text
stringlengths 93
20.7k
|
---|
Bánh clementine là một loại bánh có hương vị chủ yếu làm từ quýt clementine, có thể được phủ một lớp glaze hoặc nước xốt ngọt, đường bột, mật ong và clementine, hoặc mứt clementine. Bánh clementine có lẽ bắt nguồn từ một loại bánh cam trong ẩm thực của người Do Thái Sephardi.
Thành phần chính của bánh clementine gồm clementine, hạnh nhân nghiền hoặc bột hạnh nhân, bột mì, đường, bơ và trứng. Ngoài ra, tùy khẩu vị mà có thể lựa chọn thêm nước ép cam, nho rượu Muscat, sữa, rượu vang tráng miệng trắng hoặc rượu vang Riesling, dầu cam hay dầu quýt (hoặc cả hai), hương hạnh đào hoặc vani. Trong một vài biến thể, bánh clementine không sử dụng bột mì và chế biến như một chiếc bánh lộn ngược.Bánh clementine được làm từ quýt clementine hoặc chất tạo hương clementine trộn trong bột nhào, sau đó xếp chúng trên mặt bánh hoặc xếp theo lát. Các hạt và màng bao múi của quýt có thể được loại bỏ trong quá trình chuẩn bị, hoặc để đỡ tốn công, có thể dùng quýt clementine không hạt thay thế. Mặt khác, người chế biến cũng có thể sử dụng clementine đã cắt lát bao gồm cả vỏ, cũng như clementine được bóc vỏ. Loại quýt này cũng hay được nấu chín trước khi cho vào bột bánh. Trái cây có thể được cắt nhỏ hoặc trộn bằng dụng cụ chế biến. Mứt clementine cũng được sử dụng trên bánh như một món trang trí. Hạnh nhân có thể sơ chế bằng cách nướng hoặc trụng nước sôi, sau đó ngâm trong nước lạnh.Khi kết thúc quá trình chế biến, người làm bánh có thể rải một lớp topping ngọt như lớp phủ đường, sô cô la, hay xốt kẹo fudge hoặc xốt sô cô la, một lớp đường bột hoặc thậm chí mật ong lên mặt bánh. Bánh clementine cũng có thể đặc cứng hay chảy nhão tùy khẩu vị mỗi người. Hương vị của chúng sẽ ngon hơn một vài ngày sau khi ra lò, bởi các thành phần bên trong chiếc bánh sẽ có xu hướng đậm đà hơn theo thời gian. Sau khi nấu chín, bánh thường dễ vỡ vụn và hay hỏng nếu lật trở bánh quá nhiều lần. Vì vậy, sau khi làm xong, bánh có thể được bảo quản bằng hình thức đông lạnh.
Nguồn gốc của bánh clementine có lẽ liên quan đến một loại bánh cam của người Do Thái Sephardi. Người Do Thái Sephardi thường trồng cây có múi ở khu vực Địa Trung Hải vào thế kỷ 15 và phổ biến việc sử dụng cam trong các món nướng. Ngoài hương vị của bán đảo Iberia, bánh còn có nguồn gốc từ Bắc Phi và Tây Ban Nha.
Bánh clementine đóng một vai trò nhỏ trong cốt truyện của bộ phim Bí mật của Walter Mitty, được đưa vào cảnh mở đầu cũng như một số cảnh bổ sung trong phim.Ngoài ra, đầu bếp nổi tiếng người Anh Nigella Lawson cũng có một công thức khác cho bánh clementine. |
Chè khoai tây là một món chè được nấu từ củ khoai tây và đường ăn cùng một số nguyên liệu phụ khác như trứng gà, vani.
Nguyên liệu:
½ kg khoai tây
2 quả trứng gà
250 gr đường cát trắng
1 ống vani
Vừng rang, hương quế (tùy thích)Thực hiện:
Khoai tây gọt vỏ, ngâm nước, cắt khoai thành hạt lựu lớn cạnh khoảng 1 cm, vớt khoai ra rửa sạch, để ráo.
Trứng gà đập ra bát và khuấy đều.
Cho 1 lít nước đường và khoai vào nấu, khi khoai chín vừa mềm, cho trứng gà và vani vào đảo đều đến khi hột gà kéo sợi là được.Thưởng thức:
Múc chè ra chén, dùng nóng, thành phẩm đạt yêu cầu phải có vị ngọt và bùi. |
Bánh chưng ("chưng" trong "chưng cất", nghĩa là hấp nước, nhưng thực tế bánh được nấu bằng cách luộc) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông với đất trời. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết của dân tộc Việt, cũng như ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch).
Là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại, bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt và nguồn gốc của nó về truyền thuyết liên quan đến hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc; là lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của Bánh Chưng, Bánh Giầy trong văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước.
Theo cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, mục "Truyện bánh chưng" (Chưng bính truyện-蒸餅傳):Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: "Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho" Các lang đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có lang thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: "Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi sống con người và có thể ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời và lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý". Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng. Chàng lựa những hạt nếp trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem luộc chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh giầy. Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại để mang lễ vật đến cúng Tổ tiên. Các lang mang tới toàn là sơn hào hải vị, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi lấy lễ vật của Lang Liêu đem cúng tổ tiên. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu, gọi là Tết Liệu. Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em kia đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở. Về sau, anh em tranh giành lẫn nhau, mỗi người dựng "mộc sách" (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phường bắt đầu có từ đây vậy
Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh tét miền Nam, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu xanh lá cây, hình vuông, được coi là đặc trưng cho đất trong tín ngưỡng của người Việt cổ và các dân tộc khác trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài, giống như bánh tét, đồng thời bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho nam và nữ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam. Bánh tét, thay thế vị trí của bánh chưng vào các dịp Tết trong cộng đồng người Việt ở miền nam Việt Nam, theo Trần Quốc Vượng đây là dạng nguyên thủy của bánh chưng.
Tuy nhiên thuyết này của ông bị một số người phản bác vì cho rằng ông không nhớ quan niệm "trời tròn, đất vuông", bánh dày là tròn thì phải đi với một cặp là bánh chưng vuông. Điều này cũng liên quan tới một câu thành ngữ khác là "mẹ tròn con vuông". Hơn nữa ai cũng biết làm bánh hay nhào nặn thứ gì đó thành hình tròn thì dễ nhưng tạo thành khối vuông thì khó. Không có ai cải tiến từ thứ dễ sang thứ khó mà không có lí do cụ thể hay dựa trên một sự trao đổi văn hóa nào. Theo thuyết của ông là vốn từ đầu bánh chưng có dạng như bánh tét thì sau đó lại vô duyên vô cớ chuyển thành dạng hình vuông? Và dựa trên lí dó gì? Và tại sao lại được chấp nhận rộng rãi trong dân gian? Trong khi nếu ngay từ đầu bánh chưng có dạng hình vuông, việc có thêm một dạng khác như bánh tét lại có nhiều câu trả lời thỏa đáng như: Giao lưu văn hóa giữa người Kinh và người Tày (bánh tày), hoặc là do dạng bánh tét dễ vận chuyển và mang theo hơn vào thời điểm khai hoang hoặc chinh chiến,...
Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt mỗi dịp tết đến xuân về.
Khi sêu tết nhau tặng bánh chưng thì người Việt có lệ tặng một cặp bánh chứ không tặng một cái lẻ.
Lá để gói: thường là lá cây dong tươi. Lá dong chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Tuy nhiên, tùy theo địa phương, dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh, lá gói bánh có thể là lá chít, lá chuối hay thậm chí cả lá bàng .
Lạt buộc: bánh chưng thường dùng lạt giang được làm từ ống cây giang. Lạt có thể được ngâm nước muối hay hấp cho mềm trước khi gói.
Gạo nếp: Gạo nếp thường dùng gạo thu hoạch vụ mùa. Gạo vụ này có hạt to, tròn, dẻo đều và mới thu hoạch sẽ thơm dẻo hơn các vụ khác. Nhiều người chọn nếp cái hoa vàng hay nếp nương.
Đỗ xanh: đỗ thường được lựa chọn công phu, tốt nhất là loại đỗ trồng ở vùng đồi trung du Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ v.v. sẽ thơm và bở hơn). Sau thu hoạch đỗ cần phơi nắng đều thật khô, sàng sẩy hết rác, bụi, hạt lép, phân loại hạt rồi đóng vào hũ, lọ bằng sành là tốt nhất.
Thịt: thường là thịt lợn, chọn lợn ỉ được nuôi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (nuôi chuồng hoặc nuôi thả, thức ăn bằng cám rau tự nhiên không dùng thuốc tăng trọng hoặc thức ăn gia súc). Thịt ba chỉ (ba rọi) với sự kết hợp của mỡ và nạc cho nhân bánh vị béo đậm đà, không khô bã như các loại thịt mông, thịt nạc thăn.
Gia vị các loại: hạt tiêu dùng để ướp thịt làm nhân. Muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không nên dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu. Ngoài ra một số loại gia vị khác ít phổ biến hơn cũng được sử dụng như thảo quả, tinh dầu cà cuống thường sử dụng tẩm ướp trong nhân bánh tại Hà Nội xưa, tuy nay ít nơi còn cầu kỳ gia thêm loại gia vị này.
Phụ gia tạo màu: bánh chưng với màu xanh của nếp được tạo thành bằng cách quay mặt trên của lá dong, lá chuối (mặt có màu xanh thẫm) vào trong, áp với bề mặt của gạo nếp. Một số nơi còn sử dụng các phụ gia khác như lá dứa hay lá giềng xay nhuyễn vắt lấy nước trộn gạo vừa tạo hương thơm vừa tạo cho bánh có màu xanh ngọc. Một số nhà hàng bất chấp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn làm bánh chưng thương mại hóa sử dụng pin đèn cho vào nồi luộc bánh. Một số người nội trợ cho biết kinh nghiệm nấu bánh chưng bằng nồi làm bằng chất liệu tôn (chứ không phải nhôm) giúp bánh xanh mướt mà vẫn an toàn cho sức khỏe.
Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi gói, lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuống dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước (nếu lá quá giòn có thể hấp một chút để lá mềm dễ gói). Một số vùng vẫn hay dùng lá chuối, trước khi gói nhúng nước sôi để dẻo. Lau thật khô trên lá, cắt cạnh nhỏ vừa gói bánh.
Gạo nếp: nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác, những viên sạn sỏi lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 10-12 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
Đỗ xanh: Giã nhuyễn, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã được đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
Thịt lợn: Thịt lợn đem rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng, muối tiêu hoặc bột ngọt để khoảng hai giờ cho thịt ngấm.Khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc. Thịt ướp dùng nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng.
Trên bàn thờ ngày tết không thể thiếu bánh chưng và bánh giầy được bày theo cặp. Nhiều người cầu kỳ còn bóc bỏ lớp lá bên ngoài của bánh và gói lại bằng lá tươi mới, sau đó buộc lạt màu đỏ trước khi đặt lên bàn thờ.
Bánh chưng vuông thường được cắt chéo bằng chính lạt gói bánh đó. Cách cắt bánh vuông như vậy giúp cho mỗi miếng bánh đều có nhân đều nhau. Ngoài ra cũng thường thấy cách cắt bánh chưng vuông theo phương ngang và khi đó các miếng bánh ở giữa sẽ nhiều nhân hơn. Bánh chưng dài thường cắt lát ngang, gọi là "đồng bánh".
Bánh chưng thường được ăn cùng với dưa hành, nước mắm, xì dầu rắc chút bột tiêu. Ra sau tết, bánh có thể bị lại gạo, bị cứng, khi đó người ta thường đem rán vàng trong chảo mỡ và ăn kèm với dưa góp.
Bánh chưng cũng có thể được chấm với mật mía, đặc biệt ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đồng dao Việt Nam có câu:
"...Lấy đôi đũa đỏ
Cho thầy gãi lưng.
Bóc đồng bánh chưng
Cho thầy chấm mật..."
Các vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây không thịnh hành gói bánh chưng hình vuông mà chủ yếu bánh chưng hình vuông chỉ dùng trong cúng lễ, phong tục địa phương chủ yếu gói và ăn dạng tròn dài, gọi là "bánh chưng dài", hay "bánh tày". Bánh tày còn là loại bánh Tết ở được sử dụng chủ yếu ở trung du và tại nhiều vùng dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam. (Xem bài bánh tét)
Bánh chưng dài thường được gói với rất ít đỗ (đậu xanh), và rất ít hoặc không có thịt, mục đích để dành ăn lâu dài vào những ngày sau tết, xắt thành từng lát bánh rán vàng giòn hơn và ăn ngon hơn. Bánh chưng dài có thể lá chít thay cho lá dong, với 2 đến 4 lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đỗ theo chiều của lá và quấn bằng lạt giang đã được nối bằng phương thức đặc biệt để bó chặt chiếc bánh và dễ bóc, dễ bảo quản có thể lên tới 3 tháng.
Cũng thường thấy một kiểu bánh chưng khác, bánh chưng ngọt, không sử dụng thịt trong nhân bánh, đường trắng được trộn đều vào gạo và đỗ. Một số vùng khi thực hiện bánh chưng ngọt còn trộn gạo với gấc, cho màu đỏ đẹp. Khi gói bánh chưng ngọt thường người ta không quay mặt xanh của lá dong vào trong.
Bánh tét ở miền Nam cũng được gói thành đòn dài với nguyên liệu tương tự như bánh chưng nhưng được gói bằng lá chuối.
Chiếc bánh chưng làm tại làng nghề bánh chưng truyền thống Làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, Hà Nội nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ (2002) đã được Sách Kỷ lục Guinness công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất thế giới. Bánh nặng 1,4 tấn do 50 nghệ nhân làng Ước Lễ làm ra từ 330 kg gạo nếp, 100 kg đậu xanh, 100 kg thịt lợn, gói bằng 1.500 chiếc lá dong và nấu trong một nồi thép cao trên 2 m trong hơn 72 giờ.
Trong câu đối phổ biến về sản vật ngày Tết, người ta thấy sự có mặt của bánh chưng như một giá trị vật chất và tinh thần không thể thiếu trong dân tộc Việt Nam:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏCây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Viết về loài bánh ngon này, nhà thơ Trần Thịnh đã chắp bút viết bài thơ "Tấm bánh thần kỳ". Bài thơ này viết về Sự tích Bánh chưng – bánh giầy. Hai loại bánh này được chàng trai tên là Lang Liêu – con của Vua Hùng thứ 6 – làm ra khi được một vị thần mách bảo khi chàng nằm mộng lúc đang ngủ. Và kể từ đó, bánh chưng và bánh giầy (ngày nay là bánh tét) vẫn được lưu truyền cho đến bây giờ và thưòng được sử dụng trong mỗi độ Tết đến Xuân về.
Nội dung bài thơ như sau:
Lang Liêu gói ghém gọn gàng
Lá dong xanh buộc lạt giang nhuộm hồng
Vua Hùng nâng bánh bằng lòng
Vuông tròn trời đất càng trông càng mừng
Bóc ra thêm những lạ lùng
Nếp thơm đỗ mịn nhưng chung thịt hành
Thần dân cũng nếm ngon lành
Xưa nay ai dễ đạt thành thế đâu
Vua truyền giữ lại mai sau
Cháu con đi tiếp nhịp cầu ông cha
Lộc xuân chia khắp mọi nhà
Muôn đời không hết đậm đà thơm ngon
Cánh đồng lúa mới xanh rờn
Bánh chưng, bánh tét vẫn còn đến nay
Lang Liêu một thoáng về đây
Bàn tay nhân ái, bàn tay thần kỳ. |
Kakiage, hay còn gọi là kaki-age (かき揚げ, 掻き揚げ or かきあげ, Kakiage, hay còn gọi là kaki-age), là một món ăn của Nhật Bản và là một dạng món ăn của tempura. Nó được chế biến bằng cách nhúng bột và chiên ngập trong dầu cùng với những nguyên liệu như tôm (hoặc một nắm tôm loại nhỏ). Kakiage còn có thể được làm từ loại hải sản khác như sò điệp loại nhỏ, rau băm nhỏ hoặc có thể dùng các nguyên liệu trộn lẫn với nhau.
Kakiage là một loại tempura sử dụng những miếng hải sản nhỏ, hoặc rau, hoặc cả hai đều có thể sử dụng để chế biến.
Kakiage đôi khi còn sử dụng các thành phần chính là những khối cá hoặc các loại động vật có vỏ có kích thước nhỏ, hoặc được cắt thành miếng nhỏ. Các loại hải sản được sử dụng bao gồm tôm, các loại nhuyễn thể như sò điệp, hoặc cá, và có thể kết hợp với các loại rau như hành tây hoặc mitsuba . Kakiage cũng có thể sử dụng các nguyên liệu chay như cà rốt, ngưu bàng hoặc hành tây cắt nhỏ thành hình que diêm hoặc thành miếng nhỏ.
Món ăn được đặt tên là kakiage do mọi người thường "trộn" (tiếng Nhật gọi là kakimazeru (かき混ぜる, kakimazeru) các nguyên liệu trước khi chiên. Điều này đã được tuyên bố như vậy bởi một đầu bếp tempura kiêm chủ sở hữu của Tenkichi ở Yokohama . Học giả Ikeda Yasaburō cũng giới thiệu một từ nguyên tương tự, bắt nguồn từ một giai thoại của một đầu bếp tempura khác đã được trích dẫn.
Morisada mankō (được viết trong giai đoạn 1837–1853) đã đề cập đến một món tempura được yêu cầu từ một tiệm mỳ soba sử dụng loại tôm shiba ebi để chế biến (tức loại Metapenaeus joyneri). Theo một nhà nghiên về mì soba, tempura soba đã được phát minh vào thời kỳ Bunsei (1818–1830), với việc sử dụng tôm shiba ebi như một món ăn kèm kakiage.Cựu tướng quân Tokugawa Yoshinobu (1837–1913) từng là khách quen của nhà hàng tempura Tenkin, nơi ông sẽ gọi một món kakiage đặc biệt có kích thước lớn và được phục vụ trên đĩa Nabeshima. |
White Day (ホワイトデー, Howaito dē, từ wasei-eigo tiếng Nhật; tiếng Triều Tiên: 화이트데이, chuyển tự Hwaiteu dei; tiếng Trung: 白色情人節), nghĩa tiếng Việt là Ngày Trắng, còn gọi là Ngày Valentine Trắng, là ngày lễ được tổ chức vào 14 tháng 3, một tháng sau ngày Valentine ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện nay còn được tổ chức ở nhiều nước khác
Ở Nhật Bản, người nữ tặng quà sô cô la (mua ở cửa hàng hoặc tự làm bằng tay) thường là cho người nam vào ngày Valentine trước đó như một biểu lộ của tình yêu. Sô cô la tự làm thường được ưa thích hơn vì đó là dấu hiệu người nam nhận quà là "người duy nhất" của người nữ. Vào White Day xảy ra điều ngược lại: người nam đã nhận "honmei choco" (sô cô la tình yêu, tặng vợ/chồng, người yêu, bạn thân) hoặc "Giri choco" (sô cô la lịch sự hay là sô cô la nghĩa vụ, thường là tặng đồng nghiệp, bạn cùng lớp hay là nhân viên dưới quyền) vào ngày Valentine được mong đợi trả lại thiện ý đó bằng quà tặng, thường là đắt tiền hơn. Ngoài ra còn có Tomo choko (sô cô la tình bạn) là món quà chân thành để tặng cho bạn thân, có thể là bạn gái tặng cho nhau. Hình thức các loại này khác nhau chủ yếu trong tầm mức bỏ công sức chăm chút cẩn thận và số lượng, giá trị quà tặng.
Theo truyền thống, quà tặng vào White Day là bánh, kẹo, sô cô la trắng, kẹo dẻo cũng như hàng trang sức, đồ lót và thú nhồi bông. Đôi khi từ sanbai gaeshi (nghĩa đen là "trả lại gấp 3") được dùng để mô tả quy tắc thường được nói đến là món quà trả lễ nên gấp 2 đến 3 lần giá trị của món quà vào ngày Valentine.Ngày 14 tháng 3 tại Nhật cũng được gọi là Ngày Hôn nhân Quốc tế (国際結婚の日) vì vào ngày 14 Tháng 3 năm 1873 (năm thứ sáu của thời kỳ Minh Trị), lần đầu hôn nhân giữa một người Nhật và một người nước ngoài được pháp luật chính thức thừa nhận.
White Day lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1978 ở Nhật Bản. Nó được khởi xướng lần đầu bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia (全国飴菓子工業協同組合, Toàn Quốc Di Quả Tử Công nghiệp Hiệp Đồng Tổ Hợp) như là một "ngày trả lời" đối với ngày Valentine dựa trên cơ sở rằng người nam nên trả lại người nữ đã tặng họ sô cô la hoặc quà khác vào ngày Valentine. Năm 1977 công ty bánh kẹo Ishimura Manseido (石村萬盛堂, Thạch Thôn Vạn Thịnh Đường) ở thành phố Fukuoka đã tiếp thị kẹo dẻo cho nam giới vào ngày 14 tháng 3, gọi đó là Ngày kẹo dẻo (Marshmallow Day - マシュマロデー).Chẳng bao lâu sau các công ty bánh kẹo đã bắt đầu tiếp thị sô cô la trắng. Ngày nay nam giới tặng sô cô la cả trắng và đen, cũng như các món quà ăn được và không ăn được, như trang sức hoặc các vật có giá trị tình cảm khác, hoặc quần áo như đồ lót cho các phụ nữ đã tặng quà cho họ vào ngày Valentine. Nếu sô cô la tặng cho họ vào ngày Valentine là giri choco, có nghĩa là không phải là sự quan tâm tình yêu thực sự, mà chỉ là quan hệ bạn bè hay là nghĩa vụ tương tác xã hội.
Theo thống kê của Hiệp hội Sô cô la và Ca cao tại Nhật Bản năm 2005, khoảng hơn 10% doanh thu của ngành là vào dịp lễ Valentine (400 triệu USD trong tổng số 3,6 tỉ USD doanh thu cả năm). Một cuộc khảo sát khác cho thấy gần 80% phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 sẽ mua sô cô la vào dịp Valentine. Phụ nữ chi tiêu khoảng 20 $ để mua một món honmei choco, và khoảng 6 $ cho mỗi Giri choco để tặng đồng nghiệp, trung bình là tặng 6 người. Như vậy tính ra bình quân mỗi phụ nữ chi khoảng 56 $, chưa tính đến những món quà đi kèm (trung bình là 66 $) và bữa ăn tối thịnh soạn sau đó. Trong ngày Valentine ở Nhật, thường là chỉ nữ giới tặng sô cô la cho nam giới, và vào ngày White Day, nam giới có trách nhiệm tặng lại phụ nữ như một cách thể hiện tình cảm của mình.
Phong tục tặng quà đáp lại một tháng sau Ngày lễ tình nhân đã lan rộng ra quốc tế. Một số nơi bên ngoài Nhật Bản có kỷ niệm lễ này, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, và Việt Nam.Ở Hàn Quốc, một tháng sau Ngày Trắng, những người không nhận được bất kỳ món quà nào, sẽ kỷ niệm vào "Ngày Đen", lễ này được tôn vinh bởi những người không có bạn đời. |
Canh cá hay cháo cá trong ẩm thực Tây phương gọi là súp cá (Fish soup) là một loại thực phẩm được chế biến bằng cách kết hợp giữa nguyên liệu cá hoặc hải sản với rau, củ và nước dùng, nước trái cây, nước lọc hoặc chất lỏng khác. Trong ẩm thực phương Tây, súp cá nóng được đặc trưng thêm bằng cách đun sôi các thành phần rắn trong chất lỏng trong nồi cho đến khi các hương vị được chiết xuất, tạo thành nước dùng. Súp cá tương tự như món cá hầm, và trong một số trường hợp có thể không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai loại này, tuy nhiên, súp cá thường có nhiều chất lỏng hơn món hầm. Trong ẩm thực Indonesia thì súp cá phổ biến là món canh Ikan kuah kuning.
Theo truyền thống, súp được phân thành hai nhóm chính súp trong và súp đặc, tương tự ở Việt Nam là canh cá và cháo cá. Các phân loại súp trong của Pháp đã được biết đến là bouillon và consommé. Súp đặc được phân loại tùy thuộc vào loại chất làm đặc được sử dụng: súp kem được làm từ động vật có vỏ (các loại sò ốc) xay nhuyễn hoặc rau được làm đặc với kem; súp kem có thể được làm đặc với nước sốt béchamel; và veloutés được làm dày bằng trứng, bơ và kem. Các thành phần khác thường được sử dụng để làm đặc súp và nước dùng bao gồm gạo, đậu lăng, bột mì và ngũ cốc; nhiều món súp phổ biến cũng bao gồm cà rốt và khoai tây.
Súp cá đã được làm từ rất sớm. Một số món súp được phục vụ với những miếng cá hoặc rau lớn còn lại trong chất lỏng, trong khi nước dùng là chất lỏng có hương vị thường bắt nguồn từ việc ninh nhừ một loại thực phẩm hoặc rau trong một khoảng thời gian. Bisques là súp kem nặng được chế biến theo cách truyền thống với các loài sò ốc, nhưng có thể được làm với bất kỳ loại hải sản nào hoặc rau hoặc trái cây xay nhuyễn. Súp kem là nước dùng có hương vị đặc với nước sốt trắng. Mặc dù chúng có thể được dùng riêng hoặc trong bữa ăn, nhưng dạng súp kem cô đặc, đóng hộp đôi khi được sử dụng làm nước sốt nhanh trong nhiều món ăn tiện lợi từ thịt và mì ống, chẳng hạn như thịt hầm. Tương tự như bánh quy, súp chowder là món súp đặc thường có thành phần gồm hải sản và khoai tây, sữa và kem. |
Nestlé S.A. (; tiếng Pháp: [nɛsle]; phát âm tiếng Đức: [ˈnɛstlə] ( nghe)) là công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sĩ. Các sản phẩm hiện nay của Nestlé bao gồm từ nước khoáng, thực phẩm dành cho trẻ em, cà phê và các sản phẩm từ sữa.
Một số người tại Anh phát âm Nestlé's như Nessels, vì cách phát âm này đã từng được sử dụng nhiều trong hoạt động kinh doanh của công ty vào thế kỷ 20, chẳng hạn như sản phẩm Nestlé's Milkbar.
Trong thập niên 60 của thế kỷ 19, dược sĩ Henri Nestlé đã phát triển một loại thực phẩm cho những trẻ em không thể được nuôi bằng sữa mẹ. Thành công đầu tiên của ông là nuôi dưỡng được một em bé không thể được nuôi bằng chính sữa mẹ hay bất kì chất thay thế thông thường nào khác. Giá trị của sản phẩm mới nhanh chóng được công nhận khi công thức mới của ông đã cứu sống đứa bé, và ngay sau đó, sản phẩm Farine Lactée Henri Nestlé được bày bán rộng rãi ở châu Âu.
Năm 1905, Nestlé hợp nhất với công ty sản xuất sữa đặc Anglo-Swiss. Đầu những năm 1900, công ty đã mở những nhà máy ở Hoa Kỳ, Liên hiệp Anh, Đức, và Tây Ban Nha. Đại chiến thế giới lần I đã tạo ra nhu cầu mới về các sản phẩm bơ sữa dưới hình thức hợp đồng của chính phủ. Cuối chiến tranh, sản lượng của Nestlé đã tăng hơn 2 lần.
Nhà máy Nestlé đầu tiên bắt đầu sản xuất ở Hoa Kỳ được mở tại Fulton, Oswego County, New York. Tuy nhiên nhà máy đã đóng cửa vào năm 2001, sau khi công ty quyết định rằng chi phí tái thiết và nâng cấp nhà máy không hiệu quả. Công nhân nhà máy đã giận dữ và treo ngược lá cờ công ty vào ngày công bố quyết định đóng cửa.
Sau chiến tranh, các hợp đồng của chính phủ cạn dần và khách hàng chuyển sang dùng sữa tươi. Tuy vậy, đội ngũ quản lý của Nestlé đã có phản ứng nhanh chóng, hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh, và giảm nợ. Vào những năm 1920, công ty lần đầu tiên mở rộng đến những sản phẩm mới, với sản phẩm chocolate là hoạt động quan trọng thứ hai tại công ty.
Nestlé đã ngay lập tức nhận thấy tác động của cuộc đại chiến thế giới lần II. Lợi nhuận giảm từ 20 triệu USD vào năm 1938 xuống còn 6 triệu USD vào năm 1939. Các nhà máy đã được thiết lập tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Mỹ Latin. Điều trớ trêu là chiến tranh đã giúp giới thiệu sản phẩm mới nhất của công ty là Nescafé, thức uống chủ yếu của quân đội Hoa Kỳ. Sản lượng và doanh số đã tăng lên vào thời chiến.
Thời điểm cuối cuộc đại chiến thế giới lần II là một giai đoạn năng động của Nestlé với sự tăng trưởng nhanh chóng và mua lại nhiều công ty. Năm 1947, công ty sáp nhập với hãng sản xuất xúp và gia vị Maggi. Năm 1950 là Crosse & Blackwell, và Findus vào năm 1963, Libby's vào năm 1971, và Stouffer's vào năm 1973. Đa dạng hóa sản phẩm bắt đầu khi công ty nắm cổ phần tại L'Oréal vào năm 1974. Năm 1977, Nestlé thực hiện dự án kinh doanh mạo hiểm thứ hai với sản phẩm ngoài ngành thực phẩm bằng cách mua lại công ty Alcon Laboratories Inc.
Năm 1984, Nestlé tiến hành cải tiến mấu chốt, cho phép công ty khởi động những hoạt động mua lại, đang chú ý là công ty đã mua lại "người khổng lồ trong ngành thực phẩm Hoa Kỳ" Carnation và công ty bánh kẹo Rowntree của Anh vào năm 1988.
Vào nửa đầu những năm 1990, công ty bắt đầu một giai đoạn kinh doanh thuận lợi nhờ các rào cản thương mại được dỡ bỏ và các thị trường thế giới phát triển thành các khu vực mậu dịch hội nhập. Từ 1996, công ty tiến hành mua lại những công ty như San Pellegrino (1997), Spillers Petfoods (1998) và Ralston Purina (2002). Có 2 cuộc mua lại lớn tại Bắc Mỹ vào năm 2002: tháng 6, Nestlé sáp nhập công ty kem của họ tại Hoa Kỳ vào hãng Dreyer's, và vào tháng 8, công ty mua lại hãng Chef America, Inc. với giá 2,6 tỉ USD.
Tháng 12, năm 2005, Nestlé mua công ty Delta Ice Cream của Hi Lạp với giá 240 triệu euro. Tháng 1, năm 2006, công ty hoàn toàn làm chủ hãng Dreyer's, và nhờ đó trở thành công ty sản xuất kem lớn nhất thế giới với 17,5% thị phần.
Tháng 3, năm 2010 Nestle đã mua lại Tập đoàn Technocom của các doanh nhân Việt Nam tại Kharkop, Ukraine
Công ty TNHH Nestlé Việt Nam: Số 7, Đường 17A, Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2, Phường An Bình, Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai, Việt Nam.
Nestlé có dãy sản phẩm rộng rãi trên một số thị trường bao gồm các sản phẩm cà phê, nước tinh khiết, các loại nước giải khát, kem lạnh, thực phẩm cho trẻ em, sản phẩm dinh dưỡng tăng cường và bồi bổ sức khỏe, gia vị, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi.
Tại Việt Nam, Nestlé đã mở văn phòng kinh doanh đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 2002. Ngày nay Nestlé đang vận hành 04 nhà máy trong đó có 03 nhà máy đặt tại Đồng Nai và 01 nhà máy ở Hưng Yên cùng văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, Nestlé còn sở hữu Công ty La Vie Việt Nam chuyên sản xuất nước suối đóng chai dưới hình thức liên doanh. Công ty hiện có trụ sở chính đặt tại Lầu 5, Tòa nhà Empress Tower, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. |
Chawanmushi (茶碗蒸し,Chawanmushi, nghĩa là "món hấp trong tách trà") là một món trứng sữa hấp với hạt bạch quả của ẩm thực Nhật Bản. Không giống như các món trứng sữa hấp khác, món này được ăn như một món khai vị. Trong món này, hỗn hợp trứng sữa được trộn với nước tương, nước dùng dashi và rượu mirin, với rất nhiều nguyên liệu khác như nấm đông cô, kamaboko (một loại chả cá Nhật Bản), yuri-ne (rễ một loại củ thuộc họ hoa loa kèn và tôm luộc, được hấp trong một vật đựng có hình tách trà.Chawanmushi có thể được ăn nóng hay lạnh. Khi ăn với sợi mì udon, món này được gọi là odamaki mushi hay odamaki udon.
Khác với nhiều món Nhật khác, món này được ăn bằng muỗng. |
Kem nho là kem có hương vị nho với công thức nấu sử dụng nước nho trong chế phẩm của nó. Món kem và các biến thể của nó bao gồm bánh mì kẹp kem nho và soda kem nho. Kem nho đôi khi xuất hiện tại các lễ hội nho. Ví dụ, Lễ hội nho Naples đã cung cấp kem nho. Kem nho không phải là một hương vị thường thấy ở Mỹ. Đây là một trong những hương vị phổ biến hơn ở Nhật Bản. |
Nem cua bể hay nem cua bể Hải Phòng là một món ăn đặc trưng trong ẩm thực Hải Phòng với những nguyên liệu ngoài thành phần thực vật (bánh đa gói nem, miến sợi, giá đỗ, hành lá, mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, su hào) còn có trứng gà (hoặc trứng vịt), thịt lợn nạc vai băm nhuyễn cùng với mỡ gáy, thịt tôm tươi, thịt cua bể tươi và phương pháp chế biến bằng cách rán (chiên) trong dầu ăn là chủ đạo. Món ăn này còn có một số tên gọi khác như chả nem (người miền Nam thường gọi là chả giò), chả nem hải sản... Do cách gói nem độc đáo theo hình vuông của người Hải Phòng mà nó còn có tên là nem vuông hay đầy đủ hơn là nem vuông cua bể, nem vuông hải sản.
Món bánh đa cua (theo truyền thống địa phương luôn sử dụng cua đồng và bánh đa đỏ) và nem cua bể (theo phong cách địa phương hay được gói kiểu hình vuông giống như chiếc bánh chưng ngày Tết) được nhiều người xem là hai món ăn có tính đại diện rõ nhất cho phong cách chế biến ẩm thực của Hải Phòng.
Lưu ý rằng theo cách chế biến truyền thống tại Hải Phòng thì ngoài tôm tươi (không dùng tôm khô) và cua biển, không cần dùng thêm loại hải sản nào nữa. Vài địa phương khác có thể biến tấu bằng cách cho thêm thịt mực, hoặc sử dụng tôm khô, cho thêm khoai môn hay củ đậu vào. Cũng giống nhiều nơi khác tại Việt Nam, món nem cua bể thường hay ăn kèm với bún tươi (loại sợi nhỏ, khác với bún sợi lớn thường dùng trong món bún tôm kiểu Hải Phòng), nước chấm (thành phần chính là nước mắm, giấm, nước đun sôi để nguội, đường cát, hành tây, cà rốt, đu đủ xanh thái lát, tỏi, ớt tươi) và rau sống.
Cùng với món bánh đa cua (theo truyền thống thường sử dụng cua đồng, đôi khi dùng cua bể để chế biến), nem cua bể được coi là hai món ăn có tính đại diện rõ nhất cho phong cách chế biến ẩm thực của người Hải Phòng. Nhưng khác với món bánh đa cua thường được xem là phổ biến và bình dân, nem cua bể đối với nhiều người Hải Phòng thu nhập trung bình (cũng như hầu hết người dân miền Bắc) cho đến những năm cuối thập kỷ 1990 vẫn thường được coi là tương đối đắt tiền và cầu kỳ trong chế biến.
Dù Hải Phòng khi đó (những năm 1990) có nguồn thủy hải sản khá phong phú nhưng một phần lớn là dành cho chế biến xuất khẩu (thường sang Trung Quốc) hoặc bán cho các nhà hàng lớn quanh thành phố, nên với những gia đình có thu nhập trung bình thời đó giá cua bể (cua biển) tương đối cao so với nhiều loại thực phẩm khác và cũng không có nhiều nguồn cua chất lượng để chọn lựa. Bởi vậy thời đó với nhiều người Hải Phòng, trong bữa cỗ nếu có món chả nem nhưng thành phần không có cua bể là điều rất bình thường, thậm chí nhiều nơi tôm cũng được dùng hạn chế so với thịt lợn nên ăn chả nem nhiều gây cảm giác chóng ngán.
Những năm qua, món nem cua bể (chủ yếu gói theo hình vuông) và bánh đa cua đã vượt khỏi biên giới Hải Phòng để du nhập đến một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và được nhiều thực khách yêu thích. Tuy nhiên không phải quán ăn hay nhà hàng nào có phục vụ món bánh đa cua hay nem cua bể cũng đảm bảo đúng quy trình chế biến và hương vị nguyên gốc như cách chế biến tại Hải Phòng. Bởi vậy muốn thưởng thức đầy đủ hương vị độc đáo của những món ăn này, thực khách nên đến những địa chỉ ẩm thực hay nhà hàng đã có tiếng, thường do người gốc Hải Phòng mở ra.
Món nem cuốn dùng để rán (chiên) là một món ăn rất phổ biến tại Việt Nam và tùy theo vùng miền mà nó có tên gọi khác nhau (như chả rế hay chả giò). Và cũng do sự khác biệt về khẩu vị ẩm thực giữa các vùng miền mà thành phần chế biến nem (chả giò) rán cũng như hương vị của món ăn có sự khác biệt đáng kể. Ví dụ như món nem (người miền Nam gọi là chả giò) cuốn dùng để rán (người miền Nam gọi là chiên) theo cách chế biến của miền Nam thường có khoai môn (không dùng miến, giá đỗ hay giá đậu như cách chế biến ở miền Bắc).
Món nem cua bể vốn xứ từ Hải Phòng mang hương vị cũng như thành phần chế biến cơ bản giống với nhiều nơi tại miền Bắc (như Hà Nội chẳng hạn). Sự khác biệt so với các địa phương khác trong chế biến nem ở đây chính là thành phần thịt cua bể bởi vùng biển Hải Phòng (Đồ Sơn, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có nguồn hải sản (cả đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng trong lồng bè) trong đó có nguồn cua bể tương đối dồi dào. Điều này cũng góp phần tạo nên đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng là thiên về các món ăn có thành phần chế biến chính từ nguồn thủy hải sản như tôm, cua, sam, ba ba... trong đó cua vẫn là nguồn hải sản được người Hải Phòng ưa thích nhất bởi cách thức chế biến đa dạng và không quá phức tạp của nó so với một số loài như ba ba hay sam.
Người Hải Phòng đặc biệt yêu thích các món ăn chế biến từ thịt cua, từ cua đồng cho tới cua bể. Với cua đồng thì có bánh đa cua, bún riêu cua, lẩu cua đồng hay canh cua đồng nấu với khoai sọ và rau muống. Còn với cua bể thì có nem cua bể, chả cua, cua rang muối, cua om rau muống...
Những nguyên liệu chủ yếu trong chế biến nem cua bể Hải Phòng cũng không khác biệt nhiều so với các nguyên liệu chế biến món chả nem (miền Nam gọi là chả giò) của một số tỉnh thành của miền Bắc như Hà Nội, Nam Định... Các nguyên liệu cơ bản phải có gồm: bánh đa (bánh tráng) để gói nem, thịt lợn nạc vai băm nhuyễn, tôm tươi (tôm sú hoặc tôm giảo là tốt nhất), miến, giá đỗ (giá đậu), hành lá, nấm hương, mộc nhĩ, trứng gà, gia vị.
Khác biệt giữa nem chế biến theo kiểu Hải Phòng với các địa phương khác chính là ở thành phần cua bể và loại bánh đa dùng để gói nem. Cua bể Hải Phòng không to như nhiều vùng biển khác nhưng bù lại thịt cua rất chắc và thơm ngon. Nên chọn cua gạch, mình dày, nặng 0,6-0,8 kg/con. Bánh đa nem (bánh tráng) cũng như bánh đa đỏ là những nguyên liệu gắn liền với những món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng và thường được sản xuất với số lượng lớn quanh khu vực Dư Hàng Kênh nằm sát nội thành Hải Phòng.
Một lưu ý là để gói nem cua bể theo hình vuông kiểu Hải Phòng người ta thường dùng loại bánh tráng nem bản rộng thường được làm từ bột gạo theo phương pháp truyền thống hơn là loại bánh tráng đóng gói sẵn bởi các cơ sở chế biến thực phẩm. Bánh tráng nem đóng gói sẵn (thường có màu vàng nhạt) dễ bảo quản hơn nhưng khi chiên rán không độ giòn như bánh đa nem gói bằng loại bánh tráng bột gạo (thường có màu trắng).
Các công đoạn chế biến món nem cua bể theo kiểu Hải Phòng cũng tương tự như đối với món chả nem thông thường. Ngoài nguyên liệu chính là cua bể, còn có các phụ liệu khác bao gồm: tôm tươi bóc vỏ chẻ đôi, thịt băm, mộc nhĩ, miến cắt khúc nhỏ, giá, hành tím... Tất cả trộn đều với gia vị theo một tỷ lệ hợp lý. Sau đó lấy lòng đỏ trứng trộn đều lên nhằm tạo sự kết dính cho nhân nem. Khác với nem dài truyền thống, gói nem vuông phải sắp xếp từng thứ.
Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, rồi cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó gói thành hình vuông. Cua bể có thể luộc hoặc hấp cách thủy nhưng hấp là tốt nhất, rồi sau đó gỡ thịt cua ra bát để riêng. Tỷ lệ pha trộn các nguyên liệu để làm nhân nem cũng đóng vai trò quan trọng bởi tỷ lệ nguyên liệu không hợp lý có thể khiến người ăn chóng ngán, không làm nổi bật hương vị đặc trưng của hải sản như tôm, cua bể. Nói chung trong món nem cua bể Hải Phòng, thịt lợn và tôm do không phải là thành phần chủ đạo nên được sử dụng với tỷ lệ vừa phải và nên pha thêm chút mỡ vào thịt khi băm (xay) để thịt có độ mềm.
Dù nem được gói theo hình vuông hay kiểu cuốn dài quen thuộc thì vẫn phải đảm bảo một số tiêu chí về chất lượng như nem không bị bung ra khi rán, hương vị đặc trưng của thịt cua bể không bị lẫn với mùi vị các nguyên liệu khác, nem có mùi thơm chứ không có vị tanh của hải sản. Rán (chiên) nem cũng là khâu chế biến quan trọng, tốt nhất vớt nem ra khỏi dầu sôi khi nem đã chín vàng, tránh để nem bị cháy cạnh. Nước chấm nem cũng góp phần tăng thêm giá trị của món nem. Thành phần chủ đạo nước chấm nem vẫn là nước mắm nhưng phải là loại thật ngon để pha chế cùng nước đun sôi để nguội cùng dấm, tỏi, ớt, chanh tươi, đường, hạt tiêu và có thể thêm đu đủ xanh thái lát nhỏ.
Nem cua bể (theo phong cách chế biến kiểu Hải Phòng) không kén người ăn dù là người miền Trung hay miền Nam. Ngay cả nhiều người nước ngoài từng thưởng thức món ăn này cũng bị chinh phục bởi hương vị đặc biệt của nó. Món nem cua bể thường được ăn kèm với bún, nước chấm (mắm dấm) và rau ghém, thông thường hay được dùng trong bữa ăn trưa, thích hợp cả trong những ngày trời nóng hay trời mát. Một điểm cần lưu ý không thể bỏ qua khi thưởng thức món ăn này là không nên để lâu sau khi đã rán (chiên) chín bởi để càng lâu nem sẽ mất độ giòn và hương vị thơm ngon của hải sản, tốt nhất là nên dùng ngay trong khoảng 5-10 phút sau khi đã với nem ra khỏi chảo rán và để cho ráo dầu.
Hiện nay cũng có nhiều công ty chế biến thực phẩm tại Việt Nam chế biến sẵn nem đóng gói dùng để chiên rán (thường thông báo thành phần nguyên liệu trên bao bì là có thịt cua bể). Loại nem này có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh và thích hợp với những người không có thời gian chế biến. Tuy nhiên sự khác biệt của loại nem đóng gói sẵn này so với nem cua bể kiểu Hải Phòng là hương vị thịt cua bể gần như không đáng kể (do lượng thịt cua được sử dụng không nhiều) và thường pha chế thêm một số nguyên liệu (như khoai môn) để thích hợp với khẩu vị vùng miền, ngoài ra loại nem này được gói theo hình thon dài quen thuộc khác với cách gói hình vuông của nem cua bể Hải Phòng. |
Bánh mì là một món ăn Việt Nam, với lớp vỏ ngoài là một ổ bánh mì nướng có da giòn, ruột mềm, còn bên trong là phần nhân. Tùy theo văn hóa vùng miền hoặc sở thích cá nhân, người ta có thể chọn nhiều nhân bánh mì khác nhau. Tuy nhiên, loại nhân bánh truyền thống thường chứa chả lụa, thịt, cá, thực phẩm chay hoặc mứt trái cây, kèm theo một số nguyên liệu phụ khác như patê, bơ, rau, ớt và đồ chua. Bánh mì được xem như một loại thức ăn nhanh bình dân và thường được tiêu thụ trong bữa sáng hoặc bất kỳ bữa phụ nào trong ngày. Do có giá thành phù hợp nên bánh mì trở thành món ăn được rất nhiều người ưa chuộng.
Bánh mì Việt Nam có gốc từ bánh baguette, do người Pháp đưa vào miền Nam Việt Nam trong thế kỷ 20. Một số nhà nghiên cứu cho rằng món bánh mì đã có mặt tại Việt Nam từ 150 năm trước. Những thập kỉ sau, bánh mì Việt Nam lan ra khắp miền Trung và miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn. Người Sài Gòn sau đó cải biên chiếc bánh baguette thành ổ bánh mì nhỏ và ngắn hơn, chỉ còn khoảng 30–40 cm, còn ruột bánh thì rỗng hơn để đưa được nhiều nhân, tương tự như món sandwich. Tùy thuộc vào thành phần nhân, bánh mì có những tên gọi khác nhau. Ngoài ra, bánh mì còn ăn kèm với nhiều món ăn đa dạng, chẳng hạn như thịt bò kho, cá mòi hay xíu mại.Sau năm 1975, theo những cuộc di cư và vượt biển của người Việt, bánh mì Việt Nam đã trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Món ăn này có mặt ở gần mọi đất nước có kiều bào Việt Nam sinh sống vì nguyên liệu dễ tìm cũng như cách chế biến đơn giản, hợp với văn hóa nơi sinh sống. Trong cách gọi thông thường, người Mỹ Anh hóa từ "bánh mì" thành là banh mi thay vì gọi Vietnamese sandwich như các món ăn tương tự. Vào tháng 3 năm 2012, chuyên trang du lịch của tờ The Guardian đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc top 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới.
Trong tiếng Việt, từ bánh mì được hình thành từ hai từ gốc là bánh (có thể ám chỉ nhiều loại thức ăn, chủ yếu là bánh nướng, bao gồm cả bánh mì) và mì (ngũ cốc lúa mì). Ở miền Bắc Việt Nam, từ này cũng có thể viết là bánh mỳ. Đơn thuần bánh mì chỉ ám chỉ bất kỳ loại bánh nào, nhưng thường được sử dụng để chỉ bánh mì kiểu Việt Nam (baguette), hoặc kẹp nhân bánh mì. Để phân biệt bánh mì không nhân với bánh mì kẹp nhân, ta dùng thuật ngữ bánh mì không (bánh mì trơn). Để phân biệt bánh mì kiểu Việt Nam với các loại bánh mì khác, ta có thể sử dụng thuật ngữ bánh mì Sài Gòn (bánh mì kiểu Sài Gòn) hoặc bánh mì Việt Nam (bánh mì kiểu Việt Nam).
Một giả thuyết không chính xác cho rằng từ bánh mì bắt nguồn từ tiếng Pháp pain de mie, có nghĩa là bánh mì mềm, trắng. Tuy nhiên, từ bánh hoặc hình thức Chữ Nôm của nó 餅 đã được sử dụng để chỉ bánh gạo và các loại bánh ngọt khác từ thế kỷ 13, lâu trước khi có sự tiếp xúc với người Pháp.
Từ những năm 1950, bánh mì Việt Nam có thể tìm thấy trong các cộng đồng du học sinh và di dân Việt sống tại Pháp. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người miền Nam đã di cư sang Hoa Kỳ, châu Âu và Úc, mang theo công thức bánh mì kẹp thịt của người Việt vượt qua biên giới và trải dài khắp toàn cầu.
Cho tới nay, bánh mì kẹp thịt vẫn là món ăn phổ biến và được yêu thích của người Việt Nam, đặc biệt là giới sinh viên và người lao động. Bánh mì chủ yếu để ăn sáng, nhưng chúng có thể được phục vụ đến tận nửa đêm vì tính tiện dụng, nhanh gọn. Ngoài ra, món ăn còn xuất hiện trong các bữa tiệc hoặc mâm cơm gia đình, ăn cùng với các thứ đồ ăn như bò kho hoặc cà ri. Đối với các tiệm phở, hủ tiếu, mì thì bánh mì dùng để đáp ứng khẩu vị của một số người, đồng thời còn được xem như một món ăn kèm chống đói. Có nơi còn nặn bánh mì theo hình các con vật và hoa quả để kích thích người mua.
Theo đánh giá của một số tờ báo chuyên về ẩm thực của Hoa Kỳ, bánh mì kẹp thịt của những cửa hàng người Việt là món ăn có hương vị và đặc điểm tương phản: vỏ ngoài giòn rụm nhưng ruột bên trong lại mềm, còn nhân bánh vừa đậm đà lại vừa cay nồng. Một nghiên cứu của các chuyên gia khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Leeds thì còn cho rằng "kết cấu miếng thịt và độ giòn khi còn nóng còn thú vị hơn mùi vị của miếng thịt kẹp trong bánh.Báo giới quốc tế đã công nhận rằng bánh mì là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, đồng thời bánh còn lọt top những món sandwich ngon nhất toàn cầu. Ngoài ra tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng liệt kê món ăn này vào danh sách bữa sáng tiêu biểu của châu Á. Năm 2009, đầu bếp Anthony Bourdain khi đến Hội An, Quảng Nam và thưởng thức chiếc bánh mì trên phố Phan Chu Trinh, đã bày tỏ sự kinh ngạc rồi nhận định: "Đây quả thực là một bản giao hưởng của bánh mì" khi ông tự tay cắt bánh mì, rưới nước sốt, phết bơ, patê và kẹp vào bên trong thịt nướng, chả lụa... Dù chỉ xuất hiện vẻn vẹn 2 phút trong chương trình No Reservation của đài CNN nhưng bánh mì Việt Nam đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Hơn nữa, món bánh này còn được xem như một trong những biểu tượng của nền ẩm thực Việt Nam.Trong bài viết The world's best street food trên tờ The Guardian tháng 12 năm 2012, tác giả của nó đã nhận định rằng:
Một bí mật ít được biết đến là chiếc bánh sandwich ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí là thành phố New York, mà nằm trên các ngõ đường của Việt Nam. Món ăn khởi đầu với một ổ baguette nhỏ nướng trên than. Sau khi điểm qua một lớp mayonnaise và ít patê, lớp vỏ giòn của bánh đã ngập tràn những miếng thịt, rau giòn ngâm cùng các loại rau tươi. Sau đó nó thường được nêm thêm vài giọt nước tương và gia vị ớt cay.
Năm 2014, Andrea Nguyen đã xuất bản cuốn sách The Banh Mi Handbook: Recipes for Crazy-Delicious Vietnamese Sandwiches, được National Public Radio (NPR) nêu danh là một trong những sách dạy nấu ăn tốt nhất trong năm. Với sự trợ giúp của Andrea Nguyen, đầu bếp Robyn Eckhardt đã có một chuyến du hành khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh để xác định những địa chỉ bán bánh mì thịt ngon nhất và sau đó thảo ra bài viết Đi tìm bánh mì ngon nhất Sài Gòn (Finding Saigon’s best banh mi) trên trang mạng xã hội EatingAsia.Ở tỉnh An Giang có bán loại bánh mì khổng lồ dài gần 1 mét, nặng từ 2–3 kg và được trang tin Bright Side công nhận là một trong mười lăm món kỳ lạ nhất thế giới năm 2018. Chúng thường được bán nhiều ở gần cổng miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp thuộc huyện Tịnh Biên. Mặc dù vậy, loại bánh này không còn được bán do nơi sản xuất đã đóng cửa. Ngày 10 tháng 11 năm 2017, trong dịp đến thăm Việt Nam, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã cùng với đầu bếp gốc Việt Luke Nguyễn đi bộ và ghé vào dùng bánh mì tại một cửa hàng vỉa hè ở Đà Nẵng.Dù được khen ngợi rộng rãi, nhưng bánh mì Việt Nam cũng nhận về một số đánh giá trái chiều, trong số đó phải kể đến việc 20 du khách Hàn Quốc được đưa đi cách ly ở Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Khi ấy, họ đã chê rằng khu cách ly Việt Nam nghèo nàn và chỉ cho ăn "vài mẩu bánh mì". Sau đó, đài YTN của Hàn Quốc đã đưa tin về vụ này và hứng chịu những chỉ trích từ cộng đồng. |
Chile con queso (Từ tiếng Tây Ban Nha cho "ớt với pho mát"), đôi khi được gọi đơn giản là queso, là một món khai vị hoặc món ăn thêm từ phô-mai chảy và ớt. Món này thường phục vụ trong các nhà hàng Tex-Mex (Texas-Mexico) như là một loại nước chấm cho bim bim tortilla.
Chile con queso là một phần của ẩm thực Tex-Mex và ẩm thực Tây Nam Hoa Kỳ, có nguồn gốc ở bang Chihuahua phía bắc Mexico, là một phiên bản của món Queso chihuahua và Queso flameado. Chile con queso chủ yếu được tìm thấy trên thực đơn các nhà hàng ở Tex-Mex và các bang khác của Hoa Kỳ. |
Cà phê King Coffee là sản phẩm cà phê thương hiệu Việt Nam được phát triển bởi Công ty TNHH MTV TNI ra mắt vào 10/2016 tại Hoa Kỳ sau đó tiếp tục phát triển ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc… trước khi về lại Việt Nam vào tháng 8/2017.Cách phát triển sản phẩm của King Coffee khác với đa số các sản phẩm và công ty khác, King Coffee của TNI Corporation được ra mắt và chinh phục thị trường quốc tế rồi sau đó mới trở về Việt Nam.
King Coffee được đặt bởi chính CEO của TNI Corporation - Lê Hoàng Diệp Thảo, thông qua cái tên thương hiệu "King Coffee", bà Thảo nói lên khát vọng xây dựng nên thương hiệu cà phê huyền thoại Việt Nam. Việc sử dụng tên King Coffee mang tính toàn cầu sẽ giúp sản phẩm có thể phát triển ở thị trường quốc tế.
Cà phê Việt Nam một trong những ngành có tốc độ phát triển nhất Việt Nam, cà phê lần đầu du nhập vào Việt Nam thông qua việc người Pháp thành lập đồn điền ở gần Kẻ Sở, Bắc Kỳ vào năm 1888. Sau đó cây cà phê được trồng thêm ở các vùng Tây Bắc, Phủ Quỳ - Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng,...
Sau 1975, cây cà phê ở Việt Nam mới được phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng chính là Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột - nơi cung cấp những hạt cà phê Robusta ngon nhất Việt Nam cho King Coffee.
Cà phê hòa tan xuất hiện trên thị trường vào những năm 1950 và đã phát triển nhanh chóng dựa trên nhịp sống ngày càng nhanh của con người. Từ những năm 2000, cà phê hoà tan bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam với các thương hiệu đi đầu là Nescafé, VinaCafe, G7.
Cà phê King Coffee được tạo ra để tiếp nối những thành công của G7, bên cạnh đó sẽ phát triển ra thị trường thế giới và đa dạng hoá sản phẩm từ cà phê hoà tan tới cà phê rang xay.
Tháng 10/2016 TNI lần đầu cho ra mắt thương hiệu cà phê King Coffee tại Sự kiện Âm nhạc Thuý Nga Paris By Night (120) Hoa Kỳ. Việc ra mắt ở thị trường Mỹ đã gây chú ý không chỉ đối với người Việt mà còn với người Mỹ, sau đó lan toả ra các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Liên bang Nga, Trung Quốc…Tháng 11/2016 King Coffee xuất hiện ở Hàn Quốc tại Triển lãm Café Show 2016 và lên kệ hệ thống siêu thị Kim’s Club hàng đầu của Hàn Quốc.Tháng 3/2017 Có thêm nhiều dòng sản phẩm mới của King Coffee được giới thiệu tại China Food & Drinks tại Thành Đô, Trung Quốc.Trong cùng tháng 3/2017 King Coffee ra mắt thị trường Ấn Độ qua Hội chợ International Food và Hospitality Fair diễn ra ở New Dehli, Ấn Độ.
Với nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng, nhà máy sản xuất cà phê Bắc Giang không thể đáp ứng kịp các đơn hàng quốc tế. 20/4/2017 nhà máy TNI King Coffee được khánh thành ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương sau 5 tháng thi công. Nhà máy có diện tích 51.300 m2 được trang bị công nghệ sản xuất cà phê hiện đại từ châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. Với công suất 145.000 tấn năm, chuyên sản xuất dòng sản phẩm King Coffe cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở 88 quóc gia.Tháng 5/2017 King Coffee đại diện cho cà phê Việt Nam tham dự SIAL China 2017 ở Trung Quốc, King Coffee chính thức xâm nhập thị trườn tỷ dân.
Tháng 8/2017 King Coffee quay lần đầu ra mắt người Việt phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
Được 2 năm kể từ lần đầu xuất hiện trên thị trường ngày 10/2016, King Coffee đã có một số thành tựu:
Cuối tháng 3/2017 King Coffee trở thành Top 4 sản phẩm cà phê bán chạy nhất T-Mall (trang bán hàng của Alibaba).
Ngày 8/10/2017, TNI Corporation với dòng sản phẩm King Coffee nhận được giải thưởng "Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng Châu Á – Thái Bình Dương 2017", do Viện Quản lý và Phát triển Châu Á và Tập đoàn Truyền thông Quốc gia Việt Nam bình chọn.
Tháng 11/2017: King Coffee được chọn trưng bày tại Triển lãm "Việt Nam – Đối tác tin cậy và tiềm năng" bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017
== Tham khảo == |
Bialy (tiếng Yid: ביאלי), Một chữ viết tắt tiếng Yiddish để chỉ Biały hoặc bialystoker kuchen (tiếng Yid: ביאליסטאקער קוכען), có nguồn gốc từ thành phố Białystok ở Ba Lan, là một bánh mì cuộn nhỏ đóng vai trò là một món ăn truyền thống trong ẩm thực Do Thái Ashkenazi của Ba Lan.
Một bialy truyền thống có đường kính lên tới 15 cm (6 inch) và là một chiếc bánh mì cuộn men tương tự như bánh mì tròn. Không giống như bánh mì tròn, được đun sôi trước khi nướng, bialy chỉ đơn giản là nướng, và thay vì một lỗ ở giữa, nó có một vết lõm. Trước khi nướng, vế lõm này chứa đầy hành tây thái hạt lựu và các thành phần khác, có thể bao gồm tỏi, hạt anh túc hoặc vụn bánh mì.
Bialy đã được đưa đến Hoa Kỳ bởi những người tị nạn Do Thái Ba Lan vào cuối những năm 1800, và trở thành một món ăn chủ lực của các tiệm bánh Do Thái ở Đông Bắc Hoa Kỳ. Bialys trở thành một loại bánh mì phổ biến và cũng là bữa sáng cho người dân ở thành phố New York và các khu vực xa xôi; đặc biệt là người Do Thái Mỹ. Bialys thường được nướng bởi các tiệm bánh cũng bán bánh mì tròn, tuy nhiên có sự khác biệt giữa bagel và bialy lhi bialy không đạt được sự phổ biến chính mà bagel đã được yêu thích hơn ở Hoa Kỳ, và thực sự trên toàn thế giới, trong nhiều thập kỷ. Làm bialys theo cách truyền thống là một quá trình tốn thời gian, và do đó, nhiều tiệm bánh hiện làm bialys bằng máy móc, cũng phổ biến với bánh mì tròn. Bialys được coi là một đại diện thực phẩm mang tính biểu tượng của thành phố New York, và có thể khó tìm thấy bên ngoài khu vực đó. Tuy nhiên, bialys được bán đông lạnh bởi một số thương hiệu như Ray's New York và các thương hiệu khác, trong các siêu thị trên cả nước.
Năm 2000, cựu nhà văn thực phẩm của tờ Thời báo New York Mimi Sheraton đã viết một cuốn sách dành riêng cho bialy và vai trò của nó như là một biểu tượng của di sản Białystok của người Do Thái, có tựa đề The Bialy Eaters: The Story of a Bread and a Lost World. |
Xí quách, hay xíu quách, một tên gọi nôm na để chỉ món xương hầm, là một món ăn bình dân và thông dụng ở Việt Nam có xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc được người gốc Hoa mang đến phổ biến ở miền Nam Việt Nam, là những đoạn xương heo, bò hoặc dê, gà, v.v. đã được nấu ra làm nước lèo để sử dụng vào mục đích khác, còn lại là những lớp thịt, lớp mỡ, lớp gân, lớp tuỷ xương, v.v. đã chín nhừ. Món ăn này thường được người miền Nam ăn kèm với hủ tiếu, mì, hoặc cơm, cũng là lựa chọn của những thực khách hay nhậu tại các hàng quán, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, như một món ăn chơi (ăn vặt).
Xí quách là cách phát âm theo tiếng Quảng Đông của "trư cốt" 豬骨 (Việt bính: zyu1 gwat1, đọc như tchíu quách theo tiếng Việt giọng miền Nam), có nghĩa là "xương heo". Ban đầu xí quách đơn thuần dùng để chỉ xương heo, nhưng sau đó được mở rộng ra đến xương bò, xương gà, xương dê, v.v..
Xí quách thường dùng làm lẩu xí quách, một loại lẩu có hương vị mới lạ, ít xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng. Lẩu xí quách được chế biến từ nước xương hầm kết hợp với các nguyên liệu như táo đỏ, lê, nấm tuyết nhĩ, v.v., nên nước lẩu thơm mùi rau quả rất tinh khiết, vị thanh thanh, ăn kèm cùng với thịt gà hay tôm.
Cách chế biến:
Đầu tiên xí quách chặt khúc, gừng đập giập, cho vào nồi với khoảng 4 lít nước, hầm mềm, sau đó cho bắp Mỹ chặt làm tư vào nấu thêm 10 phút, nêm nếm vừa ăn. Bí đỏ gọt vở, thái lát dày khoảng 1– 2 cm. Các phụ gia khác như Nấm bào ngư thì cắt gốc, rửa sạch. Cải cúc nhặt rửa sạch. Hành lá thái khúc.
Tiếp đến, múc xương xí quách, bắp Mỹ và nước hầm xương vào nồi lẩu. Khi dùng mở bếp, cho bí đỏ, nấm bào ngư, và sau cùng, cho cải cúc và hành lá vào.Món ăn này dùng với mì hoặc bún, chấm kèm nước tương và ớt xắt. Lưu ý: Để xương xí quách thơm ngon và nước trong, khi hầm nên cho vào ít nước mắm, cho xương vào đun sôi, hạ nhỏ lửa, hầm vừa mềm thỉnh thoảng vớt bọt.
Thuật ngữ "hết xí quách" dùng để chỉ một trạng thái của cơ thể mệt mỏi rã rời là dấu hiệu báo cơ thể cần phải nghỉ ngơi hoặc ngủ để phục hồi sức khỏe. |
Varenets (tiếng Nga: варенец, nguyên văn 'the stewed one'), đôi khi được viết tắt là stewler hoặc simmeler, là một sản phẩm sữa lên men phổ biến ở Nga. Giống như ryazhenka, nó được làm bằng cách thêm kem chua (smetana) để hấp sữa.
Varenets là thức uống làm từ sữa lên men có vị caramel và màu kem mịn. Ngày xưa, sữa được nướng trong lò nướng của Nga và lên men với kem chua.Varenets trong nuôi cấy có bán trên thị trường là sữa đã được tiệt trùng và đồng nhất hóa (với 0,5% đến 8,9% chất béo), và sau đó cấy với vi khuẩn Streptococcus thermophilus để mô phỏng vi khuẩn xuất hiện tự nhiên trong sản phẩm phiên bản cũ. |
Oreo () là một nhãn hiệu bánh quy ngọt nổi tiếng, thường bao gồm hai lớp bánh quy sôcôla kẹp kem ngọt ở giữa. Kể từ năm 2018, bánh Oreo được bộ phận Nabisco (thuộc tập đoàn Mondelēz International) sản xuất tại Hoa Kỳ. Oreo đang là thương hiệu bánh quy ngọt bán chạy nhất tại Hoa Kỳ kể từ khi được giới thiệu vào năm 1912.Loại bánh này hiện nay được bán phổ biến khắp thế giới và có nhiều loại khác nhau.
Vào tháng 3 năm 2012, tạp chí 'Time' ghi nhận Oreo có mặt ở hơn 100 quốc gia khác nhau. Từ năm 1912, hơn 450 tỷ chiếc bánh Oreo đã được sản xuất trên toàn thế giới và trở thành bánh quy bán chạy nhất thế giới.Nguồn gốc của tên gọi Oreo hiện chưa được xác nhận, nhưng theo nhiều giả thuyết, nó có thể mang nghĩa "ngọn núi" theo một từ gốc Hy Lạp cổ. Những người khác lại cho rằng bánh này mang tên Oreo vì đơn giản là từ này ngắn và dễ phát âm. Một giả thuyết khác, được đề xuất bởi nhà văn thực phẩm Stella Park, đó là tên bắt nguồn từ tiếng Latin Oreodaphne, một chi của họ nguyệt quế.
Bánh quy Oreo được ra mắt lần đầu bởi công ty Bánh quy Quốc gia (ngày nay mang tên Nabisco) vào năm 1912 tại nhà máy Chelsea, Manhattan, thành phố New York. Ngày nay có một khối phố ở đây mang tên "Đường Oreo". Tên Oreo được đăng ký nhãn hiệu đầu tiên vào ngày 14 tháng 3 năm 1912.
Thiết kế ban đầu trên mặt của Oreo có một vòng hoa xung quanh mép của cookie và tên "OREO" ở trung tâm. Tại Hoa Kỳ, chúng được bán với giá 25 xu một pound (453 g) trong các hộp kim loại mới lạ với ngọn thủy tinh trong suốt. Oreo đầu tiên được bán vào ngày 6 tháng 3 năm 1912 cho một cửa hàng tạp hóa ở Hoboken, New Jersey.
Bánh quy Oreo được đổi tên vào năm 1921 thành "Oreo Sandwich"; năm 1948, tên được đổi thành "Oreo Crème Sandwich"; và vào năm 1974, nó trở thành "Oreo Chocolate Sandwich Cookie" tồn tại đến ngày nay. Thiết kế mởi cho mặt bánh được đưa ra vào năm 1924. Thiết kế bánh Oreo hiện đại được phát triển vào năm 1952 bởi William A. Turnier khi kết hợp với logo Nabisco.
Quy trình làm bánh quy Oreo hiện đại được phát triển bởi nhà khoa học thực phẩm chính của Nabisco, ông Sam Porcello, ông hiện đã nghỉ hưu ở Nabisco từ năm 1993. Porcello giữ năm bằng sáng chế liên quan trực tiếp đến Oreo. Ông cũng tạo ra một loại bánh quy Oreo được phủ sô cô la đen và sô cô la trắng.
Vào đầu những năm 1990, những lo ngại về sức khỏe đã khiến công ty Nabisco thay thế mỡ lợn trong chất làm dày bằng dầu thực vật không no (được hydrô hóa một phần). Bánh quy Oreo rất thích hợp và phổ biến với những người có một số hạn chế về chế độ ăn uống, chẳng hạn như người ăn chay, vì chất làm dày của bánh không sử dụng bất kỳ một sản phẩm động vật nào.
Vào tháng 1 năm 2006, Nabisco thay thế hoàn toàn dầu thực vật được hydrô hóa một phần bằng dầu thực vật không hydrô hóa.
Năm 2008, Oreo được quảng cáo trong một trò chơi trực tuyến có tên "Double Stuf Racing League", với sự tham gia của chị em nhà Williams, Venus và Serena.
Vào tháng 4 năm 2011, Oreo công bố phiên bản đặc biệt Oreo với kem màu xanh để quảng bá cho phim hoạt hình Rio 2011 kèm theo nhiều khuyến mãi, chương trình có sẵn ở Ecuador, Peru và Colombia và kết thúc vào ngày 30 tháng 5 năm 2011.
Vào tháng 6 năm 2012, Oreo đã đăng một quảng cáo hiển thị hình ảnh chiếc bánh với lớp kem màu cầu vồng để hướng ứng tháng cộng đồng LGBT.
Tại các thị trường khác nhau, bánh Oreo được các hãng khác nhau phân phối, như Kraft, McDonald's và KFC tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Cadbury India ở Ấn Độ (thành viên của tập đoàn Mondelēz International), hay Lefèvre-Utile tại Pakistan.
Bánh quy Oreo cũng có nhiều phiên bản bánh khác nhau, ví dụ:
Double Stuf Oreo (1974)
Football Oreo (1976)
Big Stuf Oreo (1987)
Golden Oreo (2004)
Oreo Mini (1991)
Mega Stuf Oreo (2013)
Oreo Thins (2015)
Chocolate Oreo
Mint Oreo
The Most Stuf (2019)
Oreos vị Trà xanh (Trung Quốc, Nhật Bản)
Lemon Ice Oreos (Nhật Bản)
Hình ảnh chiếc bánh Oreo xuất hiện phổ biến trong nhiều bộ phim, một số ví dụ như: A Star Is Born 1976, This is Spinal Tap 1978, Big 1988, The Parent Trap 1998, Wreck-It Ralph 2012, Love Simon 2018.
Oreo cũng là tên của hệ điều hành Android 8 "Oreo" của Google.
Từ "Oreo" còn được sử dụng mang nghĩ phân biệt chủng tộc và xúc phạm một người da đen nào đó mà anh ta/cô ta hành xử, cử xử như một người da trắng, giống với hình ảnh chiếc bánh quy. |
Nước cốt, còn được gọi là nước cốt xương và bouillon, là một chất lỏng thơm ngon được làm từ nước trong đó xương, thịt hoặc rau đã được ninh nhừ. Nó có thể được ăn một mình, nhưng nó được sử dụng phổ biến nhất để chuẩn bị các món ăn khác, chẳng hạn như súp, nước thịt và nước sốt.
Nước dùng lỏng được chuẩn bị thương mại có sẵn, điển hình là thịt gà, thịt bò, cá và các loại rau. Nước dùng được khử nước ở dạng khối bouillon được thương mại hóa bắt đầu từ đầu thế kỷ 20.
Rất nhiều đầu bếp và nhà ẩm thực dùng khái niệm nước dùng và nước cốt hoán đổi cho nhau. Vào năm 1974, James Beard viết rằng nước dùng, nước cốt và bouillon "tất cả là những thứ giống nhau"
Trong khi có rất nhiều người chỉ ra điểm khác biệt giữa nước dùng và nước cốt, chi tiết của những điểm khác biệt thường khác nhau. Một khả năng là nước cốt được làm chính từ xương đông vật, khác với thịt, và vì thế chứa nhiều gelatin, làm cho chúng đặc hơn. Một điểm khác biệt khác thường được nhắc đến là nước cốt được nấu lâu hơn nước dùng và vì thế có vị đậm hơn. Một điểm khác biệt thứ ba là nước cốt được để lại chưa nêm gia vị để dùng trong nhiều công thức và nước dùng được nêm gia vị và có thể ăn không.Tại Anh, "nước dùng" nghĩa là chất lỏng trong canh súp gồm các miếng thịt, cá, hay rau củ cứng, còn "nước cốt" nghĩa là nước chính để làm canh súp. Theo nghĩa này, truyền thống, nước cốt chưa một dạng thịt hay cá nào đấy; Tuy nhiên, hiện nay chấp nhận được để chỉ nước luộc rau củ là một loại nước cốtTại Việt Nam, đa số người dân đều nói rằng nước dùng được làm trực tiếp từ xương và nước dùng là nước dùng pha thêm những thứ khác.
Vào năm 2013, "nước cốt xương" đã trở thành một xu hướng thực phẩm sức khỏe phổ biến, do sự hồi sinh về độ phổ biến của chất béo trong chế độ ăn kiêng đường và quan tâm đến việc có thể được thêm vào các "thực phẩm chức năng" và "thuốc chữa bệnh" như nghệ và gừng. Hộp đựng nước cốt xương, dịch vụ giao nước cốt tận nhà, nơi bán nước dùng xương và chai nước dùng xương lạnh đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ. Thứ này đã nổi tiếng hơn bởi cuốn sách Nourishing Broth năm 2014, trong đó các tác giả Sally Fallon Morell và Kaayla T. Daniel cho rằng mật độ dinh dưỡng của nước dùng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe: tăng cường hệ miễn dịch; cải thiện khớp, da và tóc do hàm lượng collagen; và thúc đẩy răng và xương khỏe mạnh do nồng độ calci, magnesi và phosphor. Không có bằng chứng khoa học để hỗ trợ nhiều tuyên bố đưa ra cho nước cốt xương. Một vài nghiên cứu nhỏ đã tìm thấy một số lợi ích có thể có đối với nước cốt gà, chẳng hạn như làm sạch đường mũi. Cốt gà cũng có thể làm giảm viêm; tuy nhiên, tác dụng này chưa được xác nhận trong các nghiên cứu có kiểm soát ở người lớn.
== Tham khảo == |
Tôm mũ ni Địa Trung Hải (Danh pháp khoa học: Scyllarides latus) là một loài tôm mũ ni được tìm thấy ở vùng biển Địa Trung Hải và ở phía đông Đại Tây Dương. Loài tôm này có thể ăn được và là thực phẩm được ưa thích, nhưng nay đã hiếm hơn nhiều trong phạm vi phân bố của nó do nạn đánh bắt quá mức. Con trưởng thành có thể dài lên đến 30 cm, và không có càng. Chúng là loài ăn đêm, nổi lên từ các hang và nơi trú ẩn khác trong ban đêm để ăn động vật thân mềm. Ngoài bị con người săn bắt, S. latus cũng bị ăn thịt bởi một loạt các loài cá xương. Loài có họ hàng gần nhất của nó là S. herklotsii sinh sống ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương của Tây châu Phi.
Scyllarus latus được tìm thấy hầu hết ở ven bờ Địa Trung Hải (một ngoại lệ sống ở miền bắc Biển Adriatic), và ở các phần thuộc miền đông Đại Tây Dương từ gần Lisbon tại Bồ Đào Nha tới phía nam ở Senegal, gồm các quần đảo Madeira, Azores, quần đảo Selvagens và quần đảo Cape Verde. Ở Senegal, nó chung sống với loài họ hàng Scyllarides herklotsii, có bề ngoài tương tự.
== Chú thích == |
Dưa hành, hay hành muối, là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành thịnh hành như một đồ ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của cộng đồng người Việt khắp cả nước.
Nguyên liệu để muối dưa hành rất đơn giản bao gồm: củ của một loại hành (tên khoa học: Allium chinense - người Việt Nam quen gọi là "củ kiệu") đã được phơi khô chưa bóc vỏ ngoài già màu vàng sậm, củ nhỏ cỡ khoảng bằng đầu ngón tay người lớn hay hơn một chút, và muối ăn. Hành củ chọn loại đều, chắc củ, không bị thối hỏng, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài sẽ lộ ra thân củ màu trắng hoặc trắng hơi ngả tím. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho rằng sử dụng củ hành trắng hay hành hương ăn ngon và thơm hơn hành tía. Hành tía hăng, cay hơn khiến cho vại dưa lâu chín hơn.
Một số nguyên liệu khác có thể đi kèm: cải bẹ (dùng để xếp lớp bổ sung vào vại muối hành); mía lót đáy vại, đường, rượu trắng, dấm bỗng (khiến dưa hành chóng chua hơn, có thể không cần). Tro bếp, phèn chua hoặc nước vo gạo như một dạng thức phụ gia để ngâm hành trước khi muối.
Loại hành allium cepa (mà người Việt Nam quen gọi là "hành tây") không thích hợp để làm nguyên liệu cho món dưa hành này.
Cách làm dưa hành không mấy cầu kỳ: hành củ lựa chọn sơ bộ rồi đem ngâm một ngày một đêm trong nước vo gạo, nước tro bếp hay nước pha phèn chua có thêm chút muối cho độ mặn vừa phải, măn mẳn nhằm làm cho hành chắc củ và bớt hăng. Qua một ngày đêm thì đổ bỏ nước vo gạo (hay nước tro) và lại thay bằng nước lã pha muối ngâm thêm một ngày để hành trắng và giòn. Sau đó người nội trợ đem hành ra bóc bớt vỏ già bên ngoài để lộ phần vỏ trắng của hành, cắt bỏ rễ, rửa lại trong nước pha muối loãng cho thật sạch và để ráo nước trước khi cho vào vại muối. Một số nơi nếu có điều kiện muối hành lâu có thể không cần bóc bớt vỏ già, để nguyên củ cho vào vại muối dưa đến khi đem ra ăn mới bóc bỏ vỏ.
Đun sôi nước, pha muối theo một tỷ lệ nhất định (thường mỗi lít nước khoảng 50g muối), chút đường trắng, nếu muốn chua nhanh có thể cho chút rượu trắng hoặc dấm. Nếu có mía thì không cần đường. Để nước nguội bớt, âm ấm bớt trước khi muối hành.
Mía róc vỏ chẻ khẩu nhỏ xếp lót xuống đáy lọ thủy tinh hay vại sành, sau đó xếp hành củ vào lọ. Nếu muối xen kẽ với cải bẹ thì cải bẹ được xếp lớp cứ một lớp cải một lớp hành. Đổ nước muối đã pha lên ngập nguyên liệu trong lọ rồi dùng vỉ tre gài chặt, dùng vật nặng nén lại như muối các loại dưa khác.
Một số nơi không dùng nước muối pha đậm để muối hành ngay từ đầu mà rắc muối bọt với hành, cứ một lớp hành một lớp muối. Sau một thời gian (khoảng 1 tuần) trút bỏ nước muối mặn chát thôi ra trong lọ, đem hành ra rửa sơ và pha nước muối mới loãng hơn đổ vào lọ. Cách làm cầu kỳ này giúp hành trắng, giòn và ít bị nẫu.
Dưa kiệu sử dụng củ kiệu muối chua cũng có thể coi là một dạng biến thể của dưa hành. Trong khi tại miền Trung và Nam Việt Nam dưa kiệu thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán để ăn kèm bánh tét, tại miền Bắc Việt Nam dưa kiệu thường được bán kèm với thịt lợn quay. Dưa kiệu cũng thường được sử dụng để làm một trong những loại rau cho món nộm bao tử, nộm sứa v.v.
Dưa hành sẽ chín (chua dịu nhẹ, hết hăng) trong một khoảng thời gian tương đối dài tính từ khi bắt đầu muối. Tùy thuộc thời tiết, loại hành và phương thức muối dưa, dưa cần được làm trước tết cả tháng (với hành để nguyên không bóc bỏ bẹ già, chỉ dùng muối như gia vị chính) hoặc nửa tháng (với hành bóc vỏ), hay một tuần (với chút dấm, rượu trắng và đường gia thêm vào vại dưa để sản phẩm nhanh chua) để kịp bày lên mâm cỗ tết. Dưa ngon nhất khi củ hành có màu trắng nuột, độ chua vừa phải không bị hăng cay, ăn giòn và không bị ủng nẫu.
Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) để chống ngấy trong những ngày tết. Những chất đạm, chất béo của mâm cao cỗ đầy ngày Tết được vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành chế hóa, vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể tiêu hóa đồ ăn.
Với việc muối dưa bài bản và giữ gìn vệ sinh cẩn thận, vại dưa hành cũng có thể để rất lâu không hỏng dành ăn hàng tháng sau tết.
Câu đối ngày Tết, dưa hành được đặt trong đối trọng với tràng pháo:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanhCủ dưa hành cũng trở thành khái niệm để chỉ bản tính của một số người đàn ông (thường là chồng và gia đình nhà chồng) lọ mọ, chi li, tiểu tiết, thể hiện qua câu thành ngữ: Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. |
Salad trộn Afghanistan là một món salad trong ẩm thực Afghanistan được chế biến với các thành phần chính là cà chua thái hạt lựu, dưa chuột, hành tây, cà rốt, ngò, bạc hà và chanh hoặc đôi khi là nước cốt chanh. Người ta còn dùng muối và hạt tiêu làm gia vị nêm nếm vào trong món ăn nữa. Các thành phần bổ sung có thể dùng kèm theo, chẳng hạn như ớt chuông, mùi tây, củ cải và các loại thảo mộc, trong số những loại khác.
== Tham khảo == |
Đậu phụ ma bà (tiếng Trung: 麻婆豆腐; bính âm: mápó dòufu) còn có tên gọi khác là Đậu phụ Tứ Xuyên, là một trong những món ăn nổi tiếng của tỉnh Tứ Xuyên. Đậu phụ ma bà do một người phụ nữ tên Trần Ma Bà đã sáng tạo nên món ăn ngon miệng, từ đấy dân gian đã lấy tên người phụ nữ đó đặt cho món ăn này.
Theo sách "Phù dung thoại cựu lục" mô tả thì món ăn này xuất hiện vào thời Đồng Trị thời nhà Thanh (1874) do Trần Lưu Thị, còn được gọi là Trần Ma Bà (Ma chỉ mụn rỗ, Trần Ma Bà tức là người đàn bà mặt rỗ họ Trần), chủ quán cơm "Trần Hưng Thịnh phạn phô" tại Thành Đô sáng chế. Món ăn nổi tiếng đến mức nhiều người không nhớ tên gốc của quán mà quen gọi là "Trần Ma Bà đậu hủ điếm", ngang hàng với "Chính Hưng Viên" và "Chung Thang Viên" thành ba quán ăn nổi tiếng nhất Thành Đô. Danh tiếng của đậu hủ ma bà còn được nhắc đến trong tập thơ "Cẩm Thành Trúc Chi Từ Bách Vịnh " như sau:
Ma bà đậu phụ thượng truyện danh,
Đậu hủ hồng lai vị tối tinh.
Vạn phúc kiều biên liêm ảnh động,
Hợp cô xuân tửu túy tiên sinh.
Tứ Xuyên là nơi trứ danh với ẩm thực cay và nóng, vì vậy đậu phụ ma bà cũng không ngoại lệ. Thành phần chính của món này là đậu phụ non, mềm, thịt bằm và nhiều thứ gia vị cay nồng. Đậu hủ ma bà có thể dùng chung với cơm hoặc cũng có thể ăn không.
Nguyên liệu chính là đậu phụ non và thịt bằm. Ướp thịt với một chút dầu ăn và xì dầu trong vòng 20 phút để thịt ngấm đều. Đậu phụ cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
Xào tỏi, ớt lên cho thêm tương đậu cay vào. Xào đến khi sốt có màu đỏ bắt mắt. Cho tiếp thịt băm vào xào đến khi chín. Đổ thêm nước dùng và nêm thêm gia vị. Rồi đổ đậu phụ vào, thêm ít bột bắp pha sẵn để sốt sánh lại. Để ra dĩa và dùng nóng. |
Tôm mũ ni hay tôm vỗ (danh pháp hai phần: Ibacus ciliatus) là loài động vật giáp xác thuộc bộ Giáp xác mười chân. Loài này được Philipp Franz von Siebold mô tả khoa học đầu tiên năm 1824.
Tôm mũ ni phân bố ở Tây Thái Bình Dương từ Philippines đến bán đảo Triều Tiên và miền Nam Nhật Bản. |
Borio là một loại bánh quy có nguồn gốc xuất xứ từ Ai Cập tương tự với Oreo. Nó bao gồm hai chiếc bánh quy socola kẹp với nhân kem ở giữa.
Trong khi Oreo được phát minh tại Hoa Kỳ vào năm 1912 bởi Nabisco, Borio được sản xuất và phân phối tại Ai Cập bởi Family Nutrition.Kraft Foods Inc. mua lại Nabisco năm 2000 và Family Nutrition năm 2003 để cả hai sản phẩm đều thuộc sở hữu của cùng một công ty. Năm 2012, Kraft Foods trở thành Mondelez International.
== Tham khảo == |
Gà sa lửa, hay còn được gọi là Gà nướng Buôn Đôn, là một món gà nướng có nguồn gốc từ các tỉnh ở Tây Nguyên, Việt Nam. Đây là món ăn dân dã của người Êđê ở Buôn Đôn, xuất phát từ cuộc sống gần gũi, dựa vào thiên nhiên. Món ăn có cách chế biến nhanh gọn và có thể tự chế biến khi ở trong rừng. Đây được xem là một đặc sản và là loại đồ ăn đặc trưng của vùng Tây Nguyên.
Tiền thân của gà sa lửa là gà rừng, nhưng khi số lượng gà rừng không còn nhiều, người dân nơi này đã thay thế bằng những con gà thả vườn, nhưng vẫn giữ được hương vị ban đầu. Những con gà được đem đi nướng thường là gà tơ, nặng trên dưới 1 kg (khoảng 1,5 kg), thịt mềm nhưng không bở. Gà được làm sạch, để nguyên con, bỏ dọc phần ức và lấy tất cả nội tạng ra bên ngoài, rồi bẻ dẹt ra để ướp gia vị. Gia vị của món ăn gồm muối ớt giã, nước sả (để tăng hương thơm), một ít mật ong nếu có, hay lá é. Dùng loại muối hạt to, rang lên giã nhuyễn cùng với ớt xanh rừng, lá é, rồi cho thêm ít sả. Sau đó, ướp đều hai mặt của món ăn, chờ khoảng 30 phút đến khi thấm gia vị và đem đi nướng.Những thanh tre được gập đôi lại, kẹp gà vào giữa cùng một ít lá chanh rồi nướng chín trên bếp than hồng. Trong quá trình nướng, gà được trở đều tay, cứ mười phút lật một lần để lớp thịt bên trong chín đều, lớp da bên ngoài có màu vàng ươm hoặc vàng sậm. Khác với cách nướng cho gà trực tiếp lên than ở nhiều nơi, gà sa lửa Tây Nguyên thì chín dần bằng hơi lửa nên vàng đều, không bị cháy khét. Ngoài ra, cơm lam cũng có thể nướng trên cùng đống lửa. Khi nấu xong, gà sa lửa thường được chấm với muối lá é, muối hột giã nhuyễn, ớt xanh, chanh và ăn kèm với cơm lam.
Đây là một trong những biến tấu của món gà nướng Bản Đôn. Hầu như khu vực nào cũng có món ăn này, nhưng người ta cho rằng gà sa lửa ở Bản Đôn là có hương vị thơm ngon nhất. Mỗi vùng có cách chế biến khác nhau mà vẫn giữ được mùi vị đặc trưng. Khi du khách đến Tây Nguyên, họ sẽ được thưởng thức món ăn này, và có thể tự tay nướng chúng. Ngoài ra, loại đồ ăn này thường xuất hiện trong các bữa ăn của người dân ở đây. |
Thịt gà tây là loại thịt từ những con gà tây, thông thường là gà tây nhà. Đây là một loại thực phẩm truyền thống tại các nước phương Tây. Thịt của chúng thường được người Mỹ và người các nước phương Tây dùng cho các món nướng và ngày nay, chúng được dùng nhiều cho Lễ Tạ ơn hay những buổi tiệc gia đình và đây là món ăn không thể thiếu dịp Lễ Tạ ơn. Người ta tin rằng gà tây có một hàm lượng cao tryptophan, lượng tryptophan trong thịt gà tây điển hình cho hầu hết các gia cầm.
Gà tây được bán thái lát và xay, hoặc là chế biến "nguyên con" theo cách tương tự như gà (bỏ đầu, chân và lông). Gà tây nguyên con đông lạnh vẫn được nhiều người ưa chuộng. Gà tây thái lát thường được dùng làm thịt của sandwich hoặc dùng làm thịt cold cuts; trong một số trường hợp khi công thức nấu ăn yêu cầu thịt gà, thì gà tây cũng có thể được sử dụng để thay thế. Gà tây xay thường được bán trên thị trường như một sự thay thế cho thịt bò xay. Nếu không được sơ chế cẩn thận, gà tây nấu chín thường được coi là ít ẩm hơn các loại thịt gia cầm khác như gà hoặc vịt.
Gà tây hoang, mặc dù về cơ bản là cùng một loài với gà tây thuần hóa, nhưng có hương vị rất khác với gà tây nuôi trong trang trại. Hầu như tất cả các loại thịt đều "sẫm màu" (bao gồm cả phần ức) với hương vị đậm đà hơn. Hương vị cũng có thể thay đổi theo mùa theo những thay đổi trong thức ăn thô xanh sẵn có, thường khiến thịt gà tây hoang dã có hương vị đậm đà hơn vào cuối mùa hè, do số lượng côn trùng nhiều hơn trong chế độ ăn của chúng trong những tháng trước đó. Gà tây hoang chủ yếu ăn cỏ và ngũ cốc có hương vị nhẹ hơn. Các giống gà di sản hiếm cũng khác nhau về hương vị.Một lượng lớn thịt gà tây đã được chế biến. Chúng có thể được hun khói, và do đó, đôi khi được bán dưới dạng giăm bông gà tây hoặc thịt gà tây xông khói, được coi là lành mạnh hơn nhiều so với thịt lợn muối xông khói. Thịt gà tây chiên giòn dạng xoắn, được bán với tên gọi "turkey twizzlers", trở nên nổi tiếng ở Anh vào năm 2004, khi đầu bếp Jamie Oliver vận động để loại bỏ chúng cùng các loại thực phẩm tương tự khỏi bữa tối ở trường.
Không giống như trứng gà, trứng gà tây không thường được bán làm thực phẩm do nhu cầu về gà tây nguyên con cao và sản lượng trứng của chúng thấp hơn so với các loại gà khác (không chỉ gà mà ngay cả vịt hoặc cút). Nói chung, người ra sử dụng trứng gà tây để nhân giống thay vì ăn, mặc dù trứng gà tây có mùi vị gần giống với trứng gà. Giá trị của một quả trứng gà tây ước tính khoảng 3,50 đô la trên thị trường mở, nhiều hơn đáng kể so với toàn bộ một hộp chứa cả tá quả trứng gà.
Gà tây theo truyền thống được ăn như món chính trong bữa tối Lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ và Canada, cũng như trong các bữa tiệc Giáng sinh ở nhiều nước khác (thường là gà tây nhồi nhân). Hàng năm, người Mỹ tiêu thụ khoảng 45 tới 46 triệu con gà tây vào dịp Lễ Tạ ơn, trong khi người Anh thì tiêu thụ khoảng 10 triệu con vào dịp Giáng sinh.Thịt gà tây đã được người dân bản địa từ Mexico, Trung Mỹ cùng các tầng lớp phía nam của Hoa Kỳ ăn từ thời cổ đại. Vào thế kỷ 15, những kẻ chinh phục người Tây Ban Nha đã đưa gà tây Aztec trở lại châu Âu.Gà tây đã được tiêu thụ vào đầu thế kỷ 16 ở Anh. Trước thế kỷ 20, sườn lợn là thực phẩm phổ biến nhất trong các ngày lễ ở Bắc Mỹ, vì chúng thường bị giết thịt vào tháng 11. Gà tây từng có rất nhiều trong tự nhiên đến nỗi chúng được ăn quanh năm và được coi là món ăn phổ biến, trong khi sườn lợn hiếm khi có sẵn ngoài mùa Lễ Tạ ơn – Năm mới. Trong khi truyền thống ăn gà tây vào lễ Giáng sinh lan rộng khắp nước Anh vào thế kỷ 17, thì trong các tầng lớp lao động, việc phục vụ ngỗng phổ biến hơn, vốn vẫn là món quay chủ yếu cho đến thời đại Victoria.Gà tây với sốt mole được coi là "món ăn quốc gia" của Mexico.
Cả gà tây tươi và đông lạnh đều được sử dụng để nấu ăn; giống như hầu hết các loại thực phẩm khác, gà tây tươi thường được ưa thích hơn, mặc dù chúng có giát thàng đắt đỏ hơn. Vào các mùa lễ, nhu cầu về gà tây tươi tăng cao thường khiến chúng khó mua nếu không đặt hàng trước. Đối với loại đông lạnh, kích thước lớn của gà tây thường được sử dụng để tiêu thụ khiến việc rã đông chúng trở thành một việc khó khăn: một con gà tây có kích thước thông thường sẽ mất vài ngày để rã đông đúng cách.
Gà tây thường được nướng hoặc quay trong lò trong vài giờ, thường là vào lúc người nấu chuẩn bị phần còn lại của bữa ăn. Đôi khi, gà tây được ngâm nước muối trước khi nướng để tăng hương vị và độ ẩm. Điều này được thực hiện bởi vì thịt sẫm màu cần nhiệt độ cao hơn để biến tính tất cả sắc tố myoglobin so với thịt trắng (chứa rất ít myoglobin), do đó, khi nấu chín hoàn toàn, thịt sẫm màu có xu hướng làm khô ức. Quá trình nướng có thể làm chín hoàn toàn thịt sẫm màu mà không làm khô thịt ức. Gà tây đôi khi được trang trí với diềm gà tây, diềm giấy hoặc "booties" được đặt trên phần cuối của cẳng gà hoặc xương của những phần cốt lết khác.
Ở một số khu vực, đặc biệt là miền Nam Hoa Kỳ, chúng cũng có thể được chiên ngập trong dầu nóng (thường là dầu đậu phộng) từ 30 đến 45 phút bằng cách sử dụng nồi chiên gà tây. Gà tây chiên ngập dầu đã trở nên thịnh hành nhất thời, nhưn lại gây ra những hậu quả nguy hiểm đối với những người không chuẩn bị trước để xử lý lượng lớn dầu nóng cần thiết một cách an toàn.
Đối với Lễ Tạ ơn ở Hoa Kỳ, gà tây được phục vụ theo truyền thống theo kiểu nhồi hoặc với nước xốt (để riêng), với nước sốt nam việt quất và nước thịt. Các món ăn bổ sung thông thường bao gồm khoai tây nghiền, ngô nguyên lõi, đậu xanh, bí và khoai lang. Bánh Pie là món tráng miệng thông tục, đặc biệt là những món được làm từ bí ngô, táo hoặc hồ đào.
Khi được ăn vào Giáng sinh ở Vương quốc Anh, gà tây theo truyền thống được phục vụ chung với các loại rau mùa đông, bao gồm khoai tây quay, cải Brussels hoặc củ cải vàng. Sốt nam việt quất là một loại gia vị truyền thống ở các vùng nông thôn phía bắc của Vương quốc Anh, nơi quả nam việt quất mọc hoang dại. Ở miền Nam và các khu vực thành thị, nơi mà nước sốt nam việt quất (cho đến thời gian gần đây) rất khó kiếm, thì nước sốt bánh mì được mọi người sử dụng để thay thế, nhưng sự sẵn có của nước sốt nam việt quất thương mại đã làm nó nổi lên những khu vực này. Đôi khi, thịt xúc xích, xúc xích cocktail, hoặc gan bọc trong thịt muối cũng có thể ăn kèm (được gọi là cuộn thịt muối hoặc "lợn trùm chăn").
Đặc biệt, trong các kỳ nghỉ lễ, món gà tây nhồi hoặc ăn kèm nước sốt được phục vụ theo truyền thống. Nhiều loại bao gồm bột yến mạch, hạt dẻ, xô thơm và hành tây, bánh mì ngô và xúc xích là những món truyền thống nhất. Nhân được sử dụng để nhồi gà tây (như tên của nó) hoặc có thể được nấu riêng và phục vụ như một món ăn phụ.
Gà tây nướng rau củ là một trong những món ăn truyền thống của các nước phương Tây. Thịt gà được làm sạch, cắt bỏ cổ, đầu và chân rồi để thật khô. Ướp gà cùng với gia vị, gừng, hành tây thái lát và một chút rượu vang đỏ. Dùng giấy nilon bọc thức ăn để bọc con gà cùng với gia vị lại để bỏ vào tủ lạnh ướp qua đêm cho gà ngấm gia vị.
Sau khi ướp xong, người ta nhồi vào bụng gà khoai tây, cà rốt đã cắt miếng vừa phải. Số khoai tây và cà rốt còn lại được trải đều trên khay cùng với chanh vàng cắt khoanh. Lò nướng được bật trước ở 200 °C, đợi khoảng 10 phút rồi mới đặt khay gà và rau củ vào nướng trong vòng 1 tiếng. Trong khoảng thời gian đó cứ 20 phút mở lò ra, phết nhanh lên trên da gà một lớp mật ong để có màu vàng đẹp mắt.
Ngoài món gà tây nướng rau củ ra thì gà tây có thể chế biến rất nhiều món ăn khác từ gà tây như: gà tây xốt xì dầu, đùi gà tây nấu giả cầy, gà tây xốt chanh leo, gà tây hầm khoai lang, chả gà tây chiên, gà tây nhồi thịt đút lò, gà tây xào… ngoài ra còn có món gà tây nướng mật ong, súp xương gà tây, cà ri gà tây.
Ở Mỹ, thịt gà tây đã trở thành món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của mỗi gia đình Mỹ dịp lễ Tạ ơn hay Giáng sinh. Riêng lễ Tạ ơn có hơn 46 triệu con gà phải nằm trên bàn ăn của các gia đình Mỹ, có đến 88% người Mỹ ăn gà tây vào dịp lễ Tạ ơn, chỉ 5% cho mình là người ăn chay.
Ở Việt Nam ngày trước, người Việt không thích ăn gà tây, cho rằng loài gà này nhạt nhẽo và không thơm ngon. Người ta nuôi gà tây chủ yếu là để cho người tây ăn. Gà tây chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng gần đây, một mặt do người phương Tây vào Việt Nam ngày càng đông nên yêu cầu về gà tây cũng tăng lên. Mặt khác, người dân Việt Nam cũng bắt đầu thích ăn gà tây. Nhiều đám cưới, đám lễ đã sử dụng gà tây làm món chính trên bữa tiệc. Giá thịt gà tây cũng khá cao, từ 90.000-120.000 đồng/kg. |
Bánh tro, bánh gio, bánh ú tro hay bánh nẳng là một loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro (từ tro than lá cây, nhất là lá tre) và gói lá đem luộc chín trong nồi. Phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam tới mức có bài báo cho rằng bánh độc đáo và "thuần Việt", nhưng cũng thường thấy nó tương đồng với bánh gio Nhật Bản với tên gọi akumaki và bánh kiềm tống xuất xứ Trung Quốc. Loại bánh này trước kia thường xuất hiện trong lễ cúng gia tiên của người Việt vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch bên cạnh các loại trái cây khác và thịt, xôi, chè. Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước.
Tên gọi bánh tro (hay gio), bánh nẳng xuất phát từ phụ liệu cốt yếu nhất làm nên đặc trưng của bánh là nước tro (còn gọi là nước nẳng) pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu. Bánh ú tro là tên gọi còn gợi tả cả hình dạng của bánh, do bánh thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại.
Bánh ú tro có xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc (tiếng Trung: 碱水粽; Việt bính: gaan2 seoi2 zung3-2; Hán Việt: kiềm thủy tống) và có từ thời nhà Minh (cần phân biệt với bánh ú nhân mặn gồm thịt lợn, hạt hồ đào, hồ đào, thịt tôm, trứng muối,... vì đây là bánh ú ngọt). Danh y nhà Minh là Lý Thời Trân, trong Bản thảo cương mục từng khẳng định sự tồn tại của bánh ú, với những miêu tả như sau: "Người xưa dùng 1 cọng cỏ lá tre (loại giống lau sậy) bao bọc gạo nấu thành bánh có góc nhọn, do bánh dùng lá tre gói thành hình có góc nhọn, dân gian gọi là thành tống. Người cận đại yêu chuộng dùng nếp hơn. Thời nay có tục vào mùng Năm tháng Năm, dùng bánh này làm lễ vật ngày Tết, hoặc dùng làm món tế Khuất Nguyên, bánh được làm xong thì đem thả xuống sông, nhân đó làm thành món ăn cho giao long".
Cũng từ loại bánh này mà người Hoa ở Yokohama, Nhật Bản có món bánh gio gọi là akumaki. Bánh này được sản xuất tại tỉnh Kagoshima, tỉnh Miyazaki và tỉnh Kumamoto trong Lễ hội bé trai vào ngày 5 tháng 5.
Người ta nói rằng akumaki bắt đầu như một điều khoản dài hạn cho các samurai trong Trận Sekigahara (1600) hoặc các cuộc xâm lược của Nhật Bản tại Triều Tiên (1592-1598). Ngoài ra, Saigō Takamori (1821-1877) đã đưa akumaki trở thành một món hàng không thể phục hồi trên chiến trường trong cuộc nổi loạn Satsuma (1877). Akumaki trở nên phổ biến ở phía bắc của tỉnh Miyazaki và tỉnh Kumamoto do cuộc nổi loạn đó.
Mặc dù có mặt ở nhiều nước, nhưng nó vẫn giữ được chất lượng. Nó có thể được giữ trong khoảng một tuần ở nhiệt độ bình thường, trong khoảng hai tuần trong tủ lạnh và nó cũng có thể được đông lạnh. Từ quan điểm chuyển giao và vệ sinh, akumaki đóng gói chân không có thể được tìm thấy ở nhiều nơi như một món quà lưu niệm. Nó không được bán thương mại nói chung vì nó thường là một loại bánh kẹo tự làm. Do đó, rất khó để có được trừ khi có cơ hội đặc biệt. Gần đây, kể từ khi khai trương tuyến tàu Kyushu Shinkansen, akumaki đã thu hút sự chú ý đáng kể vì là một món ăn chậm. Akumaki được bán trong các khách sạn của Kagoshima, các trạm bên đường (michi no eki), qua internet và trong các siêu thị trên khắp quận Kagoshima.
Bánh tro làm từ hai nguyên liệu chính gạo nếp và nước tro (hoặc nước tro Tàu). Bánh tro được biết theo cổ truyền thường là không có nhân. Thành phẩm chỉ là một khối bột trong, rất lạt, tùy thích dùng chấm với mật ong, mật đường hay đường cát. Phần nhân sau này là do tùy vùng miền và tùy người làm bánh, nhưng thường được làm với hai loại: hoặc đậu xanh đãi vỏ nấu chín tán mịn với đường, hoặc dừa già nạo nhuyễn thành cơm dừa nhồi với nước đường. Bánh thường được gói với lá tre bương hay còn gọi là tre lồ ô, loại tre có lóng dài, ống lớn và lá to bản chừng 5–6 cm và dài chừng 30 cm. Ngoài ra tùy địa phương, các loại lá như lá đót hoặc lá dong, lá chuối cũng được sử dụng. Lạt buộc bánh được làm từ bẹ thân cây chuối phơi khô tước sợi hoặc ống giang chẻ sợi.
Gạo nếp được chọn làm bánh tro thường là gạo nếp ngon để thành phẩm được mềm mượt mịn màng, không sượng cứng, trong đó nếp nhung hay nếp cái hoa vàng đều hạt là những lựa chọn tốt nhất.
Nước tro, nước nẳng là thành phần cốt yếu tạo nên hương vị và màu sắc của bánh tro khác biệt với những loại bánh khác. Nước tro thường được làm bằng cách đánh nước vôi với tro, một sản phẩm thu được sau khi đốt cháy hoàn toàn một số loại thảo dược, dược liệu. Tùy vùng miền và thậm chí tùy gia truyền của người làm bánh mà các loại cây, quả được đốt cháy làm thành tro sẽ có những dị biệt. Người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ thường làm nước nẳng bằng cây mận, cây đu đủ rừng, lá trầu không, vỏ chuối tiêu hoặc lá mua, lá vội. Người Kinh thường chưng nấu nước nẳng bằng vỏ quả sở, cây rừng, măng khô và vôị. Bánh nẳng nổi tiếng đã đi vào ngạn ngữ "bánh nẳng chợ Tràng, gạo rang Tiên Lữ" ở Lập Thạch Vĩnh Phúc lại được làm với nước nẳng vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc. Ở Đắc Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội người dân thường dùng cây dền gai, rơm nếp, vỏ bưởi; ở Phú Yên là cây tầm gửi (trên loại cây lành như dâu, bưởi), cây mè (vừng) còn ở Yên Lãng là rơm nếp, bẹ cau nếp, quả vừng và măng tre. Các nguyên liệu phơi khô rồi đốt thành tro, rây cho mịn đem hòa với nước vôi theo một tỷ lệ nhất định, gạn lấy nước thật trong. Để xem nước có đạt yêu cầu hay không các nhà làm bánh thường dùng lá trầu không nhúng vào khoảng 15-20 giây, vớt ra và bỏ vào miệng nhai mà thấy nước bọt đỏ như nước quết trầu là được.
Ngoài một số loại cây cỏ được dùng đốt thành tro nói trên, cũng có những phụ phẩm khác được bổ sung vào nồi luộc bánh nhằm làm thay đổi màu sắc của bánh như măng tre cho màu đỏ, măng vòi cho màu hổ phách (vàng nâu), lá sậy cho màu vàng nhạt.
Trong cuốn Nữ công thắng lãm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có nêu công thức làm nước tro với cành lá cây rạ khoảng 5 phần, cây vừng khô 4 phần, lá tầm gửi 2 phần, vỏ quả xoan đâu (cây xoan trắng) 2 phần, vỏ quả bưởi một phần, lá thơm 2 phần. Các thứ ấy đốt ra lấy tro đem rây mịn. Đong một bát cho vào một bát nước ngâm. Cứ một cóng nước lại cho một bát vôi ngâm khoảng 15 ngày.Hiện nay một số nơi do không có điều kiện đốt tro đã sử dụng nước tro Tàu (lye water), một loại hóa chất với tên gọi hóa học là natri hydroxide (NaOH) hay hydroxide kali (KOH), nhằm thay thế nước tro truyền thống. Tuy nhiên lạm dụng hóa chất này có thể gây ngộ độc.
Bánh tro nấu đạt yêu cầu thì khi mở ra, nếp không còn ở dạng hột mà cả cái bánh trở thành một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Bánh mềm mại vị nhạt tính mát, thiên về âm, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng. Bánh là món ăn mát lành, chống ngấy rất tốt. Khi thưởng thức bánh thường được chấm với đường cát trắng, đường thẻ, mật ong nhưng phổ biến nhất và ngon nhất là chấm với mật mía cô đặc thoảng hương vị của gừng băm vụn.
Ở Nhật, akumaki không có mùi vị. Bánh thường được ăn với siro đường nâu và bột đậu nành rang (kinako), với một chút muối hoặc chấm mật ong. Nếu nó được ăn mà không có gì, nó có vị đắng ở cuống họng (bánh gio Bắc Kạn cũng tương tự). Tuy nhiên, nếu được ăn với siro mật đường và kinako, nó sẽ mang một hương vị hơi khác thường ngọt sắc.
Riêng với bánh ú ngọt Quảng Đông, nó sẽ ăn giống kiểu Việt hoặc sẽ có nhân đậu đỏ nhuyễn ngào đường bên trong.
Tại Việt Nam, miền Bắc nổi tiếng có bánh tro làng Đắc Sở huyện Hoài Đức, Hà Nội; bánh gio Tây Đình, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; bánh nẳng Chợ Tràng, Lập Thạch, Vĩnh Phúc; bánh tro Quảng Yên, Quảng Ninh; bánh nẳng Làng Dòng, Xuân Lũng, Phú Thọ, bánh nẳng của cộng đồng người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Miền Trung có bánh tro Yên Lãng, Thọ Xuân, Thanh Hóa, bánh tro Quảng Nam, bánh tro Phú Yên, Bình Định. Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm và là một món ăn, một đặc sản không thể thiếu của người dân Bắc Kạn. Làm bánh gio cầu kỳ đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt. Bánh gio được gói bằng gạo nếp rẫy vừa dẻo vừa thơm. Lá để gói bánh phải là lá chít bánh tẻ, chỉ có lá chít mới làm cho bánh có màu vàng sáng và dễ bóc, khi ăn có mùi thơm rất đặc trưng. Thứ nước mật để chấm bánh được làm bằng đường mía được trồng trên đất cát, mật sánh, thơm và có màu vàng sậm. Bánh gio ngon là phải mịn, dẻo, dai và có vị đậm đặc trưng, mát, lành và để được rất lâu.
Theo Đông y, bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan ngọ (đoan dương - chính dương) thường gây ôn dịch thương âm. Vào dịp Tết Đoan Ngọ nó sẽ phát huy cao độ những tính năng trên do mấy ngày này người ta còn gặp nguy hại do ăn uống no say nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít...). Bánh tro hợp với Tết Đoan Ngọ là vậy. Bánh không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan Ngọ mà còn cả thời gian sau đó, giúp thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể, để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gút), sỏi thận v.v. |
Bánh là loại món ăn làm bằng bột mì hay bột gạo có hương vị ngọt, mặn, béo...có thể hấp, nướng, chiên,... Bánh có nhiều cách chế biến khác nhau như: rán, chiên, nướng, hấp hoặc đôi khi là ăn sống. Thành phần và nguyên liệu của bánh rất đa dạng. Ngoài thành phần chính, bánh còn một số thành phần phụ như nước dùng, rau, đồ khô, kẹo, hoặc trái cây tươi, các loại hạt, kem. Một số loại bánh còn được trang trí rất công phu, tỉ mỉ. |
Irish Stew là một món hầm truyền thống của ẩm thực Ireland. Nó bao gồm chủ yếu là Thịt cừu, khoai tây, hành, mùi tây. Thường thì cà rốt, củ cải vàng và nhiều loại gia vị như cỏ xạ hương và húng quế được thêm vào.Irish Stew ngày nay ít được ăn tại Ireland, vì nó theo lịch sử là món ăn của dân nhà nghèo. Thường thì các biến thể khác như với thịt bò hoặc thịt gia cầm được ưa chuộng hơn.
Một biến thể của Irish Stew là Dublin Stew, được nấu cũng như vậy, tuy nhiên gia vị thì đậm đà hơn.
Trong một biến thể chưa phổ biến lắm, gọi là Fulde Stew, bắp cải được cho thêm vào.
Davidson, Alan & Jaine, Tom (2006) Oxford Companion to Food. Oxford: Oxford University Press. ISBN 9780192806819 |
Cá viên là một món ăn thông dụng ở miền nam Trung Quốc và trong cộng đồng người Hoa hải ngoại, được làm từ nguyên liệu là cá tách xương, xay nhuyễn (còn gọi là 魚漿, yújiāng, ngư tương). Nó cũng thông dụng ở Scandinavia, nơi mà nó được làm từ cá tuyết hoặc cá êfin.
Những người bán hàng rong ở Hồng Kông gọi món ăn này là 鱼蛋 (ngư đản, nghĩa đen là trứng cá). Ở Malaysia và Singapore người ta quen gọi là 魚丸 (yú wán - ngư hoàn) và 鱼圆 (yú yuán - ngư viên). Ở Việt Nam, nó được gọi đơn giản là cá viên.
Ở Scandinavia, cá viên được làm hệt như thịt viên, chỉ cần thay thịt bò hoặc thịt lợn bằng thịt cá. Thịt viên ở châu Á có sự khác biệt đáng kể về độ kết dính so với ở châu Âu. Thay vì xay và nặn thịt, người ta giã thịt làm cho thịt viên có độ mịn cao hơn. Vì không giống như xay, giã sẽ làm cho các sợi protein bị rối và những vết cắt trước đó duỗi ra. |
Nem bì hay còn gọi là tré là một món ăn dân dã có xuất xứ từ Huế.
Món nem bì có đặc điểm là rất dễ làm, không mất thời gian và có vị chua ngọt và không ngán như nem nướng và nem rán (chả giò).
Món này gần giống nem chạo và nem tai.
Nguyên liệu có thể thay đổi tùy vào bí quyết riêng của người nấu:
Tai heo: 1 kg
Thịt đầu heo, thịt đùi heo: 1 kg
100gr riềng
100gr tỏi
100gr thính (gạo rang xay mịn)
Lá ổi, lá chuối hoặc rơm
Mè: 100g
Gia vị: nước mắm, đường, bột nêm, tiêu
Bánh tráng (bánh đa)
Xà lách, dưa leo, rau thơm
Thịt đầu heo, thịt đùi heo luộc lên, xắt miếng vừa ăn
Tai heo,thịt đầu heo, thịt đùi heo, riềng, tỏi thái mỏng, trộn đều với nhau. Thêm gia vị vừa ăn.
Bỏ thính vào trộn đều với nhau.
Lau lá ổi sạch, lót lá ổi trong lá chuối hoặc rơm rồi cho thịt vào gói lại cho thật chặt. Phủ lá chuối hoặc rơm bên ngoài rồi cột lại thành bó.
(Mỗi bó 0,2 kg. Để nơi thoáng mát, trong 3 ngày, 2 đêm.
Khi ăn, lột tré ra, lấy đũa đánh tơi các miếng thịt.
Nem bì ăn kèm bánh tráng cuốn rau sống chấm nước mắm chua ngọt.
Khi ăn, Nem bì phải có vị chua chua, ngọt ngọt (giống như nem)
http://vnexpress.net/GL/Doi-song/Am-thuc/2006/09/3B9EEB53/ |
Couque de Dinant (tiếng Anh: Cake of Dinant) Là một bánh quy ngọt rất cứng có nguồn gốc từ miền nam Bỉ thành phố Dinant ở Wallonia.
Couques được thực hiện với chỉ có hai thành phần: lúa mì bột và mật ong, với số lượng tương đương tính theo trọng lượng, và không có gì khác cả: thậm chí không nước hay men. Bột được đặt trong một khuôn gỗ làm từ gỗ từ cây lê, cây óc chó hoặc cây sồi. Các khuôn có rất nhiều hình dạng, bao gồm động vật, họa tiết hoa, con người hoặc phong cảnh.
Bánh quy được nấu trong lò nướng nóng sẵn khoảng trong 15 phút, cho phép mật ong caramel hóa. Khi làm mát, bánh quy trở nên rất cứng và có thể được bảo quản vô thời hạn. Do tính chất này, couques có thể được hiển thị như trang trí, được sử dụng làm đồ trang trí cây Giáng sinh hoặc được sử dụng để kỷ niệm các dịp đặc biệt.Một biến thể, couque de Rins cũng thêm đường vào bột. Biến thể này ngọt ngào và mềm hơn bánh gốc.
Do độ cứng cực cao và kích thước khá lớn, couques de Dinant không nên cắn trực tiếp. Thay vào đó chúng sẽ bị đập vỡ thành nhiều mảnh và sau đó có thể bị cắn, mút, để lại tan chảy trong miệng hoặc được ngâm trong cà phê. Theo truyền thống bánh Couques de Dinant đã được cho trẻ sơ sinh gặm trong quá trình mọc răng.
== Tham khảo == |
Một người nghiện sô-cô-la là một người khao khát hoặc bắt buộc tiêu thụ sô cô la. Có một số bằng chứng y tế để hỗ trợ sự tồn tại của nghiện sô cô la thực sự. Tuy nhiên, thuật ngữ này chủ yếu được sử dụng một cách lỏng lẻo hoặc hài hước để mô tả một người cực kỳ thích sô cô la.
Hội chứng nghiện Sô-cô-la khá phổ biến. Trong các nghiên cứu về cảm giác thèm ăn, bánh kẹo sô cô la và sô cô la hầu như luôn đứng đầu danh sách thực phẩm mà mọi người nói rằng họ thèm.
Các triệu chứng thiết yếu của cơn nghiện là khao khát mãnh liệt một cái gì đó, mất kiểm soát việc sử dụng nó và tiếp tục sử dụng bất chấp hậu quả tiêu cực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người có thể thể hiện cả ba triệu chứng này liên quan đến thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có chứa đường hoặc chất béo. Vì sô cô la chứa cả hai, nó thường được sử dụng trong các nghiên cứu về nghiện thực phẩm.Ngoài đường và chất béo, sô cô la còn chứa một số chất có thể khiến nó cảm thấy "gây nghiện". Chúng bao gồm tryptophan, một amino acid thiết yếu là tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng; mức serotonin cao có thể tạo ra cảm giác phấn chấn. Một loại khác là phenylethylamine, một chất dẫn truyền thần kinh mà từ đó amphetamine có nguồn gốc; phenylethylamine có biệt danh là "sô cô la amphetamine" và có thể gây cảm giác phấn khích và thu hút. Sô cô la cũng bao gồm cả caffeine.
Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy loại nghiện này tồn tại, tuy nhiên lại không có chẩn đoán chính thức nào được đưa ra trong Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần, Phiên bản thứ năm (DSM-V).
Ngay cả các nhà khoa học nghi ngờ sự tồn tại của chứng nghiện thực sự đồng ý rằng thèm sô cô la là có thật. Phụ nữ đặc biệt có thể bị ảnh hưởng.Một nguyên nhân của sự thèm ăn sô cô la có thể là thiếu magiê.
Nhiều sách ăn kiêng, sách dạy nấu ăn, và thậm chí cả sách du lịch được cho là dành cho người nghiện sô-cô-la.
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được mô tả là "nổi tiếng nghiện sô-cô-la".
Các công ty như Nữ hoàng sữa đã phát hành các sản phẩm sử dụng "Nghiện sô-cô-la" trong tên của họ. |
Cà phê (bắt nguồn từ tiếng Pháp: café [/kafe/]) là một loại thức uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê. Các giống cây cà phê được bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và các vùng Madagascar, Comoros, Mauritius và Réunion trên các khu vực thuộc đường xích đạo. Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới các nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại tổng cộng hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Hai giống cà phê được trồng phổ biến nhất là cà phê chè, và cà phê vối. Sau khi chín, quả cà phê sẽ được hái, chế biến theo các cách thức khác nhau, rang, xay và pha với nước. Quy trình chế biến cũng có nhiều dạng như như chế biến khô, chế biến ướt, chế biến mật ong; hạt cà phê khô được rang trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau từ rang sáng tới rang tối màu; sau khi rang lại được đem đi xay theo các kích cỡ hạt mịn hay thô, và ủ với nước sôi hoặc nước lạnh, tùy thị hiếu, để tạo ra cà phê dưới dạng thức uống.
Cà phê có ít tính axit và có thể gây kích thích đối với người sử dụng do có chứa hàm lượng cafein. Cà phê ngày nay là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới. Thức uống này có thể được chuẩn bị và phục vụ theo nhiều dạng uống khác nhau (ví dụ như espresso, cà phê bình, latte,...). Cà phê thường được thưởng thức nóng, dù cà phê đá cũng được nhiều người ưa dùng. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy lượng cà phê tiêu thụ trung bình là vừa đủ hoặc có lợi đối với một người lớn khỏe mạnh. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi về việc sử dụng cà phê lâu dài có thể hạn chế chứng suy giảm trí nhớ về già hoặc giảm thiểu khả năng mắc các bệnh ung thư.Bằng chứng sớm và đáng tin cậy nhất về việc sử dụng cà phê được phát hiện vào thế kỷ 15 tại các lăng mộ Sufi giáo ở Yemen. Cũng tại bán đảo Ả Rập, các hạt cà phê đầu tiên được rang và ủ theo cách tương tự như phương pháp chúng ta vẫn làm ngày nay. Hạt cà phê ban đầu được xuất khẩu từ Đông Phi tới Yemen, do cây cà phê chè lúc đó được cho là có nguồn gốc từ người bản địa. Các thương nhân Yemen đã đem cà phê về quê nhà và bắt đầu trồng các hạt giống. Tới thế kỷ 16, cà phê đã được đem tới Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi. Từ đây, cà phê được lan rộng khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Cây cà phê được trồng ở hơn 70 quốc gia. Cà phê là một mặt hàng xuất khẩu lớn: đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp tại nhiều quốc gia và là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp hợp pháp lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là loại hàng hóa có giá trị xuất khẩu nhất của các quốc gia đang phát triển. Cà phê xanh (không rang) cũng là một trong những mặt hàng nông nghiệp được buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Nhiều tranh luận đã xảy ra xung quanh việc trồng cà phê, cách các quốc gia phát triển trao đổi cà phê với các nước đang phát triển và tác động của việc trồng cà phê đối với môi trường sống, đi kèm với vấn đề tạo đất trống để trồng và phê và sử dụng nước tưới. Cũng nhờ vậy, thị trường cà phê thương mại công bằng và cà phê hữu cơ ngày càng được mở rộng.
Loại cây này đầu tiên chỉ được trồng ở châu Phi và Ả Rập, nhưng sau được đem phân bố ở nhiều nơi khác trên thế giới với điều kiện hợp phong thổ.
Người Hà Lan đem phổ biến việc canh tác cà phê đến các xứ thuộc địa của họ. Thống đốc Van Hoorn cho trồng cà phê trên đảo Tích Lan (Sri Lanka ngày nay) vào năm 1690 (có tài liệu ghi là năm 1658), rồi sau du nhập sang đảo Java (Indonesia) năm 1696 (hoặc 1699). Năm 1710 thương gia Âu châu đem cây cà phê về và trồng thử trong các khu vườn sinh vật ở Âu châu. Amsterdam là nơi đầu tiên cây cà phê nảy mầm trên lục địa châu Âu.
Năm 1718 người Hà Lan mang cây cà phê tới Surinam, rồi năm 1725 thì người Pháp mang đem trồng ở Cayenne, 1720/1723 và Martinique v.v. Sang cuối thế kỷ 18 cây cà phê đã được trồng ở khắp các xứ sở nhiệt đới, chủ yếu do sự bành trướng thuộc địa của các đế quốc Âu châu.
Cây Coffea có nguồn gốc từ châu Phi cận nhiệt đới và phía Nam châu Á. Nó thuộc về giống 10 loại của những cây hoa của họ Rubiaceae. Nó là 1 cây bụi luôn xanh hoặc cây nhỏ có thể cao lên tới 5 m (16 ft) khi chưa được tỉa bớt. Lá của nó màu xanh đậm và bóng loáng, thường dài 10–15 cm (3.9-5.9 in) và rộng 6.0 cm (2.4 in). Nó phát ra những bó thơm ngát, trong khi những bông hoa trắng nở ra cùng một lúc.
Trái của cây hình oval, dài khoảng 1.5 cm (0.6 in), và có màu xanh lá khi chưa chín muồi, nhưng chín dần thành màu vàng, sau đó đỏ thắm và trở thành đen lại. Mỗi trái thường có 2 hạt nhưng đến 5-10% trái chỉ có 1; nó được gọi là peaberry. Trái nở từ 7-9 tháng
Có hai loại cà phê phổ biến hiện nay là Arabica và Robusta. Trong dòng Arabica có các loại phổ biến là Catimor, Moka, Typica, Bourbon.
Cà phê chia ra nhiều loại tùy theo cách sơ chế (chế biến) và cách rang và cách xay. Về chế biến, có thể kể đến cách phơi khô tự nhiên (dry) là phơi nguyên quả cà phê cả vỏ cho đến khi khô. Chế biến ướt (washed) quả cà phê tươi được tách bỏ lớp vỏ và lớp thịt cà phê sau đó hạt được mang đi ủ để loại bỏ chất nhầy bên ngoài lớp vỏ trấu, sau khi lên men thì được rửa sạch và sấy khô. Chế biến mật ong (honey) là cách chế biến trung gian giữa khô và ướt, chọn những trái cà phê đã chín, tách vỏ, và tùy độ lên men mong muốn mà giữ lại lớp thịt cà phê nhiều hay ít không bóc, sau đó đưa hạt cà phê đi phơi nắng tự nhiên.
Về rang cà phê. Rang cà phê là để cho bớt độ ẩm trong hạt, dầu thơm tỏa ra. Chừng một thế kỷ trước, cà phê phải rang tại nhà bằng lò than. Hiện nay người ta rang bằng gas hay bằng điện nhưng có nơi vẫn rang bằng than, cho rằng rang bằng than ngon hơn.
Trong kỹ nghệ, cà phê được rang với số lượng lớn dùng nhiệt độ cao trong một thời gian nhanh (khoảng 204 đến 260 °C trong vòng 5 phút) rồi làm nguội bằng quạt hơi hay rảy nước cho khỏi cháy khét. Gần đây nhất, cà phê được kiểm soát bằng máy tính qua mọi tiến trình. Cà phê nay được bán trong các tiệm bách hóa thường rang và xay ngay tại chỗ cho thêm phần quyến rũ và bảo đảm với khách hàng là sản phẩm còn tươi nguyên mới ra lò.
Người ta có thể rang sơ sài còn được gọi dưới cái tên Cinnamon roast (thời gian khoảng 7 phút), rang vừa (medium roast) còn gọi là full city hay brown (thời gian từ 9 đến 11 phút) hay rang kỹ (full roast) tức là rang kiểu Pháp thời gian từ 12 đến 13 phút. Những cách rang kỹ nhất đến cháy xém khiến cho hạt cà phê bóng nhẫy là kiểu rang của người Ý Đại Lợi (espresso) thì phải từ 14 phút trở lên cho đến khi bắt đầu cháy thành than.
Cà phê cũng phân biệt theo cách xay, xay mịn hay to hạt tùy theo cách pha.
Trong khoảng một trăm năm trở lại đây, người ta đã chế biến ra loại cà phê bột, chỉ cần bỏ vào nước sôi là uống được. Cà phê bột được điều chế theo hai cách: làm khô bằng cách đông lạnh (freeze drying) hay làm khô bằng cách phun (spray drying). Cả hai đều phải được lọc trước để rút hết tinh chất rồi phun ra thành những hạt li ti để làm khô. Nhiều kỹ thuật mới đã được thí nghiệm để cà phê bột không bị biến dạng và mất mùi. Tuy nhiên những người khó tính vẫn cho rằng cà phê bột không thể nào bằng cà phê pha được.
Ban đầu cà phê rất đắt, vì thế chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc những người giàu có mới được thưởng thức thứ đồ uống thơm ngon này.
Honoré de Balzac thường uống loại cà phê rất đặc để có thể thức làm việc. Ông thường làm việc tới 12 tiếng một ngày. Ludwig van Beethoven có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha một tách Mokka. Johann Wolfgang von Goethe thì có ý tưởng chưng cất cà phê. Về sau nhà hoá học Friedlieb Ferdinand Runge đã chuyển hoá ý tưởng này thành hiện thực, nhờ vậy mà ông tìm ra ca-phê-in.
Vào những thời kỳ khủng hoảng, người nghèo không có đủ tiền mua cà phê, họ phải uống các loại đồ uống giả cà phê để thay thế.
Ngày nay, ở một số nước người ta coi việc uống cà phê như một thức uống phổ thông (cà phê thường có hàm lượng Cafein thấp) và ăn kèm bánh trái hoặc hoa quả.
Ở Việt Nam cà phê là một thức uống được ưa chuộng, đặc biệt vào buổi sáng (nhưng hàm lượng cafein rất cao chỉ thích hợp với những người quen dùng hoặc nghiện cà phê). Các quán giải khát (trừ các "bar") thường gọi là "quán cà phê", mặc dù cũng phục vụ những thức uống khác.
Cách thưởng thức cà phê thay đổi tuỳ theo từng nền văn hoá, tập quán dân tộc hay khẩu vị từng cá nhân. Về cơ bản người ta phân biệt thành các nhóm khác nhau tùy thuộc cách thức nước được đưa vào cà phê: sắc (qua đun sôi); truyền (qua ngâm), trọng lực (như kiểu nhỏ giọt); áp suất (như pha máy hoặc các dụng cụ press).
Sắc hay nấu sôi: Nổi tiếng nhất với cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan. Theo cách này cà phê xay mịn cùng với đường và nước được cho vào một loại ấm mỏng hình chóp rồi đun sôi lên. (xem thêm Mokka). Cách pha cho ra thành phẩm cà phê nóng, đặc và vị mạnh.
Ngâm: cà phê được ngâm trong nước nóng hoặc nước lạnh và được chiết suất ra, có thể để lắng tự nhiên hoặc kết hợp giấy lọc, túi lọc, phin lọc. Có thể kể đến bình ngâm cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay thế giới đang dần thịnh hành phương pháp pha lạnh (cold brew) với cà phê ngâm trong nước lạnh thời gian dài để chiết suất cà phê, một phương thức pha cà phê xuất phát tại Nhật Bản từ những năm 1600.
Trọng lực: Ở các nước Đức, Thụy Sĩ và Mỹ người ta pha cà phê bằng cách cho nước sôi chảy qua một cái phễu lọc chứa bột cà phê. Cách thức này được Melitta Bentz phát minh ra vào năm 1908. Các dụng cụ pha cà phê nhỏ giọt (Drip Coffee hay còn gọi là Pour Over Coffee) thịnh hành hiện nay có thể kể đến phễu V60 kèm giấy lọc của Hario, phễu Kalita, bình Chemex... cho ra thành phẩm là cà phê rất trong, lớp dầu được lọc Pha cà phê phin kiểu Việt Nam cũng theo phương thức này.
Áp suất: Có thể nhờ áp suất từ hơi nước hoặc lực ép của tay người pha chế. Phổ biến nhất là cà phê kiểu Ý với cà phê được pha bằng dụng cụ thủ công như ấm moka pot của Bialetti, và đặc biệt là cà phê espresso pha bằng máy theo cách cho nước nóng ép dưới áp suất cao chảy qua cà phê xay cực mịn. Cách pha này sẽ tạo ra thành phẩm là cà phê rất đặc, có một lớp kem dầy từ dầu cà phê. Cũng thịnh hành không kém là pha cà phê kiểu Pháp, dùng một loại bình gọi là French press, theo đó bột cà phê được cho vào trong bình, đổ nước sôi, khuấy, rồi dùng một miếng lọc bằng kim loại ép lên trên (press) để chiết suất ra cà phê. Ngoài ra, có thể kể đến một dụng cụ ép cà phê của Mỹ rất đa năng hiện nay là AeroPress có kèm giấy lọc do Alan Adler phát minh.Cũng có thể kể đến loại cà phê hòa tan chỉ cần đổ nước nóng vào khuấy lên là có thể uống ngay.
Trên cơ sở những cách pha chế trên mà ngày nay người ta phát minh ra hàng trăm công thức pha cà phê cũng như hàng ngàn món đồ uống có chứa cà phê. Nhiều cách thức đòi hỏi phải có máy pha cà phê chuyên dụng.
Cà phê là loại hàng hóa giao dịch mạnh trên thị trường thế giới như ở Luân Đôn và New York cũng như đã và đang mang lại cho hàng triệu nông dân ở các nước xuất khẩu cà phê nguồn thu nhập chính.
Tuy nhiên cho đến nay chưa hề có một thống kê nào cho thấy nền kinh tế các nước sản xuất hay tiêu thụ cà phê được hưởng lợi như thế nào hay bị thiệt hại ra sao từ việc người dân tỉnh táo hơn và làm được nhiều việc có hiệu suất cao hơn trong công việc sản xuất hay kinh doanh nhờ uống cà phê. Cũng vậy chưa hề có nghiên cứu nào mang tính tổng hợp về sự thiệt hại của các nền kinh tế, nhất là ở Việt Nam, khi người dân dành nhiều thời gian hơn bình thường để uống cà phê.
Nguyên thủy, vườn cà phê được hoàn thành ở bóng râm của các cây, nơi cung cấp chỗ ở cho các loại thú vật và côn trùng. Phương pháp này được chỉ định là phương pháp bóng râm truyền thống. Đa số người làm vườn đã quyết định hiện đại hóa phương pháp sản xuất của họ và chuyển thành phương pháp trồng trọt dưới ánh mặt trời, cà phê được trồng thành hàng dưới ánh nắng mặt trời với ít hoặc không có mái che. Nó giúp cho cây mọc nhanh hơn và bụi cây ra sản lượng nhiều hơn. Nhưng phương pháp cũ có chất lượng cà phê cao cấp. Bên cạnh đó, phương pháp cũ thân thiện với môi trường và tạo ra chỗ ở cho nhiều loài.
Một trong những người ưa chuộng cà phê sớm nhất là các tín đồ theo đạo Hồi. Họ luôn phải thức đêm để cầu nguyện. Khi cà phê trở nên thông dụng thì cũng là lúc nhiều vấn đề gây tranh cãi nảy sinh. Lo sợ những quán cà phê mọc lên ở khắp nơi sẽ là địa điểm tập hợp các phần tử chống đối, chính quyền tại Mecca và Cairo đã cố gắng cấm loại đồ uống này. Việc cấm đoán này không mang lại hiệu quả gì.Có câu chuyện kể rằng, khi cà phê du nhập vào châu Âu năm 1500, các giáo sĩ tại Vatican chỉ trích rằng đó là loại thức uống đáng ghê tởm của quỷ Satan, của những kẻ theo Hồi giáo và chống lại Kitô giáo. Vì thế nó phải bị cấm. Khi Giáo hoàng Clement VIII đến, ông nếm thử hạt cà phê và rất thích. Ông đã ban phước cho loại hạt này. Ông nói: "Đồ uống của quỷ Satan thật ngon. Thật đáng tiếc nếu chỉ để những người không theo đạo dùng nó. Chúng ta sẽ chơi lại quỷ Satan bằng cách rửa tội cho loại đồ uống này và khiến nó trở thành một đồ uống Kitô giáo đích thực". Với lời ban phước của Giáo hoàng, cà phê nhanh chóng chinh phục châu Âu và trở thành thức uống buổi sáng được ưa chuộng cho đến ngày nay.Khi sự xuất hiện của các quán cà phê Starbucks tràn ngập trên đường phố, chúng ta có thể nghĩ đây mới là thời đại hoàng kim của cà phê nhưng không gì có thể sánh được với sự ưa chuộng nó ở Trung Đông vào những năm 1500. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một phụ nữ có thể li dị chồng nếu anh ta không cung cấp đủ cà phê cho cô ta.
Người Phần Lan uống nhiều cà phê nhất thế giới. Năm 1998 mỗi người Phần Lan tiêu thụ khoảng 11,3 kg cà phê, tương đương với 1737 tách mỗi năm hay 5 tách mỗi ngày. Nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Năm 1998 dân nước này sử dụng 1.148.000 tấn cà phê (so với 58.000 tấn của Phần Lan). Trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 4,8 kg hay 646 tách một năm (1,8 tách một ngày).
Mỗi người Đức uống trung bình 4 tách cà phê một ngày, tương đương với 160 lít hay 6,7 kg một năm. Vì vậy cà phê là thức uống được ưa thích nhất của người Đức đứng trước bia.
Ở Việt Nam lượng cà phê tiêu thụ nội địa còn rất khiêm tốn. Mỗi người Việt Nam một năm chỉ dùng hết khoảng nửa kg cà phê, bằng một phần mười các nước châu Âu.
Cà phê từ lâu đã được biết đến với công dụng kích thích sự hưng phấn của thần kinh dưới ảnh hưởng của ca-phê-in. Nhưng có những công hiệu của cà phê còn ít được biết đến. Chẳng hạn như cà phê có tác dụng an thần. Người ta đã chứng minh được rằng, nếu đi ngủ trong vòng 15 phút sau khi uống cà phê thì giấc ngủ sẽ sâu hơn, bởi máu trong não được lưu thông tốt hơn. Nhưng nếu tiếp tục chần chừ thì tác dụng này sẽ mất dần đi, và sau đó thì ca-phê-in bắt đầu phát huy hiệu quả, chúng ta sẽ không ngủ được nữa. Phương pháp an thần này đã được sử dụng ở nhiều bệnh viện, đặc biệt đối với các bệnh nhân cao tuổi. Ở những người này cà phê sẽ chống lại sự suy giảm nhịp thở trong lúc ngủ, khiến cho giấc ngủ của họ được tốt hơn.
Theo một bài báo trong tạp chí chuyên ngành Sleep (Vol.27, Nr.3), để tận dụng được công dụng của cà phê trong việc kích thích sự tập trung và hưng phấn thì nên uống cà phê nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ngụm nhỏ, thay vì uống một cốc thật to vào buổi sáng. Cách này đặc biệt thích hợp với những người phải làm việc vào ban đêm: họ sẽ cảm thấy dễ thức khuya hơn cũng như giữ được sự tập trung cao hơn.
Tuy vậy loại đồ uống thơm ngon này cũng có thể có một vài tác dụng xấu đối với sức khỏe. Nó làm tăng đột ngột lượng insulin trong máu, làm mất thăng bằng cơ thể cũng như ảnh hưởng không tốt tới tuyến tuỵ. Đặc biệt đối với những người bị viêm tuỵ thì việc sử dụng cà phê là điều cấm tuyệt đối. Những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng không nên dùng cà phê, hoặc nếu có thì chỉ được dùng rất ít. Cà phê nếu dùng quá nhiều cũng có thể làm sưng màng nhầy ở dạ dày. Quan niệm cho rằng uống cà phê với sữa sẽ làm giảm bớt nguy cơ này là hoàn toàn sai lầm. Ca-phê-in sẽ hoà quyện với chất béo trong sữa và nhờ đó bám được ở màng dạ dày trong thời gian lâu hơn.
Những nghiên cứu ngày nay cũng chỉ ra rằng tác dụng lợi niệu của cà phê là không rõ ràng. Ở nhiều nhà hàng người ta thường phục vụ một ly nước kèm theo tách cà phê, với mục đích bù đắp lại lượng nước tưởng như sẽ bị mất của cơ thể. Nhưng thực ra việc uống nước sau khi nhấp một ngụm cà phê chỉ có tác dụng tráng miệng để tiếp tục thưởng thức vị ngon của ngụm tiếp theo, hoặc của các đồ ăn thức uống khác mà thôi.
Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản ở Tokyo đã thực hiện một thí nghiệm kéo dài 10 năm trên 100.000 người uống cà phê và phát hiện ra trong số họ chỉ có 214 người mắc phải chứng ung thư thận. Trong khi đó ở những người không uống cà phê, tỉ lệ này là 547/100.000, nghĩa là cao hơn hai lần. Từ đó họ rút ra kết luận rằng các chất chống oxy hoá (antioxidant) trong cà phê có khả năng bảo vệ các tế bào thận khỏi bị ăn mòn. Thí nghiệm so sánh cũng chỉ ra rằng trà xanh không có tác dụng bảo vệ trên giống như của cà phê.
Trước đây cà phê từng bị coi là chất gây nghiện và tạo ra chứng bất lực. Tuy nhiên vào năm 1923, qua một thí nghiệm ở người, nhà nghiên cứu Amantea đã phát hiện ra rằng, ca-phê-in không chỉ tăng hưng phấn trong việc quan hệ tình dục khác giới mà còn tăng khả năng đạt cực khoái cũng như tăng số lượng tinh trùng ở đàn ông.
Gần đây nhất, khi người ta e ngại ca-phê-in trong cà phê có thể gây kích thích, và có hại cho sức khỏe nên đã tìm cách rút chất này ra gọi là cà phê khử ca-phê-in.
Bã cà phê (tiếng Anh:Coffee ground) do chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên người ta có thể sử dụng bã cà phê làm phân bón hữu cơ cho cây rất hữu hiệu. Phân bón bằng bã cà phê là phân xanh,có thể được trộn kèm với các nguyên liệu thô khác như cành lá khô, giấy báo, rơm, vỏ ngô, mạt cưa... Ngoài việc sử dụng hỗn hợp phân bón, bã cà phê có thể trộn với nước tạo dung dịch tưới cho cây. Trong thành phần của bã cà phê có chứa hàm lượng cao nitơ, magiê, kali hàm lượng ít calci, phosphor, cũng như các chất khoáng khác giúp ích cho sự phát triển của cây. Bã cà phê có tính axit cao nên phù hợp với các loại cây ưa axit và cây ăn củ như cà rốt, củ cải... và còn được sử dụng trong một số trường hợp để làm cân bằng độ pH cho đất có tính kiềm hóa cao. Sử dụng bã cà phê để bón cho một số loại hoa có thể làm thay đổi màu sắc hoa như hoa cẩm tú cầu sẽ đổi sang màu xanh. Bã cà phê còn được sử dụng làm lớp phủ cho đất trồng cây, ngoài việc tăng thẩm mĩ, qua thời gian sẽ ngấm dần xuống bổ sung dinh dưỡng cho đất. Đất có trộn bã cà phê, thu hút giun đất, giun trùn quế sinh sống, chúng hấp thụ mùn và vi sinh vật, phân của giun rất tốt cho cây trồng, kết hợp với tập tính sinh hoạt đào hang trong đất sẽ giúp đất được xáo trộn tơi xốp và thoáng khí. Bã cà phê được rắc xung quanh cây để tránh các loại dịch hại nhỏ như sên, ốc sên và tránh vật nuôi như mèo phá hoại cây non, cây thân mảnh, yếu.Bã cà phê còn là một chất rửa tay tuyệt vời. Bã cà phê bao gồm nhiều hạt nhỏ và không bị bám dính nên người ta thường sử dụng bã cà phê để làm sạch những vật dụng mà tay không thò vào được như chai lọ hay các ấm đun nước. Ngoài ra, có thể sử dụng bã cà phê để khử mùi tủ lạnh, xe ô tô. Công dụng khử mùi hôi của cà phê khá đa dạng: Từ việc rửa tay sau khi thái tỏi, thực phẩm có mùi mạnh hay cho chúng vào tủ lạnh hoặc tủ đá để loại bỏ mùi hôi; rồi đánh sạch lớp mỡ trên chậu và chảo trong bếp đến việc bỏ một gói bã cà phê khô vào giày để khử mùi hôi giày hiệu quả và tránh mùi hôi chân. Mùi bã cà phê khô với con người là thơm nhưng lại "khó chịu" với một số động vật, vì thế muốn chặn mèo ở phòng nào cứ rắc bã cà phê xung quanh. Cách này cũng hiệu quả tương tự khi muốn chặn kiến, ốc sên vào nhà.
Cuối cùng, bã cà phê là thức ăn yêu thích của nhiều loài giun, vốn là người bạn gần gũi của cây cối.
Ngoài ra, các thợ thủ công ở Đắk Lắk (Việt Nam) còn sử dụng thân và gốc cây cà phê già trên 30 năm, được xử lý chế biến và chế tạo với các dụng cụ thủ công, để chế tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bàn ghế từ gốc và thân cây cà phê, tượng mỹ thuật từ tua rễ, cây thế, các độc bình u, tường rào, gạt tàn thuốc, lọ cắm hoa, khay bàn... Thông thường, thân và rễ cây sau khi được làm sạch, sẽ được ngâm nước đúng 48 giờ để thân cây thêm chắc và đưa ra nạo lớp da vỏ bằng tay và dụng cụ mềm để tránh thương tổn đến lớp vỏ lụa bên trong. Sau giai đoạn xử lý bằng cách ngâm hóa chất, chống mối mọt suốt 3 ngày, nguyên liệu được rửa sạch và cho vào luộc sôi trong 90 phút, sau đó đem ra sấy khô chầm chậm ở nhiệt độ 40 độ C rồi mới đưa vào kho chứa hàng. Thân và rễ cây sau khi được xử lý, sẽ được chạm khắc và sáng tạo bằng tay theo cách làm của mỗi nghệ nhân. Với bàn tay tài hoa cộng với thế cây được tạo ra từ mẹ thiên nhiên sẽ tạo ra được những tranh tượng độc đáo, có thể coi là các tác phẩm mỹ thuật có giá trị về cả mặt nghệ thuật lẫn vật chất. Ngoài ra, các thợ thủ công còn làm ra các tranh mỹ nghệ khảm từ hạt cà phê. Loại tranh khảm này vừa có tính mỹ thuật cao, vừa tỏa ra hương thơm đặc biệt của cà phê. |
Tôm say rượu (tiếng Anh: Drunken shrimp) hay còn gọi là tôm túy quyền là một trong những cách ăn sống tôm phổ biến nhất của ẩm thực Trung Quốc. Tôm túy quyền xuất phát từ Trung Quốc chứ không phải Nhật Bản và người thưởng thức luôn phải ăn sống. Chúng được cho là có vị ngọt từ tôm còn sống.
Tôm được nhúng vào rượu cho tái và ăn sống để giữ nguyên vị ngọt. Để ăn sống, người ta chọn những con tôm thật mẩy song kích cỡ khá nhỏ. Tại Trung Quốc, tôm được đặt trong một chiếc bát rồi rót đẫm rượu lên trên khiến chúng có phản ứng "say", ít chống cự hơn. Đồng thời, rượu cũng là một loại gia vị tăng hương vị độc đáo cho món ăn. Thông thường sẽ có một chiếc nắp nhỏ đậy trên bát để ngăn tôm nhảy ra ngoài. Để thưởng thức món này, người ta thả những con tôm vào một bát đầy rượu, sau khi đợi tôm “uống say” sẽ bật lửa đốt cháy rượu trong khoảng 30 giây hoặc lâu hơn để tôm chuyển sang màu gạch. Lúc này sẽ thưởng thức tôm cùng với gừng và hành. Mặc kệ con vật nhảy nhót khi được ngâm trong rượu, người ăn sẽ xơi tái chúng ngay sau đó. Đối với loại tôm to hơn, bạn có thể tận dụng rượu để làm chất đốt, khiến tôm trở nên chín tái, xua bớt vị tanh. |
Bánh sinh nhật là một loại bánh thường có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt nhất trong dịp kỷ niệm sinh nhật của người dùng. Đây là một loại bánh ngọt dạng tháp như bánh bông lan xốp và được phủ lên một lớp kem dày hoặc mỏng vừa để trang trí vừa để tăng thêm hương vị cho bánh. Bánh sinh nhật là loại bánh được trang trí công phu và phổ biến nhất trên thế giới.
Bánh sinh nhật đã là một phần của ngày sinh nhật ở các nước Tây Âu từ giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa bánh và ngày sinh nhật có thể có từ thời La Mã cổ đại.
Trong văn hóa La Mã cổ điển, 'bánh ngọt' đôi khi được phục vụ trong các dịp sinh nhật đặc biệt và trong đám cưới. Đây là những hình tròn dẹt làm từ bột mì và các loại hạt, tráng men và làm ngọt bằng mật ong.
Vào thế kỷ 15, các tiệm bánh ở Đức bắt đầu tung ra thị trường những chiếc bánh một lớp cho ngày sinh nhật của khách hàng bên cạnh những chiếc bánh dành cho lễ cưới. Trong thế kỷ 17, bánh sinh nhật mang hình thức đương đại. Những chiếc bánh cầu kỳ của thế kỷ 17 này có nhiều khía cạnh của bánh sinh nhật đương đại, như nhiều lớp và có trang trí. Tuy nhiên, những chiếc bánh này chỉ dành cho những người rất giàu có. Bánh sinh nhật trở nên dễ tiếp cận với tầng lớp thấp hơn do kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp và sự phổ biến của nhiều nguyên liệu và hàng hóa hơn. Vì vậy, nó đã trở thành văn hóa và truyền thống để chúc mừng sinh nhật với bánh ngon và những lời chúc tốt đẹp.
Bánh sinh nhật được phục vụ cho một người vào ngày sinh nhật của họ. Trong các nền văn hóa phương Tây đương đại, chiếc bánh được phủ lên trên một hoặc nhiều ngọn nến thắp sáng.
Không có tiêu chuẩn nào cho bánh sinh nhật, mặc dù bài hát " Chúc mừng sinh nhật " thường được hát trong khi bánh được phục vụ ở các quốc gia nói tiếng Anh hoặc một bài hát sinh nhật tương đương bằng ngôn ngữ thích hợp của quốc gia đó. Cụm từ "chúc mừng sinh nhật" đã chưa xuất hiện trên bánh sinh nhật cho đến khi bài hát "Happy Birthday to You" được phổ biến vào đầu những năm 1900. Các biến thể của các bài hát và nghi lễ sinh nhật tồn tại ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Ở Uruguay, khách dự tiệc chạm vào vai hoặc đầu của người đó sau khi hát "Chúc mừng sinh nhật bạn". Ở Ecuador , người có ngày sinh nhật sẽ ăn một miếng lớn chiếc bánh sinh nhật trước khi nó được phục vụ. Ở Peru, trước tiên khách hát "Happy Birthday to You" bằng tiếng Anh kèm theo tên của cá nhân có ngày sinh, sau đó bằng tiếng Tây Ban Nha, sau đó họ hát bất kỳ bài hát nào khác bằng tiếng Tây Ban Nha liên quan đến bánh hoặc ngày tháng, cuối cùng là thổi nến và phục vụ bánh.
Bánh sinh nhật thường được trang trí bằng những ngọn nến nhỏ, được cố định bằng giá đỡ đặc biệt hoặc chỉ đơn giản là ép chặt xuống. Bánh cũng có thể được ăn kèm với các loại đồ ngọt khác như kem. Ở Anh, Bắc Mỹ và Úc, số lượng nến bằng tuổi của cá nhân có ngày sinh đó, đôi khi có thêm một ngọn nến để cầu may. Theo truyền thống, người có ngày sinh sẽ ước một điều ước, điều này được cho là sẽ thành hiện thực nếu tất cả các ngọn nến được dập tắt trong một hơi thở.
Để thể hiện sự chia sẻ niềm vui và cảm giác sum vầy, chiếc bánh được chia cho tất cả các vị khách tham dự bữa tiệc.
Trong nhiều nền văn hóa, người được tổ chức sinh nhật được ước và thổi nến. Mặc dù nguồn gốc và ý nghĩa chính xác của nghi lễ này vẫn chưa được biết, nhưng có nhiều giả thuyết cố gắng giải thích truyền thống này.
Người Việt Nam từ xa xưa không có truyền thống kỷ niệm ngày sinh mà chỉ nhớ ngày giỗ theo lịch âm. Qua một thời kỳ dài chiến tranh và cuộc sống du nhập cái mới, đại đa số người Việt cũng đã kỷ niệm ngày sinh theo nhiều cách mà phổ biến nhất cũng là bánh sinh nhật.
Bánh sinh nhật theo dòng trào lưu du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam ở thế kỷ 19 với những thương hiệu nổi tiếng là Brodard (ra đời từ năm 1948) và Givral (từ năm 1950); nơi phát triển chính là thành phố Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh bây giờ).Cho đến bây giờ, ở đầu thế kỷ 21 người Việt Nam cũng đã quen với bánh sinh nhật và nó đã được coi là một loại bánh bình thường và không đến nỗi quá đặc biệt. Bánh sinh nhật giờ đây không còn quá đắt đỏ cũng như không chỉ được dùng trong dịp sinh nhật. Ta có thể dễ dàng tìm thấy cửa hàng bán bánh sinh nhật hay bánh gatô ở bất kỳ nơi nào trên tất cả các địa bàn dân sinh trên Việt Nam. Tuy vậy, việc tự làm bánh vẫn là một điều khá xa lạ với người Việt.
Bánh sinh nhật thường có dạng hình tròn (như đã nói ở trên) nhưng vào những dịp đặc biệt cũng như khi người thợ muốn cố công tạo nên chiếc bánh kì lạ với hình dáng tùy ý.
Có hai dạng bánh sinh nhật dễ gặp nhất là dạng hình tròn và hình vuông. Bánh sinh nhật hình vuông chính là tiền thân của bánh cưới sau này. Nó thường được trang trí với màu trắng, nhiều tầng với các hình vuông theo thứ tự nhỏ dần được xếp chồng cân đối nhau. Thường bánh loại này sẽ có dây ruy băng trang trí vòng quanh thành bánh và được cô dâu chú rể cùng cầm dao cắt bánh trong tiếng mở rượu sâm banh.
Vào các ngày hội, người ta thường làm các bánh lớn với đủ hình dạng tùy theo nội dung lễ hội và yêu cầu của thực khách, đã có bánh hình ngôi nhà, công chúa, hoa, hình của người nổi tiếng hay bất cứ hình nào.
Có rất nhiều biến thể của đồ ngọt được ăn trên khắp thế giới vào ngày sinh nhật. Bánh ngọt sinh nhật của người Trung Quốc là shòu bāo , một loại bánh có nhân hoa sen làm bằng bột mì, được tạo hình và tô màu cho giống quả đào. Thay vì phục vụ một chiếc bánh ngọt lớn, mỗi khách được phục vụ món shòu bão nhỏ của riêng họ. Ở miền Tây nước Nga, trẻ em sinh nhật được phục vụ bánh trái cây với lời chúc mừng sinh nhật được khắc trên vỏ bánh. Bánh sinh nhật Thụy Điển được làm giống như một chiếc bánh kem thường được phủ trên bánh hạnh nhân và được trang trí bằng quốc kỳ. Bánh ngọt sinh nhật Hà Lan là bánh tart trái cây phủ kem tươi. Ở Ấn Độ có rất ít người tổ chức sinh nhật ở các làng quê, nhưng ở các thành phố và thị trấn, bánh sinh nhật được tiêu thụ tương tự như ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở những người có trình độ học vấn cao hơn |
Bún mắm là một trong số các món ăn đặc sản của miền tây Nam bộ Việt Nam. Bún mắm được nấu bằng mắm cá linh hay cá sặc, đây là các loại cá có nhiều tại miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Trước đây, bún mắm là một món ăn dân dã và được chế biến giản dị, nó thường được dùng cho những bữa ăn nhanh. Con mắm được nấu rã ra, sau đó lọc lấy phần nước trong, cho thêm một ít đường, hành sả và dùng chung với bún. Về sau để tăng hương vị và độ phong phú cho bún mắm, người ta cho thêm miếng cá, tôm, mực và heo quay.
Nét đặc trưng của bún mắm là nước lèo. Nước lèo thường được làm từ mắm cá linh hay cá sặc và tùy theo mỗi người mà có sự nêm nếm khác nhau để món bún có mùi thơm đậm đà. Bún mắm thường được ăn với rau muống chẻ, cọng bông súng, rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, giá và rau diếp cá (dấp cá).
Khoảng những năm 1970, bún mắm được đưa lên Sài Gòn và được nhiều người yêu thích do mang đầy hương vị của đồng nội, miền quê với cách nêm ngon đậm đà. Bún mắm là đặc sản của miền nam Việt Nam do được kết hợp nhiều đặc sản đặc trưng riêng của miền nam Việt Nam. |
Bánh gấu Koala’s March (tiếng Nhật: コアラのマーチ, chuyển tự Koara no Māchi) là một sản phẩm bánh ngọt nhỏ hình gấu được sản xuất bởi tập đoàn Lotte. Ra mắt lần đầu tiên tại Nhật Bản từ tháng 3 năm 1984 và được ra mắt tại Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 1990 với tên gọi "Koala Yummies". Có mặt tại thị trường Việt Nam vào tháng 11 năm 2008 và được người tiêu dùng, đặc biệt các bạn trẻ nhỏ ưa chuộng.
Koala’s March là bánh quy nhập khẩu chất lượng cao với vị ngon của nhân sô-cô-la, dâu và sữa đậm đà bên trong và vị giòn tan của vỏ bánh bên ngoài. Các hương vị khác gồm có mật ong, vani, cà phê latte, chuối đông lạnh. Dâu tây và sô-cô-la là hai hương vị phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, cùng với sô-cô-la trắng và bánh quy sô-cô-la chứa đầy matcha. Koala's March cũng có hương dứa nhưng hiếm hơn so với các hương khác.Bề mặt bánh được in hình những chú gấu Koala với hình dáng dễ thương, ngộ nghĩnh,có đến 125 kiểu dáng khác nhau. Hộp bánh có hình lục giác ấn tượng. Koala's March còn hỗ trợ nhóm bảo tồn Quỹ Koala Úc.
Sản phẩm bánh gấu Koala’s March tại Việt Nam được đóng gói thành 3 kích cỡ chính:
Gói nhỏ: 19.5 g
Hộp lục giác: 41 g
Hộp lục giác "Gia đình": 195 g |
Lúa hoang dã (Tiếng Ojibwe: manoomin, cũng được gọi là lúa Canada, lúa Ấn Độ hoặc yến mạch nước) thuộc Bộ Hòa thảo chi Zizania. Hạt được thu hoạch và ăn trong lịch sử cả Bắc Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay đây là một trong các món ăn ở Bắc Mỹ, nó được ăn ít hơn ở Trung Quốc, trong đó gốc của cây được sử dụng như một loại rau.
Lúa hoang dã không liên quan trực tiếp đến lúa gạo ở Châu Á (Oryza sativa), mà tổ tiên hoang dã O. rufipogon và O. nivara, mặc dù có họ hàng gần gũi với bộ lúa. Hột lúa hoang dã có vỏ ngoài dai với phần hột bên trong có vị hơi thực vật.
Là loài thu hoạch hạt phổ biến nhất, là loài thu hoạch hằng năm, chi Zizania palustris bây giờ được trồng thương mại, nhưng chi Zizania aquatica cũng từng được sử dụng rộng rãi trong quá khứ ở Ấn Độ. (Moerman, Daniel, người Mỹ bản xứ thực vật dân tộc (Timber Press, Portland Oregon 1998), p. 614) Thổ dân châu Mỹ và những tộc người khác thu hoạch lúa hoang dã bằng xuồng, họ dùng cây đập lúa để đập làm hạt rớt vào xuồng. Một số khác rơi xuống đáy sình và nảy mầm vào cuối năm nay.
Một số nền văn hóa người Mỹ bản địa, chẳng hạn như Ojibwa, coi lúa hoang dã là một thành phần thiêng liêng trong văn hóa của họ.Minnesota Public Radio (ngày 22 tháng 9 năm 2002). “MPR: Wild rice at the center of a cultural dispute”.
Bởi vì giá trị dinh dưỡng và hương vị của nó, lúa hoang dã đã phổ biến trong những năm cuối thế kỷ 20, việc canh tác thương mại đã bắt đầu tại Hoa Kỳ và Canada để cung cấp cho nhu cầu đang tăng lên. Năm 1950, James và Gerald Godward bắt đầu thử nghiệm với lúa hoang ở một đồng cỏ phía bắc của Brainerd, Minnesota. Họ xây dựng các tuyến đê xung quanh mẫu, đào mương thoát nước, và điều khiển lưu lượng nước. Vào mùa thu, họ cày cấy đất và vào mùa xuân năm 1951, họ mua giống hoang dã từ vườn ươm, họ phân tán các hạt lên trên khắp mặt ruộng. Nhiều điều bất ngờ xảy ra, kể từ khi họ biết điều chỉnh nhu cầu nước của lúa hoang dã để phát triển tốt hơn, hạt giống nảy mầm cao và sản xuất cây trồng. Họ tiếp tục thử nghiệm với lúa hoang dã suốt những năm 1950 và là người đầu tiên chính thức tu dưỡng cây trồng trước đó là loài hoang dã.
Tại Mỹ, các nơi sản xuất chính là California và Minnesota (nơi nó là ngũ cốc Hoa Kỳ) chính thức và nó chủ yếu được trồng ở ruộng. Tại Canada, nó thường được thu hoạch từ vùng nước tự nhiên; các nơi sản xuất lớn nhất là Saskatchewan. lúa hoang dã cũng được sản xuất ở Hungary và Úc. Tại Hungary, bắt đầu trồng vào năm 1974 trên các lĩnh vực gạo của Szarvas. Ấn Độ Rice Ltd được thành lập vào năm 1990. Ngày nay, lúa hoang dã ở Hungary được trồng và chế biến bởi công ty này. Ở Úc, sản xuất được kiểm soát bởi Ricewild Pty Ltd tại Deniliquin. Ở miền Nam bang New South Wales.
Lúa hoang dã Mãn Châu (tiếng Trung: 菰; bính âm: Gu) được thu thập từ tự nhiên, đã từng là một ngũ cốc quan trọng ở Trung Quốc cổ đại. Hiện nay lúa hoang dã là loài rất hiếm trong tự nhiên, nó đã hoàn toàn biến mất ở Trung Quốc, mặc dù vẫn tiếp tục trồng những loài có nguồn gốc từ nó.
Thông thường được bán như một loại ngũ cốc khô, trong lúa hoang dã chứa nhiều protein, các amino acid lysine, xơ và ít chất béo. Chỉ số dinh dưỡng của lúa hoang dã chỉ đứng sau yến mạch, có hàm lượng protein 100 calo.
== Chú thích == |
Kẹo mạch nha hay còn gọi là đường mạch nha hay gọi gọn là mạch nha là tên gọi dùng để chỉ loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay mạch nha (lúa mạch, đại mạch, hột lúa mạch mì đã có mầm, lúa, nếp), đây là một chất đường dẻo được làm bằng gạo nếp và các loại tinh bột, có dùng men (các enzym Termamyl, Fungamyl) trong mầm thóc để đường hoá. Loại kẹo đường này có độ dẻo nhưng không dai, màu vàng sậm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp (Tên khoa học: Saccharum granorum). Tên gọi khác: Kẹo mạ, di đường, đường nha, kẹo nha, mạch nha, Kẹo mầm.
Kẹo mạch nha là sản phẩm ăn vừa ngon, vừa bổ và là nguyên liệu không thể thiếu trong công nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo và bia. Đường mạch nha có tác dụng làm cho kẹo tăng độ dai, nhiều tơ, không bị lại đường, không bị chảy nhão do hút ẩm và là nguyên liệu bổ sung quan trọng giúp các nhà sản xuất bia hạ được giá thành mà sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Ngoài ra, đường mạch nha còn là nguyên liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp khác. Đây còn là món ăn rất bổ nhờ có nhiều sinh tố, hợp tì vị, nhất là những người yếu dạ dày.Chế bằng cách tác dụng các men trong mầm thóc lên cơm nếp hay cháo gạo nếp ở nhiệt độ 60-70°trong vòng 6-12 giờ sau đó cô đặc lại cho tới khi còn chừng 8% độ ẩm thì bảo quản mới tốt. Tỷ lệ mầm thóc dùng thường là 2/10 trọng lượng gạo nếp. Người ta có thể đun kẹo mạ cho chảy mềm ra, thêm vào tới 50% trọng lượng dầu (dầu cá, dầu gấc v.v…) trộn đều. Sau nhiều ngày, hỗn hợp vẫn đồng đều, dầu và kẹo không tách ra. Tính chất này được dùng để chế kẹo dầu gấc, hay kẹo dầu cá. |
Amanattō (甘納豆, Amanattō) là một loại bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản làm từ đậu đỏ hoặc các loại đậu khác, phủ đường tinh luyện sau khi ninh với siro đường và sấy khô. It was developed by Nó được tạo ra bởi Hosoda Yasubei trong những năm Bunkyū (1861–1863) trong thời kỳ Edo. Ông mở một cửa hàng wagashi ở Tokyo mà ông đặt tên theo tên thời thơ ấu của mình: Eitaro. Cửa hàng này vẫn tiếp tục hoạt động.Amanattō ban đầu được gọi amananattō (甘名納糖, amananattō); tên được viết tắt thành amanattō sau Thế chiến thứ hai. Sự giống nhau về tên của món đậu lên men nattō là trùng hợp ngẫu nhiên.Ở Hokkaidō, amanattō được sử dụng trong nấu sekihan. Vì lý do này, không giống như các khu vực khác ở Đông Á, sekihan của Hokkaidō hơi ngọt. |
Sundae ( ) là món tráng miệng làm bằng kem bắt nguồn từ Mỹ thường bao gồm một hoặc nhiều muỗng kem phủ sốt hoặc xi-rô và trong một số trường hợp là những lớp phủ khác như: hạt đường nhiều màu, kem tươi, kẹo marshmallow, đậu phộng, anh đào maraschino, hoặc các loại trái cây khác (ví dụ: chuối và dứa trong chuối tách).
Theo cuốn Từ điển Từ nguyên Trực tuyến, rất ít người biết đến nguồn gốc của thuật ngữ sundae.Trong số rất nhiều câu chuyện về việc phát minh ra sundae, chủ đề thường gặp là sundae kem là một biến thể của soda kem phổ biến. Theo một tài liệu được Thư viện Công cộng Evanston (Illinois) xuất bản thì việc bán nước soda bị cấm vào các ngày Chủ nhật ở Illinois vì món này bị coi là quá "diêm dúa". |
Rượu Làng Vân là danh tửu của xứ Kinh Bắc. Rượu Làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng Vân.
"Tổ nghiệp" là bà Nghi Định mang nghề nấu rượu từ Trung Hoa về truyền dạy lại cho dân làng Vạn Vân. Từ đó trong làng cũng hình thành cái lệ là cứ mùng 4 Tết Nguyên Đán, mỗi nhà phải cử một người ra chùa Rộc uống máu ăn thề, nguyền phải giữ bí quyết nghề tổ, không được truyền cho người ngoài làng, kể cả con gái.Trước kia, rượu Làng Vân là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình. Cổng đầu làng Vân Xá có 2 câu đối:
"Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công như nguyệt rạng trời Nam"Trong đó "Vân hương mỹ tửu" là 4 mỹ tự do vua Lê Hy Tông sắc phong cho sản vật lừng danh này vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703).
Ca dao:Vạn Vân có bến Thổ Hà,
Vạn Vân nấu rượu, Thổ Hà nung vôi.
Nghĩ rằng đá nát thì thôi,
Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.Trong Truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa, tác giả Đoàn Lê viết:"Từ lúc ở nhà con Khờ về, bà Duệ đứt từng khúc ruột. Cái Huệ đã ăn nhằm gì. Con Hoa nhà bà mới thật xinh như hoa, nức tiếng hàng xã. Hoa cũng vừa mười tám, thi trượt đại học, hiện đang ôn tập, quyết chí thi cử phen nữa. Thế nhưng đầu năm nay nhà bà xuất hiện anh chàng quay phim chụp ảnh đám tang, đám cưới, có cửa hiệu ngoài phố. Cả nhà đều ngầm hiểu anh chàng ngấp nghé cô Hoa. Anh ta không đỏm trai nhưng bù lại rất mau mắn mồm miệng, thi thoảng không quên biếu Sĩ Thái sư bánh thuốc lào chính hiệu Tiên Lãng, vài lít rượu làng Vân ngon nổi tiếng để ông ngâm thuốc. Dĩ nhiên Sĩ Thái sư liền say đứ đừ, say cả rượu lẫn thuốc lào. Giả dụ anh chàng phó nháy định chim Sĩ Thái sư thì chỉ cần thế cũng đủ ông đổ kềnh, không phải cưa kéo thêm.
...
Bà Duệ ngã vật xuống giường chết ngất. Trong cơn nức nở bà tiếc công giữ ngọc gìn vàng cho con gái suốt mười tám năm, như giữ con ngươi. Vậy mà... ôi con ngươi là con con ngươi ơi! ôi thuốc lào Tiên Lãng với rượu làng Vân kia ơi!
...
Tang rượu làng Vân chỉ còn vương hơi trong mấy hũ thuốc bắc khô như rắn ráo. Sĩ Thái sư không hề hay biết gia đình ông đang trải qua cơn bão lớn tương đương cơn bão Băng-la-đét."
Trong Hồi ký Đêm giữa ban ngày, tác giả Vũ Thư Hiên viết:"Nói ra được nỗi bực bội rồi, vơi được nỗi phiền muộn rồi, Nguyễn Tuân trở lại tâm trạng vui vẻ thường nhật. Ông lục trong góc bàn lấy ra một chai rượu trong vắt, trịnh trọng rót hai ly. Tôi nhấp một ngụm. Ông chăm chú nhìn vào mặt tôi:
- Ngon không ?
- Thưa bác, tuyệt.
Nguyễn Tuân cười khúc khích, ghé vào tai tôi:
- Rượu bộ đấy !
Tôi ngẩn người. Rượu bộ, nó là cái gì ?Tôi không phải con cháu Lưu Linh, nhờ các bậc đàn anh chỉ bảo cũng biết võ vẽ đôi chút về rượu. Nguyễn Tuân thích rượu làng Vân, nhưng phải do một lão nông người làng này cất kia, chứ người khác cất ông chê. Ông khen rượu Trương Xá, khen vừa phải, nói rượu Trương Xá ngon đấy, phải cái hơi gắt. Ông cũng thích rượu Kiên Lao mà cha tôi thường đặt mua để biếu ông. Ông nói rượu Kiên Lao ngọt giọng mà có hương thầm. Bây giờ ông lại khen một thứ rượu lạ hoắc, tôi chưa từng nghe nói.
Nguyễn Tuân khoái trá nhìn tôi:
- Anh không hiểu rượu bộ là gì hử ?
- Không ạ.
- Là rượu-do-Bộ-Công-an-nấu ! - Nguyễn Tuân nhấn mạnh từng tiếng - Tôi đặt cho nó cái tên rượu bộ để phân biệt với các thứ rượu quốc doanh với không phải quốc doanh khác. Việt Hùng vừa mới xách cho tôi hai chai. Thứ này đúng là hảo hạng, chỉ có loại rượu trên tiền, rượu không phải để bán mới ngon được như thế."Trong tuyển tập thơ Hà Nội - Phố, nhà thơ Phan Vũ đã viết về rượu làng Vân:Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
Những chàng trai say suốt cả mùa
... |
Thịt bò viên là một món ăn phổ biến tại miền Nam Trung Quốc và các cộng đồng người Hoa ở trên toàn thế giới. Thịt bò viên làm bằng thịt bò mà đã được nghiền thành bột mịn và dễ dàng phân biệt với thịt heo viên hay cá viên vì thịt bò viên có màu đậm hơn, được ưa chuộng nhất là loại bò viên gân, vì dai.
Gần như tất cả thịt viên (làm từ thịt heo, cá, thịt bò, vv) châu Á có khác biệt đáng kể trong kết cấu với các loại thịt viên có nguồn gốc châu Âu. Thay vì các loại thịt xay, băm, nghiền, thịt được sử dụng để làm cho thịt bò viên châu Á là đập hay cán, giã cho đến khi thịt nhuyễn ra và ít bột, tạo một kết cấu mịn cho thịt viên.
Tại Hồng Kông, bò viên thường trộn lẫn với mì hoành thánh.
Tại Quảng Đông, bò viên có thể biến thể thành xíu mại để ăn điểm tâm.
Tại Indonesia thịt bò viên được gọi là bakso hấp hay luộc và thường bày trong một cái bát, như với súp, mì, hủ tiếu, đậu phụ, trứng, nhân thịt bánh bao, và hoành thánh chiên giòn và phổ biến trên khắp Indonesia, nhưng phổ biến nhất là bakso Solo và bakso Malang (được đặt tên cho thành phố Solo và Malang mà từ đó nó bắt nguồn). Tại Malang, bakso Bakar (bakso chiên) cũng rất phổ biến.
Thịt bò viên và xíu mại đã du nhập vào miền Nam Việt Nam từ rất lâu, nhất là ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Thịt bò viên có thể được sử dụng như một thành phần trong phở, hủ tiếu, trong quán hay bán dạo theo xe bình dân như hủ tiếu gõ. Thịt bò viên cũng có thể ăn không trong một bát nước dùng, và chấm với tương ớt Sriracha, tương đen. |
Sô-cô-la nóng, hay còn được biết đến là cacao nóng, là đồ uống nóng thường bao gồm sô-cô-la từCây ca cao, sô-cô-la hòa tan hay cacao được đun nóng với sữa thêm nước và đường.Đầu thế kỷ 20 thời Pháp thuộc thức uống này được du nhập Việt Nam. Người Việt một thời gọi đó là "nước cù lác".
Turback, Michael (2005). Hot Chocolate, Ten Speed Press. ISBN 1-58008-708-6.
Morton, Frderic and Marcia (1986). Chocolate, An Illustrated History, Crown Publishers, INC. ISBN 0-517-55765-7 |
Hủ tiếu Mỹ Tho là loại hủ tiếu do người Mỹ Tho chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng xương tủy heo. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng và cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Năm 2009, Hủ tiếu Mỹ Tho của Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) được Trung tâm Thương hiệu Việt, thuộc Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cấp giấy chứng nhận "Thương hiệu Việt" .
Hủ tiếu Mỹ Tho bao gồm thịt lát, thịt bằm, xương và gan heo, có tiệm còn thêm tôm khô vào để nước dùng ngọt hơn. Vị ngọt đậm đà từ nước hầm xương và các phụ gia khác khiến hủ tiếu Mỹ Tho đậm chất miền Tây Nam Bộ. Hủ tiếu Mỹ Tho thường được ăn kèm với phụ gia là giá sống, hành phi, chanh ớt, tiêu, nước tương. Nước chấm là nước tương, pha chút giấm và đường, có nơi sẽ có thêm tép mỡ và hành phi. Hủ tiếu Mỹ Tho ngoài nổi tiếng nhờ nước lèo thơm ngọt vị miền Tây, còn nổi tiếng nhờ cọng hủ tiếu trong và dai, khi nấu không bị bở, hay mềm đi, chỉ trừ khi nấu lâu quá.
Hủ tiếu bò viên hay hủ tiếu Sa tế cũng dùng loại bánh này. Ngoài ra, hủ tiếu Mỹ Tho còn nấu chung với mì, hủ tiếu mì, hoặc nước lèo ăn bánh canh, bột sò, nui.. rất đa dạng và phong phú. Ngoài ra, còn có thể ăn hủ tiếu khô, tức là không chan nước lèo vào tô hủ tiếu, mà để riêng ở chén, cho hành và tiêu vào, có thể thêm 1 quả trứng gà, còn hủ tiếu sẽ được người bán trộn với nước tương, giấm đường vừa ăn, khi đó, nước lèo sẽ ngon và ngọt hơn so với nước lèo được chan vào hủ tiếu. Đặc biệt là hủ tiếu Mỹ Tho không ăn với salad, hay cần tây, trứng cút, tuy nhiên sau này vào Sài Gòn, hủ tiếu Mỹ Tho có điểm con tôm thẻ, lột xẻ đôi, hoặc thêm lòng heo, sườn heo và trứng cút nữa, có thể ăn với thịt bò viên và tương ớt, tương đen..
Sợi hủ tiếu Mỹ Tho to và trong, làm từ gạo thơm, dẻo (nổi tiếng là thứ gạo Gò Cát của làng Mỹ Phong), phải dùng trong ngày, do vậy có mùi thơm của gạo, trụng nước sôi thì mềm nhưng không bị bở, nhai dai dai, nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua. Và cọng hủ tiếu sẽ có mùi hơi chua, vì vậy sẽ được trụng riêng ở nước sôi chứ không trụng trực tiếp vào nước lèo. Hủ tiếu Mỹ Tho có thể được bán dạo bình dân, gọi là Hủ tiếu gõ. Và có thể bán theo kiểu hủ tiếu khô, với chén nước lèo kèm theo. |
Gà yangnyeom là một loại gà rán của Hàn Quốc ướp với nước sốt cay và ngọt của gochujang, tỏi, đường cùng các gia vị khác. Chúng thường được dùng như một anju, loại thức ăn nhắm rượu ở Hàn Quốc.Julia Moskin viết cho tờ The New York Times đã gọi món Gà yangnyeom là "đỉnh cao [của gà rán] kiểu Hàn Quốc".
Từ "chicken" (치킨) ở Hàn Quốc dùng để chỉ gà rán, và đôi khi là gà quay; yangnyeom (양념) trong tiếng Hàn có nghĩa là "ướp gia vị". Do đó, yangnyeom chicken (양념치킨) có nghĩa "gà rán tẩm gia vị" trong tiếng Hàn. Gà rán không tẩm gia vị được gọi là dakgogi-twigim (닭고기 튀김; món rán thịt gà) hoặc gà rán (프라이드치킨). Bên ngoài Hàn Quốc, gà yangnyeom được gọi là gà rán Hàn Quốc.
Gà rán trở nên phổ biến ở Hàn Quốc vào những năm 1970; nhà hàng gà rán đầu tiên ở Hàn Quốc, Lim's Chicken, khai trương vào năm 1977.Nhà phát triển ban đầu của gà yangnyeom, Yoon Jonggye, đã nghĩ ra món ăn trong nhà hàng của mình sau khi phân tích thức ăn thừa của khách hàng. Ông nhận thấy rằng lớp vỏ gà rán thông thường quá giòn và làm xước vòm miệng của thực khách, vì vậy ông đã phủ lên gà rán một lớp nước sốt để làm mềm vỏ, tạo ra công thức cho món gà yangnyeom. Tuy nhiên, món ăn lại được thương mại hóa bởi Yang Heekwon, người thành lập chuỗi nhà hàng Pelicana Chicken. Ban đầu, khách hàng không muốn mua gà yangnyeom. Các phần thức ăn miễn phí đã được trao cho khách hàng như một phần của chiến dịch marketing, giúp tăng đáng kể doanh số bán hàng trong hai tháng. Một điệp khúc quảng cáo của Pelicana với sự góp mặt của diễn viên hài nổi tiếng Choi Yang-rak đã góp phần củng cố cho sự nổi tiếng của món gà. Việc đặt tên và nhãn hiệu của yangnyeom đã là chủ đề tại các tòa án Hàn Quốc vào những năm 1990, đỉnh điểm là phán quyết năm 1997 của tòa án tối cao.Các nhà hàng gà Yangnyeom đã trở nên nổi tiếng và được mở cửa ở các quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore và Việt Nam.
Người chế biến chặt gà, hoặc gà rút xương thành miếng vừa ăn, ướp với muối và bột tiêu đen. Đôi khi cheonju (rượu gạo) hoặc bột cà ri được thêm vào để khử mùi nồng của gia cầm. Người chế biến phủ lên gà một lớp bột nhão làm từ trứng và tinh bột rồi chiên ngập dầu hai lần, với lớp vỏ "mỏng, sần sùi và gần như trong veo", theo Moskin. Gà sau đó được phủ một lớp nước sốt. Đôi khi món ăn được rắc đậu phộng băm nhỏ, hạt mè, tỏi băm nhỏ, hoặc hành lá cắt lát. Ngoài ra, củ cải muối cũng là một món ăn kèm phổ biến.Nước sốt được làm từ xi-rô tinh bột hoặc mứt dâu tây, tương cà, gochujang, nước tương đen, tỏi băm, ớt đỏ xay, đường nâu, và đôi khi là các gia vị khác rồi đun sôi một thời gian ngắn để trở nên đặc. Các loại nước sốt thị trường cũng có sẵn cho món ăn.Việc phủ nước sốt khiến lớp vỏ của gà yangnyeom bị sũng nước rất nhanh; nên ăn ngay sau khi mua trừ khi người ta thích lớp vỏ ẩm hơn là giòn. Gà Yangnyeom có xu hướng phổ biến đối với những người không thích hương vị dầu mỡ của gà rán. Mặt khác, những người có thể không thích hương vị ngọt hoặc món tempura bị sũng nước rất nhanh lại thích ăn ăn gà rán. Lại có những kiểu người muốn cả hai kiểu gà, gọi là "banban" (반반; half-and-half), nghĩa là "một nửa Gà yangnyeom, một nửa gà rán", cũng xuất hiện phổ biến ở Hàn Quốc.Việc cho thêm nước sốt làm cho món gà yangnyeom có giá thành chế biến đắt hơn một chút so với gà rán. Một số nhà hàng đã cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách chiên gà trong dầu ăn cũ hoặc sử dụng thịt kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng, rồi sử dụng nước sốt để che mắt khách hàng.
Theo Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc, một con gà yangnyeom nguyên con chứa đến 2.700–2.900 calo, nhiều hơn một con gà rán, vì nước sốt thêm vào món gà chứa khoảng 1.000 calo.
== Tham khảo == |
Nước mắm Cửa Khe là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất tại làng nghề Truyền thống sản xuất nước mắm Cửa Khe, thuộc xã Bình Dương, một xã ven biển phía Đông của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.Làng nghề Truyền thống nước mắm Cửa Khe đà tồn tại và gắng bó với vùng quê xứ Quảng từ bao đời nay, sản phẩm Nước mắm Cửa Khe có từ hàng trăm năm đã từng rất nổi tiếng nổi tiếng với câu cao dao: "Nhất mắm Cửa Khe - Nhì chè An Phú".
Nhãn hiệu nước mắm Cửa Khe đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp phép CNĐK số 157102 ngày 24/01/2011.Sản phẩm đặc trưng của Làng nghề Quảng Nam ưu tiên đi quảng bá trong các siêu thị, chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ tự hào hàng Việt Nam…
Được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận, đạt danh hiệu LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TỈNH QUẢNG NAM (Theo QĐ số 3944/ QĐ-UBND ngày 15/12/2014).
Làng nghề nước mắm Cửa Khe có từ hàng trăm năm nay. Vùng đất này thuận lợi cho việc khai thác và chế biến hải sản nên ngày càng được cư dân ở đây duy trì và phát triển. Sản phẩm chính của làng nghề là nước mắm cá cơm và cá khô xuất khẩu. Sản phẩm nước mắm được làm từ cá cơm gồm cá cơm và muối. Cá dùng để sản xuất là cá cơm thuần không lẫn với các loài cá và hải sản khác.
Hiện tại (năm 2016) Làng nghề có 11 cơ sở sản xuất, hoạt động theo sự thống nhất và sự quản lý trực tiếp của Ban quản lý làng nghề.
Nước mắm Cửa Khe chủ yếu được làm từ cá cơm và muối hạt.
Có nhiều loại cá cơm như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, phấn chì, cơm lép... nhưng ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu.
Nước mắm được đóng gói trong các vật dụng phải được làm bằng vật liệu không độc, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây hại cho sức khoẻ con người và không làm ảnh hưởng tới chất lượng nước mắm.
Nước mắm phải được bảo quản ở nơi thoáng, ít ánh sáng, không để trong tủ lạnh. Nguyên nhân do nước mắm truyền thống là sản phẩm thiên nhiên, chỉ được làm từ cá cơm tươi và muối biển nên đạm Amin trong cá được bảo quản bằng chính lượng muối tự nhiên chứ không phải bằng hóa chất. Nếu nhiệt độ thấp, muối biển sẽ bị đông kết và lắng xuống phần dưới của chai, phần trên sẽ không đủ lượng muối cần thiết ở để bảo quản đạm Amin. Khi đó nước mắm sẽ chuyển sang màu đen, nghĩa là đạm Amin bị phân hủy và nước mắm sẽ hỏng.
Sử dụng trong vòng 1 tháng sau khi mở nắp. Sau khi mở nắp, chúng ta không nên sử dụng trong thời gian quá dài. Sử dụng trong vòng một tháng sau khi mở nắp là khoảng thời gian nước mắm có chất lượng tốt nhất.Vặn chặt nắp khi đang sử dụng để tránh côn trùng xâm nhập.
Nước mắm Cửa Khe hấp dẫn người dùng ở hương vị mặn, chát của biển, tinh khiết ngấm trong từng giọt nước mắm. Dân gian có câu "Nhất mắm Cửa Khe, nhì chè An Thái". Nước mắm Cửa Khe vang danh một thời cũng nhờ quy trình chế biến đặc biệt từ kinh nghiệm lâu đời của những hộ dân nơi này.
== Chú thích == |
Bò kho là một món ăn chế biến từ thịt bò với phương pháp kho, có xuất xứ ở miền Nam Việt Nam. Món này được nhiều người ưa thích. Nguyên bản món Bò kho được người miền Nam Việt Nam dùng kèm với nhiều loại rau mùi, để tăng hương vị món ăn. Tuy có tên gọi là bò kho nhưng cách thức chế biến chủ đạo của món ăn lại là hầm, hình thức kho được dùng để tẩm ướp và làm săn chắc thịt bò trước khi hầm. Món này cũng nổi tiếng bên ngoài Việt Nam.
1,2 kg thịt bò tùy theo sở thích có thể chọn bắp bò, gân hoặc nạm
1 muỗng hành băm
1 gói gia vị bò kho (25 g)
1 muỗng tỏi băm
2 củ cà rốt, 2 củ cải trắng
6 cây sả
Cắt sả làm đôi giữ lại phần ngọn còn phần thân đập giập và băm nhuyễn. Cà rốt và củ cải rửa sạch gọt vỏ cắt miếng vừa ăn. Để khử mùi của thịt bò ta nên rửa kỹ với muối sau đó chần nhanh qua nước sôi sau đó thái thành miếng vừa miệng. Cho thịt bò vào thau ướp với gia vị bò kho, cho thêm 1 muỗng muối, 2 muỗng đường và nửa muỗng canh bột ngọt, cùng với hành và tỏi băm ướp trong vòng 30 phút. Phi thơm hành tỏi băm trước khi cho thịt vào đảo đều trên lửa lớn cho xăn miếng thịt. Tiếp đến cho toàn bộ phần thịt bò vào nồi áp suất hoặc nồi ủ, cho phần ngọn sả cà rốt cải trắng vào, đổ nước vừa đun lửa lớn cho đến khi sôi thì hạ lửa nhỏ. Đối với nồi áp suất thì chúng ta chỉ cần đun khoảng 20 phút là thịt đã mềm, còn dùng nồi ủ thì chỉ cần đun cho sôi rồi mang để vào trong nồi ủ chừng 4-8h là có thể dùng được. Múc bò kho ra tô dùng kèm với bánh mì hoặc với cơm nóng đều ngon. |
Thức ăn nhẹ hay thức ăn vặt (tiếng Anh: snack) là các loại thức ăn phục vụ cho việc ăn giữa các bữa ăn và thường dưới hình thức thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn cũng như mặt hàng làm từ nguyên liệu tươi được đóng gói ăn liền. Thức ăn nhẹ thông dụng gồm các đồ khô. Thức ăn nhẹ được sử dụng giữa các bữa ăn nhỏ, để làm dịu cơn đói và một số còn giúp bổ sung các chất khoáng cho cơ thể như calci, sắt hoặc giúp giảm cân.
Theo truyền thống, thức ăn nhẹ đã được chuẩn bị từ các thành phần thường có sẵn trong nhà. Thường thì thức ăn thừa, bánh mì làm từ thịt nguội, các loại hạt, trái cây được sử dụng như đồ ăn nhẹ. Đồ uống, chẳng hạn như cà phê, nói chung không được coi là món ăn nhẹ mặc dù họ có thể được dùng giữa các bữa ăn như một món ăn, hoặc cùng với thức ăn nhanh. Nước giải khát có thể được coi là một bữa ăn nhẹ nếu nó đã được pha trộn để tạo ra một sinh tố. Các đồ ăn nhẹ từ ngũ cốc, mì ống và rau cũng là thức ăn nhẹ phổ biến.
Với sự phát triển của các cửa hàng tiện lợi, các loại thực phẩm ăn nhanh đóng gói bây giờ là một mặt hàng được tiêu thụ đáng kể. Thực phẩm ăn nhanh thường được thiết kế để được cầm tay, nhanh chóng và tiện dụng. Công nghệ chế biến thức ăn nhanh được đầu tư để giúp cho thực phẩm hạn chế việc dễ bị hư hỏng hơn, là tiện dung hơn so với thức ăn chế biến. Chúng thường chứa một lượng đáng kể các chất làm ngọt, chất bảo quản và các thành phần hấp dẫn như sô-cô-la, đậu phộng, và hương vị. Một bữa ăn nhẹ ăn ngay trước khi đi ngủ hoặc trong đêm có thể được gọi là một bữa ăn nhẹ nửa đêm.
Thực phẩm ăn nhanh thường được phân loại là đồ ăn vặt bởi vì những loại này thường có ít có giá trị dinh dưỡng, và không được coi là góp phần hướng tới sức khỏe nói chung và tăng cường dinh dưỡng. Với mối quan tâm ngày càng tăng về chế độ ăn uống, kiểm soát cân nặng và sức khỏe nói chung, nhiều nước đã thực hiện một nỗ lực có ý thức để chế độ ăn lành mạnh hơn, đồ ăn nhẹ tự nhiên - chẳng hạn như trái cây, rau, quả hạch và các loại hạt ngũ cốc, trong khi tránh nhiều calo rác chất dinh dưỡng thấp. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy rằng trẻ em ở Hoa Kỳ ăn thức ăn nhẹ trung bình sáu lần mỗi ngày, gấp khoảng hai lần trẻ em Hoa Kỳ trong những năm 1970.
Đậu phộng nước cốt dừa
Hạnh nhân
Táo lát
Bánh mì/bánh mì nướng với bơ, mật ong, mứt,
Ngũ cốc với sữa
Thanh kẹo (thỏi kẹo)
Pho mát ăn nhẹ
Kẹo kéo bọc Sô cô la
Khoai tây chiên
Potato chip
Cocktail
Bánh quy kem
Bánh xốp kem
Hoa quả sấy khô
Trái cây cắt lát
Kem
Mì ăn liền
Bánh mì nhân ngọt
Lương khô
Đậu phộng
Bắp rang bơ
Bim bim
Khoai tây chiên
Kẹo chip chip
Nho khô
Bánh gạo
Kitkat
Sandwich
Cá hồi hun khói
Bánh mì nướng
Sữa chua
Mì sợi
Donut |
Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng, hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng của lá và rễ cây. Năm 2002, thương hiệu rượu Mẫu Sơn đoạt giải thưởng Sao vàng đất Việt.Rượu Mẫu Sơn hay nói đúng hơn là dòng rượu dân gian có xuất xứ từ trên vùng núi cao Mẫu Sơn thuộc ba xã Mẫu Sơn, Công Sơn Cao Lộc và Mẫu Sơn Lộc Bình là một trong những đặc sản ẩm thực Xứ Lạng rất được ưa chuộng của đông đảo người tiêu dùng trong toàn quốc, là niềm tự hào của người Lạng Sơn mỗi khi giao lưu với bạn bè cả nước.
Trước những năm 2005 việc sản xuất và tiêu thụ rượu trên vùng núi Mẫu Sơn đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con dân tộc nơi đây, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng 3 này. Việc sản xuất rượu là đòn bẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp – chăn nuôi. Thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các địa phương. Lúc này rượu Mẫu Sơn có giá cả hợp lý, chất lượng tốt nên nhu cầu tiêu thụ lớn.
Song từ đó đến nay, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên dòng rượu dân gian này đang bị mất dần uy tín trên thị trường. Chất lượng và sản lượng ngày càng suy giảm mạnh, nhiều hộ dân đã bỏ không nấu rượu nữa. Có nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nhiều doanh nghiệp kinh doanh rượu sản xuất từ những địa phương khác, hoặc rượu vùng Mẫu Sơn nhưng không tuân theo các quy trình sản xuất và chất lượng không đảm bảo. Nhưng họ vẫn lấy tên là "Rượu Mẫu Sơn", xuất xứ từ Mẫu Sơn. Chất lượng không đảm bảo, cạnh tranh không lành mạnh, họ chưa có ý thức về sự cần thiết phải giữ gìn phát huy giá trị truyền thống và đặc trưng bản sắc của văn hóa ẩm thực Mẫu Sơn. Hơn nữa nguồn nguyên dược liệu để sản xuất men ngày càng khan hiếm dần do không được chú ý đầu tư phát triển. Thậm chí nhiều hộ dân do chạy theo lợi nhuận trước mắt đã dùng các loại men không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất rượu để có năng xuất cao, nhưng chất lượng loại rượu này thì không ai có thể đảm bảo. Ảnh hưởng lớn đến uy tín rượu Mẫu Sơn.
Theo kết quả điều tra của Ban vận động thành lập Hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn. Hiện nay trên trên thị trường có 34 loại rượu của 18 doanh nghiệp của nhà nước cũng như tư nhân kinh doanh rượu ghi nguồn gốc xuất xứ từ Mẫu Sơn, chất lượng và giá cả các loại rượu này không đồng đều gây hoài nghi cho người tiêu dùng, họ không thể biết loại rượu nào có hương vị đúng như rượu truyền thống của đồng bào Dao Công-Mẫu Sơn.Trước tình hình đó Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã chỉ đạo Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức Hội thảo tìm giải pháp nhằm bảo vệ thương hiệu và nâng cao chất lượng rượu có xuất xứ từ vùng núi cao Mẫu Sơn. Qua Hội thảo đã có nhiều ý kiến tham luận có giá trị nhằm tìm ra các giải pháp giải quyết. Trong đó có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh rượu và đặc biệt là ý kiến của các già làng trưởng bản, những người trực tiếp sản xuất trưng cất rượu. Căn cứ vào kết quả Hội thảo, tháng 09/2010 Sở Khoa học và Công nghệ đã quyết định thành lập Ban vận động hội sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu vùng cao Mẫu Sơn.
Qua một năm tuyên truyền vận động, nhận dược sự đồng tình ủng hộ của đông đảo các hộ dân trực tiếp sản xuất rượu, các trưởng bản, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tính đến hết tháng 06/2011 đã có trên 50 hội viên đăng kí tham gia Hiệp hội.
Nhờ kết quả tích cực đó, ngày 11/07/2011 UBND tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định số 1087/QĐ-UBND cho phép Thành lập Hiệp hội rượu cùng cao Mẫu Sơn.
Ngày 12/10/2011 Hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Với sự thống nhất cao Đại hội đã bầu ra Ban lãnh đạo Hiệp hội. Ông Đoàn Quyết Chiến – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần phát triển Công Mẫu Sơn được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. |
Giò lụa, giò chả hay chả lụa (Từ phổ thông) là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc xuống Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, giò lụa giòn và thơm đậm mùi thịt tươi luộc cộng với mùi đặc trưng của lá chuối tươi được luộc chín.
Nguyên liệu làm món giò lụa rất đơn giản nhưng để có được miếng giò ngon đòi hỏi sự lựa chọn cầu kỳ, tinh tế và quy trình thực hiện hết sức bài bản:
Thịt lợn: lựa chọn thịt còn tươi vừa mổ lấy ra từ con lợn mới làm lông sạch, tốt nhất là thịt lợn ỉ mỗi con nặng khoảng 40–50 kg. Thịt để vào tay còn có cảm giác ấm, và thái trên thớt miếng thịt còn như nhảy trên mặt thớt, thịt dai không nhão.
Nước mắm: chọn loại nước mắm thật ngon với độ đạm cao, thơm và sánh (như nước mắm cá thu).
Lá chuối: chọn lá tươi bánh tẻ, tốt nhất là lá chuối tây. Giò lụa có hương vị đặc biệt chính là nhờ sự kết hợp của vị thơm lá chuối luộc chín kết hợp với vị thịt tươi luộc chín. Do đó, trong sự cách tân món giò truyền thống, một số người thử nghiệm cho giò sống vào ống sắt để luộc đã không mấy thành công, và Nguyễn Tuân, trong khi dẫn lời một nghệ nhân làm giò tại Hà Nội, cụ Líu, đã gọi đó là món "giò gỉ sắt".
Gia vị khác: một số địa phương và một số nghệ nhân còn gia thêm chút bột ngọt, đường, hạt tiêu xay nhuyễn tuy không phải là những gia vị bắt buộc theo cách thức truyền thống.
Thịt lợn nạc trước kia thường được đem giã thủ công để thành giò sống. Thịt chọn loại nạc mông hay thịt thăn vừa mổ từ lợn ra, còn nóng hổi, không rửa nước, lọc nhanh để bỏ hết mỡ, gân, xơ, thái miếng vuông cho vào cối đá mỗi mẻ khoảng 400-500g và dùng chày gỗ (trước kia thường làm bằng gỗ mít) để giã. Người giã giò là người có sức khỏe, hay tay cầm hai chày giã liên tục, thật đều tay và bền sức, nghe đều đều như tiếng bật bông nệm. Kỹ thuật giã giò cũng mang tính chất quyết định chất lượng giò, nói như lời cụ Líu trong thiên tùy bút Giò lụa của Nguyễn Tuân đã dẫn, nghe tiếng giã giò có thể đoán được mẻ giò lụa là được hoặc là bỏ... giã giò mà nhịp chày không đặm đều sẽ không khác gì người đổ bê tông móng cầu chậm chạp lóng ngóng làm ôi xi măng....
Hiện nay, trong nỗ lực cơ khí hóa thay thế sức lao động thủ công của con người, đã có máy thực hiện giã giò, và nghề giã giò cũng như kỹ thuật giã giò cha truyền con nối đã dần dần mất đi tại các cơ sở sản xuất, làng nghề. Nhưng dù bằng máy móc gì chăng nữa, giò sống để làm món giò lụa không thể thực hiện bằng các máy xay, băm thịt, bởi sẽ khiến món giò trở nên bã và xơ, không mịn đều, mất ngon. Khi giã thịt gần hoàn tất, người giã giò cho vài thìa nước mắm ngon (thường là nước mắm cá thu) và tiếp tục thúc thật nhuyễn cho đến khi nhấc chày lên giò sống không bết dính vào đầu chày.
Giò sống đã hoàn tất được gói trong lá chuối. Vòng ngoài giò là lá chuối già, áo lót trong cùng là lá chuối non vàng nhạt màu lụa. Giò được bó bằng lạt giang thật chặt với lớp lá chuối thật kín (nhiều người còn bọc thêm nilon hoặc giấy bản bên ngoài lá chuối để tránh tình trạng nước trong nồi thấm vào giò), lăn nhẹ cho cây giò tròn trịa.
Cây giò được luộc chín trong nước. Quy trình luộc giò cũng rất quan trọng, nước trong nồi phải thật sôi mới thả giò vào theo chiều đứng, ngập trong nước. Giò phải được luộc vừa đủ chín, không quá lửa cũng không non quá. Thường với gói giò 1 kg thì luộc khoảng 1 tiếng đồng hồ là hoàn tất. Tương tự như vậy, với cây giò nửa kg thì giảm thời gian luộc giò xuống còn một nửa. Người dân tại làng Ước Lễ có kinh nghiệm khi cho giò vào luộc cũng là lúc thắp một nén hương có độ dài bằng chu vi khoanh giò, đợi nén hương cháy hết là vớt giò ra. Giò ném xuống mặt thớt nảy lên như quả bóng có nghĩa là giò chín.
Giò lụa ngon khi khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có một vài lỗ rỗ, mùi thơm, vị ăn ngọt, giòn, mịn màng, không khô rắn, không mềm nát và không bị bã.
Giò lụa thường được thái thành khoanh ngang và xắt làm 4-6-8 miếng bằng nhau theo đường kính và trình bày trên đĩa thành hình hoa thị hay hình sao; hoặc thái khoanh ngang mỏng và xắt đôi thành hình bán nguyệt và bày dạng xòe quạt. Giò được ăn đơn giản bằng cách chấm nước mắm ngon rắc hạt tiêu rang giã nhuyễn, có thể thêm chút tinh dầu cà cuống. Ngoài cách ăn thông thường như một món ăn trên mâm cỗ ngày lễ tết hay món ăn mặn thường nhật, giò lụa cũng thường sử dụng ăn kèm với bánh giầy (gọi là bánh giầy giò), xôi (xôi giò), bánh cuốn, bánh giò, hoặc món cơm gạo tám thơm (cơm tám giò chả).
Giò lụa đạt chất lượng có thể để khá lâu không thiu, nếu để nguyên cây giò có thể bảo quản trong nhiệt độ bình thường khoảng 1 tuần lễ.
Tại miền Bắc Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất giò lụa ngon nhất là ở các làng nghề làm giò nhưng nổi tiếng là làng nghề giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ).
Khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình thực hiện cầu kỳ để có miếng giò lụa dai, giòn và mịn đã trở nên khá khó khăn khi thịt lợn tăng trọng rất bở, có nhiều nước trở nên phổ biến và khi kỹ thuật giã giò công phu đã không được ưa chuộng tại những cơ sở sản xuất giò chả thiếu lương tâm. Tại nhiều nơi, giò lụa đã được thực hiện với thịt không còn tươi rói nhưng lại được kết hợp với lượng hàn the rất lớn cho miếng giò giòn dai và mịn. Với một hướng đi mới trong việc tìm tòi phụ gia thay thế để sản xuất giò lụa, bún, đề tài Nghiên cứu sử dụng carageenan (một chất chiết xuất từ rong biển tương tự argar) thay thế borat (hàn the) trong sản xuất giò lụa của Nguyễn Thành Thoại đã khiến mọi người hết sức bất ngờ. Giò lụa có sử dụng carageenan cho màu đẹp, mùi vị thơm ngon, dai, giòn và có độ bền đông kết cao nhưng lại không gây độc hại như dùng hàn the, là chất đã bị Bộ Y tế nghiêm cấm sử dụng.
Nguyễn Tuân trong thiên tùy bút Giò lụa viết tặng nhà văn Thạch Lam vào dịp hè năm 1973, đánh giá: Không sợ là huênh hoang thiếu khiêm tốn, ta có thể nói rằng biết chế lợn ra thành cân giò lụa, đó là đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc toàn cầu ăn thịt lợn và chế biến món ăn từ hiếu lợn, hình như giò lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra thôi (tôi thành thật rất mong một bạn bác học nào dẫn chứng và chỉ cho tôi thấy thêm là ngoài cõi Việt Nam, giò còn thấy ở vùng nào xứ nào nữa kia). Tại sao lại chỉ có cái anh Việt Nam nghĩ ra món giò. Ta có dịp chiêu đãi bạn bè họ nội ngoại quốc tế ai cũng thấy là có mê cái món giò lụa Việt Nam tinh tế nhường ấy thì cũng không có gì là lạ cả. |
Màu xanh lá cây hay màu xanh lục (green) là màu sắc trong tự nhiên.Hầu hết các lá cây có màu xanh lục nhờ các chất diệp lục trong cây.Đa số người thấy màu này khi nhìn vào hình bên.
Màu xanh lá cây có bước sóng từ 500-565 nm.
Số Hex = #008000
RGB (r, g, b) = (0, 128, 0)
CMYK (c, m, y, k) = (100, 0, 100, 50)
HSV (h, s, v) = (120, 100, 50) |
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, tên giao dịch HABECO (Hanoi Beer-Alcohol-Beverage Joint Stock Corporation) là một doanh nghiệp cổ phần có trụ sở ở Hà Nội, Việt Nam. Đây là công ty bia lớn thứ ba tại Việt Nam và là chủ sở hữu của các thương hiệu Bia Hà Nội và Bia Trúc Bạch. Nó thuộc quyền sở hữu và thẩm quyền của Bộ Công Thương, Việt Nam và có quan hệ đối tác chiến lược với Tập đoàn Carlsberg, công ty sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty tính đến tháng 11 năm 2012. Habeco sản xuất 422,4 triệu lít bia và tiêu thụ 413,5 triệu lít trong năm 2011, tăng 4% và 2,3% so với năm 2010
Năm 1890, thực dân Pháp đã xây dựng nhà máy bia tại Hà Nội chủ yếu là để phục vụ họ và những công chức Việt Nam tại một số thành phố lớn ở miền Bắc. Nhà máy bia ban đầu mang tên một người Pháp là Hommel, sản xuất chỉ 150 lít/ngày do 30 người lao động do Pháp đào tạo. Năm 1954, khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng nhà máy bia được đổi tên là nhà máy bia Hà Nội nay là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội.
Năm 1958 loại bia chai Trúc Bạch được sản xuất. Năm 1960 nhà máy sản xuất được 15 triệu lít/năm, năm 1970 nâng lên 20 triệu lít/năm. Năm 1978 nhà máy được Đông Đức giúp đỡ cải tạo nhà nấu và năm 1983 nhà nấu liên hợp được đưa vào sử dụng, nâng công suất lên 30 triệu lít/năm. Cũng trong năm này nhà máy bia Hà Nội đổi tên thành Công ty Bia Hà Nội. Năm 1989 luận chứng kinh tế kỹ thuật đầu tư, mở rộng sản xuất từ 30 lên 50 triệu lít của nhà máy đã được phê duyệt và được thực thi.
Năm 2003, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bia Hà Nội và một số đơn vị thành viên Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2008 thành Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO). Đến nay, tổng công ty đã đầu tư đổi mới công nghệ, mua hầu hết các thiết bị máy móc hiện đại của Tây Âu. Vào năm 2004, dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, nâng công suất lên đến 100 triệu lít/năm đã hoàn tất và đưa vào sử dụng. Hiện tại bia HÀ NỘI đã mở rất nhiều nhà máy sản xuất tại Mê Linh, Hưng Yên.
Tháng 5 năm 2019, Logo nhận diện mới HABECO Slogan: Sức bật Việt Nam. Logo mới với chữ HABECO được viết in đậm gắn với giá trị cốt lõi của Habeco:
H: Hội nhập nhưng vẫn riêng một bản sắc
A: Am hiểu nhưng không ngừng nghiên cứu
B: Bền bỉ nhưng sẵn sàng bứt phá
E: Ép nỗ lực để không ngừng phát triển
C: Chung ước mơ để cùng nhau đi tới
O: Ôm chí lớn cho một tầm cao mới
Bia lon Hà Nội duy nhất
Bia chai Hà Nội
Bia lon Hà Nội
Bia Hà Nội Premium
Bia lon Hà Nội Premium
Bia hơi Hà Nội
Bia Trúc Bạch
Bia lon Trúc Bạch
Bia Hà Nội xanh
Bia lon Hà Nội xanh
Bia chai Hà Nội Bold & Light
Nước uống đóng chai UniAqua
Ngành nghề chủ yếu của Tổng công ty gồm: Sản xuất, kinh doanh Bia - Rượu - Nước giải khát và Bao bì; Xuất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, phụ liệu, hoá chất; Dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn đầu tư, tạo nguồn vốn đầu tư, tổ chức vùng nguyên liệu, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ và ngành nghề khác theo luật định.
Năm 2012 Tổng công ty đạt sản lượng 612 triệu lít bia các loại. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong những năm gần đây bình quân là 20%. Doanh thu bình quân tăng mỗi năm 30%. Nộp ngân sách cho nhà nước bình quân tăng hơn 20%. Lợi nhuận tăng bình quân mỗi năm 12%.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội đến năm 2010, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội sẽ xây dựng thành một trong những Tổng công ty mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành Công nghiệp sản xuất Bia, Rượu, Nước giải khát, tiếp tục có những đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
- Huân chương Lao động hạng Ba (1960 – 1962)- Huân chương Lao động hạng nhì (1960 – 1962)- Huân chương chiến công hạng Ba (1997)- Huân chương Lao động hạng Nhất (2000)- Huân chương Độc lập hạng Ba (2006)- Chính phủ tặng cờ luân lưu (1992, 1993, 1996, 1998, 1999, 2000, 2002, 2003)- Bộ công nghiệp tặng cờ thi đua (1998, 1999, 2000, 2002, 2003). Năm 2005, 2006 được nhận Cờ thi đua của chính phủ.- Đảng Bộ Tổng Công ty 14 năm liên tục (1990 – 2003) được Thành ủy và Đảng Bộ Khối Công nghiệp khen tặng cờ thi đua và công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc (1999, 2000, 2003 - 2006) và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2007.- 5 năm liên tục (1998 – 2002), Đoàn thanh niên Tổng Công ty được Thành đoàn và Trung ương đoàn tặng bằng khen.- 10 năm liên tục (1988 – 1998), đại đội tự vệ liên tục giữ cờ thi đua luân lưu của Quân khu Thủ đô tặng đơn vị tiên tiến xuất sắc, dẫn đầu phong trào dân quân, tự vệ trong toàn quân và Quân khu.- Ngoài ra, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp - Tháng 6/2002, hệ thống quản lý chất lượng của Tổng Công ty được tổ chức TUV NORD của CHLB Đức chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000.- Năm 2005, HABECO được chấp nhận áp dụng hệ thống quản lý môi trường đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 14000:2004.- Năm 2006, HABECO xây dựng và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005- Đạt Cúp Vàng chất lượng Việt Nam năm 2002, 2005.- Topten Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2005.- Cúp Sao Vàng Đất Việt năm 2003, 2005, 2007- Cúp vàng Thương hiệu nổi tiếng năm 2004 tại Madrid.- Giải thưởng Vàng châu Âu về chất lượng và uy tín thương hiệu năm 2005 tại Bỉ.- Giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (IAPQA) năm 2006. |
Bún chả cá là một món ăn đặc trưng của khu vực MIền Trung Việt Nam. Cá sau khi được chế biến thành chả, cùng với bún và các nguyên phụ liệu khác là những thành phần của một tô bún chả cá.
Lý do chính để bún chả cá phổ biến tại Trung Bộ hơn là các miền khác là do hầu như miền này có đủ các loại cá ngon dùng để chế biến thành chả cá như là: cá thu, cá thác lác, cá mối, cá chuồn, cá nhồng. Bún chả cá thường được tìm thấy tại các tỉnh nằm ven biển, vì các vùng này là nơi có sản lượng đánh bắt cá cao.
Bún chả cá được chế biến theo nhiều cách, cầu kỳ thì có thể dùng cá thu. bình dân thì các loại cá tạp khi ăn phối hợp thêm rau sống tạo nên một món ăn khá cân bằng về dinh dưỡng. Bún chả cá cung cấp một khối lượng dinh dưỡng đáng kể: mỗi tô khoảng 400-500 kcalo, chất đạm, amino acid. Thêm vào đó, nó chứa ít cholesterol và giàu Vitamin A và Vitamin D. Thế nhưng vẫn có lo ngại về nguy cơ gây hại cho sức khỏe ở Bún chả cá khi ở khâu làm chả, những nhà sản xuất thường hay tận dụng dầu để chiên làm sản sinh các chất có hại cho sức khỏe, và khâu bảo quản, cá dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách.
Bún cá Nha Trang
Bún chả cá Đà Nẵng
Bún chả cá Bình Định |
Flaki hay flaczki là món thịt hầm truyền thống của Ba Lan. Nó có thể là một hương vị, nhưng là một trong nhiều món súp là một phần quan trọng trong nấu ăn Ba Lan. Cùng với bigos, żurek và pierogi, đây là một trong những đặc sản đáng chú ý nhất trong ẩm thực Ba Lan. Tên của nó có nguồn gốc từ thành phần chính của nó: dải thịt bò mỏng, được làm sạch (trong tiếng Ba Lan: flaki - cũng có thể được dịch theo nghĩa đen là "ruột").
Tên tiếng Ba Lan flaki, nghĩa đen là "ruột" là số nhiều của flak ("ruột"), đến từ tiếng Đức Fleck ("chấm"), từ vlëc trong tiếng Trung Đức flec/flek tiếng vùng cao Đức cổ, từ Proto-Germanic * flekka- ("spot / mark"). Flaczki, sự giảm nhẹ của flaki, cũng được sử dụng để chỉ các món súp lòng bò ở Ba Lan. tiếng Croatia fileki là cùng họ hàng. Tên tiếng Đức cho súp lòng bò bao gồm Kuttelsuppe và Flecksuppe ("súp lòng bò'), cũng như Saure Kutteln và Saure Flecke ("nộp tạng chua"), như từ Kuttel, Fleck và Kuttelfleck tất cả có thể có nghĩa là "lòng bò".
Flaki đã được tiêu thụ trên lãnh thổ Ba Lan từ thế kỷ 14. Đó là một trong những món ăn yêu thích của Vua Władysław II Jagiełło.
Phương pháp chuẩn bị có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào khu vực. Một số thành phần phổ biến bao gồm thịt bò, thịt bò, lá nguyệt quế, rau mùi tây, cà rốt, nước dùng thịt bò và gia vị cho hương vị, bao gồm muối, hạt tiêu đen, hạt nhục đậu khấu, ớt bột ngọt, và kinh giới. Đôi khi lòng thịt lợn có thể được sử dụng thay vì lòng
bò đặc biệt là trong các phiên bản làm sẵn của món ăn được bán ở Ba Lan.
Cà chua cô đặc đôi khi được thêm vào flaki, và một số có thể nấu lòng mà không cần nước cốt. Một bổ sung phổ biến để cải thiện 'sự cao quý' là bổ sung thịt viên, thường được tìm thấy trong một biến thể khu vực được gọi là 'flaki po Warszawsku' (flaki kiểu Warsaw). Flaki làm sẵn trong lon hoặc lọ được bán rộng rãi trong các cửa hàng tạp hóa trên khắp Ba Lan, trong đó có cả "Flaki po Zamojsku" (Zamość -style Flaki). Một biến thể của flaczki, trong đó dạ dày gia cầm được sử dụng thay vì bò, cũng được biết đến và được gọi là 'flaki drobiowe' (flaki gia cầm). Các món súp truyền thống được phục vụ trong đám cưới Ba Lan - là một trong những "bữa ăn nóng". Flaki được ăn với bánh mì tươi, thường là với bánh mì cuộn. |
Mắm kho hay canh mắm là một món ăn sử dụng nguyên liệu chính là mắm (mắm bò hóc, mắm cá các loại) nấu nước đậm vị và khá sánh đặc, ăn kèm với các loại rau nhúng, chấm, chần, tương tự như cách ăn lẩu, thịnh hành tại nhiều vùng ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam.
Mắm kho có lịch sử từ lâu đời, là món ăn thường nhật và được coi là món chủ lực trong mâm cơm của cộng đồng các dân tộc miền Nam Việt Nam nói chung. Người Khmer thường ăn mắm bò hóc (pro-hốk), trong khi đó người Kinh ăn mắm chao, bao gồm trong đó cả mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá đối, mắm cá chẻm, mắm cá kến, mắm cá mề gà v.v.
Mắm kho theo thông lệ được chế biến đơn giản. Nồi nước (trước kia thường nấu bằng nồi đất) được bắc lên bếp đun đến khi sôi, ngày nay nước dùng để nấu mắm kho (lẩu mắm) phải là nước hầm xương lợn được ninh (hầm,đun)lấy nước ngọt. Người nội trợ dùng giỏ tre để các con mắm (mắm lóc nguyên con hay mắm cá sặt (ngon nhất)với chút nước mắm tiết ra cho vào giỏ, dạo trong nồi nước cho rã thịt. Xương cá được vớt bỏ (có thể dằm cho tan với ít nước dùng rồi lược lại xác mắm, lấy nước cốt, chia làm hai phần, một phần cho vào lẩu đun lại cho sôi,phần còn lại khi ăn hãy cho vào, mục đích làm cho lẩu mắm giữ lại mùi thơm(quá trình đun sôi làm bay mất mùi thơm đặc trưng của mắm)), và nồi nước dùng được gia thêm đường, bột ngọt, tùy theo khẩu vị sau đó lại bắc lên bếp đun sôi liu riu. Trước khi ăn thực khách có thể gia thêm nước cốt chanh.
Mắm kho rất thích hợp để chấm bông điên điển hoặc hoa súng, rau nhút(một loại rau mọc trên mặt nước như rau muống), bắp chuối thái mỏng, có nơi gọi là hoa chuối, giá, như những câu ca dao bên dưới nói đến. Tuy vậy, trong thực tế nồi mắm kho được nhúng với nhiều loại rau dưa khác nhau, và theo truyền thống chỉ đơn giản là nồi mắm nhúng rau,, bao gồm trong đó cả các loại rau trồng và rau dại, ăn với cơm. Một số loại rau được luộc sơ trước khi chấm mắm như rau muống luộc, ngọn bí và lá bí non luộc, rau cải luộc v.v. Và bên cạnh đó là các loại rau sống, rau thơm như rau đắng đất, rau càng cua, rau đắng đồng, rau nhúc, rau ngổ, rau bồng bồng, bông điên điển, bông súng, rau dừa, lá mã đề, rau càng cua, rau Mặt Trăng, rau cải trời, lá cách, lá điều, lá đào, rau dấp cá, rau húng lũi, tía tô, rau Mặt Trăng, lá sộp, lá muối, cà tím, đậu bắp, hoa chuối v.v.
Mắm kho tạo nhiều biến thể tùy địa phương. Nồi mắm kho có thể loãng tương tự như canh (dùng để nhúng chín tái rau), cũng có thể được kho đến đặc sánh (chấm rau). Một số vùng còn gia thêm nước dừa tươi vào nồi mắm. Chỉ riêng chuyện rau ăn kèm cũng là chuyện làm nhiều người tranh cãi vì món rau tại mỗi vùng mỗi khác, chẳng hạn nơi thì dùng lá xoài xanh nơi lại kết hợp với lá đinh lăng. Trong dân gian mắm kho được làm với sự tiện dụng nhất định, không nhất thiết theo công thức nguyên liệu, nhiều khi chỉ được gia thêm vào nồi mắm dăm con cá kèo, chút thịt vụn, vài con tôm bạc vừa cất vó và rau trồng, rau dại hái quanh nhà. Trong khi đó tại các nhà hàng trong thành phố món mắm kho thường đi kèm thịt heo quay và tôm càng lột vỏ.
Trong những thập niên gần đây khi đời sống dư dả hơn và thú ẩm thực trở nên cầu kỳ hơn, nồi mắm kho đã được cải tiến với sự bổ sung nhiều loại thịt động vật, giúp nồi mắm thêm hấp dẫn và bổ dưỡng. Sang hơn nữa, nồi mắm kho còn được nâng lên thành lẩu mắm bằng những gia vị khác cầu kỳ như sả, ớt, riềng, hành, tỏi băm nhuyễn và cách chế biến bài bản. Bên cạnh các loại rau đồng và rau dại nói trên, lẩu mắm được nhúng với cả thịt ba chỉ, thịt quay, tôm sú lột vỏ, cá mực tươi, trứng cá kèo, cá đối, cá ngát, cá chẽm, ngao, sò, lươn v.v. Nồi nước dùng với mắm rã trong nước luôn để sôi lăn tăn trên bếp, các loại thịt, cá và rau được nhúng vào từ từ trong quá trình ăn và ăn luôn khi vừa chín, còn nóng hổi.
Mắm kho hay lẩu mắm có thể kết hợp với bánh tráng cuốn các nguyên liệu đã nhúng chín trong nồi, nhưng thường thấy nhất là ăn kèm với cơm, bún hay xôi trắng, và trong khi ăn, rất thích hợp khi đi kèm chén rượu đế.
Mắm kho chấm với dưa bồng
Nồi cơm vét sạch mẹ chồng khen ngon
(Ca dao Việt Nam)Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Việt Nam) |
Bombe glacée, hay đơn giản là bombe trong tiếng Anh, là món tráng miệng bằng kem được đông lạnh trong khuôn hình cầu để tạo hình sao cho giống với quả đạn pháo, do đó mà món này còn có tên là "kem bom". Escoffier đã đưa ra hơn 60 công thức chế tạo bombe trong quyển sách của ông nhan đề Le Guide culinaire. Món tráng miệng này từng xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng từ năm 1882.Nói cách khác, thuật ngữ này đã được sử dụng để chỉ bất kỳ loại bánh kem nào được tạo hình thông qua quá trình đúc, không nhất thiết phải là hình bán cầu. Người ta còn dùng thuật ngữ này để gói gọn số món ăn được làm từ những món tráng miệng đông lạnh khác, chẳng hạn như sherbet, sorbet hoặc mousse.Bombe là một phần của thực đơn dành riêng cho đám cưới của Nữ vương Elizabeth và Vương tế Philip. Món này được phục vụ trong bữa tối cấp nhà nước của Nhà Trắng do Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy Onassis và Tổng thống Kennedy tổ chức dành cho Tổng thống Sudan Ibrahim Abboud, kể cả bữa tiệc do Nữ hoàng Elizabeth tổ chức dành cho Đệ nhất Phu nhân Laura và Tổng thống Bush.
== Tham khảo == |
Cà phê sữa đá là một loại thức uống thông dụng ở Việt Nam. Cà phê sữa đá truyền thống được làm từ cà phê nguyên chất đựng trong phin với sữa đặc có đường và bỏ đá vào trong một cái ly bằng thủy tinh rồi thưởng thức.Cà phê sữa đá pha theo phong cách Việt Nam gồm cà phê rang xay được pha phin hay pha sẵn với sữa đặc có đường (thông dụng là sữa Ông Thọ) theo tỷ lệ một phần nước cà phê, 1 hoặc hai phần sữa tùy theo khẩu vị của người uống. Món cà phê sữa này khi chế biến được người Sài Gòn và miền Nam Việt Nam dùng chung với nhiều đá vừa để thưởng thức và giải khát, do khí hậu nóng ẩm đặc trưng của miền Nam Việt Nam; món thức uống này sau dần được truyền bá và lan rộng trên cả nước. Món cà phê sữa đá cùng với cà phê đen đá là hai loại thức uống từ cà phê phổ biến tại các quán cà phê cũng như ở toàn thể khắp đại gia đình Việt Nam.
Cà phê được du nhập vào Việt Nam năm 1857 bởi một linh mục Công giáo người Pháp. Do hạn chế về nguồn sữa tươi, khi ngành chăn nuôi bò sữa vẫn còn sơ khai, người Pháp và Việt Nam đã sử dụng sữa đặc có đường với cà phê rang đậm.
Ngày nay, có nhiều trang trại cà phê rải rác trên khắp vùng Tây Nguyên. Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê vối (Robusta) lớn nhất - và là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. |
Kakigōri (かき氷, Kakigōri) là một món tráng miệng đá bào Nhật Bản có siro và một chất tạo ngọt, thường là sữa đặc.
Nguồn gốc của kakigōri bắt nguồn từ thời Heian trong lịch sử Nhật Bản, khi những khối đá được lưu trong những tháng lạnh hơn sẽ được cạo và phục vụ với xi-rô ngọt cho giới quý tộc Nhật Bản vào mùa hè. Nguồn gốc của Kakigōri được nhắc đến trong cuốn The Pillow Book, một cuốn sách quan sát được viết bởi Sei Shōnagon, người phục vụ Tòa án Hoàng gia trong thời kỳ Heian. Kakigōri trở nên dễ tiếp cận hơn vào thế kỷ 19, khi băng trở nên phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong mùa hè. Cửa hàng kakigōri đầu tiên được cho là đã mở tại Yokohama vào năm 1869.Ngày 25 tháng 7 được gọi là ngày kakigōri ở Nhật Bản vì cách phát âm của nó nghe giống như băng mùa hè trong tiếng Nhật. Một lý do khác cho ngày 25 tháng 7 là ngày kakigōri là bởi vì, vào ngày đó năm 1933, đã có một nhiệt độ cao kỷ lục ở Nhật Bản.
Cách làm kakigōri truyền thống sử dụng máy quay tay để quay một khối băng trên lưỡi dao bào. Mặc dù máy ầo bằng điện thường được sử dụng nhất, những người bán hàng rong vẫn có thể được nhìn thấy những viên đá bào bằng tay vào mùa hè.
Thay vì nước đá có vị sẵn, Kakigōri theo truyền thống được làm từ đá tinh khiết, trong nhiều trường hợp, là một khối nước khoáng đóng băng. Băng được sử dụng thường được lấy từ các lò xo tự nhiên, sau đó được tôi luyện để đạt được chất lượng lý tưởng để cạo râu. Trước khi làm lạnh, hang động trên núi hoặc nhà bằng băng sẽ là cách lưu trữ đá cho kakigōri truyền thống.Nó tương tự như một hình nón tuyết nhưng với một số khác biệt đáng chú ý: Nó có độ đặc mịn như đá mịn hơn nhiều, giống như tuyết mới rơi, và một chiếc thìa hầu như luôn được sử dụng để ăn nó. Kết cấu của băng phân biệt kakigōri với các loại món tráng miệng đá bào khác. Do sự khác biệt về kết cấu này, nó cũng đã được dịch là "Thiên thần tuyết", có lẽ nghe hấp dẫn hơn.Hương vị phổ biến bao gồm dâu tây, anh đào, chanh, trà xanh, nho, dưa, " Blue Hawaii ", mận ngọt và xi-rô không màu. Một số cửa hàng cung cấp các loại đầy màu sắc bằng cách sử dụng hai hoặc nhiều xi-rô. Để làm ngọt kakigōri, sữa đặc hoặc bay hơi thường được đổ lên trên.
Ngoài các quầy hàng trên đường phố, kakigōri được bán trong các lễ hội, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, cửa hàng kakigōri chuyên dụng, và nhà hàng. Nó cũng thường xuyên được chuẩn bị bởi các gia đình ở nhà. Trong những tháng hè nóng nực, kakigōri được bán hầu như ở mọi nơi tại Nhật Bản. Đặc biệt là tại các lễ hội và hội chợ mùa hè như lễ hội Matsuri và bon odori, thường được phục vụ cùng với các món ăn đường phố khác như yakisoba, takoyaki và kẹo bông. Kakigōri là một trong những tính năng mùa hè ở Nhật Bản. Một số cửa hàng phục vụ nó với kem lạnh và đậu đỏ ngọt hoặc trân châu.
Một lá cờ có ký hiệu kanji cho ice kōri (氷) là một cách phổ biến và truyền thống để một cơ sở chỉ ra rằng họ đang phục vụ kakigōri.
Shirokuma (白熊 or しろくま, Shirokuma) là một loại kakigōri, một món tráng miệng Nhật Bản làm từ đá bào có sưa đặc, những chiếc mochi nhỏ sặc sỡ, trái cây, và tương đậu ngọt (thường là đậu đỏ). quýt hồng, anh đào,dứia và nho khô thường được dùng để làm shirokuma.
Ujikintoki (宇 治 金 hoặc う じ き) là một loại Kakigōri được làm từ đá bào, xi-rô trà xanh có hương vị, bột đậu ngọt (đậu Azuki), bánh giầy mochi và kem trà xanh (抹茶アイスクリーム, Matcha aisu kurīmu). |
Kinpira (金平hayきんぴら, Kinpira) là một phong cách nấu ăn của Nhật Bản bao gồm những kỹ thuật chế biến như phương pháp áp chảo và ninh thức ăn. Món ăn phổ biến nhất được chế biến theo cách này là Kinpira Gobo, hay món hầm làm từ rễ cây ngưu bàng. Kinpira thường được dùng để nấu rễ của các loại rau củ như cà rốt, sợi cây ngưu bàng và củ sen; vỏ của các loại bí đao như Kabocha; các loại rau bao gồm nấm và súp lơ; các loại rong biển như arame và hijiki; thành phần khác bao gồm đậu phụ, ớt và bột mỳ (namafu); các loại động vật bao gồm đùi gà, giò heo và thịt bò. Nước sốt truyền thống gồm có nước sốt đậu nành, rượu mirin, đường và ớt chuông.Cái tên "Kinpira" được đặt theo tên con trai của Kintarō, một anh hùng dân gian Nhật Bản.
== Tham khảo == |
Cơm âm phủ là một món ăn nổi tiếng của thành phố Huế, được một nhà hàng tên là "Âm Phủ" có tuổi thọ hơn 80 năm sáng tạo ra, lâu dần quen miệng nên gọi là cơm âm phủ.
Hiện nay, món cơm âm phủ được nhiều nhà hàng quán xá ở nhiều tỉnh thành khác nhau tại Việt Nam phục vụ dẫn đến những sự khác biệt nhỏ trong cách chế biến. Hai công thức sau chỉ là ví dụ:
Có giả thiết cho rằng, cơm âm phủ được bán vào rằm tháng 7 hàng năm thời Minh Mạng. Người dân lao động thời đó khốn khổ, đói khát như những vong hồn nên khi thấy những quán cơm âm phủ họ đều ăn như ma đói. Chính vì thế, cơm âm phủ được gọi là cơm cô hồn.
Tương truyền, cơm Âm Phủ ngày xưa chính là cơm bán về đêm, hay còn gọi là giờ âm, chuyên phục vụ cho những người nhân công bốc vác làm việc khuya tại Đất Cố Đô. Món cơm này được kết hợp bởi nhiều món ăn còn lại trong ngày từ các tiệm cơm. Khi thành phố ngày càng phát triển thì các tiệm cơm như vậy dần biến mất, và hiện nay, chỉ còn một tiệm cơm gia truyền với tên gọi đặc trưng "Quán cơm Âm Phủ", trên đường Nguyễn Thái Học, đối diện sân vận động Huế. |
Bánh quy (cookie) là thực phẩm được nướng hoặc làm chín có hình dạng nhỏ, phẳng và ngọt. Bánh thường chứa bột, đường và một số loại dầu hoặc chất béo. Món này có thể bao gồm các thành phần khác như nho khô, yến mạch, sô cô la chip, các loại hạt, v.v.
Ở hầu hết các quốc gia nói tiếng Anh ngoại trừ Hoa Kỳ và Canada, bánh quy giòn là biscuits. Trong tiếng Việt, biscuits được gọi là bánh bích quy (bắt nguồn từ tiếng Pháp biscuit /biskɥi/). Các loại bánh quy cứng hơn cần nhai kỹ được gọi là cookies ngay cả ở Vương quốc Anh. Một số loại cookie cũng có thể được đặt tên theo hình dạng, chẳng hạn như "date squares" hay "bars".
Các biến thể bánh quy hoặc bánh quy bao gồm bánh quy sandwich như kem sữa trứng, Jammie Dodgers, Bourbons và Oreos, với nhân marshmallow hoặc mứt và đôi khi nhúng vào sô cô la hoặc lớp phủ ngọt khác. Bánh quy thường được phục vụ với đồ uống như sữa, cà phê hoặc trà và đôi khi được nhúng vào đồ uống, một cách thưởng thức đem lại nhiều hương vị hơn từ bánh kẹo bằng cách hòa tan đường, đồng thời làm mềm kết cấu của bánh. Bánh quy sản xuất tại nhà máy được bán trong các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi và máy bán hàng tự động. Bánh mới nướng được bán tại các tiệm bánh và quán cà phê, cuối cùng trải rộng từ các cơ sở kinh doanh nhỏ đến các tập đoàn đa quốc gia như Starbucks. |
Cua lột (Soft-shell crab/cua mai mềm) là một thuật ngữ trong ẩm thực để chỉ những con cua đã lột xác (lột vỏ) tách đi bộ mai cũ và bộ mai mới vẫn còn mềm. Điều này có nghĩa là hầu như toàn bộ con vật có thể được ăn được, thay vì phải bỏ vỏ để lấy thịt cua. Các bộ phận cua lột người ta không ăn là phần miệng, mang và vỏ bụng, mặc dù có thể ăn được khi vỏ còn rất mềm, nhưng thường bị loại bỏ ("làm sạch"). Phần còn lại ăn được của cua lột vỏ thường được chiên hoặc áp chảo. Tại Hoa Kỳ, loài cua tiêu thụ chính là loài cua xanh (Callinectes sapidus) xuất hiện ở các chợ từ tháng 4 đến tháng 9.
Ở vùng Deep South của Hoa Kỳ, thì thuật ngữ "cua Buster" có thể là một từ đồng nghĩa với một loài cua lột đầy đặn, nhiều thịt. Điều này là mặc dù thực tế, ý nghĩa ban đầu của cua Buster được dùng để chỉ loại cua lột chưa hoàn thành lột xác hoặc là loại mai mềm đã chết trước khi được cung cấp cho một nhà cung cấp hải sản, và sau đó được người ăn cua. Ở Nhật Bản, nhiều loài cua khác nhau được sử dụng để làm sushi như maki-zushi hoặc temaki-zushi. Cua xanh Nhật Bản (Portunus trituberculatus) hoặc cua bơi ven bờ (Charybdis japonica) thường được sử dụng làm nguyên liệu cho món này.
Ở Tây Ban Nha, động vật giáp xác vỏ mềm đặc trưng ở vùng ven biển Andalucia. Không phân biệt loài, chúng được gọi là Chiguatos, từ tiếng lóng địa phương Achiguatar, có nghĩa là được làm mềm. Các chế phẩm điển hình bao gồm cua nhung (Necora puber) và cua langoustines (Nephrops norvegicus), là những món ngon được đánh giá cao của vùng Sanlucar de Barrameda, và tôm hùm (Homarus gammarus) (gọi là langosta chiguata), đặc trưng dọc theo bờ biển Málaga. Thông thường, chúng được chiên giòn và phục vụ với dầu giấm. Ở Ý, mai mềm của loài cua Địa Trung Hải thông thường là món ngon đặc trưng của vùng đầm phá Venice (thành ngữ địa phương gọi là moeca). Cua lột có thể bị loại bỏ phần nội tạng mềm dọc theo khoang lưng trong quá trình làm sạch hoặc có thể để lại để tiêu thụ. |
Kem Siêu nhân (tiếng Anh: Superman ice cream) là loại kem có ba hương vị thường xuất hiện với các màu đỏ, xanh và vàng, thường được tìm thấy ở vùng Trung Tây Hoa Kỳ, đặc biệt là các bang Michigan và Wisconsin. Sự kết hợp thường được cho là bắt nguồn từ Detroit, Michigan, tại thương hiệu Stroh's Ice Cream trong suốt thời kỳ Cấm rượu, thế nhưng theo đó thì điều này chưa chắc đúng hoàn toàn.Sự kết hợp ba màu thường được đặt theo tên Siêu nhân (Superman), nhân vật siêu anh hùng của DC Comics sở hữu bộ trang phục bao gồm những màu đó, tuy nhiên hương vị kem có nguồn gốc trước khi nhân vật này được tạo ra và chưa bao giờ được cấp phép chính thức, vì vậy một số nhà sản xuất bán hương vị kem này dưới những cái tên thương hiệu khác nhau để tránh các vấn đề pháp lý tiềm ẩn. Hỗn hợp hương vị chính xác không được xác định cũng như bảng màu, và các nhãn hiệu khác nhau thường thay đổi các thành phần hương vị được sử dụng để tạo nên dạng kem lốc xoáy.Nhiều phiên bản truyền thống gọi kem trăng xanh (Blue Moon), một loại hương vị kem trong vùng thậm chí còn khó hiểu hơn, là thành phần màu xanh của kem lốc xoáy. Kem trăng xanh sở hữu hương vị khó có nơi nào có được và giống như hương vị kem Siêu nhân thường kết hợp với nhau, được tạo ra vào đầu thế kỷ 20. |
Bánh cuốn, còn gọi là bánh mướt hay bánh ướt (khi không có nhân), là một món ăn làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, cuộn tròn, bên trong độn nhân rau hoặc thịt.
Trong An Nam chí lược, sử gia Lê Tắc chú rằng "vào Tết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau". Điểm nữa là trong thi phẩm Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh (饋張顯卿春餅), năm 1291, vua Trần Nhân Tông cho hay: "Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh xuân thái, là phong tục cũ của An Nam xưa nay" (柘枝舞罷試春衫, 況值今朝三月三。 紅玉堆盤春菜餅, 從來風俗舊安南). Còn Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa dẫn rằng, bánh xuân thái cũng chính là tên gọi khác của bánh cuốn, sách này đồng thời nói: "Quyển bính nhiều nhân càng ngon; Hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay". Như vậy, vào thời Trần, thậm chí có thể truy lên thời Lý, nhằm tết Hàn thực, người Việt ăn bánh cuốn và có tục đem bánh cuốn tặng nhau, chứ chưa có tục ăn bánh trôi như thời Lê Nguyễn về sau. Bánh cuốn còn được gọi là bánh xuân (春餅) hoặc bánh xuân thái (春菜餅), trong có nhân (có thể gồm cả rau lẫn thịt), được cuốn tròn lại, hình dạng khá gần với bánh cuốn ngày nay.
Gạo thường dùng loại gạo cũ (do sử dụng gạo mới, gạo ngon sẽ có nhiều nhựa nên bánh sẽ dính, khó chế biến), xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ, xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh cuốn được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra. Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt. |
Bột cà ri (tiếng Anh: curry powder) là một loại bột gia vị được phối trộn từ nhiều nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật, xuất phát từ các tiểu lục địa Ấn Độ.
Làm bình gia vị bằng cách pha trộn nhiều nguyên liệu từ thực vật đã xuất hiện từ khoảng 4000 năm trước dưới thời Văn minh lưu vực sông Ấn, với các loại rau củ tiêu biểu như gừng, nghệ và tỏi. Trong khi đó, ớt được những người châu Mỹ phổ biến vào tiểu lục địa Ấn Độ từ thế kỷ 16. |
Kushiyaki (串焼き, Kushiyaki) là một món ăn phổ biến bao gồm các món ăn chứa và không chứa thịt gia cầm, chúng được xiên lên và nướng. Hiện nay, nhiều nhà hàng đã gộp tất cả những món ăn này thành 2 nhóm: kushimono (串物, kushimono) và yakimono (焼き物).
Trong ngôn ngữ Nhật Bản, hai thuật ngữ yakitori và kushiyaki đều có thể thay thế cho nhau dùng chỉ các món thịt xiên nói chung; tuy nhiên, khi đề cập đến một món ăn cụ thể, từ yakitori sẽ không được sử dụng trừ khi nguyên liệu chính của nó là thịt gà. Từ ngữ trên cũng được sử dụng trong trường hợp món ăn có thịt chân giò, chẳng hạn như thịt chân giò lợn nướng xiên được nấu với nước sốt giống như yakitori; đó là lý do tại sao ở một số vùng như Muroran, thịt chân giò xiên nướng cũng được gọi là "yakitori", thay vì tên gọi gốc là yakiton (やきとん, yakiton) .Mặc dù kabayaki cũng là món ăn xiên que và nướng trên than, song nó hiếm khi được gọi là kushiyaki vì món ăn này không được phục vụ trên xiên.
Ngoài ra, tại các nhà hàng cao cấp, món cá xiên nướng nguyên con với muối và được phục vụ sau khi rút xiên bao gồm cá tráp biển ( tai ) và cá nước ngọt ( ayu ) cũng không được gọi là kushiyaki, mà gọi là shioyaki (nghĩa đen là "nướng với muối"). Tại các quầy bán đồ ăn hoặc yatai, ayu được bán theo xiên.
Để món ăn có thể chín đều, nguyên liệu chế biến sẽ được cắt thành những hình dạng nhỏ, gần như đồng nhất. Xiên hoặc kushi được làm bằng tre hoặc cây bách Nhật Bản, và hình dạng cũng như chiều dài khác nhau để sử dụng cho từng loại thực phẩm: ví dụ như xiên có hình dạng phẳng hơn sẽ được sử dụng cho thịt băm.
Gia vị Kushiyaki chủ yếu được chia thành hai loại: mặn và mặn ngọt. Loại mặn thường sử dụng muối thường làm gia vị chính. Đối với loại mặn-ngọt, một loại nước sốt đặc biệt bao gồm rượu mirin, rượu sake, nước tương và đường được sử dụng. Các loại gia vị phổ biến khác bao gồm bột ớt cayenne, shichimi, tiêu Nhật, tiêu đen, karashi và wasabi, tùy theo khẩu vị của mỗi người.
Những món ăn kèm để bài trí thức ăn cũng sẽ được tính trong biên lai nhà hàng:
pīman no nikuzume (ピーマンの肉詰め, pīman no nikuzume), ớt chuông nhồi thịt chân giò băm nhỏ.
tomato no bēkon maki (トマトのベーコン巻き, tomato no bēkon maki), thịt lợn xông khói bọc cà chua bi.
fukuro (袋, fukuro),đậu phụ mỏng chiên (aburaage) bọc nattō
gyūtan (牛タン, gyūtan) lưỡi bò thái lát mỏng.
butabara (豚ばら, butabara)
atsuage dōfu (厚揚げ豆腐, atsuage dōfu) đậu phụ thái dày chiên ngập dầu
enoki maki (エノキ巻き, enoki maki), thịt chân giò cắt lát bọc nấm enoki
asuparabēkon (アスパラベーコン, asuparabēkon), thịt lợn xông khói bọc măng tây.
Suzuki, R. (2005). Cocina Japonesa. Secretos de la cocina. Origo Chile. tr. Pt-79. ISBN 978-956-8077-28-0.
Rowthorn, C. (2007). Japan. Country Guides. Lonely Planet. tr. 95. ISBN 978-1-74104-667-0.
Ishige, Naomichi (2014). “9.8 Noodles and Regional Tastes”. History Of Japanese Food. Taylor & Francis. tr. 247–8. ISBN 978-1-136-60255-9. Also Edo-style versions of some other dishes such as grilled eel (kabayaki) began to edge out the local recipes in Kansai
Ono, Tadashi; Harris, Salat (2011). The Japanese Grill: From Classic Yakitori to Steak, Seafood, and Vegetables. Ten Speed Press. ISBN 9781580087377.
Itoh, Makiko (ngày 21 tháng 8 năm 2015). “How yakitori went from taboo to salaryman snack”. the Japan Times. Tokyo. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2016.
“Yakitori (Roast meat on skewers)”. Gurunavi. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2016. |
Ikan goreng (nghĩa đen là cá chiên) là một món ăn truyền thống của ẩm thực Indonesia và ẩm thực Malaysia, món ăn này bao gồm cá chiên giòn, chiên ngập dầu, những loại hoặc các dạng hải sản khác được chế biến theo cách này cũng được gọi là Ikan goreng. Ikan goreng nghĩa đen là "cá chiên" trong tiếng Indonesia và tiếng Mã Lai. Ikan goreng rất phổ biến ở Indonesia. Thông thường, cá nguyên liệu được ướp với hỗn hợp bột nhão với gia vị, một số công thức sử dụng kecap manis (một loại nước tương ngọt) để rưới lên cá sau khi chiên. Ikan goreng thường được chiên ngập dầu bằng loại dầu dừa cực nóng cho đến khi cá chuyển sang vàng hươm và giòn rụm, phương pháp chế biến này thường được dùng với các nguyên liệu là cá chép, cá mè và cá măng sữa để hô biến xương của những con cá trở nên mịn, giòn và dùng được.
Trước khi chiên, cá nguyên liệu thường được ướp với hỗn hợp gia vị, và đôi khi là kecap manis (nước tương ngọt), loại hỗn hợp gia vị có thể khác nhau giữa các vùng và tùy theo từng nơi, nhưng thông thường nó bao gồm sự kết hợp của muối, nước cốt chanh, hành tím xay, tỏi, ớt tiêu, rau mùi, nghệ, riềng và muối. Một số công thức có thể sử dụng bột hoặc trứng phủ lên cá trước khi chiên. Sau khi chiên, cá thường có thể được dùng ngay với cơm hấp và sambal terasi (ớt với mắm tôm) hoặc sambal kecap (lát ớt, ô mai và nước tương ngọt) làm nước chấm.
Ở vùng Manado Đông Indonesia và Maluku thì Ikan goreng thường sử dụng gia vị dabu-dabu hoặc colo-col. Một số công thức chế biến món cá chiên Ikan goreng có thể thêm bumbu (hỗn hợp gia vị) trộn với hoặc tưới lên trên thân thịt của con cá chiên, chẳng hạn như bumbu acar kuning (dưa chua vàng), làm từ nghệ, tỏi và các loại gia vị khác, dán với dưa chuột, cà rốt, ớt cắt lát, và bào tròn, hoặc cà chua xắt nhỏ ngâm giấm. Một công thức nấu ăn quen thuộc khác như rica-rica và asam pedas.
Có rất nhiều biến thể, biến tấu và công thức chế biến món cá chiên Ikan goreng, khác với công thức ướp gia vị, lớp phủ toping bumbu, nước chấm hoặc sambal, cho đến các loài cá được chiên lên. Hầu hết tất cả các loại cá và hải sản đều có thể được chế biến thành ikan goreng, phổ biến nhất là cá bớp nước ngọt, cá bilis (mystacoleucus), patin (cá tra), nila (cá rô phi sông Nile), mujair (cá rô phi đen) và ikan mas (cá chép). Các loại cá chiên món hải sản này là bandeng (cá măng sữa), tongkol hoặc cakalang (cá ngừ vằn), cá ngừ, bawal (cá chim), tenggiri (wahoo/cá thu ngàng), kuwe (cá khế), baronang (cá dĩa), kerapu (cá mú), kakap merah (cá hồng), teri (cá cơm), todak (cá kiếm), hiu hoặc cucut (cá mập) và pari (cá đuối).
== Chú thích == |
Bánh phu thê (hay được gọi chệch là bánh su sê hoặc bánh xu xê) là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Đình Bảng là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này.
Theo truyền thuyết, tên bánh là do vua Lý Anh Tông đặt.
Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát.
Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.
Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi dừa nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng của vỏ bánh được tạo thành từ hoa/quả dành dành. Người làm bánh đem hoa dành dành phơi khô, khi nào làm bánh thì ngâm vào nước sôi để chiết xuất nước có màu vàng, lấy nước này trộn vào bột để tạo màu bánh.
Theo truyền thống bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dừa, tuy trên tráp ăn hỏi có thể bánh được đặt trong hộp giấy màu đỏ. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.
Ở nhiều nơi tại Việt Nam bánh được sử dụng như một lễ vật đựng trong các tráp ăn hỏi. Trong đám cưới người ta cũng dùng bánh này làm món tráng miệng.
Mizubotan (nihongo: 水ぼたん)là loại bánh chứa nhân mứt đậu trắng trộn màu thực phẩm đỏ cho màu hồng phớt. Lớp vỏ của nó làm từ tinh bột nếp hay bột sắn dây.
== Chú thích == |
Lúa là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới, cùng với bắp (Zea Mays L., tên khác: ngô), lúa mì (Triticum sp, tên khác: tiểu mạch), sắn (Manihot esculenta Crantz, tên khác: khoai mì) và khoai tây (Solanum tuberosum L.). Theo quan niệm xưa lúa cũng là một trong sáu loại lương thực chủ yếu trong Lục cốc.
Lúa trong bài này nói tới hai loài (Oryza sativa và Oryza glaberrima) trong họ Poaceae, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới khu vực đông nam châu Á và châu Phi. Hai loài này cung cấp hơn 1/5 toàn bộ lượng calo tiêu thụ bởi con người.
Lúa là loài thực vật thuộc một nhóm các loài cỏ đã thuần dưỡng. Lúa sống một năm, có thể cao từ 1-1,8 m, đôi khi cao hơn, với các lá mỏng, hẹp (khoảng 2-2,5 cm) và dài 50–100 cm. Rễ chùm, có thể dài từ 2–3 m/cây trong thời kỳ trổ bông. Tuỳ thời kì sinh trưởng, phát triển mà lá lúa có màu khác nhau. Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Các hoa nhỏ, màu trắng sữa, tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 35–50 cm. Hạt là loại quả thóc (hạt nhỏ, cứng của các loại cây ngũ cốc) dài 5–12 mm và dày 1–2 mm. Cây lúa non được gọi là mạ.
Sau khi ngâm ủ, người ta có thể gieo thẳng các hạt lúa đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính. Sản phẩm thu được từ cây lúa là hạt lúa, hoặc còn gọi là thóc. Sau khi xát bỏ lớp vỏ ngoài thu được sản phẩm chính là gạo và các phụ phẩm là cám và trấu. Gạo là nguồn lương thực chủ yếu của hơn một nửa dân số thế giới (chủ yếu ở châu Á và châu Mỹ La tinh), điều này làm cho nó trở thành loại lương thực được con người tiêu thụ nhiều nhất. Trong tiếng Anh, từ rice (lúa, gạo) có nguồn gốc từ arisi trong tiếng Tamil. Lúa là loài cây trồng ngắn ngày nhưng cũng có thể coi là dài ngày.
Người ta cho rằng tổ tiên của chi lúa Oryza là một loài cây hoang dại trên siêu lục địa Gondwana cách đây ít nhất 130 triệu năm và phát tán rộng khắp các châu lục trong quá trình trôi dạt lục địa. Hiện nay có khoảng 21 loài cây hoang dại thuộc chi này và 2 loài lúa đã được thuần hoá là lúa châu Á (Oryza sativa) và lúa châu Phi (Oryza glaberrima) .
Lúa châu Phi đã được thuần hóa từ khoảng 3.500 năm trước. Trong khoảng thời gian từ 1500 TCN đến 800 TCN thì O. glaberrima đã lan rộng từ trung tâm xuất phát của nó là lưu vực châu thổ sông Niger và mở rộng tới Sénégal. Tuy nhiên, nó không bao giờ phát triển xa khỏi khu vực nguồn gốc của nó. Việc gieo trồng loài lúa này thậm chí còn suy giảm do các giống châu Á, có thể đã được những người Ả Rập từ bờ biển phía đông đem tới châu Phi đại lục trong thời gian khoảng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 11.
Tổ tiên của lúa châu Á O. sativa là một loại lúa hoang phổ biến (Oryza rufipogon) có nguồn gốc tại khu vực xung quanh vùng lưu vực sông Dương Tử (Trung Quốc). Hiện nay đây là giống lúa chính được gieo trồng làm cây lương thực trên khắp thế giới. Hơn 10.000 năm trước, cư dân nơi đây đã trồng loại lúa nước, và nó được xem như là quê hương của loại cây lương thực này vì nơi đây có đủ mọi điều kiện để phát triển giống lúa này, và đó cũng là nơi đã xuất hiện nền văn minh lúa nước, nơi đây còn có thể xem là một trong những trung tâm nông nghiệp đầu tiên trên thế giới. (Xem Các giả thuyết về nguồn gốc thuần hoá cây lúa).
Các giống lúa trồng trên các vùng đất khô đã được đưa vào Nhật Bản và Triều Tiên khoảng những năm 1000 TCN. Các giống lúa nước có mặt tại Triều Tiên vào giữa thời kỳ đồ gốm Mumun (khoảng 850-550 TCN) và tới Nhật Bản vào khoảng thời kỳ Yayoi (khoảng 300 TCN).
O. sativa đã thích nghi với việc gieo trồng tại Trung Đông và Địa Trung Hải của châu Âu vào khoảng năm 800 TCN. Người Moor đã đem nó tới bán đảo Iberia khi họ xâm chiếm vùng này vào năm 711. Thời gian nửa sau của thế kỷ 15, thì lúa đã trải rộng tới Ý và sau đó là Pháp và sau đó là tất cả các châu lục khác trong thời kỳ khám phá và chinh phục lớn của người châu Âu. Năm 1694, lúa đã đến Nam Carolina, có lẽ có nguồn gốc từ Madagascar. Người Tây Ban Nha đem các giống lúa tới Nam Mỹ vào đầu thế kỷ 18.
Tại Hoa Kỳ, trong các khu vực Nam Carolina và Georgia thuộc địa thì người ta đã gieo trồng và tích lũy được tài sản lớn nhờ sức lao động của các nô lệ mua về từ khu vực Senegambia ở Tây Phi. Tại cảng Charleston, mà qua đó 40% nô lệ gốc Phi đã đi qua, các nô lệ được đưa tới các đồn điền trồng lúa tại khu vực xung quanh Georgetown, Charleston và Savannah. Từ các nô lệ, các chủ trang trại đồn điền đã học được cách thoát nước cho các đầm lầy và tưới tiêu nước theo chu kỳ cho các cánh đồng. Đầu tiên thóc được giã bằng tay với các chày gỗ, sau đó được sàng sẩy trong các dụng cụ gọi là giần và sàng (đây cũng là một kỹ xảo khác nữa của các nô lệ). Việc phát minh ra các thiết bị xay xát sử dụng trong các máy xay đã làm tăng khả năng sinh lãi của loài cây này, cũng như việc thêm vào động cơ sử dụng nước cho các máy xay vào năm 1787 của người thợ làm cối xay Jonathan Lucas đã là một bước tiến mới. Việc gieo trồng lúa ở đông nam Hoa Kỳ trở nên ít lời lãi hơn với sự mất đi của lao động nô lệ sau Nội chiến Hoa Kỳ và cuối cùng nó đã mất hẳn khi bước vào thế kỷ 20.
Các giống lúa thông thường được phân loại theo cấu trúc và hình dạng hạt gạo của chúng. Ví dụ, một giống lúa thơm của Thái Lan cho loại gạo hạt dài và tương đối ít mềm, do gạo hạt dài chứa ít amylopectin hơn so với các giống hạt ngắn. Các nhà hàng Trung Hoa thông thường đưa ra món cơm nấu bằng gạo hạt dài. Các loại gạo nếp là gạo hạt ngắn. Người Trung Quốc dùng gạo nếp để làm bánh nếp có tên gọi là 粽子 (tống tử). Gạo Nhật Bản là loại gạo hạt ngắn và mềm. Gạo dùng để nấu rượu sakê 酒(さけ)là một loại gạo khác.
Các giống lúa Ấn Độ bao gồm gạo hạt dài và gạo thơm Basmati (gieo trồng ở phía bắc), gạo hạt dài và trung bình là gạo Patna và loại gạo hạt ngắn Masoori. Thóc ở Đông Ấn và Nam Ấn, thông thường được luộc trong các chảo lớn ngay sau khi thu hoạch và trước khi loại bỏ trấu; trong tiếng Anh gọi là parboiled rice (gạo đồ). Sau đó người ta sấy khô và loại bỏ trấu. Nó thông thường có các vết đốm nhỏ màu đỏ và có hương vị khói từ lửa. Thông thường các loại thóc thô được dùng cho mục đích này. Nó giúp cho việc giữ lại các vitamin tự nhiên và giết chết các loại nấm mốc hoặc các chất gây ô nhiễm khác, nhưng dẫn tới có mùi lạ. Loại gạo này dễ tiêu hóa và chủ yếu được những người lao động chân tay dùng. Tại miền nam Ấn Độ, nó được dùng để làm một loại bánh bao nhỏ có tên là idli.
Các giống gạo thơm có hương vị thơm đặc biệt; các giống đáng chú ý nhất bao gồm các loại Basmati, gạo Patna kể trên cũng như các giống lai từ Mỹ được bán dưới tên gọi thương phẩm Texmati. Nó là giống lai giữa Basmati và giống gạo hạt dài Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi. Cả Basmati và Texmati có hương vị tương tự như bắp rang. Tại Indonesia còn có các giống gạo đỏ và đen.
Các giống năng suất cao thích hợp để gieo trồng tại châu Phi và các khu vực khô cằn khác được gọi là các giống mới cho châu Phi (NERICA) cũng đã được tạo ra. Người ta hy vọng rằng các giống mới này sẽ tạo ra sự ổn định hơn nữa cho an ninh lương thực tại Tây Phi.
Các nhà khoa học cũng đang tìm cách tạo ra giống lúa vàng, là loại lúa biến đổi gen để tạo ra beta caroten, tiền thân của vitamin A. Điều này đã làm dấy lên sự tranh cãi lớn về việc lượng beta caroten có đáng kể hay không và việc biến đổi gen lương thực có đáng giá đến vậy hay không.
Các giống lúa lùn cho hai giống phổ biến nhất là O. sativa indica và O. sativa japonica, đã được công bố vào tháng 4 năm 2002. Lúa cũng đã được chọn lựa làm sinh vật mẫu để nghiên cứu sinh học của các loài cỏ thực thụ do bộ gen tương đối nhỏ của nó (khoảng 430 mega cặp cơ sở). Kết quả là lúa đã là loài sinh vật đầu tiên được hoàn thành bản đồ gen . Lúa Basmati là bản mẫu chung cho phần lớn các dạng lúa.
Ngày 16 tháng 12 năm 2002, Đại hội đồng Liên hiệp quốc ra tuyên bố rằng năm 2004 là năm quốc tế về gạo. Bản tuyên bố này đã được 43 quốc gia ủng hộ:
Việc trồng lúa phù hợp nhất tại các khu vực với chi phí nhân công thấp và lượng mưa lớn, do nó đòi hỏi nhiều nhân công để gieo trồng và cần nhiều nước để phát triển tốt. Tuy nhiên, lúa có thể trồng ở bất kỳ đâu, thậm chí ở cả các sườn đồi hay núi. Lúa là loại cây trồng đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ngô và lúa mì. Mặc dù các loài lúa có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á và một phần nào đó của châu Phi, nhưng hàng thế kỷ thương mại và xuất khẩu thóc, gạo đã làm cho nó trở thành phổ biến trong nhiều nền văn minh.
Lúa thông thường được gieo hay cấy trong các ruộng lúa nước - các mảnh ruộng được tưới hay ngâm trong một lớp nước không sâu lắm với mục đích đảm bảo nguồn nước cho cây lúa và ngăn không cho cỏ dại phát triển. Khi cây lúa đã phát triển và trở thành chủ yếu trong các ruộng lúa thì nước có thể tưới tiêu theo chu kỳ cho đến khi thu hoạch mùa màng. Các ruộng lúa có tưới tiêu nước làm tăng năng suất, mặc dù lúa có thể trồng tại các vùng đất khô hơn (chẳng hạn các ruộng bậc thang ở sườn đồi) với sự kiểm soát cỏ dại nhờ các biện pháp hóa học.
Ở một vài khu vực có mực nước sâu, người ta cũng có thể trồng các giống lúa mà dân gian gọi nôm na là lúa nổi. Các giống lúa này có thân dài có thể chịu được mực nước sâu tới trên 2 mét (6 ft).
Các ruộng lúa nhiều nước còn là môi trường sinh sống thích hợp cho nhiều loài chim như cò, vạc, bồ nông, diệc hay chim chích, nhiều loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái hay bò sát như rắn hoặc các động vật giáp xác như tôm, tép, cua hay ốc. Nhiều loài động vật có các chức năng hữu ích trong việc kiểm soát các loài sâu bệnh.
Dù trồng trong ruộng nước hay ruộng khô thì cây lúa vẫn đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Việc gieo trồng lúa là một công việc chứa đựng các yếu tố mâu thuẫn tại một vài khu vực, chẳng hạn tại Hoa Kỳ và Australia, là các khu vực mà việc gieo trồng lúa chiếm tới 7% tài nguyên nước của các quốc gia này nhưng chỉ tạo ra 0,02% GDP. Tuy nhiên, tại các quốc gia có mùa mưa - bão theo chu kỳ thì việc gieo trồng lúa còn có tác dụng giữ cho việc cung cấp nước được duy trì ổn định hơn cũng như ngăn chặn lũ lụt không bị đột ngột. Bệnh đạo ôn, do loài nấm Magnaporthe grisea gây ra, là loại bệnh đáng chú ý nhất gây ảnh hưởng tới năng suất lúa. Lúa còn bị một số sâu bệnh phá hoại như cháy cổ lá, bạc lá, rầy nâu (Nilaparvata lugens), châu chấu, bọ trĩ, rầy lưng trắng, rầy xanh đuôi đen, rầy xám, các loài bọ xít (họ Pentatomidae) như bọ xít đen, bọ xít xanh, bọ xít dài, bọ xít gai, sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn, sâu đục thân lúa hai chấm, sâu năm vạch đầu nâu, sâu năm vạch đầu đen, sâu cú mèo, sâu keo, sâu cắn gié, sâu đo xanh, ruồi đục nõn, sâu nâu,...
Thực đơn từ gạo Lưu trữ 2006-04-20 tại Wayback Machine
Sáng chế số 6.676.983 tại Hoa Kỳ
Sản xuất gạo toàn cầu đã tăng lên đều đặn từ khoảng 200 triệu tấn vào năm 1960 tới 600 triệu tấn vào năm 2004. Gạo đã xay xát chiếm khoảng 68% trọng lượng thóc ban đầu. Năm 2004, ba quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu là Trung Quốc (31% sản lượng thế giới), Ấn Độ (20%) và Indonesia (9%).
Năm 2008, sản lượng lúa gạo của Trung Quốc đạt 193 triệu tấn, Ấn Độ 148 triệu tấn, Indonesia 60 triệu tấn, Bangladesh 47 triệu tấn, Việt Nam 39 triệu tấn, Thái Lan và Myanmar cùng đạt 30,5 triệu tấn.
Các số liệu về xuất nhập khẩu gạo lại khác hẳn, do chỉ khoảng 5-6% gạo được buôn bán ở quy mô quốc tế. Ba nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan (26% sản lượng gạo xuất khẩu), Việt Nam (15%) và Hoa Kỳ (11%), trong khi ba nhà nhập khẩu gạo lớn nhất là Indonesia (14%), Bangladesh (4%) và Brasil (3%).
Hiện nay, Việt Nam là nơi có gạo ngon nhất thế giới, được Liên minh châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới công nhận như gạo ST25 của Việt Nam. |
Bánh giá là một món ăn đặc sản nổi tiếng xuất xứ từ Chợ Giồng (Gò Công Tây) ở vùng Gò Công, Tiền Giang. Cũng vì xuất xứ đó mà người ta thường gọi là Bánh giá Chợ Giồng. Theo lời truyền miệng của cư dân, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang lập ấp của người Việt ở vùng đất này vào thế kỷ XVII.Loại bánh này có sức ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa vùng Chợ Giồng nói riêng và vùng Gò Công, Tiền Giang nói chung.
Cái vá là vật dụng dùng định hình cho loại bánh này, người địa phương đọc trại "vá" thành "giá" từ đó trở thành tên gọi của bánh là bánh giá.
Bánh giá có ngoại hình tương tự như bánh tôm Hồ Tây
hay bánh cống, tuy nhiên thành phần có phần phong phú hơn. Các nguyên liệu chính gồm: thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm rơm, nấm mèo (mộc nhĩ), cải bắc thảo, bột gạo, bột đậu nành, óc heo, dầu thực vật hoặc mỡ heo.Đầu tiên,trộn chung bột gạo với đậu nành theo tỷ lệ 1:1 và óc heo rồi ủ khoảng 2-3 giờ, sau đó mới đem chiên.Bắc chảo dầu lên bếp than đun cho dầu sôi. Kế tiếp, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn vào vá và nhúng vá ấy vào chảo đến khi chiếc bánh có màu vàng sậm là vừa chín tới.Thông thường, mỗi chảo chiên từ 4-5 vá. Người làm bánh khéo sẽ chiên sao cho con tôm nằm trọn vẹn trên mặt bánh đỏ au.Bánh giá ăn nóng kèm với rau thơm xắt nhỏ, nước mắm tỏi ớt và bún.
Bánh giá Chợ Giồng không chỉ là món ăn bình dân mà còn được sử dụng một cách trang trọng trong các bữa tiệc thịnh soạn và nghiêm túc như cưới hỏi, tân gia, giỗ chạp...Nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh thường nhắc đến món ăn này trong các quyển tiểu thuyết của mình.Người Việt Nam cũng có câu ca dao đề cập tới bánh giá:
== Chú thích == |
Caridea là một cận bộ tôm gồm các động vật giáp xác mười chân, kích thước nhỏ, có khả năng bơi lội tốt. Chúng sinh sống trong cả môi trường nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Tôm trong tiếng Việt là một từ dùng để chỉ gần như toàn bộ bộ Giáp xác mười chân (Decapoda), ngoại trừ cận bộ Brachyura bao gồm các loài cua. Bài này nói về tôm thực sự (true shrimp). Xem thêm bài Tôm.
Các cá thể thuộc cận bộ Caridea được tìm thấy trong tất cả loại môi trường nước, mà chủ yếu là ở biển. Khoảng một phần tư số loài được tìm thấy trong môi trường nước ngọt, bao gồm hầu hết các loài trong họ Atyidae và phân họ Palaemoninae trong họ Palaemonidae. Chúng bao gồm một số loài có giá trị thương mại quan trọng, chẳng hạn như
Macrobrachium rosenbergii phân bố trên khắp các lục địa, ngoại trừ Nam Cực. Ở độ sâu tới 5.000 m (16.000 ft) dưới biển, vẫn có thể tìm thấy các loài trong cận bộ này, và chúng phân bố từ vùng nhiệt đới đến các cực.
Ngoài môi trường sống đa dạng, các loài trong cận bộ Caridea còn có các hình thức khác nhau rất nhiều, từ các loài chỉ dài vài milimét khi đã trưởng thành, cho những loài dài hơn 1 ft (0,30 m). Không kể đến các đặc điểm từ tổ tiên chung đã mất, các loài tôm này thường có một cặp cuống mắt, mặc dù đôi khi cặp cuống mắt này được đậy bởi phần giáp bảo vệ đầu ngực. Giáp cũng bao bọc cả mang, nước được bơm xuyên qua đó nhờ hoạt động của các bộ phận trên miệng.Các loài này ăn tạp, tuy nhiên một số loài được chuyên hóa thông qua cách ăn của chúng. Một số ăn bằng cách lọc bằng cách sử dụng những chân tua tủa lông cứng của chúng như một cái sàng; một số loài lại cạo tảo từ đá. Một số loài trong chi Tôm gõ mõ dùng càng để tạo ra một sóng xung kích gây choáng con mồi. Nhiều loài tôm vệ sinh cũng thuộc cận bộ này, thường chải trên mình các loài cá sống ở rạn san hô và ăn các ký sinh trùng và mô hoại tử trên da cá. Ngược lại, các loài tôm này là nguồn thức ăn của các động vật khác, đặc biệt là các loài cá và chim biển, và là vật chủ của ký sinh trùng Bopyridae. |
Dimlama hoặc dymdama, là một món hầm của Turk hoặc Uzbekistan (hay rộng hơn là ở Trung Á). Đó là sự kết hợp của thịt, khoai tây, hành tây, rau củ, và đôi khi có trái cây. Thịt (thịt cừu, thịt bê hoặc thịt bò) và rau được cắt thành miếng lớn và xếp thành từng lớp trong nồi đậy kín để đun sôi từ từ. Rau củ cho dimlama ngoài khoai tây và hành tây thì có thể có cà rốt, bắp cải, cà tím, cà chua, ớt ngọt, gia vị với tỏi và nhiều loại thảo mộc và gia vị. Dimlama thường được nấu vào mùa xuân và mùa hè khi có nhiều loại rau để lựa chọn và được phục vụ trên một đĩa lớn, ăn bằng thìa. |
Jingisukan (ジンギスカン, Jingisukan phiên âm tiếng Nhật của "Thành Cát Tư Hãn") là món thịt cừu nướng của Nhật Bản được phục vụ trong chảo rán hoặc bếp nướng dạng lõm. Món ăn này thường được nấu kèm giá đỗ, hành tây, nấm và ớt chuông, và thường được thưởng thức với nước sốt làm từ đậu nành hoặc sake. Món này thường được phổ biến tại Trung Quốc và vùng đảo phía bắc của Hokkaidō.
Từ "Jingisukan" bắt nguồn từ phiên âm tiếng Nhật của Thành Cát Tư Hãn. Trong ẩm thực Nhật Bản, thuật ngữ này dùng để đề cập đến món thịt cừu nướng, cũng được gọi là một loại yakiniku. Món ăn này được sinh ra ở Hokkaidō; nơi đây từng là món ăn phổ biến của giới công nhân và chỉ mới nổi tiếng trên toàn Nhật Bản trong thời gian gần đây. Cái tên "Jingisukan" được phát minh bởi Tokuzo Komai, một người Nhật sinh ra ở Sapporo. Cái tên này lấy cảm hứng từ món thịt cừu nướng của ẩm thực Đông Bắc Trung Quốc . Lần đầu tiên món ăn này được đề cập đến là trong một ấn phẩm xuất bản vào năm 1931. Năm 1918, theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản nhằm gia tăng số lượng đàn cừu lên đến một triệu, năm trang trại nuôi cừu đã được thành lập tại Nhật Bản. Tuy nhiên, tất cả chúng đều đã bị phá bỏ, ngoại trừ những trang trại ở Hokkaido (Takikawa và Tsukisamu). Chính vì thế, người dân Hokkaido đã bắt đầu dùng thịt những con cừu - vốn được nuôi để lấy len sợi - để chế biến thức ăn .
Nguồn gốc của món ăn vẫn còn là ẩn số; những địa điểm được cho là nơi nguồn gốc món ăn này bao gồm Tokyo, Zaō Onsen và Tōno . Nhà hàng chuyên chế biến Jingisukan đầu tiên có tên là Jingisu-sō (成吉思荘, Jingisu-sō) được khai trương tại Tokyo vào năm 1936. |
Kralan (tiếng Khmer: ក្រឡាន) hoặc Khao lam (tiếng Thái: ข้าวหลาม, tiếng Lào: ເຂົ້າ ຫລາມ) là một món cơm lam Đông Nam Á làm bằng gạo nếp với đậu đỏ, đường, dừa nạo nước cốt dừa nướng trong ống tre có đường kính và độ dài khác nhau. Món này có thể được chế biến với nếp trắng hay nếp than. Đôi khi được mô tả như là một loại "bánh".
Ở Campuchia, kralan thường được làm và ăn vào dịp Tết Trung Quốc và Lễ hội Chol Chnam Thmay. Làng Thma Krae ở Kratié (tỉnh) nổi tiếng với món Kralan ngon. |
Mắm rươi là một loại mắm làm từ rươi, một trong những loại mắm ngon nổi tiếng của người dân vùng ven biển Việt Nam và cả thị dân Hà Nội một thời, thường dùng để chấm các món ăn như các loại rau, thịt ba chỉ luộc, tôm he, ruốc bông.
Tại vùng Ba Động, Duyên Hải, Trà Vinh rươi thường được làm thành nước mắm. Công thức chế biến mắm rươi của cư dân Trà Vinh rất đơn giản, chỉ gồm rươi, muối ăn, nước sạch. Lượng nước được cho vào để khiến hũ rươi cho ra thành phẩm dạng lỏng, trung bình cứ tỷ lệ muối:rươi:nước là 5:1:4 (chẳng hạn 40 kg rươi sẽ đi với 8 kg muối và 20 lít nước sạch) sẽ ra thành phẩm là loại nước mắm tương đối đặc sánh.
Trong khi đó tại một số tỉnh duyên hải phía Bắc Việt Nam như Hưng Nguyên (Nghệ An);Thanh Hà, Tứ Kỳ (Hải Dương); Đông Triều (Quảng Ninh); An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo (Hải Phòng), rươi thường được làm dạng mắm đặc với sự phối trộn cả vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo.
Quy trình làm nước mắm rươi tại Trà Vinh bắt đầu với việc làm sạch rươi bằng nước lã, nhặt hết rác bẩn, sau đó để nguyên con trút vào lu, khạp, hũ hoặc chum, pha muối với nước trút vào. Không được nút kín miệng dụng cụ đựng mắm mà đậy kín bằng vải xô có độ thưa thoáng nhất định. Đem phơi nắng khoảng 10 đến 15 ngày trở lên là ăn được. Tuy nhiên, sau đó người ta thường đậy thật kỹ để càng lâu mắm rươi sẽ càng ngon. Khi mắm rươi chín, ta có thể nhận thấy một đặc điểm là xác rươi phân hủy hổi lên trên bề mặt lu thành bãi đen xì, nhưng ruồi bọ không hề dám bén mảng đến. Vẹt lớp xác nổi lên trên mặt sẽ thấy nước mắm đặc sánh hiện ra màu vàng óng của mật ong, bốc mùi thơm dịu.
Với mắm rươi đặc theo cách làm truyền thống phía Bắc Việt Nam, rươi cũng được làm sạch nhưng sau đó được đánh, quấy nát thành bột, trộn muối theo tỷ lệ 600g rươi với 100g muối, cho vào hũ sành và đem phơi nắng. Sau khi vô hũ khoảng 3-4 tuần thì cho rượu với tỷ lệ 1 kg cho 1 chén sứ rượu và để tiếp đến 5-6 tuần thì cho bột thính gạo nếp với tỷ lệ 1 kg mắm cho 2 chén sứ. Được 7-8 tuần người chế biến lại cho bột gừng, bột vỏ quýt với tỷ lệ 1 kg mắm rươi cho 1 chén bột gừng, 1 chén bột vỏ quýt. Mắm ủ được 10 tuần thì chuyển mắm từ hũ sành sang chai, nút chặt, bọc ni-lông rồi tiếp tục phơi nắng và kể từ khi cho muối vào rươi phải phơi nắng liên tục trong 3 tháng thì mắm mới ăn được.
Mắm rươi được ăn một cách đơn giản bằng cách vắt thêm tí chanh, dầm tí ớt là có thể dùng làm nước chấm cho các loại thức ăn rất ngon miệng, thậm chí chỉ trộn với cơm nguội ăn cũng rất ngon. Tuy nhiên, người sành điệu ăn mắm rươi hết sức cầu kỳ với những nguyên liệu khá phức tạp, bao gồm hàng chục thứ rau khác khau và có hai cách ăn chính là ăn mắm sống và mắm chưng:
Mắm sống cho vào bát, trộn với vỏ quýt băm nhỏ, gừng non thái chỉ và lạc rang giã dập, rắc ít tôm he xé thật bông hoặc ít ruốc lên trên. Đĩa thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò luộc thái mỏng để sẵn. Rau cần và rau cải cúc, hai loại rau không thể thiếu cho một bữa mắm rươi, được rửa sạch cắt khúc ngắn vừa ăn xếp trong đĩa. Ngoài ra có thể còn có rau húng thơm, xà lách, hành hoa cắt khúc, rau mùi. Khi ăn cho thịt và các loại rau vào bát, rưới mắm rươi lên trên, trộn đều và ăn. Cầu kỳ hơn thì có thể dùng lá nem gói các nguyên liệu trên chấm vào bát mắm rươi.
Mắm chưng: cho mắm vào chưng với trứng, chút đường và rượu trắng, chưng gần đặc thì cho thêm vỏ quýt thái chỉ và lạc rang giã nhỏ vào. Món mắm chưng cũng ăn với các nguyên liệu (thịt ba chỉ, rau) tương tự như mắm sống ở trên, ngoài ra nếu ăn kèm một hai nhánh tỏi tươi sẽ thơm ngon hơn.Vũ Bằng, trong chương 9 cuốn Ẩm thực Hà Nội cho rằng mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu và ông nhận xét không thể nào quan niệm được một bữa mắm rươi "ra giáng" mà lại thiếu hai món rau quan yếu đó. Thiếu nó, thật y như một người đàn bà đẹp mà vô duyên: tẻ lắm
Bên cạnh những lời ca ngợi của Vũ Bằng trong chương 9 cuốn sách Ẩm thực Hà Nội, Lê Tân, trong Văn hóa ẩm thực ở Trà Vinh, khi bàn về mắm rươi đã nói: Các cụ già ở vùng Ba Động (thuộc Duyên Hải, Trà Vinh) ngày nay còn kể lại rằng: tương truyền ngày xưa khi Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ này, được một phú hộ phục vụ, cho ăn toàn nước mắm rươi. Sau khi lên ngôi vua, hàng năm Gia Long vẫn cho ghe bầu vào Nam mua nước mắm rươi về ăn, theo cách gọi cung đình là vua ngự thiện. Bởi thế, nước mắm rươi còn có cái tên vương giả là nước mắm ngự.
== Chú thích == |
Laksa là món ăn dạng sợi có nguồn gốc xuất xứ từ những người Peranakan là những người Hoa định cư dọc eo biển Malacca. Món ăn này trở nên phổ biến và nổi tiếng hơn gắn liền với các đất nước Malaysia, Singapore và Indonesia.
Tên gọi món bún này xuất phát từ tiếng Phúc Kiến luak sua, Hán Việt dịch là "lặc sa" và hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là "cát cay", dùng để chỉ hương vị và kết cấu của tôm khô xay. Mặt khác, một số nhà từ nguyên học tin rằng laksa bắt nguồn từ một từ Ba Tư cổ có nghĩa là "mì".
Có nhiều lý thuyết khác nhau về nguồn gốc của laksa. Một giả thuyết đã kết nối laksa với các cuộc thám hiểm hải quân Trung Quốc thế kỷ 15 do Trịnh Hoà lãnh đạo, người có quân đội điều hướng hàng hải Đông Nam Á. Những người Hoa kiều ở nước ngoài đã định cư ở nhiều vùng khác nhau của hàng hải Đông Nam Á, rất lâu trước khi đoàn thám hiểm Trịnh Hòa. Tuy nhiên, sau đó, số lượng người di cư và thương nhân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Những người đàn ông Trung Quốc này đã kết hợp với dân cư địa phương, và họ cùng nhau thành lập các cộng đồng chủng tộc hỗn hợp được gọi là Peranakans hoặc Eo biển Trung Quốc.
Ở Malaysia, món ăn được cho là do người nhập cư Trung Quốc ở Malacca giới thiệu. Ở Singapore, món ăn (hoặc phiên bản "Katong" địa phương của nó) được cho là đã được tạo ra sau khi tương tác giữa người Peranakans với người Singapore địa phương.
Ở Indonesia, món ăn được cho là được sinh ra từ các khu định cư ven biển của Trung Quốc và sự pha trộn văn hóa giữa các thương nhân Trung Quốc và tập quán nấu ăn địa phương. Các nhà sử học tin rằng laksa là một món ăn được sinh ra từ sự giao thoa thực tế. Trong pecinan ven biển sớm (định cư Trung Quốc) ở Đông Nam Á, chỉ có đàn ông Trung Quốc mạo hiểm ra nước ngoài từ Trung Quốc để buôn bán. Khi định cư ở thị trấn mới, những thương nhân và thủy thủ Trung Quốc này đã tìm đến những người vợ địa phương, và những người phụ nữ này bắt đầu kết hợp các loại gia vị và nước cốt dừa vào món phở Trung Quốc phục vụ cho chồng của họ. Điều này tạo ra văn hóa lai Trung Quốc-địa phương (Malay hoặc Java) được gọi là văn hóa Peranakan. Vì các cộng đồng Trung Quốc Peranakan đã pha trộn văn hóa của tổ tiên của họ với văn hóa địa phương, các cộng đồng Peranakan ở những nơi khác nhau hiện thể hiện sự đa dạng theo hương vị địa phương.
Công thức nấu ăn khác nhau của bún laksa đã trở nên phổ biến ở Malaysia, Singapore và Indonesia; và sau đó được công nhận quốc tế. Ban đầu vào tháng 7 năm 2011, CNN Travel đã xếp hạng Penang Asam Laksa đứng thứ 7 trong số 50 món ăn ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, thứ hạng của nó đã giảm xuống vị trí thứ 26 sau khi CNN tổ chức cuộc thăm dò trực tuyến bởi 35.000 người, được công bố vào tháng 9 năm 2011 Mặt khác, Curry Laksa, Singapore được xếp ở vị trí thứ 44.
Ở Indonesia, laksa là một trong những thực phẩm thoải mái truyền thống; phở ấm cay được đánh giá cao trong những ngày mưa lạnh. Tuy nhiên, sự phổ biến của nó có phần bị lu mờ bởi soto, một món súp ấm áp tương tự, thường được dùng với cơm thay vì mì. Trong các hộ gia đình hiện đại, thông thường là trộn và kết hợp các công thức nấu ăn của laksas; nếu mì laksa truyền thống không có sẵn, mì udon Nhật Bản có thể được sử dụng thay thế.
Laksa là một món bún nước, thành phần chính của món ăn này bao gồm: bún kiểu loại sợi to như sợi bún bò huế, chả cá, đậu phụ, giá đỗ, trứng, thịt gà, tôm, sò huyết… và nước dùng. Dựa vào đặc điểm của nước dùng chan bún mà laksa được chia làm ba loại chính, đó là:
Curry laksa: Đặc trưng bởi phần nước dùng của curry laksa thơm ngọt và béo ngậy bởi vị nước cốt dừa nấu cari và nó có vị béo ngậy, đậm đà.
Asam laksa: Có vị chua chua cay cay của nước dùng nấu từ cá và dành cho những người yêu thích sự thanh mát trong ẩm thực. Nó có vị chua dịu là từ nguyên liệu chính assam (me chua)
Sarawak laksa: Có sự pha trộn nước cốt dừa với nước dùng nấu từ cá và hoàn toàn không sử dụng bột cà ri trong quá trình chế biến.Ngoài giá đỗ cắt khúc và rau răm thái nhỏ phơi khô thì hầu như, không có loại rau nào được sử dụng trong món laksa này. Dù là bún nhưng theo cách ăn truyền thống thì người ta chỉ dùng thìa để xúc chứ không dùng đũa, khi ăn thì thường có dưa leo xắt sợi rắc bên trên và dùng kèm với sa tế tôm cay. |
Takoyaki (蛸焼き (蛸燒き) (Sao thiêu)/ たこやき/ タコヤキ, tako-yaki) là một loại bánh nướng ăn nhẹ có hình cầu làm bằng bột mì với nhân bạch tuộc, nướng trong chảo takoyakiki. Thành phần chính của nhân bánh là bạch tuộc băm hay thái hạt lựu (hoặc nhân hoàn toàn là phô mai) có thể độn thêm một số thứ khác và rắc thêm một số gia vị cũng như còn được tẩm với nước sốt tùy vào công thức mà chúng có thể khác nhau.
Takoyaki ban đầu được bán tại Osaka, nơi ở của một người bán thức ăn đường phố có tên Endo Tomekichi. Ông thường làm món bánh nướng bọc nhân thịt bò chấm nước tương, nhưng sau khi ăn thử món akashiyaki và bị ấn tượng mạnh vào năm 1935 thì ông đã chuyển sang làm nhân bạch tuộc và gọi nó là takoyaki. Món này sau đó đã trở nên nổi tiếng tại vùng Kinki trước khi lan ra toàn Nhật Bản.
Các tạp chí bắt đầu giới thiệu về nó trước chiến tranh thế giới thứ hai như một món ăn đặc sản của Osaka làm cho những người nấu món này cũng nhiều hơn. Ban đầu món ăn được bán trong các quầy chế biến thực phẩm yatai tại các dịp lễ hội nhưng sau đó các nhà hàng chuyên phục vụ takoyaki đã mọc lên và đến năm 1955 thì đã có 5000 nhà hàng và quán ăn phục vụ món này riêng ở Osaka. Hiện tại thì takoyaki cũng được bán thành các vỉ/phần làm sẵn tại siêu thị. Cũng như gần đây thì loại bánh này bắt đầu đi ra ngoài Nhật Bản đến các nước khác.
Cách ăn ban đầu của takoyaki là cứ bỏ vào miệng nhai chứ không có nước sốt. Nước sốt của món này chỉ bắt đầu được làm sau chiến tranh thế giới thứ hai, vào năm 1948. Các cửa hàng khác nhau có thể điều chế nước sốt theo công thức riêng với các hương vị khác nhau.
Chảo nướng takoyaki được gọi là takoyakiki (たこ焼き器) hay ít dùng hơn là takoyaki-nabe (たこ焼き鍋) được làm bằng gang với các lỗ hình bán cầu. Khối lượng lớn giúp chảo nóng đều. Khi nửa mặt đã chín thì người nấu sẽ xoay mặt các bánh để nướng phần phía chưa nấu.
Chảo dùng ga đã được giới thiệu thay cho nướng bằng than để tiện cho việc di chuyển nấu nướng bày bán đến các lễ hội hay ngoài đường. Còn trong nhà thì có các loại dùng điện hay nấu trên bếp.
http://www.japanvisitor.com/japanese-culture/food/takoyaki-osaka
http://www.justhungry.com/takoyaki
http://iml.jou.ufl.edu/projects/fall09/simpson_h/culture.html Lưu trữ 2014-06-07 tại Wayback Machine |
Tôm nõn được làm từ tôm sú tươi, bóc sạch vỏ, cắt bỏ đầu rồi phơi khô sạch nước dưới nắng mặt trời (ở một số địa phương phát triển còn dùng máy sấy tôm để đạt năng suất cao, tuy nhiên theo các ngư dân lành nghề thì tôm phơi dưới nắng biển mới có được mùi vị đậm đà thơm ngon nhất mà không mất đi nhiều chất dinh dưỡng vốn có của tôm tươi. Theo đông y, tôm nõn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe sinh lý nam giới (bổ dương).
Tôm nõn là loại đặc sản rất được yêu thích ở các tỉnh ven biển Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang. Tôm nõn thường được dùng để chế biến các món ăn ngon, đặc biệt là vào mùa hè vì tính chất thanh mát giải nhiệt, có thể liệt kê ra các món như: canh bầu nấu tôm nõn, cơm tôm nõn (tôm nõn băm nhỏ, xao lên như ruốc tôm, ăn kèm với cơm trắng), bún xào tôm nõn, tôm nõn chưng sốt cà...rất lạ miệng và đưa cơm, nhất là trẻ nhỏ.
Theo kinh nghiệm của dân vùng biển, cách lựa tôm nõn ngon là phải lựa lứa tôm đều con, không cần quá to nhưng phải nguyên con, không chọn mua tôm vụn (phơi, sấy từ tôm chết), có màu đỏ phớt nhẹ (màu đỏ rực rất dễ là phẩm màu), khi ngâm vào nước nở đều và mềm chứ không cứng. |
Cao quy linh (tiếng Trung: 龜苓膏; phiên âm Hán-Việt: quy linh cao) hay còn là quy phục linh (龜伏苓), thạch rùa, thạch đồi mồi (dù không đúng về mặt bản chất) là một loại thuốc Đông y dạng thạch, cũng được phục vụ như món tráng miệng, là đặc sản của người Hoa vùng Ngô Châu (Quảng Tây), đồng thời cũng là món ẩm thực truyền thống của vùng Lưỡng Quảng. Theo truyền thống, cao quy linh được làm từ hai thành phần chủ yếu là thổ phục linh (Smilax glabra), bột của mai rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata) phơi khô nghiền ra, cam thảo cùng một số thành phần khác. Mặc dù rùa hộp ba vạch ngày nay được nuôi để bán ở Trung Quốc, giá của chúng cũng vô cùng đắt, và cũng do loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng, nên thay vào đó họ thường sử dụng mai ba ba hoặc các loại rùa khác thay thế.
Thông thường hơn, các loại quy linh cao được buôn bán phổ thông như một món tráng miệng mà không chứa bột vỏ rùa, mặc dù tên sản phẩm và hình ảnh rùa nổi bật trên bao bì của hầu hết các nhãn hiệu. Tuy nhiên, họ cũng thêm vào cùng các loại thảo dược như một loại thuốc và quảng cáo tương tự như vị thuốc tốt cho da.Cao quy linh giống rau câu, có vị hơi đắng, màu đen, mềm và dai hơn rau câu. Cao quy linh được cho là có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, tốt cho da; khi ăn thường được dùng với mật ong hoặc sữa để bớt vị đắng. |
Bánh quy hạnh nhân là một loại bánh quy được thực hiện với hạnh nhân. Chúng là một loại bánh quy phổ biến trong nhiều nền ẩm thực khác nhau và có nhiều dạng.
Các loại bánh quy hạnh nhân bao gồm bánh hạnh nhân, almendrados của Tây Ban Nha, qurabiya (một loại bánh quy bơ giòn làm từ hạnh nhân), và acıbadem kurabiyesi của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, şekerpare của Thổ Nhĩ Kỳ thường được trang trí bằng một quả hạnh nhân.
Ở Na Uy, sandkaker là một loại bánh quy hạnh nhân được nướng trong hộp thiếc.
== Tham khảo == |
Trứng vịt bắc thảo (hay trứng bách thảo, Bách nhật trứng, Thiên niên bách nhật trứng), là một món ăn từ trứng có nguồn gốc Trung Hoa. Tại Việt Nam, món trứng này được làm từ trứng vịt, ủ trong một hỗn hợp từ đất sét, tro, muối, vôi, và trấu... trong nhiều tuần lễ, hay nhiều tháng. Ở Trung Quốc, người ta còn làm món này từ trứng cút và trứng gà.
Trứng sau khi bóc bỏ lớp trấu và các nguyên liệu đắp ở ngoài vỏ thì vỏ trứng có màu đen trắng lẫn lộn như muối tiêu, đôi khi tạo những lớp hoa văn trên bề mặt trông rất đặc biệt. Lòng đỏ của trứng thường có màu xanh xám, xanh đen hoặc màu kem với mùi thơm mạnh đặc trưng, lòng trắng có màu nâu đen và trong suốt như thạch.
Lòng đỏ trứng bắc thảo có mùi hăng, sốc,
, vị the và béo. Lòng trắng ít mùi vị hơn. Món này tương đối khó ăn, nếu ăn không quen sẽ có thể khó chịu.
Thả trứng vào nước muối, trứng chìm xuống là trứng tốt (1 lít nước + 50g muối hòa tan).
Lau trứng cho sạch hết chất dơ bám xung quanh vỏ.
Bồ kết nướng thành than giã nhỏ như bột. Trà mạn pha với 1 lít nước sôi.
Sau 1 giờ, vắt bỏ bã lấy nước. Đinh hương sao vàng tán nhỏ.
Rau dền gai phơi khơ đốt lên lấy tro, trộn với bột quế, diêm sinh và lá trắc bách diệp giã nhỏ (có thể thay thế rau dền bằng trấu).
Phèn chua, pha với 1 lít nước ngâm hột vịt ba ngày, lòng trắng sẽ trong, lòng đỏ vàng.
Nếu muốn để lâu, trộn những nguyên liệu trên bao ngoài trứng, mỗi quả trứng bọc thêm lá trắc bách diệp, xếp đầu nhọn của trứng xuống dưới, đặt trong hũ đậy nắp thật kín, chôn xuống đất (khoảng 3 tháng hoặc lâu hơn).
Trứng vịt Bách Thảo sau khi bóc vỏ có thể ăn ngay mà không cần chế biến cầu kỳ. Nó như một món đồ nguội ăn khai vị và được ưa chuộng tại nhiều nơi:
Người Quảng Đông thường bọc xung quanh từng lát trứng Bách Thảo với nhiều lát gừng xắt mảnh.
Người Thượng Hải băm trộn trứng Bách Thảo với đậu phụ.
Ở Đài Loan, người ta thái trứng Bách Thảo thành từng lát, kế đó phủ lên mặt trứng đậu phụ lạnh với nước xốt Katsuobushi và dầu mè, tương tự như món Hiyayakko của người Nhật Bản.
Ở miền Bắc Trung Quốc, người ta phủ đậu phụ lạnh lên bề mặt trứng, thêm vào một ít gừng non xắt sợi nhuyễn, hành củ băm nhừ và rưới lên trên cùng một hỗn hợp nước xốt đậu nành hoặc dầu mè.
Tại Việt Nam, người ta ăn trứng bắc thảo sống với củ kiệu và tôm khô hoặc đem nấu cháo,... cũng như chế biến các món ăn cầu kỳ khác. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay rất chuộng món súp cua ăn cùng trứng vịt bắc thảo.
== Chú thích == |
Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), còn được gọi là tôm sông khổng lồ hay tôm nước ngọt khổng lồ là một loài tôm thuộc họ Tôm gai quan trọng về mặt thương mại. Nó được tìm thấy ở khắp các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ Ấn Độ đến Đông Nam Á và Bắc Úc. Tôm càng xanh cũng đã được giới thiệu đến các vùng của Châu Phi, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Châu Mỹ và Caribe. Nó là một trong những loài tôm nước ngọt lớn nhất trên thế giới và được nuôi trồng thủy sản rộng rãi ở một số quốc gia để làm thực phẩm. Trong khi M. rosenbergii được coi là loài nước ngọt, giai đoạn ấu trùng của nó phụ thuộc vào vùng nước lợ. Một khi cá thể tôm đã phát triển vượt qua giai đoạn sinh vật phù du và trở thành con non, nó sẽ sống hoàn toàn trong nước ngọt.Nó còn được gọi là tôm Malaysia, scampi nước ngọt (Ấn Độ), hoặc cherabin (Úc). Ở địa phương, nó được gọi là Golda Chingri ở Bangladesh, udang galah ở Indonesia và Malaysia, uwang hoặc ulang ở Philippines, và koong mae nam hoặc koong ghram gram ở Thái Lan.
M. rosenbergii có thể phát triển đến chiều dài hơn 30 cm. Chúng chủ yếu có màu nâu nhưng có thể khác nhau. Các cá thể nhỏ hơn có thể có màu xanh lục và hiển thị các sọc dọc mờ nhạt. Râu rất nổi bật và chứa 11 đến 14 răng lưng và 8 đến 11 răng bụng. Cặp chân đầu tiên dài và rất mỏng, kết thúc bằng những móng vuốt mỏng manh được sử dụng làm phần phụ ăn. Cặp chân đi bộ thứ hai lớn hơn nhiều và mạnh mẽ, đặc biệt là ở con đực. Các móng vuốt có thể di chuyển được của cặp chân đi bộ thứ hai được bao phủ bởi lớp lông dày đặc khiến nó có vẻ ngoài mượt mà như nhung. Màu sắc của móng vuốt ở con đực thay đổi tùy theo sự thống trị xã hội của chúng.Con cái có thể được phân biệt với con đực bởi phần bụng rộng hơn của chúng và cặp chân thứ hai nhỏ hơn. Các lỗ sinh dục được tìm thấy trên các đoạn cơ thể chứa cặp chân thứ năm và cặp chân thứ ba tương ứng ở con đực và con cái.
Khi giao phối, con đực đặt các ống sinh tinh ở mặt dưới của lồng ngực con cái, giữa các chân đi bộ. Sau đó, con cái sẽ đùn trứng, đi qua các ống sinh tinh. Con cái mang theo những quả trứng đã được thụ tinh cho đến khi chúng nở; thời gian có thể thay đổi tùy điều kiện, nhưng nói chung là dưới ba tuần. Con cái đẻ 10.000–50.000 trứng đến năm lần mỗi năm.Từ những quả trứng này nở ra giai đoạn ấu trùng đầu tiên của động vật giáp xác. Chúng trải qua một số giai đoạn ấu trùng trước khi biến đổi thành hậu ấu trùng, ở giai đoạn này chúng dài 7,1–9,9 mm và nhìn giống con trưởng thành. Sự biến đổi này thường diễn ra khoảng 32 đến 35 ngày sau khi nở. Những con hậu ấu trùng này sau đó sẽ di chuyển trở lại vùng nước ngọt. |
Bánh giọt mưa là một món tráng miệng được làm từ nước và thạch agar với hình dạng giống giọt mưa. Món ăn đã trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản và sau đó thu hút được sự chú ý từ quốc tế.
Ban đầu đây là một món tráng miệng có tên mizu shingen mochi (水信玄餅, thủy tín huyền bính), món ăn này là sự cải tiến từ món tráng miệng truyền thống của Nhật Bản shingen mochi (信玄餅, tín huyền bính).
Bánh giọt nước được làm từ nước khoáng và thạch agar; do đó, món ăn hầu như không có calo. Nguồn nước được lấy ở núi Kaikoma của dãy Alps phía Nam Nhật Bản, có vị ngọt nhẹ. Bột agar làm từ rong biển dành cho người ăn chay/thuần chay được dùng làm nguyên liệu thay thế cho gelatin. Sau khi đun nóng, hỗn hợp nước và bột agar được đổ vào khuôn làm nguội. Một loại xi-rô giống mật mía, có tên kuromitsu và bột đậu nành, được gọi là kinako, sẽ được để ra bên cạnh ăn kèm. Món bánh trông giống như một giọt mưa trong suốt, mặc dù nó cũng được so sánh với túi ngực và sứa. Món tráng miệng này khá vô vị, nó tan chảy khi đưa vào miệng và phải được ăn ngay lập tức, nếu không sẽ bắt đầu hóa lỏng và bay hơi sau khoảng hai mươi phút. |
Tàu hủ ky hay còn gọi là phù trúc (phụ trúc) hoặc váng đậu là một sản phẩm làm từ đậu nành. Trong quá trình nấu đậu, một lớp đậu mỏng chứa đạm và chất béo sẽ hình thành trên bề mặt nồi sữa đậu. Người ta sẽ vớt lớp màng mỏng này và phơi khô để thành tàu hũ ky.
Tàu hủ ky là từ mượn trong tiếng Tiều 豆腐支, trong khi phù trúc/phù chúc mượn từ tiếng Quảng Đông (tiếng Trung: 腐竹; Việt bính: fu6 zuk1)
Tàu hủ ky có thể được ăn ở dạng tươi hay khô. Tàu hủ ky được dùng trong các món chay, ragu, cà ri và để gói các loại há cảo Trung Quốc, gói chả giò.
Tàu hủ ky thường mỏng và rất dính, nên thường được xếp thành một xấp khi bán. Trước khi dùng, người ta cũng thường chiên sơ để tàu hủ ky được cứng hơn.
The Daily English Show, Show 144 Sunday 24 September trên YouTube
Ellen's Kitchen - glossary of soy related terms
History of Yuba |
Tôm là từ chỉ phần lớn các loài động vật giáp xác trong bộ giáp xác mười chân, ngoại trừ phân thứ bộ Cua bao gồm các loài cua, cáy và có thể là một phần của cận bộ Anomura bao gồm các loài tôm ở nhờ (ốc mượn hồn).
Chúng đa phần là động vật ăn tạp sống ở dưới nước, bao gồm các loài sống ở nước biển, như tôm hùm càng, và các loài sống ở vùng nước ngọt, như tôm đồng, và nước lợ, như tôm càng xanh. Di chuyển trong nước, chúng có thể bò bằng chân, bơi bằng khua chân, hoặc trong một số trường hợp bơi ngược bằng cách gập người để thoát hiểm - một kiểu bơi rất đặc trưng của nhiều loài tôm.
Hầu hết các loài tôm đều có thể là nguồn thức ăn giàu protein cho con người, trong đó có nhiều loại là thủy hải sản có giá trị thương mại rất cao.
Cụ thể các loài tôm được nằm trong các phân loại khoa học như sau:
Bộ Decapoda
Phân bộ Pleocyemata
Caridea: Tôm thực sự
Stenopodidea: Tôm sọc đỏ trắng
Polychelida: Các loài tôm chuyển tiếp giữa dạng tôm thực sự và tôm hùm, là các động vật giáp xác mù, sống ở đáy, giống tôm hùm.
Achelata: Nhóm tôm hùm không càng. Tôm hùm nuôi và đánh bắt ở Việt Nam thuộc nhóm này.
Glypheoidea: Tôm hùm glypheoid, đôi khi được gộp trong cận bộ Astacidea như là một siêu họ.
Astacidea: Hai nhóm (Astacoidea và Parastacoidea) tôm đồng, tôm sông, một nhóm tôm hùm thực sự (có càng) (Nephropoidea), và một nhóm tôm hùm đá ngầm (chi Enoplometopus).
Thalassinidea: "Tôm hùm bùn" và "tôm ma".
Anomura: Tôm ở nhờ
Phân bộ Dendrobranchiata: Tôm pan đan, tôm thẻ, tôm he.
Cơ thể của tôm, nhìn từ bề ngoài, có thể được phân chia thành hai phần: phần thứ nhất là đầu và ngực hợp nhất thành phần đầu ngực (tên khoa học là cephalothorax), và phần thứ hai là phần bụng dài hẹp.
Toàn bộ cơ thể của tôm được bảo vệ bằng lớp vỏ kitin cứng, trong đó phần vỏ ở phần đầu ngực, được gọi là vỏ giáp hay mai (tên khoa học là carapace), thường là cứng và dày hơn ở các phần khác. Vỏ giáp thường bao bọc cho mang và phần lớn các cơ quan nội tạng của tôm. Nước thường xuyên được bơm chảy qua mang nhờ vào chuyển động của các chân miệng . Một mũi nhọn và cứng, có thể có nhiều gai sắc, nhô ra ở phần đầu của mai, gọi là chủy, được dùng để tấn công hoặc phòng thủ, và cũng có thể giúp tôm giữ thăng bằng khi bơi ngược. Hai mắt lồi nhô ra từ mai, ở hai bên chủy. Chúng là mắt kép, có trường nhìn toàn cảnh và có khả năng nhận biết tốt các chuyển động xung quanh; tuy nhiên một số loài tôm mù không có thị lực phát triển do thích ứng với môi trường sống chui dưới bùn. Hai cặp ăng ten cũng nhô ra từ phía đầu vỏ giáp. Một trong hai cặp này rất dài, có thể dài gấp đôi chiều dài của thân tôm, và cặp còn lại ngắn. Các ăng ten có cảm biến xúc giác, khứu giác và vị giác. Các ăng ten dài giúp tôm định hướng trong môi trường, còn các ăng ten ngắn giúp đánh giá mức độ phù hợp của thức ăn hoặc con mồi . Có tám cặp chân mọc ra từ phần đầu ngực. Ba cặp đầu, tên khoa học maxilliped, là các chân hàm, để đưa thức ăn vào trong miệng và bơm nước qua mang. Ở loài crangon crangon, cặp chân đầu, maxillula, bơm nước qua khoang mang. Năm cặp còn lại, tên khoa học là pereiopod, tạo thành 10 chân bò của tôm. Ở loài crangon crangon, hai cặp chân bò đầu có càng để cắp thức ăn và đưa thức ăn vào miệng, hoặc dùng để chiến đấu hay tự vệ sinh; còn ba cặp sau, dài và mảnh, để bò hoặc đậu .
Phần bụng tôm, chứa chủ yếu là cơ bắp - tức là chứa chủ yếu phần thịt khai thác được trong thực phẩm cho con người, có sáu đốt. Mỗi đốt có vỏ bọc, lồng lên nhau, và các vỏ bọc này mỏng và mềm hơn phần vỏ giáp, đôi khi có thể trong suốt. Năm đốt đầu có các cặp chân bơi, tên khoa học là pleopod, có hình dạng như mái chèo, dùng khi tôm bơi theo chiều xuôi. Một số loài tôm dùng pleopod để chăm sóc trứng. Một số loài khác có thêm mang ở pleopod, hỗ trợ hô hấp. Tôm đực ở một số loài dùng một hoặc hai cặp pleopod đầu để đưa tinh trùng vào tôm cái. Đốt thứ sáu có chân đuôi, được gọi bằng tên khoa học là uropod. Đuôi cho phép tôm bơi ngược khi cảm thấy bị nguy hiểm, và khi tôm bơi theo chiều xuôi thì đuôi có chức năng dẫn hướng như bánh lái.
Các hệ thống cơ quan bên trong của tôm có thể được phân chia thành các nhóm: hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ cơ, hệ sinh dục, hệ tiết niệu.
Hệ thần kinh của tôm gồm có các đường dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ mắt và từ các ăng ten về bộ não nằm ở gần mắt, phía đầu của vỏ giáp, và các dây thần kinh từ não tỏa đến các cơ, để điều khiển vận động, và bộ phận cơ thể khác, dọc theo một trục đi ở phía dưới bụng tôm.
Hệ tiêu hóa của tôm gồm có miệng nằm gần các chân hàm, dẫn thức ăn vào khoang dạ dày, nằm ngay sau não bên trong vỏ giáp và chiếm một thể tích lớn bên trong vỏ giáp. Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày, sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột, là đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên của bụng (chạy dọc lưng), và chất thải được đi ra ở lỗ mở của ruột nằm ở đuôi tôm. Phía cuối dạ dày cũng có đường ống nối với gan, nằm ở phía sau dạ dày bên trong vỏ giáp, là nơi chất dinh dưỡng có thể được dự trữ.
Hệ hô hấp có các mang nằm ở sát hai bên thành của mai, phía bên trong mai , gần các chân hàm. Ở một số loài mang còn xuất hiện ở các chân bơi. Nước thường xuyên được chảy qua các mang để cung cấp oxy và mang đi khí cacbonic nhờ vào chuyển động của một số chân hàm, và chân bơi với các mang nằm ở gần chân bơi.
Hệ tim mạch gồm có tim nằm ở phía sau gan bên trong vỏ giáp và gần tiếp giáp với phần bụng, bơm máu, dẫn dinh dưỡng từ gan và dạ dày, và dẫn oxy từ hệ hô hấp, đến các bộ phận khác qua các mạch máu, gồm có mạch máu chạy dọc ở phần phía trên của bụng (chạy dọc lưng) song song với ruột, và các mạch máu dẫn xuống phía dưới ở trong vỏ giáp, và có thể có thêm mạch máu chạy dọc ở phần phía dưới của bụng, mạch máu đi đến phía đầu...
Hệ cơ gồm có các cơ nhỏ nằm trong chân và ăng ten, vận động chân và ăng ten, và một cơ lớn nằm trong bụng, chiếm phần lớn thể tích phần bụng, vận động bụng và đuôi.
Hệ sinh dục, ở tôm đực gồm có tinh hoàn nằm ở bên dưới tim và các ống dẫn tinh trùng xuống bên dưới ra các lỗ ở gốc của chân bò (pereiopod) thứ năm; còn ở tôm cái là các buồng trứng ở dưới tim và ống dẫn trứng xuống bên dưới ra các lỗ ở gốc của chân bò thứ ba. Sau khi tôm đực và tôm cái giao phối, các trứng đã thụ tinh bám vào bên dưới của các chân bơi của tôm cái, ngoại trừ tôm pan đan không ôm trứng bằng chân bơi .
Hệ tiết niệu gồm có thận, bàng quang và niệu đạo dẫn chất thải ra ngoài, tất cả nằm cạnh nhau và ở phía đầu của tôm, bên trong vỏ giáp, và phía trước miệng .
Lợi ích của tôm với sức khỏe con người
Tìm hiểu về DHA |
Tteokbokki hay Ddeobokki là món bánh gạo cay truyền thống của Triều Tiên , ngoài ra còn là một món ăn nhanh bình dân thường bán ở các quầy hàng ven đường (pojangmacha). Nó có nguồn gốc từ món tteok jjim (떡찜), một món ăn cung đình làm từ bánh dày thái mỏng thêm thịt, trứng và gia vị rồi nướng lên. Tteokbokki được chế biến bằng cách đun tteok nướng, thịt, rau, trứng, và gia vị với nước, rồi rắc lên trên các hạt ginkgo và hạt dẻ giã nhỏ. Món gungjung tteokbokki thì nguyên là một món ăn cung đình và là một món xào, làm từ garaetteok (가래떡, tteok cắt thành thỏi) cùng với nhiều thành phần khác như thịt bò, giá đỗ, hành, nấm hương, cà rốt, hành tây, và dùng nước tương để điều vị.
Ghi chép đầu tiên về tteok-bokki được xuất hiện trong Siuijeonseo, một cuốn sách dạy nấu ăn có từ thế kỷ 19, nơi món ăn được cho có tên gọi là steokbokgi. Cũng theo cuốn sách này, tteok-bokki được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, trong đó bao gồm tteokjjim (bánh gạo hấp), tteok-japchae (bánh gạo xào), và tteok-jeongol (lẩu bánh gạo). Ở trong cung đình, tteok-bokki được làm từ bánh gạo, thịt thăn, dầu mè, nước tương, hành lá, tai đá, hạt thông, và hạt mè nướng. Trong khi đó món tteok-bokki mặn, được làm từ nước tương trong ngôi nhà trưởng của gia tộc họ Yun, nơi sản xuất ra những loại nước tương có chất lượng cao, phiên bản này sử dụng thịt sườn bò là phổ biến. Tteok-bokki cũng đã xuất hiện trong ấn bản sửa đổi và mở rộng của quyển sách Joseon Yori Jebeop, nơi nó được mô tả như một món ăn mặn được làm từ nước tương.
Người Hàn Quốc tin rằng biến thể cay của tteok-bokki được làm bằng nước sốt gochujang xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950. Khi Ma Bok Lim khai trương một nhà hàng Trung Quốc, cô ấy đã vô tình làm rơi bánh gạo vào nước sốt cay và ăn nó, và cảm thấy rằng nó rất ngon. Sau đó, cô bắt đầu bán nó ở Sindang và từ đó trở thành biến thể phổ biến nhất của tteok-bokki. Ngày nay, món tteok-bokki thường được mua và ăn điển hình tại các bunsikjip (quán ăn nhanh) và pojangmacha (quầy hàng đường phố) có màu đỏ và cay, trong khi phiên bản không cay làm từ nước tương được gọi là gungjung-tteok-bokki ("tteok-bokki triều đình"). Cơm tteok ngày càng trở nên phổ biến khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển, và các phiên bản khác nhau của món ăn này đã nở rộ kể từ đó. Vì nó đã từng là một món ăn của tầng lớp lao động, bánh tteok được làm bằng lúa mì thường được thay thế cho bánh tteok gạo.
Như các món ăn Hàn Quốc cực kì phổ biến khác, tteok-bokki cũng có rất nhiều biến thể và sự kết hợp đa dạng khác. Trứng luộc hay há cảo chiên áp chảo được thêm vào như một phương thức truyền thống của các biến thể này. Ngoài ra, hải sản, thịt sườn rim, mì ăn liền hay mì tươi cũng đôi lúc được thêm vào món bánh gạo này. |
Hamburger Afghanistan (còn gọi là Hamburger Kabul) là một loại thức ăn nhanh dạng cuộn của Afghanistan bao gồm một miếng bánh mì Afghanistan cuộn kèm khoai tây chiên, cùng với tương ớt và các loại gia vị khác, thêm mớ rau và thường là xúc xích hoặc các loại thịt khác. Món này vay mượn ảnh hưởng từ ẩm thực Afghanistan và được dân nhập cư Afghanistan phổ biến bên trong Pakistan (đặc biệt là ở Islamabad vốn coi đây là một trong những món ăn đường phố chủ yếu của thành phố này cùng với Peshawar).
== Tham khảo == |
Bánh mì ổ nhỏ (Bread roll) là một ổ bánh mì rời cỡ nhỏ, thường có hình tròn hoặc thuôn dài được phục vụ như một món ăn kèm trong bữa ăn (ăn không hoặc phết với bơ) và thường phổ biến trong suất ăn hàng không. Bánh mì ổ nhỏ có thể được phục vụ và ăn nguyên ổ hoặc cũng thường được cắt ra và cho nhân vào nên kết quả của việc biến tấu này được coi là bánh mì kẹp (sandwich) trong tiếng Anh Mỹ và Anh. Bánh mì ổ nhỏ phổ biến ở Đông Âu, Bắc Âu và Tây Âu được biết đến với nhiều tên khác nhau. Một số ngôn ngữ châu Âu có nhiều thuật ngữ địa phương và phương ngữ cho bánh mì ổ nhỏ.
Có nhiều thuật ngữ chỉ về bánh mì ổ nhỏ ở Vương quốc Anh tùy thuộc vào khu vực. Bánh mì ổ nhỏ cũng thường trong thực đơn của những món thức ăn nhanh. Brötchen là một từ tiếng Đức được yêu thích, dùng để chỉ một ổ bánh mì nhỏ giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim và khẩu vị của những người đam mê bánh mì. Những món ăn mềm mịn này là một món ăn chính trong ẩm thực Đức, thường được thưởng thức vào bữa ăn sáng hoặc như một bữa ăn nhẹ trong ngày. Brötchen được biết đến với phần bên trong mềm và bên ngoài giòn, khiến nó trở thành món bánh bao hoàn hảo cho các loại nhân khác nhau như phô mai, thịt nguội hoặc mứt và như là một phần của di sản ẩm thực Đức
== Chú thích == |
Bánh khọt là loại bánh Việt Nam (chính xác là loại bánh đặc trưng của miền nam Việt Nam. Làm từ bột gạo hoặc bột sắn, có nhân tôm, được chiên và ăn kèm với rau sống, ớt tươi, thường ăn với nước mắm pha ngọt, rất ít khi chấm nước sốt mắm tôm (không phải mắm tôm hay mắm tôm chua).
Trong cách làm bánh khọt, chế bột là công đoạn quan trọng nhất. Cần chọn loại gạo (hoặc sắn) ngon để làm bột bánh. Thành phần làm bột bánh gồm gạo xay bột ướt, gạo nấu thành cơm và làm bún để nguội rồi xay đặc. Các loại bột trộn với nhau theo một tỷ lệ mà phần nhiều dựa vào kinh nghiệm. Hoặc bạn có thể mua bột bánh khọt ngoài tiệm.
Nhân bánh thường là loại tôm sắt tươi, to vừa phải, bóc vỏ. Chọn tôm và bóc vỏ tôm cho khéo để giữ màu sắc của con tôm cũng là công đoạn quan trọng.
Mỡ để rán bánh là loại mỡ heo phi hành và lá hẹ cho thơm, nhưng cần chú ý để lá hành và lá hẹ không bị cháy quá.
Để khuôn hình tròn vào chảo, lấy mỡ đã chế nóng tráng khuôn, đổ bánh vào trong khuôn, ấn con tôm vào giữa, đậy vung chờ bánh chín. Khi bánh chín, bột trở nên vàng, còn nhân tôm trở nên có màu đỏ. Lá hành và lá hẹ trong mỡ bám vào bánh tạo màu xanh.
Nước chấm (nước mắm) được chế biến từ nước mắm có pha với nước ấm, tỏi và nước chanh. Bánh Khọt (màu trắng) ở Vũng Tàu nước chấm có để kèm đu đủ xanh thái lát mỏng hoặc/và ngó sen ngâm cho ngấm. Rau sống ăn kèm.
Theo một số chuyên gia tư vấn thì bánh khọt cũng như nhiều món ăn miền Nam khác như bánh tằm bì, bánh xèo, chè xôi, bánh ít, bánh nếp... có sử dụng nước cốt dừa. Đây là loại chất béo thực vật có hàm lượng a xít béo no rất cao, có thể làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn li pid máu, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường loại 2... Dùng nhiều nước cốt dừa không có lợi cho sức khỏe.. Nhưng bên cạnh mặt có hại thì bánh khọt cũng có những mặt lợi như: Tôm và hành lá có trong bánh khọt cung cấp vitamin C, vitamin K và một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác, giúp cho xương chắc khỏe. Bà bầu ăn bánh khọt sẽ giúp cho xương chắc khỏe cả mẹ lẫn bé, tránh tình trạng loãng xương. |
Bánh đường là món tráng miệng đặc trưng của các nước Tây Âu như Thượng Pháp và Bỉ. Ở tỉnh Quebec và cộng đồng người Canada gốc Pháp trên khắp Canada thì bánh còn có tên gọi là tarte au sucre. Bánh đường cũng xuất hiện ở các bang miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Bánh đường là loại bánh có một lớp vỏ với nhân làm từ bột mì, bơ, muối, vani, kem sữa và đường nâu hoặc siro phong (thỉnh thoảng là cả hai). Khi nướng, các nguyên liệu này kết hợp với nhau tạo thành một hỗn hợp đồng nhất tương tự như caramen. Nếu sử dụng siro phong, nó có thể được gọi là bánh phong. Món tráng miệng có tên gọi là "bánh ngón tay" bởi vì bánh được khuấy bằng ngón tay trong khi nướng. Nó được khuấy như vậy là để ngăn không cho lớp vỏ bánh bị nứt.Phiên bản châu Âu có sự hao hao giống với chiếc "bánh trong suốt" của Hoa Kỳ (tên miền Trung Tây và miền Nam Hoa Kỳ của loại bánh hồ đào pecan không có hồ đào pecan), giống với bánh tart bơ của người Canada gốc Anh hoặc giống với bánh tart treacle của người Anh.
Phiên bản Indiana của bánh đường có tên gọi là bánh kem đường, được tin là có nguồn gốc từ người nhập cư Quaker từ miền bắc Carolina đầu thế kỷ 19, và sau đó định cư ở miền đông-trung Indiana, chủ yếu là quanh các thành phố New Castle, Portland, Richmond, và Winchester.
Người Amish cũng góp phần làm phổ biến bánh kem đường, khiến cho bánh trở nên dễ tìm kiếm ở nơi họ cư trú. Nói một cách cụ thể, bánh kem đường là món ăn được yêu thích ở khu vực người Đức Pennsylvania, tương tự như bánh shoofly, một món bánh tráng miệng. Người Shaker cũng có biến thể của loại bánh. Tuy nhiên, người Shaker đã từ bỏ cộng đồng ở West Union (Busro) (gần với Vincennes, Indiana ngày nay) vào năm 1827. Có vẻ như họ không phải là nhóm người làm món bánh tránh miệng này phổ biến ở bang.Nhà sản xuất lớn nhất của những chiếc bánh này là Wick's Pies, có nhà máy đặt tại Winchester, Indiana, và sản xuất 750.000 chiếc bánh kem đường mỗi năm. Công thức mà Wick's sử dụng lấy cảm hứng từ một công thức gia đình có nguồn gốc từ thế kỷ XIX. Bánh được bán ở 25 bang. |
Hủ tiếu gõ là một loại hình bán hủ tiếu phổ biến ở Việt Nam. Theo đó, người nấu có một xe đẩy (hoặc quầy) được đậu ở nơi cố định, thường là trên hè phố; và có thêm một hay một vài người sẽ đi bộ hoặc dùng các phương tiện di chuyển như xe đạp, xe máy... để len lỏi vào các ngỏ hẻm, từng căn hộ chung cư để tìm thực khách và nhận gọi món. Thường thì những người này có một bộ dụng cụ gồm hai thanh gỗ hoặc kim loại gõ vào nhau để phát ra âm thanh đặc trưng, dễ nhận biết thay cho tiếng rao.
Những người đi gõ thường là các trẻ em, con cái hoặc người thân trong gia đình của người nấu, họ kiêm luôn cả việc chạy bàn, bưng bê, nhận tiền. Mỗi xe hủ tiếu sẽ có từng tiếng gõ, nhịp điệu gõ đặc trưng. Thực khách khi có nhu cầu thì gọi người gõ vào, sau đó người này sẽ quay về vị trí đặt xe đẩy hủ tiếu để báo chế biến rồi lại đem đến tận nhà thực khách. Thực tế, đây chính là một loại hình đơn giản của kiểu kinh doanh giao hàng tận nơi.
Hủ tiếu gõ là món ăn bình dân đã tồn tại, gắn liền với người dân đô thị, dần trở thành một phần của ẩm thực của những thành phố và nó cũng là loại ẩm thực bình dân và đại trà nhất đại diện cho ẩm thực vỉa hè trong đêm, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Quán hủ tiếu thường nằm ở một vỉa hè trống, mọi thứ cũng chỉ gói gọn trong một chiếc xe nhỏ, phía bên dưới chứa được thùng nước lèo, người chế biến tận dụng tối đa chiếc xe kéo chất những bàn ghế, tô, đũa, thau, xô, nước...và những gia vị dùng trong việc làm ra tô hủ tiếu. Thực tế, họ còn bán thêm các món khác như hoành thánh, mì gói, mì sợi....
Hủ tiếu gõ ít khi bán buổi sáng mà thường từ khoảng 14-15 giờ chiều cho đến tận khuya. Nghề bán hủ tiếu gõ tuy không quá nặng nhọc nhưng cũng không nhẹ nhàng, người bán phải đi chợ từ sớm, chuẩn bị mọi thứ cho việc bán buổi chiều, rồi thức đêm bởi đây là món ăn khuya. Để có một gánh hủ tiếu bán đêm thì ngay sáng sớm họ phải len lỏi qua các chợ đầu mối để mua nguyên vật liệu từ thịt, giá, hẹ, tương, ớt, chanh... tất bật từ sáng đến trưa để chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Bán hủ tiếu gõ không cần khéo tay, cũng không cần nhiều vốn.Đa số những người bán hủ tiếu gõ là người từ miền Trung, nhất là ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.Hủ tiếu gõ thường có thành phần ít hơn một tô hủ tiếu trong quán, mỗi thứ một chút, một nắm hủ tiếu (sợi trắng mịn, nhỏ như sợi mì vằn thắn nhưng mềm hơn nhiều), ít giá trụng, vài lát thịt thăn thái mỏng, vài lát chả lợn thái mỏng, trứng cút, bò viên, rau, hẹ, hành khô và vài viên tóp mỡ béo, bùi, thơm bé bằng hạt đậu.Đa số những người ăn hủ tiếu là giải quyết cơn đói bụng tạm thời trong lúc gấp gáp hoặc những người đi chơi, đi làm về khuya tìm chút gì lót dạ cho dễ ngủ khi những hàng quán khác đã dọn hết. Ít ai lại chọn hủ tiếu gõ làm bữa ăn chính. Nó trở thành một thói quen ăn đêm của nhiều người vì vừa đơn giản, vừa vừa bình dân lại phù hợp với mọi túi tiền.
== Chú thích == |
Tōfu Hyakuchin (豆腐百珍, Đậu phụ bách trân) là cuốn sách dạy nấu ăn của Nhật Bản được xuất bản vào năm 1782 dưới thời Edo. Tên tác giả được gọi là Seikyōdōjin Kahitsujun (醒狂道人 何必醇, Tỉnh Cuồng Đạo Nhân Hà Tất Thuần); người ta cho rằng tên thật của ông là Sodani Gakusen (曽谷学川, Tăng Cốc Học Xuyên) (1738–1797), thợ khắc con dấu quê quán ở Osaka. Tác phẩm liệt kê tới 100 công thức chế biến đậu phụ. Do sách này được phổ biến rộng rãi mà tác giả cho ra mắt hai tập kế tiếp có nhan đề Tōfu Hyakuchin Zokuhen (豆腐百珍続編, Đậu phụ bách trân tục biên) và Tōfu Hyakuchin Yōroku (豆腐百珍余録, Đậu phụ bách trân dư lục). |
Andō Momofuku ORS (1910 - 2007) là doanh nhân người Nhật gốc Đài Loan đã sáng lập nên Công ty Thực phẩm Nissin. Ông cũng là người phát minh ra mì ăn liền và mì ly ăn liền.
Andō Momofuku có tên trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất do Tạp chí Time châu Á bình chọn .
Andō Momofuku có tên khai sinh là Ngô Bách Phúc, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Gia Nghĩa, Đài Loan. Lúc đó Đài Loan đang thuộc về Đế quốc Nhật Bản. Cha mẹ Andō mất khi ông còn nhỏ, nên sống với ông bà nội ở Đài NamÔng bà của Andō làm chủ một tiệm vải nhỏ, khi ông 22 tuổi đã tài trợ cho ông 190.000 yên để thành lập công ty dệt riêng vào năm 1932 tại quận Vĩnh Lạc (永樂町, Eirakuchō), Đài BắcNăm 1933, Andō tới Osaka, Nhật Bản để kinh doanh. Ông mở công ty Nhật Đông Thương hội ở Osaka, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Ông đồng thời cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan.
Năm 1948, ông bị buộc tội trốn thuế và ở tù hai năm. Trong cuốn tiểu sử, Andō viết rằng ông chỉ cấp học bổng cho sinh viên, đó là một cách trốn thuế. Sau khi mất công ty do vụ phá sản dây chuyền, Andō thành lập công ty khác mà sau này trở thành công ty Nissin. Công ty được bắt đầu ở Ikeda, Osaka. Đây là một công ty gia đình nhỏ, chuyên sản xuất muối .
Do Nhật Bản rất thiếu đồ ăn vào thời kỳ sau chiến tranh, Bộ Y tế đã khuyên mọi người nên ăn bánh mì làm bằng bột mì của Mỹ. Andō Momofuku đã trăn trở khi chứng kiến cảnh người dân Nhật nối đuôi nhau chờ mua những tô mì trong trời đêm giá lạnh. Andō tự hỏi tại sao họ khuyên ăn bánh mì thay vì sử dụng sợi mì, một loại thực phẩm mà người Nhật đã quen ăn. Bộ Y tế trả lời ông rằng, các công ty mì nhỏ quá và không có đủ khả năng cung cấp đồ ăn cho cả nước. Andō từ đó đã có ý định cải tiến quá trình sản xuất mì theo ý tưởng riêng của mình. Và để hiện thực hóa điều này, Ando đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua hàng trăm lần thí nghiệm. Khó nhất là làm thế nào để sợi mì có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay.
Ngày 25 tháng 8 năm 1958, sau nhiều lần thất bại, Andō cuối cùng hoàn thành quá trình chiên nhanh và sáng chế mì chiên trước khi ăn, được gọi Chikin Ramen (tiếng Nhật: チキンラーメン). Lúc ban đầu, loại thực phẩm này được coi là hàng xa xỉ vì có giá bằng 35 yên, gấp khoảng sáu lần giá mì Udon và Soba truyền thống thời đó. Để sợi mì có vị ngon, ông ngâm nó vào loại xúp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô và mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen ("chikin" là phiên âm Nhật cho từ tiếng Anh chicken) . Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào tô, rót nước sôi vào đậy kín, để trong vòng 3 đến 5 phút là ăn được ngay, hết sức tiện lợi .
Năm 1962, công ty của Ando chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mì ăn liền.
Năm 1964, Ando đã làm một "cử chỉ hào hiệp", chấm dứt độc quyền sản xuất mì ăn liền. Ông thành lập Hội Công nghiệp Mì sợi Nhật Bản và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác, để họ cùng được hưởng lợi.
Ngày 18 tháng 9 năm 1971, Andō bắt đầu bán mì cốc. Khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, giá được hạ xuống, và mì gói trở thành một nghề đem lại lợi nhuận caoNăm 1970, ông mở chi nhánh của Nissin đầu tiên tại Mỹ (từ năm 1963, công ty Nissin đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka).
Năm 2004, đã có khoảng 70 tỷ gói mì được bán ra. Đến năm 2007, Chikin Ramen được bán ở thị trường Nhật Bản với giá vào khoảng 60 yên tức vào khoảng 1/3 giá của một tô mì rẻ nhất ở nhà hàng Nhật.
Ông có vợ tên là Masako cùng hai người con trai, và một con gái.
Ông cho rằng bí quyết của sức khỏe ông là chơi golf và ăn Chikin Ramen gần như mỗi ngày. Người ta nói rằng ông vẫn ăn Ramen đến ngày trước khi chết.Năm 1999, Andō Momofuku lập "Nhà bảo tàng Mì Ramen" mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Andō Momofuku Instant Ramen Museum), cho mọi người đến tham quanAndō qua đời vào ngày 5 tháng 1 năm 2007 tại tỉnh Osaka do suy tim, thọ 96 tuổi.
Năm 2005, toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, như vậy bình quân mỗi người có 12 gói mì (trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói).
Viện Nghiên cứu Fuji (Nhật Bản) đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về những sản phẩm xuất khẩu tốt nhất của thế kỷ 20. Kết quả, người Nhật đã chọn mì ăn liền là phát minh số 1, trên cả karaoke, máy nghe nhạc Walkman và máy trò chơi Nintendo. Từ một món ăn thông dụng, mì ăn liền đã trở thành một trong các biểu tượng văn hóa của nước Nhật.
Người ta đánh giá phát minh mì ăn liền của ông: "như một cống hiến vĩ đại đã làm thay đổi thói quen ẩm thực của cả thế giới". Ông Andō Momofuku nhờ đó đã được tôn vinh là "Vua mì ăn liền" của mọi thời đại. |
Mắm tôm (tiếng Anh: shrimp paste) là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng. Nó còn là một loại gia vị lên men thường được sử dụng trong các món ăn Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.
Mắm tôm thường có 3 dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng.
Người làm mắm còn có thể thái cây bọ mắm rồi trộn với tôm cùng muối để chống giòi bọ. Nó là một thành phần thiết yếu trong nhiều món cà ri, nước sốt và sốt ớt sambal. Mắm tôm có trong nhiều bữa ăn ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trasi , (mắm tôm lên men của người Java; đánh vần thay thế: terasi), như đã được đề cập trong hai bản kinh tiếng Sundan cổ, Carita Purwaka Caruban Nagari và Mertasinga, đã xuất hiện ở Java trước thế kỷ thứ 6. Theo Carita Purwaka Caruban Nagari, Cirebon đã khiến Vua của Vương quốc Galuh tức giận sau khi họ ngừng cống nạp (dưới dạng mắm tôm và muối, các sản phẩm của vùng) cho ông. Ở Mertasinga, người ta đề cập rằng Cirebon đã bị tấn công bởi Vương quốc Galuh vì họ ngừng gửi trasi cho nhà vua.
Trasi là một trong những mặt hàng xuất khẩu phổ biến nhất của Java được các thương nhân từ các đảo lân cận và nước ngoài mua. Theo Purwaka Caruban Nagari, nhà thám hiểm người Hồi giáo Trung Quốc, Trịnh Hoà ở Vân Nam, từng mua cá trasi từ Cirebon và mang về quê hương. Ông là người đã giới thiệu trasi đến Trung Quốc, một loại gia vị nước ngoài sau này trở nên phổ biến và truyền cảm hứng cho người dân địa phương để làm ra phiên bản của riêng họ.
Năm 1707, William Dampier mô tả trassi (hay terasi, mắm tôm Indonesia) trong cuốn sách "Một chuyến đi mới vòng quanh thế giới"; "Một thành phần có mùi nồng, nhưng nó đã trở thành một bữa ăn rất ngon cho người dân bản địa." Dampier mô tả thêm nó giống như một hỗn hợp tôm và cá nhỏ được làm thành một loại dưa chua mềm với muối và nước, sau đó bột được đóng gói chặt chẽ trong một cái lọ bằng đất sét. Các men vi sinh thúc đẩy quá trình làm mềm cá và làm cho nó lên men. Sau đó, họ đổ hỗn hợp vào các lọ để bảo quản chúng. Dampier viết: “Xác cá nhão nhoẹt được gọi là trassi. "Mùi thơm rất mạnh. Tuy nhiên, sau khi thêm một ít phần của nó, hương vị của món ăn trở nên khá mặn."
Vào những năm 1880, trassi được Anna Forbes mô tả trong chuyến thăm đảo Ambon. Anna là vợ của nhà tự nhiên học người Anh Henry Ogg Forbes; cặp đôi đã đi du lịch qua Đông Ấn Hà Lan vào những năm 1880. Trong nhật ký của mình, cô ấy mô tả văn hóa, phong tục và truyền thống của người bản xứ, bao gồm cả truyền thống ẩm thực của họ. Vì thành phần có mùi hôi này, cô đã buộc tội đầu bếp của mình đã cố gắng đầu độc cô và vứt bỏ "gói nặng mùi" đó. Sau đó, cô viết: "Sau đó, tôi quan sát từng món ăn của người bản xứ hoặc người châu Âu, những món ăn mà tôi đã ăn kể từ khi đến phương Đông đều chứa đựng thứ này; bản chất của thứ thối rữa đó đã được sử dụng như một loại gia vị."
Kapi truyền thống được mô tả bởi Simon de La Loubère, một nhà ngoại giao người Pháp được Vua Louis XIV bổ nhiệm vào Hoàng gia Xiêm vào năm 1687. Trong một chương, "Liên quan đến Bàn của người Xiêm", ông viết: "Nước sốt của họ là đồng bằng, một chút nước với một số loại gia vị, tỏi, ớt, hoặc một số loại thảo mộc ngọt. Họ rất coi trọng một loại nước sốt lỏng, như mù tạt, chỉ là tôm càng bị hỏng, vì chúng không mặn; họ gọi nó là Capi.
Quá trình lên men mắm tôm bắt buộc phải sử dụng chính một loại enzyme có trong ruột của loài giáp xác này để lên men, các vi khuẩn phân huỷ khác phải bị kiềm chế bằng nồng độ muối khá cao trong mắm tôm. Nhờ đó hương vị chính của mắm tôm là hương vị của enzyme này tạo ra. Khi nào mùi vị của mắm tôm giống như mùi vị của ruột con tôm trong đầu con tôm tươi sống là có thể dùng được.
Mắm tôm có thể khác nhau về hình thức từ nước xốt lỏng nhạt đến dạng khối màu sô cô la đặc. Mắm tôm sản xuất tại Hồng Kông và Việt Nam thường có màu xám hồng nhạt; còn loại dùng để nấu ăn của Miến Điện, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam thì có màu nâu sẫm hơn. Ở Philippines, chúng thường có màu đỏ tươi hoặc hồng do sử dụng angkak (men gạo đỏ) làm chất tạo màu. Trong khi tất cả các loại mắm tôm đều có mùi thơm hăng, thì mùi của loại mắm tôm cao cấp hơn thường nhẹ hơn. Những phiên chợ gần các làng nghề sản xuất mắm tôm là nơi tốt nhất để có được sản phẩm chất lượng cao nhất. Mắm tôm khác nhau giữa các nền văn hóa châu Á khác nhau và có thể khác nhau về mùi, kết cấu và độ mặn.
Trong tín ngưỡng của người Việt Nam mắm tôm là thức ăn có tác dụng xua đuổi tà ma. Người ta cho rằng ma quỷ rất sợ loại mắm này, người ăn mắm tôm sẽ không bị ma quỷ làm hại. Để mắm tôm ở trong nhà sẽ tránh hồn ma hiện về.
Không chỉ người dân đồng bằng thích ăn mắm tôm mà rất nhiều người dân tộc miền núi cũng rất quý loại mắm này. Có một số người dân tộc miền núi còn có tục lệ là nhà dù nghèo đến mấy khi giỗ cha cũng phải có mắm tôm để cúng.
Mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã miền quê, nhất là những món miền Bắc như cà pháo dầm mắm tôm, nộm rau muống.
Mắm tôm thường được đánh với nước cốt chanh hay rượu trắng cho đến khi sủi bọt để dậy mùi và làm loãng, có thể thêm một chút xíu đường cho vị đỡ gắt.
Khi dùng làm nước chấm lòng lợn, thịt luộc, thịt chó thì có thể ăn kèm theo các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, hay riềng tươi, tùy theo loại thịt. Mắm tôm khi được dùng để ăn với bún đậu mắm tôm hay chả cá Lã Vọng có thể pha thêm một chút mỡ rán nóng.
Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu khi pha chế món rựa mận và giả cầy.
Các món nước như bún riêu và bún thang đều lấy vị mặn mòi của mắm tôm để quyện lấy các hương vị kia.
Mắm tôm tiếp tục được các gia đình ngư dân ở các làng biển làm ra. Họ bán nó cho các nhà cung cấp, người trung gian hoặc nhà phân phối đóng gói để bán lại cho người tiêu dùng. Mắm tôm thường được biết đến theo vùng miền vì kỹ thuật sản xuất và chất lượng khác nhau giữa các làng. Một số vùng ven biển ở Indonesia như Bagansiapiapi ở Riau, Indramayu và Cirebon ở Tây Java, và Sidoarjo ở Đông Java; cũng như các ngôi làng như Pulau Betong ở Malaysia hoặc đảo Ma Wan ở Hồng Kông và ở Vịnh Lingayen,Pangasinan ở Philippines nổi tiếng là nơi sản xuất mắm tôm chất lượng cao.
Tại vùng Gò Công, Tiền Giang, Tây Nam Bộ Việt Nam có loại mắm tôm chà đặc sản, từng là món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19. Nguyên liệu làm mắm là con tôm đất có nhiều gạch son. Tôm được làm sạch rồi ướp gia vị, cho vào cối quết nhuyễn. Người ta cẩn thận cho tôm giã nhuyễn vào rổ và chà mạnh để vỏ tôm tách khỏi thịt. Sau đó, phơi nắng tôm vài ngày tùy kỹ thuật gia truyền từng nhà. Sau đó chà qua rây (lưới lỗ li ti) để ép lấy phần thịt tôm, cho gia vị vào, đem phơi nắng tiếp độ mười ngày nửa tháng tùy con nắng có tốt không, lại để tiếp trong mát chừng nửa tháng nữa thì ăn được. Như vậy, từ "chà" ở đây là chà xát. Trung bình cứ chế biến 3 kg tôm bạc đất tươi sẽ cho 1 kg mắm thành phẩm. Loại mắm tôm chà ngon nhất có nước cốt màu đỏ tươi, là màu đỏ của gạch con tôm hòa với thịt con tôm đã "chín". Cách dùng phổ biến là mắm tôm chà về ăn với thịt ba rọi luộc cuốn với rau sống và bún tươi. Tuy nhiên loại đặc sản này hiện còn rất ít gia đình sản xuất theo quy trình truyền thống ở Gò Công.
Mắm tôm khá nặng mùi, giá không phải người sành sỏi thì rất khó phân biệt được mắm tôm còn tốt hay đã hỏng. Mặt khác nhiều người vẫn còn quan điểm sai lầm cho rằng mắm tôm càng nặng mùi càng ngon. Ngay cả khi mua về nếu không biết bảo quản mắm tôm cũng khiến mắm tôm rất dễ bị hỏng. Khi pha chế mắm tôm thì phải dùng luôn, không được pha chế rồi để dành lại cho lần sau.
Mắm tôm từng bị cấm tại Hà Nội do bị Bộ Y tế Việt Nam xem là một trong những nguyên nhân của dịch tiêu chảy cấp tính. Sau một thời gian, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã khẳng định nguyên nhân là thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề chứ không phải mắm tôm. |
Bít tết gà rán, còn được gọi là bít tết chiên đồng quê, là một món thịt chiên xù của Mỹ bao gồm một miếng thịt bò (thường là bít tết hình khối được làm mềm) được phủ một lớp bột dày rồi chiên trên chảo. Nó đôi khi được gắn liền với ẩm thực miền Nam Hoa Kỳ. Món ăn được tẩm bột và chiên với kỹ thuật tương tự như gà rán thông thường, do đó món ăn có tên gọi "gà rán".
Bít tết gà rán tương tự như món Wiener schnitzel của Áo và món milanesa của Ý - Nam Mỹ, là một miếng thịt bê hoặc thịt lợn làm mềm, được phủ một lớp bột mì, trứng, nước dùng gà và vụn bánh mì, sau đó đem đi chiên.
Nguồn gốc chính xác của món ăn này là không rõ ràng, nhưng nhiều thông tin cho rằng nó được phát triển bởi những người Đức và Áo nhập cư đến Texas vào thế kỷ 19, đã mang công thức chế biến món Wiener schnitzel từ châu Âu đến Mỹ. Lamesa, trung tâm của Hạt Dawson trên Đồng bằng Nam Texas, tuyên bố là nơi khai sinh của món bít tết gà rán, đồng thời tổ chức một buổi lễ kỷ niệm hàng năm tại đó.Cuốn sách The Virginia Housewife, được xuất bản năm 1838 bởi Mary Randolph, có một công thức chế biến cốt lết thịt bê, và là một trong những công thức chế biến món ăn tương tự như bít tết gà rán sớm nhất. Công thức chế biến món ăn mà ngày nay chúng ta gọi là bít tết gà rán đã được đưa vào nhiều sách dạy nấu ăn của vùng vào cuối thế kỷ 19. Chứng thực sớm nhất của Từ điển tiếng Anh Oxford về thuật ngữ "bít tết gà rán" là từ một quảng cáo nhà hàng Gazette trên tờ báo Colorado Springs ngày 19 tháng 6 năm 1914.Công thức trong cuốn sách dạy nấu ăn năm 1943 của Mỹ cho món Wiener schnitzel bao gồm nước sốt kem tiêu và muối trắng.Bít tết gà rán là một trong nhiều món ăn phổ biến làm nên bữa ăn chính của bang Oklahoma, được thêm vào danh sách năm 1988.
Bít tết gà rán được chế biến bằng cách lấy một miếng thịt bò cắt mỏng và nghiền nát nó bằng cách giã, cắt. Sau đó, nó được ngâm trong bột trứng và rắc bột mì có thêm muối, tiêu, cũng như các gia vị khác (gọi là tẩm bột). Nguyên liệu chiên theo truyền thống là chất béo shortening, nhưng bơ và mỡ lợn đôi khi cũng được sử dụng để thay thế. Những lo ngại về sức khỏe đã khiến nhiều đầu bếp thay thế shortening bằng dầu thực vật.
Khi có vấn đề về việc tách bánh mì khỏi thịt trong khi nấu, trước tiên có thể rắc hỗn hợp bột lên thịt, tiếp đó là trứng, rồi lại trộn với hỗn hợp bột, rồi để yên trong nửa giờ hoặc hơn trước khi nấu.
Những miếng thịt bò được sử dụng cho món bít tết gà rán thường là những loại có giá thành ít đắt đỏ hơn, ít được ưa chuộng hơn, chẳng hạn như bít tết dầm nát, nạt vai bò, thịt mông bò và đôi khi là bít tết sườn. Bít tết gà rán thường được phục vụ trong bữa trưa hoặc bữa tối với nước sốt kem và khoai tây nghiền, rau, cũng như bánh quy hoặc bánh mì nướng Texas. Ở Trung Tây, người ta cũng thường ăn bít tết gà rán trong bữa sáng, cùng với bánh mì nướng và bánh khoai tây bào chiên.
Bít tết có thể được phục vụ trên một chiếc bánh hamburger với nước thịt kem như một loại "sandwich bít tết gà rán". Nó cũng có thể được nghiền nát và nhồi trong khoai tây nướng chung với nước thịt và pho mát.
Ngoài ra, miếng bít tết đã được nghiền nát có thể được cắt thành dải, tẩm bột, chiên ngập dầu và phục vụ cho bữa sáng với trứng và bánh mì nướng.
Thông thường, ở Texas và các bang lân cận, bít tết gà rán được chiên ngập dầu hoặc chiên trong một lớp dầu dày trên chảo và dùng với nước thịt truyền thống có sữa.Tùy theo khu vực mà bít tết gà rán có thể được gọi là bít tết chiên đồng quê. Trong khi một số công thức và nhà hàng sử dụng nước thịt truyền thống pha sữa cho món bít tết chiên đồng quê, thì một biến tấu khác thường hay sử dụng nước hầm bò với hành tây, và đó là điểm khác biệt cơ bản giữa hai món ăn ở các khu vực phục vụ chúng. |
Jau gok hoặc Yau gok hay bánh quai vạc (tiếng Hán:油角, tiếng Hán Việt: du giác, bánh sừng (chiên) dầu) là một loại bánh thuộc Ẩm thực Hồng Kông của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nó phổ biến nhất vào những ngày Tết Trung Quốc và được tiêu thụ ở những vùng và cộng đồng nói tiếng Quảng Đông, trong đó có cả Hồng Kông và Malaysia.
Yau Gok có hình dạng như những cái thỏi vàng. Những cái bánh yau gok được làm ra giống như một loại tiền cổ của Trung Quốc (lượng vàng). Những người theo Đạo giáo quan niệm rằng khi ăn những chiếc bánh này sẽ đem lại tài lộc cho bạn. Trong một tài liệu được viết vào triều đại nhà Chu (1,056-256 B.C.E.), công thức làm yau gok đầu tiên được viết là: “ Lấy 2 phần cơm và một phần thịt, gấp lại rồi đem đi chiên.” Những nhà sử học không thể xác định được thời điểm xuất hiện của công thức, nhưng đa số họ đều đồng ý rằng đó chính là nguồn gốc của món ăn.
Những cái bành này trước kia được làm từ gạo nếp Sau khi tạo hình bánh, ta sẽ đem đi để chiên ngập dầu trong một cái wok. |
Rượu sim là một loại rượu đặc sản của Phú Quốc, Việt Nam được sản xuất truyền thống lên men tự nhiên từ trái sim rừng và đường cát trắng, có thể pha thêm rượu đã làm giàu để tăng nồng độ. Trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là hồng sim.
Trái sim chín rửa sạch, xay dập vỏ và ủ lên men tự nhiên với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (còn được giữ bí mật để cho ra được sản phẩm tốt) trong môi trường yếm khí từ 40 đến 45 ngày. Dưới tác dụng của men vi sinh tự nhiên có trên vỏ quả sim, đường có sẵn trong quả và đường cát trắng đã bổ sung được lên men thành rượu. Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng từ 10 -14%.
C6H12O6 → 2 CH3CH2OH + 2 CO2Những loại rượu sau không được coi là rượu sim: gồm sim tươi ngâm trực tiếp với rượu, cây sim (thân, rễ lá) ngâm rượu vì rượu sim truyền thống là loại rượu lên men tự nhiên từ trái sim. Một số sản phẩm rượu Sim đã sản xuất được ở Phú Quốc bao gồm: rượu Sim 39%vol, rượu Sim 30%vol, rượu vang Sim 12%vol (không qua chưng cất)....
Ở Phú Quốc có một số gia đình sản xuất rượu sim cung cấp cho thị trường khách du lịch ở đảo và được đăng ký nhãn hiệu chất lượng tại Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đảo Sim (Thành Long), Sim Sơn, Bảy Gáo.
Nói chung, trái sim tốt cho sức khỏe ở nhiều mặt. Công dụng thường thấy của Mật sim theo thông tin từ nhà sản xuất là trị tốt cho Hệ tiêu hóa, bị nặng bung,ăn không tiêu, nhất là khi ăn các hải sản giàu đạm và gỏi cá trích. Ngoài ra Mật sim còn có tác dụng trị các bệnh nhức mỏi thông thường, bổ máu, khí huyết lưu thông.
Mật sim rất được ưa chuộng như một thức uống có lợi cho sức khỏe. Thông thường thì có thể pha với nước đá để uống. Ngoài ra Mật sim còn là 1 nguyên liệu để pha cocktail. Mật sim nếu pha với rượu trắng (thường thì theo tỉ lệ 1:5) sẽ tạo ra được một loại rượu mới có mùi thơm và màu sắc đặc trưng của sim, vị rất ngon. |
Bì cuốn là món ăn làm từ thịt lợn (có da) thái mỏng, cuốn bằng bánh đa nem. Món ăn này thường dùng chung với nước mắm chanh đường tỏi ớt, dưa chua, củ cải trắng và cà rốt. |