tranh, sự cố môi trường làm thay đổi nội dung quy hoạch đã được phê duyệt. 2. Nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là một bộ phận của quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt. Điều 29. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập và trình Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. 2. Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ phải được thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước khi phê duyệt. 3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 30. Lấy ý kiến và công bố quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ: a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; b) Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua hình thức hội nghị, bằng văn bản, lấy ý kiến trực tiếp và công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Thời gian công khai trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến ít nhất là 90 ngày; c) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến; công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. 2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố và công khai quy hoạch trong suốt kỳ quy hoạch. Điều 31. Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. 2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. 3. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ có trách nhiệm tuân thủ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Điều 32. Mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương 1. Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt. 2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ cho phù hợp với quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt. Điều 33. Nguyên tắc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ 1. Xem xét, đánh giá toàn diện tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường, các đặc thù địa lý của khu vực và hiện trạng sử dụng vùng bờ; vai trò của khu vực dự kiến phân vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. 2. Bảo đảm tính tổng thể; hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và yêu cầu bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái; hài hòa lợi ích ngắn hạn và dài hạn của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên với lợi ích của Nhà nước và cộng đồng, ưu tiên cho lợi ích lâu dài và lợi ích của cộng đồng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông, hàng hải. 3. Dựa trên kết quả đánh giá, xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo nhằm phục vụ phát triển bền vững vùng bờ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mục 3: CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ Điều 34. Phạm vi, nội dung chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ 1. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ gồm các chương trình có phạm vi liên tỉnh và các chương trình trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. 2. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được lập cho khu vực vùng bờ trong các trường hợp sau đây: a) Tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng để giải quyết; b) Tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; là vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; c) Có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ bao gồm các nội dung sau đây: a) Mục tiêu của chương trình; b) Các vấn đề cần giải quyết và thứ tự ưu tiên giải quyết để quản lý tổng hợp; các chỉ số để đánh giá kết quả thực hiện chương trình; c) Các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chương trình; d) Nguồn lực để thực hiện chương trình. Điều 35. Nguyên tắc, căn cứ lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ 1. Nguyên tắc lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ: a) Bảo đảm giải quyết các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan; b) Bảo đảm sự tham gia của các bên có liên quan trong quá trình lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; c) Bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. 2. Căn cứ lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ: a) Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; b) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường khu vực vùng bờ trong phạm vi lập chương trình; c) Khả năng về tài chính, nhân lực, khoa học và công nghệ. 3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được điều chỉnh khi có thay đổi một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này làm thay đổi mục tiêu và nội dung của chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Điều 36. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có liên quan lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi quản lý; lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt. 3. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phải được thẩm định trước khi phê duyệt. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Điều 37. Lấy ý kiến và công bố chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ 1. Lấy ý kiến trong quá trình lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ: a) Cơ quan lập chương trình có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; b) Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua hình thức hội nghị, bằng văn bản, lấy ý kiến trực tiếp và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập chương trình. Thời gian công khai trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến đối với chương trình có phạm vi liên tỉnh ít nhất là 90 ngày, đối với chương trình trong phạm vi quản lý của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển ít nhất là 60 ngày. 2. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ phải được công bố trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt. Điều 38. Tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ do mình phê duyệt. Chương V QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN HẢI ĐẢO Điều 39. Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo 1. Tài nguyên hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và quy định tại Chương này. 2. Hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. 3. Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Điều 40. Lập, quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo 1. Hải đảo được phân loại để bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng tài nguyên theo quy định của Chính phủ. 2. Hồ sơ tài nguyên hải đảo bao gồm: a) Phiếu trích yếu thông tin gồm: tên hoặc số hiệu hải đảo; loại hải đảo; vị trí, tọa độ, diện tích; quá trình khai thác, sử dụng hải đảo; b) Bản đồ thể hiện rõ vị trí, tọa độ, ranh giới hải đảo; c) Kết quả điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên, môi trường hải đảo; d) Sổ thống kê, theo dõi biến động tài nguyên, môi trường hải đảo và các thông tin khác có liên quan. 3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo trong phạm vi địa phương. 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo. Điều 41. Khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo 1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với quần đảo, đảo được thực hiện như đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên đất liền theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. 2. Đối với quần đảo, đảo phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây: a) Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị; b) Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo, chất lượng đất; c) Khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản, nước ngầm; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi quần đảo, đảo; d) Khai hoang, chặt cây, xâm hại thảm thực vật; mang thực vật hoang dã ra khỏi quần đảo, đảo; đ) Săn bắt, mang động vật ra khỏi quần đảo, đảo; chăn thả gia súc, đưa sinh vật ngoại lai lên quần đảo, đảo; e) Thải hoặc đưa chất thải lên quần đảo, đảo. 3. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 4. Đối với bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, nghiêm cấm các hoạt động sau đây: a) Xây dựng mới công trình xây dựng; lắp đặt thiết bị; b) Tác động làm thay đổi địa hình, địa mạo; c) Khai hoang, khai thác, đào đắp, cải tạo đất, đá; khai thác khoáng sản; mang những thành tạo tự nhiên ra khỏi bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm; d) Thải hoặc đưa chất thải lên bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm. 5. Các hoạt động quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này được phép thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của Nhà nước Việt Nam; thực hiện công tác quản lý nhà nước; b) Phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát, đánh giá về các điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thực hiện chương trình, đề án, dự án của Nhà nước; c) Phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; d) Các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Chương VI KIỂM SOÁT Ô NHIỄM, ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU, HÓA CHẤT ĐỘC VÀ NHẬN CHÌM Ở BIỂN Mục 1: KIỂM SOÁT Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 42. Nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo 1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được thực hiện thường xuyên, ưu tiên công tác phòng ngừa; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường biển, suy thoái môi trường biển và hải đảo. 2. Các khu vực biển phải được phân vùng rủi ro ô nhiễm để có giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hiệu quả. 3. Các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, chất thải không rõ nguồn gốc và xuyên biên giới phải được kiểm soát. Việc kiểm soát các nguồn thải, chất thải phải xem xét đến sức chịu tải môi trường của khu vực biển và hải đảo. 4. Ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường biển, kịp thời ngăn chặn lan truyền ô nhiễm trong sự cố môi trường biển. 5. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Điều 43. Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo 1. Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. 2. Định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo. 3. Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải. 4. Phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo; cải thiện và phục hồi môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo bị ô nhiễm và suy thoái. 5. Xác định cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. 6. Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển. 7. Cấp phép, kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển. 8. Phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới theo quy định của pháp luật. 9. Công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, thông tin về môi trường nước, môi trường trầm tích của các khu vực biển, hải đảo. Điều 44. Trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo 1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; công khai thông tin môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật. Điều 45. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển 1. Chất thải nguy hại từ các hoạt động trên biển phải được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 2. Các công trình, thiết bị trên biển sau khi hết thời hạn sử dụng mà không tiếp tục sử dụng phải được tháo dỡ, vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. 3. Chủ phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường biển phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo đảm không làm rò rỉ, thất thoát, tràn thấm ra biển xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, các chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường. 4. Nước thải từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí và các công trình, thiết bị khác trên biển; bùn dầu và bùn chứa hợp chất độc hại trong thăm dò, khai thác dầu khí phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển. 5. Nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển. 6. Việc thải nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh và nước thải từ tàu thuyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải, bảo vệ môi trường, pháp luật có liên quan của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 7. Chất thải rắn phát sinh từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, công trình và thiết bị khác trên biển phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; bùn nạo vét luồng hàng hải, cảng biển phải được vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. 8. Cảng biển phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt, dầu cặn từ các phương tiện trên biển. 9. Chất thải trôi nổi trên biển và ven bờ biển phải được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan. Điều 46. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ đất liền 1. Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên đất liền trước khi thải xuống biển phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 2. Việc bố trí các điểm xả nước thải đã được xử lý xuống biển phải được xem xét trên cơ sở điều kiện tự nhiên của khu vực xả nước thải; các điều kiện động lực, môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên và hiện trạng khai thác, sử dụng vùng biển. Các điểm xả nước thải ra khu bảo tồn biển, khu vực bãi tắm, danh lam, thắng cảnh ven biển phải được đánh giá, xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên vùng đất ven biển và trên hải đảo phải có đầy đủ phương tiện, thiết bị xử lý chất thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phải định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về hiện trạng xử lý và xả chất thải ra biển theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 4. Nguồn ô nhiễm từ các lưu vực sông ra biển phải được điều tra, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ. Điều 47. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới 1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức quan trắc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thông báo tình trạng ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan xác định nguồn gây ô nhiễm, xây dựng phương án xử lý, khắc phục. 3. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hợp tác với các nước và các tổ chức có liên quan trong việc xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới. Điều 48. Phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo 1. Phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bao gồm các hoạt động sau đây: a) Quan trắc, điều tra, thu thập, cập nhật, theo dõi, giám sát, tổng hợp, xử lý thông tin, dữ liệu về môi trường biển và hải đảo; b) Đánh giá rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; c) Xác định, lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển hướng dẫn, xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Điều 49. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo 1. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. 2. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp sau đây: a) Vùng rủi ro ô nhiễm thấp; b) Vùng rủi ro ô nhiễm trung bình; c) Vùng rủi ro ô nhiễm cao; d) Vùng rủi ro ô nhiễm rất cao. 3. Tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bao gồm: a) Mức độ ô nhiễm hoặc nguy cơ ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; b) Phạm vi ảnh hưởng; c) Mức độ nhạy cảm môi trường; khả năng gây thiệt hại đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái biển, hải đảo, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo. 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều 50. Đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo 1. Kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá thông qua bộ chỉ số. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; công khai kết quả đánh giá trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình. 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Điều 51. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo 1. Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo bao gồm báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia, báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo theo chuyên đề. 2. Nội dung báo cáo, kỳ lập báo cáo, thẩm quyền và trách nhiệm lập báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Mục 2: ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC SỰ CỐ TRÀN DẦU, HÓA CHẤT ĐỘC TRÊN BIỂN Điều 52. Nguyên tắc ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển 1. Ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân. 2. Chú trọng công tác phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, vật tư, nguồn nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. 3. Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải được phân cấp để phân công trách nhiệm ứng phó. 4. Thông tin sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải được báo cáo, xử lý kịp thời. 5. Huy động nhanh nhất mọi nguồn lực cho hoạt động ứng phó; bảo đảm chỉ huy thống nhất, điều phối, phối hợp hiệu quả, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn. 6. Bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy nổ trong ứng phó. 7. Cơ sở gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải chịu trách nhiệm khắc phục sự cố, khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường và bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu, hóa chất độc gây ra theo quy định của pháp luật. 8. Việc phòng ngừa, khắc phục, xử lý sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan. Điều 53. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển 1. Việc ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển được thực hiện theo 3 cấp: ứng phó sự cố cấp cơ sở, ứng phó sự cố cấp khu vực và ứng phó sự cố cấp quốc gia. 2. Ứng phó sự cố cấp cơ sở: a) Sự cố xảy ra ở cơ sở thì chủ cơ sở phải tổ chức, chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố; trường hợp sự cố vượt quá khả năng, nguồn lực của mình thì phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố để trợ giúp; b) Trường hợp xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc sự cố xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển cao hoặc rất cao, chủ cơ sở phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó. 3. Ứng phó sự cố cấp khu vực: Sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, chưa xác định được cơ sở gây ra sự cố hoặc sự cố xảy ra chưa rõ nguyên nhân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm trực tiếp chủ trì chỉ đạo ứng phó, đồng thời có quyền huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, bộ, ngành trên địa bàn để ứng phó. 4. Ứng phó sự cố cấp quốc gia: a) Trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố phải kịp thời báo cáo để Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó; b) Trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế; c) Trường hợp sự cố gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Điều 54. Xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động 1. Trong trường hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ, cứu nạn và ứng phó sự cố, cơ quan, người chủ trì ứng phó đề xuất việc thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố. 2. Việc xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tại địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển nơi xảy ra sự cố xem xét, quyết định theo đề xuất của cơ quan, người chủ trì ứng phó. 3. Chính phủ quy định chi tiết việc xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố. Điều 55. Tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển Trong trường hợp cơ sở gây sự cố cản trở hoạt động khắc phục sự cố và điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố. Điều 56. Trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển 1. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm sau đây: a) Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố trong phạm vi cả nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; b) Chỉ đạo theo thẩm quyền và huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương, trung tâm ứng phó sự cố khu vực để ứng phó sự cố xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; c) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt quá thẩm quyền. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây: a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; b) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và bộ, ngành, địa phương có liên quan để ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. 3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm sau đây: a) Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp giải quyết thủ tục cho các đơn vị ứng phó sự cố của Việt Nam tham gia hỗ trợ quốc tế và lực lượng hỗ trợ ứng phó của nước ngoài tại Việt Nam khi có đề nghị của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn; b) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ, ngành có liên quan thông qua đường ngoại giao trao đổi thông tin, chuyển yêu cầu phối hợp hoặc đề nghị trợ giúp ứng phó sự cố khi có sự cố xảy ra ở lãnh thổ, vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến Việt Nam hoặc sự cố xảy ra trong vùng biển Việt Nam ảnh hưởng đến nước ngoài. 4. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp và thống nhất với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xây dựng và triển khai các phương án kết hợp việc sử dụng lực lượng, phương tiện của Hải quân, Không quân, Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng khác của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng gắn với việc giám sát, phát hiện sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố theo địa bàn hoạt động. 5. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển khi được Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan có thẩm quyền huy động. 6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố; chỉ đạo kịp thời ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển thuộc phạm vi quản lý. 7. Chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để huy động nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng phó sự cố; bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cấp có thẩm quyền về sự cố xảy ra. Mục 3: NHẬN CHÌM Ở BIỂN Điều 57. Yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển 1. Việc nhận chìm ở biển chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật này. 2. Vật, chất nhận chìm phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam không được phép nhận chìm ở vùng biển Việt Nam. 3. Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. 4. Việc nhận chìm ở biển không được gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển. 5. Việc nhận chìm ở biển phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Điều 58. Vật, chất được nhận chìm ở biển 1. Vật, chất được nhận chìm ở biển phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; b) Được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; bảo đảm không tác động có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản; c) Không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội; d) Thuộc Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. 2. Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Điều 59. Giấy phép nhận chìm ở biển 1. Giấy phép nhận chìm ở biển gồm các nội dung chính sau đây: a) Tên tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; b) Tên, khối lượng, kích thước, thành phần của vật được nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất được nhận chìm; c) Vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực biển được sử dụng để nhận chìm; d) Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm; đ) Thời điểm và thời hạn được phép thực hiện hoạt động nhận chìm; e) Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; g) Hiệu lực thi hành. 2. Thời hạn của Giấy phép nhận chìm ở biển được xem xét trên cơ sở vật, chất được nhận chìm, quy mô, tính chất hoạt động nhận chìm và khu vực biển được sử dụng để nhận chìm tối đa không quá 02 năm và được gia hạn một lần nhưng không quá 01 năm. Điều 60. Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển 1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trong trường hợp khu vực biển được sử dụng để nhận chìm có một phần hoặc toàn bộ nằm ngoài vùng biển ven bờ hoặc khu vực biển giáp ranh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển cấp Giấy phép nhận chìm ở biển trong vùng biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của mình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển nào thì có quyền cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển đó. 4. Chính phủ quy định chi tiết việc cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển. Điều 61. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển 1. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các quyền sau đây: a) Được nhận chìm ở biển theo nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển; b) Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp; c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; d) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại giấy phép theo quy định của pháp luật; đ) Khiếu nại, khởi kiện hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong việc nhận chìm ở biển theo quy định của pháp luật; e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có các nghĩa vụ sau đây: a) Chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thực hiện đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển; b) Nộp lệ phí cấp phép và tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật; c) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nhận chìm trong suốt quá trình nhận chìm ở biển; d) Không cản trở hoặc gây thiệt hại đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác; đ) Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về hoạt động nhận chìm ở biển khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; e) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa và khắc phục sự cố môi trường biển do hoạt động nhận chìm của mình gây ra theo quy định của pháp luật; g) Thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường biển và chế độ thông tin, báo cáo về hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật; h) Bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm ở biển không đúng quy định của mình gây ra; i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Điều 62. Kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển 1. Tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển phải đăng ký và gắn các thiết bị giám sát hành trình, ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển. 2. Trường hợp vật, chất được nhận chìm được bốc, xếp tại cảng thì cảng vụ có trách nhiệm kiểm tra vật, chất được nhận chìm bảo đảm phù hợp với nội dung Giấy phép nhận chìm ở biển trước khi cho phương tiện chuyên chở rời cảng. 3. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Điều 63. Nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam gây thiệt hại tới tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam nhưng gây thiệt hại cho môi trường, các hệ sinh thái và kinh tế - xã hội trong vùng biển, hải đảo Việt Nam có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả toàn bộ chi phí liên quan tới điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường, hệ sinh thái và các chi phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chương VII QUAN TRẮC, GIÁM SÁT TỔNG HỢP VÀ HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Mục 1: QUAN TRẮC, GIÁM SÁT TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 64. Yêu cầu đối với quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được thiết lập đồng bộ, tiên tiến, hiện đại để bảo đảm thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 3. Bảo đảm kết nối với hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của khu vực và thế giới. Điều 65. Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết lập trên cơ sở kết nối các hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương. 2. Hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là một hệ thống mở, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ trung ương đến địa phương. 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Điều 66. Tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tổ chức tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới; có trách nhiệm quản lý, công bố, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu thu được từ việc tham gia hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương theo quy định của pháp luật. Mục 2: HỆ THỐNG THÔNG TIN, CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 67. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết kế tổng thể và xây dựng thành hệ thống thống nhất trong phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam. 2. Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm: a) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; b) Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng; c) Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Điều 68. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm: a) Dữ liệu về vùng đất ven biển, địa hình đáy biển; b) Dữ liệu về khí tượng, thủy văn biển; c) Dữ liệu về địa chất biển, địa vật lý biển, khoáng sản biển; dầu, khí ở biển; dữ liệu về tính chất vật lý, hóa lý của nước biển; d) Dữ liệu về hệ sinh thái biển; đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển; tài nguyên vị thế biển và kỳ quan sinh thái biển; đ) Dữ liệu về môi trường biển, nhận chìm ở biển; e) Dữ liệu về hải đảo; g) Dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; h) Dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; i) Kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết; k) Kết quả của các chương trình, đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ trong quản lý, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; l) Kết quả thống kê tài nguyên biển và hải đảo; m) Các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; n) Dữ liệu khác liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 2. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia là tập hợp thống nhất toàn bộ dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi cả nước được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin. 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm điều tra, thu thập dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của bộ, ngành, địa phương; cung cấp dữ liệu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia. Điều 69. Lưu trữ, khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Việc lưu trữ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, các quy định, quy trình, quy phạm và quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành. Tất cả các dữ liệu thu thập được phải được phân loại, đánh giá, xử lý để có hình thức, biện pháp lưu trữ, bảo quản, bảo vệ phù hợp, bảo đảm an toàn. 2. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được công khai theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và phải trả phí theo quy định của pháp luật. 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quy định cụ thể về thẩm quyền cung cấp, phạm vi, mức độ, đối tượng được khai thác, sử dụng dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do mình quản lý theo quy định của pháp luật. 4. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp, sử dụng phí khai thác, sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Điều 70. Tích hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. 2. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển theo các nguyên tắc sau đây: a) Bảo đảm việc tiếp cận và sử dụng dữ liệu phục vụ kịp thời việc đánh giá, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thu thập, quản lý dữ liệu; c) Bảo đảm dữ liệu được thu thập đầy đủ, chính xác và có hệ thống; thống nhất các dữ liệu đã được thu thập, cập nhật, quản lý; d) Bảo đảm việc trao đổi, cung cấp dữ liệu được thông suốt, kịp thời; bảo đảm các yêu cầu về an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước; đ) Bảo đảm thu thập, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng hiệu quả, khả thi, tiết kiệm kinh phí, nguồn nhân lực. Chương VIII HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 71. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 1. Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đặt trong tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược biển, chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam. 2. Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm nguyên tắc xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 3. Bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phát triển bền vững biển và hải đảo. 4. Chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong các tổ chức quốc tế và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Điều 72. Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Nhà nước thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế trong các hoạt động sau đây: a) Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Điều tra, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu biển và hải đảo; điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển và hải đảo do các hoạt động khai thác tài nguyên biển và hải đảo; c) Khai thác bền vững tài nguyên biển và hải đảo; d) Bảo vệ tính đa dạng sinh học biển và hải đảo và duy trì năng suất, tính đa dạng của hệ sinh thái biển, hải đảo và vùng bờ; đ) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 3. Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chương IX TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO Điều 73. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. 2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, có trách nhiệm sau đây: a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Lập, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh; c) Lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; d) Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo thẩm quyền; cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ, thu hồi văn bản cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thiết lập và bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; điều tra, thống kê, phân loại, quản lý tài nguyên hải đảo; e) Thiết lập, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia; g) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý việc nhận chìm ở biển; h) Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; i) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; k) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; l) Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây: a) Tham gia xây dựng chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch sau khi được phê duyệt; b) Chủ trì tổ chức thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; c) Phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam; d) Thực hiện thống kê tài nguyên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý; đ) Quan trắc và đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường; e) Phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; g) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thiết lập và vận hành hệ thống quan trắc, giám, sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực quản lý cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; h) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; i) Đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ hằng năm. Điều 74. Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của Ủy ban nhân dân các cấp 1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây: a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ trong phạm vi quản lý; c) Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, thống kê tài nguyên biển và hải đảo; d) Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo thẩm quyền; đ) Thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; lập hồ sơ và quản lý tài nguyên hải đảo theo phân cấp; e) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của địa phương; g) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý việc nhận chìm ở biển; h) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại địa phương; i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; k) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây: a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo chưa khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật; c) Bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi địa phương; phối hợp với cơ quan, tổ chức bảo vệ hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đặt trên địa bàn quản lý; d) Tham gia ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố gây ô nhiễm môi trường biển, sạt, lở bờ biển; đ) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; e) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. 3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây: a) Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo chưa khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật; b) Bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi địa phương; phát hiện và tham gia giải quyết sự cố môi trường biển, sạt, lở bờ biển; c) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tình hình quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Điều 75. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền để nhân dân tham gia việc khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiệu quả, bền vững và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phản biện xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật. Điều 76. Nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Nguyên tắc phối hợp: a) Bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng; bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; c) Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp phải bảo đảm bí mật quốc gia, bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn trên biển; d) Không cản trở các hoạt động khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển, hải đảo và các hoạt động hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân trên các vùng biển Việt Nam. 2. Nội dung phối hợp: a) Xây dựng, thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; b) Lập và tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; c) Quản lý, thực hiện hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; d) Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đ) Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; e) Tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; g) Hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; h) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; i) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật. 3. Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Điều 77. Báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo 1. Định kỳ hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trình Chính phủ. 2. Định kỳ hằng năm, các bộ, ngành có trách nhiệm lập báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. 3. Định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. 4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Điều 78. Thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việc thanh tra về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Chương X ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 79. Điều khoản chuyển tiếp 1. Kể từ thời điểm Luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp sau đây: a) Xây dựng mới công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; b) Xây dựng mới công trình theo dự án đầu tư phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư; c) Xây dựng công trình theo dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trước thời điểm Luật này được công bố. 2. Trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. 3. Các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt. Điều 80. Hiệu lực thi hành Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Điều 81. Quy định chi tiết Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015. CHỦ TỊCH QUỐC HỘI Nguyễn Sinh Hùng
{ "issuing_agency": "Quốc hội", "promulgation_date": "25/06/2015", "sign_number": "82/2015/QH13", "signer": "Nguyễn Sinh Hùng", "type": "Luật" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-11-2013-TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC-tro-giup-phap-ly-trong-to-tung-201578.aspx
Thông tư liên tịch 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC trợ giúp pháp lý trong tố tụng
BỘ TƯ PHÁP - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ TÀI CHÍNH - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2013 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006; Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng như sau: Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý; cấp, từ chối, thu hồi và hiệu lực giấy chứng nhận tham gia tố tụng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân sau đây: 1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án. 2. Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; Giám thị, Phó Giám thị Trại tạm giam, Quản giáo; Trưởng Nhà tạm giữ, Phó trưởng Nhà tạm giữ. 3. Cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. 4. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm), Chi nhánh của Trung tâm (sau đây viết tắt là Chi nhánh); tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật có đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý). Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Luật sư cộng tác viên), Luật sư làm việc cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (sau đây viết tắt là Luật sư). 5. Người được trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc phối hợp, thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Chương 2. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, NGƯỜI THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Điều 3. Trách nhiệm của Trung tâm và Chi nhánh 1. Kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 2. Cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật tố tụng; cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên khác thay thế theo quy định tại Thông tư liên tịch này. 3. Cung cấp Bảng thông tin, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm, Chi nhánh), Hộp tin trợ giúp pháp lý, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. 4. Thông báo danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm, Chi nhánh cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. 5. Thông tin đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung, thay thế cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. 6. Nghiệm thu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý và chi trả bồi dưỡng cho Luật sư cộng tác viên, phụ cấp cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên theo thẩm quyền. Điều 4. Trách nhiệm của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý 1. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch này. 2. Cử Luật sư tham gia tố tụng và cử Luật sư thay thế theo quy định của Thông tư liên tịch này. 3. Chuyển vụ việc cho Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp không có Luật sư thay thế theo quy định Điều 6 Thông tư liên tịch này. 4. Thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ địa chỉ, điện thoại liên hệ của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, Luật sư. Điều 5. Trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng 1. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý. 2. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối tham gia tố tụng trong các trường hợp: a) Đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó; b) Là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó; c) Đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của người đó hoặc của bị can, bị cáo; d) Đã tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người phiên dịch; đ) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý. 3. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối tham gia tố tụng trong các trường hợp: a) Đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; b) Thuộc trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều này. 4. Trong lĩnh vực tố tụng hành chính, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối tham gia tố tụng trong các trường hợp: a) Thuộc các trường hợp quy định tại điểm d và đ khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này; b) Đã tham gia vào việc ra quyết định hành chính hoặc có liên quan đến hành vi hành chính bị khởi kiện; c) Đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; d) Đã tham gia vào việc ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức hoặc đã tham gia vào việc ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức bị khởi kiện; đ) Đã tham gia vào việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khởi kiện; e) Đã tham gia vào việc lập danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân bị khởi kiện. 5. Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây phiền hà, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình theo pháp luật thì người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng, đồng thời báo cáo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Điều 6. Thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng Người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bị thay thế trong các trường hợp sau: 1. Cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo Điều 12 Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý thay thế. Trường hợp không đồng ý với việc từ chối của cơ quan tiến hành tố tụng thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng nhưng vẫn phải cử người thay thế. 2. Cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo Điều 13 Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thay thế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Thông tư liên tịch này (Quyết định cử người thay thế theo mẫu TP-TGPL-4B ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTP ngày 01/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành một số biểu mẫu dùng trong hoạt động trợ giúp pháp lý). Chương 3. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN VÀ CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, TRẠI TẠM GIAM, NHÀ TẠM GIỮ Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng 1. Cấp, từ chối, thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 10, Điều 12 và Điều 13 Thông tư liên tịch này. 2. Niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, đặt Hộp tin trợ giúp pháp lý; phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp dân của cơ quan mình. 3. Yêu cầu Trung tâm, Chi nhánh phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý. 4. Thông báo thời gian, địa điểm xét hỏi bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là người bào chữa tham dự. 5. Đối với việc xét xử, Tòa án thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử. Đối với vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, Tòa án thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng ít nhất 7 ngày trước ngày xét xử. Tòa án ghi rõ trong bản án, quyết định tên và chức danh của người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử tham gia tố tụng và ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm của họ khi bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý. 6. Bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng theo Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý; xác nhận về thời gian mà người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc, nghiên cứu hồ sơ tại cơ quan mình. 7. Trong quá trình tham gia tố tụng, nếu phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để kịp thời xử lý theo thẩm quyền và thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý. 8. Giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý đã tham gia tố tụng trong vụ án đó, cụ thể như sau: a) Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng giao các quyết định tố tụng theo quy định cho người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, cụ thể là: quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án, gia hạn thời hạn tạm giữ, tạm giam (nếu có); kết luận điều tra; cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; bản sao bản án, thông báo về việc kháng nghị, quyết định kháng nghị; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có). b) Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Tòa án giao các quyết định tố tụng theo quy định cho người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, cụ thể là: quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định giải quyết việc dân sự; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, bản sao bản án; thông báo về việc kháng nghị, quyết định kháng nghị, quyết định phúc thẩm của Tòa án (nếu có). Điều 8. Trách nhiệm của Trại tạm giam, Nhà tạm giữ 1. Thực hiện các hoạt động theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch này. 2. Niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong Buồng tạm giam, tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ. Điều 9. Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; Giám thị, Phó Giám thị Trại tạm giam, Quản giáo; Trưởng Nhà tạm giữ, Phó trưởng Nhà tạm giữ 1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm: a) Giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc giải thích phải được ghi trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án. Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ liên lạc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ không đồng ý người thực hiện trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì họ có quyền lựa chọn và đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp những người này không có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì người tiến hành tố tụng cũng ghi rõ trong biên bản; b) Đối với trường hợp người bị bắt theo quyết định truy nã bị tạm giữ thuộc diện người được trợ giúp pháp lý thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên của Cơ quan điều tra có thẩm quyền nơi bắt hoặc tiếp nhận người bị bắt có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người bị bắt hoặc người thân thích, người đại diện của họ liên hệ với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc địa bàn cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án để làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. 2. Giám thị, Phó Giám thị Trại tạm giam, Quản giáo; Trưởng Nhà tạm giữ, Phó trưởng Nhà tạm giữ có trách nhiệm: a) Giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam biết về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng; quyền được trợ giúp pháp lý. Khi người bị tạm giữ, tạm giam có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và chuyển đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nơi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu hoặc tại địa bàn nơi đặt trụ sở của cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án hoặc nơi đặt Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; b) Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật; c) Xác nhận về thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam. Chương 4. CẤP, TỪ CHỐI, THU HỒI VÀ HIỆU LỰC CỦA GIẤY CHỨNG NHẬN THAM GIA TỐ TỤNG Điều 10. Cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; Thẩm phán Tòa án được phân công giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng) cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý như sau: 1. Cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng a) Đối với Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định cử người tham gia tố tụng của Trung tâm, Chi nhánh (theo mẫu TP-TGPL-4A ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BTP ngày 01/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành một số biểu mẫu dùng trong hoạt động trợ giúp pháp lý) kèm theo bản sao Thẻ Trợ giúp viên pháp lý đối với người được cử là Trợ giúp viên pháp lý; bản sao Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Thẻ Luật sư đối với người được cử là Luật sư cộng tác viên, cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án vào sổ thụ lý và cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên không trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng thì giấy tờ kèm theo như quy định nêu trên (Thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý và Thẻ Luật sư) phải là bản sao có chứng thực. Trong trường hợp bào chữa cho người bị tạm giữ thì Cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người được cử tham gia tố tụng trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định cử người tham gia tố tụng. b) Khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng, luật sư xuất trình các giấy tờ sau đây: - Thẻ luật sư; - Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý nơi luật sư đó hành nghề. Trong thời hạn 03 ngày làm việc hoặc 24 giờ đối với trường hợp tạm giữ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. 2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia trợ giúp pháp lý được cấp giấy chứng nhận để tham gia tố tụng với tư cách sau đây: a) Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự theo quy định Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm b khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý; b) Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; c) Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính; d) Luật sư cộng tác viên, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách: người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính. 3. Nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng a) Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên được Trung tâm, Chi nhánh cử tham gia tố tụng có trách nhiệm trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Khi đến nhận, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên phải xuất trình: Thẻ Trợ giúp viên pháp lý đối với Trợ giúp viên pháp lý; Thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý và Thẻ luật sư đối với Luật sư cộng tác viên. Nếu Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên vì lý do khách quan không trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng thì họ phải gửi bổ sung bản sao có chứng thực Thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Thẻ cộng tác viên và Thẻ luật sư đến cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên không đến trực tiếp cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại đoạn 2 điểm a khoản 1 và đoạn 2 điểm a khoản 3 Điều này thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm gửi giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho họ bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh. b) Luật sư đề nghị cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng theo hẹn tại giấy biên nhận để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Trường hợp Luật sư không trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng gửi giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Luật sư bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh. Điều 11. Hiệu lực của giấy chứng nhận tham gia tố tụng 1. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng từ giai đoạn nào thì giấy chứng nhận tham gia tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng của giai đoạn đó cấp và có hiệu lực từ khi cấp cho đến khi kết thúc vụ án, kể cả trường hợp vụ án cần điều tra bổ sung, trừ trường hợp giấy chứng nhận tham gia tố tụng bị thu hồi. Trong trường hợp phục hồi điều tra vụ án, tách, nhập vụ án thì người thực hiện trợ giúp pháp lý vẫn tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án cần điều tra lại thì phải cấp lại giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo thủ tục quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này. 2. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý do Tòa án đang thụ lý vụ việc dân sự hoặc vụ án hành chính thực hiện và giấy chứng nhận này có hiệu lực từ khi cấp đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp tách, nhập vụ án thì người thực hiện trợ giúp pháp lý tiếp tục tham gia tố tụng cho đến khi kết thúc vụ án. Trường hợp vụ án xét xử lại thì phải cấp lại giấy chứng nhận tham gia tố tụng theo thủ tục quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý bị thay thế theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật trợ giúp pháp lý thì việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thay thế được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch này. Điều 12. Từ chối cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định cử người tham gia tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và nêu rõ lý do từ chối. Điều 13. Thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng 1. Trợ giúp viên pháp lý bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng trong các trường hợp sau đây: a) Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý; b) Vi phạm nghĩa vụ của người bào chữa quy định tại điểm d và điểm e khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự; bị thay đổi, không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý; c) Bị miễn nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; d) Người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; đ) Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đề nghị thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý. 2. Luật sư cộng tác viên, Luật sư bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng trong các trường hợp sau đây: a) Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; b) Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; c) Thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này. d) Luật sư bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng khi tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý. 3. Cơ quan tiến hành tố tụng đã cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý có quyền thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng đó. Văn bản thu hồi được gửi cho người bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. 4. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn sau phát hiện người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng ở giai đoạn trước đó không đủ điều kiện tham gia tố tụng thì thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng và thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng đã cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý. Việc bảo lưu kết quả tham gia tố tụng trong vụ án hình sự của người bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định; đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì do người được trợ giúp pháp lý quyết định và thông báo cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. 5. Khi Trợ giúp viên pháp lý bị thu hồi thẻ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên bị thu hồi thẻ Luật sư hoặc thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Luật sư bị thu hồi thẻ Luật sư hay bị thay thế theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý, trường hợp chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan tiến hành tố tụng biết để thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng. 6. Khi người thực hiện trợ giúp pháp lý bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng hoặc bị thay thế thì chấm dứt hoạt động tham gia tố tụng từ thời điểm bị thu hồi giấy chứng nhận tham gia tố tụng hoặc bị thay thế. Chương 5. HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG Điều 14. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương 1. Thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (sau đây viết tắt là Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương) để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất chỉ đạo công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương sau khi có ý kiến thống nhất về nhân sự của liên ngành ở Trung ương. Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thứ trưởng các Bộ: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương quy định tại khoản 3 Điều này. Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp. 3. Hội đồng phù hợp liên ngành Trung ương có nhiệm vụ giúp lãnh đạo liên ngành nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trong tố tụng; thống kê và báo cáo các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; đề ra các biện pháp cần thiết để giải quyết các vấn đề trong công tác phối hợp và tăng cường hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng; định kỳ sơ kết, tổng kết hàng năm để đánh giá về việc thực hiện Thông tư liên tịch này; đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng; đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm; giải quyết hoặc đề xuất giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động phối hợp, các phiên họp của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương mời đại diện của Liên đoàn Luật sư toàn quốc tham dự. 4. Giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương có Tổ giúp việc. Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương quyết định thành lập Tổ giúp việc. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương gồm có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều 15. Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương 1. Thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương) để giúp Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Tài chính, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở hoặc Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu) thống nhất chỉ đạo công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp sau khi có ý kiến thống nhất của lãnh đạo liên ngành ở địa phương. Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tư pháp, Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu), Giám đốc Trung tâm. Giám đốc Sở Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng sử dụng con dấu của Sở Tư pháp. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm giúp lãnh đạo các ngành ở địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, phối hợp theo Thông tư liên tịch này, giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh ở địa phương; tổ chức định kỳ đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động cộng tác viên trợ giúp pháp lý của cán bộ, công chức, viên chức của các ngành; thống kê và báo cáo các vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết hàng năm và báo cáo lãnh đạo các ngành, Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương về việc thực hiện Thông tư liên tịch này; đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp khen thưởng; đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm. Các phiên họp của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương mời đại diện Đoàn Luật sư; đại diện của Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Điều tra khu vực của quân đội, Bộ đội biên phòng, Trại tạm giam tham dự. 4. Giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có Tổ giúp việc. Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương quyết định thành lập Tổ giúp việc. Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương gồm có lãnh đạo Trung tâm, đại diện cấp Phòng của các cơ quan: Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu nơi đặt trụ sở hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu). 5. Hàng năm, các ngành là thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo mẫu gửi cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương chậm nhất vào ngày 25 tháng 10. Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương có trách nhiệm tổng hợp báo cáo theo mẫu (mẫu TT-TGPL ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này) gửi cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương chậm nhất vào ngày 05 tháng 11. Thời điểm lấy số liệu báo cáo được tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau. Chương 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 16. Trách nhiệm thực hiện 1. Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Sở Tư pháp, Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (đối với những nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu) có trách nhiệm quán triệt, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra các đơn vị có liên quan do mình quản lý trong việc triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch này. 2. Cơ quan Quốc phòng, cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan, tổ chức mình làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý. Việc tư vấn pháp luật phải phù hợp với quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của ngành đó. Điều 17. Kinh phí thực hiện 1. Kinh phí phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng được lập dự toán chung trong kinh phí ngân sách nhà nước cấp hàng năm của mỗi ngành, bao gồm: a) Kinh phí sơ kết, tổng kết chung về việc phối hợp ở địa phương, đặt Bảng thông tin, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu khác có liên quan được lập dự toán trong kinh phí ngân sách hàng năm của Trung tâm; b) Kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng được lập dự toán trong kinh phí hoạt động chung của các cơ quan tiến hành tố tụng; c) Kinh phí chi trả phụ cấp vụ việc cho Trợ giúp viên pháp lý, bồi dưỡng cho Luật sư cộng tác viên do Trung tâm, Chi nhánh thực hiện theo quy định hiện hành; d) Kinh phí kiểm tra, đánh giá công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý; sao chụp tài liệu, sơ kết, tổng kết, đánh giá phối hợp ở Trung ương và địa phương của từng ngành được lập dự toán trong kinh phí ngân sách hàng năm của ngành đó; đ) Kinh phí chi khen thưởng cho tập thể và cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. 2. Thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành và thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng được hưởng bồi dưỡng. Mức bồi dưỡng của thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành và thành viên tổ giúp việc là 0,3 mức lương tối thiểu/người/tháng. 3. Hàng năm, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan Công an cấp tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh lập dự toán kinh phí cho hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng gửi cơ quan chủ quản ở Trung ương tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phát kinh phí hoạt động. Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí cho hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong hoạt động chung hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an tổng hợp đề xuất kinh phí phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của cơ quan cấp tỉnh và cấp phát kinh phí theo quy định. Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng lập dự toán kinh phí cho hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong tổng kinh phí hoạt động chung hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương được thành lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tiếp tục hoạt động theo quy định của Thông tư liên tịch này. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương theo quy định của Thông tư liên tịch này. Điều 19. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2013 và thay thế Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. 2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm phản ánh với liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, hướng dẫn thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN THỨ TRƯỞNG Lê Quý Vương KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thúy Hiền KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thành Cung KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung KT. VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO PHÓ VIỆN TRƯỞNG Trần Công Phàn KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO PHÓ CHÁNH ÁN Đặng Quang Phương Nơi nhận: - Ban Bí thư TW Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Ban Xây dựng pháp luật - Văn phòng Chính phủ; - Công báo; website Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp; - Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Lưu VT liên tịch 6 cơ quan, Cục TGPL - Bộ Tư pháp. MẪU TT-TGPL ………….(1) ………………….(2) -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ...(3)……. , ngày ……tháng…… năm…… (4) BIỂU MẪU BÁO CÁO SỐ LIỆU NĂM ……….(5) (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số ..../2013/TTLT-BTP-BCA-BTC-BQP-VKSNDTC-TANDTC) I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG STT Người thực hiện TGPL Các lĩnh vực TGPL Giai đoạn tham gia TGPL Số vụ việc thuộc đối tượng TGPL ra Tòa không có người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Hình sự Dân sự Hành chính Tạm giữ Khởi tố Truy tố Xét xử Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Bào chữa 1 Trợ giúp viên pháp lý 2 Luật sư cộng tác viên II. KẾT QUẢ LƯỢT NGƯỜI ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG STT Các lĩnh vực Các hình thức TGPL trong hoạt động tố tụng Tổng số Chia theo giới tính Chia theo lượt người được TGPL Nữ Nam Người nghèo Người có công với cách mạng Người già (từ đủ 60 tuổi), sống cô đơn, không nơi nương tựa Người khuyết tật Trẻ em Người dân tộc thiểu số Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng chống mua bán người Khác 1. Hình sự 2. Dân sự 3. Hành chính Nơi nhận: - ............. - Lưu: VT,... CHỨC DANH (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Ghi chú: (1): Ghi rõ tên cơ quan chủ quản của cơ quan ban hành. (2): Ghi rõ tên cơ quan ban hành biểu mẫu. (3): Địa danh ban hành biểu mẫu. (4): Ghi rõ ngày, tháng, năm ban hành biểu mẫu. (5): Ghi rõ báo cáo số liệu của năm.
{ "issuing_agency": "Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao", "promulgation_date": "04/07/2013", "sign_number": "11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC", "signer": "Đặng Quang Phương, Trương Chí Trung, Trần Công Phàn, Lê Quý Vương, Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Thành Cung", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-tu-lien-tich-03-2014-TTLT-BNV-BQP-BLDTBXH-huong-dan-56-2013-ND-CP-Danh-hieu-Ba-me-Viet-Nam-253280.aspx
Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH hướng dẫn 56/2013/NĐ-CP Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam
BỘ NỘI VỤ - BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014 THỒNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/2013/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH QUY ĐỊNH DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG” Căn cứ Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 7 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Điều 2. Một số quy định chung 1. Những bà mẹ được tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. 2. Con đẻ, con nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi phải được pháp luật thừa nhận hoặc chính quyền cấp xã xác nhận. 3. Điều kiện liên quan đến mẹ của liệt sĩ nêu trong Thông tư liên tịch này đồng thời là điều kiện liên quan đến mẹ của thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định tại Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Điều 3. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau: 1. Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Ví dụ: Bà A có 02 con đẻ là liệt sĩ, trong đó có 01 con là con nuôi của bà B; bà B có 01 con đẻ là liệt sĩ và 01 con nuôi (con của bà A) là liệt sĩ, thì cả bà A và bà B đều được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 2. Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ. Ví dụ: Bà C có 02 con là liệt sĩ, trong đó có 01 con là chồng của bà H; bà C đủ điều kiện được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Bà H có chồng là liệt sĩ (con của bà C) và có 01 con là liệt sĩ, bà H cũng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 3. Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá a) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận. b) Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau. 4. Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 5. Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất. Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ mà những người con khác đều đã chết trước khi người con là liệt sĩ tham gia cách mạng. Điều 4. Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định sau: 1. Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về liệt sĩ, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người thân của liệt sĩ, thương binh. 2. Những trường hợp đã thực hiện chế độ, quyền lợi gia đình liệt sĩ nhưng Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, hoặc chưa được cấp. a) Trường hợp Bằng “Tổ quốc ghi công” bị mất, hư hỏng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. b) Trường hợp chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, đối với những bà mẹ được đề nghị xét truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” trước khi lập danh sách đề nghị. Đối với những bà mẹ được đề nghị xét phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ hồ sơ liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi để thực hiện việc kiểm tra, xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Trường hợp không có hoặc không còn hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người thân liệt sĩ cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã trong thời gian tối thiểu là 45 ngày và lập biên bản kết quả niêm yết công khai, nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận và hoàn thiện hồ sơ, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định. Sau đó Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. 3. Trường hợp bà mẹ cư trú ở nhiều địa phương nhưng không còn người lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì chính quyền cấp xã nơi bà mẹ có hộ khẩu thường trú và hưởng trợ cấp tiền tuất lập hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng. 4. Trường hợp bà mẹ đã từ trần, việc đề nghị truy tặng do người được gia đình, họ tộc ủy quyền thực hiện, mà người đó không ở nơi bà mẹ cư trú khi còn sống thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ thương binh, liệt sĩ; văn bản của chính quyền địa phương nơi bà mẹ cư trú khi còn sống xác nhận về việc chưa lập hồ sơ đề nghị truy tặng và tình trạng nhân thân của bà mẹ (có mấy con, có tái giá hay không, thái độ chính trị, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước). 5. Đối với bà mẹ được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì khoản tiền một lần và hiện vật khen thưởng được trao cho người chồng; nếu người chồng đã từ trần thì trao cho con hoặc vợ liệt sĩ thường xuyên giữ trách nhiệm thờ cúng bà mẹ; trường hợp bà mẹ không còn chồng, con thì trao cho người thân gần nhất chịu trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ của bà mẹ, theo đề nghị bằng văn bản của chính quyền cấp xã nơi bà mẹ cư trú khi còn sống. Điều 5. Trình tự, thủ tục Trình tự, thủ tục đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ và những quy định sau: 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ; tổ chức họp xét duyệt hồ sơ theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, chuyển Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) thẩm định, tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương). 4. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Điều 6. Tổ chức thực hiện 1. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương): a) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; b) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ; c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hồ sơ; tổ chức thực hiện việc xác nhận liệt sĩ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ. 3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Chỉ đạo cơ quan quân sự, công an phối hợp xét tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc đề nghị xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo đúng quy định, đảm bảo chính xác, kịp thời. Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 11 năm 2014. 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, thực hiện Thông tư liên tịch này. 3. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) tổng hợp để phối hợp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Nguyễn Thành Cung KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Doãn Mậu Diệp KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ THỨ TRƯỞNG Trần Thị Hà Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nạm; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Nội vụ; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; - Cổng thông tin điện tử CP; Công báo; - Cổng thông tin điện tử Bộ NV, Bộ QP, Bộ LĐTBXH; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, BQP, BLĐTBXH, BTĐKTTW (10b)./.
{ "issuing_agency": "Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "10/10/2014", "sign_number": "03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH", "signer": "Doãn Mậu Diệp, Trần Thị Hà, Nguyễn Thành Cung", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Ke-hoach-62-KH-UBND-2024-cong-tac-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-Ha-Noi-598948.aspx
Kế hoạch 62/KH-UBND 2024 công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 62/KH- UBND Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2024 KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội với nội dung như sau: I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU 1. Mục đích - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị về công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn Thành phố. - Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông học sinh trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. 2. Yêu cầu - Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; có ý thức xây dựng nội dung triển khai thực hiện cụ thể phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch một cách tích cực, hiệu quả. - Kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân co thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nhắc nhở, giáo dục kịp thời và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. II. NỘI DUNG 1. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục xây dựng thế hệ công dân Thủ đô có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững. 2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh, tổ chức giảng dạy hiệu quả bộ tài liệu giáo dục an toàn giao thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 3. Từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Công an Thành phố - Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt Chương trình phối hợp với ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về trật tự, an toàn giao thông. Phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh. - Chỉ đạo Công an cấp quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã, phường, thị trấn chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở. - Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Từng quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này, có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn. - Đối với các tai nạn giao thông liên quan đến học sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa. - Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên. - Thống kê số liệu vi phạm hành chính, số liệu tai nạn giao thông liên quan đến học sinh. Đồng thời, đánh giá và xác định nguyên nhân, hậu quả để từ đó có giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố. - Đầu tư phương tiện, hình thức quản lý, tăng cường đưa đón giáo viên, học sinh bằng các phương tiện của nhà trường, khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng phương tiện công cộng nhằm giảm phương tiện cá nhân góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại các khu vực xung quanh trường học. 2. Sở Giáo dục và Đào tạo - Chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hoá giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. - Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố triển khai bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an xây dựng và ban hành. Yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội. - Chỉ đạo, hướng dẫn các trường học thuộc ngành quản lý về giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó: + Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm; + Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường hằng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tham gia các hoạt động gắn công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các đơn vị, trường học và tại nơi cư trú; 100% các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường phải ký cam kết thi đua; 100% các đơn vị, trường học tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để giảm thiểu chấn thương nếu không may xảy ra tai nạn giao thông; học sinh đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để nhà trường phối hợp Công an địa phương kiểm tra, quản lý; + Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn mỗi cấp học ít nhất 01 cơ sở giáo dục làm điểm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông làm hình mẫu để nhân rộng, lan toả toàn ngành; + Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, thực hiện Cuộc vận động "Học sinh với văn hóa giao thông", "Trường học an toàn, thân thiện, chấp hành tốt luật giao thông"; xây dựng và nhân rộng mô hình "Cổng trường an toàn giao thông", "Đội thanh niên tình nguyện", "Đội cờ đỏ", "Xếp hàng đón con" tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh. - Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương: + Thực hiện nghiêm túc các nội dung Kế hoạch phối hợp số 188/KHPH- CATP-SGDĐT ngày 08/5/2023 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an Thành phố về phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025; + Phối hợp đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh; + Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con cái cam kết không tái phạm; + Rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh. 3. Sở Thông tin và Truyền thông - Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí của Thành phố, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phối hợp chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của học sinh. - Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng. Chủ trì phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời yêu cầu ngăn chặn, bóc gỡ, xoá bỏ các thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng vi phạm trật tự an toàn xã hội gây tác động tiêu cực đến học sinh theo quy định của pháp luật. 4. Sở Giao thông Vận tải - Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên Thành phố; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành. - Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn. - Rà soát, nghiên cứu bổ sung vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, hạn chế tốc độ, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ. - Nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng. 5. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư cho các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát giao thông của các lực lượng chức năng. Báo cáo UBND Thành phố bố trí nguồn lực cho hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực trường học; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh. 6. Sở Công Thương; Cục Quản lý thị trường Thành phố: Chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh giá bán, xe máy điện, xe đạp điện, phụ tùng, mũ bảo hiểm và các trang bị an toàn khác là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 7. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới; Báo Kinh tế và Đô thị, Báo An ninh Thủ đô tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của học sinh; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị; mở chuyên mục tuyên truyền an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh vào các khung giờ, chuyên trang phù hợp để các em học sinh dễ theo dõi; lồng ghép tuyên truyền trước, trong, sau các chương trình truyền hình thu hút nhiều học sinh theo dõi. 8. Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thành viên của Ủy ban và các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh; xây dựng sổ tay về lập và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông cho trường học, tổ chức tập huấn cho người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm; thí điểm tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông. 9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã - Căn cứ nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này ban hành Kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của phòng, ban chức năng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp trên địa bàn. Chỉ đạo từng xã trong kế hoạch công tác hằng năm phải đưa ra mục tiêu phấn đấu không để học sinh trên địa bàn bị tai nạn giao thông và có giải pháp thực hiện cụ thể. - Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, truyền thông thực hiện mạnh mẽ, liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển (chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe theo quy định); nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, đội thanh niên tình nguyện, các “Đội cờ đỏ” tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm, tạo thói quen chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông tại cổng trường cho học sinh và phụ huynh học sinh. - Chỉ đạo rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông, trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. - Nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông. - Tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng phân luồng, phòng ngừa, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học. Kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý; kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh học sinh vào trường dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông. - Kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý, đối với các bãi gửi xe được cấp phép xung quanh khu vực trường học thì yêu cầu cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. - Cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao thông tại các khu vực có trường học. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể, huy động các nguồn lực xã hội quan tâm kèm cặp, giúp đỡ những thanh thiếu niên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ được đến trường và đến trường an toàn. 10. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức ký cam kết và lồng ghép với tuyên truyền hướng dẫn, nhắc nhở, quản lý chặt chẽ con em mình, không giao phương tiện sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định; xây dựng mô hình Đoàn thanh niên tình nguyện, Phụ nữ tự quản tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh vào sinh hoạt định kỳ; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể. 11. Đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố tăng cường phối hợp với Công an Thành phố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến lứa tuổi học sinh; xử lý trách nhiệm của chủ xe để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nhằm tuyên truyền, phòng ngừa chung. 12. Các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch này; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo (qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Công an; - Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Thường trực Thành ủy; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Thường trực HĐND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - UB MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể Thành phố; - Ban Tuyên giáo Thành uỷ; - Các Sở, ban, ngành Thành phố; - Đoàn TNCS HCM thành phố Hà Nội; - Đài PT&THHN, Báo HNM, KT&ĐT; - UBND các quận, huyện, thị xã; - VPUB: CVP, các PCVP; KGVX, NC, KTTH; - Lưu: VT, KGVX. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Vũ Thu Hà
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "15/02/2024", "sign_number": "62/KH-UBND", "signer": "Vũ Thu Hà", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Ke-hoach-129-KH-UBND-2018-cham-soc-suc-khoe-nguoi-lao-dong-chong-benh-nghe-nghiep-Ha-Noi-384879.aspx
Kế hoạch 129/KH-UBND 2018 chăm sóc sức khỏe người lao động chống bệnh nghề nghiệp Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 129/KH-UBND Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2018 KẾ HOẠCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020 Thực hiện Quyết định số 5871/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020. UBND thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 với các nội dung sau: I. MỤC TIÊU 1. Mục tiêu chung Tăng cường công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động nói chung và nhân viên y tế nói riêng; Nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động, chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể a) Nhóm chỉ tiêu nâng cao năng lực ngành Y tế - Thành phố có cơ sở đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động theo quy định và có phòng khám bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định. - Trên 50% người làm công tác y tế cơ sở được tập huấn, đào tạo để cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động; Trên 80% người thuộc lực lượng sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc được tập huấn, cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. - Xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp và môi trường lao động. b) Nhóm chỉ tiêu chuyên môn về y tế lao động và bệnh nghề nghiệp - Trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp phải được thực hiện quan trắc môi trường lao động. - 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có yếu tố nguy hại đến sức khỏe được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp. - 100% người lao động bị tai nạn lao động được sơ cứu, cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng theo quy định; người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp. - Xây dựng được mô hình chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong khu vực phi kết cấu. c) Nhóm chỉ tiêu về thông tin truyền thông - Trên 20 làng nghề, 50 hợp tác xã có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động cấp quận, huyện, thị xã và trong các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp. d) Nhóm chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế - 100% số đơn vị, cơ sở lao động trong ngành Y tế được lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - 100% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động; 100% người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được tập huấn và cấp thẻ an toàn lao động; 100% người lao động được tập huấn và cấp Giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động. - 100% đơn vị, cơ sở lao động trong ngành Y tế thực hiện: Lập Hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; quan trắc môi trường lao động định kỳ hàng năm; khám sức khỏe cho người lao động trước khi được bố trí công việc; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động. - 100% người lao động được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc. II. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN 1. Thời gian thực hiện: Đến năm 2020. 2. Phạm vi thực hiện - Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. - Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. - Đơn vị phối hợp: các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ; Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. - Các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội. III. NỘI DUNG THỰC HIỆN Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020 của ngành Y tế tập trung vào các nội dung sau: 1. Nhóm hoạt động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động a) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ sở y tế cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; chứng chỉ đào tạo về bệnh nghề nghiệp; chứng chỉ quan trắc môi trường lao động; xây dựng hướng dẫn nâng cao sức khỏe cho người lao động. b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở cung cấp dịch vụ quan trắc môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; công tác ghi nhận và báo cáo số liệu y tế lao động, tai nạn lao động. c) Cung cấp, bổ sung trang thiết bị và xây dựng phần mềm hỗ trợ báo cáo y tế lao động phù hợp theo từng tuyến từ cơ sở đến tuyến Thành phố. d) Xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động được khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố. e) Tăng cường sử dụng số liệu y tế lao động trong việc lập kế hoạch, đánh giá các giải pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp. f) Nghiên cứu đánh giá thực trạng một số bệnh nghề nghiệp phổ biến và xây dựng mô hình kiểm soát bệnh nghề nghiệp thí điểm ở một số ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 2. Nhóm hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc a) Xây dựng tài liệu, kế hoạch đào tạo quan trắc môi trường lao động, tập huấn y tế lao động, bệnh nghề nghiệp. b) Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị chuyên ngành thiết yếu cho các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát môi trường lao động và bệnh nghề nghiệp. c) Hướng dẫn, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác sơ cứu, cấp cứu cho các tổ chức và các cơ sở y tế về phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. d) Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp, rà soát, tham mưu báo cáo Bộ Y tế bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. e) Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong khu vực phi kết cấu. f) Tổ chức các đợt giám sát hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế tuyến quận, huyện, thị xã. 3. Nhóm hoạt động truyền thông, giáo dục và tư vấn về vệ sinh lao động a) Triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông đa dạng, linh hoạt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, sự kiện truyền thông nhằm cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế, cơ sở lao động và cộng đồng xã hội trên địa bàn Thành phố. b) Lồng ghép tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục cho các cơ sở lao động trong “Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động” hằng năm; tổ chức triển lãm công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. c) Xây dựng và biên soạn, in ấn các nội dung truyền thông về chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp phù hợp cho từng nhóm ngành/nghề và lao động phi kết cấu. d) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn kỹ năng truyền thông, giáo dục, kỹ năng tư vấn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế các tuyến và cơ sở lao động. e) Tập huấn, nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động của một số các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. f) Duy trì, cập nhật tin tức và các nội dung truyền thông trên Website của Sở Y tế. 4. Nhóm các hoạt động kiểm tra, giám sát a) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động, đặc biệt các cơ sở có nguy cơ phát sinh nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại sức khỏe tại các cơ sở y tế. b) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo theo tuyến từ Thành phố đến cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. 5. Nhóm hoạt động đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế a) Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động và công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế. b) Lồng ghép các nội dung đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế trong tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. c) Tổ chức hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế; các lớp tập huấn cấp Giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động, thẻ an toàn lao động cho người lao động trong ngành y tế. d) Rà soát, tham mưu báo cáo Bộ Y tế bổ sung ngành nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm của ngành y tế. e) Xây dựng và triển khai mô hình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế tại một số bệnh viện. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Y tế - Tham mưu UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020. - Xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép hoạt động; các đơn vị công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động; cơ sở y tế tập huấn, đào tạo sơ cứu, cấp cứu thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn Thành phố. - Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. - Xây dựng Kế hoạch kiểm tra các hoạt động chuyên môn về công tác quản lý vệ sinh lao động, Chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Thường xuyên thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch tại các đơn vị y tế và các cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn toàn Thành phố. - Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong và ngoài ngành Y tế. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động. - Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế. - Quản lý danh sách nhân lực làm công tác y tế tại cơ sở lao động và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp đồng với các cơ sở lao động trên địa bàn. - Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị trong ngành về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - Theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị trong ngành thực hiện Kế hoạch đã đề ra, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị trong ngành và chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy định. - Là đầu mối hướng dẫn và tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Cục Quản lý môi trường Y tế kết quả thực hiện Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định. 2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể của Thành phố và UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020. - Tổ chức tập huấn, đào tạo và cấp Giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động, thẻ an toàn lao động cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở có sử dụng người lao động. - Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. 3. Sở Thông tin và Truyền thông - Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông của Thành phố trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, đề nghị các cơ quan báo, đài Thành phố, cơ quan báo, đài Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố. 4. Sở Xây dựng Chỉ đạo các Chủ dự án xây dựng đảm bảo về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tại các công trường xây dựng. 5. Sở Tài chính - Chủ trì, tham mưu UBND Thành phố cân đối kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách Thành phố để đảm bảo triển khai thực hiện Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. - Phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. 6. Các Sở ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế tổ chức thực hiện Kế hoạch. 7. Các cơ quan báo, đài Thành phố Phối hợp Sở Y tế, chủ động tăng cường tin bài, phóng sự phản ánh công tác an toàn, vệ sinh lao động và biểu dương, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật lao động để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người. 8. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội - Phối hợp Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tổ chức các lớp tập huấn an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người quản lý, người trực tiếp làm công tác an toàn tại các đơn vị, doanh nghiệp. - Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý. - Quản lý, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt các quy định pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - Đôn đốc, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở có sử dụng người lao động thực hiện đúng, đầy đủ công tác an toàn, vệ sinh lao động. - Tổng hợp, báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động của các cơ sở có sử dụng người lao động trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý. 9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các Hội, đoàn thể - Phối hợp với các Sở, ban, ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp. - Tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. 9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã - Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và Kế hoạch của UBND Thành phố để xây dựng Kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác an toàn, vệ sinh lao động của địa phương. - Chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020. - Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động để phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. - Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn quản lý. - Tổ chức kiểm tra, đánh giá và khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn. - Định kỳ báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động và tiến độ thực hiện Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đến năm 2020. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ các nguồn sau: - Từ nguồn ngân sách Thành phố. - Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020. - Các nguồn kinh phí huy động xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo gửi về Sở Y tế để tổng hợp./. Nơi nhận: - Đồng chí Bí thư Thành ủy; - Bộ Y tế; - Thường trực Thành ủy; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Thường trực HĐND Thành phố; - Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; - UBMTTQ Việt Nam TP HN; - Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP; - UBND các quận, huyện, thị xã; - Ban QL các KCN và Chế xuất; - VPUB: CVP, các PCVP; Phòng: KGVX, KT, TH, TKBT; - Lưu VT, KGVX. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Ngô Văn Quý
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "07/06/2018", "sign_number": "129/KH-UBND", "signer": "Ngô Văn Quý", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-89-2008-ND-CP-huong-dan-thi-hanh-Phap-lenh-sua-doi-Phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-69331.aspx
Nghị định 89/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
CHÍNH PHỦ ----- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ------- Số: 89/2008/NĐ-CP Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2008 NGHI ĐỊNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, NGHI ĐỊNH: Điều 1. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 1. Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. 2. Được cấp báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hoá tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú. 3. Khi người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 chết thì thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi như sau: a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sưng một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh) mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết. b) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần: + Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng còn sống; con (trong trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng không còn) của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 được hưởng trợ cấp chung một lần, mức trợ cấp là 50 triệu đồng. + Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 không có vợ hoặc chồng thì thực hiện trợ cấp một lần đối với người đang thờ cúng, mức trợ cấp là 10 triệu đồng. c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. d) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa, con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp mà vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng. 4. Các chế độ ưu đãi khác thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 2. Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 1. Trợ cấp hàng tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. 2. Được cấp Báo Nhân dân hàng ngày, sinh hoạt văn hoá tinh thần phù hợp với điều kiện nơi cư trú. 3. Khi người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 nam 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 chết thì thân nhân được hưởng chế độ ưu đãi như sau: a) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đang hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh mà chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết. b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2 khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần: + Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng còn sống; con (trong trường hợp cha mẹ, vợ hoặc chồng không còn) của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 được hưởng trợ cấp chung một lần, mức trợ cấp là 25 triệu đồng. + Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 không có vợ hoặc chồng thì thực hiện trợ cấp một lần đối với người đang thờ cúng, mức trợ cấp là 10 triệu đồng. c) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. d) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đang sống cô đơn không nơi nương tựa, con mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn tiếp tục đi học, con mồ côi bị tàn tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng. 4. Các chế độ ưu đãi khác thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 3. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Nghị định này thay thế Điều 1, Điều 2 Chương I của Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 4. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ qui định tại Nghị định này. 2. Kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp đối với các đối tượng qui định tại Nghị định này do ngân sách trung ương đảm bảo. Bộ Tài chính xây dựng dự toán chi ngân sách thực hiện chế độ trợ cấp một lần qui định tại Điều 1, Điều 2 của Nghị định này trình cấp có thẩm quyền quyết định theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước. 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "13/08/2008", "sign_number": "89/2008/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-3949-KH-STP-PBGDPL-2021-huong-ung-Ngay-phap-luat-Viet-Nam-So-Tu-phap-Ho-Chi-Minh-545895.aspx
Kế hoạch 3949/KH-STP-PBGDPL 2021 hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam Sở Tư pháp Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ TƯ PHÁP ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 3949/KH-STP-PBGDPL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 10 năm 2021 KẾ HOẠCH TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11 NĂM 2021 TẠI SỞ TƯ PHÁP Thực hiện Kế hoạch số 2689/KH-STP-VP ngày 29/6/2021 của Sở Tư pháp về phát động đợt thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kế hoạch số 3817/KH-STP-PBGDPL ngày 22/10/2021 của Sở Tư pháp về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2021, Kế hoạch số 5852/KH-STP-PBGDPL ngày 17/12/2020 về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” năm 2020, 2021 của Sở Tư pháp, hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng 09/12, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Mục đích: - Tuyên truyền phổ biến sâu rộng nội dung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp, nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp. - Là hoạt động trọng tâm năm 2021 trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 20219-2021” tại Sở Tư pháp. - Hội thi huy động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên Chi hội Luật gia, đoàn viên công đoàn đang công tác tại các Phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở cùng tham gia trên tinh thần bảo đảm nguyên tắc 5K; Hội thi cũng là hoạt động nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết, giao lưu, sinh hoạt tập thể giúp CB, CC, VC tìm hiểu và tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. 2. Yêu cầu: - Hội thi phải được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn công đoàn, hội viên Chi hội Luật gia cơ quan Sở. - Có sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm thực hiện rõ ràng giữa đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì với các phòng chuyên môn, đơn vị, trực thuộc, các tổ chức đoàn thể có liên quan được xác định trong Kế hoạch này. - Tuân thủ nghiêm quy định 5K để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. II. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ 1. Nội dung: a) Biên soạn Bộ đề thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, đăng tải, phát hành rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của Sở (mục Phổ biến, giáo dục pháp luật/tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật/tài liệu hỏi đáp pháp luật) (do Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện), b) Phổ biến, quán triệt một số quy định hiện hành về pháp luật phòng, chống tham nhũng cho CB,CC,VC, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính (do Thanh tra Sở thực hiện). c) Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành (do Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Thanh tra Sở, Văn phòng Sở, Cụm thi đua 8 Sở Tư pháp và Chi hội luật gia Cơ quan Sở phối hợp thực hiện). 2. Đối tượng tham gia: - Cán bộ, công chức, viên chức các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp. - Hội viên Chi hội Luật gia cơ quan Sở. - Đoàn viên, Hội viên các tổ chức đoàn thể thuộc Sở Tư pháp. Mỗi đơn vị cử 1 đại diện lãnh đạo và 2 công chức, viên chức, khuyến khích cử các hội viên luật gia tham gia Hội thi (tối đa mỗi đơn vị cử 3 người). III. Hội thi hái hoa dân chủ: 1. Hình thức, thể lệ, giải thưởng: - Hội thi được tổ chức theo hình thức bốc thăm chọn và trả lời 1 bộ câu hỏi trắc nghiệm (có tổng cộng 25 bộ câu hỏi, mỗi bộ gồm 3 câu, mỗi câu trả lời đúng đạt 10 điểm, mỗi câu trả lời sai 0 điểm). - Thứ tự dự thi theo kết quả bốc thăm của từng đơn vị trước giờ thi. - Các đội thi cử 1 đại diện bốc thăm (hái hoa dân chủ) và trả lời bộ 3 câu hỏi đã chọn; thời gian trả lời mỗi câu trả lời không quá 30 giây (kể từ lúc người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi). - Đơn vị trả lời đúng chính xác cả 3 câu hỏi (30/30 điểm) sẽ nhận 1 phần quà trị giá 300.000 đồng do Ban Tổ chức trao tặng. Ngoài các phần quà trên, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo sẽ lựa chọn trao thêm 3 phần quà cho các tập thể tham gia Hội thi có phong cách, trang phục đẹp, ấn tượng. Khuyến khích sử dụng đồng phục của cơ quan, đơn vị. 2. Thời gian: Từ 15g00 ngày 05/11/2021 (chiều thứ 6), ngay sau phần phổ biến, quán triệt một số quy định hiện hành về pháp luật phòng, chống tham nhũng. 3. Địa điểm: Hội trường lầu 8, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thành lập Ban Tổ chức: - Đ/c Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban - Đ/c Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban - Đ/c Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chi hội trưởng Chi hội luật gia Cơ quan Sở, Phó Trưởng Ban - Đại diện Cụm thi đua 8 Sở Tư pháp, thành viên - Đại diện lãnh đạo Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, thành viên - Đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở, thành viên - Đại diện lãnh đạo Văn phòng Sở, thành viên. 2. Phân công thực hiện a) Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở xây dựng Bộ đề thi trắc nghiệm (gồm 75 câu chia thành 25 bộ câu hỏi) tìm hiểu các quy định về Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành. - Xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản, văn nghệ Hội thi; phối hợp với Văn phòng Sở chuẩn bị quà, dự trù kinh phí và thanh quyết toán theo quy định. - Cập nhập, đăng tải Bộ đề thi lên Trang thông tin điện tử của Sở. b) Thanh tra Sở: - Chuẩn bị nội dung và cử báo cáo viên quán triệt, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. - Tham gia góp ý Bộ đề thi do Phòng PBGDPL thực hiện. c) Văn phòng Sở: Thực hiện công tác hậu cần phục vụ Hội thi; hỗ trợ, phối hợp với Phòng PBGDPL tổ chức các hoạt động đã đề ra tại Kế hoạch này; phân công kiểm tra (khai báo y tế, 5K, đủ 2 mũi vaccine...), đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19 đối với khách mời, đại biểu tham dự. d) Phòng Văn bản pháp quy (Cụm trưởng Cụm thi đua 8) Phân công người dẫn chương trình, phối hợp thực hiện các nội dung đề ra theo Kế hoạch này. đ) Trưởng các phòng chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, các tổ chức đoàn thể thuộc Sở Tư pháp và Chi Hội luật gia Cơ quan Sở: - Sắp xếp thời gian tham gia, hưởng ứng các hoạt động đã để ra trong Kế hoạch này. - Quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tham gia Hội thi (mỗi đơn vị cử không quá 3 người). - Kế hoạch này thay cho giấy mời tham dự. IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN Kinh phí tổ chức được chi từ kinh phí thường xuyên cấp cho Sở Tư pháp năm 2021./. Nơi nhận: - GĐ, các PGĐ Sở; - Các phòng chuyên môn; - Các đơn vị trực thuộc; - Các đoàn thể STP; - Chi Hội luật gia Cơ quan STP; - Lưu: VT, PBGDPL-YT. KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Nguyễn Văn Vũ
{ "issuing_agency": "Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "29/10/2021", "sign_number": "3949/KH-STP-PBGDPL", "signer": "Nguyễn Văn Vũ", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-106-2001-TT-BTC-phe-duyet-chien-luoc-phat-trien-va-co-che-chinh-sach-ho-tro-thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-nganh-det-may-Viet-Nam-den-2010-48815.aspx
Thông tư 106/2001/TT-BTC phê duyệt chiến lược phát triển và cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến 2010
BỘ TÀI CHÍNH ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 106/2001/TT-BTC Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2001 THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 106/2001/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 55/2001/QĐ-TTG NGÀY 23/04/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VÀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 Thực hiện Quyết định số 55/2001/QĐ-TTg ngày 23/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển và một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Điều 2 - Khoản 1, 4, 5, 6 của Quyết định như sau: 1. Đối với các dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm; quy hoạch các cụm (khu) công nghiệp dệt; xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm (khu) công nghiệp mới: Căn cứ khả năng nguồn vốn đầu tư của ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thực hiện bộ trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm theo chế độ quy định đối với từng dự án cụ thể. Việc quản lý và cấp phát cho các dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng. 2. Đối với các dự án đầu tư các công trình xử lý nước thải: Nhà nước hỗ trợ một phần từ nguồn vốn ODA: - Với nguồn vốn ODA không hoàn lại, Nhà nước cấp phát đến 100% giá trị viện trợ. - Với nguồn vốn ODA vay, Nhà nước cấp phát một phần cho những hạng mục không có khả năng hoàn vốn trực tiếp của dự án. Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều kiện và mức cấp phát cụ thể đối với từng dự án. Phần vốn đối ứng trong nước của dự án được vay vốn ưu đãi theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 của Quyết định số 55/2001/QĐ-TTg ngày 23/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ. 3. Đối với các khoản chi đào tạo và nghiên cứu của các Viện, Trường và Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành Dệt may: Hàng năm doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và lập dự toán gửi cơ quan Tài chính cùng cấp. Trên cơ sở định mức chi tiêu của Nhà nước, cơ quan Tài chính cùng cấp sẽ bố trí kế hoạch ngân sách đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chi cho các khoản chi trên. 4. Trong trường hợp cần thiết các doanh nghiệp nhà nước sản xuất sợi, dệt, in, nhuộm hoàn tất, nguyên liệu dệt, phụ liệu may và cơ khí dệt may, được Thủ tướng Chính phủ quyết định bảo lãnh khi mua thiết bị trả chậm, vay thương mại của các nhà cung cấp hoặc tổ chức tài chính trong và ngoài nước: Doanh nghiệp thực hiện theo Quy chế bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 233/1999/QĐ-TTg ngày 20/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ. 5. Việc cấp lại tiền thu sử dụng vốn: Năm 2001 từ ngày Quyết định 55/2001/QĐ-TTg ngày 23/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp nhà nước sản xuất sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất, nguyên liệu dệt, phụ liệu may và cơ khí dệt may, được cấp lại tiền thu sử dụng vốn để đầu tư mới, đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng. a. Hình thức cấp vốn: Ghi thu, ghi chi vốn trực tiếp cho doanh nghiệp có dự án đầu tư và nguồn thu sử dụng vốn. b. Mức cấp: Tối đa bằng số thu sử dụng vốn phát sinh tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp đã đưa vào đầu tư. c. Hồ sơ cấp vốn gồm: - Công văn đề nghị cấp vốn của doanh nghiệp. - Bản sao Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. - Quyết toán tài chính và quyết toán thuế được duyệt của năm đề nghị cấp vốn. Hồ sơ cấp vốn trên được gửi về cơ quan tài chính cùng cấp. Sau khi nhận đủ hồ sơ cơ quan tài chính cùng cấp sẽ thẩm định và thực hiện ghi thu, ghi chi cho doanh nghiệp. 6. Việc cấp vốn lưu động: Ngân sách ưu tiên cân đối trong 4 năm (2001-2004) để cấp bổ sung đủ 30% vốn lưu động cho các doanh nghiệp nhà nước sản xuất sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất, nguyên liệu dệt, phụ liệu may và cơ khí dệt may theo nhu cầu vốn lưu động của năm 2001. Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch đề nghị bổ sung vốn lưu động để Bộ Tài chính bố trí nguồn. Hồ sơ cấp vốn cho từng doanh nghiệp gồm: - Công văn đề nghị cấp vốn của doanh nghiệp. - Quyết toán tài chính kèm theo Bảng công bố công khai một số chi tiêu tài chính và quyết toán thuế của năm trước năm đề nghị cấp vốn. - Kế hoạch tài chính và Kế hoạch vốn lưu động của năm đề nghị cấp vốn. Hồ sơ của các doanh nghiệp được gửi về cơ quan tài chính cùng cấp. Sau khi nhận đủ hồ sơ trên cơ sở kế hoạch ngân sách, cơ quan tài chính cùng cấp sẽ thẩm định và thực hiện cấp vốn cho doanh nghiệp. 7. Nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may: Toàn bộ nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may được sử dụng cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu của ngành dệt may. a. Nội dung chi cụ thể: - Chi cho các hoạt động tham gia các tổ chức dệt may quốc tế. - Chi cho một phần công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành dệt may (ngoài nguồn đào tạo của các viện, trường). - Chi cho công tác xúc tiến thương mại. Đối với chi phí cho công tác xúc tiến thương mại, phần còn thiếu, được hỗ trợ từ nguồn ngân sách theo quy định tại Thông tư số 61/2001/TT-BTC ngày 01/08/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. b. Đối tượng sử dụng nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may: Tổng Công ty Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng dệt may thuộc mọi thành phần kinh tế có số thực nộp về phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may. c. Hồ sơ thủ tục cấp phát: Hồ sơ cấp kinh phí bao gồm: - Công văn đề nghị cấp kinh phí của doanh nghiệp. - Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với các hoạt động theo quy định hiện hành cần phải có (mở văn phòng đại diện, tham gia triển lãm, cử cán bộ đi công tác nước ngoài; tham gia các tổ chức Dệt may quốc tế...) - Dự toán chi tiết. - Xác nhận của Bộ Thương mại về số phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may đã nộp. Hồ sơ của các doanh nghiệp được gửi về Bộ Tài chính. Sau khi nhận đủ hồ sơ, trên cơ sở định mức chi tiêu của Nhà nước và kế hoạch cân đối thu chi nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may, Bộ Tài chính cấp tạm ứng 70% nhu cầu kinh phí cho doanh nghiệp. Số còn lại sẽ được cấp tiếp khi doanh nghiệp có quyết toán chính thức. Hàng năm, các doanh nghiệp dệt may xây dựng kế hoạch và lập dự toán cho việc mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, gửi Tổng Công ty Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam để tổng hợp, đăng ký với Bộ Tài chính và Bộ Thương mại, cân đối thu chi nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may. Mức cấp phát cho từng doanh nghiệp và Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam tối đa không vượt quá tổng số thực nộp phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may của các doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và hạch toán khoản kinh phí được hỗ trợ trên theo đúng chế độ hiện hành. 8. Đối với chính sách hỗ trợ dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ: Căn cứ Công văn số 776/CP-KTTH ngày 24/08/2001 của Chính phủ về việc hỗ trợ hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ; Căn cứ Công văn số 7392 TC/TCDN ngày 06/08/2001 của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ; a. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ: tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ. b. Mức hỗ trợ: 7% trên kim ngạch xuất khẩu (tính theo giá FOB) vào thị trường Mỹ. c. Thời gian hỗ trợ: từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến thời điểm Hiệp định thương mại Việt Mỹ có hiệu lực thi hành. d. Hồ sơ và thủ tục cấp hỗ trợ gồm: - Công văn đề nghị cấp hỗ trợ của doanh nghiệp kèm theo Bảng kê số lượng hàng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu theo từng hợp đồng xuất khẩu. - Bản sao bộ hồ sơ xuất khẩu có xác nhận và đóng dấu của doanh nghiệp bao gồm: Hợp đồng xuất khẩu; Hóa đơn thương mại do doanh nghiệp lập; Tờ khai Hải quan có xác nhận ở Mục 47; Chứng từ thu tiền về hoặc biên bản đối chiếu công nợ. - Bản sao các chứng từ chi phí: vận chuyển, bảo hiểm.... hàng xuất khẩu (đối với các trường hợp doanh nghiệp không xuất hàng theo FOB) có xác nhận và đóng dấu của doanh nghiệp. Hồ sơ của các doanh nghiệp được gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp). Sau khi nhận đủ hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thẩm định và quyết định xuất Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý của hồ sơ và tính chính xác của các số liệu báo cáo trong hồ sơ. Khoản chi hỗ trợ trên để bù đắp chi phí kinh doanh cho mặt hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các doanh nghiệp không được sử dụng để trích Quỹ Khen thưởng hoặc Quỹ Phúc lợi. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương, Tổng Công ty Dệt may Việt Nam phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết. Trần Văn Tá (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "31/12/2001", "sign_number": "106/2001/TT-BTC", "signer": "Trần Văn Tá", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-32-2006-ND-CP-quan-ly-thuc-vat-dong-vat-rung-nguy-cap-quy-hiem-10831.aspx
Nghị định 32/2006/NĐ-CP quản lý thực vật động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
CHÍNH PHỦ ****** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 32/2006/NĐ-CP Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2006 NGHỊ ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004; Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: 1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về quản lý và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam. 2. Đối tượng áp dụng: cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại Nghị định này. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. Điều 2. Phân nhóm thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: 1. Giải thích từ ngữ: Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định. 2. Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm (có danh mục kèm theo) như sau: a) Nhóm I: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao. Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I được phân thành: Nhóm I A, gồm các loài thực vật rừng. Nhóm I B, gồm các loài động vật rừng. b) Nhóm II: hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II được phân thành: Nhóm II A, gồm các loài thực vật rừng. Nhóm II B, gồm các loài động vật rừng. Điều 3. Chính sách của Nhà nước về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: 1. Nhà nước đầu tư để quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các hoạt động cứu hộ đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý tịch thu. 2. Hỗ trợ khắc phục thiệt hại do động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên gây ra cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp trong các khu rừng đặc dụng (được chính quyền cấp xã, nơi có rừng đặc dụng xác nhận) theo quy định của pháp luật. 3. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Chương 2: QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM Điều 4. Theo dõi diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: 1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đánh giá tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại địa phương; tổng hợp trên địa bàn cùng với việc thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng quy định tại Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc nghiên cứu, đánh giá tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; tổng hợp trong toàn quốc cùng với việc thống kê rừng, kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng quy định tại Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Điều 5. Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm : 1. Những khu rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phân bố tập trung thì được đưa vào xem xét thành lập khu rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật. Đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm sinh sống ở ngoài các khu rừng đặc dụng phải được bảo vệ theo quy định của Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật. 2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong khu rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về bảo vệ môi trường. 3. Nghiêm cấm những hành vi sau đây: a) Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật. b) Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật. Điều 6. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ : 1. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I: Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế. Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. 2. Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II: a) Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II trong các khu rừng đặc dụng: - Chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế. - Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II trong các khu rừng đặc dụng không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. b) Khai thác thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II ngoài các khu rừng đặc dụng: - Thực vật rừng Nhóm II A ngoài các khu rừng đặc dụng chỉ được khai thác theo quy định tại Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. - Động vật rừng Nhóm II B ngoài các khu rừng đặc dụng chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nuôi sinh sản), quan hệ hợp tác quốc tế. Việc khai thác động vật rừng Nhóm II B ngoài các khu rừng đặc dụng không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn của các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đối với những khu rừng do các tổ chức trực thuộc Trung ương quản lý hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với những khu rừng do các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương quản lý. 3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục, trình tự để phê duyệt phương án khai thác thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên. Điều 7. Vận chuyển, cất giữ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên và sản phẩm của chúng: Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được khai thác từ tự nhiên, khi vận chuyển, cất giữ phải theo các quy định sau: 1. Có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc khai thác hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định này, các giấy tờ khác theo quy định hiện hành của pháp luật về xử lý tang vật vi phạm (đối với trường hợp thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được xử lý tịch thu trong các vụ vi phạm hành chính hoặc vụ án hình sự). 2. Khi vận chuyển động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng ra ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có Giấy phép vận chuyển đặc biệt do cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh cấp. 3. Khi vận chuyển thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Riêng gỗ Nhóm I A và Nhóm II A khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, ngoài các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này còn có dấu búa kiểm lâm theo quy định về quy chế quản lý búa kiểm lâm. Điều 8. Phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: 1. Hoạt động trồng cấy nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, trồng cấy nhân tạo, nuôi sinh sản các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp. 2. Khai thác, vận chuyển, cất giữ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo và sản phẩm của chúng phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, trồng cấy nhân tạo, nuôi sinh sản các loài thực vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp. Điều 9. Chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng: 1. Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I A, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I B và Nhóm II B từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này). 2. Được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại đối với các đối tượng sau: - Các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng có nguồn gốc nuôi sinh sản; các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II B là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước, không còn khả năng cứu hộ, thả lại môi trường. - Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước; thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II A từ tự nhiên, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc trồng cấy nhân tạo. Tổ chức, cá nhân chế biến kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích thương mại phải bảo đảm các quy định sau: a) Có đăng ký kinh doanh về chế biến, kinh doanh thực vật rừng, động vật rừng và sản phẩm của chúng, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. b) Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Nghị định này. c) Mở sổ theo dõi nhập, xuất thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng theo quy định thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan kiểm lâm theo quy định hiện hành của pháp luật. Điều 10. Xử lý vi phạm: 1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định này thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật. 2. Tang vật vi phạm, vật chứng là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự và quy định sau: a) Thực vật, động vật sống tạm giữ trong quá trình xử lý phải được chăm sóc, cứu hộ phù hợp và bảo đảm các điều kiện về an toàn. b) Thực vật, động vật sống tạm giữ được cơ quan kiểm dịch xác nhận là bị bệnh có nguy cơ gây thành dịch phải tiêu huỷ ngay theo các quy định hiện hành của pháp luật. Điều 11. Xử lý các trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân: 1. Trong mọi trường hợp động vật rừng đe doạ xâm hại tài sản hoặc tính mạng của nhân dân; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải áp dụng trước các biện pháp xua đuổi, không gây tổn thương đến động vật rừng. 2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trực tiếp tấn công đe doạ đến tính mạng nhân dân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xem xét, quyết định cho phép được bẫy, bắn tự vệ để bảo vệ tính mạng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chỉ đạo tổ chức việc bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để tự vệ khi chúng trực tiếp tấn công đe doạ tính mạng nhân dân. Đối với những động vật đặc biệt quý hiếm như: Voi (Elephas maximus), Tê giác (Rhinoceros sondaicus), Hổ (Panthera tigris), Báo hoa mai (Panthera pardus), Báo gấm (Neofelis nebulosa), Gấu (Ursus (Helarctos) malayanus; Ursus (Selenarctos) thibetanus), Bò Tót (Bos gaurus), Bò xám (Bos sauveli), Bò rừng (Bos javanicus), Trâu rừng (Bubalus arnee), phải báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét; nếu không còn khả năng áp dụng được những biện pháp khác (xua đuổi, di chuyển đi vùng rừng khác…) để bảo vệ tính mạng nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép áp dụng biện pháp bẫy, bắn tự vệ, sau khi đã có sự đồng ý của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức được giao nhiệm vụ bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm để tự vệ khi chúng trực tiếp tấn công đe doạ tính mạnh nhân dân có trách nhiệm giữ nguyên hiện trường, lập biên bản để xử lý và báo cáo cấp trên trực tiếp trong thời gian không quá 5 ngày làm việc: a) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắn bị chết hoặc bị thương không thể cứu chữa được thì lập biên bản bàn giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học xử lý làm tiêu bản để phục vụ đào tạo nghiên cứu hoặc tổ chức tiêu huỷ bảo đảm làm sạch môi trường. b) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắn bị thương có thể cứu chữa thì chuyển cho cơ sở cứu hộ động vật rừng hoặc cơ quan kiểm lâm quản lý địa bàn để nuôi cứu hộ hồi phục, thả lại rừng. c) Nếu động vật rừng đã bẫy, bắt khoẻ mạnh thì tổ chức thả ngay lại rừng được quy hoạch là rừng đặc dụng (khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia) phù hợp với môi trường sống của chúng. Mọi trường hợp bẫy, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không đúng quy định tại Điều này đều bị coi là vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật. Điều 12. Quyền, nghĩa vụ của chủ rừng: Chủ rừng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định hiện hành của pháp luật. Ngoài ra chủ rừng có các quyền và nghĩa vụ đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như sau: 1. Được khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 6 Nghị định này. 2. Được nhà nước hỗ trợ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp về đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. 3. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên diện tích rừng, đất rừng được giao. 4.Theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 32 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên diện tích rừng, đất rừng được Nhà nước giao, cho thuê. 5. Xây dựng nội quy, lập bảng niêm yết bảo vệ đối với từng khu rừng có các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Chương 3: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 13. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành: 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm: a) Hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này. b) Định kỳ hàng năm, báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Điều 14. Hiệu lực thi hành: 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 2. Nghị định này thay thế Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ và Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Học viện Hành chính quốc gia; - VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NN (5b). A. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "30/03/2006", "sign_number": "32/2006/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Thong-tu-10-2015-TT-BCT-trinh-tu-thu-tuc-cap-thu-hoi-thoi-han-giay-phep-hoat-dong-dien-luc-276377.aspx
Thông tư 10/2015/TT-BCT trình tự thủ tục cấp thu hồi thời hạn giấy phép hoạt động điện lực
BỘ CÔNG THƯƠNG -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 10/2015/TT-BCT Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, THU HỒI VÀ THỜI HẠN CỦA GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; thời hạn và mẫu của giấy phép hoạt động điện lực. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia các lĩnh vực hoạt động điện lực sau: 1. Tư vấn chuyên ngành điện lực, bao gồm: a) Tư vấn quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Tư vấn quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tư vấn quy hoạch thủy điện; b) Tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy điện; Tư vấn đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp; c) Tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy điện; Tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp. 2. Phát điện. 3. Truyền tải điện. 4. Phân phối điện. 5. Bán buôn điện. 6. Bán lẻ điện. 7. Xuất, nhập khẩu điện. Điều 3. Trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực 1. Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. 2. Phát điện có công suất lắp đặt dưới 50 kW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. 3. Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. 4. Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực. Điều 4. Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Giấy phép hoạt động điện lực chỉ cấp cho tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và tuân thủ quy định tại Thông tư này. 2. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức, cá nhân để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực sau: Tư vấn chuyên ngành điện lực, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và xuất, nhập khẩu điện. 3. Trước giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện. 4. Giấy phép phát điện được cấp cho tổ chức để thực hiện hoạt động phát điện đối với từng nhà máy điện. Điều 5. Nguyên tắc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực 1. Giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi trong trường hợp sau: a) Đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực; b) Đơn vị điện lực có nhu cầu ngừng hoạt động hoặc chuyển giao hoạt động được cấp phép cho đơn vị khác; c) Khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do đơn vị điện lực vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. 2. Giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi theo từng lĩnh vực, phạm vi hoạt động. 3. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình. Điều 6. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực Giấy phép hoạt động điện lực được cấp có thời hạn khác nhau cho các lĩnh vực hoạt động điện lực căn cứ vào phạm vi hoạt động, loại công trình điện, thời hạn đăng ký, năng lực, trình độ chuyên môn của đơn vị hoạt động điện lực nhưng không vượt quá thời hạn được quy định ở Bảng sau: TT Lĩnh vực hoạt động điện lực Thời hạn tối đa của giấy phép 1. Tư vấn chuyên ngành điện lực 05 năm 2. Phát điện a) Các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 20 năm b) Các nhà máy điện không thuộc danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 năm 3. Truyền tải điện 20 năm 4. Phân phối điện 10 năm 5. Bán buôn, bán lẻ điện 10 năm 6. Xuất, nhập khẩu điện 10 năm Điều 7. Phạm vi hoạt động của giấy phép hoạt động điện lực 1. Giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực có phạm vi hoạt động trong cả nước. 2. Giấy phép phát điện có phạm vi hoạt động cho từng nhà máy điện. 3. Giấy phép truyền tải điện, phân phối điện có phạm vi hoạt động trong phạm vi quản lý, vận hành lưới điện cụ thể. 4. Giấy phép bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động theo phạm vi địa giới hành chính cụ thể. 5. Giấy phép xuất, nhập khẩu điện có phạm vi hoạt động theo phạm vi cụ thể của điểm giao nhận điện năng. Điều 8. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực được sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động điện lực để phục vụ cho công tác thẩm định, cấp giấy phép, kiểm tra và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực. Việc thu, nộp và sử dụng phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chương II HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực 1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 3. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chính theo Mẫu 7a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề và hợp đồng lao động đã ký của người có tên trong danh sách với tổ chức tư vấn. 4. Danh mục các dự án có quy mô tương tự mà tổ chức tư vấn hoặc các chuyên gia tư vấn chính đã thực hiện. 5. Danh mục trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn của tổ chức đảm bảo đáp ứng cho hoạt động tư vấn. 6. Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phát điện 1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 3. Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện theo Mẫu 7b tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho người có tên trong danh sách theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành. 4. Bản sao Quyết định phê duyệt dự án đầu tư nhà máy điện của cấp có thẩm quyền. 5. Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường dự án đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền. 6. Bản sao Hợp đồng mua bán điện. 7. Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và cam kết của chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. 8. Bản sao có chứng thực tài liệu về đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định. 9. Bản sao quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa của cơ quan có thẩm quyền (đối với nhà máy thủy điện). 10. Bản sao biên bản nghiệm thu hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; biên bản nghiệm thu hoàn thiện kết nối tín hiệu với hệ thống SCADA/EMS, SCADA/DMS của cấp điều độ có quyền điều khiển phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định. 11. Bản sao biên bản nghiệm thu đập thủy điện, tuyến năng lượng; Bản đăng ký an toàn đập gửi cơ quan có thẩm quyền; phương án bảo đảm an toàn đập và bảo đảm an toàn vùng hạ du đập theo quy định; Báo cáo kết quả kiểm định đập (đối với đập thủy điện đã đến kỳ kiểm định). 12. Bản sao biên bản nghiệm thu cuối cùng hoặc văn bản xác nhận đảm bảo điều kiện vận hành thương mại cho từng tổ máy. 13. Bản sao Quy trình phối hợp vận hành nhà máy điện với Đơn vị Điều độ hệ thống điện. 14. Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Điều 11. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép truyền tải điện, phân phối điện 1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 3. Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca vận hành theo Mẫu 7b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho người có tên trong danh sách theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành. 4. Danh mục các hạng mục công trình lưới điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 5. Bản sao có chứng thực tài liệu về đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định. 6. Bản sao Thỏa thuận đấu nối hoặc Hợp đồng đấu nối. 7. Bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động. 8. Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Điều 12. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bán buôn điện, bán lẻ điện. 1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép. 3. Danh sách trích ngang cán bộ quản lý theo Mẫu 7b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp của người có tên trong danh sách. 4. Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Điều 13. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất, nhập khẩu điện 1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép. 3. Bản sao Quyết định phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài, phương án đấu nối lưới điện đã được phê duyệt để mua, bán điện với nước ngoài. 4. Bản sao hợp đồng xuất, nhập khẩu điện hoặc bản sao văn bản đề nghị mua điện hoặc chấp thuận bán điện của phía nước ngoài. 5. Sơ đồ nguyên lý lưới điện liên quan đến điểm mua, bán điện và Quy trình phối hợp vận hành và xử lý sự cố lưới điện giữa bên mua điện và bên bán điện (nếu có). 6. Bản sao có chứng thực tài liệu thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các trạm biến áp theo quy định. 7. Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của đơn vị được cấp giấy phép thì hồ sơ chỉ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. Chương III TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC Điều 14. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Chương II Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Hồ sơ có thể gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc thực hiện trực tuyến qua trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có). 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ. Trong văn bản thông báo, phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ. 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan và trả lời bằng văn bản. Trường hợp trong 60 ngày kể từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung mà tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép không bổ sung hồ sơ, trả lời bằng văn bản thì cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. 4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực. 5. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế nếu thấy tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, cơ quan cấp giấy phép có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép bổ sung điều kiện hoặc từ chối cấp giấy phép bằng văn bản trong đó phải nêu rõ lý do. 6. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị được cấp giấy phép, 02 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực. 7. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực được áp dụng như sau: a) Đối với hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Điều này; b) Đối với hồ sơ thực hiện trực tuyến qua trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực: Thực hiện theo hướng dẫn của Cục Điều tiết điện lực; c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền theo hình thức trực tuyến (nếu có) phù hợp với quy định tại Thông tư này. 8. Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn sử dụng 60 ngày, đơn vị điện lực được cấp giấy phép có nhu cầu tiếp tục hoạt động phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Khoản 1 Điều này và thực hiện trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định. Điều 15. Trình tự thu hồi giấy phép hoạt động điện lực 1. Trình tự ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực a) Trường hợp đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực và cơ quan ra quyết định xử phạt là cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đồng thời với quyết định xử phạt vi phạm; b) Trường hợp đơn vị điện lực vi phạm Điều 37 Luật Điện lực và cơ quan ra quyết định xử phạt không phải là cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm. Trường hợp không thu hồi, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm trả lời bằng văn bản (nêu rõ lý do) cho người ra quyết định xử phạt vi phạm; c) Trường hợp đơn vị điện lực có nhu cầu ngừng hoạt động hoặc chuyển giao hoạt động được cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân khác, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đơn vị điện lực hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền và các tài liệu liên quan, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. 2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi đến đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép và các cơ quan, đơn vị liên quan; công bố thông tin thu hồi giấy phép trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực. 3. Trường hợp giấy phép hoạt động điện lực bị thu hồi theo từng lĩnh vực hoạt động hoặc phạm vi hoạt động, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm yêu cầu đơn vị điện lực thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực phù hợp với quyết định thu hồi giấy phép theo từng lĩnh vực hoạt động hoặc phạm vi hoạt động. 4. Trường hợp đơn vị điện lực vi phạm quy định tại Khoản 7 Điều 18 Thông tư này, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực và công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực. Chương IV THẨM QUYỀN CẤP VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC Điều 16. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; b) Hoạt động truyền tải điện; c) Hoạt động xuất, nhập khẩu điện. 2. Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này; b) Hoạt động phân phối điện; c) Hoạt động bán buôn điện; d) Hoạt động bán lẻ điện; đ) Tư vấn chuyên ngành điện lực. 3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các lĩnh vực sau: a) Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương; b) Hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương; c) Hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương; d) Tư vấn chuyên ngành điện lực, bao gồm: - Tư vấn đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV, đăng ký doanh nghiệp tại địa phương; - Tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV, đăng ký doanh nghiệp tại địa phương. 4. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép cho nhiều hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực, trong đó có ít nhất một hoạt động thuộc thẩm quyền của Cục Điều tiết điện lực thì giấy phép hoạt động điện lực cho các hoạt động này do Cục Điều tiết điện lực cấp. Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra và quản lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thực hiện đúng nội dung, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Thông tư này. 2. Giải quyết các khiếu nại về giấy phép hoạt động điện lực theo thẩm quyền. 3. Kiểm tra, giám sát việc duy trì các điều kiện trong giấy phép hoạt động điện lực. 4. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thuộc thẩm quyền theo trình tự quy định tại Điều 15 Thông tư này. 5. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đơn vị điện lực vi phạm quy định của pháp luật. Điều 18. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực 1. Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép. 2. Đề nghị cấp giấy phép trong trường hợp thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, phạm vi hoạt động, thời hạn của giấy phép. 3. Duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký và được cấp phép trong suốt thời gian hoạt động. 4. Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. 5. Nộp đầy đủ các loại phí và lệ phí có liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật. 6. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 60 ngày trước ngày ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực. 7. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi địa chỉ trụ sở trong giấy phép hoạt động điện lực. 8. Không cho thuê, cho mượn, tự sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực. 9. Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và các điều kiện hoạt động đã đăng ký. 10. Trước ngày 01 tháng 3 hàng năm, báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực về việc duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép của năm trước theo các Mẫu 8a, 8b, 8c và 8d quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Chương V TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 19. Thực hiện công tác kiểm tra 1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước; giải quyết các vướng mắc và đề xuất các nội dung để báo cáo Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư này. 2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi quản lý; giải quyết các vướng mắc và kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư này. Điều 20. Trách nhiệm thực hiện 1. Cục Điều tiết điện lực là cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực và thực hiện trình tự thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công Thương. 2. Sở Công Thương là cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực và thực hiện trình tự thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 3. Đơn vị được cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm gửi bản sao Giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp đến cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động điện lực tại địa phương để báo cáo trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép. 4. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, Sở Công Thương báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình cấp và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại địa phương của năm trước. Điều 21. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 7 năm 2015. Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực hết hiệu lực từ ngày Thông tư này có hiệu lực. 2. Các giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực và các Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực, Quyết định số 15/2008/QĐ-BCT ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp tiếp tục có hiệu lực theo nội dung, thời hạn đã quy định trong giấy phép. 3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp./. Nơi nhận: - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Tổng bí thư; - Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Công Thương; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Kiểm toán nhà nước; - Website: Chính phủ, Bộ Công Thương; - Tập đoàn Điện lực Việt Nam; - Lưu: VT, PC, ĐTĐL. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hoàng Quốc Vượng PHỤ LỤC MẪU GIẤY PHÉP VÀ VĂN BẢN TRONG HOẠT ĐỘNG CẤP PHÉP (Ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực) STT TÊN MẪU Mẫu 01 Đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực Mẫu 2a Giấy phép do Bộ Công Thương cấp Mẫu 2b Giấy phép do Cục Điều tiết điện lực cấp Mẫu 2c Giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp Mẫu 2d Giấy phép do Sở Công Thương cấp Mẫu 03 Phụ lục của giấy phép phát điện Mẫu 04 Phụ lục của giấy phép truyền tải điện/phân phối điện Mẫu 05 Phụ lục của giấy phép bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện Mẫu 06 Phụ lục của giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực Mẫu 7a Danh sách trích ngang cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chính lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực Mẫu 7b Danh sách trích ngang cán bộ quản lý Mẫu 8a Báo cáo duy trì các điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện Mẫu 8b Báo cáo duy trì các điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện Mẫu 8c Báo cáo duy trì các điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện Mẫu 8d Báo cáo duy trì các điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực Mẫu 01 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------- …, ngày ... tháng ... năm ... ĐỀ NGHỊ Cấp giấy phép hoạt động điện lực Kính gửi: 1………………………………........................ Tên tổ chức đề nghị:............................................................................................................ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):..................................................................................... Có trụ sở giao dịch chính tại: …………. Điện thoại: ……….. Fax:............................................ Thành lập theo giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số: …………. ngày ... tháng ... năm ... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ………., đăng ký lần … ngày ... tháng ... năm ... Giấy phép hoạt động điện lực số: ………… do ………. cấp ngày …………………. (nếu có). Ngành nghề kinh doanh hiện tại:........................................................................................... Đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực cho những lĩnh vực và phạm vi hoạt động sau đây: -......................................................................................................................................... -......................................................................................................................................... Các giấy tờ kèm theo: -......................................................................................................................................... -......................................................................................................................................... Đề nghị 2..., cấp giấy phép hoạt động điện lực cho ... (tên tổ chức đề nghị). (Tên tổ chức) xin cam đoan hoạt động đúng lĩnh vực và phạm vi được cấp, đồng thời tuân thủ các quy định trong giấy phép hoạt động điện lực./. LÃNH ĐẠO (Ký tên, đóng dấu) _______________ 1 Gửi cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Sở Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, UBND cấp tỉnh, Bộ Công Thương. 2 Gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Sở Công Thương, Cục Điều tiết điện lực, UBND cấp tỉnh, Bộ Công Thương. Mẫu 2a BỘ CÔNG THƯƠNG -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: .../GP-BCT Hà Nội, ngày … tháng … năm … GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực; Xét đơn và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực của ... (tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép); Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Cấp phép hoạt động điện lực cho: 1. Tên tổ chức:................................................................................................................... 2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):.................................................................................. 3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ……….., đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... 4. Trụ sở giao dịch:…………; Điện thoại:………..; Fax:........................................................... Điều 2. Lĩnh vực hoạt động 1. ...................................................................................................................................... 2. ...................................................................................................................................... Điều 3. Phạm vi hoạt động 1. Lĩnh vực 1:...................................................................................................................... 2. Lĩnh vực 2:...................................................................................................................... Điều 4. Thời hạn của giấy phép 1. Lĩnh vực 1: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... 2. Lĩnh vực 2: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... Điều 5. Các nội dung chi tiết của Giấy phép Theo Phụ lục Giấy phép. Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép ... (Đơn vị điện lực được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện các quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực, các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 7. Hiệu lực thi hành Giấy phép hoạt động điện lực này có hiệu lực kể từ ngày ký./. BỘ TRƯỞNG (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 2b BỘ CÔNG THƯƠNG CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: /GP-ĐTĐL Hà Nội, ngày … tháng … năm … GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỀU TIẾT ĐIỆN LỰC Căn cứ Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương; Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực; Xét đơn và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực của ... (tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép); Theo đề nghị của Trưởng phòng Quan hệ công chúng và Cấp phép, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Cấp phép hoạt động điện lực cho: 1. Tên tổ chức:................................................................................................................... 2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):.................................................................................. 3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... hoặc Quyết định thành lập số: …..…., ngày ... tháng ... năm... 4. Trụ sở giao dịch:……………....; Điện thoại:…………; Fax:.................................................. Điều 2. Lĩnh vực hoạt động 1. ...................................................................................................................................... 2. ...................................................................................................................................... Điều 3. Phạm vi hoạt động 1. Lĩnh vực 1:...................................................................................................................... 2. Lĩnh vực 2: ..................................................................................................................... Điều 4. Thời hạn của giấy phép 1. Lĩnh vực 1: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... 2. Lĩnh vực 2: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... Điều 5. Các nội dung chi tiết của Giấy phép Theo Phụ lục Giấy phép. Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép ... (Tên đơn vị điện lực được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện các quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực, các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 7. Hiệu lực thi hành Giấy phép hoạt động điện lực này có hiệu lực kể từ ngày ký./. CỤC TRƯỞNG (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 2c UBND …… -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: ... /GP-UBND …, ngày … tháng … năm … GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/ THÀNH PHỐ .... Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực; Xét đơn và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực của... (tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép); Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương, QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Cấp phép hoạt động điện lực cho: 1. Tên tổ chức:................................................................................................................... 2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):.................................................................................. 3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp đăng ký lần ... ngày ... tháng... năm ... hoặc Quyết định thành lập số: ………, ngày ... tháng ... năm ... 4. Trụ sở giao dịch:……………..; Điện thoại:………; Fax:....................................................... Điều 2. Lĩnh vực hoạt động 1. ...................................................................................................................................... 2. ...................................................................................................................................... Điều 3. Phạm vi hoạt động 1. Lĩnh vực 1:...................................................................................................................... 2. Lĩnh vực 2:...................................................................................................................... Điều 4. Thời hạn của giấy phép 1. Lĩnh vực 1: Có giá trị đến ngày ... tháng... năm.... 2. Lĩnh vực 2: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... Điều 5. Các nội dung chi tiết của Giấy phép Theo Phụ lục Giấy phép. Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép ... (Tên đơn vị điện lực được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện các quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực, các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 7. Hiệu lực thi hành Giấy phép hoạt động điện lực này có hiệu lực kể từ ngày ký./. TM. UBND ... CHỦ TỊCH (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 2d UBND ……… SỞ CÔNG THƯƠNG … -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: ... /GP-SCT …, ngày … tháng … năm … GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG ... Căn cứ Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... của UBND ... về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, ... của Sở Công Thương …; Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Căn cứ Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực; Căn cứ Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... của UBND ... về việc ủy quyền cấp Giấy phép hoạt động điện lực; Xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực của ... (tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép); Theo đề nghị của Trưởng phòng ..., QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Cấp phép hoạt động điện lực cho: 1. Tên tổ chức:................................................................................................................... 2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):.................................................................................. 3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ......., đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... hoặc Quyết định thành lập số: ………., ngày ... tháng ... năm... 4. Trụ sở giao dịch:…………..; Điện thoại:…………; Fax:....................................................... Điều 2. Lĩnh vực hoạt động 1. ...................................................................................................................................... 2. ...................................................................................................................................... Điều 3. Phạm vi hoạt động 1. Lĩnh vực 1:...................................................................................................................... 2. Lĩnh vực 2:...................................................................................................................... Điều 4. Thời hạn của giấy phép 1. Lĩnh vực 1: Có giá trị đến ngày ... tháng... năm.... 2. Lĩnh vực 2: Có giá trị đến ngày ... tháng ... năm .... Điều 5. Các nội dung chi tiết của Giấy phép Theo Phụ lục Giấy phép. Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép ... (Tên đơn vị điện lực được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện các quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực, các quy định của pháp luật có liên quan. Điều 7. Hiệu lực thi hành Giấy phép hoạt động điện lực này có hiệu lực kể từ ngày ký./. GIÁM ĐỐC (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 03 PHỤ LỤC GIẤY PHÉP PHÁT ĐIỆN I. LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC 1. Phạm vi hoạt động a) Công ty ... được phép quản lý, vận hành Nhà máy …, công suất lắp đặt ... MW, xây dựng tại …; b) Công ty ... được phép bán điện phát từ Nhà máy ... vào hệ thống điện theo hợp đồng mua bán điện đã được ký kết với những tổ chức, cá nhân được phép mua điện phù hợp với các giai đoạn của thị trường điện lực. 2. Các đặc tính chính của Nhà máy ... a) Các thông số chính của nhà máy Tổng công suất lắp đặt của nhà máy: ... MW. - Tua bin: Số lượng …, kiểu …; Công suất định mức: ... MW; Số vòng quay định mức: ... vòng/phút. - Máy phát điện: Số lượng …, kiểu …; Công suất định mức: ... MW; Điện áp định mức:... kV; Tần số định mức: ... Hz. - Máy biến áp chính: Số lượng …, kiểu …; Công suất định mức: ... MVA; Điện áp: ... kV; Tổ đấu dây ... b) Trạm phân phối điện - Loại: …; - Điện áp ... kV. c) Nguồn nước sử dụng Công ty ... chỉ được phép sử dụng nguồn nước phục vụ cho việc phát điện, làm mát Nhà máy ... khi được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định. d) Đấu nối vào hệ thống điện Nhà máy ... được đấu nối vào lưới điện quốc gia thông qua ... đường dây ... kV, loại dây dẫn ..., chiều dài …, từ ... đến ... đ) Yêu cầu về môi trường và xã hội Công ty ... phải bảo đảm Nhà máy ... thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. II. QUYỀN CỦA CÔNG TY ... 1. Các quyền của đơn vị phát điện được quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực a) Hoạt động phát điện được ghi trong Giấy phép này; b) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật; c) Công ty ... được bán điện năng của Nhà máy ... cho tổ chức, cá nhân được phép mua điện theo Hợp đồng mua bán điện phù hợp với các giai đoạn của thị trường điện lực; d) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện; đ) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ hoạt động phát điện. 2. Các quyền khác theo quy định của pháp luật a) Công ty ... có quyền tham gia vào các hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của hoạt động phát điện Nhà máy phù hợp các nội dung và điều kiện của Giấy phép này; b) Công ty ... chỉ được tham gia vào các hoạt động điện lực khác không liên quan đến hoạt động phát điện của Nhà máy... khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép theo quy định. Trong trường hợp có tham gia vào những hoạt động điện lực khác, Công ty phải chứng minh được những hoạt động đó không ảnh hưởng tới việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Giấy phép này và tuân thủ các quy định của pháp luật. 3. Quyền ngừng cung cấp điện Nhà máy ... có quyền tạm thời ngừng hoạt động hay dừng toàn bộ hoạt động phát điện trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe hay sự an toàn của cộng đồng, độ tin cậy của hệ thống điện; để bảo dưỡng, sửa chữa. Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện được thực hiện theo quy định của pháp luật. III. NGHĨA VỤ CHUNG CỦA CÔNG TY ... 1. Tuân thủ các quy định của pháp luật a) Công ty ... phải tuân theo các quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hoạt động phát điện; b) Công ty ... phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan. 2. Duy trì điều kiện đã được cấp giấy phép Công ty ... có trách nhiệm duy trì các điều kiện được cấp giấy phép hoạt động phát điện Nhà máy ... trong suốt thời hạn của Giấy phép này. 3. Bảo vệ môi trường a) Công ty ... phải đảm bảo việc xây dựng, lắp đặt các thiết bị, phương tiện, nhà xưởng của nhà máy không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng tuân theo các tiêu chuẩn môi trường được phép áp dụng; b) Nhà máy ... phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động phát điện. 4. Đảm bảo xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt Công ty ... phải đảm bảo Nhà máy ... được xây dựng lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử, vận hành theo đúng thiết kế được duyệt. 5. Sử dụng đất Công ty ... quản lý và sử dụng đất của Nhà máy ... theo đúng diện tích và mục đích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong dự án đầu tư. 6. An toàn nhà máy và cộng đồng a) Nhà máy ... phải đảm bảo tuân thủ các quy định về việc bảo vệ an toàn cho con người, các thiết bị điện, các công trình điện; b) Nhà máy ... phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến bảo vệ người lao động, sức khỏe cộng đồng và mức độ an toàn cho phép. 7. Đào tạo và sử dụng lao động Công ty ... phải bảo đảm thực hiện những yêu cầu về việc đào tạo, sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu cho hoạt động phát điện như đã đăng ký trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. 8. Tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất Nhà máy ... phải thực hiện các yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động phát điện thông qua việc xây dựng và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện và sử dụng hiệu quả, hợp lý hệ thống tự dùng trong nhà máy theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 9. Hạch toán tài chính Công ty ... có trách nhiệm tổ chức quản lý hạch toán tài chính hoạt động phát điện Nhà máy ..., tách biệt với những hoạt động kinh doanh khác không liên quan đến hoạt động phát điện của nhà máy và lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ cần thiết theo quy định về quản lý tài chính. 10. Báo cáo tài chính, sản xuất, kinh doanh a) Công ty ... có trách nhiệm thực hiện kiểm toán tài chính hàng năm đối với hoạt động phát điện của Nhà máy ... do đơn vị kiểm toán tài chính độc lập thực hiện; b) Công ty ... có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu, tài liệu về tài chính để phục vụ công tác tính toán giá phát điện khi Cục Điều tiết điện lực yêu cầu; c) Báo cáo ... (cơ quan cấp giấy phép) và Sở Công Thương tại địa phương về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm trong lĩnh vực được cấp giấy phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo. 11. Đầu tư các dự án phát điện khác a) Công ty ... chỉ được đầu tư phát triển các dự án phát điện mới phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; b) Công ty ... phải cung cấp đầy đủ và chi tiết các thông tin theo yêu cầu của Cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan có thẩm quyền để phục vụ xây dựng quy hoạch phát triển điện lực cho từng giai đoạn theo quy định của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. 12. Hợp đồng mua bán điện Công ty ... có quyền và nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết trong các hợp đồng mua bán điện đã ký. 13. Giá điện a) Công ty ... có trách nhiệm xây dựng biểu giá phát điện theo đúng quy định về phương pháp lập giá phát điện do cơ quan có thẩm quyền ban hành; b) Giá mua bán điện - Giá bán điện được thực hiện theo Hợp đồng mua bán điện đã ký, trong phạm vi khung giá phát điện do cơ quan có thẩm quyền ban hành; - Giá mua bán điện giao ngay hình thành theo thời điểm giao dịch trên thị trường điện lực do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực công bố. c) Trong trường hợp Công ty ... có đề xuất liên quan đến giá phát điện hoặc của các dịch vụ khác có liên quan, các đề xuất này phải có thuyết minh, giải thích trình cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. 14. Các dịch vụ phụ trợ Nhà máy ... có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ phụ trợ (nếu được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu) và thực hiện các biện pháp để hỗ trợ vận hành hệ thống điện tin cậy theo hợp đồng đã ký và những quy định liên quan đến dịch vụ phụ trợ theo quy định của pháp luật. 15. Đảm bảo cung cấp điện a) Nhà máy ... có trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia theo những nội dung được ghi trong Phụ lục này; b) Khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn, Nhà máy ... phải đảm bảo huy động tối đa công suất phát của nhà máy theo lệnh điều độ vận hành của đơn vị điều độ hệ thống điện. 16. Báo cáo khi có thay đổi Công ty ... phải báo cáo Cơ quan cấp giấy phép khi có thay đổi trong quản lý Nhà máy ... trong các trường hợp sau: a) Cải tổ ngành điện có liên quan tới hoạt động phát điện Nhà máy ...; b) Tái cơ cấu và chuyển giao tài sản của Nhà máy ...; c) Ngừng hoạt động để chuyển giao quyền sở hữu Nhà máy ... hoặc quyền hoạt động phát điện cho đơn vị khác. IV. NGHĨA VỤ ĐẢM BẢO CÁC ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT 1. Kỹ thuật và công nghệ áp dụng a) Nhà máy ... phải duy trì các phương tiện, trang thiết bị, công nghệ, phần mềm ứng dụng để phục vụ hoạt động phát điện; b) Nhà máy ... được phép sử dụng công nghệ, kỹ thuật và thiết bị yêu cầu đối với các tổ máy của nhà máy như mô tả tại Khoản 2 Mục I Phụ lục này để thực hiện hoạt động phát điện. Khi có những thay đổi công nghệ các thiết bị chính của Nhà máy ..., Công ty phải báo cáo bằng văn bản cho ...(cơ quan cấp giấy phép) để quản lý. 2. Tuân thủ quy định truyền tải điện, phân phối điện Nhà máy ... phải đảm bảo tuân thủ và đáp ứng yêu cầu của quy định đối với hệ thống điện truyền tải và hệ thống điện phân phối. 3. Đấu nối nhà máy vào hệ thống điện Nhà máy ... phải thực hiện các quy định về đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo Quy định hệ thống điện truyền tải và Quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành. 4. Tuân thủ phương thức vận hành và lệnh điều độ của đơn vị điều độ hệ thống điện a) Nhà máy ... phải tuân thủ phương thức vận hành, lệnh điều độ của đơn vị điều độ hệ thống điện phù hợp với chế độ vận hành của Nhà máy trong hệ thống điện; b) Nhà máy ... có trách nhiệm phối hợp với đơn vị điều độ hệ thống điện triển khai các phương thức vận hành bình thường hoặc sự cố để bảo vệ tình trạng và phương thức vận hành an toàn của hệ thống điện truyền tải, hệ thống điện phân phối. 5. Tuân thủ quy định về an toàn đập thủy điện và vận hành hồ chứa nước (đối với nhà máy thủy điện) a) Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình vận hành hồ chứa và các quy định khác có liên quan; b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập thủy điện. 6. Vận hành và bảo dưỡng a) Công ty ... phải tính toán, thiết kế, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị phát điện của Nhà máy ... đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho nguồn điện và lưới điện; b) Việc sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, nâng cấp, mở rộng nhà máy phải thực hiện theo kế hoạch đã đăng ký theo biểu mẫu quy định trong quy trình phối hợp vận hành do đơn vị điều độ hệ thống điện ban hành. 7. Ngừng, giảm mức cung cấp điện Nhà máy ... phải tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và các văn bản có liên quan do Bộ Công Thương ban hành. 8. Đảm bảo các yêu cầu và quy định về lắp đặt thiết bị đo đếm điện Công ty ... phải tuân thủ quy định về đo đếm điện đối với Nhà máy ..., các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công suất đặt, vận hành, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa và đo đếm thông số điện theo Quy định về đo đếm điện năng do Bộ Công Thương ban hành. 9. Xử lý sự cố Nhà máy ... phải thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện và các tổ chức có liên quan về sự cố phát điện và có biện pháp xử lý sự cố trong thời gian ngắn nhất. 10. Báo cáo khi được yêu cầu Nhà máy... phải báo cáo về khả năng sẵn sàng phát điện, mức dự phòng công suất, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực (nếu tham gia thị trường điện), Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. 11. Tuân thủ quy định của thị trường điện lực (đối với các nhà máy tham gia thị trường điện) Nhà máy ... phải tuân thủ các quy định về thị trường điện lực tại Luật Điện lực; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; các quy định về vận hành thị trường điện lực cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành và các Quy trình hướng dẫn thực hiện do Cục Điều tiết điện lực ban hành. V. QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP 1. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép Công ty ... phải nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép theo quy định. 2. Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ a) Công ty ... phải lưu giữ Giấy phép hoạt động điện lực được cấp hoặc Bản sao có chứng thực tại trụ sở Công ty; b) Công ty ... phải lưu trữ sổ sách, tài liệu hoạt động kinh doanh theo quy định. 3. Báo cáo và cung cấp thông tin a) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) về việc duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo; b) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) trong thời hạn 30 ngày trong trường hợp Giấy phép này bị mất hoặc thất lạc. 4. Kiểm tra và thanh tra a) Công ty ... phải sẵn sàng báo cáo về các trang thiết bị phát điện, nhà xưởng, sổ sách kế toán để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và nội dung của Giấy phép này; b) Công ty ... phải phối hợp và tạo điều kiện để Thanh tra chuyên ngành điện lực, Kiểm tra viên điện lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. 5. Xử lý vi phạm a) Trường hợp Nhà máy ... có hành vi vi phạm các quy định tại Giấy phép này, Công ty ... phải có văn bản giải trình về việc vi phạm; b) Sau khi cung cấp thông tin bằng văn bản về hành vi vi phạm, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục, những hình thức xử lý sau đây có thể được áp dụng đối với Nhà máy ...: - Yêu cầu Nhà máy ... phải chấm dứt những hành vi vi phạm hoặc phải có những hoạt động để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra trong thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà máy theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. c) Trường hợp hành vi vi phạm của Nhà máy ... có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 6. Thu hồi giấy phép a) Nhà máy ... bị thu hồi Giấy phép trong các trường hợp sau: - Không triển khai hoạt động sau 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; - Không đảm bảo duy trì các điều kiện đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực quản lý, vận hành Nhà máy ...; - Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép này; - Cho thuê, cho mượn hoặc tự ý sửa chữa Giấy phép này; - Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. b) Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi, Nhà máy ... vẫn phải tiếp tục hoạt động phát điện trong thời hạn được Cơ quan cấp giấy phép yêu cầu, nhằm đảm bảo cung cấp điện và đảm bảo sự kết nối với hệ thống truyền tải, phân phối điện, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện. 7. Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép a) Công ty ... phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực khi có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, phạm vi hoạt động; b) Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn 60 ngày, trường hợp có nhu cầu tiếp tục hoạt động, Công ty ... phải tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực cho nhà máy ... gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thực hiện trình tự, thủ tục về cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định./. THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 04 PHỤ LỤC GIẤY PHÉP TRUYỀN TẢI ĐIỆN/PHÂN PHỐI ĐIỆN I. LĨNH VỰC, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG 1. Lĩnh vực hoạt động Công ty ... được phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện/phân phối điện, quy mô cấp điện áp đến ... 2. Phạm vi hoạt động a) Công ty ... được phép hoạt động truyền tải điện/phân phối điện, quy mô cấp điện áp đến ... kV trong phạm vi ...; b) Công ty ... là đơn vị được phép hoạt động truyền tải điện/phân phối điện trong phạm vi được quy định tại Điểm a Khoản này trong thời hạn hiệu lực của giấy phép, trừ phạm vi hoạt động của các đơn vị điện lực khác được Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép hoạt động truyền tải điện/phân phối điện trong phạm vi hoạt động của Công ty ... II. QUYỀN CỦA CÔNG TY ... 1. Các quyền theo quy định tại Luật Điện lực Công ty ... có các quyền sau đây: a) Hoạt động truyền tải điện/phân phối điện theo quy định tại Giấy phép này; b) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện (đối với hoạt động phân phối điện); c) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện/phân phối điện; d) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ hoạt động truyền tải điện/phân phối điện. 2. Các quyền khác theo quy định của pháp luật a) Công ty ... được phép cung cấp dịch vụ trong hoạt động truyền tải điện/phân phối điện tuân thủ theo quy định của pháp luật; b) Công ty ... có quyền tham gia vào các hoạt động khác phù hợp với hoạt động truyền tải điện/phân phối điện và các điều kiện của Giấy phép này; c) Công ty ... chỉ được tham gia vào các hoạt động điện lực khác không liên quan đến hoạt động truyền tải điện/phân phối điện đã được cấp giấy phép khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho phép. Trong trường hợp có tham gia vào những hoạt động điện lực khác, Công ty phải chứng minh được những hoạt động đó không ảnh hưởng tới việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Phụ lục này và tuân thủ các quy định của pháp luật. 3. Quyền sử dụng tài sản Công ty ... được phép sử dụng tài sản như đã đăng ký trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép để đảm bảo thực hiện hoạt động truyền tải điện/phân phối điện phù hợp với các điều kiện trong Phụ lục này. 4. Quyền ngừng cung cấp điện Công ty ... được phép tạm dừng, ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ lưới truyền tải điện/phân phối điện trong các trường hợp sau: a) Đơn vị sử dụng lưới truyền tải điện/phân phối điện không thanh toán giá truyền tải điện/phân phối điện theo quy định, không tuân theo quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh hệ thống điện hoặc an toàn cho người và trang thiết bị truyền tải điện/phân phối điện; b) Trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp có nguy cơ đe dọa sức khỏe và an toàn cộng đồng, tính tin cậy của hệ thống điện, bảo dưỡng, sửa chữa lưới truyền tải điện/phân phối điện phù hợp với quy định của pháp luật và các điều kiện quy định trong Phụ lục này. III. NGHĨA VỤ CHUNG CỦA CÔNG TY ... 1. Tuân thủ các quy định của pháp luật Công ty ... thực hiện hoạt động truyền tải điện/phân phối điện phải tuân thủ các quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực; Quy định hệ thống điện truyền tải, Quy định hệ thống điện phân phối, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đo đếm điện năng do Bộ Công Thương ban hành và các quy định pháp luật khác có liên quan. 2. Duy trì điều kiện đã được cấp giấy phép Công ty ... phải tuân thủ và duy trì các điều kiện đã được cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện/phân phối điện trong suốt thời hạn của Giấy phép này. 3. Đầu tư xây dựng và phát triển lưới điện a) Công ty ... phải đảm bảo xây dựng, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành lưới điện theo đúng thiết kế được duyệt, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực và danh mục các công trình điện được đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; b) Công ty ... phải lập kế hoạch đầu tư phát triển và mở rộng lưới điện trong phạm vi do Công ty quản lý để đảm bảo đáp ứng khả năng cung cấp điện tại thời điểm hiện tại và trong tương lai. Kế hoạch đầu tư phát triển và mở rộng lưới truyền tải điện/phân phối điện phải phù hợp với: - Quy hoạch phát triển điện lực; - Danh mục đầu tư đã được phê duyệt; - Quy định về hệ thống điện truyền tải/phân phối điện; - Quy định về đo đếm điện năng; - Các điều kiện của Giấy phép này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. c) Công ty ... phải đảm bảo liên kết đấu nối với nhà máy điện, lưới điện phân phối, truyền tải, khách hàng sử dụng điện lớn có đấu nối vào lưới điện thuộc phạm vi quản lý của Công ty theo quy định của pháp luật; d) Công ty ... phải cung cấp đầy đủ và chi tiết các thông tin phục vụ xây dựng, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực cho từng giai đoạn theo yêu cầu của Cơ quan cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; đ) Hàng năm, Công ty ... phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép và cơ quan có thẩm quyền tình hình thực hiện đầu tư và kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện thuộc phạm vi quản lý, vận hành của Công ty; e) Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực khi thấy quy hoạch đang thực hiện không còn phù hợp với thực tế. 4. Cải tạo lưới điện Công ty ... có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, nâng cấp các đường dây, trạm biến áp của lưới điện hiện có để đảm bảo các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật theo quy định. 5. Kỹ thuật và công nghệ áp dụng a) Công ty ... phải duy trì các phương tiện, trang thiết bị, công nghệ, phần mềm ứng dụng để phục vụ hoạt động truyền tải điện/phân phối điện phù hợp với các quy định về lưới điện và những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng tại Việt Nam; b) Công ty ... được phép sử dụng các công nghệ, kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để phục vụ hoạt động truyền tải điện/phân phối điện. Khi có những thay đổi công nghệ chính của lưới điện trong phạm vi đơn vị mình quản lý, Công ty phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép. 6. Sử dụng đất Công ty ... phải quản lý và sử dụng đất theo đúng diện tích và mục đích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong các dự án đầu tư lưới truyền tải điện/phân phối điện. 7. Bảo vệ môi trường a) Công ty ... phải xây dựng, lắp đặt các thiết bị, phương tiện kỹ thuật của lưới điện không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tuân theo các tiêu chuẩn môi trường được phép áp dụng; b) Công ty ... phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường khi hoạt động ... 8. An toàn lao động và cộng đồng a) Công ty ... phải đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ người lao động, sức khỏe cộng đồng và mức độ an toàn cho phép; b) Công ty ... phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ và vận hành an toàn các thiết bị điện, các công trình điện; phải thực hiện kiểm tra và thử nghiệm các trang thiết bị điện và công trình điện trước khi đưa vào hoạt động để đảm bảo những trang thiết bị điện và công trình điện đáp ứng các yêu cầu về an toàn lưới điện theo quy định của pháp luật; c) Công ty ... phải hợp tác với các đơn vị điện lực, các cơ quan có thẩm quyền để quản lý và bảo vệ an toàn trang thiết bị điện, công trình điện. 9. Đào tạo và sử dụng lao động Công ty ... phải bảo đảm thực hiện quy định về việc đào tạo sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động truyền tải điện/phân phối điện như đã đăng ký trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. 10. Tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả a) Công ty ... phải thực hiện những yêu cầu về tuyên truyền và phổ biến về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động truyền tải điện/phân phối điện; b) Công ty ... phải thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị truyền tải điện/phân phối điện nhằm thực hiện yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động …, chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định pháp luật khác có liên quan. 11. Giá dịch vụ a) Công ty ... phải áp dụng mức giá truyền tải điện/phân phối điện, các loại giá dịch vụ liên quan khác theo nguyên tắc và phương pháp tính đã được phê duyệt; b) Cung cấp thông tin, tham gia xây dựng cơ chế, nguyên tắc và phương pháp tính giá, các loại phí có liên quan khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. 12. Dịch vụ khách hàng và giải quyết khiếu nại Công ty ... phải đảm bảo những yêu cầu về dịch vụ khách hàng và giải quyết các khiếu nại của khách hàng theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và các quy định khác có liên quan. 13. Hạch toán tài chính Công ty ... có trách nhiệm thực hiện hạch toán tài chính hoạt động truyền tải điện/phân phối điện tách biệt với những hoạt động kinh doanh khác không liên quan đến hoạt động truyền tải/phân phối điện của Công ty và lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ cần thiết theo quy định về quản lý tài chính. Công ty ... phải hạch toán tài chính theo quy định của pháp luật, chế độ kế toán tại Việt Nam và những quy định khác có liên quan. 14. Báo cáo tài chính a) Công ty ... có trách nhiệm lập các báo cáo tài chính hàng năm đối với hoạt động báo cáo tài chính phải được kiểm toán do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện; b) Công ty ... có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu, tài liệu về tài chính để phục vụ công tác tính toán giá truyền tải điện/phân phối điện ... khi Cục Điều tiết điện lực yêu cầu. 15. Báo cáo khi có thay đổi Công ty ... phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép trong các trường hợp sau: a) Khi có thay đổi trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện của Công ty trong phạm vi hoạt động của Giấy phép do cải tổ ngành điện; b) Khi có thay đổi do tái cơ cấu và chuyển giao tài sản của Công ty. IV. NGHĨA VỤ ĐẢM BẢO CÁC ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT 1. Tuân thủ quy định về kỹ thuật của lưới điện Công ty ... phải tuân thủ và đáp ứng các quy định về hệ thống điện truyền tải, hệ thống điện phân phối và các quy định kỹ thuật khác có liên quan tới lưới điện mà Công ty được cấp giấy phép hoạt động. 2. Đảm bảo các tiêu chuẩn đấu nối Công ty ... phải tuân thủ quy định của pháp luật về đấu nối lưới điện trong hoạt động truyền tải điện/phân phối điện. 3. Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh điều độ của đơn vị điều độ hệ thống điện a) Công ty ... phải thực hiện các hướng dẫn, quản lý phụ tải và sa thải phụ tải theo lệnh điều độ của đơn vị điều độ hệ thống điện và theo quy định của pháp luật; b) Công ty ... phải tuân thủ sự chỉ huy vận hành, phối hợp trong công tác xây dựng kế hoạch vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và phục hồi hệ thống điện với đơn vị điều độ hệ thống điện; c) Công ty ... phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cơ quan cấp giấy phép, đơn vị điều độ hệ thống điện để phục vụ cho việc vận hành hệ thống điện theo quy định. 4. Đảm bảo khả năng cung cấp điện a) Trong phạm vi hoạt động được cấp giấy phép, Công ty ... phải cung cấp dịch vụ truyền tải điện/phân phối điện an toàn, kinh tế, tin cậy và liên tục theo tiêu chuẩn chất lượng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; b) Không phân biệt đối xử trong việc cung cấp dịch vụ truyền tải điện/phân phối điện cho các đối tượng trong cùng một nhóm khách hàng. 5. Đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định của pháp luật Công ty ... có trách nhiệm đảm bảo chất lượng điện năng truyền tải/phân phối đến khách hàng sử dụng dịch vụ theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chất lượng điện năng do Bộ Công Thương ban hành. 6. Đảm bảo các yêu cầu và quy định về lắp đặt thiết bị đo đếm Công ty ... phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về đo đếm đối với lưới điện truyền tải/phân phối, các yêu cầu kỹ thuật và các tiêu chuẩn liên quan đến công suất, vận hành, duy tu bảo dưỡng sửa chữa và đo đếm thông số điện được cơ quan có thẩm quyền ban hành. 7. Ngừng, giảm mức cung cấp điện Công ty ... phải tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục ngừng, giảm mức cung cấp điện quy định tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành. 8. Xử lý sự cố a) Công ty ... phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra những sự cố trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý của Công ty dẫn tới các hệ quả sau: - Ngừng cung cấp dịch vụ truyền tải điện/phân phối điện làm ảnh hưởng tới hoạt động điện lực của các đơn vị khác; - Tình trạng bất thường của hệ thống điện gây sự cố đáng kể trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý của Công ty; - Gây hư hỏng trang thiết bị, ảnh hưởng đến tính mạng con người. b) Công ty ... phải thông báo ngay cho đơn vị điều độ hệ thống điện và các tổ chức có liên quan về sự cố trong lưới điện và có biện pháp xử lý sự cố trong thời gian ngắn nhất. 9. Vận hành và bảo dưỡng a) Công ty ... phải tính toán, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các trang thiết bị trong lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật; b) Kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện phải được thực hiện theo thỏa thuận với đơn vị điều độ hệ thống điện. 10. Tuân theo các quy định của thị trường điện lực cạnh tranh (áp dụng đối với đơn vị tham gia thị trường điện lực cạnh tranh) Công ty ... phải tuân thủ các quy định về thị trường điện lực tại Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, các quy định về thị trường điện lực cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành và các Quy trình hướng dẫn thực hiện do Cục Điều tiết điện lực ban hành. V. QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP 1. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép Công ty ... phải nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép theo quy định. 2. Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ a) Công ty ... phải lưu giữ Giấy phép hoạt động điện lực được cấp hoặc Bản sao có chứng thực tại trụ sở Công ty; b) Công ty ... phải lưu trữ sổ sách tài liệu hoạt động truyền tải điện/phân phối điện theo quy định. 3. Báo cáo và cung cấp thông tin Công ty ... có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin sau: a) Thông tin liên quan tới khả năng truyền tải điện/phân phối điện và tình trạng vận hành của các thiết bị trong lưới điện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền; b) Công ty ... phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin phục vụ cho mục đích xây dựng chính sách, quản lý và điều hành vĩ mô khi có yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép hay cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; c) Báo cáo ... (cơ quan cấp giấy phép) trong trường hợp Giấy phép này bị mất hoặc thất lạc; d) Báo cáo tổng kết hàng năm về hoạt động điện lực trong lĩnh vực và phạm vi được quy định trong Giấy phép cho ... (Cơ quan cấp giấy phép) và Sở Công Thương tại địa phương trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo; đ) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) về việc duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo. 4. Kiểm tra và thanh tra a) Công ty ... phải sẵn sàng báo cáo về tình trạng của các trang thiết bị kỹ thuật, nhà xưởng và sổ sách kế toán để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và nội dung của Giấy phép này; b) Công ty ... phải phối hợp và tạo điều kiện để Thanh tra chuyên ngành điện lực, Kiểm tra viên điện lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi hoạt động ... theo đúng quy định của pháp luật. 5. Xử lý vi phạm a) Trong trường hợp Công ty ... có hành vi vi phạm các quy định tại Giấy phép này, Công ty phải có văn bản giải trình về việc vi phạm; b) Sau khi cung cấp thông tin bằng văn bản về hành vi vi phạm, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục, những hình thức xử lý sau đây có thể được áp dụng đối với Công ty ...: - Yêu cầu Công ty phải chấm dứt những hành vi vi phạm hoặc phải có những hoạt động để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra trong thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. c) Trường hợp hành vi vi phạm của Công ty ... có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 6. Thu hồi giấy phép a) Thu hồi giấy phép: Công ty ... bị thu hồi Giấy phép trong các trường hợp sau: - Không triển khai hoạt động sau 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện/phân phối điện; - Không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định khi đã được cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện/phân phối điện; - Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép này; - Cho thuê, cho mượn hoặc tự ý sửa chữa Giấy phép này; - Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. b) Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi, Công ty ... vẫn phải tiếp tục hoạt động truyền tải điện/phân phối điện trong thời hạn được Cơ quan cấp giấy phép yêu cầu, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, đảm bảo sự kết nối giữa hệ thống điện truyền tải và hệ thống điện phân phối, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện. 7. Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép a) Công ty ... phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực khi có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, phạm vi hoạt động. b) Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn 60 ngày, trường hợp có nhu cầu tiếp tục hoạt động, Công ty ... phải tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thực hiện trình tự thủ tục về cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định./. THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 5 PHỤ LỤC GIẤY PHÉP BÁN BUÔN ĐIỆN/BÁN LẺ ĐIỆN/XUẤT, NHẬP KHẨU ĐIỆN I. LĨNH VỰC VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG 1. Lĩnh vực hoạt động điện lực Công ty ... được phép hoạt động điện lực trong các lĩnh vực sau đây: Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện với quy mô cấp điện áp đến ... kV. 2. Phạm vi hoạt động a) Công ty ... được phép Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện với quy mô cấp điện áp đến … kV, trên địa bàn …; b) Công ty ... được phép Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện với quy mô cấp điện áp đến ... kV theo đúng phạm vi quy định tại Điểm a Khoản này trong thời hạn hiệu lực của giấy phép, trừ phạm vi hoạt động của các đơn vị điện lực khác được Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện trong phạm vi hoạt động của Công ty II. QUYỀN CỦA CÔNG TY ... 1. Quyền của đơn vị Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện được quy định tại Luật Điện lực a) Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện được ghi trong Giấy phép này; b) Bán điện cho tổ chức, cá nhân mua điện đáp ứng đủ các điều kiện quy định của pháp luật trong phạm vi được cấp phép hoạt động theo đúng biểu giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; c) Sử dụng các dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực để thực hiện Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện; d) Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực được cấp giấy phép; đ) Công ty ... được phép vào khu vực quản lý của tổ chức, cá nhân mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ, liên hệ với khách hàng theo quy định của pháp luật; e) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện. 2. Các quyền khác theo quy định của pháp luật Công ty ... có quyền tham gia vào các hoạt động điện lực khác, phù hợp các nội dung và điều kiện của Giấy phép này. 3. Ngừng, giảm cung cấp điện Công ty ... có quyền đề nghị ngừng, giảm cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe hay sự an toàn của cộng đồng; ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống điện; để bảo dưỡng, sửa chữa hoặc khi khách hàng vi phạm các quy định có liên quan đến hoạt động bán buôn điện/ bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện. Điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện thực hiện theo quy định tại Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Quy định điều kiện, trình tự ngừng giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành. III. NGHĨA VỤ CHUNG CỦA CÔNG TY ... 1. Tuân thủ các quy định của pháp luật Công ty ... phải tuân theo các quy định của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan. 2. Duy trì điều kiện được cấp giấy phép Công ty ... phải duy trì các điều kiện hoạt động điện lực cho lĩnh vực hoạt động điện lực đã được cấp phép trong suốt thời hạn của Giấy phép này. 3. Đào tạo và sử dụng lao động Công ty ... phải bảo đảm thực hiện việc đào tạo, sử dụng lao động theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển các lĩnh vực hoạt động điện lực đã được cấp giấy phép. 4. Tiết kiệm điện trong hoạt động điện lực Công ty ... phải thực hiện yêu cầu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành. 5. Giá điện a) Công ty ... có trách nhiệm đàm phán, ký kết và thực hiện các Hợp đồng mua bán điện giữa Công ty ... (hoặc theo ủy quyền) với các tổ chức, cá nhân mua điện theo quy định; b) Công ty ... có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện các quy định về giá điện do cơ quan có thẩm quyền ban hành; c) Công ty ... phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình kinh doanh điện năng trong phạm vi hoạt động được cấp phép khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 6. Cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động ... a) Công ty ... thực hiện lĩnh vực hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các quy định của nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội; b) Công ty ... chỉ được tham gia vào các hoạt động điện lực khác không liên quan đến Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện đã được cấp phép khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho phép. Trong trường hợp có tham gia vào những hoạt động điện lực khác, Công ty phải chứng minh được những hoạt động đó không ảnh hưởng tới việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong Giấy phép này và tuân thủ các quy định của pháp luật. 7. Dịch vụ khách hàng Công ty ... phải đảm bảo những yêu cầu về dịch vụ khách hàng và giải quyết các khiếu nại của khách hàng theo quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan. 8. Hạch toán tài chính a) Công ty ... có trách nhiệm quản lý hạch toán tài chính hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện, tách biệt với những hoạt động kinh doanh khác không liên quan và lưu trữ đầy đủ hồ sơ chứng từ cần thiết theo quy định về quản lý tài chính; b) Công ty ... phải hạch toán tài chính theo quy định của pháp luật. 9. Báo cáo tài chính, sản xuất, kinh doanh a) Công ty ... có trách nhiệm thực hiện kiểm toán tài chính hàng năm đối với Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện do đơn vị kiểm toán tài chính độc lập thực hiện; b) Công ty ... phải cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu về tài chính để phục vụ công tác tính toán giá bán buôn điện/bán lẻ điện khi Cục Điều tiết điện lực yêu cầu; c) Báo cáo ...(cơ quan cấp giấy phép) và Sở Công Thương tại địa phương về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo. 10. Báo cáo khi có thay đổi Công ty ... phải báo cáo Cơ quan cấp giấy phép khi có thay đổi trong các trường hợp sau: a) Cải tổ ngành có liên quan tới lĩnh vực hoạt động điện lực đã được cấp giấy phép; b) Ngừng hoạt động để chuyển giao quyền của một trong các lĩnh vực hoạt động hoặc phạm vi hoạt động đã được quy định trong Giấy phép này cho đơn vị khác; c) Chuyển đổi mô hình hoạt động sang hình thức doanh nghiệp khác. 11. Các hành vi bị cấm Công ty ... không được thực hiện các hành vi sau: a) Các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Điện lực; b) Phân biệt đối xử trong hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện cho khách hàng trong cùng một nhóm; c) Bán điện cho những tổ chức, cá nhân chưa có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; d) Mua điện từ các đơn vị chưa có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện. IV. NGHĨA VỤ ĐẢM BẢO CÁC ĐIỀU KIỆN KỸ THUẬT 1. Đảm bảo các yêu cầu và quy định về lắp đặt thiết bị đo đếm điện Công ty ... phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quá trình lắp đặt, bảo dưỡng, đại tu, sửa chữa và vận hành hệ thống đo đếm điện năng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. 2. Điều kiện về kỹ thuật, công nghệ áp dụng a) Công ty ... phải duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, áp dụng các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ và thiết bị tiên tiến phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực đã được cấp giấy phép; b) Công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan cấp giấy phép khi có những thay đổi lớn về công nghệ và các thiết bị chính có liên quan đến hoạt động điện lực được cấp phép. V. QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP 1. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép Công ty ... phải nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép theo quy định. 2. Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ a) Công ty ... phải lưu giữ Giấy phép hoạt động điện lực được cấp hoặc Bản sao có chứng thực tại trụ sở Công ty; b) Công ty ... phải lưu trữ sổ sách tài liệu Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện theo quy định. 3. Báo cáo và cung cấp thông tin Công ty ... có trách nhiệm báo cáo và cung cấp những thông tin như sau: a) Những thông tin liên quan tới tình hình Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; b) Báo cáo ... (cơ quan cấp giấy phép) trong trường hợp Giấy phép này bị mất hoặc thất lạc; c) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) về việc duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo. 4. Kiểm tra và thanh tra a) Công ty ... phải sẵn sàng báo cáo về tình hình kinh doanh bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện và sổ sách kế toán để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và nội dung của Giấy phép này; b) Công ty ... phải phối hợp và tạo điều kiện để Thanh tra chuyên ngành điện lực, Kiểm tra viên điện lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. 5. Xử lý vi phạm a) Trong trường hợp Công ty ... có hành vi vi phạm các quy định tại Giấy phép này, Công ty ... phải có văn bản giải trình về việc vi phạm; b) Sau khi cung cấp thông tin bằng văn bản về vi phạm quy định trong giấy phép, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục, những hình thức xử lý sau đây có thể được áp dụng đối với Công ty …: - Yêu cầu Công ty ... phải chấm dứt những hành vi vi phạm hoặc phải có những hoạt động để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra trong thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty ... theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. c) Trường hợp hành vi vi phạm của Công ty ... có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 6. Thu hồi giấy phép a) Thu hồi giấy phép: Công ty ... bị thu hồi Giấy phép trong các trường hợp sau: - Không triển khai hoạt động sau 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện; - Không đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định khi đã được cấp giấy phép Hoạt động bán buôn điện/bán lẻ điện/xuất, nhập khẩu điện; - Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép này; - Cho thuê, cho mượn hoặc tự ý sửa chữa Giấy phép này; - Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. b) Trong trường hợp giấy phép bị thu hồi, Công ty ... vẫn phải tiếp tục hoạt động ... trong khoảng thời gian được Cơ quan cấp giấy phép yêu cầu, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, đảm bảo sự kết nối giữa hệ thống điện truyền tải và hệ thống điện phân phối, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện. 7. Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép a) Công ty ... phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực khi có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, phạm vi hoạt động; b) Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn 60 ngày, trường hợp có nhu cầu tiếp tục hoạt động, Công ty ... phải tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thực hiện trình tự thủ tục về cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định./. THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP PHÉP (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 6 PHỤ LỤC GIẤY PHÉP TƯ VẤN CHUYÊN NGÀNH ĐIỆN LỰC I. LĨNH VỰC, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG 1. Các lĩnh vực hoạt động điện lực được cấp phép Công ty ... đủ điều kiện được phép hoạt động điện lực trong các lĩnh vực sau: a) Lĩnh vực 1: …; b) Lĩnh vực 2: ... 2. Phạm vi hoạt động Công ty ... được phép hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực đối với các lĩnh vực được cấp phép trong phạm vi toàn quốc. II. QUYỀN CỦA CÔNG TY ... 1. Hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực với các lĩnh vực được quy định tại Khoản 1 Mục I Giấy phép này. 2. Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động tư vấn. 3. Đề nghị các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật phục vụ cho các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực được cấp phép. 4. Hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực theo quy định của pháp luật. 5. Áp dụng công nghệ kỹ thuật, phần mềm, phương pháp tính toán tiên tiến được chấp nhận tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động tư vấn chuyên ngành điện. 6. Đào tạo và tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật. III. NGHĨA VỤ CỦA CÔNG TY ... 1. Tuân thủ các quy định của pháp luật Công ty ... phải tuân thủ các quy định của Luật Điện lực, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực; Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Thông tư số 10/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn giấy phép hoạt động điện lực, các điều kiện trong Giấy phép này và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. 2. Duy trì điều kiện được cấp giấy phép a) Công ty ... phải duy trì cơ cấu tổ chức để đảm bảo thực hiện các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện được cấp phép hoạt động như trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; b) Công ty ... phải duy trì các điều kiện đối với lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực đã được cấp phép theo quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; c) Chủ nhiệm dự án và các chuyên gia tư vấn chính trong các lĩnh vực chuyên môn chính của dự án, công trình do Công ty ... thực hiện phải do các chuyên gia thuộc biên chế hoặc có hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn của Công ty đảm nhiệm. 3. Chất lượng công trình Công ty ... phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã thực hiện. 4. Kỹ thuật và công nghệ áp dụng a) Công ty ... phải duy trì các phương tiện, trang thiết bị, công nghệ, phần mềm ứng dụng để thực hiện các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực được cấp phép; b) Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của Việt Nam đối với lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực. Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; c) Hồ sơ, tài liệu về đầu tư xây dựng công trình điện lực phải phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm độ an toàn, tin cậy cao trong đầu tư xây dựng công trình điện lực. 5. Đào tạo và sử dụng lao động a) Công ty ... phải tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng lao động; b) Công ty ... phải duy trì nguồn nhân lực bao gồm bộ máy quản lý, chuyên gia tư vấn đáp ứng được yêu cầu về số lượng và năng lực chuyên gia như trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. 6. Báo cáo khi có thay đổi a) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản những thay đổi về nhân sự chủ chốt (Giám đốc, đội ngũ chuyên gia tư vấn chính) cho ...(cơ quan cấp giấy phép); b) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) trước 60 ngày trong trường hợp ngừng hoạt động điện lực; c) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi trụ sở làm việc. IV. QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP 1. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép Công ty ... phải nộp phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép theo quy định. 2. Lưu giữ tài liệu và hồ sơ a) Công ty ... phải lưu trữ Giấy phép hoạt động điện lực được cấp hoặc bản sao có chứng thực tại trụ sở Công ty; b) Công ty ... phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực trong suốt quá trình hoạt động. 3. Báo cáo và cung cấp thông tin a) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) và Sở Công Thương tại địa phương (nơi đăng ký trụ sở chính) về tình hình thực hiện các hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực đã được cấp giấy phép, sử dụng lao động, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, phần mềm ứng dụng trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo; b) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) trong thời hạn 30 ngày trong trường hợp Giấy phép này bị mất hoặc thất lạc; c) Công ty ... phải báo cáo bằng văn bản cho ... (cơ quan cấp giấy phép) về việc duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép trước ngày 01 tháng 3 của năm tiếp theo. 4. Kiểm tra và thanh tra a) Công ty ... phải sẵn sàng báo cáo về cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, phần mềm ứng dụng và sổ sách kế toán để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra và đảm bảo hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và nội dung của Giấy phép này trong quá trình hoạt động; b) Công ty ... phải phối hợp và tạo điều kiện để Thanh tra chuyên ngành điện lực, Kiểm tra viên điện lực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật. 5. Xử lý vi phạm a) Trường hợp có hành vi vi phạm các quy định tại Giấy phép này, Công ty ... phải có văn bản giải trình về việc vi phạm; b) Sau khi cung cấp các thông tin bằng văn bản về vi phạm, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục, những hình thức xử phạt sau đây có thể được áp dụng đối với Công ty …: - Yêu cầu Công ty ... phải chấm dứt những hành vi vi phạm hoặc phải có những hoạt động để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra trong thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty ... theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. c) Trường hợp hành vi vi phạm của Công ty ... có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 6. Thu hồi giấy phép Giấy phép hoạt động điện lực của Công ty ... bị thu hồi trong các trường hợp sau: a) Không triển khai hoạt động sau 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực; b) Không đảm bảo duy trì các điều kiện đã được cấp giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực; c) Không thực hiện đúng các nội dung quy định trong Giấy phép này; d) Cho thuê, cho mượn hoặc tự ý sửa chữa Giấy phép này; đ) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan. 7. Lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép a) Công ty ... phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực khi có thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, phạm vi hoạt động; b) Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn 60 ngày, trường hợp có nhu cầu tiếp tục hoạt động, Công ty ... phải tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và thực hiện trình tự, thủ tục về cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định./. THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CẤP GIẤY PHÉP (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 7a DANH SÁCH TRÍCH NGANG CÁN BỘ QUẢN LÝ, CHUYÊN GIA TƯ VẤN CHÍNH LĨNH VỰC TƯ VẤN CHUYÊN NGÀNH ĐIỆN LỰC (Cho lĩnh vực hoạt động tư vấn quy hoạch, tư vấn đầu tư xây dựng điện và tư vấn giám sát thi công các công trình điện) STT Họ và tên Ngày tháng năm sinh Quê quán Chức vụ Trình độ chuyên môn Thâm niên công tác (năm) Tên dự án, công trình đã tham gia Ghi chú I. Cán bộ quản lý 1 2 3 4 5 II Chuyên gia tư vấn chính 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Mẫu 7b DANH SÁCH TRÍCH NGANG CÁN BỘ QUẢN LÝ (Cho lĩnh vực hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, xuất nhập khẩu điện, bán buôn và bán lẻ điện) STT Họ và tên Ngày tháng năm sinh Quê quán Chức vụ Trình độ chuyên môn Thâm niên công tác (năm) Ghi chú I. Cán bộ quản lý 1 2 3 4 II. Người trực tiếp vận hành 1 2 3 4 5 6 7 8 9 Mẫu 8a BÁO CÁO DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN GIẤY PHÉP PHÁT ĐIỆN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------- ..., ngày ... tháng ... năm ... BÁO CÁO Về việc duy trì các điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực/ Sở Công Thương tỉnh ... Tên tổ chức được cấp phép:................................................................................................ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):..................................................................................... Đăng ký trụ sở chính tại:……….Điện thoại:………….. Fax:..................................................... Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ………, đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... Giấy phép hoạt động điện lực số: ……. do ……… cấp ngày ………. cho các lĩnh vực hoạt động sau: - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... Các nội dung báo cáo (lựa chọn trạng thái thay đổi vào ô vuông: có hoặc không): TT Nội dung Thay đổi trạng thái Ghi chú 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 2 Danh sách trích ngang đội ngũ trưởng ca nhà máy điện □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 3 Hợp đồng mua bán điện □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 4 Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 5 Thay đổi trạng thái tham gia thị trường điện □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 6 Quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện (đối với thủy điện) □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 7 Các điều kiện về đảm bảo môi trường □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 8 Các điều kiện về đảm bảo Phòng cháy chữa cháy □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 9 Các điều kiện về đảm bảo an toàn đập □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 10 Các thay đổi về thông số chính của nhà máy điện □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi Các nội dung báo cáo khác (nếu có): … Cam kết của đơn vị trong việc duy trì hoạt động điện lực: ... ... (tên đơn vị báo cáo) xin cam đoan những thông tin trong báo cáo trên hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật với nội dung trên./. Nơi nhận: - Như trên; - … LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 8b BÁO CÁO DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC LĨNH VỰC TRUYỀN TẢI ĐIỆN/PHÂN PHỐI ĐIỆN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ... , ngày ... tháng ... năm ... BÁO CÁO Về việc duy trì điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực truyền tải điện/ phân phối điện Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực/ Sở Công Thương tỉnh ... Tên tổ chức được cấp phép:................................................................................................ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):..................................................................................... Đăng ký trụ sở chính tại:………….. Điện thoại:………… Fax:.................................................. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ………., đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... Giấy phép hoạt động điện lực số: ………. do ………… cấp ngày ………… cho các lĩnh vực hoạt động sau: - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... Các nội dung báo cáo (tích lựa chọn vào ô vuông trạng thái thay đổi: có hoặc không): TT Nội dung Thay đổi trạng thái Ghi chú 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận thành lập □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 2 Danh sách Lãnh đạo quản lý kỹ thuật □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 3 Danh sách đội ngũ trưởng ca vận hành □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 4 Danh mục các hạng mục công trình lưới điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 5 Bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi Các nội dung báo cáo khác (nếu có): ... Cam kết của đơn vị trong việc duy trì hoạt động điện lực: ... ... (tên đơn vị báo cáo) xin cam đoan những thông tin trong báo cáo trên hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật với nội dung trên./. Nơi nhận: - Như trên; - … LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 8c BÁO CÁO DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC LĨNH VỰC BÁN BUÔN ĐIỆN/BÁN LẺ ĐIỆN/XUẤT, NHẬP KHẨU ĐIỆN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- ... , ngày ... tháng ... năm ... BÁO CÁO Về việc duy trì điều kiện giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện, xuất nhập khẩu điện Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực/ Sở Công Thương tỉnh ... Tên tổ chức được cấp phép:................................................................................................ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):..................................................................................... Đăng ký trụ sở chính tại:………….. Điện thoại:………… Fax:.................................................. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ………., đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... Giấy phép hoạt động điện lực số: ………. do ………… cấp ngày ………… cho các lĩnh vực hoạt động sau: - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... Các nội dung báo cáo (tích lựa chọn vào ô vuông trạng thái thay đổi: có hoặc không): TT Nội dung Thay đổi trạng thái Ghi chú 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận thành lập □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 2 Danh sách trích ngang Lãnh đạo quản lý kinh doanh □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 3 Các văn bản phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài (đối với xuất, nhập khẩu điện) □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 4 Hợp đồng xuất, nhập khẩu điện (đối với xuất, nhập khẩu điện) □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi Các nội dung báo cáo khác (tình hình hoạt động, tình hình kinh doanh): ... Cam kết của đơn vị trong việc duy trì hoạt động điện lực: ... ... (Tên đơn vị báo cáo) xin cam đoan những thông tin trong báo cáo trên hoàn toàn đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật với nội dung trên./. Nơi nhận: - Như trên; - … LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu 8d BÁO CÁO DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC LĨNH VỰC TƯ VẤN CHUYÊN NGÀNH ĐIỆN LỰC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- …, ngày ... tháng ... năm ... BÁO CÁO Về việc duy trì điều kiện giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện Kính gửi: Cục Điều tiết điện lực/Sở Công Thương tỉnh ... Tên tổ chức được cấp phép:................................................................................................ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):..................................................................................... Đăng ký trụ sở chính tại:………….. Điện thoại:………… Fax:.................................................. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do ... cấp, mã số doanh nghiệp ………., đăng ký lần ... ngày ... tháng ... năm ... Giấy phép hoạt động điện lực số: ………. do ………… cấp ngày ………… cho các lĩnh vực hoạt động sau: - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... - ……………………………………, thời hạn đến ngày ……. tháng ……. năm ... Các nội dung báo cáo (tích lựa chọn vào ô vuông trạng thái thay đổi: có hoặc không): TT Nội dung Thay đổi trạng thái Ghi chú 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận thành lập □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 2 Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý của Công ty □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 3 Danh sách trích ngang các chuyên gia tư vấn chính của Công ty □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 4 Danh mục trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn □ không □ có Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi 5 Danh mục các công trình do tổ chức tư vấn đã thực hiện Gửi tài liệu kèm theo báo cáo nếu có thay đổi Các nội dung báo cáo khác (nếu có): … Cam kết của đơn vị trong việc duy trì hoạt động điện lực: ... ... (Tên đơn vị báo cáo) xin cam đoan những thông tin trong báo cáo trên hoàn toàn đúng sự thật và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với nội dung trên./. Nơi nhận: - Như trên; - … LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Công thương", "promulgation_date": "29/05/2015", "sign_number": "10/2015/TT-BCT", "signer": "Hoàng Quốc Vượng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Ke-toan-Kiem-toan/Thong-tu-41-2022-TT-BTC-huong-dan-che-do-ke-toan-hoat-dong-xa-hoi-tu-thien-499976.aspx
Thông tư 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hoạt động xã hội từ thiện mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 41/2022/TT-BTC Hà Nội, ngày 05 tháng 7 năm 2022 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN ÁP DỤNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI, TỪ THIỆN Căn cứ Luật Kế toán ngày 20 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán; Căn cứ Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Kế toán, Kiểm toán; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn thực hiện công tác kế toán đối với các hoạt động xã hội, từ thiện của tổ chức, cơ quan, đơn vị và việc ghi sổ, lập báo cáo đối với hoạt động xã hội, từ thiện của cá nhân theo quy định của pháp luật, bao gồm: 1. Hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 2. Các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ theo quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 3. Các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước và ngoài nước khác với mục đích để trợ giúp cho các đối tượng gặp khó khăn, yếu thế trong cuộc sống mà theo quy định phải thực hiện kế toán thì áp dụng quy định tại Thông tư này. Điều 2. Đối tượng áp dụng Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm: 1. Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. 2. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). 3. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện. Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu thực hiện kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện 1. Nguyên tắc Tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan. 2. Yêu cầu a) Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định của Thông tư này. b) Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng. Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hàng năm hoặc định kỳ phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị theo quy định tại Thông tư này; thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch. c) Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định của Thông tư này; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận và phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật. Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Mục 1. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ TỔ CHỨC KẾ TOÁN RIÊNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI, TỪ THIỆN Điều 4. Quy định về chứng từ kế toán Các đơn vị được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật kế toán, phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý của đơn vị. Đối với các khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ (chi tiền mặt, phân phối hàng hóa, hiện vật) thì chứng từ làm căn cứ ghi chi (hoặc bảng kê đính kèm) phải có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều 5. Quy định về tài khoản kế toán 1. Tài khoản kế toán phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình về tài sản, nguồn vốn, nợ phải trả; các khoản tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí nhận tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác; kết quả hoạt động và các nghiệp vụ kinh tế khác phát sinh tại các đơn vị. 2. Phân loại hệ thống tài khoản kế toán a) Các loại tài khoản trong bảng gồm tài khoản từ loại 1 đến loại 9, được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản); Dùng để phản ánh và kế toán tình hình tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán. b) Các tài khoản ngoài bảng phản ánh những chỉ tiêu kinh tế đã phản ánh ở các tài khoản trong bảng nhưng cần theo dõi để phục vụ cho yêu cầu quản lý hoặc theo dõi các tài sản khác mà đơn vị đang quản lý như tài sản thuê ngoài, hiện vật nhận tài trợ chờ bán,... Các tài khoản ngoài bảng được hạch toán theo phương pháp ghi đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản). c) Trường hợp kinh phí quản lý bộ máy được trích theo tỷ lệ từ nguồn nhận tài trợ, đóng góp hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu lập báo cáo quyết toán nhận và sử dụng kinh phí quản lý bộ máy, thì kế toán phải hạch toán đồng thời tài khoản trong bảng và tài khoản ngoài bảng để theo dõi được việc nhận, sử dụng và kinh phí còn lại chưa sử dụng chuyển năm sau đối với kinh phí quản lý bộ máy. 3. Lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản a) Các đơn vị căn cứ vào Hệ thống tài khoản kế toán ban hành tại Thông tư này đồ lựa chọn tài khoản kế toán áp dụng phù hợp với hoạt động của đơn vị và cơ chế tài chính theo quy định. b) Đơn vị được bổ sung tài khoản kế toán trong các trường hợp sau: - Được bổ sung tài khoản chi tiết cho các tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản kế toán (Phụ lục số 01) kèm theo Thông tư này để phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị. - Việc bổ sung tài khoản ngang cấp với các tài khoản đã được quy định trong danh mục hệ thống tài khoản kế toán (Phụ lục số 01) kèm theo Thông tư này chỉ thực hiện sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính. 4. Danh mục hệ thống tài khoản kế toán, giải thích nội dung, kết cấu và phương pháp ghi chép tài khoản kế toán quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này. Điều 6. Quy định về sổ kế toán 1. Đơn vị phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này. 2. Các loại sổ kế toán a) Mỗi đơn vị chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán. b) Mẫu sổ kế toán tổng hợp: - Sổ Nhật ký dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo trình tự thời gian. Trường hợp cần thiết có thể kết hợp việc ghi chép theo trình tự thời gian với việc phân loại, hệ thống hoá các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế. Số liệu trên Sổ Nhật ký phản ánh tổng số các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh trong một kỳ kế toán. - Sổ Cái dùng để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo nội dung kinh tế (theo tài khoản kế toán). Trên Sổ Cái có thể kết hợp việc ghi chép theo trình tự thời gian phát sinh và nội dung kinh tế của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Số liệu trên Sổ Cái phản ánh tổng hợp tình hình tài sản, nguồn vốn, nợ phải trả, doanh thu, chi phí của đơn vị. c) Mẫu sổ, thẻ kế toán chi tiết: Sổ, thẻ kế toán chi tiết dùng để phản ảnh, theo dõi các thông tin chi tiết của đơn vị theo yêu cầu quản lý. Số liệu trên sổ kế toán chi tiết cung cấp các thông tin cụ thể phục vụ cho việc quản lý trong nội bộ đơn vị và việc tính toán, lập các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính và báo cáo khác (nếu có). Căn cứ vào yêu cầu quản lý và yêu cầu hạch toán của từng đối tượng kế toán riêng biệt, đơn vị được bổ sung các chỉ tiêu (cột, hàng) trên sổ kế toán chi tiết để phục vụ lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và báo cáo khác theo yêu cầu quản lý. 3. Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán a) Sổ kế toán phải được lập kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của sổ. Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán tương ứng dùng để ghi sổ. b) Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề, đảm bảo liên tục từ khi mở sổ đến khi khoá sổ. c) Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ. Sổ kế toán giao cho nhân viên nào thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm về nội dung ghi trong sổ trong suốt thời gian giữ và ghi sổ. Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán phải tổ chức bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên kế toán cũ với nhân viên kế toán mới. Nhân viên kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những nội dung ghi trong sổ trong suốt thời gian giữ và ghi sổ, nhân viên kế toán mới chịu trách nhiệm từ ngày nhận bàn giao. Biên bản bàn giao phải được kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán ký xác nhận. 4. Mở sổ kế toán a) Nguyên tắc mở sổ kế toán Sổ kế toán phải được mở vào đầu kỳ kế toán năm hoặc ngay sau khi có quyết định thành lập và bắt đầu hoạt động của đơn vị. Sổ kế toán được mở đầu năm tài chính mới để chuyển số dư từ sổ kế toán năm cũ chuyển sang và ghi ngay nghiệp vụ kinh tế, tài chính mới phát sinh từ ngày 01/01 của năm tài chính mới. Đơn vị được mở thêm các sổ kế toán chi tiết theo yêu cầu quản lý của đơn vị. b) Trường hợp mở sổ kế toán thủ công: Đơn vị phải hoàn thiện thủ tục pháp lý của sổ kế toán như sau: - Đối với sổ kế toán đóng thành quyển: Ngoài bìa (góc trên bên trái) phải ghi tên đơn vị, giữa bìa ghi tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khoá sổ; họ tên và chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán và thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu; ngày, tháng, năm kết thúc ghi sổ hoặc ngày chuyển giao sổ cho người khác. + Các trang sổ kế toán phải đánh số trang từ trang một (01) đến hết trang số cuối cùng, giữa hai trang sổ phải đóng dấu giáp lai của đơn vị. + Sổ kế toán sau khi làm đầy đủ các thủ tục trên mới được coi là hợp pháp. - Đối với sổ tờ rời: + Đầu mỗi sổ tờ rời phải ghi rõ tên đơn vị, số thứ tự của từng tờ sổ, tên sổ, tháng sử dụng, họ tên của người giữ sổ và ghi sổ kế toán. + Các sổ tờ rời trước khi sử dụng phải được Thủ trưởng đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và ghi vào sổ đăng ký sử dụng thẻ tờ rời. + Các sổ tờ rời phải sắp xếp theo thứ tự các tài khoản kế toán và phải đảm bảo an toàn và dễ tìm. c) Trường hợp lập sổ kế toán trên phương tiện điện tử: Phải đảm bảo các yếu tố của sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán. Nếu lựa chọn lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử thì vẫn phải in sổ kế toán tổng hợp ra giấy, đóng thành quyển và phải làm đầy đủ các thủ tục quy định nêu tại điểm b, khoản 4 Điều này. Các sổ kế toán còn lại, nếu không in ra giấy, mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ. 5. Ghi sổ kế toán a) Việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp chứng minh. b) Trường hợp ghi sổ kế toán thủ công, phải dùng mực không phai, không dùng mực đỏ để ghi sổ kế toán (trừ bút toán điều chỉnh). Phải thực hiện theo trình tự ghi chép và các mẫu sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 01. Khi ghi hết trang sổ phải cộng số liệu của từng trang để mang số cộng trang trước sang đầu trang kế tiếp, không được ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới. Nếu không ghi hết trang sổ phải gạch chéo phần không ghi, không tẩy xoá, cấm dùng chất hoá học để sửa chữa. 6. Khoá sổ kế toán a) Khoá sổ kế toán là việc cộng sổ để tính ra tổng số phát sinh bên Nợ, bên Có và số dư cuối kỳ của từng tài khoản kế toán hoặc tổng số thu, chi, tồn quỹ, nhập, xuất, tồn kho. b) Sổ quỹ tiền mặt phải thực hiện khoá sổ vào cuối mỗi ngày có phát sinh giao dịch. Sau khi khóa sổ phải thực hiện đối chiếu giữa sổ tiền mặt của kế toán với sổ quỹ của thủ quỹ và tiền mặt có trong két đảm bảo chính xác, khớp đúng. Riêng ngày cuối tháng phải lập Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt, sau khi kiểm kê, Bảng kiểm kê quỹ tiền mặt được lưu cùng với sổ kế toán tiền mặt ngày cuối cùng của tháng. c) Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc phải khoá sổ vào cuối tháng để đối chiếu số liệu với ngân hàng, kho bạc; Bảng đối chiếu số liệu với ngân hàng, kho bạc (có xác nhận của ngân hàng, kho bạc) được lưu cùng Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc hàng tháng. d) Đơn vị phải khoá sổ kế toán tại thời điểm cuối kỳ kế toán năm trước khi lập báo cáo tài chính. Ngoài ra, đơn vị phải khoá sổ kế toán trong các trường hợp kiểm kê đột xuất hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. 7. Lưu trữ sổ kế toán và tài liệu kế toán khác: Thực hiện theo quy định của Luật Kế toán và văn bản hướng dẫn có liên quan. 8. Danh mục sổ kế toán, mẫu sổ, hướng dẫn lập sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này. Điều 7. Báo cáo tài chính 1. Đối tượng lập báo cáo tài chính Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có tổ chức kế toán riêng cho các hoạt động xã hội, từ thiện phải lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. 2. Mục đích của báo cáo tài chính Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, đảm bảo có thể so sánh với báo cáo tài chính của các kỳ trước và của các đơn vị khác. Thông tin báo cáo tài chính giúp cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin của đơn vị về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp và nguồn lực khác do đơn vị quản lý theo quy định của pháp luật. 3. Kỳ lập báo cáo Đơn vị phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm theo quy định của Luật Kế toán. 4. Trường hợp đơn vị có các đơn vị trực thuộc thì phải lập báo cáo tài chính tổng hợp, bao gồm số liệu của đơn vị mình và toàn bộ thông tin tài chính của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới và giữa các đơn vị cấp dưới với nhau. 5. Thời hạn nộp báo cáo tài chính Báo cáo tài chính năm của đơn vị phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật. 6. Công khai báo cáo tài chính a) Báo cáo tài chính của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện phải được công khai theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; đối với báo cáo tài chính của tổ chức đơn vị khác thực hiện công khai theo quy định pháp luật. Ngoài ra các tổ chức, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn phải thực hiện công khai các thông tin theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. b) Thời hạn công khai: Đơn vị phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán. 7. Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, giải thích phương pháp lập báo cáo tài chính quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này. Mục 2. ĐỐI VỚI TỔ CHỨC, CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHÔNG TỔ CHỨC KẾ TOÁN RIÊNG CHO CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI, TỪ THIỆN Điều 8. Mở sổ kế toán 1. Tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức kế toán riêng được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng; Mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động này, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng. 2. Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền a) Đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị. Trường hợp xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng, khôi phục công trình từ nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật có liên quan. b) Đối với việc phân phối và sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải ghi chép đầy đủ các thông tin trên sổ kế toán, bao gồm: Thời gian chi, quyết định chi, nội dung chi, tên và địa chỉ người nhận tài trợ. Ngoài ra: - Đối với trường hợp chi tiền mặt để tài trợ trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ thì bảng kê, chứng từ làm căn cứ ghi chi phải có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương. - Đối với trường hợp chi tiền để mua hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,... chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định. Khi tài trợ hàng hóa, hiện vật trực tiếp cho đối tượng nhận tài trợ thì phải lập bảng kê có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương. 3. Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật Đơn vị chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ; và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật. Trường hợp không xác định được giá trị thì mở sổ kế toán chi tiết theo dõi riêng để lập báo cáo. Điều 9. Lập báo cáo và công khai số liệu 1. Hàng năm hoặc kết thúc đợt vận động đơn vị phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 (kèm theo Thông tư này) và gửi cho các đơn vị có liên quan theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các văn bản có liên quan (nếu có). 2. Hàng năm đơn vị phải thuyết minh chi tiết số liệu thu, chi trong năm, số dư đầu năm và số dư còn lại chưa sử dụng cuối năm đối với nguồn đóng góp cho hoạt động xã hội từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị theo quy định. 3. Đơn vị phải thực hiện công khai số liệu có liên quan đến đợt vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định của Luật Kế toán; Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các văn bản có liên quan (nếu có). Mục 3. QUY ĐỊNH VỀ GHI CHÉP VÀ BÁO CÁO ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CÓ CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI, TỪ THIỆN Điều 10. Mở sổ ghi chép Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải thực hiện các quy định sau đây: 1. Phải mở sổ sách để ghi chép các khoản đã tiếp nhận đóng góp tự nguyện của các nhà tài trợ; các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn này để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện một cách chính xác, trung thực, đảm bảo công khai, minh bạch. 2. Việc ghi chép sổ sách phải thực hiện ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện. Số liệu ghi chép phải liên tục theo trình tự thời gian và phản ánh đầy đủ các thông tin theo yêu cầu công khai số liệu. Khi ghi hết trang sổ phải cộng số liệu của từng trang để mang số cộng trang trước sang đầu trang kế tiếp, không được ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới của trang sổ. Nếu không ghi hết trang sổ phải gạch chéo phần không ghi, nghiêm cấm mọi hành vi tẩy xóa, sửa chữa thông tin số liệu đã ghi chép trên sổ. 3. Kết thúc đợt vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện cá nhân phải thực hiện chốt sổ, theo đó cộng toàn bộ số liệu thu, chi và tính ra số tồn chưa sử dụng để lập báo cáo và công khai số liệu theo quy định của pháp luật. Đối với khoản tiếp nhận và sử dụng thông qua tài khoản tiền gửi ngân hàng phải thực hiện đối chiếu số liệu với ngân hàng nơi mở tài khoản định kỳ hàng tháng và đối chiếu khi kết thúc đợt vận động. Bàn đối chiếu số liệu với ngân hàng hoặc sổ chi tiết tài khoản tiền gửi mà ngân hàng gửi đến phải được lưu trữ và công khai khi kết thúc đợt vận động. 4. Đối với khoản tiếp nhận từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện: a) Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền: - Cá nhân người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng theo quy định, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động. - Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt: Cá nhân tiếp nhận tài trợ có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt nhận tài trợ; trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng. - Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng ngoại tệ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trong nước: Cá nhân tiếp nhận tài trợ bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và quản lý, sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định. - Lãi tiền gửi sau khi trừ đi chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ. - Lập Sổ tổng hợp ghi chép số liệu: Phải thực hiện ghi chép các khoản đã tiếp nhận tài trợ bằng tiền của các nhà tài trợ theo thời gian đóng góp thực tế, bao gồm: thông tin của nhà tài trợ (như tên, địa chỉ,... ); số tiền đóng góp; hình thức đóng góp bao gồm đóng góp vào tài khoản tại ngân hàng, đóng góp bằng tiền mặt (trong đó chi tiết tiền Việt Nam, ngoại tệ); thời gian nhận đóng góp (trường hợp nhận đóng góp qua tài khoản ngân hàng, ghi theo ngày trên báo có của ngân hàng); địa chỉ nhận hỗ trợ (nếu nhà tài trợ chỉ định địa chỉ nhận hỗ trợ) và thông tin cần thiết khác (nếu có) theo mẫu “Sổ tổng hợp số liệu nhận vận động tài trợ bằng tiền” (mẫu số S01CN/XH-TT) quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này. b) Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật: - Tùy theo điều kiện kho, bãi, khả năng bảo quản, vận chuyển, cá nhân người vận động quyết định việc tiếp nhận các khoản tài trợ bằng hiện vật. - Khi tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, cá nhân người vận động phải chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ cần hỗ trợ. - Mở riêng “Sổ tổng hợp số liệu nhận vận động tài trợ bằng hiện vật”, trong đó ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ bao gồm ngày nhận, tên và địa chỉ người đóng góp, loại hiện vật, số lượng nhận, địa chỉ hỗ trợ chỉ định sẵn (nếu có) theo mẫu số S02CN/XH-TT quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này. 5. Đối với các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội Phải được ghi chép đầy đủ, bao gồm: Thời gian hỗ trợ, họ tên và địa chỉ người nhận, hình thức hỗ trợ bao gồm hỗ trợ bằng tiền, bằng hiện vật (ghi rõ loại hiện vật đã hỗ trợ) hoặc hỗ trợ bằng hạng mục xây dựng, sửa chữa,...và chữ ký của người nhận theo mẫu “Sổ tổng hợp số liệu phân phối nguồn tài trợ” (mẫu số S03CN/XH-TT) quy định tại phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này, ngoài ra trường hợp pháp luật có quy định về việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thì có thể xác nhận trên mẫu biểu này hoặc lập văn bản riêng. Riêng đối với các khoản chi tiền để mua sắm hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,... chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật. 6. Ngoài các mẫu biểu các sổ tổng hợp số liệu theo quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này có thể mở thêm sổ sách để theo dõi chi tiết các hoạt động (nếu cần thiết). Điều 11. Lập báo cáo và công khai số liệu Cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện kết thúc mỗi đợt vận động phải lập báo cáo thu, chi và công khai số liệu theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các văn bản có liên quan (nếu có). Mẫu báo cáo quyết toán đợt vận động xã hội, từ thiện áp dụng cho cá nhân người vận động thực hiện theo mẫu số B08CN/XH-TT quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này. Điều 12. Lưu trữ tài liệu Các cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu trách nhiệm lưu trữ các tài liệu lập theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Thông tư này và tài liệu khác có liên quan để đảm bảo công khai đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật. Chương III KIỂM TRA, GIÁM SÁT KẾ TOÁN Điều 13. Kiểm tra, giám sát kế toán 1. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán. 2. Nội dung kiểm tra, giám sát kế toán, bao gồm: a) Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị có tổ chức kế toán riêng cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung công tác kế toán; tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về kế toán theo quy định hiện hành đối với đơn vị kế toán. b) Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện kiêm nhiệm, không tổ chức kế toán riêng cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện: Kiểm tra, giám sát việc mở sổ kế toán chi tiết theo dõi riêng cho hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện trên cơ sở chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng, việc lập báo cáo, công khai số liệu theo quy định hiện hành. Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 14. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2022. 2. Thông tư số 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ “Vì người nghèo” hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023. 3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó. Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp 1. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được tiếp tục thực hiện chế độ kế toán đang áp dụng đến hết năm tài chính 2022. Từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này. 2. Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp áp dụng Thông tư số 103/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 của Bộ Tài chính đến hết năm tài chính 2022, từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này. 3. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân khác không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này có tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện thực hiện theo quy định của Thông tư này kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Điều 16. Tổ chức thực hiện 1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện Thông tư này tới các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện thuộc phạm vi phụ trách hoặc quản lý. 2. Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Chánh văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Thông tư này. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc Hội; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - UBND, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Ban vận động “Quỹ Vì người nghèo các cấp; - Các Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, Cục QLKT. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Tạ Anh Tuấn FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "05/07/2022", "sign_number": "41/2022/TT-BTC", "signer": "Tạ Anh Tuấn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-90-2013-ND-CP-trach-nhiem-giai-trinh-cua-co-quan-nha-nuoc-203776.aspx
Nghị định 90/2013/NĐ-CP trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước
CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 90/2013/NĐ-CP Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2013 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN ĐƯỢC GIAO Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13; Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ; Chính phủ ban hành Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định về điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình; quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình và người giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình. Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng cho các đối tượng sau: 1. Các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình. 2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; các tổ chức nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; công dân Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam có yêu cầu giải trình. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. 2. Người yêu cầu giải trình là cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải trình về những nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. 3. Người giải trình là người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan nhà nước ủy quyền thực hiện việc giải trình. Điều 4. Nguyên tắc thực hiện và áp dụng pháp luật về trách nhiệm giải trình 1. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình phải theo những nguyên tắc sau đây: a) Bảo đảm công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền; b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. 2. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về trách nhiệm giải trình thì áp dụng theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó. Điều 5. Những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình 1. Người giải trình không có trách nhiệm giải trình đối với các nội dung sau: a) Nội dung thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; b) Những nội dung liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; c) Nội dung thông tin thuộc bí mật đời tư; d) Nội dung thông tin thuộc bí mật kinh doanh; đ) Các nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết. 2. Các yêu cầu giải trình sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Điều 6. Điều kiện tiếp nhận yêu cầu giải trình 1. Cá nhân yêu cầu giải trình phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc thông qua người đại diện hợp pháp; cơ quan, tổ chức yêu cầu giải trình phải thông qua người đại diện hợp pháp. 2. Nội dung yêu cầu giải trình liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải trình. 3. Nội dung yêu cầu giải trình thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan được yêu cầu. Chương 2. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI YÊU CẦU GIẢI TRÌNH VÀ NGƯỜI GIẢI TRÌNH Điều 7. Quyền của người yêu cầu giải trình 1. Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện yêu cầu giải trình. 2. Được rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu giải trình. 3. Được nhận văn bản giải trình của cơ quan có trách nhiệm giải trình. Điều 8. Nghĩa vụ của người yêu cầu giải trình 1. Thực hiện các trình tự, thủ tục về yêu cầu giải trình theo quy định của Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 2. Trình bày rõ ràng, trung thực, có căn cứ về nội dung yêu cầu giải trình. 3. Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Điều 9. Quyền của người giải trình 1. Yêu cầu người yêu cầu giải trình cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. 2. Yêu cầu người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 3. Bổ sung hoặc đính chính các thông tin trong văn bản giải trình nhằm làm rõ, chính xác và đầy đủ hơn các nội dung giải trình. 4. Ngoài các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, khi giải trình trực tiếp, người giải trình có quyền từ chối giải trình trong các trường hợp sau đây: a) Người yêu cầu giải trình đang trong tình trạng không kiểm soát được hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác; b) Người được ủy quyền, người đại diện không có giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật; c) Người yêu cầu giải trình có hành vi gây rối trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người giải trình. Điều 10. Nghĩa vụ của người giải trình 1. Tiếp nhận yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 2. Hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan. 3. Giải quyết yêu cầu giải trình theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan. Chương 3. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN VIỆC GIẢI TRÌNH Điều 11. Yêu cầu giải trình 1. Yêu cầu giải trình được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình. 2. Yêu cầu giải trình bằng văn bản phải đáp ứng các điều kiện sau: a) Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu giải trình, thì văn bản yêu cầu giải trình phải được dịch sang tiếng Việt; b) Thể hiện rõ nội dung yêu cầu giải trình; c) Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của người yêu cầu giải trình. 3. Yêu cầu giải trình trực tiếp: a) Người yêu cầu giải trình trình bày rõ ràng nội dung yêu cầu với cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình. Trường hợp nhiều người cùng yêu cầu giải trình về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày. Việc cử người đại diện được thể hiện bằng văn bản; b) Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Trường hợp người nước ngoài yêu cầu giải trình thì người đó phải sử dụng người phiên dịch tiếng Việt của mình trong quá trình thực hiện yêu cầu giải trình; c) Cán bộ, công chức tiếp nhận yêu cầu giải trình phải thể hiện trung thực nội dung yêu cầu giải trình bằng văn bản; ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của người yêu cầu giải trình; d) Người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Điều 12. Tiếp nhận yêu cầu giải trình Việc tiếp nhận yêu cầu giải trình được thực hiện như sau: 1. Tiếp nhận và vào sổ tiếp nhận yêu cầu giải trình. 2. Hướng dẫn người yêu cầu giải trình thực hiện đúng hình thức yêu cầu giải trình trong trường hợp chưa đáp ứng theo quy định tại Điều 11 Nghị định này. 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, người giải trình phải thông báo cho người yêu cầu về việc tiếp nhận hoặc từ chối và nêu rõ lý do. Trường hợp yêu cầu giải trình không thuộc trách nhiệm thì hướng dẫn người yêu cầu gửi đến đúng cơ quan có trách nhiệm giải trình. Trường hợp nội dung yêu cầu đã được giải trình nhưng có người khác yêu cầu giải trình thì cung cấp bản sao văn bản đã giải trình cho người đó. 4. Lưu giữ hồ sơ các yêu cầu giải trình đã được tiếp nhận theo quy định của pháp luật về văn thư lưu trữ. Điều 13. Thực hiện việc giải trình 1. Đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và người yêu cầu giải trình ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản thực hiện việc giải trình. 2. Đối với những yêu cầu giải trình khác, người giải trình phải thực hiện như sau: a) Nghiên cứu nội dung yêu cầu giải trình; b) Thu thập, xác minh thông tin có liên quan; c) Làm việc trực tiếp với người yêu cầu giải trình để làm rõ những nội dung có liên quan khi thấy cần thiết. Nội dung làm việc được lập thành biên bản có chữ ký của các bên; d) Ban hành văn bản giải trình với các nội dung sau đây: - Tên, địa chỉ người yêu cầu giải trình; - Nội dung yêu cầu giải trình; - Kết quả làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân (nếu có); - Các căn cứ pháp lý để giải trình; - Nội dung giải trình cụ thể theo từng yêu cầu. đ) Gửi văn bản giải trình đến người yêu cầu giải trình. Trong trường hợp cần thiết thì công bố công khai văn bản giải trình theo quy định của pháp luật. Điều 14. Thời hạn thực hiện việc giải trình Thời hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày kể từ ngày ra thông báo tiếp nhận yêu cầu giải trình. Trường hợp có nội dung phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải trình. Thời gian gia hạn thực hiện việc giải trình không quá 15 ngày, kể từ ngày gia hạn và phải thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu giải trình. Điều 15. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải trình theo yêu cầu Người đứng đầu cơ quan nhà nước thông báo bằng văn bản về việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải trình trong trường hợp cụ thể sau: 1. Tạm đình chỉ việc giải trình khi cá nhân có yêu cầu giải trình đã chết mà chưa có người kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình; cơ quan, tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể mà chưa có cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ trong vụ việc yêu cầu giải trình. Người giải trình tiếp tục thực hiện việc giải trình khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn. 2. Đình chỉ việc thực hiện giải trình khi người yêu cầu giải trình rút yêu cầu giải trình. Chương 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 16. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước trong tổ chức thực hiện trách nhiệm giải trình 1. Cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong Nội quy, Quy chế làm việc của cơ quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình. 2. Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý thực hiện hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm giải trình và xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm giải trình. Điều 17. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình 1. Cơ quan nhà nước cấp trên có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước cấp dưới. 2. Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ thanh tra, kiểm tra thực hiện trách nhiệm giải trình của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều 18. Xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình Cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan nhà nước không chấp hành nghiêm quy định về thực hiện trách nhiệm giải trình theo các quy định tại Nghị định này thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Điều 19. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2013. Điều 20. Trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện 1. Tổng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định này. 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, V.I (3b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "08/08/2013", "sign_number": "90/2013/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-49-2014-TT-BYT-trang-thiet-bi-y-te-thiet-yeu-Trung-tam-Giam-dinh-Y-khoa-tinh-thanh-pho-trung-uong-264118.aspx
Thông tư 49/2014/TT-BYT trang thiết bị y tế thiết yếu Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh thành phố trung ương mới nhất
BỘ Y TẾ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 49/2014/TT-BYT Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2014 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ THIẾT YẾU CỦA TRUNG TÂM GIÁM ĐỊNH Y KHOA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009; Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều 1. Quy định danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Ban hành kèm theo Thông tư này "Danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương" (sau đây viết tắt là Danh mục). Điều 2. Thực hiện Danh mục 1. Danh mục bao gồm các trang thiết bị y tế thiết yếu để Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh) thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. 2. Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thêm chức năng, nhiệm vụ hoặc do nhu cầu giám định tăng hoặc mở rộng phạm vi giám định thì Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế) hoặc cơ quan có thẩm quyền bổ sung trang thiết bị y tế để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. 3. Trường hợp Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh chưa được bảo đảm đủ trang thiết bị y tế theo danh mục quy định tại Thông tư này, thì phải ký hợp đồng liên kết, hợp tác trong việc sử dụng trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở y tế khác trên địa bàn có trang thiết bị y tế phù hợp. Điều 3. Tổ chức thực hiện 1. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế làm đầu mối phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. 2. Sở Y tế có trách nhiệm: a) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư này; b) Bảo đảm và trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bố trí trang thiết bị y tế của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; c) Hướng dẫn Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh ký kết hợp đồng liên kết hợp tác sử dụng trang thiết bị y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn; d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này trên địa bàn phụ trách; đ) Báo cáo Bộ Y tế kết quả đầu tư và sử dụng trang thiết bị y tế của Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh. 3. Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh có trách nhiệm: a) Xây dựng Danh mục trang thiết bị y tế phù hợp để sử dụng tại cơ sở trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đáp ứng phạm vi hoạt động chuyên môn; b) Quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; c) Bố trí nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn để bảo đảm việc khai thác, sử dụng trang thiết bị y tế hiệu quả; d) Hằng năm báo cáo Sở Y tế về tình trạng và kết quả sử dụng trang thiết bị y tế ở Trung tâm để làm cơ sở trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư. Điều 4. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 2 năm 2015. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ); - Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo) - Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp chỉ đạo); - UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); - Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; - Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; - Cổng TTĐT của Bộ Y tế, - Lưu: VT, PC, TB-CT (02). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Viết Tiến DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ THIẾT YẾU CỦA TRUNG TÂM GIÁM ĐỊNH Y KHOA TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2014/TT-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2014) STT TÊN TRANG THIẾT BỊ Y TẾ ĐƠN VỊ SỐ LƯỢNG (tối thiểu) 1 Tủ đựng dụng cụ Cái 02 2 Tủ thuốc cấp cứu Cái 02 3 Tủ sấy Cái 01 4 Nồi hấp tiệt trùng Cái 01 5 Hộp hấp dụng cụ các loại Cái 05 6 Hộp hấp bông, gạc Cái 05 7 Khay đựng dụng cụ các loại Cái 05 8 Xe đẩy dụng cụ (xe tiêm) Cái 01 9 Giường khám bệnh Cái 03 10 Nhiệt kế y học Cái 10 11 Ống nghe Cái 02 12 Huyết áp kế Cái 02 13 Cân trọng lượng có thước đo chiều cao Cái 01 14 Thước dây Cái 02 15 Lực kế bóp tay Cái 01 16 Lực kế kéo thân Cái 01 17 Bộ khám thần kinh (búa thử phản xạ, âm thoa...) Bộ 01 18 Bộ khám ngũ quan Bộ 01 19 Đèn soi đáy mắt Bộ 01 20 Bộ kính thử thị lực Bộ 01 21 Bảng kiểm tra thị lực Bộ 02 22 Sinh hiển vi khám mắt Cái 01 23 Máy đo khúc xạ tự động Máy 01 24 Bộ dụng cụ đo nhãn áp (Nhãn áp kế mắt) Bộ 01 25 Dụng cụ khám sắc giác Bộ 02 26 Đèn Clar Cái 02 27 Gương soi vòm Cái 02 28 Gương soi thanh quản Cái 02 29 Hệ thống nội soi tai mũi họng kèm dụng cụ Hệ thống 01 30 Ghế và thiết bị, dụng cụ khám, chữa răng Bộ 01 31 Đèn khám răng Cái 02 32 Bộ phim mẫu các bệnh bụi phổi (ILO-1980 và/hoặc ILO2000) Bộ 01 33 Máy chụp X - Quang cao tần Hệ thống 01 34 Máy rửa phim X - Quang tự động Cái 01 35 Đèn đọc phim X - Quang Cái 02 36 Găng tay cao su chì Cái 02 37 Yếm chì + Cổ chì Bộ 04 38 Máy đo chức năng hô hấp Bộ 01 39 Máy điện tim Bộ 01 40 Máy điện não vi tính Bộ 01 41 Máy siêu âm Bộ 01 42 Kính hiển vi hai mắt Cái 01 43 Máy đo tốc độ máu lắng Bộ 01 44 Máy xét nghiệm HbA1c Bộ 01 45 Máy xét nghiệm sinh hóa tự động Bộ 01 46 Máy xét nghiệm huyết học tự động Bộ 01 47 Máy xét nghiệm nước tiểu tự động Bộ 01 48 Máy li tâm Máy 01 49 Máy lắc máu Máy 01 50 Bàn khám sản khoa Cái 01 51 Bộ dụng cụ khám sản khoa Bộ 01
{ "issuing_agency": "Bộ Y tế", "promulgation_date": "22/12/2014", "sign_number": "49/2014/TT-BYT", "signer": "Nguyễn Viết Tiến", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-153-2021-TT-BQP-ho-so-giai-quyet-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-Bo-Quoc-phong-496394.aspx
Thông tư 153/2021/TT-BQP hồ sơ giải quyết tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng mới nhất
BỘ QUỐC PHÒNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 153/2021/TT-BQP Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2021 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KINH PHÍ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP, CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP VÀ KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP TRONG BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và kế hoạch kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của bảo hiểm xã hội; hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Quân nhân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là người lao động). 2. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là người sử dụng lao động) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này. Điều 3. Quy định viết tắt - Bảo hiểm xã hội: BHXH; - Bảo hiểm y tế: BHYT; - Bảo hiểm thất nghiệp: BHTN; - Tai nạn lao động: TNLĐ; - Bệnh nghề nghiệp: BNN. Điều 4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ 1. Hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc (theo quy định tại Điều 5 và Mẫu số 03, Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này); Hồ sơ hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (theo quy định tại Điều 9 và Mẫu số 09, Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thành 04 bộ, lưu tại BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; Tổng cục Kỹ thuật: 01 bộ; cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương: 01 bộ. Riêng quyết định về việc hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp và quyết định về việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Mẫu số 03, 04, 09 và Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thêm 01 bản để làm chứng từ thanh toán và lưu tại cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương (nơi thanh toán trực tiếp cho người sử dụng lao động). 2. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN (theo quy định tại Điều 7 và Mẫu số 05, Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) được lập thành 03 bộ, lưu tại BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ, Tổng cục Kỹ thuật hoặc Tổng cục Hậu cần: 01 bộ; cơ quan tài chính đơn vị trực tiếp thanh toán: 01 bộ. Chương II HỒ SƠ, QUY TRÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP Mục 1. HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP Điều 5. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (sau đây viết gọn là Nghị định số 88/2020/NĐ-CP), cụ thể gồm: 1. Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa. 3. Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định. Điều 6. Quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 1. Đối với cơ quan kỹ thuật các đơn vị a) Cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương - Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP và lập hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, kèm theo tệp tin (file) hồ sơ chuyển cơ quan kỹ thuật cấp trên; - Nhận lại hồ sơ đã được giải quyết từ cơ quan kỹ thuật cấp trên để tổ chức thực hiện. b) Cơ quan kỹ thuật cấp trên trung đoàn và tương đương Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc do cơ quan kỹ thuật cấp dưới chuyển đến, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ của cấp mình theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo file hồ sơ chuyển cơ quan kỹ thuật đơn vị cấp trên. c) Cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc do cơ quan kỹ thuật cấp dưới chuyển đến, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ của cấp mình theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo file hồ sơ chuyển Tổng cục Kỹ thuật. 2. Đối với cơ quan tài chính các đơn vị a) Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương - Chủ trì phối hợp với cơ quan kỹ thuật cùng cấp lập dự toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên trung đoàn và tương đương cho đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng để tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng trước ngày 20 tháng 6 hằng năm; - Khi nhận được hồ sơ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp (được BHXH Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ), thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên trung đoàn và tương đương cho đến cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. b) Cơ quan tài chính cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng. Hằng quý, năm tiếp nhận báo cáo quyết toán (bao gồm cả nội dung thanh toán hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị TNLĐ, BNN) do cơ quan tài chính cấp trực thuộc chuyển đến, tổng hợp cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH để quyết toán với BHXH Bộ Quốc phòng. 3. Tổng cục Kỹ thuật - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng chuyển đến, thẩm định hồ sơ, lập văn bản đề nghị kèm theo danh sách hỗ trợ, thực hiện theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và chuyển BHXH Bộ Quốc phòng; - Trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ, Tổng cục Kỹ thuật phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do cho đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng chuyển đến. 4. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng - Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị kèm theo danh sách hỗ trợ theo Mẫu số 01, Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này do Tổng cục Kỹ thuật chuyển đến; BHXH Bộ Quốc phòng thẩm định, ra quyết định hỗ trợ, thực hiện theo Mẫu số 03, Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, chuyển Tổng cục Kỹ thuật, cơ quan kỹ thuật đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến cơ quan kỹ thuật cấp trung đoàn và tương đương; trường hợp không chi trả phải có văn bản gửi Tổng cục Kỹ thuật và nêu rõ lý do; - Hằng quý, cấp kinh phí chi các chế độ BHXH (trong đó có kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động bị TNLĐ, BNN) cho các đơn vị và thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Mục 2. HỖ TRỢ ĐIỀU TRA LẠI CÁC VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP THEO YÊU CẦU CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI Điều 7. Hồ sơ đề nghị kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Hồ sơ đề nghị kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm: 1. Văn bản của BHXH Bộ Quốc phòng đề nghị điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc BNN. 2. Quyết định thành lập đoàn điều tra TNLĐ hoặc BNN. 3. Biên bản điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc BNN. 4. Bản chính chứng từ thanh quyết toán chi phí cho việc điều tra theo quy định của pháp luật. Điều 8. Quy trình và trách nhiệm đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng a) Có văn bản đề nghị Tổng cục Kỹ thuật điều tra lại TNLĐ hoặc Tổng cục Hậu cần điều tra lại các trường hợp BNN; b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng ra quyết định hỗ trợ thực hiện theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, chuyển tới Tổng cục Kỹ thuật hoặc Tổng cục Hậu cần. 2. Tổng cục Kỹ thuật a) Ra quyết định thành lập đoàn điều tra lại TNLĐ, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này gửi BHXH Bộ Quốc phòng, nhận lại hồ sơ từ BHXH Bộ Quốc phòng để thực hiện thanh, quyết toán theo quy định; b) Giao Phòng Tài chính/Tổng cục Kỹ thuật phối hợp với Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật lập dự toán hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi BHXH Bộ Quốc phòng; khi nhận được hồ sơ đề nghị và quyết định hỗ trợ kinh phí điều tra lại các vụ TNLĐ thực hiện thanh quyết toán theo quy định; hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi BHXH Bộ Quốc phòng. 3. Tổng cục Hậu cần a) Ra quyết định thành lập đoàn điều tra lại BNN, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này gửi BHXH Bộ Quốc phòng, nhận lại hồ sơ từ BHXH Bộ Quốc phòng để thực hiện thanh, quyết toán theo quy định; b) Giao cơ quan tài chính Cục Quân y/Tổng cục Hậu cần phối hợp với đoàn điều tra lại các trường hợp BNN, lập dự toán hỗ trợ kinh phí điều tra lại các trường hợp BNN cùng với dự toán chi các chế độ BHXH gửi Phòng Tài chính Tổng cục Hậu cần để tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng; khi nhận được hồ sơ đề nghị và quyết định hỗ trợ kinh phí điều tra lại các trường hợp BNN thực hiện thanh quyết toán theo quy định; hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán cùng với báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH gửi cơ quan tài chính cấp trên cho đến BHXH Bộ Quốc phòng. Mục 3. HỖ TRỢ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG Điều 9. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP, cụ thể gồm: 1. Văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng về việc đề nghị hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện theo Mẫu số 07, Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bản sao hồ sơ, chứng từ chứng minh việc tổ chức huấn luyện theo quy định của pháp luật và các chi phí thực tế có liên quan đến việc huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng đề nghị hỗ trợ. Điều 10. Quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động Thực hiện như quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thực hiện tại Điều 6 Thông tư này; phần mẫu biểu thực hiện theo Mẫu số 07, 08, 09 và Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Chương III KẾ HOẠCH KINH PHÍ HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP, CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG NGỪA, CHIA SẺ RỦI RO VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP Điều 11. Nguyên tắc giao kế hoạch và sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp Việc giao kế hoạch và sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro dựa trên nguyên tắc sau: 1. Cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, đề xuất kế hoạch hỗ trợ; 2. Ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ phòng ngừa rủi ro cho những ngành, lĩnh vực đặc thù trong Quân đội có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN; 3. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo, thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật. Điều 12. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Lập, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và kinh phí quản lý về TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 37/2017/TT-BQP ngày 16 tháng 02 năm 2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quản lý thu chi BHXH bắt buộc trong Bộ Quốc phòng (Thông tư số 37/2017/TT-BQP). Điều 13. Nguồn kinh phí bảo đảm Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro TNLĐ, BNN quy định tại Thông tư này được bảo đảm từ nguồn kinh phí chi BHXH của Bộ Quốc phòng. Chương IV QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ DOANH NGHIỆP Điều 14. Trách nhiệm của Tổng cục Kỹ thuật 1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN. 2. Thành lập đoàn điều tra lại TNLĐ theo đề nghị của BHXH Bộ Quốc phòng, gồm: Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật (làm trưởng đoàn); Ban Công đoàn quốc phòng; Cục Quân y; Cục Chính sách; đại diện BHXH Bộ Quốc phòng và các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết. 3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị có vụ TNLĐ cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn điều tra lại TNLĐ. 4. Tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. 5. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, căn cứ mục tiêu phòng, chống TNLĐ, BNN và các nhóm ngành, nghề, lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ, có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch năm về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và triển khai các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Phê duyệt kế hoạch để các đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện. 6. Chủ trì, kiểm tra, giám sát, giải quyết việc thực hiện các khoản kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và điều tra lại các vụ TNLĐ theo quy định của Thông tư này. 7. Báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội việc triển khai các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định của Thông tư này. Điều 15. Trách nhiệm của Tổng cục Hậu cần 1. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN; bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, cải thiện điều kiện lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. 2. Thành lập đoàn điều tra lại BNN theo đề nghị của BHXH Bộ Quốc phòng, gồm: Thủ trưởng Cục Quân y (làm trưởng đoàn); Thủ trưởng Phòng Y học dự phòng/Cục Quân y; cán bộ Viện y học Dự phòng quân đội hoặc Viện y học Dự phòng quân đội Phía Nam/Cục Quân y; đại diện Cơ quan an toàn, bảo hộ lao động quân đội/Tổng cục Kỹ thuật, BHXH Bộ Quốc phòng và các thành viên khác do Trưởng đoàn điều tra quyết định trong trường hợp cần thiết. 3. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị có vụ BNN cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn điều tra lại BNN. 4. Chủ trì, kiểm tra, giám sát, giải quyết việc thực hiện các khoản kinh phí hỗ trợ điều tra lại BNN theo quy định của Thông tư này. 5. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Điều 16. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng 1. Kiểm tra việc đóng, hưởng các chế độ hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động. 2. Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. 3. Yêu cầu Tổng cục Kỹ thuật điều tra lại các vụ TNLĐ hoặc Tổng cục Hậu cần điều tra lại các trường hợp BNN. Cử cán bộ chuyên môn tham gia đoàn điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN. 4. Ra quyết định hỗ trợ kinh phí: Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, điều tra lại TNLĐ, BNN; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Thông tư này. 5. Phối hợp giải quyết việc thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này. 6. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao dự toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro và kinh phí quản lý về TNLĐ, BNN thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 37/2017/TT-BQP; hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện BHXH về TNLĐ, BNN thực hiện theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 7. Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật. Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp 1. Tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư này. 2. Lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN và chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Mẫu số 11 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi về Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt làm cơ sở tổ chức thực hiện; đồng thời gửi BHXH Bộ Quốc phòng để theo dõi, quản lý và bảo đảm kinh phí hỗ trợ. 3. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động theo quy định của pháp luật. 4. Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả kinh phí hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 18. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 01 năm 2022. Điều 19. Trách nhiệm thi hành Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này./. Nơi nhận: - Đ/c Bộ trưởng (để b/c); - Bộ LĐTBXH; - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; - Cục kiểm tra VBQPPL/Bộ Tư pháp; - Cổng TTĐT Chính phủ; - TCKT (03); - Các đầu mối trực thuộc BQP (75); - Lưu: VT, BĐ, CTTĐT, NC. Uân87. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Lê Huy Vịnh PHỤ LỤC MẪU VĂN BẢN THỰC HIỆN HỖ TRỢ TỪ QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP (Kèm theo Thông tư số 153/2021/TT-BQP ngày 23/11/2021 của Bộ trưởng BQP) TT TÊN MẪU NỘI DUNG GHI CHÚ 1 Mẫu số 01 Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. 2 Mẫu số 02 Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. 3 Mẫu số 03 Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. 4 Mẫu số 04 Danh sách người lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. 5 Mẫu số 05 Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN. 6 Mẫu số 06 Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN. 7 Mẫu số 07 Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. 8 Mẫu số 08 Danh sách các đối tượng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. 9 Mẫu số 09 Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. 10 Mẫu số 10 Danh sách các đối tượng được hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. 11 Mẫu số 11 Kế hoạch kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 12 Mẫu số 12 Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mẫu số 01 CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ...../...... V/v đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp ......., ngày ... tháng ... năm ... Kính gửi: ...................... I. THÔNG TIN VỀ CƠ QUAN, ĐƠN VỊ 1. Tên cơ quan, đơn vị: ................................................................................ 2. Điện thoại: ............................................................................... 3. Thư điện tử (Email): ............................................................................... II. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ Đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp sau khi bị TNLĐ, BNN cho người lao động đang làm việc tại cơ sở theo quy định tại Thông tư số ngày tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cụ thể như sau: 1. Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ: Thông tin chi tiết gửi kèm theo văn bản đề nghị này; 2. Tổng số tiền hỗ trợ bằng số là ............................................................ đồng. Bằng chữ ............................................................................................................... Nơi nhận: - Như trên; - ...............; - Lưu: VT.... CHỈ HUY CƠ QUAN, ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 02 DANH SÁCH NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP (Kèm theo Văn bản số ............. ngày .... tháng.... năm... của ......................) Tên cơ quan, đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương).................................................................. .......................................................................................................................................... Số TT Họ và tên Cấp bậc, chức vụ, đơn vị Ngày tháng năm sinh Giới tính Số sổ BHXH/Mã số BHXH Công việc khi bị TNLĐ/BNN Công việc sau khi chuyển đổi nghề Kinh phí đào tạo nghề Mức kinh phí đào tạo nghề được hỗ trợ Ghi chú 1 2 3 4 5 ... Tổng cộng Ghi chú: Danh sách này lập theo từng đầu mối cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Mẫu số 03 BỘ QUỐC PHÒNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ............./QĐ-BHXH Hà Nội, ngày ... tháng ... năm ... QUYẾT ĐỊNH Về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) bắt buộc; Căn cứ Thông tư số 168/2018/TT-BQP ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; Căn cứ hồ sơ đề nghị đào tạo chuyển đổi nghề ngày ......./....../............ của ................................... ...............................................................................; Theo đề nghị của ................. tại Công văn số: ............ngày.......... /.............. /................. QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc năm ... cho ......(1)................................................... Điều 2. Tổng số tiền được hỗ trợ: ...............................................................đồng (Số tiền bằng chữ:...........................................................................) Danh sách người lao động được hỗ trợ và chi tiết mức hỗ trợ kèm theo Quyết định này. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các đồng chí Trưởng phòng Chế độ chính sách/BHXH Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Tài chính đơn vị; - Cơ quan kỹ thuật đơn vị; - Cơ quan kỹ thuật trực thuộc Bộ; - Lưu: TCKT, BHXH BQP, VT... GIÁM ĐỐC (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Ghi chú: (1) Tên đơn vị cấp trung đoàn và tương đương được hỗ trợ kinh phí. Mẫu số 04 DANH SÁCH NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HỖ TRỢ KINH PHÍ ĐÀO TẠO CHUYỂN ĐỔI NGHỀ NGHIỆP (Kèm theo Quyết định số ..................... ngày.... tháng.... năm... của Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng) Tên cơ quan, đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương)........................................................................ .............................................................................................................................................. Số TT Họ và tên Cấp bậc, chức vụ, đơn vị Ngày tháng năm sinh Giới tính Số sổ BHXH/ Mã số BHXH Công việc khi bị TNLĐ/BNN Công việc sau khi chuyển đổi nghề Kinh phí đào tạo nghề Mức kinh phí đào tạo nghề được hỗ trợ Ghi chú 1 2 3 4 5 ... Tổng cộng Ghi chú: Danh sách này lập theo từng đầu mối cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Mẫu số 05 CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ........./............ V/v đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN .........., ngày ... tháng ... năm ... Kính gửi:................... I. THÔNG TIN VỀ CƠ QUAN, ĐƠN VỊ 1. Tên cơ quan, đơn vị: .................................................................................... 2. Điện thoại: .................................................................................... 3. Thư điện tử (Email): .................................................................................... II. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ Đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN theo Công văn số.... của BHXH ngày tháng năm được quy định tại Thông tư số ngày tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cụ thể như sau: 1. Đoàn điều tra TNLĐ, BNN đề nghị hỗ trợ: Thông tin chi tiết gửi kèm theo văn bản đề nghị này; 2. Tổng số tiền hỗ trợ bằng số là .......................................................... đồng. Bằng chữ ............................................................................................................... Nơi nhận: - Như trên; - ..........; - Lưu: VT... CHỈ HUY CƠ QUAN, ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 06 BỘ QUỐC PHÒNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: .............../QĐ-BHXH ................, ngày .... tháng ..... năm .... QUYẾT ĐỊNH Về việc hỗ trợ kinh phí điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc; Căn cứ Thông tư số 168/2018/TT-BQP ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Quốc phòng, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; Căn cứ hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN ngày ..../..../......của .......................... ...........................................................; Theo đề nghị của .................. tại Công văn số: ........ ngày ........./............./..................... QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Hỗ trợ kinh phí điều tra lại TNLĐ, BNN từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc năm ........ cho: ................................................................................................................................................ ................................................................................................................................................ Điều 2. Tổng số tiền được hỗ trợ: ........................................................đồng (Số tiền bằng chữ: ...............................................................) Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các đồng chí Trưởng phòng Chế độ chính sách/BHXH Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - TCKT; - TCHC; - Lưu: BHXH BQP, VT... GIÁM ĐỐC (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Mẫu số 07 CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: .........../............. V/v đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ............., ngày... tháng... năm ... Kính gửi: ................................ I. THÔNG TIN VỀ CƠ QUAN, ĐƠN VỊ 1. Tên cơ quan, đơn vị: ............................................................................... 2. Điện thoại: ............................................................................... 3. Thư điện tử (Email): ............................................................................... II. NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ Đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động đang làm việc tại cơ sở theo quy định tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ, cụ thể như sau: 1. Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ: Thông tin chi tiết gửi kèm theo văn bản đề nghị này; 2. Tổng số tiền hỗ trợ bằng số là ........................................... đồng. Bằng chữ................................................................................ Nơi nhận: - Như trên; - .................; - Lưu: KT, VT... CHỈ HUY CƠ QUAN, ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 08 DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ KINH PHÍ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG (Kèm theo Văn bản số ............... ngày... tháng....năm.... của .............) Tên cơ quan, đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương)..................................................... TT Họ và tên theo hình thức huấn luyện và nhóm đối tượng Cấp bậc, chức vụ, đơn vị Ngày tháng, năm sinh Giới tính Số sổ BHXH/Mã số BHXH Số tháng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN Ngày, tháng năm nhận hỗ trợ kinh phí huấn luyện gần nhất (nếu có) Mức kinh phí đề nghị hỗ trợ Tên tổ chức huấn luyện, thời gian và địa điểm huấn luyện 1 2 3 4 5 6 7 8 9 I Nhóm 1 1.1 Lần đầu .... 1.2 Định kỳ ... II Nhóm 2... 3... 4 2.1 Lần đầu ... 2.2 Định kỳ ... V Nhóm 5 Ghi chú: Danh sách này lập theo từng đầu mối cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Mẫu số 09 BỘ QUỐC PHÒNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: .............../QĐ-BHXH Hà Nội, ngày .... tháng ..... năm .... QUYẾT ĐỊNH Về việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc; Căn cứ Thông tư số 168/2018/TT-BQP ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Bộ Quốc phòng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; Căn cứ hồ sơ đề nghị huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ngày.../.../...của .................................. ................................................................................; Theo đề nghị của ................. tại Công văn số: .............ngày.........../............ /................ QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc năm ... cho .................(1).. ..................................................................................................... ........................................................................................................................................................ Điều 2. Tổng số tiền được hỗ trợ: .................................................................đồng. (Số tiền bằng chữ:...........................................................) Danh sách người lao động được hỗ trợ và chi tiết mức hỗ trợ kèm theo Quyết định này. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các đồng chí Trưởng phòng Chế độ chính sách/BHXH Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu trên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. Nơi nhận: - Tài chính đơn vị; - Cơ quan kỹ thuật đơn vị; - Cơ quan kỹ thuật trực thuộc Bộ; - Lưu: TCKT, BHXH BQP, VT... GIÁM ĐỐC (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Ghi chú: (1) Tên đơn vị cấp trung đoàn và tương đương được hỗ trợ kinh phí. Mẫu số 10 DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ KINH PHÍ HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG (Kèm theo Quyết định số ............. ngày.... tháng.... năm... của Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng) Tên cơ quan, đơn vị (cấp trung đoàn và tương đương)...................................................... TT Họ và tên theo hình thức huấn luyện và nhóm đối tượng Cấp bậc, chức vụ, đơn vị Ngày tháng, năm sinh Giới tính Số sổ BHXH/Mã số BHXH Số tháng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN Ngày, tháng năm nhận hỗ trợ kinh phí huấn luyện gần nhất (nếu có) Mức kinh phí đề nghị hỗ trợ Tên tổ chức huấn luyện, thời gian và địa điểm huấn luyện I Nhóm 1 1.1 Lần đầu ... 1.2 Định kỳ ... II Nhóm 2...3...4 2.1 Lần đầu ... 2.2 Định kỳ ... V Nhóm 5 5.1 Lần đầu ... 5.2 Định kỳ ... Ghi chú: Danh sách này lập theo từng đầu mối cấp trung đoàn và tương đương trở lên. Mẫu số 11 CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ............../.............. ........, ngày ... tháng... năm ... KẾ HOẠCH Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm ....(1) (Lưu ý: Từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên phải lập kế hoạch này theo phần trách nhiệm của các cơ quan trong Thông tư này) - Căn cứ Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 Chính phủ; - Căn cứ Thông tư số ngày tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và kế hoạch kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Bộ Quốc phòng. .............. (cơ quan, đơn vị) xây dựng kế hoạch “Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm …”, chi tiết tại bảng sau: TT Nội dung Kinh phí (triệu đồng) Ghi chú Đã thực hiện năm (2) Thực hiện trong năm lập kế hoạch...(1) Đề xuất/Dự kiến kế hoạch năm... (4) Đề xuất/ Kế hoạch Số được giao Số thực hiện Đề xuất/ Kế hoạch Số được giao Số đã thực hiện (3) Ước tính số thực hiện cả năm I Số thu BHXH về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp II Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp III Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro 1 Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp 2 Phục hồi chức năng lao động 3 Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 4 Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động IV Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (5) Nơi nhận: - Như trên; - .............; - Lưu: KT, VT... CHỈ HUY CƠ QUAN, ĐƠN VỊ (Ký tên, đóng dấu) ------------------------ Ghi chú: (1) Ghi năm (thời điểm) lập kế hoạch. (2) Ghi năm liền kề trước năm lập kế hoạch. (3) Số thực hiện đến thời điểm báo cáo (nếu có) trong năm lập kế hoạch. (4) Ghi năm liền kề sau năm lập kế hoạch. (5) Ghi chi phí cần thiết để cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN theo quy định. Mẫu số 12 BỘ QUỐC PHÒNG BẢO HIỂM XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ........../............. ......., ngày ..... tháng ....... năm ....... BÁO CÁO Tổng hợp tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm ... Thực hiện Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng ................. báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội về TNLĐ, BNN năm ...” như sau: TT Tên chỉ tiêu thống kê Số người Tổng kinh phí thực hiện trong năm (1) (đồng) Phát sinh mới trong năm Tổng số thực hiện trong năm (1) 1 Số được hưởng hàng tháng 1.1 Người bị TNLĐ a Trong đó, suy giảm khả năng lao động (KNLĐ): 31% -40% b 41% - 50% c 51%-60% d 61%-70% đ 71% - 80% e 81%-100% 1.2 Người bị BNN a Trong đó, suy giảm KNLĐ: 31% - 40% b 41%-50% c 51%-60% d 61%-70% đ 71%-80% e 81%-100% 1.3 Phục vụ TNLĐ, BNN 2 Số được hưởng một lần(2) 2.1 Trợ cấp TNLĐ 1 lần a Trong đó, suy giảm KNLĐ: 5 % - 10% b 11%-20% c 21%-30% d Chết do TNLĐ 2.2 Trợ cấp BNN 1 lần a Trong đó, suy giảm KNLĐ: 5 % - 10% b 11 %-20% c 21% - 30% 2.3 Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 2.4 Giám định thương tật 2.5 Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro 2.6 Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 2.7 Mua bảo hiểm y tế 3 Người bị tai nạn giao thông được hưởng chế độ TNLĐ 3.1 Số được hưởng hằng tháng 3.2 Số được hưởng một lần Nơi nhận: - Như trên; - ............; - Lưu: BHXHQP, VT.... GIÁM ĐỐC (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) Ghi chú: (1) Tổng số thực hiện trong năm: Bao gồm cả số phát sinh mới và số tiếp tục được chi trả chế độ từ năm trước chuyển sang. (2) Số được hưởng 1 lần: “Số phát sinh mới trong năm” bằng “Tổng số thực hiện trong năm” (giá trị cột 2 bằng giá trị cột 3). (3) Bao gồm cả TNLĐ khi tham gia giao thông, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc.
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "23/11/2021", "sign_number": "153/2021/TT-BQP", "signer": "Lê Huy Vịnh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Thong-tu-62-2007-TT-BTC-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-cuong-che-thi-hanh-quyet-dinh-hanh-chinh-linh-vuc-hai-quan-huong-dan-97-2007-ND-CP-21729.aspx
Thông tư 62/2007/TT-BTC xử lý vi phạm hành chính cưỡng chế thi hành quyết định hành chính lĩnh vực hải quan hướng dẫn 97/2007/NĐ-CP
BỘ TÀI CHÍNH ****** Số: 62/2007/TT-BTC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ****** Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2007 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 97/2007/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005; Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Căn cứ Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Căn cứ Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Căn cứ Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau: Phần I: XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HẢI QUAN I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hải quan (bao gồm cả thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (sau đây gọi tắt là Nghị định số 97/2007/NĐ-CP) phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan. 2. Việc áp dụng các quy định của Nghị định số 97/2007/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 3 Điều 55 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 3. Việc xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan phải tuân thủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 4. Người khai hải quan, người nộp thuế có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan và Điều 6, Điều 7 Luật Quản lý thuế và có quyền đề nghị cơ quan hải quan cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ việc kê khai, làm thủ tục hải quan và thủ tục về thuế theo đúng quy định pháp luật. Cơ quan hải quan có nghĩa vụ giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế không thực hiện các quyền của mình dẫn đến có hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. 5. Áp dụng các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính a) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về hải quan thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP hoặc các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan. Cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà từ chối nhận hàng thì vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do mình thực hiện. b) Trường hợp hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan là hệ quả của một hành vi vi phạm khác trong cùng lĩnh vực hải quan thì chỉ xử phạt đối với hành vi vi phạm có chế tài xử phạt nặng hơn. c) Một hành vi vi phạm do cùng một cá nhân, tổ chức thực hiện ở cùng một thời điểm trên nhiều tờ khai, hợp đồng thì chỉ xử phạt một lần; đồng thời áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực”. d) Trường hợp đã bị xử phạt về một hành vi vi phạm, nhưng chưa hết một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm ở lô hàng khác thì áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 khi ra quyết định xử phạt. đ) Vi phạm lần đầu trong lĩnh vực hải quan nêu tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP là trường hợp cá nhân, tổ chức trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan nhưng đã qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm. 6. Trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về hải quan theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP: a) Hàng hoá, phương tiện vận tải đưa vào Việt Nam do bị hoả hoạn, thiên tai, địch hoạ, sự kiện bất ngờ, trong tình thế cấp thiết phải khai và đã thực hiện khai với cơ quan hải quan, cơ quan có thẩm quyền khác hoặc chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Trường hợp không khai sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; b) Việc thông báo nhầm lẫn quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP phải được người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp thực hiện bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi cho cơ quan hải quan kèm theo các chứng từ liên quan đến việc nhầm lẫn trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá; được Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan chấp nhận. Trường hợp có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và/hoặc người vận chuyển để vận chuyển trái phép hoặc buôn lậu thì cơ quan hải quan có quyền từ chối chấp nhận nhầm lẫn. c) Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP bao gồm các trường hợp sau: - Người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện những sai sót trong hồ sơ hải quan và khai bổ sung trong thời hạn quy định; - Người khai hải quan, người nộp thuế kiểm tra lại việc tính thuế và khai bổ sung trong thời hạn quy định sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan. d) Các trường hợp quy định tại khoản 5, 6 và 8 Điều 7 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP: - Tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đã đủ cơ sở xác định thuộc trường hợp không xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ lập biên bản chứng nhận lưu hồ sơ; - Nếu chưa đủ cơ sở xác định hành vi vi phạm có thuộc trường hợp không xử phạt hay không thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính về hải quan; trên cơ sở hồ sơ hải quan, tài liệu có liên quan, biên bản vi phạm hành chính về hải quan để ra quyết định về việc không xử phạt. đ) Trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định: Người khai hải quan khai sai mã số, thuế suất lần đầu, cơ quan Hải quan hướng dẫn để khai lại mã số, thuế suất cho chính xác, lập biên bản chứng nhận và không xử phạt. Việc khai sai mã số, thuế suất được coi là lần đầu khi đáp ứng các điều kiện: - Trong thời hạn một năm (tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan xuất, nhập khẩu lô hàng khai sai mã số, thuế suất) cá nhân, tổ chức chưa xuất, nhập khẩu mặt hàng đó; hoặc đã xuất, nhập khẩu mặt hàng đó nhưng khai mã số, thuế suất chưa đúng và chưa được phát hiện; - Cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt về hành vi khai sai mã số, thuế suất của mặt hàng đó nhưng đã qua một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm; - Chưa được cơ quan Hải quan hướng dẫn khai mã số, thuế suất mặt hàng này hoặc đã hướng dẫn nhưng chưa đúng. 7. Cách xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm Đối với tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu thì trị giá xác định theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003, hướng dẫn tại Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 6 tháng 3 năm 2007 và Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tài chính; Đối với tang vật, phương tiện không bị tịch thu thì trị giá tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá tính thuế, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định giá tính thuế ở thời điểm lập biên bản vi phạm; nếu là ngoại hối thì tỷ giá được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 8/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. 8. Đối với hành vi vi phạm không bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả thì hàng hoá, phương tiện vi phạm được tiếp tục làm thủ tục hải quan theo quy định pháp luật nếu cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp đủ tiền phạt hoặc được Tổ chức tín dụng, tổ chức khác hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh đối với số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt; hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế thì phải nộp đủ các loại thuế và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. 9. Trường hợp quá thời hiệu xử phạt quy định tại Điều 5 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì không xử phạt nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm đó (nếu có), trường hợp tang vật vi phạm thuộc đối tượng chịu thuế thì phải nộp đủ thuế và các nghĩa vụ tài chính theo quy định. 10. Cách tính thời hạn, thời hiệu a) Thời hạn, thời hiệu trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng, năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động. b) Thời hạn trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động. II. ÁP DỤNG CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ MỨC PHẠT 1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả a) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về hải quan phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo hoặc phạt tiền. Cảnh cáo: áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ, được quy định tại khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Phạt tiền: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2007/NĐ-CP. b) Ngoài hình thức xử phạt chính, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm; cá nhân, tổ chức có thể còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. c) Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên; cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, gồm: - Buộc tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm là văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng; - Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, phương tiện vi phạm tại cửa khẩu nhập; - Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm đã tiêu thụ, tẩu tán, tiêu huỷ trái với quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu mọi chi phí để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Đối với vi phạm quy định tại Điều 8 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Thời hạn làm thủ tục hải quan tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP là thời hạn quy định tại Điều 18 Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu; b) Khai bổ sung hồ sơ khai thuế tại điểm c khoản 1 Điều 8 bao gồm các trường hợp: - Người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện những sai sót trong hồ sơ hải quan và bổ sung hồ sơ khi quá 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra, phát hiện; - Sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế kiểm tra lại việc tính thuế và khai bổ sung khi quá 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra, phát hiện. c) Chỉ xử phạt hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP nếu trong giấy phép, tờ khai hải quan hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật có quy định thời gian phải tái nhập hoặc tái xuất. d) Thời hạn tại điểm c khoản 2 Điều 8 là thời hạn thanh khoản hợp đồng, tờ khai hoặc hàng hoá, bao gồm cả thời hạn giải quyết nguyên vật liệu dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan. 3. Đối với vi phạm quy định tại Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Trường hợp nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm không đúng với khai hải quan mà việc làm thủ tục hải quan do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu không có căn cứ xác định có sự thông đồng giữa người gửi hàng, người nhận hàng và người làm thủ tục hải quan nhằm mục đích gian lận thì không xử phạt. b) Đối với hành vi không khai hoặc khai sai nhưng hàng hoá thuộc danh mục hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại đã được Bộ Tài chính hoặc cơ quan do Bộ Tài chính uỷ quyền xác nhận thì xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. Trường hợp hàng hoá không thuộc danh mục đã được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. c) Trường hợp nhập khẩu không đúng với khai hải quan nhưng hàng hoá là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, linh kiện nhập khẩu thuộc diện miễn thuế như: hàng hoá thuộc hợp đồng gia công đã đăng ký, hàng hoá thuộc danh mục miễn thuế của dự án đầu tư thì xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định, trừ lùi vào hợp đồng hoặc danh mục đã đăng ký; trường hợp hàng hoá không thuộc diện miễn thuế thì xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. d) Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với trường hợp khai và làm thủ tục hải quan nhưng không xuất khẩu hoặc xuất khẩu thiếu so với khai hải quan. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tờ khai hải quan không có giá trị làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan. Trường hợp hàng hoá tạm xuất, tái xuất thiếu so với khai báo hải quan thì không xử phạt theo quy định tại điểm này mà tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để xử phạt theo điểm c khoản 2 hoặc khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. đ) Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 được áp dụng trong trường hợp việc khai sai các tiêu chí trong hồ sơ thanh khoản hàng hoá của doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế và các doanh nghiệp khác trong khu phi thuế quan làm sai lệch số lượng, trọng lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá được thanh khoản. e) Việc xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 9 được áp dụng đối với các hành vi vi phạm thuộc các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá dẫn đến làm thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu. g) Vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mà nội dung khai sai là hệ quả của các hành vi vi phạm nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. h) Đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hoá, thuế suất, xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cần kiểm tra xác minh để làm rõ; nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xử phạt theo quy định tại điểm b hoặc điểm d khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. i) Vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mà số nguyên vật liệu chênh lệch đã tiêu thụ tại thị trường trong nước thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt theo quy định tại điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. k) Đối với hành vi khai nhiều hơn so với thực tế hàng hoá xuất khẩu là sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (bao gồm cả nguyên vật liệu gia công tái xuất) về chủng loại, số lượng, trọng lượng dẫn đến số thuế chênh lệch dưới 50 triệu đồng thì xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 4. Đối với vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Các hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP áp dụng đối với trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu, giấy thông hành mang theo ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt hoặc vàng dạng khối, thỏi, hạt, miếng vi phạm các quy định về khai hải quan khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Các trường hợp mang ngoại tệ, tiền Việt Nam bằng tiền mặt hoặc vàng trái phép khác qua biên giới thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. b) Trị giá tang vật vi phạm là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ, vàng, tiền Việt Nam không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật. c) Trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh mang vàng trang sức vi phạm quy định về khai hải quan thì xử phạt như đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khác. 5. Đối với vi phạm quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với trường hợp không thực hiện những nội dung mà cơ quan hải quan yêu cầu theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kiểm tra, thanh tra thuế. b) Quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định việc lưu mẫu, lưu hồ sơ, chứng từ. c) Khi phát hiện hành vi quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì phải lập biên bản thu giữ niêm phong hải quan hoặc giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan bị giả mạo. Trường hợp các giấy tờ này là giấy phép thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép biết. d) Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP chỉ áp dụng đối với trường hợp tang vật vi phạm chưa bị tẩu tán, tiêu thụ. Trường hợp tang vật vi phạm không còn thì bị xử phạt theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 6. Đối với vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP Hành vi vi phạm quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 13 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP do người dưới 14 tuổi thực hiện thì lập biên bản chứng nhận, ra quyết định tịch thu hoặc tiêu huỷ tang vật. 7. Đối với vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Chứng từ, tài liệu nêu tại điểm a khoản 1 Điều 14 bao gồm các chứng từ, tài liệu nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau khi thông quan làm căn cứ xác định hoặc chứng minh số thuế phải nộp. b) “Lần nhập khẩu trước” nêu tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP được xác định trong khoảng thời gian một năm (365 ngày) trước thời điểm vi phạm. c) Đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hoá, thuế suất, xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu: Trường hợp phát hiện sau khi hàng hoá đã thông quan, quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm mà người vi phạm chưa nộp đủ thuế theo quy định thì xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. d) Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 áp dụng trong trường hợp tại thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra, lượng hàng hoá không còn hoặc còn lại ít hơn so với báo cáo thanh khoản hoặc sổ sách của doanh nghiệp. đ) Đối với hành vi khai khống hàng hoá xuất khẩu là sản phẩm gia công, sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu: - Trường hợp làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu thì xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tờ khai hải quan không có giá trị làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan; - Trường hợp khai nhiều hơn so với thực tế hàng hoá xuất khẩu về chủng loại, số lượng, trọng lượng dẫn đến số thuế chênh lệch từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. e) Hành vi nêu tại điểm m khoản 1 Điều 14 Nghị định được áp dụng khi cơ quan hải quan có đủ căn cứ xác định người nộp thuế biết rõ hàng hoá thực xuất khẩu, thực nhập khẩu mà không khai hoặc khai sai để trốn thuế. g) Cách tính chênh lệch thuế và áp dụng mức phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Số thuế chênh lệch là số thuế phải nộp của mặt hàng thực xuất khẩu, nhập khẩu, trừ đi số thuế mà chủ hàng đã khai báo trên tờ khai hải quan. Khi xem xét để quyết định xử phạt hành vi trốn thuế, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. 8. Đối với vi phạm liên quan đến giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu a) Giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật nêu tại Điều 16 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP là giấy phép, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. b) Trường hợp hàng hoá thuộc danh mục nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc quản lý của các Bộ chuyên ngành (không thuộc danh mục cấm nhập khẩu), chưa quá thời hạn làm thủ tục hải quan nhưng chủ hàng không làm thủ tục nhập khẩu mà xin tái xuất thì không xử phạt. c) Trường hợp nhập khẩu hàng hoá, vật phẩm vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP nhưng do doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật, nếu người nhận hàng từ chối nhận và không có căn cứ xác định việc đưa hàng hoá vào Việt Nam theo yêu cầu của người nhận hàng thì không xử phạt người nhận hàng. Tang vật vi phạm giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. d) Biện pháp buộc tái xuất hoặc buộc đưa hàng hoá ra khỏi Việt Nam phải được thực hiện ngay tại cửa khẩu nhập; đ) Chỉ áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép đối với giấy phép liên quan trực tiếp đến hàng hoá là tang vật vi phạm. Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác cấp, trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt, cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó biết về việc xử lý của mình. 9. Đối với vi phạm quy định về kho ngoại quan, kho bảo thuế Trường hợp hợp đồng thuê kho ngoại quan hết hạn mà chủ hàng không làm thủ tục gia hạn hợp đồng thuê kho theo quy định của pháp luật, không thông báo với cơ quan hải quan, không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, hàng hoá sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005. 10. Đối với vi phạm của Kho bạc nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức, cá nhân có liên quan a) Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP được áp dụng đối với trường hợp quá 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn trích tiền từ tài khoản mà Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác không thực hiện trích, chuyển toàn bộ hoặc một phần tương ứng số tiền phải nộp từ tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan hải quan khi tại thời điểm nhận được quyết định cưỡng chế, tài khoản tiền gửi của người bị cưỡng chế có số dư đủ hoặc thừa so với số tiền thuế, tiền phạt. b) Quy định tại khoản 3 Điều 19 không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế. Tổ chức, cá nhân là đối tượng nộp thuế có hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin thì xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. III. XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI CƠ QUAN HẢI QUAN, CÔNG CHỨC HẢI QUAN 1. Cơ quan hải quan phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ; cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật. 2. Thủ tục, trình tự giải quyết bồi thường thiệt hại thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. IV. THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ BẢO ĐẢM VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH 1. Khi áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: a) Chỉ những người có thẩm quyền quy định tại Điều 23 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mới có quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính. b) Việc tạm giữ người phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. c) Chỉ tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự trong địa bàn hoạt động hải quan, gây thương tích cho công chức hải quan đang thi hành công vụ hoặc cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính trong các trường hợp: người vi phạm không có giấy tờ tuỳ thân, không biết rõ lai lịch nhân thân, không có nơi cư trú nhất định, cần xác minh làm rõ lai lịch nhân thân và những tình tiết quan trọng liên quan đến hành vi vi phạm hành chính. d) Việc tạm giữ người phải tuân thủ Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định 162/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ. 2. Tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính a) Khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải tuân theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. Trong một lô hàng có hàng hoá là tang vật vi phạm và hàng hoá không phải là tang vật vi phạm thì chỉ được tạm giữ hàng hoá là tang vật vi phạm. Trường hợp chưa xác định được có vi phạm xảy ra hay không thì chỉ lấy mẫu hàng hoá để làm cơ sở xác định. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh không bị tạm giữ thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. b) Công chức hải quan được ra quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp phạm pháp quả tang, nếu không áp dụng biện pháp tạm giữ ngay thì tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, đánh tráo để xoá dấu vết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định, người ra quyết định phải báo cáo và phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng trực tiếp là người được quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. c) Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người nộp thuế, thanh tra thuế mà phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Hải quan, Trưởng đoàn thanh tra thuế có thẩm quyền quyết định tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 3. Khám người theo thủ tục hành chính Thẩm quyền và trình tự khám người theo thủ tục hành chính phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 25 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 4. Khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính a) Thẩm quyền và trình tự khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính phải tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. b) Việc khám phương tiện vận tải, đồ vật của các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự phải tuân theo các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập và phải có quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Khi có cơ sở khẳng định hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, miễn trừ lãnh sự chứa đựng những đồ vật không được hưởng ưu đãi, hoặc chứa những đồ vật thuộc loại Nhà nước Việt Nam cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc không tuân thủ các chế độ kiểm dịch của Việt Nam, thì việc khám xét thực hiện theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trước mặt viên chức ngoại giao hoặc người được uỷ quyền đại diện cho họ. 5. Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện liên quan đến hành vi vi phạm a) Chỉ những người được quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mới có thẩm quyền ra quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 49 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Điều 27 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. b) Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người nộp thuế, thanh tra thuế mà phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thì Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Hải quan có thẩm quyền quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. V. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT 1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cấp hải quan quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung phạt tiền quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về hải quan thì thẩm quyền xử phạt được xác định như sau: a) Nếu hình thức, mức xử phạt được qui định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; b) Trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc đó đến người có thẩm quyền xử phạt. 2. Những người quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn; trốn thuế, gian lận thuế; chậm nộp tiền thuế; không thực hiện trích, chuyển tiền từ tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều 9, Điều 14, Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định. Mức xử phạt được xác định theo quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, không hạn chế mức tối đa theo số tiền phạt. 3. Đối với vi phạm hành chính mà hồ sơ liên quan đến nhiều đơn vị hải quan, đơn vị nào phát hiện, lập biên bản đầu tiên thì đơn vị đó ra quyết định xử phạt; những đơn vị liên quan có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của đơn vị thụ lý vụ vi phạm; Trường hợp vi phạm liên quan đến hàng hoá chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu phát hiện, nếu có dấu hiệu hình sự thì Chi cục Hải quan cửa khẩu yêu cầu Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự; trường hợp xử lý hành chính thì Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển hồ sơ để Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai xử phạt theo thẩm quyền, thông báo kết quả xử lý cho Chi cục Hải quan cửa khẩu biết. 4. Khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan, người có thẩm quyền xử phạt cần đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự để xác định đó là vi phạm hành chính hay tội phạm. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Đối với dấu hiệu của tội trốn thuế thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra theo quy định. 5. Đối với những vụ vi phạm có khung phạt tiền mức tối đa vượt thẩm quyền thì Cục trưởng Cục Hải quan làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) nơi phát hiện vi phạm để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt; Hồ sơ vụ vi phạm hành chính về hải quan khi chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phải kèm theo bản tóm tắt nội dung sự việc và ý kiến của Cục trưởng Cục Hải quan về biện pháp xử lý. Thủ tục bàn giao hồ sơ những vụ vi phạm hành chính về hải quan sang Uỷ ban nhân dân tỉnh phải thực hiện theo đúng quy định. Thời gian xem xét giải quyết ở mỗi cấp được quy định như sau: - Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Cục trưởng Cục Hải quan phải gửi hồ sơ, kiến nghị hình thức xử phạt vi phạm hành chính để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp hoặc trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn trên là không quá 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu có tang vật vi phạm bị tạm giữ, cơ quan hải quan vẫn phải có trách nhiệm quản lý; riêng tang vật là ngoại hối, kim khí quý, đá quý phải niêm phong và gửi Kho bạc Nhà nước; - Các vụ vi phạm hành chính do cơ quan hải quan chuyển sang Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền, thì sau khi có quyết định xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan nơi thụ lý vụ vi phạm hành chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt. Hàng tháng, Cục trưởng Cục Hải quan phải báo cáo kết quả việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu có) với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. 6. Đối với các vụ vi phạm do các đơn vị thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện bắt giữ mà có mức phạt vượt quá thẩm quyền của Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu thì thẩm quyền xử phạt do Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện theo quy định. 7. Đối với các vụ vi phạm ngoài việc xử phạt còn phải truy thu thuế mà người có thẩm quyền xử phạt không có thẩm quyền truy thu thuế thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi mở tờ khai ra quyết định truy thu theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử phạt. VI. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH 1. Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan bằng hình thức cảnh cáo thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ. 2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt của cấp có thẩm quyền. 3. Việc ra quyết định xử phạt thực hiện theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, quy định tại Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ. 4. Thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 (mười) ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 (ba mươi) ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian xác minh, thu thập chứng cứ để ra quyết định xử phạt thì cấp có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn, thời hạn gia hạn không được quá 30 (ba mươi) ngày. 5. Đối với những vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt nhưng Cục trưởng Cục Hải quan chưa chuyển hồ sơ tới Chủ tịch UBND tỉnh do chưa xác minh xong, nếu cần gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt thì Cục trưởng Cục Hải quan báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để xin gia hạn. 6. Đối với hành vi chậm nộp tiền thuế quy định tại Điều 15 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì không lập biên bản và ra quyết định xử phạt mà người nộp thuế tự xác định số tiền phạt do chậm nộp thuế để nộp vào Ngân sách nhà nước. Quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế mà người nộp thuế vẫn chưa nộp đủ tiền thuế, tiền phạt thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 7 Điều 28 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ra thông báo về số tiền thuế nợ và số tiền phạt chậm nộp thuế tính đến thời điểm đó, đồng thời yêu cầu người nộp thuế, người bảo lãnh nộp thuế nộp đủ tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách. 7. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự lợi dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao để thực hiện hoạt động thương mại ngoài phạm vi chức năng của họ, vi phạm hành chính về hải quan thì trước khi xử phạt, cần trao đổi với cơ quan ngoại giao. 8. Quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính: Toàn bộ tiền phạt thu được phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành. Sau khi hết thời hạn khiếu nại hoặc khiếu nại đã giải quyết xong, căn cứ kết quả xử lý, cơ quan hải quan chuyển số tiền trên từ tài khoản tạm giữ vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. 9. Miễn xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP a) Việc xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với trường hợp bị xử phạt về các hành vi vi phạm tại khoản 4 Điều 9, Điều 14, Điều 15 và Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. b) Hồ sơ miễn xử phạt vi phạm hành chính gồm có: - Đơn đề nghị miễn xử phạt vi phạm hành chính, trong đó nêu rõ căn cứ đề nghị miễn xử phạt; - Biên bản vi phạm hành chính; - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có); - Xác nhận của chính quyền địa phương về nội dung, thời điểm xảy ra thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc bất khả kháng khác. - Biên bản do người đại diện của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phối hợp với chính quyền địa phương lập xác định giá trị tài sản, hàng hoá bị thiệt hại, nguyên nhân thiệt hại, giá trị tài sản, hàng hoá có thể thu hồi được; - Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có); - Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có). c) Thủ tục, trình tự xét miễn xử phạt vi phạm hành chính: - Hồ sơ đề nghị miễn xử phạt được nộp tại cấp có thẩm quyền quyết định miễn xử phạt quy định tại khoản 4 Điều 38 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP; - Trên cơ sở hồ sơ quy định, đối chiếu với điều kiện được miễn xử phạt vi phạm hành chính nêu tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan xem xét và ra quyết định miễn xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp có nghi vấn về tính trung thực của hồ sơ miễn xử phạt thì phải kiểm tra, xác minh trước khi quyết định. d) Không thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp đang xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính. 10. Chuyển hồ sơ để xử lý hình sự a) Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xem xét để khởi tố vụ án (đối với những tội quy định tại Điều 153, 154 Bộ luật Hình sự) hoặc có văn bản kèm hồ sơ photocopy đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xem xét khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự khác. b) Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thông báo về quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan hải quan phải chuyển hồ sơ gốc vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. c) Quá thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà cơ quan hải quan chưa nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc khởi tố hay không khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 28 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan tố tụng hình sự biết về việc đã xử phạt vi phạm hành chính. Thời hạn ra quyết định xử phạt được tính lại kể từ thời điểm cơ quan hải quan có quyền quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. Phần II: CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HẢI QUAN I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đã quá thời hạn tự nguyện chấp hành các quyết định này mà không tự nguyện chấp hành hoặc có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn và phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan theo quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 2. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định tại Luật Quản lý thuế, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 3. Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế bao gồm a) Người khai hải quan, người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành các quyết định hành chính nêu tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mà không chấp hành. b) Kho bạc nhà nước, Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không trích nộp, khấu trừ tiền của đối tượng bị cưỡng chế vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước. c) Người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế, tiền phạt thay cho người nộp thuế theo thông báo của cơ quan hải quan trong trường hợp người nộp thuế không nộp tiền thuế, tiền phạt. d) Tổ chức, cá nhân nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế không chấp hành quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản của người nộp thuế do họ nắm giữ. đ) Tổ chức, cá nhân có liên quan không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan. 4. Trường hợp ra quyết định cưỡng chế a) Đối với các quyết định hành chính về thuế (bao gồm các quyết định nêu tại điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 41 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và các quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 9, Điều 14 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP): - Quá 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan mà cá nhân, tổ chức hoặc người bảo lãnh của họ không tự nguyện chấp hành; - Cá nhân, tổ chức chưa chấp hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan mà có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn. b) Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực hải quan: quá 10 (mười) ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức hoặc người bảo lãnh của họ không tự nguyện chấp hành. c) Người nộp thuế không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong thời gian được gia hạn nộp tiền thuế, tiền phạt theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. 5. Theo dõi, đôn đốc thu nợ tiền thuế, tiền phạt a) Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm theo dõi, quản lý các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt; thường xuyên phân loại đối tượng nợ, các khoản nợ để đôn đốc, thu nợ đến trước thời điểm áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Hình thức đôn đốc, thu nợ tiền thuế, tiền phạt: - Gửi thông báo yêu cầu người nộp thuế, người bảo lãnh nộp thuế nộp đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt; - Trực tiếp đến trụ sở người nộp thuế để đòi nợ tiền thuế, tiền phạt; - Thông tin trên hệ thống mạng về danh sách các đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt quá hạn; - Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về đối tượng nợ tiền thuế, tiền phạt; số tiền thuế nợ, tiền phạt. b) Người nộp thuế, người bảo lãnh còn nợ tiền thuế, tiền phạt khi nhận được thông báo của cơ quan hải quan về việc nợ tiền thuế, tiền phạt phải nhanh chóng thực hiện việc nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn quy định tại khoản 4 nêu trên mà vẫn chưa thực hiện thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu tại Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. 6. Thẩm quyền quyết định cưỡng chế a) Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan ra quyết định cưỡng chế và tổ chức việc cưỡng chế thi hành đối với quyết định hành chính do mình hoặc cấp dưới của mình ban hành. Trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản; thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ mà doanh nghiệp hoặc người nắm giữ tài sản có trụ sở đóng ở địa bàn khác thì Cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan ra quyết định cưỡng chế và chuyển quyết định đến Cục Hải quan nơi quản lý địa bàn đó để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp cần áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP mà tổ chức bị cưỡng chế nợ tiền thuế, tiền phạt tại nhiều Cục Hải quan thì Tổng cục Hải quan thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi sử dụng mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP và Điều 65 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP. b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan do mình ban hành. 7. Xác minh điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế a) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm kiểm tra cơ sở dữ liệu thông tin hiện có về người khai hải quan, người nộp thuế và có quyền tiến hành xác minh những thông tin về tài khoản, tài sản, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế trước thời điểm ra quyết định cưỡng chế. Chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan phải tạo điều kiện, cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định cưỡng chế. b) Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cần căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán, đồng thời có thể thông báo rộng rãi để người có quyền, nghĩa vụ liên quan bảo vệ lợi ích của họ. Đối với đối tượng bị cưỡng chế là các cơ quan hoặc tổ chức, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế cần xác minh số tiền cưỡng chế có khả năng thu được bằng việc trực tiếp xem xét tài sản, kiểm tra hệ thống sổ sách quản lý vốn, tài sản... và thông qua các cơ quan khác như: cơ quan quản lý vốn, tài sản hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, ngân hàng, tổ chức tín dụng, người vận chuyển, cá nhân, tổ chức liên quan khác để xác minh điều kiện về tiền, tài sản của các cơ quan, tổ chức này. 8. Thủ tục gửi văn bản yêu cầu, thông báo, quyết định về cưỡng chế đến người bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan a) Công chức hải quan có nhiệm vụ thi hành quyết định cưỡng chế giao trực tiếp văn bản cho người có thẩm quyền của tổ chức hoặc người nhận có tên trên văn bản. Trong trường hợp có khó khăn trong việc giao trực tiếp thì việc chuyển văn bản được thực hiện bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. Nếu người nhận vắng mặt thì các văn bản về thi hành quyết định cưỡng chế được giao cho Thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác hoặc người thân thích có năng lực hành vi dân sự đầy đủ cùng sống trong một gia đình nhận thay; yêu cầu người đó cam kết chuyển kịp thời, đúng thời gian quy định đến tận tay người được thông báo. Việc giao, nhận, thông báo phải được ký xác nhận; thời điểm giao văn bản là thời điểm người nhận thay cam kết chuyển văn bản cho người nhận. Trường hợp vì lý do khách quan mà người đã cam kết nhận thay không chuyển được văn bản cho người được nhận thì phải thông báo cho cơ quan hải quan biết. b) Trong trường hợp không thực hiện được việc gửi văn bản theo điểm a nêu trên thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thông báo nội dung văn bản bằng hình thức niêm yết công khai bản chính văn bản trong thời gian ít nhất là 05 (năm) ngày làm việc tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi cư trú của người được thông báo và tại nơi ở của người được thông báo nếu xác định được nơi ở cụ thể của người đó. Việc niêm yết công khai phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, thời gian niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết, có xác nhận của chính quyền địa phương. c) Trong trường hợp không thể thực hiện việc thông báo theo các hình thức nêu trên thì thông báo liên tiếp hai lần trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình của trung ương hoặc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu xác định đối tượng bị cưỡng chế đang ở tại địa phương đó. Khi hoàn thành việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận đã thực hiện xong việc thông báo và gửi cơ quan hải quan để lưu hồ sơ. 9. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan a) Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với trường hợp quy định tại Điều 42 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. b) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ của nghĩa vụ thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế của đối tượng bị cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương để quyết định áp dụng lần lượt các biện pháp cưỡng chế quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. Trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp tiếp theo mà có thông tin, điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế trước đó theo thứ tự tại Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có quyền ra quyết định thực hiện biện pháp cưỡng chế trước để bảo đảm thu đủ số tiền thuế, tiền phạt. c) Không được tổ chức cưỡng chế trong các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động và ngoài giờ hành chính, 15 (mười lăm) ngày trước và sau Tết nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách - nếu họ là đối tượng bị cưỡng chế, trừ trường hợp cần ngăn chặn đối tượng bị cưỡng chế có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành quyết định cưỡng chế. 10. Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế a) Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế. Cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo đảm trật tự trong quá trình cưỡng chế. b) Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc cơ quan chủ trì tổ chức cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế. c) Trường hợp nếu thấy cần thiết phải có lực lượng Công an nhân dân trong quá trình thi hành cưỡng chế thì phải có văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan Công an liên quan 05 (năm) ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng. Khi có yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình cưỡng chế, lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm bố trí lực lượng ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế. II. BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI 1. Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi để thi hành các quyết định hành chính về thuế a) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế tổ chức xác minh trực tiếp hoặc bằng văn bản các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế. Việc gửi và nhận văn bản được thực hiện theo chế độ đối với văn bản mật, nếu gửi qua đường bưu điện thì phải thực hiện bằng hình thức bảo đảm. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế khi được cung cấp. b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền, đối tượng bị cưỡng chế; Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác phải cung cấp bằng văn bản về tên của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản, số và ký hiệu các tài khoản, số liệu về tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế. Quá thời hạn quy định mà các tổ chức nêu trên không cung cấp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. c) Người có thẩm quyền căn cứ vào thông tin đã nhận được để ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; số tiền bị khấu trừ (theo số ghi trên quyết định hành chính và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 (năm) ngày trước khi tiến hành cưỡng chế); lý do khấu trừ; họ tên, mã số thuế, số tài khoản của đối tượng bị khấu trừ; tên, địa chỉ Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác, tổ chức tài chính nơi người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ mở tài khoản; tên, địa chỉ, số tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc nhà nước, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ nêu trên; thời hạn thi hành và phải được người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế ký tên và đóng dấu. d) Quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản tiền gửi được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác nơi tổ chức, cá nhân bị áp dụng cưỡng chế có tiền gửi tại ngân hàng và các cơ quan có liên quan 05 (năm) ngày trước khi tiến hành cưỡng chế. đ) Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác ở Việt Nam nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản có trách nhiệm tiến hành phong toả các tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế ngay khi nhận được quyết định cưỡng chế; chuyển số tiền của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế; đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết. e) Quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế mà tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế không còn để trích nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước thì Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định cưỡng chế biết. g) Trong thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế, nếu trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế còn số dư mà các tổ chức nêu trên không thực hiện trích nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. h) Trường hợp đã thu đủ tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho Kho bạc nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác dừng việc phong toả tài khoản và dừng việc thực hiện cưỡng chế. 2. Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi để thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác về hải quan a) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế tổ chức xác minh trực tiếp hoặc bằng văn bản các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế. Thủ tục xác minh thực hiện như hướng dẫn tại điểm a, b khoản 1 nêu trên. b) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế căn cứ vào thông tin đã nhận được để ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế tại Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Trong thời hạn 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu ngân hàng nơi mở tài khoản chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế. Quá thời hạn quy định mà đối tượng bị cưỡng chế cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản quy định tại Mục IV Phần II Thông tư này. c) Trong thời hạn 05 (năm) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thông báo cho chủ tài khoản biết. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền của chủ tài khoản, Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác phải chuyển số tiền từ tài khoản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế; đồng thời thông báo cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế và đối tượng bị cưỡng chế biết. d) Trường hợp trong tài khoản không còn số dư hoặc còn nhưng không đủ để thi hành thì Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác sau khi trích số tiền hiện có phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế biết. đ) Nếu trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế còn số dư mà Ngân hàng Thương mại, các tổ chức tín dụng khác không thực hiện trích nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước theo quyết định cưỡng chế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. e) Trường hợp đã thu đủ tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng khác để dừng việc thực hiện cưỡng chế. III. BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ KHẤU TRỪ MỘT PHẦN TIỀN LƯƠNG HOẶC MỘT PHẦN THU NHẬP 1. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng có thời hạn từ 06 (sáu) tháng trở lên, hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hưởng trợ cấp hưu trí hoặc mất sức hàng tháng. 2. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phải tổ chức xác minh về các khoản thu nhập hợp pháp của người bị cưỡng chế, bao gồm: lương, lương hưu, trợ cấp mất sức, tiền thưởng và các khoản thu nhập hợp pháp khác. 3. Căn cứ kết quả xác minh, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế. 4. Quyết định cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập đối với cá nhân phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ (theo số ghi trên quyết định hành chính và chi phí cưỡng chế tính đến hết thời hạn 05 (năm) ngày trước khi tiến hành cưỡng chế), lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước nhận tiền, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến Kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định. 5. Ngay khi đến kỳ trả tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết. 6. Tỷ lệ khấu trừ tiền lương, tiền lương hưu hoặc trợ cấp mất sức đối với cá nhân không thấp hơn 10% (mười phần trăm) và không quá 30% (ba mươi phần trăm) tổng số tiền lương, trợ cấp hàng tháng của cá nhân đó; đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% (năm mươi phần trăm) tổng số thu nhập. 7. Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền thuế, số tiền phạt theo quyết định cưỡng chế mà hợp đồng lao động của đối tượng bị cưỡng chế chấm dứt, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động phải thông báo cho người ra quyết định cưỡng chế biết trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. 8. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế không thực hiện quyết định cưỡng chế thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. IV. BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ KÊ BIÊN TÀI SẢN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN 1. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế này khi cơ quan hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1, 2 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP do cơ quan hải quan không có thông tin về tài khoản tiền gửi, thu nhập của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1, 2 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt. 2. Các trường hợp không áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản: - Đối tượng bị cưỡng chế đang trong thời gian chữa bệnh, được cơ quan, tổ chức y tế xác nhận; - Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan mà đối tượng bị cưỡng chế không cung cấp thông tin về tài sản hiện đang sở hữu và cơ quan hải quan không nhận được các thông tin khác về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế; - Trị giá tài sản của đối tượng bị cưỡng chế không đủ bù đắp chi phí cưỡng chế. 3. Những tài sản không được kê biên a) Đối với đối tượng bị cưỡng chế là tổ chức: - Thuốc men chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động; - Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông kinh doanh của doanh nghiệp; - Trang thiết bị phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động; phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường; - Cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng; - Nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hoá chất độc hại nguy hiểm hoặc tài sản không được phép lưu hành; - Nguyên vật liệu bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín; - Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. b) Đối với đối tượng bị cưỡng chế là cá nhân: - Nhà ở duy nhất của cá nhân bị cưỡng chế và gia đình. Trường hợp, cá nhân có nhà ở giá trị lớn thì vẫn thực hiện kê biên, bán đấu giá để thi hành quyết định cưỡng chế và trích lại một khoản tiền để đối tượng bị cưỡng chế có thể mua một ngôi nhà khác có giá trị thấp hơn, nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn về nơi ở tối thiếu theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp cá nhân bị cưỡng chế có nhiều nhà ở thì vẫn bị kê biên; - Thuốc chữa bệnh cần dùng cho nhu cầu phòng, chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng bị cưỡng chế và gia đình họ; - Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân bị cưỡng chế và gia đình. Các công cụ lao động có giá trị như xe máy, ô tô, tàu, thuyền, máy cày, máy xay xát và các công cụ có giá trị khác của đối tượng bị cưỡng chế vẫn thực hiện kê biên, bán đấu giá để thi hành quyết định cưỡng chế và trích lại một khoản tiền để đối tượng bị cưỡng chế có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác có giá trị thấp hơn. - Quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết của cá nhân bị cưỡng chế và gia đình theo mức tối thiểu ở từng địa phương như nồi, xoong, bát đĩa, giường, tủ, bàn ghế và các vật dụng thông thường khác có giá trị không lớn. Những đồ dùng sinh hoạt hay tư trang như ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy giặt, máy vi tính, nhẫn vàng, giường, tủ và những đồ dùng có giá trị, thì vẫn kê biên để bảo đảm thi hành quyết định hành chính; - Đồ dùng thờ cúng, di vật, huân chương, huy chương, bằng khen. 4. Việc kê biên tài sản được thực hiện theo thứ tự sau: a) Kê biên tài sản là hàng hoá nhập khẩu đang trên đường vận chuyển về Việt Nam, đã về tới cửa khẩu nhập hoặc đang vận chuyển về kho, bãi của đối tượng bị cưỡng chế (trừ hàng hoá là nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu, hàng viện trợ nhân đạo, hàng hoá nhập khẩu để góp vốn đầu tư, hàng nông sản, thực phẩm mau hỏng). b) Kê biên các tài sản sau đây khi có đủ thông tin và điều kiện: - Kê biên tài sản là hàng hoá lưu thông trên đường hoặc bày bán tại cửa hàng của đối tượng bị cưỡng chế; - Kê biên các tài sản khác theo đề nghị của người bị cưỡng chế; - Kê biên các tài sản khác. 5. Xác minh thông tin về tài sản a) Khi có thông tin về hàng hoá của đối tượng bị cưỡng chế đang trên đường vận chuyển hoặc đã về tới cửa khẩu nhập, Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập có trách nhiệm thông báo ngay cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết. b) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế tổ chức xác minh trực tiếp hoặc yêu cầu đối tượng bị cưỡng chế cung cấp bằng văn bản các thông tin về tài sản, giá trị của tài sản mà họ đang sở hữu. 6. Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản a) Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ (cấp bậc), đơn vị người ra quyết định; họ tên, nơi cư trú, trụ sở của đối tượng bị kê biên tài sản; số tiền bị cưỡng chế; địa điểm kê biên; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định. b) Việc kê biên tài sản phải được thông báo cho đối tượng bị kê biên tài sản, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế kê biên là 05 (năm) ngày làm việc, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên. 7. Thủ tục kê biên a) Việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày và trong giờ làm việc hành chính áp dụng tại địa phương kê biên tài sản. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên. b) Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện cho tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người đã thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến. c) Đối tượng bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế. Nếu đối tượng bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước. d) Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 (ba) tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. đ) Chỉ kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở, trụ sở của đối tượng bị cưỡng chế nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. e) Chỉ được kê biên tài sản của đối tượng bị cưỡng chế đủ để đảm bảo thi hành quyết định cưỡng chế và thanh toán các chi phí thi hành cưỡng chế. Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nghĩa vụ thi hành quyết định cưỡng chế mà không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì cơ quan tiến hành kê biên vẫn có quyền kê biên tài sản đó để đảm bảo thi hành quyết định cưỡng chế. g) Trong trường hợp kê biên tài sản là nhà ở hoặc đồ vật đang bị khoá hay đóng gói thì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế yêu cầu đối tượng bị cưỡng chế, người đang sử dụng, quản lý tài sản đó mở khóa, mở gói; nếu đối tượng bị cưỡng chế, người đang sử dụng, quản lý tài sản không mở hoặc cố tình vắng mặt thì tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế lập biên bản (có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến) mở khoá hay mở gói để kiểm tra, liệt kê cụ thể các tài sản và kê biên theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân bị cưỡng chế, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đang chấp hành hình phạt tù thì người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện việc thông báo các quyết định, giấy báo về thi hành quyết định cưỡng chế cho những người đó thông qua giám thị trại giam. Người đang bị giam giữ có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ về thi hành quyết định cưỡng chế. h) Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì khi ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản: - Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; - Cục hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay; - Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển; - Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; - Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật. i) Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày giải toả kê biên tài sản hay hoàn tất việc bán hoặc giao tài sản kê biên để cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế, tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng tài sản biết. k) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày kê biên tài sản, đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính không nộp đủ tiền thuế nợ, tiền phạt thì cơ quan hải quan được quyền bán đấu giá tài sản kê biên để thu đủ tiền thuế nợ, tiền phạt. 8. Biên bản kê biên tài sản a) Việc kê biên tài sản phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi thời gian, địa điểm tiến hành kê biên tài sản; họ tên, chức vụ người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế), đại diện tổ chức, cơ quan có liên quan; mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm từng tài sản bị kê biên. b) Người chủ trì thực hiện việc kê biên; người đại diện cho tổ chức bị cưỡng chế kê biên tài sản, cá nhân có tài sản bị kê biên hoặc người đại diện hợp pháp cho họ; người chứng kiến; đại diện chính quyền địa phương (hoặc cơ quan của cá nhân bị cưỡng chế), đại diện tổ chức, cơ quan có liên quan ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. c) Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế kê biên ngay sau khi hoàn thành việc lập biên bản kê biên tài sản. 9. Giao bảo quản tài sản kê biên a) Người chủ trì thực hiện kê biên lựa chọn một trong các hình thức sau đây để bảo quản tài sản kê biên: - Giao cho người bị cưỡng chế, thân nhân của người bị cưỡng chế hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản; - Giao cho một trong những đồng sở hữu chung bảo quản nếu tài sản đó thuộc sở hữu chung; - Nếu người bị cưỡng chế, người đang sử dụng, quản lý tài sản, người thân thích của người bị cưỡng chế không nhận bảo quản hoặc xét thấy có dấu hiệu tẩu tán, huỷ hoại tài sản, cản trở việc thi hành quyết định cưỡng chế thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản kê biên được giao cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản. b) Đối với tài sản là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ thì tạm giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý; đối với các tài sản như vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ, trang thiết bị phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ công nghiệp khác, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm thì tạm giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý. c) Khi giao bảo quản tài sản kê biên, người chủ trì thực hiện kê biên phải lập biên bản ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao bảo quản; họ và tên người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người được giao bảo quản tài sản, người chứng kiến việc bàn giao; số lượng, tình trạng (chất lượng) tài sản; quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản. Người chủ trì thực hiện kê biên, người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến ký tên vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, cá nhân, đại diện tổ chức bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi người giữ một bản. d) Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 54 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007. đ) Người được giao bảo quản tài sản gây hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. 10. Định giá tài sản kê biên a) Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại nhà của cá nhân hoặc trụ sở của tổ chức bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên (trừ trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá). b) Tài sản đã kê biên được định giá theo sự thoả thuận giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung. Thời hạn để các bên thoả thuận về giá không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tài sản được kê biên. Đối với tài sản kê biên có giá trị dưới 500.000 đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng, nếu các bên không thoả thuận được với nhau về giá thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm định giá. c) Trường hợp tài sản kê biên có giá trị từ 500.000 đồng trở lên thuộc loại khó định giá hoặc các bên không thoả thuận được về giá thì trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, trong đó người đã ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên. Người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế có quyền thuê hoặc trưng cầu giám định về giá trị của tài sản. Khi có yêu cầu của người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cử người có chuyên môn tham gia việc định giá. Đại diện cơ quan chuyên môn trong Hội đồng định giá là người có chuyên môn, kỹ thuật thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý về mặt chuyên môn - nghiệp vụ đối với tài sản định giá. Nếu tài sản định giá là nhà ở thì phải có đại diện của cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan quản lý xây dựng tham gia Hội đồng định giá. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá. Cá nhân bị kê biên hoặc đại diện tổ chức có tài sản bị kê biên được tham gia ý kiến vào việc định giá, nhưng quyền quyết định giá thuộc Hội đồng định giá. Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm định giá và ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức giám định tài sản để xác định giá tài sản. Hội đồng định giá quyết định về giá của tài sản theo đa số; trong trường hợp các bên có ý kiến ngang nhau về giá tài sản thì bên nào có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là căn cứ xác định giá khởi điểm để bán tài sản. Các thành viên Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình, kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế xem xét lại việc định giá. Đối với tài sản mà nhà nước thống nhất quản lý giá thì việc định giá dựa trên cơ sở giá tài sản do nhà nước quy định. d) Việc định giá tài sản phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm tiến hành định giá, thành phần những người tham gia định giá, tên và trị giá tài sản đã được định giá, chữ ký của các thành viên tham gia định giá và của chủ tài sản. 11. Thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản, nhiệm vụ của Hội đồng định giá thực hiện theo quy định tại Điều 26, 27 Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 và Điều 56, 57 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007. 12. Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá a) Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, căn cứ vào giá trị tài sản được xác định theo hướng dẫn tại khoản 10 nêu trên, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày ra quyết định kê biên, người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với các tổ chức có chức năng bán đấu giá sau đây để tổ chức bán đấu giá tài sản: - Đối với tài sản đã kê biên có giá trị đã xác định dưới 10.000.000 đồng thì người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với cơ quan tài chính cấp huyện để tổ chức bán đấu giá; - Đối với tài sản đã kê biên có giá trị đã xác định từ 10.000.000 đồng trở lên thì người chủ trì cưỡng chế ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi có tài sản để tổ chức bán đấu giá. b) Việc xác định giá khởi điểm để bán đấu giá các tài sản được hướng dẫn tại Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/3/2007 và Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá. c) Việc chuyển giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó. d) Trong trường hợp tài sản kê biên là hàng hoá cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc cơ quan tài chính cấp huyện không có nơi cất giữ tài sản thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tài sản đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng bảo quản được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tài sản thu được sau khi bán đấu giá. đ) Khi tài sản kê biên đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về bán đấu giá tài sản. e) Đối với tài sản thuộc sở hữu chung, khi bán đấu giá thì ưu tiên bán trước cho người đồng sở hữu. g) Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định hành chính và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên bán đấu giá tài sản làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho đối tượng bị cưỡng chế. 13. Chuyển giao quyền sở hữu tài sản a) Người mua tài sản kê biên được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó. b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua theo quy định của pháp luật. c) Hồ sơ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng gồm có: - Bản sao quyết định cưỡng chế hành chính bằng biện pháp kê biên tài sản để bán đấu giá; - Biên bản bán đấu giá tài sản; - Các giấy tờ khác liên quan đến tài sản (nếu có). 14. Số tiền thu được do bán đấu giá tài sản kê biên, tài sản thu được do cá nhân, tổ chức khác đang nắm giữ của đối tượng bị cưỡng chế được xử lý theo thứ tự như sau: - Chi trả khoản chi phí cưỡng chế, chi phí bán đấu giá tài sản kê biên, tài sản thu được do cá nhân, tổ chức khác đang nắm giữ; - Nộp số tiền tương ứng số tiền thuế, tiền phạt ghi tại quyết định cưỡng chế vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước; - Hoàn trả lại cho đối tượng bị cưỡng chế (nếu thừa). V. BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THU TIỀN, TÀI SẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG BỊ CƯỠNG CHẾ DO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐANG NẮM GIỮ 1. Chỉ áp dụng biện pháp này khi cơ quan hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt và cơ quan hải quan có căn cứ xác định bên thứ ba đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế. 2. Người nắm giữ tài sản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP gồm: - Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức (như trung tâm giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, bạn hàng ..) được đối tượng bị cưỡng chế uỷ quyền nắm giữ; - Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức mắc nợ đối tượng bị cưỡng chế; - Cá nhân, tổ chức là đối tượng của giao dịch đảm bảo hoặc thực hiện các thủ tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật; - Cơ quan thuế nội địa hiện nắm giữ tiền thuế giá trị gia tăng, tiền, tài sản khác thuộc loại hoàn trả cho đối tượng bị cưỡng chế; - Cơ quan, tổ chức khác (Tổ chức giao nhận vận tải, kho ngoại quan, người nhập khẩu uỷ thác) hiện đang nắm giữ hàng hoá nhập khẩu của đối tượng bị cưỡng chế. 3. Nguyên tắc thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế từ bên thứ ba a) Bên thứ ba có khoản nợ đến hạn phải trả cho đối tượng bị cưỡng chế hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thì có trách nhiệm nộp tiền thuế nợ, tiền phạt thay cho đối tượng bị cưỡng chế; b) Trường hợp tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ là đối tượng của các giao dịch bảo đảm hoặc thuộc trường hợp giải quyết phá sản thì việc thu tiền, tài sản khác từ bên thứ ba được thực hiện theo quy định của pháp luật; c) Số tiền bên thứ ba nộp vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước thay cho đối tượng bị cưỡng chế được xác định là số tiền đã thanh toán cho đối tượng bị cưỡng chế. Căn cứ vào chứng từ thu tiền, tài sản của bên thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thực hiện thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế và các cơ quan liên quan được biết. 4. Trách nhiệm của bên thứ ba đang có khoản nợ, đang giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế a) Cung cấp cho cơ quan hải quan thông tin về khoản nợ hoặc khoản tiền, tài sản khác đang giữ của đối tượng thuộc diện cưỡng chế, trong đó nêu rõ số lượng tiền, thời hạn thanh toán nợ, loại tài sản, số lượng tài sản, tình trạng tài sản; b) Khi nhận được văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền thì không được chuyển trả tiền, tài sản khác cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan hải quan để làm thủ tục bán đấu giá; c) Trong trường hợp không thực hiện được yêu cầu của cơ quan hải quan thì phải có văn bản giải trình với cơ quan hải quan trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu; d) Tổ chức, cá nhân đang có khoản nợ hoặc giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế không thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan thì bị coi là nợ tiền thuế của Nhà nước và bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP. VI. CƯỠNG CHẾ BẰNG CÁC BIỆN PHÁP KHÁC 1. Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu a) Chỉ áp dụng biện pháp này khi cơ quan Hải quan không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 1, 3 và 4 Điều 43 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt. b) Người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải ra quyết định cưỡng chế gửi đến đối tượng bị cưỡng chế và thông báo trên mạng thông tin hải quan chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc trước khi áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu. c) Quyết định cưỡng chế phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; số quyết định, căn cứ pháp lý ra quyết định; Lý do cưỡng chế, họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của đối tượng bị cưỡng chế; số tiền thuế, tiền phạt chưa nộp chi tiết theo từng tờ khai, vụ việc; tổng số tiền bị cưỡng chế; tên, địa chỉ, số tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; thời hạn thi hành; chữ ký của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định. d) Việc cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc tạm giải toả cưỡng chế dừng làm thủ tục nhập khẩu trong những trường hợp được Pháp luật cho phép phải đảm bảo không làm phát sinh nợ mới và được Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng bảo lãnh về số nợ thuế, nợ phạt được tạm giải tỏa cưỡng chế. 2. Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề đối với người nộp thuế thì cơ quan hải quan có thẩm quyền phải: a) Thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc trước khi áp dụng biện pháp này; b) Gửi văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Trong thời hạn 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định thu hồi mã số thuế, đình chỉ sử dụng hoá đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Trường hợp không thu hồi thì phải thông báo cho cơ quan hải quan và nêu rõ lý do. 3. Cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Thủ tục, trình tự áp dụng biện pháp cưỡng chế để tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra thực hiện theo quy định tại Mục D Chương II và Chương III Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005. VII. CHI PHÍ CƯỠNG CHẾ 1. Nội dung chi phí a) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế. b) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản. c) Chi phí bảo vệ cưỡng chế: Chi cho những người trực tiếp tham gia bảo vệ (người ra quyết định cưỡng chế, cảnh sát bảo vệ, nhân viên y tế, cán bộ thi hành quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội,…), chi phí mua nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, thiết bị y tế cần thiết phục vụ thi hành quyết định cưỡng chế. d) Chi phí phòng cháy, nổ (nếu có): thuê xe cứu hoả, thuê thiết bị phòng cháy chữa cháy, thuê rà, phá bom, mìn và các phương tiện, thiết bị phòng cháy, nổ cần thiết khác. đ) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên. e) Chi phí định giá tài sản, bán đấu giá tài sản: tiền thù lao cho các thành viên của Hội đồng định giá, chi giám định tài sản (nếu có), tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá, niêm yết, chi phí tổ chức định giá lại tài sản; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng;… g) Chi phí thực tế khác phục vụ cho việc thi hành quyết định cưỡng chế (nếu có). 2. Mức chi - Các chi phí: thuê giữ hoặc bảo quản tài sản; giám định tài sản; tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; chi đăng tin thông báo bán đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiền thuê chuyên chở đồ vật, tài sản cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế… được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định; - Các chi phí khác: mức chi được thực hiện theo quy định chung của Nhà nước. Trường hợp Nhà nước chưa quy định mức chi thì người tổ chức thực hiện cưỡng chế quyết định mức chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. 3. Nguồn kinh phí bảo đảm cho chi phí thi hành quyết định cưỡng chế Chi phí cho việc cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chịu. Trường hợp chi phí cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế phải chịu nhưng cơ quan hải quan chưa thu được, cơ quan hải quan được phép tạm ứng từ nguồn kinh phí hoạt động của ngành hải quan và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của đối tượng bị cưỡng chế hành chính. Mức tạm ứng không quá 30 (ba mươi) triệu đồng. Đối với những trường hợp có mức chi phí cưỡng chế lớn, số tiền được phép tạm ứng sử dụng không đủ thì người ra quyết định cưỡng chế báo cáo cơ quan hải quan cấp trên để xem xét giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. 4. Miễn, giảm chi phí thi hành cưỡng chế a) Cá nhân bị cưỡng chế có thể được xét miễn giảm phí thi hành cưỡng chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau: - Có khó khăn về kinh tế. Cá nhân thuộc diện có khó khăn về kinh tế là những cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường hoặc bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn. Mức thu nhập tổi thiểu là mức thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Quyết định xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế sẽ bị huỷ bỏ trong trường hợp phát hiện đối tượng bị cưỡng chế có hành vi tẩu tán, cất giấu tiền, tài sản để trốn tránh việc xác minh điều kiện cụ thể để thi hành cưỡng chế. - Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; - Thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài. b) Thủ tục để được miễn, giảm chi phí cưỡng chế: Để được xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế, cá nhân phải làm đơn đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, sinh sống hoặc xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc. Ngoài ra, thủ tục gồm có: - Đối với đối tượng bị cưỡng chế có khó khăn về kinh tế do gặp thiên tai, hoả hoạn phải có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc; - Đối với đối tượng bị cưỡng chế thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài thì phải được hội đồng giám định y khoa hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận theo quy định của Bộ y tế; Đơn và hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế được nộp cho cơ quan hải quan nơi ra quyết định cưỡng chế. c) Mức miễn, giảm chi phí thi hành cưỡng chế: - Cá nhân bị cưỡng chế đã chấp hành được một phần phí cưỡng chế nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, thì được xét giảm số tiền phí cưỡng chế còn lại; - Các cá nhân nêu tại điểm a Khoản 4 Mục này được xét giảm 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí cưỡng chế phải nộp. d) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhận đơn, xem xét, quyết định việc miễn, giảm chi phí cưỡng chế. Trong trường hợp cơ quan ra quyết định cưỡng chế có quyết định miễn hoặc giảm chi phí cưỡng chế thì chi phí cưỡng chế sẽ được lấy từ kinh phí hoạt động của đơn vị. Phần III: KHIẾU NẠI, TỐ CÁO 1. Cá nhân, tổ chức hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. 2. Mọi công dân có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. 3. Thẩm quyền, thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định tại Luật Khiếu nại, Tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung), Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, Tố cáo và Quyết định số 43/2007/QĐ-BTC ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phần IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tổ chức và chỉ đạo việc xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; kiểm tra việc tuân thủ pháp luật và giải quyết khiếu nại để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn ngành, đúng quy định của pháp luật. 2. Thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc xử lý vi phạm hành chính của cấp dưới. Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị mình. Tại các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan phải cử cán bộ chuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính của các Đội nghiệp vụ. 3. Cán bộ, công chức Hải quan có thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính hoặc được giao nhiệm vụ tham mưu cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có hành vi vi phạm quy định của pháp luật hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm hay sách nhiễu, vụ lợi thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại về vật chất cho cá nhân, tổ chức thì phải bồi thường. 4. Các mẫu ấn chỉ sử dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thực hiện theo Phụ lục đính kèm Thông tư này. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng các mẫu ấn chỉ thống nhất trong toàn ngành. 5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 14/2005/TT-BTC ngày 16 tháng 2 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. 6. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - VKSNDTC, TANDTC; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Kiểm toán Nhà nước; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể; - Công báo Chính phủ; - Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; - Website Chính phủ, Bộ Tài chính, TCHQ; - Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (để thực hiện); - Lưu VP; TCHQ (VT, PC). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trương Chí Trung FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "14/06/2007", "sign_number": "62/2007/TT-BTC", "signer": "Trương Chí Trung", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-07-2020-TT-BTC-che-do-quan-ly-tai-chinh-tai-san-doi-voi-Co-quan-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai-435205.aspx
Thông tư 07/2020/TT-BTC chế độ quản lý tài chính tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 07/2020/TT-BTC Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2020 THÔNG TƯ THÔNG TƯQUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN ĐỐI VỚI CƠ QUAN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017; Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại; Căn cứ Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Căn cứ Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công ở Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành dự toán, chế độ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu và quản lý tài sản công đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; quản lý, sử dụng số thu phí được để lại; hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại và Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, gồm: a) Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) là cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế tiếp nhận thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế theo quy định của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Luật Cơ quan đại diện). b) Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài không thuộc cơ cấu tổ chức của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thuộc các Bộ, cơ quan trung ương hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp hoặc từ nguồn thu của ngân sách nhà nước được để lại chi theo quy định của pháp luật hiện hành. 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cấp, từ nguồn thu phí trong lĩnh vực ngoại giao được để lại và từ nguồn thu của ngân sách nhà nước được giữ lại để chi theo quy định của pháp luật tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Điều 3. Tổ chức thu, nộp ngân sách nhà nước 1. Thu phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện thu, nộp, quản lý và sử dụng các nguồn thu theo quy định tại Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và quy định tại Thông tư này. Việc kê khai phí, lệ phí do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế. 2. Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật: Các khoản thu khác phát sinh tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quản lý thu, nộp và sử dụng như sau: a) Đối với các khoản thu hoàn thuế giá trị gia tăng: Các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng 100% để hoàn trả kinh phí cơ quan, hạch toán giảm chi các tiểu mục chi tương ứng nếu được hoàn trả cùng niên độ. Trường hợp được hoàn trả khác niên độ (sau ngày 31/1 năm sau) thực hiện như sau: - Nếu chi từ nguồn kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ thì được sử dụng 100% để hoàn trả kinh phí cơ quan, hạch toán giảm chi các tiểu mục chi tương ứng. - Nếu chi từ nguồn kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ thì nộp vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước). b) Đối với thu lãi tiền gửi ngân hàng; thu từ các tổ chức, cá nhân bồi thường khi tài sản của cơ quan bị thiệt hại: Nộp 100% vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước. c) Đối với các khoản thu hoạt động dịch vụ nhà khách, phòng trọ, cho thuê nhà có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân: Số tiền thu được sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh phục vụ trực tiếp cho các hoạt động thu, nếu còn chênh lệch thu lớn hơn chi nộp toàn bộ vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước hàng tháng, trước ngày 10 tháng sau tháng phát sinh khoản thu. d) Đối với các khoản tiền tài trợ các hoạt động, sự kiện của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài của các tổ chức cá nhân: Sau khi thực hiện chi theo các cam kết tài trợ (nếu có) hoặc các hoạt động, sự kiện được tài trợ, phần kinh phí còn dư (nếu có) nộp vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước. 3. Tiền thu được từ bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà riêng Đại sứ; thanh lý nhà, công trình và tài sản khác thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ; bán, thanh lý ô tô, phương tiện vận tải khác; thanh lý máy móc, thiết bị và các tài sản khác nộp vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan. 4. Quản lý Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước: a) Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước là một bộ phận của Quỹ Ngân sách nhà nước, được hình thành từ các nguồn thu của ngân sách nhà nước phát sinh tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, gồm số tiền thu được từ phí, lệ phí và các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định. b) Các khoản thu của ngân sách nhà nước phát sinh tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải nộp kịp thời vào Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được sử dụng Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí chi đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức rút kinh phí theo kế hoạch, tiến độ thực hiện và tối đa không vượt quá dự toán ngân sách nhà nước được giao và trong phạm vi số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước. c) Loại tiền thu chi Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước: Đô la Mỹ hoặc tiền địa phương theo quy định của pháp luật nước sở tại. d) Chế độ báo cáo số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước: - Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước theo biểu mẫu số 1a; Bộ Ngoại giao tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính theo biểu mẫu số 1b. - Thời hạn Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi báo cáo về Bộ Ngoại giao: + Báo cáo hàng tháng: Trước ngày 10 tháng sau, + Báo cáo hàng quý: Trước ngày 15 tháng đầu của quý sau. + Báo cáo hàng năm: Trước ngày 25/1 năm sau. - Thời hạn Bộ Ngoại giao tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài chính: + Báo cáo hàng tháng: Trước ngày 20 tháng sau. + Báo cáo hàng quý: Trước ngày 20 tháng đầu của quý sau. + Báo cáo hàng năm: Trước ngày 31/1 năm sau. e) Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý trên 20.000 USD hoặc tương đương, có trách nhiệm chuyển toàn bộ số dư về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước hàng quý trước ngày 30 tháng đầu của quý sau. Đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có số dư quý Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước từ 20.000 USD hoặc tương đương trở xuống, có trách nhiệm chuyển số dư sang quý sau theo dõi. Đối với số phát sinh Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý IV đến hết ngày 20 tháng 12 và số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước quý III chuyển sang (nếu có), Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước trước ngày 25 tháng 12 năm thực hiện. Số thu phát sinh sau ngày 20 tháng 12, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổng hợp vào số thu và nộp vào ngân sách nhà nước quý I năm sau. Đối với các địa bàn khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ hoặc chuyển tiền ra nước ngoài, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm chuyển số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước về Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước trước ngày 25 tháng 12 năm thực hiện. Căn cứ tình hình thực tế của các địa bàn, Bộ Ngoại giao quy định danh mục các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ, thông báo đến các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Kho bạc Nhà nước để thực hiện. Hàng năm, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục này cho phù hợp với tình hình thực tế. f) Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm trong việc quản lý các khoản thu, chi Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước đúng quy định. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật. Điều 4. Quản lý và sử dụng số thu phí được để lại Việc quản lý, sử dụng số thu phí được để lại thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, thời gian áp dụng theo quy định của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Thông tư này hướng dẫn cụ thể như sau: 1. Bộ Ngoại giao được sử dụng số thu phí được để lại chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí, Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật, số thu phí được để lại không phản ánh vào ngân sách nhà nước. 2. Số tiền thu phí được để lại sau khi trừ đi số đã chi theo quy định tại khoản 1 Điều này, số còn lại được phân phối sử dụng như sau: a) Trích tối thiểu 1/3 (một phần ba) để chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản; đổi mới thiết bị; hiện đại hóa công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ và các khoản chi phục vụ hoạt động của ngành ngoại giao. b) Trích tối đa 2/3 (hai phần ba) để chi bổ sung tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều này. 3. Mức hỗ trợ: Căn cứ số thu được để lại và tình hình thực tế tại từng địa bàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định mức hỗ trợ cụ thể đối với thành viên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Cơ quan đại diện; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong nước thuộc Bộ Ngoại giao và cán bộ, nhân viên của các Cơ quan Việt Nam khác ở nước ngoài, đảm bảo tổng mức hỗ trợ theo nguyên tắc sau: a) Đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, tổng mức hỗ trợ không vượt quá 0,8 (không phẩy tám) lần tổng mức sinh hoạt phí được hưởng theo quy định của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong nước thuộc Bộ Ngoại giao: Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 0,8 (không phẩy tám) lần tổng mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ theo quy định. 4. Trường hợp sau khi đã giải quyết hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Khoản 3 Điều này mà vẫn còn đủ nguồn để hỗ trợ thêm cho đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định hỗ trợ thêm tối đa 0,2 (không phẩy hai) lần tổng mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ hoặc sinh hoạt phí thực hiện. 5. Mức chi hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Khoản 3 và khoản 4 Điều này và khoản chi bổ sung thu nhập của từ nguồn kinh phí tiết kiệm của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ của các cơ quan trong nước thuộc Bộ Ngoại giao, tổng hợp lại tối đa không quá 01 (một) lần sinh hoạt phí thực hiện trong năm đối với thành viên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tổng mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Ngoại giao làm việc trong nước. 6. Trường hợp số tiền thu phí trong lĩnh vực ngoại giao giảm thì mức hỗ trợ cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong nước thuộc Bộ Ngoại giao cũng giảm tương ứng, ngân sách nhà nước không cấp bù. 7. Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế quản lý và sử dụng số tiền thu phí trong lĩnh vực ngoại giao được để lại cho Bộ Ngoại giao phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng phí được để lại trong lĩnh vực ngoại giao và quy định tại Thông tư này. 8. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao được để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo quy định tại Thông tư này. 9. Đối với việc quản lý và sử dụng số thu phí được để lại quy định tại Điều này từ năm 2021 thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng phí, lệ phí đối với cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Điều 5. Chi đầu tư xây dựng, mua sắm trụ sở, nhà ở của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài 1. Đối với các dự án đầu tư xây dựng trụ sở, nhà ở của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện và quản lý theo quy định tại Chương III Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Cơ quan đại diện sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. 2. Đối với các dự án đầu tư mua sắm trụ sở, nhà ở của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công ở Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Chương III Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Cơ quan đại diện sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, sửa đổi, bổ sung (nếu có). Điều 6. Nguồn kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài Kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gồm: 1. Ngân sách nhà nước cấp nhằm đảm bảo các hoạt động thường xuyên, hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. 2. Các khoản thu phí, các khoản thu hợp pháp khác được để lại theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều 7. Cơ chế quản lý kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài Dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao trong năm đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là hạn mức chi tối đa nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Kinh phí giao cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được phân bổ quản lý theo 2 phần: Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ và kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ, cụ thể như sau: 1. Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ: a) Nội dung chi từ kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ, gồm: - Các khoản chi theo chế độ, định mức và quy định hiện hành của nhà nước, gồm: Sinh hoạt phí của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân; các khoản phụ cấp, trợ cấp; trang phục nhiệm kỳ và đồ dùng cá nhân cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân; vé máy bay, tàu xe và cước phí hành lý khi hết nhiệm kỳ về nước; tiền mua bảo hiểm khám, chữa bệnh cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân, con theo quy định pháp luật chưa thành niên của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi cùng; chi hỗ trợ học phí cho con chưa thành niên đi theo thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (nếu có). - Chi đặt cọc tiền thuê trụ sở, nhà ở (nếu có). - Các khoản chi hoạt động nằm trong định mức phân bổ dự toán giao thực hiện chế độ tự chủ, gồm: + Các khoản chi hoạt động thường xuyên: Chi hỗ trợ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ; thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin, tuyên truyền liên lạc; công tác phí trong nội địa nước sở tại và nước ngoài; thuê người địa phương theo hợp đồng và theo vụ việc; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn, cho công tác lễ tân; chi tặng phẩm, tiếp tân thường xuyên; chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn từng ngành; chi vệ sinh phòng dịch; tiền nước uống; các khoản chi hoạt động thường xuyên khác (nếu có). + Chi tổ chức các sự kiện, hoạt động mang tính chất thường niên của đơn vị (các sự kiện, hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước). + Các khoản chi đặc thù thường xuyên khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện theo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. b) Căn cứ phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ: - Căn cứ tổng mức dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao, sau khi trừ đi các khoản kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ quy định tại Khoản 2 Điều này, cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xây dựng định mức phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ áp dụng cho từng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài làm căn cứ phân bổ kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ. - Định mức phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ (không bao gồm các khoản chi theo chế độ, định mức và quy định hiện hành của nhà nước và kinh phí đặt cọc tiền thuê trụ sở, nhà ở tại Điểm a Khoản 1 Điều này) được xây dựng căn cứ vào các tiêu chí: Nhiệm vụ được giao năm kế hoạch; tham khảo số thực chi của 3 năm liền kề; trong đó số thực chi của năm hiện hành là cơ sở chủ yếu để tính định mức phân bổ của năm kế hoạch nhưng có tính đến tình hình thực tế và yếu tố đặc thù của từng địa bàn trong năm kế hoạch. Định mức phân bổ này hàng năm được xem xét điều chỉnh (trong trường hợp cần thiết) để phù hợp với tình hình thực tế và yếu tố đặc thù của từng địa bàn. c) Quản lý, sử dụng kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ: Trong phạm vi dự toán kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có quyền hạn và trách nhiệm: - Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí theo các nội dung, yêu cầu công việc được giao cho phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả. - Được quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù của cơ quan nhưng không vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. - Đối với các khoản chi không có định mức, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc quyết định các mức chi được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ sau khi đã lấy ý kiến của các thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Việc quản lý, giám sát chi tiêu được công khai đến toàn thể thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo Quy chế đã ban hành. Quy chế chi tiêu nội bộ của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sau khi ban hành phải được báo cáo về cơ quan chủ quản cấp trên để theo dõi, giám sát. Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ xây dựng vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì cơ quan chủ quản cấp trên có trách nhiệm yêu cầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài điều chỉnh lại cho phù hợp. 2. Kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ: a) Nội dung chi từ kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, gồm: - Mua sắm phương tiện đi lại phục vụ công tác của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. - Các khoản chi theo thực tế phát sinh, gồm: + Thuê trụ sở và nhà ở; sửa chữa lớn trụ sở, nhà ở và tài sản theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. + Các khoản thuế liên quan đến quyền sử dụng đất, thuê văn phòng, tiền thuê đất. + Tiền mua bảo hiểm nhà ở, trụ sở, tài sản và phương tiện đi lại. + Chi tổ chức sự kiện, nhiệm vụ theo đề án được phê duyệt: Triển lãm, hội chợ và các sự kiện khác (nếu có). - Chi vé máy bay khứ hồi hoặc vé khứ hồi các phương tiện khác về Việt Nam hoặc nước thứ ba cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân đi cùng khi bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ/chồng; bố, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật; vợ/chồng, con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật qua đời ở Việt Nam hoặc nước thứ ba. - Các khoản chi nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao. b) Quản lý, sử dụng kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ: Việc quản lý và sử dụng kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ được thực hiện theo đúng nội dung công việc đã được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và giao kinh phí; theo đúng tiêu chuẩn, chế độ định mức chi quy định hiện hành. Điều 8. Chế độ, định mức chi và quản lý đối với các khoản chi từ kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ 1. Tiền sinh hoạt phí cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu quân/phu nhân: a) Sinh hoạt phí (sau đây viết tắt là SHP): - Sinh hoạt phí được tính như sau: + Sinh hoạt phí được hưởng hàng tháng = Mức SHP của địa bàn x Chỉ số SHP của cá nhân. Trong đó: Mức sinh hoạt phí của địa bàn = Mức SHP cơ sở x Hệ số địa bàn + Sinh hoạt phí dưới 1 tháng: SHP được hưởng = SHP tháng được hưởng theo quy định x Số ngày hưởng 30 ngày Chứng từ làm căn cứ thanh toán sinh hoạt phí gồm: Quyết định đồng ý cho đi theo tiêu chuẩn phu nhân/phu quân và giấy giới thiệu trả sinh hoạt phí của cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; bản phô tô hộ chiếu trang nhân thân và trang đóng dấu xuất, nhập cảnh. - Sinh hoạt phí của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài: + Được trả theo ngày thực tế có mặt ở nước sở tại phù hợp với thời gian ghi trong quyết định cử đi công tác tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (trừ trường hợp về Việt Nam công tác quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 8 Thông tư này). + Trong thời gian nghỉ phép năm được hưởng nguyên sinh hoạt phí. + Nữ thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi sinh con được hưởng theo chế độ thai sản với mức hưởng bằng 100% mức lương bình quân tiền lương, tiền công đóng Bảo hiểm xã hội do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả và thôi không được hưởng chế độ sinh hoạt phí trong thời gian nghỉ theo chế độ thai sản. - Sinh hoạt phí của phu nhân/phu quân: Sinh hoạt phí của phu nhân/phu quân được trả theo ngày thực tế có mặt ở nước sở tại. Phu nhân/phu quân khi rời địa bàn công tác về nước để giải quyết việc riêng thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và không được hưởng sinh hoạt phí trong những ngày về nước. Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước có trách nhiệm quy định cụ thể về quy chế sinh hoạt, hoạt động của phu nhân/phu quân. b) Việc chi trả sinh hoạt phí được thực hiện trên cơ sở: Bảng sinh hoạt phí theo mẫu C02a-HD ban hành kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Trường hợp chi sinh hoạt phí bằng tiền địa phương thì quy đổi từ mức sinh hoạt phí bằng đô la Mỹ (USD) ra tiền địa phương theo tỷ giá do ngân hàng nước sở tại thông báo tại thời điểm chi sinh hoạt phí (đính kèm tỷ giá của ngân hàng sở tại). 2. Chế độ sinh hoạt phí đối với phu nhân/phu quân không thể đi theo cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm. a) Căn cứ Quyết định của Bộ, ngành chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về việc hưởng mức sinh hoạt phí đối với phu nhân/phu quân không thể đi công tác nhiệm kỳ theo thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm được hưởng 50% mức sinh hoạt phí quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. b) Thời điểm tính hưởng: - Đối với phu nhân/phu quân không thể đi theo do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm hoặc phu nhân/phu quân đang đi theo cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do hoàn cảnh gia đình khó khăn: Thời điểm hưởng mức sinh hoạt phí theo thời gian nêu tại quyết định của Bộ, ngành chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về việc hưởng mức sinh hoạt phí đối với phu nhân/phu quân không thể đi công tác nhiệm kỳ theo thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. - Đối với phu nhân/phu quân đang đi theo cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do địa bàn khó khăn, nguy hiểm: Thời điểm hưởng mức sinh hoạt phí được tính kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam. 3. Chi phụ cấp, trợ cấp đối với các thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Khoản 7, Khoản 9 và Khoản 10 Điều 11 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. 4. Tiền vé máy bay (hoặc phương tiện khác), cước hành lý đi công tác nhiệm kỳ: a) Tiền phương tiện: - Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ được thanh toán chi phí phương tiện đi lại từ nơi ở ra sân bay (ga tàu, bến xe); được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay hạng phổ thông (economy) với đường bay trực tiếp ngắn nhất. Nếu đi bằng phương tiện khác thì được thanh toán theo giá vé của phương tiện. - Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay hạng thương gia (Business) với đường bay trực tiếp ngắn nhất, nếu đi bằng phương tiện khác thì được hưởng tiêu chuẩn vé hạng nhất khi: Đến địa bàn lần đầu tiên và khi kết thúc nhiệm kỳ về nước; đi trình quốc thư và chào kết thúc nhiệm kỳ ở những nước kiêm nhiệm. Trường hợp phu nhân/phu quân đi cùng chuyến với Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay và các phương tiện khác như tiêu chuẩn quy định đối với Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp thanh toán khoán thực hiện theo mức khoán chi phí phương tiện tại nước sở tại từ sân bay về nơi ở và ngược lại: Thực hiện theo mức khoán tiền thuê phương tiện từ sân bay, ga tàu, bến xe, cửa khẩu khi nhập/xuất cảnh quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí. b) Tiền cước hành lý: Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ được thanh toán khoán 50 kg cước/lượt đi và 50 kg cước/lượt về/một nhiệm kỳ (ngoài khối lượng hành lý được mang miễn phí theo quy định của hãng hàng không), mức khoán trên cơ sở giá cước hàng ký gửi của hãng hàng không, cùng chuyến bay của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. c) Trường hợp thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân thay đổi địa bàn công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền được thanh toán vé máy bay và cước hành lý theo tiêu chuẩn quy định tại Điểm a và Điểm b khoản 4 Điều này. d) Trường hợp phu nhân/phu quân không ở cả nhiệm kỳ công tác với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi công tác nhiệm kỳ thì chỉ được thanh toán tiền chi phí phương tiện đi, về và tiền cước hành lý trong trường hợp có thời gian ở tối thiểu bằng một nửa (1/2) thời gian nhiệm kỳ công tác của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp thời gian ở nước sở tại dưới một nửa (1/2) thời gian nhiệm kỳ công tác thì chỉ được thanh chi phí phương tiện và tiền cước hành lý từ Việt Nam sang nước công tác. đ) Nguồn kinh phí thanh toán tiền phương tiện, cước hành lý quy định như sau: - Khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác thanh toán trong nước trong dự toán đoàn ra của cơ quan chủ quản Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. - Khi kết thúc nhiệm kỳ về nước thanh toán trong dự toán được giao của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. e) Chứng từ thanh toán gồm: Hóa đơn hoặc chứng từ thu tiền hợp pháp hoặc giấy báo giá cước của hãng hàng không kèm theo bản chụp vé máy bay, vé hoặc cuống vé của phương tiện khác; trường hợp mua vé điện tử thì kèm theo chứng từ điện tử thanh toán tiền mua vé; thông báo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm đi, về. 5. Thanh toán tiền lưu trú trong thời gian chờ máy bay khi đi nhận công tác nhiệm kỳ và khi về nước hết nhiệm kỳ: Nếu bắt buộc phải lưu trú thì được thanh toán tiền phụ cấp lưu trú nhưng không quá 4 ngày theo mức sinh hoạt phí của địa bàn quá cảnh theo mức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này. Việc thanh toán tiền lưu trú khi đi và về do Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nơi thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài công tác nhiệm kỳ thanh toán. 6. Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân được hỗ trợ một khoản tiền để mua sắm trang phục và những đồ dùng cá nhân khác trong nhiệm kỳ công tác và được khoán gọn cho cả nhiệm kỳ, cụ thể: a) Mức 1.800 USD/người/một nhiệm kỳ đối với Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân đi công tác nhiệm kỳ cùng Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. b) Mức 1.500 USD/người/một nhiệm kỳ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có chức danh từ Tham tán đến Công sứ và thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có chỉ số sinh hoạt phí tương đương với chỉ số sinh hoạt phí của Tham tán trở lên; phu nhân/phu quân của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nêu trên đi công tác nhiệm kỳ cùng. c) Mức 1.300 USD/người một nhiệm kỳ đối với cán bộ, công chức không thuộc đối tượng tại Điểm a, Điểm b Khoản này. d) Mức 1.000 USD/người/một nhiệm kỳ đối với phu nhân/phu quân của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nêu tại Điểm c Khoản này đi công tác nhiệm kỳ cùng. 7. Thanh toán tiền bảo hiểm khám, chữa bệnh: a) Căn cứ vào quyết định cử đi công tác nhiệm kỳ, ngân sách nhà nước hỗ trợ mức 500 USD/người/năm để mua bảo hiểm khám chữa bệnh cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân. Với mức phí bảo hiểm này phải đảm bảo mua bảo hiểm khám chữa bệnh có mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm của Bảo hiểm Việt Nam. Trường hợp thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân và con chưa thành niên đi theo mua bảo hiểm với mức phí bảo hiểm cao hơn mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì cá nhân tự chịu phần phí bảo hiểm chênh lệch đó. Nếu thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân và con chưa thành niên đi theo không mua bảo hiểm khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này thì ngân sách nhà nước không chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho cá nhân đó. Việc mua bảo hiểm khám, chữa bệnh thực hiện theo quy định hiện hành. b) Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân trong thời gian đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài được tham gia đóng bảo hiểm y tế bắt buộc trong nước theo quy định hiện hành. Mức đóng, thủ tục, cách thức thanh toán và quyền lợi hưởng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. c) Đối với những trường hợp cấp cứu cần phải xử lý ngay hoặc điều trị các bệnh hiểm nghèo mà tổ chức nhận bảo hiểm chỉ thanh toán một phần chi phí khám chữa bệnh theo hợp đồng bảo hiểm, phần còn lại cá nhân phải thanh toán. Việc thanh toán căn cứ hóa đơn thu tiền hợp pháp của tổ chức bảo hiểm và cơ sở khám chữa bệnh. 8. Chế độ hỗ trợ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ: a) Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải làm việc ban đêm hoặc làm thêm giờ được bố trí nghỉ bù; trường hợp không thể bố trí nghỉ bù được thì Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài duyệt hỗ trợ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV- BTC ngày 5 tháng 01 năm 2005 của liên tịch Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, cụ thể như sau: Tiền hỗ trợ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ = SHP đang hưởng x số giờ làm thêm x 150% (hoặc 200%, 300%) 22 ngày x 8 giờ Trong đó: Mức 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường; mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần; mức 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày lễ, tết của Việt Nam. Thời gian làm việc ban đêm, làm thêm giờ khống chế theo quy định của Luật Lao động hiện hành. Không hỗ trợ làm việc vào ban đêm, thêm giờ đối với cán bộ cơ yếu làm công tác chuyên môn. b) Chứng từ làm căn cứ thanh toán tiền hỗ trợ làm thêm giờ gồm: Giấy báo làm thêm giờ có kê khai thời gian, tổng số giờ, nội dung công việc làm thêm của cá nhân; bảng thanh toán tiền làm thêm giờ được Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xác nhận. 9. Chế độ công tác phí: Căn cứ vào nhiệm vụ đi công tác nội địa hoặc đi công tác nước ngoài do cấp có thẩm quyền quyết định. Tiền công tác phí được quy định như sau: a) Trường hợp thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cử đi công tác trong phạm vi nước sở tại: Việc cử thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi công tác nội địa phải được Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có quyết định bằng văn bản hoặc có xác nhận của Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về việc đồng ý cử đi công tác. Các khoản thanh toán công tác phí gồm: - Thanh toán tiền phương tiện đi lại trong trường hợp cơ quan không bố trí được phương tiện của cơ quan: Tiền phương tiện đi công tác được thanh toán theo giá ghi trên vé, hóa đơn thu tiền hoặc biên nhận của chủ phương tiện. Trường hợp đi bằng máy bay thì được thanh toán theo mức giá hạng phổ thông (economy); trừ các trường hợp dưới đây: + Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hưởng lương chức danh Thứ trưởng, tương đương Thứ trưởng hoặc có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,3 trở lên, được thanh toán vé máy bay hạng thương gia (Business) khi đi công tác tại nội địa; đi, về Việt Nam công tác hoặc sang nước kiêm nhiệm. + Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thuộc đối tượng chức danh nêu trên, chỉ được thanh toán vé máy bay hạng thương gia (Business) trong trường hợp đi công tác đối ngoại cùng quan chức nước sở tại hoặc do Đoàn ngoại giao các tổ chức quốc tế tổ chức. + Trường hợp phu nhân/phu quân đi cùng chuyến bay với Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thuộc diện được thanh toán vé máy bay hạng thương gia (Business), cũng được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay và các phương tiện khác quy định đối với Người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. - Tiền thuê khách sạn (tiền ở): Được thanh toán theo thực chi với mức thuê phòng có giá loại trung bình tại địa phương đến công tác. Trường hợp thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cử đi công tác cùng Đoàn Ngoại giao, Bộ, ngành nước sở tại, Đoàn cấp cao của Việt Nam, thì được thuê phòng nghỉ loại trung bình cùng khách sạn với Đoàn công tác. - Phụ cấp công tác được tính như sau: Phụ cấp công tác = Mức sinh hoạt phí của địa bàn x 2 x số ngày công tác 22 ngày b) Đi công tác ở nước khác: Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cử đi công tác ở nước khác (ngoài nước thường trú), thì phải do cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài ra quyết định bằng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, yêu cầu phải đi nước kiêm nhiệm để xử lý những vụ việc đòi hỏi tính thời gian gấp (nhất là các việc về bảo hộ lãnh sự, bảo hộ công dân,...), Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quyết định cử thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi công tác gấp; chịu trách nhiệm trước quyết định đó, đồng thời điện báo ngay cho cơ quan chủ quản tình hình vụ việc. Công tác phí ở nước ngoài hoặc các vùng lãnh thổ được thanh toán theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí. Trường hợp thanh toán công tác phí ở nước ngoài theo thực tế nếu phát sinh bằng tiền địa phương nước đến công tác được chi trả bằng ngoại tệ (USD) trên cơ sở quy đổi từ đồng địa phương ra ngoại tệ theo tỷ giá hạch toán của ngân hàng sở tại (nơi Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mở tài khoản) tại thời điểm công tác ở nước ngoài. c) Trường hợp về Việt Nam công tác: Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam công tác phải căn cứ theo văn bản điều động đi công tác của cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, thì được thanh toán theo chế độ công tác phí như sau: - Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam công tác trong thời gian đến 30 ngày liên tục (kể từ ngày rời nước sở tại đến ngày rời Việt Nam) thì được hưởng nguyên mức sinh hoạt phí tại nước đang công tác. - Trường hợp về Việt Nam công tác trên 30 ngày thì kể từ ngày thứ 31 trở đi, thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không được hưởng sinh hoạt phí ngoài nước, mà hưởng mức lương trong nước kể từ ngày thứ 31 trở đi. - Trong thời gian về công tác tại Việt Nam, nếu thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi công tác ngoài tỉnh có trụ sở làm việc của cơ quan công tác trước khi đi công tác nhiệm kỳ thì được thanh toán công tác phí trong nước theo chế độ công tác phí hiện hành quy định đối với cán bộ, công chức đi công tác trong nước. Việc thanh toán công tác phí tại Việt Nam do Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chi trả bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá hạch toán của Bộ Tài chính tại thời điểm công tác ở Việt Nam. d) Chứng từ thanh toán gồm: Quyết định cử đi công tác của cấp có thẩm quyền, cuống vé phương tiện đi lại, kèm theo hóa đơn thu tiền hợp pháp (hoặc hóa đơn vé điện tử), riêng chứng từ thanh toán vé máy bay phải kèm theo thẻ lên máy bay (boarding card); hóa đơn khách sạn; thông báo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm đi công tác. 10. Về mua sắm, sử dụng văn phòng phẩm: a) Hàng quý, các bộ phận công tác phải lập kế hoạch sử dụng văn phòng phẩm để cơ quan mua và cấp phát cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sử dụng trong phạm vi hạn mức kinh phí được giao hàng năm cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. b) Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có thể xây dựng định mức sử dụng văn phòng phẩm làm cơ sở quản lý sử dụng tiết kiệm, nhưng việc thanh toán cần bảo đảm đủ chứng từ theo quy định. 11. Về tiếp khách, chiêu đãi, đóng góp cho tổ chức ngoại giao đoàn, tặng phẩm: Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ về chế độ tiếp khách (đối tượng, mức chi), chế độ chiêu đãi, chế độ tặng phẩm cho phù hợp với thông lệ của nước sở tại trong phạm vi dự toán được giao, để làm căn cứ thực hiện, theo các nguyên tắc quy định như sau: a) Chi tiếp khách: Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi tiếp khách đến làm việc chỉ được dùng nước khoáng, chè, cà phê để tiếp; trường hợp cần thiết phải mời cơm khách đến làm việc liên quan đến công việc nghiệp vụ chuyên môn của từng lĩnh vực thì do Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định và trong phạm vi dự toán được giao của cơ quan. b) Chi chiêu đãi: Việc chiêu đãi cần được thực hiện tiết kiệm, chỉ thực hiện chiêu đãi trong các dịp kỷ niệm ngày lễ như: Quốc khánh, ngày kỷ niệm thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Mức chi chiêu đãi thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ đã quy định và trong phạm vi dự toán được giao của cơ quan. c) Tặng phẩm làm công tác đối ngoại: Trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài căn cứ quy định chế độ chi tặng phẩm tại quy chế chi tiêu nội bộ để quyết định mức chi, số lượng tặng phẩm cho phù hợp với tình hình thực tế, thông lệ của nước sở tại và trong phạm vi dự toán được giao của cơ quan. Khi thanh toán chi tặng phẩm phải đảm bảo chứng từ hợp pháp theo quy định. d) Đóng góp cho tổ chức ngoại giao đoàn: Việc đóng góp nghĩa vụ cho tổ chức ngoại giao đoàn tại nước sở tại được thanh toán theo thông báo của tổ chức ngoại giao đoàn. 12. Về mua sắm trang bị, quản lý và sử dụng tài sản dùng cho công tác chuyên môn và sinh hoạt: Việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công ở Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện, sửa đổi, bổ sung (nếu có). Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau: a) Đối với trường hợp nhà thuê đã được lắp đặt trang thiết bị thì chỉ được mua bổ sung những trang thiết bị còn thiếu trong phạm vi chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định. b) Khi hết nhiệm kỳ công tác thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải có trách nhiệm bàn giao cho cơ quan toàn bộ tài sản công đã được giao sử dụng; nghiêm cấm sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc vào việc riêng. 13. Tiền công thuê người lao động ở nước sở tại: a) Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định thuê người lao động ở nước sở tại sau khi được cơ quan chủ quản cho phép bằng văn bản. Tiền công trả cho lao động thuê được quy định trong hợp đồng ký giữa Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài với người lao động phù hợp với mặt bằng giá cả của nước sở tại và trong phạm vi dự toán được giao. Khi mặt bằng giá cả của nước sở tại thay đổi, Người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định việc tăng/giảm tiền công trả cho người lao động đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý, phù hợp với giá cả tại nơi thuê và thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản. Trường hợp không thống nhất thì cơ quan chủ quản có văn bản để Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài điều chỉnh lại cho phù hợp. b) Trường hợp trong hợp đồng lao động có quy định được thanh toán tiền hỗ trợ làm thêm giờ và công tác phí khi đi công tác địa phương, thì mức thanh toán phải được quy định trong hợp đồng lao động nhưng không vượt quá mức sau: - Tiền làm thêm giờ = (Tiền công/(22 ngày x 8 giờ) x 150% (hoặc 200%, 300%) x số giờ làm thêm. (Trong đó: Mức 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường; mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần; mức 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày Lễ, Tết chính thức của nước sở tại). Thời gian làm thêm giờ của lao động địa phương khống chế không quá 12 giờ/người/ngày, 30 giờ/người/tháng và 200 giờ/người/năm. - Công tác phí = (Tiền công/22 ngày) x số ngày đi công tác. 14. Chế độ hỗ trợ học phí và hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài đối với con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài: Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ. 15. Quy định một số chế độ khác: a) Trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền thuê bao cáp truyền hình, tiền thuê bao điện thoại, thuê bao internet, tiền chất đốt. Đối với những khoản chi này, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài căn cứ vào tình hình thực tế của địa bàn, căn cứ định mức phân bổ dự toán do cơ quan chủ quản quy định để quy định cụ thể định mức sử dụng làm căn cứ quản lý chi tiêu và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. b) Trường hợp một số tài liệu hoặc hàng hóa của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không thể gửi theo dạng hàng hoá ký gửi mà do thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi công tác mang theo giúp thì được Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thanh toán cước hành lý theo hóa đơn thực tế của hãng hàng không tương ứng với khối lượng tài liệu hoặc hàng hóa của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gửi, được Trưởng cơ quan Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xác nhận. Đối với cước vận chuyển hàng hóa, vật tư, trang thiết bị mua tại Việt Nam sang Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo dạng ký gửi thanh toán căn cứ hóa đơn hợp pháp của hãng vận chuyển. c) Nhà khách và bếp ăn tập thể: - Ở những nơi có điều kiện tổ chức bếp ăn tập thể thì Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có quy định cụ thể về hoạt động này trên nguyên tắc lấy thu bù chi, ngân sách không hỗ trợ hoặc điều tiết thu của dịch vụ này. - Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nào có thể dành diện tích nhà, trụ sở của mình để làm nhà khách, phòng trọ vãng lai thì Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quy định mức thu tiền dịch vụ nhà khách, phòng trọ. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi cho dịch vụ này. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quản lý thu, nộp và sử dụng dịch vụ theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 3 Thông tư này. Điều 9. Chế độ, định mức chi và quản lý đối với các khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ 1. Mua sắm phương tiện đi lại phục vụ công tác của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài: Việc trang bị phương tiện đi lại phục vụ công tác của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải theo tiêu chuẩn, định mức, mức giá được quy định tại Chương III Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công ở Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện, sửa đổi, bổ sung (nếu có). Nguồn kinh phí trang bị phương tiện đi lại phục vụ công tác của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và nguồn thu được để lại theo quy định. Khi mua xe mới phải có hợp đồng mua bán xe ô tô ký giữa Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hoặc người được ủy quyền với đại diện bên bán xe. Trường hợp nước sở tại không có quy định về hợp đồng mua bán phương tiện đi lại thì phải có chứng từ mua bán hợp pháp. Tất cả các xe công khi sử dụng đều phải mua bảo hiểm phương tiện. 2. Thuê trụ sở và nhà ở: a) Đối với các địa bàn có trụ sở và nhà ở thuộc sở hữu của ta hoặc nhà hỗ tương, căn cứ quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ vào tình hình thực tế tại từng địa bàn, Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sắp xếp diện tích làm việc, tiếp khách, nhà ở cho các bộ phận công tác, các thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đảm bảo tính tôn nghiêm, khang trang, phù hợp với mục đích sử dụng. Đối với nhà thuộc sở hữu của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì các tài sản, các công trình xây dựng trên đất phải được mua bảo hiểm theo quy định của nước sở tại. b) Trường hợp phải đi thuê trụ sở và nhà ở thực hiện như sau: - Việc thuê trụ sở và nhà ở cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được căn cứ theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc, nhà ở quy định Chương II Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công ở Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện, sửa đổi, bổ sung (nếu có). Căn cứ vào mặt bằng giá cả và quy định về định mức diện tích nhà ở của nước sở tại và khả năng nguồn ngân sách được giao, cơ quan chủ quản phân bổ kinh phí để Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuê nhà đảm bảo tính tôn nghiêm, khang trang và phù hợp với mục đích sử dụng. Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng thuê nhà và luật pháp của nước sở tại. - Khi có nhu cầu thuê mới, đổi nhà thuê hoặc gia hạn hợp đồng thuê, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải báo cáo về cơ quan chủ quản để xem xét, giải quyết. Khi được cơ quan chủ quản đồng ý thì mới tìm thuê nhà và báo cáo cơ quan chủ quản dự thảo hợp đồng thuê nhà trước khi ký chính thức. Hợp đồng thuê nhà phải được xác nhận về mặt pháp lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của nước sở tại, trường hợp nước sở tại không quy định thì Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định việc lấy xác nhận pháp lý của nước sở tại đối với hợp đồng thuê nhà. Trường hợp gia hạn hợp đồng thuê hoặc đổi nhà thuê với giá thuê mới tăng so với giá thuê cũ không quá 10% thì Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quyết định và thông báo cho cơ quan chủ quản sau khi ký hợp đồng thuê. Trường hợp gia hạn hợp đồng thuê hoặc đổi nhà thuê với giá thuê mới tăng so với giá thuê cũ trên 10% thì cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định. - Trường hợp trong hợp đồng thuê nhà, bên cho thuê bắt buộc nộp tiền đặt cọc, thì Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hạch toán vào tài khoản tạm ứng và hết hạn hợp đồng thuê nhà phải thu hồi tiền đặt cọc để hoàn trả nguồn kinh phí. Cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quy định cụ thể trách nhiệm hoàn trả của cá nhân trong trường hợp làm hỏng tài sản thuê bị chủ nhà yêu cầu bồi thường. - Trường hợp thuê nhà ở cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài với diện tích thấp hơn so với mức tối đa theo quy định thì được thanh toán theo diện tích thực tế. - Trường hợp thuê nhà ở cho thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài với diện tích cao hơn so với quy định thì được thanh toán theo đúng quy định, cá nhân tự chịu phần chênh lệch cao hơn. c) Khi thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sang nhận công tác nhiệm kỳ được cơ quan bố trí, sắp xếp chỗ ở tạm trong thời gian bàn giao. Trường hợp, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không thể sắp xếp, bố trí được chỗ ở tạm, thì thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mới sang được thuê căn hộ hoặc phòng ở tại khách sạn loại trung bình (tương đương khách sạn loại 2 sao) của nước sở tại trong thời gian bàn giao theo quy định. 3. Sửa chữa lớn tài sản và nhà cửa theo dự án đã được cơ quan chủ quản phê duyệt: Việc cải tạo và sửa chữa lớn, nâng cấp trụ sở đều phải có dự án và kèm dự toán của từng hạng mục sửa chữa đã được bố trí trong dự toán năm và được cấp có thẩm quyền có quyết định phê duyệt. Các cơ quan chủ quản phải có quy định về phân cấp ra quyết định phê duyệt đối với việc sửa chữa, cải tạo sửa chữa lớn, nâng cấp trụ sở, nhà ở. 4. Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao: Trường hợp các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phát sinh thêm các hoạt động đặc thù, sự kiện đột xuất được cấp có thẩm quyền giao sau thời điểm cơ quan đã được giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có văn bản và lập dự toán chi gửi cơ quan chủ quản để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. 5. Một số chế độ chi khác: a) Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân trong thời gian công tác tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam khám chữa bệnh và điều trị thì phải tự chịu chi phí đi lại. Trong thời gian về Việt Nam khám chữa bệnh và điều trị, thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành, thôi không hưởng chế độ sinh hoạt phí. b) Trường hợp thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân bị chết ở nước sở tại trong nhiệm kỳ công tác, được thanh toán phần chi phí phát sinh (ngoài số tiền của tổ chức bảo hiểm thanh toán) như: chi phí vận chuyển hài cốt, thi hài về nước; đồng thời được thanh toán tiền vé máy bay hạng phổ thông hoặc phương tiện khác (khứ hồi) cho 01 thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đi theo mang hài cốt, thi hài về nước. c) Thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân được thanh toán vé máy bay khứ hồi hoặc vé khứ hồi của các phương tiện khác về Việt Nam hoặc nước thứ ba trong nhiệm kỳ công tác khi bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ/chồng; bố, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật chết ở Việt Nam hoặc nước thứ ba. Điều 10. Chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội Chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân đi công tác nhiệm kỳ cùng trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 9, Khoản 11 và Khoản 12 Điều 11 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Điều 11. Việc miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản di chuyển của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài Việc miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản di chuyển của thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi kết thúc nhiệm kỳ quy định tại Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và tại Điều 7 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Điều 12. Quản lý, sử dụng, kê khai tài sản công tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài Việc quản lý, sử dụng, kê khai tài sản công tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 ngày 12 năm 2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 166/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 ngày 2017 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Điều 13. Lập dự toán, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật tài chính ngân sách hiện hành. Thông tư này hướng dẫn bổ sung thêm một số điểm cho phù hợp với đặc thù của công tác lập dự toán, phân bổ và chấp hành dự toán ngân sách chi hoạt động thường xuyên của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài như sau: 1. Lập dự toán: a) Hàng năm Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài căn cứ vào nhiệm vụ chính trị được giao, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định, biến động giá cả của nước sở tại, biến động của đồng đô la Mỹ so với đồng tiền địa phương, số kiểm tra về dự toán ngân sách do cơ quan có thẩm quyền thông báo, tình hình thực hiện dự toán ngân sách các năm trước, lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước theo đúng biểu mẫu quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và quy định của Thông tư này, kèm theo thuyết minh về cơ sở, căn cứ tính toán gửi cơ quan chủ quản, trong đó xác định cụ thể dự toán chi ngân sách đề nghị giao thực hiện chế độ tự chủ và dự toán chi ngân sách giao không thực hiện chế độ tự chủ. Dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại lập chi tiết theo các nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Dự toán hàng năm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không bao gồm dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực thương mại thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 8 năm 2018 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Cơ quan đại diện sửa đổi, bổ sung năm 2017. b) Cơ quan chủ quản xem xét và tổng hợp số liệu dự toán thu chi của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trong dự toán ngân sách năm của đơn vị mình gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng 7 hàng năm. c) Cơ quan chủ quản lập dự toán bằng đồng Việt Nam có quy ra đôla Mỹ theo tỷ giá do Bộ Tài chính quy định cho năm kế hoạch. 2. Phân bổ, giao dự toán: a) Căn cứ quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ quản phân bổ và giao dự toán chi cho từng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc theo hai phần: Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ; kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ, gửi kết quả phân bổ về Bộ Tài chính để kiểm tra theo quy định và Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch) làm căn cứ cấp phát kinh phí. Đối với phân bổ dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại phân bổ rõ các khoản chi theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Thông tư này. Đối với phần kinh phí tự chủ phân bổ và ghi rõ kinh phí thực hiện các khoản chi theo chế độ, định mức và quy định hiện hành của nhà nước, chi hoạt động theo định mức, chi đặt cọc tiền thuê trụ sở, chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và chi thực hiện các nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư. Đối với phần kinh phí không tự chủ phân bổ rõ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư. b) Dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cấp theo dự toán bằng tiền đô la Mỹ. Trường hợp có phát sinh thiếu dự toán tính theo đồng Việt Nam (do chênh lệch tỷ giá hạch toán), cơ quan chủ quản tổng hợp nhu cầu cần bổ sung kinh phí chậm nhất trước ngày 10 tháng 12 năm thực hiện và có văn bản gửi cơ quan tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán làm căn cứ thực hiện. Trường hợp thừa dự toán tính theo đồng Việt Nam (do chênh lệch tỷ giá hạch toán) cơ quan chủ quản phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện hủy dự toán theo quy định. 3. Chấp hành dự toán: Căn cứ vào dự toán chi ngân sách năm đã được Bộ Tài chính thông báo, quy trình cấp phát kinh phí cho các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện như sau: a) Cơ quan chủ quản: - Cơ quan chủ quản thực hiện nhập vào hệ thống TABMIS phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm bằng đồng Việt Nam của khối các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc, đồng thời gửi quyết định phân bổ dự toán bằng đồng Việt Nam có quy ra đô la Mỹ tại thời điểm giao kế hoạch cho Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch). - Căn cứ nhu cầu chi tiêu của từng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan chủ quản thực hiện việc cấp phát kinh phí từ Quỹ Ngoại tệ tập trung Nhà nước bằng cách lập Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ theo Mẫu số c2-06/NS ban hành kèm theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Riêng đối với khối Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (trực thuộc Bộ Ngoại giao): Trường hợp số dư Quỹ Tạm giữ ngân sách nhà nước không đảm bảo đủ nhu cầu chi tiêu quý sau thì Bộ Ngoại giao làm thủ tục cấp phát kinh phí (phần chênh lệch thiếu) từ Quỹ Ngoại tệ tập trung của ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước. - Đối chiếu số liệu chi tiêu hàng quý với Kho bạc Nhà nước. - Thực hiện chức năng kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước căn cứ trên chứng từ Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gửi về, đảm bảo kiểm soát chi hồ sơ đúng quy định. - Trường hợp cần thiết điều chỉnh dự toán giữa các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà không làm thay đổi tổng mức kinh phí ngân sách nhà nước cấp đảm bảo hoạt động thường xuyên được giao của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm cả điều chỉnh từ kinh phí được giao không thực hiện chế độ tự chủ sang kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và điều chỉnh nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán kinh phí được giao không thực hiện chế độ tự chủ) do Cơ quan chủ quản quyết định. Cơ quan chủ quản gửi quyết định điều chỉnh dự toán cho cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc nhà nước để theo dõi. b) Kho bạc Nhà nước: Thanh toán kinh phí cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo đề nghị của cơ quan chủ quản, cụ thể: - Trường hợp chi từ Quỹ Ngoại tệ tập trung Nhà nước: Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch) căn cứ vào dự toán ngân sách của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do cơ quan chủ quản gửi từ đầu năm và giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ của cơ quan chủ quản gửi theo quy định tại gạch đầu dòng thứ hai Điểm a Khoản 3 Điều này thực hiện xuất Quỹ Ngoại tệ tập trung nhà nước thanh toán cho các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo đề nghị của cơ quan chủ quản. - Trường hợp sử dụng Quỹ Tạm giữ của ngân sách nhà nước ở nước ngoài: Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch) căn cứ vào dự toán ngân sách của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao gửi từ đầu năm và các liên chứng từ lệnh ghi thu ghi chi ngân sách theo Mẫu số c2-17b/NS ban hành kèm theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) mà Bộ Ngoại giao đã gửi (chỉ áp dụng riêng cho Bộ Ngoại giao) để thực hiện kiểm tra các yếu tố, ký trên các liên chứng từ và xử lý ghi thu ngân sách “Tiền phí, lệ phí lãnh sự hoặc các khoản thu khác ở nước ngoài”; đồng thời hạch toán ghi chi cho Bộ Ngoại giao (tương ứng Chương, loại, khoản của Mục lục ngân sách nhà nước). c) Biểu mẫu lập dự toán, chấp hành dự toán Biểu mẫu hướng dẫn tổng hợp lập dự toán thu, chi ngân sách theo quy định tại Biểu mẫu số 2, 3, 4, 5, 6, 7 kèm theo Thông tư này; biểu mẫu rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ theo Mẫu số c2-06/NS ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS). Khi rút dự toán ngân sách từ Quỹ tạm giữ ngân sách tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì Bộ Ngoại giao lập lệnh ghi thu ghi chi ngân sách theo Mẫu số c2-17b/NS ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS). 4. Xử lý số dư kinh phí ngân sách cuối năm của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (số dư tại Kho bạc Nhà nước, số dư tài khoản tiền gửi, số dư tiền mặt và số dư tạm ứng tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài): a) Kinh phí hoạt động của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đã được cơ quan chủ quản cấp đến cuối ngày 31 tháng 12 còn dư phải nộp trả ngân sách nhà nước trừ trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước. b) Thời gian chi đối với các nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được thực hiện chậm nhất đến ngày 31 tháng 12. Các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, khối lượng, công việc đã thực hiện từ ngày 31 tháng 12 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách, thì thời hạn chi, thanh toán ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau và được hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm trước. Trước ngày 10 tháng 02 năm sau, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo chi tiết số dư ngân sách được giao đến hết ngày 31 tháng 12 theo Biểu mẫu số 9 kèm theo Thông tư này về cơ quan chủ quản để tổng hợp, báo cáo Kho bạc Nhà nước trước ngày 01 tháng 3 năm sau. Đối với số dư không được chuyển sang năm sau phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước thực hiện giảm trừ vào lĩnh vực chi tương ứng thuộc dự toán chi ngân sách năm sau khi thực hiện chuyển kinh phí từ Quỹ Ngoại tệ tập trung tại Kho bạc Nhà nước cấp cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. c) Kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được giao thực hiện chế độ tự chủ cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, không được sử dụng để chi tăng thu nhập. 5. Quyết toán thu, chi ngân sách: a) Các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải tổ chức công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán nơi có đủ điều kiện theo quy định, lập báo cáo quyết toán ngân sách theo quy định tại Luật Kế toán 2015, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán; Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Về bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2018/TT-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế và phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Công tác kiểm tra tài chính, kế toán nội bộ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. b) Nội dung báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phù hợp với Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm. Ngoài ra, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gửi cho cơ quan chủ quản báo cáo quyết toán chi ngân sách năm theo biểu mẫu số 8 kèm theo Thông tư này. c) Cơ quan chủ quản có trách nhiệm lập, xét duyệt và tổng hợp báo cáo quyết toán năm của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài vào báo cáo quyết toán năm của mình; gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định hiện hành, chậm nhất trước ngày 1 tháng 10 năm sau. d) Trong quá trình thẩm định báo cáo quyết toán năm của cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính yêu cầu thẩm tra lại việc xét duyệt quyết toán năm của các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nếu thấy cần thiết. đ) Cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác thu, chi ngân sách nhà nước tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định. 6. Công tác kiểm tra giám sát: a) Kiểm soát thu: - Các khoản thu bằng tiền mặt: Phiếu thu tiền phải kèm theo chứng từ. Nếu là khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước thì phải sử dụng biên lai thu tiền theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí lãnh sự áp dụng tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. - Các khoản thu thông qua ngân hàng: Séc, chuyển khoản theo báo có của ngân hàng (thể hiện qua sổ phụ ngân hàng; bảng cân đối tài khoản thu chi của ngân hàng). b) Kiểm soát chi: - Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ kiểm soát chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả kinh phí được giao; quy định quy chế quản lý và sử dụng tài sản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân để bảo đảm sử dụng tài sản đúng mục đích; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải được thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. - Nhân viên kế toán kiểm tra các chứng từ thanh toán phù hợp với chế độ cho phép, trình Trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài duyệt và được thực hiện như sau: + Phiếu chi: Ghi rõ nội dung chi, số tiền bằng số và bằng chữ kèm theo hóa đơn, chứng từ của đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ và phải dịch ra tiếng Việt theo quy định pháp luật hiện hành. + Phương thức thanh toán: bằng tiền mặt, bằng séc, hoặc chuyển khoản. + Hạch toán vào mục lục ngân sách tương ứng. - Trường hợp mua hàng hóa, vật tư, trang thiết bị tại Việt Nam phải có hóa đơn theo quy định. Đối với khoản thanh toán cước mang hàng phải có hóa đơn hợp pháp của hãng vận chuyển. - Việc thanh toán kinh phí bằng ngoại tệ: Căn cứ số ngoại tệ quy đổi từ đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính thông báo tại thời điểm mua hàng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 14. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 3 năm 2020. 2. Chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại Thông tư này thực hiện đến hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi thực hiện theo quy định chung về chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. 3. Thông tư số 146/2013/TT-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Thông tư số 309/2016/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2016 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 146/2013/TT-BTC ngày 22 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính; Thông tư số 29/2000/TT-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2000 của Bộ Tài chính về quản lý Quỹ tạm giữ của ngân sách nhà nước tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Điều 15. Tổ chức thực hiện 1. Khi các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. 2. Các cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hướng dẫn các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc thực hiện Thông tư này và chỉ đạo các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài ban hành quy chế quản lý tài chính, tài sản nội bộ nhằm sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, có hiệu quả và đúng chính sách, chế độ của Nhà nước. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Ban Bí thư; - Thủ tướng Chính phủ; các Phó TTCP; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - VP TW Đảng và các ban của Đảng; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan TW của các hội, đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính; - Các đơn vị thuộc Bộ; - Lưu : VT, Vụ HCSN (130bản). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Hiếu CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM TẠI... Biểu mẫu số 1a BÁO CÁO THU CHI QUỸ TẠM GIỮ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI Tháng/Quý/Năm... năm ... (Dùng cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: Tiền địa phương/USD TT Nội dung Tiền địa phương/USD Lũy kế đến kỳ này I Số dư kỳ trước chuyển sang: II Số thu trong kỳ: - Lệ phí - Phí - Các khoản thu khác (chi tiết từng nội dung) III Số chi trong kỳ: - Trích chuyển kinh phí tại CQĐD - Chuyển về Quỹ ngoại tệ tập trung tại KBNN - Chi phí chuyển tiền về Quỹ ngoại tệ tập trung tại KBNN IV Số dư chuyển kỳ sau: KẾ TOÁN (Ký và ghi rõ họ tên) , ngày tháng năm THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐẠI DIỆN (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ NGOẠI GIAO Biểu mẫu số 1b BÁO CÁO TỔNG HỢP THU CHI QUỸ TẠM GIỮ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI Tháng/Quý/Năm... năm ... (Dùng cho Bộ Ngoại giao báo cáo Bộ Tài chính) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Số TT Mã CQĐD Tên CQĐD Số dư đầu kỳ Số thu trong kỳ Số chi trong kỳ Số dư cuối kỳ Tổng thu Lệ phí Phí Thu khác Tổng chi Trích chuyển KP tại CQĐD Chuyển tiền về Quỹ NTTT Chi phí chuyển tiền về Quỹ NTTT A B C 1 2=3+4+5 3 4 5 6=7+8+9 7 8 9 10=1+2-6 Tổng cộng NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký và ghi rõ họ tên) , ngày tháng năm THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM TẠI... Tên đơn vị: Mã đơn vị: Biểu mẫu số 2 TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM …. (Dùng cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo cơ quan chủ quản) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: USD TT Nội dung Thực hiện năm trước Năm hiện hành Dự toán năm kế hoạch Ghi chú Dự toán Ước thực hiện A Số thu NSNN (= I + II + III) I. Thu lệ phí 1 Lệ phí cấp hộ chiếu a Hộ chiếu: b Giấy thông hành c Cấp tem AB 2 Lệ phí về quốc tịch 3 Đăng ký nuôi con nuôi a Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi b Lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài II. Thu phí 1 Thị thực các loại 2 Xác nhận, đăng ký công dân 3 Chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự 4 Công chứng, chứng thực a Công chứng b Chứng thực 5 Xác minh giấy tờ, tài liệu 6 Tiếp nhận và vận chuyển đơn, chứng cứ của công dân và pháp nhân Việt Nam 7 Khác III. Các khoản thu khác 1. Thu tiền bán tài sản 2. Thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà hỗ tương, nhà thuê,... 3. Thu khác B Số thu nộp ngân sách nhà nước 1 Lệ phí 2 Phí 3 Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật C Số thu được để lại chi theo quy định (Chi tiết theo từng lĩnh vực chi) 1 Chi quản lý hành chính 2 Chi văn hóa thông tin ……………. KẾ TOÁN (Ký, ghi rõ họ tên) …., ngày tháng năm THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ CHỦ QUẢN Tên đơn vị: Mã đơn vị: Biểu mẫu số 3 TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM……….. (Dùng cho cơ quan chủ quản báo cáo Bộ Tài chính) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: USD TT Nội dung Thực hiện năm trước Năm hiện hành Dự toán năm kế hoạch Ghi chú Dự toán Ước thực hiện A Số thu NSNN (= I + II + III) I. Thu lệ phí 1 Lệ phí cấp hộ chiếu a Hộ chiếu: b Giấy thông hành c Cấp tem AB 2 Lệ phí về quốc tịch 3 Đăng ký nuôi con nuôi a Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi b Lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài II. Thu phí 1 Thị thực các loại 2 Xác nhận, đăng ký công dân 3 Chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự 4 Công chứng, chứng thực a Công chứng b Chứng thực 5 Xác minh giấy tờ, tài liệu 6 Tiếp nhận và vận chuyển đơn, chứng cứ của công dân và pháp nhân Việt Nam 7 Khác III. Các khoản thu khác 1. Thu tiền bán tài sản 2. Thu tiền thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà hỗ tương, nhà thuê,... 3. Thu khác B Số thu nộp ngân sách nhà nước 1 Lệ phí 2 Phí 3 Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật C Số thu được để lại chi theo quy định (Chi tiết theo từng lĩnh vực chi và chi tiết nội dung chi theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Thông tư này) 1 Chi Quản lý hành chính 2 Chi Văn hóa thông tin ………… NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký và ghi rõ họ tên) , ngày tháng năm THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM TẠI... Tên đơn vị: Mã đơn vị: Biểu mẫu số 4 DỰ TOÁN CHI TIẾT CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM.... (Dùng cho cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo cơ quan chủ quản) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Hệ số địa bàn Tổng số biên chế cán bộ công chức Tổng số phu nhân/phu quân Tổng số con chưa thành niên đi theo Đơn vị tính USD Nhóm/ Tiểu Nhóm/ Tiểu mục Nội dung Quyết toán năm trước Năm hiện hành Dự toán năm kế hoạch Ghi chú Dự toán được giao Ước thực hiện KP tự chủ KP không tự chủ Tổng cộng A B C 1 2 3 4 5 6=4+5 7 TỔNG SỐ Nhóm 0500 Chi hoạt động - Tiểu nhóm 0129 Chi thanh toán cho cá nhân 6050 Tiền công 6051 Tiền công trả cho lao động thường xuyên theo hợp đồng 6099 Khác 6100 Phụ cấp lương 6105 Phụ cấp làm đêm; làm thêm giờ 6107 Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm 6113 Phụ cấp trách nhiệm theo nghề, theo công việc 6123 Phụ cấp công tác Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội 6149 Phụ cấp khác (phụ cấp nữ) 6200 Tiền thưởng 6249 Thưởng khác 6300 Các khoản đóng góp 6302 Bảo hiểm y tế 6400 Các khoản thanh toán khác cho cá nhân 6402 Chi khám chữa bệnh cho cán bộ, công chức Việt Nam làm việc ở nước ngoài 6403 Sinh hoạt phí cho cán bộ, công chức Việt Nam làm việc ở nước ngoài 6449 Chi khác 6449.1 Tiền vé máy bay, tàu, xe cho CBNV hết N.kỳ 6449.2 Chi cân cước cho CBNV hết nhiệm kỳ 6449.3 Chi trợ cấp ngành 6449.4 Trợ cấp khi bị thương hoặc bị chết 6449.5 Hỗ trợ học phí con chưa thành niên 6449.6 Tiền vé máy bay, tàu, xe khứ hồi về việc hiếu 6449.8 Phụ cấp khác (phụ cấp lưu trú) - Tiểu nhóm 0130 6500 Thanh toán dịch vụ công cộng 6501 Tiền điện 6502 Tiền nước 6503 Tiền nhiên liệu 6504 Tiền vệ sinh, môi trường 6505 Tiền khoán phương tiện theo chế độ 6549 Chi khác 6550 Vật tư văn phòng 6551 Văn phòng phẩm (VPP phục vụ thu lệ phí) 6552 Mua sắm công cụ, dụng cụ văn phòng 6553 Khoán văn phòng phẩm 6599 Vật tư văn phòng khác 6600 Thông tin, tuyên truyền, liên lạc 6601 Cước phí điện thoại (không bao gồm khoán điện thoại); thuê bao đường điện thoại; fax 6603 Cước phí bưu chính 6605 Thuê bao kênh vệ tinh; thuê bao cáp truyền hình; cước phí Internet; thuê đường truyền mạng 6606 Tuyên truyền; quảng cáo 6608 Phim ảnh, ấn phẩm truyền thông; sách, báo, tạp chí thư viện 6618 Khoán điện thoại 6649 Khác 6650 Hội nghị - Ngoại giao phục vụ kinh tế 6651 In, mua tài liệu 6652 Bồi dưỡng báo cáo viên 6653 Tiền vé máy bay, tàu, xe 6654 Tiền thuê phòng ngủ 6655 Thuê hội trường, phương tiện vận chuyển 6656 Thuê phiên dịch, biên dịch 6657 Các khoản thuê mướn khác 6699 Chi phí khác 6700 Công tác phí 6701 Tiền vé máy bay, tàu, xe 6702 Phụ cấp công tác phí 6703 Tiền thuê phòng ngủ 6749 Chi khác 6750 Chi phí thuê mướn 6751 Thuê phương tiện vận chuyển 6752 Thuê nhà; thuê đất 6754 Thuê thiết bị các loại 6761 Thuê phiên dịch, biên dịch 6799 Chi phí thuê mướn khác 6900 Sửa chữa thường xuyên TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng 6901 Ô tô dùng chung 6902 Ô tô phục vụ chức danh 6905 Tài sản và thiết bị chuyên dùng 6907 Nhà cửa 6912 Các thiết bị công nghệ thông tin 6913 Tài sản và thiết bị văn phòng 6921 Đường điện, cấp thoát nước 6949 Các tài sản và công trình hạ tầng cơ sở khác 6950 Mua sắm tài sản phục vụ công tác chuyên môn (chỉ tính khấu hao) 6951 Ô tô dùng chung 6952 Ô tô phục vụ chức danh 6954 Tài sản và thiết bị chuyên dùng 6955 Tài sản và thiết bị văn phòng 6956 Các thiết bị công nghệ thông tin 6999 Tài sản và thiết bị khác 7000 Chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành 7001 Chi mua hàng hóa, vật tư (APT phục vụ thu lệ phí) 7004 Đồng phục, trang phục; bảo hộ lao động 7008 Chi mật phí (nếu có) 7012 Chi phí hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành 7049 Chi khác (tặng phẩm, ngoại giao đoàn ...) 7050 Mua sắm tài sản vô hình 7052 Mua bản quyền nhãn hiệu thương mại 7053 Mua, bảo trì phần mềm công nghệ thông tin 7054 Xây dựng phần mềm công nghệ thông tin 7099 Chi khác - Tiểu nhóm 0132 Các khoản chi khác 7750 Chi khác 7751 Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ ngân sách nhà nước 7756 Chi các khoản phí và lệ phí 7757 Chi bảo hiểm tài sản và phương tiện 7761 Chi tiếp khách 7799 Chi các khoản khác 7900 Chi cho các sự kiện lớn 7903 Chi kỷ niệm các ngày lễ lớn (kỷ niệm năm chẵn quan hệ hai nước) 7949 Chi khác Nhóm 0700 Chi đầu tư phát triển Tiểu nhóm 0136: Chi đầu tư các dự án 9200 Chi chuẩn bị đầu tư 9201 Chi điều tra, khảo sát 9202 Chi lập dự án đầu tư 9203 Chi tổ chức thẩm định dự án 9204 Chi đánh giá tác động của môi trường 9249 Chi khác 9300 Chi xây dựng 9301 Chi XD các công trình, hạng mục công trình 9302 Chi phá và tháo dỡ các vật kiến trúc cũ 9303 Chi san lấp mặt bằng xây dựng 9349 Chi khác 9350 Chi thiết bị 9351 Chi mua sắm thiết bị 9352 Chi lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị 9353 Chi đào tạo, chuyển giao công nghệ 9354 Chi phí vận chuyển, bảo hiểm 9355 Thuế và các loại phí, lệ phí liên quan 9356 Các chi phí mua thiết bị, phần mềm, lắp đặt, hiệu chỉnh, đào tạo, chuyển giao, vận chuyển, bảo hành, thuế, phí liên quan công nghệ thông tin 9399 Chi khác 9400 Chi phí khác 9401 Chi phí quản lý dự án 9402 Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 9403 Lệ phí cấp đất xây dựng, cấp giấy phép xây dựng 9405 Chi xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công 9449 Chi khác KẾ TOÁN (Ký, ghi rõ họ tên) ... , ngày … tháng ... năm ... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ CHỦ QUẢN Biểu mẫu số 5 TỔNG HỢP ƯỚC THỰC HIỆN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (năm hiện hành) năm……….. (Dùng cho cơ quan chủ quản báo cáo Bộ Tài chính) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: USD Mã số Tên CQĐD Tổng số biên chế Biên chế CBCC Biên chế PN/PQ Con chưa thành niên đi theo Tổng số xe ôtô Quyết toán năm trước Ước thực hiện năm hiện hành Trong đó Ghi chú Nhóm 0500 Nhóm 0700 Tiểu nhóm 0129 Tiểu nhóm 0130 Tiểu nhóm Tiểu nhóm 0136 6050 6100 6200 6300 6400 6500 6550 6600 6650 6700 6750 6900 6950 7000 7050 7750 7900 9200 9300 9350 9400 A B 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 015 KHÒN KÈN 036 RUMANI NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký, ghi rõ họ tên) ... , ngày … tháng ... năm ... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ CHỦ QUẢN Tên đơn vị: Mã đơn vị: Biểu mẫu số 6 TỔNG HỢP DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (năm kế hoạch) năm …….. (Dùng cho cơ quan chủ quản báo cáo Bộ Tài chính) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: USD Mã số Tên CQĐD Tổng số biên chế Biên chế CBCC Biên chế PN/PQ Con chưa thành niên đi theo Tổng số xe ôtô Quyết toán năm trước Ước thực hiện năm hiện hành Trong đó Ghi chú Nhóm 0500 Nhóm 0700 Tiểu nhóm 0129 Tiểu nhóm 0130 Tiểu nhóm Tiểu nhóm 0136 6050 6100 6200 6300 6400 6500 6550 6600 6650 6700 6750 6900 6950 7000 7050 7750 7900 9200 9300 9350 9400 A B 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 015 KHÒN KÈN 036 RUMANI NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký, ghi rõ họ tên) ... , ngày … tháng ... năm ... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ CHỦ QUẢN Tên đơn vị: Mã đơn vị Biểu mẫu số 7 TỔNG HỢP DỰ TOÁN THU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM ……… (Dùng cho cơ quan chủ quản báo cáo Bộ Tài chính) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: USD TT Nội dung Thực hiện năm trước Năm hiện hành Dự toán năm kế hoạch Ghi chú Dự toán giao Ước thực hiện A B 1 2 3 4 5 I Dự toán thu ngân sách nhà nước 1 Số thu ngân sách nhà nước Phí Lệ phí Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật 2 Số thu nộp ngân sách nhà nước 3 Chi từ nguồn thu được để lại (Chi tiết theo từng lĩnh vực chi) II Dự toán chi ngân sách nhà nước 1 Chi đầu tư phát triển (chi tiết theo từng lĩnh vực chi) 2 Chi thường xuyên (chi tiết theo từng lĩnh vực chi) NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký, ghi rõ họ tên) ... , ngày … tháng ... năm ... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) BỘ CHỦ QUẢN Tên đơn vị: Mã đơn vị Biểu mẫu số 8 BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGUỒN KINH PHÍ Tháng/Năm… năm…………. (Dùng cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo cơ quan chủ quản) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Hệ số địa bàn Biên chế: ………..(cán bộ: phu nhân, phu quân:.... ) Con đi theo: ………… Ôtô: …………… Đơn vị tính: tiền địa phương/USD Nhóm Nội dung QUYẾT TOÁN Mục TM Tháng này Lũy kế từ tháng 1 đến tháng này Nguồn NSNN Nguồn phí được để lại Tổng cộng Nguồn NSNN Nguồn phí được để lại Tổng cộng Trang thiết bị Điều hòa ngành Trang thiết bị Điều hòa ngành Tự chủ Không tự chủ NGKT Dự án đầu tư Tự chủ Không tự chủ Tự chủ Không tự chủ Tự chủ Không tự chủ NGKT Dự án đầu tư Tự chủ Không tự chủ Tự chủ Không tự chủ A B C 1 2 3 4 5 6 7 8 9 = 1+2 +...+8 10 11 12 13 14 15 16 17 18 = 10 + 11 +…+ 17 A. TỔNG NGUỒN KINH PHÍ ĐƯỢC SỬ DỤNG: 1. Số dư kinh phí kỳ trước chuyển sang: 2. Kinh phí cấp trong kỳ: 3. Thu đổi ngoại tệ 4. Nguồn thu khác 5. Thu điều chỉnh tăng dự toán 6. Chi điều chỉnh giảm dự toán B. TỔNG SỐ CHI ĐỀ NGHỊ QUYẾT TOÁN: C. SỐ DƯ CUỐI KỲ: CHI TIẾT CHI (của mục B điểm 1) Tổng cộng: Nhóm 0500 Chi hoạt động - Tiểu nhóm 0129 Chi thanh toán cho cá nhân 6050 Tiền công 6051 Tiền công trả cho lao động thường xuyên theo hợp đồng 6099 Khác 6100 Phụ cấp lương 6105 Phụ cấp làm đêm; làm thêm giờ 6107 Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm 6113 Phụ cấp trách nhiệm theo nghề, theo công việc 6123 Phụ cấp công tác Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội 6149 Phụ cấp khác (phụ cấp nữ) 6200 Tiền thưởng 6249 Thưởng khác 6300 Các khoản đóng góp 6302 Bảo hiểm y tế 6400 Các khoản thanh toán khác cho cá nhân 6402 Chi khám chữa bệnh cho cán bộ, công chức Việt Nam làm việc ở nước ngoài 6403 Sinh hoạt phí cho cán bộ, công chức Việt Nam làm việc ở nước ngoài 6449 Chi khác 6449.1 Tiền vé máy bay, tàu, xe cho CBNV hết N.kỳ 6449.2 Chi cân cước cho CBNV hết nhiệm kỳ 6449.4 Trợ cấp khi bị thương hoặc bị chết 6449.5 Hỗ trợ học phí con chưa thành niên 6449.6 Tiền vé máy bay, tàu, xe khứ hồi về việc hiếu 6449.8 Phụ cấp khác (phụ cấp lưu trú) - Tiểu nhóm 0130 6500 Thanh toán dịch vụ công cộng 6501 Tiền điện 6502 Tiền nước 6503 Tiền nhiên liệu 6504 Tiền vệ sinh, môi trường 6505 Tiền khoán phương tiện theo chế độ 6549 Chi khác 6550 Vật tư văn phòng 6551 Văn phòng phẩm (VPP phục vụ thu lệ phí) 6552 Mua sắm công cụ, dụng cụ văn phòng 6553 Khoán văn phòng phẩm 6599 Vật tư văn phòng khác 6600 Thông tin, tuyên truyền, liên lạc 6601 Cước phí điện thoại (không bao gồm khoán điện thoại), thuê bao đường điện thoại, fax 6603 Cước phí bưu chính 6605 Thuê bao kênh vệ tinh, thuê bao cáp truyền hình; cước phí Internet; thuê đường truyền mạng 6606 Tuyên truyền, quảng cáo 6608 Phim ảnh, ấn phẩm truyền thông; sách, báo, tạp chí thư viện 6618 Khoán điện thoại 6649 Khác 6650 Hội nghị - Ngoại giao phục vụ kinh tế 6651 In, mua tài liệu 6652 Bồi dưỡng báo cáo viên 6653 Tiền vé máy bay, tàu, xe 6654 Tiền thuê phòng ngủ 6655 Thuê hội trường, phương tiện vận chuyển 6656 Thuê phiên dịch, biên dịch 6657 Các khoản thuê mướn khác 6699 Chi phí khác 6700 Công tác phí 6701 Tiền vé máy bay, tàu, xe 6702 Phụ cấp công tác phí 6703 Tiền thuê phòng ngủ 6749 Chi khác 6750 Chi phí thuê mướn 6751 Thuê phương tiện vận chuyển 6752 Thuê nhà; thuê đất 6754 Thuê thiết bị các loại 6761 Thuê phiên dịch, biên dịch 6799 Chi phí thuê mướn khác 6900 Sửa chữa thường xuyên TSCĐ phục vụ công tác chuyên môn, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng 6901 Ô tô dùng chung 6902 Ô tô phục vụ chức danh 6905 Tài sản và thiết bị chuyên dụng 6907 Nhà cửa 6912 Các thiết bị công nghệ thông tin 6913 Tài sản và thiết bị văn phòng 6921 Đường điện, cấp thoát nước 6949 Các tài sản và công trình hạ tầng cơ sở khác 6950 Mua sắm tài sản phục vụ công tac chuyên môn (chỉ tính khấu hao) 6951 Ô tô dùng chung 6952 Ô tô phục vụ chức danh 6954 Tài sản và thiết bị chuyên dùng 6955 Tài sản và thiết bị văn phòng 6956 Các thiết bị công nghệ thông tin 6999 Tài sản và thiết bị khác 7000 Chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành 7001 Chi mua hàng hóa, vật tư (APT phục vụ thu lệ phí) 7004 Đồng phục, trang phục, bảo hộ lao động 7008 Chi mật phí (nếu có) 7012 Chi phí hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành 7049 Chi khác (tặng phẩm, ngoại giao đoàn) 7050 Mua sắm tài sản vô hình 7052 Mua bản quyền nhãn hiệu thương mại 7053 Mua, bảo trì phần mềm công nghệ thông tin 7054 Xây dựng phần mềm công nghệ thông tin 7099 Chi khác Tiểu nhóm 0132 Các khoản chi khác 7750 Chi khác 7751 Chênh lệch tỷ giá ngoại tệ ngân sách nhà nước 7756 Chi các khoản phí và lệ phí 7757 Chi bảo hiểm tài sản và phương tiện 7761 Chi tiếp khách 7799 Chi các khoản khác 7900 Chi cho các sự kiện lớn 7903 Chi kỷ niệm các ngày lễ lớn (kỷ niệm năm chẵn quan hệ hai nước) 7949 Chi khác Nhóm 0700 Chi đầu tư phát triển Tiểu nhóm 0136 Chi đầu tư các dự án 9200 Chi chuẩn bị đầu tư 9201 Chi điều tra, khảo sát 9202 Chi lập dự án đầu tư 9203 Chi tổ chức thẩm định dự án 9204 Chi đánh giá tác động của môi trường 9249 Chi khác 9300 Chi xây dựng 9301 Chi XD các công trình, hạng mục công trình 9302 Chi phá và tháo dỡ các vật kiến trúc cũ 9303 Chi san lấp mặt bằng xây dựng 9349 Chi khác 9350 Chi thiết bị 9351 Chi mua sắm thiết bị 9352 Chi lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị 9353 Chi đào tạo, chuyển giao công nghệ 9354 Chi phí vận chuyển, bảo hiểm 9355 Thuê và các loại phí, lệ phí liên quan 9356 Các chi phí mua thiết bị, phần mềm, lắp đặt, hiệu chỉnh, đào tạo, chuyển giao, vận chuyển, bảo hành, thuế, phí liên quan công nghệ thông tin 9399 Chi khác 9400 Chi phí khác 9401 Chi phí quản lý dự án 9402 Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 9403 Lệ phí cấp đất xây dựng, cấp giấy phép xây dựng 9405 Chi xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công 9449 Chi khác NGƯỜI LẬP BIỂU (Ký, ghi rõ họ tên) ... , ngày … tháng ... năm ... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu) CƠ QUAN.... Tên đơn vị: Mã đơn vị: Biểu mẫu số 9 BÁO CÁO SỐ DƯ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CUỐI NĂM ... (Dùng cho cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo cơ quan chủ quản và cơ quan chủ quản báo cáo Kho bạc Nhà nước) (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 3 tháng 2 năm 2020 của Bộ Tài chính) Đơn vị tính: (*) TT Nội dung Số dư kinh phí năm trước chuyển sang Dự toán được giao trong năm Kinh phí đã rút trong năm Kinh phí đề nghị quyết toán Kinh phí còn dư đến ngày 31/12 Trong đó Tổng số KBNN Kinh phí tại CQVNONN Được chuyển sang năm sau Số nộp trả NSNN Tổng số Kinh phí tại KBNN Kinh phí tại CQVNONN Tổng số Kinh phí tại KBNN Kinh phí tại CQVNONN Tổng số Kinh phí tại KBNN Kinh phí tại CQVNONN A B 1=2+3 2 3 4 5 6 7=8+9 8=2+4-5 9=3+5-6 10=11+12 11 12 13=14+15 14=8-11 15=9-12 Tổng số 1 Loại... - khoản ... a Kinh phí tự chủ/Kinh phí thường xuyên b Kinh phí không tự chủ/Kinh phí không thường xuyên 2 Loại... - khoản... a Kinh phí tự chủ/Kinh phí thường xuyên b Kinh phí không tự chủ/Kinh phí không thường xuyên ……… (*) Đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài báo cáo cơ quan chủ quản, tiền địa phương/USD Đối với cơ quan chủ quản báo cáo Kho bạc Nhà nước USD/VNĐ NGƯỜI LẬP BIỂU/KẾ TOÁN (ký ghi rõ họ tên) …., ngày … tháng … năm .... THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ (Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "03/02/2020", "sign_number": "07/2020/TT-BTC", "signer": "Trần Văn Hiếu", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-lien-tich-138-2015-TTLT-BQP-BLDTBXH-BTC-che-do-dan-cong-hoa-tuyen-tham-gia-khang-chien-299094.aspx
Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC chế độ dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến
BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH ---------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 138/2015/TTLT-BQP-BLĐBXH-BTC Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2015 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 49/2015/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN CÔNG HỎA TUYẾN THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, CHỐNG MỸ, CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Căn cứ Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (sau đây được viết tắt là Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg); Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg . Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí và cấp “Giấy chứng nhận” đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Điều 2. Đối tượng và điều kiện áp dụng 1. Đối tượng Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. 2. Điều kiện áp dụng Người được Ủy ban hành chính hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, bao gồm: Vận chuyển vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm, vận chuyển thương binh, bệnh binh; làm đường cơ động, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông, liên lạc, vót chông, làm cạm bẫy; đào hầm hào, xây dựng công sự, trận địa, khu vực phòng thủ, trong thời gian và địa bàn theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg. Điều 3. Đối tượng không áp dụng Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg. Điều 4. Thời gian tính hưởng chế độ 1. Thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp một lần là thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, tính từ ngày được cấp có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương. 2. Trường hợp đối tượng có thời gian tập trung tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn để tính hưởng chế độ. Điều 5. Chế độ trợ cấp một lần 1. Đối tượng có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này được hưởng chế độ trợ cấp một lần ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, cụ thể như sau: a) Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; b) Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; c) Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng. 2. Người đã từ trần thì một trong những thân nhân sau đây của người từ trần: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên. Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A tham gia dân công hỏa tuyến tháng 11 năm 1953, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 5 năm 1954. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Nguyễn Văn A như sau: Thời gian tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954 là 07 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 2.000.000 đồng. Ví dụ 2: Bà Ngô Thị B tham gia dân công hỏa tuyến đợt 1 từ tháng 8 năm 1965, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 01 năm 1966; đợt 2 tham gia dân công hỏa tuyến tại huyện biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tháng 10 năm 1975. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với bà Ngô Thị B như sau: Đợt 1: Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 01 năm 1966 là 06 tháng; Đợt 2: Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 10 năm 1975 là 06 tháng. Tổng thời gian tham gia 2 đợt là: 06 tháng + 06 tháng = 12 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 2.700.000 đồng. Ví dụ 3: Ông Dương Văn C tham gia dân công hỏa tuyến tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn từ tháng 7 năm 1980, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 9 năm 1982. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Dương Văn C như sau: Thời gian tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 7 năm 1980 đến tháng 9 năm 1982 là 02 năm 03 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 3.500.000 đồng. Ví dụ 4: Trường hợp ông Nguyễn Văn A nêu tại ví dụ 1, nhưng ông A đã từ trần. Theo quy định, thân nhân của ông A được hưởng chế độ trợ cấp một lần là 2.000.000 đồng. Điều 6. Chế độ bảo hiểm y tế 1. Đối tượng có đủ điều kiện theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung năm 2014). 2. Trường hợp đối tượng có đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm y tế khác nhau thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế và được lựa chọn chế độ có mức hưởng cao nhất. Điều 7. Trợ cấp mai táng phí 1. Đối tượng có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này, khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 2. Trường hợp đối tượng đã từ trần trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng phí. 3. Trường hợp đối tượng từ trần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mà chưa có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của cấp có thẩm quyền thì khi có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định. Điều 8. Cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến Đối tượng có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này, đã có quyết định của cấp có thẩm quyền, khi nhận chế độ trợ cấp một lần được cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến. Mẫu Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến do Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Quyết định số 4969/QĐ-BQP ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện 1. Kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này do ngân sách Trung ương bảo đảm. Bộ Tài chính cấp theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, chuyển các đơn vị, địa phương thực hiện chi trả. 2. Kinh phí chi mua thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện trợ cấp mai táng phí theo hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này do ngân sách địa phương bảo đảm. 3. Kinh phí đảm bảo cho công tác xét duyệt, chi trả chế độ trợ cấp một lần hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư này bằng 4% tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng do ngân sách Trung ương bảo đảm. Nội dung chi kinh phí đảm bảo cho công tác xét duyệt, chi trả gồm: Tuyên truyền, phổ biến chính sách; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; xét duyệt, thẩm định hồ sơ; kiểm tra, sơ, tổng kết; in ấn tài liệu, mẫu biểu, Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến; văn phòng phẩm; sửa chữa nhỏ trang bị phục vụ công tác quản lý, xét duyệt, chi trả. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Điều 10. Hồ sơ, trình tự thực hiện chế độ trợ cấp một lần 1. Hồ sơ của đối tượng để xét hưởng chế độ, bao gồm: a) Bản khai cá nhân - Đối với dân công hỏa tuyến còn sống lập theo mẫu số 1A kèm theo Thông tư này; - Đối với đối tượng đã từ trần, thân nhân của đối tượng lập theo mẫu số 1B kèm theo Thông tư này. b) Giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã, một trong các giấy tờ thể hiện tham gia dân công hỏa tuyến, gồm: Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, trong đó có thể hiện thời gian tham gia dân công hỏa tuyến; danh sách các đợt huy động tham gia dân công hỏa tuyến của địa phương; hồ sơ hưởng chính sách người có công, hưởng bảo hiểm xã hội có khai thời gian tham gia dân công hỏa tuyến. 2. Trình tự giải quyết chế độ a) Đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần) lập bản khai và trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; b) Từng đợt, trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ủy ban nhân cấp xã hoàn thành việc xét duyệt, lập 02 bộ hồ sơ cho từng đối tượng; lập Biên bản họp Hội đồng chính sách xã theo mẫu số 2, làm công văn đề nghị theo mẫu số 3A, kèm theo danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo mẫu số 3B, báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Những trường hợp chưa rõ đối tượng, thời gian tính hưởng chế độ hoặc có khiếu nại, tố cáo thì để lại xác minh, làm rõ, nếu đủ điều kiện thì báo cáo sau; c) Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo (theo từng đợt), hoàn thành việc rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện cho ý kiến; hoàn thiện hồ sơ, làm công văn đề nghị theo mẫu số 3A, gửi Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, kèm theo hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần (mỗi đối tượng 02 bộ) và danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo mẫu số 3B; d) Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp nhận hồ sơ do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện báo cáo; trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt) hoàn thành việc xét duyệt, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cho ý kiến; hoàn thiện hồ sơ, làm công văn đề nghị theo mẫu số 3A, gửi cấp có thẩm quyền theo quy định sau đây: - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh báo cáo, đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu (qua Phòng Chính sách) thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, kèm theo mỗi đối tượng 01 bộ hồ sơ và danh sách đối tượng được hưởng chế độ theo mẫu số 3B; lưu trữ mỗi trường hợp 01 bộ hồ sơ và danh sách đối tượng được hưởng chế độ. - Cục Chính trị/Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổng hợp, đề nghị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần. đ) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành việc thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mẫu số 4, sau khi có ý kiến thẩm định của Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị; e) Sau khi được cấp kinh phí trợ cấp, trong thời gian 10 ngày làm việc, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức chi trả chế độ trợ cấp một lần cho các đối tượng bảo đảm kịp thời, công khai, chặt chẽ, chính xác; trao Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến cùng với chi trả chế độ trợ cấp một lần; thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định. Điều 11. Hồ sơ, trình tự thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế Hồ sơ, trình tự thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này được thực hiện tương tự theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế đối với người có công với cách mạng. Điều 12. Hồ sơ, trình tự thực hiện trợ cấp mai táng phí 1. Hồ sơ của thân nhân đối tượng để xét hưởng trợ cấp mai táng phí, gồm: a) Bản trích sao quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của đối tượng đã từ trần; b) Giấy chứng tử. 2. Trình tự thực hiện trợ cấp mai táng phí a) Đối với thân nhân đối tượng Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. b) Ủy ban nhân dân cấp xã Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định của thân nhân đối tượng, kiểm tra, hoàn thiện 02 bộ hồ sơ, làm công văn đề nghị theo mẫu số 5A và danh sách đề nghị trợ cấp mai táng phí theo mẫu số 5B gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. c) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, kiểm tra, thẩm định, làm công văn đề nghị theo mẫu số 5C, lập danh sách theo mẫu số 5B, kèm theo 01 bộ hồ sơ của thân nhân đối tượng, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh. d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, kiểm tra, tổng hợp danh sách, lưu hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp, chuyển quyết định cùng kinh phí về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để chi trả cho thân nhân đối tượng. đ) Sau khi nhận được kinh phí trợ cấp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển về, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chi trả cho thân nhân đối tượng. Điều 13. Trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến 1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã a) Thành lập Hội đồng chính sách xã do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm chủ tịch Hội đồng, xã đội trưởng, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực và các thành viên gồm: Đại diện Đảng ủy (hoặc chi bộ đối với nơi không có đảng bộ), Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có), giúp Ủy ban nhân dân hướng dẫn tổ chức thực hiện; b) Xác định các đợt đi dân công hỏa tuyến của xã trong các thời kỳ, số lượng người đi dân công hỏa tuyến của mỗi đợt, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp (qua Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện) làm cơ sở xét duyệt tại xã; c) Tuyên truyền, phổ biến về các chế độ, chính sách đối với nhân dân và những người tham gia dân công hỏa tuyến; d) Chỉ đạo Hội đồng chính sách cấp xã tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp; tổ chức hội nghị xét duyệt dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ, chính xác theo quy định sau đây: Khi tổ chức hội nghị xét duyệt do Hội đồng chính sách xã báo cáo, mời đại diện Ban Chỉ đạo cấp huyện, triệu tập Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn có đối tượng, Chi hội Cựu chiến binh, Ban Liên lạc Hội Cựu thanh niên xung phong, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có) và một số đại biểu đại diện nguyên cán bộ phụ trách cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự của địa phương thời kỳ kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đại biểu đối tượng đã hưởng chế độ theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ cùng tham dự; đ) Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức chi trả chế độ và trao Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến cho đối tượng; bảo đảm công khai, chặt chẽ, chính xác, kịp thời; e) Đối với trường hợp đối tượng sinh quán và có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến ở địa phương, hiện đang đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương khác, có yêu cầu xác nhận hồ sơ thì Hội đồng chính sách xã (với thành phần nêu trên) tổ chức xét duyệt, nếu đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và đề nghị chính quyền địa phương nơi đối tượng đang đăng ký hộ khẩu thường trú xem xét, đề nghị hưởng chế độ theo quy định. 2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện a) Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân cấp huyện là Trưởng ban, cơ quan quân sự, Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực và các thành viên gồm: Đại diện Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; các ngành: Công an, Nội vụ, Tài chính, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có); thành lập Tổ tư vấn (gồm: Đại diện Lãnh đạo Ủy ban các thời kỳ, đại diện Ban Chỉ huy quân sự, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Cựu Chiến binh, Lưu trữ...; Tổ trưởng Tổ tư vấn là một chỉ huy cơ quan quân sự cấp huyện); b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách đối với nhân dân và đối tượng là dân công hỏa tuyến tại địa phương. Tổ chức tập huấn cho các cơ quan chức năng cấp huyện và lãnh đạo chính quyền, cán bộ, thành viên tham gia Hội đồng chính sách cấp xã; c) Trên cơ sở hồ sơ lưu trữ và báo cáo của Hội đồng chính sách cấp xã, chỉ đạo Tổ tư vấn xác định các đợt đi dân công hỏa tuyến, số lượng người đi của từng xã trong huyện; báo cáo Ban Chỉ đạo cấp huyện kết luận và thông báo cho Hội đồng chính sách từng xã làm cơ sở xét duyệt; d) Chủ trì kiểm tra việc thực hiện và giải quyết những vướng mắc, phát sinh tại địa phương. 3. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh a) Thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Trưởng ban, cơ quan quân sự, Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực và các thành viên gồm: Đại diện cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Công an, Nội vụ, Tài chính, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Người cao tuổi, Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có); mời đại biểu đại diện nguyên là cán bộ cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng cơ quan quân sự các thời kỳ; b) Chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan tuyên truyền về chế độ, chính sách đối với nhân dân và đối tượng là dân công hỏa tuyến tại địa phương. Tổ chức tập huấn cho các cơ quan chức năng của tỉnh và lãnh đạo chính quyền, các cơ quan chức năng của cấp huyện; triển khai tổ chức thực hiện chế độ, chính sách theo quy định trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, chính xác, thuận tiện, không để xảy ra sai sót, tiêu cực; c) Chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bàn giao quyết định và danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí cho các đối tượng theo quy định; chuyển Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến do Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cấp đối với từng đối tượng về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để trao cho đối tượng cùng với việc chi trả chế độ trợ cấp một lần; d) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào quyết định và danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bàn giao, hướng dẫn và thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí cho các đối tượng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hiện hành; đ) Chủ trì kiểm tra việc thực hiện và giải quyết những vướng mắc, phát sinh tại địa phương. 4. Đối với Bộ Tư lệnh các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội a) Thành lập Ban Chỉ đạo do một đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh là Trưởng ban, Thủ trưởng cơ quan chính trị là Phó trưởng ban thường trực và các thành viên gồm: Cơ quan Chính sách, Tài chính, Quân lực, Tuyên huấn, Văn phòng và các cơ quan có liên quan; b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách; tổ chức tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các Ban Chỉ đạo và cơ quan, đơn vị thuộc quyền; triển khai thực hiện chế độ quy định cho các đối tượng trên địa bàn; c) Tổng hợp, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị) quyết định và danh sách đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần (mỗi loại 05 bản) để tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; d) Lưu trữ hồ sơ đối tượng hưởng chế độ (mỗi đối tượng 01 bộ); chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 01 quyết định, kèm theo danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần để bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh; đ) Căn cứ quyết định và danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp một lần, ký Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến đối với từng đối tượng, chuyển về Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; e) Chỉ đạo, thực hiện việc trả lại các giấy tờ (bản chính) cho đối tượng (nếu có). g) Chủ trì kiểm tra, giải quyết những vướng mắc phát sinh ở cơ quan, địa phương thuộc quyền quản lý, tổ chức xác minh, kết luận hoặc có văn bản chỉ đạo, đề nghị đơn vị xác minh, kết luận khi phát hiện khai man, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ. 5. Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng a) Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị - Phối hợp, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện; - Tổ chức thẩm định hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp một lần theo đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; - Tổng hợp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần của các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề nghị, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí; phối hợp Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng phân bổ kinh phí để các đơn vị thực hiện; - Lưu trữ quyết định và danh sách đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần do các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo; đồng thời, thực hiện số hóa danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần đăng tải trên Cổng thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội; - Chủ trì, phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh. b) Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng Báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu ngân sách, cấp kinh phí cho các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện chi trả cho đối tượng; quản lý, chỉ đạo thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện. Điều 14. Tổ chức thực hiện 1. Bộ Quốc phòng a) Trên cơ sở Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, tổ chức kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng; tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành; xác định và bổ sung kịp thời các chủ trương, giải pháp, chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công bằng, công khai; b) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến theo quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này; ủy quyền Tổng cục Chính trị ký công văn đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí chi trả trợ cấp một lần đối với các đối tượng; c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định hưởng; chi trả chế độ trợ cấp một lần chặt chẽ, kịp thời; thanh quyết toán theo quy định hiện hành; d) Chủ trì phối hợp công tác kiểm tra, giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội a) Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp tham gia Ban Chỉ đạo và Hội đồng chính sách ở các địa phương; b) Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí đối với các đối tượng theo quy định. 3. Bộ Tài chính a) Căn cứ đề nghị cấp phát kinh phí của Bộ Quốc phòng, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp một lần và kinh phí bảo đảm cho công tác xét duyệt, chi trả theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; thẩm định quyết toán theo quy định hiện hành; b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật. Điều 15. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2016. 2. Các chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về liên Bộ (qua Bộ Quốc phòng) để xem xét, giải quyết./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Huỳnh Quang Hải KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LĐTB VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Huỳnh Văn Tí KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Nguyễn Thành Cung Nơi nhận: - Thủ tướng; các Phó Thủ tướng (để báo cáo); - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; - Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Sở LĐ-TBXH, Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; - Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ; - Website Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH; - Các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; - Lưu: BQP, BLĐTBXH, BTC; Q 350. TỔNG HỢP CÁC MẪU BIỂU (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015) Số TT Nội dung Mẫu biểu 1 Bản khai cá nhân Mẫu số 1A 2 Bản khai thân nhân Mẫu số 1B 3 Biên bản họp Hội đồng chính sách xã Mẫu số 2 4 Công văn đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần Mẫu số 3A 5 Danh sách đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần Mẫu số 3B 6 Quyết định về việc thực hiện chế độ trợ cấp một lần Mẫu số 4 7 Công văn đề nghị hưởng trợ cấp mai táng phí Mẫu số 5A 8 Danh sách đối tượng từ trần đề nghị trợ cấp mai táng phí Mẫu số 5B 9 Công văn đề nghị hưởng trợ cấp mai táng phí Mẫu số 5C Mẫu số 1A CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------- BẢN KHAI CÁ NHÂN Đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ 1. Họ và tên:...................................................................... ; Nam, nữ:………………………… 2. Sinh ngày……..tháng………năm...................................................................................... 3. Dân tộc:........................................................... ; Tôn giáo:............................................. 4. Quê quán: Thôn (ấp, bản, tổ dân phố)............................................................................. xã (phường)....................................................................................................................... huyện (thị, quận).......................................................... , tỉnh (thành phố)............................. 5. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn (ấp, bản, tổ dân phố)............................................ xã (phường)....................................................................................................................... huyện (thị, quận).......................................................... , tỉnh (thành phố)............................. 6. Ngày vào đảng:............................................... Chính thức:............................................. 7. Khen thưởng:..................................................... Kỷ luật:............................................... 8. Hồ sơ, giấy tờ liên quan còn giữ được:........................................................................... 9. Hiện nay đang hưởng chế độ, chính sách gì:................................................................... 10. Nghề nghiệp hiện nay:................................................................................................... 11. Đã được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (Đã hưởng □; chưa hưởng □) 12. Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại:........................................................................... 13. Quá trình tham gia dân công hỏa tuyến: - Đợt 1: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. + Người chỉ huy................................................................................................................. + Người trong thôn, xã cùng đi:.......................................................................................... + Người trong thôn, xã cùng về:......................................................................................... - Đợt 2: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. + Người chỉ huy................................................................................................................. + Người trong thôn, xã cùng đi:.......................................................................................... + Người trong thôn, xã cùng về:......................................................................................... - Đợt 3: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. + Người chỉ huy................................................................................................................. + Người trong thôn, xã cùng đi:.......................................................................................... + Người trong thôn, xã cùng về:......................................................................................... Tổng thời gian tham gia dân công hỏa tuyến: ……..năm…….tháng. Tôi xin cam đoan lời khai trên đây là đúng, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./. ………ngày….tháng….năm 20….. NGƯỜI KHAI (Ký, ghi rõ họ tên) Mẫu số 1B CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------- BẢN KHAI THÂN NHÂN Đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Đối với đối tượng đã từ trần) I. PHẦN KHAI VỀ THÂN NHÂN CỦA ĐỐI TƯỢNG Họ và tên:.............................................................. Bí danh:................................. Nam, nữ. Ngày, tháng, năm sinh:......................................... Số CMND.............................................. Quê quán:.......................................................................................................................... Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:........................................................................................ Đơn vị, cơ quan công tác hoặc nơi sinh sống hiện nay:....................................................... Quan hệ với đối tượng khai dưới đây là:............................................................................. II. PHẦN KHAI VỀ ĐỐI TƯỢNG 1. Họ và tên đối tượng:.................................................... ; Nam, nữ:................................. 2. Năm sinh:....................................................................................................................... 3. Dân tộc:........................................................... ; Tôn giáo:............................................. 4. Quê quán: Thôn (ấp, bản, tổ dân phố)............................................................................. xã (phường).................................................... huyện (thị, quận)........................................ , tỉnh (thành phố).................................................................................................................. 5. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn (ấp, bản, tổ dân phố)........................................... , xã (phường)....................................................................................................................... huyện (thị, quận).............................................. , tỉnh (thành phố)......................................... 6. Từ trần: Ngày…….tháng……năm……tại:.......................................................................... ......................................................................................................................................... 7. Hồ sơ, giấy tờ liên quan còn giữ được:........................................................................... 8. Quá trình tham gia dân công hỏa tuyến: - Đợt 1: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. - Đợt 2: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. - Đợt 3: + Ngày đi:.......................................................................................................................... + Nơi đi:............................................................................................................................ + Ngày về:......................................................................................................................... + Nơi về:........................................................................................................................... + Cấp huy động tập trung:.................................................................................................. + Nhiệm vụ được giao:....................................................................................................... + Địa bàn thực hiện nhiệm vụ:............................................................................................. Tổng thời gian tham gia dân công hỏa tuyến: …….năm……tháng. Tôi xin cam đoan lời khai trên đây là đúng, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./. ………ngày….tháng….năm 20…. NGƯỜI KHAI (Ký, ghi rõ họ tên) Ý KIẾN ỦY QUYỀN VÀ CHỮ KÝ CỦA CÁC THÂN NHÂN CÒN LẠI (NẾU CÓ) Mẫu số 2 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------- BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG CHÍNH SÁCH XÃ Xét duyệt, đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ Hôm nay, ngày……tháng……năm 20…. Hội đồng chính sách xã (phường)....................................................................................... huyện (quận)..................................................... tỉnh (thành phố).......................................... Chúng tôi gồm: 1. Chủ tịch Hội đồng chính sách xã:.................................... Chức vụ................................... 2. Đại diện cán bộ quân sự:............................................... Chức vụ................................... 3. Đại diện ngành Lao động-Thương binh và Xã hội:............ Chức vụ................................... 4. Đại diện Đảng ủy xã (chi bộ):.......................................... Chức vụ................................... 5. Đại diện Hội đồng nhân dân:.......................................... Chức vụ................................... 6. Đại diện Công an xã:...................................................... Chức vụ................................... 7. Đại diện Hội Cựu chiến binh:.......................................... Chức vụ................................... 8. Đại diện Hội Cựu TNXP:................................................. Chức vụ................................... 9. Đại diện Mặt trận Tổ quốc xã:......................................... Chức vụ................................... 10. Đại diện Hội Người cao tuổi:......................................................................................... 11. Đại diện Ban Liên lạc dân công hỏa tuyến (nếu có)......................................................... 12. Trưởng thôn:................................................................................................................ Đại biểu cơ quan quân sự cấp trên:.................................................................................. ......................................................................................................................................... Thành phần khác được mời: 1. Đại diện Chi hội Cựu chiến binh....................................................................................... 2. Đại diện......................................................................................................................... 3....................................................................................................................................... 4....................................................................................................................................... Đã họp để xem xét, đề nghị đối tượng hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nhất trí đề nghị: Ông (bà):................................................... Bí danh:......................................... sống (chết). Sinh ngày…….tháng……năm:…………………………..Từ trần ngày…….tháng……..năm......... Quê quán:.......................................................................................................................... Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:........................................................................................ Là đối tượng dân công hỏa tuyến tham gia......................................................................... Tổng thời gian tham gia:…….tháng……năm. Hiện đang được hưởng chế độ nghỉ hưu, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng (hoặc chưa được hưởng chính sách gì):......................................................................................................................................... Các giấy tờ của đối tượng còn lưu giữ:.............................................................................. ......................................................................................................................................... Đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho Ông (Bà)………………………hoặc thân nhân của đối tượng là Ông (Bà)………………………được hưởng chế độ theo quy định hiện hành. Biên bản lập thành…….bản, các đại diện có mặt nhất trí cùng ký tên dưới đây: Đại diện Đảng ủy xã (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Cán bộ ngành LĐTBXH (Ký, ghi rõ họ tên) Xã Đội trưởng (Ký, ghi rõ họ tên) Chủ tịch Hội đồng chính sách (Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên) Đại diện Mặt trận Tổ quốc (Ký, ghi rõ họ tên) Trưởng thôn (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Công an xã (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Hội đồng nhân dân (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Ban Liên lạc dân công hỏa tuyển (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Hội Người cao tuổi (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Hội Cựu TNXP (Ký, ghi rõ họ tên) Đại diện Hội Cựu chiến binh (Ký, ghi rõ họ tên) ĐẠI DIỆN BAN CHỈ ĐẠO CẤP HUYỆN (ký, ghi rõ cấp bậc, chức vụ, họ tên) Mẫu số 3A ……………………….. …………………...(1) ---------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………./………. V/v đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg . ………, ngày …… tháng …… năm 20….. Kính gửi: …………………………………………………. ………………………………………………(2) Căn cứ Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về thực hiện chế độ đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Căn cứ vào hồ sơ của đối tượng và đề nghị của................................................................. .................................................................... (1) đề nghị………………………………………(2). giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho…………….đối tượng. (có danh sách và hồ sơ kèm theo). Đề nghị……………………………(2) xem xét giải quyết./. Nơi nhận: - ……………..; - ……………..; - ……………...; - Lưu:…… ………………………….(3) (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: - Mẫu này dùng cho cấp xã trở lên. - (1) Cấp đề nghị. - (2) Cấp trên trực tiếp. - (3) Chức vụ người ký. Mẫu số 3B ………………………….. …………….………...(1) -------- DANH SÁCH Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Kèm theo Công văn đề nghị số………. ngày…..tháng….năm 20…. của………………….) Số TT Họ và tên Ngày, tháng, năm sinh Quê quán Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú Sống hay chết Thời gian được hưởng Mức trợ cấp (đồng) Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu - Tổng số đối tượng:………………….………………. - Tổng số tiền:…………………………………….…….. NGƯỜI LẬP DANH SÁCH (Ký tên, ghi rõ cấp bậc, hoặc chức vụ) ………, ngày….tháng……năm….. ………………………………………(2) (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: - Mẫu này dùng cho cấp xã trở lên. - (1) Cấp đề nghị. - (2) Chức vụ người ký. Mẫu số 4 ……………………….. …………………...(1) ------------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /QĐ-……. ………, ngày …… tháng …… năm 20….. QUYẾT ĐỊNH Về việc thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ ……………………………………(1) Căn cứ Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Căn cứ Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính; Theo đề nghị của ............................................(2), QUYẾT ĐỊNH: Điều 1. Nay giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho:……………đối tượng, Là dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Với số tiền là……………………………….đồng. (Bằng chữ:………………………………………………...). (Có danh sách kèm theo). Điều 2. ……………………………..(2) và các ông (bà) có tên trên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./. Nơi nhận: - ……………..; - ……………..; - ……………...; - Lưu: VT……. ………………………….(3) (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: - Mẫu này dùng cho BTL quân khu hoặc BTL Thủ đô Hà Nội. - (1) BTL quân khu hoặc BTL Thủ đô Hà Nội. - (2) Chủ nhiệm chính trị quân khu hoặc BTL Thủ đô Hà Nội. - (3) Chức vụ người ký. Mẫu số 5A ỦY BAN NHÂN DÂN …………………..... ---------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /UB-ĐN V/v đề nghị hưởng trợ cấp mai táng phí ………, ngày …… tháng …… năm 20….. Kính gửi: ………………………………………… Căn cứ vào Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến; Ủy ban nhân dân .................................................................................................. đề nghị: Ông (bà):.................................................................... Sinh ngày…….tháng……năm……….. Quê quán:.......................................................................................................................... Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:........................................................................................ ......................................................................................................................................... Là thân nhân của ông (bà):……………………………thuộc đối tượng dân công hỏa tuyến, đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; từ trần ngày……tháng…….năm……tại:................................................................................................ Được hưởng trợ cấp mai táng phí theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg . (Có hồ sơ kèm theo) Đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết./. TM. UBND……………………. CHỦ TỊCH (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: Mẫu này dùng cho cấp xã Mẫu số 5B ………………………….. ……………………...(1) DANH SÁCH ĐỐI TƯỢNG TỪ TRẦN ĐỀ NGHỊ TRỢ CẤP MAI TÁNG PHÍ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg (Kèm theo Công văn đề nghị số………. ngày…..tháng….năm 20…… của…………….) Số TT Họ và tên Năm sinh Quê quán Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú Số Quyết định hưởng trợ cấp một lần Ngày, tháng, năm từ trần Mức hưởng (đồng) - Tổng số đối tượng:………………….………………. Người lập danh sách (Ký tên, ghi rõ cấp bậc, hoặc chức vụ) ………, ngày….tháng……năm….. ………………………………………(2) (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: - Mẫu này dùng cho cấp xã trở lên. - (1) Cấp đề nghị. - (2) Chức vụ người ký. Mẫu số 5C …………………….. …………………..... CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: /CV V/v đề nghị hưởng trợ cấp mai táng phí ………, ngày …… tháng …… năm 20….. Kính gửi: ……………………………………………… ……………………………………………… Căn cứ Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến. ……………………………………………….đề nghị xem xét, giải quyết trợ cấp mai táng phí đối với thân nhân của dân công hỏa tuyến như sau: - Tổng số đối tượng:.......................................................................................................... - Tổng số tiền:.................................................................................................................... Các đối tượng trên đã được xét duyệt theo quy định. (có danh sách và hồ sơ kèm theo). Đề nghị .......................................................................................... xem xét giải quyết. Nơi nhận: - - - - Lưu. …………………………. (Ký tên, đóng dấu) Ghi chú: Mẫu này dùng cho Phòng LĐ-TB và XH cấp huyện. DANH MỤC CÁC HUYỆN BIÊN GIỚI VÀ CÁC HUYỆN TIẾP GIÁP HUYỆN BIÊN GlỚI TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC (Kèm theo Thông tư liên tịch số 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015) TT Tên tỉnh TT Huyện biên giới Huyện tiếp giáp với huyện biên giới A. BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (thời gian chiến tranh từ tháng 02/1979 đến ngày 31/12/1988) 1 Tỉnh Cao Bằng 1 Huyện Thạch An Thành phố Cao Bằng 2 Huyện Quảng Hòa (nay tách ra là huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hòa) 3 Huyện Hạ Lang 4 Huyện Trùng Khánh 5 Huyện Trà Lĩnh 6 Huyện Bảo Lạc (nay tách ra là huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm) Huyện Nguyên Bình 7 Huyện Thông Nông Huyện Hòa An 8 Huyện Hà Quảng 2 Tỉnh Lạng Sơn 1 Huyện Cao Lộc 2 Huyện Lộc Bình Thành phố Lạng Sơn 3 Huyện Đình Lập Huyện Chi Lăng 4 Huyện Tràng Định Huyện Bình Gia 5 Huyện Văn Lãng Huyện Văn Quan 3 Tỉnh Bắc Giang Huyện Sơn Động (tiếp giáp với huyện Đình Lập, Lạng Sơn) Huyện Lục Ngạn (tiếp giáp với huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) 4 Tỉnh Hà Giang 1 Huyện Xín Mần Huyện Quang Bình 2 Huyện Hoàng Su Phì Huyện Bắc Quang 3 Huyện Vị Xuyên TP. Hà Giang (tên cũ là thị xã Hà Giang) 4 Huyện Quản Bạ 5 Huyện Yên Minh Huyện Bắc Mê 6 Huyện Đồng Văn 7 Huyện Mèo Vạc 5 Tỉnh Lào Cai 1 TX Lào Cai, TX Cam Đường (nay là thành phố Lào Cai) Huyện Sa Pa 2 Huyện Mường Khương 3 Huyện Bát Xát 4 Huyện Bảo Thắng Huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn 5 Huyện Bắc Hà (nay tách ra thành huyện Bắc Hà và huyện Si Ma Cai) 6 Tỉnh Lai Châu 1 Huyện Phong Thổ Huyện Than Uyên 2 Huyện Sìn Hồ Huyện Tân Uyên 3 Huyện Mường Tè (nay tách ra thành huyện Nậm Nhùn và huyện Mường Tè) Huyện Tam Đường; TX Lai Châu (nay là TP Lai Châu/ tỉnh Lai Châu) 7 Tỉnh Điện Biên 1 Huyện Mường Nhé (nay tách ra thành huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ) TX Mường Lay; huyện Mường Chà 8 Tỉnh Quảng Ninh 1 Huyện Hải Ninh (nay là huyện Hải Ninh và thành phố Móng Cái) 2 Huyện Quảng Hà (nay tách ra là huyện Đầm Hà và huyện Hải Hà) Huyện Tiên Yên 3 Huyện Bình Liêu Huyện Ba Chẽ 4 Huyện Cẩm Phả (nay tách ra là huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, thành phố Cẩm Phả) B. BIÊN GIỚI TÂY NAM (thời gian chiến tranh từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979) 1 Tỉnh Quảng Nam 1 Huyện Hiên (nay tách ra thành huyện Đông Giang và huyện Tây Giang Huyện Đại Lộc 2 Huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang) Huyện Quế Sơn (nay tách ra thành huyện Quế Sơn và huyện Nông Sơn); huyện Phước Sơn; huyện Trà My (nay tách ra thành huyện Nam Trà My và Bắc Trà My) 2 Tỉnh Kon Tum 1 H67 (nay tách ra thành huyện Sa Thầy, huyện Ngọc Hồi, huyện Ia H’Drai) Thị xã Gia Lai-Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum); H80 (nay tách ra thành huyện Đăk Tô, huyện Đắk Hà và huyện Tu Mơ Rông) 2 H30, H40 và H67 (nay là huyện Đăk Glei) 3 Tỉnh Gia Lai 1 Huyện Chư Păh (nay tách ra thành huyện Chư Păh, huyện Ia Grai) Thị xã PleiKu (nay là thành phố PleiKu); huyện Mang Yang (nay tách ra thành huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa) 2 Huyện Chư Prông (nay tách ra thành huyện Chư Prông, huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh) Huyện Ayun Pa (nay tách ra thành huyện Ia Pa, huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa) 3 Huyện Đức Cơ 4 Tỉnh Đắk Lắk 1 Huyện Krông Búk (nay tách ra thành huyện Ea Súp, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’gar, huyện Ea H’leo, huyện Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk) Thị xã Buôn Ma Thuột (nay tách ra thành huyện Krông Ana, huyện Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột); huyện Krông Păk (nay tách ra thành huyện Krông Bông, huyện Ea Kar, huyện M’Drắk và huyện Krông Păk) 5 Tỉnh Đăk Nông (tách ra từ tỉnh Đắk Lắk) 1 Huyện Đắk Mil (nay tách ra thành huyện Cư Jút, huyện Đắk Song và huyện Krông Nô) 2 Huyện Đăk Nông (nay tách ra thành huyện Đắk Rlấp, huyện Tuy Đức, huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa) 6 Tỉnh Bình Phước 1 Huyện Lộc Ninh (nay là huyện Lộc Ninh và huyện Bù Đốp) Huyện Bình Long (nay là thị xã Bình Long, huyện Chơn Thành, huyện Hớn Quản) 2 Huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập, huyện Bù Đăng và huyện Phú Riềng) Huyện Đồng Phú (nay là thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú) 7 Tỉnh Tây Ninh 1 Huyện Bến Cầu Huyện Gò Dầu, huyện Hòa Thành 2 Huyện Châu Thành Thành phố Tây Ninh 3 Huyện Tân Biên (nay là huyện Tân Biên và huyện Tân Châu) Huyện Dương Minh Châu 4 Huyện Trảng Bàng 8 Tỉnh Long An 1 Huyện Mộc Hóa (các tên gọi khác của huyện trong từng thời kỳ: huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, huyện Tân Thạnh, huyện Thạnh Hóa, huyện Vĩnh Hưng, huyện Tân Hưng) Huyện Thủ Thừa (Long An); huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) 2 Huyện Đức Huệ Huyện Đức Hòa, huyện Thủ Thừa 9 Tỉnh Đồng Tháp 1 Huyện Hồng Ngự Huyện Thanh Bình 2 Huyện Tân Hồng Huyện Tam Nông 3 Thị xã Hồng Ngự 10 Tỉnh An Giang 1 Thị xã Tân Châu Huyện Phú Tân 2 Huyện An Phú 3 Thành phố Châu Đốc Huyện Châu Phú 4 Huyện Tịnh Biên Huyện Châu Thành 5 Huyện Tri Tôn Huyện Thoại Sơn 11 Tỉnh Kiên Giang 1 Huyện Giang Thành Huyện Hòn Đất 2 Huyện Kiên Hải (đảo) 3 Thị xã Hà Tiên Huyện Kiên Lương 4 Huyện Phú Quốc (đảo)
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "16/12/2015", "sign_number": "138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC", "signer": "Huỳnh Văn Tí, Nguyễn Thành Cung, Huỳnh Quang Hải", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Ke-hoach-117-KH-UBND-2018-bao-ton-va-phat-huy-di-tich-lich-su-van-hoa-gan-voi-du-lich-Can-Tho-393535.aspx
Kế hoạch 117/KH-UBND 2018 bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 117/KH-UBND Cần Thơ, ngày 16 tháng 7 năm 2018 KẾ HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ, LÀNG NGHỀ, DANH LAM THẮNG CẢNH GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020 Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01 tháng 8 năm 2018 của Thành ủy về việc đẩy mạnh phát triển du lịch; Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, cụ thể như sau: I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ. 2. Huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. 3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. 4. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo quy định của từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi có di sản văn hóa, làng nghề. II- NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 1. Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố a) Kiện toàn, tăng cường hoạt động của các Ban Quản lý di tích; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; trong đó, ưu tiên các điểm di tích đang được khai thác phục vụ du lịch. b) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện. c) Từ nay đến năm 2020: Tập trung hoàn thành quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp. 2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ đến năm 2020”. b) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong hoạt động lữ hành, thuyết minh du lịch. c) Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. d) Từ nay đến năm 2020: Tập trung thực hiện sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hiệp Thiên Cung và Lễ hội Kỳ yên Đình Thường Thạnh trên địa bàn quận Cái Răng. 3. Phát huy giá trị làng nghề gắn với du lịch a) Tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch. b) Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch. c) Tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các làng nghề. d) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy tại các làng nghề gắn với du lịch. đ) Từ nay đến năm 2020: Tổ chức kết nối tour, tuyến du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu làng nghề. III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Trách nhiệm thực hiện a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch. - Kết nối các tour, tuyến du lịch tại các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố. - Đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo thời gian quy định. b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan ban hành chính sách hỗ trợ, khôi phục, phát triển nghề truyền thống, làm cơ sở phát triển du lịch làng nghề theo quy định. - Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần phát triển du lịch. c) Sở Tài chính thẩm định kinh phí thực hiện, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt hàng năm theo quy định. d) Công an thành phố - Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm di tích, làng nghề có khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu. - Phối hợp với Sở Giao thông vận tải quan tâm kiểm tra điều kiện hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ và đường thủy nội địa phục vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch. đ) Sở Công Thương quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm làng nghề, hình thành các trung tâm giới thiệu sản phẩm. e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động tại các làng nghề. g) Sở Thông tin và Truyền thông định hướng nội dung tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn thành phố. h) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức và tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ môi trường di tích, làng nghề, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố. i) Ủy ban nhân dân quận, huyện - Phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch trên địa bàn. - Lồng ghép việc triển khai Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch khác của địa phương. - Thực hiện rà soát, xác định phạm vi của các điểm di tích, làng nghề, cập nhật vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 2. Kinh phí thực hiện a) Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác. b) Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định. 3. Chế độ thông tin, báo cáo Các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./. Nơi nhận: - Bộ VH,TT&DL; - TT. Thành ủy; - TT. HĐND TP; - CT, các PCT UBND TP; - UB MTTQVN TP và các đoàn thể TP; - Công an thành phố; - Các Sở: VH,TT&DL, NN&PTNT, TC, KH&ĐT, NV, TN&MT, CT, LĐ-TB&XH, XD, TT&TT, GTVT; - UBND quận, huyện; - VP UBND TP (3BC,7); - Lưu: VT, T(Q) CVĐ 9561/042072018 TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Văn Tâm
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "16/07/2018", "sign_number": "117/KH-UBND", "signer": "Lê Văn Tâm", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-86-2002-ND-CP-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-co-cau-to-chuc-bo-co-quan-ngang-bo-50169.aspx
Nghị định 86/2002/NĐ-CP chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ
CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 86/2002/NĐ-CP , ngày 05 tháng 11 năm 2002 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 86/2002/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 11 NĂM 2002 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ CHÍNH PHỦ Căn cứ Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2002 số 10/2002/NQ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2002; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; chế độ làm việc và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Điều 2. Vị trí và chức năng ưưBộ, cơ quan ngang bộ (dưới đây gọi chung là bộ) là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (dưới đây gọi chung là Bộ trưởng) là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo một bộ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các Điều 6, 23, 24, 25, 26, 27, 28 của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và những quy định cụ thể tại Nghị định này. Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (dưới đây gọi chung là Thứ trưởng) là người giúp Bộ trưởng, được Bộ trưởng phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về nhiệm vụ được phân công. Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm lãnh đạo công tác của bộ. Số lượng Thứ trưởng ở mỗi bộ không quá bốn người. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chương 2: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ VÀ BỘ TRƯỞNG Điều 4. Về pháp luật 1. Trình Chính phủ dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nghị quyết, nghị định của Chính phủ hàng năm theo yêu cầu quản lý nhà nước của bộ; chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chương trình đó theo kế hoạch đã được phê duyệt và các dự án khác theo sự phân công của Chính phủ; 2. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó; 4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; 5. Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, phát hiện những quy định do các cơ quan đó ban hành không đúng thẩm quyền hoặc trái các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách và giải quyết theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 13 của Nghị định này. Điều 5. Về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 1. Trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các công trình quan trọng thuộc ngành, lĩnh vực; 2. Công khai hóa chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch sau khi được phê duyệt (trừ những vấn đề thuộc bí mật nhà nước); tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đó; 3. Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 4. Thẩm định trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ về nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi, các chương trình, dự án, đề án thuộc ngành, lĩnh vực của bộ; chịu trách nhiệm về nội dung các báo cáo, dự án trên do cơ quan và tổ chức của bộ thực hiện; phê duyệt và quyết định đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của bộ theo quy định của pháp luật. Điều 6. Về hợp tác quốc tế 1. Trình Chính phủ việc đàm phán, ký, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 2. Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc gia nhập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 3. Trình Chính phủ việc ký kết, gia nhập, phê duyệt các điều ước quốc tế và chủ trương, biện pháp, mở rộng quan hệ với nước ngoài, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; 4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế và thực hiện chủ trương biện pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 5. Tham gia các tổ chức quốc tế theo sự phân công của Chính phủ; 6. Thực hiện hợp tác quốc tế về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; cho phép các đơn vị trực thuộc, các cơ quan tổ chức nước ngoài do cơ quan trung ương cấp giấy phép hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 7. Kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ thuộc ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ của bộ. Điều 7. Về cải cách hành chính 1. Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của bộ theo mục tiêu và nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 2. Trình Chính phủ đề án phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ cho ủy ban nhân dân địa phương và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, xã hội thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 3. Quyết định và chỉ đạo thực hiện việc sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính trong phạm vi quản lý của bộ. Điều 8. Về thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước Bộ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Điều 9. Về quản lý nhà nước các tổ chức thực hiện dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ 1. Trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dịch vụ công; 2. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành điều kiện và tiêu chuẩn thành lập các tổ chức thực hiện dịch vụ công; 3. Ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ công theo thẩm quyền; 4. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Điều 10. Về quản lý nhà nước các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân 1. Trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế tập thể và tư nhân thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; 2. Hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế tập thể và tư nhân thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước sau khi được Chính phủ phê duyệt; 3. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ mẫu đối với các tổ chức kinh tế tập thể thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; hướng dẫn về tổ chức và hoạt động đối với tổ hợp tác; 4. Hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ thông tin, tiếp thị và xúc tiến thương mại đối với tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân; 5. Xây dựng chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý đối với các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân; 6. Chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình hoạt động kinh tế có hiệu quả. Điều 11. Về quản lý nhà nước hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ thuộc ngành, lĩnh vực hoạt động trong phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh 1. Bộ quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực có nhiệm vụ, quyền hạn: a) Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của hội, tổ chức phi Chính phủ để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực; b) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với hội, tổ chức phi Chính phủ; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật. 2. Bộ Nội vụ có nhiệm vụ, quyền hạn: a) Trình Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ hội, tổ chức phi Chính phủ; b) Quyết định việc thành lập, giải thể, phê duyệt điều lệ của hội, tổ chức phi Chính phủ; c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện điều lệ đối với hội, tổ chức phi Chính phủ. Điều 12. Về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước 1. Trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ; 2. Trình Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể tổng cục thuộc bộ; 3. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các vụ, cục, thanh tra bộ, tổ chức sự nghiệp thuộc bộ và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của tổng cục thuộc bộ; 4. Quyết định thành lập các tổ chức sự nghiệp khác không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật; 5. Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, Tổng cục trưởng tổng cục thuộc bộ, Chánh Thanh tra bộ; 6. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Phó Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra bộ, cấp trưởng và cấp phó của tổ chức sự nghiệp thuộc bộ; quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức thuộc bộ; bổ nhiệm có thời hạn các chức danh nêu trên là 5 năm, hết thời gian đó sẽ tiến hành bổ nhiệm lại theo quy định của pháp luật; 7. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của các vụ, thanh tra, văn phòng, cục, các tổ chức sự nghiệp và mối quan hệ công tác của từng tổ chức, quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức thuộc cơ cấu của bộ; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của bộ; Trong trường hợp luật, pháp lệnh chuyên ngành quy định, trình Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ của thanh tra bộ; 8. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức của bộ, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách; 9. Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật; 10. Ban hành hoặc phối hợp ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 11. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Điều 13. Về kiểm tra, thanh tra 1. Hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, công dân và người nước ngoài tại Việt Nam trong việc thực hiện luật pháp của nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do bộ ban hành; 2. Kiểm tra các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, công tác thuộc ngành, lĩnh vực của bộ; 3. Kiểm tra, thanh tra và kiến nghị với Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực khác đình chỉ việc thi hành hoặc sửa đổi, bãi bỏ những quy định do bộ đó ban hành trái với các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách; nếu người nhận được kiến nghị không nhất trí thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; 4. Kiểm tra, thanh tra, đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quy định của ủy ban nhân dân và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách và chịu trách nhiệm về quyết định đình chỉ đó. Trong trường hợp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không nhất trí với quyết định đình chỉ việc thi hành thì vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ; 5. Kiểm tra và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với các văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách; 6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và tổ chức việc tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật. Điều 14. Về quản lý tài chính, tài sản 1. Trình Chính phủ dự toán ngân sách hàng năm của bộ; 2. Đối với phần kế hoạch tài chính do bộ trực tiếp quản lý và thực hiện sau khi được phê duyệt: Bộ trưởng quyết định phân bổ, kiểm tra việc chi tiêu, chịu trách nhiệm quyết toán và có quyền điều chỉnh chi tiết trong phạm vi tổng mức thu chi tài chính được phê duyệt để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng không được thay đổi mục tiêu kế hoạch được duyệt; 3. Đối với phần kế hoạch tài chính do các bộ, địa phương quản lý để thực hiện mục tiêu, chương trình đã được duyệt thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ: Bộ trưởng có trách nhiệm kiểm tra thực hiện mục tiêu chương trình đã được duyệt và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chi tiết trong phạm vi kế hoạch tài chính đã được duyệt để bảo đảm thực hiện được mục tiêu, chương trình đề ra; 4. Thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật; 5. Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản của nhà nước đã giao cho bộ. Chương 3: CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ Điều 15. Cơ cấu tổ chức của bộ, gồm: 1. Vụ, thanh tra bộ, văn phòng bộ; 2. Cục, tổng cục (không nhất thiết các bộ đều có); 3. Các tổ chức sự nghiệp. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, thanh tra bộ, văn phòng bộ, cục, tổng cục và tổ chức sự nghiệp thuộc bộ không quá 3 người. Điều 16. Vụ 1. Vụ được tổ chức để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo hướng một vụ được giao nhiều việc, nhưng một việc không giao cho nhiều vụ; 2. Vụ không có phòng, không có con dấu riêng. Trường hợp cần thiết phải lập phòng trong vụ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ. Điều 17. Văn phòng bộ 1. Văn phòng bộ có chức năng giúp Bộ trưởng tổng hợp, điều phối hoạt động các tổ chức của bộ theo chương trình, kế hoạch làm việc và thực hiện công tác hành chính quản trị đối với các hoạt động của cơ quan bộ. 2. Nhiệm vụ chủ yếu của văn phòng bộ như sau: a) Tổng hợp, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác định kỳ của bộ; theo dõi và đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của bộ; lập báo cáo định kỳ và đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ của bộ; b) Tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, tổng hợp công tác thi đua - khen thưởng của bộ; c) Kiểm tra thể thức và thủ tục trong việc ban hành các văn bản của bộ; d) Giúp Bộ trưởng trong việc cung cấp thông tin đối với các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân; đ) Bảo đảm trật tự kỷ luật, kỷ cương theo nội quy làm việc của cơ quan; e) Quản lý cơ sở vật chất, bảo đảm phương tiện và điều kiện làm việc của cơ quan bộ; quản lý tài sản, kinh phí hoạt động của cơ quan bộ. Trường hợp đặc thù cần có tổ chức để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ. 3. Văn phòng bộ có con dấu; cơ cấu tổ chức của văn phòng bộ có thể có phòng. Điều 18. Thanh tra bộ 1. Thanh tra bộ có chức năng thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật về thanh tra. 2. Nhiệm vụ chủ yếu của thanh tra bộ như sau: a) Trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm; tổ chức thực hiện sau khi Bộ trưởng phê duyệt; b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội và công dân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; c) Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với các đơn vị, cá nhân thuộc bộ; d) Giúp Bộ trưởng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. 3. Thanh tra bộ có con dấu; cơ cấu tổ chức thanh tra bộ có thể có phòng. Điều 19. Cục thuộc bộ 1. Cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; cục không ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 2. Đối tượng quản lý của cục là những tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chuyên ngành đó; phạm vi hoạt động của cục không nhất thiết ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3. Cục được thành lập phòng và đơn vị trực thuộc; cục có con dấu và tài khoản riêng. Điều 20. Tổng cục thuộc bộ 1. Tổng cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành lớn, phức tạp không phân cấp cho địa phương, do bộ trực tiếp phụ trách và theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương trong phạm vi toàn quốc; tổng cục không ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 2. Đối tượng quản lý của tổng cục là những tổ chức và cá nhân hoạt động liên quan đến chuyên ngành, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chuyên ngành đó; 3. Cơ cấu tổ chức của tổng cục gồm: cơ quan tổng cục và cục ở cấp tỉnh, chi cục ở cấp huyện (nếu có). Cơ quan tổng cục gồm văn phòng, ban và đơn vị trực thuộc. Tổng cục có con dấu và tài khoản riêng. Điều 21. Tổ chức sự nghiệp thuộc bộ 1. Việc thành lập tổ chức sự nghiệp thuộc bộ để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ hoặc để thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng cần thiết do bộ trực tiếp thực hiện; 2. Tổ chức sự nghiệp không có chức năng quản lý nhà nước; 3. Tổ chức sự nghiệp được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật; 4. Tổ chức sự nghiệp có con dấu và tài khoản riêng. Chương 4: CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TRƯỞNG Điều 22. Chế độ làm việc và trách nhiệm của Bộ trưởng đối với bộ 1. Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ; quyết định ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của bộ và các đơn vị trực thuộc; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó; 2. Bộ trưởng chịu trách nhiệm chuẩn bị để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định các loại công việc về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 3. Bộ trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do bộ chuẩn bị; về chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển, chương trình, kế hoạch công tác sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, về hiệu quả các dự án, các chương trình, đề án của bộ và về sử dụng các nguồn lực của bộ; 4. Bộ trưởng quyết định các công việc thuộc phạm vi quản lý của bộ và chịu trách nhiệm về các quyết định đó; 5. Bộ trưởng chịu trách nhiệm về những công việc do bộ trực tiếp quản lý; chịu trách nhiệm liên đới về những công việc đã phân cấp cho chính quyền địa phương, nhưng do bộ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để xảy ra sự cố, thảm họa nguy hiểm, thất thoát, thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân; 6. Bộ trưởng chịu trách nhiệm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; 7. Bộ trưởng chịu trách nhiệm khi có những khuyết điểm về quản lý và để xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, gây thiệt hại lớn trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; 8. Bộ trưởng phân công cho Thứ trưởng giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng hoặc ủy nhiệm cho Thứ trưởng làm việc và giải quyết các đề nghị của địa phương, của các bộ thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về những quyết định của Thứ trưởng được phân công hoặc ủy nhiệm giải quyết. Điều 23. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 1. Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của bộ về ngành, lĩnh vực; 2. Không chuyển các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ lên Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ; không ban hành những văn bản trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ; 3. Cùng tập thể Chính phủ xây dựng thể chế trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc Chính phủ ban hành theo thẩm quyền; 4. Tham gia đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tham gia quyết định những vấn đề mà Chính phủ trình Quốc hội quyết định và những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ; 5. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 6. Bộ trưởng chịu sự kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ phân công. Điều 24. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Bộ trưởng khác 1. Thực hiện những quy định quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của các bộ khác; không ban hành những văn bản trái với quy định của các Bộ trưởng khác; 2. Chủ trì, phối hợp với các bộ để giải quyết những vấn đề quản lý nhà nước do bộ phụ trách có liên quan đến chức năng của bộ khác; trường hợp có ý kiến khác nhau thì Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; 3. Các vấn đề trong văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến bộ khác, phải có ý kiến của Bộ trưởng đó bằng văn bản. Các Bộ trưởng được hỏi ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu trả lời bằng văn bản không quá 10 ngày, kể từ khi nhận được văn bản, nếu bộ được hỏi ý kiến không trả lời coi như đã đồng ý. Điều 25. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 1. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân thực hiện mục tiêu, chương trình, quy hoạch phát triển, kế hoạch, dự án về ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; giải quyết các đề xuất, kiến nghị của ủy ban nhân dân phù hợp với quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực; 2. Hướng dẫn và chỉ đạo ủy ban nhân dân về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực do bộ quản lý; 3. Kiểm tra Chủ tịch ủy ban nhân dân trong việc thực hiện tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn về ngành, lĩnh vực thuộc ủy ban nhân dân và yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu các tổ chức của trung ương đặt tại địa phương. Điều 26. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với các cơ quan của Quốc hội, với đại biểu Quốc hội và với cử tri 1. Khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội yêu cầu, Bộ trưởng có trách nhiệm trình bày hoặc cung cấp các tài liệu cần thiết; Bộ trưởng gửi các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành đến Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội theo lĩnh vực mà Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban phụ trách; 2. Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; 3. Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri về những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ. Điều 27. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với các tổ chức chính trị - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực Bộ trưởng có trách nhiệm phối hợp với người đứng đầu tổ chức công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác trong khi thực hiện nhiệm vụ của bộ; tạo điều kiện để các tổ chức nêu trên hoạt động, tham gia xây dựng chế độ, chính sách có liên quan. Chương 5: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 28. Đối với tổng cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi chuyển giao về bộ Để đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, bảo đảm sự thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước, các tổng cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi chuyển giao về bộ phải tổ chức theo quy định của Nghị định này nhưng có bước đi thích hợp. Điều 29. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ. Điều 30. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "05/11/2002", "sign_number": "86/2002/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Thong-tu-08-2016-TT-BTNMT-danh-gia-tac-dong-bien-doi-khi-hau-danh-gia-khi-hau-quoc-gia-314904.aspx
Thông tư 08/2016/TT-BTNMT đánh giá tác động biến đổi khí hậu đánh giá khí hậu quốc gia mới nhất
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 08/2016/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2016 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ĐÁNH GIÁ KHÍ HẬU QUỐC GIA Căn cứ Luật khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015; Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014; Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định chi tiết về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia theo quy định tại khoản 8 Điều 33 của Luật khí tượng thủy văn. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia. Điều 3. Giải thích từ ngữ 1. Thích ứng biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để phù hợp với môi trường mới hoặc môi trường bị thay đổi, nhằm mục đích giảm khả năng bị tổn thương do biến đổi khí hậu và tận dụng các tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại. 2. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính. Điều 4. Thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá Thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đánh giá khí hậu quốc gia bao gồm: 1. Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố gần nhất tại thời điểm đánh giá. 2. Niên giám thống kê. 3. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. 4. Thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu quốc gia. 5. Thông tin, dữ liệu liên quan của các Bộ, ngành và địa phương. Điều 5. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu 1. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu bao gồm việc phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực, tích cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực được quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật khí tượng thủy văn nhằm xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, mục tiêu lâu dài của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Nội dung đánh giá thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và khoản 5 Điều này. 2. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai gồm đánh giá phạm vi, cường độ, tần suất và tính bất thường của các thiên tai khí tượng thủy văn. 3. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên gồm đánh giá tác động đến tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và hải đảo, khoáng sản, năng lượng, đa dạng sinh học. 4. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường, hệ sinh thái, gồm: a) Biến động hải văn, thủy động lực biển: sóng, dòng chảy, thủy triều, nước dâng, xâm nhập mặn; xói lở, bồi tụ bờ biển; b) Biến động thủy văn nước mặt, thủy văn nước ngầm, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở; c) Biến động khí tượng khí hậu: hạn hán, nắng nóng, rét hại, mưa lớn; d) Biến động đất đai do xói lở, bồi tụ; suy thoái đất đai do sa mạc hóa, xâm nhập mặn; đ) Hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái vùng triều, hệ sinh thái dưới nước và các hệ sinh thái khác; e) Các nội dung khác có liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. 5. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, bao gồm các nội dung sau: a) Đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; b) Đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, ngắn hạn, dài hạn của biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực. 6. Trình tự đánh giá tác động của biến đổi khí hậu: a) Xác định đối tượng và phạm vi cần đánh giá; b) Phân tích, lựa chọn công cụ đánh giá, phương pháp đánh giá, mô hình đánh giá và chỉ số đánh giá; c) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến thiên tai, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái theo nội dung quy định tại các khoản 2, 3 và khoản 4 Điều 5 Thông tư này; d) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh tế - xã hội và các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực theo nội dung quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư này; đ) Tổng hợp báo cáo đánh giá. Điều 6. Đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu 1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, trong quá trình xây dựng phải đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. 2. Đánh giá các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: a) Thực trạng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, gồm việc phân tích đánh giá các ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; b) Hiệu quả của các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. 3. Đánh giá các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu: a) Thực trạng các giải pháp giảm nhẹ giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, gồm việc phân tích đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân và giải pháp khắc phục; b) Hiệu quả của các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và khả năng nhân rộng. 4. Trình tự đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu: a) Phân tích, lựa chọn các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu cần đánh giá liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; b) Phân tích, lựa chọn công cụ đánh giá, chỉ số đánh giá, phương pháp đánh giá; c) Đánh giá thực trạng các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu liên quan đến phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; d) Đánh giá hiệu quả của các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu tới các hoạt động kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; đ) Tổng hợp báo cáo đánh giá. Điều 7. Đánh giá khí hậu quốc gia 1. Nội dung đánh giá khí hậu quốc gia thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn và chi tiết như sau: a) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: đặc điểm của khí hậu Việt Nam đến thời điểm đánh giá; diễn biến của nhiệt độ, lượng mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ, lũ quét, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, mưa đá, sương muối; b) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: đánh giá mức độ dao động của các yếu tố khí hậu, cực trị khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan; đánh giá mức độ biến đổi của các yếu tố khí hậu và các cực trị khí hậu; những điểm khác biệt so với trung bình khí hậu toàn cầu và báo cáo đánh giá kỳ trước; c) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; d) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; đ) Đánh giá các nội dung quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn, gồm: mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu so với diễn biến thực tế của khí hậu trong kỳ đánh giá; mức độ sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu đối với hoạt động thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu trong kỳ đánh giá. 2. Kỳ đánh giá khí hậu quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật khí tượng thủy văn. Điều 8. Tổ chức thực hiện 1. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương thuộc trường hợp phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược có trách nhiệm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này. 2. Kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu được thể hiện đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật khí tượng thủy văn. Việc thẩm định được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật khí tượng thủy văn. 3. Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện đánh giá khí hậu quốc gia theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này. Điều 9. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Điều 10. Trách nhiệm thi hành 1. Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Tòa án Nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; - Website Bộ Tài nguyên và Môi trường; - Lưu: VT, PC, KTTVBĐKH (200). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Chu Phạm Ngọc Hiển
{ "issuing_agency": "Bộ Tài nguyên và Môi trường", "promulgation_date": "16/05/2016", "sign_number": "08/2016/TT-BTNMT", "signer": "Chu Phạm Ngọc Hiển", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-76-2011-TT-BQP-sua-doi-Quy-dinh-quan-ly-bao-ve-cong-trinh-quoc-phong-127761.aspx
Thông tư 76/2011/TT-BQP sửa đổi Quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng mới nhất
BỘ QUỐC PHÒNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 76/2011/TT-BQP Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2011 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ, BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2649/1999/QĐ-BQP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1999 CỦA BỘ QUỐC PHÒNG Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 19 tháng 5 năm 1994; Căn cứ Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng; Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ban hành kèm theo Quyết định số 2649/1999/QĐ-BQP ngày 27 tháng 12 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 1. Điểm a, điểm b khoản 4 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau: "4. Nơi nộp hồ sơ, số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết và chi phí đền bù. a) Các tổ chức đứng tên trong đơn, sau khi lập xong hồ sơ nêu tại khoản 3 Điều này, gửi 01 bộ hồ sơ đến Cục Tác chiến/Bộ Tổng tham mưu đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm 1, 2 hoặc 01 bộ hồ sơ đến Cục Doanh trại/Tổng cục Hậu cần đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm 3. b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ quy định, Cục Tác chiến, Cục Doanh trại phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, cơ quan Tác chiến, Công binh và Doanh trại các cấp, xem xét hồ sơ, kiểm tra tại thực địa, thẩm định vị trí, số lượng, khối lượng, diện tích đất thu hồi và các chi phí đền bù theo quy định. Cục Tác chiến thụ lý hồ sơ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm 1, 2, báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng quyết định trong thời hạn 15 ngày làm việc, theo phân cấp tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này. Cục Doanh trại thụ lý hồ sơ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm 3, báo cáo Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng quyết định trong thời hạn 15 ngày làm việc, theo phân cấp tại điểm a và b khoản 2 Điều này". 2. Sửa cụm từ "Cục Xây dựng và quản lý nhà đất" thành cụm từ "Cục Doanh trại" tại các điều: 10, 11, 13, 28 và 37 Quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Điều 2. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Điều 3. Trách nhiệm thi hành Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các tổng cục, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP; - Bộ CHQS tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Vụ Pháp chế; Ban NCCCHC; - Phòng NCTH, Phòng THBĐ; - Lưu: VT, Cục Tác chiến/BTTM. BỘ TRƯỞNG ĐẠI TƯỚNG Phùng Quang Thanh
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "23/05/2011", "sign_number": "76/2011/TT-BQP", "signer": "Phùng Quang Thanh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-17-2005-TT-BGTVT-thuc-hien-Hiep-dinh-Van-tai-duong-bo-huong-dan-thi-hanh-Nghi-dinh-thu-2001-Bo-GTVT-Viet-Nam-Bo-GTVT-BD-XD-Lao-8673.aspx
Thông tư 17/2005/TT-BGTVT thực hiện Hiệp định Vận tải đường bộ hướng dẫn thi hành Nghị định thư 2001 Bộ GTVT Việt Nam Bộ GTVT-BĐ-XD Lào
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ******* CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******* Số: 17/2005/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2005 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH THƯ 2001 NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2001 GIỮA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VIỆT NAM VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI, BƯU ĐIỆN VÀ XÂY DỰNG LÀO THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIỮA CHÍNH PHỦ NƯÓC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO Thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 24 tháng 2 năm 1996 (gọi tắt là Hiệp định); Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định và Nghị định thư 2001 giữa Bộ Giao thông viện tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, Bưu điện và Xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 18 tháng 7 năm 2001 về việc thực hiện Hiệp định, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc thực hiện như sau: I. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ Phương tiện vận tải đường bộ được quy định tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 2 của Hiệp định cụ thể như sau: 1. Phương tiện vận tải đường bộ gồm ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo theo ôtô để chuyên chở hàng hóa, người, hành lý và các phương tiện chuyên dùng lưu thông trên đường bộ đã được đăng ký tại Việt Nam hoặc Lào. 2. Phương tiện tham gia giao thông được qua lại giữa Việt Nam và Lào là các phương tiện vận tải thương mại và phi thương mại: a) Phương tiện vận tải phi thương mại là phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động không vì mục đích kinh doanh như: xe của các cơ quan, tổ chức di công tác, xe cứu hỏa, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo (gọi chung là xe công vụ) và xe của cá nhân đi việc riêng. II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ 1. Phương tiện chỉ được phép qua lại 10 cặp cửa khẩu đã được hai Bên quy định. Các cửa khẩu về phía Việt Nam bao gồm: STT Tên cửa khẩu Thuộc tỉnh Đường đến cửa khẩu 1 Tây Trang Điện Biên Quốc lộ 279 2 Pa Háng Sơn La Quốc lộ 43 3 Na Mèo Thanh Hóa Quốc lộ 217 4 Cầu Treo Hà Tĩnh Quốc lộ 8 5 Nậm Cắn Nghệ An Quốc lộ 8 6 Cha Lo (đèo Mụ Giạ) Quảng Bình Quốc lộ 12A 7 Lao Bảo Quảng Trị Quốc Lộ 9 8 Bờ Y Kon Tum Quốc lộ 40 9 Chiềng Khương Sơn La Đường tỉnh 105 10 La Lay Quảng Trị Đường tỉnh Tà Rụt - La Lay 2. Việc vận chuyển hàng hóa và hành khách kể cả khách du lịch giữa hai nước được thực hiện bằng phương tiện theo hình thức đi thẳng từ nơi gửi hàng tới nơi nhận hàng (đối với vận chuyển hàng hóa), từ nơi hành khách đi tới nơi hành khách đến (đối với vận chuyển hành khách). Phương tiện vận chuyển theo tuyến vận tải khách cố định giữa Việt Nam và Lào phải xuất trình cho nhà chức trách khi cần thiết: 3. Phương tiện và người điều khiển phương tiện khi hoạt động trên đường phải có đủ các loại giấy tờ còn giá trị sử dụng sau đây để xuất trình cho nhà chức trách khi cần thiết: a) Giấy phép liên vận Việt - Lào và phù hiệu; b) Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng với tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; d) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang lái; đ) Giấy chứgn nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; e) Giấy phép lưu hành đặc biệt (trong trường hợp phương tiện chở hàng ghi tại điểm 5 dưới đây); g) Ngoài ra các xe phải có thêm giấy tờ sau: - Đối với xe vận chuyển khách chạy tuyến cố định phải có thêm: Phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” liên vật Việt - Lào; Sổ nhật trình chạy xe vận chuyển khách giữa Việt Nam và Lào theo quy định; Bảng kê danh sách hành khách đi xe. - Đối với xe vận chuyển khách theo hợp đồng hoặc vận chuyển khách du lịch phải có thêm: Phù hiệu “xe chạy hợp đồng” hoặc biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch do cơ quan có thẩm quyền cấp; Hợp đồng vận chuyển khách hoặc bản phôtô có dấu xác nhận của doanh nghiệp, chủ phương tiện. - Đối với xe vận chuyển hàng hóa phải có bảng kê khai hàng hóa và các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa. 4. Phương tiện vận tải qua lại giữa hai nước phải là xe ô tô có tay lái phía bên trái theo chiều xe chạy, có kích thước và tải trọng phù hợp với quy định của mỗi nước. 5. Phương tiện vận tải hàng nguy hiểm hoặc hàng có kích thước, trọng tải vượt quá quy định của Việt Nam hoặc Lào phải được co quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc Lào cấp giấy phép lưu hành đặc biệt. 6. Phương tiện vận tải đường bộ khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam hoặc Lào phải dừng, đỗ tại các trạm nghỉ, điểm dừng hoặc bến xe và phải mua phí giao thông, phí bến bãi, các loại phí và lệ phí khác theo quy định của Việt Nam hoặc của Lào. 7. Phương tiện của Việt Nam và Lào không phải thay đổi biển đăng ký của nước mình khi hoạt động trên lãnh thổ của nước kia. 8. Lái xe thực hiện vận tải quốc tế Việt - Lào phải có giấy phép lái xe quốc gia hoặc quốc tế phù hợp với loại xe đang điều khiển và không phải đổi giấy phép lái xe khi hoạt động trên lãnh thổ của nước kia. 9. Phương tiện qua lại giữa hai nước được phép hoạt động trong phạm vi, thời hạn, qua các cặp cửa khẩu đã ghi trong phép liên vận Việt - Lào. Mỗi chuyến, phương tiện của nước đi được lưu lại ở nước đến không quá 30 ngày, kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp phương tiện không thể quay về nước mình trước khi giấy phép hết hạn, nếu có lý do chính đáng, sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước kia xem xét cho gia hạn 01 lần với thời gian đủ để trở về nước, nhưng không quá 10 ngày. 10. Cục Đường bộ Việt Nam xem xét chấp thuận cho phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định giữa Việt Nam và Lào, và tổ chức quản lý hoạt động vận tải hành khách liên vận quốc tế Việt - Lào. Chấp thuận hoạt động trên tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Lào có hiệu lực 07 năm. 11. Hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động trên tuyến vận tải khách cố định giữa Việt Nam và Lào gồm có: a) Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động trên tuyến có xác nhận của Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính địa phương nơi đi, nơi đến giữa Việt Nam và Lào; b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (bản phôtô có công chứng hoặc bản phôtô kèm theo bản chính để đối chiếu); c) Phương án hoạt động trên tuyến; d) Danh sách phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến (kèm theo bản phôtô giấy tờ xe); đ) Hợp đồng liên doanh, liên kết vận chuyển hành khach theo tuyến cố định với đối tác phía Lào (nếu có). III. CẤP THÉP LIÊN VẬN VIỆT - LÀO 1. Hồ sơ, thủ tục và thời hạn cấp phép liên vận Việt - Lào cho phương tiện như sau: 1.1 Đối với phương tiện vận tải thương mại: a) Các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (Luật doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp) phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với doanh nghiệp được than2h lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép đầu tư. b) Các doanh nghiệp vận tải của quân đội và công an làm kinh tế thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. c) Hồ sơ đề nghị cấp phép vận tải quốc tế Việt - Lào bao gồm: - Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào của doanh nghiệp kèm theo danh sách phương tiện vận tải (theo kiểu mác xe, trọng tải và biển đăng ký xe) đăng ký tham gia vận tải quốc tế Việt - Lào (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); - Tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho mỗi phương tiện (mẫu số 02 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); - Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô). Ôtô phải mang biển đăng ký tại địa phương nơi doanh nghiệp vận tải đăng ký kinh doanh; - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô); - Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô); và - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô). d) Thời hạn cấp phép: Giấy phép liên vận Việt - Lào (gọi tắt là Giấy phép) cấp cho phương tiện vận tải đường bộ tham gia vận tải quốc tế Việt - Lào được qua lại nhiều lần với thời hạn tối đa là 01 năm. Tùy theo mục đích công việc, thời hạn cấp có thể dưới 01 năm nếu doanh nghiệp vận tải hoặc chủ phương tiện yêu cầu bằng văn bản. 1.2 Đối với phương tiện vận tải phi thương mại: a) Xe công vụ: - Hồ sơ cấp phép gồm các giấy tờ sau: Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); Tời khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Viêt - Lào cho mỗi phương tiện (mẫu số 02 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô); Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô); Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô); - Thời hạn cấp phép: Thời hạn cấp giấy phép liên vận Việt - Lào bằng thời gian ghi trong đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào nhưng không quá 01 năm. - Khi cấp phép cho các xe thuộc đối tượng này, cơ quan cấp phép ghi trên trang 1 dưới dòng “Số (Nr.)………” dòng chữ sau: XE CÔNG VỤ (OFFICIAL CAR) b) Xe cá nhân: - Hồ sơ cấp phép gồm các giấy tờ sau: Đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào có xác nhận của UBND xã, phường nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú (mẫu số 01 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); Tờ khai đề nghị cấp giấy phép oliên vận Việt - Lào cho phương tiện (mẫu số 92 của Phụ lục kèm theo Thông tư này); Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản phôtô); Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản phôtô); Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đề nghị cấp phép (bản phôtô); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bản phôtô). - Thời hạn cấp phép: Thời hạn cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho xe cá nhân đi việc riêng tối đa không quá 01 tháng. Cơ quan cấp phép tùy theo mục đích chuyến đi của cá nhân để cấp phép với thời hạn phù hợp. Khi cấp phép cho các xe thuộc đối tượng này cơ quan cấp phép ghi trên trang 1 dưới dòng “Số (Nr.)………” dòng chữ sau: XE CÁ NHÂN (PRIVATE CAR) 2. Cơ quan cấp giấy phép liên vận Việt - Lào 2.1 Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép cho phương tiện của các đối tượng sau: a) Cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, văn phòng các Bộ, các đoàn thể và các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao đóng tại Hà Nội; b) Đơn vị, công ty trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đóng trên địa bàn Hà Nội; và c) Các công ty vận tải và các đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam. 2.2 Các Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính cấp giấy phép cho phương tiện của các đối tượng còn lại, cụ thể như sau: a) Cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, văn phòng các Bộ, các đoàn thể và các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao đóng tại địa bàn; b) Cơ quan nhà nước, tổ chức đóng tại df9ịa bàn đi công vụ; c) Đơn vị vận tải có trụ sở giao dịch đóng tại địa bàn; d) Cá nhân có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa bàn đi việc riêng; đ) Các đối tượng khác. 2.3 Danh sách phương tiện đề nghị cấp phép do Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để thẩm định trước khi cấp giấy phép. 2.4 Lệ phí cấp giấy phép: cơ quan cấp giấy phép được thu và sử dụng lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. 3. Mẫu số giấy phép và phù hiệu vận chuyển liên vận Việt - Lào: 3.1 Giấy phép liên vận Việt - Lào gồm sổ giấy phép và phù hoệu liên vận Viêt - Lào. Sổ giấy phép liên vận Việt - Lào dùng để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát. Phù hiệu liên vậnViệt - Lào được dán lên kính xe phần góc trên phía tay phải theo chiều xe đi. 3.2 Mẫu số giấy phép liên vận Việt - Lào: kích thước 80 mm x 130 mm, nội dung theo mẫu số 03 của Phụ lục kèm theo Thông tư này. Loại 12 trang dùng để cấp cho xe công vụ và xe cá nhân đi việc riêng hoặc xe của doanh nghiệp đi lại không thường xuyên. Loại xe 48 trang dùng để cấp cho phương tiện đi lại thường xuyên. Bìa Sổ giấy phép màu đỏ đậm; Chữ và hình Quốc huy Việt Nam trên trang bìa trước màu vàng. Các trang bên trong sổ in hình Quốc huy và hoa văn xung quanh quốc huy màu xanh nhạt. 3.3 Phù hiệu liên vận Việt - Lào: kích thước 115mm x 210mm, có nền trắng chữ đỏ, nội dung theo mẫu số 04 của Phụ lục kèm theo Thông tư này. 3.4 Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất in, phát hành tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào và giấy phép liên vận Việt - Lào. IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 201/2000/TT-BGTVT ngày 22 tháng 5 năm 2000 của Bộ Giao thông vận tải. Giấy phép và phù hiệu liên vận Việt - Lào đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn giá trị ghi trên giấy phép. 2. Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến kịp thời và triển khai thực hiện Thông tư này. 3. Vào tháng 7 hàng năm và tháng 01 đầu năm sau, Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải lập báo cáo số lượng giấy phép đã cấp và tình hình thực hiện hoạt động vận tải liên vận Việt - Lào trong 06 tháng và 01 năm tại địa phương gửi về Cục Đường bộ Việt Nam để theo dõi, tổng họp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải. 4. Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất quản lý hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào; có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện Thông tư này./. Nơi nhận - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP; - UBND tỉnh, TP trực thuộc CP; - UBND tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo; - Cục KTVB Bộ Tư pháp; - Bộ Tư lệnh BĐBP; - Tổng cục Cảnh sát; - Tổng cục Hải quan; - Cục Đường bộ Việt Nam; - Các Sở GTVT (GTCC); - Các Vụ VT, HTQT, PC; - Lưu VT, HTQT. BỘ TRƯỞNG Đào Đình Bình PHỤ LỤC Mẫu số 01 TÊN ĐƠN VỊ Số: ……… CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LIÊN VẬN VIỆT - LÀO Kính gửi:.......................................................................................................................... .......................................................................................................................... 1. Tên đơn vị (hoặc cá nhân) đề nghị cấp phép: 2. Địa chỉ: 3. Số điện thoại: 4. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư số: Ngày cấp: Cơ quan cấp: 5. Mục đích đề nghị cấp giấy phép cho phương tiện vận tải: Công vụ ¨ Kinh doanh vận tải ¨ Việc riêng ¨ Mục đích khác ¨ 6. Đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt - Lào cho phương tiện vận tải theo danh sách dưới đây: Số TT Biển đăng ký Nhãn hiệu phương tiện Trọng tải (số ghế, tấn) Thời hạn đề nghị cấp phép 1 2 3 4 5 1 2 3 … 7. Ghi chú khác: Xác nhận của UBND xã, phường nếu là phương tiện cá nhân ………, ngày tháng năm Thủ trưởng đơn vị hoặc cá nhân đề nghị cấp phép Ký tên (đóng dấu nếu có) PHỤ LỤC Mẫu số 02 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LIÊN VẬN VIỆ - LÀO Tên chủ phương tiện: Địa chỉ: Số điện thoại: Đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam (hoặc Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính) cấp giấy phép liên vận cho phương tiện vận tải sau: Biển đăng ký (chữ in): Nhãn hiệu phương tiện (chữ in): Tải trọng: - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị đến ngày: Nơi đến trên lãnh thổ của nước CHDCND Lào: Cửa khẩu xuất: Cửa khẩu nhập: Tuyến đường: Mục đích chuyến đi: Công vụ ¨ Kinh doanh vận tải ¨ Việc riêng ¨ Mục đích khác ¨ Thời hạn đề nghị cấp phép: Từ ngày Đến ngày ……, ngày tháng năm Thủ trưởng đơn vị (cá nhân) ký tên (đóng dấu nếu có) PHỤ LỤC Mẫu số 03 Số (Nr.): …………… TRANSIT VIET NAM - LAO Đơn vị (Company): ………………………………………… Biển đăng ký (Registered Number): ………………………… Giấy phép có giá trị đến (valid until): ……………………… Cơ quan cấp phép/Issuing Agency (Ký tên, đóng dấu/signature, seal) PHỤ LỤC Mẫu số 04 MẪU SỐ GIẤY PHÉP 1. Trang bìa trước CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM GIẤY PHÉP LIÊN VẬN VIỆT - LÀO VIET NAM - LAO PASS BORDER PERMIT 2. Trang bìa sau NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý 1. Phương tiện chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hoạt động ghi trên giấy phép liên vận 2. Giấy phép liên vận chỉ được gia hạn 01 lần à không quá 10 ngày. 3. Không được tự ý tẩy xóa, viết thêm hoặc sửa đổi những điều đã ghi trong giấy phép liên vận. Khi giấy phép liên vận bị mất phải báo ngay cho cơ quan cấp phép biết. 4. Giấy phép liên vận cấp cho phương tiện nào thì chỉ được sử dụng cho phương tiện đó. 3. NỘI DUNG CÁC TRANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM GIẤY PHÉP LIÊN VẬN VIỆT - LÀO VIET NAM - LAO PASS BORDER PERMIT Số: ………… No: ………… Trang 1 Tên đơn vị (Company): ………………… Địa chỉ (Address): ……………………… Số điện thoại (Tel): …………………… Biển đăng ký (Registered number): ………………………………………… Nhãn hiệu: …………………………… Giấy phép liên vận có giá trị đến (This permit is valid until): ………………………………………… Ghi chú (Remarks): …………………… ………………………………………… ………………………………………… Trang 2 Xác nhận khi qua cửa khẩu BORDER CHECK (Từ trang 5 đến 12 đối với loại 12 trang) (Từ trang 5 đến 48 đối với loại 48 trang) Cửa khẩu xuất nhập cảnh (Border checkpoints) ………………………………… ………………………………… Phạm vi hoạt động của phương tiện: (Travelling area): ………………………………… ………………………………… ………………………………… ………………………………… Cấp tại: ……ngày tháng năm Issued on ………………………… Cơ quan cấp phép Issuing Ageney (Ký tên, đóng dấu) (Gignature, seal) Trang 3 Gia hạn EXTENSION Giấy phép này được gia hạn đến ngày/ This permit is extended until: ……………………………………… ……………………………………… ngày tháng năm Cơ quan cấp phép Issuing Agency (Ký tên, đóng dấu) (Gignature, seal) Ghi chú (remaks):…………………….. ………………………………………… ………………………………………… Trang 4
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "22/12/2005", "sign_number": "17/2005/TT-BGTVT", "signer": "Đào Đình Bình", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Ke-hoach-251-KH-UBND-2021-Hanh-dong-vi-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-Ha-Noi-2022-494084.aspx
Kế hoạch 251/KH-UBND 2021 Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng Hà Nội 2022
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 251/KH-UBND Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2021 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH “HÀNH ĐỘNG VÌ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG” NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Thực hiện Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 02/5/2019 của Thành ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Kế hoạch số 4073/KH-BCT ngày 09/7/2021 của Bộ Công Thương về tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022; Quyết định số 5718/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch Đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 trên địa bàn Thành phố như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đến với mọi đối tượng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên địa bàn Thành phố. 2. Định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 3. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm nhằm phát huy sức mạnh, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng; qua đó góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô. 4. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng cần tính đến diễn biến của dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người tham gia, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển các phương thức, thói quen, kỹ năng kinh doanh, tiêu dùng phù hợp với trạng thái bình thường mới. II. THỜI GIAN VÀ CHỦ ĐỀ 1. Thời gian tổ chức: Các nội dung hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2022. Các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” sẽ được tổ chức trong Quý I năm 2022 hoặc vào thời gian phù hợp căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. 2. Chủ đề: Chủ đề cho các hoạt động của chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 là “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH 1. Đối tượng tham gia - Cơ quan quản lý: Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. - Người tiêu dùng: Là đối tượng thụ hưởng của hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; Lĩnh hội và phổ biến nhân rộng về quyền người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong gia đình, cộng đồng và xã hội. - Các tổ chức, doanh nghiệp: Nhận thức và thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. - Các Hội, Hiệp hội: Nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. - Các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương; Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. 2. Nội dung Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 bao gồm một số nội dung chính sau: - Tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - 15/3”. - Tổ chức sự kiện “Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng”. - Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông (màn hình led, loa tuyên truyền trên một số tuyến phố, clip tuyên truyền, truyền hình, báo, Website,...). - Tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua Tổng đài tư vấn. (Nội dung chi tiết tại Phụ lục đính kèm) IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Sở Công Thương - Chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp, thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và Thành phố; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện. - Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội trên địa bàn Thành phố triển khai tổ chức các hoạt động, sự kiện theo Kế hoạch được phê duyệt. Là đầu mối phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Sở, ngành, đơn vị của Thành phố triển khai các hoạt động vì quyền người tiêu dùng của Bộ Công Thương tổ chức trên địa bàn. - Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí và đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, truyền thông về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022. - Quản lý, sử dụng phần kinh phí thực hiện Kế hoạch và kiểm tra, giám sát đơn vị sử dụng kinh phí tài trợ, nghiệm thu các hạng mục công việc của Kế hoạch theo đúng quy định pháp luật. - Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện các hoạt động, sự kiện trong Kế hoạch này theo đúng quy định của pháp luật. Hỗ trợ đơn vị tư vấn làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết các thủ tục hành chính về quảng bá truyền thông, tổ chức sự kiện và thực hiện các công việc theo nội dung Kế hoạch được phê duyệt. 2. Sở Tài chính Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố để thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 theo quy định. 3. Sở Văn hóa và Thể thao Hướng dẫn và giải quyết kịp thời các thủ tục pháp lý và cấp phép hoạt động cho các chương trình sự kiện, giải trí, tuyên truyền, treo Banner của Kế hoạch triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 và các sự kiện khác có liên quan. 4. Sở Xây dựng Phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã nơi diễn ra các sự kiện thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường tại địa điểm tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2022 và các sự kiện của Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022. 5. Sở Thông tin và Truyền thông - Phối hợp với Sở Công Thương cập nhật thông tin nội dung Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 và chỉ đạo đăng tải chính xác, kịp thời nội dung Chương trình trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội. - Hướng dẫn các cơ quan báo chí Hà Nội và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn Thành phố thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 trong thời gian diễn ra sự kiện đảm bảo chính xác, hiệu quả. 6. Cục Quản lý thị trường Thành phố Phối hợp triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của Kế hoạch; tiếp nhận, tư vấn, xử lý thông tin khiếu nại của người tiêu dùng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. 7. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; các Báo: Hà Nội mới, Kinh tế và Đô thị - Tuyên truyền, phóng sự về lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2022. - Hỗ trợ đưa tin, phóng sự các sự kiện về Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 của Thành phố trong chương trình thời sự và chuyên đề, phát các trailer cổ động.. 8. UBND các quận, huyện, thị xã - Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Kế hoạch trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. - Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 9. Các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các Hội, Hiệp hội và đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và đơn vị tư vấn tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả. V. KINH PHÍ THỰC HIỆN Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022 bao gồm: - Nguồn ngân sách Thành phố: Sở Công Thương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này và định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình, tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan đơn vị gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí theo quy định. - Nguồn huy động hợp pháp khác. UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị được phân công trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, gửi Sở Công Thương để tổng hợp, đề xuất UBND Thành phố xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Bộ Công Thương; - TT: Thành ủy, HĐND Thành phố; - Chủ tịch UBND Thành phố; - Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền; - Các Sở, ban, ngành Thành phố; - UBMTTQ VN Thành phố; - Các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố; - UBND các quận, huyện, thị xã; - VPUB: CVP, PCVP N.M.Quân, KT, TKBT, TH; - Lưu: VT, KT Vân. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Mạnh Quyền PHỤ LỤC CÁC HOẠT ĐỘNG, SỰ KIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH “ĐỘNG VÌ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG” NĂM 2022 (Ban hành kèm theo Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội) 1. Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2022 - Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương Hà Nội - Thời gian dự kiến: Trong Quý I năm 2022 hoặc vào thời gian phù hợp căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. - Địa điểm dự kiến: Tại Khu đô thị Time City hoặc tại một địa điểm phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Thành phần tham dự: Lãnh đạo Bộ Công Thương; Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội; Đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương; Đại diện các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng có hệ thống phân phối tại Hà Nội; Người tiêu dùng Thủ đô. - Nội dung: Khai mạc và công bố, phát động các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2022. 2. Tổ chức sự kiện “Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” - Thời gian: Dự kiến Quý I/2022 hoặc vào thời gian phù hợp căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19. - Địa điểm: Dự kiến tổ chức tại Khu đô thị Time City hoặc tại một địa điểm phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Quy mô: Khoảng 120 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: Đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu,... - Nội dung: Các đơn vị tham gia sẽ thực hiện các nội dung chính sau: + Hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022; + Niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng; + Thực hiện các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như: miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng…; + Triển khai các hoạt động quảng bá, khuyến mại, tư vấn mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng. 3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông - Thời gian: Diễn ra trong cả năm 2022. - Địa điểm: Trên địa bàn thành phố Hà Nội. - Kênh triển khai: + Thực hiện các tin, phóng sự, trailer tuyên truyền, clip trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình VTC, Truyền hình ANTV, màn hình led tại các khu chung cư, trung tâm thương mại,... ; + Thực hiện các tin, bài viết tuyên truyền trên các cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội như: Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế Đô thị, Báo Nhân Dân, Báo Công Thương, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng thông tin Chính phủ...; + Tuyên truyền các hoạt động chương trình qua tờ rơi, màn hình led, loa tuyên truyền trên một số tuyến phố, clip tuyên truyền, truyền hình, báo, Website, cẩm nang hỗ trợ, cung cấp các tài liệu, kiến thức hữu ích cho các Hội, Hiệp hội liên quan, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố và cho người tiêu dùng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 4. Tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên Tổng đài tư vấn. - Thời gian: cả năm 2022. - Nội dung: + Giải đáp các thông tin về chương trình “Hành động vì quyền người tiêu dùng” năm 2022 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; + Tiếp nhận các cuộc khiếu nại của người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi, tư vấn và hỗ trợ kết nối đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng./.
{ "issuing_agency": "Thành phố Hà Nội", "promulgation_date": "05/11/2021", "sign_number": "251/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Mạnh Quyền", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-45-2014-TT-BGTVT-Quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-khi-thai-muc-3-xe-mo-to-hai-banh-moi-252857.aspx
Thông tư 45/2014/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải mức 3 xe mô tô hai bánh mới mới nhất
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 45/2014/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2014 THÔNG TƯ BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KHÍ THẢI MỨC 3 ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ HAI BÁNH SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008; Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008; Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Căn cứ Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Mã số đăng ký: QCVN 77:2014/BGTVT. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Riêng việc áp dụng khí thải mức 3 quy định tại Điều 2.1 QCVN 77:2014/BGTVT đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 3; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Bộ Khoa học và Công nghệ (để đ/k); - Các Thứ trưởng; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ TP); - Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; - Trang Thông tin điện tử Bộ GTVT; - Báo Giao thông, Tạp chí GTVT; - Lưu: VT, MT (5). BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng QCVN 77 : 2014/BGTVT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KHÍ THẢI MỨC 3 ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ HAI BÁNH SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI National technical regulation on the third level of gaseous pollutant emission for new assembled, manufactured and imported two-wheeled motorcycles Lời nói đầu QCVN 77:2014/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Môi trường trình duyệt, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số ... ngày .... tháng …. năm 2014. Quy chuẩn này được biên soạn trên cơ sở: 1. TCVN 7357:2010 - Phương tiện giao thông đường bộ - Khí thải gây ô nhiễm phát ra từ mô tô - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu (sau đây viết tắt là TCVN 7357). 2. TCVN 9726:2013 - Phương tiện giao thông đường bộ - Khí thải gây ô nhiễm, khí thải CO2 và tiêu thụ nhiên liệu của mô tô hai bánh lắp động cơ cháy cưỡng bức hoặc cháy do nén - Yêu cầu và phương pháp thử trong phê duyệt kiểu (sau đây viết tắt là TCVN 9726). QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ KHÍ THẢI MỨC 3 ĐỐI VỚI XE MÔ TÔ HAI BÁNH SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI National technical regulation on the third level of gaseous pollutant emission for new assembled, manufactured and imported two-wheeled motorcycles 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh Quy chuẩn này quy định mức giới hạn khí thải, các phép thử, phương pháp thử và các yêu cầu về quản lý để kiểm tra khí thải mức 3 của xe mô tô hai bánh (sau đây viết tắt là xe) sản xuất, lắp ráp (sau đây viết tắt là SXLR) và nhập khẩu mới. 1.2. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến SXLR và nhập khẩu xe. 1.3. Giải thích từ ngữ Trong Quy chuẩn này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1.3.1. Xe mô tô hai bánh (Two-wheeled motorcycle): Phương tiện hai bánh lắp động cơ cháy cưỡng bức, vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h hoặc dung tích làm việc của xy lanh lớn hơn 50 cm3. 1.3.2. Kiểu loại xe (Vehicle type): Một loại gồm các xe có cùng các đặc điểm cơ bản sau đây: a) Quán tính tương đương được xác định theo khối lượng chuẩn như quy định trong Bảng 3 của Quy chuẩn này; b) Các đặc điểm của động cơ và xe được nêu tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này, trừ nội dung nêu tại mục 2.7 của Phụ lục 1. 1.3.3. Khối lượng chuẩn (Reference mass): Khối lượng bản thân xe đảm bảo vận hành với nhiên liệu được đổ tới ít nhất 90% dung tích tối đa của thùng nhiên liệu, cộng thêm 75 kg. 1.3.4. Chất khí gây ô nhiễm (Gaseous pollutants): Cacbon mônôxit (CO), các nitơ ôxit được biểu thị bằng đương lượng nitơ điôxit (NO2) và các hydrocacbon (HC) có thành phần như sau: C1H1,85 đối với xăng; C1H1,86 đối với điêzen. 1.3.5. Mức 3 (Level 3): là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn chất gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với mức Euro 3 được quy định trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc hoặc trong chỉ thị của Liên minh Châu Âu áp dụng đối với xe cơ giới SXLR và nhập khẩu mới. 1.3.6. Các te động cơ (Engine crank-case): Các khoang trong hoặc ngoài động cơ được thông với bình hứng dầu bôi trơn bằng các ống dẫn bên trong hoặc ngoài động cơ mà các loại khí và hơi trong các te có thể thoát ra ngoài qua các ống này. 1.3.7. Khí thải do bay hơi (Evaporative emissions): khí HC - khác với khí HC tại đuôi ống xả - phát thải do bay hơi từ hệ thống nhiên liệu của xe, bao gồm hai dạng sau: a) Bay hơi từ thùng nhiên liệu (Tank breathing losses): Khí HC phát thải bay hơi từ thùng nhiên liệu do sự thay đổi nhiệt độ ở bên trong thùng; b) Bay hơi do xe ngấm nóng (Hot soak losses): Khí HC phát thải bay hơi từ hệ thống nhiên liệu của xe đỗ sau khi hoạt động. 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Khi kiểm tra khí thải xe theo phép thử loại I nêu tại khoản 3.2.2 của Quy chuẩn này, khối lượng trung bình đo được của từng chất khí thải CO, HC, NOx từ các xe SXLR và nhập khẩu mới phải nhỏ hơn mức giới hạn quy định trong các bảng dưới đây: a) Trường hợp áp dụng mức 3 theo TCVN 7357: Bảng 1. Bảng 1 - Giá trị giới hạn chất khí gây ô nhiễm cho xe mô tô hai bánh (theo TCVN 7357) Khối lượng tính bằng (g/km) Dung tích làm việc của xy lanh Khối lượng Cacbon mônôxít (CO) L1 Khối lượng Hydrocacbon (HC) L2 Khối lượng Nitơ ôxít (NOx) L3 < 150 cm3 2,0 0,8 0,15 ³ 150 cm3 2,0 0,3 0,15 Chú thích: L1, L2, L3 lần lượt là ký hiệu của các giá trị giới hạn của CO, HC và NOx b) Trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký thử nghiệm đề nghị áp dụng TCVN 9726: Bảng 2 (tương đương mức 3). Bảng 2 - Giá trị giới hạn chất khí gây ô nhiễm cho xe mô tô hai bánh (theo TCVN 9726) Khối lượng tính bằng (g/km) Vận tốc thiết kế lớn nhất Khối lượng Cacbon mônôxít (CO) L1 Khối lượng Hydrocacbon (HC) L2 Khối lượng Nitơ ôxít (NOx) L3 Vmax < 130 km/h 2,62 0,75 0,17 Vmax ³ 130 km/h 2,62 0,33 0,22 2.2. Khi kiểm tra khí thải xe theo phép thử bay hơi nhiên liệu nêu tại khoản 3.2.4 của Quy chuẩn này, tổng lượng HC thoát ra không được lớn hơn 2,0 gam/ lần thử. 3. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ 3.1. Tài liệu kỹ thuật và mẫu thử Đối với loại xe phải kiểm tra khí thải, cơ sở SXLR hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp tài liệu và mẫu thử như sau: 3.1.1. Bản đăng ký thông số kỹ thuật chính của xe và động cơ theo quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này. 3.1.2. Mẫu thử: Số lượng và các yêu cầu khác đối với xe mẫu đại diện cho kiểu loại xe hoặc lô xe để kiểm tra được quy định trong TCVN 7357, TCVN 9726, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để SXLR xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 45/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong SXLR xe mô tô, xe gắn máy. 3.2. Phép thử và phương pháp thử 3.2.1. Việc kiểm tra khí thải xe phải được thực hiện bằng các phép thử loại I, loại II và phép thử bay hơi nhiên liệu. 3.2.2. Phép thử loại I được thực hiện theo quy định của TCVN 7357. Cho phép áp dụng TCVN 9726 thay TCVN 7357 để thực hiện phép thử loại I nếu tổ chức, cá nhân đăng ký thử nghiệm đề nghị. Số lần thực hiện lặp lại phép thử là ba lần trừ khi đáp ứng các điều kiện nêu tại các điểm a và điểm b dưới đây. Trong mỗi lần thử, kết quả đo khối lượng của từng chất khí thải phải nhỏ hơn các mức giới hạn tương ứng (L1, L2, L3) nêu tại Bảng 1 và Bảng 2 của Quy chuẩn này. Tuy nhiên, đối với từng chất khí thải, một trong ba kết quả đo được của ba lần thử có thể được phép vượt không quá 10% mức giới hạn quy định tương ứng tại các Bảng 1 và Bảng 2 của Quy chuẩn này nhưng giá trị trung bình cộng của ba kết quả đo vẫn phải nhỏ hơn mức giới hạn đó. Số lần thử quy định trên sẽ được giảm trong các điều kiện sau đây: a) Chỉ phải thử một lần nếu các kết quả đo của tất cả các chất khí thải thỏa mãn yêu cầu sau: V1 ≤ 0,70 L; b) Chỉ phải thử hai lần nếu các kết quả đo của tất cả các chất khí thải thỏa mãn đồng thời các yêu cầu sau: V1 ≤ 0,85 L, V1 + V2 ≤ 1,70 L và V2 ≤ L. Trong đó: V1 là kết quả của lần thử thứ nhất của từng chất khí thải; V2 là kết quả của lần thử thứ hai của từng chất khí thải; L (L1, L2, L3) là mức giới hạn khí thải trong các Bảng 1 và Bảng 2 của Quy chuẩn này. Sơ đồ quy trình xác định số lần thử nêu trên trong phép thử loại I được thể hiện trong Phụ lục 3 của Quy chuẩn này. 3.2.3. Phép thử loại II phải được thực hiện theo quy định tại Phụ lục F của TCVN 7357 hoặc theo quy định của TCVN 9726. Kết quả đo nồng độ CO (% thể tích) trong khí thải của xe và tốc độ của động cơ tại hai chế độ không tải thường và không tải tốc độ cao phải được ghi lại trong báo cáo thử nghiệm. Nếu trường hợp áp dụng TCVN 9726 thì phải ghi thêm nhiệt độ dầu bôi trơn động cơ và nồng độ CO2 (% thể tích) trong hai chế độ nói trên. Các kết quả này được lấy làm cơ sở cho việc kiểm tra kiểu loại xe khi đưa vào sử dụng. 3.2.4. Phép thử bay hơi nhiên liệu phải được thực hiện bằng các phương pháp nêu tại Phụ lục G của TCVN 7357. Kết quả đo tổng cộng của lượng HC thoát ra không được lớn hơn giá trị giới hạn quy định tại Điều 2.2 của Quy chuẩn này. 3.3. Nhiên liệu thử Nhiên liệu để thử nghiệm khí thải là nhiên liệu thông dụng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về nhiên liệu hiện hành, đối với xăng phải có trị số ốc tan RON nhỏ nhất là 95. Trong trường hợp có sự thống nhất giữa cơ sở SXLR hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu đăng ký kiểm tra khí thải với cơ sở thử nghiệm thì có thể dùng nhiên liệu chuẩn quy định tại Phụ lục 4 của Quy chuẩn này hoặc nhiên liệu có đặc tính tương đương với nhiên liệu chuẩn. Nếu động cơ được bôi trơn bằng hỗn hợp của nhiên liệu và dầu bôi trơn thì dầu được cho vào nhiên liệu chuẩn phải phù hợp về số lượng và loại dầu bôi trơn theo bản đăng ký thông số kỹ thuật chính của động cơ và xe trong Phụ lục 1 của Quy chuẩn này. 3.4. Báo cáo thử nghiệm Cơ sở thử nghiệm lập báo cáo thử nghiệm khí thải trong đó ít nhất phải bao gồm các nội dung quy định trong Phụ lục 2 của Quy chuẩn này. Ngoài ra, cơ sở thử nghiệm phải lưu trữ kèm theo báo cáo thử nghiệm này các bản ghi số liệu liên quan đến quá trình đo khí thải trong phòng thử nghiệm. Kết quả kiểm tra khí thải trong báo cáo thử nghiệm là căn cứ để đánh giá việc thỏa mãn các quy định về khí thải của xe theo Quy chuẩn này. 3.5. Sửa đổi kiểu loại xe SXLR so với xe mẫu đã được thử nghiệm Cơ sở SXLR phải báo cáo với cơ quan cấp giấy chứng nhận về mọi sửa đổi của kiểu loại xe SXLR đã được chứng nhận so với xe mẫu. Cơ quan này phải xem xét và đánh giá việc sửa đổi như sau: 3.5.1. Nếu các sửa đổi không đáng kể và kiểu loại xe vẫn thỏa mãn các yêu cầu về khí thải của Quy chuẩn này thì chấp thuận thực hiện các sửa đổi đó. 3.5.2. Nếu các sửa đổi có thể gây ảnh hưởng xấu đến khí thải thì yêu cầu cơ sở thử nghiệm đã thử nghiệm khí thải xe mẫu tiến hành thử nghiệm một xe đã sửa đổi và nộp báo cáo thử nghiệm khí thải mới. 3.5.3. Căn cứ vào việc xem xét và đánh giá trên để có quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận thực hiện việc sửa đổi. Nếu chấp thuận, phải thông báo rõ ràng nội dung được sửa đổi. 3.6. Mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải Kết quả thử nghiệm khí thải xe mẫu của kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng (sau đây gọi là kiểu loại xe đã chứng nhận) có thể được mở rộng để thừa nhận là kết quả thử nghiệm cho một kiểu loại xe có bản đăng ký thông số kỹ thuật quy định tại Phụ lục 1 của Quy chuẩn này khác bản đăng ký thông số kỹ thuật của kiểu loại xe đã chứng nhận như sau: - Chỉ khác nhau về số loại nêu tại mục 1.2 Phụ lục 1; hoặc - Chỉ khác nhau về số loại và một trong các trường hợp phù hợp với quy định tại các khoản từ 3.6.1 đến 3.6.3 dưới đây: 3.6.1. Trường hợp 1: Khác về khối lượng chuẩn nhưng có khối lượng quán tính tương đương tương ứng cao hơn liền kề hoặc thấp hơn liền kề với khối lượng quán tính tương đương của kiểu loại xe đã chứng nhận (xem Bảng 3 dưới đây). Bảng 3 - Khối lượng chuẩn và khối lượng quán tính tương đương của xe Khối lượng chuẩn mref(kg) Khối lượng quán tính tương đương mi (kg) 95 < m ≤ 105 100 105 < m ≤ 115 110 115 < m ≤ 125 120 125 < m ≤ 135 130 135 < m ≤ 145 140 145 < m ≤ 155 150 155 < m ≤ 165 160 165 < m ≤ 175 170 175 < m ≤ 185 180 185 < m ≤ 195 190 195 < m ≤ 205 200 205 < m ≤ 215 210 215 < m ≤ 225 220 225 < m ≤ 235 230 235 < m ≤ 245 240 245 < m ≤ 255 250 255 < m ≤ 265 260 265 < m ≤ 275 270 275 < m ≤ 285 280 285 < m ≤ 295 290 295 < m ≤ 305 300 305 < m ≤ 315 310 315 < m ≤ 325 320 325 < m ≤ 335 330 335 < m ≤ 345 340 345 < m ≤ 355 350 355 < m ≤ 365 360 365 < m ≤ 375 370 375 < m ≤ 385 380 385 < m ≤ 395 390 395 < m ≤ 405 400 405 < m ≤ 415 410 415 < m ≤ 425 420 425 < m ≤ 435 430 435 < m ≤ 445 440 445 < m ≤ 455 450 455 < m ≤ 465 460 465 < m ≤ 475 470 475 < m ≤ 485 480 485 < m ≤ 495 490 495 < m ≤ 505 500 505 < m ≤ 515 510 515 < m ≤ 525 520 525 < m ≤ 535 530 535 < m ≤ 545 540 545 < m ≤ 550 550 3.6.2. Trường hợp 2: Có các tỉ số truyền toàn bộ của hệ thống truyền lực (tính theo các số truyền) khác với các tỉ số truyền toàn bộ tương ứng của kiểu loại xe đã chứng nhận nhưng thỏa mãn điều kiện sau: a) Đối với tất cả tỷ số truyền được sử dụng trong phép thử loại I, tỉ số E phải không lớn hơn 8% với E được tính như sau: Trong đó: v1 là vận tốc xe thuộc kiểu loại đã chứng nhận khi tốc độ động cơ bằng 1000 r/min; v2 là vận tốc xe thuộc kiểu loại đang được xét khi tốc độ động cơ bằng 1000 r/min; b) Nếu E của ít nhất một tỉ số truyền lớn hơn 8% và đồng thời E của tất cả các tỉ số truyền không lớn hơn 13% thì vẫn phải lặp lại phép thử loại I. Tuy nhiên, phép thử này có thể thực hiện tại bất kỳ cơ sở thử nghiệm nào được cơ quan cấp giấy chứng nhận chấp thuận, không nhất thiết phải là cơ sở thử nghiệm xe mẫu của kiểu loại xe đã chứng nhận. Kết quả thử khí thải phải phù hợp với quy định giới hạn khí thải nêu tại các Bảng 1 hoặc Bảng 2 ở trên và báo cáo thử nghiệm này cũng phải được gửi cho cơ sở thử nghiệm xe mẫu của kiểu loại xe đã chứng nhận. 3.6.3. Trường hợp 3: Khác cả khối lượng chuẩn và tỉ số truyền toàn bộ nêu trong hai trường hợp 1 và 2 ở trên so với kiểu loại xe đã chứng nhận nhưng thỏa mãn tất cả các điều kiện nêu tại hai khoản 3.6.1 và 3.6.2. 3.7. Giám sát khí thải xe khi SXLR hàng loạt 3.7.1. Các xe SXLR thuộc kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cũng phải thỏa mãn mức giới hạn khí thải nêu tại mục 2 của Quy chuẩn này. 3.7.2. Việc kiểm tra theo yêu cầu nêu tại khoản 3.7.1 được thực hiện đột xuất và khi đánh giá hàng năm để xác nhận lại hiệu lực giấy chứng nhận của cơ quan cấp giấy chứng nhận. 3.7.3. Việc kiểm tra phải dựa trên cơ sở nội dung trong hồ sơ chứng nhận và phải thực hiện phép thử loại I nêu tại khoản 3.7.2 trên một xe lấy từ loạt xe kiểm tra. Kết quả đo của các chất khí thải phải nhỏ hơn giới hạn tương ứng của các chất này trong Bảng 1 và Bảng 2 của Quy chuẩn này. 3.7.4. Nếu kết quả đo các chất khí thải không đáp ứng được yêu cầu nêu tại khoản 3.7.3 thì cơ sở SXLR có thể đề nghị thử nghiệm bổ sung một số xe được lấy ra từ loạt xe đó. Số lượng xe được thử nghiệm (n) do cơ sở SXLR xác định; trong số xe này phải có cả chiếc xe đã được lấy ra để kiểm tra theo khoản 3.7.3 ở trên. Đối với từng chất khí thải, sau khi đo phải xác định giá trị trung bình cộng của các kết quả đo từ các xe thử nghiệm trên và sai lệch chuẩn S theo công thức dưới đây. Loạt xe đó sẽ được coi là phù hợp với Quy chuẩn này nếu đáp ứng được điều kiện sau: Trong đó: - L là mức giới hạn đối với từng chất khí thải trong Bảng 1 hoặc Bảng 2 của Quy chuẩn này; - là giá trị trung bình cộng của các kết quả đo từng chất khí thải của tất cả n xe mẫu; - Sai lệch chuẩn S2 = là kết quả đo chất khí thải được xét đến của xe mẫu thứ i, - k là trọng số thống kê phụ thuộc vào n trong Bảng 4 sau: Bảng 4. Trọng số thống kê k n 2 3 4 5 6 7 8 9 10 K 0,973 0,613 0,489 0,421 0,376 0,342 0,317 0,296 0,279 n 11 12 13 14 15 16 17 18 19 K 0,265 0,253 0,242 0,233 0,224 0,216 0,210 0,203 0,198 Nếu n ³ 20 thì: 4. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 4.1. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn này. Nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến quy định của Quy chuẩn này, Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết. 4.2. Trường hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nêu tại Quy chuẩn này có thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo các quy định nêu tại tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định mới. PHỤ LỤC 1 (Annex 1) Bản đăng ký thông số kỹ thuật chính của xe và động cơ (Document of essential characteristics of two-wheeled motorcycle and engine) 1. Xe (Two-wheeled motorcycle) …………………………………………………………………….. 1.1. Nhãn hiệu xe (Mark): ……………………………………………………………………………. 1.2. Kiểu loại xe (Số loại) (Vehicle type): …………………………………………………………… 1.3. Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, lắp ráp/ tổ chức/ cá nhân nhập khẩu(1) (Manufacturer’s/ lmporter’s name and address): ……………………………………………………………………….. 1.4. Tên và địa chỉ đại diện cơ sở sản xuất, lắp ráp/ tổ chức/ cá nhân nhập khẩu (nếu có)(1) (lf applicable, name and address of manufacturer’s/ importer’s representative): ……………. 1.5. Khối lượng bản thân của xe (Unladen mass of vehicle): ………………………………… (kg) 1.6. Khối lượng lớn nhất của xe (Maximum mass of vehicle): ………………………………… (kg) 1.7. Hộp số (Gear-box) ………………………………………………………………………………. 1.7.1. Điều khiển (Control): Cơ khí/ Tự động (Manual/ Automatic/)(1) 1.7.2. Số lượng tỷ số truyền (Number of gear ratios)(2): …………………………………………… 1.7.3. Tỷ số truyền của hộp số (Gear ratio(3): Số 1 (First gear): ……………………………………………………………………………………… Số 2 (Second gear): ………………………………………………………………………………….. Số 3 (Third gear): ……………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………………… 1.8. Tỉ số truyền cuối cùng (Final drive ratio): ……………………………………………………… 1.9. Lốp (Tyres) 1.9.1. Ký hiệu kích cỡ lốp (Dimensions): ………………………………………………………….. 1.9.2. Chu vi vòng lăn động lực học (4)(5) (Dynamic rolling circumference): ………………. (mm) 1.10. Vận tốc thiết kế lớn nhất do cơ sở SXLR quy định (Maximum design speed specified by the manufacturer): ………………………………………………………………………….. (km/h) Chú thích mục 1: (1) Bỏ phần không áp dụng (Strike out what does not apply). (2) Chỉ áp dụng cho hộp số điều khiển cơ khí (Only apply for manual gear-box). (3) Đối với xe lắp hộp số tự động, phải cung cấp các thông số kỹ thuật tương ứng (In the case of vehicles equipped with automatic-shift gear-boxes, give all pertinent technical data). (4) Tính theo bán kính động lực học: khoảng cách từ tâm bánh xe đến mặt đường khi xe chạy (It is calculated from dynamic rolling radius which is the distance from the center of the wheel to road when the vehicles is in motion). (5) Không áp dụng cho xe nhập khẩu (Not apply for imported motorcycle). 2. Động cơ (Engine) 2.1. Mô tả động cơ (Description of engine) 2.1.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ………………………………………………… 2.1.2. Kiểu loại (Số loại) (Type): ……………………………………………………………………. 2.1.3. Số kỳ (Cycle): 4 kỳ/ 2 kỳ (Four-stroke/two-stroke)(1): ……………………………………… 2.1.4. Số lượng và bố trí các xy lanh (Number and arrangement of cylinders): ………………. 2.1.5. Đường kính lỗ xy lanh (Bore): ……………………………………………………………. mm 2.1.6. Hành trình pit-tông (Stroke) …………………………………………………………….. mm 2.1.7. Dung tích xy lanh (Cylinder capacity): ………………………………………………….... cm3 2.1.8. Tỷ số nén (Compression ratio)(2)(3): …………………………………………………………. 2.1.9. Các bản vẽ mô tả buồng cháy, bản vẽ pit tông bao gồm cả vòng găng (xéc măng) (Drawings of the combustion chamber and of the piston, including the piston rings)(4): ……….. …………………………………………………………….……………………………………………… 2.1.10. Hệ thống làm mát (System of cooling): Chất lỏng/ không khí (Liquid/ Air)(1): …………... 2.1.11. Hệ thống tăng áp, nếu có (Supercharged, if applicable): mô tả hệ thống (Description).... 2.1.12. Hệ thống bôi trơn (động cơ hai kỳ, bôi trơn riêng biệt hoặc bôi trơn bằng hỗn hợp nhiên liệu - dầu bôi trơn) (System of lubrication (two-stroke engines - separate or by mixture)): …………………………………………….………………………………………………… …………………………………………………………….…………………………………………….. 2.1.13. Thiết bị tuần hoàn khí các te động cơ (nếu có - mô tả và vẽ sơ đồ) (Device for recycling crank-case gases (if any, description and diagrams)): …………………………………. …………………………………………………………….……………………………………………… 2.1.14. Bộ lọc không khí: Bản vẽ hoặc nhãn hiệu và kiểu (Air filter: drawings, or makes and types(4): …………………………………………………………….……………………………………. 2.2. Thiết bị chống ô nhiễm bổ sung (nếu có, và nếu không được nêu ở mục khác) (Additional anti-pollution devices (if any, and if not covered by another heading)) 2.2.1. Thiết bị chống ô nhiễm do khí thải phát ra từ ống xả (Additional anti-pollution devices for tailpipe emission): Bộ biến đổi xúc tác ……………………………………………………….. mô tả và vẽ sơ đồ (Description and diagrams): …………………………………………………… 2.2.2. Hệ thống chống ô nhiễm do bay hơi nhiên liệu. Mô tả chi tiết hoàn chỉnh các thiết bị và trạng thái điều chỉnh của chúng:(5) (Evaporative emission control system. Complete detailed description of the devices and their state of tune) - Bản vẽ hệ thống kiểm soát bay hơi (Drawing of the evaporative control system) …………………………………………………………….…………………………………………… - Bản vẽ hộp các bon (nếu lắp) (Drawing of the carbon canister, if fitted)) …………………………………………………………….…………………………………………… - Bản vẽ thùng nhiên liệu có chỉ rõ dung tích và vật liệu (Drawing of the fuel tank with indication of capacity and material) …………………………………………………………….……………………………………………… - Sơ đồ lắp đặt thùng nhiên liệu trên xe có chỉ rõ kiểu lắp đặt (kiểu lộ/ kiểu ẩn(1)) (Diagram of the fuel tank on vehicle with indication of fitting method (exposure/ hidden(1)) …………………………………………………………….…………………………………………… - Vật liệu chế tạo các ống dẫn nhiên liệu (Fuel hose material) ………………………………….. 2.3. Hệ thống nạp không khí và cung cấp nhiên liệu (Air Intake and Fuel feed systems) 2.3.1. Mô tả và vẽ sơ đồ của hệ thống nạp không khí và các phụ kiện của nó (khoang không khí để giảm dao động không khí nạp, thiết bị sấy, hệ thống nạp không khí phụ v.v...) (Description and diagrams of air intakes and their accessories (dashpot, heating device, additional air intakes, etc.))(4) 2.3.2. Cung cấp nhiên liệu (Fuel feed) 2.3.2.1. Bằng bộ chế hòa khí (By carburetor(s))(1) 2.3.2.1.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/Marky): …………………………………………….. 2.3.2.1.2. Kiểu (Type): ………………………………………………………………………………… 2.3.2.1.3. Các thông số chỉnh đặt (Settings)(3)(4) 2.3.2.1.3.1. Zíc lơ (Jets): ………………………………………………………….………………….. 2.3.2.1.3.2. Họng khuếch tán (Venturis): …………………………………………………………… 2.3.2.1.3.3. Mức nhiên liệu buồng phao (Float-chamber level): …………………………………. 2.3.2.1.3.4. Khối lượng phao (Mass of float): ……………………………………………………… 2.3.2.1.3.5. Kim phao (Float needle): ………………………………………………………………… Hoặc đường đặc tính cung cấp nhiên liệu theo lưu lượng không khí (or curve of fuel delivery plotted)(1)(3) 2.3.2.1.4. Bướm gió (Choke): Điều khiển Cơ khí/ Tự động (Manual/ Automatic)(1) Thông số chỉnh đặt đóng bướm gió (Closure setting)(3)(4): ………………………………………… 2.3.2.1.5. Bơm cung cấp nhiên liệu (Feed pump): Áp suất (Pressure)(3)(4): ……………………… hoặc đường đặc tính (or characteristic diagram)(3)(4) ………………………………………………. 2.3.2.2. Bằng vòi phun nhiên liệu (By injector)(1) 2.3.2.2.1. Bơm nhiên liệu (Pump) 2.3.2.2.1.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/Mark): ………………………………………….. 2.3.2.2.1.2. Kiểu (Type): ……………………………………………………………………………... 2.3.2.2.1.3. Lượng cung cấp trên một hành trình (Delivery per stroke)(3)(4): ………. mm3 tại (at) tốc độ bơm (pump speed) ……… r/min. hoặc đường đặc tính (or characteristic diagram)(3)(4): ……………………………………………… 2.3.2.2.2. Vòi phun (lnjector(s)) 2.3.2.2.2.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/Mark): ……………………………………………. 2.3.2.2.2.2. Kiểu (Type): ………………………………………………………………………………. 2.3.2.2.2.3. Áp suất hiệu chuẩn (Calibration pressure)(3)(4): ………………………………….. bar hoặc đường đặc tính (or characteristic diagram)(3)(4): 2.4. Thời gian đóng mở van (xúp páp) (Valve timing)(4) 2.4.1. Đối với hệ thống đóng mở bằng van (Distribution by valves) 2.4.1.1. Thời gian đóng mở van cơ khí (Timing for mechanically operated valves): 2.4.1.1.1. Chiều cao nâng lớn nhất của van và các góc đóng và mở van tính theo điểm chết (Maximum lift of valves and angles of opening and closing in relation to dead centres): ……. …………………………………………………………………………………………………………… 2.4.1.1.2. Thông số chuẩn và/ hoặc khe hở chỉnh đặt (Reference and/ or setting clearance)(1): ……………………………………………………………………………………………………………. 2.4.2. Đối với hệ thống đóng mở bằng cửa (Distribution by ports) 2.4.2.1. Thể tích khoang các te khi pit tông ở điểm chết trên (Volume of crank-case cavity with piston at TDC): ……………………………………………. 2.4.2.2. Mô tả các van lưỡi gà, nếu có (bằng bản vẽ có ghi kích thước) (Description of reed valves if any (with dimensioned drawing)): …………………………………………. 2.4.2.3. Mô tả (bằng bản vẽ có ghi kích thước) cửa vào, cửa quét và cửa xả, có biểu đồ thời gian đóng mở tương ứng. Các bản vẽ gồm có cả một bản thể hiện bề mặt bên trong của xy lanh (Description (with dimensioned drawing) of inlet ports, scavenging and exhaust, with corresponding timing diagram): …………………………………………………………………… 2.5. Hệ thống đánh lửa (Ignition) 2.5.1. Bộ chia điện (Distributor(s)) 2.5.1.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ……………………………………………… 2.5.1.2. Kiểu (Type): …………………………………………………………………………………. 2.5.1.3. Đường đặc tính đánh lửa sớm (Ignition advance curve)(3)(4): ……………………………. 2.5.1.4. Thời điểm đánh lửa (Ignition timing)(3)(4): ………………………………………………… 2.5.1.5. Khe hở tiếp điểm (Contact-point gap)(3)(4): ………………………………………………. 2.6. Hệ thống khí thải: mô tả và bản vẽ (Exhaust system: Description and diagrams)(4): 2.7. Thông tin bổ sung về điều kiện thử (Additional information on test conditions) 2.7.1. Nhiên liệu sử dụng (Fuel used): …………………………………………………………….. 2.7.2. Dầu bôi trơn sử dụng (Lubricant used) 2.7.2.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/Mark): ……………………………………………….. 2.7.2.2. Loại dầu bôi trơn (Type): …………………………………………………………………… Nếu dầu bôi trơn và nhiên liệu trộn với nhau, tỉ lệ % dầu trong hỗn hợp dầu và nhiên liệu. (State percentage of oil in mixture if lubricant and fuel mixed) …………………………………… 2.7.3. Bu gi đánh lửa (Sparking plugs): ……………………………………………………………. 2.7.3.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ……………………………………………….. 2.7.3.2. Kiểu (Type): ……………………………………………..…………………………………… 2.7.3.3. Thông số chỉnh đặt khe hở bu gi (Spark-gap setting): ………………………………….. 2.7.4. Cuộn dây đánh lửa (Ignition coil) 2.7.4.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ……………………………………………….. 2.7.4.2. Kiểu (Type): …………………………………………………………………………………… 2.7.5. Tụ điện đánh lửa (Ignition condenser)(4) 2.7.5.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ……………………………………………….. 2.7.5.2. Kiểu (Type): ………………………………………………..………………………………….. 2.7.6. Hệ thống đánh lửa: Mô tả các thông số chỉnh đặt và các yêu cầu liên quan theo quy định của cơ sở SXLR (Spark system: Description of setting and relevant requirements prescribed by the manufacturer(4): …………………………………………………………………… 2.7.7. Hàm lượng CO trong khí thải của động cơ ở tốc độ không tải nhỏ nhất (theo tiêu chuẩn của cơ sở SXLR) (Carbon monoxide content by volume in the exhaust gas, with the engine idling per cent (manufacturer standard)(4): ………… % tại (at) ………….r/min(1) 2.8. Đặc tính động cơ (Engine Performance) 2.8.1. Tốc độ không tải nhỏ nhất (Minimum idling speed): ……………………………. r/min(3)(1) 2.8.2. Tốc độ tại công suất lớn nhất (Engine speed at maximum power): …….r/min(3)(1)(4) 2.8.3. Công suất lớn nhất (Maximum power)(4): ………………………………….. kW Chúng tôi cam kết bản đăng ký này phù hợp với kiểu loại xe đã đăng ký kiểm tra và chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vấn đề phát sinh do khai sai hoặc khai không đủ nội dung trong bản đăng ký này (We undertake that this declaration complies with the vehicle type applying for approval/ inspection and we are fully responsible for problems caused by the wrong contents or not enough content of the declaration). Ngày ….. tháng ….. năm (Date) Tổ chức/ cá nhân lập bản đăng ký (Applicant) (Ký tên, đóng dấu (Signiture, stamp)) Chú thích mục 2: (1) Bỏ phần không áp dụng (Strike out what does not apply) (2) Tỉ số nén d = (thể tích buồng cháy + dung tích xy lanh)/(thể tích buồng cháy) (compression ratio d = (volume of combustion chamber + cylinder capacity)/(volume of combustion chamber)) (3) Kèm theo quy định dung sai (Specify the tolerance) (4) Không áp dụng cho xe nhập khẩu (Not apply for imported motorcycle). (5) Chỉ áp dụng cho phép thử bay hơi nhiên liệu (Only apply for evaporative emissions test). PHỤ LỤC 2 (Annex 2) Báo cáo thử nghiệm khí thải xe mô tô hai bánh (Test report of emission from two-wheeled motorcycle) 1. Xe (Two-wheeled motorcycle) . 11. Nhãn hiệu xe (Make/mark): ……………………………………………………………………. 1.2. Kiểu loại xe (Số loại) (Vehicle Type): …………………………………………………………… 1.3. Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, lắp ráp/ tổ chức/ cá nhân nhập khẩu(1) (Manufacturer's/ Importer's name and address): ……………………………………………………………………… 1.4. Khối lượng bản thân xe (Unladen mass of vehicle): ………………………………………. kg 1.5. Khối lượng chuẩn của xe (Reference mass of vehicle): ………………………………... kg 1.6. Khối lượng lớn nhất của xe (Maximum mass of vehicle): ………………………………. kg 1.7. Hộp số (Gear-box) 1.7.1. Điều khiển (Control): Cơ khí/ Tự động (Manual/ Automatic)(1) 1.7.2. Số lượng tỷ số truyền (Number of gear ratios)(2): ………………………………………….. 1.7.3. Tỷ số truyền của hộp số (Gear ratio)(3): Số 1 (First gear): ………………………………………………………………………………………. Số 2 (Second gear): ………………………………………………………………………………….. Số 3 (Third gear): ……………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………………… 1.8. Tỉ số truyền cuối cùng (Final drive ratio): ……………………………………………………… 1.9. Ký hiệu kích cỡ lốp (Dimensions of tires): …………………………………………………….. 1.10. Vận tốc thiết kế lớn nhất do cơ sở SXLR quy định (Maximum design speed specified by the manufacturer): …………………………………………………………………………….. (km/h). 2. Động cơ (Engine) 2.1. Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): …………………………………………………… 2.2. Kiểu loại động cơ (Số loại) (Type): ……………………………………………………………. 2.3. Số kỳ (Cycle): 4 kỳ/ 2 kỳ (Four-stroke/two-stroke)(1) 2.4. Dung tích xy lanh (Cylinder capacity): ……………………………………………………. cm3 2.5. Số lượng và bố trí các xy lanh (Number and arrangement of cylinders): ……………….. 2.6. Thiết bị chống ô nhiễm bổ sung (nếu có) (Additional anti-pollution devices (if any): - Kiểu thiết bị: Tuần hoàn khí thải/ biến đổi xúc tác/ kiểu khác (Exhaust gas recirculation/ Catalystic converter/ Others): ………………………………………………………………………. - Mô tả vị trí lắp đặt thiết bị (Description of instalation position): ………………………………… 2.7. Hệ thống cung cấp nhiên liệu (Air lntake and Fuel feed systems) 2.7.1. Bằng bộ chế hòa khí (By carburetor(s)(1) - Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/Mark): ……………………………………………………….. - Kiểu (Type): ………………………………………………………………………………………….. 2.7.2. Bằng hệ thống phun nhiên liệu (By injection)(1) - Tên thương mại/ Nhãn hiệu (Make/ Mark): ………………………………………………………. - Kiểu (Type): ………………………………………………………………………………………….. 2.8. Nhiên liệu thử nghiệm, bao gồm nhãn hiệu và đặc tính nhiên liệu (Testing fuel including mark and specifications for fuel): ……………………………………………………………………. 2.9. Tốc độ không tải nhỏ nhất (Minimum idling speed): …………………………………. r/min(1). 2.10. Tốc độ tại công suất lớn nhất (Engine speed at maximum power): ……………… r/min(1). 2.11. Công suất lớn nhất (Maximum power): ………………………………………………….. kW. 3. Kiểm tra khí thải (Emission test) 3.1. Quy chuẩn áp dụng (Applied regulation): QCVN 77:2014/BGTVT (TCVN 7357/ TCVN 9726(1)). 3.2. Kết quả kiểm tra (Test results) 3.2.1. Phép thử loại I (Type I test) Khí thải (Gaseous pollutants) Giá trị giới hạn (Limits) Kết quả (Results) Kết luận (Conclusion) Lần 1 (No.1) Lần 2 (No.2) Lần 3 (No.3) Trung bình (Mean) CO (g/km) Đạt/Không đạt (Pass/Failure)(1) HC (g/km) Đạt/Không đạt (Pass/Failure)(1) NOx (g/km) Đạt/Không đạt (Pass/Failure)(1) 3.2.2. Phép thử loại II (Type II Test) Tốc độ không tải thường (Normal idle speed): CO: …………………………………………………………. (% in volume) CO2: …………………………………………………………. (% in volume)(4) Nhiệt độ dầu bôi trơn (Temperature of engine oil): ……………….. (0C)(4) Tốc độ động cơ khi đo (Engine speed when measuring) …….. r/min Tốc độ không tải cao: (High idle speed) CO: …………………………………………………………. (% in volume) CO2: …………………………………………………………. (% in volume)(4) Nhiệt độ dầu bôi trơn (Temperature of engine oil): ……………….. (0C)(4) Tốc độ động cơ khi đo (Engine speed when measuring) …….. r/min 3.2.3. Phép thử bay hơi nhiên liệu (Evaporative fuel test)(5) Phép đo (Test) Phương pháp thử (Test method) Giá trị giới hạn (Limit) Kết luận (Conclusion) Buồng kín (SHED) Bẫy hộp các bon (Carbon canister trap) Bay hơi từ thùng nhiên liệu (g/lần thử) (Tank breath loss (g/test)) - Bay hơi do xe ngấm nóng (g/lần thử) (Hot soak loss (g/test)) - Tổng lượng nhiên liệu bay hơi (g/lần thử) (Total loss of evaporative fuel (g/test)) 2 Đạt/Không (Pass/Failure)(1) 4. Chú ý (Remark): …………………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………………… Ngày ….. tháng ….. năm ….. (Date) Cơ sở thử nghiệm (Technical Service) (Ký tên, đóng dấu (Signature, stamp)) Chú thích: (1) Bỏ phần không áp dụng (Strike out what does not apply). (2) Chỉ áp dụng cho hộp số điều khiển cơ khí (Only apply for manual gear-box). (3) Đối với xe lắp hộp số tự động, phải cung cấp các thông số kỹ thuật tương ứng (In the case of vehicles equipped with automatic-shift gear-boxes, give all pertinent technical data). (4) Trường hợp áp dụng theo TCVN 9726 (In case applying TCVN 9726). (5) Trường hợp không áp dụng thì xóa nội dung này hoặc ghi rõ là “Không áp dụng” (lf apply other equivalent test method, then indicate clearly in below column). PHỤ LỤC 3 Sơ đồ quy trình xác định số lần đo khí thải trong phép thử loại I PHỤ LỤC 4 Yêu cầu đối với nhiên liệu chuẩn Yêu cầu kỹ thuật của nhiên liệu chuẩn được sử dụng để thử các loại xe lắp động cơ cháy cưỡng bức (TCVN 7357:2010/ TCVN 9726:2013) Loại: Xăng không chì Chỉ tiêu Đơn vị Giới hạn (1) Nhỏ nhất Lớn nhất Phương pháp thử Chỉ số ốc tan nghiên cứu, RON - 95,0 - EN 25164 Chỉ số ốc tan động cơ, MON - 85,0 - EN 25163 Tỉ trọng ở 15°C kg/m3 748 762 ISO 3675 Áp suất hơi Reid kPa 56,0 60,0 EN 12 Chưng cất: EN-ISO 3405 Điểm sôi đầu °C 24 40 Bay hơi ở 100°C % thể tích 49,0 57,0 Bay hơi ở 150°C % thể tích 81,0 87,0 Điểm sôi cuối °C 190 215 Cặn % thể tích - 2 EN-ISO 3405 Phân tích Hydrocacbon: - Olefin % thể tích - 10 ASTM D 1319 - Chất thơm % thể tích 28,0 40,0 - Benzen % thể tích - 1,0 Pr. EN 12177 - Chất bão hòa % thể tích - cân bằng ASTM D 1319 Tỷ lệ Cacbon/ Hydro - báo cáo báo cáo Độ bền ô xi hóa (2) phút 480 - EN-ISO 7536 Hàm lượng ô xy % khối lượng - 2,3 EN 1601 Keo mg/ml - 0,04 EN-ISO 6246 Hàm lượng lưu huỳnh(3) mg/kg - 100 Pr. EN ISO/DIS 14596 Ăn mòn đồng tại 50°C - 1 EN-ISO 2160 Hàm lượng chì g/l - 0,005 EN 237 Hàm lượng phốt pho g/l - 0,0013 ASTM D 3231 (1) Các giá trị được nêu trong yêu cầu kỹ thuật là "Các giá trị thực". Việc thiết lập các giá trị giới hạn của chúng đã áp dụng các thuật ngữ của ISO 4529 "Sản phẩm dầu mỏ - Xác định và áp dụng dữ liệu chính xác liên quan đến phương pháp thử" và trong việc cố định một giá trị nhỏ nhất, đã tính đến một sai khác nhỏ nhất bằng 2R ở trên điểm 0; trong việc cố định một giá trị lớn nhất và nhỏ nhất, sai khác nhỏ nhất là 4R (R- khả năng tái tạo). Mặc dù có biện pháp này, cần thiết vì những lý do kỹ thuật, nhà sản xuất nhiên liệu vẫn hướng đến một giá trị 0 mà ở đó trị số lớn nhất được quy định là 2R và hướng đến giá trị trung bình trong trường hợp trích dẫn các giới hạn nhỏ nhất và lớn nhất. Cần thiết làm sáng tỏ câu hỏi là liệu nhiên liệu có đáp ứng được yêu cầu của quy định không, cần áp dụng các thuật ngữ của ISO 4529. (2) Nhiên liệu có thể chứa các chất hãm ôxy hóa và các chất khử hoạt tính kim loại thường được sử dụng để làm ổn định các luồng hơi xăng lọc, nhưng không được thêm vào các phụ gia dạng bột phân tán và dầu kết tủa. (3) Hàm lượng lưu hùynh thực của nhiên liệu để thử kiểu loại I phải được báo cáo.
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "03/10/2014", "sign_number": "45/2014/TT-BGTVT", "signer": "Đinh La Thăng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-357-KH-SNV-2020-nhiem-vu-De-an-chinh-ly-tai-lieu-luu-tru-ton-dong-tai-co-quan-Ho-Chi-Minh-537457.aspx
Kế hoạch 357/KH-SNV 2020 nhiệm vụ Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng tại cơ quan Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ NỘI VỤ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 357/KH-SNV Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 02 năm 2020 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2020 CỦA ĐỀ ÁN CHỈNH LÝ TÀI LIỆU LƯU TRỮ TỒN ĐỌNG TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 1975 - 2015 Thực hiện Kế hoạch số 4612/KH-SNV ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Sở Nội vụ về tổ chức thực hiện Quyết định số 5663/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2020 như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, theo tiến độ năm 2020 của Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2015. 2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ. II. NỘI DUNG THỰC HIỆN 1. Các nhóm cơ quan thực hiện chỉnh lý a) Các cơ quan Nhóm 1 Tổ chức chỉnh lý tại 07 sở, ban, ngành: - Sở Thông tin và Truyền thông; - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - Sở Giáo dục và Đào tạo; - Sở Công Thương; - Sở Khoa học và Công nghệ; - Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Thành phố; - Ban Tôn giáo. b) Các cơ quan, tổ chức Nhóm 2, 3 và 4 - Nhóm 2: Cơ quan, tổ chức ngành dọc. - Nhóm 3: Tổ chức doanh nghiệp, hội, quỹ và đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố. - Nhóm 4: Các cơ quan, tổ chức cấp huyện. 2. Nội dung và thời gian thực hiện a) Các cơ quan Nhóm 1 - Khảo sát, rà soát, thống kê, tổng hợp số lượng tài liệu lưu trữ tồn đọng thực tế; xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng năm 2020; - Gửi kế hoạch chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng về Chi cục Văn thư - Lưu trữ; lập dự toán kinh phí năm 2020 đề nghị Sở Tài chính thẩm định và trình duyệt cấp kinh phí; - Thực hiện các thủ tục mời thầu, xét lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu để thực hiện chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng; - Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Chi cục Văn thư - Lưu trữ; - Tổ chức thực hiện việc giám sát, tăng cường công tác kiểm tra nâng cao chất lượng chỉnh lý, nghiệm thu, quyết toán kinh phí; - Tổ chức tập huấn nghiệp vụ lập hồ sơ công việc cho toàn thể công chức, viên chức cơ quan và quy định chế độ giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; tổ chức tiếp nhận và hoàn thiện hồ sơ, tài liệu tại Lưu trữ cơ quan để tránh tài liệu tồn đọng và tái tồn đọng phát sinh sau chỉnh lý. b) Các cơ quan, tổ chức Nhóm 2, 3 và 4 - Các cơ quan, tổ chức đã xây dựng và phê duyệt Đề án, Kế hoạch tiếp tục thực hiện các nội dung công việc của Đề án, Kế hoạch; - Các cơ quan, tổ chức chưa xây dựng Đề án, Kế hoạch khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện việc chỉnh lý theo yêu cầu của nội dung Đề án; - Các nội dung nhiệm vụ khác thực hiện như cơ quan Nhóm 1. c) Thời gian thực hiện - Các cơ quan, tổ chức + Công tác chuẩn bị chỉnh lý: xây dựng kế hoạch; mời thầu, lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 2020; + Tổ chức thực hiện chỉnh lý: hoàn thành, nghiệm thu, thanh quyết toán và báo cáo kết quả trước ngày 20 tháng 12 năm 2020 đến Chi cục Văn thư - Lưu trữ; + Gửi các văn bản điện tử đã ban hành trong quá trình thực hiện (thay báo cáo) như kế hoạch, quyết định lựa chọn nhà thầu, kết quả kiểm tra,... - Chi cục Văn thư - Lưu trữ: tiếp nhận, tổng hợp tham mưu báo cáo tình hình, tiến độ, kết quả cho Sở Nội vụ trước ngày 31 tháng 12 năm 2020. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức a) Chỉ đạo, phân công trách nhiệm công chức, viên chức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý. b) Tổ chức thực hiện lựa chọn đơn vị có năng lực chỉnh lý tài liệu theo quy trình quy định của Đề án và theo quy định của Luật Đấu thầu. c) Phân công, xác định trách nhiệm của công chức, viên chức trong công tác thực hiện, kiểm tra nâng cao chất lượng chỉnh lý tài liệu lưu trữ của cơ quan; tổ chức xác định giá trị tài liệu, lựa chọn thành phần tài liệu và chuẩn bị tốt công tác giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố khi có yêu cầu. 2. Sở Tài chính a) Phối hợp thẩm định kinh phí chỉnh lý tài liệu tồn đọng của các cơ quan, tổ chức trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt. b) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức công tác thanh, quyết toán kinh phí theo quy định. 3. Sở Nội vụ Giao Chi cục Văn thư - Lưu trữ tổ chức thực hiện: a) Tham mưu Sở Nội vụ xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2015; xây dựng Kế hoạch và tổ chức Hội nghị hướng dẫn thực hiện công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của các sở, ban, ngành. b) Tham mưu đề xuất Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ đạo Đề án thẩm định kế hoạch chỉnh lý tài liệu tồn đọng của các cơ quan thuộc nhóm 1; phối hợp với các sở, ban, ngành kiểm tra chất lượng chỉnh lý tài liệu tồn đọng và có ý kiến đối với việc chỉnh lý tài liệu, phân loại và lựa chọn tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố theo quy định. c) Thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo; chủ trì khảo sát, thẩm định, kiểm tra các nhiệm vụ của công tác chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, tổng hợp, tham mưu báo cáo sơ kết kết quả thực hiện chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2015. Trên đây là Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Đề án chỉnh lý tài liệu lưu trữ tồn đọng của cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2015./. Nơi nhận: - Các sở, ban, ngành TP; - UBND quận, huyện; - UBND TP (để b/c); - Thành viên BCĐ Đề án; - Thành viên Tổ CV giúp việc; - Sở Tài chính; - Sở Nội vụ: GĐ, các PGĐ, VP SNV; - Chi cục VTLT (3b); - Lưu: VT. GIÁM ĐỐC Trương Văn Lắm
{ "issuing_agency": "Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "05/02/2020", "sign_number": "357/KH-SNV", "signer": "Trương Văn Lắm", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Thong-tu-26-2017-TT-BTTTT-Quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-tuong-thich-dien-tu-doi-voi-thiet-bi-DECT-364886.aspx
Thông tư 26/2017/TT-BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện tử đối với thiết bị DECT mới nhất
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 26/2017/TT-BTTTT Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2017 THÔNG TƯ BAN HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ DECT” Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009; Căn cứ Luật Tần số Vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009; Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện tử đối với thiết bị DECT. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị DECT (QCVN 113:2017/BTTTT). Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND và Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ; - Bộ TTTT; Bộ trưởng và các Thứ trưởng, Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Cổng thông tin điện tử Bộ; - Lưu: VT, KHCN (250). BỘ TRƯỞNG Trương Minh Tuấn QCVN 113:2017/BTTT QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ DECT National technical regulation on ElectroMagnetic Compatibility (EMC) for Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT) equipment MỤC LỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh 1.2. Đối tượng áp dụng 1.3. Tài liệu viện dẫn 1.4. Giải thích từ ngữ 1.5. Chữ viết tắt 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Phát xạ 2.2. Miễn nhiễm 2.3. Điều kiện đo kiểm 2.3.1. Quy định chung 2.3.2. Bố trí tín hiệu đo kiểm 2.3.3. Băng tần loại trừ 2.3.4. Đáp ứng bảng hẹp của máy thu hoặc máy thu là một phần của máy thu phát 2.3.5. Điều chế đo kiểm thông thường 2.4. Đánh giá chỉ tiêu 2.4.1. Tổng quát 2.4.2. Bố trí đánh giá thiết bị phụ thuộc thiết bị chủ và các thiết bị vô tuyến gắn thêm 2.4.3. Thủ tục đánh giá 2.4.4. Thiết bị phụ trợ 2.4.5. Phân loại thiết bị 2.5. Tiêu chí chất lượng 2.5.1. Yêu cầu chung 2.5.2. Tiêu chí chất lượng đối với các hiện tượng liên tục áp dụng cho máy phát (CT) 2.5.3. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng đột biến áp dụng cho máy phát (TT) 2.5.4. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng liên tục áp dụng cho máy thu (CR) 2.5.5. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng đột biến áp dụng cho thiết bị máy thu (TR) 2.5.6. Tiêu chí chất lượng đối với thiết bị phụ trợ liên quan được kiểm tra độc lập 3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ 4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN 5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Lời nói đầu QCVN 113:2017/BTTTT được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-6 V1.4.1 (2015-05) của Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu. QCVN 113:2017/BTTTT do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ thẩm định và trình duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Thông tư số 26 /2017/TT-BTTTT ngày 17 tháng 10 năm 2017. QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ TƯƠNG THÍCH ĐIỆN TỪ ĐỐI VỚI THIẾT BỊ DECT National technical regulation on ElectroMagnetic Compatibility (EMC) for Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT) equipment 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về tương thích điện từ (EMC) đối với thiết bị DECT và thiết bị phụ trợ liên quan. Quy chuẩn này quy định điều kiện đo kiểm, phương pháp đánh giá chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá chất lượng về tương thích điện từ đối với thiết bị DECT và thiết bị phụ trợ liên quan. Các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến cổng ăng ten và phát xạ từ cổng vỏ của thiết bị DECT không thuộc phạm vi quy chuẩn này, mà được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm tương ứng để sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến. 1.2. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này trên lãnh thi Việt Nam. 1.3. Tài liệu viện dẫn QCVN 18:2014/BTTTT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị thông tin vô tuyến điện. Recommendation ITU-T O.153 (10-1992): "Basic parameters for the measurement of error performance at bit rates below the primary rate". ETSI EN 300 175-2 (V2.5.1) (08-2013): "Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT); Common Interface (Cl); Part 2: Physical Layer (PHL)". ETSI EN 300 175-3 (V2.5.1) (08-2013): "Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT): Common Interface (Cl); Part 3: Medium Access Control (MAC) Layer”. ETSI EN 300 176-1 (V2.1.1) (07-2009): "Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT); Test specification; Part 1: Radio". TCVN 7317:2003 (CISPR 24:1997): “Thiết bị công nghệ thông tin - Đặc tính miễn nhiễm - Giới hạn và phương pháp đo”. 1.4. Giải thích từ ngữ 1.4.1. Sóng mang (bearer) Cụm tín hiệu cao tần (RF) để thiết lập và duy trì đường liên kết thông tin cho điều chế số và điện thoại không dây, hoạt động tương tự như những thiết bị thông tin vô tuyến. 1.4.2. Thiết bị DECT (DECT equipment) Thiết bị viễn thông số không dây có chức năng tăng cường, trong đó bao gồm một hoặc vài phần thu phát và/hoặc chỉ có máy thu và/hoặc các phần của thiết bị tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-2. CHÚ THÍCH: Các thiết bị cung cấp: - Truy nhập không dây vào đường thuê bao điện thoại/hoặc thu phát thoại và dữ liệu trong các mạng riêng, thuộc môi trường dân cư, thương mại và công nghiệp; hoặc - Truy nhập không dây cố định vào các mạng công cộng (bao gồm cả các thiết bị công) - Thu phát tín hiệu đầu vào số loại điểm-điểm. Thiết bị DECT có thể kết hợp hoặc bộ phận thu-phát cầm tay và bộ phận thu-phát trạm gốc, được quy định trong tiêu chuẩn kỹ thuật ETSI EN 300 175-3, hoặc bộ phận thu-phát trạm gốc và thiết bị thuê bao đầu cuối vô tuyến, đối với truy nhập không dây cố định. 1.4.3. Thiết bị chủ (host equipment) Thiết bị bất kỳ có đầy đủ chức năng sử dụng khi không đấu nối với thiết bị thông tin vô tuyến, mà việc đấu nối là cần thiết để thiết bị thông tin vô tuyến cung cấp chức năng bổ sung và cài đặt vật lý phần thu phát. 1.4.4. Thiết bị phi thoại (non - speech equipment) Điện thoại không dây hoặc thiết bị truyền thông tương tự dùng để thu và phát dữ liệu số, xuất phát/kết thúc từ mạch xử lý thoại bên ngoài, hoặc thiết bị bên ngoài. 1.4.5. Thiết bị thoại (speech equipment) Điện thoại không dây hoặc thiết bị truyền thông tương tự có chứa mạch xử lý tiếng nói như micrô và/hoặc loa, dùng để thu và phát các tín hiệu âm thanh. 1.5. Chữ viết tắt BER Tỷ lệ lỗi bit Bit Error Rate BPF Bộ lọc thông dải Band Pass Filter BT Tích số băng thông thời gian Bandwidth Time product CR Hiện tượng liên tục áp dụng cho máy thu Continuous phenomena applied to Receiver CT Hiện tượng liên tục áp dụng cho máy phát Continuous phenomena applied to Transmitter BW Băng thông BandWidth DC Dòng một chiều Direct Current EMC Tương thích điện từ Electro Magnetic Compatibility EM Điện từ Electro Magnetic EUT Thiết bị cần đo kiểm Equipment Under Test ERP Điểm tham chiếu chuẩn tai nghe Ear Reference Point MRP Điểm tham chiếu chuẩn ống nói Mouth Reference Point RF Tần số vô tuyến Radio Frequency SPL Mức thanh áp Sound Pressure Level CF Tần số sóng mang Carrier Frequency CFP Phần cố định của máy không dây Cordless Fixed Part CPP Phần lưu động của máy không dây Cordless Portable Part DECT Công nghệ không dây số có chức năng tăng cường Digital Endhanced Cordless Telecommunications TR Hiện tượng đột biến áp dụng cho máy thu Transient phenomena applied to Receiver TT Hiện tượng đột biến áp dụng cho máy phát Transient phenomena applied to Transmitter 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Phát xạ Áp dụng Bảng 1 của QCVN 18:2014/BTTTT đo kiểm phát xạ EMC trên các cổng của thiết bị và/hoặc thiết bị phụ trợ liên quan. 2.2. Miễn nhiễm Áp dụng Bảng 4 của QCVN 18:2014/BTTTT cho phép thử miễn nhiễm đối với các cổng của thiết bị và/hoặc thiết bị phụ trợ liên quan. 2.3. Điều kiện đo kiểm 2.3.1. Quy định chung Với mục đích của quy chuẩn này, có thể áp dụng các điều kiện đo kiểm của QCVN 18:2014/BTTTT khi thích hợp. Các điều kiện đo kiểm áp dụng cho thiết bị vô tuyến này được quy định trong các điều từ điều 2.3.2 đến điều 2.3.5. 2.3.2. Bố trí tín hiệu đo kiểm Áp dụng cách bố trí tín hiệu đo kiểm trong điều A.2, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. 2.3.2.1. Bố trí tín hiệu đo kiểm tại đầu vào của máy phát Áp dụng cách bố trí tín hiệu đo kiểm trong điều A.2.1, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT với điều chỉnh máy phát phải được điều chế bằng loại điều chế thử nghiệm thông thường quy định cho loại thiết bị đó (xem điều 2.3.5). - Thiết bị thoại: Các tín hiệu âm thanh đầu vào có thể được cấp cho EUT hoặc qua một ống âm thanh phi kim loại, hoặc qua các kết nối điện, nếu có. Không được cải tiến thiết bị này để tạo ra các cổng kết nối điện, nếu chỉ vì mục đích thử nghiệm tương thích điện từ. Cách bố trí thích hợp cho ống âm thanh được mô tả trong tiêu chuẩn TCVN 7317:2003. - Thiết bị phi thoại: Các tín hiệu số đầu vào phải được cấp cho EUT bằng kết nối điện đến cổng vào điều chế, thông qua một loại cáp nối phù hợp, bộ ghép đo hoặc thiết bị chủ (xem điều 2.4.2.1 và điều 2.4.2.2). 2.3.2.2. Bố trí tín hiệu đo kiểm tại đầu ra của máy phát Áp dụng cách bố trí tín hiệu đo kiểm trong điều A.2.2, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. 2.3.2.3. Bố trí tín hiệu đo kiểm tại đầu vào của máy thu Áp dụng cách bố trí tín hiệu đo kiểm trong điều A.2.3, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. Phần thu hoặc phần máy thu độc lập của một thiết bị điện thoại không dây cụ thể hoặc của một thiết bị truyền thông phải được cấp tín hiệu RF mong muốn thích hợp, được điều chế theo quy định cho loại thiết bị đó (xem điều 2.3.5). 2.3.2.4. Bố trí tín hiệu đo kiểm tại đầu ra của máy thu Tuân theo điều A.2.4 trong QCVN 18:2014/BTTTT. 2.3.2.5. Bố trí đo kiểm máy phát và máy thu (như một hệ thống) Áp dụng cách bố trí tín hiệu đo kiểm trong điều A.2.5, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. Tín hiệu điều chế đo kiểm thông thường được truyền qua hệ thống đo trở về khép kín mạch hệ thống thu phát cần thử nghiệm như mô tả trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-3 và ETSI EN 300 176-1. Ngoài ra, tín hiệu đầu ra của thiết bị vô tuyến cần thử nghiệm sẽ được giám sát bởi hệ thống đo. 2.3.3. Băng tần loại trừ Áp dụng điều A.3, Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. Băng tần loại trừ cho máy phát, máy thu và phần thu của máy thu phát là các băng tần số, trên đó không cần thử nghiệm miễn nhiễm khi có tín hiệu RF bức xạ. Băng tần loại trừ từ 1 781,792 MHz đến 1 997,344 MHz (cộng thêm 100 MHz đối với biên trên và trừ đi 100 MHz đối với biên dưới). 2.3.4. Đáp ứng băng hẹp của máy thu hoặc máy thu là một phần của máy thu phát Áp dụng các yêu cầu trong điều A.4 Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. Không thực hiện các phép thử miễn nhiễm trên các tần số thuộc đáp ứng băng hẹp đã được nhận dạng, ví dụ, các đáp ứng giả của các phần máy thu điện thoại không dây và các thiết bị truyền thông tương tự. Đối với các máy thu DECT, tiêu chí nhận dạng các đáp ứng băng hẹp căn cứ vào sự gia tăng mức tín hiệu thoại đầu ra cho thiết bị thoại, hoặc mức tăng tỷ lệ lỗi bit (BER) của tín hiệu đầu vào số đấu vòng từ EUT cho thiết bị phi thoại. Độ lệch tần số danh định dùng để nhận dạng các đáp ứng băng hẹp phải là ±2 MHz cho phần đầu của thủ tục nhận dạng và ±2,5 MHz cho phần tiếp theo. 2.3.5. Điều chế đo kiểm thông thường Áp dụng điều A.5 Phụ lục A của QCVN 18:2014/BTTTT. Đối với tất cả các loại thiết bị DECT, tín hiệu mong muốn tại đầu vào phải là một sóng mang tần số vô tuyến (RF) được thiết lập ở trung tâm danh định của một trong các kênh DECT RF, sử dụng điều chế Gaussian shaped frequency-shift keying (BT = 0,5) và được điều chế chuỗi bít có tốc độ 1 152 kbit/s. Việc giải mã chuỗi bit phải tuân thủ cách giải mã được quy định trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-2 và ETSI EN 300 175-3. Phần của chuỗi tín hiệu đầu vào số phải phát là một chuỗi bít giống với mẫu D-M2 được quy định trong khuyến nghị ITU-T O.153 và được phản hồi, phù hợp với tin báo thử vòng phản hồi, như mô tả trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-3. Các định thời cụm của sóng mang này phải tuân thủ các giới hạn được quy định trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-2. 2.4. Đánh giá chỉ tiêu 2.4.1. Tổng quát Tuân theo điều B.1 trong QCVN 18:2014/BTTTT Áp dụng các yêu cầu trong B.1 của QCVN 18:2014/BTTTT. 2.4.2. Bố trí đánh giá thiết bị phụ thuộc thiết bị chủ và các thiết bị vô tuyến gắn thêm Đối với các phần thiết bị tích hợp với thiết bị chủ để cung cấp đầy đủ chức năng hoạt động của thiết bị thì sử dụng một trong hai cách đánh giá trong điều 2.4.2.1 và điều 2.4.2.2. Nhà sản xuất phải công bố lựa chọn mục nào cho thiết bị của mình. 2.4.2.1 Loại A: thiết bị kết hợp Sử dụng kết hợp của phần thiết bị vô tuyến và loại thiết bị chủ cụ thể để đánh giá mức độ phù hợp với tài liệu nhà sản xuất công bố. Nếu có nhiều hơn một sự kết hợp, thì mỗi sự kết hợp phải được thử nghiệm riêng. Một sự kết hợp của thiết bị chủ và phần vô tuyến được thử nghiệm như là một hệ thống kết hợp, thì không cần lặp lại phép thử đối với: - Những sự kết hợp khác giữa thiết bị chủ và các phần thiết bị vô tuyến dựa trên các mẫu máy chủ tương tự, với điều kiện là sự thay đổi về cơ và điện giữa các mẫu không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến miễn nhiễm và bức xạ của phần thiết bị vô tuyến; - Phần thiết bị vô tuyến không được sử dụng nhưng không có thay đổi về cơ, điện và phần mềm theo thiết bị chủ, khác với những phần đã được mô tả yêu cầu tuân thủ theo tài liệu này. 2.4.2.2 Loại B: Sử dụng một mạch ghim thử nghiệm (test jig) và 3 thiết bị chủ Nếu bộ phận thiết bị vô tuyến dự định sử dụng với nhiều loại thiết bị chủ, thì nhà sản xuất phải cung cấp các mạch giữ (mạch ghim) thích hợp, phù hợp với tài liệu này để đánh giá. Mạch ghim thử nghiệm phải được thiết kế sao cho khi thay đổi các phần thiết bị vô tuyến, thì miễn nhiễm và phát xạ không mong muốn được tối thiểu hóa. Nếu kết nối giữa bộ phận thiết bị vô tuyến và mạch điều khiển thiết bị chủ và/hoặc các cổng nguồn bằng cáp đồng, cáp quang hoặc các phương tiện tương tự khác, thì kết nối này với máy chủ phải được xem như là một bộ ghim thử nghiệm thích hợp. Bộ ghim thử nghiệm phải cho phép bộ phận thiết bị vô tuyến được cấp nguồn và giả lập theo cách đại diện, như khi nó được nối với hoặc chèn vào thiết bị chủ. Ngoài ra, đối với các phép thử có dùng mạch ghim, thì bộ phận thiết bị vô tuyến phải được thử nghiệm với 3 thiết bị chủ khác nhau. Các thiết bị chủ này phải được nhà sản xuất trang bị và phải được lựa chọn từ danh sách các thiết bị chủ tương thích đã được nhà sản xuất công bố, như là một bộ phận của tài liệu sử dụng kèm theo bộ phận thiết bị vô tuyến. 2.4.3. Thủ tục đánh giá 2.4.3.1. Mất các chức năng điều khiển của đối tượng sử dụng hoặc mất dữ liệu quy định phải lưu trữ Hệ thống thử nghiệm phải thiết lập đường thông theo đúng cách như EUT sử dụng thông thường. Mọi trường dữ liệu của đối tượng sử dụng trong bộ nhớ hoặc trong bộ lưu trữ của EUT phải đầy đủ, sao cho nó đại diện cho sự sử dụng thông thường. Thủ tục đánh giá phải khẳng định được rằng kết nối thông tin liên tục được duy trì và không bị mất các chức năng điều khiển và dữ liệu cần lưu trữ của đối tượng sử dụng, đúng như nhà sản xuất công bố. 2.4.3.2. Thông mạch âm thanh Phép thử này nhằm đánh giá ảnh hưởng liên tục của các hiện tượng EMC lên các mạch thoại tương tự của thiết bị xem nó có phù hợp hay không. Hệ thống thử nghiệm được bố trí như trên Hình 1, sao cho có thể ghi lại mức tín hiệu ra của các kênh thoại EUT bằng các thiết bị đo phù hợp (nhưng không nhất thiết cho từng kênh một cách đồng thời). Đối với phần không dây lưu động (CPP) có sử dụng bộ chuyển đổi thanh - điện, thi cần đo mức áp suất âm thanh (SPL). Nhiễu nền nhấc tổ hợp máy điện thoại do mạch chuyển đổi thoại (microphone) phải được tối thiểu hóa. Trước chuỗi các phép thử, mức chuẩn tín hiệu ra thoại phải được ghi lại trên máy đo như Hình 2. Đối với khối CPP có bộ chuyển đổi thoại, mức này phải là 0 dBPa trên tần số 1 kHz, tại điểm chuẩn nghe theo đường thu và -5 dBPa trên tần số 1 kHz, tại điểm chuẩn nói. Đối với phần không dây cố định (CFP) có các mạch thoại tương tự và lắp đặt một số thiết bị khác loại thoại tương tự, thì mức chuẩn phải bằng các tín hiệu âm thanh này. Tại mỗi tần số thử nghiệm, phải đo mức tín hiệu âm thanh ra so với mức chuẩn. Nếu có giao tiếp với bộ chuyển đổi thanh - điện của EUT, thì phải chú ý để sao cho nhiễu của trường điện từ (EM) được tối thiểu hóa. Việc sử dụng bộ ghép âm thanh phi kim loại, được mô tả trong tiêu chuẩn TCVN 7317:2003 (CISPR 24 : 1997). Ghi lại cách bố trí phép đo vào bản báo cáo kết quả thử nghiệm. Hình 1 - Thiết lập phép đo thông mạch đường âm thanh Hình 2 - Hiệu chuẩn thiết lập phép đo thông mạch đường âm thanh 2.4.4. Thiết bị phụ trợ Áp dụng các yêu cầu trong B.4, Phụ lục B của QCVN18:2014/BTTTT. 2.4.5. Phân loại thiết bị Tuân theo điều B.5, Phụ lục B của QCVN18:2014/BTTTT. - Nếu thiết bị điện thoại không dây và thiết bị truyền thông và/hoặc thiết bị phụ trợ hoặc kết hợp cả hai được được khai báo sử dụng nguồn một chiều lấy từ phương tiện vận tải/xe cộ thì được xem là thiết bị di động dùng trên phương tiện vận tải/xe cộ. - Nếu thiết bị điện thoại không dây và thiết bị truyền thông và/hoặc thiết bị phụ trợ hoặc kết hợp cả hai được nuôi bằng nguồn điện lưới AC, thì được xem như là thiết bị sử dụng cố định. 2.5. Tiêu chí chất lượng 2.5.1. Yêu cầu chung Nhà sản xuất phải công bố các chức năng cơ bản của thiết bị cần kiểm tra trong và sau các phép thử EMC và phải ghi lại các chức năng này trong bản báo cáo kết quả thử nghiệm. Thiết bị phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng tối thiểu, như quy định trong các điều 2.5.2. điều 2.5.3, điều 2.5.4, điều 2.5.5 và những chức năng bổ sung mà nhà sản xuất công bố. 2.5.2. Tiêu chí chất lượng đối với các hiện tượng liên tục áp dụng cho máy phát (CT) Việc thiết lập kết nối thông tin liên tục tại thời điểm bắt đầu thử nghiệm, duy trì nó trong và sau phép thử và đánh giá mức BER được sử dụng như là tiêu chí chất lượng để khẳng định các chức năng cơ bản của máy thu phát được đánh giá trong và/hoặc sau thử nghiệm. Tuy nhiên, trong trường hợp thiết bị có chứa các mạch thoại tương tự, thì thay vì đánh giá BER ta cần đánh giá mức tín hiệu ra thoại. Trong thời gian thử miễn nhiễm, - Hệ thống thử nghiệm phải điều khiển EUT sao cho nó phát liên tục trên khe thời gian của một kênh xác định, phù hợp với các thủ tục mô tả trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-3; - Hệ thống thử nghiệm phải kiểm chứng được là tỷ lệ lỗi bit (BER) nhỏ hơn hoặc bằng 1 x 10-3; hoặc - Nếu thiết bị có chứa các mạch thoại tương tự, thì mức tín hiệu ra thoại phải nhỏ hơn ít nhất 35 dB so với mức nhiễu ghi được trước khi bắt đầu thử nghiệm. Điều này phải được kiểm tra đánh giá theo thủ tục ghi trong điều 2.4.3.2. Sau khi thử miễn nhiễm, - Hệ thống thử nghiệm phải truyền tin báo “clear test modes”, như mô tả trong tiêu chuẩn ETSI EN 300 175-3. Điều này chứng tỏ rằng sóng mang và đường truyền thông được duy trì trong suốt chuỗi các thử nghiệm và rằng EUT vẫn đang hoạt động; và - EUT hoạt động đúng như dự định và không bị mất các chức năng điều khiển; dữ liệu lưu trữ và kết nối thông tin liên tục được duy trì trong và sau thử nghiệm (xem điều 2.4.3.1). Nếu EUT có khả năng phát, thì các phép thử phải được lặp lại theo phương thức chờ hoạt động (stand by mode), để khẳng định rằng không có hiện tượng phát ngoài ý muốn. 2.5.3. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng đột biến áp dụng cho máy phát (TT) Sau mỗi lần thử phơi nhiễm trong chuỗi các thử nghiệm, EUT phải hoạt động sao cho đối tượng sử dụng không nhận biết được có mất kết nối thông tin liên tục hay không. Sau toàn bộ chuỗi các phép thử nghiệm phơi nhiễm, bao gồm chuỗi các thử phơi nhiễm riêng, EUT phải hoạt động như dự định và không mất các chức năng điều khiển hoặc lưu trữ dữ liệu như nhà sản xuất công bố và đường thông phải được duy trì (xem điều 2.4.3.1). Nếu EUT có thể phát, thì phải thực hiện các phép thử để khẳng định rằng không xẩy ra hiện tượng phát ngoài ý muốn. 2.5.4. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng liên tục áp dụng cho máy thu (CR) Các chức năng cơ bản của thiết bị thu phải được thẩm định trong mỗi lần phơi nhiễm trong chuỗi phép thử. Nếu thiết bị có chứa các mạch thoại tương tự, thì mức tín hiệu ra thoại phải nhỏ hơn ít nhất 35 dB so với mức chuẩn đã ghi nhận trước đó. Điều này được kiểm chứng theo thủ tục ghi trong điều 2.4.3.2. Không cần đánh giá mức BER. Sau phép thử, EUT phải hoạt động như dự định và không bị mất các chức năng điều khiển hoặc lưu trữ dữ liệu và đường truyền vẫn được duy trì. Điều này phải được kiểm chứng bằng cách kiểm tra các chức năng cơ bản. 2.5.5. Tiêu chí chất lượng đối với hiện tượng đột biến áp dụng cho thiết bị máy thu (TR) Sau mỗi lần thử phơi nhiễm, EUT phải hoạt động như dự định và đối tượng sử dụng không nhận biết được có mất kết nối thông tin liên tục hay không. Sau tất cả các phép thử phơi nhiễm, bao gồm toàn bộ các thử phơi nhiễm riêng, EUT phải hoạt động như dự định và không mất các chức năng điều khiển hoặc lưu trữ dữ liệu, như nhà sản xuất công bố và đường thông phải được duy trì. Điều này phải được kiểm chứng bằng cách kiểm tra các chức năng cơ bản. 2.5.6. Tiêu chí chất lượng đối với thiết bị phụ trợ liên quan được kiểm tra độc lập Áp dụng điều C.4, Phụ lục C trong QCVN 18:2014/BTTTT. 3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ Các thiết bị DECT và thiết bị phụ trợ liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại điều 1.1 phải tuân thủ các quy định kỹ thuật trong Quy chuẩn này. 4. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành. 5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 5.1. Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai quản lý các thiết bị vô tuyến phù hợp với quy chuẩn này. 5.2. Trong trường hợp các quy định nêu tại quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. 5.3. Trong quá trình triển khai thực hiện quy chuẩn này, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) để được hướng dẫn, giải quyết./. THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] ETSI EN 301 489-6 V1.4.1 (2015-05) “Electromagnetic compatibility and Radio spectrum Matters (ERM); ElectroMagnetic Compatibility (EMC) standard for radio equipment and services; Part 6: Specific conditions for Digital Enhanced Cordless Telecommunications (DECT) equipment”
{ "issuing_agency": "Bộ Thông tin và Truyền thông", "promulgation_date": "17/10/2017", "sign_number": "26/2017/TT-BTTTT", "signer": "Trương Minh Tuấn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-so-16-2015-TT-BVHTTDL-quan-ly-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-302916.aspx
Thông tư số 16/2015/TT-BVHTTDL quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới nhất
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 16/2015/TT-BVHTTDL Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013; Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 2. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là việc các cơ quan, đơn vị đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng dẫn của Bộ. 2. Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là việc xem xét, lựa chọn các đề xuất ý tưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, giao trực tiếp. 3. Tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là việc xem xét, đánh giá các hồ sơ tham gia đăng ký tuyển chọn để xác định các tổ chức, cá nhân có năng lực và kinh nghiệm phù hợp nhất để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 4. Giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là việc chỉ định tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, điều kiện và chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 5. Thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là việc xem xét, kiểm tra đánh giá nội dung nghiên cứu khoa học phù hợp với kết luận của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp và kinh phí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi quyết định đưa vào thực hiện. Điều 3. Yêu cầu đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước 1. Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ a) Có mục tiêu tạo ra kết quả khoa học và công nghệ phục vụ các định hướng ưu tiên phát triển thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về: phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong một hoặc một số lĩnh vực; phát triển hướng công nghệ ưu tiên; phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực; kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải thể hiện tính mới, tính tiên tiến, có khả năng ứng dụng cao và đáp ứng được các mục tiêu của chương trình; b) Có nội dung bao gồm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau về chuyên môn; c) Thời gian thực hiện không quá 10 năm, tính từ thời điểm phê duyệt, trong đó thời gian thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể phải phù hợp với từng loại nhiệm vụ. 2. Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ a) Đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ: công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể hoặc có khả năng thương mại hóa; có tối thiểu 01 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước; b) Đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: kết quả tạo ra được luận cứ khoa học, giải pháp kịp thời để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật của Nhà nước; có tối thiểu 01 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước; c) Thời gian thực hiện không quá 36 tháng tính từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. 3. Đề án khoa học cấp Bộ a) Xây dựng đề án phải căn cứ vào các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; b) Kết quả nghiên cứu của đề án là những đề xuất hoặc dự thảo cơ chế, chính sách, quy trình, quy phạm, văn bản pháp luật đáp ứng đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn; c) Thời gian thực hiện không quá 24 tháng tính từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. 4. Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ a) Tổ chức chủ trì dự án phải cam kết khả năng huy động nguồn kinh phí tự có hoặc thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; b) Công nghệ hoặc sản phẩm khoa học và công nghệ thử nghiệm là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá, nghiệm thu và kiến nghị triển khai áp dụng hoặc là kết quả khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích; c) Công nghệ hoặc sản phẩm khoa học và công nghệ dự kiến bảo đảm tính ổn định ở quy mô sản xuất nhỏ và có tính khả thi trong ứng dụng hoặc phát triển ở quy mô sản xuất hàng loạt; d) Thời gian thực hiện không quá 36 tháng tính từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. 5. Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ a) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp dự án đầu tư sản xuất sản phẩm ưu tiên, mũi nhọn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; b) Kết quả tạo ra bảo đảm được áp dụng và nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư sản xuất; có ý nghĩa đối với phát triển khoa học và công nghệ của các ngành, lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý; c) Có phương án huy động các nguồn tài chính ngoài ngân sách và được các tổ chức tài chính, tín dụng, quỹ xác nhận tài trợ hoặc bảo đảm; d) Có tiến độ phù hợp với tiến độ dự án đầu tư sản xuất; đ) Thời gian thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. 6. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng cấp Bộ a) Có khả năng tạo ra những hướng nghiên cứu mới hoặc có khả năng tạo sản phẩm mới; b) Thời gian thực hiện không quá 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. 7. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở a) Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động của cơ quan, đơn vị; b) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở khi đề nghị hỗ trợ phải được Hội đồng khoa học của các cơ quan, đơn vị (nếu có) thông qua; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ cấp cơ sở được hỗ trợ kinh phí thực hiện chịu trách nhiệm trong việc đề xuất, phê duyệt, quản lý, đánh giá nghiệm thu; trong quá trình thực hiện tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi được yêu cầu; c) Thời gian thực hiện nhiệm vụ cấp cơ sở được hỗ trợ kinh phí không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. Điều 4. Trình tự thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 2. Xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 3. Tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 4. Thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 5. Phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ để đưa vào thực hiện. 6. Ký hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 7. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 8. Tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 9. Đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 10. Đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin; chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu trong thực tiễn. Điều 5. Quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi là Chương trình) trên cơ sở đề xuất của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ban chủ nhiệm Chương trình có nhiệm vụ tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, quản lý việc thực hiện Chương trình. 2. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban chủ nhiệm Chương trình: a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện các mục tiêu, nội dung, kết quả sản phẩm của Chương trình đã được phê duyệt; b) Hướng dẫn xây dựng, ký duyệt Thuyết minh các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, tổ chức ký hợp đồng thực hiện đề tài, dự án thuộc Chương trình; c) Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của Ban chủ nhiệm Chương trình trong quá trình thực hiện; d) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý các đề tài, dự án thuộc Chương trình theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành; kiến nghị, đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung hàng năm của Chương trình. Chương II ĐỀ XUẤT, XÁC ĐỊNH DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ ĐẶT HÀNG, GIAO TRỰC TIẾP Điều 6. Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ 1. Trình tự thực hiện: a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo, hướng dẫn việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; b) Các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 (PL1-PĐXNV) về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đối với các tổ chức, cá nhân trực thuộc các Tổng cục gửi đề xuất về Văn phòng Tổng cục để tổng hợp thành danh mục gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trường hợp đề xuất từ 02 nhiệm vụ trở lên phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết và khả thi của nhiệm vụ; c) Các tổ chức khoa học và công nghệ, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ không thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 (PL1-PĐXNV) thông qua các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; d) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất; đ) Trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào tuyển chọn đặt hàng, giao trực tiếp. 2. Căn cứ đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ: a) Chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động của các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình do Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; b) Hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; c) Theo đặt hàng, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; d) Các vấn đề cấp thiết tại cơ quan, đơn vị; đ) Khả năng sử dụng sản phẩm nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thực tiễn; e) Các yêu cầu khác có liên quan. 3. Tiêu chí xác định Chương trình, đề tài, dự án: a) Được đề xuất trên cơ sở các căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều này; b) Ý nghĩa khoa học: Có tính mới, sáng tạo về khoa học và công nghệ; c) Ý nghĩa thực tiễn: Trực tiếp hoặc góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về lý luận và thực tiễn; đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình; d) Tính khả thi: Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ hiện có của ngành, của đất nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng và thời gian thực hiện; có khả năng huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thực hiện đề tài; có địa chỉ và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu. 4. Tiêu chí xác định dự án sản xuất thử nghiệm: a) Đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều này. b) Yêu cầu về công nghệ: Thể hiện sự ổn định và tin cậy của công nghệ, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, tính hiệu quả kinh tế; có khả năng thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài; bảo đảm chỉ tiêu về an toàn sức khỏe và môi trường; thể hiện được tính mới, tính tiên tiến so với công nghệ đang có trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có tác động nâng cao trình độ công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm văn hóa, thể thao và du lịch khi được ứng dụng rộng rãi; b) Khả năng về thị trường: Các ngành kinh tế - xã hội thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhu cầu đối với sản phẩm dự án; sản phẩm của dự án có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá cả với sản phẩm cùng loại trên thị trường, thay thế sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài; sản phẩm của dự án có khả năng xuất khẩu; c) Hiệu quả kinh tế - xã hội: Sản phẩm của dự án có tác động tích cực đến sự phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tạo ngành nghề mới, tạo thêm việc làm và thu nhập cho cộng đồng; d) Tính khả thi: Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ của các tổ chức chủ trì dự án và trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, thời gian thực hiện; có khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn khác nhau đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án; có khả năng liên kết với cơ sở sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ khác để thực hiện dự án; có thị trường tiêu thụ sản phẩm (có phương án liên kết tiêu thụ, chuyển giao, hoặc thương mại hóa các sản phẩm của dự án). Điều 7. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ 1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi là Hội đồng). 2. Thành phần Hội đồng: a) Có 07 thành viên gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên; b) Thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học có năng lực và chuyên môn phù hợp với lĩnh vực tư vấn; c) Thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng là 02 cán bộ, công chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 3. Trách nhiệm của Hội đồng: a) Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, xác định danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bao gồm: tên, mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến và phương thức thực hiện (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp); b) Thực hiện các quy định tại các Khoản 5 và Khoản 6 Điều này. 4. Tài liệu họp Hội đồng được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi cho các thành viên Hội đồng ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày họp, bao gồm: a) Phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 (PL1-PĐXNV); b) Công văn đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ; c) Kết quả tra cứu thông tin về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm tra cứu thông tin); d) Bản cam kết của đơn vị ứng dụng kết quả nghiên cứu. 5. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng: a) Theo nguyên tắc dân chủ, các thành viên Hội đồng thảo luận công khai về nhiệm vụ được giao tư vấn đồng thời chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình; b) Phiên họp Hội đồng có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng; c) Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp; trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, Phó Chủ tịch Hội đồng là người chủ trì phiên họp; d) Các thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục 2a (PL2a-TVHĐ) và gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng; đ) Các ý kiến khác nhau của thành viên Hội đồng được thư ký khoa học tổng hợp để Hội đồng thảo luận và biểu quyết thông qua khi có 2/3 thành viên Hội đồng có mặt nhất trí. Thành viên Hội đồng có thể yêu cầu bảo lưu ý kiến trong trường hợp ý kiến đó khác với ý kiến kết luận của Hội đồng. Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình và chịu trách nhiệm tập thể về ý kiến kết luận của Hội đồng; e) Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ được đưa vào danh mục đề xuất đặt hàng, giao trực tiếp phải được 3/4 số thành viên Hội đồng kiến nghị “thực hiện”; g) Đại diện các cơ quan, đơn vị đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thể được mời tham dự phiên họp của Hội đồng; 6. Trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng: a) Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng; b) Chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp; Hội đồng bầu thư ký khoa học; c) Các thành viên Hội đồng thảo luận về từng nhiệm vụ đề xuất theo các tiêu chí quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Thông tư này; d) Các thành viên Hội đồng đánh giá các đề xuất và bỏ Phiếu đánh giá đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục 2b (PL2b-PĐG); đ) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu gồm 03 người là thành viên của Hội đồng, giúp Hội đồng tổng hợp kết quả kiểm phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục 2c (PL2c-BBKP); e) Đối với các nhiệm vụ được đề xuất “thực hiện”, Hội đồng thảo luận cụ thể để thống nhất về tên nhiệm vụ, mục tiêu, sản phẩm dự kiến, phương thức thực hiện (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp); sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; g) Đối với các nhiệm vụ đề nghị “không thực hiện”, Hội đồng thảo luận cụ thể để thống nhất về lý do không thực hiện; h) Kết quả đánh giá, tư vấn xác định nhiệm vụ được ghi vào biên bản họp Hội đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 2d (PL2d-BBHĐ). Điều 8. Phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng, giao trực tiếp 1. Căn cứ kết quả tư vấn của Hội đồng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đặt hàng, giao trực tiếp trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể lấy ý kiến chuyên gia độc lập trước khi quyết định. 2. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng, giao trực tiếp được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm thông báo công khai danh mục này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang tin điện tử http://khcnmt-bvhttdl.vn và gửi cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều 9. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đột xuất do Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao 1. Khi phát sinh nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất do Đảng, Nhà nước hoặc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tham mưu trình Bộ trưởng giao tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm xây dựng hồ sơ thuyết minh khoa học gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thực hiện theo phương thức giao trực tiếp. 2. Trình tự thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đột xuất theo quy định của Thông tư này. Chương III TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Điều 10. Tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có quyền đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc được giao trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trừ trường hợp đang thực hiện một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ khác đã quá hạn 12 tháng mà chưa nghiệm thu. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định. 2. Cá nhân là chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau: Có trình độ đại học trở lên; có chuyên môn hoặc vị trí công tác phù hợp; Có khả năng tổ chức thực hiện và bảo đảm thời gian để chủ trì thực hiện công việc nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch quyết định. 3. Cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây không đủ điều kiện tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: a) Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ vẫn đang làm chủ nhiệm 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; b) Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ được đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt” sẽ không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 02 năm kể từ thời điểm có kết luận của Hội đồng đánh giá nghiệm thu; c) Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ sẽ không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 11. Thông báo và đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ 1. Trước thời điểm tổ chức tuyển chọn ít nhất 30 ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ tuyển chọn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang tin điện tử http://khcnmt-bvhttdl.vn và gửi cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn. Hồ sơ tuyển chọn thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này. 2. Mọi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này có quyền đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 3. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ tham gia tuyển chọn. Trong trường hợp hồ sơ không đúng quy định, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo bằng văn bản cho tổ chức tham gia đăng ký tuyển chọn trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Điều 12. Hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Thành phần hồ sơ: a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ (nếu có); b) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3a (PL3a-ĐƠNĐK); c) Bản cam kết của đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu; d) Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ theo mẫu quy định tại các Phụ lục 3b, 3c và 3d (PL3b-TMNV.ĐTXH; PL3c-TMNV.ĐTCN; PL3d-TMNV.ĐA) phù hợp theo từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đ) Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo phương thức tuyển chọn) theo mẫu quy định tại Phụ lục 3đ (PL3đ-LLTC); e) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các cá nhân đăng ký tham gia nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự theo mẫu quy định tại Phụ lục 3e (PL3e- LLCN). 2. Yêu cầu và số lượng hồ sơ: a) Bộ hồ sơ phải được niêm phong và ghi rõ bên ngoài: tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tên, địa chỉ của tổ chức chủ trì, cá nhân đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, danh sách tài liệu, văn bản có trong hồ sơ; b) Số lượng bộ hồ sơ: 01 bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp) trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14, 07 bản sao và 01 bản điện tử của hồ sơ ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không đặt mật khẩu). 3. Thời hạn nộp và nơi nhận hồ sơ: Hồ sơ phải nộp đúng hạn về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo thông báo tuyển chọn; ngày nhận hồ sơ được tính là ngày ghi của dấu bưu điện (trường hợp gửi qua bưu điện) hoặc dấu đến của Văn thư Bộ (trường hợp gửi trực tiếp). Khi chưa hết thời hạn nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia tuyển chọn có quyền rút hồ sơ, thay hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã gửi đến cơ quan tuyển chọn. Mọi bổ sung và sửa đổi phải nộp trong thời hạn quy định và là bộ phận cấu thành của hồ sơ. Điều 13. Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ 1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi là Hội đồng). 2. Thành phần Hội đồng: a) Có 07 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 ủy viên phản biện và các ủy viên; b) Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu chuyên ngành khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, đại diện cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; c) Thư ký khoa học là ủy viên Hội đồng, do Hội đồng bầu trong phiên họp; d) Hội đồng có thể có 01 ủy viên là người thuộc tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhưng ủy viên này không được làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên phản biện hoặc thư ký khoa học của Hội đồng. Cá nhân đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ không được làm ủy viên Hội đồng; đ) Các chuyên gia, ủy viên phản biện đã tham gia Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ưu tiên mời tham gia Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ tương ứng; e) Thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng là 02 cán bộ, công chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 3. Tài liệu họp Hội đồng được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi cho các thành viên Hội đồng ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày họp, bao gồm: a) Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đưa ra tuyển chọn, giao trực tiếp; b) Phiếu nhận xét hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3g (PL3g-PNX); c) Phiếu đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp theo mẫu quy định tại Phụ lục 3h (PL3h-PĐG). 4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng: a) Theo nguyên tắc dân chủ, các thành viên Hội đồng thảo luận công khai về nhiệm vụ được giao tư vấn, đồng thời chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình; b) Phiên họp Hội đồng có mặt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng; c) Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp; trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, Phó Chủ tịch là người chủ trì phiên họp. Phải có tối thiểu một ủy viên phản biện; ủy viên vắng mặt phải có ý kiến bằng văn bản. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện cơ quan, đơn vị chủ trì nhiệm vụ và các đơn vị liên quan dự phiên họp của Hội đồng; d) Tổ chức, cá nhân trúng tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ là tổ chức, cá nhân có hồ sơ xếp hạng với tổng số điểm trung bình cao nhất của các tiêu chí và phải đạt từ 70/100 điểm trở lên. Trong đó không có tiêu chí nào có quá 1/3 số thành viên Hội đồng có mặt cho 0 điểm. Đối với các hồ sơ có điểm trung bình bằng nhau thì hồ sơ có điểm cao hơn của Chủ tịch Hội đồng được ưu tiên xếp hạng. Trong trường hợp hai hồ sơ của cùng một nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng cho điểm bằng nhau thì Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có văn bản trình xin ý kiến quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 5. Trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng: a) Thư ký hành chính đọc quyết định thành lập Hội đồng; b) Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp; Hội đồng bầu thư ký khoa học; c) Đại diện cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng kết quả nghiên cứu (nếu có) phát biểu ý kiến về sự cần thiết và những yêu cầu về kết quả nghiên cứu; d) Các thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá từng hồ sơ và so sánh các hồ sơ đăng ký tuyển chọn cùng 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đ) Hội đồng thảo luận, phản biện các ý kiến nhận xét giữa các thành viên Hội đồng (nếu có) trước khi cho điểm độc lập vào Phiếu đánh giá theo mẫu quy định tại Phụ lục 3h (PL3h-PĐG) và bỏ phiếu; e) Hội đồng cử Ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên, giúp Hội đồng tổng hợp kết quả theo mẫu quy định tại Phụ lục 3i (PL3i-BBKP); đối với hồ sơ tuyển chọn, kết quả được tổng hợp theo tổng số điểm trung bình từ cao xuống thấp; g) Thư ký khoa học của Hội đồng công bố công khai kết quả chấm điểm và làm việc của Hội đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3k (PL3k-BBHĐ). Kiến nghị danh sách các tổ chức, cá nhân trúng tuyển hoặc giao trực tiếp chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; h) Hội đồng thảo luận thống nhất để kiến nghị kết quả phiên họp với các nội dung cơ bản: - Tên tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm đề nghị trúng tuyển, giao trực tiếp; - Những điểm cần bổ sung, sửa đổi trong thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ của hồ sơ được Hội đồng lựa chọn trúng tuyển hoặc giao trực tiếp. 6. Trong trường hợp các thành viên Hội đồng có ý kiến không thống nhất trong việc xem xét lựa chọn tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét phê duyệt sau khi lấy ý kiến đánh giá của chuyên gia độc lập. Đối với mỗi hồ sơ sẽ lấy ý kiến đánh giá của 01 hoặc 02 chuyên gia tư vấn độc lập. Hồ sơ được ít nhất 01 chuyên gia tư vấn độc lập đề nghị tuyển chọn, giao trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét quyết định. Hồ sơ gửi chuyên gia tư vấn độc lập không được ghi tên của tổ chức, cá nhân đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 7. Kết quả họp Hội đồng được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt và thông báo cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được phê duyệt. Tổ chức, cá nhân được đề nghị trúng tuyển, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả trúng tuyển chọn và gửi hồ sơ về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Điều 14. Thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Tổ thẩm định nội dung nghiên cứu và kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Tổ thẩm định) có 05 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập, bao gồm: a) Tổ trưởng Tổ thẩm định là đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; b) Tổ phó Tổ thẩm định là đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Tài chính; c) Các thành viên khác là chuyên gia của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và đại diện cán bộ, công chức Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; d) Thư ký hành chính giúp việc cho Tổ thẩm định là 02 cán bộ, công chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tùy theo yêu cầu, Tổ trưởng Tổ thẩm định có thể mời thêm đại diện tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm tham dự cuộc họp. 2. Nguyên tắc làm việc của Tổ thẩm định: a) Phải có mặt 4/5 thành viên; b) Tổ trưởng Tổ thẩm định chủ trì phiên họp. 3. Trách nhiệm của Tổ thẩm định: a) Chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thẩm định của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Tổ thẩm định; b) Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các nội dung nghiên cứu phù hợp kết luận của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp và các chế độ, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi tiêu hiện hành của Nhà nước; c) Tổ thẩm định thảo luận chung để kiến nghị tổng mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (bao gồm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác), xác định dự toán khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, dự toán khoán chi từng phần. Xác định phân kỳ kinh phí theo năm ngân sách. Kết quả thẩm định nội dung nghiên cứu và kinh phí được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 (PL4-BBTĐ); d) Kết quả thẩm định được thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngay sau khi kết thúc phiên họp thẩm định. 4. Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết phát sinh trong quá trình thẩm định nội dung nghiên cứu và kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với một trong những trường hợp sau đây: a) Có sự thay đổi lớn về mục tiêu, nội dung của nhiệm vụ khoa học và công nghệ so với quyết định được phê duyệt hoặc kết luận của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp; b) Bất đồng ý kiến giữa Tổ thẩm định và tổ chức chủ trì hoặc cá nhân chủ nhiệm về mục tiêu, nội dung, kinh phí, thời gian và phương thức thực hiện; c) Có thành viên Tổ thẩm định không nhất trí với kết luận chung của Tổ thẩm định và đề nghị bảo lưu ý kiến. Điều 15. Phê duyệt nhiệm vụ và ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ 1. Tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ hoàn thiện hồ sơ theo biên bản thẩm định và gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định. 2. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt: tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, thời gian thực hiện, kinh phí và phương thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ký hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ theo mẫu hợp đồng quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều 16. Kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ 1. Trong quá trình triển khai thực hiện, tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót làm ảnh hưởng đến mục tiêu, nội dung, tiến độ kế hoạch, kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được phê duyệt. 2. Định kỳ vào tháng 3 và tháng 9, các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí theo mẫu quy định tại Phụ lục 5a (PL5a-BCĐK). 3. Hàng năm, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ kiểm tra tiến độ thực hiện, kết quả đạt được, tình hình sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trường hợp kiểm tra đột xuất sẽ thông báo cho tổ chức chủ trì trước 01 ngày làm việc. 4. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả, đề xuất phương án xử lý cần thiết. Kết quả kiểm tra là căn cứ để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét việc đình chỉ hoặc tiếp tục triển khai thực hiện, điều chỉnh, bổ sung và thanh lý hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ. Biên bản kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 5b (PL5b-BBKTĐK), lưu ở Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Chương IV KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ VÀ THANH LÝ HỢP ĐỒNG KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ Điều 17. Điều chỉnh hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ 1. Tổ chức chủ trì được chủ động sử dụng, quyết định điều chỉnh dự toán kinh phí (nếu có) đối với kinh phí được giao khoán theo quy định. 2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định điều chỉnh về: tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, thời gian thực hiện, kinh phí và phương thức khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trên cơ sở văn bản đề xuất của tổ chức chủ trì nhiệm vụ cấp Bộ và ý kiến của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. a) Tại thời điểm trước khi kết thúc thời hạn ghi trong hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm chưa hoàn thành được nội dung khoa học và công nghệ cấp Bộ so với hợp đồng đã ký thì phải báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, bao gồm các văn bản sau: - Văn bản xin gia hạn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ, trong đó cần nêu cụ thể lý do dẫn tới việc chậm tiến độ thực hiện; báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ tại thời điểm xin gia hạn (hai văn bản trên phải có xác nhận của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ); - Công văn đề nghị gia hạn thực hiện của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; b) Việc điều chỉnh thời gian thực hiện nhiệm vụ phải trước thời hạn kết thúc Hợp đồng, chỉ được thực hiện 01 lần và không quá 12 tháng đối với nhiệm vụ có thời gian thực hiện từ 24 tháng trở lên, không quá 06 tháng đối với nhiệm vụ có thời gian thực hiện dưới 24 tháng. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định; c) Quyết định điều chỉnh và các văn bản liên quan đến việc điều chỉnh là bộ phận cấu thành của hợp đồng. 3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt chủ trương và giao cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ký văn bản về việc điều chỉnh các nội dung khác thuộc phạm vi hợp đồng đã ký trên cơ sở văn bản đề xuất của tổ chức chủ trì, trừ các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này. 4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến của chuyên gia độc lập trước khi quyết định điều chỉnh. Điều 18. Tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (nghiệm thu cấp cơ sở) 1. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trước khi nộp hồ sơ đề nghị đánh giá, nghiệm thu cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hội đồng tự đánh giá có 07 thành viên, Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, các thành viên khác là nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, uy tín, am hiểu lĩnh vực chuyên môn và không có tên trong danh sách tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, trong đó có ít nhất 1/2 số thành viên không thuộc tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ. Nội dung tự đánh giá gồm: a) Đánh giá về báo cáo tổng hợp: tính đầy đủ, rõ ràng, xác thực và lôgíc của báo cáo tổng hợp (phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng v.v.) và tài liệu cần thiết kèm theo (các tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ, sản phẩm trung gian, tài liệu được trích dẫn); b) Đánh giá về sản phẩm của nhiệm vụ so với đặt hàng, bao gồm: Số lượng, khối lượng sản phẩm; chất lượng sản phẩm; chủng loại sản phẩm; tính năng, thông số kỹ thuật của sản phẩm. 2. Yêu cầu cần đạt đối với báo cáo tổng hợp: a) Tổng quan được các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nhiệm vụ; b) Số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật; c) Nội dung báo cáo là toàn bộ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ được trình bày theo kết cấu hệ thống, lôgíc, khoa học, với các luận cứ khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể, giải đáp những vấn đề nghiên cứu đặt ra, phản ánh trung thực kết quả nhiệm vụ phù hợp với thông lệ chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học; d) Kết cấu nội dung, văn phong khoa học phù hợp. 3. Yêu cầu đối với sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ: Ngoài các yêu cầu ghi trong hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ, thuyết minh nhiệm vụ, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau: a) Những sản phẩm có thể đo kiểm cần được kiểm định/khảo nghiệm/kiểm nghiệm tại cơ quan chuyên môn có chức năng phù hợp, độc lập với tổ chức chủ trì; b) Sản phẩm là nguyên lý ứng dụng; phương pháp; tiêu chuẩn; quy phạm; phần mềm máy tính; bản vẽ thiết kế; quy trình công nghệ; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu; báo cáo phân tích; tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...); đề án, quy hoạch; luận chứng kinh tế - kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm khác cần được thẩm định bởi Hội đồng khoa học chuyên ngành hoặc tổ chuyên gia do tổ chức chủ trì nhiệm vụ thành lập; c) Có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng đối với các sản phẩm tham gia đào tạo; d) Có văn bản nhận xét của cơ quan liên quan ứng dụng kết quả nghiên cứu đã được nêu trong thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 4. Tự đánh giá bằng hình thức phiếu đánh giá xếp loại “Đạt” và “Không đạt” đối với từng nội dung đánh giá và tổng thể nhiệm vụ nghiên cứu. Kết quả tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của đơn vị chủ trì được lập thành biên bản có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 6a (PL6a-TĐG). Điều 19. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ bao gồm: 1. Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của tổ chức chủ trì theo mẫu quy định tại Phụ lục 6b (PL6b- CVĐNNT). 2. Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ. 3. Các sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ theo hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ đã ký. 4. Các văn bản xác nhận và tài liệu liên quan đến việc công bố, xuất bản, tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu (nếu có). 5. Báo cáo điều tra (điều tra xã hội học, khảo sát, phân tích…). 6. Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của nhiệm vụ. 7. Báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục 6a (PL6a-TĐG). 8. Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ theo kết luận của Hội đồng tự đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ. 9. Các tài liệu khác (nếu có). Điều 20. Nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Việc nộp hồ sơ đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện trong thời hạn 30 ngày trước khi kết thúc Hợp đồng hoặc thời điểm được gia hạn Hợp đồng (nếu có). 2. Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gồm: 01 bộ hồ sơ gốc (có dấu và chữ ký trực tiếp) theo quy định tại Điều 19 Thông tư này, trình bày và in trên khổ giấy A4, sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử lưu trữ đầy đủ sản phẩm và các báo cáo chuyên đề của hồ sơ ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không đặt mật khẩu). 3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải thông báo cho tổ chức chủ trì về tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ theo quy định thì tổ chức chủ trì phải bổ sung trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Điều 21. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ 1. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (sau đây gọi là Hội đồng). 2. Nội dung đánh giá của Hội đồng theo quy định tại Điều 18 Thông tư này. 3. Thành phần Hội đồng: a) Hội đồng có từ 07 hoặc 09 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 ủy viên phản biện và các ủy viên; trong đó có từ 05 hoặc 07 ủy viên là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp, am hiểu sâu chuyên ngành khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ; b) Thư ký khoa học do Hội đồng bầu trong số các ủy viên Hội đồng; c) Hội đồng có thể có 01 ủy viên là người thuộc tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhưng thành viên này không được làm chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên phản biện hoặc thư ký khoa học của Hội đồng. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không được làm thành viên Hội đồng. 4. Thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng là 02 cán bộ, công chức của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. 5. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức để Hội đồng hoặc một số thành viên Hội đồng đi kiểm tra, đánh giá kết quả thực tế. Trên cơ sở hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng quyết định tiến hành phiên họp; thời gian hoàn thành nghiệm thu không quá 15 ngày sau khi có Quyết định thành lập Hội đồng. 6. Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm gửi đến các thành viên Hội đồng hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Mỗi thành viên viết Phiếu nhận xét kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục 6c và 6d (PL6d-PNXKQ.ĐTCN, PL6c-PNXKQ.ĐTXH) gửi về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày họp Hội đồng. 7. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp; trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, Phó Chủ tịch Hội đồng là người chủ trì phiên họp; Hội đồng chỉ họp khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng) và 02 ủy viên phản biện. Ủy viên phản biện vắng mặt phải có văn bản đồng ý thông qua kết quả nhiệm vụ nghiên cứu. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức ứng dụng kết quả của nhiệm vụ, cơ quan quản lý tham dự phiên họp của Hội đồng. 8. Trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng: a) Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần và đại biểu tham dự; b) Chủ tịch Hội đồng điều hành phiên họp; thống nhất và thông qua nội dung làm việc của Hội đồng; c) Hội đồng bầu một ủy viên làm thư ký khoa học để ghi chép các ý kiến thảo luận tại các phiên họp, xây dựng và hoàn thiện biên bản đánh giá, nghiệm thu theo ý kiến kết luận tại phiên họp của Hội đồng; d) Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt quá trình tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; báo cáo các sản phẩm khoa học và tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; đ) Các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ về kết quả và các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ. Chủ nhiệm nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của Hội đồng (nếu có); đại diện các cơ quan phát biểu ý kiến và không tiếp tục tham dự phiên họp của Hội đồng; e) Các ủy viên phản biện đọc nhận xét và kết quả đánh giá, các thành viên Hội đồng nhận xét, đánh giá trao đổi, thảo luận; g) Thành viên Hội đồng đánh giá kết quả theo hình thức bỏ phiếu, phiếu theo mẫu quy định tại Phụ lục 6đ (PL6đ- PĐGKQ); Căn cứ vào điểm đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, Hội đồng tiến hành việc xếp loại theo ba mức: Xuất sắc, Đạt và Không đạt. - Xếp loại "Xuất sắc" nếu đạt điểm trung bình từ 85/100 điểm trở lên, trong đó, phần giá trị khoa học đạt từ 55/100 điểm trở lên và phần giá trị ứng dụng, giá trị thực tiễn kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đạt từ 20/100 điểm trở lên; - Xếp loại "Đạt" trong các trường hợp: Đạt điểm trung bình từ 50/100 đến dưới 85/100; - Mức "Không đạt" khi kết quả đánh giá mức điểm trung bình dưới 50/100 điểm. h) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu gồm 03 thành viên Hội đồng, giúp Hội đồng tổng hợp kết quả theo mẫu quy định tại Phụ lục 6e (PL6e-BBHĐ.KP); i) Kết quả đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ghi vào biên bản họp Hội đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 6g (PL6g- BBHĐ.KQĐG); Trường hợp Hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt”, Hội đồng có trách nhiệm xem xét, xác định những công việc đã thực hiện theo thuyết minh nhiệm vụ được phê duyệt và các hợp đồng thực hiện công việc có liên quan, làm rõ nguyên nhân “Không đạt” (chủ quan, khách quan). Hội đồng thảo luận để thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản. 9. Ý kiến kết luận của Hội đồng được Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gửi cho tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi kết thúc phiên họp để làm căn cứ cho việc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Điều 22. Xử lý đối với đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ quá hạn và nghiệm thu xếp loại “Không đạt” 1. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký kết mà không có văn bản đồng ý gia hạn thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ được đánh giá xếp loại ở mức “Đạt” hoặc “Không đạt”. 2. Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đánh giá “Đạt” với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày họp Hội đồng, chủ nhiệm và tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo kết luận của Hội đồng. 3. Tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo hộ kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành. 4. Đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ bị đánh giá loại "Không đạt", Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường căn cứ vào ý kiến tư vấn của Hội đồng về các lý do chủ quan, khách quan, phối hợp với các đơn vị có liên quan gia hạn để sửa chữa, hoàn thiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và làm lại thủ tục đánh giá nghiệm thu cấp Bộ. Thời gian gia hạn để sửa chữa, hoàn thiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không quá 90 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng. Trong trường hợp tổ chức và cá nhân không đủ năng lực chuyên môn để chỉnh sửa hoàn thiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường căn cứ vào ý kiến tư vấn của Hội đồng về các lý do chủ quan, khách quan, phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định số kinh phí phải hoàn trả ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, trình Bộ trưởng quyết định xử lý đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ không hoàn thành. 5. Công nhận kết quả và thanh lý hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ a) Công nhận kết quả: Hồ sơ công nhận kết quả bao gồm: Biên bản nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; Bản sao giấy chứng nhận đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ; Báo cáo về việc hoàn thiện Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu; Báo cáo quyết toán tài chính và công văn đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; b) Thanh lý hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thanh lý sau khi có văn bản công nhận kết quả của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ; giấy chứng nhận đăng ký và lưu giữ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Mẫu thanh lý hợp đồng khoa học và phát triển công nghệ theo mẫu quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHCN ngày 10 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Điều 23. Đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin 1. Trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì và các nhân chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ có trách nhiệm nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, gồm: báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo tóm tắt (sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001, cỡ chữ 14) và 01 bản điện tử lưu trữ đầy đủ sản phẩm và các báo cáo chuyên đề ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không đặt mật khẩu). 2. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ và báo cáo kết thúc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ không đúng quy định. 3. Tổ chức chủ trì thực hiện việc đăng ký và lưu giữ kết quả nhiệm vụ tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia theo quy định tại Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 24. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2016. 2. Thông tư số 03/2012/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Điều 25. Ban hành 25 Phụ lục kèm theo Thông tư này 1. Phụ lục 1 (PL1-PĐXNV) Phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 2. Phụ lục 2a (PL2a-TVHĐ) Ý kiến nhận xét, đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề xuất; 3. Phụ lục 2b (PL2b-PĐG) Phiếu đánh giá đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 4. Phụ lục 2c (PL2c-BBKP) Biên bản kiểm phiếu đánh giá đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 5. Phụ lục 2d (PL2d-BBHĐ) Biên bản họp của Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 6. Phụ lục 3a (PL3a-ĐƠN ĐK) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 7. Phụ lục 3b (PL3b-TMNV.ĐTXH) Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (áp dụng đối với đề tài khoa học xã hội và nhân văn); 8. Phụ lục 3c (PL3c-TMNV.ĐTCN) Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (áp dụng đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ); 9. Phụ lục 3d (PL3d-TMNV-ĐA) Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (áp dụng đối với đề án khoa học); 10. Phụ lục 3đ (PL3đ-LLTC) Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 11. Phụ lục 3e (PL3e-LLCN) Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 12. Phụ lục 3g (PL3g-PNX) Phiếu nhận xét hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 13. Phụ lục 3h (PL3h-PĐG) Phiếu đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp; 14. Phụ lục 3i (PL3i-BBKP) Biên bản kiểm phiếu đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp; 15. Phụ lục 3k (PL3k-BBHĐ) Biên bản họp Hội đồng đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp; 16. Phụ lục 4 (PL4-BBTĐ) Biên bản họp thẩm định nội dung nghiên cứu và kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 17. Phụ lục 5a (PL5a-BCĐK) Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 18. Phụ lục 5b (PL5b-BBKTĐK) Biên bản kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 19. Phụ lục 6a (PL6a-TĐG) Báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 20. Phụ lục 6b (PL6b-CVĐNNT) Công văn đề nghị đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 21. Phụ lục 6c (PL6c-PNXKQ.ĐTXH) Phiếu nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ áp dụng đối với đề tài khoa học xã hội và nhân văn; 22. Phụ lục 6d (PL6d- PNXKQ.ĐTCN) Phiếu nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ áp dụng đối với lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ; Dự án sản xuất thử nghiệm, Đề án khoa học; 23. Phụ lục 6đ (PL6đ-PĐGKQ) Phiếu đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ; 24. Phụ lục 6e (PL6e-BBHĐ.KP) Biên bản kiểm phiếu; 25. Phụ lục 6g (PL6g-BBHĐ.KQĐG) Biên bản Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ. Điều 26. Tổ chức thực hiện 1. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là đơn vị quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. 2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận dụng Thông tư này để quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh bằng văn bản về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ; - Các Phó Thủ tướng Chính phủ; - VPTW Đảng, VPCTN, VPQH; - Văn phòng Chính phủ; - Toà án Nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND,UBND Tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cơ quan TW của các Đoàn thể; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; - Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Lưu: VT, Vụ KH,CN&MT, PL .180. BỘ TRƯỞNG Hoàng Tuấn Anh Phụ lục 1 PL1-PĐXNV 16/2015/TT-BVHTTDL PHIẾU ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Năm 20... 1. Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ: 2. Hình thức thực hiện (đề tài, đề án, dự án, dự án sản xuất thử nghiệm, nhiệm vụ KH&CN tiềm năng): 3. Mục tiêu của nhiệm vụ: 4. Tính cấp thiết và tính mới của nhiệm vụ (về mặt khoa học và về mặt thực tiễn): 5. Các nội dung chính và kết quả dự kiến: 6. Khả năng và địa chỉ ứng dụng: 7. Dự kiến hiệu quả mang lại: 8. Dự kiến thời gian thực hiện (thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc) 9. Thông tin khác (áp dụng đối với dự án SXTN hoặc dự án KHCN): a) Xuất xứ hình thành dự án b) Khả năng huy động nguồn vốn ngoài NSNN. ..., ngày ... tháng... năm 20… TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ XUẤT (Họ, tên và chữ ký - đóng dấu đối với tổ chức) Phụ lục 2a PL2a-TVHĐ 16/2015/TT-BVHTTDL Ý KIẾN NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỀ XUẤT Chuyên gia/Ủy viên phản biện Ủy viên hội đồng Họ và tên thành viên hội đồng/chuyên gia: Tên nhiệm vụ KH&CN đề xuất: I. Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ 1. Tính cấp thiết, tính mới của nhiệm vụ KH&CN Nhận xét: Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 2. Khả năng không trùng lặp của nhiệm vụ đề xuất với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện Nhận xét: Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 3. Tính hợp lý của dự kiến nội dung chính và các kết quả của nhiệm vụ KH&CN đề xuất Nhận xét: Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 4. Tính khả thi và địa chỉ ứng dụng Nhận xét: Đánh giá: Đạt yêu cầu □; không đạt yêu cầu □ 5.Khả năng huy động nguồn lực (áp dụng đối với dự án SXTN, dự án KHCN) Nhận xét: Đánh giá: Đạt yêu cầu □; không đạt yêu cầu □ Kiến nghị của thành viên hội đồng/chuyên gia: (đánh dấu X vào 1 trong 3 ô dưới đây) □ Đề nghị không thực hiện □ Đề nghị thực hiện □ Đề nghị thực hiện với các điều chỉnh nêu dưới đây: II. CÁC KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH Tên nhiệm vụ KH&CN: Định hướng mục tiêu: Yêu cầu đối với kết quả: (Lưu ý: Đối với đề tài ứng dụng và phát triển công nghệ cần nêu rõ 2 yêu cầu: - Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đối với công nghệ hoặc sản phẩm khoa học và công nghệ và - Yêu cầu đối với phương án phát triển công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm Đối với Dự án SXTN: các yêu cầu đối với chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cần đạt của các sản phẩm và quy mô sản xuất thử nghiệm) ……, ngày ... tháng ... năm 20... (Chuyên gia đánh giá ký, ghi rõ họ tên) Phụ lục 2b PL2b-PĐG 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ..., ngày… tháng … năm 20.. PHIẾU ĐÁNH GIÁ ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Tên nhiệm vụ KH&CN đề xuất: Họ và tên thành viên hội đồng/chuyên gia: Đánh giá của thành viên hội đồng/chuyên gia: (đánh dấu X vào 1 trong 2 ô) 1. Tính cấp thiết, tính mới của việc thực hiện nhiệm vụ Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 2. Khả năng không trùng lắp của nhiệm vụ đề xuất với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã và đang thực hiện Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 3. Tính hợp lý của dự kiến nội dung chính và các kết quả của nhiệm vụ KH&CN đề xuất Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 4. Tính khả thi và địa chỉ ứng dụng Đánh giá: Đạt yêu cầu □; Không đạt yêu cầu □ 5. Khả năng huy động được nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thực hiện (chỉ áp dụng đối với dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KHCN) Đánh giá: Đạt yêu cầu □ Hoặc không đạt yêu cầu □ Kết luận chung: □ Đề nghị thực hiện □ Đề nghị không thực hiện Ngày tháng năm 20.. (Chuyên gia ký, ghi rõ họ tên) Phụ lục 2c PL2c-BBKP 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………, ngày… tháng… năm 20… BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU ĐÁNH GIÁ ĐỀ XUẤT NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Loại hình nhiệm vụ KH&CN: ………………………………………………………………………….. Số thành viên hội đồng tham gia bỏ phiếu: …………………………..……………………………….. Số TT Tên nhiệm vụ đề xuất Tổng hợp đánh giá theo các nội dung của các thành viên Hội đồng Nội dung 1 Nội dung 2 Nội dung 3 Nội dung 4HĐ Nội dung 5 Kết luận chung Đạt Không đạt Đạt Không đạt Đạt Không đạt Đạt Không đạt Đạt Không đạt Thực hiện Không thực hiện 1 2 3 … …… Các thành viên Ban kiểm phiếu (Gồm thư ký khoa học, thư ký hành chính; Họ, tên và chữ ký của từng thành viên) Trưởng Ban kiểm phiếu (Thư ký khoa học) (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 2d PL2d-BBHĐ 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …, ngày … tháng … năm 20… BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Loại nhiệm vụ KH&CN: (Đề tài, dự án, đề án, dự án KH&CN hoặc chương trình KH&CN): …………………………………………………………… A. Những thông tin chung 1. Quyết định thành lập Hội đồng chuyên ngành… ..../QĐ-BVHTTDL ngày .../ .../20... của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2. Số lượng các nhiệm vụ đề xuất: ………… 3. Địa điểm và thời gian họp Hội đồng: ..., ngày... / .../20... - Số thành viên Hội đồng có mặt trên tổng số thành viên: .../... - Vắng mặt: ... người, gồm các thành viên: - Khách mời tham dự họp Hội đồng TT Họ và tên Đơn vị công tác 1. 2. 3. .... ..... ....... B. Nội dung làm việc của Hội đồng (*) Hội đồng đã tiến hành họp theo quy định tại Thông tư số 16/2015/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các ý kiến của thành viên Hội đồng đã nêu cụ thể tại PL2a-TVHĐ và PL2b-PĐG, ngoài ra các ý kiến cụ thể tại cuộc họp được ghi trong văn bản đính kèm. Căn cứ vào kết quả kiểm phiếu của hội đồng và thảo luận việc chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện tên gọi và các mục của nhiệm vụ, phương thức thực hiện (tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ), thảo luận thứ tự ưu tiên trong danh mục, Hội đồng thông qua biên bản làm việc với kết quả theo văn bản đính kèm. Thư ký khoa học (Họ, tên và chữ ký) Chủ tịch Hội đồng (Họ, tên và chữ ký) KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KH&CN Loại nhiệm vụ KH&CN: (Đề tài, dự án, đề án, dự án KH&CN hoặc Chương trình KH&CN) I. Đề xuất “đề nghị thực hiện”* TT Tên đề xuất đặt hàng Kết quả đánh giá của hội đồng Ghi chú 1 2 3 4 1 2 3 … …….. *) Đề xuất đặt hàng “đề nghị thực hiện” khi có trên ¾ tổng số phiếu đánh giá “Đạt yêu cầu” II. Đề xuất đề nghị “không thực hiện” TT Tên đề xuất Tóm tắt lý do đề nghị “không thực hiện” Ghi chú 1 2 3 4 1 2 3 … …….. Thư ký khoa học (Họ, tên và chữ ký) Chủ tịch Hội đồng (Họ, tên và chữ ký) TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ KH&CN ĐỐI VỚI NHIỆM VỤ ĐỀ XUẤT THỰC HIỆN (xếp theo thứ tự ưu tiên) TT Tên nhiệm vụ đề xuất đặt hàng Định hướng mục tiêu Yêu cầu đối với kết quả* Phương thức tổ chức thực hiện (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp) Ghi chú 1 2 3 4 5 6 1 2 3 4 5 6 7 … …….. Thư ký khoa học (Họ, tên và chữ ký) Chủ tịch Hội đồng (Họ, tên và chữ ký) *) Ghi chú: Đối với đề tài ứng dụng và phát triển công nghệ cần thể hiện rõ các yêu cầu về: - Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đối với công nghệ hoặc sản phẩm khoa học và công nghệ và - Yêu cầu đối với phương án phát triển công nghệ hoặc sản phẩm khoa học công nghệ trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm Đối với Dự án SXTN: Các yêu cầu đối với chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cần đạt của các sản phẩm và quy mô Sản xuất thử nghiệm. Phụ lục 3a PL3a-ĐƠN ĐK 16/2015/TT-BVHTTDL CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ĐƠN ĐĂNG KÝ1 CHỦ TRÌ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Kính gửi: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Căn cứ thông báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tuyển chọn/giao trực tiếp tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm ………, chúng tôi: a) ………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………. ………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………. (Tên, địa chỉ của tổ chức đăng ký tuyển chọn/giao trực tiếp làm cơ quan chủ trì nhiệm vụ) b) ………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………. (Họ và tên, học vị, chức vụ địa chỉ cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm) đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ: ………………………………………………………………………………….. ………………………………………………………………………………….. ………………………………………………………………………………….. Thuộc lĩnh vực KH&CN: ………………………………………………………… ………………………………………………………………………………. Hồ sơ đăng ký tuyển chọn/giao trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ gồm: 1. Thuyết minh nhiệm vụ (phụ lục..........); 2. Tóm tắt hoạt động khoa học của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ (phụ lục...); 3. Lý lịch khoa học của cá nhân chủ nhiệm (phụ lục...); 4. Văn bản xác nhận về sự đồng ý tham gia của các tổ chức phối hợp nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ theo danh sách kê khai tại Thuyết minh nhiệm vụ 5. Các văn bản có giá trị pháp lý chứng minh khả năng huy động vốn từ nguồn khác (trong trường hợp tổ chức và cá nhân có kê khai huy động được kinh phí từ nguồn vốn khác); 6. .....(Liệt kê các thành phần có trong hồ sơ) Chúng tôi xin cam đoan những nội dung và thông tin kê khai trong Hồ sơ này là đúng sự thật. ......................., ngày tháng năm2 12 CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM (đăng ký chủ nhiệm nhiệm vụ) (Họ, tên và chữ ký) TỔ CHỨC (đăng ký chủ trì nhiệm vụ) (Họ tên và chữ ký của thủ trưởng tổ chức, đóng dấu) Phụ lục 3b PL3b-TMNV.ĐTXH 16/2015/TT-BVHTTDL THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ (Áp dụng đối với đề tài khoa học xã hội và nhân văn) I. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI 1 Tên đề tài: 1a. Mã số của đề tài: (được cấp khi hồ sơ trúng tuyển) 2 Loại đề tài: - □ Thuộc Chương trình (Ghi rõ tên chương trình), Mã số: - □ Độc lập - □ Khác 3 Thời gian thực hiện: …….tháng (từ tháng /năm 20… đến tháng /năm 20…) 4 Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí: ………… (triệu đồng), trong đó: - Từ ngân sách sự nghiệp khoa học: … - Từ nguồn tự có của tổ chức - Từ nguồn khác: … 5 Phương thức khoán chi: □ Khoán đến sản phẩm cuối cùng □ Khoán từng phần, trong đó: - Kinh phí khoán: …………….. triệu đồng - Kinh phí không khoán: ……….triệu đồng 6 Cá nhân chủ nhiệm đề tài: Họ và tên:.................................................................................................................................. Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................ Nam/ Nữ: .................................... Học hàm, học vị:........................................................................................................................ Chức danh khoa học: ...........................................................Chức vụ:....................................... Điện thoại của tổ chức: ............................ Nhà riêng: ......................Mobile:............................ Fax: ........................................................... E-mail: ................................................................. Tên tổ chức đang công tác:......................................................................................................... Địa chỉ tổ chức:.......................................................................................................................... Địa chỉ nhà riêng: ...................................................................................................................... 7 Thư ký đề tài: Họ và tên:.................................................................................................................................... Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................ Nam/ Nữ: ..................................... Học hàm, học vị: ........................................................................................................................ Chức danh khoa học: .................................................... Chức vụ: ...................................... Điện thoại của tổ chức: ...............................Nhà riêng: ...................Mobile: ............................ Fax: ........................................................... E-mail: .................................................................. Tên tổ chức đang công tác: ....................................................................................................... Địa chỉ tổ chức: .......................................................................................................................... Địa chỉ nhà riêng: ...................................................................................................................... 8 Tổ chức chủ trì đề tài: Tên tổ chức chủ trì đề tài: ........................................................................................................... Điện thoại: ...................................... Fax: ................................................................................. E-mail: ................................................................................................................... .................. Website: ............................................................................................................................ ..... Địa chỉ: ................................................................................................................................ .... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: .............................................................................................. ..... Số tài khoản: ...................................................................................................................... ..... Ngân hàng: ......................................................................................................................... ..... Cơ quan chủ quản đề tài: .................................................................................................. ....... 9 Các tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài: (nếu có) 1. Tổ chức 1 : ................................................................................................... ...................... Cơ quan chủ quản ......................................................................................................... ........... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. .... Địa chỉ: .................................................................................................................................. ... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ................................................................................................ ... Số tài khoản: .......................................................................................................................... ... Ngân hàng: ................................................................................................................. ............. 2. Tổ chức 2 : ..................................................................................................................... .... Cơ quan chủ quản .............................................................................................................. ..... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. ... Địa chỉ: ................................................................................................................................ ..... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ............................................................................................. ....... Số tài khoản: ....................................................................................................................... ...... Ngân hàng: ............................................................................................................................ . 3. Tổ chức ....... 10 Các cán bộ thực hiện đề tài: (Ghi những người có đóng góp khoa học và chủ trì thực hiện những nội dung chính thuộc tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp tham gia thực hiện đề tài, không quá 10 người kể cả chủ nhiệm đề tài. Những thành viên tham gia khác lập danh sách theo mẫu này và gửi kèm theo hồ sơ khi đăng ký) Họ và tên, học hàm học vị Tổ chức công tác Nội dung công việc tham gia Thời gian làm việc cho đề tài (Số tháng quy đổi2) 1 2 3 4 5 6 7 8 9 II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 11 Mục tiêu của đề tài: (phát triển và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đặt hàng) ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... 12 Tình trạng đề tài: □ Mới □ Kế tiếp hướng nghiên cứu của chính nhóm tác giả □ Kế tiếp nghiên cứu của người khác 13 Tổng quan tình hình nghiên cứu, luận giải về mục tiêu và những nội dung nghiên cứu của đề tài: 13.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài (Mô tả, phân tích, đánh giá đầy đủ, rõ ràng mức độ thành công, hạn chế của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài) 13.2 Luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài (Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu, luận giải sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài, nêu rõ cơ sở cho việc cụ thể hóa mục tiêu và những định hướng nội dung chính cần thực hiện trong đề tài) 14 Liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề tài đã trích dẫn khi đánh giá tổng quan: (tên công trình, tác giả, nơi và năm công bố, chỉ nêu những danh mục đã được trích dẫn) 15 Nội dung nghiên cứu của đề tài: (xác định các nội dung nghiên cứu rõ ràng, có tính hệ thống, logíc, phù hợp cần thực hiện để đạt mục tiêu đề ra; ghi rõ các chuyên đề nghiên cứu cần thực hiện trong từng nội dung) Nội dung 1:................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... Nội dung 2:..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... Nội dung 3:..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... 16 Các hoạt động phục vụ nội dung nghiên cứu của đề tài: (giải trình các hoạt động cần thiết dưới đây phục vụ cho nội dung nghiên cứu của đề tài) - Sưu tầm/dịch tài liệu phục vụ nghiên cứu (các tài liệu chính) - Hội thảo/toạ đàm khoa học (số lượng, chủ đề, mục đích, yêu cầu) - Khảo sát/điều tra thực tế trong nước (quy mô, địa bàn, mục đích/yêu cầu, nội dung, phương pháp) - Khảo sát nước ngoài (quy mô, mục đích/yêu cầu, đối tác, nội dung) - ........ 17 Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: (Luận cứ rõ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật dự kiến sử dụng gắn với từng nội dung chính của đề tài; so sánh với các phương pháp giải quyết tương tự khác và phân tích để làm rõ được tính ưu việt của phương pháp sử dụng) Cách tiếp cận: .................................................................................................................................................. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... Tính mới, tính độc đáo, sáng tạo: .................................................................................................................................................. 18 Phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu trong nước: [Trình bày rõ phương án phối hợp: tên các tổ chức phối hợp chính tham gia thực hiện đề tài (kể cả tổ chức sử dụng kết quả nghiên cứu) và nội dung công việc tham gia trong đề tài; khả năng đóng góp về nhân lực, tài chính - nếu có] 19 Phương án hợp tác quốc tế: (nếu có) (Trình bày rõ phương án phối hợp: tên đối tác nước ngoài; nội dung đã hợp tác- đối với đối tác đã có hợp tác từ trước; nội dung cần hợp tác trong khuôn khổ đề tài; hình thức thực hiện. Phân tích rõ lý do cần hợp tác và dự kiến kết quả hợp tác, tác động của hợp tác đối với kết quả của đề tài) 20 Kế hoạch thực hiện: Các nội dung, công việc chủ yếu cần được thực hiện; các mốc đánh giá chủ yếu Kết quả phải đạt Thời gian (bắt đầu, kết thúc) Cá nhân, tổ chức thực hiện Dự kiến kinh phí 1 Nội dung 1 - Công việc 1 - Công việc 2 .......... 2 Nội dung 2 - Công việc 1 - Công việc 2 ...... III. SẢN PHẨM CỦA ĐỀ TÀI 21 Sản phẩm chính của Đề tài và yêu cầu chất lượng cần đạt: (liệt kê theo dạng sản phẩm) 21.1. Dạng I: Báo cáo khoa học (báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo kiến nghị); kết quả dự báo; mô hình; quy trình; phương pháp nghiên cứu mới; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu và các sản phẩm khác. TT Tên sản phẩm (ghi rõ tên từng sản phẩm ) Yêu cầu khoa học cần đạt Ghi chú 21.2. Dạng II: Bài báo; Sách chuyên khảo; tài liệu phục vụ giảng dạy và các sản phẩm khác TT Tên sản phẩm (ghi rõ tên từng sản phẩm ) Yêu cầu khoa học cần đạt Dự kiến nơi công bố (Tạp chí, Nhà xuất bản) Ghi chú 22 Lợi ích của đề tài và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu: 22.1. Lợi ích của đề tài: a) Tác động đến xã hội (đóng góp cho việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật hoặc có tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội) và tác động đối với ngành, lĩnh vực khoa học (đóng góp mới, mở ra hướng nghiên cứu mới thông qua các công trình công bố ở trong và ngoài nước) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... b) Nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân thông qua tham gia thực hiện đề tài, đào tạo trên đại học (số người được đào tạo thạc sỹ - tiến sỹ, chuyên ngành đào tạo) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 22.2. Phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu: (Nêu rõ tên kết quả nghiên cứu; cơ quan/tổ chức ứng dụng; luận giải nhu cầu của cơ quan/ tổ chức ứng dụng; tính khả thi của phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 22.3. Phạm vi và địa chỉ (dự kiến) ứng dụng kết quả nghiên cứu: ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... IV. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI VÀ NGUỒN KINH PHÍ (Giải trình chi tiết trong phụ lục kèm theo) Đơn vị tính: triệu đồng 23 Kinh phí thực hiện đề tài phân theo các khoản chi: Nguồn kinh phí Tổng số Trong đó Trả công lao động khoa học, phổ thông Nguyên, vật liệu, năng lượng Thiết bị, máy móc Xây dựng, sửa chữa nhỏ Chi khác Tổng kinh phí Trong đó: 1 Ngân sách SNKH: - Năm thứ nhất: - Năm thứ hai: ......... 2 Nguồn khác (vốn huy động, ...) Ngày……tháng …… năm 20… Ngày……tháng …… năm 20… CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI (Họ tên và chữ ký) TỔ CHỨC CHỦ TRÌ ĐỀ TÀI (Họ tên, chữ ký và đóng dấu) Ngày……tháng …… năm 20… BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (Họ tên, chữ ký và đóng dấu khi phê duyệt ) Phụ lục Thuyết minh đề tài DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐỀ TÀI (theo nội dung chi) Đề tài: ............................................................. Khoản I: Dự toán tiền công lao động trực tiếp Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc Người thực hiện(1) Hệ số tiền công theo ngày (2) Tổng số ngày công lao động quy đổi Kinh phí Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 1.1 Nghiên cứu tổng quan 1.2 Đánh giá thực trạng 1.3 Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu 1.4 Nội dung nghiên cứu chuyên môn Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.1 Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.2 Nội dung nghiên cứu 2: …… 1.4.3 ……….. 1.5 Tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm, khảo nghiệm, chế tạo, sản xuất; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ 1.6 Đề xuất giải pháp, kiến nghị, sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm, chế phẩm, mô hình, ấn phẩm khoa học và đề xuất khác 1.7 Tổng kết, đánh giá (1): Theo chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (2): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Khoản II. Thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước phối hợp nghiên cứu (nếu có) (3) Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc cần thuê khoán - Sản phẩm dự kiến Tổng số ngày công lao động quy đổi Tổng số tiền 2.1 2.2 Khoản III. Nguyên vật liệu, năng lượng (nếu có) và các báo giá liên quan (4) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Định mức hiện hành Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 3.1 Nguyên vật liệu 3.2 Nhiên liệu Khoản IV. Thiết bị, máy móc (nếu có) và các báo giá liên quan (5) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Số lượng Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 4.1 Thuê thiết bị máy móc (ghi tên thiết bị, thời gian thuê...) 4.2 (3), (4), (5): Các nội dung này phải giải trình cụ thể trong thuyết minh khoa học và được Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí đánh giá xem xét, nhất trí thông qua, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khoản V. Chi khác TT Nội dung các khoản chi Tổng Kinh phí Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 5.1 Dự toán chi hội thảo khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu (6) - Người chủ trì: ... - Thư ký hội thảo:... -.......... 5.2 Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu (7) 5.3 Dự toán chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (8) 5.4 Dự toán chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN (tối đa không quá 5% tổng kinh phí đề tài) CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM (Ký và ghi rõ họ tên) ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ (Ký tên và đóng dấu) (7): Áp dụng định mức theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê; (6), (8): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Phụ lục 3c PL3c-TMNV.ĐTCN 16/2015/TT-BVHTTDL THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ (Áp dụng đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ ) I. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ TÀI 1 Tên đề tài 1a Mã số (được cấp khi Hồ sơ trúng tuyển) 2 Thời gian thực hiện: .......... tháng (Từ tháng /20.. đến tháng /20…) 3 Tổng kinh phí thực hiện: ........................... triệu đồng, trong đó: Nguồn Kinh phí (triệu đồng) - Từ Ngân sách sự nghiệp khoa học - Từ nguồn tự có của tổ chức - Từ nguồn khác 4 Phương thức khoán chi: □ Khoán đến sản phẩm cuối cùng □ Khoán từng phần, trong đó: - Kinh phí khoán: ………………….....triệu đồng - Kinh phí không khoán: ………….….triệu đồng 5 □ Thuộc Chương trình (Ghi rõ tên chương trình, nếu có), Mã số: □ Thuộc dự án KH&CN □ Độc lập □ Khác 6 Lĩnh vực khoa học □ Tự nhiên; □ Nông, lâm, ngư nghiệp; □ Kỹ thuật và công nghệ; □ Y dược. □ Khoa học xã hội và nhân văn □ Khác. 7 Cá nhân chủ nhiệm đề tài Họ và tên:.............................................................................................................................. Ngày, tháng, năm sinh: ............................................... Giới tính: Nam □ / Nữ: □ Học hàm, học vị/ Trình độ chuyên môn: .............................................................................. Chức danh khoa học: ...................................................Chức vụ............................................ Điện thoại: Tổ chức: ................................. Nhà riêng: .............................. Mobile: ................................. Fax: .................................................. E-mail: ........................................................................ Tên tổ chức đang công tác:..................................................................................................... Địa chỉ tổ chức:....................................................................................................................... ................................................................................................................................................. Địa chỉ nhà riêng: ................................................................................................................... 8 Thư ký đề tài Họ và tên:............................................................................................................................... Ngày, tháng, năm sinh: ............................................... Nam/ Nữ: .......................................... Học hàm, học vị/ Trình độ chuyên môn: ................................................................................ Chức danh khoa học: ........................................... Chức vụ: ............................................ Điện thoại: …………………………………………………………………………………. Tổ chức: ............................... Nhà riêng: ............................... Mobile: ................................. Fax: .................................................. E-mail: ........................................................................ Tên tổ chức đang công tác: .................................................................................................... Địa chỉ tổ chức: ..................................................................................................................... ............................................................................................................................................... Địa chỉ nhà riêng: ................................................................................................................... 9 Tổ chức chủ trì đề tài Tên tổ chức chủ trì đề tài: ...................................................................................................... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. Website: ................................................................................................................................. Địa chỉ: .................................................................................................................................. Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ................................................................................................ Số tài khoản: .......................................................................................................................... Kho bạc nhà nước/Ngân hàng: ............................................................................................... Tên cơ quan chủ quản đề tài: .................................................................................................. 10 Các tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài (nếu có) 4. Tổ chức 1 : ....................................................................................................................... Tên cơ quan chủ quản ........................................................................................................... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. Địa chỉ: .................................................................................................................................. Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ................................................................................................ Số tài khoản: .......................................................................................................................... Ngân hàng: ............................................................................................................................. 5. Tổ chức 2 : ...................................................................................................................... Tên cơ quan chủ quản ......................................................................................................... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. Địa chỉ: .................................................................................................................................. Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ................................................................................................ Số tài khoản: .......................................................................................................................... Ngân hàng: ............................................................................................................................ 11 Các cán bộ thực hiện đề tài (Ghi những người có đóng góp khoa học và chủ trì thực hiện những nội dung chính thuộc tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp tham gia thực hiện đề tài, không quá 10 người kể cả chủ nhiệm đề tài. Những thành viên tham gia khác lập danh sách theo mẫu này và gửi kèm theo hồ sơ khi đăng ký) TT Họ và tên, học hàm học vị Tổ chức công tác Nội dung, công việc chính tham gia Thời gian làm việc cho đề tài (Số tháng quy đổi2) 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG KH&CN VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 12 Mục tiêu của đề tài (Bám sát và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đặt hàng) ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 13 Tình trạng đề tài □ Mới □ Kế tiếp hướng nghiên cứu của chính nhóm tác giả □ Kế tiếp nghiên cứu của người khác 14 Tổng quan tình hình nghiên cứu, luận giải về mục tiêu và những nội dung nghiên cứu của đề tài 14.1 Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài Ngoài nước (Phân tích đánh giá được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài; nêu được những bước tiến về trình độ KH&CN của những kết quả nghiên cứu đó) Trong nước (Phân tích, đánh giá tình hình nghiên cứu trong nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, đặc biệt phải nêu cụ thể được những kết quả KH&CN liên quan đến đề tài mà các cán bộ tham gia đề tài đã thực hiện. Nếu có các đề tài cùng bản chất đã và đang được thực hiện ở cấp khác, nơi khác thì phải giải trình rõ các nội dung kỹ thuật liên quan đến đề tài này; Nếu phát hiện có đề tài đang tiến hành mà đề tài này có thể phối hợp nghiên cứu được thì cần ghi rõ Tên đề tài, Tên Chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài đó) 14.2 Luận giải về việc đặt ra mục tiêu và những nội dung cần nghiên cứu của đề tài (Trên cơ sở đánh giá tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, phân tích những công trình nghiên cứu có liên quan, những kết quả mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu đề tài, đánh giá những khác biệt về trình độ KH&CN trong nước và thế giới, những vấn đề đã được giải quyết, cần nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những hạn chế cụ thể, từ đó nêu được hướng giải quyết mới - luận giải và cụ thể hóa mục tiêu đặt ra của đề tài và những nội dung cần thực hiện trong đề tài để đạt được mục tiêu) 15 Liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài đã trích dẫn khi đánh giá tổng quan (Tên công trình, tác giả, nơi và năm công bố, chỉ nêu những danh mục đã được trích dẫn để luận giải cho sự cần thiết nghiên cứu đề tài). …..................................................................................................................................................... ......................................................................................................................................................... 16 Nội dung nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm của đề tài và phương án thực hiện (Liệt kê và mô tả chi tiết những nội dung nghiên cứu và triển khai thực nghiệm phù hợp cần thực hiện để giải quyết vấn đề đặt ra kèm theo các nhu cầu về nhân lực, tài chính và nguyên vật liệu trong đó chỉ rõ những nội dung mới , những nội dung kế thừa kết quả nghiên cứu của các đề tài trước đó; dự kiến những nội dung có tính rủi ro và giải pháp khắc phục – nếu có). Nội dung 1: ........................................................................................................................ ........................................................................................................................................... ............................................................................................................................................ Nội dung 2: ...................................................................................................................... ......................................................................................................................................... ......................................................................................................................................... Nội dung 3:...................................................................................................................... ........................................................................................................................................... .......................................................................................................................................... 17 Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng (Luận cứ rõ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng gắn với từng nội dung chính của đề tài; so sánh với các phương pháp giải quyết tương tự khác và phân tích để làm rõ được tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo của đề tài) Cách tiếp cận: ………………………………………………………………………………………………. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: ......................................................................................................................................................... ........................................................................................................................................................ Tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo: ........................................................................................................................................................ 18 Phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong nước (Trình bày rõ phương án phối hợp: tên các tổ chức phối hợp chính tham gia thực hiện đề tài và nội dung công việc tham gia trong đề tài, kể cả các cơ sở sản xuất hoặc những người sử dụng kết quả nghiên cứu; khả năng đóng góp về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng-nếu có). 19 Phương án hợp tác quốc tế (nếu có) (Trình bày rõ phương án phối hợp: tên đối tác nước ngoài; nội dung đã hợp tác- đối với đối tác đã có hợp tác từ trước; nội dung cần hợp tác trong khuôn khổ đề tài; hình thức thực hiện. Phân tích rõ lý do cần hợp tác và dự kiến kết quả hợp tác, tác động của hợp tác đối với kết quả của đề tài ) 20 Tiến độ thực hiện Các nội dung, công việc chủ yếu cần được thực hiện; các mốc đánh giá chủ yếu Kết quả phải đạt Thời gian (bắt đầu, kết thúc) Cá nhân, tổ chức thực hiện Dự kiến kinh phí (1) (2) (3) (4) (5) (6) 1 Nội dung 1 - Công việc 1 - Công việc 2 2 Nội dung 2 -Công việc 1 -Công việc 2 III. SẢN PHẨM KH&CN CỦA ĐỀ TÀI 21 Sản phẩm KH&CN chính của đề tài và yêu cầu chất lượng cần đạt (Liệt kê theo dạng sản phẩm) Dạng I: Mẫu (model, maket); Sản phẩm (là hàng hóa, có thể được tiêu thụ trên thị trường); Vật liệu; Thiết bị, máy móc; Dây chuyền công nghệ; Giống cây trồng; Giống vật nuôi và các loại khác; Số TT Tên sản phẩm cụ thể và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm Đơn vị đo Mức chất lượng Dự kiến số lượng/quy mô sản phẩm tạo ra Cần đạt Mẫu tương tự (theo các tiêu chuẩn mới nhất) Trong nước Thế giới (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) 21.1 Mức chất lượng các sản phẩm (Dạng I) so với các sản phẩm tương tự trong nước và nước ngoài (Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định các chỉ tiêu về chất lượng cần đạt của các sản phẩm của đề tài) ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ........................................................................................................................................................ Dạng II: Nguyên lý ứng dụng; Phương pháp; Tiêu chuẩn; Quy phạm; Phần mềm máy tính; Bản vẽ thiết kế; Quy trình công nghệ; Sơ đồ, bản đồ; Số liệu, Cơ sở dữ liệu; Báo cáo phân tích; Tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...); Đề án, qui hoạch; Luận chứng kinh tế-kỹ thuật, Báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm khác TT Tên sản phẩm Yêu cầu khoa học cần đạt Ghi chú (1) (2) (3) (4) Dạng III: Bài báo; Sách chuyên khảo; và các sản phẩm khác Số TT Tên sản phẩm Yêu cầu khoa học cần đạt Dự kiến nơi công bố (Tạp chí, Nhà xuất bản) Ghi chú (1) (2) (3) (4) (5) 21.2 Trình độ khoa học của sản phẩm (Dạng II & III) so với các sản phẩm tương tự hiện có (Làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định các yêu cầu khoa học cần đạt của các sản phẩm của đề tài) ....................................................................................................................................................... ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ 21.3. Kết quả tham gia đào tạo sau đại học TT Cấp đào tạo Số lượng Chuyên ngành đào tạo Ghi chú (1) (2) (3) (4) (5) Thạc sỹ Tiến sỹ 21.4. Sản phẩm dự kiến đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng: ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ 22 Khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu 22.1. Khả năng về thị trường (Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nêu tên và nhu cầu khách hàng cụ thể nếu có; điều kiện cần thiết để có thể đưa sản phẩm ra thị trường?) ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ........................................................................................................................................................ 22.2. Khả năng về ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh (Khả năng cạnh tranh về giá thành và chất lượng sản phẩm) ....................................................................................................................................................... ....................................................................................................................................................... ....................................................................................................................................................... 22.3. Khả năng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... 22.4. Mô tả phương thức chuyển giao (Chuyển giao công nghệ trọn gói, chuyển giao công nghệ có đào tạo, chuyển giao theo hình thức trả dần theo tỷ lệ % của doanh thu; liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hoặc góp vốn với đơn vị phối hợp nghiên cứu hoặc với cơ sở sẽ áp dụng kết quả nghiên cứu theo tỷ lệ đã thỏa thuận để cùng triển khai sản xuất; tự thành lập doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu tạo ra…) ....................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... 23 Phạm vi và địa chỉ (dự kiến) ứng dụng các kết quả của đề tài ....................................................................................................................................................... ....................................................................................................................................................... ....................................................................................................................................................... 24 Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu 24.1. Đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan (Nêu những dự kiến đóng góp vào các lĩnh vực khoa học công nghệ ở trong nước và quốc tế) ........................................................................................................................................................ ........................................................................................................................................................ 24.2. Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu ...................................................................................................................................................... ....................................................................................................................................................... 24.3. Đối với kinh tế - xã hội và môi trường (Nêu những tác động dự kiến của kết quả nghiên cứu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường) ....................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... V. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI VÀ NGUỒN KINH PHÍ (Giải trình chi tiết trong phụ lục kèm theo) Đơn vị tính: Triệu đồng 25 Kinh phí thực hiện đề tài phân theo các khoản chi Nguồn kinh phí Tổng số Trong đó Trả công lao động (khoa học, phổ thông) Nguyên, vật liệu, năng lượng Thiết bị, máy móc Xây dựng, sửa chữa nhỏ Chi khác 1 2 3 4 5 6 7 8 Tổng kinh phí Trong đó: 1 Ngân sách SNKH: - Năm thứ nhất: - Năm thứ hai: - Năm thứ ba: 2 Nguồn tự có của cơ quan 3 Nguồn khác (vốn huy động, ...) ………, ngày...... tháng ...... năm 20.... ………, ngày...... tháng ...... năm 20.... CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI (Họ tên và chữ ký) TỔ CHỨC CHỦ TRÌ ĐỀ TÀI (Họ và tên, chữ ký, đóng dấu) ………, ngày...... tháng ...... năm 20.... BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (Họ và tên, chữ ký, đóng dấu) Phụ lục Thuyết minh đề tài DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐỀ TÀI (theo nội dung chi) Đề tài: ............................................................. Khoản I: Dự toán tiền công lao động trực tiếp Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc Người thực hiện(1) Hệ số tiền công theo ngày (2) Tổng số ngày công lao động quy đổi Kinh phí Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 1.1 Nghiên cứu tổng quan 1.2 Đánh giá thực trạng 1.3 Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu 1.4 Nội dung nghiên cứu chuyên môn Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.1 Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.2 Nội dung nghiên cứu 2: …… 1.4.3 ……….. 1.5 Tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm, khảo nghiệm, chế tạo, sản xuất; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ 1.6 Đề xuất giải pháp, kiến nghị, sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm, chế phẩm, mô hình, ấn phẩm khoa học và đề xuất khác 1.7 Tổng kết, đánh giá (1): Theo chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (2): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Khoản II. Thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước phối hợp nghiên cứu (nếu có) (3) Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc cần thuê khoán - Sản phẩm dự kiến Tổng số ngày công lao động quy đổi Tổng số tiền 2.1 2.2 Khoản III. Nguyên vật liệu, năng lượng (nếu có) và các báo giá liên quan (4) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Định mức hiện hành Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 3.1 Nguyên vật liệu 3.2 Nhiên liệu Khoản IV. Thiết bị, máy móc (nếu có) và các báo giá liên quan (5) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Số lượng Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 4.1 Thuê thiết bị máy móc (ghi tên thiết bị, thời gian thuê...) 4.2 (3), (4), (5): Các nội dung này phải giải trình cụ thể trong thuyết minh khoa học và được Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí đánh giá xem xét, nhất trí thông qua, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khoản V. Chi khác TT Nội dung các khoản chi Tổng Kinh phí Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 5.1 Dự toán chi hội thảo khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu (6) - Người chủ trì: ... - Thư ký hội thảo:... -.......... 5.2 Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu (7) 5.3 Dự toán chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (8) 5.4 Dự toán chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN (tối đa không quá 5% tổng kinh phí đề tài) CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM (Ký và ghi rõ họ tên) ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ (Ký tên và đóng dấu) (7): Áp dụng định mức theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê; (6), (8): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Phụ lục 3d PL3d-TMNV.ĐA 16/2015/TT-BVHTTDL THUYẾT MINH NHIỆM VỤ KHOA HỌC CẤP BỘ (Áp dụng đối với đề án khoa học) II. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ ÁN 1 Tên đề án: 1a. Mã số của đề án: (được cấp khi hồ sơ trúng tuyển) 2 Loại đề án: - □ Thuộc Chương trình (Ghi rõ tên chương trình), Mã số: - □ Độc lập - □ Khác (ghi rõ tên) 3 Thời gian thực hiện: …….tháng (từ tháng /năm 20… đến tháng /năm 20…) 4 Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí: ………… (triệu đồng), trong đó: - Từ ngân sách sự nghiệp khoa học: … - Từ nguồn tự có của tổ chức - Từ nguồn khác: … 5 Phương thức khoán chi: □ Khoán đến sản phẩm cuối cùng □ Khoán từng phần, trong đó: - Kinh phí khoán: …………….. triệu đồng - Kinh phí không khoán: ……….triệu đồng 6 Cá nhân chủ nhiệm đề án: Họ và tên:.................................................................................................................................. Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................ Nam/ Nữ: .................................... Học hàm, học vị:........................................................................................................................ Chức danh khoa học: ...........................................................Chức vụ:....................................... Điện thoại của tổ chức: ............................ Nhà riêng: ......................Mobile:............................ Fax: ........................................................... E-mail: ................................................................. Tên tổ chức đang công tác:......................................................................................................... Địa chỉ tổ chức:.......................................................................................................................... Địa chỉ nhà riêng: ...................................................................................................................... 7 Thư ký đề án: Họ và tên:.................................................................................................................................... Ngày, tháng, năm sinh: ........................................................ Nam/ Nữ: ..................................... Học hàm, học vị: ........................................................................................................................ Chức danh khoa học: .................................................... Chức vụ: ...................................... Điện thoại của tổ chức: ...............................Nhà riêng: ...................Mobile: ............................ Fax: ........................................................... E-mail: .................................................................. Tên tổ chức đang công tác: ....................................................................................................... Địa chỉ tổ chức: .......................................................................................................................... Địa chỉ nhà riêng: ...................................................................................................................... 8 Tổ chức chủ trì đề án: Tên tổ chức chủ trì đề án: ........................................................................................................... Điện thoại: ...................................... Fax: ................................................................................. E-mail: ................................................................................................................... .................. Website: ............................................................................................................................ ..... Địa chỉ: ................................................................................................................................ .... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: .............................................................................................. ..... Số tài khoản: ...................................................................................................................... ..... Ngân hàng: ......................................................................................................................... ..... Cơ quan chủ quản đề án: .................................................................................................. ....... 9 Các tổ chức phối hợp chính thực hiện đề án: (nếu có) 6. Tổ chức 1 : ................................................................................................... ...................... Cơ quan chủ quản ......................................................................................................... ........... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. .... Địa chỉ: .................................................................................................................................. ... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ................................................................................................ ... Số tài khoản: .......................................................................................................................... ... Ngân hàng: ................................................................................................................. ............. 7. Tổ chức 2 : ..................................................................................................................... .... Cơ quan chủ quản .............................................................................................................. ..... Điện thoại: ...................................... Fax: .............................................................................. ... Địa chỉ: ................................................................................................................................ ..... Họ và tên thủ trưởng tổ chức: ............................................................................................. ....... Số tài khoản: ....................................................................................................................... ...... Ngân hàng: ............................................................................................................................ . 8. Tổ chức ....... 10 Các cán bộ thực hiện đề án: (Ghi những người có đóng góp khoa học và chủ trì thực hiện những nội dung chính thuộc tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp tham gia thực hiện đề án, không quá 10 người kể cả chủ nhiệm đề án) Họ và tên, học hàm học vị Tổ chức công tác Nội dung công việc tham gia Thời gian làm việc cho đề án (Số tháng quy đổi) 1 2 3 4 5 6 7 8 9 II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 11 Mục tiêu của đề án: (phát triển và cụ thể hóa định hướng mục tiêu theo đặt hàng) ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... ...................................................................................................................................................... 12 Tình trạng đề án: □ Mới □ Kế tiếp hướng nghiên cứu của chính nhóm tác giả □ Kế tiếp nghiên cứu của người khác 13 Tổng quan tình hình nghiên cứu, luận giải về mục tiêu và những nội dung nghiên cứu của đề án: 13.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề án (Mô tả, phân tích, đánh giá đầy đủ, rõ ràng mức độ thành công, hạn chế của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề án) 13.2. Luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề án (Trên cơ sở tổng quan tình hình nghiên cứu, luận giải sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề án, nêu rõ cơ sở cho việc cụ thể hóa mục tiêu và những định hướng nội dung chính cần thực hiện trong đề án) 14 Liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu trong nước và ngoài nước có liên quan đến đề án đã trích dẫn khi đánh giá tổng quan: (tên tác giả, nơi và năm công bố, công trình, NXB, chỉ nêu những danh mục đã được trích dẫn) 15 Nội dung nghiên cứu của đề án: (xác định các nội dung nghiên cứu rõ ràng, có tính hệ thống, logíc, phù hợp cần thực hiện để đạt mục tiêu đề ra) Nội dung 1:.................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... Nội dung 2:.................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... Nội dung 3:.................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... .............................................. ..................................................................................................... 16 Các hoạt động phục vụ nội dung nghiên cứu của đề án: (giải trình các hoạt động cần thiết dưới đây phục vụ cho nội dung nghiên cứu của đề án) - Sưu tầm/dịch tài liệu phục vụ nghiên cứu (các tài liệu chính) - Hội thảo/toạ đàm khoa học (số lượng, chủ đề, mục đích, yêu cầu) - Đào tạo, tập huấn phục vụ đề án - Khảo sát/điều tra thực tế trong nước (quy mô, địa bàn, mục đích/yêu cầu, nội dung, phương pháp) - Khảo sát nước ngoài (quy mô, mục đích/yêu cầu, đối tác, nội dung) - ........ 17 Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: (Luận cứ rõ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật dự kiến sử dụng gắn với từng nội dung chính của đề án; so sánh với các phương pháp giải quyết tương tự khác và phân tích để làm rõ được tính ưu việt của phương pháp sử dụng) Cách tiếp cận: .................................................................................................................................................. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: ...................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 18 Phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu trong nước: [Trình bày rõ phương án phối hợp: tên các tổ chức phối hợp chính tham gia thực hiện đề án (kể cả tổ chức sử dụng kết quả nghiên cứu) và nội dung công việc tham gia trong đề án; khả năng đóng góp về nhân lực, tài chính - nếu có] 19 Phương án hợp tác quốc tế: (nếu có) (Trình bày rõ phương án phối hợp: tên đối tác nước ngoài; nội dung đã hợp tác- đối với đối tác đã có hợp tác từ trước; nội dung cần hợp tác trong khuôn khổ đề án; hình thức thực hiện. Phân tích rõ lý do cần hợp tác và dự kiến kết quả hợp tác, tác động của hợp tác đối với kết quả của đề án) 20 Kế hoạch thực hiện: Các nội dung, công việc chủ yếu cần được thực hiện; các mốc đánh giá chủ yếu Kết quả phải đạt Thời gian (bắt đầu, kết thúc) Cá nhân, tổ chức thực hiện Dự kiến kinh phí 1 Nội dung 1 - Công việc 1 - Công việc 2 .......... 2 Nội dung 2 - Công việc 1 - Công việc 2 ...... III. SẢN PHẨM CỦA ĐỀ ÁN 21 Sản phẩm chính của đề án và yêu cầu chất lượng cần đạt: (liệt kê theo dạng sản phẩm) 21.1. Dạng I: Báo cáo khoa học của đề án (báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo kiến nghị); dự thảo cơ chế chính sách; kết quả dự báo; mô hình; quy trình, quy phạm; phương pháp nghiên cứu mới; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu và các sản phẩm khác. TT Tên sản phẩm (ghi rõ tên từng sản phẩm ) Yêu cầu khoa học cần đạt Ghi chú 21.2. Dạng II: Bài báo; Sách chuyên khảo; và các sản phẩm khác TT Tên sản phẩm (ghi rõ tên từng sản phẩm ) Yêu cầu khoa học cần đạt Dự kiến nơi công bố (Tạp chí, Nhà xuất bản) Ghi chú 22 Lợi ích của đề án và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu: 22.1. Lợi ích của đề án: a) Tác động đến xã hội (đóng góp cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật hoặc có tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội) và tác động đối với ngành, lĩnh vực khoa học (đóng góp mới, mở ra hướng nghiên cứu mới thông qua các công trình công bố ở trong và ngoài nước) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... b) Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân thông qua tham gia thực hiện đề án, đào tạo sau đại học (số người được đào tạo thạc sỹ - tiến sỹ, chuyên ngành đào tạo) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 22.2. Phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu: (Nêu rõ tên kết quả nghiên cứu; cơ quan/tổ chức ứng dụng; luận giải nhu cầu của cơ quan/ tổ chức ứng dụng; tính khả thi của phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu) ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... 22.3. Phạm vi và địa chỉ (dự kiến) ứng dụng kết quả : ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI VÀ NGUỒN KINH PHÍ (Giải trình chi tiết xem phụ lục kèm theo) Đơn vị: Triệu đồng 23 Kinh phí thực hiện đề tài phân theo các khoản chi (I+II+III+IV+V) Nguồn kinh phí Tổng số Trong đó Dự toán tiền công lao động trực tiếp Thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước Nguyên vật liệu, năng lượng Thiết bị, máy móc Chi khác 1 2 3 4 5 6 7 8 Tổng kinh phí Trong đó: 1 Ngân sách Sự nghiệp khoa học: - Năm thứ nhất: - Năm thứ hai: 2 Các nguồn vốn khác - Vốn tự có của cơ sở - Khác (vốn huy động,...) .................., ngày ...... tháng ...... năm 20 ... TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHCN (Họ, tên, chức vụ, chữ ký và đóng dấu) CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHCN (Họ, tên và chữ ký) BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TL. BỘ TRƯỞNG VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (Họ, tên, chữ ký, đóng dấu ) Phụ lục Thuyết minh đề tài DỰ TOÁN KINH PHÍ ĐỀ TÀI (theo nội dung chi) Đề tài: ............................................................. Khoản I: Dự toán tiền công lao động trực tiếp Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc Người thực hiện(1) Hệ số tiền công theo ngày (2) Tổng số ngày công lao động quy đổi Kinh phí Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 1.1 Nghiên cứu tổng quan 1.2 Đánh giá thực trạng 1.3 Thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu; xử lý số liệu, phân tích thông tin, tài liệu, dữ liệu 1.4 Nội dung nghiên cứu chuyên môn Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.1 Nội dung nghiên cứu 1: ……….. 1.4.2 Nội dung nghiên cứu 2: …… 1.4.3 ……….. 1.5 Tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm, khảo nghiệm, chế tạo, sản xuất; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ 1.6 Đề xuất giải pháp, kiến nghị, sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm, chế phẩm, mô hình, ấn phẩm khoa học và đề xuất khác 1.7 Tổng kết, đánh giá (1): Theo chức danh thực hiện nhiệm vụ KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN (2): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Khoản II. Thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước phối hợp nghiên cứu (nếu có) (3) Đơn vị: Triệu đồng STT Nội dung công việc cần thuê khoán - Sản phẩm dự kiến Tổng số ngày công lao động quy đổi Tổng số tiền 2.1 2.2 Khoản III. Nguyên vật liệu, năng lượng (nếu có) và các báo giá liên quan (4) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Định mức hiện hành Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 3.1 Nguyên vật liệu 3.2 Nhiên liệu Khoản IV. Thiết bị, máy móc (nếu có) và các báo giá liên quan (5) Đơn vị: Triệu đồng TT Nội dung các khoản chi Đơn vị đo Số lượng Đơn giá Thành tiền Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 4.1 Thuê thiết bị máy móc (ghi tên thiết bị, thời gian thuê...) 4.2 (3), (4), (5): Các nội dung này phải giải trình cụ thể trong thuyết minh khoa học và được Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí đánh giá xem xét, nhất trí thông qua, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khoản V. Chi khác TT Nội dung các khoản chi Tổng Kinh phí Nguồn vốn Sự nghiệp khoa học Tự có Khác Tổng số Năm thứ nhất Năm thứ hai 5.1 Dự toán chi hội thảo khoa học phục vụ hoạt động nghiên cứu (6) - Người chủ trì: ... - Thư ký hội thảo:... -.......... 5.2 Dự toán chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu (7) 5.3 Dự toán chi họp hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (8) 5.4 Dự toán chi quản lý chung nhiệm vụ KH&CN (tối đa không quá 5% tổng kinh phí đề tài) CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM (Ký và ghi rõ họ tên) ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ (Ký tên và đóng dấu) (7): Áp dụng định mức theo Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê; (6), (8): Áp dụng định mức quy định tại Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Về việc ban hành định mức chi trong xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Phụ lục 3đ PL3đ-LLTC 16/2015/TT-BVHTTDL TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ 1. Tên tổ chức: Năm thành lập: Địa chỉ: Website: Điện thoại: Fax: E-mail: 2. Chức năng, nhiệm vụ và loại hình hoạt động KH&CN hoặc sản xuất kinh doanh liên quan đến nhiệm vụ KH&CN. 3. Tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên của tổ chức TT Cán bộ có trình độ đại học trở lên Tổng số 1 Tiến sỹ 2 Thạc sỹ 3 Đại học 4. Số cán bộ nghiên cứu của tổ chức trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ TT Cán bộ có trình độ đại học trở lên Số trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ 1 Tiến sỹ 2 Thạc sỹ 3 Đại học 5. Kinh nghiệm và thành tựu KH&CN trong 5 năm gần nhất liên quan đến nhiệm vụ KH&CN tuyển chọn/giao trực tiếp của các cán bộ trong tổ chức trực tiếp tham gia đã kê khai ở mục 4 trên đây (Nêu lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm, số năm kinh nghiệm, tên các đề tài/dự án/đề án đã chủ trì hoặc tham gia, những công trình đã áp dụng vào sản xuất và đời sống, thành tựu hoạt động KH&CN và sản xuất kinh doanh khác, ...) 6. Cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có liên quan đến nhiệm vụ KH&CN: - Nhà xưởng: - Trang thiết bị chủ yếu: 7. Khả năng huy động các nguồn vốn khác (ngoài ngân sách SNKH) cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN đăng ký. • Vốn tự có: ..................... triệu đồng (văn bản chứng minh kèm theo). • Nguồn vốn khác: ..................... triệu đồng (văn bản chứng minh kèm theo). ............, ngày ...... tháng ...... năm 20... THỦ TRƯỞNG TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KH&CN (Họ, tên và chữ ký của người lãnh đạo tổ chức, đóng dấu) Phụ lục 3e PL3e-LLCN 16/2015/TT-BVHTTDL LÝ LỊCH KHOA HỌC CỦA CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ CHỦ NHIỆM VÀ CÁ NHÂN THAM GIA THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ3 Đăng ký Chủ nhiệm nhiệm vụ: Đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ: 1. Họ và tên: 2. Năm sinh: 3. Nam/Nữ: 4. Học hàm: Năm được phong học hàm: Học vị: Năm đạt học vị: 5. Chức danh nghiên cứu: Chức vụ: 6. Địa chỉ nhà riêng: 7. Điện thoại: CQ: ; NR: ; Mobile: 8. Fax: E-mail: 9. Tổ chức - nơi làm việc của cá nhân đăng ký chủ nhiệm: Tên tổ chức: Tên người Lãnh đạo: Điện thoại người Lãnh đạo: Địa chỉ tổ chức: 10. Quá trình đào tạo Bậc đào tạo Nơi đào tạo Chuyên môn Năm tốt nghiệp Đại học Thạc sỹ Tiến sỹ Thực tập sinh khoa học 11. Quá trình công tác Thời gian (Từ năm ... đến năm...) Vị trí công tác Tổ chức công tác Địa chỉ Tổ chức 12. Các công trình công bố chủ yếu (liệt kê tối đa 05 công trình tiêu biểu đã công bố liên quan đến nhiệm vụ KH&CN đăng ký trong 5 năm gần nhất) TT Tên công trình (bài báo, công trình...) Là tác giả hoặc là đồng tác giả công trình Nơi công bố (tên tạp chí đã đăng công trình) Năm công bố 13. Số lượng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng đã được cấp… (liên quan đến đề tài, dự án đăng ký - nếu có) TT Tên và nội dung văn bằng Năm cấp văn bằng 14. Số công trình được áp dụng trong thực tiễn (liên quan đến nhiệm vụ KH&CN đăng ký - nếu có) TT Tên công trình Hình thức, quy mô, địa chỉ áp dụng Thời gian (bắt đầu - kết thúc) 15. Các nhiệm vụ KH&CN đã chủ trì hoặc tham gia (trong 5 năm gần đây thuộc lĩnh vực nghiên cứu của đề tài/đề án, dự án đăng ký - nếu có) Tên đề tài/đề án, dự án,nhiệm vụ khác đã chủ trì Thời gian (bắt đầu - kết thúc) Thuộc Chương trình (nếu có) Tình trạng đề tài (đã nghiệm thu, chưa nghiệm thu) Tên đề tài/đề án, dự án, nhiệm vụ khác đã tham gia Thời gian (bắt đầu - kết thúc) Thuộc Chương trình (nếu có) Tình trạng đề tài (đã nghiệm thu, chưa nghiệm thu) 16. Giải thưởng (về KH&CN, về chất lượng sản phẩm,... liên quan đến đề tài/đề án, dự án đăng ký - nếu có) TT Hình thức và nội dung giải thưởng Năm tặng thưởng 17. Thành tựu hoạt động KH&CN và sản xuất kinh doanh khác (liên quan đến đề tài, dự án đăng ký - nếu có) ............, ngày ....... tháng ....... năm 20... TỔ CHỨC - NƠI LÀM VIỆC CỦA CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ CHỦ NHIỆM (HOẶC THAM GIA THỰC HIỆN CHÍNH) ĐỀ TÀI/ĐỀ ÁN, DỰ ÁN4 (Xác nhận và đóng dấu) Đơn vị đồng ý và sẽ dành thời gian cần thiết để Ông, Bà ... chủ trì (tham gia) thực hiện đề tài/đề án, dự án CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ CHỦ NHIỆM (HOẶC THAM GIA THỰC HIỆN CHÍNH) ĐỀ TÀI/ĐỀ ÁN, DỰ ÁN (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 3g PL3g-PNX 16/2015/TT-BVHTTDL PHIẾU NHẬN XÉT HỒ SƠ ĐĂNG KÝ TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Chuyên gia/Ủy viên phản biện Ủy viên hội đồng Họ và tên chuyên gia: 1. Tên đề tài: 2. Tên tổ chức và cá nhân đăng ký chủ trì: Tên tổ chức: Họ và tên cá nhân: Tiêu chí đánh giá Nhận xét của chuyên gia 4 3 2 1 0 1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài [Định hướng mục tiêu theo đặt hàng] □ □ □ □ □ - Mục tiêu của đề tài đáp ứng được yêu cầu đặt hàng và làm rõ được sự cần thiết phải nghiên cứu; cụ thể hóa định hướng mục tiêu Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 1: 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài [Mục 13] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ - Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước. - Luận giải sự cần thiết, cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn mới của đề tài Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 2: 3. Nội dung, phương án tổ chức thực hiện [Mục 15, 16, 18, 19] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ - Tính hệ thống, logic, đầy đủ, rõ ràng của các nội dung nghiên cứu - Tính hợp lý, khả thi của phương án tổ chức nghiên cứu - Phương án phối hợp các tổ chức, cá nhân trong/ngoài nước - Tính hợp lý trong việc sử dụng kinh phí cho các nội dung nghiên cứu Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 3: 4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu [Mục 17] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ - Cách tiếp cận đề tài với đối tượng nghiên cứu - Phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng nghiên cứu Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 4: 5. Sản phẩm, lợi ích của đề tài và phương án chuyển giao kết quả [Mục 21, 22] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ - Sản phẩm của đề tài phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu - Tác động tốt đến xã hội, ngành, lĩnh vực; nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân (bài báo quốc tế, đào tạo sau đại học) Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 5: 6. Năng lực tổ chức và cá nhân [Hồ sơ năng lực kèm theo] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ - Cơ quan chủ trì đề tài và tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài. - Năng lực và thành tích nghiên cứu của chủ trì và của các thành viên tham gia nghiên cứu. Ý kiến nhận xét đối với tiêu chí 6: Ý kiến đánh giá tổng hợp □ □ □ □ □ Ghi chú: Điểm nhận xét của chuyên gia theo thang điểm: 4 = Rất tốt; 3 = Tốt; 2 = Trung bình; 1 = Kém; 0 = Rất kém Kiến nghị của chuyên gia: (đánh dấu X) □ 1. Đề nghị thực hiện: 1.1 Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng □ 1.2 Khoán từng phần □ □ 2. Đề nghị thực hiện với các điều chỉnh nêu dưới đây. □ 3. Không thực hiện (có kết quả đánh giá tổng hợp là “Kém” hoặc “Rất kém”). Nhận xét, giải thích cho kiến nghị trên: Ngày.....tháng.....năm 20... (Chuyên gia nhận xét ký, ghi rõ họ tên) Phụ lục 3h L3h-PĐG 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG KH&CN TƯ VẤN TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ..........., ngày.....tháng.....năm 20... PHIẾU ĐÁNH GIÁ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ ĐĂNG KÝ TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP 1. Tên đề tài: 2. Tên tổ chức và cá nhân đăng ký chủ trì: Tên tổ chức: Họ và tên cá nhân: Tiêu chí đánh giá Chuyên giá đánh giá Hệ số Điểm ∑ Điểm tối đa 4 3 2 1 0 1. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài □ □ □ □ □ 4 - Mục tiêu của đề tài đáp ứng được yêu cầu đặt hàng và làm rõ được sự cần thiết phải nghiên cứu; cụ thể hóa định hướng mục tiêu 1 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu [Mục 13] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ 16 - Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước. 2 - Luận giải sự cần thiết, cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn mới của đề tài 2 3. Nội dung, phương án tổ chức thực hiện [Mục 15, 16, 18, 19] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ 24 - Tính hệ thống, logic, đầy đủ, rõ ràng của các nội dung nghiên cứu 2 - Tính hợp lý, khả thi của phương án tổ chức nghiên cứu 2 - Phương án phối hợp các tổ chức, cá nhân trong/ngoài nước 1 - Tính hợp lý trong việc sử dụng kinh phí cho các nội dung nghiên cứu 1 4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu [Mục 17] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ 12 - Cách tiếp cận đề tài với đối tượng nghiên cứu 1 - Phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng nghiên cứu 2 5. Sản phẩm, lợi ích của đề tài và phương án chuyển giao kết quả [Mục 21, 22] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ 24 - Sản phẩm của đề tài phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu 3 - Tác động tốt đến xã hội, ngành, lĩnh vực; nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân (bài báo trong nước/quốc tế, đào tạo sau đại học) 3 6. Năng lực tổ chức và cá nhân [Hồ sơ năng lực kèm theo] □ □ □ □ □ □ □ □ □ □ 20 - Cơ quan chủ trì đề tài và tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài. 2 - Năng lực và thành tích nghiên cứu của chủ trì và của các thành viên tham gia nghiên cứu. 3 Ý kiến đánh giá tổng hợp 100 Ghi chú: Điểm đánh giá của chuyên gia theo thang điểm: 4 = Rất tốt; 3 = Tốt; 2 = Trung bình; 1 = Kém; 0 = Rất kém Kiến nghị của chuyên gia: (đánh dấu X) □ 1. Đề nghị thực hiện: 1.1 Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng □ 1.2 Khoán từng phần □ □ 2. Đề nghị thực hiện với các điều chỉnh nêu dưới đây. □ 3. Không thực hiện (có kết quả đánh giá tổng hợp là “Kém” hoặc “Rất kém”). (Hồ sơ trúng tuyển là hồ sơ có tổng số điểm của các tiêu chí đánh giá lớn hơn 70 điểm) Lưu ý: Người đề xuất nhiệm vụ KHCN được xét ưu tiên giao làm chủ nhiệm nhiệm vụ hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Nhận xét, kiến nghị: Ngày.....tháng.....năm 20... (Chuyên gia đánh giá ký, ghi rõ họ tên) Phụ lục 3i PL3i-BBKP 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG KH&CN TƯ VẤN TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ..........., ngày.....tháng.....năm 20... BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU ĐÁNH GIÁ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐĂNG KÝ TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP Tên nhiệm vụ: Tên tổ chức và cá nhân đăng ký chủ trì: Tên tổ chức: Họ và tên cá nhân: 1. Số phiếu phát ra: 2. Số phiếu thu về: 3. Số phiếu hợp lệ: 4. Số phiếu không hợp lệ: TT Ủy viên Tiêu chí đánh giá Tổng số điểm Tiêu chí 1 Tiêu chí 2 Tiêu chí 3 Tiêu chí 4 Tiêu chí 5 Tiêu chí 6 1 Ủy viên thứ nhất 2 Ủy viên thứ hai 3 Ủy viên thứ ba 4 ...................... 5 6 7 Tổng số điểm trung bình Thành viên ban kiểm phiếu (ký, ghi rõ họ và tên) Trưởng ban kiểm phiếu - Thư ký khoa học (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 3k PL3k-BBHĐ 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG KH&CN TƯ VẤN TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………, ngày tháng năm 20... BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ TUYỂN CHỌN, GIAO TRỰC TIẾP A. Thông tin chung 1. Tên nhiệm vụ: ........................................................................................................................................................... ........................................................................................................................................................... 2. Quyết định thành lập Hội đồng .............../QĐ-BVHTTDL ngày ...../...../20... của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 3. Địa điểm và thời gian ......................................., ngày ......./..... /20... 4. Số thành viên hội đồng có mặt trên tổng số thành viên ......./......người. Vắng mặt .......người, gồm các thành viên: ................................................................. ................................................................. 5. Khách mời tham dự họp hội đồng: TT Họ và tên Đơn vị công tác 6. Hội đồng nhất trí cử Ông/Bà ............................................................ là thư ký khoa học của hội đồng. B. Nội dung làm việc của hội đồng (ghi chép của thư ký khoa học): ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... ..................................................................................................................................... C. Bỏ phiếu đánh giá 1. Hội đồng đã cử ban kiểm phiếu với các thành viên sau: - Trưởng ban – Thư ký khoa học: .................................................................. - Thành viên – Thư ký hành chính: ................................................................ 2. Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá từng hồ sơ đăng ký. Kết quả kiểm phiếu đánh giá các hồ sơ đăng ký tuyển chọn/giao trực tiếp tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ KH&CN trong biên bản kiểm phiếu kèm theo. 3. Kết quả bỏ phiếu Căn cứ kết quả kiểm phiếu, hội đồng kiến nghị tổ chức, cá nhân sau đây trúng tuyển chủ trì đề tài/dự án SXTN/đề án nêu trên: Tên tổ chức: ............................................................................................................ Họ và tên cá nhân: ................................................................................................. D. Kết luận, kiến nghị của hội đồng (kiến nghị về các nội dung cần sửa đổi) 1. Kiến nghị phương thức khoán chi: 1.1 Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng □ 1.2 Khoán chi từng phần □ 2. Kiến nghị những nội dung cần sửa đổi: Hội đồng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và quyết định. THƯ KÝ KHOA HỌC (Họ, tên và chữ ký) CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 4 PL4-BBTĐ …./2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỔ THẨM ĐỊNH NHIỆM VỤ KHCN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- BIÊN BẢN HỌP THẨM ĐỊNH NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Căn cứ Thông tư số 16/2015/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trên cơ sở hồ sơ thuyết minh nhiệm vụ KH&CN và hồ sơ đánh giá của Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ KH&CN. Tổ thẩm định nhiệm vụ KH&CN tiến hành thẩm định nội dung và kinh phí, lập biên bản thẩm định với những nội dung sau: A. Thông tin chung 1. Tên nhiệm vụ: Mã số …………………(nếu có) Thuộc: - Chương trình cấp Bộ: □ - Độc lập: □ - Dự án KH&CN: □ - Khác: □ 2. Cơ quan chủ trì: 3. Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 4. Địa điểm và thời gian họp Tổ thẩm định: - Địa điểm:……………………………………………….. - Thời gian:……giờ, ngày……..tháng……năm…………. 5. Số thành viên tham gia tổ thẩm định: ……/….. Vắng mặt: người; Họ và tên: ………………………………………… 6. Đại biểu tham dự: B. Các ý kiến của thành viên tổ thẩm định: ………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………………………………………… C. Kết luận của Tổ thẩm định 1. Nội dung chuyên môn: 1.1. Mục tiêu chính của nhiệm vụ (Ghi cụ thể): 1.2 Các nội dung nghiên cứu chính (Ghi tên của từng nội dung, tiến độ và thời gian thực hiện): 1.3. Các hoạt động khác phục vụ nội dung nghiên cứu: a. Hội thảo khoa học (số lượng và quy mô, địa điểm tổ chức): b. Khảo sát, công tác trong nước (Nội dung khảo sát, số đợt khảo sát, số người tham gia, thời gian, địa điểm): c. Hợp tác quốc tế (Nội dung dự kiến hợp tác, số đoàn ra, đoàn vào, số người tham gia, thời gian, địa điểm): d. Thiết bị, máy móc (thiết bị, máy móc cần mua: tên, số lượng): 1.4. Dạng sản phẩm, yêu cầu kĩ thuật, chỉ tiêu chất lượng đối với sản phẩm (Ghi cụ thể các sản phẩm chính): 1.5. Tiến độ và thời gian thực hiện:…. tháng: 2. Về kinh phí thực hiện: 2.1. Tổng kinh phí cần thiết: .................... triệu đồng Trong đó: + Kinh phí từ ngân sách nhà nước: .................................. triệu đồng (Bằng chữ: .................................................................................. đồng) + Kinh phí từ các nguồn khác: ........................... triệu đồng 2.2. Dự kiến nội dung chi từ ngân sách nhà nước: Đơn vị: triệu đồng Số TT Nội dung Các khoản chi Kinh phí NSNN Ghi chú Kinh phí Tỷ lệ (%) 1 Trả công lao động (khoa học, phổ thông) 2 Nguyên vật liệu, năng lượng 3 Thiết bị, máy móc 4 Xây dựng, sửa chữa nhỏ 5 Chi khác: Trong đó: chi đoàn ra Tổng cộng C. Kiến nghị: 1. Phương thức thực hiện: □ Khoán đến sản phẩm cuối cùng □ Khoán từng phần, trong đó: - Kinh phí khoán: ……………… triệu đồng; - Kinh phí không khoán: ……….triệu đồng. 2. Các kiến nghị khác (nếu có): Biên bản được lập xong lúc…….giờ, ngày ……tháng……năm…… và đã được Tổ thẩm định nhất trí thông qua. Đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính Đại diện thành viên hội đồng Đại diện Lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phụ lục 5a PL5a-BCĐK 16/2015/TT-BVHTTDL BÁO CÁO ĐỊNH KỲ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ Nhận ngày ……./……/…..20 Nơi nhận báo cáo: 1. Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường 1 Tên nhiệm vụ: 2 Ngày báo cáo Kỳ: 3 Cơ quan chủ trì: Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 4 Thời gian thực hiện: tháng, từ đến 5 Tổng kinh phí thực hiện: … triệu đồng 6 Công việc chính đã thực hiện tính từ ngày / /20… đến kỳ báo cáo 7 Số lượng (cộng luỹ kế)* sản phẩm khoa học công nghệ (kết quả KHCN) cụ thể đã hoàn thành đến ngày báo cáo Bảng 1 TT Tên sản phẩm Đơn vị đo Số lượng Kế hoạch theo hợp đồng Thực hiện Trước kỳ báo cáo Trong kỳ báo cáo Tổng số 1 2 3 4 5 6 7 8 Số lượng sản phẩm đã được sử dụng hoặc tiêu thụ và doanh thu bán sản phẩm (nếu có) Bảng 2 TT Tên sản phẩm Đơn vị đo Số lượng Doanh thu. tr.đ. Đơn vị sử dụng Tổng cộng: * Ghi chú: Cộng luỹ kế các kỳ báo cáo trước 9 Chất lượng, yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm trong kỳ báo cáo Dạng 1) Bảng 3 TT Tên sản phẩm và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu Đơn vị đo Mức chất lượng Kế hoạch Thực hiện 1 2 3 4 5 10 Yêu cầu khoa học đối với sản phẩm tạo ra (dạng kết quả II.III) Bảng 4 TT Tên sản phẩm Yêu cầu khoa học Chú thích 1 2 3 4 11 Nhận xét và đánh giá kết quả đạt được (trong thời gian liên quan đến báo cáo) 12 Kinh phí Bảng 5 a) Kinh phí luỹ kế đã được cấp trước kỳ báo cáo là 1000 triệu đồng b) Kinh phí đã được cấp trong kỳ báo cáo Đợt 1 Thời gian Số tiền (triệu đồng) 1 /20… Cộng luỹ kế (a và b) 13 Tình hình sử dụng kinh phí để thực hiện đề tài /Dự án tính đến kỳ báo cáo (tr. đồng) Bảng 6 TT Thời gian sử dụng Tổng số tiền đã sử dụng Trong đó Thuê khoán chuyên môn Nguyên vật liệu năng lượng Thiết bị máy móc Xây dựng nhỏ, sửa chữa Khác 1 2 3 4 5 6 7 8 Tổng kinh phí (a và b) Trong đó: a) Ngân sách SNKH - Tính đến kỳ báo cáo - Trong kỳ báo cáo Cộng b) Các nguồn vốn khác Kinh phí đã được sử dụng tính đến kỳ báo cáo Tổng kinh phí đã được cấp: Tổng kinh phí đã sử dụng: Số kinh phí đã quyết toán: triệu đồng triệu đồng triệu đồng Các khoản chi lớn trong thời gian liên quan đến báo cáo 14 Những vấn đề tồn tại cần giải quyết 15 Dự kiến những công việc cần triển khai tiếp trong thời gian tới 16 Kết luận và kiến nghị Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ (Họ, tên và chữ ký) Thủ trưởng cơ quan chủ trì nhiệm vụ (Họ, tên, chữ ký và đóng dấu) Phụ lục 5b PL 5b-BBKTĐK 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ……….., ngày tháng năm 20… BIÊN BẢN KIỂM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ 1. Tên nhiệm vụ: 2. Mã số (nếu có): 3. Thời gian thực hiện: 4. Tổng kinh phí: 5. Chủ nhiệm nhiệm vụ: 6. Cơ quan chủ trì: 7. Họ và tên, chức trách thành viên đoàn kiểm tra: 8. Các nội dung nghiên cứu đã thực hiện: 9. Các sản phẩm đã hoàn thành: 10. Tình hình sử dụng kinh phí: 11. Kiến nghị của chủ nhiệm nhiệm vụ và cơ quan chủ trì: 12. Kết luận và đánh giá chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ: Cơ quan chủ trì (Họ,tên và chữ ký) Đại diện các cơ quan phối hợp tham gia kiểm tra (Họ,tên và chữ ký) Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra (Họ,tên và chữ ký) Phụ lục 6a PL6a- TĐG 16/2015/TT-BVHTTDL CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- .............., ngày tháng năm 201… BÁO CÁO KẾT QUẢ TỰ ĐÁNH GIÁ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ I. Thông tin chung về nhiệm vụ: 1. Tên nhiệm vụ: - Mã số (nếu có): - Thuộc Chương trình (tên, mã số chương trình): - Độc lập - Khác (ghi cụ thể): 2. Mục tiêu nhiệm vụ: 3. Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 4. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: 5. Tổng kinh phí thực hiện: triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách SNKH: triệu đồng. Kinh phí từ nguồn khác: triệu đồng. 6. Thời gian thực hiện theo Hợp đồng: Bắt đầu: Kết thúc: Thời gian thực hiện theo văn bản điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền (nếu có): 7. Danh sách thành viên chính thực hiện nhiệm vụ nêu trên gồm: Số TT Họ và tên Chức danh khoa học, học vị Cơ quan công tác 1 2 … II. Nội dung tự đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ: 1. Về sản phẩm khoa học: 1.1. Danh mục sản phẩm đã hoàn thành: Số TT Tên sản phẩm Số lượng Khối lượng Chất lượng Xuất sắc Đạt Không đạt Xuất sắc Đạt Không đạt Xuất sắc Đạt Không đạt 1 2 …. …. 1.2. Danh mục sản phẩm khoa học dự kiến ứng dụng, chuyển giao (nếu có): Số TT Tên sản phẩm Thời gian dự kiến ứng dụng Cơ quan dự kiến ứng dụng Ghi chú 1 2 ... 1.3. Danh mục sản phẩm khoa học đã được ứng dụng (nếu có): Số TT Tên sản phẩm Thời gian ứng dụng Tên cơ quan ứng dụng Ghi chú 1 2 ... 2. Về những đóng góp mới của nhiệm vụ: 3. Về hiệu quả của nhiệm vụ: 3.1. Hiệu quả kinh tế 3.2. Hiệu quả xã hội III. Tự đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ 1. Về tiến độ thực hiện: (đánh dấu Ö vào ô tương ứng): - Nộp hồ sơ đúng hạn □ - Nộp chậm từ trên 30 ngày đến 06 tháng □ - Nộp hồ sơ chậm trên 06 tháng □ 2. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ: - Đạt □ - Không đạt □ Giải thích lý do:............................................................................................................................ …………………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………………….. Cam đoan nội dung của Báo cáo là trung thực; Chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ không sử dụng kết quả nghiên cứu của người khác trái với quy định của pháp luật. CÁ NHÂN CHỦ NHIỆM NHIỆM VỤ (Học hàm, học vị, Họ, tên và chữ ký) THỦ TRƯỞNG TỔ CHỨC CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ (Họ, tên, chữ ký và đóng dấu) Phụ lục 6b PL6b-CVĐNNT 16/2015/TT-BVHTTDL TÊN TỔ CHỨC CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ........ /........ V/v: Đề nghị đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ ........, ngày tháng năm 201... Kính gửi: ……….. Căn cứ Thông tư số 16/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ……….………. (Tên Tổ chức chủ trì nhiệm vụ) đề nghị ……. xem xét và tổ chức đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau đây: Tên nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………… Mã số: ………………………………………………………………………………………………….. Hợp đồng số: ………………………………………………………………………………………… Thời gian thực hiện theo hợp đồng: từ đến Thời gian được điều chỉnh, gia hạn (nếu có) đến: Chủ nhiệm nhiệm vụ: …………………………………………………………………………….. Kèm theo công văn này là hồ sơ đánh giá nhiệm vụ cấp Bộ, gồm: 1. Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ. 2. Báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ. 3. Bản sao hợp đồng và thuyết minh nhiệm vụ. 4. Các văn bản xác nhận và tài liệu liên quan đến việc công bố, xuất bản, đào tạo, tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu (nếu có). 5. Các số liệu (điều tra, khảo sát, phân tích…), sổ nhật ký của nhiệm vụ. 7. Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của nhiệm vụ. 8. Báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. 9. Các tài liệu khác (nếu có). Số lượng hồ sơ gồm: - 01 bộ (bản gốc) đầy đủ tài liệu kể trên; - 01 bản điện tử về các file báo cáo ghi trên đĩa quang (dạng PDF, không cài đặt bảo mật). Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ./. Nơi nhận: - Như trên; - …… THỦ TRƯỞNG TỔ CHỨC CHỦ TRÌ NHIỆM VỤ (Họ, tên, chữ ký và đóng dấu) Phụ lục 6c PL6c-PNXKQ.ĐTXH 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- …..….., ngày tháng năm 201….. PHIẾU NHẬN XÉT KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ (Áp dụng đối với đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) I. PHẦN THÔNG TIN CHUNG: 1. Tên nhiệm vụ: 2. Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 3. Tổ chức chủ trì: 4. Mã số nhiệm vụ (nếu có): 2. Chuyên gia nhận Hồ sơ: ngày tháng năm 201 3. Họ và tên người chuyên gia nhận xét (chức danh khoa học, học vị): II. PHẦN NHẬN XÉT: (Trình bày quan điểm và ý kiến riêng của người nhận xét theo các tiêu chí tương ứng với từng sản phẩm cụ thể) 1. Ý kiến nhận xét báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ: a) Về thành công và hạn chế: - Tổng quan các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. - Tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật của các số liệu qua kết quả điều tra, khảo sát và các nguồn tư liệu khác được sử dụng vào các báo cáo khoa học của nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. - Về khái niệm, thuật ngữ và văn phong trong báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. - Về cấu trúc nội dung của báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. - Về phân tích, lập luận khoa học của báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu nhiệm vụ: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. b) Về nội dung hoặc vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. 2. Ý kiến nhận xét về sản phẩm khoa học của nhiệm vụ: 2.1. Ý kiến nhận xét về từng sản phẩm (Kiến nghị khoa học; dự báo khoa học; giải pháp khoa học; đề án quy hoạch, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội; mô hình tổ chức, quản lý, phát triển xã hội; hình thức khác): a) Về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với sản phẩm: - Xác định tên, nội dung của sản phẩm rõ ràng, cụ thể; - Xác định đối tượng, địa chỉ và nơi tiếp nhận rõ ràng, cụ thể; - Có cơ sở khoa học và thực tiễn; - Có ý nghĩa tác động đến phát triển kinh tế-xã hội; - Xác định rõ phương án, lộ trình về tổ chức, thực hiện. - Có tính hiện thực và khả thi trong việc ứng dụng, chuyển giao; b) Về giá trị khoa học; về giá trị thực tiễn của từng sản phẩm: …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. 2.2. Ý kiến nhận xét về từng sách khoa học xuất bản (nếu có): (Về tính mới; đánh giá đạt yêu cầu khoa học hoặc không đạt yêu cầu khoa học) …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. 2.3. Ý kiến nhận xét về từng bài báo trên tạp chí khoa học (nếu có): (Về tính mới; đánh giá đạt yêu cầu khoa học hoặc không đạt yêu cầu khoa học) …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. …………………………………………………………………………………………………….. 2.4. Ý kiến nhận xét về từng kết quả đào tạo cán bộ khoa học (nếu có): (Đánh giá đạt yêu cầu khoa học hoặc không đạt yêu cầu khoa học) 3. Ý kiến nhận xét về tiến độ thực hiện nhiệm vụ: (Căn cứ thời điểm kết thúc hợp đồng hoặc thời điểm được gia hạn và thời điểm nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu) 4. Nhận xét chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ a) Về những đóng góp khoa học mới của nhiệm vụ: - Cơ sở khoa học và tính trung thực của từng kết quả nghiên cứu mới: - Giá trị khoa học và đóng góp của kết quả nghiên cứu mới vào việc phát triển lý thuyết, lý luận hiện có: - Giá trị thực tiễn và dự kiến triển vọng tác động xã hội từ kết quả nghiên cứu mới của nhiệm vụ: b) Xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ: □ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được xếp loại đạt bởi những lý do cụ thể dưới đây: □ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được xếp loại không đạt bởi những lý do cụ thể dưới đây và Nêu cụ thể những nội dung đã thực hiện so với hợp đồng, những nội dung chưa thực hiện so với hợp đồng : 5. Kiến nghị của thành viên Hội đồng: a) Đề nghị Hội đồng khoa học kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiệm thu các sản phẩm khoa học dưới đây: b) Đề nghị Hội đồng khoa học đề xuất (địa chỉ) cơ quan tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ: (Nêu cụ thể nội dung kết quả nghiên cứu, tên sản phẩm sẽ chuyển giao đến những cơ quan, địa chỉ áp dụng cụ thể) CHUYÊN GIA NHẬN XÉT (Họ, tên và chữ ký Phụ lục 6d PL6d- PNXKQ.ĐTCN 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- …………………, ngày tháng năm 201…… PHIẾU NHẬN XÉT KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ (Áp dụng đối với lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, dự án SXTN, đề án khoa học) Ủy viên phản biện: Ủy viên: 1. Tên nhiệm vụ: Mã số (nếu có): - Thuộc Chương trình: - Độc lập: - Khác: Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: 2. Chuyên gia nhận xét: Họ và tên chuyên gia (chức danh khoa học, học vị): Chuyên gia nhận Hồ sơ: ngày ………… tháng ………… năm 201… 3. Nhận xét: 3.1. Về báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả: Nhận xét cụ thể, chi tiết về mức độ rõ ràng, lô-gíc của báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt; tổng quan các vấn đề liên quan đến nội dung của nhiệm vụ, mức độ tiên tiến, hiện đại của phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng; tác động của kết quả đối với kinh tế, xã hội; mức độ sẵn sàng chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài liệu cần thiết kèm theo (các bản vẽ thiết kế, tài liệu công nghệ, sản phẩm trung gian, tài liệu trích dẫn...) v.v. Để kết luận, chuyên gia chỉ rõ bản báo cáo đã hoàn thiện chưa? Cần phải sửa chữa, bổ sung những điểm gì hoặc không đạt yêu cầu. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 3.2. Về chủng loại sản phẩm so với đặt hàng: (Căn cứ vào đặt hàng của Bộ, chuyên gia cần phân tích, đánh giá mức độ đầy đủ về chủng loại sản phẩm so với hợp đồng đã ký kết) …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 3.3. Về số lượng, khối lượng sản phẩm so với đặt hàng: (Căn cứ vào đặt hàng của Bộ , chuyên gia cần phân tích, đánh giá mức độ đầy đủ về số lượng, khối lượng sản phẩm so với hợp đồng đã ký kết) …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 3.4. Về chất lượng sản phẩm so với đặt hàng: (Căn cứ vào đặt hàng của Bộ , chuyên gia cần phân tích, đánh giá chi tiết, cụ thể đối với từng chỉ tiêu về chất lượng đối với mỗi sản phẩm theo đặt hàng, có nhận xét chính xác, khách quan) …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 3.5. Về tiến độ thực hiện: (Căn cứ thời điểm kết thúc hợp đồng hoặc thời điểm được gia hạn và thời điểm nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu) …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 4. Nhận xét chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ: Đạt □ Lý do cụ thể: …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. Không đạt □ Lý do cụ thể (cần ghi rõ những nội dung đã/chưa thực hiện so với hợp đồng) …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. 5. Các tồn tại và đề xuất hướng/biện pháp giải quyết (bắt buộc): …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………. CHUYÊN GIA NHẬN XÉT (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 6đ PL6đ- PĐGKQ 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THẺ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ……………….., ngày tháng năm 201….. PHIẾU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ 1. Thông tin chung về nhiệm vụ: - Tên nhiệm vụ: - Mã số nhiệm vụ (nếu có): - Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: - Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 2. Chuyên gia đánh giá: - Họ và tên chuyên gia (chức danh khoa học, học vị): - Ngày nhận hồ sơ: ngày … tháng …… năm 201… 3. Đánh giá: A. Đánh giá báo cáo tổng hợp: Đạt: Báo cáo tổng hợp đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu; hoặc Báo cáo tổng hợp cần chỉnh sửa, bổ sung và có thể hoàn thiện □ Không đạt: Không thuộc 2 trường hợp trên □ B. Đánh giá về số lượng, khối lượng sản phẩm STT Tên sản phẩm Số lượng, khối lượng sản phẩm Ghi chú (Giải thích về kết quả đánh giá của chuyên gia) Theo đặt hàng Thực tế đạt được Đánh giá của chuyên gia Đạt Không đạt 1 Sản phẩm thứ 1 2 Sản phẩm thứ 2 … ….. C. Đánh giá về chất lượng sản phẩm STT Tên sản phẩm Chất lượng Ghi chú (Giải thích về kết quả đánh giá của chuyên gia) Theo đặt hàng Thực tế đạt được Đánh giá của chuyên gia Đạt Không đạt 1 Sản phẩm thứ 1 2 Sản phẩm thứ 2 … …… D. Đánh giá về chủng loại sản phẩm: Đạt: Khi số lượng chủng loại, vượt hoặc đủ theo đặt hàng □ Không đạt: Khi không đáp ứng đặt hàng □ E. Đánh giá về thời gian nộp hồ sơ: Nộp đúng hạn: □ Nộp chậm từ 30 ngày đến 06 tháng: □ Nộp chậm trên 06 tháng: □ 4. Xếp loại nhiệm vụ (đánh dấu X vào ô tương ứng phù hợp): • Đạt yêu cầu: đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau + Tất cả các tiêu chí về chất lượng, chủng loại sản phẩm ở mức đạt trở lên. + Ít nhất 3/4 tiêu chí về khối lượng, số lượng sản phẩm ở mức “Đạt” trở lên (những sản phẩm không đạt về khối lượng, số lượng thì vẫn phải đảm bảo đạt ít nhất 3/4 so với đặt hàng). + Báo cáo tổng hợp đạt mức “Đạt” trở lên □ • Không đạt: không thuộc hai trường hợp trên hoặc nộp hồ sơ chậm trên 06 tháng □ 5. Ý kiến đánh giá khác (nếu có): THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 6e PL6e-BBHĐ.KP 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày tháng năm 201…. BIÊN BẢN KIỂM PHIẾU 1. Thông tin chung về nhiệm vụ: - Tên nhiệm vụ: - Mã số nhiệm vụ (nếu có): - Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: - Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 2. Kết quả đánh giá: - Số phiếu phát ra: - Số phiếu thu về: - Số phiếu hợp lệ: - Số phiếu không hợp lệ: Họ và tên thành viên Hội đồng Kết quả đánh giá Ghi chú Đạt Không đạt Thành viên 1 …….. Tổng số: 3. Xếp loại nhiệm vụ (đánh dấu Ö vào ô tương ứng phù hợp): • Đạt: Nếu nhiệm vụ có ít nhất 3/4 thành viên hội đồng có mặt nhất trí đánh giá mức “Đạt”; □ • Không đạt: Nếu nhiệm vụ có nhiều hơn 1/3 số thành viên hội đồng có mặt đánh giá mức “Không đạt”. □ Thành viên ban kiểm phiếu (Họ, tên và chữ ký) Trưởng ban kiểm phiếu – (Họ, tên và chữ ký) Phụ lục 6g PL6g-BBHĐ.KQĐG 16/2015/TT-BVHTTDL BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KH&CN CẤP BỘ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- …………….., ngày tháng năm 201….. BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU CẤP BỘ I. Những thông tin chung 1. Tên nhiệm vụ: Mã số nhiệm vụ (nếu có): Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Cá nhân chủ nhiệm nhiệm vụ: 2. Quyết định thành lập Hội đồng và Tổ chuyên gia (nếu có) Số: /QĐ- ngày …/…./201… của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 3. Địa điểm và thời gian họp Hội đồng: - Địa điểm: - Thời gian: 4. Số thành viên Hội đồng có mặt trên tổng số thành viên: Vắng mặt: người, gồm: 5. Khách mời tham dự họp Hội đồng TT Đơn vị công tác Họ và tên 1 2 II. Nội dung làm việc của HHội đồng Sau khi Ông/Bà ........................................đại diện cơ quan nghiệm thu công bố quyết định thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu, danh sách các thành viên hội đồng và giới thiệu các đại biểu tham dự phiên họp, 1. Chủ tịch (hoặc phó Chủ tịch) điều khiển phiên họp hội đồng: - Thông qua chương trình làm việc của hội đồng; - Bầu ……….. ……….. ……….. là thư ký khoa học - Cử .……….. ……….. ……….. là thành viên ban kiểm phiếu; 2. Hội đồng đã nghe chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo các sản phẩm khoa học và tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. 3. Hội đồng đã trao đổi nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ; 4. Chủ nhiệm nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng; cung cấp thông tin, giải trình và bảo vệ kết quả tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. 5. Hội đồng họp riêng: 5.1. Hội đồng đã nghe: - Báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia (nếu có); - Phiếu nhận xét của ủy viên phản biện; - Phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có). 5.2. Hội đồng đã trao đổi, thảo luận: - Hội đồng đã nêu câu hỏi đối với các ủy viên phản biện và thành viên tổ chuyên gia về từng chỉ tiêu đánh giá đã được quy định. - Trên cơ sở đã xem xét, nghiên cứu toàn bộ hồ sơ đánh giá và các tài liệu, văn bản liên quan; kết quả đo đạc kiểm định lại những thông số kỹ thuật (nếu có); Hội đồng đã tham khảo Báo cáo thẩm định của Tổ chuyên gia (nếu có) và các Phiếu nhận xét đánh giá của các ủy viên phản biện; trao đổi thảo luận, nhận định về các kết quả của nhiệm vụ theo từng nội dung theo quy định; Hội đồng đã thực hiện đánh giá kết quả của nhiệm vụ theo mẫu. 5.3. Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá. Kết quả kiểm phiếu đánh giá được trình bày trong biên bản kiểm phiếu gửi kèm theo. 6. Kết luận của Hội đồng về các nội dung đánh giá: 6.1. Về mức độ đáp ứng được yêu cầu số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm theo đặt hàng và hợp đồng NCKH của các kết quả thực hiện nhiệm vụ: a) Về chủng loại sản phẩm so với đặt hàng: b) Về số lượng, khối lượng sản phẩm so với đặt hàng: c) Về sản phẩm khoa học đạt vượt hợp đồng; những đóng góp khoa học mới của nhiệm vụ (nếu có): 6.2. Về chất lượng sản phẩm và giá trị khoa học, giá trị thực tiễn của các kết quả thực hiện nhiệm vụ 6.3. Kết quả đánh giá xếp loại chung của nhiệm vụ: a) Kết quả đánh giá, xếp loại của Hội đồng ở mức sau (đánh Ö vào ô tương ứng): □ Đạt □ Không đạt b) Phần luận giải của hội đồng khoa học về kết quả đánh giá, xếp loại (chọn Ö vào ô tương ứng và luận giải): □ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được xếp loại “đạt” bởi những lý do cụ thể dưới đây: □ Kết quả thực hiện nhiệm vụ được xếp loại “không đạt” bởi những lý do cụ thể dưới đây: - - Những nội dung đã thực hiện và chưa thực hiện theo hợp đồng: - - 6.4. Kiến nghị của Hội đồng: a) Chủ nhiệm nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo tóm tắt ở những vấn đề sau (nếu có): b) Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiệm thu các sản phẩm dưới đây: Danh mục sản phẩm khoa học đáp ứng được yêu cầu đặt hàng và hợp đồng: STT Tên sản phẩm Ghi chú c) Chuyển giao, sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ: (nêu cụ thể cơ quan, địa chỉ áp dụng, sử dụng từng kết quả thực hiện nhiệm vụ) d) Công bố, xuất bản kết quả thực hiện nhiệm vụ: đ) Không công bố, xuất bản kết quả thực hiện nhiệm vụ: Biên bản họp hội đồng được thông qua với sự thống nhất của các thành viên Hội đồng dự họp vào ........ ngày ..... tháng ..... năm.... THƯ KÝ KHOA HỌC HỘI ĐỒNG (Họ, tên và chữ ký) CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG (Họ, tên và chữ ký) CHI TIẾT Ý KIẾN CỦA TỪNG THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG KH&CN ĐÁNH GIÁ, NGHIỆM THU CẤP BỘ THƯ KÝ KHOA HỌC HỘI ĐỒNG (Họ, tên và chữ ký) 1 Trình bày và in trên khổ giấy A4 2 Một (01) tháng quy đổi là tháng làm việc gồm 22 ngày, mỗi ngày làm việc gồm 8 tiếng 2 Một (01) tháng quy đổi là tháng làm việc gồm 22 ngày, mỗi ngày làm việc gồm 8 tiếng 3 Trình bày và in ra trên khổ giấy A4. 4 Nhà khoa học không thuộc tổ chức KH&CN nào thì không cần làm thủ tục xác nhận này.
{ "issuing_agency": "Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch", "promulgation_date": "25/12/2015", "sign_number": "16/2015/TT-BVHTTDL", "signer": "Hoàng Tuấn Anh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Thong-tu-32-2022-TT-BNNPTNT-sua-doi-Thong-tu-tham-dinh-co-so-san-xuat-thuc-pham-nong-lam-san-549083.aspx
Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư thẩm định cơ sở sản xuất thực phẩm nông lâm sản mới nhất
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 32/2022/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ THÔNG TƯ QUY ĐỊNH THẨM ĐỊNH, CHỨNG NHẬN CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM NÔNG, LÂM, THỦY SẢN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007; Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường; Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT- BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi là Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT) như sau: 1. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 10 như sau: “b. Đã tham gia khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực thẩm định hoặc khóa đào tạo thẩm định”. 2. Sửa đổi Điều 11 như sau: “Điều 11. Phí Việc thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phí thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí”. 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 17 như sau: “3. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm. Đối với thành phần hồ sơ quy định tại các điểm b, d và đ khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm, cơ sở gửi khi nộp hồ sơ hoặc cung cấp cho Đoàn thẩm định khi đến thẩm định thực tế tại cơ sở.” 4. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm. 5. Cấp lại Giấy chứng nhận ATTP theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật An toàn thực phẩm.” 4. Sửa đổi Điều 18 như sau: “Điều 18. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm 1. Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận. 2. Đối tượng được cấp Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, gồm: a) Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh: Chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở thuê, ủy quyền điều hành trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản của cơ sở; b) Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh: Người tham gia trực tiếp vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tại các cơ sở.” 5. Sửa đổi khoản 5 Điều 24 như sau: “5. Nộp phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phí thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.” 6. Bãi bỏ, bổ sung, thay thế một số khoản, phụ lục của Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT như sau: a) Bãi bỏ khoản 7 Điều 17; b) Bãi bỏ Phụ lục V, Phụ lục VI; c) Bổ sung Biên bản thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất muối (BB2.8) tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; d) Thay thế Biên bản thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản (BB 1.3 Phụ lục II của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTT) bằng mẫu BB1.3 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Biên bản thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở chế biến muối, muối I ốt - Muối thực phẩm (BB 2.6 Phụ lục III của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT) bằng mẫu BB 2.6 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Biên bản thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở kinh doanh muối, muối I ốt - Muối thực phẩm (BB 2.7 Phụ lục III của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT) bằng mẫu BB 2.7 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2013/TT- BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu (sau đây gọi là Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT) như sau: 1. Sửa đổi Điều 1 như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Hồ sơ, thủ tục thẩm định điều kiện ATTP để đưa cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thủy sản (sau đây gọi là Cơ sở) vào Danh sách xuất khẩu sang quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lô hàng được cấp giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu bởi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (sau đây gọi là Danh sách xuất khẩu); cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận ATTP) theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm. 2. Hồ sơ, thủ tục thẩm định, cấp giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu (sau đây gọi là Chứng thư) theo yêu cầu của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu.” 2. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 2 như sau: “a) Cơ sở có xuất khẩu sang quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lô hàng được cấp chứng thư bởi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản;” 3. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 2 như sau: “a) Cơ sở chỉ tiêu thụ nội địa; cơ sở xuất khẩu sang quốc gia, vùng lãnh thổ không yêu cầu lô hàng được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp chứng thư;” 4. Sửa đổi Điều 5 như sau: “Điều 5. Cơ quan thẩm định Cơ quan thẩm định, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận ATTP và cơ quan thẩm định, cấp Chứng thư: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục (sau đây gọi là Cơ quan thẩm định).” 5. Sửa đổi tên Điều 6 như sau: “Điều 6. Yêu cầu đối với kiểm tra viên, trưởng đoàn thẩm định” 6. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 6 như sau: “b. Đã tham gia khóa đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực thẩm định hoặc khóa đào tạo thẩm định;” 7. Sửa đổi Điều 9 như sau: “Điều 9. Phí Việc thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận ATTP đối với Cơ sở, phí thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP, phí thẩm định cấp Chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu quy định tại Thông tư này được thực hiện theo quy định hiện hành.” 8. Sửa đổi tên Chương II như sau: “Chương II. THẨM ĐỊNH ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM” 9. Sửa đổi Điều 10 như sau: “Điều 10. Hồ sơ đăng ký và báo cáo thay đổi thông tin 1. Đối với thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung Danh sách xuất khẩu, hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật An toàn thực phẩm, cụ thể: a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu tại Phụ lục I; Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo biểu tương ứng tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; b) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận; Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp. 2. Đối với cơ sở có kết quả thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung vào Danh sách xuất khẩu không đạt, cơ sở báo cáo kết quả khắc phục các sai lỗi theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Đối với các trường hợp thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này, cơ sở gửi báo cáo thay đổi thông tin theo biểu tương ứng tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Cơ sở gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký cho Cơ quan thẩm định bằng một trong các hình thức như: Gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; thư điện tử hoặc đăng ký trực tuyến. Hồ sơ nêu tại điểm b khoản 1 Điều này, cơ sở gửi khi nộp hồ sơ hoặc cung cấp cho đoàn thẩm định khi đến thẩm định thực tế tại cơ sở.” 10. Sửa đổi Điều 11 như sau: “Điều 11. Xử lý hồ sơ 1. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Cơ sở, Cơ quan thẩm định phải thẩm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, hướng dẫn Cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định. 2. Cơ quan thẩm định thông báo cho Cơ sở thời điểm dự kiến tiến hành thẩm định tại Cơ sở nhưng không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.” 11. Sửa đổi Điều 12 như sau: “Điều 12. Các hình thức thẩm định 1. Thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung Danh sách xuất khẩu: a) Thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP: áp dụng đối với cơ sở không thuộc khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và chưa có Giấy chứng nhận ATTP; cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP; cơ sở có Giấy chứng nhận ATTP nhưng còn hiệu lực ít hơn 06 tháng; có thay đổi thông tin trong Giấy chứng nhận ATTP do có thay đổi hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở; b) Thẩm định bổ sung Danh sách xuất khẩu: áp dụng đối với cơ sở không thuộc điểm a khoản 1 Điều này và chưa có tên trong Danh sách xuất khẩu. 2. Thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP: áp dụng đối với cơ sở đã có tên trong Danh sách xuất khẩu trong các trường hợp: a) Cơ sở bổ sung thị trường xuất khẩu có yêu cầu phải lập danh sách; sửa chữa, nâng cấp điều kiện bảo đảm ATTP: thẩm định sau khi cơ sở gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này. b) Cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều này: thẩm định không báo trước với tần suất: Cơ sở hạng 1, hạng 2: 01 lần trong 18 tháng; cơ sở hạng 3: 01 lần trong 12 tháng.” 12. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 14 như sau: “d) Lấy mẫu phân tích đánh giá hiệu quả kiểm soát điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.” 13. Sửa đổi Điều 17 như sau: “Điều 17. Xử lý kết quả thẩm định Trong thời hạn 06 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thẩm định, Cơ quan thẩm định thẩm tra Biên bản thẩm định và thực hiện như sau: 1. Trường hợp thẩm định cấp Giấy chứng nhận ATTP, bổ sung Danh sách xuất khẩu: a) Đối với Cơ sở có kết quả đạt (hạng 1, hạng 2 và hạng 3): thông báo kết quả; cấp mã số theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; bổ sung vào Danh sách xuất khẩu, tổng hợp để đề nghị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu bổ sung vào Danh sách cơ sở được phép xuất khẩu sang thị trường tương ứng; cấp Giấy chứng nhận ATTP theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này đối với cơ sở không thuộc diện miễn cấp theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. b) Đối với Cơ sở có kết quả không đạt (hạng 4): thông báo kết quả, yêu cầu Cơ sở thực hiện và gửi Báo cáo kết quả khắc phục sai lỗi; thu hồi Giấy chứng nhận ATTP còn hiệu lực (nếu có). 2. Trường hợp thẩm định đánh giá định kỳ điều kiện ATTP: a) Đối với Cơ sở có kết quả đạt (hạng 1, hạng 2 và hạng 3): thông báo kết quả; tổng hợp để đề nghị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cập nhật thông tin (nếu cần thiết); b) Đối với cơ sở có kết quả không đạt (hạng 4): thông báo kết quả, yêu cầu Cơ sở thực hiện và báo cáo kết quả khắc phục các sai lỗi, thu hồi Giấy chứng nhận ATTP còn hiệu lực (nếu có). 3. Trường hợp có lấy mẫu kiểm nghiệm để đánh giá hiệu quả kiểm soát điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất: a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm nghiệm không đáp ứng quy định, Cơ quan thẩm định gửi thông báo yêu cầu Cơ sở thực hiện khắc phục. Tùy theo mức độ sai lỗi của Cơ sở, Cơ quan thẩm định quyết định thời hạn khắc phục và tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá lại. b) Trường hợp kết quả kiểm nghiệm mẫu đánh giá lại không đáp ứng quy định, Cơ quan thẩm định quyết định thanh tra đột xuất điều kiện bảo đảm ATTP của Cơ sở.” 14. Sửa đổi khoản 1 Điều 18 như sau: “1. Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận ATTP trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm.” 15. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 19 như sau: “c) Cơ sở có đề nghị thay đổi thông tin về tên, địa chỉ của cơ sở trong Giấy chứng nhận ATTP và không thay đổi về hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.” 16. Sửa đổi khoản 1 Điều 20 như sau: “1. Chương trình bao gồm các hoạt động thẩm định, cấp Chứng thư cho thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Cơ quan thẩm quyền có yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thẩm định, cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu theo Danh mục quốc gia, vùng lãnh thổ nêu tại Phụ lục IX kèm theo Thông tư này.” 17. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 20 như sau: “a) Đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam;” 18. Sửa đổi Điều 21 như sau: “Điều 21. Danh sách xuất khẩu 1. Theo quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc thỏa thuận với Cơ quan thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lập và cập nhật Danh sách xuất khẩu theo từng thị trường đối với các Cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu tại khoản Điều 20 Thông tư này. 2. Cơ sở bị đưa ra khỏi Danh sách xuất khẩu trong các trường hợp sau: a) Cơ sở có văn bản đề nghị rút tên khỏi Danh sách xuất khẩu; b) Cơ sở không tiếp tục đáp ứng tiêu chí tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này hoặc Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị đưa tên ra khỏi danh sách xuất khẩu tương ứng.” 19. Sửa đổi khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 22 như sau: “2. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lập danh sách ưu tiên đối với các Cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây tính đến thời điểm xem xét: a) Cơ sở có tên trong Danh sách xuất khẩu; b) Cơ sở được phân loại điều kiện bảo đảm ATTP hạng 1, hạng 2; c) Có ít nhất 5 lô hàng xuất khẩu và không bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về ATTP trong thời gian tối thiểu 03 tháng kể từ ngày được xếp hạng 1, 2. 3. Cơ sở bị đưa ra khỏi danh sách ưu tiên trong các trường hợp sau: a) Cơ sở không duy trì điều kiện bảo đảm ATTP, bị xuống hạng 3 hoặc hạng 4; b) Cơ sở không được cấp Chứng thư theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 26 Thông tư này; c) Cơ sở có lô hàng xuất khẩu bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện không bảo đảm ATTP đối với các chỉ tiêu: vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh; tồn dư chất ô nhiễm môi trường, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, độc tố sinh học, chất gây dị ứng; d) Cơ sở bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ sản xuất; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận ATTP có thời hạn theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. 4. Cơ sở được đưa trở lại danh sách ưu tiên: a) Đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a, b khoản 2 Điều này; b) Cơ sở có lô hàng xuất khẩu và không có thêm lô hàng bị cảnh báo về ATTP sau thời gian tối thiểu 3 tháng kể từ ngày hoàn thành việc báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và thực hiện hành động khắc phục được Cơ quan thẩm định chấp thuận đạt yêu cầu hoặc kể từ sau ngày chấp hành xong Quyết định đình chỉ sản xuất hoặc biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cơ sở nêu tại điểm d khoản 3 Điều này.” 20. Sửa đổi khoản 1 Điều 25 như sau: “1. Lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư theo mẫu của thị trường nhập khẩu tương ứng và chứng thư theo mẫu của quốc gia lô hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất (nếu có yêu cầu) có nội dung phù hợp, thống nhất với chứng thư của thị trường nhập khẩu.” 21. Sửa đổi Điều 26 như sau: “Điều 26. Cơ sở không được cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu 1. Cơ quan thẩm định không cấp Chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại các Cơ sở sau: a) Cơ sở bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu thông báo tạm dừng nhập khẩu hoặc bị áp dụng biện pháp dừng cấp chứng thư, tạm dừng xuất khẩu theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành biện pháp quản lý trên cơ sở có yêu cầu của thị trường nhập khẩu; b) Cơ sở có kết quả thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm xếp hạng 4; c) Cơ sở bị tạm đình chỉ sản xuất theo quy định tại Điều 30, Điều 33 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc các quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về chất lượng, an toàn thực phẩm. 2. Cơ sở nêu tại khoản 1 Điều này tiếp tục được cấp Chứng thư khi đáp ứng các điều kiện sau: a) Cơ sở đã thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của Cơ quan thẩm định và được Cơ quan thẩm định thẩm tra và xác nhận hiệu quả của các biện pháp khắc phục đã thực hiện, đồng thời được Cơ quan thẩm quyền quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu dỡ bỏ tạm dừng nhập khẩu; b) Đối với cơ sở nêu tại điểm b khoản 1 Điều này phải có kết quả thẩm định ATTP đạt yêu cầu; c) Cơ sở chấp hành xong Quyết định đình chỉ sản xuất hoặc biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều này. 22. Sửa đổi điểm c, điểm d khoản 1 Điều 27 như sau: “c) Tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra: Được xác định dựa trên phân loại điều kiện bảo đảm ATTP; lịch sử bảo đảm ATTP; mức nguy cơ của sản phẩm; quy mô, công suất hoặc sản lượng sản xuất của Cơ sở theo quy định tại Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ hoặc theo quy định mới của thị trường nhập khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn điều chỉnh, cập nhật nội dung quy định tại Phụ lục X cho phù hợp; d) Vị trí lấy mẫu: Tại dây chuyền sản xuất, kho bảo quản sản phẩm của cơ sở sản xuất hoặc kho bảo quản khác đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định thị trường nhập khẩu tương ứng.” 23. Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 1 Điều 28 như sau: “a) Trong thời hạn 2 ngày kể từ khi lô hàng hoàn thành thủ tục thông quan để xuất khẩu hoặc căn cứ theo quy định của thị trường nhập khẩu về ngày ban hành chứng thư, Chủ hàng phải đăng ký cấp Chứng thư theo mẫu tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này; b) Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký đến Cơ quan thẩm định bằng một trong các hình thức như: Gửi trực tiếp; gửi theo đường bưu điện; thư điện tử (sau đó gửi bản chính) hoặc đăng ký trực tuyến;” 24. Sửa đổi khoản 2 Điều 28 như sau: “2. Thẩm định, cấp chứng thư: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin, Cơ quan thẩm định tiến hành thẩm định, cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu, Chứng thư cho lô hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất theo mẫu tương ứng (khi có yêu cầu), có nội dung phù hợp, thống nhất với chứng thư của thị trường nhập khẩu trên cơ sở rà soát kết quả thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm nêu tại Điều 27 Thông tư này hoặc xác nhận nội dung và nêu rõ lý do không đủ điều kiện cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu trong Giấy đăng ký cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu.” 25. Sửa đổi khoản 3 Điều 29 như sau: “3. Chủ hàng gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký thẩm định đến Cơ quan thẩm định bằng một trong các hình thức như: Gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc thư điện tử (sau đó gửi bản chính) hoặc đăng ký trực tuyến.” 26. Sửa đổi khoản 1 Điều 30 như sau: “1. Cơ quan thẩm định cử kiểm tra viên thực hiện thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày Chủ hàng đề nghị hoặc theo thời gian đã được thống nhất giữa Chủ hàng và Cơ quan thẩm định.” 27. Sửa đổi khoản 3 Điều 31 như sau: “3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo giải trình của Cơ sở, Cơ quan thẩm định thẩm tra các nội dung báo cáo và có văn bản thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở. Trường hợp cần thẩm tra thực tế, Cơ quan thẩm định thực hiện và thông báo kết quả tới Cơ sở trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Cơ sở.” 28. Sửa đổi Điều 32 như sau: “Điều 32. Thẩm định, cấp chứng thư 1. Trong thời hạn 02 ngày kể từ khi lô hàng hoàn thành thủ tục thông quan để xuất khẩu hoặc căn cứ theo quy định của thị trường nhập khẩu về ngày ban hành chứng thư, Chủ hàng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết trong mẫu Chứng thư theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu cho Cơ quan thẩm định để cấp Chứng thư. Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ thông tin, Cơ quan thẩm định cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu, Chứng thư cho lô hàng quá cảnh, tạm nhập, tái xuất theo mẫu tương ứng (khi có yêu cầu) nếu kết quả thẩm định, kiểm nghiệm của lô hàng đạt yêu cầu. Trường hợp lô hàng thủy sản sống, tươi ướp đá, Cơ quan thẩm định được phép cấp chứng thư cho lô hàng trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm và thực hiện xử lý kết quả kiểm nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư này. 2. Sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày thẩm định, nếu Chủ hàng không cung cấp đầy đủ thông tin cho Cơ quan thẩm định để thẩm định, cấp Chứng thư, Chủ hàng phải thực hiện đăng ký thẩm định theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.” 29. Sửa đổi Điều 33 như sau: “Điều 33. Cấp lại Chứng thư 1. Khi Chứng thư đã cấp bị thất lạc, hư hỏng hoặc có thay đổi thông tin (trừ các thay đổi về định danh sản phẩm, khối lượng, quy cách sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của lô hàng, nội dung đã thẩm định, chứng nhận về chất lượng, an toàn thực phẩm/an toàn bệnh thủy sản trong chứng thư đã cấp) hoặc có đề nghị của Cơ quan thẩm quyền quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập, tái xuất, Chủ hàng có văn bản đề nghị cấp lại Chứng thư trong đó nêu rõ lý do gửi Cơ quan thẩm định bằng một trong các hình thức như: Gửi trực tiếp, gửi theo đường bưu điện; hoặc thư điện tử. 2. Cơ quan thẩm định cấp lại Chứng thư trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ hàng hoặc có bằng văn bản từ chối cấp lại, nêu rõ lý do gửi Chủ hàng. 3. Chứng thư cấp lại có nội dung chứng nhận thông tin định danh sản phẩm, khối lượng, quy cách sản phẩm, truy xuất nguồn gốc của lô hàng chính xác với nội dung của Chứng thư đã cấp; được đánh số mới theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này và có ghi chú: "Chứng thư này thay thế cho Chứng thư số …, cấp ngày …” hoặc được ghi chú theo quy định của thị trường nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập, tái xuất.” 30. Sửa đổi Điều 35 như sau: “Điều 35. Giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận 1. Cơ quan thẩm định thực hiện giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận thông qua các hoạt động sau: a) Phối hợp làm việc với Cơ quan Hải quan; b) Kết hợp thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở; thẩm định, chứng nhận lô hàng xuất khẩu; thẩm tra, đánh giá hoạt động truy xuất, điều tra xác định nguyên nhân, thiết lập và thực hiện biện pháp khắc phục đối với cơ sở có sản phẩm, lô hàng bị phát hiện không bảo đảm ATTP; c) Thẩm tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2. Nội dung giám sát: Xem xét sự nhất quán thông tin, tài liệu, hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, quá trình sản xuất, chế biến của lô hàng sau khi được thẩm định, chứng nhận so với khai báo của chủ hàng, thông tin thực tế lô hàng đã xuất khẩu hoặc lô hàng tại điểm tập kết, chờ xuất khẩu. 3. Trường hợp phát hiện vi phạm, Cơ quan thẩm định xem xét, lập biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính gửi người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của pháp luật, đồng thời có văn bản hủy bỏ hiệu lực Chứng thư (đã cấp) gửi các bên có liên quan.” 31. Sửa đổi Điều 36 như sau: “Điều 36. Xử lý trường hợp lô hàng bị cảnh báo 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi có thông tin cảnh báo chính thức của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu, Cơ quan thẩm định có văn bản yêu cầu Cơ sở một số nội dung sau: a) Thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện hành động khắc phục; báo cáo gửi Cơ quan thẩm định theo mẫu nêu tại Phụ lục XVII kèm theo Thông tư này. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn (đối với trường hợp thu hồi) theo quy định của Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; b) Tạm dừng xuất khẩu vào các nước nhập khẩu tương ứng trong trường hợp có yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu hoặc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; c) Chấp hành chế độ lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu vi phạm và chịu sự giám sát việc thực hiện hành động khắc phục bởi Cơ quan thẩm định đối với từng lô hàng xuất khẩu của sản phẩm/nhóm sản phẩm tương tự vi phạm được sản xuất tại Cơ sở cho đến khi Cơ quan thẩm định có văn bản chấp thuận báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của Cơ sở. 2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục của Cơ sở, Cơ quan thẩm định thẩm tra các nội dung báo cáo và có văn bản thông báo kết quả thẩm tra tới Cơ sở. Trường hợp thẩm tra thực tế, Cơ quan thẩm định thực hiện và thông báo kết quả tới Cơ sở trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của Cơ sở.” 32. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 37 như sau: “a) Đăng ký với Cơ quan thẩm định theo quy định tại Thông tư này để được thẩm định ATTP; chấp hành việc thẩm định theo kế hoạch của Cơ quan thẩm định;” 33. Sửa đổi Điều 39 như sau: “Điều 39. Kiểm tra viên thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP 1. Trách nhiệm: a) Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp, căn cứ thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP đối với Cơ sở theo quy định tại Thông tư này; b) Bảo mật các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh của Cơ sở đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và không phân biệt đối xử khi thực hiện nhiệm vụ; c) Không yêu cầu các nội dung ngoài quy định gây sách nhiễu, phiền hà cho Cơ sở; d) Chấp hành sự phân công của trưởng đoàn thẩm định và thủ trưởng Cơ quan thẩm định; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định trước thủ trưởng Cơ quan thẩm định và trước pháp luật. 2. Quyền hạn: a) Yêu cầu Cơ sở cung cấp hồ sơ, tài liệu, mẫu vật (nếu có) phục vụ cho công tác thẩm định; b) Ra vào nơi sản xuất, bảo quản, kho hàng; xem xét hồ sơ, lấy mẫu, chụp ảnh, sao chép, ghi chép các thông tin cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ thẩm định; c) Lập biên bản, đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý trong trường hợp Cơ sở, vi phạm các quy định có liên quan đến bảo đảm ATTP; d) Bảo lưu ý kiến cá nhân và báo cáo với thủ trưởng Cơ quan thẩm định trong trường hợp chưa nhất trí với ý kiến kết luận của trưởng đoàn thẩm định nêu tại điểm b khoản 2 Điều 40 Thông tư này.” 34. Bổ sung Điều 39a như sau: “Điều 39a. Kiểm tra viên thẩm định, chứng nhận chất lượng, ATTP 1. Trách nhiệm: a) Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp thẩm định, lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng đăng ký xuất khẩu theo quy định tại Thông tư này; b) Bảo mật các thông tin liên quan đến sản xuất, kinh doanh của Cơ sở đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và không phân biệt đối xử khi thực hiện nhiệm vụ; c) Không yêu cầu các nội dung ngoài quy định gây sách nhiễu, phiền hà cho Cơ sở; d) Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định trước thủ trưởng Cơ quan thẩm định và trước pháp luật. 2. Quyền hạn: a) Yêu cầu Chủ hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu, mẫu vật (nếu có) phục vụ cho công tác thẩm định, lấy mẫu phục vụ cho hoạt động chứng nhận; b) Ra vào nơi sản xuất, bảo quản, kho hàng; xem xét hồ sơ, lấy mẫu, chụp ảnh, sao chép, ghi chép các thông tin cần thiết để phục vụ cho nhiệm vụ thẩm định; c) Lập biên bản, đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý trong trường hợp chủ hàng, cơ sở sản xuất có vi phạm các quy định có liên quan đến chất lượng, ATTP; d) Từ chối thực hiện thẩm định trong trường hợp chủ hàng, cơ sở sản xuất không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 38 Thông tư này.” 35. Sửa đổi Điều 40 như sau: “Điều 40. Trưởng đoàn thẩm định 1. Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, trưởng đoàn thẩm định có các trách nhiệm như một kiểm tra viên nêu tại khoản 1 Điều 39 Thông tư này và các trách nhiệm khác như sau: a) Điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đoàn thẩm định để thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định thành lập đoàn thẩm định; b) Xử lý các ý kiến, kết quả thẩm định của các thành viên trong đoàn thẩm định và đưa ra kết luận cuối cùng tại biên bản thẩm định; c) Rà soát, ký biên bản thẩm định, báo cáo kết quả thẩm định, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng Cơ quan thẩm định và trước pháp luật về kết quả đã được đoàn thẩm định thực hiện. 2. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, trưởng đoàn thẩm định có các quyền hạn như một kiểm tra viên nêu tại khoản 2 Điều 39 Thông tư này và các quyền hạn khác như sau: a) Đề xuất với thủ trưởng Cơ quan thẩm định ban hành quyết định điều chỉnh thành viên đoàn thẩm định để thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định thành lập đoàn thẩm định; b) Đưa ra kết luận cuối cùng của đoàn thẩm định về kết quả thẩm định.” 36. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 41 như sau: “b) Tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm tra viên về thẩm xét hồ sơ, thẩm định Cơ sở, cấp Giấy chứng nhận ATTP; thẩm định, cấp Chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu;” 37. Sửa đổi một số cụm từ như sau: a) Thay thế cụm từ “kiểm tra” bằng cụm từ “thẩm định” tại các điểm, khoản, điều và Phụ lục sau: điểm b khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 2; khoản 3 Điều 3; Điều 4; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 6; Điều 13; Điều 14; Điều 15; tên Chương III; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 23; khoản 1 Điều 29; Điều 30; Điều 31; Điều 37; Điều 38; Điều 41; Điều 42; Điều 43; biểu mẫu 5b-1, 5b-2, 5b-3, 5b-4, 5b-5, 5b-6, 5b-7, 5b-8 ban hành kèm theo Phụ lục V của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT; b) Thay thế cụm từ “cơ quan kiểm tra, chứng nhận” bằng cụm từ “cơ quan thẩm định” tại các điểm, khoản, điều, phụ lục sau: khoản 1 Điều 13; điểm e khoản 1 Điều 15; khoản 6 Điều 22; khoản 1, khoản 2 Điều 23; điểm c khoản 3 Điều 24; khoản 2, khoản 3 Điều 27; khoản 5 Điều 29; khoản 1, khoản 2 Điều 31; Điều 34; điểm đ khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 37; Điều 38; điểm c khoản 2 Điều 41; Điều 42; điểm c khoản 1 Điều 43; Phụ lục VIII, XV, XVI của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT; c) Bãi bỏ cụm từ “lệ phí” tại điểm g khoản 1 Điều 37; d) Bãi bỏ cụm từ “kiểm tra sau khi cấp Giấy chứng nhận ATTP” tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 41; đ) Thay thế cụm từ “hướng dẫn, kiểm tra, thẩm định và đánh giá phân loại” bằng cụm từ “hướng dẫn thẩm định điều kiện ATTP” tại Phụ lục V, biểu mẫu 5b-1, 5b-2, 5b-3, 5b-4, 5b-5, 5b-6, 5b-7, 5b-8 ban hành kèm theo Phụ lục V của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT. 38. Thay thế Phụ lục I bằng Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục II bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục III bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục IV bằng Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục VI bằng Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục VII bằng Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục IX bằng Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục X bằng Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục XI bằng Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục XII bằng Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục XIII bằng Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này; Phụ lục XVII bằng Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 3. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023. 2. Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 quy định về kiểm tra, chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu; Thông tư số 16/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. 3. Hồ sơ đăng ký thẩm định, chứng nhận ATTP; thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản gửi trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ. 4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu, áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới tương ứng thì áp dụng theo các văn bản mới đó. 5. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) để xem xét, quyết định./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Công báo Chính phủ; Cổng TTĐT Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL); - UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Bộ NN&PTNT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng; các đơn vị thuộc Bộ; Cổng thông tin điện tử Bộ; - Lưu: VT, QLCL. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Thanh Nam FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "30/12/2022", "sign_number": "32/2022/TT-BNNPTNT", "signer": "Trần Thanh Nam", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Thong-tu-25-2018-TT-BNNPTNT-trinh-tu-thu-tuc-danh-gia-rui-ro-cap-phep-nhap-khau-thuy-san-song-404676.aspx
Thông tư 25/2018/TT-BNNPTNT trình tự thủ tục đánh giá rủi ro cấp phép nhập khẩu thủy sản sống mới nhất
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 25/2018/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2018 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ RỦI RO, CẤP PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn nội dung quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 98 Luật Thủy sản về trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, nhập khẩu, vận chuyển, nuôi giữ, chế biến, sử dụng thủy sản sống nhập khẩu chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam dùng làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Thủy sản sống là loài động vật thủy sản, rong, tảo có khả năng sinh trưởng, phát triển. 2. Đánh giá rủi ro thủy sản sống là hoạt động xác định những rủi ro và tác động bất lợi có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học, khả năng lây nhiễm bệnh dịch cho thủy sản bản địa và con người. Điều 4. Các trường hợp cấp phép nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam 1. Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp phải đánh giá rủi ro: Thủy sản sống lần đầu nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí. 2. Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp không phải đánh giá rủi ro: a) Thủy sản sống nhập khẩu để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí đã được đánh giá rủi ro; b) Thủy sản sống nhập khẩu để nghiên cứu khoa học; c) Thủy sản sống nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm. Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp phải đánh giá rủi ro 1. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp phép theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản chính bản thuyết minh đặc tính sinh học của thủy sản sống nhập khẩu theo Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; c) Bản chính Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Trình tự cấp phép: a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản theo hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc theo cơ chế một cửa quốc gia, dịch vụ công trực tuyến (nếu có); b) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Thủy sản xem xét tính đầy đủ của hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Tổng cục Thủy sản thông báo bằng văn bản cho tổ chức cá nhân; c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản thẩm định hồ sơ; nếu hồ sơ không hợp lệ, Tổng cục Thủy sản thông báo bằng văn bản cho tổ chức cá nhân và nêu rõ lý do; d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản tổ chức thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định tại Chương III Thông tư này, cấp Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống kèm theo Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu được phê duyệt theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp phép nhập khẩu, Tổng cục Thủy sản trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do; đ) Tổng cục Thủy sản trả Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống trực tiếp tại nơi nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ chế một cửa quốc gia. Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu thủy sản sống đối với trường hợp không phải đánh giá rủi ro 1. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thủy sản sống để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp phép theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; b) Bản chính Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; c) Bản chính Báo cáo kết quả nhập khẩu, nuôi giữ theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, bản sao chụp biên bản kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản theo Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản sống từ lần thứ hai trở đi). 2. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thủy sản sống để nghiên cứu khoa học bao gồm: a) Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này; b) Bản chính đề cương nghiên cứu khoa học đã được cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học hoặc cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. 3. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thủy sản sống để trưng bày tại hội chợ, triển lãm bao gồm: a) Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; b) Bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ chứng minh về việc tham gia hội chợ, triển lãm và phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm theo Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 4. Trình tự cấp phép nhập khẩu: a) Thực hiện theo quy định tại điểm a, b và điểm đ khoản 2 Điều 5 Thông tư này; b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thủy sản cấp Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống kèm theo Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống được phê duyệt (đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư này) hoặc phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm được phê duyệt (đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư này) theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 7. Hiệu lực giấy phép nhập khẩu thủy sản sống 1. Hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học căn cứ trên đề xuất của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc kết quả đánh giá rủi ro nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp. 2. Hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống để trưng bày tại hội chợ, triển lãm căn cứ trên đề xuất của tổ chức, cá nhân và kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm nhưng không quá thời điểm kết thúc hội chợ, triển lãm. Chương III NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ RỦI RO THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU Điều 8. Nội dung đánh giá rủi ro thủy sản sống nhập khẩu 1. Đáp ứng quy định liên quan đến an toàn thực phẩm đối với nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm. 2. Khả năng tồn tại, sinh trưởng, phát triển trong điều kiện môi trường Việt Nam và khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa. 3. Khả năng trở thành loài xâm hại, có nguy cơ xâm hại, khả năng tái tạo quần đàn trong điều kiện môi trường Việt Nam. 4. Khả năng tạp giao giữa loài thủy sản sống nhập khẩu với loài thủy sản bản địa trong điều kiện tự nhiên. 5. Nguy cơ phát sinh, phát tán mầm bệnh cho thủy sản bản địa, con người. Điều 9. Phương pháp đánh giá rủi ro thủy sản sống nhập khẩu 1. Nhận diện, phân loại mối nguy có khả năng gây ra rủi ro. 2. Xác định mức độ rủi ro, hậu quả có nguy cơ xảy ra trên thực tế khi nhập khẩu thủy sản sống. 3. Đánh giá rủi ro dựa trên: Các quy định pháp lý có liên quan của Việt Nam; các công trình khoa học có liên quan đến thủy sản sống nhập khẩu được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín của Việt Nam, nước ngoài (tài liệu được cấp mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ hoặc mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách, tài liệu công bố chính thức của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc hoặc các tài liệu có giá trị tương đương); hồ sơ do tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá rủi ro cung cấp. Điều 10. Thành lập hội đồng đánh giá rủi ro thủy sản sống nhập khẩu 1. Thành lập hội đồng: a) Hội đồng do Tổng cục Thủy sản thành lập có 07-11 thành viên gồm chủ tịch, phó chủ tịch, 02 ủy viên phản biện, các ủy viên và thư ký. Trường hợp cần thiết, Tổng cục Thủy sản mời đại diện tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản sống và một số đại biểu có liên quan tham dự phiên họp để cung cấp thông tin bổ sung. b) Yêu cầu đối với thành viên hội đồng: thành viên hội đồng là nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn phù hợp, cán bộ quản lý có kinh nghiệm thực tiễn có liên quan. c) Phiên họp đánh giá rủi ro phải đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số thành viên hội đồng tham dự. Trường hợp chủ tịch hội đồng vắng mặt thì phó chủ tịch hội đồng điều hành phiên họp. 2. Trách nhiệm của hội đồng: a) Thực hiện đánh giá rủi ro theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này để tư vấn cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản quyết định cấp phép hoặc không cấp phép nhập khẩu thủy sản sống; b) Thành viên hội đồng thực hiện đánh giá rủi ro theo Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, tính chính xác đối với những ý kiến nhận xét, đánh giá độc lập, bảo mật thông tin theo quy định; c) Lập Biên bản họp hội đồng đánh giá rủi ro theo Mẫu số 09 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Kinh phí hoạt động của hội đồng do tổ chức, cá nhân chi trả theo định mức họp hội đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ. Chương IV TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 11. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản 1. Chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro, cấp giấy phép nhập khẩu thủy sản sống; báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi có yêu cầu. 2. Thông báo công khai trên website của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách thủy sản sống đã được đánh giá rủi ro bao gồm tên tiếng Việt, tên khoa học và tên tiếng Anh (nếu có). 3. Chủ trì, phối hợp với các bên có liên quan kịp thời hướng dẫn biện pháp xử lý trong trường hợp phát hiện bằng chứng thủy sản sống nhập khẩu là loài xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại hoặc có dịch bệnh xảy ra tại quốc gia xuất xứ, quốc gia xuất khẩu. 4. Chủ trì xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh thủy sản sống tại quốc gia xuất khẩu khi phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, an toàn sinh học và môi trường sinh thái của Việt Nam. 5. Chủ trì thực hiện kiểm tra trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản địa phương; kiểm tra đột xuất nơi nuôi giữ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu khi có dấu hiệu vi phạm. Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh và cơ quan kiểm dịch thủy sản sống nhập khẩu 1. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh: a) Xây dựng kế hoạch kiểm tra thủy sản sống nhập khẩu hằng năm tại địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện; b) Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ cơ sở nhập khẩu thủy sản sống không quá 01 lần trong thời gian hiệu lực của Giấy phép nhập khẩu dựa trên Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống hoặc kiểm tra đột xuất cơ sở nhập khẩu thủy sản sống khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; báo cáo Tổng cục Thủy sản kết quả kiểm tra định kỳ hàng quý hoặc ngay khi phát hiện có thủy sản sống xuất hiện ở môi trường tự nhiên, môi trường nuôi trồng thủy sản; c) Lưu bằng chứng về việc đã xử lý thủy sản sống sau hội chợ, triển lãm; tổ chức chứng kiến việc đã xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân không tái xuất. 2. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thủy sản sống nhập khẩu thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh ngay sau khi có kết quả kiểm dịch để phối hợp quản lý. Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, vận chuyển, nuôi giữ, chế biến, sử dụng thủy sản sống nhập khẩu 1. Không phát tán, phóng sinh hoặc cho sinh sản hoặc để thủy sản sống nhập khẩu bị thoát ra môi trường tự nhiên. Trường hợp thủy sản sống nhập khẩu bị thoát ra môi trường tự nhiên, phải triển khai ngay các biện pháp xử lý theo quy định; đồng thời chậm nhất trong thời gian 24 giờ kể từ khi phát hiện, phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản gần nhất. 2. Tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát rủi ro tại kế hoạch kiểm soát thủy sản sống hoặc phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm đã được phê duyệt. Chấp hành yêu cầu của cơ quan thẩm quyền khi phát hiện bằng chứng thủy sản sống là loài xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại hoặc có dịch bệnh xảy ra tại quốc gia xuất xứ, quốc gia xuất khẩu. 3. Sau khi kết thúc trưng bày tại hội chợ, triển lãm, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi diễn ra hội chợ, triển lãm chứng kiến việc thực hiện theo phương án xử lý đã được phê duyệt. Trường hợp tái xuất, tổ chức, cá nhân gửi bản sao giấy tờ chứng minh việc đã tái xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi tái xuất. 4. Trường hợp thủy sản sống nhập khẩu để làm cảnh, giải trí được bán cho bên thứ ba với cùng mục đích, tổ chức cá nhân nhập khẩu thủy sản sống phải hướng dẫn cho bên mua thực hiện phương án kiểm soát thủy sản sống đã được phê duyệt và cùng chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều này. 5. Báo cáo Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh gần nhất ngay khi phát hiện thủy sản sống có khả năng thành thục, sinh sản và thực hiện xử lý theo hướng dẫn. 6. Ghi chép, lưu giữ hồ sơ liên quan đến việc nhập khẩu, vận chuyển, nuôi giữ, chế biến, sử dụng thủy sản sống. Chương V ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp 1. Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thủy sản sống dùng làm thực phẩm đã được tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và Thông tư số 11/2015/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đánh giá rủi ro đối với thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm. 2. Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống đã được cấp theo quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ tiếp tục có hiệu lực đến khi hết hạn. Điều 15. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. 2. Thông tư này thay thế, bãi bỏ các quy định, văn bản quy phạm pháp luật sau đây: a) Thay thế Thông tư số 11/2015/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đánh giá rủi ro đối với thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm. b) Bãi bỏ cụm từ “thủy sản sống làm thực phẩm” tại khoản 5 Điều 1, điểm b khoản 6 Điều 3, Điều 33 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Điều 16. Trách nhiệm thi hành Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc hoặc phát hiện những vấn đề mới phát sinh, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT; - Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp; - Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, TP trực thuộc trung ương; - Công báo Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT; - Lưu: VT, TCTS (200 bản). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Phùng Đức Tiến PHỤ LỤC DANH MỤC CÁC BIỂU MẪU (Kèm theo Thông tư số 25/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) TT Tên biểu mẫu Ký hiệu 1 Mẫu Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thủy sản sống Mẫu số 01 2 Mẫu Bản thuyết minh đặc tính sinh học của thủy sản sống nhập khẩu Mẫu số 02 3 Mẫu Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu Mẫu số 03 4 Mẫu Báo cáo kết quả nhập khẩu và nuôi giữ Mẫu số 04 5 Mẫu Phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm Mẫu số 05 6 Mẫu Giấy phép nhập khẩu thủy sản sống Mẫu số 06 7 Mẫu Biên bản kiểm tra định kỳ/đột xuất nơi nuôi lưu giữ thủy sản sống Mẫu số 07 8 Mẫu Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng Mẫu số 08 9 Mẫu Biên bản họp hội đồng đánh giá rủi ro Mẫu số 09 Mẫu số 01 MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG TÊN TỔ CHỨC CÁ NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ………., ngày … tháng … năm 20…. ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG Kính gửi: Tổng cục Thủy sản Tên tổ chức, cá nhân:........................................................................................................... Địa chỉ: ……………………………….…………….Mã số thuế: .............................................. Điện thoại: ………………………Số fax: …………………..E.mail: ........................................ Thông tin về thủy sản sống nhập khẩu như sau: TT Tên loài (tên tiếng Việt, tên khoa học, tiếng Anh (nếu có)) Quốc gia xuất xứ Quốc gia xuất khẩu Mục đích nhập khẩu Số lượng nhập khẩu (con) Kích cỡ (kg/con) Cửa khẩu nhập □ Làm thực phẩm □ Làm cảnh □ Giải trí □ Hội chợ, triển lãm □ Nghiên cứu khoa học (Bao gồm ảnh chụp in màu thủy sản sống, tên tiếng Việt, tiếng Anh, tên khoa học có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu) Tên nhà xuất khẩu: .............................................................................................................. Địa chỉ nhà xuất khẩu: ......................................................................................................... Địa chỉ nơi nuôi lưu giữ lô hàng: .......................................................................................... Đề xuất thời gian nhập khẩu: từ thời điểm ……………….đến thời điểm ............................. Đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét và giải quyết./. XÁC NHẬN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) Mẫu số 02 MẪU BẢN THUYẾT MINH ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU TÊN TỔ CHỨC CÁ NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: …………. ………., ngày … tháng … năm 20…. BẢN THUYẾT MINH ĐẶC TÍNH SINH HỌC THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU 1. Tên thủy sản sống nhập khẩu bằng tiếng Việt: ……………..tên khoa học: ………………………….. tên tiếng Anh (nếu có): ........................................................................... 2. Phân bố: ......................................................................................................................... 3. Nguồn gốc thủy sản sống: a) Nuôi trồng □ b) Khai thác từ tự nhiên □ Mô tả tình hình khai thác, sản lượng khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản sống của quốc gia xuất xứ đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác: ............................................................................................................................................ 4. Thủy sản sống nhập khẩu vào Việt Nam có là thủy sản biến đổi gen không? Có □ Không □ 5. Đặc điểm sinh học thủy sản sống a) Phân loại: ....................................................................................................................... b) Môi trường sống tự nhiên: ............................................................................................. c) Đặc điểm hình thái: ........................................................................................................ d) Đặc điểm dinh dưỡng: .................................................................................................... đ) Đặc điểm sinh trưởng: .................................................................................................... e) Đặc điểm sinh sản, đặc biệt là khả năng thành thục, tuổi thành thục, kích cỡ trung bình khi thành thục, khả năng sinh sản, khả năng tự thiết lập quần thể trong tự nhiên: ......................................................................... g) Các bệnh và tác nhân gây bệnh: .................................................................................... h) Dự báo tác động đến môi trường tự nhiên và sức khỏe con người (nếu có): ............................................................................................................................................. i) Tài liệu tham khảo: .......................................................................................................... 6. Giá trị dinh dưỡng của thủy sản sống: ........................................................................... 7. Thông tin về những quốc gia đã cho phép nhập khẩu thủy sản sống này: .................... Chỉ rõ nguồn tài liệu tham khảo như bài báo khoa học, kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học có uy tín của quốc gia, quốc tế. XÁC NHẬN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) Mẫu số 03 MẪU KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày … tháng … năm 20…. KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU Kính gửi: Tổng cục Thủy sản Căn cứ đặc điểm sinh học của ........................................................................................... (1); Căn cứ điều kiện nuôi lưu giữ thực tế của ………………….(2) tại .............. (địa điểm nuôi lưu giữ), …………………………(2) đề xuất Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống nhập khẩu như sau: 1. Mục đích sử dụng thủy sản sống nhập khẩu: Làm thực phẩm □ Làm cảnh □ Giải trí □ Nghiên cứu khoa học □ 2. Năng lực nuôi lưu giữ của tổ chức, cá nhân: a) Sơ đồ khu vực nuôi lưu giữ thuộc quyền sở hữu (mô tả chi tiết diện tích/thể tích, cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống xử lý nước thải): b) Nhân lực tham gia nuôi lưu giữ: ..................................................................................... c) Mô tả chi tiết điều kiện, công nghệ nuôi giữ thủy sản sống và xử lý nước thải: ............. d) Khối lượng/số lượng thủy sản sống tối đa có thể nuôi giữ trong cùng thời điểm .......... 3. Chi tiết phương án kiểm soát rủi ro trong quá trình vận chuyển, nuôi giữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ: a) Phương án kiểm soát khi vận chuyển: ............................................................................ b) Phương án kiểm soát khi nuôi giữ: ................................................................................. c) Phương án kiểm soát sự thành thục, sinh sản của thủy sản sống (đối với thủy sản sống làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học): ..................................................................................................................................... d) Phương án bảo quản (nếu có): ........................................................................................ đ) Phương án kiểm soát khi chế biến (nếu có): ................................................................... e) Phương án xử lý trong trường hợp không tiếp tục sử dụng để làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học (nếu có): g) Phương án hướng dẫn tổ chức, cá nhân khác mua thủy sản sống và sử dụng để làm làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học (nếu có): ......................................................................................................................... 4. Quy trình xử lý khi phát hiện thủy sản sống thoát ra môi trường tự nhiên: ............................................................................................................................................. Nơi nhận: - Như trên; - Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh; - Lưu: VT, ……… XÁC NHẬN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) _____________________ (1) Tên thủy sản sống (2): Tên tổ chức, cá nhân Mẫu số 04 MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ NHẬP KHẨU VÀ NUÔI GIỮ TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày tháng năm 20…. BÁO CÁO KẾT QUẢ NHẬP KHẨU VÀ NUÔI GIỮ Kính gửi: - Tổng cục Thủy sản; - …………. (Tên cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh). Tên tổ chức, cá nhân: ........................................................................................................ Người đại diện pháp lý: ...................................................................................................... Địa chỉ: ............................................................................................................................... Số điện thoại: ……………………Số fax: ………………….E.mail : ..................................... Báo cáo Tổng cục Thủy sản và ……………..(tên cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh) thông tin kết quả nhập khẩu và nuôi giữ như sau: - Tên thủy sản sống: ……………………….(tên tiếng Việt), …………………..(tên khoa học), …………………(tên tiếng Anh, nếu có). - Quốc gia xuất xứ: ............................................................................................................. - Quốc gia xuất khẩu: ......................................................................................................... - Tên nhà xuất khẩu: ........................................................................................................... - Địa chỉ nhà xuất khẩu …………………..số điện thoại ………số fax ................................. - Tên/danh sách và địa chỉ cơ sở nuôi/khai thác cung cấp thủy sản sống: ........................ - Cửa khẩu nhập: ................................................................................................................ - Mục đích nhập khẩu: ........................................................................................................ - Tổng số lượng đã nhập (………………….kg hoặc…………… con): - Số lần nhập: ………………….lần; Thời điểm nhập: .......................................................... - Kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống: ..................................................... - Số lượng thủy sản sống hiện còn nuôi giữ (trường hợp nuôi làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học): - Danh sách địa điểm nuôi làm cảnh, giải trí của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và tổ chức, cá nhân mua thủy sản sống cho cùng mục đích (nếu có)………………………… - Liệt kê số lượng và số lần thủy sản sống bị thoát ra môi trường (nếu có) ..................... - Liệt kê những phát sinh đã xảy ra ngoài dự kiến (nếu có):………………………; thời điểm xảy ra: ………………………; những biện pháp xử lý đã thực hiện: ................................................................................................ XÁC NHẬN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) Mẫu số 05 MẪU PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ SAU KHI KẾT THÚC HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày … tháng … năm 20…. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ SAU KHI KẾT THÚC HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM Kính gửi: - Tổng cục Thủy sản; - ……… (Tên cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh). Tên tổ chức, cá nhân: ......................................................................................................... Người đại diện pháp lý: ...................................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................ Điện thoại: ……………………….Số fax: ……………………E.mail : ................................... 1. Thông tin thủy sản sống: a) Tên tiếng Việt: ………………… tên khoa học: ……………. tên tiếng Anh (nếu có) ..... b) Quốc gia xuất xứ: ........................................................................................................... c) Quốc gia xuất khẩu: ....................................................................................................... 2. Mục đích: …………………….(ghi rõ hội chợ trưng bày hay hội chợ ẩm thực, triển lãm). a) Địa điểm trưng bày: ………………..Thời gian trưng bày: ................................................ b) Số lượng thủy sản sống nhập khẩu (con):..., kích cỡ (kg/con hoặc con/kg)... c) Số lượng thủy sản sống đã sử dụng1 (con): .................................................................... d) Số lượng thủy sản sống còn lại (con): …………………lý do hao hụt số lượng thủy sản sống 3. Năng lực nuôi lưu giữ của tổ chức, cá nhân: a) Nhân lực tham gia nuôi giữ: ............................................................................................ c) Mô tả chi tiết điều kiện, công nghệ nuôi giữ: ................................................................... d) Khối lượng/số lượng thủy sản sống tối đa có thể nuôi giữ trong cùng thời điểm ........... 4. Chi tiết phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm: ........................................... 5. Một số thông tin khác: ...................................................................................................... XÁC NHẬN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) ____________________ 1 Trường hợp tham gia hội chợ ẩm thực Mẫu số 06 MẪU GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔNG CỤC THỦY SẢN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………/GPNK-TCTS-NTTS Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 20…….. GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU THỦY SẢN SỐNG Căn cứ Quyết định số 27/2017/QĐ-Ttg ngày 03/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Căn cứ Thông tư số 25/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống; Xét Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu thủy sản sống số…….. ngày……..tháng …….năm 20.... của ………………..(1) và hồ sơ kèm theo. Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản tại Phiếu thẩm định hồ sơ số .... ngày....tháng....năm 20....; Tổng cục Thủy sản đồng ý để ……………….(1), mã số thuế: …………….; địa chỉ: ………………được phép nhập khẩu thủy sản sống có tên là ……………... (tên tiếng Việt) ……………….. (tên khoa học) ……………….. (tên tiếng Anh (nếu có)) cho mục đích .................................................................................................................. 1. Tổng số lượng nhập: ………………con hoặc khối lượng nhập............................... kg. 2. Kích cỡ: …………………chiều dài tổng số (cm) hoặc kg/con. 3. Quy cách bao gói: .......................................................................................................... 4. Quốc gia xuất xứ lô hàng: ………………Quốc gia xuất khẩu: ....................................... 5. Tên nhà xuất khẩu: ........................................................................................................ 6. Địa chỉ nhà xuất khẩu ………….số điện thoại ……….số fax ......................................... 7. Cửa khẩu nhập: ............................................................................................................. Giấy phép này có hiệu lực từ ngày ký đến hết ngày: ........................................................ Cơ sở phải thực hiện đúng mục đích nhập khẩu và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống hoặc phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm do Tổng cục Thủy sản phê duyệt, ban hành kèm theo Giấy phép này. Nơi nhận: - …………..(1); - Cục Thú y; - Cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản tỉnh/tp...; - Hải quan cửa khẩu.... - Lưu: VT, NTTS (...bản). TỔNG CỤC TRƯỞNG (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) ____________________ (1): Tên tổ chức, cá nhân (2): Tên thủy sản sống BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔNG CỤC THỦY SẢN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 20…….. KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT THỦY SẢN SỐNG NHẬP KHẨU2 (Ban hành kèm theo Giấy phép số ……./GPNK-TCTS-NTTS ngày ……tháng……. năm 20…của Tổng cục Thủy sản) Căn cứ thuyết minh đặc tính sinh học của loài thủy sản sống nhập khẩu; Căn cứ ý kiến kết luận của hội đồng khoa học ngày .../..../20…. về việc đánh giá rủi ro thủy sản sống …………………(tên tiếng Việt), ………………….(tên khoa học), …………………(tiếng Anh (nếu có)) nhập khẩu làm thực phẩm hoặc làm cảnh, giải trí. Tổng cục Thủy sản phê duyệt Kế hoạch kiểm soát lô hàng thủy sản sống nhập khẩu như sau: 1. Mục đích sử dụng thủy sản sống nhập khẩu: Làm thực phẩm □ Làm cảnh □ Giải trí □ Nghiên cứu khoa học □ 2. Năng lực nuôi lưu giữ của tổ chức, cá nhân: a) Sơ đồ khu vực nuôi giữ thuộc quyền sở hữu (mô tả chi tiết diện tích/thể tích, cơ sở hạ tầng bao gồm hệ thống xử lý nước thải): ............................................................... b) Nhân lực tham gia nuôi giữ: ........................................................................................... c) Mô tả chi tiết điều kiện, công nghệ nuôi giữ thủy sản sống và hệ thống xử lý nước thải: ....... d) Khối lượng/số lượng thủy sản sống tối đa có thể nuôi giữ trong cùng thời điểm: .......... 3. Chi tiết phương án kiểm soát rủi ro trong quá trình vận chuyển, nuôi giữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ: a) Phương án kiểm soát khi vận chuyển: .......................................................................... b) Phương án kiểm soát khi nuôi giữ: ............................................................................... c) Phương án kiểm soát sự thành thục, sinh sản của thủy sản sống (đối với thủy sản sống làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học): .................................................................... d) Phương án kiểm soát khi chế biến (nếu có): ................................................................ Phương án xử lý trong trường hợp không tiếp tục sử dụng để làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học (nếu có): đ) Phương án hướng dẫn tổ chức, cá nhân khác mua thủy sản sống và sử dụng để làm làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học (nếu có): ............................................................ 4. Quy trình xử lý khi phát hiện thủy sản sống thoát ra môi trường tự nhiên: ............................................................................................................................................. _________________ 2 Áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔNG CỤC THỦY SẢN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 20…….. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ SAU KHI KẾT THÚC HỘI CHỢ, TRIỂN LÃM3 (Ban hành kèm theo Giấy phép số …………../GPNK-TCTS-NTTS ngày ……tháng……. năm 20…của Tổng cục Thủy sản) Tên tổ chức, cá nhân: ......................................................................................................... Người đại diện pháp lý: ....................................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................. Điện thoại: ……………………….Số fax: ……………………E.mail : .................................... 1. Thông tin thủy sản sống: a) Tên tiếng Việt: …………..……tên khoa học: ……………….tên tiếng Anh (nếu có) ....... b) Quốc gia xuất xứ: ........................................................................................................... c) Quốc gia xuất khẩu: ....................................................................................................... 2. Mục đích: ………………………….(ghi rõ triển lãm hoặc hội chợ trưng bày hoặc hội chợ ẩm thực). a) Địa điểm trưng bày: ………………..Thời gian trưng bày: ............................................... b) Số lượng thủy sản sống nhập khẩu (con):..., kích cỡ (con/kg hoặc kg/con) .................. c) Số lượng thủy sản sống đã sử dụng (con): .................................................................... d) Số lượng thủy sản sống còn lại (con): ………………………..lý do hao hụt số lượng thủy sản sống 3. Năng lực nuôi lưu giữ của tổ chức, cá nhân: a) Nhân lực tham gia nuôi giữ: ............................................................................................. c) Mô tả chi tiết điều kiện, công nghệ nuôi giữ: .................................................................... d) Khối lượng/số lượng thủy sản sống tối đa có thể nuôi giữ trong cùng thời điểm ............ 4. Chi tiết phương án xử lý sau khi kết thúc hội chợ, triển lãm: ........................................... 5. Một số thông tin khác: ...................................................................................................... ____________________ 3 Áp dụng đối với trường hợp nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm Mẫu số 07 MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA ĐỊNH KỲ, ĐỘT XUẤT NƠI NUÔI GIỮ THỦY SẢN SỐNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỔNG CỤC THỦY SẢN…. ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: ………/……….. Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 20…….. BIÊN BẢN KIỂM TRA ĐỊNH KỲ, ĐỘT XUẤT NƠI NUÔI GIỮ THỦY SẢN SỐNG Hôm nay ngày………. tháng ……năm ……, tại ……………. 1. Thành phần đoàn kiểm tra: a) Ông/bà ……………………………………….., chức vụ: ................................................... b) Ông/bà ……………………………………….., chức vụ: ................................................... 2. Đại diện tổ chức, cá nhân nhập khẩu thủy sản sống: .................................................... Chức vụ: .............................................................................................................................. Số điện thoại: ……………………..Số fax: ………………..E.mail: ........................................ Địa chỉ tổ chức, cá nhân nhập khẩu: ................................................................................... 3. Tên thủy sản sống nhập khẩu: ........................................................................................ 4. Địa điểm kiểm tra: (Địa chỉ nơi nuôi giữ lô hàng): ............................................................ 5. Số lượng đã nhập khẩu (tính từ thời điểm………… đến thời điểm ………): ................... 6. Hiện trạng về thủy sản sống đang nuôi lưu giữ tại thời điểm kiểm tra: ........................... 7. Điều kiện thực tế nơi nuôi giữ thủy sản sống nhập khẩu như sau: - Sơ đồ khu vực nuôi giữ thuộc quyền sở hữu: ................................................................... - Mô tả chi tiết điều kiện nuôi giữ thủy sản sống và hệ thống xử lý nước thải:.... - Số lượng/khối lượng thủy sản sống tối đa có thể nuôi giữ trong cùng thời điểm: ………. (kèm theo ảnh chụp khu vực nuôi thực tế có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu). 8. Kết quả thực hiện theo Kế hoạch kiểm soát thủy sản sống đã được phê duyệt: ........... 9. Kết luận: 10. Kiến nghị, đề xuất: ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC CÁ NHÂN (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) ……………, ngày…….. tháng ....năm 20... CHI CỤC TRƯỞNG (Họ và tên, chữ ký và đóng dấu) Mẫu số 08 MẪU PHIẾU ĐÁNH GIÁ CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TỔNG CỤC THỦY SẢN HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ RỦI RO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………., ngày … tháng … năm 20…. PHIẾU ĐÁNH GIÁ CỦA THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG Thông tin về thành viên hội đồng - Họ và tên: …………………..Học hàm, học vị/chức vụ: ..................................................... Chuyên ngành: .................................................................................................................... - Đơn vị công tác (hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu) ........................................................... Thông tin chung về loài thủy sản sống nhập khẩu - Tên loài thủy sản sống nhập khẩu: tên tiếng Việt: ……………….., tên khoa học: ………………, tiếng Anh (nếu có): ……………… - Kích cỡ dự kiến khi nhập khẩu: ……………………kg/con; - Vùng phân bố tự nhiên: .................................................................................................... - Quốc gia xuất khẩu: .......................................................................................................... - Quốc gia xuất xứ: ............................................................................................................. - Thủy sản sống có nguồn gốc từ: Nuôi trồng □ Khai thác từ tự nhiên □ Trường hợp là thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, mô tả tình hình khai thác, sản lượng khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản sống tại quốc gia xuất khẩu: ............................................................................................ 1. Nội dung 1: Đáp ứng quy định liên quan đến an toàn thực phẩm đối với nhập khẩu thủy sản sống làm thực phẩm TT Tiêu chí đánh giá Ý kiến của thành viên hội đồng Lý do, căn cứ 1 Thủy sản sống nhập khẩu với mục đích làm thực phẩm có đáp ứng quy định tại Điều 14, Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm 2010 không? Có □ Không □ Nhận xét: .............................................................................................................................. 2. Nội dung 2: Khả năng tồn tại, sinh trưởng, phát triển trong môi trường, vùng sinh thái Việt Nam và khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài bản địa TT Thông số liên quan đến sinh trưởng, phát triển của loài thủy sản sống Cao nhất Khoảng thích hợp Thấp nhất 1 Nhiệt độ 2 Độ mặn 3 pH 4 Ôxy hòa tan 5 Độ kiềm 6 Độ sâu (m) 7 Phổ thức ăn/tính ăn (chỉ áp dụng đối với động vật thủy sản) 8 Tương đồng về tính ăn với loài thủy sản nào ở Việt Nam. 9 Khả năng cạnh tranh thức ăn với các loài thủy sản bản địa. Nhận xét: ........................................................................................................................... 3. Nội dung 3: Khả năng trở thành loài xâm hại, có nguy cơ xâm hại, khả năng tái tạo quần đàn trong môi trường, vùng sinh thái tại Việt Nam TT Các yếu tố đánh giá Ý kiến của thành viên hội đồng 1 Khả năng săn bắt hoặc sử dụng các loài thủy sinh bản địa làm thức ăn. 2 Đặc điểm sinh sản. 3 Khả năng tự thiết lập quần thể trong tự nhiên. 4 Khả năng phát tán, xâm chiếm nơi sinh sống của các loài bản địa. 5 Khả năng gây mất cân bằng sinh thái nơi xuất hiện. 6 Thủy sản sống đã được ghi nhận là xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại ở quốc gia khác 7 Thủy sản sống nhập khẩu có trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại của Việt Nam Nhận xét: ............................................................................................................................ 4. Nội dung 4: Khả năng tạp giao giữa thủy sản nhập khẩu với thủy sản bản địa trong điều kiện tự nhiên TT Các yếu tố đánh giá Ý kiến của thành viên hội đồng 1 Khả năng bắt cặp sinh sản (cùng loài) ngoài tự nhiên và nhân tạo. 2 Khả năng bắt cặp sinh sản (khác loài) ngoài tự nhiên và nhân tạo. 3 Khả năng bắt cặp sinh sản của con lai F1 (giữa loài nhập khẩu và loài bản địa) ngoài tự nhiên và nhân tạo. Nhận xét: ............................................................................................................................ 5. Nội dung 5: Nguy cơ phát sinh, phát tán mầm bệnh cho thủy sản bản địa, con người TT Các yếu tố đánh giá Ý kiến của thành viên hội đồng 1 Các bệnh thường gặp và tác nhân gây bệnh ở loài thủy sản nhập khẩu. 2 Các tác nhân gây bệnh này đã xuất hiện ở VN. 3 Điều kiện phát triển của các tác nhân gây bệnh này. 4 Khả năng truyền nhiễm và gây bệnh cho các loài thủy sản bản địa của các tác nhân gây bệnh này. 5 Khả năng truyền nhiễm và gây bệnh cho người của các tác nhân gây bệnh này. Nhận xét: ............................................................................................................................ Ý kiến của thành viên hội đồng Kiến nghị: Không cho phép nhập khẩu: □ Cho phép nhập khẩu: □ a) Trường hợp kiến nghị không cho phép nhập khẩu, nêu rõ lý do: ................................. ........................................................................................................................................... b) Trường hợp kiến nghị cho phép nhập khẩu, biện pháp kiểm soát rủi ro là: ................. ........................................................................................................................................... c) Ý kiến khác: .................................................................................................................. …….., ngày …….tháng …….năm 20.... Thành viên hội đồng (Ký và ghi rõ tên) Mẫu số 09 MẪU BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ RỦI RO TỔNG CỤC THỦY SẢN HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ RỦI RO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày …. tháng …. năm ……. BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG ĐÁNH GIÁ RỦI RO Căn cứ Thông tư số 25 ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu thủy sản sống; Căn cứ Quyết định thành lập hội đồng đánh giá rủi ro loài thủy sản sống nhập khẩu số ……..ngày ……tháng …..năm 20... của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Hôm nay, ngày ….tháng …..năm 20…… tại Tổng cục Thủy sản, hội đồng thực hiện việc đánh giá rủi ro thủy sản sống lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam, kết quả cụ thể như sau: I. Thông tin chung 1. Tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu: - Tên tổ chức, cá nhân đăng ký: ....................................................................................... - Địa chỉ: ........................................................................................................................... - Người đại diện: ............................................................................................................... - Đầu mối liên lạc của tổ chức, cá nhân: (nếu có): ........................................................... - Điện thoại: ……………………………Fax: ………………Email: ...................................... 2. Loài thủy sản được đánh giá rủi ro - Tên tiếng Việt (nếu có): ………………………tên khoa học: ……………….tên tiếng Anh (nếu có): - Vị trí phân loại: .................................................................................................................. - Kích cỡ dự kiến khi nhập khẩu (kg/con; cm/con): ............................................................ - Vùng phân bố tự nhiên:; - Quốc gia xuất khẩu: - Quốc gia xuất xứ:……………………………………. ; 3. Hội đồng đánh giá rủi ro Hội đồng đánh giá rủi ro gồm …………………thành viên, trong đó vắng mặt .... người, cụ thể là: 1) Ông/bà: .......................................................................................................................... 2) Ông/bà: .......................................................................................................................... Khách mời: ........................................................................................... (ghi rõ tên, địa chỉ) Chủ trì họp hội đồng: .......................................................................................................... Đại diện tổ chức, cá nhân đăng ký đánh giá rủi ro (ghi rõ tên, chức vụ): ........................... II. Thông tin về loài thủy sản đánh giá rủi ro (Tóm tắt các ý kiến phát biểu, trả lời về loài thủy sản đánh giá rủi ro) III. Đánh giá những tác động bất lợi có thể xảy ra đối với đa dạng sinh học, môi trường và con người của loài thủy sản thực hiện đánh giá rủi ro ............................................................................................................................................. IV. Kiến nghị của hội đồng đánh giá rủi ro Tổng số phiếu đánh giá rủi ro phát ra: …………………. Tổng số phiếu đánh giá rủi ro thu về: ………………….. Kiến nghị: Không cho phép nhập khẩu: □ Cho phép nhập khẩu: □ a) Trường hợp kiến nghị không cho phép nhập khẩu, nêu rõ lý do: .................................. b) Trường hợp kiến nghị cho phép nhập khẩu, biện pháp kiểm soát rủi ro là: .................. c) Ý kiến khác: ................................................................................................................... THƯ KÝ HỘI ĐỒNG (Ký, ghi rõ họ tên) CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG (Ký, ghi rõ họ tên)
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "15/11/2018", "sign_number": "25/2018/TT-BNNPTNT", "signer": "Phùng Đức Tiến", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Thong-tu-lien-tich-02-2006-TTLT-BTC-BKHCN-huong-dan-quan-ly-tai-chinh-Chuong-trinh-ho-tro-phat-trien-tai-san-tri-tue-cua-doanh-nghiep-14843.aspx
Thông tư liên tịch 02/2006/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 102/2006/TTLT/BTC-BKHCN Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2006 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH H­ƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và h­ướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà n­ước; Căn cứ Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Căn cứ Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; Liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ h­ướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp như­ sau: I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn quản lý tài chính áp dụng đối với Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (sau đây gọi là Chương trình). 2. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình: - Ngân sách nhà n­ước (trung ­ương và địa phư­ơng) cho thực hiện Chương trình; - Đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài n­ước; 3. Quy trình lập dự toán, phân bổ, giao dự toán chi ngân sách và chế độ thanh quyết toán thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành. 4. Giải thích từ ngữ: - Tài sản trí tuệ là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo, bao gồm: Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; phần mềm máy tính; sáng chế; giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; giống cây trồng mới, ... - Khai thác tài sản trí tuệ là việc đưa các tài sản trí tuệ vào áp dụng, sử dụng trong thực tế nhằm tạo ra các lợi ích, ưu thế cho chủ sở hữu, người tham gia vào việc áp dụng, sử dụng tài sản trí tuệ đó và cho xã hội. - Hoạt động sở hữu trí tuệ là các hoạt động liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm: tuyên truyền, đào tạo, thông tin về sở hữu trí tuệ; xây dựng, xác lập, bảo hộ, khai thác, quản lý và phát triển giá trị các đối tượng sở hữu trí tuệ. - Khai thác thông tin sở hữu trí tuệ là việc sử dụng thông tin về các đối tượng sở hữu trí tuệ trong các cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu trí tuệ, bao gồm: Tra cứu thông tin, xây dựng các gói thông tin theo các lĩnh vực kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, xác lập, bảo hộ, khai thác, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu trí tuệ, ... . - Đối tượng của hợp đồng trong thông tư này là tài sản phải giao, công việc phải làm theo thoả thuận: Về tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ; về hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước; về hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ. II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ 1. Nội dung chi của Chương trình: a. Chi thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thông qua các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. b. Chi hoạt động chung của Chương trình (ở trung ương): - Chi hoạt động thông tin, tuyên truyền về Chương trình; - Chi hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết Chương trình; - Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký và Chánh Văn phòng Chương trình. - Chi đoàn ra, đoàn vào; - Chi hoạt động thường xuyên cho cơ quan thường trực của Văn phòng Chương trình. - Chi điều tra, khảo sát phục vụ xây dựng, thẩm định và phê duyệt các dự án thực hiện Chương trình; - Chi mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký, Văn phòng Chương trình. - Các chi khác liên quan trực tiếp đến hoạt động của Chương trình. c. Chi hoạt động chung của cơ quan quản lý dự án ở địa phương: Tuỳ theo yêu cầu cụ thể, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nội dung và mức chi cụ thể theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 2. Mức chi thù lao trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo, Ban thư ký Chương trình, Chánh Văn phòng Chương trình được tính theo hệ số mức tiền lương tối thiểu hiện hành của nhà nước đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang như sau: a. Ban Chỉ đạo: - Trưởng ban: Hệ số 0,6 mức lương tối thiểu/người/tháng; - Thành viên: Hệ số 0,5 mức lương tối thiểu /ngư­ời/tháng; b. Ban Thư ký: - Trưởng ban: Hệ số 0,5 mức lương tối thiểu/ngư­ời/tháng; - Thành viên : Hệ số 0,4 mức lương tối thiểu /người/tháng. c. Văn phòng Chương trình: Chánh Văn phòng: Hệ số 0,5 mức lương tối thiểu /ngư­ời/tháng; 3. Mức chi từ ngân sách nhà nước: Tuỳ theo từng hoạt động, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hay một phần tổng kinh phí được duyệt của dự án (kinh phí của ngân sách nhà nước không được sử dụng để mua sắm tài sản, trừ tài sản (nếu có) phục vụ cho hoạt động chung của cơ quan thường trực chương trình ở trung ương và địa phương), cụ thể: a- Ngân sách nhà nước bảo đảm 100% kinh phí đối với các nội dung hoạt động của chương trình: - Tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, bao gồm: + Tổ chức tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp trong các chuyên mục thường xuyên về sở hữu trí tuệ và chương trình dành cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, Bộ, ngành, địa phương. + Tổ chức các cuộc hội thảo, đào tạo tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương theo chế độ quy định hiện hành. - Biên soạn, phát hành tài liệu hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp; hướng dẫn phương thức thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ ở trong nước và ngoài nước; cung cấp, hướng dẫn khai thác các nguồn thông tin của hệ thống sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. - Thiết lập, duy trì đường dây nóng, trang tin điện tử, bộ phận thường trực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp; thuê chuyên gia hỗ trợ, tư vấn (nếu có); mua, phát hành tài liệu phục vụ hoạt động hỗ trợ và tư vấn. - Chi cho các hoạt động chung của Chương trình. - Chi xây dựng, đăng ký, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, bao gồm: hỗ trợ đánh giá đặc sản của địa phương nhằm xác định sự cần thiết phải bảo hộ; xác định chủ thể quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; xác định tính đặc thù của sản phẩm mang địa danh; lựa chọn hình thức bảo hộ và tiến hành các thủ tục xác lập quyền; tổ chức quản lý việc sử dụng, bảo vệ và phát triển giá trị chỉ dẫn địa lý. - Chi cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các mô hình thúc đẩy chuyển giao tài sản trí tuệ; nghiên cứu, hướng dẫn xác định phương pháp định giá tài sản trí tuệ phục vụ doanh nghiệp trong quá trình chia tách, cổ phẩn hoá và các hoạt động chung khác của Chương trình. b- Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 50% đến 70% tổng kinh phí của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (không tính giá trị cơ sở vật chất hiện có tham gia thực hiện dự án vào tổng kinh phí được duyệt của dự án để xác định phần trăm (%) ngân sách nhà nước hỗ trợ); mức cụ thể do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định, cụ thể đối với các nội dung của chương trình: - Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ (hướng dẫn xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp, như hướng dẫn phương thức tổ chức bộ máy, nhân lực, đầu tư, các hoạt động cần thiết để xây dựng, xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức hoặc người khác). - Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, bao gồm: + Hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (phổ biến kiến thức, yêu cầu về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; + Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với thành quả sáng tạo khoa học công nghệ (khuyến khích lao động sáng tạo trong doanh nghiệp; đưa thông tin sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ; xác lập, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo khoa học công nghệ). + Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển giá trị của giống cây trồng mới: tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và quản lý khai thác giống cây trồng mới; hỗ trợ hoạt động quảng cáo, giới thiệu giống cây trồng mới. + Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của phần mềm máy tính và tác phẩm văn học - nghệ thuật (tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, khai thác và tiến hành các biện pháp chống sao chép hoặc sử dụng trái phép phần mềm máy tính, tác phẩm văn học - nghệ thuật; hỗ trợ hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm phần mềm máy tính và các tác phẩm văn học - nghệ thuật). - Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, bao gồm: + Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu, sản phẩm thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. + Hướng dẫn khai thác các nguồn thông tin sẵn có. + Tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp. 4. Phân định nguồn kinh phí thực hiện Chương trình: a- Ngân sách trung ương: - Bảo đảm kinh phí thực hiện các hoạt động chung của chương trình ở trung ương, kinh phí được duyệt của dự án do trung ương quản lý. - Bảo đảm hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các dự án do trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý: + 70% tổng kinh phí phần do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương). Riêng đối với các tỉnh miền núi, ngân sách trung ương hỗ trợ 90% tổng kinh phí phần do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án. + 30% tổng kinh phí phần do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương). b- Ngân sách địa phương: Bảo đảm một phần kinh phí để thực hiện dự án do trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý, trong đó: - Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương: Bảo đảm 30% tổng kinh phí phần ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án. Riêng đối với các tỉnh miền núi ngân sách địa phương bảo đảm 10% tổng kinh phí phần do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án. - Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương: Bảo đảm 70% tổng kinh phí phần ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện dự án. c- Nguồn huy động từ 30% đến 50% tổng kinh phí được duyệt của dự án (đối với các dự án ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí) do các doanh nghiệp được hưởng dự án tham gia đóng góp. Mức cụ thể do cơ quan phê duyệt dự án quyết định và được thể hiện rõ trong hợp đồng triển khai thực hiện dự án. d- Đóng góp của các cá nhân trong và ngoài nước: - Nếu việc đóng góp của các tổ chức, cá nhân kèm theo thoả thuận điều kiện thực hiện về quản lý, sử dụng thì việc quản lý, sử dụng phần kinh phí này thực hiện theo thoả thuận đó. - Nếu việc đóng góp của các tổ chức, cá nhân không kèm theo thoả thuận điều kiện thực hiện về quản lý, sử dụng thì phần kinh phí đóng góp này được giảm trừ trước khi tính theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp được hưởng dự án. Đồng thời thực hiện việc quản lý, sử dụng, quyết toán phần kinh phí này theo quy định chung hiện hành. 5. Lập dự toán chi ngân sách của Chương trình: - Đối với các dự án do trung ương quản lý và các hoạt động chung của Chương trình: Hàng năm vào thời điểm xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ lập dự toán chi ngân sách thực hiện các dự án do trung ương quản lý, các hoạt động chung của Chương trình, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. - Đối với các dự án giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý: Thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước. 6. Giao và phân bổ dự toán chi ngân sách: a. Về giao dự toán : - Đối với các dự án do trung ương quản lý, chi hoạt động chung của Chương trình: Dự toán ngân sách trung ương giao về Bộ KH&CN - Đối với các dự án do trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý: + Phần ngân sách địa phương bảo đảm được bố trí cân đối trong ngân sách địa phương và thực hiện giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. + Phần ngân sách trung ương hỗ trợ được bố trí trong dự toán chi bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và thực hiện giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. b. Việc phân bổ dự toán chi cho các đơn vị: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 7. Cấp phát kinh phí: a. Đối với kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương: - Đối với các dự án trung ương quản lý: Bộ KH&CN rút dự toán để chi theo tiến độ và khối lượng công việc thực hiện, phù hợp với hợp đồng ký kết giữa Cơ quan thường trực Chương trình - Bộ KH&CN và các đơn vị chủ trì thực hiện dự án. - Các khoản chi hoạt động chung của Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. - Dự toán chi ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các dự án giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý: Thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các địa phương theo hình thức bổ sung có mục tiêu. b. Đối với kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương: Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, theo tiến độ và khối lượng công việc thực hiện, phù hợp với hợp đồng ký kết giữa Cơ quan quản lý dự án ở địa phương với đơn vị chủ trì thực hiện dự án. c. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp thực tế phải phù hợp với cơ cấu giữa kinh phí ngân sách nhà nước với vốn huy động đóng góp của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 8. Công tác hạch toán và quyết toán kinh phí của Chương trình: - Đối với các dự án do trung ương quản lý, các hoạt động chung của Chương trình: Hạch toán vào chương của Bộ KH&CN (017A), loại 11 khoản 01. Bộ KH&CN có trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện các dự án do trung ương quản lý và kinh phí chi cho các hoạt động khác của Chương trình, tổng hợp vào báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ KH&CN gửi Bộ Tài chính theo quy định hiện hành. - Đối với các dự án do trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý: + Hạch toán vào chương của Cơ quan quản lý dự án ở địa phương và loại khoản tương ứng. Cơ quan quản lý dự án ở địa phương có trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện dự án với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. + Quyết toán kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương được tổng hợp vào quyết toán ngân sách địa phương. 9. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm: Hàng năm, Bộ KH&CN chủ trì (đối với các dự án do trung ương trực tiếp quản lý), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở KH&CN (nếu được giao) chủ trì (đối với các dự án giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý) phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất tình hình thực hiện dự án. Trường hợp không thực hiện đúng kế hoạch, sử dụng kinh phí sai mục đích, sai chế độ, thì đình chỉ và ra quyết định thu hồi kinh phí đã sử dụng sai mục đích nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp vốn huy động đóng góp của các doanh nghiệp được hưởng dự án không đảm bảo tiến độ, không đúng cam kết trong hợp đồng, thì phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước được giảm tương ứng với cơ cấu tỷ lệ đóng góp kinh phí để thực hiện dự án. 10. Xử lý về tài chính khi chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự: a- Hợp đồng đã được hoàn thành: - Hợp đồng đã hoàn thành và nghiệm thu đạt yêu cầu, tiến hành tất toán kinh phí Chương trình theo qui định hiện hành. - Hợp đồng đã hoàn thành, nhưng nghiệm thu không đạt yêu cầu thì xử lý theo quy định tại Điểm 11 phần II “đối với dự án không đạt yêu cầu”. b- Hợp đồng chưa hoàn thành: - Trường hợp bên được giao chủ trì dự án là cá nhân nhưng cá nhân bị chết mà hợp đồng phải do chính cá nhân đó thực hiện thì tiến hành thu hồi số kinh phí đã cấp mà chưa sử dụng, số kinh phí đã sử dụng không tiến hành thu hồi. - Trường hợp đối tượng của hợp đồng không còn và các bên đã bồi thường thiệt hại thì số kinh phí bồi thường và số kinh phí đã cấp mà chưa sử dụng nộp trả ngân sách nhà nước. - Trường hợp bên được giao chủ trì dự án là pháp nhân, chủ thể khác nhưng pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt theo qui định của pháp luật mà hợp đồng phải do chính pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện thì việc xử lý kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho đề tài, dự án thực hiện theo các văn bản pháp quy liên quan đến việc chấm dứt của pháp nhân hoặc chủ thể đó. - Trường hợp bên được giao chủ trì dự án huỷ bỏ hợp đồng, đơn phương đình chỉ hợp đồng mà phía cơ quan nhà nước ký hợp đồng không vi phạm các điều khoản về huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng được hai bên thoả thuận, hoặc không có thoả thuận trên trong hợp đồng thì tiến hành thu hồi 100% kinh phí nhà nước đã cấp cho dự án. - Trường hợp bên được giao chủ trì dự án huỷ bỏ hợp đồng, đơn phương đình chỉ hợp đồng mà phía cơ quan nhà nước ký hợp đồng vi phạm các điều khoản về huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng được hai bên thoả thuận thì không tiến hành thu hồi kinh phí đã sử dụng của dự án. Cơ quan nhà nước ký hợp đồng có trách nhiệm thông báo lý do cho bên giao chủ trì dự án và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị nhà nước vi phạm hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật. - Trường hợp đối tượng của hợp đồng không còn và các bên thoả thuận thay thế đối tượng mới, số kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho đối tượng cũ sẽ thu hồi 100%. Trường hợp kết quả của đối tượng cũ là một phần cấu thành kết quả của đối tượng mới thì số kinh phí đã cấp coi như cấp cho đối tượng mới và tiếp tục thực hiện hợp đồng với đối tượng mới. Các quy định về xử lý tài chính khi chấm dứt hợp đồng nêu trên phải được thể hiện rõ trong hợp đồng ký kết giữa các bên. 11. Đối với các dự án không đạt yêu cầu: Khi dự án kết thúc mà cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (cơ quan phê duyệt dự án) đánh giá nghiệm thu ở mức không đạt yêu cầu : Sau khi kiểm tra xác định tình hình thực hiện dự án, cơ quan thường trực Chương trình (đối với dự án do trung ương quản lý) có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; cơ quan quản lý dự án ở địa phương (đối với dự án trung ương giao nhiệm vụ cho địa phương quản lý) có văn bản báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét quyết định mức thu hồi từ 50% đến 70% tổng kinh phí đã thực hiện dự án phần ngân sách nhà nước phải đảm bảo. Việc thu hồi kinh phí ngân sách nhà nước cấp nêu trên được ghi rõ trong hợp đồng giao chủ trì thực hiện dự án. 12. Trách nhiệm của các Bộ ngành có liên quan: Các Bộ:Tư pháp, Văn hoá – Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Giáo dục – Đào tạo, Thương mại, Công nghiệp, Y tế và các Bộ ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp và thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Quy chế quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 36/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Thông tư có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phản ánh về liên Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp xử lý ./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỨ TRƯỞNG Bùi Mạnh Hải KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn Nơi nhận: - Văn phòng TW, Văn phòng Quốc hội. - Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước. - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao. - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. - UBND, Sở Tài chính, Sở KH&CN, Kho bạc NN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW. - Cơ quan trung ương của các đoàn thể. - Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp. - Công báo. - Website Chính phủ. - Lưu: VT Bộ TC, Bộ KH&CN.
{ "issuing_agency": "Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính", "promulgation_date": "31/10/2006", "sign_number": "102/2006/TTLT-BTC-BKHCN", "signer": "Bùi Mạnh Hải, Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Thong-tu-17-2021-TT-NHNN-sua-doi-Thong-tu-19-2016-TT-NHNN-hoat-dong-the-ngan-hang-496355.aspx
Thông tư 17/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN hoạt động thẻ ngân hàng mới nhất
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 17/2021/TT-NHNN Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2021 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 19/2016/TT-NHNN NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 2016 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THẺ NGÂN HÀNG Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010; Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017; Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP; Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 19/2016/TT-NHNN). Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 3 như sau: “12. Chủ thẻ chính là cá nhân hoặc tổ chức đứng tên thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với tổ chức phát hành thẻ.”. 2. Bổ sung khoản 5 vào Điều 9 như sau: “5. TCPHT phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa khi phát hành thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27b Thông tư này. TCPHT trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.”. 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 10 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN) như sau: “5. Trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng, TCPHT yêu cầu chủ thẻ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài, TCPHT yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ cần thiết để xác minh thời hạn cư trú tại Việt Nam gồm: hộ chiếu, thị thực, giấy chứng nhận miễn thị thực nhập cảnh, giấy chứng nhận tạm trú hoặc thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú, hợp đồng lao động hoặc quyết định trúng tuyển, hoặc các giấy tờ khác chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam. Các giấy tờ cần thiết của khách hàng khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ là bản chính hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao được chứng thực hoặc bản sao cấp từ sổ gốc theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp xuất trình bản chính để đối chiếu, TCPHT phải xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính. Trường hợp giấy tờ là bản sao điện tử, TCPHT phải có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra và đối chiếu, đảm bảo bản sao điện tử có nội dung đầy đủ, chính xác và khớp đúng so với bản chính theo quy định của pháp luật.”. 4. Bổ sung khoản 10 vào Điều 10 như sau: “10. TCPHT có thể thực hiện phát hành thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh đối với chủ thẻ chính là cá nhân bằng phương thức điện tử. Thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều này và Điều 10a Thông tư này.”. 5. Bổ sung Điều 10a như sau: “Điều 10a. Phát hành thẻ bằng phương thức điện tử 1. TCPHT phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục phát hành thẻ của cá nhân bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định tại Điều này, pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan về đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCPHT, bao gồm tối thiểu các bước như sau: a) Thu thập thông tin, giấy tờ cần thiết trước khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng nhằm nhận biết khách hàng và xác định hạn mức giao dịch của thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh, thẻ tín dụng theo quy định tại khoản 5 Điều 10, khoản 3 Điều này và Điều 14 Thông tư này, quy định nội bộ của TCPHT và các quy định pháp luật khác (nếu có); b) Thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; c) Cảnh báo cho khách hàng về các hành vi không được thực hiện trong quá trình mở và sử dụng thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử; d) Cung cấp cho khách hàng hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo các nội dung quy định tại Điều 13 Thông tư này và thực hiện giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ với khách hàng đảm bảo quy định về pháp luật giao dịch điện tử; đ) Thông báo tên TCPHT, tên hoặc nhãn hiệu thương mại của thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực (hoặc thời điểm bắt đầu có hiệu lực) của thẻ, tên chủ thẻ, phạm vi và chức năng sử dụng của thẻ, các điều cấm theo quy định pháp luật khi sử dụng thẻ cho khách hàng. 2. TCPHT được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau: a) Có giải pháp, công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của TCPHT hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác hoặc bởi tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử; b) Có biện pháp kỹ thuật để xác nhận việc khách hàng đã được định danh đồng ý với nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ; c) Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trước, trong và sau khi phát hành thẻ cho khách hàng; biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch thẻ được phát hành bằng phương thức điện tử là chủ thẻ chính. Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật trong quá trình cung ứng dịch vụ; d) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng phát hành và sử dụng thẻ, như: thông tin nhận biết khách hàng; các yếu tố sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền. 3. TCPHT căn cứ điều kiện công nghệ áp dụng khi nhận biết và xác minh khách hàng để đánh giá rủi ro, quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của khách hàng mở bằng phương thức điện tử tại khoản 2 Điều này nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giao dịch (bao gồm rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán) của thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước định danh hoặc thẻ tín dụng của một khách hàng không vượt quá 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng và không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế. 4. TCPHT được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch của thẻ mở bằng phương thức điện tử cao hơn hạn mức quy định tại khoản 3 Điều này và được thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế khi thực hiện một trong các biện pháp sau: a) TCPHT áp dụng công nghệ để kiểm tra, đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân thông qua cơ sở dữ liệu căn cước công dân; b) TCPHT áp dụng giải pháp cuộc gọi ghi hình (video call) để thực hiện thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình phát hành thẻ đảm bảo hiệu quả như quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng qua phương thức gặp mặt trực tiếp. Giải pháp video call phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: đảm bảo an toàn, bảo mật; độ phân giải cao; tín hiệu liên tục; cho phép tương tác âm thanh, hình ảnh với khách hàng theo thời gian thực để đảm bảo nhận diện người thật; lưu trữ toàn bộ dữ liệu âm thanh, hình ảnh hoặc bản ghi hình, ghi âm trong quá trình phát hành thẻ cho khách hàng; c) Sau khi TCPHT đã thực hiện việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ thẻ chính là cá nhân. 5. Việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử tại Điều này không áp dụng với các đối tượng tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Thông tư này. TCPHT chỉ phát hành thẻ bằng phương thức điện tử cho khách hàng cá nhân là người nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này đối với thẻ ghi nợ. 6. Việc cấp tín dụng qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi ngoài việc tuân thủ quy định tại Điều này còn phải thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.”. 6. Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 13 như sau: “g. Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng;”. 7. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 15 như sau: “b. TCPHT phải có quy định nội bộ về cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, hạn mức, điều kiện, thời hạn cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay, phí phạt khoản nợ quá hạn, mục đích vay, quy trình thẩm định và quyết định cấp tín dụng qua thẻ theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng, các biện pháp áp dụng thu hồi nợ để đảm bảo trách nhiệm các bộ phận tại TCPHT trong quá trình thu hồi nợ;”. 8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN) như sau: “2. Đối với chủ thẻ chính là tổ chức: Tổ chức đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán được sử dụng thẻ ghi nợ. Tổ chức là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh. Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ theo quy định tại Thông tư này.”. 9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 17 như sau: “1. Chủ thẻ phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của TCPHT khi giao kết hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp. 2. Khi sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi, chủ thẻ phải sử dụng tiền đúng mục đích và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho TCPHT các khoản tiền vay và lãi phát sinh từ việc sử dụng thẻ theo hợp đồng đã giao kết với TCPHT.”. 10. Bổ sung điểm e vào khoản 3 Điều 17 như sau: “e. Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước định danh phát hành bằng phương thức điện tử không thực hiện rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, thanh toán quốc tế trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10a Thông tư này.”. 11. Bổ sung khoản 4 vào Điều 17 như sau: “4. TCPHT, TCTTT thực hiện các biện pháp cần thiết để cập nhật, kiểm tra, rà soát, đối chiếu và nhận biết khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ.”. 12. Bổ sung khoản 1a vào Điều 22 như sau: “1a. TCTTT phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa áp dụng đối với ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán của TCTTT theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Điều 27a Thông tư này. TCTTT trong thời gian kiểm soát đặc biệt thực hiện lộ trình chuyển đổi theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể.”. 13. Bổ sung khoản 1a vào Điều 27 như sau: “1a. TCPHT, TCTTT, ĐVCNT có thể từ chối thanh toán thẻ khi có nghi ngờ về tính trung thực, mục đích giao dịch của chủ thẻ theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.”. 14. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 28 như sau: “3. TCPHT gửi biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để theo dõi và giám sát.”. 15. Bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 31 như sau: “d) Đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kiểm soát đặc biệt.”. Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Điều 3. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. 2. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCPHT triển khai biện pháp cần thiết để thông báo cho khách hàng biết về các quy định mới liên quan đến hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư này bằng các hình thức theo quy định tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, văn bản thỏa thuận với khách hàng và trên Trang thông tin điện tử chính thức của TCPHT. Đối với hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ đã giao kết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm giao kết, TCPHT thực hiện giao kết lại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc văn bản thỏa thuận với khách hàng phù hợp với quy định tại Thông tư này khi khách hàng có yêu cầu. 3. Thông tư này bãi bỏ khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN và khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 28/2019/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN. Nơi nhận: - Như Điều 2; - Ban Lãnh đạo NHNN; - Văn phòng Chính phủ; - Bộ Tư pháp (để kiểm tra); - Công báo; - Cổng thông tin điện tử NHNN; - Lưu: VP, Vụ PC, Vụ TT (5 bản). KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC Phạm Tiến Dũng
{ "issuing_agency": "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", "promulgation_date": "16/11/2021", "sign_number": "17/2021/TT-NHNN", "signer": "Phạm Tiến Dũng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-06-2018-TT-BKHCN-Quy-chuan-ky-thuat-quoc-gia-ve-dau-nhon-dong-co-dot-trong-385839.aspx
Thông tư 06/2018/TT-BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong mới nhất
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 06/2018/TT-BKHCN Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018 THÔNG TƯ BAN HÀNH “QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DẦU NHỜN ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG” Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 08 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong”. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này QCVN 14:2018/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/7/2018. Điều 3. Thời hạn chuyển tiếp 1. Kể từ ngày 15/12/2018, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN. 2. Dầu nhờn động cơ đốt trong được sản xuất, pha chế, nhập khẩu đã lưu thông trên thị trường trước ngày 15/12/2018 thì tiếp tục được lưu thông trên thị trường cho đến hết ngày 15/6/2020. Điều 4. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Thủ tướng CP (để báo cáo); - Các Phó Thủ tướng CP (để báo cáo); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Tòa án nhân dân tối cao; - Công báo VPCP; - Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp); - Lưu: VT, TĐC. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Văn Tùng QCVN 14:2018/BKHCN QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DẦU NHỜN ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG National technical regulation on lubricating oils for Internal Combustion Engines LỜI NÓI ĐẦU QCVN 14:2018/BKHCN do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Dầu nhờn động cơ đốt trong biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 06/TT-BKHCN ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ DẦU NHỜN ĐỘNG CƠ ĐỐT TRONG National technical regulation on lubricating oils for Internal Combustion Engines 1. QUY ĐỊNH CHUNG 1.1. Phạm vi điều chỉnh Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với dầu nhờn dùng cho động cơ đốt trong. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với dầu nhờn động cơ đốt trong dùng trong mục đích an ninh, quốc phòng. 1.2. Đối tượng áp dụng 1.2.1. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ dầu nhờn động cơ đốt trong tại Việt Nam. 1.2.2. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. 1.3. Giải thích từ ngữ Trong Quy chuẩn kỹ thuật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1.3.1. Dầu nhờn động cơ đốt trong (sau đây gọi tắt là dầu nhờn động cơ): Là dầu nhờn được sử dụng cho động cơ đốt trong 4 kỳ và 2 kỳ, bao gồm: - Dầu gốc khoáng: Dầu được sản xuất có nguồn gốc từ dầu mỏ qua quá trình chưng cất và xử lý - Dầu tổng hợp: Dầu được tạo ra bằng các phản ứng hóa học từ các hợp chất ban đầu - Dầu bán tổng hợp: Sản phẩm pha trộn giữa dầu gốc khoáng và dầu tổng hợp 1.3.2. Dầu nhờn động cơ 4 kỳ: Dầu nhờn được sử dụng cho động cơ đốt trong 4 kỳ (động cơ bốn chu trình) 1.3.3. Dầu nhờn động cơ 2 kỳ: Dầu nhờn được sử dụng cho động cơ đốt trong 2 kỳ (động cơ hai chu trình) 1.3.4. Phụ gia: là những hợp chất vô cơ, hữu cơ hoặc những nguyên tố hóa học được bổ sung vào dầu nhờn động cơ đốt trong nhằm nâng cao hay mang lại những tính chất mong muốn. 1.4. Phân loại cấp tính năng dầu nhờn động cơ đốt trong Các loại dầu nhờn động cơ đốt trong dùng cho động cơ 4 kỳ và 2 kỳ dùng cho động cơ xăng, động cơ diezen hoặc dùng cho cả động cơ xăng và diezen có các ký hiệu phân cấp tính năng phải đáp ứng tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất (phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế). 2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT 2.1. Phân cấp độ nhớt: Các cấp độ nhớt động học của các loại dầu nhờn động cơ đốt trong phải đáp ứng các tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất (phù hợp với cấp độ nhớt của SAE hoặc các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế). 2.2 Các chỉ tiêu hóa lý bắt buộc và các mức giới hạn của dầu nhờn động cơ đốt trong nêu tại mục 1.3.1 được quy định tại Bảng 1. Bảng 1: Các chỉ tiêu hóa lý bắt buộc và mức giới hạn Tên chỉ tiêu Mức giới hạn Phương pháp thử Dầu nhờn động cơ 4 kỳ Dầu nhờn động cơ 2 kỳ 1. Độ nhớt động học, mm2/s (cSt) Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng Ở 100°C Không nhỏ hơn 6,5 TCVN 3171:2011 (ASTM D445-11) hoặc ISO 3104:1994 hoặc các tiêu chuẩn tương ứng 2. Chỉ số độ nhớt, không nhỏ hơn 95 - TCVN 6019:2010 (ASTM D2270-04) 3. Trị số kiềm tổng (TBN), mg KOH, không nhỏ hơn 4,0 - TCVN 3167:2008 (ASTM D2896-07a) 4. Nhiệt độ chớp cháy cốc hở, °C, không nhỏ hơn 180 - TCVN 2699:1995 hoặc TCVN 7498:2005 (ASTM D92-02b) 5. Độ tạo bọt/mức ổn định, ml, theo chu kỳ 2, không lớn hơn 50/0 - ASTM D892-13 hoặc ISO 6247:1998 6. Tổng hàm lượng kim loại Ca, Mg, Zn, % khối lượng, không nhỏ hơn 0,1 - TCVN 7866:2008 (ASTM D4951-06) hoặc ASTM D5185-13e1 hoặc ASTM D4628-05 7. Hàm lượng nước, % thể tích, không lớn hơn 0,05 0,05 TCVN 2692:2007 (ASTM D95-05e1) 8. Ăn mòn tấm đồng 1a - TCVN 2694:2007 (ASTM D130-04e1) 9. Cặn cơ học (cặn pentan), % khối lượng, không lớn hơn 0,03 - ASTM D4055-02 10. Tro sunfat % khối lượng, không lớn hơn - 0,18 TCVN 2689:2007 (ASTM D874-06) hoặc ISO 3987:2010 2.3. Phụ gia Các loại phụ gia sử dụng để pha chế dầu nhờn động cơ đốt trong phải đảm bảo phù hợp các quy định về an toàn, sức khỏe và môi trường và không được gây hỏng cho động cơ cũng như hệ thống tồn trữ, bảo quản, vận chuyển và phân phối sản phẩm. 2.4. Ghi nhãn Dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông trên thị trường phải đảm bảo được việc ghi nhãn theo quy định hiện hành. Trường hợp dầu nhờn động cơ đốt trong được đóng gói sẵn, trên bao bì của dầu nhờn động cơ đốt trong phải ghi nhãn một cách rõ ràng, dễ đọc. Nhãn gắn trên bao bì phải bền và không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển. Nội dung tối thiểu của nhãn phải bao gồm: + Tên hàng hóa (ghi rõ loại động cơ sử dụng); + Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; + Xuất xứ hàng hóa; + Thể tích/ Khối lượng; + Đặc tính kỹ thuật (cấp độ nhớt, cấp tính năng); + Hướng dẫn sử dụng, bảo quản; + Thông tin cảnh báo. 2.5. Ngoài các yêu cầu quy định tại các khoản 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, dầu nhờn động cơ đốt trong phải bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật, đặc tính sản phẩm không gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường và tài sản. 3. PHƯƠNG PHÁP THỬ 3.1. Lấy mẫu Mẫu để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này được lấy theo TCVN 2715:1995 (ISO 3710:1988, ASTM D4057:1988) Chất lỏng dầu mỏ - Lấy mẫu thủ công. 3.2. Phương pháp thử: Các chỉ tiêu của dầu nhờn động cơ đốt trong quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn này được xác định theo các phương pháp sau: - TCVN 3171:2011 (ASTM D445-11) Chất lỏng dầu mỏ trong suốt và không trong suốt - Phương pháp xác định độ nhớt động học (và tính toán độ nhớt động lực); - ISO 3104:1994 Petroleum products-Transparent and opaque liquids- Determination of kinematic viscosity and calculation of dynamic viscosity (Sản phẩm dầu mỏ - Chất lỏng trong suốt và không trong suốt - Xác định độ nhớt động học và tính toán độ nhớt động lực); - TCVN 6019:2010 (ASTM D2270-04) Sản phẩm dầu mỏ - Tính toán chỉ số độ nhớt từ độ nhớt động học tại 40oC và 100oC; - TCVN 3167:2008 (ASTM D2896-07a) Sản phẩmdầu mỏ - Trị số kiềm tổng (phương pháp chuẩn độ điện thế bằng axit Pecloric); - TCVN 2699:1995 Sản phẩm dầu mỏ - Phương pháp xác định điểm chớp lửa cốc hở; - TCVN 7498:2005 (ASTM D92- 02b) Bitum - Phương pháp xác định điểm chớp cháy và điểm cháy bằng thiết bị cốc hở; - ASTM D892-13 Standard Test Method for Foaming Characteristics of Lubricating Oils (Phương pháp xác định các đặc tính tạo bọt cho dầu bôi trơn động cơ); - ISO 6247:1998 Petroleum products-Determination of foaming characteristics of lubricating oils (Sản phẩm dầu mỏ - Xác định các đặc tính tạo bọt của dầu bôi trơn; - ASTM D5185-13e1 Standard Test Method for Determination of Additive elements, wear metals and contaminants in use lubricating oils and determination of slected element in base oils by inductively coupled plasma atomic emissipon spectrometry (Phương pháp xác định các kim loại trong phụ gia, các kim loại mài mòn và các tạp chất trong dầu bôi trơn sử dụng quang phổ phát xạ plasma nguyên tử kết hợp quy nạp). - TCVN 7866:2008 (ASTM D4951- 06) Dầu bôi trơn-Xác định hàm lượng các nguyên tố phụ gia bằng quang phổ phát xạ nguyên tử plasma nguyên tử kết hợp came ứng (IPC); - ASTM D4628-05 Standard Test Method for Analysis of Barium, Calcium, Magnesium, and Zinc in Unused Lubricating Oils by Atomic Absorption Spectrometry (Phương pháp xác định Bari, Canxi, Magie và Kẽm trong dầu bôi trơn động cơ bằng quang phổ hấp thụ nguyên tử); - TCVN 2692:2007 (ASTM D95-05e1) Sản phẩm dầu mỏ & Bitum - Xác định hàm lượng nước bằng phương pháp chưng cất; - TCVN 2694:2007 (ASTM D130-04e1) Sản phẩm dầu mỏ - Phương pháp xác định độ ăn mòn đồng bằng phép thử tấm đồng; - ASTM D4055 - 02 Standard Test Method for Pentane Insolubles by Membrane Filtration (Phương pháp xác định cặn Pentan bằng màng lọc); - TCVN 2689:2007 ( ASTM D874-06) Dầu bôi trơn và các chất phụ gia - Phương pháp xác định tro sunphat; - ISO 3987:2010 Petroleum products-Determination of sunfated ash in lubricating oils and additives (Sản phẩm dầu mỏ - Xác định tro sunfate hóa trong dầu bôi trơn và phụ gia); - TCVN 6702:2013 (ASTM D 3244-07a) Xử lý kết quả thử nghiệm để xác định sự phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. 4. QUY ĐỊNH QUẢN LÝ 4.1. Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. 4.2. Việc công bố hợp quy dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu phù hợp với các quy định kỹ thuật tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này căn cứ trên cơ sở kết quả thực hiện chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc tổ chức chứng nhận đã được thừa nhận theo quy định của pháp luật. Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012. Việc kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học quy định việc kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ 4.3. Các phương thức đánh giá sự phù hợp và nguyên tắc áp dụng được quy định tại Điều 5 và Phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ. 4.3.1. Đối với dầu nhờn động cơ đốt trong được sản xuất, pha chế trong nước áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 (Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất) tại cơ sở sản xuất, pha chế. Trường hợp cơ sở sản xuất, pha chế không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo phương thức 5 thì phải áp dụng theo phương thức 7. 4.3.2. Đối với dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 7 (Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm hàng hóa) đối với từng lô dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu. Trường hợp cơ sở sản xuất có yêu cầu chứng nhận tại cơ sở sản xuất, pha chế tại nguồn thì áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 được quy định tại mục 4.3.1 5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN 5.1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, pha chế Dầu nhờn động cơ đốt trong phải thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng với nội dung không được trái với Quy chuẩn kỹ thuật này, đảm bảo chất lượng phù hợp với quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này và tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. 5.2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, pha chế, nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật này. 5.3. Tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ dầu nhờn động cơ đốt trong phải đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. 6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 6.1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật này. Căn cứ vào yêu cầu quản lý, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chuẩn kỹ thuật này. 6.2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Quy chuẩn kỹ thuật này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới. Trường hợp các tiêu chuẩn viện dẫn tại Quy chuẩn kỹ thuật này có sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng./.
{ "issuing_agency": "Bộ Khoa học và Công nghệ", "promulgation_date": "15/05/2018", "sign_number": "06/2018/TT-BKHCN", "signer": "Trần Văn Tùng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xuat-nhap-khau/Thong-tu-14-2018-TT-BYT-danh-muc-trang-thiet-bi-y-te-duoc-xac-dinh-ma-so-hang-hoa-382398.aspx
Thông tư 14/2018/TT-BYT danh mục trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa mới nhất
BỘ Y TẾ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 14/2018/TT-BYT Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018 THÔNG TƯ BAN HÀNH DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH MÃ SỐ HÀNG HÓA THEO DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VIỆT NAM Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế; Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Căn cứ Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư ban hành Danh mục trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Điều 1. Ban hành danh mục Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã hàng hóa (sau đây gọi tắt là mã hàng) theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Điều 2. Quy định sử dụng danh mục 1. Danh mục bao gồm các mặt hàng đã được xác định là trang thiết bị y tế và quản lý theo quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu trang thiết bị y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác về trang thiết bị y tế. 2. Danh mục trang thiết bị y tế đã xác định mã hàng ban hành kèm theo Thông tư này là cơ sở để tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hải quan khi xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế vào Việt Nam. 3. Khi xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp số lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu theo quy định nhưng chưa có mã hàng trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này, việc khai báo hải quan thực hiện theo mô tả thực tế hàng hóa và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Sau khi thông quan các tổ chức, cá nhân có văn bản gửi về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét thống nhất, cập nhật và ban hành Danh mục bổ sung. 4. Trường hợp phát sinh vướng mắc hoặc có sự khác biệt trong việc xác định mã hàng trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét lại để thống nhất trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để tạo Điều kiện cho hàng hóa được thông quan thuận lợi, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh Mục. Điều 3. Điều khoản tham chiếu Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định được viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới. Điều 4. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. 2. Danh mục mã hàng ban hành tại Phụ lục số I kèm theo Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc nhập khẩu trang thiết bị y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Điều 5. Trách nhiệm thi hành Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục, Vụ trưởng các Vụ, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị y tế ngành, tổ chức, cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế và tổ chức cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ (Vụ Khoa giáo - Văn xã, Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ); - Bộ trưởng (để báo cáo); - Các Thứ trưởng Bộ Y tế; - Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; - Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; - Y tế các ngành; - Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính; - Hội thiết bị y tế Việt Nam; - Cổng TTĐT Bộ Y tế; - Lưu: VT, PC (02b), TB-CT (03b). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Viết Tiến DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ Y TẾ THUỘC DIỆN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH CỦA BỘ Y TẾ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH MÃ SỐ HÀNG HÓA THEO DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VIỆT NAM (Kèm theo Thông tư số 14/2018/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) STT Mô tả trang thiết bị y tế Mã hàng 1 Bộ thử chẩn đoán bệnh sốt rét 3002.11.00 2 Các sản phẩm đã hoặc chưa pha trộn dùng cho phòng bệnh hoặc chữa bệnh (ví dụ: dung dịch xịt hoặc kem phòng ngừa loét do tì đè; dung dịch muối biển vệ sinh mũi; xịt mũi nước biển; xịt tai, xịt họng; nước mắt nhân tạo; nhũ tương nhỏ mắt; gel hoặc dung dịch làm ẩm, làm mềm vết thương, gel dùng cho vết thương ở miệng; dịch lọc thận...) 3004.90.99 3 Băng dán và các sản phẩm có một lớp dính đã tráng phủ hoặc thấm tẩm dược chất 3005.10.10 4 Băng dán và các sản phẩm có một lớp dính không tráng phủ hoặc không thấm tẩm dược chất (ví dụ: miếng dán sát khuẩn; miếng dán hạ sốt; miếng dán lạnh; miếng dán giữ nhiệt...) 3005.10.90 5 Băng y tế 3005.90.10 6 Gạc y tế 3005.90.20 7 Bông y tế 3005.90.90 8 Chỉ tự tiêu vô trùng dùng cho nha khoa hoặc phẫu thuật; miếng chắn dính, miếng đệm vô trùng dùng trong nha khoa hoặc phẫu thuật, có hoặc không tự tiêu 3006.10.10 9 Chỉ không tự tiêu, sản phẩm cầm máu tự tiêu vô trùng trong phẫu thuật hoặc nha khoa; vật liệu cầm máu; tấm nâng phẫu thuật; lưới Điều trị thoát vị; keo dán sinh học; màng ngăn hấp thu sinh học; keo tạo màng vô trùng dùng để khép miệng vết thương trong phẫu thuật; tảo nong vô trùng và nút tảo nong vô trùng. 3006.10.90 10 Chất thử nhóm máu 3006.20.00 11 Xi măng hàn răng và các chất hàn răng khác 3006.40.10 12 Xi măng gắn xương 3006.40.20 13 Hộp, bộ dụng cụ cấp cứu; bộ kít chăm sóc vết thương 3006.50.00 14 Các chế phẩm gel được sản xuất để dùng cho người như chất bôi trơn cho các bộ phận của cơ thể khi tiến hành phẫu thuật hoặc khám bệnh hoặc như một chất gắn kết giữa cơ thể và thiết bị y tế (ví dụ: gel siêu âm, gel bôi trơn âm đạo; dịch nhầy dùng trong phẫu thuật Phaco...) 3006.70.00 15 Dụng cụ chuyên dụng cho mổ tạo hậu môn giả 3006.91.00 16 Bột và bột nhão làm chặt chân răng 3306.10.10 17 Dung dịch ngâm, rửa, làm sạch, bảo quản kính áp tròng 3307.90.50 18 Phim X quang dùng trong y tế 3701.10.00 19 Tấm cảm biến nhận ảnh X quang y tế 3701.99.90 20 Dung dịch, hóa chất khử khuẩn dụng cụ, thiết bị y tế 3808.94.90 21 Tấm, phiến, màng, lá và dải bằng plastic được thấm, tẩm hoặc tráng phủ chất thử chẩn đoán bệnh 3822.00.10 22 Bìa, tấm xơ sợi xenlulo và màng xơ sợi xenlulo được thấm, tẩm hoặc tráng phủ chất thử chẩn đoán bệnh 3822.00.20 23 Chất thử chẩn đoán bệnh khác (ví dụ: que thử, khay thử; chất thử, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát in vitro...) 3822.00.90 24 Các sản phẩm khác bằng plastic (ví dụ: cuvet, đầu côn, khay ngâm dụng cụ tiệt khuẩn; bộ chuyển tiếp, ống nối; miếng nẹp sau phẫu thuật; mặt nạ cố định; kẹp ống thông, dây dẫn; miếng dán giữ ống thông; túi đựng nước tiểu; túi đựng dịch xả trong lọc màng bụng; ống nghiệm chứa chất chống đông; túi ép tiệt trùng, bao bì đựng dụng cụ không chứa giấy; bao chụp đầu đèn; bao camera nội soi; túi đựng bệnh phẩm nội soi...) 3926.90.39 25 Bao cao su 4014.10.00 26 Găng tay phẫu thuật 4015.11.00 27 Găng khám 4015.19.00 28 Mặt hàng bao bì dùng trong xử lý tiệt trùng dụng cụ y tế, dạng túi làm từ nhựa và giấy (giấy chiếm hàm lượng nhiều hơn), gồm hai mặt (một mặt bằng plastic, một mặt bằng giấy), được dán kín 3 cạnh, cạnh còn lại có một dải băng keo để có thể dán túi. Túi dạng đã đóng gói bán lẻ. 4819.50.00 29 Mặt hàng sản phẩm dùng trong xử lý tiệt trùng dụng cụ y tế, dạng ống được ép dẹt, gồm 2 mặt (một mặt bằng giấy, một mặt bằng polyester, giấy chiếm hàm lượng nhiều hơn) đã được dán kín 2 cạnh với nhau, đóng thành dạng cuộn 4823.90.99 30 Tất, vớ dùng cho người giãn tĩnh mạch, từ sợi tổng hợp 6115.10.10 31 Áo phẫu thuật 6211.43.10 32 Hàng may mặc từ bông, loại có tính đàn hồi bó chặt để Điều trị mô vết sẹo và ghép da 6212.90.11 33 Hàng may mặc từ vật liệu dệt khác, loại có tính đàn hồi bó chặt để Điều trị mô vết sẹo và ghép da 6212.90.91 34 Khẩu trang phẫu thuật 6307.90.40 35 Thiết bị khử trùng dùng trong y tế, phẫu thuật (Ví dụ: máy hấp tiệt trùng; nồi hấp tiệt trùng; máy tiệt trùng nhiệt độ thấp công nghệ plasma;...) 8419.20.00 36 Máy ly tâm chuyên dùng trong chẩn đoán, xét nghiệm, sàng lọc y tế 8421.19.90 37 Xe lăn, xe đẩy, cáng cứu thương và các xe tương tự được thiết kế đặc biệt để chở người tàn tật có hoặc không có cơ cấu vận hành cơ giới 8713.10.00 8713.90.00 38 Kính áp tròng (cận, viễn, loạn) 9001.30.00 39 Kính lúp phẫu thuật, thiết bị soi da 9002.90.90 40 Kính thuốc 9004.90.10 41 Kính hiển vi phẫu thuật 9011.80.00 42 Máy chiếu tia laser CO2 Điều trị 9013.20.00 43 Thiết bị điện tim 9018.11.00 44 Thiết bị siêu âm dùng trong y tế (ví dụ: máy siêu âm chẩn đoán; máy đo độ loãng xương bằng siêu âm; máy đo nhịp tim thai bằng siêu âm, hệ thống thiết bị siêu âm cường độ cao Điều trị khối u...) 9018.12.00 45 Thiết bị chụp cộng hưởng từ 9018.13.00 46 Thiết bị ghi biểu đồ nhấp nháy 9018.14.00 47 Máy theo dõi bệnh nhân; máy đo độ vàng da; máy điện não; máy điện cơ; hệ thống nội soi chẩn đoán; máy đo/phân tích chức năng hô hấp; thiết bị định vị trong phẫu thuật và thiết bị kiểm tra thăm dò chức năng hoặc kiểm tra thông số sinh lý khác 9018.19.00 48 Máy chiếu tia cực tím hay tia hồng ngoại 9018.20.00 49 Bơm tiêm dùng một lần 9018.31.10 50 Bơm tiêm điện, máy truyền dịch 9018.31.90 51 Kim tiêm bằng kim loại, kim khâu vết thương; kim phẫu thuật bằng kim loại; kim, bút lấy máu và dịch cơ thể; kim dùng với hệ thống thận nhân tạo; kim luồn mạch máu 9018.32.00 52 Ống thông đường tiểu 9018.39.10 53 Ống thông, ống dẫn lưu và loại tương tự khác (ví dụ: dụng cụ mở đường vào mạch máu; bộ kít pool tiểu cầu và lọc bạch cầu; dây nối quả lọc máu rút nước; dây dẫn máu; dây thông dạ dày; ống thông cho ăn; dụng cụ lấy máu mẫu; dây nối dài bơm tiêm điện; ống dẫn lưu, ống thông...) 9018.39.90 54 Khoan dùng trong nha khoa, có hoặc không gắn liền cùng một giá đỡ với thiết bị nha khoa khác 9018.41.00 55 Thiết bị và dụng cụ nhãn khoa khác (ví dụ: máy đo khúc xạ, giác mạc tự động; máy đo điện võng mạc; máy chụp cắt lớp đáy mắt, máy chụp huỳnh quang đáy mắt; hệ thống phẫu thuật chuyên ngành nhãn khoa (laser excimer, phemtosecond laser, phaco, máy cắt dịch kính, máy cắt vạt giác mạc); máy laser Điều trị dùng trong nhãn khoa; dụng cụ thông áp lực nội nhãn trong phẫu thuật glôcôm...) 9018.50.00 56 Bộ theo dõi tĩnh mạch, máy soi tĩnh mạch 9018.90.20 57 Dụng cụ và thiết bị điện tử dùng cho ngành y, phẫu thuật, nha khoa (ví dụ: máy phá rung tim; dao mổ điện; dao mổ siêu âm; dao mổ laser; máy gây mê kèm thở; máy giúp thở; lồng ấp trẻ sơ sinh; hệ thống tán sỏi; thiết bị lọc máu; thiết bị phẫu thuật lạnh; máy tim phổi nhân tạo; máy lọc gan; máy chạy thận nhân tạo, máy thẩm phân phúc mạc cho bệnh nhân suy thận; hệ thống phẫu thuật tiền liệt tuyến...) 9018.90.30 58 Thiết bị và dụng cụ dùng cho ngành y thuộc nhóm 9018 nhưng chưa được định danh cụ thể trong Danh Mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và Danh Mục ban hành kèm Thông tư này. 9018.90.90 59 Các dụng cụ chỉnh hình hoặc đinh, nẹp, vít xương 9021.10.00 60 Răng giả 9021.21.00 61 Chi Tiết gắn dùng trong nha khoa 9021.29.00 62 Khớp giả 9021.31.00 63 Các bộ phận nhân tạo khác của cơ thể 9021.39.00 64 Thiết bị trợ thính, trừ các bộ phận và phụ kiện 9021.40.00 65 Thiết bị Điều hòa nhịp tim dùng cho việc kích thích cơ tim, trừ các bộ phận và phụ kiện 9021.50.00 66 Dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo hoặc cấy ghép vào cơ thể để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của bộ phận cơ thể (ví dụ: khung giá đỡ mạch vành, hạt nút mạch, lưới lọc huyết khối, dụng cụ đóng động mạch; thủy tinh thể nhân tạo...) 9021.90.00 67 Thiết bị chụp cắt lớp (CT) Điều khiển bằng máy tính 9022.12.00 68 Thiết bị chẩn đoán hoặc Điều trị sử dụng trong nha khoa 9022.13.00 69 Thiết bị sử dụng tia X dùng chẩn đoán hoặc Điều trị sử dụng cho Mục đích y học, phẫu thuật 9022.14.00 70 Thiết bị sử dụng tia alpha, beta hay gamma dùng cho Mục đích y học, phẫu thuật, nha khoa kể cả thiết bị chụp hoặc thiết bị Điều trị bằng các loại tia đó (ví dụ: máy Coban Điều trị ung thư, máy gia tốc tuyến tính Điều trị ung thư, dao mổ gamma các loại, thiết bị xạ trị áp sát;...) 9022.21.00 71 Thiết bị chẩn đoán bằng đồng vị phóng xạ (hệ thống PET, SPECT, thiết bị đo độ tập trung iốt I130, I131) 9022.90.90 72 Nhiệt kế điện tử 9025.19.19 73 Nhiệt kế y học thủy ngân 9025.19.20 74 Thiết bị phân tích lý hoặc hóa học hoạt động bằng điện dùng cho Mục đích y học (ví dụ: máy phân tích sinh hóa; máy phân tích điện giải, khí máu; máy phân tích huyết học; máy đo đông máu; máy đo tốc độ máu lắng; hệ thống xét nghiệm elisa; máy phân tích nhóm máu; máy chiết tách tế bào; máy đo ngưng tập và phân tích chức năng tiểu cầu; máy định danh vi rút, vi khuẩn; máy phân tích miễn dịch; máy đo tải lượng vi khuẩn, vi rút; máy đo đường huyết...) 9027.80.30 75 Ghế nha khoa và các bộ phận của chúng 9402.10.10 76 Đồ nội thất được thiết kế đặc biệt để dùng trong ngành y, giải phẫu (Ví dụ: giường bệnh Điều khiển bằng điện; bàn mổ, giường cấp cứu, giường hồi sức; tủ đầu giường bệnh nhân; xe đẩy dụng cụ chuyên dụng; ghế lấy máu; ghế truyền dịch, ghế truyền hóa chất...) 9402.90.10 77 Ghế vệ sinh dành cho người bệnh 9402.90.20 78 Đèn mổ treo trần 9405.10.20 79 Đèn mổ để bàn, giường 9405.20.10 80 Đèn khám 9405.20.90 81 Đèn phẫu thuật 9405.40.91
{ "issuing_agency": "Bộ Y tế", "promulgation_date": "15/05/2018", "sign_number": "14/2018/TT-BYT", "signer": "Nguyễn Viết Tiến", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-120-2016-TT-BQP-quy-trinh-kiem-dinh-ky-thuat-an-toan-thiet-bi-tao-Dinitrotoluen-321337.aspx
Thông tư 120/2016/TT-BQP quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị tạo Dinitrotoluen mới nhất
BỘ QUỐC PHÒNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 120/2016/TT-BQP Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2016 THÔNG TƯ BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN ĐỐI VỚI THIẾT BỊ TẠO DINITROTOLUEN SỬ DỤNG TRONG BỘ QUỐC PHÒNG (QTKĐ 04:2016/BQP) Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Căn cứ Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động; Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng; Xét đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong Bộ Quốc phòng. Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị tạo Dinitrotoluen sử dụng trong Bộ Quốc phòng. Ký hiệu: QTKĐ 04:2016/BQP. Điều 2. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2016. Điều 3. Trách nhiệm thi hành Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Bộ LĐTB&XH; - BTTM, TCKT (3b), TCHC, TCCNQP; - Các QK, QĐ, BĐ, QC, BC; - BTL: BĐBP, CSBVN, TĐHN, BVLCTHCM; - Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp; - Vụ Pháp chế/BQP, Công báo, Cổng TTĐTCP, Cổng TTĐT/BQP; - Lưu: VT, NCTH, PC; Q43. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Thượng tướng Bế Xuân Trường QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH QTKĐ 04:2016/BQP THIẾT BỊ TẠO DINITROTOLUEN. QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN (Ban hành kèm theo Thông tư số 120/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) Mục lục Lời nói đầu 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng 1.1. Phạm vi áp dụng 1.2. Đối tượng áp dụng 2. Các hình thức kiểm định 3. Tài liệu viện dẫn 4. Thuật ngữ và định nghĩa 4.1. Thiết bị tạo Dinitrotoluen 4.2. Kiểm định kỹ thuật lần đầu 4.3. Kiểm định kỹ thuật định kỳ 4.4. Kiểm định kỹ thuật bất thường 5. Các bước kiểm định 6. Phương tiện kiểm định 7. Điều kiện kiểm định 8. Chuẩn bị kiểm định 8.1. Thống nhất kế hoạch kiểm định 8.2. Kiểm tra hồ sơ, lý lịch 8.3. Chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị kiểm định 8.4. Chuẩn bị các biện pháp an toàn khi kiểm định. 9. Tiến hành kiểm định 9.1. Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài 9.2. Kiểm tra kỹ thuật bên trong 9.3. Kiểm tra vận hành 10. Xử lý kết quả kiểm định 11. Thời hạn kiểm định Lời nói đầu Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị tạo Dinitrotoluen sử dụng trong Bộ Quốc phòng (QTKĐ 04:2016/BQP) do Tổng cục Kỹ thuật biên soạn, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư số 120/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 8 năm 2016. THIẾT BỊ TẠO DINITROTOLUEN. QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN 1. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG 1.1. Phạm vi áp dụng: Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn này áp dụng để kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu, kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với thiết bị tạo Dinitrotoluen thuộc Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù quân sự do Bộ Quốc phòng ban hành. Căn cứ vào quy trình này, đơn vị kiểm định kỹ thuật an toàn trong Quân đội áp dụng trực tiếp hoặc xây dựng quy trình cụ thể, chi tiết cho từng loại thiết bị tạo Dinitrotoluen nhưng không được trái với quy định của quy trình này. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng thiết bị an tạo Dinitrotoluen nêu trên có trách nhiệm phối hợp với đơn vị kiểm định theo quy định của pháp luật. 1.2. Đối tượng áp dụng: - Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong Quân đội quản lý, sử dụng thiết bị (gọi chung là cơ sở); - Các đơn vị kiểm định kỹ thuật an toàn trong Quân đội; - Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. 2. CÁC HÌNH THỨC KIỂM ĐỊNH Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị tạo Dinitrotoluen phải được thực hiện đầy đủ trong những trường hợp sau: - Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu, trước khi đưa vào sử dụng; - Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ; - Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường. 3. TÀI LIỆU VIỆN DẪN Trong quy trình này áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn sau: - QCVN 01:2012/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất thử nghiệm và nghiệm thu vật liệu nổ công nghiệp; - QCVN 02:2008/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; - QCVN 01:2008-BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động nồi hơi và bình chịu áp lực; - QCVN 01:2008/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện; - TCVN 8366:2010 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo; - TCVN 6155:1996 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa; - TCVN 6156:1966 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, phương pháp thử; - TCVN 6008:2010 - Thiết bị áp lực - Mối hàn yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra. - TCVN 2290-78: Thiết bị sản xuất - Yêu cầu chung về an toàn; - TCVN-18-2006: Quy phạm trang bị điện; - TCVN 1987:1994: Động cơ điện không đồng bộ ba pha rôto ngắn mạch có công suất từ 0,35 đến 90 Kw; - TCVN 6174:1997: Vật liệu nổ công nghiệp yêu cầu an toàn về sản xuất, thử nổ và nghiệm thu; - TCVN 4756-1989: Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện. - TCVN/QS 960:2012: Hệ thống chống sét kho đạn dược. Trong trường hợp các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia viện dẫn tại quy trình kiểm định này có bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định tại văn bản mới nhất. Việc kiểm định các chỉ tiêu về kỹ thuật an toàn của thiết bị tạo Dinitrotoluen có thể áp dụng theo tiêu chuẩn khác khi có đề nghị của cơ sở sử dụng, chế tạo với điều kiện tiêu chuẩn đó phải có các chỉ tiêu kỹ thuật về an toàn bằng hoặc cao hơn so với các chỉ tiêu quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia được viện dẫn trong quy trình này. 4. THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA Trong quy trình này sử dụng các thuật ngữ, định nghĩa trong các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn nêu trên và sử dụng một số thuật ngữ, định nghĩa khác nêu trong quy trình. 4.1. Thiết bị tạo Dinitrotoluen: Là thiết bị tạo ra Dinitrotoluen bằng phản ứng liên tục giữa hỗn hợp Monnitrotoluen và hỗn hợp Axit nitrô hóa trong thiết bị nitrô hóa qua hai giai đoạn. 4.2. Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu: Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi lắp đặt, trước khi đưa vào để sử dụng lần đầu. 4.3. Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ: Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn khi hết thời hạn của lần kiểm định trước. 4.4. Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường: Là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, cụ thể: - Sau khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị; - Sau khi thay đổi vị trí lắp đặt; - Khi có yêu cầu của cơ sở hoặc cơ quan có thẩm quyền. 5. CÁC BƯỚC KIỂM ĐỊNH Tiến hành kiểm tra kỹ thuật an toàn theo các bước sau: Bước 1. Chuẩn bị kiểm định; Bước 2. Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật; Bước 3. Kiểm tra bên ngoài, bên trong; Bước 4. Kiểm tra kỹ thuật thử nghiệm; Bước 5. Kiểm tra vận hành; Bước 6. Xử lý kết quả kiểm định. Lưu ý: Các bước kiểm tra tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm tra ở bước trước đó đạt yêu cầu. Tất cả các kết quả kiểm tra của từng bước phải được ghi chép đầy đủ vào bản ghi chép hiện trường theo mẫu quy định tại Phụ lục I Quy trình này và lưu lại đầy đủ tại tổ chức kiểm định. 6. PHƯƠNG TIỆN KIỂM ĐỊNH Các phương tiện phục vụ kiểm định phải phù hợp với đối tượng kiểm định, phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định và còn hạn kiểm định, bao gồm: 6.1. Thiết bị, dụng cụ phục vụ khám xét: - Thiết bị chiếu sáng có điện áp của nguồn không quá 12 V, phải dùng đèn an toàn phòng nổ; - Búa kiểm tra có khối lượng từ 0,3 kg đến 0,5 kg; - Kính lúp có độ phóng đại phù hợp với đối tượng kiểm tra; - Dụng cụ đo đạc cơ khí: Thước cặp, thước dây; - Thiết bị kiểm tra bên trong: Thiết bị nội soi. 6.2. Thiết bị, dụng cụ phục vụ thử bền, thử kín: - Thiết bị tạo áp suất có đặc tính kỹ thuật (lưu lượng, áp suất) phù hợp với đối tượng thử; - Phương tiện, thiết bị kiểm tra độ kín. 6.3. Thiết bị, dụng cụ đo lường: Áp kế, nhiệt kế có cấp chính xác và thang đo phù hợp với áp suất thử và nhiệt độ thử. 6.4. Thiết bị, dụng cụ đo, kiểm tra chuyên dùng khác (nếu cần): - Thiết bị siêu âm chiều dày; - Thiết bị kiểm tra chất lượng mối hàn; - Máy đo nhiệt độ không tiếp xúc; - Thiết bị đo điện trở tiếp đất; - Thiết bị đo hiệu điện thế và dòng điện; - Thiết bị đo điện trở cách điện; - Các thiết bị đo kiểm chuyên dùng khác (nếu cần). 7. ĐIỀU KIỆN KIỂM ĐỊNH Khi tiến hành kiểm định thiết bị tạo Dinitrotoluen phải đảm bảo các điều kiện sau đây: 7.1. Thiết bị phải ở trạng thái sẵn sàng đưa vào kiểm định; 7.2. Hồ sơ, tài liệu thiết bị phải đầy đủ; 7.3. Các yếu tố môi trường, thời tiết không làm ảnh hưởng tới kết quả kiểm định; 7.4. Các trang thiết bị, dụng cụ kiểm định đầy đủ và phù hợp với đối tượng kiểm định; 7.5. Các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động phải đáp ứng để kiểm định thiết bị. 8. CHUẨN BỊ KIỂM ĐỊNH Trước khi tiến hành kiểm định thiết bị tạo Dinitrotoluen phải thực hiện các công việc chuẩn bị sau: 8.1. Thống nhất kế hoạch kiểm định giữa đơn vị kiểm định và cơ sở theo nội dung sau: 8.1.1. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu thiết bị; 8.1.2. Vệ sinh bên trong, bên ngoài thiết bị; 8.1.3. Chuẩn bị các công cụ đảm bảo cho việc xem xét tất cả các bộ phận của thiết bị. 8.2. Kiểm tra hồ sơ, lý lịch: Căn cứ vào hình thức kiểm định để kiểm tra, xem xét hồ sơ của thiết bị: 8.2.1. Khi kiểm định lần đầu: a) Lý lịch của thiết bị, lưu ý xem xét các tài liệu sau: - Các chỉ tiêu về kim loại chế tạo, kim loại hàn; - Tính toán sức bền của các bộ phận chịu lực; - Bản vẽ cấu tạo của hệ thống có ghi đầy đủ kích thước; - Hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa; - Các chứng chỉ chất lượng về kim loại chế tạo, kim loại hàn; - Kết quả kiểm tra chất lượng mối hàn; b) Các báo cáo kết quả hiệu chuẩn thiết bị đo lường; biên bản kiểm tra tiếp địa, chống sét, thiết bị bảo vệ (nếu có) của thiết bị; c) Hồ sơ lắp đặt thiết bị: - Tên cơ sở lắp đặt và cơ sở sử dụng; - Thiết kế lắp đặt; - Đặc tính của những vật liệu bổ sung khi lắp đặt; - Những số liệu về hàn như: Công nghệ hàn, mã hiệu que hàn và kết quả thử nghiệm các mối hàn; - Nhà đặt thiết bị gồm: Mặt bằng bố trí thiết bị, các quy định về khoảng cách an toàn, hệ thống điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống chống sét, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc, bố trí cửa thoát hiểm, công trình vệ sinh; - Biên bản nghiệm thu tổng thể thiết bị. d) Hồ sơ xuất xưởng của thiết bị: - Các chứng chỉ về kim loại chế tạo; - Kết quả kiểm tra chất lượng mối hàn; - Kết quả kiểm tra hệ thống điện; - Biên bản nghiệm thử xuất xưởng.... 8.2.2. Khi kiểm định định kỳ: a) Lý lịch lưu trữ, biên bản kiểm định và phiếu kết quả kiểm định lần trước; b) Hồ sơ về quản lý sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, biên bản thanh tra, kiểm tra liên quan đến tình trạng kỹ thuật của thiết bị (nếu có). 8.2.3. Khi kiểm định bất thường: Xem xét các hồ sơ như Mục 8.2.2 và xem xét bổ sung các hồ sơ sau: - Trường hợp sửa chữa cải tạo, nâng cấp: Các hồ sơ liên quan đến thiết kế sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, biên bản nghiệm thu sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp; - Trường hợp thay đổi vị trí lắp đặt: Xem xét bổ sung hồ sơ lắp đặt. Lưu ý: Đối với những thiết bị tạo Dinitrotoluen rõ xuất xứ nhưng hồ sơ kỹ thuật không đầy đủ thì phải tiến hành lập bổ sung. Đánh giá: Kết quả kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị tạo Dinitrotoluen đạt yêu cầu khi đầy đủ và đáp ứng các yêu cầu kiểm tra ở trên và phù hợp với thực tế. 8.3. Chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị kiểm định: Bố trí kiểm định viên và người chứng kiến kiểm định. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang bị thực hiện kiểm định. 8.4. Chuẩn bị các biện pháp an toàn khi kiểm định: Xác định và thống nhất biện pháp an toàn với cơ sở trước khi thực hiện kiểm định. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo an toàn cho quá trình kiểm định. 9. TIẾN HÀNH KIỂM ĐỊNH 9.1. Kiểm tra bên ngoài, bên trong: Kiểm tra bên ngoài, bên trong thiết bị tạo Dinitrotoluen phải theo đúng các quy định tại Mục 2 TCVN 2290-78: Thiết bị sản xuất - Yêu cầu chung về an toàn; dụng cụ phục vụ việc kiểm tra: Kính lúp, dụng cụ đo, búa kiểm tra, đèn chiếu sáng chuyên dụng...đủ để xác định dạng và độ lớn của khuyết tật và tiến hành theo trình tự các bước sau: 9.1.1. Kiểm tra phần lắp đặt và độ chính xác các kích thước hình học: - Kiểm tra khe hở lắp ghép giữa trục khuấy dẫn động bằng động cơ với thân thiết bị; - Lắp đặt cánh khuấy với trục khuấy. Các chỉ tiêu đánh giá theo quy định của tài liệu thiết kế. 9.1.2. Kiểm tra sự đồng bộ, đầy đủ, kết cấu và bố trí hợp lý và khả năng làm việc an toàn của thiết bị, trong đó tập trung vào: - Thân thiết bị; - Hệ thống gối đỡ trục khuấy; - Cánh khuấy và các thiết bị bổ trợ; - Thiết bị, phương tiện đo; - Tủ điện, khí cụ điện, cáp điện...; - Dây nối tiếp địa; - Động cơ điện; - Thiết bị an toàn (nếu có); - Đồng hồ áp lực (nếu có). Khi kiểm tra thực hiện theo quy định của nhà chế tạo. 9.1.3. Kiểm tra các khuyết tật, biến dạng của các bộ phận, cụm máy: Khi kiểm tra bên ngoài, bên trong thiết bị tạo Dinitrotoluen, cần chú ý phát hiện những thiếu sót sau: - Các vết nứt, rạn, vết móp, chỗ phồng phía trong và phía ngoài thành thân thiết bị; dấu vết rò rỉ tại các mối hàn, mối tán đinh, mối núc ống; - Tình trạng cáu cặn, han gỉ, ăn mòn thành kim loại các bộ phận; - Tình trạng kỹ thuật của phụ kiện, dụng cụ đo kiểm và cơ cấu an toàn; - Tình trạng kỹ thuật của lớp cách nhiệt (nếu có); - Kiểm tra độ bắt chặt của các chi tiết ghép nối; - Độ đồng tâm của trục cánh khuấy; - Đối với những vị trí không thể tiến hành khám xét bên trong khi kiểm định thì việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật phải được thực hiện theo tài liệu kỹ thuật của nhà chế tạo. Trong tài liệu phải ghi rõ: Khối lượng cần kiểm tra, phương pháp và trình tự kiểm tra. 9.1.4. Kiểm tra vị trí lắp đặt thiết bị: Hệ thống chiếu sáng; sàn, cầu thang, giá treo...; hệ thống tiếp địa, chống sét (nếu có); 9.1.5. Kiểm tra số lượng và tình trạng làm việc của các thiết bị phụ trợ; 9.1.6. Kiểm tra việc làm sạch thiết bị tạo Dinitrotoluen, người trực tiếp kiểm tra phải nắm vững quy trình xử lý sự cố thường gặp theo TCVN 5507- 2002: Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển. Lưu ý: Khi không có khả năng tiến hành khám xét bên trong do đặc điểm kết cấu của thiết bị, cho phép thay thế việc khám xét bên trong bằng thử thủy lực với áp suất thử quy định và khám xét những bộ phận có thể khám xét được. 9.1.7. Khi phát hiện có những khuyết tật làm giảm độ bền cần tiến hành sửa chữa khắc phục đảm bảo các thông số của thiết bị theo các số liệu thiết kế. Đánh giá: Kết quả kiểm tra bên ngoài, bên trong thiết bị tạo Dinitrotoluen đạt yêu cầu khi: - Đáp ứng các quy định theo Mục 2 TCVN 2290-78; - Không có các vết nứt, phồng, móp, bị ăn mòn quá quy định, dấu vết xì môi chất ở các bộ phận chịu áp lực và ở các mối hàn, mối nối. 9.2. Kiểm tra kỹ thuật, thử nghiệm: Đối với thiết bị tạo Dinitrotoluen sau khi lắp đặt, kiểm định định kỳ hoặc bất thường phải kiểm tra các thông số kỹ thuật để kiểm tra khả năng làm việc theo trình tự sau: 9.2.1. Kiểm tra điện trở nối đất, điện trở cách điện của hệ thống: - Nối đất với thiết bị; - Nối đất với vỏ động cơ; - Nối đất với tủ điện; - Nối đất với vỏ ống thép bảo vệ dây dẫn điện; Yêu cầu: - Điện trở nối đất đo được ≤ 4Ω (quy định tại Mục 1.7.52 phần I TCVN-18-2006: Quy phạm trang bị điện); - Điện trở cách điện giữa cuộn dây với bệ máy, cuộn dây với cuộn dây phải ≥ 5 MΩ với điện áp thử 1.500 V trong thời gian thử là 1 phút (thực hiện theo Mục 2 TCVN 1987:1994: Động cơ điện không đồng bộ ba pha rôto ngắn mạch có công suất từ 0,35 Kw đến 90 Kw). 9.2.2. Kiểm tra nhiệt độ của các cơ cấu: Sau khi thiết bị tạo Dinitrotoluen chạy không tải 30 phút, nhiệt độ các cơ cấu máng trượt, ổ trượt phải ≤ 50 °C. 9.2.3. Kiểm tra động cơ điện, cáp điện, hệ thống điện và trục khuấy (thực hiện theo quy định của nhà chế tạo) yêu cầu: - Dòng điện của máy khi chạy không tải < 4 A; - Dòng điện của máy khi chạy có tải < 7 A; - Động cơ điện và hệ thống cáp phải đạt yêu cầu về phòng nổ theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 01:2008/BCT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện; - Tốc độ quay của trục khuấy ≤ 270 V/ph. 9.2.4. Kiểm tra thùng áp suất chứa Mononitrotoluen: - Thùng áp suất chứa Mononitrotoluen được miễn thử bền khi kiểm định lần đầu nếu thời gian thử xuất xưởng không quá 12 tháng, được bảo quản tốt, khi vận chuyển, lắp đặt không có biểu hiện bị va đập, biến dạng. Biên bản kiểm định phải ghi rõ lý do và đính kèm các biên bản nghiệm thử thủy lực xuất xưởng của cơ sở chế tạo, biên bản nghiệm thu lắp đặt; - Khi kiểm tra, phải có biện pháp cách ly để đảm bảo các thiết bị bảo vệ tự động, đo lường không bị phá hủy ở áp suất thử. Trong trường hợp không đảm bảo được thì phải tháo các thiết bị này ra. - Thử bền: Thời hạn thử bền thùng không quá 06 năm một lần, trong trường hợp kiểm định bất thường theo Mục 3.12 TCVN 6156:1996 thì phải tiến hành thử bền với các yêu cầu như sau: + Môi chất thử là chất lỏng (nước, dầu tải nhiệt), chất khí (khí trơ, không khí). Nhiệt độ môi chất thử dưới 50 °C và không thấp hơn nhiệt độ môi trường xung quanh quá 5 °C; + Áp suất thử, thời gian duy trì áp suất thử được quy định trong Bảng 1 và Bảng 2: Bảng 1 Áp suất, thời gian duy trì thử bền sau khi lắp đặt lần đầu Áp suất thiết kế (bar) Áp suất thử (bar) Thời gian duy trì (phút) p ≤ 5 2p nhưng không nhỏ hơn 2 bar 20 p > 5 1,5p nhưng không nhỏ hơn 10 bar 20 Bảng 2 Áp suất, thời gian duy trì thử bền khi kiểm định định kỳ, bất thường Áp suất làm việc định mức (bar) Áp suất thử (bar) Thời gian duy trì (phút) plv ≤ 5 1,5 plv nhưng không nhỏ hơn 2 bar 05 plv > 5 1,25 plv nhưng không nhỏ hơn plv + 3 bar 05 Ghi chú: plv - Áp suất làm việc. + Trình tự thử bền: * Nạp môi chất thử: Nạp đầy môi chất thử vào thùng (lưu ý việc xả khí khi thử bằng chất lỏng); * Tăng áp suất lên đến áp suất thử (lưu ý tăng từ từ để tránh hiện tượng dãn nở đột ngột làm hỏng thùng và nghiêm cấm việc gõ búa khi ở áp suất thử). Theo dõi, phát hiện các hiện tượng bất thường trong quá trình thử; * Duy trì áp suất thử theo quy định; * Giảm áp suất từ từ về áp suất làm việc, giữ nguyên áp suất này trong suốt quá trình kiểm tra. Sau đó giảm áp suất về 0; khắc phục các tồn tại (nếu có) và kiểm tra lại kết quả đã khắc phục được; * Trường hợp không có điều kiện thử bằng chất lỏng do ứng suất trên bệ móng, trên sàn gác hoặc khó xả môi chất lỏng, do có lớp lót bên trong ngăn cản việc cho môi chất lỏng vào, cho phép thử bền bằng khí. Việc thử khí chỉ cho phép khi có kết quả tốt về kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong và phải tính toán kiểm tra bền trên cơ sở dữ liệu đo đạc trực tiếp trên thùng. Khi thử khí phải áp dụng biện pháp an toàn sau: ** Van và áp kế trên đường ống nạp khí phải đưa ra xa chỗ đặt thùng hoặc để ngoài nơi đặt thùng; ** Trong thời gian thùng thử khí, người không có trách nhiệm phải tránh ra vị trí an toàn. * Kiểm tra độ kín bằng dung dịch xà phòng hoặc bằng các biện pháp khác. Nghiêm cấm gõ búa lên thành thùng trong khi thử bằng áp lực khí. Đánh giá: Kết quả thử bền thùng áp suất chứa Mononitrotoluen đạt yêu cầu khi: - Không có hiện tượng nứt; - Không có bọt khí, bụi nước, rỉ nước qua các mối hàn, mối nối; - Không có hiện tượng biến dạng; - Áp suất không giảm khi duy trì ở áp suất thử, nếu do xì hở ở các van, mặt bích... mà áp suất thử giảm không quá 5 % áp suất thử trong thời gian duy trì thì cũng coi như việc thử bền đạt yêu cầu. - Thử kín: + Môi chất thử là khí trơ hoặc không khí; + Áp suất thử bằng áp suất làm việc định mức; + Thời gian duy trì áp suất thử kín đảm bảo được sự ổn định của áp suất môi chất thử và thời gian kiểm tra nhưng không ít hơn 30 phút; + Trình tự thử: Nạp môi chất thử vào hệ thống và tăng áp suất đến áp suất thử; + Phát hiện các rò rỉ bằng dung dịch xà phòng hoặc bằng các biện pháp khác. Đánh giá: Kết quả thử kín thùng áp suất chứa Mononitrotoluen đạt yêu cầu khi: - Không có sự rò rỉ khí; - Độ sụt áp cho phép trong thời gian duy trì áp suất thử: ≤ 0,5 % áp suất thử. 9.2.5. Kiểm tra độ kín thân thiết bị (thử kín): 9.2.5.1. Sử dụng môi chất thử là khí trơ hoặc khí nén để nạp đến áp suất làm việc cho phép; 9.2.5.2. Phát hiện các rò rỉ; đề xuất các biện pháp để cơ sở khắc phục, xử lý và kiểm tra lại (nếu có); Đánh giá: Kết quả thử kín thiết bị tạo Dinitrotoluen đạt yêu cầu khi không phát hiện rò rỉ khí. 9.3. Kiểm tra vận hành: 9.3.1. Kiểm tra đầy đủ các điều kiện để thiết bị có thể vận hành bình thường; 9.3.2. Căn cứ vào quy trình, phối hợp với cơ sở đưa thiết bị vào làm việc, xem xét tình trạng làm việc của thiết bị và các phụ kiện kèm theo; sự làm việc của các thiết bị đo lường, bảo vệ. Chú ý. Van an toàn đã được kẹp chì ở giá trị: + 1,05p - Khi áp suất làm việc cho phép đến 3 bar; + 1,15p - Khi áp suất làm việc cho phép trên 3 bar đến 60 bar; + 1,10p - Khi áp suất làm việc cho phép trên 60 bar. Đánh giá: Kết quả kiểm tra vận hành thiết bị tạo Dinitrotoluen đạt yêu cầu khi vận hành bình thường đạt các thông số kỹ thuật định mức. 10. XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM ĐỊNH 10.1. Lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quy trình này. 10.2. Thông qua biên bản kiểm định: Thành phần tham gia thông qua biên bản kiểm định bắt buộc tối thiểu phải có các thành viên sau: - Đại diện cơ sở hoặc người được cơ sở ủy quyền; - Người được giao tham gia và chứng kiến kiểm định; - Kiểm định viên thực hiện việc kiểm định. Khi biên bản được thông qua, kiểm định viên, người tham gia chứng kiến kiểm định, đại diện cơ sở hoặc người được cơ sở ủy quyền cùng ký và đóng dấu (nếu có) vào biên bản. Biên bản kiểm định được lập thành hai (02) bản, mỗi bên có trách nhiệm lưu giữ 01 bản. 10.3. Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của thiết bị (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định và đóng dấu kiểm định). 10.4. Dán tem kiểm định: Kiểm định viên dán tem kiểm định khi thiết bị kiểm định đạt yêu cầu (mẫu tem kiểm định theo quy định của Bộ Quốc phòng). Tem được dán ở vị trí dễ quan sát. 10.4. Chứng nhận kết quả kiểm định 10.4.1. Khi thiết bị đạt được các yêu cầu kỹ thuật an toàn, đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho thiết bị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở; 10.4.2. Khi thiết bị được kiểm định không đạt các yêu cầu thì chỉ thực hiện theo 10.1 và 10.2; chỉ cấp cho cơ sở biên bản kiểm định trong đó phải ghi rõ lý do thiết bị không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó; đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động trong Quân đội. 11. THỜI HẠN KIỂM ĐỊNH. 11.1. Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 02 năm. Đối với các thiết bị đã sử dụng trên 12 năm thì thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ là 01 năm. 11.2. Trường hợp nhà chế tạo quy định hoặc cơ sở yêu cầu thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo quy định của nhà chế tạo và yêu cầu của cơ sở. 11.3. Khi rút ngắn thời hạn kiểm định, kiểm định viên phải nêu rõ lý do trong biên bản kiểm định. 11.4. Khi thời hạn kiểm định được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì thực hiện theo quy định của quy chuẩn đó. 11.5. Những trường hợp phải kiểm định bất thường, thực hiện theo Mục 4.5 Quy trình này. PHỤ LỤC I MẪU BẢN GHI CHÉP TẠI HIỆN TRƯỜNG (Cơ quan quản lý cấp trên ) (Tên đơn vị KĐ) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ……, ngày ….. tháng ….. năm 20... BẢN GHI CHÉP TẠI HIỆN TRƯỜNG (Ghi đầy đủ thông số kiểm tra, thử nghiệm theo đúng quy trình kiểm định) I. Thông tin chung Tên thiết bị: ………………………………………………………………………………………… Tên tổ chức, cá nhân đề nghị: …………………………………………………………………… Địa chỉ (trụ sở chính của cơ sở): ………………………………………………………………… Địa chỉ (vị trí) lắp đặt: ……………………………………………………………………………… Nội dung buổi làm việc với cơ sở: - Làm việc với ai: (thông tin) ……………………………………………………………………… - Người chứng kiến: ………………………………………………………………………………. II. Kiểm tra hồ sơ 1. Kiểm định lần đầu a) Hồ sơ xuất xưởng: - Lý lịch của thiết bị; - Bản vẽ cấu tạo của thiết bị; - Hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng; - Các chứng chỉ kiểm tra chất lượng kim loại chế tạo, kim loại hàn, mối hàn. b) Hồ sơ lắp đặt: - Thiết kế lắp đặt; - Biên bản nghiệm thu. c) Các chứng chỉ kiểm tra về đo lường: - Phiếu kiểm định áp kế; - Phiếu kiểm định nhiệt kế; - Biên bản kiểm tra tiếp địa, chống sét; - Biên bản kiểm tra thiết bị bảo vệ. 2. Kiểm định định kỳ và bất thường a) Lý lịch, biên bản kiểm định và phiếu kết quả kiểm định lần trước. b) Nhật ký vận hành. c) Sổ theo dõi sửa chữa và bảo dưỡng; biên bản thanh tra, kiểm tra (nếu có). d) Hồ sơ về sửa chữa; biên bản kiểm tra về chất lượng sửa chữa, thay đổi. III. Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong thiết bị 1. Kiểm tra bên ngoài a) Vị trí lắp đặt (khoảng cách với tường, giữa các thiết bị): b) Ánh sáng vận hành: c) Thông số kỹ thuật so với lý lịch: Loại, mã hiệu: Số chế tạo: Năm chế tạo: Nơi chế tạo: Áp suất thiết kế bộ phận chịu áp lực của thiết bị: bar Áp suất làm việc bộ phận chịu áp lực của thiết bị: bar Dung tích của thiết bị: lít Môi chất làm việc: Nhiệt độ làm việc: °C Tốc độ quay của trục khuấy: V/ph Công dụng của thiết bị: Đăng ký tại cơ quan: Ngày chuyển hồ sơ đăng ký: Ngày kiểm định gần nhất: Do cơ quan: d) Tình trạng han gỉ, rạn, nứt, phồng, dộp thành kim loại thiết bị: e) Tình trạng sơn, bảo ôn: 2. Kiểm tra bên trong a) Thiết bị sử dụng khi kiểm tra: b) Tình trạng cặn bẩn: c) Bề mặt kim loại, mối hàn: - Móp méo: - Phồng: - Han gỉ: - Rạn nứt: 3. Tình trạng của thiết bị kiểm tra, an toàn, dụng cụ đo kiểm - Van an toàn (số lượng, loại, DN, PN, áp suất đặt): - Áp kế (số lượng, thang đo, đơn vị đo, cấp chính xác, số tem, thời hạn hiệu chuẩn): - Nhiệt kế (số lượng, thang đo, đơn vị đo, cấp chính xác, số tem, thời hạn hiệu chuẩn): - Đo mức (số lượng, loại): IV. Thử bền, thử kín 1. Môi chất thử: 2. Áp suất thử: 3. Thời gian thử: 4. Áp kế mẫu (thang đo, đơn vị đo, cấp chính xác, số tem, thời hạn hiệu chuẩn): 5. Nhiệt kế (thang đo, đơn vị đo, cấp chính xác, số tem , thời hạn hiệu chuẩn): 6. Thiết bị cấp môi chất (loại, số hiệu, thông số kỹ thuật): - Kết quả: a) Tình trạng rò rỉ: b) Tình trạng biến dạng: c) Độ tụt áp: V. Thử vận hành 1. Tỉnh trạng làm việc của thiết bị: 2. Tình trạng làm việc của van an toàn: 3. Tình trạng làm việc của thiết bị đo lường: 4. Tình trạng làm việc của thiết bị phụ trợ: KIỂM ĐỊNH VIÊN (Ký, ghi rõ họ và tên) PHỤ LỤC II MẪU BIÊN BẢN KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN (Cơ quan quản lý cấp trên ) (Tên tổ chức KĐ) ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- ………….., ngày ... tháng ... năm ... BIÊN BẢN KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN Thiết bị tạo Dinitrotoluen Số: ……………./BBKĐ Chúng tôi gồm: 1. …………………………………… Số hiệu kiểm định viên: ………………………………… 2. …………………………………… Số hiệu kiểm định viên: ………………………………… Thuộc: ……………………………………………………………………………………………… Số đăng ký chứng nhận của đơn vị kiểm định: ……………………………………………….. Đã tiến hành kiểm định: ………………………………………………………………………….. Của (ghi rõ tên cơ sở): …………………………………………………………………………… Địa chỉ (trụ sở chính của cơ sở): ………………………………………………………………… Địa chỉ (vị trí) lắp đặt: ……………………………………………………………………………… Quy trình kiểm định áp dụng: …………………………………………………………………….. Chứng kiến kiểm định và thông qua biên bản: …………………………………………………. 1. …………………………………………. Chức vụ:................................................................ 2. …………………………………………. Chức vụ:................................................................ I. THÔNG SỐ CƠ BẢN CỦA THIẾT BỊ Loại, mã hiệu: Số chế tạo: Năm chế tạo: Nhà chế tạo: Áp suất thiết kế bộ phận chịu áp lực của thiết bị: bar Áp suất làm việc bộ phận chịu áp lực của thiết bị: bar Dung tích thân thiết bị: lít Môi chất làm việc: Nhiệt độ làm việc: °C Tốc độ quay của trục khuấy: V/ph Công dụng của thiết bị: Đăng ký tại cơ quan: Ngày chuyển hồ sơ đăng ký: Ngày kiểm định gần nhất: Do cơ quan: II. HÌNH THỨC KIỂM ĐỊNH Lần đầu □ ; Định kỳ □ , Bất thường □ III. NỘI DUNG KIỂM ĐỊNH 1. Kiểm tra hồ sơ - Nhận xét: ………………………………………………………………………………………… - Đánh giá kết quả: Đạt □ Không đạt □ 2. Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài, bên trong Hạng mục kiểm tra Đạt Không đạt Vị trí lắp đặt Sàn, cầu thang thao tác Chiếu sáng vận hành Tiếp địa chống sét, tiếp địa an toàn. Tình trạng bề mặt kim loại các bộ phận chịu áp lực Tình trạng mối hàn, các mối nối. Các van, thiết bị phụ trợ Ổ đỡ trục khuấy Động cơ khuấy Van an toàn Áp kế Nhiệt kế Đo mức Các thiết bị an toàn, đo lường, tự động khác - Nhận xét : ………………………………………………………………………………………… - Đánh giá kết quả: Đạt □ Không đạt □ 3. Kiểm tra kỹ thuật TT Hạng mục Kết quả Ghi chú Đạt Không đạt I Phần lắp đặt và độ chính xác các kích thước hình học 1 Cơ cấu cửa bảo vệ 2 Các cơ cấu chuyển động 3 Các gối đỡ 4 Dây đai truyền động II Kiểm tra các yêu cầu về hệ thống 1 Kiểm tra toàn bộ hệ thống 2 Hệ thống bôi trơn 3 Cách điện giữa các dây pha và dây pha với đất 4 Điện trở nối đất 5 Dòng điện động cơ dẫn động 6 Nhiệt độ của các gối đỡ: 7 Động cơ dẫn động và hệ thống cáp, dây dẫn điện: - Nhận xét: …………………………………………………………………………………………… - Đánh giá kết quả: Đạt □ Không đạt □ 4. Thử nghiệm (phần áp lực) Nội dung thử Môi chất thử Áp suất làm việc (bar) Áp suất thử (bar) Thời gian thử (phút) Thử thủy lực Thử kín Thử vận hành Van an toàn kiểm tra được kiểm tra và niêm chì ở áp suất: - Nhận xét: ………………………………………………………………………………………… - Đánh giá kết quả: Đạt □ Không đạt □ 5. Thử vận hành ở chế độ làm việc định mức - Nhận xét: ………………………………………………………………………………………… - Đánh giá kết quả: Đạt □ Không đạt □ IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Thiết bị được kiểm định có kết quả: Đạt □ Không đạt □ 2. Đã được dán tem kiểm định số: …………………… Tại vị trí:.......................................... 3. Áp suất làm việc bộ phận chịu áp lực của thiết bị: bar 4. Nhiệt độ làm việc: ………………………°C 5. Áp suất đặt của van an toàn: ……………………….bar 6. Các kiến nghị: ………………………………………………………………………………… Thời gian thực hiện kiến nghị: …………………………………………………………………. V. THỜI HẠN KIỂM ĐỊNH Kiểm định định kỳ ngày ………….tháng…………………. năm ……………………………… Lý do rút ngắn thời hạn: …………………………………………………………………………. Biên bản đã được thông qua ngày ………tháng ………năm ………………………………… Tại: ………………………………………………………………………………………………… Biên bản được lập thành bản ……………., mỗi bên giữ …………….bản. Chúng tôi, những kiểm định viên thực hiện kiểm định hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác các nhận xét và đánh giá kết quả kiểm định ghi trong biên bản này./. CHỦ CƠ SỞ Cam kết thực hiện đầy đủ, đúng hạn các kiến nghị (ký tên, đóng dấu) NGƯỜI CHỨNG KIẾN (ký, ghi rõ họ, tên) KIỂM ĐỊNH VIÊN (ký, ghi rõ họ, tên)
{ "issuing_agency": "Bộ Quốc phòng", "promulgation_date": "30/08/2016", "sign_number": "120/2016/TT-BQP", "signer": "Bế Xuân Trường", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-69-2020-TT-BTC-ho-so-va-trinh-tu-thu-tuc-xu-ly-no-theo-Nghi-quyet-94-2019-QH14-447904.aspx
Thông tư 69/2020/TT-BTC hồ sơ và trình tự thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 69/2020/TT-BTC Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2020 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ LÝ NỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 94/2019/QH14 NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2019 CỦA QUỐC HỘI Căn cứ Luật Quản lý thuế; Căn cứ Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội như sau: Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế còn nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Người nộp thuế thuộc đối tượng được xử lý nợ quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14. 2. Cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, người có thẩm quyền xử lý nợ. 3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 3. Giải thích từ ngữ 1. Tiền thuế bao gồm: các loại thuế theo quy định của pháp luật về thuế; các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật (không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước nộp một lần). 2. Tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp bao gồm: tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của tiền thuế quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Khoanh nợ là việc thực hiện chưa thu nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế và không tính tiền chậm nộp đối với số nợ tiền thuế được khoanh nợ. Chương II HỒ SƠ KHOANH NỢ TIỀN THUẾ, XÓA NỢ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP, TIỀN CHẬM NỘP Điều 4. Hồ sơ đối với người nộp thuế đã chết quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc các giấy tờ thay cho giấy báo tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch hoặc văn bản xác nhận về việc người nộp thuế đã chết của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế chết (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); b) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 5. Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Quyết định có hiệu lực của tòa án tuyên bố một người là đã chết hoặc bản án của Tòa án trong đó có nội dung xác định người nộp thuế là đã chết (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); b) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 6. Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là mất tích quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố một người mất tích (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); b) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 7. Hồ sơ đối với người nộp thuế được pháp luật coi là mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); b) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 8. Hồ sơ đối với người nộp thuế giải thể quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Thông tin về tên, mã số người nộp thuế, thời gian đăng tải thông tin về việc người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hoặc thông báo của cơ quan quản lý thuế về người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; hoặc văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề về tình trạng người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); b) Quyết định giải thể hoặc văn bản thông báo giải thể của người nộp thuế (nếu có); c) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký theo mẫu số 01/VBXN ban hành kèm theo Thông tư này; Trường hợp người nộp thuế là chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ phải có thêm văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Quyết định xóa nợ của trụ sở chính. d) Phương án giải quyết nợ của người nộp thuế tại thời điểm có quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có); đ) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 9. Hồ sơ đối với người nộp thuế phá sản quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Thông báo của Tòa án có thẩm quyền về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định mở thủ tục phá sản hoặc Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhưng người nộp thuế chưa được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); b) Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có); c) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký trừ trường hợp người nộp thuế đã có Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của Tòa án; d) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 10. Hồ sơ đối với người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Biên bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Thông báo cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh của cơ quan quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); b) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký theo mẫu số 01/VBXN ban hành kèm theo Thông tư này; Trường hợp người nộp thuế là chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ phải có thêm văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Quyết định xóa nợ của trụ sở chính. d) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 11. Hồ sơ đối với người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Văn bản của cơ quan quản lý thuế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); b) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký theo mẫu số 01/VBXN ban hành kèm theo Thông tư này; c) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp người nộp thuế là chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ phải có thêm văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Quyết định xóa nợ của trụ sở chính; c) Các quyết định cưỡng chế hoặc hồ sơ thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); d) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 12. Hồ sơ đối với người nộp thuế đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 1. Hồ sơ khoanh nợ tiền thuế a) Văn bản của cơ quan quản lý thuế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); b) Quyết định hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); c) Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ đến thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2020 của cơ quan quản lý thuế. 2. Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp a) Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này; b) Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp người nộp thuế là chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ phải có thêm văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc Quyết định xóa nợ của trụ sở chính; c) Các quyết định cưỡng chế hoặc hồ sơ thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu của cơ quan quản lý thuế); d) Văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/CK ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 13. Hồ sơ đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp bao gồm: 1. Văn bản đề nghị xóa nợ của người nộp thuế gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 02/VBĐN-1 ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 02/VBĐN-2 ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra của một trong các cơ quan, tổ chức sau: công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cơ quan có thẩm quyền công bố dịch bệnh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 4. Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 5. Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của cơ quan có thẩm quyền như: tổ chức kiểm toán độc lập hoặc cơ quan thẩm định giá hoặc cơ quan bảo hiểm (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 6. Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ của cơ quan quản lý thuế tại thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và tại thời điểm đề nghị xóa nợ. 7. Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) (nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) (nếu có). 8. Các quyết định miễn tiền chậm nộp, quyết định gia hạn nộp thuế kể từ thời điểm Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành đến thời điểm đề nghị xóa nợ (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu) (nếu có). Điều 14. Hồ sơ đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 Hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp bao gồm: 1. Văn bản đề nghị xóa nợ của người nộp thuế gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 03/VBĐN-1 ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 03/VBĐN-2 ban hành kèm theo Thông tư này. 3. Văn bản xác nhận của đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước về việc người nộp thuế chưa được thanh toán theo mẫu số 02/VBXN ban hành kèm theo Thông tư này hoặc mẫu số 01/TCN ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính. Trường hợp không có văn bản xác nhận thì phải có biên bản đối chiếu công nợ giữa người nộp thuế và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại từng thời điểm và các chứng từ, tài liệu có liên quan chứng minh công nợ thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chậm thanh toán cho người nộp thuế (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 4. Hợp đồng kinh tế ký với đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đối với nhà thầu phụ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng và được đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 5. Biên bản nghiệm thu công trình, hạng mục công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực). 6. Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ tại thời điểm đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế. Chương III TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KHOANH NỢ TIỀN THUẾ, XÓA NỢ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP, TIỀN CHẬM NỘP Điều 15. Trình tự, thủ tục khoanh nợ tiền thuế 1. Lập, thẩm định hồ sơ, ban hành Quyết định khoanh nợ a) Đối với người nộp thuế được khoanh nợ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập đầy đủ hồ sơ khoanh nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và khoản 1 Điều 12 của Thông tư này, dự thảo Quyết định khoanh nợ theo mẫu số 01/QĐKN-1 hoặc mẫu số 01/QĐKN-2 ban hành kèm theo Thông tư này, chuyển bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế thẩm định. Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý thuế phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan để bổ sung hồ sơ; b) Bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ khoanh nợ do bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ khoanh nợ; c) Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp và trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét quyết định khoanh nợ; d) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế ký ban hành Quyết định khoanh nợ. 2. Công khai và gửi Quyết định khoanh nợ a) Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ nhập Quyết định khoanh nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định khoanh nợ được ban hành; b) Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ban hành, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan đăng tải Quyết định khoanh nợ trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan; c) Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi Quyết định khoanh nợ ngay sau khi ký ban hành cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn; d) Bộ phận kế toán thuế hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ điều chỉnh lại tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên ứng dụng quản lý thuế (nếu có). Điều 16. Trình tự, thủ tục xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1. Người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 lập đầy đủ hồ sơ xóa nợ theo quy định, gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, cụ thể như sau: a) Trường hợp người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 7 và khoản 8 Điều 13 Thông tư này; b) Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 thì lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1, 3, 4 và khoản 5 Điều 14 Thông tư này. 2. Trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan a) Đối với hồ sơ của người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 gửi đến Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế. Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp thuế theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ nhưng hồ sơ lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo mẫu số 02/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu số 02/VBĐN-2 hoặc mẫu số 03/VBĐN-2 ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo hồ sơ, gửi Cục Thuế hoặc Cục Hải quan. b) Đối với hồ sơ do Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan lập Căn cứ từng đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này. Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan báo cáo lãnh đạo Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ. Trường hợp đầy đủ hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan lập văn bản công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ, niêm yết công khai liên tục trong thời gian 30 (ba mươi) ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh và tại trụ sở Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến phản hồi; tổng hợp danh sách người nộp thuế đủ điều kiện xóa nợ và lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo hồ sơ, gửi Cục Thuế hoặc Cục Hải quan. 3. Trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan a) Đối với hồ sơ của người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 gửi đến Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế. Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan thông báo cho người nộp thuế theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ nhưng hồ sơ lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ theo mẫu số 02/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu số 02/VBĐN-2 hoặc mẫu số 03/VBĐN-2 ban hành kèm theo Thông tư này, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-1 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, kèm theo hồ sơ, chuyển bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế để thẩm định. Bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ do bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, chậm nhất trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp, trình Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan phê duyệt, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành Quyết định xóa nợ đối với trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc gửi Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan đối với trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. b) Đối với hồ sơ do Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan gửi đến Cục Thuế hoặc Cục Hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan gửi đến. Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan thông báo cho Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ nhưng hồ sơ lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan thông báo cho Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan để hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo mẫu số 02/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 và hồ sơ đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan tổng hợp danh sách người nộp thuế đủ điều kiện xóa nợ và lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/VBĐN hoặc mẫu số 02/VBĐN-2 hoặc mẫu số 03/VBĐN-2 ban hành kèm theo Thông tư này, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-1 hoặc mẫu số 01/QĐXN-2 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, kèm theo hồ sơ, chuyển bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế để thẩm định. Bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ do bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, chậm nhất trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp, trình Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan phê duyệt, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành quyết định xóa nợ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc gửi Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. c) Đối với hồ sơ do Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan lập Căn cứ từng đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này. Trường hợp chưa đầy đủ hồ sơ thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan báo cáo lãnh đạo Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ. Trường hợp đầy đủ hồ sơ, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện đăng tải công khai danh sách người nộp thuế được đề nghị xóa nợ trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan; tổng hợp danh sách người nộp thuế đủ điều kiện xóa nợ và lập văn bản đề nghị xóa nợ theo mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo Thông tư này, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-1 hoặc mẫu số 01/QĐXN-2 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, kèm theo hồ sơ, chuyển bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế để thẩm định. Bộ phận nghiệp vụ hoặc pháp chế xem xét, thẩm định hồ sơ do bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chuyển đến. Thời gian thẩm định hồ sơ trong vòng 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. Sau khi nhận được ý kiến thẩm định, chậm nhất trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ tổng hợp, trình Cục trưởng Cục Thuế hoặc Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan phê duyệt, gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành quyết định xóa nợ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc gửi Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. 4. Trình tự lập, xử lý hồ sơ xóa nợ tại Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan a) Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan gửi đến. Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng xóa nợ thì trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan theo mẫu số 01/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ nhưng hồ sơ lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan để hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ theo mẫu số 02/XOANO ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, hồ sơ đầy đủ và có số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa nợ từ 05 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng (thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan tổng hợp, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-3 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi lấy ý kiến bộ phận pháp chế của Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định xóa nợ. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, hồ sơ đầy đủ và có số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa nợ từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng (thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan tổng hợp, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-4 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi lấy ý kiến bộ phận pháp chế của Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt, ký trình Bộ Tài chính xem xét ban hành Quyết định xóa nợ. Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ, hồ sơ đầy đủ và có số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa nợ từ 15 tỷ đồng trở lên (thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ) thì bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan tổng hợp, dự thảo Quyết định xóa nợ theo mẫu số 01/QĐXN-5 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi lấy ý kiến bộ phận pháp chế của Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt, trình Bộ Tài chính, ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định xóa nợ. Điều 17. Công khai, gửi Quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và điều chỉnh số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa nợ 1. Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ban hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện công khai quyết định xóa nợ trên trang thông tin điện tử như sau: a) Trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Quyết định xóa nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan; b) Trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ thì Quyết định xóa nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan. 2. Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi Quyết định xóa nợ ngay sau khi ký ban hành cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn và cơ quan quản lý thuế quản lý chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. 3. Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế nhập Quyết định xóa nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định xóa nợ được ban hành. 4. Bộ phận kế toán thuế hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế điều chỉnh lại số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp trên ứng dụng quản lý thuế (nếu có). Chương IV HỒ SƠ VÀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỦY KHOANH NỢ TIỀN THUẾ, HỦY XÓA NỢ TIỀN PHẠT CHẬM NỘP, TIỀN CHẬM NỘP Điều 18. Các trường hợp hủy khoanh nợ tiền thuế, hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1. Người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14. 2. Người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ mà quay lại sản xuất, kinh doanh, trừ đối tượng được xóa nợ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 94/2019/QH14. 3. Cá nhân, cá nhân kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu của người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, trừ đối tượng được xóa nợ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết số 94/2019/QH14. Điều 19. Hồ sơ hủy khoanh nợ tiền thuế, hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1. Đối với người nộp thuế bị hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này a) Quyết định khoanh nợ hoặc Quyết định xóa nợ đã ban hành; b) Quyết định hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế về việc khoanh nợ, xóa nợ không đúng quy định. 2. Đối với người nộp thuế bị hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này a) Quyết định khoanh nợ hoặc Quyết định xóa nợ đã ban hành; b) Thông báo bằng văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề hoặc biên bản xác nhận với chính quyền địa phương về việc người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ quay lại sản xuất kinh doanh. 3. Đối với người nộp thuế bị hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư này a) Quyết định khoanh nợ hoặc Quyết định xóa nợ đã ban hành; b) Thông báo bằng văn bản của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề chứng minh về việc thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh mới của cá nhân, cá nhân kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu của người nộp thuế đã được khoanh nợ, xóa nợ. Điều 20. Trình tự, thủ tục hủy khoanh nợ tiền thuế, hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1. Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan lập đầy đủ hồ sơ hủy khoanh nợ, hủy xóa nợ theo quy định tại Điều 19 Thông tư này. a) Đối với trường hợp hủy khoanh nợ Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao nhiệm vụ xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập văn bản đề nghị hủy khoanh nợ, dự thảo Quyết định hủy khoanh nợ theo mẫu số 01/QĐHKN-1 hoặc mẫu số 01/QĐHKN-2 ban hành kèm theo Thông tư này, trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế, trong đó nêu rõ lý do, căn cứ đề nghị hủy khoanh nợ. Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình và hồ sơ đề nghị hủy khoanh nợ, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành Quyết định hủy khoanh nợ. b) Đối với trường hợp hủy xóa nợ Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế lập văn bản đề nghị hủy xóa nợ và dự thảo Quyết định hủy xóa nợ, trình thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế. Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình và hồ sơ đề nghị hủy xóa nợ, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy xóa nợ theo trình tự sau: Trường hợp quyết định xóa nợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký ban hành thì Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi người nộp thuế nợ tiền thuế xem xét ban hành Quyết định hủy xóa nợ theo mẫu số 01/QĐHXN-1 hoặc mẫu số 01/QĐHXN-2 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp quyết định xóa nợ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan gửi Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan xem xét hủy xóa nợ theo mẫu số 01/QĐHXN-3 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc gửi Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xem xét hủy xóa nợ theo mẫu số 01/QĐHXN-4, mẫu số 01/QĐHXN-5 ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ban hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện đăng tải Quyết định hủy khoanh nợ, Quyết định hủy xóa nợ trên trang thông tin điện tử như sau: a) Trường hợp khoanh nợ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế thì Quyết định hủy khoanh nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan. b) Trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Quyết định hủy xóa nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế hoặc Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan. c) Trường hợp xóa nợ thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ thì Quyết định hủy xóa nợ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cục Thuế hoặc Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan. 3. Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế gửi Quyết định hủy khoanh nợ hoặc Quyết định hủy xóa nợ cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề trên địa bàn và cơ quan quản lý thuế quản lý chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. 4. Bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được phân công xử lý nợ thuộc cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế nhập Quyết định hủy khoanh nợ, Quyết định hủy xóa nợ vào ứng dụng quản lý thuế trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày Quyết định hủy khoanh nợ hoặc Quyết định hủy xóa nợ được ban hành. 5. Cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế có trách nhiệm thực hiện tính tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế và thu vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được khoanh nợ, xóa nợ. Chương V CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO Điều 21. Trách nhiệm báo cáo 1. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan có trách nhiệm lập các loại báo cáo về tình hình thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 gửi đến cơ quan cấp trên trực tiếp. 2. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo các nội dung quy định, tổng hợp chung của toàn ngành. 3. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trong toàn ngành đáp ứng việc thi hành Nghị quyết số 94/2019/QH14. Điều 22. Các loại báo cáo 1. Báo cáo định kỳ gồm: báo cáo tháng, quý I, sơ kết 06 tháng đầu năm, 09 tháng đầu năm, báo cáo tổng kết hàng năm. Nội dung báo cáo: quá trình triển khai thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đạt được trong kỳ báo cáo, nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất kiến nghị và các nội dung cụ thể khác theo quy định, yêu cầu. 2. Báo cáo tổng kết 03 (ba) năm việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14. Điều 23. Trình tự, hình thức và thời gian gửi báo cáo 1. Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan tổng hợp, báo cáo kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên địa bàn gửi đến Cục Thuế, Cục Hải quan. a) Báo cáo định kỳ hàng tháng chậm nhất là ngày thứ 05 của tháng sau liền kề tháng báo cáo; b) Báo cáo quý I chậm nhất là ngày 05/4; c) Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 05/7; d) Báo cáo 9 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 05/10; đ) Báo cáo tổng kết hàng năm chậm nhất là ngày 05/01 của năm sau liền kề năm báo cáo; e) Báo cáo tổng kết 03 (ba) năm thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trước ngày 10 tháng 7 năm 2023. 2. Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan tổng hợp, báo cáo kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trên địa bàn gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; tổng hợp kết quả xử lý nợ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. a) Báo cáo định kỳ hàng tháng chậm nhất là ngày thứ 10 của tháng sau liền kề tháng báo cáo; b) Báo cáo quý I chậm nhất là ngày 10/4; c) Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 10/7; d) Báo cáo 9 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 10/10; đ) Báo cáo tổng kết hàng năm chậm nhất là ngày 10/01 của năm sau liền kề năm báo cáo; e) Báo cáo tổng kết 03 (ba) năm thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trước ngày 20 tháng 7 năm 2023. 3. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng hợp, báo cáo kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp toàn ngành báo cáo Bộ Tài chính; tổng hợp kết quả xử lý nợ hàng năm và tổng kết 03 năm thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội. a) Báo cáo định kỳ hàng tháng chậm nhất là ngày thứ 15 của tháng sau liền kề tháng báo cáo; b) Báo cáo quý I chậm nhất là ngày 20/4; c) Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 20/7; d) Báo cáo 9 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 20/10; đ) Báo cáo tổng kết hàng năm chậm nhất là ngày 20/01 của năm sau liền kề năm báo cáo; e) Báo cáo tổng kết 03 (ba) năm thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp trước ngày 30 tháng 7 năm 2023. 4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kết quả khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp hàng năm theo thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 94/2019/QH14 báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp khi trình Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội. 5. Báo cáo được gửi theo hình thức văn bản qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đáp ứng điều kiện gửi bằng phương thức điện tử theo quy định. Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 24. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết số 94/2019/QH14 có hiệu lực thi hành và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Điều 25. Trách nhiệm thi hành 1. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện lập, thẩm định hồ sơ, ký trình và công khai Quyết định khoanh nợ tiền thuế hoặc Quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, Quyết định hủy khoanh nợ tiền thuế, Quyết định hủy xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo quy định tại Thông tư này. 2. Cơ quan quản lý thuế các cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện theo nội dung Thông tư này. 3. Người nộp thuế thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này thực hiện đầy đủ các hướng dẫn tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "15/07/2020", "sign_number": "69/2020/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-22-2014-TT-BLDTBXH-quy-trinh-xac-dinh-ho-nong-lam-ngu-diem-nghiep-song-trung-binh-2014-2015-250496.aspx
Thông tư 22/2014/TT-BLĐTBXH quy trình xác định hộ nông lâm ngư diêm nghiệp sống trung bình 2014-2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 22/2014/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2014 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH HỘ GIA ĐÌNH LÀM NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, NGƯ NGHIỆP VÀ DIÊM NGHIỆP CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014-2015 Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Căn cứ Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Căn cứ Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 làm căn cứ xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế. 2. Thông tư này áp dụng với hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp (gọi tắt là hộ gia đình) trên phạm vi cả nước. Điều 2. Tiêu chí xác định và nguyên tắc thực hiện 1. Tiêu chí xác định: Hộ gia đình có mức sống trung bình là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 521.000 đồng/người/tháng đến 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và từ 651.000 đồng/người/tháng đến 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. 2. Nguyên tắc thực hiện: a) Hộ gia đình có nhu cầu tự nguyện đăng ký tham gia bảo hiểm y tế; b) Đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng; c) Thủ tục đơn giản thuận tiện; d) Thực hiện theo quy trình đăng ký, thẩm định quy định tại thông tư này. Điều 3. Công tác tuyên truyền 1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho hộ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng. 2. Hướng dẫn phương pháp, cách thức tổ chức xác định đối tượng hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế. 3. Tập huấn nghiệp vụ cho Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản về quy trình thực hiện. Điều 4. Quy trình đăng ký, thẩm định, xác nhận đối tượng 1. Hộ gia đình có nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế làm Giấy đề nghị, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp xã thẩm định (Mẫu số 1). 2. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận Giấy đề nghị của các hộ gia đình và chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức thẩm định. a) Quy trình thẩm định: - Bước 1. Tổ chức nhận dạng nhanh đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình (tiêu chí về việc làm, giáo dục, tài sản sinh hoạt, nhà ở và điều kiện điện, nước, vệ sinh) để xác định đối tượng thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp (Mẫu số 2). + Nếu hộ gia đình đáp ứng đủ các tiêu chí nhận dạng nhanh, Ban giảm nghèo cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xác định không thuộc đối tượng hộ gia đình có mức sống trung bình, kết thúc thẩm định, thông báo và gửi lại hộ gia đình biết (theo Mẫu số 1). + Nếu hộ gia đình thiếu ít nhất từ 01 tiêu chí trở lên để xác định thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình thì chuyển sang điều tra thu nhập theo Bước 2. - Bước 2. Tổ chức điều tra thu nhập hộ gia đình (Mẫu số 3). Khi điều tra thu nhập hộ gia đình (Mẫu số 3) chỉ tính thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng tính đến ngày nhận giấy đề nghị; không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách Nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình. b) Kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình: - Nếu thu nhập của hộ gia đình lớn hơn tiêu chí quy định, Ban giảm nghèo cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho hộ gia đình biết không đủ điều kiện để được công nhận đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế; - Nếu thu nhập của hộ gia đình nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chí quy định, Ban giảm nghèo cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận hộ gia đình có mức sống trung bình, là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế (Mẫu số 1). 3. Thời gian từ khi tiếp nhận Giấy đề nghị của hộ gia đình đến khi hoàn thành công việc thẩm định, xác nhận đối tượng không quá 10 ngày làm việc. Điều 5. Trách nhiệm của các cấp địa phương 1. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức xác định đối tượng hộ gia đình trên địa bàn với nhiệm vụ cụ thể như sau: a) Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; quy trình, thủ tục thẩm định, xác nhận đối tượng; b) Tổ chức tiếp nhận Giấy đề nghị của hộ gia đình, thẩm định theo quy trình; c) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận (hoặc không xác nhận) hộ gia đình là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế; d) Báo cáo Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện danh sách hộ gia đình được xác nhận là đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế trên địa bàn 02 lần/năm trước ngày 05 tháng 6 và ngày 05 tháng 12 hàng năm (Mẫu số 4). 2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: a) Tổ chức tập huấn cho Ban giảm nghèo cấp xã quy trình thực hiện; b) Kiểm tra, phúc tra kết quả xác nhận đối tượng hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn; c) Tổng hợp, cập nhật danh sách hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn làm cơ sở thực hiện chính sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế, báo cáo Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh 02 lần/năm trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm (Mẫu số 5). 3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: a) Tổ chức tập huấn quy trình nghiệp vụ cho cấp huyện; b) Kiểm tra, phúc tra kết quả xác định đối tượng hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn; c) Tổng hợp, cập nhật danh sách hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn làm cơ sở thực hiện chính sách được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế; báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 02 lần/năm trước ngày 25 tháng 6 và 25 tháng 12 hàng năm (Mẫu số 6). Điều 6. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2014. 2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Bảo hiểm xã hội Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Công báo; Website Chính phủ; Website Bộ LĐTBXH; - Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; - Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố; - Lưu: VT, Cục BTXH. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Trọng Đàm PHỤ LỤC (Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 8 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) STT Nội dung 1 Mẫu số 1: Giấy đề nghị, xét duyệt, xác nhận hộ gia đình thuộc diện đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế 2 Mẫu số 2: Nhận dạng nhanh đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình 3 Mẫu số 3: Phiếu khảo sát thu nhập hộ gia đình 4 Mẫu số 4: Tổng hợp, cập nhật danh sách hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn cấp xã được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế 5 Mẫu số 5: Tổng hợp, cập nhật danh sách hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn cấp huyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế 6 Mẫu số 6: Tổng hợp, cập nhật danh sách hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn cấp tỉnh được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế Mẫu số 1 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- GIẤY ĐỀ NGHỊ XÉT DUYỆT, XÁC NHẬN HỘ GIA ĐÌNH THUỘC DIỆN ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ THEO PHÁP LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ Kính gửi: Ủy ban nhân dân xã….. Họ và tên: ……………………………………………………………….. : Nam: □ Nữ: □ Sinh ngày……. tháng……. năm……. Dân tộc: ..................... Số CMND: …….…….…….…….……. Nơi cấp: …….….. Ngày cấp: ........................ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: .............................................................................. ................................................................................................................................... Nghề nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp): Chỗ ở hiện tại (Thôn, ấp, xã; phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã; tỉnh, thành phố): ................................................................................................................................... Ước tính thu nhập bình quân của gia đình/tháng (ngàn đồng/tháng): ..................... Thông tin các thành viên của hộ: Số TT Họ và tên Quan hệ với chủ hộ (Vợ, chồng, con...) 01 02 03 ... Gia đình tôi có nhu cầu tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, đề nghị Ủy ban nhân dân xã xét duyệt, công nhận gia đình tôi là hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế./. Xác nhận của UBND cấp xã: ……………………………… Xác nhận Ông (bà) ………………có hộ khẩu thường trú/tạm trú tại xã: ……………………………………………… Có mức thu nhập trung bình người/tháng: ……………….. thuộc/không thuộc diện đối tượng: ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế TM. UBND xã ……………………… (Ký tên và đóng dấu) ......, ngày…. tháng… năm 20… Người viết đơn (Ký, ghi rõ họ và tên) Mẫu số 2 NHẬN DẠNG NHANH ĐẶC ĐIỂM, ĐIỀU KIỆN SỐNG CỦA HỘ GIA ĐÌNH 1. Tiêu chí về việc làm: hộ gia đình có ít nhất 1 thành viên có việc làm ổn định (từ 06 tháng trở lên trong 01 năm). 2. Tiêu chí về giáo dục: - Các thành viên từ 18 tuổi trở lên trong hộ gia đình có trình độ giáo dục từ cấp 1 trở lên. - Không có thành viên trong độ tuổi đi học phổ thông (từ cấp 3 trở xuống) bỏ hoặc thôi học. 3. Tiêu chí về tài sản sinh hoạt: hộ gia đình có xe máy, điện thoại cố định hoặc di động, ti vi màu, tủ lạnh, bếp ga, bếp từ, bếp điện, nồi cơm điện, nồi áp suất. 4. Tiêu chí về nhà ở và điều kiện điện, nước, vệ sinh: hộ gia đình ở trong loại nhà từ bán kiên cố trở lên; hộ gia đình có diện tích ở bình quân đầu người từ 10 - 20m2; hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; nguồn nước chính hộ gia đình sử dụng cho ăn uống phải đảm bảo an toàn, gồm: nước máy, giếng khoan, giếng đào được bảo vệ; loại nhà vệ sinh hoặc hố xí hộ sử dụng phải đảm bảo vệ sinh, gồm: tự hoại, bán tự hoại hoặc hố xí hai ngăn. Ghi chú: nếu hộ gia đình thiếu ít nhất từ 01 tiêu chí trở lên để xác định thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình thì chuyển sang điều tra thu nhập. Mẫu số 3 PHIẾU KHẢO SÁT THU NHẬP HỘ GIA ĐÌNH 1. Họ và tên chủ hộ: ................................................................................................ 2. Địa chỉ: ................................................................................................................. Tỉnh/Thành phố: ........................................................................................................ Huyện/Quận: ............................................................................................................. Xã/Phường: .............................................................................................................. Thôn/Bản/Ấp/Tổ dân phố: ......................................................................................... 3. Số nhân khẩu của hộ: …….. người 4. Tổng thu và tổng chi cho hoạt động SXKD dịch vụ trong 12 tháng tính đến ngày nhận Giấy đề nghị Đơn vị tính: 1.000 đồng Nguồn thu Tổng Thu Tổng Chi A 1 2 1. Trồng trọt (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) - Cây lương thực và thực phẩm - Cây công nghiệp - Cây ăn quả - Sản phẩm phụ trồng trọt (thân, lá, ngọn cây, rơm rạ, củi...) - Sản phẩm trồng trọt khác (cây giống, cây cảnh,...) 2. Chăn nuôi (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) - Gia súc - Gia cầm - Sản phẩm khác (trứng, sữa tươi, kén tằm, mật ong nuôi, con giống...) - Sản phẩm phụ chăn nuôi (phân, lông, da,...) 3. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp 4. Lâm nghiệp (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) và dịch vụ lâm nghiệp 5. Thủy sản (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) và dịch vụ thủy sản 6. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) 7. Diêm nghiệp (tính cả sản phẩm bán ra và sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình) 8. Tiền lương, tiền công 9. Các khoản khác (gồm các khoản: thu từ hái lượm, quà tặng, tiền gửi về từ bên ngoài, lãi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công,...) TỔNG CỘNG 5. Thu nhập của hộ gia đình trong 12 tháng tính đến ngày nhận Giấy đề nghị Đơn vị tính: 1.000 đồng Chỉ tiêu Giá trị 5.1. Tổng thu nhập của hộ gia đình (= Tổng thu mục 4 - Tổng chi mục 4) 5.2. Thu nhập bình quân/người/tháng (= Tổng thu nhập ở phần 5.1/số nhân khẩu của hộ/12 tháng) KẾT LUẬN: Hộ gia đình có thu nhập (đánh dấu X vào ô tương ứng): - Cao hơn tiêu chí mức sống trung bình (>900 ngàn đồng/người/tháng): □ - Thấp hơn hoặc bằng tiêu chí mức sống trung bình (<= 900 ngàn đồng/người/tháng) và cao hơn chuẩn hộ cận nghèo KVTT hoặc KVNTT □ Cán bộ điều tra (Ký, ghi rõ họ tên) Ngày ... tháng ... năm ... Đại diện hộ gia đình (Ký, ghi rõ họ tên) Mẫu số 4 UBND HUYỆN, QUẬN….. UBND XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN… ------- TỔNG HỢP, CẬP NHẬT DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH TRÊN ĐỊA BÀN CẤP XÃ ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ THEO PHÁP LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ (Kèm theo Công văn/ Quyết định số …/ ngày … tháng … năm 20... của …) Số TT Nội dung tổng hợp Địa chỉ (thôn, ấp) 1 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế đầu thời điểm báo cáo: …..hộ. 2 Danh sách các hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế được xác nhận trong kỳ báo cáo: - Hộ - Hộ …… 3 Số hộ có mức sống trung bình được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo pháp luật bảo hiểm y tế tại thời điểm báo cáo: ……hộ. Người lập biểu (Ký tên) …., ngày …. tháng …. năm … Trưởng Ban giảm nghèo cấp xã (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 5 UBND TỈNH, THÀNH PHỐ….. UBND HUYỆN, QUẬN… ------- TỔNG HỢP, CẬP NHẬT DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH TRÊN ĐỊA BÀN CẤP HUYỆN ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ THEO PHÁP LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ (Kèm theo Công văn/ Quyết định số …/ ngày … tháng … năm 20... của…) Số TT Nội dung tổng hợp Ghi chú 1 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đầu thời điểm báo cáo: ....hộ. 2 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được xác nhận trong kỳ báo cáo: ...hộ. 3 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế tại thời điểm báo cáo: ....hộ. Người lập biểu (Ký tên) …., ngày …. tháng …. năm … Trưởng Ban giảm nghèo cấp huyện (Ký tên, đóng dấu) Mẫu số 6 UBND TỈNH, THÀNH PHỐ… SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI…. ------- TỔNG HỢP, CẬP NHẬT DANH SÁCH HỘ GIA ĐÌNH CÓ MỨC SỐNG TRUNG BÌNH TRÊN ĐỊA BÀN CẤP TỈNH ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ ĐÓNG BẢO HIỂM Y TẾ THEO PHÁP LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ (Kèm theo Công văn/ Quyết định số …/ ngày … tháng … năm 20... của…) Số TT Nội dung tổng hợp Ghi chú 1 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đầu thời điểm báo cáo: ....hộ. 2 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được xác nhận trong kỳ báo cáo: ...hộ. 3 Số hộ có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế tại thời điểm báo cáo: ....hộ. Người lập biểu (Ký tên) … Ngày tháng năm Giám đốc (Ký tên, đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "29/08/2014", "sign_number": "22/2014/TT-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Trọng Đàm", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-54-2011-TT-BNNPTNT-yeu-cau-nang-luc-phong-thu-nghiem-chat-luong-127394.aspx
Thông tư 54/2011/TT-BNNPTNT yêu cầu năng lực phòng thử nghiệm chất lượng
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 54/2011/TT-BNNPTNT Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2011 THÔNG TƯ YÊU CẦU NĂNG LỰC PHÒNG THỬ NGHIỆM VỀ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN VÀ MUỐI Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2008; Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007; Căn cứ Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008; Căn cứ Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng, sản phẩm hàng hóa; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Yêu cầu về năng lực đối với phòng thử nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản và muối như sau: Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định các yêu cầu về năng lực cho các phòng thử nghiệm có khả năng phân tích các phép thử thuộc lĩnh vực sinh học, hóa học phục vụ công tác quản lý Nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các phòng thử nghiệm đăng ký chỉ định là phòng thử nghiệm về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản phục vụ công tác quản lý Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là phòng thử nghiệm). Điều 3. Giải thích thuật ngữ Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Hệ thống quản lý chất lượng phòng thử nghiệm: Hệ thống quản lý nhân sự, trang thiết bị, cơ sở vật chất và hệ thống sổ tay chất lượng, các hồ sơ và tài liệu nhằm đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm. 2. Sổ tay chất lượng phòng thử nghiệm: Tài liệu quy định hệ thống quản lý chất lượng của phòng thử nghiệm. 3. Phê duyệt phương pháp thử: hoạt động đánh giá các thông số (độ chính xác, độ không đảm bảo đo, ....) nhằm đưa ra các bằng chứng và khẳng định mức độ tin cậy và phạm vi áp dụng của phương pháp. 4. Thử nghiệm thành thạo: Việc thực hiện các phép thử trên cùng một mẫu bởi hai hay nhiều phòng thử nghiệm theo các điều kiện định trước nhằm đánh giá khả năng thực hiện phép thử đó của phòng thử nghiệm. 5. So sánh liên phòng: là việc đánh giá chất lượng kết quả thử nghiệm giữa hai hay nhiều phòng thử nghiệm do đơn vị độc lập tổ chức bằng cách so sánh kết quả phân tích trên các mẫu đồng nhất với giá trị chung của tập hợp các kết quả có được từ các phòng thử nghiệm tham gia thử nghiệm thành thạo. Các thuật ngữ khác được hiểu theo tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2007 Yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Chương II. QUY ĐỊNH VỀ NĂNG LỰC PHÒNG THỬ NGHIỆM Điều 4. Yêu cầu quản lý 1. Phòng thử nghiệm hoặc tổ chức có phòng thử nghiệm trực thuộc, phải có tư cách pháp nhân, đã đăng ký lĩnh vực hoạt động kiểm nghiệm theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BKHCN ngày 8 tháng 4 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp. 2. Phòng thử nghiệm phải tuân thủ các yêu cầu quản lý được quy định tại Mục 4 tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025: 2007 yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. 3. Phòng thử nghiệm phải có cán bộ quản lý; có ít nhất 02 cán bộ kỹ thuật trình độ đại học có chuyên môn phù hợp với từng lĩnh vực thử nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm Nông lâm thủy sản và muối và có kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên. Điều 5. Yêu cầu kỹ thuật 1. Phòng thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Mục 5 tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2007 yêu cầu chung về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. 2. Phương pháp thử sử dụng tại phòng thử nghiệm a) Phương pháp thử phải đáp ứng: - Phù hợp để áp dụng với đối tượng thực phẩm cần phân tích; - Có giới hạn phân tích tối thiểu của phương pháp (MRPL) hoặc giới hạn phát hiện (LOD) hoặc giới hạn định lượng (LOQ) phù hợp để có thể đưa ra kết luận chỉ tiêu/ nhóm chỉ tiêu cần thử nghiệm đáp ứng các qui định hiện hành của Việt Nam hoặc nước nhập khẩu về mức giới hạn tối đa cho phép của các chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu đó; - Ứng dụng những kỹ thuật phân tích nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với sức khỏe của kiểm nghiệm viên và bảo vệ môi trường; b) Các phương pháp thử áp dụng tại phòng thử nghiệm phải được đánh giá và xác nhận giá trị sử dụng theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm Nông lâm thủy sản và muối của cơ quan thẩm quyền Việt Nam hoặc nước nhập khẩu; c) Phòng thử nghiệm tham gia hoạt động kiểm tra chất lượng thực phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu thì các phương pháp thử cần phải đáp ứng thêm các yêu cầu khác của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu (nếu có). 3. Quản lý mẫu thử nghiệm: Điều kiện bảo quản phải đảm bảo thực hiện theo yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại sản phẩm và phương pháp thử tương ứng. Ngoài ra, Riêng đối với một số mẫu thực phẩm các mẫu dùng để phân tích các chỉ tiêu vi sinh cần đảm bảo yêu cầu về điều kiện nhiệt độ và thời gian theo quy định tại mục 8.2 tiêu chuẩn TCVN 6404:2007 (ISO7218:1996), Vi sinh vật trong thực phẩm và trong thức ăn chăn nuôi-nguyên tắc chung về kiểm tra vi sinh vật. Việc nhận mẫu, mã hóa mẫu và xử lý kết quả phải đảm bảo truy xuất được các thông tin quy định tại Khoản 5 Điều này. 4. Đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm: a) Phòng thử nghiệm phải lựa chọn nhà cung cấp chương trình thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng (TNTT/SSLP) có khả năng đáp ứng phù hợp về đối tượng, chỉ tiêu phân tích và tham gia định kỳ với tần suất ít nhất 3 năm /lần/chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu, trong đó: - Phòng thử nghiệm tham gia chương trình TNTT/SSLP phải đáp ứng các yêu cầu các chương trình TNTT/SSLP do cơ quan đánh giá, chỉ định tổ chức hoặc làm đầu mối; do các tổ chức quốc tế và khu vực tổ chức; do các nhà cung cấp/tổ chức áp dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17043 Conformity assessment – General requirements for proficiency testing (Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu chung đối với thử nghiệm thành thạo) hoặc tổ chức tương đương và phải có kết quả đạt yêu cầu; - Phòng thử nghiệm phải lưu giữ các kết quả của tất cả các chương trình TNTT/SSLP đã tham gia. Hồ sơ này là một phần được xem xét trong các cuộc đánh giá của Cơ quan đánh giá, chỉ định; b) Phòng thử nghiệm phải thực hiện thử nghiệm thành thạo nội bộ hàng năm. Phép thử nghiệm thành thạo nội bộ bao gồm phép thử độ lặp lại, độ tái lặp và độ thu hồi; Loại mẫu, số lần thực hiện, phương pháp thực hiện, cách tính toán, tiêu chí và mức chấp nhận đối với mỗi phương pháp cần được cụ thể hóa trong sổ tay chất lượng và được cấp có thẩm quyền của phòng thử nghiệm phê duyệt. c) Phòng thử nghiệm phải tiến hành thử nghiệm thành thạo và kiểm tra tay nghề nhân viên với tần suất ít nhất 1lần/năm/chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu. Tiêu chí và mức chấp nhận kiểm tra tay nghề cần được cụ thể hóa trong sổ tay chất lượng và được cấp có thẩm quyền của phòng thử nghiệm phê duyệt. Phòng thử nghiệm chỉ giao việc phân tích mẫu cho những nhân viên đã được kiểm tra tay nghề đạt yêu cầu. d) Các dữ liệu kiểm soát chất lượng kết quả thử nghiệm phải được lưu giữ và thống kê thường xuyên để đánh giá được xu hướng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời. đ) Đối với các phép thử hóa học, trong mỗi đợt phân tích phải thử nghiệm song song với mẫu thử ít nhất 1 mẫu kiểm soát và 1 mẫu trắng. Chấp nhận thay mẫu trắng bằng mẫu mù chỉ trong trường hợp có bằng chứng là không tìm được mẫu trắng đối với phép thử đó. Trường hợp không thể có mẫu mù cần có bằng chứng là không tìm được mẫu mù đối với phép thử đó. e) Đối với các phép thử sinh học, trong mỗi đợt phân tích phải thử nghiệm song song với mẫu thử ít nhất 1 mẫu đối chứng dương và 1 mẫu đối chứng âm tính/đối chứng trắng. Chấp nhận thay mẫu đối chứng dương tính bằng chủng chứng dương thuần khiết chỉ trong trường hợp có bằng chứng là không tìm được mẫu đối chứng dương. Chấp nhận thay mẫu đối chứng âm tính/đối chứng trắng bằng mẫu chủng chứng âm tính thuần khiết chỉ trong trường hợp có bằng chứng là không tìm được mẫu âm tính hoặc mẫu trắng đối với phép thử đó. 5. Báo cáo kết quả a) Trong trường hợp có thỏa thuận với khách hàng việc chuyển giao kết quả bằng phương tiện điện tử thì phải đảm bảo đúng với bản gốc và có dấu hiệu đã được kiểm soát; b) Báo cáo thử nghiệm phải có thông tin tối thiểu đảm bảo khả năng truy xuất được nguồn gốc mẫu thử nghiệm bao gồm: - Ngày lấy mẫu; - Số nhận diện của mẫu thử nghiệm tại phòng thử nghiệm; - Ngày và người gửi mẫu, nhận mẫu; - Ngày phân tích và ngày trả kết quả; - Kết quả thử nghiệm (theo yêu cầu của khách hàng); - Phương pháp thử: Tên và mã hiệu của phương pháp thử; - Giới hạn của phương pháp thử: LOD hoặc LOQ (nếu có) hoặc các thông số khác theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu; - Đặc trưng của sản phẩm và các điều kiện bảo quản đặc biệt (nếu có). Phòng thử nghiệm phải đảm bảo báo cáo kết quả thử nghiệm chính xác, khách quan, thông báo đúng hạn và chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm. Chương III. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỬ NGHIỆM Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức thử nghiệm 1. Đảm bảo năng lực của phòng thử nghiệm theo quy định tại Thông tư này. 2. Báo cáo cơ quan thẩm quyền khi có sự thay đổi về năng lực của phòng thử nghiệm. 3. Chịu sự kiểm tra, giám sát về năng lực của phòng thử nghiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 7. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực sau bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày ký ban hành. 2. Thông tư này thay thế Quyết định số 115/2008/QĐ-BNN ngày 03/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu về năng lực đối với phòng thử nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản. 3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Lãnh đạo Bộ; - Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp; - Bộ KH&CN; Bộ Y tế; - UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo; Website Chính phủ; Website Bộ NN&PTNT; - Các Cục, Vụ, Viện, Trường có liên quan thuộc Bộ; - Lưu: VT, KHCN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Bùi Bá Bổng PHỤ LỤC CÁC THÔNG SỐ TỐI THIẾU CẦN XÁC ĐỊNH KHI TIẾN HÀNH XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP (Ban hành kèm theo Thông tư số 54/2011/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 8năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Bảng 1. Các chỉ tiêu hóa học TT Các thông số cần xác định Phương pháp định tính Phương pháp bán định lượng Phương pháp định lượng Phương pháp sinh hoá trên động vật TN Có sử dụng đường chuẩn Không sử dụng đường chuẩn Định tính Định lượng 1 Độ đúng (trueness) - - + + - + 2 Độ nhạy (sensitivity) + + +(1) + (1) + + 3 Độ chọn lọc (Selectibility) + + +(1) + (1) - - 4 Độ lặp lại (Repeatability) - - + + - - 5 Độ tái lập (Reproducibility) - - + + - - 6 Giới hạn phát hiện* (LOD) + + + - (2) + + 7 Giới hạn định lượng* (LOQ) - - + - (2) - - 8 Độ thu hồi (Recovery) - - + -(2) - - 9 Độ tuyến tính (Linearity) - - + - - - 10 Khoảng xác định (Working range) - + + - (2) - 11 Độ không đảm bảo đo (Uncertainty) - - + + - - Bảng 2. Các chỉ tiêu sinh học TT Các thông số cần xác định Phương pháp nuôi cấy sinh học Phương pháp sinh học phân tử Định tính Định lượng Định tính Định lượng 1 Độ đúng (Trueness) - - - + 2 Độ nhạy (sensitivity) +(1) +(1) +(1) +(1) 3 Độ chọn lọc (Selectibility) +(1) +(1) +(1) +(1) 4 Độ lặp lại (Repeatability) - + - + 5 Độ tái lập (Reproducibility) - + - + 6 Giới hạn phát hiện (LOD) + - + - 7 Giới hạn định lượng (LOQ) - - - + 8 Độ thu hồi (Recovery) - - (2) - + 9 Độ tuyến tính (Linearity) - - (2) - +(1) 10 Khoảng xác định (Working range) - - (2) - +(1) 11 Độ không đảm bảo đo (Uncertainty) - + - + Ghi chú: Các ký hiệu trong bảng trên được hiểu như sau: Các ký hiệu trong bảng trên được hiểu như sau: (+) : Cần xác định (- ) : Không cần xác định (*) : Không phải tính toán đối với chỉ tiêu đa lượng. (1): Sử dụng phương pháp thử tiêu chuẩn thì không cần xác định thông số này. (2): Tùy từng trường hợp cụ thể có thể cần phải xác định. Trong đó: - Phương pháp tiêu chuẩn là phương pháp được công bố bởi tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế (ví dụ: TCVN, EN, Codex, ISO…), hoặc ban hành bởi các tổ chức kỹ thuật chuyên nghiên cứu và xác định giá trị sử dụng phương pháp phân tích (ví dụ: AOAC, AFNOR, …) đồng thời công bố kèm theo đầy đủ các thông số về xác nhận giá trị sử dụng của phương pháp. - Phương pháp không tiêu chuẩn: ngoài các phương pháp tiêu chuẩn nêu trên và những phương pháp có sửa đổi so với phương pháp tiêu chuẩn mà phần sửa đổi có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm.
{ "issuing_agency": "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", "promulgation_date": "03/08/2011", "sign_number": "54/2011/TT-BNNPTNT", "signer": "Bùi Bá Bổng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Thong-tu-lien-tich-08-2002-TTLT-BTM-BKHDT-BCN-giao-va-thuc-hien-han-ngach-xuat-khau-hang-det-may-vao-thi-truong-EU-Canada-Tho-Nhi-Ky-nam-2003-49934.aspx
Thông tư liên tịch 08/2002/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN giao và thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003
BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ THƯƠNG MẠI ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 08/2002/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN Hà Nội , ngày 12 tháng 8 năm 2002 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH CỦA BỘ THƯƠNG MẠI - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 08/2002/TTLT-BTM-BKHĐT-BCNNGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN VIỆC GIAO VÀ THỰC HIỆN HẠN NGẠCH XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY VÀO THỊ TRƯỜNG EU, CANADA, THỔ NHĨ KỲ NĂM 2003 Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6228/KTTH ngày 05/12/1997; Căn cứ Hiệp định buôn bán hàng dệt may với các nước EU, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ; Căn cứ tình hình thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2002; Liên tịch Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc giao và thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2003 như sau: I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG 1. Hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may được phân thành 2 nhóm: 1.1- Nhóm I: gồm các chủng loại mặt hàng (Cat.) như sau: - Thị trường EU: Cat. 9, 10,12,13, 14, 18, 20, 21, 26, 28, 39, 41, 68, 73, 76, 97, 118. - Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ: Cat. 4, 5, 7, 8, 9, 10, 12, 13, 14, 15, 18, 20, 21, 26, 28, 29, 31, 39, 68, 73, 76, 78, 83, 97, 118, 161. Các chủng loại mặt hàng thuộc nhóm I, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc có giấy phép đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xuất khẩu và được cấp giấy phép xuất khẩu (Export Licence - E/L) tự động. Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu tự động thực hiện tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ thương mại tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tầu và Đồng Nai. Hàng tuần, Bộ Thương mại sẽ thông báo tình hình cấp E/L tự động và số lượng hạn ngạch còn lại trên các báo Thương mại, Đầu tư, Công nghiệp, địa chỉ Website của Bộ Thương mại (www.mot.gov.vn) và tại các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực, đồng thời có hướng dẫn đối với những chủng loại mặt hàng có khả năng xuất khẩu vượt hạn ngạch để doanh nghiệp biết và thực hiện, cụ thể: Khi cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) đạt mức 70% hạn ngạch cơ sở đối với một chủng loại mặt hàng (Cat.) sẽ ngừng việc cấp giấy phép xuất khẩu tự động. Phần hạn ngạch còn lại sau khi ngừng cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) tự động sẽ được phân giao cho các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng (hoặc các cơ quan được Uỷ ban nhân dân các thành phố uỷ quyền) và các doanh nghiệp khác. Việc phân giao hạn ngạch được căn cứ vào mức thực hiện hạn ngạch năm 2002 và đến thời điểm thông báo ngừng cấp E/L tự động năm 2003, trong đó ưu tiên theo thứ tự các đơn vị có hàng đã sản xuất chờ xuất khẩu, đã nhập khẩu nguyên phụ liệu, đã mua nguyên phụ liệu để sản xuất, đã ký hợp đồng xuất khẩu. 1.2- Nhóm II: gồm các chủng loại mặt hàng (Cat.) như sau: - Thị trường EU: các Cat. 4, 5, 6, 7, 8, 15, 29, 31, 35, 78, 83 và 161 (gồm 12 Cat.). - Thị trường Canada: các Item.Cat. 1/3a, 2a, 3c, 4a, 4c, 5a, 5b, 8c, 8d, 9a, 10a, 11a, 13, ItemB. - Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ: Các Cat. 6, 35 và 41. Việc xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm II được thực hiện trên cơ sở thông báo giao hạn ngạch của Bộ Thương mại hoặc các Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng (hoặc các cơ quan được Uỷ ban nhân dân các thành phố uỷ quyền). 2. Hạn ngạch công nghiệp: Đối với thị trường EU, dành 30% hạn ngạch cơ sở một số chủng loại mặt hàng (Cat.) sau đây 4, 5, 6, 7, 8, 15, 29, 31, 78, 83 và 161 để giao cho các doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng là nhà công nghiệp châu Âu, do Uỷ ban châu Âu giới thiệu. Việc giao hạn ngạch công nghiệp cho các doanh nghiệp trong cả nước được Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp xem xét đối với các doanh nghiệp có hợp đồng ký trước ngày 30/4/2003. 3. Hạn ngạch đấu thầu: Dành 30 - 35% hạn ngạch thương mại hàng dệt may xuất khẩu sang EU các chủng loại mặt hàng (Cat.) 4, 5, 6, 15, và 31 để các doanh nghiệp trong cả nước đấu thầu (theo Phụ lục 3 đính kèm Thông tư liên tịch này). Việc đấu thầu hạn ngạch thực hiện theo quy định riêng. 4. Dành 15% hạn ngạch thương mại của các chủng loại mặt hàng (Cat.): 5, 6, 7, 8 và 29 xuất khẩu sang thị trường EU thuộc nhóm II để phân giao bổ sung hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sử dụng vải sản xuất trong nước (riêng áo len - Cat.5, sử dụng sợi sản xuất trong nước và các doanh nghiệp chuyên dệt và đan áo len). 5. Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp phân cấp việc phân giao hạn ngạch để Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trực tiếp phân giao hạn ngạch cho các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý theo quy định tại Thông tư liên tịch này và Biên bản bàn giao giữa Liên bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp với Uỷ ban nhân dân các thành phố. II- QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN GIAO HẠN NGẠCH CÁC MẶT HÀNG THUỘC NHÓM II 1. Căn cứ giao hạn ngạch 1.1- Thị trường EU - Hạn ngạch thương mại được phân giao cho thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng và các doanh nghiệp khác trên cơ sở tỷ lệ phần trăm số lượng thực hiện hạn ngạch năm 2001 và 8 tháng đầu năm 2002 của các thành phố và doanh nghiệp. - Hạn ngạch công nghiệp được phân giao như Phụ lục 1 kèm theo Thông tư liên tịch này. Hồ sơ đề nghị giao hạn ngạch gồm: Hợp đồng ký với khách hàng là nhà công nghiệp EU (trong hợp đồng cần nêu rõ số lượng sử dụng hạn ngạch công nghiệp từng Cat.; thời gian giao hàng), báo cáo năng lực sản xuất và tình hình thực hiện hạn ngạch công nghiệp năm 2001 và 2002. Các doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch công nghiệp theo hợp đồng đã ký, nhưng không sử dụng, do khách hàng từ chối thì doanh nghiệp không được chuyển sang hạn ngạch thương mại và phải có văn bản trả lại Bộ Thương mại. - Hạn ngạch dành cho các đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may sang EU sử dụng vải sản xuất trong nước được phân giao như Phụ lục 2 kèm theo Thông tư Liên tịch này. Hồ sơ đề nghị giao hạn ngạch gồm: hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng mua vải sản xuất trong nước, hoá đơn mua vải trong nước. 1.2- Thị trường Canada, Thổ Nhĩ Kỳ Hạn ngạch được phân giao trên cơ sở tỷ lệ phần trăm số lượng thực hiện hạn ngạch năm 2001 và 8 tháng đầu năm 2002 của doanh nghiệp. 1.3- Hạn ngạch uỷ thác xuất khẩu được tính vào số lượng thực hiện hạn ngạch của doanh nghiệp uỷ thác. 2- Thời gian phân giao hạn ngạch 2.1- Trong tháng 9 năm 2002 phân giao hạn ngạch thương mại EU, hạn ngạch Canada và Thổ Nhĩ Kỳ. 2.2- Đối với hạn ngạch công nghiệp, hạn ngạch xuất khẩu hàng may mặc làm bằng vải sản xuất trong nước. - Từ tháng 11 năm 2002 đến ngày 15/5/2003, Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp mỗi tháng một lần xem xét công bố danh sách phân giao hạn ngạch công nghiệp cho các doanh nghiệp trong cả nước. - Từ tháng 9/2002 đến 30/5/2003 Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (đối với các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân các thành phố quản lý) mỗi tháng một lần xem xét công bố danh sách phân giao hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU sử dụng vải sản xuất trong nước và hạn ngạch được phân giao đến khi hết nguồn hạn ngạch quy định tại Phụ lục 2. III- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HẠN NGẠCH Các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng có nhu cầu sử dụng hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ các Cat. thuộc nhóm II, đăng ký bằng văn bản (theo các mẫu đính kèm) gửi về Uỷ ban nhân dân (sở Thương mại) thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng; các doanh nghiệp khác gửi về Bộ Thương mại (Vụ xuất nhập khẩu - 21 Ngô Quyền - Hà Nội). Thời gian đăng ký - Hạn ngạch thương mại: trước ngày 15/9/2002. - Hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm làm bằng vải sản xuất trong nước: trước ngày 30/5/2003. - Hạn ngạch công nghiệp: trước ngày 15/5/2003. IV- NHỮNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN 1. Hạn ngạch có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2003 đến 31 tháng 12 năm 2003. 2. Hoàn trả Doanh nghiệp không có khả năng thực hiện hạn ngạch được giao, phải hoàn trả Bộ Thương mại hoặc Uỷ ban nhân dân các thành phố để phân giao cho doanh nghiệp khác thực hiện. Doanh nghiệp hoàn trả trước ngày 30/9/2003 sẽ được tính vào tiêu chuẩn thực hiện năm sau. 3. Phí hạn ngạch Mức thu phí hạn ngạch từng chủng loại mặt hàng sẽ có quy định riêng. Các doanh nghiệp nộp phí hạn ngạch cho từng thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch hoặc từng lô hàng xuất khẩu. Khi làm thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu (Export Licence), doanh nghiệp phải xuất trình cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực chứng từ đã nộp phí hạn ngạch vào tài khoản của Bộ Thương mại số 945-01-475 tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội. 4. Uỷ thác và nhận uỷ thác Các doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch được uỷ thác cho doanh nghiệp khác xuất khẩu theo nguyên tắc hàng phải được sản xuất tại doanh nghiệp có hạn ngạch. Việc uỷ thác và nhận uỷ thác thực hiện theo quy định hiện hành (Nghị định của Chính phủ số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998; Nghị định của Chính phủ số 44/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001). V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện các điều khoản của Hiệp định đã ký và các quy chế đã ban hành, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước và nước ngoài xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện. Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Thông tư Liên tịch và các quy định của Hiệp định về buôn bán hàng dệt may ký với EU, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý từ thu hồi hạn ngạch đến đình chỉ phân giao hạn ngạch hoặc theo quy định của pháp luật. Tổ Điều hành Liên Bộ Thương mại, Kế hoạch và đầu tư, công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, định kỳ thông báo tình hình trên các báo Thương mại, Đầu tư, Công nghiệp và địa chỉ Website của Bộ thương mại (www.mot.gov.vn) để các doanh nghiệp có những thông tin cần thiết kịp thời. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Thông tư Liên Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Công nghiệp số 25/2001/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN ngày 9/11/2001 và số 02/2002/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN ngày 28/2/2002. Phụ lục số 01 (Kèm theo Thông tư Liên tịch số 08/2002/TTLT/BTM-BKHĐT-BCN ngày 12 tháng 8 năm 2002) SỐ LƯỢNG HẠN NGẠCH CÔNG NGHIỆP TỐI ĐA PHÂN GIAO CHO MỖI DOANH NGHIỆP STT Cat. Đơn vị Doanh nghiệp có trên 2.000 thiết bị Doanh nghiệp có từ 1000 đến 2000 thiết bị Doanh nghiệp có dưới 1.000 thiết bị 1 2 1 2 1 2 1 4 chiếc 200.000 150.000 150.000 100.000 70.000 50.000 2 5 chiếc 50.000 40.000 40.000 30.000 20.000 15.000 3 6 chiếc 50.000 20.000 40.000 15.000 20.000 10.000 4 7 chiếc 30.000 20.000 25.000 15.000 15.000 10.000 5 8 chiếc 300.000 150.000 200.000 100.000 100.000 50.000 6 15 chiếc 15.000 10.000 8.000 5.000 5.000 3.000 7 29 bộ 20.000 10.000 15.000 7.000 5.000 3.000 8 31 chiếc 800.000 200.000 800.000 200.000 400.000 100.000 9 78 tấn 20 10 15 7 7 3 10 83 tấn 20 10 15 8 10 3 11 161 tấn 15 10 10 8 8 3 Ghi chú: (1) Các doanh nghiệp đã thực hiện hạn ngạch công nghiệp chủng loại mặt hàng tương ứng năm 2001 và 2002; 2) Các doanh nghiệp không thực hiện hạn ngạch công nghiệp chủng loại mặt hàng tương ứng năm 2001 và 2002. Phụ lục số 02 (Kèm theo Thông tư Liên tịch số 08/2002/TTLT/BTM-BKHĐT-BCN ngày 12 tháng 8 năm 2002) SỐ LƯỢNG HẠN NGẠCH TỐI ĐA PHÂN GIAO CHO CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU SẢN PHẨM SỬ DỤNG VẢI SẢN XUẤT TRONG NƯỚC STT Cat. Đơn vị Tổng hạn ngạch Số lượng hạn ngạch tối đa phân giao cho mỗi doanh nghiệp (1) (2) 1 5 chiếc 370.000 10.000 6.000 2 6 chiếc 570.000 15.000 7.000 3 7 chiếc 315.000 10.000 7.000 4 8 chiếc 1.200.000 50.000 30.000 5 29 bộ 40.000 10.000 8.000 Ghi chú: (1) Các doanh nghiệp đã thực hiện hạn ngạch mặt hàng tương ứng năm 2001 và 2002; 2) Doanh nghiệp chưa thực hiện hạn ngạch mặt hàng tương ứng năm 2001 và 2002. * Cat.6 chỉ giải quyết cho các doanh nghiệp xuất khẩu quần dài. Phụ lục số 3 (Kèm theo Thông tư Liên tịch số 08/2002/TTLT/BTM-BKHĐT-BCN ngày 12 tháng 8 năm 2002) DANH MỤC HẠN NGẠCH CÁC MẶT HÀNG DỆT MAY XUẤT KHẨU SANG EU ĐƯỢC ĐƯA RA ĐẤU THẦU NĂM 2003 Mặt hàng Cat. Đơn vị tính Tổng số lượng hạn ngạch đấu thầu năm 2003 % HNTM Số lượng 1. T.Shirt 4 chiếc 35% 2.600.000 2. Áo len 5 chiếc 30% 750.000 3. Quần 6 chiếc 30% 1.100.000 4. Áo khoác nữ 15 chiếc 30% 100.000 5. Áo lót nhỏ 31 chiếc 35% 1.000.000 Mẫu số 1: 1. Tên doanh nghiệp (ghi rõ tên tiếng Việt đầy đủ và cả tên viết tắt) 2. Giấy đăng ký kinh doanh số: Cấp ngày: 3. Mã số doanh nghiệp XNK (mã số hải quan): 4. Điện thoại: FAX 5. Email: 6. Địa chỉ giao dịch: 7. Địa chỉ cơ sở sản xuất chính: 8. Tổng số thiết bị hiện có: 9. Tổng số lao động: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------------------------------------------- Số công văn ... ngày.... tháng... năm... Kính gửi:...................................................................... V.v đăng ký sử dụng hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may đi..... (EU, Canađa, Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2003 - Căn cứ quy chế phân giao hạn ngạch của Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp - Kế hoạch và Đầu tư số 08/2002/TTLT/BTM-BKHĐT-BCN ngày 12 tháng 8 năm 2002; - Căn cứ năng lực sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; - Căn cứ nhu cầu thị trường và khách hàng năm 2003, Công ty đề nghị Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp - Kế hoạch và đầu tư (Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh/Hải Phòng/Đà Nẵng) phê duyệt giao hạn ngạch để Công ty thực hiện các chủng loại hàng sau đây trong năm 2003. STT Tên hàng Cat. Số lượng thực hiện năm 2001 và 8 tháng đầu năm 2002 Hạn ngạch đăng ký sử dụng năm 2003 Thị trường khách hàng 01 02 03 Công ty cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Liên Bộ Thương mại - Công nghiệp - Kế hoạch và Đầu tư. Giám đốc Công ty (ký tên và đóng dấu) Nơi nhận: - Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp - Uỷ ban nhân dân tp.... Mẫu số 2: Tên doanh nghiệp (ghi rõ tên tiếng Việt đầy đủ và cả tên viết tắt) Giấy chứng nhận đăng ký KD số: Cấp ngày Mã số doanh nghiệp XNK (mã số hải quan): Điện thoại: Fax: Email: Địa chỉ giao dịch: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------------------- Số công văn ... ngày.... tháng... năm... Kính gửi: ...................................................................... V/v đăng ký hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU năm 2002 làm bằng vải sản xuất trong nước Căn cứ Thông tư liên tịch Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp số 08/2002/TTLT/BTM-BKHĐT-BCN ngày 12 tháng 8 năm 2002; Công ty........................... gửi hồ sơ xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU năm 2003 làm bằng vải sản xuất trong nước theo danh mục sau, đề nghị Liên bộ xem xét phân giao hạn ngạch theo quy định. STT Chủng loại hàng (Cat.) Đơn vị tính SP làm bằng vải sản xuất trong nước HĐ xuất khẩu số HĐ mua vải số Hoá đơn mua vải số Ghi chú (ghi rõ CT sản xuất vải) Số lượng Trị giá USD Công ty cam đoan số liệu khai trên là đúng, nếu sai doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm. Giám đốc Công ty (ký tên và đóng dấu) Nơi nhận: - Bộ thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp - Uỷ ban nhân dân tp.... Mẫu số 3: 1. Tên doanh nghiệp (ghi rõ tên tiếng Việt đầy đủ và cả tên viết tắt) 2. Giấy đăng ký kinh doanh số: Cấp ngày: 3. Mã số doanh nghiệp XNK (mã số hải quan): 4. Điện thoại: Fax: 5. Email: 6. Địa chỉ giao dịch 7. Địa chỉ cơ sở sản xuất chính: 8. Tổng số thiết bị hiện có: 9. Tổng số lao động: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------------------------------- Số công văn ... ngày.... tháng... năm... Kính gửi: ...................................................................... BÁO CÁO NĂNG LỰC SẢN XUẤT 1- Báo cáo về trang thiết bị: STT Tên thiết bị Đơn vị Số lượng thiết bị đến thời điểm 9/2000 9/2001 9/2002 1 Máy 1 kim chiếc 2 Máy 2 kim chiếc 3 Máy vắt sổ chiếc 4 Thiết bị là hơi chiếc 5 Máy đánh bo chiếc 6 Máy cắt chiếc 7 Máy thùa khuy chiếc 8 Thiết bị chuyên dùng khác chiếc 2- Nơi đặt xưởng sản xuất: Ghi rõ địa chỉ từng xưởng sản xuất thuộc tài sản doanh nghiệp. Ghi chú: chỉ báo cáo trang thiết bị thuộc sở hữu của doanh nghiệp. 3- Những sản phẩm chính do doanh nghiệp sản xuất trong một năm: STT Chất liệu Đơn vị Bông (cotton) Nhân tạo (man-made) Len Pha (nêu rõ % bông và % nhân tạo) Thị trường xuất khẩu 1 Sợi tấn 2 Vải 2.1 Vải dk m2 2.2 Vải kdk m2 3 May mặc 3.1 Gang tay nghìn đôi 3.2 Sơmi nữ dk nghìn chiếc 3.3 Sơ mi nữ kdk nghìn chiếc 3.4 Sơmi nam dk nghìn chiếc 3.5 Sơ mi nam kdk nghìn chiếc 3.6 Quần nữ dk nghìn chiếc 3.7 Quần nữ kdk nghìn chiếc 3.8 Quần áo lót nghìn chiếc 3.9 Quần áo ngủ nghìn chiếc/bộ 3.10 Quần nam dk nghìn chiếc 3.11 Áo khoác kd nghìn chiếc 3.12 Áo khoác kdk nghìn chiếc 3.13 Váy dk nghìn chiếc 3.14 Váy kdk nghìn chiếc 4 Sản phẩm khác dk: hàng dệt kim kdk: hàng không phải dệt kim. Giám đốc Công ty (ký tên và đóng dấu) Nơi nhận: - Bộ thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp - Uỷ ban nhân dân tp.... Mẫu số 4: 1. Tên doanh nghiệp (ghi rõ tên tiếng Việt đầy đủ và cả tên viết tắt): 2. Giấy đăng ký kinh doanh số: Cấp ngày: 3. Mã số doanh nghiệp XNK (mã số hải quan): 4. Điện thoại: Fax: 5. Email: 6. Địa chỉ giao dịch: 7. Địa chỉ cơ sở sản xuất chính: 8. Tổng số thiết bị hiện có: 9. Tổng số lao động: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------------------------- Số công văn ... ngày.... tháng... năm... Kính gửi: ...................................................................... BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU HÀNG DỆT MAY NĂM 2001/2002 1- Thị trường có hạn ngạch STT Chủng loại hàng Cat. Đơnvị Hạn ngạch Thực hiện Nước NK Số lượng % HN Trị giá Gia công FOB 2- Thị trường không hạn ngạch STT Tên hàng Nước NK Đơn vị Số lượng Trị giá (USD) Gia công FOB 3- Xuất khẩu uỷ thác qua các doanh nghiệp khác STT Tên hàng Cat. Nước NK Số lượng Trị giá (USD) DN nhận uỷ thác Gia công FOB Ghi chú: Trị giá quy ra USD Giám đốc Công ty (ký tên và đóng dấu) Nơi gửi: - Bộ Thương mại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Công nghiệp - Uỷ ban nhân dân tp.... Bùi Xuân Khu (Đã ký) Lại Quang Thực (Đã ký) Mai Văn Dâu (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại", "promulgation_date": "12/08/2002", "sign_number": "08/2002/TTLT-BTM-BKHĐT-BCN", "signer": "Bùi Xuân Khu, Lại Quang Thực, Mai Văn Dâu", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-643-KH-STTTT-2016-an-toan-thong-tin-cuoc-bau-cu-dai-bieu-Quoc-hoi-khoa-XIV-Ho-Chi-Minh-541859.aspx
Kế hoạch 643/KH-STTTT 2016 an toàn thông tin cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV Hồ Chí Minh
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 643/KH-STTTT Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 2016 KẾ HOẠCH BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN TRONG THỜI GIAN DIỄN RA BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021 Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Thanh Liêm tại công văn số 3576/VP-CNN ngày 29/4/2016 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại công văn số 1218/BTTTT-CATTT ngày 20/4/2016 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sở Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin của thành phố với các nội dung sau: A. THÔNG TIN CHUNG I. Mục đích: 1. Đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của thành phố phục vụ kịp thời các hoạt động chỉ đạo, tổ chức, triển khai công việc phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trước, trong và sau ngày bầu cử 22/5/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Đảm bảo vận hành an toàn, chính xác của hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ thực hiện báo cáo tiến độ bầu cử, tổng hợp nội dung kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên môi trường mạng. II. Quy mô: 1. Các trang thông tin điện tử của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, trang chủ và các trang thành viên của cổng thông tin điện tử Thành phố (HoChiMinh CityWeb). 2. Hệ thống trung tâm dữ liệu của thành phố: thư điện tử, các ứng dụng dùng chung, 3. Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bầu cử. III. Thời gian: Từ ngày 20/5/2016 đến ngày 31/5/2016. B. NỘI DUNG THỰC HIỆN I. Đảm bảo hạ tầng đường truyền mạng Metronet thành phố 1. Nội dung công việc: Kiểm tra, rà soát, đảm bảo hạ tầng đường truyền Metronet tại 24 quận, huyện và 322 phường, xã, thị trấn được hoạt động ổn định, thông suốt trong thời gian diễn ra bầu cử. Triển khai giải pháp dự phòng đường truyền trên kết nối mạng 3G và bảo mật thông tin. 2. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông phối hợp Viễn thông thành phố, QTSC đảm bảo yêu cầu đường truyền Metronet tại 24 quận, huyện và 322 phường, xã, thị trấn, triển khai giải pháp dự phòng đường truyền trên kết nối mạng 3G và bảo mật thông tin. 3. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên và tập trung tăng cường an ninh ở mức cao nhất trong thời gian từ 20/5/2016 đến ngày 23/5/2016. II. Đảm bảo an toàn an ninh thông tin tuyệt đối cho hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu thành phố: 1. Nội dung công việc: - Kiểm tra đảm bảo năng lực, tài nguyên của hệ thống hạ tầng trung tâm dữ liệu gồm: máy chủ, thiết bị mạng, các thiết bị đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Chuẩn bị sẵn các giải pháp, hệ thống dự phòng sẵn sàng thay thế khi có sự cố; đảm bảo quy trình sao lưu, và phục hồi dữ liệu. - Kiểm tra, rà soát, đảm bảo hệ thống phòng chống xâm nhập: hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm, hệ thống tường lửa, tường lửa ứng dụng, các thông số thiết lập hệ thống tại trung tâm dữ liệu bao gồm tất cả các thiết lập máy chủ web, mạng riêng ảo (VPN), truy cập từ xa (remote access),... - Kiểm tra, rà soát các chính sách an toàn an ninh thông tin, quy trình xử lý sự cố của Trung tâm dữ liệu thành phố. Tổ chức giám sát, kiểm tra và phân tích thường xuyên các thông tin truy cập (log, history..) để kịp thời phát hiện các tấn công nguy hiểm từ bên ngoài vào hệ thống. - Tăng cường đội ngũ giám sát liên tục (24 giờ trong ngày/7 ngày trong tuần) tình trạng và nội dung của hệ thống Cityweb, kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các sự cố, ngăn chặn nội dung thông tin có dấu hiệu bất thường; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khi có nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cho hệ thống City Web, thư điện tử, hệ thống ứng dụng phục vụ bầu cử. - Đảm bảo tài nguyên hạ tầng (máy chủ) cho hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho bầu cử. 2. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện: - Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn an ninh thông tin tuyệt đối cho hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu thành phố. - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông phối hợp QTSC, các đơn vị liên quan, kiểm tra giám sát an toàn an ninh thông tin trên hệ thống Metronet, kiểm tra và khắc phục kịp thời các lỗ hỏng bảo mật ở mức ứng dụng, các thông số thiết lập của các trang thông tin điện tử của hệ thống Cityweb thành phố. 3. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên và tập trung tăng cường an ninh ở mức cao nhất trong thời gian từ 20/5/2016 đến ngày 31/5/2016. III. Giám sát nội dung trên trang thông tin điện tử: 1. Nội dung công việc: Kiểm tra giám sát liên tục trang thông tin điện tử, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để nhanh chóng xử lý và kịp thời thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông. Tập trung vào các trang thông tin điện tử của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, trang chủ và các trang thành viên của Cổng thông tin điện tử Thành phố (HoChiMinh CityWeb) 2. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện: Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức giám sát liên tục (24 giờ trong ngày/7 ngày trong tuần) nội dung của hệ thống Cityweb, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nội dung thông tin có dấu hiệu bất thường và báo cáo kịp thời cho Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông. 3. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên và tập trung tăng cường an ninh ở mức cao nhất trong thời gian từ 20/5/2016 đến ngày 31/5/2016. IV. Đảm bảo vận hành an toàn, chính xác phần mềm hỗ trợ bầu cử. 1. Nội dung công việc - Kiểm tra, rà soát các chức năng của phần mềm, đảm bảo báo cáo tiến độ bầu cử, tổng hợp số liệu kết quả bầu cử chính xác, nhanh chóng; kiểm tra và khắc phục tất cả các lỗi bảo mật (nếu có) của phần mềm. - Tổ chức xây dựng, huấn luyện đội ngũ ứng cứu khẩn cấp sự cố phần mềm bầu cử. - Kiểm tra, giám sát liên tục hoạt động của phần mềm, hỗ trợ các đơn vị sử dụng và khắc phục sự cố trong thời gian diễn ra bầu cử. 2. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện: - Công ty hệ thống thông tin FPT có trách nhiệm: đảm bảo phần mềm hỗ trợ bầu cử hoạt động chính xác, an toàn; cử nhân sự hỗ trợ vận hành phần mềm tại 24 Quận/Huyện; hỗ trợ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông và các đơn vị xử lý các sự cố về phần mềm. - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông: giám sát, hỗ trợ Công ty hệ thống thông tin FPT thực hiện nhiệm vụ; cử nhân sự hỗ trợ vận hành, ứng cứu khắc phục sự cố phần mềm và giám sát hoạt động của phần mềm 24/24 trong thời gian bầu cử tại 24 Quận/Huyện. - Nhân sự hỗ trợ tại các đơn vị của Trung tâm CNTT-TT và Công ty hệ thống thông tin FPT phải có mặt tại các đơn vị được phân công hỗ trợ trước 7 giờ sáng ngày 22/5/2016, mặc áo đồng phục (Nhân sự Trung tâm CNTT-TT mặc đồng phục của Sở Thông tin và Truyền thông, Nhân sự công ty FPT mặc đồng phục của công ty FPT) và mang theo chứng minh nhân dân, thẻ ra vào. 3. Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên và tập trung tăng cường an ninh ở mức cao nhất trong thời gian từ 20/5/2016 đến ngày 31/5/2016. C. THÔNG TIN LIÊN HỆ KHI GẶP SỰ CỐ AN TOÀN THÔNG TIN Stt Họ và tên Đơn vị Số điện thoại 1 Bà Võ Thị Trung Trinh Phó Giám đốc - Sở Thông tin và Truyền thông 0908114927 2 Ông Võ Minh Thành Trưởng phòng, phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông 0918804410 3 Ông Lý Minh Tuân Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thành phố 0908105249 4 Ông Phạm Thiên Long Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thành phố 0913847324 D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN: 1. Các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của kế hoạch này. 2. Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung thực hiện báo cáo kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn an ninh thông tin hệ thống Trung tâm dữ liệu của thành phố cho Sở Thông tin và Truyền thông. 3. Ban biên tập Trang thông tin điện tử thành phố, các đơn vị có trang thông tin điện tử thuộc hệ thống Hồ Chí Minh CityWeb thực hiện báo cáo nhanh cho Sở Thông tin và Truyền thông khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên trang thông tin điện tử do đơn vị quản lý. 4. Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thực hiện báo cáo kịp thời cho Sở Thông tin và Truyền thông khi có sự cố liên quan đến phần mềm hỗ trợ bầu cử. 5. Nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các đơn vị thông báo kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Ủy ban nhân dân Thành phố (để b/c); - Ủy ban bầu cử Thành phố; - Sở Nội vụ; - Thành viên HCM CityWeb; - Viễn thông TP, QTSC, FPT; - Giám đốc, PGĐ Trinh; - Trung tâm CNTT-TT; - Lưu: VT, P.CNTT (MN.80); KT. GIÁM ĐỐC PHÓ GIÁM ĐỐC Võ Thị Trung Trinh
{ "issuing_agency": "Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh", "promulgation_date": "19/05/2016", "sign_number": "643/KH-STTTT", "signer": "Võ Thị Trung Trinh", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Lenh-cong-bo-Nghi-quyet-ve-thi-hanh-Luat-to-chuc-Toa-an-nhan-dan-2014-260158.aspx
Lệnh công bố Nghị quyết về thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014
CHỦ TỊCH NƯỚC ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 22/2014/L-CTN Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2014 LỆNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Căn cứ Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Điều 91 của Luật tổ chức Quốc hội; Căn cứ Điều 57 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NAY CÔNG BỐ Nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân Đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2014. CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Trương Tấn Sang
{ "issuing_agency": "Chủ tịch nước", "promulgation_date": "04/12/2014", "sign_number": "22/2014/L-CTN", "signer": "Trương Tấn Sang", "type": "Lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Chung-khoan/Thong-tu-99-2015-TT-BTC-huong-dan-phat-hanh-trai-phieu-duoc-Chinh-phu-bao-lanh-280644.aspx
Thông tư 99/2015/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh
BỘ TÀI CHÍNH -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 99/2015/TT-BTC Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2015 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN VỀ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009; Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; Căn cứ Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi tắt là trái phiếu được bảo lãnh) tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế. 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này gồm doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của nhà nước và tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Điều 2. Chủ thể phát hành Chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh là doanh nghiệp, các ngân hàng chính sách của nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng (sau đây gọi chung là chủ thể phát hành) thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là Nghị định số 01/2011/NĐ-CP). Điều 3. Mục đích phát hành Trái phiếu được bảo lãnh được phát hành để đầu tư cho các chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP. Điều 4. Điều kiện phát hành 1. Đối với các doanh nghiệp a) Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP khi phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước. b) Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hành trái phiếu được bảo lãnh quy định tại Điều 40 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. 2. Đối với các ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước a) Phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP. b) Khối lượng phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải thuộc hạn mức bảo lãnh Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong từng thời kỳ. 3. Đối với các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước a) Phải đáp ứng đầy đủ điều kiện phát hành quy định Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ. b) Phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước để thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước theo từng quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng chương trình, dự án. Điều 5. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu được bảo lãnh Ngoài các điều kiện và điều khoản quy định tại Điều 6 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh còn phải tuân thủ các quy định sau: 1. Khối lượng phát hành Khối lượng phát hành từng đợt do chủ thể phát hành quyết định nhưng tổng khối lượng lũy kế phát hành không được vượt quá hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được bảo lãnh trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Thông tư này. 2. Lãi suất phát hành a) Lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành nhưng không được vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo cho từng đợt phát hành hoặc trong từng thời kỳ. b) Lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường quốc tế do chủ thể phát hành quyết định cho từng đợt phát hành căn cứ vào Đề án phát hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành. Điều 6. Phát hành bổ sung, mua lại và hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh 1. Chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh có thể phát hành bổ sung đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước: a) Căn cứ vào nhu cầu quản lý dòng tiền, chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh có thể xem xét phát hành bổ sung đối với trái phiếu được bảo lãnh đã phát hành. Việc phát hành trái phiếu bổ sung phải tuân thủ các điều kiện về khối lượng phát hành và lãi suất phát hành quy định tại Điều 5 Thông tư này. Riêng đối với các ngân hàng chính sách, khối lượng phát hành trái phiếu bổ sung phải đảm bảo thuộc hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm phát hành bổ sung. b) Thời điểm phát hành trái phiếu bổ sung phải đảm bảo trong khoảng thời gian hai (02) năm kể từ ngày phát hành trái phiếu lần đầu và có kỳ hạn còn lại tại thời điểm phát hành bổ sung ít nhất từ một (01) năm trở lên. 2. Chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc cơ cấu lại nợ theo Đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Việc mua lại trái phiếu được bảo lãnh phải đảm bảo các nguyên tắc sau: a) Có phương án mua lại trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cấp phê duyệt phương án phát hành đồng thời là cấp phê duyệt phương án mua lại trái phiếu. b) Công khai, minh bạch và hiệu quả. 3. Chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh thực hiện hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Việc hoán đổi trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau: a) Có phương án hoán đổi trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cấp phê duyệt phương án phát hành đồng thời là cấp phê duyệt phương hoán đổi trái phiếu. b) Phương án hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh phải được Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến chấp thuận bằng văn bản trước khi tổ chức thực hiện. c) Công khai, minh bạch và hiệu quả. 4. Chủ thể phát hành được áp dụng các phương thức tổ chức mua lại, hoán đổi của trái phiếu Chính phủ để thực hiện mua lại, hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh. 5. Chủ thể phát hành chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc mua lại, hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh và có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này. Chương II PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC BẢO LÃNH Mục 1. TRÁI PHIẾU ĐƯỢC BẢO LÃNH DO DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH Điều 7. Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh 1. Đối với phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước a) Văn bản đề nghị phát hành trái phiếu được bảo lãnh của chủ thể phát hành theo mẫu tại Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này. b) Đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Ngoài các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải bổ sung thêm các nội dung sau: - Thông tin về chương trình, dự án đầu tư và tình hình triển khai thực hiện, bao gồm: quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền; tổng mức đầu tư; lĩnh vực đầu tư thuộc danh mục các dự án, chương trình được xem xét cấp bảo lãnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ; kế hoạch và tiến độ đầu tư; các nguồn vốn thực hiện, trong đó có nguồn vốn trái phiếu được bảo lãnh và tình hình thực hiện chương trình, dự án đến thời điểm nộp hồ sơ. - Dự kiến kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh: tổng khối lượng phát hành được chia theo kỳ hạn trái phiếu và thời điểm phát hành trên cơ sở tiến độ triển khai và giải ngân của chương trình, dự án. Trường hợp việc phát hành dự kiến được chia thành nhiều đợt hành phát trong nhiều năm thì kế hoạch phát hành phải được xây dựng cụ thể cho từng năm. c) Báo cáo tài chính năm của ba (03) năm liền kề trước năm đề nghị phát hành trái phiếu được bảo lãnh đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước hoặc tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được bảo lãnh trước ngày 1 tháng 4 hàng năm thì phải có báo cáo tài chính theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. d) Văn bản phê duyệt và chấp thuận đề án phát hành trái phiếu doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đ) Các văn bản khác chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, bao gồm: - Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp và Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. - Các văn bản chứng minh chương trình, dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng. - Tài liệu chứng minh doanh nghiệp có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu đầu tư vào chương trình, dự án. - Các văn bản khác theo quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 2. Đối với phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường quốc tế a) Văn bản đề nghị phát hành trái phiếu được bảo lãnh của chủ thể phát hành theo mẫu tại Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này. b) Đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Ngoài các nội dung quy định tại Điều 41 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, đề án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế phải bổ sung thêm các nội dung quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này. c) Các hồ sơ quy định tại các điểm c, d Khoản 1 Điều 42 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP và các điểm c, d, đ Khoản 1 Điều này. Điều 8. Quy trình, thủ tục phê duyệt cấp bảo lãnh 1. Doanh nghiệp gửi một (01) bộ hồ sơ quy định tại Điều 7 Thông tư này tới Bộ Tài chính để kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và đề nghị bổ sung hồ sơ (nếu có). Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, Bộ Tài chính thông báo để doanh nghiệp nộp bổ sung năm (05) bộ hồ sơ để làm thủ tục xem xét có ý kiến đối với đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. 2. Trong vòng ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, có ý kiến đối với đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Nội dung xem xét bao gồm: a) Đối tượng và điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này. b) Phương án tài chính của chương trình, dự án và phương án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. c) Phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh, phương án bố trí nguồn vốn thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh. d) Năng lực và tình hình tài chính của doanh nghiệp bao gồm: vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, khả năng thanh toán nợ, lợi nhuận. đ) Hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 3. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh và hạn mức bảo lãnh. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện được Chính phủ cấp bảo lãnh, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu lý do. 4. Đối với trái phiếu được bảo lãnh phát hành tại thị trường trong nước, sau khi có văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cấp bảo lãnh và hạn mức bảo lãnh, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp hạn mức tối đa được phép phát hành trái phiếu có bảo lãnh để triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Đối với trái phiếu được bảo lãnh phát hành tại thị trường quốc tế, sau khi có văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương và hạn mức bảo lãnh, quy trình cấp bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Mục 2. TRÁI PHIẾU ĐƯỢC BẢO LÃNH DO NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH PHÁT HÀNH TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngân hàng chính sách xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước cho năm kế hoạch, trong đó có nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh tại thị trường trong nước, gửi Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ. Hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh bao gồm: 1. Văn bản đề nghị phát hành trái phiếu được bảo lãnh của chủ thể phát hành theo mẫu tại Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này. 2. Đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Ngoài các nội dung cơ bản quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 01/2011/NĐ-CP, đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải bao gồm các nội dung sau: a) Tình hình huy động và sử dụng vốn thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước trong từng năm của ba (03) năm liền kề trước năm kế hoạch, trong đó nêu rõ: - Tổng nguồn vốn huy động trong từng năm phân theo từng loại nguồn vốn, trong đó bao gồm: nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh và từ các nguồn huy động khác; nguồn vốn từ thu hồi cho vay; nguồn vốn gối đầu năm liền kề trước chuyển sang. - Tình hình sử dụng vốn trong từng năm, trong đó bao gồm: trả nợ gốc vốn huy động đến hạn (trong đó có chi trả nợ gốc trái phiếu được bảo lãnh); thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu (dư nợ đầu năm, cho vay mới trong năm, thu hồi cho vay trong năm, và dư nợ cuối năm); nguồn vốn chuyển sang năm sau. b) Tình hình hoạt động và tình hình tài chính của ngân hàng chính sách trong ba (03) năm liền kề trước năm kế hoạch, bao gồm vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, tổng nguồn vốn huy động, tổng thu, tổng chi, chênh lệch thu – chi và tình hình cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của Nhà nước cho ngân hàng chính sách. c) Tình hình phát hành, thanh toán nợ gốc, nợ lãi và dư nợ trái phiếu được bảo lãnh trong ba (03) năm liền kề trước năm kế hoạch. d) Nhu cầu huy động và sử dụng vốn thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu trong năm kế hoạch, cụ thể: - Tổng nguồn vốn huy động của năm kế hoạch phân theo từng loại nguồn vốn, trong đó bao gồm: nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh và từ các nguồn huy động khác; nguồn vốn từ thu hồi cho vay; nguồn vốn gối đầu năm liền kề trước chuyển sang. - Nhu cầu sử dụng vốn trong năm kế hoạch, trong đó bao gồm: trả nợ gốc vốn huy động đến hạn trong đó có chi trả nợ gốc trái phiếu được bảo lãnh; thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu; nguồn vốn gối đầu chuyển sang năm sau. d) Kế hoạch huy động, trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu được bảo lãnh chia theo từng quý trong năm kế hoạch. 3. Báo cáo tài chính của hai (02) năm trước năm liền kề năm kế hoạch đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước và báo cáo tình hình triển khai thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (nếu có). 4. Văn bản của Hội đồng quản lý hoặc Hội đồng quản trị phê duyệt kế hoạch tài chính – tín dụng của năm kế hoạch, trong đó có nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh. 5. Các văn bản khác chứng minh đủ điều kiện phát hành a) Kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. b) Các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình tín dụng mục tiêu khác của Nhà nước (nếu chương trình này chưa thuộc kế hoạch tăng trưởng tín dụng đã được phê duyệt). Điều 10. Quy trình, thủ tục phê duyệt cấp bảo lãnh 1. Chậm nhất mười (10) ngày làm việc sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, các ngân hàng chính sách gửi một (01) bộ hồ sơ quy định tại Điều 9 Thông tư này đến Bộ Tài chính để kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ và đề nghị bổ sung hồ sơ (nếu có). Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, Bộ Tài chính thông báo để các ngân hàng chính sách nộp bổ sung hai (02) bộ hồ sơ để xem xét có ý kiến. 2. Trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến đối với kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh hàng năm của các ngân hàng chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm: a) Điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh. b) Tình hình hoạt động và tình hình tài chính của các ngân hàng chính sách. c) Nguồn vốn thực hiện chương trình tín dụng mục tiêu và kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh. d) Phương án sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh. đ) Đề xuất hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm kế hoạch cho các ngân hàng chính sách để thực hiện chương trình tín dụng mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 3. Trong thời gian Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu được bảo lãnh hàng năm cho các ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính thông báo hạn mức phát hành tạm thời trong quý I của năm kế hoạch cho các ngân hàng chính sách với giá trị tối đa không vượt quá số nợ gốc trái phiếu được bảo lãnh đến hạn trong quý I năm kế hoạch và hạn mức bảo lãnh của năm kế hoạch dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thông báo là trước ngày 31 tháng 12 của năm liền kề trước năm kế hoạch. Sau khi có văn bản phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cấp bảo lãnh và hạn mức bảo lãnh, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho các ngân hàng chính sách hạn mức tối đa được phép phát hành trái phiếu được bảo lãnh trong năm kế hoạch để triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư này. Chương III TỔ CHỨC PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC BẢO LÃNH TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC Điều 11. Đăng ký kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh 1. Đối với doanh nghiệp a) Trên cơ sở thông báo của Bộ Tài chính tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư này, doanh nghiệp đăng ký kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh với Bộ Tài chính để xem xét, chấp thuận trước khi tổ chức phát hành. - Trường hợp đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh quy định chỉ phát hành một đợt duy nhất, doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký phát hành với Bộ Tài chính chậm nhất là ba mươi (30) ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức phát hành trái phiếu để Bộ Tài chính thông báo khung lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh. - Trường hợp đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh quy định nhiều đợt phát hành trong một năm hoặc nhiều đợt phát hành tại các năm khác nhau, trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch phát hành của năm tiếp theo, trong đó chi tiết dự kiến thời điểm phát hành, khối lượng phát hành, kỳ hạn phát hành của từng đợt phát hành. Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký phát hành với Bộ Tài chính chậm nhất mười lăm (15) ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức phát hành trái phiếu được bảo lãnh, để Bộ Tài chính thông báo khung lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh. b) Căn cứ kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh đã đăng ký với Bộ Tài chính, tình hình triển khai dự án, tình hình thị trường, và thông báo khung lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh, doanh nghiệp tổ chức phát hành theo quy định tại Thông tư này. 2. Đối với các ngân hàng chính sách a) Trên cơ sở thông báo của Bộ Tài chính về hạn mức tối đa được phép phát hành trái phiếu được bảo lãnh quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư này, căn cứ vào kế hoạch giải ngân của các chương trình tín dụng mục tiêu, kế hoạch trả nợ trái phiếu được bảo lãnh đến hạn, các ngân hàng chính sách có văn bản gửi Bộ Tài chính về kế hoạch phát hành của năm chia theo từng quý. Trường hợp có ý kiến khác đối với kế hoạch phát hành của các ngân hàng, Bộ Tài chính có ý kiến thông báo bằng văn bản. b) Căn cứ kế hoạch phát hành trái phiếu được bảo lãnh của năm chia theo từng quý, các ngân hàng chính sách chủ động tổ chức phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo nguyên tắc: - Trường hợp khối lượng phát hành thực tế trong quý thấp hơn hạn mức phát hành quý đã thông báo với Bộ Tài chính thì phần còn lại được chuyển sang quý liền kề. - Trường hợp điều chỉnh tăng kế hoạch quý, các ngân hàng có thông báo bằng văn bản gửi Bộ Tài chính mười (10) ngày làm việc trước khi dự kiến tổ chức thực hiện. Điều 12. Các phương thức phát hành trái phiếu 1. Đối với doanh nghiệp a) Phương thức phát hành trái phiếu được bảo lãnh đối với doanh nghiệp được thực hiện theo đề án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các phương thức sau: - Đấu thầu phát hành; - Bảo lãnh phát hành; - Đại lý; - Bán lẻ (đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng). b) Doanh nghiệp tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải tuân theo quy định của pháp luật về chứng khoán. 2. Đối với các ngân hàng chính sách a) Phương thức phát hành bao gồm: - Đấu thầu phát hành trái phiếu qua Sở Giao dịch Chứng khoán; - Đại lý phát hành. b) Các ngân hàng chính sách được áp dụng các quy trình, thủ tục về phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu và phương thức đại lý để phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Điều 13. Đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu 1. Trái phiếu được bảo lãnh đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán. 2. Quy trình đăng ký, lưu ký và niêm yết của trái phiếu được bảo lãnh áp dụng như quy trình đăng ký, lưu ký và niêm yết của trái phiếu Chính phủ và hướng dẫn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán. Chương IV SỬ DỤNG VỐN TRÁI PHIẾU ĐƯỢC BẢO LÃNH, THANH TOÁN GỐC, LÃI TRÁI PHIẾU, CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN, PHÍ PHÁT HÀNH, PHÍ THANH TOÁN VÀ PHÍ BẢO LÃNH Điều 14. Sử dụng vốn trái phiếu được bảo lãnh 1. Đối với doanh nghiệp, có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh đúng mục đích và có hiệu quả theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh. 2. Đối với các ngân hàng chính sách, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh hòa đồng vào nguồn vốn hoạt động của ngân hàng và được sử dụng theo quy định tại quy chế quản lý tài chính của các ngân hàng. Điều 15. Thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh Chủ thể phát hành có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn theo quy định tại Điều 23, Điều 45 Nghị định 01/2011/NĐ-CP . Điều 16. Chế độ kế toán Chủ thể phát hành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác kế toán theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ kế toán hiện hành. Điều 17. Phí phát hành trái phiếu được bảo lãnh và phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh 1. Phí phát hành trái phiếu được bảo lãnh a) Đối với doanh nghiệp Phí đấu thầu, phí bảo lãnh và phí đại lý phát hành trái phiếu được bảo lãnh được thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tổ chức đấu thầu, tổ chức bảo lãnh, đại lý phát hành, đại lý bán lẻ trái phiếu được bảo lãnh. b) Đối với các ngân hàng chính sách Phí đấu thầu và phí đại lý phát hành trái phiếu được bảo lãnh áp dụng bằng mức phí phát hành trái phiếu Chính phủ hiện hành. 2. Phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh Đối với trái phiếu được bảo lãnh được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh bằng phí thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ. Điều 18. Phí cấp bảo lãnh Chính phủ Chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải nộp phí cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Điều 19. Hạch toán phí phát hành trái phiếu 1. Doanh nghiệp được hạch toán các chi phí quy định tại Điều 17, Điều 18 Thông tư này vào giá trị của dự án sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh hoặc chi phí hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. 2. Các ngân hàng chính sách được hạch toán các chi phí quy định tại Điều 17, Điều 18 Thông tư này vào chi phí hoạt động của các ngân hàng. Chương V CHẾ ĐỘ CÔNG BỐ THÔNG TIN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO Điều 20. Công bố thông tin trước đợt phát hành 1. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu được bảo lãnh a) Ngoài việc công bố thông tin theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải công bố bổ sung thông tin về trái phiếu được bảo lãnh cho các nhà đầu tư, cụ thể như sau: - Thông tin cơ bản về chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh (tên dự án, mục đích thực hiện dự án, tổng nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm nguồn vốn dự kiến phát hành trái phiếu được bảo lãnh, thời gian thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án, cấu phần dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được bảo lãnh, thời gian dự kiến phát hành trái phiếu). - Văn bản chấp thuận bảo lãnh của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này. - Thông tin về các đợt phát hành trái phiếu được bảo lãnh trước đó (nếu có) bao gồm: mục đích, điều kiện, điều khoản, thời gian, phương thức phát hành trái phiếu được bảo lãnh. - Cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ của chủ thể phát hành. b) Thời gian và phương thức công bố thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật về công bố thông tin đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 2. Đối với các ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu được bảo lãnh: a) Trường hợp phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo phương thức đấu thầu, các ngân hàng chính sách công bố thông tin về khối lượng phát hành, kỳ hạn phát hành, ngày tổ chức đấu thầu và ngày thanh toán gốc lãi trái phiếu được bảo lãnh trên trang tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán. b) Trường hợp phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo phương thức đại lý, thực hiện công bố thông tin theo hợp đồng ký kết giữa các ngân hàng chính sách với đại lý phát hành. Điều 21. Công bố thông tin định kỳ 1. Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu được bảo lãnh, trong khoảng thời gian trái phiếu được bảo lãnh còn hiệu lực, trước ngày 01 tháng 04 hàng năm, doanh nghiệp phát hành trái phiếu được bảo lãnh phải công bố thông tin cho chủ sở hữu trái phiếu được bảo lãnh đồng thời công bố thông tin trên trang điện tử của Sở giao dịch Chứng khoán. Nội dung công bố thông tin cụ thể như sau: - Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước. Trường hợp báo cáo tài chính của năm liền kề trước chưa được kiểm toán, doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đã được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt theo mô hình tổ chức và Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày có báo cáo kiểm toán, doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán. - Cập nhật tình hình thực hiện chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh (tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, kế hoạch huy động vốn thực hiện dự án). - Tình hình phát hành, thanh toán gốc, lãi và dư nợ trái phiếu được bảo lãnh của hai (02) năm liền kề trước thời điểm công bố thông tin. 2. Đối với các ngân hàng chính sách a) Trước ngày 10 tháng 1 hàng năm, các ngân hàng chính sách có trách nhiệm công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán và trang thông tin điện tử của các ngân hàng chính sách, nội dung công bố thông tin bao gồm: - Tóm tắt về tình hình hoạt động và tình hình tài chính của các ngân hàng hai (02) năm liền kề trước thời điểm công bố thông tin (tăng trưởng tín dụng, dư nợ tín dụng). - Khối lượng huy động vốn qua phát hành trái phiếu được bảo lãnh, tình hình thanh toán gốc, lãi và dư nợ trái phiếu được bảo lãnh của hai (02) năm liền kề. - Văn bản thông báo của Bộ Tài chính đối với hạn mức phát hành quý I của năm phát hành. b) Trước ngày 15 tháng 4 hàng năm, các ngân hàng chính sách có trách nhiệm công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán và trang thông tin điện tử của các ngân hàng chính sách. Nội dung công bố thông tin bao gồm: - Tóm tắt về tình hình hoạt động và tình hình tài chính của ngân hàng trong năm liền kề (tăng trưởng tín dụng, dư nợ tín dụng, bảng cân đối kế toán, kết quả tài chính của ngân hàng). Trường hợp chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán, khi công bố thông tin phải nêu rõ số liệu chưa được kiểm toán. Khi có kết quả kiểm toán, các ngân hàng chính sách phải thực hiện điều chỉnh thông tin đã công bố (nếu có thay đổi). - Dự kiến kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu được bảo lãnh, kế hoạch thanh toán gốc, lãi trái phiếu được bảo lãnh theo quý trong năm phát hành. - Văn bản thông báo của Bộ Tài chính về hạn mức phát hành của cả năm. Điều 22. Báo cáo nhanh kết quả từng đợt phát hành và việc mua lại, hoán đổi 1. Chậm nhất là năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc mỗi đợt phát hành, chủ thể phát hành phải báo cáo Bộ Tài chính chi tiết kết quả phát hành để Bộ Tài chính xác định nghĩa vụ bảo lãnh thực tế theo quy định của pháp luật. Nội dung báo cáo theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này. Trường hợp phát hành trái phiếu được bảo lãnh ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải đồng gửi báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Trên cơ sở báo cáo của chủ thể phát hành, trong vòng mười (10) ngày làm việc, Bộ Tài chính ra thông báo xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh đối với đợt trái phiếu được bảo lãnh đã được phát hành. Riêng đối với các ngân hàng chính sách, việc xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh được thực hiện hàng quý. 3. Chậm nhất là mười (10) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt bổ sung, mua lại, hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 6 Thông tư này, chủ thể phát hành có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện bổ sung, mua lại, hoán đổi trái phiếu được bảo lãnh để Bộ Tài chính xác định và điều chỉnh nghĩa vụ bảo lãnh thực tế. Điều 23. Báo cáo định kỳ quý, năm 1. Trong vòng mười (10) ngày làm việc sau khi kết thúc mỗi quý và hai mươi (20) ngày làm việc sau khi kết thúc năm tài chính, chủ thể phát hành có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình huy động, sử dụng nguồn vốn, tình hình trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu được bảo lãnh bằng văn bản cho Bộ Tài chính để theo dõi theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này. Trường hợp phát hành trái phiếu được bảo lãnh ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải đồng gửi báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 2. Ngoài các nội dung báo cáo định kỳ quy định tại khoản 1 Điều này, chủ thể phát hành có trách nhiệm gửi báo cáo cho Bộ Tài chính: a) Báo cáo tài chính năm được kiểm toán sau mười (10) ngày làm việc kể từ khi có kết quả kiểm toán. b) Tình hình tài chính đối với một số trường hợp cần thiết để đánh giá về năng lực tài chính của chủ thể phát hành theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Chương VI XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TRƯỜNG HỢP CHỦ THỂ PHÁT HÀNH KHÔNG THANH TOÁN ĐƯỢC NỢ Điều 24. Đình chỉ phát hành trái phiếu được bảo lãnh 1. Bộ Tài chính thực hiện đình chỉ việc phát hành trái phiếu được bảo lãnh trong các trường hợp sau: a) Chủ thể phát hành không thực hiện phát hành theo đúng phương án phát hành trái phiếu được bảo lãnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và thông báo phát hành của Bộ Tài chính. b) Lãi suất phát hành trái phiếu được bảo lãnh vượt quá khung lãi suất do Bộ Tài chính thông báo. c) Khối lượng phát hành trái phiếu được bảo lãnh vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 2. Việc đình chỉ phát hành được áp dụng đối với đợt phát hành có vi phạm nêu tại Khoản 1 Điều này (nếu chưa tổ chức phát hành) và các đợt phát hành tiếp theo (nếu có) thuộc hạn mức phát hành của chủ thể phát hành đã được phê duyệt. 3. Khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính, chủ thể phát hành phải thực hiện ngay việc đình chỉ phát hành trái phiếu được bảo lãnh. Điều 25. Xử lý trường hợp chủ thể phát hành không thanh toán được nợ 1. Chậm nhất bốn mươi lăm (45) ngày làm việc trước ngày đến hạn thanh toán gốc, lãi trái phiếu mà chủ thể phát hành không có khả năng thanh toán, chủ thể phát hành phải gửi văn bản đến Bộ Tài chính đề nghị thanh toán trả nợ thay. Văn bản của chủ thể phát hành gửi Bộ Tài chính phải giải trình rõ nguyên nhân không thanh toán được nợ và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh bao gồm: a) Báo cáo tài chính kèm thuyết minh chi tiết. b) Bảng sao kê các tài khoản tiền gửi, tiền mặt của chủ thể phát hành, các khoản nợ phải thanh toán, các khoản phải thu. c) Văn bản xác nhận của chủ sở hữu về khả năng không trả được nợ của chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh là doanh nghiệp. d) Các tài liệu khác theo yêu cầu báo cáo của Bộ Tài chính. 2. Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và văn bản xác nhận không trả được nợ của chủ sở hữu (trường hợp chủ thể phát hành là doanh nghiệp), Bộ Tài chính xem xét và xử lý trường hợp chủ thể phát hành không thanh toán được nợ theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ. 3. Chủ thể phát hành có trách nhiệm nhận nợ và thanh toán lại cho Bộ Tài chính theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Chương VII TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN Điều 26. Trách nhiệm của chủ thể phát hành trái phiếu được bảo lãnh 1. Xây dựng đề án phát hành trái phiếu được bảo lãnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin trong đề án phát hành và công bố cho các nhà đầu tư. 2. Tổ chức phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo đúng đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các hướng dẫn của Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này. 3. Chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình phát hành và sử dụng vốn phát hành trái phiếu được bảo lãnh đúng mục đích theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này. 4. Chịu trách nhiệm thanh toán đầy đủ toàn bộ nợ lãi, nợ gốc trái phiếu được bảo lãnh khi đến hạn. 5. Thực hiện đầy đủ chế độ công bố thông tin, chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư này. 6. Thực hiện các nghĩa vụ khác của người được bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 01/2011/NĐ-CP , Nghị định số 15/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư này và các quy định pháp luật hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài. Điều 27. Trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước 1. Phê duyệt phương án phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 2. Giám sát quá trình huy động, sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp Chương VIII TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 28. Điều khoản thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 08 năm 2015 và thay thế Thông tư số 34/2012/TT-BTC ngày 01 tháng 03 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và Thông tư số 167/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 34/2012/TT-BTC . 2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức phát hành và các đơn vị có liên quan báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét có hướng dẫn cụ thể. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương & các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng bí thư; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - HÐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố; - Công báo; - Website Chính phủ, BTC; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, Vụ TCNH. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà PHỤ LỤC 1 VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT PHƯƠNG ÁN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH (Ban hành kèm Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính) (TÊN TỔ CHỨC PHÁT HÀNH) -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số:..... V/v: đề nghị xem xét phương án phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ......, ngày....... tháng....... năm..... Kính gửi: Bộ Tài chính - Căn cứ Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu Chính quyền địa phương; - Căn cứ Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; - Căn cứ Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29 tháng 06 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, (Tên tổ chức phát hành) đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận cho (Tên tổ chức phát hành) được huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tại thị trường trong nước/nước ngoài năm .....để đầu tư vào các chương trình/dự án trong đề án phát hành với các nội dung chủ yếu sau đây: I. Điều kiện phát hành (Tổ chức phát hành) nhận thấy (Tên tổ chức phát hành) đủ điều kiện phát hành trái phiếu được bảo lãnh theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư số 99/2015/TT-BTC, cụ thể như sau: II. Dự kiến phương án phát hành 1. Tên tổ chức phát hành 2. Tên trái phiếu 3. Khối lượng phát hành dự kiến 4. Mục đích phát hành 5. Điều kiện, điều khoản dự kiến của trái phiếu được bảo lãnh: - Kỳ hạn trái phiếu dự kiến - Lãi suất phát hành dự kiến - Mệnh giá trái phiếu dự kiến - Đồng tiền phát hành - Đồng tiền thanh toán - Hình thức phát hành dự kiến 6. Thị trường phát hành dự kiến 7. Thời gian dự kiến phát hành trái phiếu (Tên tổ chức phát hành) xin gửi kèm theo công văn này Đề án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt và các văn bản bao gồm: (liệt kê các văn bản gửi kèm theo quy định tại Điều 7 và Điều 9 Thông tư này). Chúng tôi xin cam kết và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của toàn bộ hồ sơ kèm theo phương án phát hành trái phiếu Đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến đề án theo quy định của pháp luật./. Nơi nhận: - Như trên - Lưu: … NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH (Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC 2 MẪU BÁO CÁO NHANH KẾT QUẢ TỪNG ĐỢT PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU (Ban hành kèm Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính) TÊN TỔ CHỨC PHÁT HÀNH: BÁO CÁO NHANH KẾT QUẢ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐỢT ...NĂM ....... STT Kỳ hạn Mã trái phiếu Ngày phát hành Ngày đến hạn Phương thức phát hành Phát hành lần đầu/Phát hành bổ sung Kết quả phát hành Khối lượng đạt được Lãi suất phát hành Số tiền (tỷ đồng) % so với khối lượng dự kiến phát hành Lãi suất (%/năm) Phương thức trả lãi 1 2 NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH (Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC 3 MẪU 1: MẪU BÁO CÁO ĐỊNH KỲ QUÝ/NĂM VỀ TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VÀ TRẢ NỢ GỐC, LÃI TRÁI PHIẾU (ÁP DỤNG CHO CÁC NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH) (Ban hành kèm Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính) TÊN TỔ CHỨC PHÁT HÀNH: BÁO CÁO ĐỊNH KỲ QUÝ..../NĂM .... VỀ TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VÀ TRẢ NỢ GỐC, LÃI TRÁI PHIẾU STT Nội dung báo cáo Tổng I Tình hình phát hành trái phiếu trong kỳ Tổng số phát hành trong kỳ:…….., trong đó: - Kỳ hạn 2 năm: - Kỳ hạn 3 năm: - Kỳ hạn 5 năm: - Kỳ hạn 10 năm: - Kỳ hạn khác: II Tình hình dư nợ trái phiếu 1 Dư nợ đầu kỳ 2 Phát hành trong kỳ 3 Thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu đến hạn trong kỳ - Gốc - Lãi 4 Dư nợ cuối kỳ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH (Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) PHỤ LỤC 3 MẪU 2: MẪU BÁO CÁO ĐỊNH KỲ QUÝ/NĂM VỀ TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG VỐN VÀ TRẢ NỢ GỐC, LÃI TRÁI PHIẾU (ÁP DỤNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH) (Ban hành kèm Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính) TÊN TỔ CHỨC PHÁT HÀNH: BÁO CÁO ĐỊNH KỲ QUÝ..../NĂM ....VỀ TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG VÀ TRẢ NỢ GỐC, LÃI TRÁI PHIẾU STT Nội dung báo cáo Tổng I Tình hình phát hành trái phiếu trong kỳ Tổng số phát hành trong kỳ:…….., trong đó: - Kỳ hạn 2 năm: - Kỳ hạn 3 năm: - Kỳ hạn 5 năm: - Kỳ hạn 10 năm: - Kỳ hạn khác II Tình hình dư nợ 1 Dư nợ đầu kỳ 2 Phát hành trong kỳ 3 Tổng khối lượng vốn huy động đã sử dụng (*) 4 Thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu đến hạn trong kỳ - Gốc - Lãi 5 Dư nợ cuối kỳ NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT CỦA TỔ CHỨC PHÁT HÀNH (Ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) Ghi chú: (*): Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể báo cáo chung tình hình sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho các kỳ hạn hoặc các đợt phát hành khác nhau. Doanh nghiệp đảm bảo sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu hiệu quả, đúng mục đích theo quy định tại Điều 21 Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011.
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "29/06/2015", "sign_number": "99/2015/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-06-2015-TT-TTCP-ra-soat-he-thong-hoa-xu-ly-van-ban-quy-pham-phap-luat-tinh-hinh-thi-hanh-phap-luat-294113.aspx
Thông tư 06/2015/TT-TTCP rà soát hệ thống hóa xử lý văn bản quy phạm pháp luật tình hình thi hành pháp luật mới nhất
THANH TRA CHÍNH PHỦ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 06/2015/TT-TTCP Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, PHÁP ĐIỂN, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT; THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Căn cứ Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. 2. Việc rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ có nội dung thuộc bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ giúp Tổng Thanh tra thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định từ khoản 1 đến khoản 19 Điều 3 Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị); các tổ chức, cá nhân có liên quan về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Điều 3. Gửi và tiếp nhận văn bản quy phạm pháp luật để kiểm tra Các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 13; khoản 1 và khoản 2 Điều 21 Thông tư này, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành, đơn vị chủ trì soạn thảo (đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Thanh tra Chính phủ) hoặc cơ quan ban hành văn bản (đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm gửi Thanh tra Chính phủ 01 bản (qua Vụ Pháp chế) để tổ chức kiểm tra. Điều 4. Cộng tác viên rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật 1. Cộng tác viên rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: a) Có trình độ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết về một hoặc các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; b) Có kinh nghiệm về công tác xây dựng và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật; c) Có thâm niên công tác thuộc lĩnh vực đang đảm nhiệm từ 03 năm trở lên. 2. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cộng tác viên có thể được lựa chọn ở các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan, tổ chức khác. Vụ Pháp chế lập danh sách cộng tác viên trên cơ sở đề xuất của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trình Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định. Điều 5. Cơ sở dữ liệu phục vụ rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật Vụ Pháp chế có trách nhiệm xây dựng, quản lý, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu làm cơ sở pháp lý phục vụ cho việc rà soát, hệ thống hóa pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Chương II RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, PHÁP ĐIỂN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Mục I: RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Điều 6. Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền rà soát, hệ thống hóa của Thanh tra Chính phủ Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền rà soát, hệ thống hóa của Thanh tra Chính phủ là các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, bao gồm: 1. Luật, Nghị quyết của Quốc hội; 2. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 3. Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; 4. Nghị định của Chính phủ; 5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6. Thông tư, Thông tư liên tịch của Tổng Thanh tra Chính phủ; 7. Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 8. Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 9. Các văn bản quy phạm pháp luật khác (trừ Hiến pháp) có nội dung liên quan đến lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Điều 7. Trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ 1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Làm đầu mối tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ; phối hợp với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ đề xuất xử lý kết quả rà soát; tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa chung của Thanh tra Chính phủ; b) Hướng dẫn về nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra hoạt động rà soát, hệ thống hóa của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; c) Trình Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định công bố: Danh mục văn bản do Thanh tra Chính phủ ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 16/2013/NĐ-CP); Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: a) Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; gửi hồ sơ rà soát lấy ý kiến Vụ Pháp chế theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 09/2013/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 16/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2013/TT-BTP); tổng hợp kết quả và có báo cáo gửi về Thanh ra Chính phủ (qua Vụ Pháp chế) theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 34 Thông tư này. Trong trường hợp tổ chức rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc thực hiện nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc các đơn vị có thẩm quyền, việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện kịp thời và có báo cáo theo nhiệm vụ hoặc kế hoạch được phê duyệt; b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất xử lý kết quả rà soát; xây dựng dự thảo văn bản để đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật được rà soát hoặc ban hành văn bản mới trong trường hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được giao quản lý đã được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt. Điều 8. Trình tự, thủ tục, thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật Trình tự, thủ tục, thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được quy định tại các điều 5, 6, 7, 8 và 9 Thông tư số 09/2013/TT-BTP. Điều 9. Trình tự, thủ tục hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật Trình tự, thủ tục hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 16/2013/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư số 09/2013/TT-BTP. Mục II: PHÁP ĐIỂN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Điều 10. Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền pháp điển của Thanh tra Chính phủ 1. Thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Thanh tra Chính phủ ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; 2. Pháp điển đối với quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Điều 11. Trách nhiệm pháp điển văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ 1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ lập Đề nghị xây dựng đề mục; b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, trình Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch chung để thực hiện pháp điển và phân công đơn vị thực hiện; theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch; c) Tổ chức kiểm tra kết quả pháp điển của Thanh tra Chính phủ; d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ ký hợp đồng và quản lý đội ngũ cộng tác viên thực hiện pháp điển. 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: a) Cử công chức phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện pháp điển văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách; b) Phối hợp với Vụ Pháp chế trong trường hợp phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản do mình soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc trong văn bản quy phạm pháp luật liên tịch do mình chủ trì soạn thảo để xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi sắp xếp các quy phạm pháp luật vào đề mục. Điều 12. Nội dung, trình tự, thủ tục pháp điển Nội dung, trình tự, thủ tục pháp điển văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thực hiện theo quy định tại Thông tư 13/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp ngày 29 tháng 04 năm 2014 về hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Chương III KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Mục 1: TỰ KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, XỬ LÝ VĂN BẢN TRÁI PHÁP LUẬT Điều 13. Các loại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền tự kiểm tra của Thanh tra Chính phủ Văn bản quy phạm pháp luật do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành dưới hình thức Thông tư, Thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Điều 14. Trách nhiệm tự kiểm tra, xử lý văn bản 1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Làm đầu mối, giúp Tổng thanh tra Chính phủ tổ chức tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền tự kiểm tra của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định tại Điều 13 Thông tư này; b) Tổ chức tự kiểm tra văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo và đề xuất hình thức xử lý đối với văn bản có nội dung trái pháp luật; c) Gửi thông báo đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo thuộc Thanh tra Chính phủ hoặc kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo tới đơn vị ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật để tổ chức tự kiểm tra đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đó; d) Tham gia xử lý và giải trình; theo dõi kết quả tự kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật của đơn vị chủ trì soạn thảo thuộc Thanh tra Chính phủ; Trường hợp đơn vị đã ban hành văn bản không kiểm tra, xử lý hoặc kết quả xử lý không đáp ứng yêu cầu của Tổng Thanh tra Chính phủ thì Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với văn bản có nội dung trái pháp luật. 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: a) Tự tổ chức, kiểm tra hoặc phối hợp với Vụ Pháp chế tiến hành tự kiểm tra đối với các văn bản do đơn vị mình chủ trì soạn thảo quy định tại Điều 13 Thông tư này; b) Phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật do đơn vị mình chủ trì soạn thảo và dự thảo nội dung văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; c) Tổng hợp, báo cáo kết quả tự kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư này. Điều 15. Trình tự thực hiện tự kiểm tra của Vụ Pháp chế 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo được ban hành hoặc kể từ ngày Vụ Pháp chế tiếp nhận văn bản kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra văn bản. 2. Đối với văn bản khi kiểm tra phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, người kiểm tra lập hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật. Hồ sơ gồm: a) Cơ sở pháp lý để kiểm tra; b) Phiếu kiểm tra văn bản theo mẫu số 01/BTP/KTrVB ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Thông tư số 20/2010/TT-BTP); c) Văn bản được kiểm tra; d) Báo cáo kết quả tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung Báo cáo kết quả tự kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Nghị định số 40/2010/NĐ-CP); đ) Các văn bản làm cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật; e) Dự thảo văn bản xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật; g) Dự thảo văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế (nếu có); h) Các tài liệu khác có liên quan đến việc xử lý văn bản. 3. Trên cơ sở kết quả tự kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ký báo cáo kết quả tự kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý (đối với văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo) hoặc gửi thông báo cho đơn vị chủ trì soạn thảo thuộc Thanh tra Chính phủ về nội dung trái pháp luật của văn bản để tiến hành tự kiểm tra, đề xuất hình thức xử lý. 4. Trong quá trình Vụ Pháp chế tiến hành tự kiểm tra văn bản, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung văn bản được kiểm tra theo yêu cầu của Vụ Pháp chế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu. Điều 16. Trình tự thực hiện tự kiểm tra của đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản thuộc Thanh tra Chính phủ 1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của Vụ Pháp chế quy định tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư này, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức thực hiện tự kiểm tra. Tùy theo yêu cầu của văn bản được kiểm tra, Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra quyết định mời cộng tác viên tham gia kiểm tra văn bản. 2. Người được phân công kiểm tra văn bản có trách nhiệm nghiên cứu, kiểm tra văn bản và quy trình xây dựng, ban hành văn bản để xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản được kiểm tra. 3. Đối với Thông tư liên tịch, phạm vi kiểm tra tập trung vào các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị tự kiểm tra phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã liên tịch xây dựng văn bản để kiểm tra toàn bộ nội dung và quy trình xây dựng, ban hành văn bản. 4. Khi phát hiện dấu hiệu trái pháp luật của văn bản, người được phân công kiểm tra văn bản có trách nhiệm lập hồ sơ về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này trình Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra. 5. Khi nhận được hồ sơ kiểm tra, Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra xem xét, ký báo cáo kết quả tự kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức thảo luận trong đơn vị hoặc với các đơn vị có liên quan trước khi ký báo cáo kết quả tự kiểm tra. 6. Đơn vị tự kiểm tra báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ bằng văn bản, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ kết quả tự kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đến Vụ Pháp chế. Điều 17. Trình tự thực hiện phối hợp tự kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật 1. Đối với văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền hoặc có kiến nghị gửi đến Thanh tra Chính phủ yêu cầu tự kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế tổ chức tự kiểm tra hoặc gửi thông báo cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện tự kiểm tra. Trình tự, thủ tục thực hiện tự kiểm tra theo quy định tại các Điều 15 và Điều 16 Thông tư này. 2. Đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức tự kiểm tra, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế làm rõ các nội dung có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản, biện pháp xử lý và chuẩn bị văn bản xử lý. Trường hợp Vụ Pháp chế và đơn vị chủ trì soạn thảo không thống nhất ý kiến, đơn vị chủ trì soạn thảo phải có văn bản trình bày rõ quan điểm gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này. 3. Đối với văn bản có nội dung trái pháp luật mà biện pháp xử lý được đề xuất là sửa đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung của văn bản thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, đơn vị chủ trì soạn thảo phải dự thảo văn bản sửa đổi hoặc thay thế. Trường hợp văn bản có nội dung phức tạp, cần có thêm thời gian nghiên cứu để dự thảo văn bản sửa đổi thì đơn vị chủ trì soạn thảo phải có văn bản nêu rõ lý do và xác định thời hạn trình văn bản, đồng thời kiến nghị đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản có nội dung trái pháp luật. Điều 18. Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật 1. Sau khi thống nhất ý kiến với Vụ Pháp chế, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ bằng văn bản về kết quả tự kiểm tra kèm theo hồ sơ về văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật. Sau khi có ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ, Vụ Pháp chế dự thảo Quyết định xử lý văn bản trái pháp luật trình Tổng Thanh tra Chính phủ ký ban hành. 2. Trong trường hợp các đơn vị chưa thống nhất ý kiến về nội dung trái pháp luật của văn bản hoặc về biện pháp xử lý, Vụ Pháp chế có trách nhiệm báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ bằng văn bản, nêu rõ quan điểm của Vụ Pháp chế, ý kiến của đơn vị chủ trì soạn thảo và các cơ quan khác (trong trường hợp văn bản liên tịch), đồng thời đề xuất phương án giải quyết trình Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định. Điều 19. Quyết định xử lý văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật 1. Trên cơ sở Báo cáo và hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật quy định tại Điều 18 Thông tư này, Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, ký Quyết định xử lý văn bản trái pháp luật. 2. Quyết định xử lý văn bản liên tịch giữa Tổng Thanh tra Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có nội dung trái pháp luật phải do Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ trưởng cơ quan nêu trên xem xét, cùng ký ban hành. Điều 20. Thông báo kết quả xử lý văn bản 1. Việc thông báo kết quả xử lý văn bản trái pháp luật thực hiện như sau: a) Quyết định xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật phải được gửi đăng Công báo; đăng trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký; b) Trường hợp văn bản được kiểm tra và xử lý theo yêu cầu, kiến nghị, thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì Quyết định xử lý văn bản trái pháp luật phải đồng thời được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; c) Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gửi đăng Công báo Quyết định xử lý văn bản trái pháp luật. 2. Đối với văn bản được kiểm tra theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và kết quả tự kiểm tra cho thấy văn bản được ban hành đúng pháp luật thì Vụ Pháp chế phối hợp với đơn vị đã chủ trì soạn thảo chuẩn bị văn bản thông báo kết quả kiểm tra trình Tổng Thanh tra Chính phủ gửi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản. Mục II: KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THUỘC THẨM QUYỀN Điều 21. Các loại văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Tổng Thanh tra Chính phủ 1. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 2. Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có quy định liên quan đến lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Điều 22. Trách nhiệm kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền 1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Làm đầu mối, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền kiểm tra của Tổng Thanh tra Chính phủ theo quy định tại Điều 21 Thông tư này; b) Tham mưu để Tổng Thanh tra Chính phủ thông báo tới cơ quan ban hành văn bản có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; c) Tham gia, đề xuất việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật của cơ quan đã ban hành văn bản. 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: a) Tổ chức hoặc phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức kiểm tra đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền kiểm tra của Tổng Thanh tra Chính phủ có liên quan đến ngành, lĩnh vực do đơn vị mình được giao tham mưu quản lý nhà nước; b) Phối hợp với Vụ Pháp chế đề xuất việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực do đơn vị mình được giao tham mưu quản lý nhà nước; c) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư này. Điều 23. Trình tự, thủ tục kiểm tra Trình tự, thủ tục kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 20/2010/TT-BTP. Điều 24. Tổ chức đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực 1. Căn cứ Kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực được Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt, Vụ Pháp chế trình Tổng Thanh tra Chính phủ ký Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ hoặc đoàn kiểm tra liên ngành (sau đây gọi chung là đoàn kiểm tra). 2. Trình tự, thủ tục thực hiện của Đoàn kiểm tra và cơ quan, đơn vị được kiểm tra: a) Đoàn kiểm tra gửi văn bản thông báo kế hoạch, nội dung kiểm tra và các yêu cầu cần thiết khác cho cơ quan, đơn vị được kiểm tra trước khi tiến hành kiểm tra ít nhất 05 ngày làm việc; b) Cơ quan, đơn vị được kiểm tra tập hợp, lập danh mục văn bản và cung cấp văn bản để Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra; c) Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị được kiểm tra; d) Kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ kết quả kiểm tra và có thông báo bằng văn bản hoặc Báo cáo kiểm tra gửi cơ quan, đơn vị được kiểm tra. 3. Trường hợp phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, kết quả kiểm tra được xử lý theo quy định tại Điều 25 Thông tư này. Điều 25. Xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật 1. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế báo cáo và kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện thẩm quyền xử lý văn bản theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. 2. Thủ tục xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 21 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. Điều 26. Thông báo kết quả xử lý Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xử lý của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp chế có trách nhiệm gửi kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã có kiến nghị xử lý văn bản. Trường hợp văn bản đó đã được đăng trên Công báo thì Quyết định xử lý cũng phải được Văn phòng Thanh tra Chính phủ gửi đăng Công báo. Chương IV THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT Điều 27. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thực hiện theo các điều 7, 8, 9 và 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP). Điều 28. Trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật 1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; b) Tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; c) Làm đầu mối tổng hợp, kiến nghị xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật của Thanh tra Chính phủ theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; d) Giúp Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. 2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm: a) Tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực được giao theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; b) Phối hợp với Vụ Pháp chế tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; c) Phối hợp với Vụ Pháp chế kiến nghị xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực được giao theo quy định tại Điều 31 Thông tư này; d) Tổng hợp, báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Thông tư này. Điều 29. Thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật 1. Đơn vị được giao tổng hợp thông tin về tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo các nội dung sau đây: a) Số lượng, hình thức và tên văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, hình thức và tên văn bản ban hành chậm tiến độ và lý do chậm tiến độ; số lượng văn bản không thống nhất, không đồng bộ và tính khả thi không cao; b) Nội dung, hình thức tập huấn, phổ biến pháp luật đã được thực hiện; thực trạng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật; c) Tình hình hướng dẫn áp dụng pháp luật, tình hình áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; d) Tình hình xử lý vi phạm pháp luật. 2. Đơn vị được giao thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp Tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng hoặc qua Trang thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ. Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật. 3. Việc thu thập thông tin tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng có thể được thực hiện thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và các hình thức phù hợp khác. Điều 30. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật 1. Đơn vị được giao kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Điều 5 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật. Điều 31. Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật Việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Chương VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 32. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. 1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm: a) Xây dựng trình Tổng Thanh tra ban hành các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ theo định kỳ, hàng năm hoặc theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực; chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện kế hoạch, bao gồm: - Kế hoạch kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; - Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; - Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật; - Kế hoạch hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; - Kế hoạch pháp điển văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp xây dựng kế hoạch hàng năm, có thể kết hợp xây dựng nhiều kế hoạch với nhau; không xây dựng nhiều kế hoạch với nội dung hoạt động trùng, lặp. b) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện các kế hoạch. 2. Các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều này để xây dựng kế hoạch của đơn vị mình; phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức, thực hiện kế hoạch do Thanh tra Chính phủ và đơn vị mình ban hành; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch. Điều 33. Chế độ báo cáo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật 1. Báo cáo 6 tháng, 1 năm về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ gửi Tổng Thanh tra Chính phủ (qua Vụ Pháp chế) (sau đây gọi chung là báo cáo 6 tháng, báo cáo 1 năm). 2. Thời hạn gửi báo cáo: Báo cáo 6 tháng gửi chậm nhất ngày 01 tháng 6 hàng năm; Báo cáo 1 năm gửi chậm nhất ngày 05 tháng 10 hàng năm. 3. Vụ Pháp chế chủ trì tổng hợp, xây dựng Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 34. Nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật 1. Kinh phí đảm bảo cho công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp, Văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm bố trí kinh phí, phương tiện cho công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật trên cơ sở đề xuất của Vụ Pháp chế và các đơn vị thực hiện, trình lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phê duyệt. 3. Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm bố trí biên chế và phối hợp với Vụ Pháp chế bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Điều 35. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 12 năm 2015. 2. Thông tư này thay thế Quyết định số 2014/2007/QĐ-TTCP của Tổng Thanh tra ngày 26/09/2007 Ban hành quy chế kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Tổng Thanh tra. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Thanh tra Chính phủ để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; - Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Tổng Thanh tra Chính phủ; - Các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP; - UBTƯMTTQVN, Cơ quan TƯ các đoàn thể; - Hội đồng Dân tộc, các UB của Quốc hội; - HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Công báo; - Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ TP; - Thanh tra các Bộ, ngành Trung ương; - Thanh tra các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; - Cổng Thông tin điện tử của TTCP; - Các vụ, cục, đơn vị của TTCP; - Lưu: VT, PC. TỔNG THANH TRA Huỳnh Phong Tranh
{ "issuing_agency": "Thanh tra Chính phủ", "promulgation_date": "21/10/2015", "sign_number": "06/2015/TT-TTCP", "signer": "Huỳnh Phong Tranh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-05-2020-TT-BLDTBXH-quy-che-to-chuc-Trung-tam-Giao-duc-nghe-nghiep-cong-lap-cap-huyen-454209.aspx
Thông tư 05/2020/TT-BLĐTBXH quy chế tổ chức Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện mới nhất
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 05/2020/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2020 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CÔNG LẬP CẤP HUYỆN Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014; Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019; Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng 1. Thông tư này quy định quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện (sau đây gọi chung là Trung tâm). 2. Thông tư này được áp dụng đối với các Trung tâm và tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 2. Địa vị pháp lý của Trung tâm 1. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. 2. Trung tâm hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Trung tâm có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Điều 3. Tên gọi của Trung tâm 1. Việc đặt tên Trung tâm được quy định như sau: “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp + tên đơn vị hành chính cấp huyện quản lý trực tiếp”. 2. Tên của Trung tâm được ghi trong quyết định thành lập trung tâm, con dấu, biển hiệu và các văn bản, giấy tờ giao dịch của Trung tâm và được gắn tại trụ sở chính của Trung tâm. Điều 4. Phân cấp quản lý 1. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm. 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với Trung tâm theo thẩm quyền. Điều 5. Quản lý nhà nước đối với Trung tâm 1. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi Trung tâm đặt trụ sở chính. 2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước đối với các Trung tâm theo quy định tại Thông tư này. Điều 6. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm 1. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm được xây dựng theo quy định tại Thông tư này và phù hợp với điều kiện cụ thể của Trung tâm, không trái với các quy định pháp luật có liên quan. 2. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm phải có những nội dung chủ yếu sau: a) Tên Trung tâm; b) Mục tiêu và sứ mạng; c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm; d) Tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đ) Nhiệm vụ và quyền của giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động; e) Nhiệm vụ và quyền của người học; g) Tổ chức và quản lý của Trung tâm; h) Quan hệ giữa Trung tâm với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gia đình và xã hội; i) Tài chính và tài sản của Trung tâm; k) Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm. 3. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm do giám đốc Trung tâm phê duyệt và phải được công bố công khai tại Trung tâm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm được phê duyệt, giám đốc Trung tâm có trách nhiệm gửi 01 bản quyết định phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm về Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của Trung tâm để thực hiện quản lý theo địa bàn. 4. Phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động sửa đổi, bổ sung Giám đốc Trung tâm phê duyệt quyết định sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo quy định tại khoản 3 của Điều này. Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của Trung tâm 1. Nhiệm vụ: a) Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo thường xuyên, bao gồm: Chương trình đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; chương trình đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chương trình chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật và các chính sách khác theo quy định của pháp luật; b) Tổ chức xây dựng hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình, giáo trình đào tạo, học liệu của Trung tâm theo quy định; c) Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh; d) Quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động của Trung tâm được giao theo quy định của pháp luật; đ) Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phục vụ đào tạo; e) Nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học về giáo dục nghề nghiệp, thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; g) Tổ chức các hoạt động dạy và học; kiểm tra và cấp chứng chỉ theo quy định; h) Tư vấn nghề nghiệp, tư vấn việc làm cho người học; phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tuyên truyền, hướng nghiệp, phân luồng học sinh; i) Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp; tổ chức cho người học tham quan, thực tập tại doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học; k) Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp và tư vấn hướng nghiệp; l) Quản lý và sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập; m) Tạo điều kiện hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động của Trung tâm học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; n) Thực hiện việc cung cấp số liệu về hoạt động của Trung tâm để thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định; o) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. 2. Quyền hạn: a) Được chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển Trung tâm phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; b) Được tổ chức đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; c) Được liên doanh, liên kết hoạt động đào tạo với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để tổ chức đào tạo, bổ túc và bồi dưỡng nghề theo quy định của pháp luật; d) Được liên kết với trường cao đẳng, trường trung cấp để tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông đối với học sinh học trình độ trung cấp có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ được thực hiện chương trình giáo dục quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 của Luật Giáo dục (trừ chương trình đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp) khi được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục có thẩm quyền cho phép; đ) Được liên kết đào tạo với trường cao đẳng, trường trung cấp để thực hiện chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường cao đẳng, trường trung cấp (đơn vị chủ trì liên kết đào tạo) chịu trách nhiệm cấp bằng tốt nghiệp cho người học theo quy định; e) Được huy động, nhận tài trợ, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các hoạt động đào tạo của Trung tâm; g) Được sử dụng tài sản công để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công; h) Được quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp theo quy định của pháp luật; i) Được tham gia đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đối với các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; k) Thực hiện các quyền tự chủ khác theo quy định của pháp luật. 3. Quyền tự chủ của Trung tâm thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định sau: a) Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm; b) Quyết định thành lập tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển Trung tâm; c) Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật và các quy định về tự chủ tài chính đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập; d) Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo, hình thức đào tạo; quyết định việc liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo; in phôi chứng chỉ, quản lý và cấp chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật; đ) Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm; đảm bảo chất lượng đào tạo của Trung tâm; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đăng ký kiểm định; e) Xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Trung tâm. 4. Trung tâm có trách nhiệm giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học và xã hội về các hoạt động sau: a) Công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Trung tâm về các nội dung: Mục tiêu, chương trình đào tạo; hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; kế hoạch tuyển sinh; danh sách người học nhập học và tốt nghiệp hàng năm theo nghề, nhóm nghề đào tạo; điều kiện để bảo đảm chất lượng dạy và học; chi phí đào tạo, mức học phí và miễn, giảm học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hệ thống chứng chỉ của Trung tâm, danh sách học sinh, học viên được cấp chứng chỉ hàng năm; vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp và các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo; các quy chế, quy định nội bộ; b) Cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của Trung tâm để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Thông tư này; c) Có cơ chế để người học, giáo viên và xã hội tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của Trung tâm; d) Công khai thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của Trung tâm, trừ những thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước; đ) Báo cáo, giải trình các nội dung liên quan đến thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Chương II TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRUNG TÂM Điều 8. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm 1. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm, bao gồm: a) Giám đốc và các phó giám đốc; b) Các phòng chức năng và tổ chuyên môn, nghiệp vụ; Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quy mô, nghề đào tạo, giám đốc Trung tâm quyết định thành lập các phòng chức năng, tổ chuyên môn, nghiệp vụ trực thuộc Trung tâm theo cơ cấu tổ chức của Trung tâm đã được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. c) Các hội đồng tư vấn; Hội đồng quản lý; d) Các tổ sản xuất, dịch vụ để phục vụ đào tạo (nếu có). Trung tâm được thành lập các tổ sản xuất, dịch vụ, phục vụ đào tạo nghề nghiệp. Việc thành lập và hoạt động của tổ sản xuất, dịch vụ, phục vụ đào tạo của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Việc thành lập, giải thể các tổ chức trực thuộc Trung tâm; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức được thực hiện theo quy định của pháp luật, Thông tư này và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Điều 9. Tiêu chuẩn và thẩm quyền bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc 1. Giám đốc, phó giám đốc Trung tâm phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 2. Thẩm quyền bổ nhiệm Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với giám đốc, phó giám đốc Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của giám đốc Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, đại diện cho Trung tâm trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động và điều hành tổ chức, bộ máy của Trung tâm, có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định sau: 1. Nhiệm vụ: a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng của Trung tâm; b) Quản lý cơ sở vật chất, tài sản, tài chính của Trung tâm và tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động được để phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động theo quy định của pháp luật; c) Quản lý tài chính, quyết định thu chi và phân phối các thành quả lao động, thực hành kỹ thuật, dịch vụ theo quy định; d) Thường xuyên chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy, học tập cho giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và người học; đ) Tổ chức và chỉ đạo xây dựng môi trường đào tạo lành mạnh; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội trong Trung tâm; e) Thực hiện quy chế dân chủ trong Trung tâm; thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và người học trong Trung tâm. Hàng năm, tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động; g) Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của pháp luật; h) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. 2. Quyền hạn: a) Được quyết định các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm quy định tại Điều 7 của Thông tư này; b) Được quyết định thành lập các phòng chức năng, tổ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ sản xuất, dịch vụ, phục vụ đào tạo theo cơ cấu tổ chức của Trung tâm đã được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này; c) Quyết định bổ nhiệm các trưởng, phó phòng, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ sản xuất, dịch vụ, phục vụ đào tạo trực thuộc Trung tâm theo quy định; d) Tổ chức tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động của Trung tâm theo quy định của pháp luật; quyết định việc giao kết hợp đồng lao động đối với giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động theo quy định của pháp luật; đ) Giao kết hợp đồng đào tạo nghề nghiệp, bổ túc, bồi dưỡng nghề cho người học theo quy định của pháp luật; e) Ký hợp đồng cho thuê, liên doanh, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong hoạt động đào tạo, bổ túc, bồi dưỡng nghề hoặc tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo quy định của pháp luật; g) Cấp chứng chỉ cho người học tại Trung tâm theo quy định; h) Quyết định việc khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và người học của Trung tâm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp quản lý; i) Được hưởng các chế độ theo quy định. Điều 11. Phó giám đốc Trung tâm 1. Phó giám đốc Trung tâm là người giúp giám đốc trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Trung tâm. 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của phó giám đốc: a) Giúp giám đốc trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của Trung tâm; trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của giám đốc và giải quyết các công việc khác do giám đốc giao; b) Khi giải quyết công việc được giám đốc giao hoặc ủy quyền, phó giám đốc thay mặt giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật và giám đốc về kết quả công việc được giao hoặc ủy quyền. Điều 12. Hội đồng tư vấn, Hội đồng quản lý 1. Hội đồng tư vấn trong Trung tâm do giám đốc quyết định thành lập để lấy ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý, doanh nghiệp, đại diện các tổ chức trong và ngoài Trung tâm nhằm tư vấn cho giám đốc về một số công việc cần thiết, liên quan đến việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Hội đồng tư vấn làm theo vụ việc và không hưởng lương. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tư vấn do giám đốc quyết định và phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. 2. Việc thành lập Hội đồng quản lý trong Trung tâm để quyết định các vấn đề quan trọng trong quá trình tổ chức hoạt động của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 13. Tổ chuyên môn, nghiệp vụ 1. Các tổ chuyên môn, nghiệp vụ (sau đây gọi chung là Tổ) được tổ chức theo nghề hoặc nhóm nghề đào tạo. Căn cứ chức năng, quy mô, nghề đào tạo, giám đốc quyết định thành lập Tổ trực thuộc Trung tâm theo cơ cấu tổ chức của Trung tâm đã được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm quy định tại Điều 8 của Thông tư này. 2. Tổ trực thuộc Trung tâm có nhiệm vụ: a) Quản lý giáo viên, người lao động và người học thuộc Tổ theo phân cấp của giám đốc; b) Thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động ngoại khóa theo chương trình, kế hoạch giảng dạy hàng năm của Trung tâm, bao gồm: Xây dựng, phát triển chương trình đào tạo của nghề được Trung tâm giao nhiệm vụ; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các mô-đun liên quan bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các mô-đun của chương trình đào tạo; xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu, giáo trình theo định hướng phát triển của Trung tâm; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của người học, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Việc phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy thuộc giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; c) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của Tổ; d) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, nghề đào tạo và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; thực hiện các hoạt động thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào quá trình đào tạo; đ) Quản lý giáo viên, người lao động, người học thuộc Tổ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên, người lao động; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và người lao động khác thuộc Tổ; e) Tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động trong Tổ và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong Trung tâm theo quy định của Trung tâm; g) Quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị theo quy định của giám đốc Trung tâm; đề xuất, xây dựng các kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị đào tạo; h) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của giám đốc Trung tâm. 3. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn, nghiệp vụ: a) Tổ có tổ trưởng và có thể có tổ phó do giám đốc bổ nhiệm; b) Tổ trưởng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của Tổ theo nhiệm vụ được quy định tại khoản 2 Điều này và theo phân cấp của giám đốc Trung tâm; c) Tổ trưởng phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên phù hợp với nghề đào tạo tại Tổ; d) Tổ phó giúp tổ trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Tổ; đ) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm tổ trưởng, tổ phó thực hiện theo quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Điều 14. Phòng chức năng 1. Các phòng chức năng có nhiệm vụ tham mưu và giúp giám đốc Trung tâm trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các công việc chủ yếu của Trung tâm như: Giáo vụ, đào tạo, hành chính, quản trị; tổ chức cán bộ; tổng hợp, đối ngoại; quản lý học sinh, người học; quản lý tài chính, quản lý thiết bị và xây dựng cơ bản theo chức năng, nhiệm vụ được giám đốc giao. Giám đốc quyết định thành lập các phòng chức năng theo cơ cấu tổ chức của Trung tâm đã được phê duyệt trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. 2. Phòng chức năng có trưởng phòng và các phó trưởng phòng. Trưởng phòng phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên. 3. Phó trưởng phòng là người giúp trưởng phòng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Số lượng phó trưởng phòng tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy mô đào tạo của Trung tâm, được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm trưởng phòng, phó trưởng phòng của Trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Điều 15. Các tổ sản xuất, dịch vụ để phục vụ đào tạo 1. Trung tâm được thành lập các tổ sản xuất, dịch vụ để phục vụ đào tạo, tạo điều kiện cho người học và giáo viên của Trung tâm thực hành, thực tập nâng cao kiến thức, kỹ năng. Việc thành lập và hoạt động của các tổ sản xuất, dịch vụ để phục vụ đào tạo được thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này không có chức năng tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ. 3. Việc thành lập, giải thể, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này do giám đốc quyết định theo quy định của pháp luật và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm. Điều 16. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn thể và tổ chức xã hội 1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong Trung tâm hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam. 2. Đoàn thể, tổ chức xã hội trong Trung tâm hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ của tổ chức và có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Chương III HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ Mục 1. HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO Điều 17. Nghề đào tạo và tổ chức lớp học 1. Trung tâm được đào tạo các nghề trình độ sơ cấp theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật Giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của thị trường lao động. 2. Việc tổ chức các lớp học theo chương trình đào tạo nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều 18. Chương trình và giáo trình đào tạo 1. Căn cứ vào quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ sơ cấp; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ sơ cấp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo trình độ sơ cấp để sử dụng làm chương trình đào tạo của Trung tâm. 2. Trung tâm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 3. Trung tâm phải thường xuyên đánh giá, cập nhật, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất và dịch vụ. 4. Trung tâm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình; duyệt giáo trình để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập của Trung tâm. Giáo trình đào tạo phải cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun trong chương trình đào tạo, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Điều 19. Tuyển sinh đào tạo 1. Trung tâm xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hàng năm trên cơ sở nhu cầu người học, nhu cầu nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của ngành, địa phương và năng lực đào tạo của Trung tâm. 2. Trung tâm tổ chức tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều 20. Tổ chức, quản lý đào tạo của Trung tâm 1. Trung tâm tổ chức và quản lý đào tạo theo quy định tại Điều 37 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hướng dẫn về tổ chức, quản lý giáo dục nghề nghiệp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đào tạo các nghề tại nơi đủ điều kiện và đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp theo quy định. 2. Việc tổ chức, quản lý quá trình đào tạo đối với chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành của Việt Nam về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Điều 21. Hệ thống sổ sách, biểu mẫu quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp; kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập và xét công nhận tốt nghiệp 1. Trung tâm sử dụng hệ thống sổ sách, biểu mẫu dạy và học các chương trình đào tạo nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 2. Trung tâm thực hiện việc kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng và xét công nhận tốt nghiệp cho người học các chương trình đào tạo nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 3. Kết quả học nghề của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Trung tâm được chuyển về trường phổ thông để làm cơ sở đánh giá học sinh theo quy định. Điều 22. Cấp và quản lý chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo Trung tâm thực hiện việc cấp, quản lý chứng chỉ sơ cấp và chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điều 23. Kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo 1. Trung tâm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 67 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 2. Trung tâm có trách nhiệm thực hiện kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mục 2. HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ Điều 24. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm trong hoạt động hợp tác quốc tế 1. Thực hiện các hình thức hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 47 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục. 2. Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của Trung tâm phù hợp với mục tiêu hợp tác quốc tế được quy định tại Điều 46 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và chủ trương, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. 3. Tổ chức quản lý và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo thẩm quyền. 4. Thực hiện đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật. 5. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế. Điều 25. Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế 1. Giao nhiệm vụ cho đơn vị thuộc Trung tâm làm đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ về hợp tác quốc tế của Trung tâm. 2. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của Trung tâm phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. 3. Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế thiết thực, hiệu quả; thực hiện kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của Trung tâm. 4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động hợp tác quốc tế. Chương IV GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ, NGƯỜI LAO ĐỘNG Điều 26. Tiêu chuẩn và trình độ chuẩn của giáo viên trong Trung tâm 1. Giáo viên trong Trung tâm phải có các tiêu chuẩn sau: a) Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; b) Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm và đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này; c) Có lý lịch rõ ràng; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp. 2. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên a) Giáo viên dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; b) Giáo viên dạy trình độ sơ cấp quy định tại điểm a khoản này, nếu không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Điều 27. Giáo viên trong Trung tâm 1. Chức danh của giáo viên trong Trung tâm được quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 2. Việc tuyển dụng, thực hiện chế độ làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chính sách khác đối với giáo viên của Trung tâm thực hiện theo quy định tiêu chuẩn chức danh giáo viên trong Trung tâm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và quy định của pháp luật. Điều 28. Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên Giáo viên trong Trung tâm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 55 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau: 1. Chấp hành các quy chế, nội quy, quy định của Trung tâm. 2. Thực hiện quy định về chế độ làm việc đối với chức danh giáo viên do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. 3. Được bố trí giảng dạy theo chuyên ngành, nghề được đào tạo; được lựa chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy nhằm phát huy năng lực cá nhân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp; được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn được giao. 4. Được hưởng lương, phụ cấp và các chính sách khác theo quy định của pháp luật. 5. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy theo kế hoạch và điều kiện của Trung tâm; được tham gia vào việc quản lý và giám sát hoạt động của Trung tâm; được tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật. 6. Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Được tham gia bàn bạc, thảo luận, góp ý về các chủ trương, kế hoạch phát triển đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý của Trung tâm; được nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật. Được dự các cuộc họp hội đồng do Trung tâm thành lập khi các hội đồng này giải quyết những vấn đề có liên quan đến người học của lớp mình được phân công, phụ trách. 7. Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục khác nhưng phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 55 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác. 8. Giáo viên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ được hưởng quyền theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ; giáo viên làm công tác quản lý trong Trung tâm nếu tham gia giảng dạy thì được hưởng các chế độ đối với giáo viên theo quy định của pháp luật và quy định hợp pháp của Trung tâm. 9. Tham gia quản lý người học và đóng góp trách nhiệm với cộng đồng. 10. Chịu sự giám sát của Trung tâm về nội dung, chất lượng, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. 11. Hoàn thành các công việc khác được Trung tâm, phòng hoặc tổ bộ môn phân công. Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý, người lao động Cán bộ quản lý, người lao động làm công tác quản lý, phục vụ trong Trung tâm có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các nhiệm vụ, chức trách được phân công; được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật và trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động. Điều 30. Việc tuyển dụng giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động Giáo viên, cán bộ quản lý và người lao động làm công tác quản lý, giảng dạy, phục vụ trong Trung tâm được tuyển dụng theo quy định của pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động. Chương V NGƯỜI HỌC Điều 31. Người học 1. Người học trong Trung tâm được quy định tại Điều 59 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, bao gồm: Học sinh của chương trình đào tạo sơ cấp; học viên của chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật Giáo dục nghề nghiệp. 2. Người học có nhu cầu học các chương trình đào tạo theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 40 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được giao kết hợp đồng đào tạo với giám đốc Trung tâm. Điều 32. Nhiệm vụ và quyền của người học Người học có nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều 60 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và các nhiệm vụ, quyền cụ thể sau: 1. Thực hiện quy chế, nội quy của Trung tâm; thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh; tham gia xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của Trung tâm, chấp hành pháp luật của Nhà nước. 2. Đóng học phí và phí dịch vụ khác theo quy định. 3. Được tham gia lao động và hoạt động xã hội, tổ chức xã hội trong Trung tâm. 4. Được học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình đào tạo, được lưu ban; được bảo lưu kết quả học tập theo quy định của pháp luật. 5. Được cấp chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp tương ứng với trình độ, chương trình đào tạo theo quy định của pháp luật. 6. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện của Trung tâm phục vụ việc học tập, thực hành, thực tập và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Được bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình học tập, thực hành, thực tập theo quy định của pháp luật. 7. Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của tập thể người học kiến nghị với Trung tâm các giải pháp góp phần xây dựng Trung tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. 8. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của Trung tâm, của cơ sở sản xuất nơi thực hành, thực tập. 9. Tuân thủ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh lao động. 10. Thực hiện nghĩa vụ làm việc có thời hạn theo quy định của pháp luật. 11. Được học tập, rèn luyện theo mục tiêu đào tạo hoặc hợp đồng đào tạo đã giao kết với Trung tâm. 12. Được hưởng các chính sách đối với người học theo quy định của pháp luật. 13. Được chọn chương trình học, hình thức học, địa điểm học phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và của Trung tâm; được tạo điều kiện chuyển đổi chương trình, hình thức và địa điểm học nếu có nguyện vọng và được nơi chuyển đến tiếp nhận. Chương VI TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH Điều 33. Quản lý và sử dụng tài sản 1. Nguồn hình thành tài sản công tại Trung tâm, bao gồm: a) Tài sản công bằng hiện vật do Nhà nước giao theo quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 29 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; c) Tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 2. Trung tâm thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công được giao theo quy định của pháp luật. 3. Mọi thành viên trong Trung tâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản của Trung tâm. 4. Hàng năm, Trung tâm phải tổ chức kiểm kê, đánh giá giá trị tài sản của Trung tâm và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật. Chấp hành đầy đủ các chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, thống kê và báo cáo định kỳ; công khai tài chính theo quy định của pháp luật. 5. Trung tâm có trách nhiệm kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế toán năm và kiểm kê theo quyết định kiểm kê, đánh giá lại tài sản công, xác định tài sản thừa, thiếu và nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công. Điều 34. Nguồn tài chính 1. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. 2. Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của Trung tâm, bao gồm: a) Học phí, dịch vụ tuyển sinh do người học đóng; b) Thu từ hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động sự nghiệp khác; c) Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết. 3. Kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước. 4. Nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật. 5. Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Điều 35. Sử dụng nguồn tài chính 1. Chi thường xuyên, bao gồm: a) Chi cho các hoạt động đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao; b) Chi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Trung tâm (bao gồm cả chi trả vốn, trả lãi tiền vay theo quy định của pháp luật). 2. Chi không thường xuyên, bao gồm: a) Chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình đầu tư công; chương trình, đề án khác; b) Chi thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động; c) Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định; d) Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao; đ) Chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản, thiết bị; chi thực hiện các dự án đầu tư khác theo quy định của Nhà nước; e) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Chương VII QUAN HỆ GIỮA TRUNG TÂM VỚI DOANH NGHIỆP, CƠ SỞ GIÁO DỤC, CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI Điều 36. Quan hệ giữa Trung tâm với doanh nghiệp Trung tâm có trách nhiệm chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, bao gồm: 1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất của doanh nghiệp và thị trường lao động. 2. Mời đại diện của doanh nghiệp có liên quan tham gia vào việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo của Trung tâm; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập nghề và đánh giá kết quả học tập cho người học. 3. Phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho giáo viên, người học tham quan, thực tập tại doanh nghiệp, gắn giảng dạy, học tập với thực tiễn sản xuất, dịch vụ. 4. Hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động của doanh nghiệp khi có nhu cầu. 5. Phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Điều 37. Quan hệ giữa Trung tâm với gia đình người học 1. Trung tâm có trách nhiệm thông báo công khai kế hoạch, chỉ tiêu, tiêu chuẩn tuyển sinh và các chính sách, chế độ đối với người học hàng năm. 2. Trung tâm chủ động phối hợp với gia đình người học để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Điều 38. Quan hệ giữa Trung tâm với xã hội 1. Trung tâm thực hiện liên kết với các cơ sở sản xuất, các cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở đào tạo khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh tham quan, thực tập, thực hành sản xuất, ứng dụng công nghệ để gắn việc giảng dạy, học tập với thực tế sản xuất. 2. Trung tâm thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, ngành, địa phương có liên quan, với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc xác định nhu cầu đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động. 3. Trung tâm phối hợp với các cơ sở văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo điều kiện cho người học tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. 4. Trung tâm tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và người học tham gia các hoạt động xã hội; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm xây dựng môi trường đào tạo lành mạnh. Điều 39. Quan hệ giữa Trung tâm với cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp 1. Trung tâm phối hợp với trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học trong việc thực hiện nội dung đào tạo nghề nghiệp phổ thông và tư vấn hướng nghiệp. 2. Trung tâm cử giáo viên tham gia giảng dạy tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ở địa phương nhằm thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề nghiệp phổ thông và tư vấn hướng nghiệp. 3. Trung tâm phối hợp, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức các hoạt động đào tạo theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chương VIII TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 40. Trách nhiệm của Trung tâm 1. Tổ chức thực hiện Thông tư; hoàn thiện tổ chức bộ máy, rà soát các mặt hoạt động, quy định về giáo viên, cán bộ quản lý để đáp ứng quy định tại Thông tư này; sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động và các quy định nội bộ khác của Trung tâm phù hợp với các quy định tại Thông tư này. 2. Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình hoạt động của Trung tâm và gửi báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 1. Hướng dẫn tổ chức thực hiện Thông tư này trong hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện trên toàn quốc; thực hiện thống kê hàng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu về các Trung tâm. 2. Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; hủy bỏ hoặc kiến nghị hủy bỏ các quyết định trái với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. 3. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Điều 42. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 1. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn Trung tâm tổ chức hoạt động theo quy định. 2. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức hoạt động của Trung tâm theo thẩm quyền quy định. Điều 43. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 1. Hướng dẫn các Trung tâm xây dựng, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo hướng dẫn tại Thông tư này. 2. Hướng dẫn các Trung tâm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo nghề nghiệp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về giáo dục nghề nghiệp tại Trung tâm, xử lý vi phạm theo thẩm quyền quy định. 4. Thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với Trung tâm và định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình hoạt động của Trung tâm và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều 44. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện 1. Trực tiếp quản lý Trung tâm và chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết và kiểm tra, giám sát những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài sản, cơ sở vật chất của Trung tâm thuộc phạm vi quản lý. 2. Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo quy định tại Thông tư này. 3. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý các Trung tâm trực thuộc; giải quyết khó khăn, vướng mắc theo quy định của pháp luật. 4. Kiểm tra việc thực hiện Thông tư này và xử lý vi phạm đối với Trung tâm trực thuộc theo quy định của pháp luật. 5. Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp tình hình hoạt động của Trung tâm và gửi báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chương IX HIỆU LỰC THI HÀNH Điều 45. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2020. 2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 1 Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp như sau “3. Điều lệ này không áp dụng đối với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện”. 3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Website Chính phủ; - Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH; - Lưu: VT, TCGDNN. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Quân
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "16/08/2020", "sign_number": "05/2020/TT-BLĐTBXH", "signer": "Lê Quân", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-lien-tich-91-2008-TTLT-BTC-BTP-huong-dan-muc-thu-che-do-thu-nop-quan-ly-va-su-dung-phi-cong-chung-77183.aspx
Thông tư liên tịch 91/2008/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP -------- CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------- Số: 91/2008/TTLT-BTC-BTP Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2008 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CÔNG CHỨNG Căn cứ Luật công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006; Căn cứ Pháp lệnh Phí và lệ phí ngày 28 tháng 8 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng; Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng, như sau: I. PHẠM VI ÁP DỤNG 1. Phí công chứng được áp dụng đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng theo quy định của Luật công chứng và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng. 2. Đối tượng nộp phí công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng. 3. Đơn vị thu phí công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng (sau đây gọi là đơn vị thu phí). II. MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ CÔNG CHỨNG 1. Mức thu Mức thu phí công chứng quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trường hợp đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng thì mức thu phí theo quy định tại Thông tư này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp đối tượng nộp phí có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí. a) Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch: a.1. Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch mà mức thu phí được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch, bao gồm: - Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (tính trên giá trị quyền sử dụng đất); - Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất (tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất); - Công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản khác, góp vốn bằng tài sản khác (tính trên giá trị tài sản); - Công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê tài sản (tính trên tổng số tiền thuê); - Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (tính trên giá trị di sản); - Công chứng hợp đồng vay tiền (tính trên giá trị khoản vay); - Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản (tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay); - Công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh doanh (tính trên giá trị hợp đồng). Đối với các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản có giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng được xác định theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, giao dịch đó; trường hợp giá đất, giá tài sản do các bên thoả thuận thấp hơn mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định áp dụng tại thời điểm công chứng thì giá trị tính phí công chứng được tính như sau: Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng = Diện tích đất, số lượng tài sản ghi trong hợp đồng, giao dịch (x) Giá đất, giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. a.2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch (xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch) được tính như sau: Số thứ tự Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch Mức thu (đồng/trường hợp) 1 Dưới 100.000.000 đồng 100.000 2 Từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch 3 Từ trên 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng 1.000.000 + 0,07% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1.000.000.000 đồng 4 Từ trên 5.000.000.000 đồng 3.800.000 đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5.000.000.000 đồng (mức thu tối đa không quá 10.000.000 đồng/trường hợp) b) Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch được quy định như sau: Số thứ tự Loại việc Mức thu (đồng/trường hợp) 1 Công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp 50.000 2 Công chứng văn bản bán đấu giá bất động sản 100.000 3 Công chứng hợp đồng bảo lãnh 100.000 4 Công chứng hợp đồng uỷ quyền 40.000 5 Công chứng giấy uỷ quyền 20.000 6 Công chứng việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch (trừ việc sửa đổi, bổ sung tăng giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch thì áp dụng mức thu theo quy định tại điểm a) 40.000 7 Công chứng việc huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch 20.000 8 Công chứng di chúc 40.000 9 Công chứng văn bản từ chối nhận di sản 20.000 10 Các việc công chứng hợp đồng, giao dịch khác 40.000 c) Mức thu phí nhận lưu giữ di chúc: 100.000 đồng/trường hợp. d) Mức thu phí cấp bản sao văn bản công chứng: 5.000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thì mỗi trang thu 3.000 đồng nhưng tối đa không quá 100.000 đồng/bản. 2. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng a) Khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng đã được thực hiện, người yêu cầu công chứng phải nộp phí công chứng. b) Khi thu phí, đơn vị thu phí phải lập và giao chứng từ thu cho đối tượng nộp phí, như sau: - Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng, thực hiện lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn. - Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng, thực hiện lập và giao biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế. c) Về quản lý, sử dụng phí công chứng: 1. Đối với đơn vị thu phí là Phòng công chứng: Phí công chứng là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau: - Đơn vị thu phí được trích 50% (năm mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc quản lý và thu phí theo chế độ quy định. - Đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước 50% (năm mươi phần trăm) tiền phí thu được theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. c.2. Đối với đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng: Phí công chứng thu được là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hàng năm, đơn vị thu phí phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thông tư này thay thế nội dung quy định về lệ phí công chứng và bãi bỏ nội dung quy định về phí dịch vụ tại Thông tư liên tịch số 93/2001/TTLT-BTC-BTP ngày 21/11/2001 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực. 2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí. 3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để xem xét, hướng dẫn bổ sung./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG Hoàng Thế Liên KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Toà án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Website Chính phủ; - Kiểm toán Nhà nước; - Cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể; - Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; - Lưu: Bộ Tài chính (VT, Vụ CST), Bộ Tư pháp (VT, Vụ HCTP).
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp", "promulgation_date": "17/10/2008", "sign_number": "91/2008/TTLT-BTC-BTP", "signer": "Hoàng Thế Liên, Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-tu-02-2010-TT-BVHTTDL-thu-tuc-dang-ky-hoat-dong-giai-the-co-so-ho-tro-nan-nhan-bao-luc-gia-dinh-co-so-tu-van-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-102402.aspx
Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------- Số: 02/2010/TT-BVHTTDL Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2010 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG, GIẢI THỂ CƠ SỞ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BẠO LỰC GIA ĐÌNH; CƠ SỞ TƯ VẤN VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH; TIÊU CHUẨN CỦA NHÂN VIÊN TƯ VẤN; CẤP THẺ NHÂN VIÊN TƯ VẤN, CHỨNG NHẬN NGHIỆP VỤ CHĂM SÓC, TƯ VẤN VÀ TẬP HUẤN PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007; Căn cứ Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư này quy định một số nội dung tại khoản 3 Điều 36 của Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Điều 15, Điều 16 của Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định chi tiết về: 1. Thủ tục đăng ký hoạt động; giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; 2. Tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; việc cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; 3. Tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình có chức năng trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình và tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: chăm sóc sức khoẻ và tư vấn chăm sóc sức khỏe; chăm sóc y tế; tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý; cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác; hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu về đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác cho nạn nhân bạo lực gia đình. 2. Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có chức năng tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý cho các đối tượng có nhu cầu tư vấn bao gồm nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình và những đối tượng khác. Điều 3. Hồ sơ đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Đơn đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M4b; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo mẫu số M4a ban hành kèm theo Thông tư này; 2. Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Quy chế phải có các nội dung cơ bản sau: a) Mục tiêu, tên gọi, địa bàn và quy mô hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; b) Cơ cấu tổ chức, mối quan hệ trong chỉ đạo, điều hành của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; c) Trách nhiệm của người đứng đầu, nhân viên trực tiếp chăm sóc, tư vấn và những người khác làm việc tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; d) Trách nhiệm, quyền lợi của nạn nhân bạo lực gia đình khi được tiếp nhận vào cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; đ) Trách nhiệm, quyền lợi của người gây bạo lực gia đình khi được tiếp nhận vào cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. e) Nguyên tắc quản lý tài sản, tài chính và những quy định có tính chất hành chính phù hợp với đặc điểm của loại hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 3. Xác nhận bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân nhân cấp xã) về địa điểm cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có trụ sở hoạt động đặt trên địa bàn. 4. Bản thuyết minh về nguồn lực tài chính, trong đó nêu rõ các nội dung sau: a) Tình hình tài chính hiện có của cơ sở (bao gồm: tiền mặt, tiền gửi có trong tài khoản tại ngân hàng, kho bạc); nguồn kinh phí nếu nhận từ nguồn tài trợ, cần nêu rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân tài trợ, số tiền, hiện vật và thời gian tài trợ. b) Nguồn tài chính được cam kết đảm bảo cho hoạt động của cơ sở (nếu có). 5. Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan nhà nước quản lý người đứng đầu; danh sách nhân viên tư vấn đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 Thông tư này; danh sách người làm việc tại cơ sở có xác nhận của người đứng đầu và kèm theo bản sao Giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo mẫu số M3a hoặc M3b do cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư này cấp. Trong trường hợp người làm việc tại cơ sở chưa có Giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình thì trong hồ sơ phải nêu rõ kế hoạch tham gia tập huấn cho những người này. 6. Hồ sơ được lập thành ba bộ: hai bộ nộp cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (nếu thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), hoặc Phòng Văn hoá và Thông tin (nếu thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động là của Uỷ ban nhân dân cấp huyện); một bộ lưu tại cơ sở. Điều 4. Quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy biên nhận cho bên nộp hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhận hồ sơ phải có kết quả thẩm định hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thời hạn có kết quả thẩm định được tính lại từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định, cơ quan thẩm định phải gửi một bộ hồ sơ và biên bản thẩm định cơ sở tư vấn nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M5a, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M5b ban hành kèm theo Thông tư này tới Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP để cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở. 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và biên bản thẩm định, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo mẫu số M6a1, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M6b1 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. 3. Quy chế hoạt động của cơ sở được cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phê duyệt đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở. Điều 5. Quy trình thủ tục gia hạn, cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 1. Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình sắp hết thời hạn quy định, nếu cơ sở có nhu cầu tiếp tục hoạt động thì phải xin phép gia hạn. a) Hồ sơ gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bao gồm: - Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; - Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sắp hết hạn đăng ký hoạt động; - Báo cáo tổng kết hoạt động của cơ sở trong thời gian được phép hoạt động. b) Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được nộp tại Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cho phép gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Thời gian gia hạn được ghi vào mặt sau Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Quy chế hoạt động nếu có sửa đổi, bổ sung của cơ sở được phê duyệt đồng thời với việc gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở. Nếu không đồng ý việc gia hạn, Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. c) Cơ sở được gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (kèm theo bản sao Quy chế hoạt động sửa đổi, bổ sung đã được phê duyệt) với cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này để theo dõi, quản lý. 2. Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình bị mất, bị rách hoặc hư hỏng thì cơ sở được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. a) Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động gồm: - Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; - Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cũ (trong trường hợp bị rách hoặc hư hỏng); - Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc quy chế hoạt động được phê duyệt (trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bị mất). b) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được nộp tại Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo mẫu số M6a2, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M6b2 của Thông tư này. Nếu không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. c) Cơ sở được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được cấp lại) cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này để theo dõi, quản lý. 3. Trong trường hợp cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ đặt trụ sở, người đứng đầu, nội dung hoạt động thì cơ sở được đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. a) Hồ sơ đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bao gồm: - Đơn đề nghị đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; - Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp cho cơ sở; - Các giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi (tên gọi, địa chỉ, người đứng đầu, nội dung hoạt động). b) Hồ sơ đề nghị đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động được nộp tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp giấy biên nhận cho bên nộp hồ sơ và tiến hành thẩm định hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở hoàn thiện hồ sơ, thời hạn thẩm định được tính lại từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. c) Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định, cơ quan thẩm định phải gửi một bộ hồ sơ và biên bản thẩm định theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này tới Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP để đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở. d) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ và biên bản thẩm định, Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP có trách nhiệm đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo mẫu số M6a1, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình theo mẫu số M6b1 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản. đ) Quy chế hoạt động sửa đổi, bổ sung của cơ sở được cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động phê duyệt đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở. Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu; người trực tiếp tham gia chăm sóc; tư vấn và cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Giám đốc là người đứng đầu cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Giám đốc là người chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của cơ sở trước pháp luật; ký hợp đồng lao động với nhân viên, người lao động làm việc trong cơ sở và các cộng tác viên (nếu có) theo quy định của pháp luật về lao động (trừ những người tình nguyện làm việc cho cơ sở trong thời hạn không quá 3 tháng và không nhận thù lao). Việc quản lý nhân viên, người lao động trong cơ sở thực hiện theo Quy chế được phê duyệt. 2. Người trực tiếp tham gia chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không tiết lộ thông tin về nhân thân người được tư vấn, chăm sóc cho người khác trừ khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của nạn nhân; tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ tận tình với nạn nhân bạo lực gia đình và người cần được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 3. Trách nhiệm của cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình: a) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình khi tiếp nhận người đến chăm sóc, tư vấn phải ghi vào Sổ theo dõi và được bảo mật thông tin theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; b) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình chỉ được từ chối tiếp nhận nạn nhân bạo lực gia đình, những người đến tư vấn đối với những trường hợp đối tượng cố tình vi phạm Quy chế hoạt động của cơ sở; đối tượng tiếp nhận không đúng chức năng của cơ sở; Trong trường hợp tại thời điểm tiếp nhận, số lượng người vượt quá khả năng được quy định của cơ sở, người đứng đầu cơ sở phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân xã/phường/thị trấn nơi cơ sở đặt trụ sở để để kịp thời giải quyết; c) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện quản lý tài chính, tài sản của cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi tiêu từ các nguồn kinh phí tài trợ phải được thực hiện công khai, dân chủ, theo đúng quy định của Quy chế hoạt động đã được phê duyệt, thỏa thuận với nhà tài trợ và theo quy định của pháp luật; d) Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo hoạt động định kỳ 6 tháng và báo cáo năm vào thời điểm 15/5 và 15/11 hằng năm theo mẫu số M7b; M7a ban hành kèm theo Thông tư này cho cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch có thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở đặt trụ sở. Điều 7. Quyền lợi, trách nhiệm của người được tiếp nhận vào cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Nạn nhân bạo lực gia đình, người gây bạo lực gia đình và những người có nhu cầu tư vấn khi tiếp nhận vào cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được chăm sóc, tư vấn theo quy chế của cơ sở do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP phê duyệt và được quyền khiếu nại, tố cáo trong trường hợp phát hiện cơ sở vi phạm pháp luật. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 2. Người được tiếp nhận vào cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm tuân thủ quy chế của cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều 8. Giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP là cơ quan có thẩm quyền giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường hợp sau đây: a) Theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thành lập cơ sở; b) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và Quy chế hoạt động của cơ sở mà không được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định 08/2009/NĐ-CP cho phép gia hạn; c) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 2. Trước khi giải thể, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật. 3. Khi bị giải thể, cơ sở phải chấm dứt các hoạt động khi nhận được Quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền. 4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định giải thể hoặc 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định giải thể theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải nộp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ quan đã cấp để xoá tên khỏi Sổ đăng ký. Điều 9. Tiêu chuẩn của nhân viên chăm sóc; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình Tiêu chuẩn nhân viên chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, được quy định cụ thể như sau: 1. Tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức: có phẩm chất đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật hoặc vi phạm nhưng đã được xóa án tích; trong quá trình hành nghề phải tuân thủ quy chế hoạt động của cơ sở và các quy định khác của pháp luật; 2. Tiêu chuẩn về kiến thức: a) Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng đối với những nhân viên chăm sóc, tư vấn tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 17 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP; b) Có chứng chỉ chăm sóc hoặc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình do người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này cấp. 3. Tiêu chuẩn về kinh nghiệm: có ít nhất 01 năm hoạt động trong một hoặc các lĩnh vực tư vấn về pháp luật, tâm lý, chăm sóc y tế, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Điều 10. Thẩm quyền và thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ nhân viên chăm sóc và Thẻ nhân viên tư vấn 1. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp Thẻ nhân viên chăm sóc và Thẻ nhân viên tư vấn. 2. Hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhân viên chăm sóc; Thẻ nhân viên tư vấn bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp Thẻ nhân viên chăm sóc; Thẻ nhân viên tư vấn; b) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp; c) Giấy xác nhận quá trình công tác hoặc hoạt động trong lĩnh vực tư vấn của cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú; d) Bản sao có chứng thực Chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc hoặc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; đ) 03 ảnh cỡ 3 x 4 cm. 3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm cấp thẻ cho nhân viên tư vấn theo mẫu số M1a1, thẻ nhân viên chăm sóc theo mẫu số M1b1 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 4. Trường hợp thẻ bị mất, bị rách hoặc hư hỏng, thì nhân viên chăm sóc, tư vấn được cấp lại thẻ nhân viên tư vấn theo mẫu số M1a2; nhân viên chăm sóc theo mẫu số M1b2 ban hành kèm theo của Thông tư này. Thời hạn cấp lại thẻ là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ cấp lại thẻ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp lại thẻ; b) Thẻ cũ (trong trường hợp bị rách hoặc hư hỏng); c) Bản sao có chứng thực Chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc hoặc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 5. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền thu hồi Thẻ nhân viên chăm sóc và Thẻ nhân viên tư vấn trong các trường hợp sau đây: a) Thẻ nhân viên chăm sóc; thẻ nhân viên tư vấn được cấp trái với quy định của pháp luật; b) Người được cấp thẻ có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự, tinh thần của người được tư vấn. 6. Việc thu hồi thẻ phải có Quyết định bằng văn bản thông báo cho cá nhân bị thu hồi và cơ sở quản lý cá nhân hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú. 7. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi có Quyết định thu hồi thẻ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều này, người bị thu hồi thẻ phải nộp lại thẻ tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền. Điều 11. Giấy chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc theo biểu mẫu số M2b và chứng nhận nghiệp vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo biểu mẫu số M2a ban hành kèm theo Thông tư này; 2. Người muốn được cấp chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải được các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư này cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo, tập huấn và phải qua kỳ thi đạt điểm tối thiểu là 50 điểm trở lên trong thang điểm 100 của mỗi môn thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. 3. Hồ sơ đăng ký tham dự được gửi tới Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, gồm các tài liệu sau đây: a) Đơn đăng ký tham dự kiểm tra; b) Giấy xác nhận đã qua khóa đào tạo tập huấn nghiệp vụ chăm sóc; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan nơi người đó công tác hoặc của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú; d) 02 ảnh cỡ 3x4 cm. 4. Định kỳ hằng năm hoặc trên cơ sở căn cứ vào số lượng người đăng ký thi lấy Chứng nhận nghiệp vụ về chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; Chứng chỉ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông báo ít nhất trên một tờ báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong ba số liên tiếp về việc tổ chức thi và lập danh sách những người có điểm thi đạt yêu cầu đề nghị người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này cấp Chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc; Chứng nhận nghiệp vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 5. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thi và đánh giá kết quả thi. Nội dung thi được quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này đối với người thi cấp chứng chỉ nhân viên chăm sóc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và khoản 2 Điều 12 Thông tư này đối với người thi cấp chứng chỉ nhân viên tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. 6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo kết quả kiểm tra, người dự kiểm tra có quyền yêu cầu Hội đồng kiểm tra phúc tra hoặc gửi khiếu nại về kết quả kiểm tra tới Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Điều 12. Nội dung khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Nội dung khóa đào tạo, tập huấn về chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình: a) Mục đích, ý nghĩa của hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; b) Các nội dung cơ bản của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; hôn nhân và gia đình và bình đẳng giới; c) Kỹ năng sơ cứu nạn nhân bạo lực gia đình; d) Nội dung, phương pháp và kỹ năng chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình; đ) Phương pháp báo cáo, thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình. 2. Nội dung khóa đào tạo, tập huấn tư vấn viên về bạo lực gia đình: a) Các quy định tại điểm a, b và đ khoản 1 Điều này; b) Các kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; c) Nội dung, phương pháp, kỹ năng tư vấn và các kỹ năng hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, kỹ năng can thiệp, ngăn chặn bạo lực gia đình. Điều 13. Đối tượng đào tạo, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình Đối tượng được tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định tại các khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 6 và Điều 15 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, được quy định cụ thể như sau: 1. Đối tượng bắt buộc phải qua khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chăm sóc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; a) Người làm công tác tư vấn về gia đình ở cơ sở, bao gồm: cán bộ, công chức làm công tác văn hoá - xã hội; cán bộ, công chức làm công tác tư pháp; nhân viên y tế ở cấp xã; cán bộ của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh; Hội Người cao tuổi ở cấp xã; tổ viên của Tổ hoà giải; b) Người làm việc tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, bao gồm: người có ký hợp đồng lao động với cơ sở, các cộng tác viên của cơ sở. Các nhân viên tư vấn có thẻ tư vấn không phải tham gia tập huấn lần đầu nhưng phải tham gia tập huấn định kỳ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 14 Thông tư này. 2. Đối tượng khuyến khích tham gia là tất cả những người có nhu cầu được đào tạo tập huấn nghiệp vụ chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 14. Tổ chức đào tạo, tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Tổ chức đào tạo, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình: a) Khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, nghiệp vụ tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nếu có điều kiện và khả năng tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo biểu mẫu số M3a và M3b ban hành kèm theo Thông tư này cho các đối tượng quy định tại Điều 13 Thông tư này sau khi đã đăng ký và được sự đồng ý về chương trình và nội dung tập huấn của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi cơ sở tổ chức tập huấn; b) Cơ sở giáo dục nếu có điều kiện và khả năng đào tạo, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình có thể tổ chức việc đào tạo, tập huấn và cấp giấy chứng nhận đào tạo, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình theo biểu mẫu số M3a và M3b ban hành kèm theo Thông tư này cho các đối tượng quy định tại Điều 13 Thông tư này sau khi đã đăng ký về chương trình, nội dung đào tạo, tập huấn với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi đặt địa điểm của cơ sở giáo dục. 2. Giảng viên của khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình phải có trình độ đại học trở lên về lĩnh vực xã hội và y tế, có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực gia đình hoặc về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. 3. Giấy chứng nhận đã qua khóa đào tạo nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được cấp có thời hạn 03 năm; Giấy chứng nhận đã qua tập huấn nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được cấp có thời hạn 1 năm. Sau thời hạn này những người có chứng chỉ hết hạn phải qua khóa kiểm tra để làm điều kiện gia hạn giấy chứng nhận, điểm thi phải đạt từ 50 điểm trở lên trong thang điểm 100 của mỗi môn kiểm tra. Người trải qua 03 kỳ kiểm tra liên tiếp đối với khóa đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ không thời hạn. 4. Hình thức và thời gian đào tạo, tập huấn a) Hình thức đào tạo và tập huấn được tổ chức tập trung. b) Thời gian đào tạo, tập huấn - Thời gian đào tạo cho các đối tượng quy định tại Điều 13 Thông tư này do cơ sở giáo dục quyết định, nhưng mỗi khóa tập huấn ít nhất 30 ngày; - Tập huấn lần đầu: ít nhất 03 ngày đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này; ít nhất 05 ngày đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này; - Tập huấn định kỳ: các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này phải được tập huấn định kỳ ít nhất 01 năm một lần với thời gian tập huấn ít nhất 01 ngày để bổ sung, cập nhật thông tin, văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức mới về phòng, chống bạo lực gia đình. 5. Kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn a) Kinh phí đào tạo, tập huấn cho các đối tượng quy định khoản 1 Điều 13 Thông tư này được lấy từ ngân sách cấp tỉnh dành cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; b) Kinh phí đào tạo, tập huấn cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này do cơ sở cử học viên tham gia hoặc cá nhân tham gia chi trả; c) Việc thu, chi và quản lý tài chính thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 15. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 4 năm 2010. 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc Hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Uỷ ban Giám sát tài chính QG; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; - Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ TP; - Bộ trưởng Bộ, các thứ trưởng VHTTDL; - Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; - Sở VHTTDL các tỉnh, TP trực thuộc TƯ; - Công báo; -Lưu: VT, GĐ, Nhật (400) BỘ TRƯỞNG Hoàng Tuấn Anh
{ "issuing_agency": "Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch", "promulgation_date": "16/03/2010", "sign_number": "02/2010/TT-BVHTTDL", "signer": "Hoàng Tuấn Anh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Thong-tu-16-a-2010-TT-BTP-sua-doi-bieu-mau-ho-tich-118374.aspx
Thông tư 16.a/2010/TT-BTP sửa đổi biểu mẫu hộ tịch
BỘ TƯ PHÁP -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 16.a/2010/TT-BTP Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2010 THÔNG TƯ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI BIỂU MẪU HỘ TỊCH BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 08.A/2010/TT-BTP Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Để bảo đảm việc quản lý, sử dụng thống nhất các biểu mẫu hộ tịch trong toàn quốc; Bộ Tư pháp sửa đổi nội dung Điều 3 của 02 biểu mẫu hộ tịch (Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1 và Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1.a) như sau: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này sửa đổi nội dung Điều 3 của 02 biểu mẫu hộ tịch (Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1 và Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1.a) được ban hành kèm theo Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 15 tháng 3 năm 2010 về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch, bao gồm: - Mẫu Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính (Bản chính) - Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1 - mẫu sử dụng tại UBND cấp xã và UBND cấp huyện; - Mẫu Quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính (Bản sao) - Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1.a - mẫu sử dụng tại UBND cấp xã và UBND cấp huyện. Điều 2. Nội dung Điều 3 của 02 biểu mẫu Quyết định (Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1 và Mẫu TP/HT-2010-TĐCC.1.a) được sửa đổi như sau: "Điều 3. .................................................................................................................. và người có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này". Điều 3. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2010./. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đinh Trung Tụng
{ "issuing_agency": "Bộ Tư pháp", "promulgation_date": "08/10/2010", "sign_number": "16.a/2010/TT-BTP", "signer": "Đinh Trung Tụng", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-thong-Van-tai/Thong-tu-lien-tich-62-2011-TTLT-BTC-BCT-BGTVT-Thong-tu-lien-tich-08-2004-TTLT-124765.aspx
Thông tư liên tịch 62/2011/TTLT-BTC-BCT-BGTVT Thông tư liên tịch 08/2004/TTLT
BỘ TÀI CHÍNH BỘ CÔNG THƯƠNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 62/2011/TTLT-BTC-BCT-BGTVT Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2011 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỤC IV CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN DỊCH VỤ TRUNG CHUYỂN CONTAINER TẠI CÁC CẢNG BIỂN VIỆT NAM CỦA BỘ THƯƠNG MẠI (NAY LÀ BỘ CÔNG THƯƠNG), BỘ TÀI CHÍNH, BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải; Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005; Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1163/VPCP-CN ngày 15 tháng 03 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ về dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam; Liên Bộ: Công Thương - Tài chính - Giao thông vận tải thống nhất quy định như sau: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Mục IV của Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2004 của liên Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) - Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện dịch vụ trung chuyển container tại các cảng biển Việt Nam như sau: “IV. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đóng trong container trung chuyển Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đóng trong container trung chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 43 về thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa ra, đưa vào cảng trung chuyển của Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu”. Điều 2. Hiệu lực thi hành: 1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/6/2011 2. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp xem xét giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc và hàng năm tổ chức họp rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy định, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 08/2004/TTLT-BTM-BTC-BGTVT ngày 17/12/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) - Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải và Thông tư liên tịch này./. KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thành Biên KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỨ TRƯỞNG Nguyễn Hồng Trường Nơi nhận: -Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng CP; -Văn phòng Quốc hội; VP Chủ tịch nước; -Văn phòng TW và các Ban của Đảng; -Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; -Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao; -Văn phòng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng; -UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; -Sở TC, Cục thuế, Hải quan, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW; -Kiểm toán Nhà nước; -Công báo; Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư Pháp); -Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính; -Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; -Lưu: VT, (BTC, BCT, BGTVT)
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương", "promulgation_date": "13/05/2011", "sign_number": "62/2011/TTLT-BTC-BCT-BGTVT", "signer": "Nguyễn Thành Biên, Nguyễn Hồng Trường, Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư liên tịch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Thong-tu-03-2010-TT-BXDTieu-chuan-ky-nang-nghe-quoc-gia-nhom-nghe-xay-dung-104923.aspx
Thông tư 03/2010/TT-BXDTiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhóm nghề xây dựng mới nhất
BỘ XÂY DỰNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------- Số: 03/2010/TT-BXD Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2010 THÔNG TƯ BAN HÀNH TIÊU CHUẨN KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA ĐỐI VỚI CÁC NGHỀ THUỘC NHÓM NGHỀ XÂY DỰNG. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; Căn cứ Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/3/2008 của Bộ Trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy định nguyên tắc, quy trình xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, QUY ĐỊNH: Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia đối với 10 nghề thuộc nhóm nghề xây dựng, gồm: Nề - Hoàn thiện; Cốp pha - Giàn giáo; Cốt thép - Hàn; Bê tông; Sản xuất gốm thô; Sản xuất gạch Ceramic; Sản xuất sứ vệ sinh; Sản xuất kính; Quản lý cây xanh đô thị và Chạm khắc đá. Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó thủ tướng CP; - VP Quốc hội và các UB của QH; - VP Chủ tịch nước, VPCP; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Toà án nhân nhân dân tối cao; - Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP; - CQ trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố; - Cục kiểm tra VBQPPL(Bộ Tư pháp); - Công báo; Website Chính phủ; - Như Điều 3; - Lưu: VP,TCCB. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Đình Toàn FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
{ "issuing_agency": "Bộ Xây dựng", "promulgation_date": "26/04/2010", "sign_number": "03/2010/TT-BXD", "signer": "Nguyễn Đình Toàn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Ke-hoach-68-KH-UBND-2013-Thang-hanh-dong-vi-chat-luong-an-toan-thuc-pham-Quan-8-Ho-Chi-Minh-542026.aspx
Kế hoạch 68/KH-UBND 2013 Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm Quận 8 Hồ Chí Minh
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8 ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 68/KH-UBND Quận 8, ngày 16 tháng 4 năm 2013 KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2013 TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8 Thực hiện Kế hoạch số 2033/KH-BCĐLNTPVSATTP ngày 08 tháng 04 năm 2013 của Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố về vệ sinh an toàn thực phẩm về triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Quận 8 triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 với những nội dung cụ thể như sau: I. CHỦ ĐỀ “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2013: “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể” Chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) tác động trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài ảnh hưởng đến giống nòi dân tộc và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và các Ban ngành đoàn thể có liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn Quận 8. Sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các Ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 16 phường nên công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP) trên địa bàn Quận 8 đã đạt được kết quả khả quan như: - Không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quận. - Công tác tuyên truyền giáo dục được đẩy mạnh, giúp xã hội, cộng đồng quan tâm đến vấn đề về VSATTP phần nào đã nâng cao nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng (nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm). - Công tác kiểm tra được chú trọng và tăng cường giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về VSATTP, đưa dần hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đi vào khuôn khổ của pháp luật. Tuy nhiên, trên địa bàn Quận 8 vẫn có các bếp ăn tập thể của các trường học, xí nghiệp, công ty với quy mô nhỏ, do đó tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể vẫn có thể có khả năng xảy ra do không đảm bảo VSATTP. Nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở chưa chấp hành đúng quy định về bảo đảm VSATTP trong khâu vệ sinh, chế biến, lựa chọn nguyên liệu... Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, tạo điểm nhấn và huy động được sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác đảm bảo VSATTP nói chung, đặc biệt là VSATTP tại các bếp ăn tập thể cũng như bếp ăn bán trú nâng cao vai trò trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, Ban Giám hiệu các trường học, Ban Quản lý các xí nghiệp, công ty, trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ ăn uống, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm CLVSATTP và mong muốn người dùng được cung cấp bữa ăn bảo đảm sức khỏe, an toàn thực phẩm; Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Quận 8 tổ chức triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 với chủ đề: “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”. II. MỤC TIÊU: 1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, Ban Giám hiệu các trường học, Ban Quản lý các xí nghiệp, công ty; người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm CLVSATTP tại các xí nghiệp, công ty, trường học. 2. Trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm VSATTP trong “Tháng hành động”. 3. Phấn đấu không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì chất lượng, VSATTP; đồng thời duy trì việc không để xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm và khống chế dịch bệnh lây qua đường thực phẩm trong năm 2013. 4. Huy động các kênh truyền thông phổ biến đến 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn liên quan. 5. Tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể. III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI: - Thời gian: Từ 15/04/2013 đến 15/05/2013. - Phạm vi triển khai: trên địa bàn Quận 8. IV. CÁC HOẠT ĐỘNG: Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng VSATTP, Tháng hành động năm 2013 còn là điểm nhấn trong năm, tạo thành đợt cao điểm, phát động một “chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì CLVSATTP” và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các phường, Ban Giám hiệu các trường học, Ban Quản lý của các xí nghiệp, công ty, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với chủ đề chính của năm 2013 như đã nêu, các hoạt động chính được triển khai như sau: 1. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động: * Cấp quận: Lập kế hoạch triển khai, dự trù kinh phí thực hiện và tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. - Thời gian tổ chức: dự kiến từ ngày 16/04/2013 đến 18/04/2013 - Địa điểm: Ủy ban nhân dân Quận 8 (số 04 đường 1011, Phường 5, Quận 8). - Thành phần tham dự bao gồm: + Thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Quận 8, + Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và tổ chức xã hội Quận 8, + Đại diện người lao động tại một số cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiê…….. trên địa bàn quận và người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn quản lý. Phòng Y tế Quận 8 chủ trì phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8, Trung tâm Văn hóa Quận 8 tổ chức thực hiện. * Cấp phường: Mỗi phường chọn 1 địa điểm thuận lợi và thời gian để tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. Thời gian tổ chức từ ngày 22/04/2013 đến 25/04/2013. Đồng thời, các phường triển khai công tác truyền thông trong Tháng hành động VSATTP theo hướng dẫn của Phòng Y tế Quận 8. 2. Các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động: - Các hoạt động về công tác thông tin, giáo dục và truyền thông đảm bảo VSATTP đến các đối tượng: chính quyền địa phương, các nhà quản lý; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chú trọng vào các bếp ăn tập thể); người tiêu dùng thực phẩm (chú trọng vào đối tượng là người sử dụng thực phẩm tại các bếp ăn tập thể). - Chỉ đạo các cơ sở nuôi trồng, sơ chế, giết mổ, sản xuất , kinh doanh thực phẩm treo băng rôn hưởng ứng Tháng hành động. - Hoạt động hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện cam kết về trách nhiệm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực hiện. - Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm trên địa bàn quận, tập trung các cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở suất ăn sẵn; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN 1. Trưởng Phòng Y tế Quận 8: - Phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8, Trung tâm Văn hóa Quận 8 tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. - Lập danh sách, thư mời đại diện một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đến dự Lễ phát động và chọn 03 cơ sở phát động cam kết về trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. - Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận tiến hành kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm theo kế hoạch triển khai “Tháng hành động ATVPTP”. 2. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8: - Chủ trì phối hợp với Phòng Y tế Quận 8 và Trung tâm Văn hóa Quận 8 tổ chức Lễ phát động Tháng hành động năm 2013. - Phối hợp với Trung tâm Văn hóa Quận 8 thực hiện các băng rôn, panô tuyên truyền về “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 trên các trục đường chính của quận; tổ chức tuyên truyền kiến thức VSATTP, treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng “Tháng hành động ATVSTP” tại các trường học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (đặc biệt các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể). - Tổ chức giám sát các phường trong việc triển khai thực hiện kế hoạch “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. 3. Trưởng Phòng Kinh tế Quận 8: Phối hợp Phòng Y tế Quận 8 và liên hệ Sở Công Thương thành phố để chuẩn bị cho lễ phát động của thành phố tại Chợ Bình Điền. 4. Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 8: - Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 thực hiện treo băng rôn, panô tuyên truyền trên các trục đường chính của quận. - Chuẩn bị sân khấu, âm thanh, văn nghệ phục vụ cho buổi Lễ phát động. 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường: - Tổ chức Lễ phát động, hưởng ứng tuyên truyền “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 trên địa bàn phường. - Tổ chức tuyên truyền “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” trên hệ thống loa phát thanh và tăng cường các hình thức tuyên truyền cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phường các kiến thức, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. - Hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người buôn bán thức ăn đường phố, tiểu thương tại các chợ tự phát đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Sắp xếp, bố trí địa điểm kinh doanh thích hợp cho những người buôn bán thức ăn đường phố. - Tổ chức triển khai công tác kiểm tra đối với thức ăn đường phố. VI. CÔNG TÁC BÁO CÁO: Kết thúc “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP 16 phường và các Ban ngành đoàn thể liên quan báo cáo kết quả hoạt động về Phòng Y tế Quận 8, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Quận 8 trước ngày 18/5/2013 để tổng hợp báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân Quận 8, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố. VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN: - Kinh phí sự nghiệp của địa phương. - Nguồn kinh phí từ Chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố phân bổ cho các đơn vị. - Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 có nhiệm vụ thanh quyết toán các chi phí thực hiện cho “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 theo quy định. Trên đây là Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 16 phường khẩn trương triển khai thực hiện./. Nơi nhận: - Sở Y tế TP.HCM; - Chi cục ATVSTP; - TT.UBND Quận 8; - Thành viên BCĐLNVSATTP Quận 8; - Phòng Y tế Quận 8; Phòng kinh tế Q8; - TTYTDP Quận 8; - Trung tâm Văn hóa Quận 8; - UBND 16 phường; - VP (C, PVP, Nhi); - Lưu: VT. TRƯỞNG BAN PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN Nguyễn Thị Ngọc Bích PHỤ LỤC 1 KHẨU HIỆU CỦA “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM” NĂM 2013 (Kèm theo Kế hoạch số /KH- BCĐLNVSATTP ngày tháng năm 2013 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Quận 8) 1. Nhiệt liệt hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013. 2. Bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp. 3. Vì sức khoẻ và phát triển bền vững, hãy sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn. 4. Để bảo vệ sức khoẻ của bạn hãy lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn. 5. Lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan hãy nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. 6. Không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm. 7. Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 8. Bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp là trách nhiệm của Ban quản lý 9. Hiểu và thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm là trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp và cộng đồng 10. Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 11. Sức khoẻ của công nhân lao động trong khu chế xuất và khu công nghiệp chính là tài sản của doanh nghiệp. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm 2013 BẢN CAM KẾT Doanh nghiệp: ...................................................................................................................... ............................................................................................................................................... ............................................................................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................. ............................................................................................................................................... ............................................................................................................................................... Số điện thoại:........................................................................................................................ Chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp ĐẠI DIỆN CƠ QUAN Y TẾ ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP
{ "issuing_agency": "Quận 8", "promulgation_date": "16/04/2013", "sign_number": "68/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Thị Ngọc Bích", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-42-2017-TT-BTC-kinh-phi-ho-tro-tu-ngan-sach-nha-nuoc-hoat-dong-sang-tao-tac-pham-351556.aspx
Thông tư 42/2017/TT-BTC kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoạt động sáng tạo tác phẩm
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 42/2017/TT-BTC Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2017 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO TÁC PHẨM, CÔNG TRÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, BÁO CHÍ Ở TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỊA PHƯƠNG, HỖ TRỢ TÁC PHẨM BÁO CHÍ CHẤT LƯỢNG CAO Ở CÁC HỘI NHÀ BÁO ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; Thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 650/QĐ-TTg); Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020. Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020 theo những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Lĩnh vực văn học nghệ thuật: a) Các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương (bao gồm: Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. b) Tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, địa phương trong các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (được gọi là hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật) phù hợp với các đề tài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương được Hội đồng hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (sau đây gọi là Hội đồng) xét duyệt thông qua. c) Tác giả, nhóm tác giả đã có đóng góp về văn học nghệ thuật, có nhiều vốn sống, nhóm tác giả có khả năng sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được Hội đồng xét duyệt thông qua. d) Tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao chưa được đầu tư và được Hội đồng xét duyệt hỗ trợ của Hội thông qua, phù hợp với các mảng đề tài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg. 2. Lĩnh vực báo chí: a) Hội Nhà báo Việt Nam bao gồm: Cơ quan Trung ương Hội; Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội và Hội Nhà báo địa phương. b) Tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao phản ánh kịp thời các sự kiện lớn, quan trọng trong đời sống - xã hội của các địa phương, vùng, miền, đất nước; tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đăng ký, phê duyệt đề cương và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ, các đề tài, mảng đề tài theo quy định tại Quyết định số 650/QĐ-TTg. Chương II NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ Mục I. NỘI DUNG CHI, MỨC CHI HỖ TRỢ VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ Điều 3. Nội dung chi và mức chi 1. Tổ chức các hội thảo, hội nghị nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, tập huấn bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật, trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại và bồi dưỡng tài năng trẻ trong hoạt động nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; chi tổ chức trại sáng tác, thâm nhập thực tế nhằm sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí hoặc trao đổi, tọa đàm, tiếp nhận thông tin, nâng cao nghiệp vụ: Nội dung chi và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (mức hỗ trợ thành viên tham gia không phân biệt đối tượng hưởng lương và không hưởng lương từ ngân sách). Các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ kinh phí thì không được thanh toán tiền công tác phí từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi công tác. Quy định về thời gian tổ chức hội thảo, tập huấn, đi thực tế sáng tác như sau: Thời gian tổ chức hội thảo không quá 3 ngày. Thời gian tổ chức tập huấn không quá 7 ngày. Thời gian tổ chức 01 đợt đi thực tế không quá 15 ngày. 2. Chi tổ chức hội thảo khoa học sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. 3. Chi mua tư liệu, tài liệu cập nhật thông tin mới phục vụ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật/báo chí, mua vật tư, thuê máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, đợt đi thực tế sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật/báo chí: Theo hợp đồng thực tế và các quy định của Luật Đấu thầu. 4. Hoạt động của tác giả, nhóm tác giả thực hiện sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí; hoạt động của tác giả, nhóm tác giả công bố tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí. 5. Công tác tổ chức thẩm định đề cương, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí: Mức chi trực tiếp cho các thành viên Hội đồng thẩm định đề cương, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật/báo chí do Hội đồng xét duyệt hỗ trợ xem xét, quyết định căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao. 6. Công bố, quảng bá tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương; Công bố, quảng bá các tác phẩm báo chí ở Trung ương, địa phương: Theo hợp đồng thực tế và quy định hiện hành. 7. Tổ chức, hướng dẫn, đánh giá, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương của Hội Nhà báo Việt Nam: nội dung và mức chi phải được quy định trong “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” của các cấp Hội, áp dụng theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 8. Các hoạt động liên quan đến hoạt động hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật, tác phẩm báo chí chất lượng cao: tiền công, in ấn tài liệu, photocopy, văn phòng phẩm, điện thoại, bưu phẩm và một số hoạt động khác phải có hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn (trong trường hợp thuê dịch vụ). 9. Các hoạt động hỗ trợ các tác phẩm báo chí đạt Giải thưởng tác phẩm báo chí chất lượng cao của khu vực, phù hợp với tiêu chí hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg: Mức chi do Hội đồng xét duyệt hỗ trợ xem xét, quyết định căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao. 10. Chi hỗ trợ thành viên tham gia các lớp tập huấn: nội dung và mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức. Căn cứ nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các Hội, phạm vi nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội, các cấp Hội xây dựng mức chi cụ thể tại “Quy chế chi tiêu hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016-2020” (sau đây gọi là “Quy chế chi tiêu hỗ trợ”), đảm bảo mức chi tối đa không vượt quá các quy định về định mức, chế độ chi tiêu hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này. Điều 4. Hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật chất lượng cao Hỗ trợ các đối tượng quy định tại Điểm c, d, Khoản 1 Điều 2 Thông tư này thực hiện các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật chất lượng cao theo tiêu chí xác định tác phẩm, công trình có chất lượng cao trong các lĩnh vực hoạt động của các Hội văn học nghệ thuật. Các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Khoản 4,5,6,8 Điều 3 Thông tư này. Điều 5. Phương thức hỗ trợ Phương thức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 5 (Đối với hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật) và Điều 8 (Đối với hoạt động hỗ trợ báo chí) Thông tư số 16/2016/TT-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 - 2020. Mục II. NGUỒN KINH PHÍ HỖ TRỢ VÀ CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN, CHẤP HÀNH, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ Điều 6. Nguồn kinh phí hỗ trợ 1. Nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương. 2. Nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương. 3. Nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Điều 7. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí hỗ trợ Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao được thực hiện như sau: 1. Lập dự toán: Hàng năm, các Hội Trung ương và các Hội địa phương (Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo) thực hiện lập kế hoạch sử dụng kinh phí hỗ trợ theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 650/QĐ-TTg, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. 2. Quản lý và sử dụng: a) Chủ tịch các cấp Hội thành lập Hội đồng nghiệm thu để xét duyệt, chọn lọc đề cương, đánh giá, nghiệm thu, thẩm định tác phẩm báo chí chất lượng cao và xem xét việc sử dụng kinh phí theo “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” đã ban hành, đảm bảo kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm. b) Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi trên cơ sở: Quy chế chi tiêu hỗ trợ; Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính đối với các Hội Trung ương, của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các Hội địa phương; Hợp đồng kinh tế đối với các khoản chi yêu cầu hợp đồng. Việc kiểm soát chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 1 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012. c) Các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng công việc thực hiện, mức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ và giá trị đề nghị thanh toán; đảm bảo tính hợp pháp của các số liệu, tài liệu trong hồ sơ thanh toán cung cấp cho Kho bạc Nhà nước và các cơ quan chức năng của Nhà nước. 3. Quyết toán, kiểm tra: a) Hàng năm các cấp Hội thực hiện quyết toán kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, tác phẩm báo chí chất lượng cao, tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước của cơ quan Hội, gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định hiện hành. b) Thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với đơn vị dự toán ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và các quy định hiện hành. c) Thực hiện việc tự kiểm tra tài chính, kế toán tại đơn vị theo quy định tại Luật Kế toán, Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành. 4. Kết thúc năm ngân sách, kinh phí hỗ trợ chưa sử dụng hết trong năm được xử lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều 8. Hướng dẫn chi tiết về xây dựng “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” 1. Các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Nhà báo địa phương xây dựng “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” cho các hoạt động được hỗ trợ phù hợp với đối tượng được áp dụng giai đoạn 2016-2020 và được bổ sung sửa đổi Quy chế nếu phát hiện có nội dung chưa phù hợp hoặc để phù hợp với Chương trình năm công tác thực tế ở Trung ương và địa phương. 2. Các Hội Văn học nghệ thuật khối Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương chịu trách nhiệm ban hành “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” trên cơ sở thảo luận công khai và thống nhất trong Thường trực Thường vụ, Ban Thường vụ (Đối với Hội Nhà báo Việt Nam), Thường trực Hội, Ban Thường vụ (đối với các Hội Văn học nghệ thuật), Ban Chấp hành, Ban Thư ký các cấp Hội. “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” được phổ biến công khai đến toàn thể hội viên và gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, quản lý giám sát thực hiện; gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi; gửi Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam để theo dõi, quản lý, giám sát thực hiện. Nội dung xây dựng “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này. 3. Việc sử dụng kinh phí theo nguyên tắc tập trung, căn cứ vào điều kiện thực tế, tính chất công việc, tình hình thực hiện năm trước, Chủ tịch hoặc Thư ký các cấp Hội thống nhất với Hội đồng xét duyệt, nghiệm thu và quy định trong Quy chế chi tiêu hỗ trợ các nội dung sau: a) Mức phân bổ kinh phí hỗ trợ trong năm (theo trình tự: hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả, đi thực tế sáng tác; hỗ trợ gián tiếp qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, nghiệm thu, thẩm định, công bố tác phẩm). b) Nội dung, trình tự các bước tổ chức thực hiện (chọn lọc đề cương hoặc kế hoạch, bản thảo, xét duyệt, đánh giá, thẩm định, nghiệm thu, công bố tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời hạn hoàn thành tác phẩm hoặc bản thảo tác phẩm). 4. Không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, tác phẩm báo chí chất lượng cao để thực hiện các công việc ngoài Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 650/QĐ-TTg. Điều 9. Thanh tra, kiểm tra Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra định kỳ hàng năm và đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí. Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị 1. Các Hội Văn học nghệ thuật, Nhà báo ở Trung ương và địa phương: a) Định kỳ hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình và kết quả việc sử dụng kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí gửi Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Hội Văn học nghệ thuật địa phương), Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để theo dõi, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. b) Căn cứ các đề tài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg, các Hội Văn học nghệ thuật, Nhà báo ban hành tiêu chí xác định tác phẩm, công trình có chất lượng cao trong các lĩnh vực hoạt động của Hội, phù hợp với đặc thù của Hội và từng địa phương, được quy định trong “Quy chế chi tiêu hỗ trợ” của các Hội; dành một phần kinh phí để hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao theo Quyết định số 650/QĐ-TTg. 2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương. 3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích và đúng chế độ quy định; căn cứ khả năng cân đối, chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí chất lượng cao theo Quyết định số 650/QĐ-TTg. Điều 11. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 06 năm 2017. 2. Việc thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án năm 2016 đã được cơ quan có thẩm quyền giao, thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT/BVHTT-BTC ngày 7/3/2012 của liên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương giai đoạn 2011-2015; Thông tư liên tịch số 18/2012/TTLT/BTC-BTTTT ngày 14/02/2012 của liên Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở trung ương và địa phương giai đoạn 2011-2015. Việc thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2017, thực hiện theo quy định tại Thông tư này. 3. Trong quá trình thi hành Thông tư này, nếu các văn bản hướng dẫn thực hiện được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo các văn bản mới thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. 4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ; - Kiểm toán Nhà nước; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; - Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; - UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; - Các Hội VHNT ở T.Ư và địa phương; - Hội Nhà báo Việt Nam; Chi Hội Nhà báo địa phương; - Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Website Chính phủ; - Công báo; - Website Bộ TC; - Lưu: VT, HCSN(20), PTH (550). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "28/04/2017", "sign_number": "42/2017/TT-BTC", "signer": "Trần Xuân Hà", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Thong-tu-10-2020-TT-BGTVT-dat-hang-cung-cap-dich-vu-su-nghiep-cong-quan-ly-duong-thuy-noi-dia-442329.aspx
Thông tư 10/2020/TT-BGTVT đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý đường thủy nội địa mới nhất
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 10/2020/TT-BGTVT Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2020 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC ĐẶT HÀNG, ĐẤU THẦU CUNG CẤP DỊCH VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG QUẢN LÝ, BẢO TRÌ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA QUỐC GIA SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ NGUỒN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014; Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 2. Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí. 3. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có). Điều 4. Phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đấu thầu trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa được đặt hàng theo quy định. Điều 5. Cơ quan, đơn vị tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia Cục Đường thủy nội địa Việt Nam là cơ quan tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Điều 6. Tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Điều 16 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32/2019/NĐ-CP). 2. Việc tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau: a) Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; b) Hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt; c) Thông tin về đấu thầu đã được đăng tải theo quy định của pháp luật về đấu thầu; d) Nội dung, danh mục dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được phê duyệt; đ) Giá gói thầu dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được duyệt theo quy định. 3. Nhà thầu tham gia đấu thầu thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đường thủy nội địa phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. 4. Riêng đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên được thực hiện đấu thầu khi có Quyết định giao dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính và kế hoạch bảo trì được duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 7. Tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công tổ chức đặt hàng: Khắc phục, xử lý ách tắc giao thông và tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 12/2018/TT-BGTVT ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa. 2. Hình thức đặt hàng và nội dung đặt hàng: Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 14 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, lập, thẩm định và trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư và của bên mời thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. 2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, ký hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP. 3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt giá dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng. Trình tự lập, thủ tục lập, thẩm định, định giá dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Luật giá, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 và các quy định pháp luật liên quan về quản lý giá hiện hành. Điều 9. Điều chỉnh kinh phí đặt hàng, điều chỉnh hợp đồng đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia 1. Kinh phí đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau: a) Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương; b) Nhà nước điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, giá, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công, thay đổi số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công đặt hàng; c) Nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật ảnh hưởng đến cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. 2. Các cơ quan, đơn vị được giao ký hợp đồng đặt hàng, quyết định đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thực hiện điều chỉnh kinh phí đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; việc chấp thuận điều chỉnh kinh phí đặt hàng phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều này và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao hàng năm. 3. Việc điều chỉnh hợp đồng đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thực hiện theo quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật liên quan. Điều 10. Giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức giám sát, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia theo quy định của pháp luật. Điều 11. Hiệu lực thi hành 1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Bãi bỏ Thông tư số 53/2017/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc đấu thầu, đặt hàng sản xuất và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ích quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thuộc dự toán chi của ngân sách trung ương. 2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Điều 12. Quy định chuyển tiếp Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia và các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải phân cấp hoặc ủy quyền quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia tiếp tục thực hiện tổ chức đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này và các quy định của pháp luật cho đến khi việc giao nhiệm vụ, phân cấp hoặc ủy quyền kết thúc. Điều 13. Tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Như Điều 13; - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Bộ trưởng Bộ GTVT; - Các Thứ trưởng Bộ GTVT; - Cục Kiểm soát TTHC (VPCP); - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ GTVT; - Báo Giao thông; - Lưu: VT, TC (Phúc 5b). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Nhật
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "11/05/2020", "sign_number": "10/2020/TT-BGTVT", "signer": "Nguyễn Nhật", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-01-2019-TT-BXD-bai-bo-toan-bo-mot-phan-van-ban-quy-pham-phap-luat-418659.aspx
Thông tư 01/2019/TT-BXD bãi bỏ toàn bộ một phần văn bản quy phạm pháp luật mới nhất
BỘ XÂY DỰNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 01/2019/TT-BXD Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2019 THÔNG TƯ BÃI BỎ TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN MỘT SỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG BAN HÀNH HOẶC LIÊN TỊCH BAN HÀNH Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành. Điều 1. Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật 1. Bãi bỏ toàn bộ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, liên tịch ban hành tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. 2. Bãi bỏ một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Điều 2. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2019. Điều 3. Tổ chức thực hiện Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội, VP Chủ tịch nước; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Toà án nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp; - Các đơn vị thuộc BXD; - Công báo; - Lưu: VT, PC (10). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Văn Sinh PHỤ LỤC 1: DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG BAN HÀNH, LIÊN TỊCH BAN HÀNH BỊ BÃI BỎ TOÀN BỘ (Kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BXD ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) I. Lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị 1. Thông tư liên tịch số 02/2002/TTLT-BXD-TCCBCP ngày 08/3/2002 của Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị. 2. Thông tư số 08/2008/TT-BXD ngày 10/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch các tỉnh, thành phố. 3. Thông tư số 15/2008/TT-BXD ngày 17/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá, công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu. 4. Thông tư số 26/2009/TT-BXD ngày 29/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điều 6, 7, 8, 9, 11, 12, 14 Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng Khu vực xung quanh trung tâm Hội nghị Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BXD ngày 23/3/2007 của Bộ Xây dựng. 5. Thông tư liên tịch số 30/2009/TTLT-BXD-BKHĐT ngày 27/8/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết một số điểm tại Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. 6. Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị. 7. Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. 8. Thông tư số 05/2011/TT-BXD ngày 09/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công tác khảo sát lập bản đồ địa hình phục vụ quy hoạch và thiết kế xây dựng. 9. Quyết định số 30/2006/QĐ-BXD ngày 14/9/2006 của Bộ Xây dựng ban hành quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ tác phong của cán bộ công chức trong các lĩnh vực thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; cung cấp thông tin và chứng chỉ quy hoạch xây dựng. 10. Quyết định số 12/2007/QĐ-BXD ngày 23/03/2007 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng khu vực xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia. II. Lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng 1. Thông tư số 16/2000/TT-BXD ngày 11/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý xây dựng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và quản lý các nhà thầu nước ngoài vào nhận thầu xây dựng và tư vấn xây dựng công trình tại Việt Nam. 2. Thông tư số 06/2006/TT-BXD ngày 10/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ lựa chọn địa điểm và thiết kế xây dựng công trình. 3. Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác bảo trì công trình xây dựng. 4. Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. 5. Quyết định số 11/2006/QĐ-BXD ngày 11/4/2006 của Bộ Xây dựng về ủy quyền trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đối với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng. 6. Quyết định số 31/2006/QĐ-BXD ngày 14/9/2006 của Bộ Xây dựng ban hành quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ tác phong của cán bộ công chức trong việc cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam. 7. Quyết định số 33/2006/QĐ-BXD ngày 05/10/2006 của Bộ Xây dựng ban hành quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ tác phong của cán bộ công chức trong lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình. 8. Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD ngày 23/11/2006 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân. III. Lĩnh vực quản lý chi phí xây dựng 1. Thông tư số 02/2004/TT-BXD ngày 22/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tính bổ sung chi phí xây dựng công trình do giá thép xây dựng tăng đột biến. 2. Thông tư số 07/2005/TT-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp quy đổi chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình tại thời điểm bàn giao đưa vào sử dụng. 3. Thông tư số 03/2006/TT-BXD ngày 22/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn bổ sung một số nội dung của các Thông tư số 02/2005/TT-BXD; Thông tư số 04/2005/TT-BXD và Thông tư số 06/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng. 4. Quyết định số 02/1999/QĐ-BXD ngày 11/01/1999 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức tỷ lệ khấu hao hàng năm của các loại máy và thiết bị xây dựng. 5. Quyết định số 28/2000/QĐ-BXD ngày 15/12/2000 của Bộ Xây dựng về việc ban hành bảng giá ca máy khảo sát xây dựng. 6. Quyết định số 14/2004/QĐ-BXD ngày 14/5/2004 của Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức dự toán công tác sản xuất nước sạch. 7. Quyết định số 37/2005/QĐ-BXD ngày 02/11/2005 của Bộ Xây dựng về việc ban hành “Định mức dự toán duy trì hệ thống thoát nước đô thị”. 8. Quyết định số 25/2006/QĐ-BXD ngày 05/9/2006 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Định mức dự toán xây dựng công trình phần thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng. 9. Quyết định số 13/2007/QĐ-BXD ngày 23/04/2007 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành “Định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp rác thải đô thị”. 10. Quyết định số 14/2007/QĐ-BXD ngày 23/04/2007 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành “Định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị”. IV. Lĩnh vực quản lý vật liệu xây dựng 1. Thông tư số 06/2000/TT-BXD ngày 04/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-Ttg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng vật liệu xây dựng. 2. Thông tư số 13/2000/TT-BXD ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2000/TT-BXD ngày 04/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. 3. Thông tư số 25/2016/TT-BXD ngày 09/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố danh mục và mã số HS vật liệu amiăng thuộc nhóm amfibole cấm nhập khẩu. 4. Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung. V. Lĩnh vực quản lý nhà và thị trường bất động sản 1. Thông tư số 01/2007/TT-BXD ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 213/2006/QĐ-Ttg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ. 2. Thông tư số 10/2007/TT-BXD ngày 22/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quy hoạch xây dựng công sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. 3. Thông tư số 06/2009/TT-BXD ngày 17/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung của Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 141/2008/QĐ-Ttg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ. 4. Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. 5. Thông tư số 11/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chế độ báo cáo về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản. 6. Quyết định số 15/2006/QĐ-BXD ngày 02/6/2006 của Bộ Xây dựng ban hành quy định chế độ bảo trì công sở các cơ quan hành chính nhà nước. 7. Quyết định số 16/2006/QĐ-BXD ngày 05/6/2006 của Bộ Xây dựng ban hành Quy định thiết kế điển hình, thiết kế mẫu công sở hành chính nhà nước. 8. Quyết định số 29/2006/QĐ-BXD ngày 14/9/2006 của Bộ Xây dựng ban hành quy định công khai thủ tục hành chính và thái độ, tác phong của cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. VI. Lĩnh vực quy chuẩn, tiêu chuẩn 1. Quyết định số 08/2003/QĐ-BXD ngày 26/3/2003 của Bộ Xây dựng ban hành TCXDVN 276:2003 “Công trình công cộng - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế”. 2. Quyết định số 18/2007/QĐ-BXD ngày 15/05/2007 của Bộ Xây dựng ban hành TCXDVN 365:2007 “Bệnh viện đa khoa - Hướng dẫn thiết kế”. VII. Lĩnh vực khác 1. Thông tư số 06/2011/TT-BXD ngày 21/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng thực thi Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 14/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. 2. Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD ngày 18/01/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng về hướng dẫn các quy định về bảo vệ môi trường đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải rắn. 3. Thông tư liên tịch số 18/2005/TTLT-BXD-TTCP ngày 04/11/2005 của Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn một số nội dung về thanh tra xây dựng. 4. Quyết định số 09/2001/QĐ-BXD ngày 25/5/2001 của Bộ Xây dựng ban hành quy định về công tác tiếp nhận, xử lý và ban hành văn bản của cơ quan Bộ Xây dựng. 5. Quyết định số 37/2002/QĐ-BXD ngày 26/12/2002 của Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động của Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2002 - 2007. 6. Quyết định số 07/2003/QĐ-BXD ngày 26/3/2003 của Bộ Xây dựng về việc ban hành “Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2010 và tầm nhìn 2020”. 7. Quyết định số 06/2004/QĐ-BXD ngày 21/4/2004 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định điều chỉnh mức thu một phần viện phí tại các cơ sở khám chữa bệnh trong hệ thống y tế thuộc Bộ Xây dựng quản lý. 8. Quyết định số 13/2004/QĐ-BXD ngày 13/5/2004 của Bộ Xây dựng về việc ban hành tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ công chức lãnh đạo ngành xây dựng tại địa phương. 9. Quyết định số 25/2005/QĐ-BXD ngày 08/8/2005 của Bộ Xây dựng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng. 10. Quyết định 36/2005/QĐ-BXD ngày 24/10/2005 của Bộ Xây dựng quy định về tiêu chuẩn Thanh tra viên, cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Thanh tra xây dựng; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra Xây dựng. 11. Quyết định số 25/2007/QĐ-BXD ngày 30/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc ban hành các mẫu văn bản; quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 89/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. 12. Quyết định số 05/2008/QĐ-BXD ngày 08/4/2008 của Bộ Xây dựng ban hành chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011. 13. Quyết định số 12/2008/QĐ-BXD ngày 26/9/2008 về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Bộ Xây dựng. 14. Quyết định số 678/2008/QĐ-BXD ngày 09/5/2008 của Bộ Xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Xây dựng. PHỤ LỤC 2: DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG BAN HÀNH BỊ BÃI BỎ MỘT PHẦN (Kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BXD ngày 28 tháng 6 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) 1. Bãi bỏ một phần quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 10/2018/TT-BXD ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngay 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “1. Cơ sở đào tạo phải thành lập bộ phận quản lý đào tạo để tổ chức các khóa đào tạo, lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác đào tạo; phải ban hành quy chế quản lý đào tạo, trong đó quy định về việc tuyển sinh, thời gian mỗi khóa học, số lượng bài giảng, thời lượng tiết học của từng bài giảng (kể cả bài giảng không thuộc chuyên đề bắt buộc theo quy định của Thông tư này), việc kiểm tra cuối khóa học, tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả học tập, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học”. 2. Bãi bỏ một phần quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và một số quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Cơ sở đào tạo phải thành lập bộ phận quản lý đào tạo để tổ chức các khóa đào tạo, lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan tới công tác đào tạo; phải ban hành quy chế quản lý đào tạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện tuyển sinh, thời gian mỗi khóa học, số lượng bài giảng, thời lượng tiết học của từng bài giảng (kể cả bài giảng không thuộc chuyên đề bắt buộc theo quy định của Thông tư này), việc kiểm tra cuối khóa học, tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả học tập, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo áp dụng đối với từng đối tượng người học quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Thông tư này”.
{ "issuing_agency": "Bộ Xây dựng", "promulgation_date": "28/06/2019", "sign_number": "01/2019/TT-BXD", "signer": "Nguyễn Văn Sinh", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Lenh-cong-bo-Luat-dat-dai-23-2003-L-CTN-60585.aspx
Lệnh công bố Luật đất đai 23/2003/L-CTN
CHỦ TỊCH NƯỚC ***** CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ******* Số: 23/2003/L-CTN Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2003 LỆNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ LUẬT ĐẤT ĐAI CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Căn cứ Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ 10; Căn cứ vào Điều 91 của Luật Tổ chức Quốc hội; Căn cứ vào Điều 50 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, NAY CÔNG BỐ: Luật Đất đai. Đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003./. CHỦ TỊCH NƯỚC Trần Đức Lương
{ "issuing_agency": "Chủ tịch nước", "promulgation_date": "10/12/2003", "sign_number": "23/2003/L-CTN", "signer": "Trần Đức Lương", "type": "Lệnh" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-06-2014-ND-CP-van-dong-quan-chung-bao-ve-an-ninh-quoc-gia-giu-gin-trat-tu-xa-hoi-219863.aspx
Nghị định 06/2014/NĐ-CP vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia giữ gìn trật tự xã hội mới nhất
CHÍNH PHỦ -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 06/2014/NĐ-CP Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014 NGHỊ ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, GIỮ GÌN TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Luật an ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an; Chính phủ ban hành Nghị định về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (sau đây gọi chung là bảo vệ an ninh, trật tự); chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Điều 2. Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; cơ quan, tổ chức Việt Nam, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức); công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là cá nhân). Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Điều 3. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau: 1. Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự là việc huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự. 2. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách làm tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. 3. Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là sĩ quan, hạ sĩ quan của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Điều 4. Nguyên tắc áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp vận động quần chúng với các biện pháp công tác khác để bảo vệ an ninh, trật tự. 3. Không được lợi dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chương 2. NỘI DUNG, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM, HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Điều 5. Nội dung biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chủ trương, quy định, kế hoạch huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 3. Tổ chức, động viên, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thành lập và hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Điều 6. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự có thẩm quyền: a) Thực hiện các nội dung của biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự quy định tại Điều 5 Nghị định này; b) Sử dụng các biện pháp công tác cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện các nội dung của biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. 2. Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng có trách nhiệm: a) Thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ danh dự, tài sản của các cơ quan, tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng; b) Thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc bị thiệt hại trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật. Điều 7. Hình thức, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự được thực hiện bằng hình thức công khai hoặc bí mật, vận động rộng rãi, vận động tập trung hoặc vận động cá biệt. 2. Hình thức, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp vận động quần chúng trong các lĩnh vực công tác cụ thể được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và quy định của pháp luật có liên quan. Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Phối hợp với cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. 2. Tạo điều kiện để các cá nhân trong cơ quan, tổ chức mình tham gia bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật. Điều 9. Trách nhiệm của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Chấp hành và thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật. 2. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự. 3. Tham gia các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo năng lực, điều kiện của bản thân; tham gia xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo quy định của pháp luật. Điều 10. Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự 1. Cơ quan, tổ chức tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được bảo vệ về danh dự, tài sản; cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự mà bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự thì được xem xét công nhận là liệt sĩ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 11. Kinh phí bảo đảm thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự 1. Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự: a) Ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; b) Đóng góp, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. 2. Việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chương 3. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 12. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 3 năm 2014. Điều 13. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này. 2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này trong Quân đội nhân dân. 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./. Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, NC (3b). TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "21/01/2014", "sign_number": "06/2014/NĐ-CP", "signer": "Nguyễn Tấn Dũng", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Chi-thi-11-CT-BTTTT-tang-cuong-bao-ve-bi-mat-thong-tin-ca-nhan-nguoi-su-dung-dich-vu-ngan-sim-sai-quy-dinh-307406.aspx
Chỉ thị 11/CT-BTTTT tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người sử dụng dịch vụ ngăn sim sai quy định
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 11/CT-BTTTT Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2016 CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ BÍ MẬT THÔNG TIN CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ VÀ NGĂN CHẶN VIỆC MUA BÁN, LƯU THÔNG SIM DI ĐỘNG SAI QUY ĐỊNH Thời gian gần đây việc mua bán thông tin cá nhân trong đó có số thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông đang diễn ra công khai trên mạng, đồng thời việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định vẫn tiếp tục diễn ra một cách phổ biến. Điều này một phần do các tổ chức trong đó có các doanh nghiệp viễn thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin riêng của khách hàng, một phần do sự thiếu ý thức trong việc tự bảo mật thông tin cá nhân và trách nhiệm đăng ký chính xác thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Luật An toàn thông tin mạng nghiêm cấm hành vi “Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, Điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân” (Điều 7). Luật Viễn thông quy định “Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông” (Điều 6). Thông tư 04/2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước nghiêm cấm hành vi “Mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định” (Điều 5). Việc vi phạm các quy định này đang gây bức xúc ngày càng tăng trong xã hội và gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định, góp phần tiếp tục hạn chế việc phát tán tin nhắn rác, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để kiểm tra, xác minh, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đồng thời nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau: 1. Các doanh nghiệp viễn thông di động 1.1. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các Điểm đăng ký thông tin thuê bao (của doanh nghiệp và của các tổ chức, cá nhân được ủy quyền) nghiêm túc chấp hành các quy định về trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông; không mua bán, lưu thông SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo đúng quy định. 1.2. Tổ chức triển khai các biện pháp để kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông và việc mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước của các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các Điểm đăng ký thông tin thuê bao. 1.3. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình bảo vệ thông tin và ngăn ngừa việc truy cập, sử dụng, tiết lộ, sửa đổi và phá hoại trái phép cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc doanh nghiệp trong từng công đoạn quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu thuê bao. Phổ biến, đào tạo và quán triệt các quy định, quy trình đó cho tất cả các cán bộ, công nhân viên có liên quan trực tiếp. 1.4. Triển khai các phương án để thực hiện nghiêm túc, chính xác và đầy đủ quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước, theo đó doanh nghiệp “không được kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định”. 1.5. Bổ sung quy định xử phạt và xử lý nghiêm các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các Điểm đăng ký thông tin thuê bao và các cá nhân thuộc doanh nghiệp có hành vi kích hoạt SIM chưa đăng ký thông tin thuê bao, mua bán, lưu thông trên thị trường SIM sai quy định; mua bán, trao đổi, tiết lộ thông tin thuê bao trái pháp luật. 1.6. Phân công cán bộ chuyên trách trong ban lãnh đạo của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Điểm 1.4, 1.5 Chỉ thị này và có hình thức xử lý khi tình trạng vi phạm không được cải thiện. 1.7. Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình triển khai Chỉ thị này theo hướng dẫn của Cục Viễn thông. 2. Cục An toàn thông tin 2.1. Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân quy định tại Luật an toàn thông tin mạng. 2.2. Chủ trì thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến trên website và các kênh thông tin trực tuyến khác để tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng. 2.3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các nội dung sau: a) Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn cho thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp quản lý; b) Rà soát lỗ hổng bảo mật của cơ sở dữ liệu về thông tin cá nhân do doanh nghiệp quản lý. 2.4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ. 3. Thanh tra Bộ, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 3.1. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất, sửa đổi bổ sung Nghị định 174/2013/NĐ-CP theo hướng tăng chế tài xử phạt để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thu thập, sử dụng, phát tán và kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông và mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định. 3.2. Thanh tra Bộ, thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có liên quan triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về mua bán thông tin cá nhân và mua bán SIM đã kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định tại các tổng đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, Điểm đăng ký thông tin thuê bao để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. 4. Cục Viễn thông 4.1. Chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông di động, và các cơ quan báo chí, truyền thông thông báo tới người sử dụng dịch vụ các nội dung sau: a) Tăng cường cảnh giác, thận trọng trong việc cung cấp thông tin cá nhân trong đó bao gồm số thuê bao cho các tổ chức, cá nhân khác; b) Nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tự bảo vệ thông tin cá nhân và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng; c) Không thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; không lợi dụng sơ hở, Điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân. 4.2. Nghiên cứu, đề xuất các quy định về quản lý giá cước và khuyến mại trong hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động theo hướng tập trung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác và cam kết là khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp. 4.3. Hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông báo cáo và tổng hợp các báo cáo từ các doanh nghiệp di động về tình hình thực hiện Chỉ thị này; chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Thanh tra Bộ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng tổng hợp kết quả hoặc khi có vi phạm nghiêm trọng phát sinh, báo cáo Bộ trưởng./. Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Bộ Công an; - Bộ TTTT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, cổng thông tin điện tử Bộ; - Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí; - Các doanh nghiệp viễn thông di động; - Lưu: VT, CVT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Bắc Son
{ "issuing_agency": "Bộ Thông tin và Truyền thông", "promulgation_date": "18/03/2016", "sign_number": "11/CT-BTTTT", "signer": "Nguyễn Bắc Son", "type": "Chỉ thị" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Thong-tu-181-2013-TT-BTC-chinh-sach-uu-dai-thue-du-an-ODA-nguon-von-vay-uu-dai-nha-tai-tro-217627.aspx
Thông tư 181/2013/TT-BTC chính sách ưu đãi thuế dự án ODA nguồn vốn vay ưu đãi nhà tài trợ mới nhất
BỘ TÀI CHÍNH ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 181/2013/TT-BTC Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2013 THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ ƯU ĐÃI THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA) VÀ NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH12 ngày 20 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22 tháng 11 năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như sau: Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này áp dụng đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (dưới đây gọi chung là các dự án ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Các loại thuế áp dụng đối với dự án ODA và dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm: thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và các loại thuế, phí và lệ phí khác. Điều 2. Đối tượng áp dụng Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến việc thực hiện chương trình, dự án quy định tại Điều 1 Thông tư này. Điều 3. Giải thích từ ngữ Các từ ngữ được sử dụng tại Thông tư này có nghĩa như đã được định nghĩa tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Ngoài ra, trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: - "Nhà thầu chính" là các tổ chức, cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi hoặc nhà tài trợ vốn cho dự án ODA, vốn vay ưu đãi để xây lắp công trình hoặc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho dự án ODA, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu chính bao gồm Nhà thầu chính nước ngoài và Nhà thầu chính Việt Nam. - "Nhà thầu phụ" là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng trực tiếp với Nhà thầu chính để thực hiện một phần công việc của hợp đồng Nhà thầu chính ký với Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi hoặc nhà tài trợ vốn cho dự án ODA, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu phụ bao gồm Nhà thầu phụ nước ngoài và Nhà thầu phụ Việt Nam. Điều 4. Thực hiện các điều ước quốc tế Trường hợp điều ước quốc tế (kể cả điều ước quốc tế về ODA, vốn vay ưu đãi) mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định về thuế liên quan đến việc thực hiện một dự án ODA, vốn vay ưu đãi cụ thể, khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì việc áp dụng chính sách thuế đối với dự án ODA, vốn vay ưu đãi đó thực hiện theo các điều ước quốc tế đã ký kết. Chương 2. QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỤC 1. CHÍNH SÁCH THUẾ, ƯU ĐÃI THUẾ VÀ THỦ TỤC HOÀN THUẾ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN ODA VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI Điều 5. Chính sách thuế đối với Chủ dự án 1. Thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại, nhà thầu chính thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại được miễn thuế NK theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn, không phải nộp thuế TTĐB (nếu có), không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa do Chủ dự án ODA, nhà thầu chính trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại. Hồ sơ xuất trình với cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan hải quan tổ chức thực hiện việc không thu thuế NK, thuế TTĐB (nếu có), thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại. 2. Thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam. a) Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại được hoàn lại số thuế GTGT đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam nếu hợp đồng ký với nhà thầu chính được phê duyệt bao gồm thuế GTGT và Chủ dự án không được Ngân sách Nhà nước cấp vốn để trả thuế GTGT. Việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này. Trường hợp dự án được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì Chủ dự án không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả đối với hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam không phân biệt hợp đồng ký với nhà thầu chính được phê duyệt bao gồm thuế GTGT hay không bao gồm thuế GTGT. Ví dụ 1: Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại A đã được cấp có thẩm quyền duyệt ký hợp đồng thầu xây dựng công trình Bệnh viện Nhi với giá thầu chưa có thuế GTGT là 4 tỷ đồng và thuế GTGT là 400 triệu đồng (thuế suất 10%), tổng trị giá bao gồm cả thuế GTGT là 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Chủ dự án nói trên được phê duyệt để ký hợp đồng thầu mua hàng hóa, dịch vụ khác với giá thầu chưa có thuế GTGT là 100 triệu đồng và thuế GTGT là 10 triệu đồng, tổng giá trị bao gồm cả thuế GTGT là 110 triệu đồng. - Trường hợp 1: Chủ dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT: Chủ dự án ODA nói trên được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả cho hợp đồng xây dựng công trình và các hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ trong nước là 410 (400+10) triệu đồng. - Trường hợp 2: Chủ dự án được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT: Chủ dự án ODA nói trên không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả cho hợp đồng xây dựng công trình và các hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ trong nước; kể cả trong trường hợp hợp đồng ký với nhà thầu chính với giá không bao gồm thuế GTGT. b) Trường hợp nhà tài trợ thành lập văn phòng đại diện của nhà tài trợ tại Việt Nam và trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại hoặc giao cho Chủ dự án ODA thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại thì nhà tài trợ được hoàn lại số thuế GTGT đã trả. Việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này. Điều 6. Chính sách thuế đối với nhà thầu chính, nhà thầu phụ thực hiện dự án 1. Thuế NK, thuế XK, thuế TTĐB, thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu. a) Nhà thầu chính, nhà thầu phụ nhập khẩu hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng ký với Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại nộp thuế NK, thuế TTĐB (nếu có), thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn hiện hành (trừ hàng hóa nhập khẩu của nhà thầu chính nêu tại Điều 5 Thông tư này). b) Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được miễn thuế NK, không phải nộp thuế TTĐB (nếu có) và không chịu thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình của dự án ODA viện trợ không hoàn lại và được miễn thuế XK khi tái xuất. Hồ sơ miễn thuế NK, không thu thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) khi nhập khẩu, miễn thuế XK khi tái xuất thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cơ quan hải quan tổ chức thực hiện việc miễn thuế NK, không thu thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) khâu nhập khẩu, miễn thuế XK khi tái xuất đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại cho nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài. Khi kết thúc thời hạn thi công công trình, dự án, nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài phải tái xuất hàng hóa nêu trên. Trường hợp nhượng bán tại thị trường Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và phải khai nộp thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) đã được miễn trước đây ở khâu nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Riêng đối với xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi và xe ôtô có thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng tương đương xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi không áp dụng việc miễn thuế NK, thuế TTĐB theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng phải nộp thuế NK, thuế TTĐB theo quy định. Khi hoàn thành việc thi công công trình, dự án các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài phải tái xuất ra nước ngoài số xe đã nhập và được hoàn lại thuế NK, thuế TTĐB theo quy định. Mức hoàn thuế và thủ tục hoàn thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. 2. Thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế, phí, lệ phí khác đối với cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. a) Nhà thầu chính cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại phải nộp thuế GTGT (nếu hợp đồng ký bao gồm thuế GTGT), thuế TNDN và các loại thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của luật pháp thuế, phí, lệ phí. b) Nhà thầu phụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhà thầu chính của dự án ODA viện trợ không hoàn lại phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của luật pháp thuế, phí, lệ phí. c) Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu nếu nhận thanh toán trực tiếp từ Nhà tài trợ thì nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có trách nhiệm chuyển tiền thuế phải nộp cho Chủ dự án ODA hoặc nhà thầu chính nước ngoài để nộp thuế thay cho nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. d) Trường hợp nhà thầu chính (không phân biệt nhà thầu chính là đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp) ký hợp đồng với Chủ dự án ODA hoặc Nhà tài trợ để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại với giá không bao gồm thuế GTGT và dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì nhà thầu chính được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện hợp đồng ký với Chủ dự án, Nhà tài trợ. Việc hoàn thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này. Trường hợp dự án được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì nhà thầu chính không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả đối với hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam không phân biệt hợp đồng ký giữa chủ dự án và nhà thầu chính được phê duyệt bao gồm thuế GTGT hay không bao gồm thuế GTGT. Nhà thầu chính phải khai, nộp thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Ví dụ 2: Công ty A ký hợp đồng với Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại để thực hiện dự án "Xây dựng công trình trường học" theo giá trúng thầu không bao gồm thuế GTGT. - Trường hợp 1: Dự án không được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT: Công ty A được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho việc xây dựng công trình theo hợp đồng ký với Chủ dự án. - Trường hợp 2: Dự án được ngân sách nhà nước bố trí vốn đối ứng để thanh toán thuế GTGT: Công ty A không được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho việc xây dựng công trình theo hợp đồng ký với Chủ dự án. Công ty phải khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Nhà thầu chính phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ ký với Chủ dự án hoặc nhà tài trợ của dự án ODA viện trợ không hoàn lại. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào thì: Trường hợp nhà thầu chính nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì không được hoàn thuế GTGT. Trường hợp nhà thầu chính nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì nhà thầu chính thực hiện khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định tại Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. e) Cá nhân làm việc cho nhà thầu chính, nhà thầu phụ phải nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN. Trường hợp cá nhân người nước ngoài được cơ quan chủ quản dự án ODA xác nhận là chuyên gia nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này. Điều 7. Chính sách thuế đối với cá nhân làm việc cho dự án 1. Cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài làm việc cho dự án ODA và Ban quản lý dự án ODA thực hiện khai, nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN và pháp luật về quản lý thuế. 2. Trường hợp cá nhân là người nước ngoài được cơ quan chủ quản dự án cấp giấy xác nhận là chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế, phí theo quy định Quy chế Chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ban hành kèm theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 1/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ thì được miễn thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có), lệ phí trước bạ và thuế TNCN. Điều 8. Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại, đại diện nhà tài trợ và nhà thầu chính thuộc diện được hoàn thuế GTGT 1. Thủ tục đăng ký thuế và cấp mã số thuế của Chủ dự án ODA, nhà tài trợ, nhà thầu chính thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. 2. Hồ sơ hoàn thuế GTGT, thời hạn kê khai thuế GTGT đầu vào, tổ chức tiếp nhận hồ sơ và thực hiện hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tại hồ sơ hoàn thuế GTGT gửi cho cơ quan thuế, nhà thầu chính phải ghi rõ tên dự án ODA, tên Chủ dự án ODA và địa chỉ liên lạc của Chủ dự án ODA theo đường bưu điện. 3. Khi ban hành Quyết định hoàn thuế GTGT, thủ tục luân chuyển chứng từ được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. 4. Trường hợp Chủ dự án được ngân sách cấp phát từ nguồn vốn đối ứng để nộp thuế GTGT nhưng Chủ dự án làm thủ tục hoàn thuế GTGT thì khi được hoàn thuế GTGT, Chủ dự án phải nộp trả ngân sách nhà nước số thuế GTGT đã được hoàn theo quy định. Trong quá trình xem xét hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với các dự án ODA nếu phát hiện nghi vấn cần phải kiểm tra trước hoặc sau hoàn thuế thì cơ quan thuế thực hiện theo các quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. MỤC 2. CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ CÁC ƯU ĐÃI VỀ THUẾ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN ODA VỐN VAY VÀ DỰ ÁN VỐN VAY ƯU ĐÃI Điều 9. Chính sách thuế đối với Chủ dự án 1. Thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu. Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu thực hiện nghĩa vụ thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn thi hành. 2. Thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam. Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi khi mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều 10. Chính sách thuế đối với nhà thầu chính, nhà thầu phụ thực hiện dự án 1. Thuế NK, thuế XK, thuế TTĐB, thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu. a) Nhà thầu chính, nhà thầu phụ nhập khẩu hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng ký với Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi nộp thuế NK, thuế TTĐB (nếu có), thuế GTGT, theo quy định của Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn hiện hành. b) Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được miễn thuế NK, không phải trả thuế TTĐB (nếu có) và không chịu thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu vào Việt Nam theo phương thức tạm nhập, tái xuất để phục vụ thi công công trình, dự án ODA vốn vay và được miễn thuế XK khi tái xuất như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Hồ sơ miễn thuế NK, không thu thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) khi nhập khẩu, miễn thuế XK khi tái xuất thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Riêng đối với xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi và xe ôtô có thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng tương đương xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi không áp dụng việc miễn thuế NK, thuế TTĐB theo hình thức tạm nhập, tái xuất. Các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vào Việt Nam để sử dụng phải nộp thuế NK, thuế TTĐB theo quy định. Khi hoàn thành việc thi công công trình, dự án, các nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài phải tái xuất ra nước ngoài số xe đã nhập và được hoàn lại thuế NK, thuế TTĐB theo quy định. Mức hoàn thuế và thủ tục hoàn thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. c) Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải theo phương thức tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án vốn vay ưu đãi phải thực hiện nghĩa vụ thuế NK, thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) theo quy định; khi hoàn thành việc thi công công trình, dự án, phải tái xuất ra nước ngoài và được hoàn lại thuế nhập khẩu, thuế TTĐB theo quy định. 2. Thuế GTGT, thuế TNDN, và các loại thuế, phí, lệ phí khác đối với cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam. a) Nhà thầu chính cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi phải nộp thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của luật pháp thuế, phí, lệ phí. b) Nhà thầu phụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhà thầu chính của dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi nộp thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế khác theo quy định của luật pháp thuế, phí, lệ phí. c) Nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu nếu nhận thanh toán trực tiếp từ Nhà tài trợ thì nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có trách nhiệm chuyển tiền thuế phải nộp cho Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi hoặc nhà thầu chính nước ngoài để nộp thuế thay cho nhà thầu chính nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài theo hướng dẫn tại Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. d) Nhà thầu chính cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi không được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào đã trả khi mua hàng hóa, dịch vụ để thực hiện hợp đồng ký với Chủ dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi như hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này. Nhà thầu chính sẽ được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nếu đáp ứng các điều kiện, thủ tục theo hướng dẫn tại Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. e) Cá nhân làm việc cho Nhà thầu chính, Nhà thầu phụ phải nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN. Trường hợp cá nhân người nước ngoài được cơ quan chủ quản dự án xác nhận là chuyên gia nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này. Điều 11. Chính sách thuế đối với cá nhân làm việc cho dự án 1. Cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài làm việc cho dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi và Ban quản lý dự án ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này. 2. Các ưu đãi về thuế, phí đối với chuyên gia nước ngoài làm việc cho dự án ODA vốn vay (trừ vốn vay ưu đãi) thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này. MỤC 3. CHÍNH SÁCH THUẾ VÀ CÁC ƯU ĐÃI VỀ THUẾ ĐỐI VỚI DỰ ÁN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN TỪ NHIỀU HÌNH THỨC TÀI TRỢ KHÁC NHAU Điều 12. Chính sách thuế đối với dự án sử dụng nguồn vốn từ nhiều hình thức tài trợ khác nhau (ODA và vốn vay ưu đãi) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn từ nhiều hình thức tài trợ khác nhau, nếu các nguồn vốn được tài trợ theo Hiệp định tài trợ riêng hoặc được giải ngân riêng cho từng hoạt động cụ thể của dự án thì chính sách thuế được áp dụng riêng cho từng loại nguồn vốn được hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp không có Hiệp định tài trợ riêng hoặc giải ngân riêng cho từng hoạt động cụ thể của từng nguồn vốn thì chính sách thuế áp dụng đối với dự án thực hiện theo chính sách thuế của nguồn vốn có chính sách thuế kém ưu đãi nhất. Điều 13. Hoàn thuế GTGT đối với dự án ODA viện trợ không hoàn lại có một phần nguồn vốn trong nước Trường hợp dự án ODA viện trợ không hoàn lại có cơ cấu vốn một phần là nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại, một phần là vốn đối ứng từ Ngân sách nhà nước, vốn đóng góp của nhân dân (phần vốn này được quy định để thực hiện một phần công việc của dự án nhưng không được quy định để trả thuế GTGT) thì Chủ dự án hoặc nhà thầu chính được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ được mua từ phần nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại để phục vụ dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Thông tư này, không được hoàn thuế GTGT đối với phần hàng hóa dịch vụ mua bằng nguồn vốn đối ứng từ NSNN và vốn đóng góp của nhân dân. Chủ dự án ODA viện trợ không hoàn lại, nhà thầu chính phải hạch toán riêng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ được mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại, nếu không hạch toán riêng được thì Chủ dự án không được hoàn thuế GTGT, nhà thầu chính sẽ được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này. Ví dụ 3: Dự án ODA viện trợ không hoàn lại A có cơ cấu vốn gồm 90% là vốn viện trợ của Chính phủ Bỉ, 10% là vốn đối ứng trong nước và vốn đóng góp của nhân dân được quy định dùng để chi trả các chi phí như: chi phí kiểm tra giám sát, chi phí điện nước, trả lương, phụ cấp, cơ sở vật chất ban đầu... nhưng không được quy định để trả thuế GTGT cho phần giá trị hàng hóa, dịch vụ được mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại. Chủ dự án hoặc nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT đã trả đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ được mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Thông tư này nếu Chủ dự án, nhà thầu chính hạch toán riêng được số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ được mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại và không được hoàn thuế GTGT đối với phần hàng hóa, dịch vụ được mua bằng nguồn vốn đối ứng trong nước và vốn đóng góp của nhân dân để phục vụ dự án; nếu Chủ dự án hoặc nhà thầu chính không hạch toán riêng được số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ được mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại thì Chủ dự án không được hoàn thuế GTGT, nhà thầu chính sẽ được khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này. Chương 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN Điều 14. Trách nhiệm của Chủ dự án, nhà thầu chính, nhà thầu phụ về việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong quá trình thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi 1. Hàng hóa, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất để thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi đã được miễn thuế NK, thuế TTĐB, thuế GTGT nêu tại Điều 5, Điều 6 và Điều 10 Thông tư này nếu sử dụng vào mục đích khác với mục đích được miễn thuế NK, thuế TTĐB, thuế GTGT hoặc nhượng bán tại thị trường Việt Nam hoặc tiêu hủy tại Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chủ dự án, nhà thầu chính, nhà thầu phụ phải nộp thuế NK, thuế TTĐB đã được miễn, đồng thời phải nộp thuế GTGT theo quy định. Hồ sơ, thủ tục nộp thuế NK, thuế TTĐB và kê khai, nộp thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại Luật thuế NK, thuế XK, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp Chủ dự án ODA là các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không kinh doanh, khi được phép nhượng bán hàng hóa đã mua để thực hiện dự án ODA, vốn vay ưu đãi hoặc thanh lý tài sản tại thị trường Việt Nam, Chủ dự án sử dụng hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính. 2. Cung cấp tài liệu phục vụ quản lý thuế dự án ODA, vốn vay ưu đãi: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng xây lắp công trình, cung cấp hàng hóa, dịch vụ với các nhà thầu chính nước ngoài, các Chủ chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi phải gửi một bản sao hợp đồng (có đóng dấu và chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền của Chủ chương trình, dự án) cho cơ quan thuế địa phương nơi đặt văn phòng điều hành dự án và cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng của dự án ODA, vốn vay ưu đãi (đối với trường hợp công trình xây dựng của dự án ODA, vốn vay ưu đãi ở địa phương khác với địa phương đặt văn phòng điều hành dự án ODA, dự án vay ưu đãi). Trường hợp nếu hợp đồng được ký kết bằng tiếng nước ngoài thì gửi bản tóm tắt hợp đồng bằng tiếng Việt Nam với những nội dung chính bao gồm các chỉ tiêu: phạm vi công việc, giá trị hợp đồng (kể cả phụ lục chi tiết cấu thành giá trị hợp đồng - nếu có), phương thức thanh toán, thời hạn hợp đồng, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia ký hợp đồng. Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung gửi cho cơ quan thuế. 3. Xác định hình thức cung cấp ODA và chính sách thuế áp dụng: căn cứ để áp dụng chính sách thuế như hướng dẫn tại Thông tư này là quyết định đầu tư, phê duyệt dự án ODA của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA và hướng dẫn hình thức cung cấp ODA tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ. Trường hợp tại quyết định đầu tư, phê duyệt dự án ODA không ghi rõ hình thức cung cấp ODA là ODA viện trợ không hoàn lại hoặc ODA vốn vay, ODA hỗn hợp thì Chủ dự án ODA hoặc nhà thầu chính phải bổ sung văn bản của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA xác định rõ hình thức cung cấp ODA của dự án. Riêng đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (chương trình, dự án quan trọng quốc gia; Chương trình kèm theo khung chính sách và chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh quốc phòng) thì phải có văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận hình thức cung cấp ODA của dự án. 4. Thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này. 5. Thông báo với các nhà thầu chính ký hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi về chính sách thuế và các ưu đãi về thuế mà nhà thầu có nghĩa vụ thực hiện và được hưởng. 6. Lập kế hoạch tài chính: Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi phải tính đủ các khoản thuế như hướng dẫn tại Thông tư này phát sinh trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án trước khi trình các cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi phê duyệt dự án hoặc kết quả đấu thầu. Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi phải xác định số thuế NK, thuế TTĐB, thuế GTGT (trừ trường hợp không phải nộp hoặc được hoàn thuế GTGT) và các khoản phí, lệ phí khác phải trả, lập kế hoạch vốn đối ứng để có nguồn nộp các loại thuế phát sinh nêu trên. Đối với khoản thuế TNDN mà nhà thầu phải nộp được tính trong giá trị hợp đồng thầu, thuế TNCN tính trong chi phí tiền lương, không lập kế hoạch vốn đối ứng. Việc lập kế hoạch tài chính thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Báo cáo với cơ quan tài chính quản lý tài chính của chương trình, dự án số thuế GTGT được hoàn theo văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với chương trình, dự án ODA của Bộ Tài chính. Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan thuế 1. Hướng dẫn các Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi, Nhà tài trợ, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ thực hiện đăng ký thuế và kê khai, nộp thuế hoặc hoàn thuế (nếu có) theo đúng chế độ quy định, thông báo tài khoản, mục lục Ngân sách nộp các loại thuế. 2. Kiểm tra tờ khai thuế, kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán và các tài liệu cần thiết để tính thuế. 3. Yêu cầu các Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ cung cấp sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế. 4. Ấn định số thuế phải nộp trong trường hợp các Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ không kê khai đúng thời hạn quy định hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác hoặc không cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến việc tính thuế. 5. Kiểm tra, thanh tra tình hình nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế của các Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi, các nhà thầu chính, nhà thầu phụ theo quy định của pháp luật hiện hành. 6. Lập biên bản và xử lý các vi phạm về thuế trong thẩm quyền được pháp luật quy định. 7. Chịu trách nhiệm thi hành pháp luật về thuế, đảm bảo tính trung thực, chính xác và khách quan. 8. Xác nhận các khoản thuế đã nộp của các Chủ dự án ODA, vốn vay ưu đãi các nhà thầu chính, nhà thầu phụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số thuế đã xác nhận. Điều 16. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17/1/2014, thay thế Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Đối với các dự án ODA được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc xác định nghĩa vụ thuế, ưu đãi thuế thực hiện như hướng dẫn tại Thông tư số 123/2007/TT-BTC ngày 23/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đến khi kết thúc dự án. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./. Nơi nhận: - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Văn phòng BCĐ phòng chống tham nhũng trung ương; - Tòa án nhân dân tối cao; - Kiểm toán nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, - Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Công báo; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Website Chính phủ; - Website Bộ Tài chính; Website Tổng cục Thuế; - Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; - Lưu: VT, TCT (VT; CS). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn
{ "issuing_agency": "Bộ Tài chính", "promulgation_date": "03/12/2013", "sign_number": "181/2013/TT-BTC", "signer": "Đỗ Hoàng Anh Tuấn", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-11-2012-TT-BLDTBXH-bo-sung-danh-muc-nghe-dao-tao-trinh-do-trung-cap-139285.aspx
Thông tư 11/2012/TT-BLĐTBXH bổ sung danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI -------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Số: 11/2012/TT-BLĐTBXH Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2012 THÔNG TƯ BỔ SUNG DANH MỤC NGHỀ VÀO BẢNG DANH MỤC NGHỀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG NGHỀ BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 17/2010/TT-BLĐTBXH NGÀY 04 THÁNG 6 NĂM 2010 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006; Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về dạy nghề; Căn cứ Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; Theo đề nghị của các Bộ, ngành có liên quan và Tổng cục Dạy nghề; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư bổ sung danh mục nghề vào Bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề ban hành kèm theo Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Điều 1. Bổ sung danh mục nghề vào Bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề ban hành kèm theo Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (có phụ lục kèm theo). Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Dạy nghề, các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các UB của QH; - Văn phòng Chính phủ; - Tòa án nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp; - Công báo; - Website Chính phủ; - Website Bộ LĐTBXH; - Lưu: VT, TCDN (20b). KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Ngọc Phi PHỤ LỤC DANH MỤC NGHỀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP NGHỀ, TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG NGHỀ (Ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Mã các cấp Tên gọi Mã các cấp Tên gọi Cấp I Cấp II Cấp III Cấp IV Cấp I Cấp II Cấp III Cấp IV 40 Trình độ trung cấp nghề 50 Trình độ cao đẳng nghề 4048 Máy tính và công nghệ thông tin 5048 Máy tính và công nghệ thông tin 404802 Công nghệ thông tin 504802 Công nghệ thông tin 40480212 An ninh mạng 50480212 An ninh mạng 4051 Công nghệ kỹ thuật 5051 Công nghệ kỹ thuật 405101 Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng 505101 Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng 40510115 Kỹ thuật thi công lắp dựng kính xây dựng 50510115 Kỹ thuật thi công lắp dựng kính xây dựng 40510116 Trùng tu di tích lịch sử 50510116 Trùng tu di tích lịch sử 405102 Công nghệ kỹ thuật cơ khí 505102 Công nghệ kỹ thuật cơ khí 50510247 Vân hành cần, cầu trục 50510248 Vận hành máy thi công nền 50510249 Vận hành máy thi công mặt đường 50510250 Vận hành máy xây dựng 40510258 Sửa chữa cơ khí động lực 405103 Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông 505103 Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông 50510340 Cơ điện lạnh thủy sản 40510365 Kỹ thuật cơ điện sản xuất gốm, sứ, thủy tinh 50510365 Kỹ thuật cơ điện sản xuất gốm sứ, thủy tinh 40510366 Kỹ thuật cơ điện chế biến cao su 50510366 Kỹ thuật cơ điện chế biến cao su 40510367 Kỹ thuật đài trạm viễn thông 50510367 Kỹ thuật đài trạm viễn thông 405104 Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường 505104 Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường 40510419 Xử lý chất thải trong sản xuất cao su 50510419 Xử lý chất thải trong sản xuất cao su 405105 Công nghệ sản xuất 505105 Công nghệ sản xuất 40510530 Công nghệ gia công kính xây dựng 50510530 Công nghệ gia công kính xây dựng 40510531 Sản xuất vật liệu không nung và cốt liệu 50510531 Sản xuất vật liệu không nung và cốt liệu 40510532 Sản xuất tấm lợp Fibro xi măng 405106 Quản lý nông nghiệp 505106 Quản lý nông nghiệp 40510612 Kiểm nghiệm chất lượng cao su 50510612 Kiểm nghiệm chất lượng cao su 40510613 Kiểm nghiệm, phân tích gốm, sứ, thủy tinh 50510613 Kiểm nghiệm, phân tích gốm, sứ, thủy tinh 405107 Công nghệ dầu khí và khai thác 505107 Công nghệ dầu khí và khai thác 50510710 Vận hành thiết bị lọc dầu 4054 Sản xuất và chế biến 5054 Sản xuất và chế biến 405401 Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống 505401 Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống 50540101 Chế biến lương thực 40540115 Chế biến nông lâm sản 50540115 Chế biến nông lâm sản 4062 Nông, lâm nghiệp và thủy sản 5062 Nông, lâm nghiệp và thủy sản 406201 Nông nghiệp 506201 Nông nghiệp 40620110 Kỹ thuật rau, hoa công nghệ cao 50620110 Kỹ thuật rau, hoa công nghệ cao 406202 Lâm nghiệp 506202 Lâm nghiệp 40620204 Lâm nghiệp đô thị 50620204 Lâm nghiệp đô thị 4081 Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân 5081 Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân 408101 Dịch vụ du lịch 508101 Dịch vụ du lịch 40810108 Nghiệp vụ bán hàng 50810108 Quản trị bán hàng
{ "issuing_agency": "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội", "promulgation_date": "15/05/2012", "sign_number": "11/2012/TT-BLĐTBXH", "signer": "Nguyễn Ngọc Phi", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Ke-hoach-147-KH-UBND-2022-thuc-hien-Chuong-trinh-muc-tieu-xay-dung-nong-thon-moi-Can-Tho-522705.aspx
Kế hoạch 147/KH-UBND 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới Cần Thơ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 147/KH-UBND Cần Thơ, ngày 06 tháng 7 năm 2022 KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TP. CẦN THƠ Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, với những nội dung sau: I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 1. Kết quả thực hiện thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 - Xã nông thôn mới: Tính đến cuối năm 2019, toàn thành phố có 36/36 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. - Xã nông thôn mới nâng cao: Tính đến năm 2021 thành phố có 18/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt tỷ lệ 50%). Bình quân số tiêu chí đạt trên 01 xã: 17,3 Tiêu chí/xã (đính kèm phụ lục I và II). - Huyện nông thôn mới: thành phố có 04/04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. - Chương trình OCOP: Thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, năm 2021 đã công nhận 22 sản phẩm OCOP đạt 03 - 04 sao, nâng tổng số toàn thành phố có 41 sản phẩm OCOP đạt 03-04 sao, trong đó có 02 sản phẩm có tiềm năng 05 sao. 2. Kết quả huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình (chi tiết xem phụ lục 3 đính kèm) Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình từ năm 2016 đến tháng 12/2020 là: 7.147.464 triệu đồng, trong đó: - Ngân sách nhà nước: 3.229.079 triệu đồng. - Vốn tín dụng: 2.987.192 triệu đồng. - Vốn doanh nghiệp: 500.535 triệu đồng. - Vốn cộng đồng dân cư: 430.660 triệu đồng. Năm 2021, thành phố đã huy động được 2.267.461 triệu đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó: - Ngân sách Nhà nước các cấp của thành phố Cần Thơ: 1.044.172 triệu đồng. - Tín dụng: 1.013.852 triệu đồng. - Doanh nghiệp: 151.890 triệu đồng. - Nhân dân đóng góp: 57.547 triệu đồng. 3. Đánh giá chung a) Mặt được Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phổ thông qua công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình thực hiện Chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hiện và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc địa phương đã và đang gặp phải; hệ thống chính trị và người dân có nhận thức sâu sắc hơn trong xây dựng nông thôn mới; Thành phố đã xác định rõ vai trò chủ thể và lợi ích thiết thực của người dân trong xây dựng nông thôn mới và từ đó xây dựng phong trào thi đua “Cần Thơ chung sức xây dựng nông thôn mới” tạo thành phong trào sâu rộng trên địa bàn thành phố, đã mang lại nhiều kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng nông thôn mới ở các cấp từ thành phố đến huyện, xã được kiện toàn và củng cố, nên đã có nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả hơn; Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm và thường xuyên chỉ đạo thực hiện, tập trung triển khai với những đổi mới về phương pháp, cách thức nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình ở các huyện có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, tập trung vào những vấn đề cấp thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi; sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tích cực, đã có sự chuyển dịch tiến bộ trong cơ cấu, sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện; Thu nhập của người dân được nâng cao hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, mạng lưới giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên..., nhờ vậy, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. b) Những hạn chế và khó khăn - Việc huy động các nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng; một số xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 có dấu hiệu chững lại, thiếu quan tâm đầu tư nâng chất các tiêu chí để phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. - Về sản xuất còn nhiều hạn chế, khó khăn, hầu hết các xã nông thôn mới sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng với qui mô nhỏ lẻ, manh mún, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường; liên kết sản xuất giữa các chủ thể để hình thành chuỗi giá trị chưa nhiều; HTX nông nghiệp còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng; cảnh quan môi trường, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý rác thải tuy có sự chuyển biến rõ nét nhưng vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất. - Sinh kế người dân nông thôn, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn chưa có những giải pháp căn cơ, bền vững. - Sự quan tâm thực hiện Chương trình ở một số địa phương đôi lúc còn chưa sâu sắc, chưa thường xuyên và chặt chẽ; các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn khó tiếp cận; Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai trong thực hiện Chương trình đôi lúc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. - Hoạt động thông tin tuyên truyền một số địa phương còn thiếu tính sáng tạo; chậm đổi mới về nội dung và hình thức nên chưa thu hút nhiều sự quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng của người dân. - Nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn hạn chế, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,... Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức còn gặp một số khó khăn do phong tục, tập quán, văn hóa và thói quen của một số dân cư trong việc xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường. - Hạ tầng bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập: hệ thống thu gom, xử lý rác thải; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát và xử lý nước thải; nghĩa trang, nghĩa địa chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. - Công tác theo dõi, cập nhật và tổng kết huy động nguồn lực từ người dân, tổ chức xã hội chưa chặt chẽ; thiếu sơ kết, tổng kết, đánh giá các phong trào đã phát động cấp cơ sở để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình. - Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 kéo dài phải giãn cách xã hội nên các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, cũng như các công tác khác gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện. II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 1. Mục tiêu a) Mục tiêu chung Tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. b) Mục tiêu cụ thể - Về số xã đạt chuẩn NTM: tiếp tục rà soát, củng cố, nâng chất 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo đạt theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. - Về xã đạt chuẩn NTM nâng cao: phấn đấu đến cuối năm 2025, công nhận 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 70%), trong đó có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 22,2%); đồng thời, tiếp tục rà soát, củng cố, nâng chất các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong các năm 2019 - 2021 nhằm đảm bảo đạt theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 -2025. - Về huyện đạt chuẩn NTM: Tiếp tục rà soát, củng cố, nâng chất 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo đạt theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025 có 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 25%). - Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025: + Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62 triệu đồng/người/năm; đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 76 triệu đồng/người/năm; đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 83,6 triệu đồng/người/năm. + Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025: < 0,5%. + Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế: 95%. + Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch khu vực nông thôn: 94%. + Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75%. + Giao thông nông thôn thuận tiện quanh năm, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của bà con nông dân... + An ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững. + Duy trì, nâng chất, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiêu chí đối với các xã được công nhận nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2020. 2. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (đính kèm phụ lục III) Dự kiến nhu cầu huy động nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình khoảng 5.802.588 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước: 2.558.960 triệu đồng. Vốn tín dụng: 2.500.000 triệu đồng. Vốn doanh nghiệp: 647.000 triệu đồng. Cộng đồng dân cư: 96.628 triệu đồng. a) Huy động - lồng ghép nguồn lực Triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương (nếu có) và kinh phí địa phương cho các dự án phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội đạt hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông, thôn để huy động tốt các nguồn lực từ vốn tín dụng và từ vốn doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép với các nguồn khác, tranh thủ nguồn tài trợ của các dự án trong và ngoài nước. Kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và vận động nhân dân cùng chung, sức xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố. b) Phân bổ nguồn lực Ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 trở về trước. Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM phải đảm bảo theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. 3. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện (đính kèm phụ lục VII). 4. Tổ chức thực hiện a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025 và kế hoạch hàng năm sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình; - Phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới hàng năm theo kế hoạch trung hạn của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trình UBND thành phố quyết định. b) Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố - Chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc ban hành văn bản hướng dẫn Bộ tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu thể hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình phù hợp với tình hình chung của thành phố. - Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện Chương trình. - Tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố để kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 thành phố Cần Thơ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, thực hiện các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trung ương và thành phố; - Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị, Hội thảo liên quan với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; - Tổ chức thẩm định, đánh giá đối với kết quả xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã đã đăng ký trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định công nhận; - Phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, Sở Nội vụ thành phố tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao; - Tổ chức kiểm tra dinh kỳ các xã trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đã đăng ký để kịp thời tham mưu đề xuất với lãnh đạo thành phố tháo gỡ khó khăn cho địa phương. c) Sở Kế hoạch và Đầu tư - Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025. - Chủ trì, phối hợp với các đơn liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025. - Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan xây dựng phương án phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng NTM. Tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố phương án phân bổ vốn cho Chương trình theo từng giai đoạn và hàng năm. - Tổng hợp kết quả phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình trên địa bàn thành phố theo từng nội dung, lĩnh vực để báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, UBND thành phố. d) Sở Tài chính - Chủ trì hướng dẫn quy định quản lý, sử dụng, quyết toán nguồn kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định hiện hành. - Thẩm định phương án chi tiết phân bổ vốn sự nghiệp Trung ương, ngân sách thành phố hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương, đơn vị báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền phân bổ theo quy định. - Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, thanh quyết toán, báo cáo tài chính Chương trình. - Chủ trì, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế chính sách. Tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí Chương trình. đ) Các Sở, ban ngành thành phố phụ trách tiêu chí nông thôn mới - Phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiến hành đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng NTM thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ngành được phân công. - Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình; hướng dẫn xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án; phối hợp thực hiện các nội dung liên quan theo yêu cầu của Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và Bộ tiêu chí thành phố Cần Thơ về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; - Đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo thực hiện ở cơ sở; tăng cường hỗ trợ địa phương khi có khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách; - Tăng cường lồng ghép các Chương trình, dự án của ngành phụ trách với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; - Phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố thực hiện báo cáo về các vấn đề liên quan đến ngành phụ trách khi có yêu cầu của Trung ương và thành phố. e) Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Cần Thơ - Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay xây dựng NTM. - Phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. g) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các Đoàn thể - Tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng NTM, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục vận động nguồn lực xã hội phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống cư dân nông thôn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; đồng thời, tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng kết quả xây dựng NTM ở từng địa phương, cơ sở. - Xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, tuyên truyền xây dựng NTM trong toàn thành phố. - Căn cứ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức để chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giao nhiệm vụ chủ trì vận động thực hiện một số công trình, phần việc cụ thể của từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. - Phối hợp với UBND huyện tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. - Theo dõi, phát hiện đánh giá các mô hình làm tốt, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả để bồi dưỡng phổ biến, nhân rộng. - Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. - Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. h) Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 - Căn cứ vào Kế hoạch của Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành phân công nhiệm vụ, hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn. - Chỉ đạo rà soát và điều phối kế hoạch xây dựng NTM, NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu các xã trên địa bàn để phù hợp với kế hoạch xây dựng cấp huyện. Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện (giao thông, thủy lợi, điện....) đảm bảo kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của các xã trên địa bàn. - Chỉ đạo và phân công các phòng, ban cấp huyện trực tiếp hỗ trợ các xã thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. - Quy hoạch và thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố. i) Ủy ban nhân dân huyện - Rà soát và điều phối kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện trên địa bàn để phù hợp với kế hoạch xây dựng nông thôn mới của thành phố. - Chủ động phát huy nội lực của địa phương để thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, huy động mọi nguồn lực để góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. - Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các ban, ngành cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở; - Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện chương trình và thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm về cấp trên để có chỉ đạo kịp thời; - Tăng cường vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị tích cực tham gia vào thực hiện chương trình; Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP. Cần Thơ, đề nghị các Sở, ban ngành thành phố và UBND huyện tổ chức thực hiện, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị các đơn vị gửi văn bản phản ánh về Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố tổng hợp trình Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố xem xét, giải quyết./. Nơi nhận: - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; - CT, PCT UBND thành phố (1AC); - UBMT tổ quốc VN thành phố và các đoàn thể; - Các Sở ban, ngành thành phố; - Ủy ban nhân dân huyện; - VP. UBND thành phố (2E,3B); - Cổng thông tin điện tử thành phố; - Lưu: VT.HN. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Nguyễn Ngọc Hè
{ "issuing_agency": "Thành phố Cần Thơ", "promulgation_date": "06/07/2022", "sign_number": "147/KH-UBND", "signer": "Nguyễn Ngọc Hè", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-18-2022-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-che-tuyen-sinh-di-hoc-nuoc-ngoai-545953.aspx
Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài mới nhất
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 18/2022/TT-BGDĐT Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2022 THÔNG TƯ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ TUYỂN SINH ĐI HỌC NƯỚC NGOÀI BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 06/2016/TT-BGDĐT NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019; Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 1 như sau: “1. Quy chế này quy định về việc tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn dự tuyển, nguyên tắc và phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và xử lý kết quả tuyển sinh. 2. Quy chế này áp dụng đối với việc tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng sư phạm, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập và bồi dưỡng về ngoại ngữ ở nước ngoài.” 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau: “ Điều 2. Giải thích từ ngữ Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Đơn vị chủ trì tuyển sinh là cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được giao nhiệm vụ điều hành, phụ trách các công tác liên quan đến tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Hội đồng tuyển chọn là hội đồng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập trên cơ sở đề xuất của đơn vị chủ trì tuyển sinh để thực hiện việc tuyển chọn ứng viên đi học nước ngoài. 3. Học bổng ngân sách nhà nước là học bổng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật (sau đây gọi chung là Nghị định số 86/2021/NĐ-CP), được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và sử dụng.” 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau: “Điều 3. Đối tượng và tiêu chuẩn dự tuyển Đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP .” 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau: “Điều 9. Hồ sơ dự tuyển Hồ sơ dự tuyển đi học ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP.” 5. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 10 như sau: a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau: “c) Các ủy viên Hội đồng: đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ yêu cầu cụ thể của từng chương trình học bổng, các ủy viên hội đồng có thể bao gồm đại diện các cơ quan, đơn vị khác.”; b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm đ và bổ sung điểm e khoản 3 như sau: “a) Thống nhất nguyên tắc làm việc và các tiêu chí tuyển chọn ứng viên phù hợp với từng chương trình học bổng; đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả tuyển chọn ứng viên; e) Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với thông tin ứng viên dự tuyển cần được bảo vệ.”; c) Bổ sung điểm h, điểm i vào khoản 4 như sau: “h) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thông tin trích ngang ứng viên dự tuyển so với hồ sơ dự tuyển do ứng viên và các bên liên quan cung cấp; i) Thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10 của Quy chế này.” 6. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 và bổ sung khoản 11 Điều 11 như sau: “7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức, thực hiện công tác tuyển sinh đi học nước ngoài và trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kết quả tuyển chọn. 11. Thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 10 của Quy chế này.” 7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau: “Điều 12. Trình tự thực hiện dự tuyển và tuyển chọn ứng viên 1. Trình tự thực hiện dự tuyển và tuyển chọn ứng viên theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 86/2021/NĐ-CP. 2. Hội đồng tuyển chọn tổ chức họp xét và thống nhất danh sách ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển hoặc đạt yêu cầu sơ tuyển (đối với chương trình học bổng có sơ tuyển). Đơn vị chủ trì tuyển sinh hoàn thiện danh sách ứng viên đủ điều kiện trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phê duyệt.” 8. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 2 Điều 16 như sau: “a) Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng ngân sách nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy triệu tập đi học nước ngoài và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài; b) Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng do phía nước ngoài đài thọ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài;” 9. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau: “Điều 18. Ứng viên xin rút không đi học 1. Ứng viên đã được tuyển chọn nhưng không đi học phải có thông báo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp (nếu có). 2. Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học sẽ không được đăng ký dự tuyển các chương trình học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trong thời gian 01 năm kể từ ngày thông báo không đi học, trừ trường hợp có lý do bất khả kháng sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.” 10. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 như sau: “Điều 25. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo 1. Cục Hợp tác quốc tế: a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc ra thông báo tuyển sinh, tổ chức thực hiện tuyển sinh đi học nước ngoài và xử lý kết quả sau tuyển chọn đối với các dự án, đề án, chương trình học bổng theo phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Quy chế này và các văn bản liên quan; b) Phối hợp với đơn vị chủ trì tuyển sinh khác thực hiện tuyển sinh đi học nước ngoài đối với các dự án, đề án, chương trình học bổng do đơn vị khác chủ trì tuyển sinh theo phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm và dự toán ngân sách để thực hiện các chương trình học bổng ngân sách nhà nước; d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê, báo cáo số liệu tuyển sinh đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng; đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác minh chất lượng, uy tín của cơ sở giáo dục nước ngoài tiếp nhận người học. 2. Vụ Kế hoạch - Tài chính cân đối chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch tài chính trong việc tuyển sinh đi học nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước. 3. Các Cục, Vụ và đơn vị khác phối hợp với đơn vị chủ trì tuyển sinh xử lý các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh đi học nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ được giao.” 11. Sửa đổi Phụ lục III kèm theo Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, khoản, điều và phụ lục của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 1. Thay thế cụm từ “Cục Đào tạo với nước ngoài” bằng cụm từ “Cục Hợp tác quốc tế” tại khoản 4 Điều 13 của Quy chế này và Điều 3 Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thay thế cụm từ “cơ quan chủ quản” bằng cụm từ “cơ quan quản lý trực tiếp” tại Điều 24 của Quy chế này. 2. Bãi bỏ Điều 17 của Quy chế này. 3. Bãi bỏ Phụ lục I; số thứ tự 5, 6, 7, 8 của Danh mục hồ sơ cử đi học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Điều 4. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30 tháng 01 năm 2023./. Nơi nhận: - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Ủy ban VHGD của Quốc hội; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Kiểm toán nhà nước; - Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Như Điều 3 (để thực hiện); - Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT; - Lưu: VT, Vụ PC, Cục HTQT. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Văn Phúc PHỤ LỤC III MẪU BẢN CAM KẾT THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA DU HỌC SINH (Kèm theo Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 18/2022/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mẫu số 01: Bản cam kết thực hiện trách nhiệm của du học sinh (dành cho người chưa có cơ quan công tác) Mẫu số 02: Bản cam kết thực hiện trách nhiệm của du học sinh (dành cho người đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương) MẪU SỐ 01 BẢN CAM KẾT THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA DU HỌC SINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐộC lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- BẢN CAM KẾT THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA DU HỌC SINH (dành cho người chưa có cơ quan công tác) Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo Tên tôi là: ......................................................................... Sinh ngày ................................. Giấy CMND/Căn cước công dân số: .......................... Ngày cấp: ............... Nơi cấp: ....... Hộ chiếu số: ....................................... Ngày cấp: ............................. Nơi cấp: .................. Hiện nay là: ......................................................................................................................... Khi được Nhà nước cử đi học tại nước ngoài, tôi cam kết thực hiện đúng trách nhiệm của người được cử đi học như sau: 1. Chấp hành nghiêm túc quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập (Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ), quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước. 2. Cam kết tích cực học tập, nghiên cứu để hoàn thành tốt chương trình đào tạo đúng thời hạn được phép. Nếu phải gia hạn thời gian học tập sẽ tự túc kinh phí trong thời gian gia hạn. 3. Sau khi kết thúc khoá học về nước, thực hiện thủ tục báo cáo tốt nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm việc lâu dài theo sự điều động của Nhà nước. 4. Tôi và gia đình cam kết bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước theo quy định hiện hành nếu tự ý bỏ học, không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp hoặc không chấp hành theo sự điều động của Nhà nước sau tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đúng cam kết trên đây, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc xử lý theo quy định của Pháp luật. ..........., ngày .... tháng ..... năm ..... Người cam kết (ký và ghi rõ họ tên) CAM KẾT CỦA GIA ĐÌNH Họ và tên bố (mẹ) hoặc người đại diện hợp pháp: .............................................................. Công tác tại: ......................................................................................................................... Địa chỉ: ................................................................................................................................. đại diện cho gia đình du học sinh có tên trên, chúng tôi cam kết: - Nhắc nhở, động viên du học sinh thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã được quy định đối với du học sinh. - Chịu trách nhiệm cùng du học sinh bồi hoàn kinh phí đã được Nhà nước cấp nếu du học sinh không thực hiện đúng cam kết. ...... ngày .... tháng ..... năm ..... Bố (mẹ) hoặc người đại diện hợp pháp (ký và ghi rõ họ tên) MẪU SỐ 02 BẢN CAM KẾT THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA DU HỌC SINH CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------- BẢN CAM KẾT THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM CỦA DU HỌC SINH (dành cho người đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương) Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo Tên tôi là: ........................................................................ Sinh ngày ................................ Giấy CMND/Căn cước công dân số: ..................... Ngày cấp: ........... Nơi cấp: .............. Hộ chiếu số: ................................... Ngày cấp: ............................ Nơi cấp: ..................... Hiện nay là: ....................................................................................................................... Khi được Nhà nước cử đi học tại nước ngoài, tôi cam kết thực hiện đúng trách nhiệm của người được cử đi học như sau: 1. Chấp hành nghiêm túc quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập (Nghị định số 86/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ), quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước. 2. Cam kết tích cực học tập, nghiên cứu để hoàn thành tốt chương trình đào tạo đúng thời hạn được phép. Nếu phải gia hạn thời gian học tập sẽ tự túc kinh phí trong thời gian gia hạn. 3. Sau khi kết thúc khoá học về nước, thực hiện thủ tục báo cáo tốt nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định. 4. Tôi cam kết bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước theo quy định hiện hành nếu tự ý bỏ học; bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp; đã hoàn thành khóa học, được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định; không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quản lý trực tiếp sau khi tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đúng cam kết trên đây, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc xử lý theo quy định của Pháp luật. .........., ngày .... tháng ..... năm ..... Người cam kết (ký và ghi rõ họ tên) Xác nhận bảo lãnh của cơ quan tuyển chọn và giới thiệu người dự tuyển: …………………………….……. xác nhận bảo lãnh ông/bà ……………….………., hiện đang là (biên chế/hợp đồng) ……………………… của ………………………… Chúng tôi cam kết thực hiện trách nhiệm: 1. Tiếp nhận lại và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn và trình độ đào tạo sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về. 2. Giúp đỡ, tạo điều kiện để ông/bà có tên trên được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian đi đào tạo ở nước ngoài. 3. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc yêu cầu ông/bà có tên trên thực hiện đúng những cam kết nêu trên. ............, ngày..... tháng.... năm ...... Thủ trưởng /Giám đốc/Hiệu trưởng (Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)
{ "issuing_agency": "Bộ Giáo dục và Đào tạo", "promulgation_date": "15/12/2022", "sign_number": "18/2022/TT-BGDĐT", "signer": "Nguyễn Văn Phúc", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Ke-hoach-hanh-dong-192-KH-BCSD-nam-2013-cai-cach-hanh-chinh-che-do-cong-vu-203027.aspx
Kế hoạch hành động 192-KH/BCSĐ năm 2013 cải cách hành chính chế độ công vụ
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ GTVT -------- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM ---------------- Số: 192-KH/BCSĐ Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2013 KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHẾ ĐỘ CÔNG VỤ CÔNG CHỨC VÀ QUẢN LÝ BIÊN CHẾ THEO KẾT LUẬN SỐ 64-KL/TW NGÀY 28/5/2013 HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA XI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN CƠ SỞ Thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở (Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013), Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải ban hành kế hoạch hành động “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chế độ công vụ công chức và quản lý biên chế” như sau: I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 1. Bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. 2. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đơn giản hóa hệ thống thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý từ Bộ đến cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ và năng lực, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; triệt để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ. 3. Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. Tập trung xây dựng tác phong làm việc của công chức, viên chức trong Bộ Giao thông vận tải chuyên nghiệp, hiện đại để bảo đảm sự quản lý điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực trong ngành Giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. II. NHIỆM VỤ 1. Về cải cách thể chế Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. 2. Về cải cách thủ tục hành chính - Tăng cường việc rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời công bố, cập nhật, công khai thủ tục hành chính đã ban hành. - Thực hiện tiếp nhận và xử lý phản ảnh kiến nghị về thủ tục hành chính và các quy định hành chính, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 3. Về cải cách tổ chức bộ máy - Tổ chức thực hiện các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng đã ban hành; tiếp tục trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. - Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện cho phù hợp với Nghị định mới (sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). 4. Về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý biên chế và tinh giản biên chế - Xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ; tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quản lý công chức, viên chức. - Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với công chức, viên chức theo thẩm quyền. - Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. - Xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. - Đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ; thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý. - Triển khai các quy định về chế độ tiến cử và chính sách thu hút, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ. - Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người có công theo quy định. 5. Về cải cách tài chính công - Tiếp tục tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách; hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của nhà nước. - Hoàn thiện cơ chế tài chính mới theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, quản lý vốn sự nghiệp kinh tế, các chương trình, dự án của ngành. - Tiếp tục thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực tài chính trong các hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác. - Thực hiện xét duyệt quyết toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bảo đảm đúng tiến độ và đúng quy định hiện hành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài chính công. 6. Về hiện đại hóa hành chính Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, trong quy trình xử lý công việc của các đơn vị hành chính; giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc và giữa các cơ quan trực thuộc Bộ với tổ chức và cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục và các Cục trực thuộc. III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 1. Nhiệm vụ, đơn vị thực hiện và tiến độ cụ thể tại Phụ lục kèm theo kế hoạch này. 2. Các đồng chí Thành viên Ban Cán sự đảng Bộ, theo phân công phụ trách, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch theo các nhiệm vụ được phân công. 3. Đảng ủy Bộ chỉ đạo cấp ủy các tổ chức đảng trực thuộc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Trung ương, kế hoạch hành động của Ban Cán sự đảng Bộ; định kỳ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương theo yêu cầu của cấp ủy cấp trên; phối hợp xây dựng báo cáo của Ban Cán sự đảng Bộ. 4. Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam chỉ đạo các tổ chức công đoàn trực thuộc phối hợp với các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt Nghị quyết của Trung ương 7; đồng thời vận động công chức, viên chức và người lao động thực hiện Kế hoạch này. 5. Đoàn Thanh niên Bộ chỉ đạo các tổ chức Đoàn Thanh niên trực thuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên nghiêm túc học tập, quán triệt Nghị quyết của Trung ương 7; phát động phong trào thanh niên với nội dung phù hợp để góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động của Ban Cán sự đảng Bộ. 6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo các nhiệm vụ được phân công tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này. 7. Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ chủ trì theo dõi, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ việc thực hiện Kế hoạch hành động theo quy định./. Nơi nhận: - Bí thư BCS; - Các đ/c UV BCS; - VP TW và các Ban đảng TW; - Đảng ủy Khối doanh nghiệp TW; - Đảng ủy Khối các cơ quan TW; - Đảng ủy Bộ; - Công đoàn GTVTVN; - Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; - Đoàn Thanh niên; - Trang thông tin điện tử Bộ GTVT; - Lưu: VT, TCCB, VP BCS. TM. BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ BÍ THƯ Đinh La Thăng PHỤ LỤC (Kèm theo Kế hoạch hành động số 192-KH/BCSĐ ngày 18 tháng 7 năm 2013 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT) Mục tiêu Nhiệm vụ Sản phẩm/hoạt động Thời gian thực hiện Cơ quan chủ trì Cơ quan/Đơn vị phối hợp Ghi chú I. Nhiệm vụ chung Đổi mới công tác chỉ đạo điều hành CCHC của Bộ, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời, thông suốt đối với nhiệm vụ cải cách hành chính; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy mạnh thực hiện CCHC góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong ngành GTVT. 1. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành công tác CCHC Định kỳ tổ chức họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ để kiểm điểm những công việc đã thực hiện từ đầu quý và đề ra kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể của quý tiếp theo, năm tiếp theo. Hàng năm (Hàng quý) Vụ TCCB, cơ quan, đơn vị phụ trách nội dung theo từng chuyên dề Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ 2. Tăng cường tập trung nguồn lực tài chính và sử dụng hiệu quả phục vụ chương trình, kế hoạch CCHC Xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách thực hiện cải cách hành chính hàng năm của Bộ GTVT báo cáo Bộ và gửi Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, cân đối ngân sách Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ GTVT Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ 3. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện CCHC tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện CCHC hàng năm hoặc kiểm tra theo từng lĩnh vực tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Hàng năm Vụ TCCB Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị liên quan 4. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CCHC, các chương trình hoạt động CCHC được tuyên truyền bằng nhiều hình thức: trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Website của các đơn vị, các báo, tạp chí của ngành và trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Ban hành Kế hoạch thực hiện tuyên truyền về CCHC Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 5. Triển khai các đề án liên quan đến CCHC trong lĩnh vực GTVT Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Theo phân công Quyết định số 490/QĐ-BGTVT ngày 08/03/2012 của Bộ GTVT Theo phân công Quyết định số 490/QĐ-BGTVT ngày 08/03/2012 của Bộ GTVT Sửa đổi, bổ sung Quyết định 490 cho phù hợp. II. Cải cách thể chế Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển giao thông vận tải, cơ bản tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ quốc tế. 1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT hàng năm Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 2. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật a) Thực hiện nghiêm quy định về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trong lĩnh vực GTVT hàng năm Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan c) Ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT (thường xuyên cập nhật tình hình xây dựng văn bản tại phần mềm quản lý văn bản Trans Legal) Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan d) Thực hiện Kế hoạch hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Kế hoạch pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực GTVT. Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan d) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực GTVT, Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan e) Triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật về GTVT Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan III. Cải cách thủ tục hành chính Đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; xây dựng hệ thống thủ tục hành chính trong lĩnh vực Giao thông vận tải hiệu quả, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giảm chi phí cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. 1. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính hàng năm a) Quyết định phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính hàng năm; b) Chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính hàng năm. Hàng năm Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 2. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ với các cơ quan hành chính nhà nước khác và cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ Bộ 3. Kiểm soát các quy định về TTHC theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP trong quá trình xây dựng văn bản QPPL a) Văn bản tham gia ý kiến đối với văn bản QPPL có quy định về TTHC; b) Biểu mẫu rà soát, đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ Thường xuyên (Khi có văn bản xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị) Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 4. Thống kê, công bố, cập nhật và công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC a) Quyết định công bố TTHC b) Cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC c) Công văn đề nghị công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia Thường xuyên (Khi có TTHC mới được ban hành hoặc TTHC được sửa đổi bổ sung) Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 5. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc giám sát thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn bản ký gửi các đơn vị có liên quan xử lý phản ánh, kiến nghị theo quy định. Thường xuyên (Khi nhận được phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức) Vụ Pháp chế Các cơ quan, đơn vị liên quan 6. Xây dựng, công bố lộ trình và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1605/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ a) Quyết định phê duyệt Danh mục và lộ trình thực hiện 2013 - 2015 Văn phòng Bộ Các Vụ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ Đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BGTVT ngày 04/3/2013 b) Triển khai phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 2013 - 2015 Trung tâm CNTT Vụ Pháp chế, Các Vụ, Tổng cục, các Cục thuộc Bộ IV. Cải cách tổ chức, bộ máy Hoàn thiện bộ máy tổ chức của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị tránh tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp; hoàn thiện cơ chế phân cấp và thực hiện phân cấp quản lý tổ chức bộ máy; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động điều hành của Bộ và các cơ quan, đơn vị. 1. Tổ chức thực hiện các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng đã ban hành; tiếp tục ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT; Năm 2013 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị liên quan 2. Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện cho phù hợp với Nghị định mới (sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định 14/2008/NĐ-CP) a) Ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch 12/2008/TTLT-BGTVT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện 2013 - 2014 Vụ TCCB Các Vụ thuộc Bộ; TTra Bộ; các Tổng cục, Cục thuộc Bộ b) Kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra theo qui định hiện hành Năm 2013 Thanh tra Bộ Vụ TCCB c) Thực hiện phân cấp quản lý theo phân cấp của Chính phủ Theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền Các cơ quan đơn vị liên quan Các cơ quan đơn vị liên quan d) Xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GTVT Hàng năm Vụ Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan Các cơ quan đơn vị liên quan 3. Đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ GTVT a) Triển khai áp dụng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc Bộ GTVT Sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ Vụ Pháp chế Các cơ quan đơn vị liên quan b) Căn cứ vào Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước do Bộ Nội vụ ban hành cụ thể hóa để áp dụng đánh giá việc cung cấp dịch vụ hành chính của các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ GTVT phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế của Bộ GTVT Sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ Vụ Pháp chế Các cơ quan đơn vị liên quan V. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của Bộ GTVT có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực thực thi công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới. 1. Xây dựng cơ cấu công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị thuộc Bộ, xây dựng cơ cấu công chức viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm 2014-2015 Vụ TCCB/các cơ quan, đơn vị liên quan Vụ TCCB, các cơ quan, đơn vị liên quan 2. Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT a) Triển khai Đề án “Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải (Quyết định số 2612/QĐ-BGTVT ngày 24/10/2012). Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan/đơn vị liên quan b) Thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” (Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012). Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Đề án (Bộ Nội vụ) Vụ TCCB Các cơ quan/đơn vị liên quan 3. Thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ, công chức, viên chức và cụ thể hóa (khi cần) cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Vụ TCCB/các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Các cơ quan/đơn vị liên quan 4. Thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và công tác quản lý của cán bộ, công chức, viên chức Thực hiện và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định hiện hành Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị liên quan 5. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT a) Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, quản lý nhà nước, tin học trong và ngoài nước cho cán bộ, công chức, gồm: - Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 2379/QĐ-BGTVT ngày 24/10/2011); - Thực hiện Kế hoạch xây dựng đội ngũ trí thức ngành GTVT đến năm 2015 (Quyết định số 68/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT); - Thực hiện Kế hoạch thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài ngành GTVT đến năm 2015 (Quyết định số 71/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT); - Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ngành Giao thông vận tải đến năm 2015 (Quyết định số 1045/QĐ-BGTVT ngày 10/05/2012); - Thực hiện đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Giao thông vận tải phục vụ hội nhập quốc tế đến năm 2015 (Quyết định số 1188/QĐ- BGTVT ngày 28/5/2012) - Triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1576/QĐ-BGTVT ngày 19/7/2011) Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan/đơn vị liên quan b) Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức viên chức gắn với quy hoạch cán bộ, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Bộ. Đặc biệt nâng cao kỹ năng tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản của cán bộ công chức ngành GTVT - Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức viên chức ngành GTVT - Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên ngành GTVT Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị liên quan 6. Thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công Thực hiện và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định hiện hành Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị liên quan 7. Triển khai các quy định về vị trí việc làm, về tuyển dụng, thi nâng ngạch và tiêu chuẩn công chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về vị trí việc làm, về tuyển dụng, thi nâng ngạch và tiêu chuẩn công chức (theo kế hoạch, tháng 12/2013 sẽ ban hành) 8. Xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Cử công chức tham gia các lớp tập huấn do Bộ Nội vụ tổ chức 2014 - 2015 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Phụ thuộc vào thời gian tổ chức lớp của Bộ Nội vụ Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về Xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch 9. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê; quản lý thống nhất các thông tin của hồ sơ cán bộ, công chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về chế độ báo cáo thống kê; quản lý các thông tin của hồ sơ cán bộ, công chức (theo kế hoạch tháng 6/2014 sẽ ban hành) 10. Đổi mới và nâng cao chất lượng thi tuyển công chức. Áp dụng bộ câu hỏi và đáp án trong thi tuyển công chức đối với từng môn thi 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành bộ câu hỏi và đáp án thi tuyển công chức đối với từng môn thi (theo kế hoạch 6/2014 sẽ ban hành) Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi tuyển công chức vào Bộ GTVT 2015 Vụ TCCB Trung tâm CNTT và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ 11. Tổ chức thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2013 - 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo cấp vụ (theo kế hoạch, tháng 9/2013 sẽ ban hành) Xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm thi tuyển để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN 2013 - 2014 Vụ TCCB Tổng cục ĐBVN và cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về luân chuyển cán bộ (Quyết định thay thế Quyết định số 1688/QĐ-BGTVT ngày 11/6/2009) 2013 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ 12. Tổ chức thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành và hướng dẫn thực hiện chế độ tập sự, thực tập lãnh đạo, quản lý (theo kế hoạch, tháng 5/2014 sẽ ban hành) Tổ chức thực hiện thí điểm thực hiện chế độ tập sự, thực tập lãnh đạo, quản lý 2014 - 2015 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ 13. Triển khai các quy định về chế độ tiến cử và chính sách thu hút, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ. Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2013 - 2014 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành Quy định chế độ tiến cử và chính sách thu hút, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ (theo kế hoạch, tháng 8/2013 sẽ ban hành) Tiếp tục thực hiện Kế hoạch thu hút, đào tạo, sử dụng nhân tài ngành GTVT đến năm 2015 (Quyết định số 71/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT) Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ 14. Nâng cao chế độ kỷ luật trong hoạt động công vụ, duy trì trật tự kỷ cương và phát huy tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ Theo kế hoạch, tháng 6/2014 Bộ Nội vụ sẽ ban hành: - Văn bản quy định về cơ chế sát hạch và tổ chức thực hiện cơ chế sát hạch bắt buộc đối với công chức lãnh đạo, quản lý và công chức chuyên môn, nghiệp vụ; - Quy định chế độ trách nhiệm gắn với chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ; - Chế độ từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý; Xây dựng quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý Năm 2013 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Giao thông vận tải” (Quyết định số 2612/QĐ-BGTVT ngày 24/10/2012) Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tiếp tục thực hiện Quy định về trách nhiệm của công chức thuộc Bộ GTVT trong thi hành nhiệm vụ, công vụ (Quyết định số 2736/QĐ-BGTVT ngày 31/10/2012) Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ 15. Tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Công văn gửi các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ 2013 Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Sau khi Bộ Nội vụ ban hành Quy định chính sách tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (theo kế hoạch, tháng 9/2013 sẽ ban hành) 16. Quản lý, sử dụng biên chế Hàng năm Vụ TCCB Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VI. Cải cách tài chính công Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách tạo sự chủ động và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí 1. Tiếp tục xây dựng, phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách. Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị liên quan 2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của nhà nước. Các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác tài chính của Bộ GTVT Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị liên quan 3. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính mới theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, quản lý vốn sự nghiệp kinh tế, các chương trình, dự án của ngành; thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực tài chính trong các hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác. Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ từng bước thực hiện triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/08/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị liên quan 4. Tiếp tục thực hiện xét duyệt quyết toán đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đảm bảo đúng tiến độ và đúng quy định hiện hành. Biên bản xét duyệt, thẩm định; thông báo xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm. Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị liên quan 5. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài chính công, sử dụng các phần mềm về quản lý tài sản và quản lý ngân sách nhà nước Các chương trình quản lý tài chính, ngân sách, tài sản. Hàng năm Vụ Tài chính Các cơ quan, đơn vị liên quan VII. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của Bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. 1. Thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ giai đoạn 2011-2015 a) Nâng cấp và tăng cường năng lực cho website Bộ; Nâng cấp hệ thống thư điện tử 2013-2015 Trung tâm CNTT Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ b) Xây dựng hệ thống phòng họp giao ban trực tuyến; Xây dụng hệ thống điều hành trực tuyến bằng hình ảnh 2013 Trung tâm CNTT, Văn phòng Bộ Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ c) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông vận tải và các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ 2013-2015 Trung tâm CNTT, Văn phòng Bộ, Tổng cục ĐBVN Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ 2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của các đơn vị hành chính; giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc và giữa các cơ quan trực thuộc bộ với tổ chức và cá nhân Nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc 2013 Văn phòng Bộ Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ 3. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp Xây dựng các phần mềm bảo đảm việc cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp 2013-2015 Trung tâm CNTT Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ 4. Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại Bộ GTVT và các Tổng cục, Cục thuộc Bộ theo quy định tại Quyết định số 144/QĐ-TTg và Quyết định số 118/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. a) Các Quyết định ban hành quy trình giải quyết công việc 2013 và các năm tiếp theo Văn phòng Bộ, các Vụ, Ban, Tổng cục, các Cục thuộc Bộ Các cơ quan, đơn vị liên quan b) Triển khai công tác xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 2013 và các năm tiếp theo Vụ KHCN Các cơ quan, đơn vị liên quan
{ "issuing_agency": "Bộ Giao thông vận tải", "promulgation_date": "18/07/2013", "sign_number": "192-KH/BCSĐ", "signer": "Đinh La Thăng", "type": "Kế hoạch" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-58-2015-TT-BCA-tuan-tra-kiem-soat-bao-dam-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-luc-luong-canh-sat-co-dong-295149.aspx
Thông tư 58/2015/TT-BCA tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội lực lượng cảnh sát cơ động
BỘ CÔNG AN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Số: 58/2015/TT-BCA Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2015 THÔNG TƯ QUY ĐỊNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014; Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013; Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động. Chương I QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh 1. Thông tư này quy định về thẩm quyền điều động và phân công trách nhiệm trong tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong tuần tra, kiểm soát; đối tượng, hình thức, trình tự thực hiện tuần tra, kiểm soát; xử lý vi phạm pháp luật và trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động. 2. Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động trong trường hợp được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Điều 2. Đối tượng áp dụng Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều 3. Nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát 1. Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trấn áp người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ. 3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải sử dụng phù hiệu, trang phục theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. 4. Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi làm trái pháp luật khác. Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ Mục 1: THẨM QUYỀN ĐIỀU ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TUẦN TRA, KIỂM SOÁT Điều 4. Thẩm quyền điều động 1. Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. 2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) phối hợp điều động lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn. 3. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi địa bàn quản lý và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an. Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động 1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. 2. Chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp khi cần thiết. 3. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội các khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. 4. Tổ chức lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện độc lập hoặc chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương, lực lượng có liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi toàn quốc khi cần thiết. Điều 6. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh 1. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi địa bàn quản lý; b) Phân công, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền. 2. Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động Công an cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Tham mưu cho Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bố trí các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; b) Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; c) Chủ trì, phối hợp với Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn phức tạp. Mục 2: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT Điều 7. Nhiệm vụ 1. Chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 2. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật. 3. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công tuần tra, kiểm soát. 4. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Điều 8. Quyền hạn 1. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. 2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền. 3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. 4. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 5. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. 6. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Mục 3: ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT Điều 9. Đối tượng tuần tra, kiểm soát 1. Đối tượng tuần tra gồm: khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. 2. Đối tượng kiểm soát gồm: người, phương tiện, đồ vật, tài liệu. Điều 10. Tuần tra, kiểm soát công khai 1. Tuần tra, kiểm soát công khai gồm: a) Tuần tra, kiểm soát cơ động; b) Kiểm soát tại điểm, chốt trong khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát. 2. Trường hợp kiểm soát tại một điểm, chốt phải có kế hoạch, phương án được người có thẩm quyền phê duyệt. 3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng phù hiệu, trang phục theo quy định; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công; sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Điều 11. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang 1. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu; b) Khi có diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự. 2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang. 3. Việc thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát được Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt. Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 12. Khảo sát địa bàn Trước khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, đơn vị Cảnh sát cơ động phải tiến hành công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, đặc điểm có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn và xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát. Điều 13. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát 1. Đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động từ cấp Tiểu đoàn trở lên thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm: a) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát trong phạm vi mục tiêu bảo vệ theo quy định; b) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát độc lập theo chỉ đạo của người có thẩm quyền hoặc trong trường hợp cần thiết và thông báo cho Công an địa phương trong khu vực, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát để phối hợp; c) Xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp tuần tra, kiểm soát và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định khi có yêu cầu phối hợp tuần tra, kiểm soát của Công an đơn vị, địa phương trên khu vực, địa bàn đóng quân. 2. Đơn vị Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát thường xuyên theo tháng, quý; kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề hoặc trong các đợt cao điểm; 3. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích, yêu cầu; nhiệm vụ, biện pháp, phương pháp thực hiện; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các lực lượng; điều kiện đảm bảo; thời gian và địa điểm thực hiện. Phương án tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: khái quát và dự báo tình hình; phương châm, nguyên tắc; xác định khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn, dự kiến tình huống, biện pháp giải quyết và công tác tổ chức, sử dụng lực lượng; công tác chỉ huy, thông tin và bảo đảm các điều kiện cần thiết; tổ chức thực hiện. 4. Phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát a) Tư lệnh Cảnh sát cơ động phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Công an cấp tỉnh; b) Thủ trưởng các đơn vị Cảnh sát cơ động phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát do đơn vị mình xây dựng; c) Thủ trưởng cấp trên một cấp của cấp xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát phê duyệt khi kế hoạch, phương án liên quan đến nhiều khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn. Điều 14. Bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ thực hiện tuần tra, kiểm soát và nhiệm vụ của Trưởng ca, Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát 1. Căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động phân công Trưởng ca, Tổ trưởng, số lượng cán bộ, chiến sĩ trong mỗi tổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ để tiến hành tuần tra, kiểm soát. 2. Trưởng ca tuần tra, kiểm soát là chỉ huy cấp Đại đội và tương đương trở lên, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm: a) Phân công, kiểm tra quân số, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong ca tuần tra; b) Kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi làm nhiệm vụ; ra lệnh hành quân đến địa bàn làm nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, phương án; c) Tiếp nhận, xử lý thông tin của tổ tuần tra, kiểm soát về các tình huống xảy ra trong tuần tra, kiểm soát; báo cáo cấp có thẩm quyền khi có tình huống phức tạp xảy ra. 2. Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát là sĩ quan nghiệp vụ Công an nhân dân, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm: a) Quán triệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, tư thế, lễ tiết, tác phong đến cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; b) Đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác chuẩn bị phục vụ cho ca tuần tra, kiểm soát, chuẩn bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và tập trung theo lệnh của Trưởng ca; c) Nắm tình hình, chỉ huy, điều hành công việc của tổ tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ đúng khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn và phân công vị trí, nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ; kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền; d) Thực hiện chế độ thông tin liên lạc với cán bộ, chiến sĩ, Trưởng ca tuần tra, kiểm soát và các cơ quan liên quan khi cần thiết; báo cáo kịp thời cho Trưởng ca khi có vụ việc đột xuất, phức tạp; đ) Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện ca tuần tra, kiểm soát. Điều 15. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu 1. Việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp sau: a) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; b) Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nếu không khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy; c) Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm. 2. Khi phát hiện các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư này. Điều 16. Hiệu lệnh thực hiện kiểm soát Hiệu lệnh thực hiện kiểm soát của Cảnh sát cơ động được thực hiện bằng các hình thức sau: 1. Bằng tay, gậy chỉ huy được sử dụng khi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát công khai cơ động bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ. 2. Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát ban ngày trên phương tiện giao thông. 3. Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát trên khu vực, địa bàn, tuyến mục tiêu phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Điều 17. Kết thúc tuần tra, kiểm soát 1. Kết thúc tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng tổ tuần tra phải tổng hợp báo cáo kết quả công tác và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ca tuần tra, kiểm soát. 2. Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm tra toàn bộ tài liệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ bàn giao cho đơn vị theo quy định. 3. Tổng hợp tình hình có liên quan để bổ sung tài liệu liên quan đến khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn vào hồ sơ điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát cơ động. Mục 4: XỬ LÝ VI PHẠM Điều 18. Xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm soát 1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và nói rõ hành vi vi phạm cho người vi phạm biết. 2. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 3. Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều 19. Áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự 1. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Mục 5: TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT, ĐỘNG VẬT NGHIỆP VỤ, VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT Điều 20. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trong tuần tra, kiểm soát 1. Phương tiện giao thông gồm: ô tô, mô tô, tàu, xuồng và các loại phương tiện khác được lắp đặt đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật. Hai bên thành ô tô, tàu, xuồng tuần tra có in phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang; hai bên bình xăng hoặc ở sườn hai bên thùng phía sau mô tô hai bánh tuần tra có phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang; 2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật gồm: a) Máy quay camera; máy chụp ảnh, ghi âm; b) Đèn pin chiếu sáng; c) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật và phương tiện khác. 3. Phương tiện thông tin liên lạc: Máy bộ đàm. 4. Động vật nghiệp vụ. 5. Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Cảnh sát cơ động. 6. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác theo quy định của Bộ Công an. Điều 21. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ 1. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: a) Tuần tra, kiểm soát công khai cơ động; b) Kiểm soát tại một điểm, chốt trong khu vực, tuyến, mục tiêu, địa bàn. 2. Khi sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 20 Thông tư này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ. Chương III ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 22. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015. Quyết định số 910/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 02/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy trình tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng Cảnh sát cơ động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Điều 23. Trách nhiệm thi hành 1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm: a) Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung Thông tư này và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Thông tư và văn bản hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan; b) Biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho lực lượng Cảnh sát cơ động; c) Tổ chức tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho các đơn vị trực thuộc và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Cảnh sát cơ động trong toàn quốc. 2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm: a) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thuộc địa phương mình theo nội dung tài liệu tập huấn do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động biên soạn; b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và Thông tư này. 3. Các Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) để có hướng dẫn kịp thời./. Nơi nhận: - Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo thực hiện); - Các Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện); - Cục kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp; - Công báo, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; - Lưu: VT, K20, V19. BỘ TRƯỞNG Đại tướng Trần Đại Quang
{ "issuing_agency": "Bộ Công An", "promulgation_date": "03/11/2015", "sign_number": "58/2015/TT-BCA", "signer": "Trần Đại Quang", "type": "Thông tư" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Nghi-dinh-125-2003-ND-CP-van-tai-da-phuong-thuc-quoc-te-51501.aspx
Nghị định 125/2003/NĐ-CP vận tải đa phương thức quốc tế
CHÍNH PHỦ ******** CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** Số: 125/2003/NĐ-CP Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2003 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 125/2003/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC QUỐC TẾ CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990; Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1995; Căn cứ Luật Doanh nghiệp Nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995; Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 3 năm 1996; Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước ngày 20 tháng 5 năm 1998; Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999; Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 9 tháng 6 năm 2000; Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001; Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, NGHỊ ĐỊNH: Chương 1: QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng 1. Nghị định này quy định về hoạt động vận tải đa phương thức quốc tế của tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế theo pháp luật Việt Nam. 2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó. Điều 2. Giải thích từ ngữ Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. "Vận tải đa phương thức quốc tế" (sau đây gọi tắt là vận tải đa phương thức) là việc vận chuyển hàng hoá bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ nơi người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hoá ở một nước đến một địa điểm được chỉ định giao trả hàng ở nước khác. 2. "Người kinh doanh vận tải đa phương thức" là doanh nghiệp ký kết hợp đồng vận tải đa phương thức, tự chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó mà không phải là đại lý hoặc đại diện của người gửi hàng hoặc thay mặt người vận chuyển tham gia các hoạt động thực hiện vận tải đa phương thức. 3. "Hợp đồng vận tải đa phương thức" là văn bản theo đó người kinh doanh vận tải đa phương thức cam kết thực hiện hoặc tổ chức việc thực hiện vận tải đa phương thức và được thanh toán tiền cước vận chuyển. 4. "Chứng từ vận tải đa phương thức" là văn bản do người kinh doanh vận tải đa phương thức phát hành, là bằng chứng của hợp đồng vận tải đa phương thức, xác nhận người kinh doanh vận tải đa phương thức đã nhận hàng để vận chuyển và cam kết giao hàng đó theo đúng những điều khoản của hợp đồng đã ký kết. 5. "Người vận chuyển" là người thực hiện hoặc cam kết thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển, dù người đó là người kinh doanh vận tải đa phương thức hay không phải là người kinh doanh vận tải đa phương thức. 6. "Người gửi hàng" là người ký kết hợp đồng vận tải đa phương thức với người kinh doanh vận tải đa phương thức. 7. "Người nhận hàng" là người được quyền nhận hàng hoá từ người kinh doanh vận tải đa phương thức. 8. "Tiếp nhận hàng" là việc hàng hoá đã thực sự được giao cho người kinh doanh vận tải đa phương thức từ người gửi hàng hoặc từ người được người gửi hàng uỷ quyền và được người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận để vận chuyển. 9. "Giao trả hàng" là một trong các trường hợp sau đây: a) Việc giao trả hàng hoá cho người nhận hàng; b) Hàng hoá được đặt dưới sự định đoạt của người nhận hàng phù hợp với quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc quy định của pháp luật hoặc tập quán thương mại áp dụng tại nơi giao trả hàng; c) Việc giao hàng hoá cho một nhà chức trách hoặc một bên thứ ba khác mà theo quy định của pháp luật áp dụng tại nơi giao trả hàng thì hàng hoá phải được giao như vậy. 10." Hàng hoá" là bất cứ tài sản nào, kể cả công-te-nơ, cao bản hoặc các công cụ vận chuyển, đóng gói tương tự khác mà không do người kinh doanh vận tải đa phương thức cung cấp. 11. "Bằng văn bản" là một trong các hình thức sau: điện tín, telex, fax hoặc bất cứ phương tiện nào khác được in ấn, ghi lại, nhắc lại hoặc truyền các văn bản bằng cơ học, điện tử hoặc bằng bất kỳ loại thiết bị nào được dùng cho những mục đích đó. 12. "Ký hậu" là việc xác nhận của người nhận hàng hoặc của người được quyền xác nhận sau khi đưa ra chỉ dẫn trên chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được để chuyển giao hàng hoá nêu trong chứng từ đó cho người được xác định. 13. "Quyền rút vốn đặc biệt" (SDR) là đơn vị tính toán do Quỹ Tiền tệ quốc tế quy định. Tỷ giá của SDR đối với Đồng Việt Nam do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố. 14. "Ẩn tỳ" là những khuyết tật của hàng hoá, nếu chỉ kiểm tra bên ngoài hàng hoá một cách thông thường thì không thể phát hiện được. 15. "Trường hợp bất khả kháng" là những trường hợp xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Điều 3. Thủ tục Hải quan Hàng hoá vận tải đa phương thức được miễn kiểm tra hải quan. Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá vận tải đa phương thức. Điều 4. Quản lý nhà nước về vận tải đa phương thức 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vận tải đa phương thức. 2. Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải đa phương thức, là đầu mối giúp Chính phủ điều phối hoạt động liên ngành và hướng dẫn thực hiện quy định liên quan đến hoạt động vận tải đa phương thức. Chương 2: ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC Điều 5. Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức sau khi được Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc Giấy phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức (sau đây gọi chung là Giấy phép). Điều 6. Điều kiện cấp Giấy phép 1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức: a) Là doanh nghiệp Việt Nam có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức; b) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh của ngân hàng cho người kinh doanh vận tải đa phương thức đối với tổn thất về mất mát, hư hỏng hàng hoá, giao hàng chậm và những rủi ro khác; c) Có tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây sẽ được cấp Giấy phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức: a) Có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. b) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh của ngân hàng cho người kinh doanh vận tải đa phương thức đối với tổn thất về mất mát, hư hỏng hàng hoá, giao hàng chậm và những rủi ro khác; c) Có tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương. 3. Doanh nghiệp nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này, có đủ các điều kiện sau đây sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức: a) Là doanh nghiệp của nước thành viên ASEAN đã ký kết Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của nước đã ký hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam về vận tải đa phương thức; b) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức do Cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp và đã được hợp pháp hoá lãnh sự; c) Có đại diện pháp lý tại Việt Nam là doanh nghiệp vận tải hoặc đại lý vận tải của Việt Nam, trong trường hợp là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì vốn góp của phía Việt Nam không dưới 51%. Điều 7. Thủ tục cấp Giấy phép 1. Doanh nghiệp Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định này gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; c) Bản kê khai tài sản của doanh nghiệp hoặc giấy tờ bảo lãnh tương đương; d) Bản sao hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc bản sao Giấy bảo lãnh của ngân hàng. 2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định này gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ bao gồm: a) Các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. b) Bản kê khai tài sản của doanh nghiệp hoặc giấy tờ bảo lãnh tương đương; c) Bản sao hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc bản sao Giấy bảo lãnh của ngân hàng. 3. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định này gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định; b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức do Cơ quan có thẩm quyền của nước đó cấp và đã được hợp pháp hoá lãnh sự; c) Hợp đồng đại lý với doanh nghiệp Việt Nam quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 6 của Nghị định này. 4. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông vận tải thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức cho các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 6 của Nghị định này. Trường hợp không cấp phải trả lời rõ lý do bằng văn bản trong thời hạn nêu trên. Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết thủ tục thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức. 5. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định này sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp không cấp phải trả lời rõ lý do bằng văn bản trong thời hạn nêu trên. Quy trình thủ tục thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư nước ngoài. 6. Cơ quan cấp Giấy phép được thu lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính. Điều 8. Thu hồi Giấy phép 1. Cơ quan cấp Giấy phép có quyền thu hồi Giấy phép nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức vi phạm một trong các trường hợp sau: a) Vi phạm điều kiện hoặc thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này; b) Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép không thực hiện được tối thiểu 01 hợp đồng vận tải đa phương thức. 2. Giấy phép bị thu hồi tạm thời trong thời hạn 06 tháng, nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức vi phạm lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều này và bị thu hồi, nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức vi phạm lần thứ hai. Chương 3: CHỨNG TỪ VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC Điều 9. Phát hành chứng từ vận tải đa phương thức 1. Khi người kinh doanh vận tải đa phương thức đã tiếp nhận hàng hoá thì phải phát hành một chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được hoặc không chuyển nhượng được, tuỳ người gửi hàng lựa chọn, trừ trường hợp hợp đồng vận tải đa phương thức có quy định khác. 2. Chứng từ vận tải đa phương thức do người kinh doanh vận tải đa phương thức ký hoặc do người được người kinh doanh vận tải đa phương thức uỷ quyền ký. 3. Chữ ký trên chứng từ vận tải đa phương thức có thể là chữ ký tay, chữ ký được in qua fax, đục lỗ, đóng dấu, ký hiệu hoặc bằng bất kỳ phương tiện cơ học hoặc điện tử nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành. 4. Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức phải được đăng ký với Bộ Giao thông vận tải. Điều 10. Các dạng chứng từ vận tải đa phương thức 1. Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng chuyển nhượng được thì được phát hành theo một trong các hình thức sau: a) Xuất trình; b) Theo lệnh; c) Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc. 2. Chứng từ vận tải đa phương thức ở dạng không chuyển nhượng được thì được phát hành theo hình thức: đích danh người nhận hàng. Điều 11. Chuyển nhượng chứng từ vận tải đa phương thức Việc chuyển nhượng chứng từ vận tải đa phương thức thực hiện theo quy định sau: 1. Đối với hình thức "Xuất trình": không cần ký hậu; 2. Đối với hình thức "Theo lệnh": phải có ký hậu; 3. Đối với hình thức "Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc" : phải có ký hậu của người có tên trong chứng từ gốc. Điều 12. Nội dung của chứng từ vận tải đa phương thức 1. Chứng từ vận tải đa phương thức bao gồm các nội dung chính sau đây: a) Đặc tính tự nhiên chung của hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu cần thiết để nhận biết hàng hoá; tính chất nguy hiểm hoặc mau hỏng của hàng hoá; số lượng kiện hoặc chiếc; trọng lượng cả bì của hàng hoá hoặc số lượng của hàng hoá được diễn tả cách khác. Tất cả các chi tiết nói trên do người gửi hàng cung cấp; b) Tình trạng bên ngoài của hàng hoá; c) Tên và trụ sở chính của người kinh doanh vận tải đa phương thức; d) Tên của người gửi hàng; đ) Tên người nhận hàng nếu người gửi hàng đã nêu tên; e) Địa điểm và ngày người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận hàng hoá; g) Địa điểm giao trả hàng; h) Ngày hoặc thời hạn giao trả hàng tại địa điểm giao trả hàng, nếu các bên liên quan đã thoả thuận; i) Nêu rõ chứng từ vận tải đa phương thức là loại chứng từ chuyển nhượng được hoặc không chuyển nhượng được; k) Chữ ký của người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc của người được người kinh doanh vận tải đa phương thức uỷ quyền ; l) Cước phí vận chuyển cho mỗi phương thức vận tải nếu các bên liên quan đã thoả thuận, hoặc cước phí vận chuyển, đồng tiền thanh toán cước phí mà người nhận hàng thanh toán, hoặc sự diễn tả khác về cước phí sẽ được người nhận hàng thanh toán; m) Tuyến hành trình dự định, phương thức vận tải trong từng chặng và các địa điểm chuyển tải nếu đã được biết khi phát hành chứng từ vận tải đa phương thức; n) Các chi tiết khác mà các bên liên quan nhất trí đưa vào chứng từ vận tải đa phương thức, nếu không trái với quy định của pháp luật. 2. Việc thiếu một hoặc một số chi tiết đã được đề cập tại khoản 1 của Điều này sẽ không ảnh hưởng đến tính pháp lý của chứng từ vận tải đa phương thức. Điều 13. Hiệu lực bằng chứng của chứng từ vận tải đa phương thức 1. Chứng từ vận tải đa phương thức là bằng chứng ban đầu về việc người kinh doanh vận tải đa phương thức đã tiếp nhận hàng hoá để vận tải như đã nêu trong chứng từ vận tải đa phương thức, trừ trường hợp chứng minh ngược lại. 2. Trong trường hợp chứng từ vận tải đa phương thức được phát hành dưới dạng chuyển nhượng được và đã được chuyển giao hợp thức cho người nhận hàng hoặc từ người nhận hàng cho bên thứ ba, nếu người nhận hàng hoặc bên thứ ba đã dựa vào sự mô tả hàng hoá và thực hiện đúng theo sự mô tả đó, thì sự chứng minh ngược lại sẽ không được chấp nhận. Điều 14. Bảo lưu trong chứng từ vận tải đa phương thức 1. Nếu chứng từ vận tải đa phương thức có ghi những chi tiết về tính chất chung, ký hiệu, mã hiệu, số lượng kiện hoặc chiếc, trọng lượng hoặc số lượng hàng hoá mà người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức uỷ quyền biết hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ là mô tả không chính xác hàng hoá thực sự nhận được hoặc nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức uỷ quyền không có thiết bị hợp lý để kiểm tra những chi tiết đó, họ sẽ ghi bảo lưu vào chứng từ vận tải đa phương thức nói rõ sự mô tả thiếu chính xác, cơ sở nghi ngờ hoặc việc thiếu phương tiện hợp lý để kiểm tra. 2. Nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức hoặc người được người kinh doanh vận tải đa phương thức uỷ quyền không ghi bảo lưu trên chứng từ vận tải đa phương thức về tình trạng bên ngoài của hàng hoá, thì được coi là hàng hoá ở tình trạng bên ngoài tốt. Chương 4: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI KINH DOANH VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC Điều 15. Thời hạn trách nhiệm Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về hàng hoá kể từ khi tiếp nhận hàng cho đến khi giao trả hàng cho người nhận hàng. Điều 16. Trách nhiệm đối với người làm công, đại lý hoặc người vận chuyển 1. Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi và sai sót của người làm công hoặc đại lý của mình, khi họ đã hành động trong phạm vi được thuê, hoặc mọi hành vi và sai sót của bất cứ người nào khác mà người kinh doanh vận tải đa phương thức sử dụng dịch vụ của họ để thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức. 2. Trong trường hợp người kinh doanh vận tải đa phương thức ký hợp đồng vận chuyển đơn thức với người vận chuyển thì phải áp dụng pháp luật chuyên ngành của vận tải đơn thức đó. Điều 17. Trách nhiệm giao trả hàng 1. Người kinh doanh vận tải đa phương thức cam kết thực hiện hoặc tổ chức thực hiện tất cả các công việc cần thiết nhằm đảm bảo việc giao trả hàng cho người có quyền nhận hàng. 2. Khi chứng từ vận tải đa phương thức đã được phát hành dưới dạng chuyển nhượng được, tuỳ theo hình thức chứng từ, việc giao trả hàng quy định như sau: a) Chứng từ ở hình thức "Xuất trình" thì hàng hoá được giao trả cho người xuất trình một bản gốc của chứng từ đó; b) Chứng từ ở hình thức "Theo lệnh" thì hàng hoá được giao trả cho người xuất trình một bản gốc của chứng từ đó đã được ký hậu một cách phù hợp; c) Chứng từ ở hình thức "Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc" thì hàng hoá được giao trả cho người chứng minh được mình là người có tên trong chứng từ và xuất trình một bản chứng từ gốc. Nếu chứng từ đó đã được chuyển đổi sang hình thức "Theo lệnh" thì hàng hoá được giao trả theo quy định tại điểm b, Khoản này. 3. Khi chứng từ vận tải đa phương thức đã được phát hành dưới dạng không chuyển nhượng được thì hàng hoá được giao trả cho người có tên là người nhận hàng trong chứng từ, khi người đó chứng minh được mình là người có tên người nhận hàng trong chứng từ. 4. Khi hợp đồng vận tải đa phương thức quy định không phát hành chứng từ thì hàng hoá được giao trả cho một người theo chỉ định của người gửi hàng hoặc theo chỉ định của người có quyền của người gửi hàng hoặc của người có quyền của người nhận hàng theo quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức. 5. Sau khi người kinh doanh vận tải đa phương thức đã giao trả hàng cho người xuất trình một bản gốc chứng từ vận tải đa phương thức thì các bản gốc khác của chứng từ không còn giá trị nhận hàng. Điều 18. Trách nhiệm về tổn thất do mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm 1. Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về tổn thất do mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá hoặc do việc giao trả hàng chậm gây nên, nếu sự việc đó xảy ra trong thời hạn và phạm vi trách nhiệm quy định tại Nghị định này, trừ khi người kinh doanh vận tải đa phương thức chứng minh được mình, người làm công, đại lý hoặc bất cứ người nào khác quy định tại Điều 16 Nghị định này, đã thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra. 2. Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí giám định, ngay cả khi người nhận hàng yêu cầu giám định, nếu không chứng minh được rằng hàng hoá bị mất mát, hư hỏng ngoài phạm vi trách nhiệm của mình. Trong các trường hợp khác người yêu cầu giám định phải thanh toán chi phí giám định. 3. Người kinh doanh vận tải đa phương thức không chịu trách nhiệm và được coi là đã giao trả hàng hoá đủ và đúng như ghi trong chứng từ vận tải đa phương thức cho người nhận hàng, nếu người nhận hàng không thông báo bằng văn bản cho người kinh doanh vận tải đa phương thức về các mất mát, hư hỏng hàng hoá chậm nhất là một ngày tính từ ngày nhận hàng. Trường hợp hàng hoá bị mất mát, hư hỏng không thể phát hiện từ bên ngoài, thì người nhận hàng phải thông báo bằng văn bản cho người kinh doanh vận tải đa phương thức trong vòng 06 ngày (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ), sau ngày hàng hoá đã được giao trả cho người nhận hàng. Trường hợp hàng hoá đã được giám định theo yêu cầu của người nhận hàng hoặc người kinh doanh vận tải đa phương thức trước khi giao trả hàng, thì không cần thông báo bằng văn bản. 4. Người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm, khi người gửi hàng đã có văn bản yêu cầu giao trả hàng đúng hạn và văn bản đó đã được người kinh doanh vận tải đa phương thức chấp nhận. Điều 19. Thời hạn giao trả hàng bị coi là chậm hoặc hàng hoá bị coi là mất 1.Việc giao trả hàng bị coi là chậm khi xảy ra một trong các trường hợp sau: a) Hàng hoá không được giao trả trong thời hạn đã được thoả thuận trong hợp đồng vận tải đa phương thức. b) Trường hợp không có sự thoả thuận trong hợp đồng vận tải đa phương thức mà hàng hoá không được giao trả trong thời gian hợp lý đòi hỏi trong khi người kinh doanh vận tải đa phương thức đã làm hết khả năng của mình để có thể giao trả hàng, có xét đến hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể. 2. Hàng hoá bị coi là mất nếu chưa được giao trả trong vòng 90 ngày (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ) tiếp sau ngày giao trả hàng đã được thoả thuận trong hợp đồng hoặc thời gian hợp lý như nêu tại điểm b, khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người kinh doanh vận tải đa phương thức có bằng chứng chứng minh ngược lại. Điều 20. Miễn trừ trách nhiệm Mặc dù có quy định tại khoản 1 Điều 16, khoản 1 và khoản 4 Điều 18 Nghị định này, người kinh doanh vận tải đa phương thức không phải chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm đối với hàng hoá được vận chuyển nếu chứng minh được việc gây nên mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm trong quá trình vận chuyển là do một hoặc nhiều nguyên nhân sau đây: 1. Bất khả kháng; 2. Hành vi hoặc sự chểnh mảng của người gửi hàng, người nhận hàng, người được uỷ quyền hoặc đại lý của họ; 3. Đóng gói, ghi ký hiệu, mã hiệu hoặc đánh số hàng hoá không đầy đủ hoặc khiếm khuyết; 4. Giao nhận, xếp dỡ, chất xếp hàng hoá dưới hầm tầu do người gửi hàng, người nhận hàng, người được uỷ quyền hoặc người đại lý thực hiện; 5. Ẩn tỳ hoặc tính chất tự nhiên vốn có của hàng hoá; 6. Đình công, bế xưởng, bị ngăn chặn sử dụng một bộ phận hoặc toàn bộ nhân công; 7. Trường hợp hàng hoá được vận chuyển bằng đường biển, hoặc đường thuỷ nội địa, khi mất mát, hư hỏng hoặc chậm trễ xảy ra trong quá trình vận chuyển do: a) Hành vi, sự chểnh mảng hoặc lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hoặc người làm công cho người vận chuyển trong điều hành hoặc quản trị tầu; b) Cháy, trừ khi gây ra bởi hành vi cố ý thực hiện hoặc thông đồng thực hiện của người vận chuyển. Trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hoá xảy ra trong quá trình vận chuyển nói tại khoản này do tầu không có đủ khả năng đi biển thì người kinh doanh vận tải đa phương thức vẫn không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được rằng khi bắt đầu hành trình tầu có đủ khả năng đi biển. Điều 21. Cách tính tiền bồi thường 1. Việc tính tiền bồi thường do mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được thực hiện trên cơ sở tham khảo giá trị của hàng hoá đó tại địa điểm và thời gian hàng hoá được giao trả cho người nhận hàng hoặc tại địa điểm và thời gian đáng lẽ hàng hoá được giao trả theo quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức. 2. Giá trị hàng hoá được xác định theo giá cả trao đổi hàng hoá hiện hành, nếu không có giá cả đó thì theo giá thị trường hiện hành; nếu không có giá cả trao đổi hoặc giá cả thị trường thì tham khảo giá trị trung bình của hàng hoá cùng loại và cùng chất lượng. Điều 22. Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức 1. Người kinh doanh vận tải đa phương thức chỉ chịu trách nhiệm trong bất cứ trường hợp nào về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá với mức tối đa tương đương 666,67 SDR cho một kiện hoặc cho một đơn vị hoặc 2,00 SDR cho một ki-lô-gam trọng lượng cả bì của hàng hoá bị mất mát, hư hỏng, tuỳ theo cách tính nào cao hơn, trừ khi tính chất và giá trị của hàng hoá đã được người gửi hàng kê khai trước khi hàng hoá được người kinh doanh vận tải đa phương thức tiếp nhận để vận chuyển và đã được ghi trong chứng từ vận tải đa phương thức. 2. Trường hợp trong một công-te-nơ, cao bản hoặc công cụ vận chuyển, đóng gói tương đương khác được xếp nhiều kiện, nhiều đơn vị mà các kiện hoặc các đơn vị đó được liệt kê trong chứng từ vận tải đa phương thức thì sẽ được coi là các kiện hoặc các đơn vị. Trong những trường hợp khác, container, cao bản hoặc công cụ vận chuyển, đóng gói tương đương khác đó phải được coi là kiện hoặc đơn vị . 3. Mặc dù có quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, nếu trong hợp đồng vận tải đa phương thức không bao gồm việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển hoặc đường thuỷ nội địa, thì trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức được giới hạn bởi số tiền không vượt quá 8,33 SDR cho một kilogram trọng lượng cả bì của hàng hoá bị mất mát hoặc hư hỏng. 4. Trường hợp mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá xảy ra trong một công đoạn cụ thể của vận tải đa phương thức, mà ở công đoạn đó điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia có quy định một giới hạn trách nhiệm khác, nếu hợp đồng vận tải được ký riêng cho công đoạn đó, thì giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức đối với mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá sẽ được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc của pháp luật quốc gia đó. 5. Nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm về tổn thất do việc giao trả hàng chậm, hoặc tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm mà không phải là mất mát hoặc hư hỏng đối với chính hàng hoá đó, thì trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức được giới hạn trong số tiền không vượt quá số tiền tương đương với tiền cước vận chuyển theo hợp đồng vận tải đa phương thức. 6. Toàn bộ trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức sẽ không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hoá. 7. Người kinh doanh vận tải đa phương thức không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường, nếu người có quyền lợi liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm là do người kinh doanh vận tải đa phương thức đã hành động hoặc không hành động với chủ ý gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách liều lĩnh và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn sẽ xảy ra. Chương 5: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI GỬI HÀNG Điều 23. Trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá 1. Người gửi hàng hoặc người được người gửi hàng uỷ quyền phải bảo đảm cung cấp chính xác thông tin về hàng hoá sau đây cho người kinh doanh vận tải đa phương thức: a) Các chi tiết liên quan đến hàng hoá để ghi vào chứng từ vận tải đa phương thức: - Đặc tính tự nhiên chung, ký hiệu, mã hiệu, số lượng, trọng lượng, khối lượng và chất lượng của hàng hoá; - Tình trạng bên ngoài của hàng hoá . b) Các giấy tờ liên quan đến hàng hoá theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận của hợp đồng mua bán. 2. Khi người gửi hàng hoặc người được người gửi hàng uỷ quyền chuyển giao hàng nguy hiểm cho người kinh doanh vận tải đa phương thức để vận chuyển, thì ngoài trách nhiệm nói tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định sau: a) Cung cấp cho người kinh doanh vận tải đa phương thức các tài liệu và chỉ dẫn cần thiết về tính chất nguy hiểm của hàng hoá và nếu cần cả những biện pháp đề phòng; b) Ghi ký hiệu, mã hiệu hoặc dán nhãn hiệu đối với hàng nguy hiểm theo quy định của các điều ước quốc tế hoặc theo quy định hiện hành của pháp luật quốc gia; c) Cử người áp tải, trong trường hợp hàng nguy hiểm bắt buộc phải có người áp tải . Điều 24. Trách nhiệm đối với tổn thất hàng hoá 1. Người gửi hàng do cố ý hoặc vô ý đều phải chịu trách nhiệm về tổn thất hàng hoá do khai báo hàng hoá không đầy đủ hoặc cung cấp thông tin về hàng hoá không chính xác, không đầy đủ theo quy định tại Điều 23 Nghị định này. 2. Khi người gửi hàng hoặc người được người gửi hàng uỷ quyền không thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này và người kinh doanh vận tải đa phương thức không có cách nào để biết các đặc tính của hàng hoá và tính chất nguy hiểm của hàng hoá đó thì người gửi hàng phải chịu trách nhiệm với người kinh doanh vận tải đa phương thức về mọi thiệt hại do việc vận chuyển hàng hoá đó gây ra, kể cả việc người kinh doanh vận tải đa phương thức phải dỡ hàng hoá xuống, tiêu huỷ hoặc làm cho vô hại, tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu hàng hoá nguy hiểm trở thành mối đe dọa thực sự đến người và tài sản. 3. Trong trường hợp hàng hoá bị dỡ xuống, tiêu huỷ hoặc làm cho vô hại khi chúng trở thành mối đe dọa thực sự đến người và tài sản, thì người kinh doanh vận tải đa phương thức không phải thanh toán tiền bồi thường, trừ khi có nghĩa vụ đóng góp vào tổn thất chung hoặc khi người kinh doanh vận tải đa phương thức phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 18 Nghị định này. 4. Người gửi hàng phải bồi thường cho người kinh doanh vận tải đa phương thức về các tổn thất gây ra bởi sự thiếu chính xác hoặc không đầy đủ về các thông tin đã được quy định tại Điều 23 Nghị định này. 5. Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, Điều này ngay cả khi chứng từ vận tải đa phương thức đã được người gửi hàng chuyển giao. 6. Người kinh doanh vận tải đa phương thức được quyền nhận bồi thường theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng vận tải đa phương thức đối với bất kỳ người nào khác ngoài người gửi hàng. Chương 6: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI NHẬN HÀNG Điều 25. Nhận hàng 1. Người nhận hàng phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nhận hàng khi nhận được thông báo của người vận chuyển về việc hàng đã đến đích. 2. Nếu người nhận hàng không đến nhận hàng hoặc từ chối nhận hàng hoặc trì hoãn việc dỡ hàng quá thời hạn quy định của hợp đồng hoặc quy định của pháp luật, thì người kinh doanh vận tải đa phương thức có quyền dỡ hàng, ký gửi vào nơi an toàn, xử lý và thông báo cho người gửi hàng biết. Đối với hàng hoá mau hỏng, người kinh doanh vận tải đa phương thức có quyền xử lý ngay. Mọi chi phí và tổn thất phát sinh do người nhận hàng chịu trách nhiệm. 3. Sau 90 ngày tính từ ngày phải nhận hàng theo hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu không có người đến nhận hàng ký gửi quy định tại khoản 2 Điều này, thì người kinh doanh kho bãi có quyền bán đấu giá hàng hoá. Tiền bán đấu giá hàng hoá sau khi trừ chi phí hợp lý của các bên liên quan, số còn lại nộp vào ngân sách nhà nước. Điều 26. Thanh toán cước và các chi phí khác 1. Người nhận hàng phải thanh toán đầy đủ cước và các chi phí khác liên quan đến vận tải đa phương thức cho người kinh doanh vận tải đa phương thức theo chứng từ vận tải đa phương thức. 2. Nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức không được thanh toán các khoản tiền theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức thì có quyền lưu giữ hàng hoá và thông báo bằng văn bản cho người nhận hàng. Sau 60 ngày kể từ ngày thông báo mà người kinh doanh vận tải đa phương thức vẫn không được thanh toán đầy đủ các khoản tiền nói trên thì có quyền ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá hàng hoá đang lưu giữ. Tiền bán đấu giá hàng hoá đó được xử lý theo quy định hiện hành. Thời hạn mà hàng hoá thuộc quyền sở hữu của người kinh doanh vận tải đa phương thức do thực hiện quyền lưu giữ hàng hoá nói trên không được gộp lại để tính thời gian giao trả hàng chậm theo các quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này. Chương 7: KHIẾU NẠI, KHỞI KIỆN Điều 27. Phạm vi khiếu nại, khởi kiện 1. Mọi khiếu nại, khởi kiện liên quan tới việc thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức nói trong Nghị định này bao gồm cả tranh chấp trong hợp đồng và ngoài hợp đồng đều phải giải quyết theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. 2. Mọi khiếu nại, khởi kiện đối với người kinh doanh vận tải đa phương thức liên quan tới việc thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức được tiến hành đối với cả người làm công, người đại lý hoặc người khác mà người kinh doanh vận tải đa phương thức đã sử dụng dịch vụ của họ nhằm thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức bất kể những khiếu nại, khởi kiện đó trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng. Trách nhiệm toàn bộ của người kinh doanh vận tải đa phương thức và những người làm công, đại lý hoặc những người khác sẽ không vượt quá các giới hạn quy định tại Điều 22 Nghị định này. 3. Người kinh doanh vận tải đa phương thức không được hưởng giới hạn trách nhiệm, nếu người có quyền lợi liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng, giao trả hàng chậm là do người làm công, người đại lý hoặc người khác mà người kinh doanh vận tải đa phương thức sử dụng dịch vụ của họ để thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức đã hành động hoặc không hành động với chủ định gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó; hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách liều lĩnh và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn sẽ xảy ra. Điều 28. Các quy định liên quan đến chứng từ vận tải đa phương thức 1. Các nội dung trong chứng từ vận tải đa phương thức sẽ không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý nếu những nội dung đó trực tiếp hoặc gián tiếp không phù hợp với quy định của Nghị định này, đặc biệt nếu các nội dung đó gây phương hại đến người gửi hàng và người nhận hàng. Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến những nội dung khác trong chứng từ vận tải đa phương thức. 2. Mặc dù có các quy định tại khoản 1 Điều này, nếu được sự đồng ý của người gửi hàng thì người kinh doanh vận tải đa phương thức có thể tăng thêm trách nhiệm của mình theo các quy định tại Nghị định này. 3. Quy định trong Nghị định này không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy tắc về giải quyết tổn thất chung theo quy định có liên quan của pháp luật quốc gia. Điều 29. Thời hạn khiếu nại, thời hiệu khởi kiện 1. Thời hạn khiếu nại do hai bên thoả thuận trong hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại là 90 ngày kể từ khi hàng hoá được giao trả xong cho người nhận hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này, hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hoá được giao trả theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc sau ngày theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 19 Nghị định này. 2. Thời hiệu khởi kiện là 9 tháng, kể từ khi hàng hoá được giao trả xong cho người nhận hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hoá được giao trả theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc sau ngày theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 19 Nghị định này. Điều 30. Giải quyết tranh chấp Việc giải quyết các tranh chấp liên quan tới ký kết và thực hiện hợp đồng vận tải đa phương thức được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên hoặc tại trọng tài hoặc tại toà án theo quy định của pháp luật. Chương 8: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH Điều 31. Hiệu lực thi hành 1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2004. 2. Các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh vận tải đa phương thức phải làm thủ tục để cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức trong vòng 90 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Điều 32. Trách nhiệm thi hành Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. Phan Văn Khải (Đã ký)
{ "issuing_agency": "Chính phủ", "promulgation_date": "29/10/2003", "sign_number": "125/2003/NĐ-CP", "signer": "Phan Văn Khải", "type": "Nghị định" }
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Chi-thi-04-2010-CT-UBND-cong-tac-dang-ky-nghia-vu-quan-su-tuyen-chon-116497.aspx
Chỉ thị 04/2010/CT-UBND công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuyển chọn
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN HÓC MÔN ------- CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc --------- Số: 04/2010/CT-UBND Hóc Môn, ngày 21 tháng 12 năm 2010 CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ; TUYỂN CHỌN VÀ GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ VÀ PHỤC VỤ CÓ THỜI HẠN TRONG LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN; CÔNG TÁC TUYỂN SINH QUÂN SỰ VÀ CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ, HUẤN LUYỆN, KIỂM TRA SẴN SÀNG ĐỘNG VIÊN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN NĂM 2011 Những năm qua, huyện Hóc Môn đã thực hiện tốt công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; công tác tuyển sinh quân sự và công tác đăng ký, quản lý, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu lực lượng dự bị động viên. Liên tục nhiều năm hoàn thành 100% chỉ tiêu của thành phố giao ở cả 2 cấp, bảo đảm tiến độ và chất lượng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Tuy vậy trong quá trình thực hiện còn một số thiếu sót làm ảnh hưởng đến kết quả của công tác tuyển quân và xây dựng lực lượng dự bị động viên của huyện. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2011; Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn chỉ thị: 1. Giao trách nhiệm cho Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện hướng dẫn Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các xã - thị trấn tổ chức triển khai công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự năm 2011 cho nam công dân 17 tuổi; đăng ký bổ sung các đối tượng là công dân từ 18 tuổi đến 25 tuổi chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào quân đội; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ và phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân và lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện, Ban Tuyển sinh Quân sự; thực hiện tốt chỉ tiêu tuyển quân và chỉ tiêu tuyển sinh quân sự năm 2011; phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong việc đăng ký, quản lý di biến động của lực lượng dự bị động viên để thực hiện tốt công tác động viên quân đội; phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm số đối tượng vi phạm Luật Nghĩa vụ Quân sự theo quy định của pháp luật. 2. Giao Trưởng Công an huyện chỉ đạo Công an các xã - thị trấn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự cùng cấp thực hiện tốt kế hoạch đăng ký nghĩa vụ quân sự, tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ, công tác tuyển sinh quân sự năm 2011 và công tác đăng ký quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên. Tham gia xét duyệt chặt chẽ về chính trị, đạo đức; quản lý nắm chắc số công dân trong độ tuổi sẵn sàng gọi nhập ngũ; tổ chức xác minh, kết luận chính xác về lai lịch chính trị của gia đình và bản thân công dân đủ điều kiện chuẩn bị gọi nhập ngũ theo Thông tư số 76/2006/TTLT-BQP-BCA ngày 03 tháng 5 năm 2006 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. 3. Giao Trưởng Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đề xuất Ủy ban nhân dân huyện điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. 4. Giao Trưởng phòng Y tế huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trung tâm Y tế Dự phòng thực hiện nghiêm Thông tư số 14/ 2006/TTLT-BYT-BQP ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng củng cố, bổ sung đủ thành phần cho Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, tổ chức kiểm tra sức khỏe cho số quân nhân dự bị trước khi huấn luyện, công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự 17 tuổi và công dân từ 18 tuổi đến 25 tuổi trong kế hoạch tuyển chọn gọi nhập ngũ, thực hiện kiểm tra xét nghiệm để phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm HIV, nghiện ma túy trong số thanh niên tham gia khám tuyển để đề xuất Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự loại khỏi danh sách trúng tuyển. 5. Giao Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hướng dẫn Hội đồng Giáo dục các xã - thị trấn nắm chắc trình độ học vấn của thanh niên để tránh sai sót trong công tác gọi nhập ngũ, rà soát đề nghị tạm hoãn nghĩa vụ quân sự trong thời bình cho số học sinh sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Trường dạy nghề theo Thông tư Liên tịch số 121/2007/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 07 tháng 8 năm 2007 của liên Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục Đào tạo. 6. Giao Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện hướng dẫn các cơ quan chức năng liên quan như Đài Truyền thanh, Trung tâm Văn hóa… tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Nghĩa vụ Quân sự trong nhân dân, giới thiệu những tấm gương thanh niên tình nguyện gia nhập quân đội, những tập thể thực hiện tốt công tác tuyển quân nhất là trong cao điểm thực hiện quy trình tuyển quân của huyện; chỉ đạo tổ chức trang trí địa điểm giao quân long trọng, chu đáo, tạo khí thế sôi nổi của ngày Hội thanh niên tham gia quân đội thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. 7. Giao Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch bảo đảm kinh phí phục vụ cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, các hoạt động khác phụ vụ cho công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự; công tác động viên quân đội; tuyển sinh quân sự từ thành phố đến huyện, xã, thị trấn. 8. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện sắp xếp lịch học tại trung tâm bảo đảm nơi ở của thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và địa điểm tổ chức lễ giao lưu, lễ tiễn quân chu đáo theo kế hoạch. 9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đến các đơn vị thăm, tặng quà cho số quân nhân nhập ngũ năm 2010 và năm 2011. 10. Đề nghị các cơ quan thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch hợp đồng với cơ quan thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện nghiêm túc quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; có kế hoạch chỉ đạo cơ quan thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã - thị trấn thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ được phân công tại địa phương; tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Nghĩa vụ quân sự trong nhân dân. 11. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn củng cố, kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ quân sự đúng thành phần, số lượng quy định; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng tại địa phương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và Luật Nghĩa vụ quân sự, tổ chức thực hiện các bước theo qui trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, có kế hoạch tuyên truyền vận động sâu rộng để thanh niên an tâm lên đường nhập ngũ, không đào bỏ ngũ góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ năm 2011; tiếp tục quan tâm chăm lo chính sách hậu phương quân đội, tổ chức tiếp đón chu đáo và tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ trở về địa phương sớm có việc làm ổn định; giải quyết kịp thời khó khăn của những gia đình có con em đang phục vụ tại ngũ để con em an tâm công tác hoàn thành nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu lãnh đạo các ngành, các tổ chức, đơn vị có liên quan, chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Chỉ thị này có hiệu lực sau bảy ngày kể từ ngày ký ban hành. TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Văn Thị Bạch Tuyết
{ "issuing_agency": "Huyện Hóc Môn", "promulgation_date": "21/12/2010", "sign_number": "04/2010/CT-UBND", "signer": "Văn Thị Bạch Tuyết", "type": "Chỉ thị" }